07. Văn minh, rồi sao ?

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch

07. Văn minh, rồi sao ?

Ông ngoại tôi - tôi nghe họ trò chuyện trong buổi đêm, khi họ nghĩ rằng tôi đã ngủ - thường nói với bà: “Bà bảo tôi làm điều này thì tôi nghe lời bà, nhưng thằng bé là con trai của người khác và sớm muộn nó cũng trở về với cha mẹ nó. Chúng sẽ nói gì chứ? - ‘Ông bà không dạy thằng bé cách làm bất cứ việc gì, bất cứ nghi thức gì, thằng bé hoàn toàn là một đứa trẻ hoang dại’.”

Bà nói: “Đừng lo lắng về chuyện đó. Trong thế giới này mọi người đều là những người văn minh, kiểu cách, nghi thức - nhưng rồi họ thu được gì? Ông cũng là một người văn minh, ông có được gì từ nó? Chắc chắc rằng cha mẹ thằng bé sẽ tức giận với chúng ta. Thì sao? Cứ để cho chúng nổi giận. Dù sao chúng cũng không thể làm hại gì tới chúng ta - và cùng lúc đó thì chắc thằng bé đã đủ mạnh để cha mẹ nó không thể thay đổi phương hướng cuộc đời nó được nữa.”

Và tôi biết ơn người phụ nữ đó rất nhiều.

Ông tôi cứ tiếp tục lo lắng rằng sớm muộn ông cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Bà ngoại tôi thậm chí không cho phép bất cứ sự dạy dỗ nào lên tôi. Bởi vì ít nhất có một người đàn ông trong ngôi làng đó có thể dạy tôi một chút về chữ viết, toán học, một chút địa lý. Ông ấy đã học tới lớp bốn - lớp cao nhất của cấp thấp nhất, đó là những gì được gọi là giáo dục tiểu học tại Ấn Độ - nhưng dầu vậy ông ấy vẫn là người được giáo dục nhiều nhất trong ngôi làng.

Ông ngoại đã cố gắng hết sức để thuyết phục bà: “Anh ta có thể đến và dạy thằng bé. ít nhất nó sẽ biết bảng chữ cái alphabet, một chút toán. Vậy thì khi nó về với cha mẹ, chúng sẽ không nói rằng chúng ta đã hoàn toàn làm lãng phí bảy năm của nó.”

Nhưng bà tôi nói: “Cứ để chúng làm bất cứ gì chúng muốn sau bảy năm đó. Trong bảy năm này thằng bé phải được phát triển tự nhiên và tự nhiên nghĩa là chúng ta sẽ không can thiệp vào.” Lý lẽ của bà luôn là: “Ông cũng biết bảng chữ cái alphabet, thì sao chứ? Ông cũng biết toán học, thì sao chứ? Ông đã kiếm được một ít tiền, ông có muốn nó cũng kiếm một ít tiền và sống cuộc đời như ông?”

Vậy là đủ để khiến cho ông già ấy im lặng. Làm gì bây giờ? Ông đã ở trong tình thế khó khăn bởi vì ông không thể thuyết phục bà và ông cũng biết rằng chính ông sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm, những lời quở trách - chứ không phải bà. Ông biết cha tôi sẽ hỏi: “Cha đã làm gì vậy? Cha đã không làm gì sao?” Tất nhiên điều đó sẽ là một tình cảnh khó xử, nhưng “may mắn” thay ông ngoại tôi đã mất trước khi cha tôi có thể hỏi.

Nhưng thế rồi khi tôi trở lại cha tôi vẫn tiếp tục nói: “Ông ấy phải chịu trách nhiệm, ông ấy đã làm hư thằng nhỏ.” Lúc ấy tôi đã đủ mạnh và tôi đã phải làm rõ điểu đó với cha tôi: “Trước mặt con, đừng bao giờ nói một lời nào chống lại ông ngoại. Ông đã cứu con khỏi sự làm hư của cha, đó mới là nguyên do thực sự khiến cha phẫn nộ. Nhưng cha hãy vẫn còn có những đứa con khác kia mà, hãy cứ làm hư chúng. Và đến màn cuối cùng cha sẽ biết ai mới là người thực bị làm hư.”

Cha tôi có những đứa con khác, và ngày lại càng thêm nhiều đứa khác. Tôi thường chọc ông: “Cha hãy sinh thêm một đứa nữa đi, cho thành một tá luôn. Mười một làm gì? Mọi người sẽ hỏi ‘Anh có bao nhiêu đứa?’ Mười một nghe không hay lắm, một tá nghe ấn tượng hơn nhiều.”

Và trong những năm sau đó tôi vẫn thường nói với ông: “Cha hãy tiếp tục làm hư những đứa con khác của cha, con thì cứ luôn hoang dại và sẽ tiếp tục hoang dại như vậy”.

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho