19. Kính trọng

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch

 
19. Kính trọng

Ở Ấn Độ bạn thường có hàng ngàn người họ hàng xa mà bạn chẳng biết ai là ai cả. Mỗi khi có người nào đó đến nhà tôi; cha tôi thường bảo tôi đến chạm chân người đó.

Tôi nói: “Con sẽ không chạm vào chân ai cả cho tới khi con tìm ra được điều thật sự đáng kính trọng từ người đó”. Dần dần khi những người họ hàng xa khác tới thăm việc đầu tiên mọi người làm là thuyết phục tôi đi ra chỗ khác chơi bởi vì; họ nói: “Điều đó thật là xấu hổ khi chúng ta nói ‘Con hãy chạm chân người đàn ông già này’ thì con sẽ nói ‘Đợi đã; hãy để cho con thấy vài điều đáng kính trọng ở ông ấy trước, không thì làm sao con có thể chạm chân ông ấy khi không biết bất cứ điều gì về ổng; nếu vậy làm sao cha có thể mong đợi con là người thành thật được ?'"

Nhưng đó là tất cả những gì xã hội yêu cầu: bạn chỉ cần biết cách mỉm cười; tung hô người khác và nghe lời; thế thì bạn sẽ được yêu quý.

Lúc bé tôi cũng phải nghe đi nghe lại câu này: "Con phải lễ phép. Con phải kính trọng người già".

Tôi thường nói với cha tôi rằng: "Trước khi cha bảo con kính trọng một người; ít nhất cha cũng phải biết chắc là người đó có đáng được kính trọng không đã chứ; nếu không cha sẽ biến con thành đứa đạo đức giả. Con biết có những người không đáng kính chút nào, thế nhưng họ lớn tuổi hơn con và con phải kính trọng họ. Con sẵn sàng kính trọng người ta nhưng ít nhất họ phải có gì đó xứng đáng. Nếu không thì tại sao con lại phải kính trọng họ ?"

Cha tôi thường nói rất nhiều lần: "Con toàn nói ra những điều lố bịch. Chúng ta phải sống trong một xã hội, mà xã hội thì vận hành theo những quy tắc nhất định. Chúng ta phải làm theo những phong tục tập quán, nếu không con sẽ bị xã hội bài trừ. Con đừng lố bịch như thế nữa".

Tôi nói: "Con không muốn bị xã hội bài trừ, nhưng con không thể cư xử theo logic được trong khi hiện hữu lại đi theo một hướng khác. Những gì cha nói là logic. Cha nói rằng: 'Đó là cách mà bấy lâu người ta vẫn sống; và người ta cần phải sống theo cách đó' nhưng nếu không thì sao? Cách thức là do con người tạo ra, con người cũ từng tạo ra những cách thức cũ thế thì hãy để cho con người mới tạo ra những cách thức sống mới. Con sẽ xung phong là người tạo ra cách thức mới ấy".

Trong nhà tôi thời ấy thường hay có khách, mỗi khi trong nhà có khách họ lại phải tìm cách để đẩy tôi ra ngoài, đi đâu đó. Có lần họ còn bảo tôi hãy đi gặp bác sĩ vì tôi đang bị cảm đã nhiều ngày rồi, tôi nói: “Con biết con bị cảm, con biết chỗ bác sĩ. Con sẽ đi khi tự con muốn đi. Nhưng ngay lúc này thì con không muốn đi và sẽ không ai ép con đi được. Cảm hay ung thư cũng được, con sẵn sàng chết ngay trong nhà lúc này".

Họ nói: “Tại sao chứ?”

Tôi nói: “Con biết ai đó đang tới nhà, có lẽ một vị khách quý và cha mẹ thì đang sợ". Tất nhiên là họ sợ, vì tôi thường làm cho họ mất mặt lẫn lúng túng. Vị khách có thể là một người quan trọng nào đó và tôi thì cứ liên tục làm hỏng những mối quan hệ tốt đẹp đó của họ. Một lần, đang trong bữa ăn tôi bỗng cười lớn. Cả gia đình tôi biết rằng sắp có chuyện xảy ra khi tôi đột nhiên cười như vậy, nhất là khi nhà đang có khách. Cả nhà thì chuẩn bị tinh thần rồi nhưng vị khách tội nghiệp thì không, ông ta nói: “Tại sao cháu lại cười?’

Tôi nói: “Cười đâu cần phải có nguyên nhân. Thực tế, cháu hỏi bác: Tại sao cháu lại không được cười? và Tại sao bác và mọi người không cười mà lại ngồi mặt dài ra như thế? Tiếng cười là thứ có giá trị, mặt dài như bác và mọi người thì có giá trị gì? Trước khi bác tới mọi người còn có chút vui vẻ, từ khi bác tới mọi người bỗng trở nên nghiêm trang, buồn bã, mặt dài và đờ đẫn, mất sức sống. Hẳn là có điều gì đó sai với bác. Tại sao bác lại tạo ra bầu không khí này? Những nơi khác bác tới bầu không khí có giống vậy không?”

Họ bị sốc. Họ bị sốc hết lần này tới lần khác. Đó là lý do họ cứ tìm cách đẩy tôi ra khỏi nhà khi nhà có khách. Một lần, giữa buổi trò chuyện của họ, tôi nhảy múa và tất nhiên họ dừng việc trò chuyện lại. Bởi vì tôi không chỉ nhảy múa xung quanh, tôi còn nhảy múa giữa họ nữa. Họ nói: “Cháu ra ngoài chơi đi. Ra ngoài kia mà nhảy múa.”

Tôi nói: “Khi cháu nhảy múa, cháu biết chỗ nên nhảy. Nếu cháu muốn nhảy múa ở ngoài sân, chẳng lẽ cháu không biết tự đi ra đó ngay từ đầu sao? Cháu có quyền nhảy múa ở mọi nơi cháu muốn. Nếu các bác thấy phiền, các bác có thể ra ngoài sân mà nói chuyện với nhau. Những chủ đề ngu xuẩn các bác đang nói, chẳng có gì ý nghĩa trong đó cả. Nhảy múa còn có ý nghĩa hơn những câu chuyện của các bác. Nói về thời tiết, mùa vụ... để làm gì chứ? Tất cả các bác đều biết, ngay cả cháu cũng biết. Nói điều ai cũng biết rồi và không ai thay đổi được, thì có ích gì?”

Ở Ấn Độ, trong các cuộc nói chuyện người ta không bao giờ thảo luận về các chủ đề đang gây tranh cãi bởi vì điều đó có thể tạo ra bất hòa, đối kháng hay xích mích. Họ chỉ thảo luận về các chủ đề không gây tranh cãi chút nào như thời tiết chẳng hạn. Có gì để mà trò chuyện về thời tiết chứ? Nếu trời nóng, thì nó nóng. Nếu trời lạnh, thì nó lạnh. Có gì để mà bàn?

Tôi nói với họ: “Cháu nhảy múa ở đây chỉ để làm cho các bác nhận ra rằng các bác đang lãng phí thời gian của mình trong những câu chuyện vớ vẩn. Tốt hơn là hãy tham gia nhảy múa cùng cháu thì hơn.”

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho