Chương 50: Đi vào nguồn gốc

Sách của những bí mật - Tập 4
Book of secrets - Volume 4
Osho

Chương 50: Đi vào nguồn gốc

23 tháng 5 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ

Câu hỏi 1

Tối qua thầy đã nói rằng nếu thay đổi cái bên ngoài, cái bên trong vẫn giữ nguyên không đổi, không chuyển hóa. Nhưng chẳng lẽ thực phẩm phù hợp, lao động hợp lý, ngủ tốt, có hoạt động và hành vi đúng đắn không phải là những yếu tố quan trọng đổi với sự chuyển hóa nội tại sao? Bỏ qua hoàn toàn cái bên ngoài có phải là một sai lầm không?

Cái bên ngoài không thể thay đổi cái bên trong, nhưng cái bên ngoài có thể hỗ trợ hoặc có thể cản trở. Cái bên ngoài tạo ra một hoàn cảnh để cái bên trong có thể bùng nổ dễ dàng hơn. Vấn đề cần nhớ là: sự biến đổi bên ngoài không phải là sự biến đổi bên trong. Ngay cả nếu bạn đã thực hiện mọi thứ và hoàn cảnh có sẵn, thì cái bên trong cũng sẽ không bùng nổ. Hoàn cảnh là cần thiết, nó hữu ích, nhưng nó không phải là sự biến đổi. Và với những ai trở nên bận tâm với cái bên ngoài thì...

Cái bên ngoài là một hiện tượng rộng lớn. Bạn có thể tiếp tục thay đổi trong nhiều kiếp và bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn, và vẫn còn cái này hay cái khác cần thay đổi, bởi vì nếu cái bên trong không thay đổi thì cái bên ngoài sẽ không bao giờ hoàn hảo. Bạn có thể liên tục thay đổi và đánh bóng và điều chỉnh nó. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Bạn sẽ không bao giờ tới được một trạng thái mà bạn có thể cảm thấy “Bây giờ, cánh đồng đã sẵn sàng” Rất nhiều người đã lãng phí nhiều kiếp sống của họ.

Nếu tâm trí bạn trở nên bị ám ảnh với cái bên ngoài - với thực phẩm, với trang phục, với hành vi... Tôi không nói hãy bỏ mặc chúng. Không, điều tôi muốn nói là, đừng bị ám ảnh với chúng. Chúng có thể giúp ích, nhưng chúng có thể trở thành những trở ngại rất lớn nếu tâm trí bạn bị ám ảnh. Thế rồi điều đó trở thành một sự né tránh, bạn chỉ đang trì hoãn sự thay đổi bên trong. Và bạn có thể vẫn liên tục thay đổi cái bên ngoài. Thậm chí cái bên trong không được chạm đến, cái bên trong vẫn giữ nguyên như cũ.

Bạn có thể đã nghe một truyền thuyết cổ Ấn Độ. Trong ‘Panchtantra’ kể rằng có một con chuột rất sợ một con mèo; nó liên tục sống trong sợ hãi, lo lắng. Nó không thể ngủ: nó đã mơ về con mèo và nó run rẩy. Một nhà ma thuật vì thương hại nên đã biến con chuột này thành một con mèo. Cái bên ngoài đã thay đổi, nhưng ngay lập tức con chuột đó bây giờ trong hình hài con mèo thì lại sợ con chó. Nỗi lo lắng vẫn như thế; chỉ có đối tượng đã thay đổi. Trước đây nỗi sợ là con mèo, bây giờ là con chó. Sự run rẩy vẫn tiếp tục, nỗi khốn khổ vẫn còn nguyên, nỗi sợ vẫn ám ảnh ngay cả trong những giấc mơ.

Thế nên nhà ma thuật đã biến con mèo đó thành một con chó. Ngay lập tức con chó trở nên sợ con hổ, bởi vì con chuột bên trong vẫn còn đó. Con chuột đã không thay đổi; chỉ có những hình tướng, cái bên ngoài đã thay đổi. vẫn còn nguyên nỗi lo lắng đó, bệnh tật đó, nỗi sợ đó. Nhà ma thuật biến con chó này thành một con hổ. Ngay lập tức con chuột bên trong con sư tử trở nên sợ người thợ săn. Vì thế nhà ma thuật nói với con chuột, “Bây giờ hãy trở lại làm một con chuột, bởi vì ta có thể thay đổi hình dạng của mi nhưng ta không thể biến đổi mi. Mi có tâm hồn của một con chuột, nên ta có thể làm gì được đây?” Tâm hồn của một con chuột.

Bạn có thể liên tục thay đổi cái bên ngoài, nhưng tâm hồn con chuột vẫn giữ nguyên. Và tâm hồn đó gây ra nhiều vấn đề. Hình dạng sẽ thay đổi, tướng mạo sẽ thay đổi, nhưng cái cốt lõi sẽ vẫn giữ nguyên. Và điều đó không tạo ra khác biệt, dù bạn sợ con mèo, hay sợ con chó, hay sợ con hổ. Vấn đề không phải là bạn sợ cái gì; vấn đề là bạn sợ.

Sự nhấn mạnh của tôi là: bạn phải luôn nhận biết rằng nỗ lực bên ngoài của bạn không nên trở thành sự thay thế cho sự chuyển hóa bên trong. Đấy là một chuyện. Hãy tận dụng mọi sự trợ giúp có thể. Dùng thực phẩm phù hợp là điều tốt, nhưng bị ám ảnh với thực phẩm lại là điều vô nghĩa và điên khùng. Có hành vi đúng đắn là điều tốt, nhưng trở nên ám ảnh với nó lại là loạn thần kinh. Bạn không nên trở thành điên khùng vì bất cứ điều gì.

Ở Ấn Độ có nhiều môn phái sannyasin, họ bị ám ảnh với thực phẩm. Cả ngày họ chỉ nghĩ về đồ ăn: ăn gì và không ăn gì; ai nên chuẩn bị nấu nướng và ai không nên. Có một lần tôi đã du hành cùng một sannyasin. Anh ta chỉ uống sữa, và chỉ là sữa bò, và chỉ từ những con bò trắng; nếu không anh ta sẽ đi mà không ăn. Người này thật điên khùng.

Nên nhớ điều này: cái bên trong là quan trọng, ý nghĩa. Cái bên ngoài trợ giúp, nó tốt, nhưng bạn không được tập trung vào nó. Nó không được trở nên quá quan trọng đến mức cái bên trong bị lãng quên. Cái bên trong phải giữ nguyên là bên trong và là trung tâm, và nếu có thể, cái bên ngoài nên được thay đổi chỉ như một sự trợ giúp.

Đừng bỏ qua nó hoàn toàn. Không cần phải bỏ qua nó, bởi vì thực ra cái bên ngoài cũng là một phần của cái bên trong. Đó không phải là một cái gì đó đối lập với nó, đó không phải là một cái gì đó mâu thuẫn với nó, đó không phải là một cái gì đó bị áp đặt lên bạn - nó là chính bạn. Nhưng cái bên trong là trung tâm, và cái bên ngoài là ngoại vi. Thế nên chỉ chú ý đến ngoại vi, chu vi, đường biên trong một mức độ cần thiết - bởi đường biên không phải là ngôi nhà. Cho nên hãy quan tâm đến nó nhưng đừng trở nên điên khùng vì nó.

Tâm trí chúng ta luôn cố tìm cách né tránh. Nếu bạn có thể trở nên bận tâm với thực phẩm, tình dục, quần áo, cơ thể, thì tâm trí bạn sẽ thoải mái, bởi vì bây giờ bạn sẽ không đi vào bên trong. Bây giờ không cần phải thay đổi tâm trí. Bây giờ không cần phải hủy diệt tâm trí, vượt lên tâm trí. Với sự thay đổi thực phẩm, vẫn tâm trí đó có thể tồn tại. Bạn có thể ăn cái này hay cái kia - vẫn tâm trí đó có thể tồn tại. Chỉ khi bạn đi vào trong... bạn càng đi vào trong thì tâm trí này, tâm trí mà bạn đang có càng phải chấm dứt. Con đường bên trong là con đường hướng tới không-tâm trí.

Tâm trí trở nên sợ hãi. Nó sẽ cố tìm ra lối thoát nào đó - một cái gì đó liên quan đến cái bên ngoài. Thế rồi tâm trí có thể tồn tại như nó là vậy. Bất cứ điều gì bạn làm cũng không tạo ra sự khác biệt. Cho dù bạn làm bất cứ điều gì - tâm hí này vẫn có thể tồn tại, và tâm trí này có thể tìm ra những cách thức để giữ nguyên như cũ. Và đôi khi, khi bạn vật lộn với lối ra tự nhiên, tâm trí bạn sẽ tìm ra những lối ra lệch lạc nguy hiểm hơn. Không những không trợ giúp mà chúng còn sẽ trở thành những sự cản trở.

Tôi nghe kể rằng Mulla Nasrudin bị ngã cầu thang. Chân ông bị gãy, nên phải bó thạch cao, và ông được dặn rằng trong ba tháng không được lên xuống cầu thang. Sau ba tháng ông đến bác sĩ và thạch cao được dỡ ra. Mulla hỏi, “Bây giờ tôi có thể đi lên đi xuống cầu thang được chưa?”

Bác sĩ nói, “Bây giờ ông có thể đi. Ông hoàn toàn ổn”.

Mulla nói, “Bây giờ tôi rất hạnh phúc, thưa bác sĩ. Ông không thể tin tôi hạnh phúc như thế nào đâu. Thật nguy hiểm khi cả ngày cứ phải lên xuống theo đường ống thoát mưa. Suốt ba tháng, hàng ngày cứ lên xuống theo đường ông thoát mưa - điều đó thật bất tiện, và tất cả hàng xóm đều cười tôi. Nhưng ông đã nói tôi không được lên xuống cầu thang, nên tôi phải tìm ra cách”.

Đây là điều mọi người đang làm. Nếu một lối ra bị chặn thì buộc phải xảy ra sự lệch lạc. Và bạn không biết những cách thức của tâm trí - chúng rất khôn khéo và rất tinh vi. Nhiều người đến với tôi cùng những vấn đề của họ. Vấn đề có vẻ là rõ ràng - nhưng không phải vậy. Mọi vấn đề có vẻ hiển nhiên, rõ ràng - nhưng không phải vậy. Sâu bên trong một cái gì đó được ẩn giấu, và nếu một cái gì đó không được biết đến, được bỏ đi, được vượt lên, thì vấn đề sẽ vẫn giữ nguyên. Nó sẽ thay đổi hình dạng của nó.

Ai đó đang hút thuốc quá nhiều và anh ta muốn bỏ. Nhưng chính việc hút thuốc không phải là vấn đề, vấn đề là cái gì đó khác. Bạn có thể bỏ hút thuốc, nhưng vấn đề sẽ vẫn còn nguyên, và nó sẽ phải tìm lối ra thông qua một cái gì đó khác. Khi nào thì bạn hút thuốc? Khi bạn lo âu, căng thẳng, bạn bắt đầu hút thuốc, và việc hút thuốc trợ giúp bạn. Bạn cảm thấy tự tin hơn, bạn cảm thấy thư giãn hơn.

Chỉ bởi việc bỏ hút thì sự bồn chồn của bạn sẽ không thay đổi. Bạn sẽ cảm thấy bồn chồn, bạn sẽ cảm thấy lo âu; sự lo âu sẽ xuất hiện. Thế rồi bạn sẽ làm cái gì đó khác. Và bạn có thể tìm ra một cái gì đó như là một sự thay thế đẹp; nó có vẻ rất khác. Bạn có thể làm bất cứ điều gì. Bạn có thể sử dụng một câu mật chú thay vì hút, và bất cứ khi nào bạn cảm thấy bồn chồn bạn có thể nói, Ram, Ram, Ram - hay bất cứ thứ gì một cách liên tục.

Bạn làm gì với việc hút thuốc? Nó chính là một câu mật chú. Bạn rít vào và nhả ra, bạn rít vào và nhả ra - điều đó trở thành một sự lặp lại. Vì sự lặp lại này mà bạn cảm thấy thư giãn. Lặp lại bất cứ điều gì và điều tương tự sẽ xảy ra. Nhưng nếu bạn đang sử dụng một câu mật chú và nói, Ram, Ram, Ram, không có ai sẽ nói rằng bạn đang làm điều gì đó sai. Và vấn đề vẫn như vậy.

Vấn đề đã không thay đổi; chỉ có bạn đã thay đổi mánh lới. Trước đây bạn đã thực hiện điều đó thông qua hút thuốc; bây giờ bạn đang thực hiện điều đó thông qua ngôn từ. Sự lặp lại trợ giúp; bất cứ điều vô nghĩa nào cũng sẽ trợ giúp. Bạn chỉ phải lặp lại nó liên tục. Khi bạn lặp lại một điều, nó mang đến sự thư giãn, bởi vì nó tạo ra một dạng nhàm chán. Nhàm chán là thư giãn. Bạn có thể làm bất cứ điều gì để tạo ra sự nhàm chán.

Nếu bạn hút thuốc, mọi người sẽ nói rằng điều đó là sai. Và nếu bạn tụng một câu mật chú, sẽ không có ai nói rằng đó là sai. Nhưng nếu vấn đề vẫn giữ nguyên thì tôi nói rằng nó cũng là sai - thực ra, nó còn nguy hiểm hơn thứ trước đó, bởi vì với hút thuốc bạn nhận thức rằng điều đó là sai. Bây giờ, với việc tụng câu mật chú này, bạn không nhận ra, và căn bệnh mà bạn không nhận ra này còn nguy hiểm hơn và tai hại hơn.

Bạn có thể thực hiện bất kỳ điều gì trên bề mặt, nhưng nếu gốc rễ sâu hơn không được thay đổi thì không có gì xảy ra. Cho nên với cái bên ngoài, nên nhớ: hãy nhận ra nó, và đi từ bề mặt vào tận gốc và tìm cho ra gốc rễ - tại sao bạn lại lo lắng? Một người nào đó đang ăn quá nhiều. Điều đó có thể dừng lại. Bạn có thể ép buộc mình không ăn quá nhiều. Nhưng tại sao con người lại ăn quá nhiều? Tại sao? Bởi vì đây không chỉ là nhu cầu của cơ thể, ở đâu đó tâm trí đang can thiệp. Một cái gì đó phải được làm với tâm trí, bởi đó không phải là vấn đề của cơ thể. Tại sao bạn cứ liên tục nhồi nhét mình?

Ám ảnh quá nhiều với thực phẩm lại là một nhu cầu tình yêu. Nếu bạn không được yêu bạn sẽ ăn nhiều. Nếu bạn được yêu và bạn có thể yêu, bạn sẽ ăn ít. Bất cứ khi nào ai đó yêu bạn, bạn không thể ăn nhiều. Tình yêu làm cho bạn no, bạn không cảm thấy đói. Khi không có tình yêu, bạn cảm thấy trống rỗng; một cái gì đó phải được nhồi vào - bạn liên tục nhồi nhét thực phẩm.

Và có những nguyên nhân gốc rễ về điều đó, bởi vì cuộc gặp gỡ đầu tiên của đứa trẻ là đồng thời với tình yêu và thực phẩm. Cũng từ vú, từ cùng một người mẹ, mà nó có được thực phẩm và tình yêu - thực phẩm và tình yêu trở nên có liên hệ với nhau. Nếu người mẹ yêu thương thì đứa trẻ sẽ không bao giờ bú nhiều sữa. Không có nhu cầu. Nó luôn được an toàn trong tình yêu của mình; nó biết rằng bất cứ khi nào có nhu cầu thì thức ăn sẽ xuất hiện, sữa sẽ có đó, người mẹ sẽ có đó. Nó cảm thấy an toàn. Nhưng nếu người mẹ không yêu thương thì nó bất an. Thế rồi nó không biết là khi nó cảm thấy đói, thực phẩm có xuất hiện không, bởi vì không có tình yêu thương. Nó sẽ ăn nhiều hơn. Và điều này vẫn tiếp diễn. Điều đó sẽ trở thành một căn nguyên vô thức.

Bạn có thể liên tục thay đổi thực phẩm của mình - ăn cái này, ăn cái kia, không ăn cái này - nhưng điều đó không tạo ra khác biệt, bởi vì nguyên nhân gốc rễ vẫn còn nguyên. Thế rồi nếu bạn ngưng nhồi nhét thức ăn vào cơ thể mình, bạn sẽ bắt đầu nhồi nhét cái gì đó khác. Và có nhiều cách. Nếu bạn ngừng việc ăn quá nhiều bạn có thể bắt đầu tích lũy tiền. Khi đó bạn lại phải được nhồi nhét bởi một cái gì đó; thế thì bạn liên tục tích lũy tiền.

Hãy quan sát thật kỹ, và bạn sẽ thấy rằng người nào tích lũy tiền thì không bao giờ sống trong tình yêu, không thể như vậy, bởi vì thực ra việc tích lũy tiền là một sự thay thế. Bây giờ anh ta sẽ cảm thấy an toàn với tiền. Khi bạn được yêu thì không có gì bất an; trong tình yêu mọi nỗi sợ biến mất. Trong tình yêu không có tương lai, không có quá khứ. Thời điểm này là đủ, chính thời điểm này là vĩnh hằng. Bạn được chấp nhận. Không có nỗi lo về tương lai, về những gì sẽ xuất hiện ngày mai - trong tình yêu không có ngày mai.

Nhưng nếu không có tình yêu thì có ngày mai. Điều gì sẽ xảy ra? Phải tích lũy tiền, bởi vì bạn không thể trông chờ vào bất cứ ai. Cho nên phải trông cậy vào vật chất, trông cậy vào tiền và của cải. Có người nói, “Hãy hiến tặng tiền của bạn. Đừng tích lũy tiền. Đừng lệ thuộc vào tiền”. Nhưng đây là những thứ bên ngoài, bởi vì nhu cầu bên trong sẽ vẫn như cũ - thế thì anh ta sẽ tích lũy một cái gì đó khác.

Nếu nguyên nhân gốc rễ không được triệt bỏ thì bít lối ra này bạn sẽ lại tìm lối ra khác. Vậy nên đừng quá quan tâm đến cải bên ngoài. Hãy nhận ra bất cứ điều gì là tính cách bên ngoài của bạn. Hãy nhận biết nó, hãy cảnh giác, và luôn đi từ ngoại vi vào tận gốc để tìm ra nguyên nhân là gì. Dù có xáo trộn thế nào cũng đi vào tận gốc rễ. Khi bạn biết gốc rễ, khi gốc rễ bị phơi ra... Nên nhớ luật này: gốc rễ chỉ có thể tồn tại trong bóng tối - không chỉ gốc rễ của cây, mà gốc rễ của bất cứ thứ gì. Chúng chỉ có thể tồn tại trong bóng tối. Khi chúng bị mang ra ánh sáng, chúng chết.

Thế nên, hãy hoạt động cùng với ngoại vi của bạn; đào sâu vào nó cho tới tận gốc rễ, và mang gốc rễ ra trước ý thức, ra ánh sáng. Khi bạn đã tới tận gốc rễ, nó đơn giản biến mất. Bạn không phải làm bất cứ điều gì về nó. Bạn phải làm điều gì đó chỉ bởi vì bạn không biết đâu là vấn đề. Khi vấn đề được hiểu ra thì nó sẽ biến mất. Điều đầu tiên: hiểu đúng vấn đề, hiểu ra gốc rễ của vấn đề thì vấn đề sẽ biến mất.

Điều thứ hai: bất cứ điều gì bạn làm thì đều là bên ngoài; đó không phải là toàn bộ con người bạn. Cho nên đừng phán xét một người qua những hành động của người đó, bởi vì hành động là rất nhất thời. Bạn nhìn thấy một người đang giận dữ, và bạn có thể phán xét rằng người này ngập trong tâm trạng căm ghét, bạo lực, thù hận. Nhưng thời điểm sau, sự giận dữ biến mất, người đó lại trở nên tràn đầy tình yêu thương, và một hương thơm khác, một sự nở hoa khác xuất hiện trên gương mặt người đó. Cơn giận đó chỉ là nhất thời. Đừng phán xét toàn bộ con người. Nhưng tình yêu này cũng là nhất thời. Đừng phán xét toàn bộ con người bởi tình yêu này.

Dù bạn đã làm gì thì cũng không phải là tổng thể con người bạn. Những hành động của bạn vẫn giữ nguyên là nhất thời - là một phần của bạn, tất nhiên, nhưng tính toàn bộ của bạn vượt lên chúng. Ngay lập tức bạn có thể khác đi. Và bất cứ điều gì được biết về bạn thông qua hành vi của bạn, những hành động của bạn, những việc làm của bạn, bạn có thể làm ngược lại. Có thể bạn đã là một vị thánh: bạn có thể trở thành một tội đồ ngay lúc này. Không ai có thể tưởng tượng rằng bạn, một vị thánh, lại có thể làm điều này. Bạn có thể làm điều đó. Điều đó không phải là không thể hình dung. Bạn có thể đã là một tội đồ cho đến thời điểm này, và thời điểm sau bạn có thể nhảy ra khỏi nó.

Điều tôi đang nói là, cái bên trong của bạn quá bao la và quá kỳ diệu đến mức nó không thể bị phán xét bởi cái bên ngoài của bạn. Cái bên ngoài của bạn vẫn giữ nguyên hời hợt, là ngẫu nhiên. Tôi sẽ lặp lại điều đó. Cái bên ngoài của bạn vẫn giữ nguyên là ngẫu nhiên, cái bên trong của bạn là cốt lõi. Thế nên, hãy nhớ khám phá cái bên trong, và đừng dính mắc vào cái bên ngoài.

Một điều nữa: cái bên ngoài luôn luôn là của quá khứ. Nó luôn luôn như đã chết, bởi vì bất cứ điều gì bạn đã làm, thì bạn đã làm rồi. Nó luôn luôn là của quá khứ, nó không bao giờ sống động. Cái bên trong luôn luôn sống động, nó ở đây và bây giờ, và cái bên ngoài luôn luôn như chết. Nếu bạn biết tôi - bất cứ điều gì tôi đã làm và đã nói - bạn chỉ biết quá khứ của tôi, bạn không biết chính tôi. Tôi ở đây, người đang sống. Đó là cái bên trong của tôi, và dù bạn có biết gì về tôi cũng chỉ là cái bên ngoài. Nó đã qua rồi, nó không còn đó nữa.

Bạn hãy tỉnh táo quan sát điều đó. Dù bạn đã làm gì thì điều đó cũng không phải là một sự ràng buộc lên bạn. Thực ra nó không còn nữa; nó chỉ là một ký ức. Và bạn lớn lao hơn nó. Bạn có những khả năng vô hạn. Chỉ ngẫu nhiên mà bạn là một tội đồ hay là một vị thánh. Chỉ ngẫu nhiên mà bạn là người Cơ Đốc hay người Hindu. Nhưng bản thể cốt lõi nhất của bạn lại không phải là ngẫu nhiên; nó là cốt lõi.

Sự nhấn mạnh về cái bên trong là sự nhấn mạnh về cái cốt lõi này. Và cái bên trong đó vẫn tự do, nó là sự tự do. Cái bên ngoài là sự lệ thuộc, bởi vì bạn có thể biết cái bên ngoài chỉ khi nó đã xảy ra; bạn không thể làm bất cứ điều gì về nó. Bạn có thể làm gì về quá khứ của mình? Nó không thể được làm lại, bạn không thể đi ngược lại. Bạn không thể làm bất cứ điều gì với quá khứ; nó là sự lệ thuộc.

Nếu bạn hiểu điều đó một cách đúng đắn thì bạn có thể hiểu thuyết về nghiệp, thuyết về hành vi. Thuyết này - một trong những phần cốt lõi nhất của nhận thức Hindu - là trừ khi bạn vượt lên nghiệp, bạn không tự do; nếu bạn không vượt lên mọi hành động, bạn sẽ vẫn bị ràng buộc. Đừng chú ý quá nhiều đến cái bên ngoài, đừng bị ám ảnh về nó. Hãy sử dụng nó như là một sự trợ giúp, nhưng liên tục nhớ rằng cái bên trong phải được khám phá.

Những kỹ thuật mà chúng ta đang thảo luận ở đây là cho cái bên trong, để làm sao khám phá ra nó. Tôi sẽ tiết lộ cho bạn một điều. Từng có những truyền thống... Ví dụ, một trong những truyền thống tôn giáo quan trọng nhất là Jain giáo. Nhưng Jain giáo lại chú ý quá nhiều đến cái bên ngoài; quá nhiều đến mức họ hoàn toàn quên rằng có thứ gì đó giống như thiền, có thứ gì đó giống như khoa học về yoga. Họ đã quên hoàn toàn.

Họ hoàn toàn quên nó. Họ bị ám ảnh với thực phẩm, với quần áo, với giấc ngủ, với mọi thứ - nhưng không có nỗ lực nào cho thiền. Không phải là trong truyền thống nguyên thủy của họ không có thiền, bởi vì không có tôn giáo nào có thể ra đời mà lại không có nó, nhưng họ lại quá ám ảnh với cái bên ngoài ở đâu đó. Nó trở nên rất quan trọng đến mức họ đã hoàn toàn quên rằng toàn bộ bối cành này chỉ là một sự trợ giúp; nó không phải là mục tiêu.

Bạn ăn gì không phải là mục tiêu. Bạn là gì mới là mục tiêu. Nếu thói quen ăn uống của bạn giúp bạn khám phá ra con người mình thì điều đó là tốt. Điều đó là tốt. Nhưng bạn trở nên chỉ ám ảnh với việc ăn uống, liên tục nghĩ về nó thì bạn đã lỡ giá trị. Thế thì bạn là một kẻ nghiện ăn. Bạn bị điên, loạn thần kinh.

Câu hỏi 2

Phải chăng mọi kỹ thuật thiền thực ra là những việc làm để hướng người tìm kiếm tới bản thể của mình?

Về phương diện nào đó thì nó là như thế, nhưng ở mức độ sâu sắc hơn thì không phải thế. Các kỹ thuật thiền là những việc làm, bởi vì bạn được khuyên làm một cái gì đó. Thậm chí thiền cũng là làm một cái gì đó, thậm ngồi tĩnh lặng cũng là làm một cái gì đó, thậm chí không làm gì cũng là một dạng làm. Cho nên ở mức độ hời hợt, mọi kỹ thuật thiền đều là làm. Nhưng ở mức sâu sắc hơn thì chúng không phải như thế, bởi vì nếu bạn thành công với chúng, sự làm biến mất.

Chỉ lúc ban đầu thì nó biểu hiện như một nỗ lực. Nếu bạn thành công với nó, nỗ lực biến mất và toàn bộ vấn đề trở thành tự phát và phi nỗ lực. Nếu bạn thành công với nó, đó không phải là một dạng làm. Khi đó bạn không cần đến nỗ lực nào. Nó trở nên như hơi thở - nó có đó. Nhưng ban đầu buộc phải có nỗ lực, bởi vì tâm trí không thể làm bất cứ điều gì mà không có nỗ lực. Nếu bạn bảo nó hãy là phi nỗ lực thì toàn bộ vấn đề có vẻ vô lý.

Zen nhấn mạnh nhiều về phi nỗ lực, bậc thầy nói với môn đệ, “Chỉ ngồi. Không làm bất cứ điều gì”. Và người môn đệ cố gắng. Tất nhiên, bạn có thể làm gì ngoài cố gắng? Người môn đệ cố gắng chỉ để ngồi, và anh ta cố gắng chỉ để ngồi, và anh ta cố không làm gì, và bậc thầy đánh cây gậy vào đầu anh ta và nói, “Đừng làm thế này! Tôi đã không nói với bạn cố gắng ngồi, bởi vì điều đó lại trở thành nỗ lực. Và đừng cố gắng để không làm bất cứ điều gì, bởi vì đó cũng là một dạng làm. Đơn giản chỉ ngồi!”

Nếu tôi nói bạn đơn giản chỉ ngồi, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ làm điều gì đó và nó sẽ biến thành không phải là đơn giản ngồi; một nỗ lực sẽ đi vào. Bạn sẽ ngồi với một nỗ lực; sẽ có sự căng thẳng. Bạn không thể đơn giản chỉ ngồi. Điều đó có vẻ kỳ lạ, nhưng lúc bạn cố gắng ngồi một cách đơn giản, nó đã trở nên phức tạp. Chính nỗ lực để đơn giản ngồi lại biến nó thành phức tạp. Vậy. phải làm gì?

Nhiều năm trôi qua và người môn đệ vẫn cứ ngồi và bị bậc thầy quở trách, phê phán ràng mình đang bỏ lỡ giá trị. Nhưng anh ta vẫn cử tiếp tục, và mỗi ngày anh ta đều thất bại, bởi vì có nỗ lực. Và anh ta không thể đánh lừa được bậc thầy. Nhưng vào một ngày, chỉ kiên nhẫn ngồi, ngay cả ý thức để ngồi cũng đơn giản biến mất. Vào một ngày bỗng nhiên anh ta đang ngồi - giống như cây hay giống như tảng đá - không làm bất cứ điều gì. Và bậc thầy nói, “Đây là tư thế đúng. Bây giờ bạn đã đạt được. Bây giờ hãy nhớ điều này. Đây là cách ngồi”. Nhưng phải kiên nhẫn và nỗ lực lâu dài để đạt được phi nỗ lực.

Ban đầu sẽ có nỗ lực, sẽ cố làm, như là một thói xấu cần thiết, nhưng chỉ lúc ban đầu. Bạn phải liên tục nhớ rằng bạn phải vượt lên nó. Phải xuất hiện thời điểm khi mà bạn đang không làm bất cứ điều gì về thiền - chỉ ở đó và nó xảy ra; chỉ ngồi hay đứng và nó xảy ra; không làm bất cứ điều gì, chỉ nhận biết, và nó xảy ra.

Tất cả những kỹ thuật này là để giúp bạn đến với thời điểm phi nỗ lực. Sự chuyển hóa bên trong, sự thực chứng bên trong, không thể xảy ra thông qua nỗ lực, bởi vì nỗ lực là một dạng căng thẳng. Với nỗ lực bạn không thể hoàn toàn thư giãn; nỗ lực này sẽ trở thành rào cản. Với nền tảng này trong tâm trí, nếu bạn nỗ lực, dần dần bạn cũng sẽ trở nên có khả năng rời bỏ nó.

Điều đó giống như bơi. Nếu bạn biết về bơi, bạn biết rằng lúc ban đầu bạn phải nỗ lực - nhưng chỉ lúc ban đầu. Khi bạn biết cảm giác về nó, khi bạn biết nó là gì, nỗ lực không còn; bạn có thể bơi mà không cần lỗ lực. Và thậm chí một người bơi giỏi cũng không thể nói bơi là gì, chính xác mình đang làm gì. Anh ta không thể giải thích cho bạn mình đang làm gì. Thực ra anh ta đang không làm bất cứ điều gì. Anh ta đang đơn giản cho phép mình có mối quan hệ đối ứng với nước, với dòng sông. Thực sự anh ta đang không làm bất cứ điều gì. Nếu anh ta vẫn đang làm thì anh ta không phải là một chuyên gia bơi - anh ta vẫn là nghiệp dư, vẫn đang học hỏi.

Tôi sẽ kể cho bạn một giai thoại. Ở Miến Điện có một nhà sư Phật giáo được giao việc thiết kế một ngôi đền mới, đặc biệt là ý tưởng thiết kế cổng. Ông đã vẽ nhiều bản thiết kế. Ông có một đệ tử rất tài năng, nên ông nói người đệ tử phải ở bên ông. Khi ông đang làm công việc thiết kế, người đệ tử chỉ quan sát, và nếu anh ta thích thì anh phải nói bản thiết kế này đạt, nó phù hợp. Nếu không thích, anh ta phải nói không. Và người thầy nói,:“Chỉ khi bạn nói đạt rồi thì tôi mới gửi bản thiết kế đi. Nếu bạn vẫn nói không được thì tôi phải bỏ nó đi và sẽ thiết kế bản mới”.Hàng trăm bản thiết kế đã bị loại bỏ theo cách này. Ba tháng trôi qua. Ngay cả bậc thầy cũng trở nên sợ, nhưng ông đã nói nên ông phải giữ lời. Người đệ tử ở đó, người thầy vẽ, và sau đó người đệ tử nói không đạt. Người thầy lại bắt đầu bản thiết kế khác.

Vào một ngày, mực sắp cạn, nên bậc thầy nói, “Hãy ra ngoài và mang thêm mực về”. Người đệ tử nghe lời thầy và đi ra ngoài. Người thầy đã quên anh ta, quên hẳn sự có mặt của anh ta, và ông đã trở nên phi nỗ lực. Sự hiện diện của anh ta là vấn đề. Trong đầu ông thường xuyên có ý tưởng rằng người đệ tử này đang đánh giá. Ông cứ tự hỏi rằng anh ta có thích nó hay không, để rồi ông lại phải bỏ nó đi. Điều này gây ra nỗi lo lắng bên trong nên người thầy không thể vẽ một cách tự nhiên.

Trong lúc người đệ tử ra ngoài, bản thiết kế đã được hoàn thiện. Khi người đệ tử quay trở lại, nhìn thấy bản thiết kế anh liền nói, “Tuyệt vời! Nhưng tại sao thầy không thể thiết kế được như thế này trước đó?”

Bậc thầy nói, “Bây giờ tôi hiểu tại sao? - bởi vì bạn ở đây. Chỉ vì bạn mà tôi đã nỗ lực để được bạn chấp thuận. Nỗ lực đã hủy hoại toàn bộ vấn đề. Tôi không thể tự nhiên, tôi không thể tuôn chảy, tôi không thể quên bản thân mình vì sự có mặt của bạn”.

Mỗi khi bạn thiền, chính nỗ lực mà bạn đang thực hành nó, chính ý tưởng muốn thiền thành công lại là rào cản. Hãy nhận thức về điều đó. Cứ tiếp tục thực hành, và trở nên nhận thức về nó. Sẽ đến một ngày... chỉ nhờ kiên nhẫn mà sẽ đến ngày không còn nỗ lực. Thực ra, bạn không có đó, chỉ có thiền. Điều đó có thể mất một thời gian dài. Nó không thể được dự đoán, không ai có thể nói khi nào nó sẽ xảy ra. Bởi vì nếu đạt được điều gì đó bởi nỗ lực thì nó có thể được dự đoán - rằng nếu bạn rất nỗ lực thực hiện điều này thì bạn sẽ thành công - nhưng thiền sẽ thành công chỉ khi bạn trở nên phi nỗ lực. Chính vì vậy mà không gì có thể được dự đoán. Không thể nói khi nào bạn sẽ thành công. Bạn có thể thành công ngay lúc này, và bạn có thể không thành công trong nhiều kiếp.

Toàn bộ vấn đề xoay quanh một điều - khi nỗ lực của bạn không còn và bạn trở nên tự nhiên, khi thiền của bạn không phải là một hành động mà trở thành tồn tại của bạn, khi thiền của bạn chỉ như là tình yêu...

Bạn không thể làm được gì về tình yêu. Nếu bạn làm bất cứ điều gì, bạn làm hỏng nó. Nó sẽ trở nên mất tự nhiên. Nó sẽ không đi sâu. Bạn sẽ không ở trong nó. Nó sẽ trở thành một diễn xuất. Tình yêu hiện hữu - bạn không thể làm bất cứ điều gì về nó.

Bạn cũng không thể làm bất cứ điều gì về thiền. Nhưng tôi không có ý nói là không làm gì cả, bởi vì thế thì bạn sẽ vẫn giữ nguyên là bất cứ điều gì bạn đang là. Bạn phải làm một cái gì đó, với ý thức sâu sắc rằng bạn sẽ không đạt được chỉ bởi làm. Sự làm chỉ cần đến ở giai đoạn ban đầu. Người ta không thể bỏ qua nó; con người phải trải qua nó. Nhưng con người phải trải qua nó, phải vượt lên nó, và phải đạt được một sự thả nổi phi nỗ lực.

Con đường này thật gian khó và rất mâu thuẫn. Bạn không thể tìm ra điều gì mâu thuẫn hơn thiền. Mâu thuẫn bởi vì nó phải được bắt đầu như một nỗ lực và nó phải kết thúc như phi nỗ lực. Nhưng điều đó xảy ra. Theo logic, có thể bạn không thể hình dung rằng nó xảy ra nóng bỏng như thế, nhưng nó xảy ra thông qua trải nghiệm. Sẽ đến một ngày bạn chán ngấy sự nỗ lực của mình. Nó rơi xuống.

Điều đó đã xảy ra với Phật theo cách như thế. Trong suốt sáu năm người đã nỗ lực hết sức có thể. Không con người nào đã bị ám ảnh với việc trở nên chứng ngộ đến mức như thế. Người đã làm mọi thứ mình có thể làm. Người đi từ người thầy này tới người thầy khác, và bất cứ điều gì người được dạy thì người cũng thực hành một cách hoàn hảo. Đó là vấn đề, bởi vì không người thầy nào có thể nói với người, “Bạn đang không thực hành tốt, chính vì vậy mà bạn không đạt được”. Đó là điều không thể. Người đã thực hiện tốt hơn bất cứ bậc thầy nào, nên các thầy đều phải thừa nhận. Họ nói, “Chúng tôi dạy như thế này là nhiều lắm rồi. Ngoài điều này chúng tôi không biết gì hơn, bạn đi đến nơi khác xem sao”.

Người là một môn đệ nguy hiểm - và chỉ những môn đệ nguy hiểm mới đạt được. Người đã học mọi thứ có thể. Người làm theo bất cứ điều gì được chỉ dẫn - tuyệt đối theo lời chỉ dẫn. Sau đó người đến với bậc thầy và nói, “Tôi đã thực hành điều đó, nhưng không có gì xuất hiện. Vậy tiếp theo là gì?”

Những người thầy sẽ nói, “Bạn hãy đến nơi nào đó khác. Có một người thầy ở Himalaya - hãy đến đó”. Hay, “Có một người thầy ở khu rừng nào đó - hãy đến đó. Chúng tôi không biết gì hơn điều này”.

Người đã đi vòng quanh trong sáu năm. Người đã làm mọi điều có thể làm, tất cả những điều mà con người có thể làm, và thế rồi người chán nản. Tất cả đều có vẻ phù phiếm, vô ích, vô nghĩa. Vào một đêm người xả bỏ mọi nỗ lực. Người đang ngồi dưới gốc cây Bồ đề, và nói, “Bây giờ mọi thứ đã kết thúc. Trên thế gian không cỏ gì, và trong sự tìm kiếm tâm linh này cũng không có gì. Bây giờ chẳng có gì để mình làm. Mọi thứ đều đã kết thúc. Không chỉ thế giới này, mà cả thế giới khác nữa”. Bỗng nhiên mọi nỗ lực biến mất. Người trống rỗng. Bởi vì khi không có gì để làm thì tâm trí không thể hoạt động. Tâm trí hoạt động chỉ bởi vì có một cái gì đó để làm - động cơ nào đó, mục tiêu nào đó. Tâm trí vận động bởi một cái gì đó có thể, một cái gì đó có thể đạt được, tương lai đó. Nếu không phải hôm nay thì là ngày mai, nhưng có khả năng rằng con người có thể đạt được - thế nên tâm trí hoạt động.

Đêm đó Phật đã tới một điểm chết. Thực ra, người đã chết ngay chính khoảnh khắc đó, bởi vì không có tương lai. Không có gì để đạt được, và không có gì có thể đạt được - “Mình đã thực hiện mọi điều. Toàn bộ thế giới này là phù phiếm và toàn bộ tồn tại này là một cơn ác mộng”. Không chỉ thế giới vật chất trở nên phù phiếm, mà cả thế giới tinh thần nữa. Người thư giãn. Không phải là người đã làm một cái gì đó để thư giãn. Đây chính là điều mấu chốt cần hiểu rõ: không có gì để căng thẳng, nên người thư giãn. Người không tạo ra bất cứ nỗ lực nào để thư giãn.

Người đang không cố để thư giãn dưới cây Bồ đề đó. Không có gì để làm, không có gì để phải căng thẳng, không có gì để ước mong, không có tương lai, không còn hy vọng. Đêm đó người người hoàn toàn tuyệt vọng - buông xuôi. Sự thư giãn xảy ra. Bạn không thể thư giãn, bởi vì vẫn có cái này hay cái khác để đạt được. Chúng cứ khuấy động tâm trí bạn; bạn vẫn cứ quay cuồng. Đột nhiên sự quay cuồng chấm dứt, bánh xe đó dừng lại - Phật thư giãn và rơi vào giấc ngủ.

Buổi sáng khi người thức dậy, ngôi sao cuối cùng đang lặn. Người nhìn ngôi sao cuối cùng biến mất, và với sự biến mất của ngôi sao cuối cùng, người cũng hoàn toàn biến mất, người trở thành một người chứng ngộ. Sau đó mọi người bắt đầu hỏi, “Làm sao thầy đạt được điều này? Làm cách nào? Đâu là phương pháp?”

Bây giờ bạn có thể hiểu điều khó khăn của Phật. Nếu người nói rằng mình đã đạt được thông qua những phương pháp nào đó, thế thì người đã nói sai, bởi vì người đã đạt được chỉ khi không còn phương pháp nào. Nếu người nói rằng mình đã đạt được bằng nổ lực, thì người cũng nói sai, bởi vì người đã đạt được chỉ khi không còn nỗ lực nào. Nhưng người nói, “Đừng tạo ra bất cứ nỗ lực nào và bạn sẽ đạt được”, thế thì người cũng sai, bởi vì sáu năm nỗ lực là nền tảng cho trạng thái phi nỗ lực đó của người. Không có sự nỗ lực đó, sáu năm nỗ lực gian nan đó, thì không thể đạt được trạng thái phi-nỗ-lực này. Chỉ bởi sự nỗ lực điên khùng đó mà người đã đến một cực đỉnh và không còn nơi nào để đi tiếp; người thư giãn và rơi vào thung lũng.

Điều này phải được ghi nhớ vì nhiều lý do. Nỗ lực tinh thần là hiện tượng mâu thuẫn nhất. Phải tạo ra nỗ lực trong khi hoàn toàn ý thức rằng không gì có thể đạt được thông qua nỗ lực. Phải tạo ra nỗ lực chỉ để đạt được phi-nỗ-lực, chỉ để đạt được trạng thái phi nỗ lực. Nhưng đừng buông lơi nỗ lực của bạn, bởi vì nếu bạn buông lơi bạn sẽ không bao giờ đạt được sự thư giãn như đã xảy đến với Phật. Bạn phải không ngừng thực hiện mọi nỗ lực, chỉ bằng toàn bộ nỗ lực, bạn đạt tới thời khắc sự thư giãn tự động xảy đến với mình.

Ví dụ, bạn có thể nhìn nhận điều đó theo một cách khác. Như tôi thấy, ở phương Tây, bản ngã đã là điểm trung tâm: sự mãn nguyện của bản ngã, sự phát triển của bản ngã, sự đạt được một bản ngã mạnh, đã là toàn bộ nỗ lực của phương Tây. Ở phương Đông, vấn đề lại là làm sao để đạt được phi bản ngã, làm sao trở thành vô ngã, làm sao lãng quên, buông bỏ, làm tan biến mình hoàn toàn để bạn không còn. Phương Đông đã cố gắng để đạt đến vô ngã. Phương Tây đã cố gắng để đạt đến bản ngã hoàn hảo.

Nhưng đây là mâu thuẫn của nhiều vấn đề: nếu bạn không có một bản ngã rất phát triển, bạn không thể buông bỏ. Bạn có thể buông bỏ chỉ nếu bạn có một bản ngã tuyệt đối rõ ràng. Nếu không bạn không thể buông bỏ, bởi vì ai sẽ buông bỏ? Cho nên với tôi, cả hai đều nửa vời và cả hai đều là đau khổ - cả Đông và Tây. Bởi vì phương Đông đã tập trung vào vô ngã, mà nó là phần kết, và phần đầu bị bỏ lỡ.

Ai sẽ buông bỏ bản ngã? Không có đỉnh thì ai sẽ tạo ra thung lũng? Thung lũng chỉ được tạo ra quanh một đỉnh. Đỉnh càng cao thì thung lũng càng sâu. Nếu bạn không có một bản ngã, hay có một bản ngã rất mờ nhạt thì sự buông bỏ là điều không thể. Hay, sự buông bỏ của bạn sẽ là một sự buông bỏ hời hợt, tàm tạm. Không có gì sẽ xuất hiện từ đó; sẽ không có sự bùng nổ.

Phương Tây đã rất chú trọng đến phần khởi đầu. Thế nên bạn có thể liên tục phát triển bản ngã của mình. Điều này sẽ tạo ra ngày càng nhiều lo lắng hơn. Và khi bạn đã thực sự tạo ra nó, bạn không biết phải làm gì với nó, bởi vì không có phần kết thúc.

Đối với tôi, sự tìm kiếm tâm linh là cả hai. Hãy tạo ra một đỉnh rất cao, một bản ngã hoàn hảo, chỉ để làm tan biến nó. Điều đó có vẻ vô lý - chỉ để làm tan biến nó, chỉ để đạt được sự buông bỏ sâu sắc, chỉ để làm mất nó ở đâu đó. Và bạn không thể làm mất cái gì đó mà bạn không có. Nên theo quan điểm của tôi thì nhân loại phải được huấn luyện đồng thời theo cả hai chiều hướng: giúp mọi người tạo ra một bản ngã hoàn hảo, một bản ngã toàn vẹn - nhưng đây mới chỉ là một nửa hành trình - và sau đó, giúp họ buông bỏ nó.

Đỉnh càng cao thì thung lũng sẽ càng sâu. Bản ngã càng mạnh thì bạn sẽ càng đi sâu vào sự buông bỏ của mình. Và điều này là cho mọi thứ. Trên con đường tâm linh, hãy ghi nhớ sự mâu thuẫn liên tục này. Đừng quên nó dù chỉ trong một khoảnh khắc. Hãy trở thành những bản ngã hoàn hảo để bạn có thể buông bỏ, để bạn có thể tan biến, tan rã. Thực hiện mọi nỗ lực mà bạn có thể, chỉ để đạt tới khoảnh khắc khi nỗ lực rời bỏ hạn và bạn hoàn toàn phi nỗ lực.

Câu hỏi 3

Tối qua thầy đã nói rằng tâm trí càng phát triển thì chúng ta càng biết rằng bản chất của tâm trí là lẫn lộn, nhưng liệu sự phát triển đó của tâm trí có dẫn tới sự rõ ràng không?

Bất cứ điều gì tôi vừa nói cũng liên quan đến điều này.

Đúng, nó dẫn bạn tới sự rõ ràng, bởi vì chỉ khi bạn có một tâm trí rất trưởng thành thì bạn mới trở nên nhận ra rằng bạn lẫn lộn. Thậm chí để trở nên nhận ra rằng tâm trí là sự hỗn độn thì phải cần đến một tâm trí rất phát triển. Những người không nhận ra rằng tâm trí họ là sự hỗn độn thực sự không phải là những tâm trí trưởng thành. Họ là trẻ con, thiếu niên, vẫn còn đang phát triển. Chỉ có tâm trí rất trưởng thành mới có thể trở nên nhận ra phẩm chất của tâm trí, đó là sự hỗn độn. Và khi bạn đã phát triển tâm trí, chỉ khi đó thiền mới có thể, bởi vì thiền là mục tiêu đối lập.

Thiền có nghĩa là phi-tâm-trí. Nhưng làm sao bạn có thể đạt được phi-tâm-trí nếu bạn chưa đạt được một tâm trí? Thế nên đạt được tâm trí chỉ để làm mất nó. Và đừng nghĩ rằng việc đạt được tâm trí có ích gì nếu cuối cùng con người phải đạt tới trạng thái không tâm trí? - bởi vì nếu bạn không đạt được một tâm trí, cái tối thượng sẽ không xảy đến với bạn. Điều đó có thể xảy ra chỉ nếu tâm trí có đó. Vì thế tôi không chống lại tâm trí, tôi không chống lại tri thức. Thực ra, tôi không chống lại bất cứ điều gì. Tôi ủng hộ mọi thứ, bởi vì mọi thứ đều có thể được sử dụng để đạt tới cực đối lập.

Có sự phân cực, và không thể đạt tới cực đối lập nếu không có sự phân cực. Người điên thì không thể thiền. Tại sao? Bởi vì người đó không có tâm trí. Nhưng trạng thái không-tâm-trí này không phải là trạng thái không tâm trí của Đức Phật. Không-tâm-trí có thể có hai chiều hướng: dưới tâm trí và trên tâm trí. Trên tâm trí cũng là không tâm trí, và dưới tâm trí cũng là không tâm trí. Bạn có thể rơi xuống từ tâm trí: tâm trí không còn, nhưng như thế cũng không phải là thiền. Bạn phải vượt lên tâm trí, chỉ khi đó mới đạt được trạng thái không tâm trí của Phật. Và hãy luôn nhớ điều này, bởi vì chúng rất giống nhau nên bạn có thể hiểu sai toàn bộ vấn đề. Chúng quá giống nhau.

Ví dụ, trẻ con thì hồn nhiên. Vị thánh cũng hồn nhiên - vị Jesus hay vị Krishna - nhưng sự hồn nhiên của họ không phải là trẻ con; nó giống trẻ con chứ không phải là trẻ con; bởi vì đứa trẻ hồn nhiên chỉ bởi vì nó chẳng biết gì. Nó hồn nhiên chỉ như một dạng còn thiếu, chỉ là sự vắng mặt. Sớm hay muộn thì mọi thứ cũng sẽ phun trào; đứa trẻ là một núi lửa đang chờ phun trào. Sự hồn nhiên này chỉ như sự im lặng trước khi núi lửa phun trào.

Vị thánh là người đã vượt lên. Sự phun trào đã xảy ra; núi lửa lại im lặng. Nhưng sự im lặng này là khác Sự im lặng đầu tiên đầy hàm chứa; một cái gì đó hiện diện ở đó. Sự im lặng này chỉ trên bề mặt; sâu bên trong đứa trẻ đó đang sẵn sàng để khuấy động. Vị thánh đã trải qua sự khuấy động đó. Cơn lốc đã qua rồi. Sự im lặng đó, sự hồn nhiên đó có vẻ tương tự, nhưng có một sự khác biệt sâu sắc.

Cho nên đôi khi một kẻ ngốc cũng có thể biểu hiện như vị thánh. Và những kẻ ngốc giống như thánh. Họ không tinh khôn; để là tinh khôn thì phải cần đến trí thông minh. Họ không tính toán; để là tính toán thì phải cần đến tâm trí. Những kẻ ngốc thì đơn giản, hồn nhiên, không tinh khôn, không tính toán. Họ không thể lừa dối bất cứ ai. Không phải là họ không muốn mà là họ không thể. Không có khả năng đó. Họ có vẻ như những vị thánh, và đôi khi vị thánh có vẻ như kẻ ngốc, bởi vì điều tương tự đã lại xuất hiện theo một chiều hướng khác, hoàn toàn khác.

Bạn có thể rơi xuống dưới tâm trí: thế thì không tâm trí cũng xuất hiện, nhưng đó không phải là thiền. Bạn đơn giản đã đánh mất ngay cả tâm trí đó, cái mà sẽ trở thành một bước hướng tới thiền. Vì thế tôi không chống lại tâm trí. Hãy phát triển tâm trí, phát triển tri thức, nhưng phải nhớ rõ - đây chỉ là một phương tiện, và phương tiện phải bị bỏ lại, bị ném đi. Nó phải được sử dụng như một chiếc thuyền. Bạn tới bờ kia và để con thuyền lại. Bạn hoàn toàn quên con thuyền đó.

Câu hỏi 4

Chúng ta thường hay cảm thấy rằng chúng ta gây ra đau khổ cho chính mình. Mặc dù vậy, tại sao chúng ta vẫn cứ tạo ra đau khổ? Làm cách nào và khi nào thì con người không còn tự làm khổ mình?

Điều đầu tiên và cũng là điều rất cơ bản phải được hiểu là mỗi khi bạn nói chúng ta thường hay cảm thấy rằng chúng ta gây ra đau khổ cho chính mình, thì điều đó không đúng. Bạn không bao giờ thực sự cảm thấy rằng bạn chính là người tạo ra đau khổ cho mình. Có thể bạn nghĩ như thế, bởi vì bạn đã được dạy như thế; bởi vì trong nhiều thế kỷ người thầy đã dạy rằng bạn chính là người tạo ra đau khổ cho mình và không có ai khác chịu trách nhiệm.Bạn đã nghe những điều này, bạn đã đọc những điều này. Chúng đã trở thành máu xương bạn, chúng đã trở thành những định kiến vô thức của bạn, nên thỉnh thoảng bạn lặp lại như con vẹt, chúng ta gây ra đau khổ cho chính mình. Nhưng đây không phải là cảm nhận của bạn, đây không phải là sự thực chứng của bạn, bởi vì nếu bạn thực chứng nó, thì điều khác là không thể. Khi đó bạn không thể nói, mặc dù vậy, tại sao chúng ta vẫn cứ tạo ra chúng?

Nếu bạn thực sự cảm thấy rằng bạn là người tạo ra đau khổ cho chính mình, thì bất cứ lúc nào bạn cũng có thể dừng lại - trừ khi bạn muốn tạo ra nó, trừ khi bạn thích thú nó, trừ khi bạn là kẻ thích tự hành hạ bản thân. Thế thì mọi thứ đều ổn, không có vấn đề gì. Nếu bạn nói, “Tôi tận hưởng sự đau khổ của mình”, thì điều đó không sao; bạn có thể liên tục tạo ra nó. Nhưng nếu bạn nói, “Tôi đau khổ và tôi muốn vượt lên nó. Tôi muốn dừng nó hoàn toàn - và tôi hiểu rằng tôi là người tạo ra nó”, thì bạn sai. Bạn không hiểu điều đó.

Socrates được cho là đã nói rằng sự hiểu biết là đức hạnh. Và đã có một cuộc tranh luận dài suốt hai nghìn năm xem là Socrates đúng hay sai - sự hiểu biết là đức hạnh. Socrates nói rằng khi bạn biết một cái gì đó bạn không thể làm ngược lại nó. Nếu bạn biết rằng giận dữ là đau khổ thì bạn không thể giận dữ. Đây là điều Socrates ngụ ý - hiểu biết là đức hạnh. Bạn không thể nói, “Tôi biết giận dữ là xấu; dẫu vậy tôi vẫn sống cùng với nó. Bây giờ phải làm gì với nó?” Socrates nói rằng vấn đề đầu tiên là sự vô minh. Bạn không biết giận dữ là xấu, thế nên bạn vẫn cứ sống với nó. Nếu bạn biết, bạn không thể sống cùng nó. Làm sao bạn có thể chống lại sự hiểu biết của mình?

Tôi biết rằng nếu tôi cho tay mình vào ngọn lửa, nó sẽ bị bỏng. Nếu tôi biết, tôi không thể cho tay mình vào. Nhưng nếu ai đó nói với tôi, nếu tôi đã nghe qua truyền thống, nếu tôi đã đọc trong kinh sách rằng lửa thiêu cháy, và tôi đã không biết lửa, và tôi đã không biết trải nghiệm tương tự nào, chỉ khi đó tôi mới có thể cho tay mình vào lửa - và cũng chỉ một lần.

Bạn có thể hình dung ra vấn đề không? Đó là bạn đã cho tay mình vào lửa, bạn đã bị bỏng và bạn đã chịu đau đớn, rồi bạn lại đi hỏi, “Tôi biết rằng lửa thiêu cháy, nhưng mặc dù vậy tôi vẫn cứ cho tay mình vào lửa. Phải làm gì về điều đó?” Ai sẽ tin rằng bạn biết? Và dạng kiến thức này là gì? Nếu kinh nghiệm của riêng bạn về việc bị bỏng và sự đau đớn không thể dừng bạn lại, thì không có gì sẽ dừng được bạn. Bây giờ không có khả năng nào, bởi vì khả năng cuối cùng đã bị bỏ lỡ. Nhưng không ai có thể lỡ nó; đó là điều không thể.

Socrates đúng, và tất cả những người đã biết sẽ đồng ý với Socrates - sự đồng ý đó có một ý nghĩa rất sâu sắc. Một khi bạn biết... Nhưng nên nhớ - sự hiểu biết phải là của bạn. Kiến thức vay mượn sẽ không ích gì; kiến thức vay mượn là vô dụng. Nếu đó không phải là kinh nghiệm của chính bạn, nó sẽ không thay đổi bạn. Kinh nghiệm của người khác sẽ không ích gì.

Bạn đã nghe rằng chính bạn là người gây ra đau khổ cho mình, nhưng đây chỉ là trong tâm trí. Nó đã không đi vào bản thể bạn, nó không phải là sự hiểu biết của chính bạn. Cho nên khi bạn đang thảo luận, bạn có thể thảo luận bằng trí óc, nhưng khi hiện tượng thực tế xảy ra, bạn sẽ quên, và bạn sẽ hành xử theo cách bạn biết, chứ không theo cách người khác biết.

Khi bạn đang thảo luận về giận dữ một cách bình tĩnh, thoải mái, điềm tĩnh, tự chủ, bạn có thể nói nó là chất độc, nó là một căn bệnh, là xấu xa. Nhưng khi ai đó làm cho bạn giận dữ thì sự việc thay đổi hoàn toàn. Bây giờ bạn đang vướng vào giận dữ chứ đây không phải là một buổi thảo luận về giận dữ. Và ngay khi bạn vướng vào, bạn trở nên giận dữ. Sau đó, hồi tưởng lại, khi bạn lại trở nên bình tĩnh, ký ức sẽ quay trở lại, tâm trí bạn sẽ lại bắt đầu hoạt động, và bạn sẽ nói, “Điều đó là sai. Tôi hành xử như thế là không tốt. Tôi biết giận dữ là sai”.

“Tôi” này là ai? Chỉ là tri thức, chỉ là tâm trí hời hợt. Bạn không biết - bởi vì khi ai đó đẩy bạn vào giận dữ, bạn quẳng tâm trí này đi. Liên quan đến vấn đề thảo luận thì nó là hữu dụng, nhưng khi tình huống thực tế xảy ra, chỉ sự hiểu biết thực sự sẽ giúp ích. Khi không có tình huống, bạn có thể cứ tiếp tục. Ngay cả khi đang thảo luận, tình huống thực cũng có thể nảy sinh. Người khác có thể cứ mâu thuẫn với bạn đến mức bạn trở nên giận dữ và khi đó bạn sẽ quên.

Sự hiểu biết thực sự có nghĩa là nó đã xảy ra với bạn. Bạn đã không nghe về nó, không đọc về nó, bạn đã không thu thập thông tin về nó - mà đó là kinh nghiệm của chính bạn. Và rồi không có câu hỏi, bởi vì sau đó bạn không thể chống lại nó. Không phải là bạn sẽ phải tạo ra một nỗ lực để không chống lại nó; đơn giản là bạn không thể chống lại nó.

Làm sao tôi có thể? Khi tôi biết đây là một bức tường và tôi muốn ra ngoài căn phòng này, làm sao tôi có thể cố đi xuyên qua bức tường này? Tôi biết đây là một bức tường, nên tôi sẽ tìm ô cửa. Chỉ có người mù sẽ cố đi xuyên qua bức tường. Tôi có mắt. Tôi nhìn thấy đâu là bức tường và đâu ô cửa.

Nhưng nếu tôi cố đi vào bức tường và tôi nói với bạn, “Tôi biết rất rõ ô cửa ở đâu, và tôi biết đây là một bức tường, nhưng dẫu vậy, làm sao tôi có thể ngăn mình không cố đi vào bức tường?” Điều đó có nghĩa rằng với tôi thì ô cửa có vẻ là giả. Người khác đã nói với tôi rằng nó là bức tường, nhưng như tôi nhìn được thì tôi thấy ô cửa ở đây, trong bức tường này, và đó là lý do tại sao tôi cứ cố.Trong tình huống này bạn phải có một sự phân biệt rõ ràng giữa những gì bạn biết và những gì bạn đã thu thập được dưới dạng kiến thức. Đừng dựa vào thông tin. Thậm chí nếu bạn thu thập từ nguồn lớn nhất - thông tin vẫn chỉ là thông tin. Ngay cả nếu một vị Phật nói điều đó cho bạn thì nó vẫn không phải là của riêng bạn, và nó sẽ không giúp bạn theo bất cứ cách nào. Nhưng có thể bạn vẫn cứ nghĩ rằng nó là sự hiểu biết của bạn, và sự hiểu lầm này sẽ làm lãng phí năng lượng, thời gian và cuộc sống của bạn.

Điều cơ bản không phải là hỏi nên làm gì để không gây ra đau khổ. Điều cơ bản là biết rằng bạn là người gây ra đau khổ cho mình. Thời gian tới, bất cứ khi nào tình huống thực nảy sinh và bạn đau khổ, nhớ tìm hiểu xem bạn có là nguyên nhân của nó hay không. Và nếu bạn có thể thấy rằng bạn là nguyên nhân thì nỗi khổ đó sẽ biến mất, và nỗi khổ y như thế sẽ không xuất hiện trở lại - không thể.

Nhưng đừng tự đánh lừa mình. Bạn có thể - chính vì vậy mà tôi mới nói đến nó. Khi bạn đang đau khổ bạn có thể nói, “Đúng, tôi biết tôi đã gây ra đau khổ này”, nhưng sâu bên trong bạn biết rằng ai đó khác đã tạo ra nó. Vợ bạn đã tạo ra nó, chồng bạn đã tạo ra nó, ai đó khác đã tạo ra nó, và đây đơn giản là sự an ủi bởi vì bạn không thể làm được gì. Bạn tự an ủi mình: “Không có ai đã gây ra nó, tôi đã tự gây ra nó, và dần dần tôi sẽ thôi không gây ra nữa”.

Nhưng sự hiểu biết là sự biến đổi ngay lập tức; không có ‘dần dần’. Nếu bạn hiểu rằng bạn đã tạo ra nó, nó sẽ kết thúc ngay lập tức. Và nó sẽ không xuất hiện nữa. Nếu nó lại xuất hiện, điều đó có nghĩa sự hiểu biết đã không sâu sắc.

Thế nên không cần phải tìm ra những gì phải làm, và làm sao để dừng lại. Điều duy nhất cần làm là đi sâu vào và tìm cho ra ai thực sự là nguyên nhân của nó. Nếu người khác là nguyên nhân thì bạn không thể dừng nó lại, bởi vì bạn không thể thay đổi cả thế giới. Nếu bạn là nguyên nhân, chỉ khi đó bạn mới có thể dừng nó lại.

Chính vì vậy mà tôi khẳng định rằng chỉ có tôn giáo mới có thể dẫn loài người đi tới không đau khổ. Không gì khác có thể dẫn tới, bởi vì mọi người đều tin rằng đau khổ là do người khác gây ra; chỉ có tôn giáo nói rằng đau khổ là do bạn gây ra. Cho nên tôn giáo biến bạn thành người làm chủ số mệnh của mình. Bạn là tác nhân gây đau khổ cho mình, do vậy bạn cũng có thể là tác nhân tạo ra phúc lạc cho chính mình.


Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho