59. Người kể chuyện

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch

  
59. Người kể chuyện

Tôi yêu những câu chuyện và tất cả được khởi đầu từ Nani của tôi - bà cũng là một người yêu những câu chuyện. Nhưng bà không phải là người kể tôi nghe những câu chuyện, mà ngược lại bà thường tìm mọi cách để khuyến khích tôi kể cho bà nghe từ những câu chuyện thật sự cho tới những chuyện tầm phào. Và bà lắng nghe tất cả chăm chú tới mức dần dần bà đã biến tôi thành một người chuyên kể chuyện. Vì bà mà tôi đã luôn phải tìm những câu chuyện thú vị để kể, vì tôi biết bà thường đợi tôi cả ngày chỉ để nghe tôi kể chuyện và nếu tôi không tìm được câu chuyện nào thú vị, tôi sẽ phải tự mình nghĩ ra. Tôi đã phải nghĩ ra rất nhiều chuyện để kể vì không muốn làm bà thất vọng và tôi có thể hứa rằng tôi trở thành một người kể chuyện thành công tất cả là nhờ bà.

Tôi bắt đầu giành chiến thắng tại các cuộc thi tranh luận ngay từ thời tiểu học, và việc đó cứ tiếp diễn mãi cho tới khi tôi rời khỏi trường đại học - tôi luôn thắng các cuộc tranh luận. Đến nỗi căn nhà của bà cứ dần dần trở thành một bảo tàng chuyên sưu tập các thế loại bằng khen, huy chương, cúp, mề đay... và những thứ đó làm cho bà tôi trẻ lại như một cỏ gái nhỏ khi bà mang chúng đi khoe với những người khác trong làng. Cho tới thời trung học, tôi gần như ở hẳn tại chỗ bà và chỉ ghé về nhà cha mẹ tôi đôi lần, ban ngày tôi đi học hay ghé về nhà cha mẹ, buổi tối tôi sẽ ở chỗ bà vì đó là giờ để kể những câu chuyện. Và cho dù tôi có kể với bà bao nhiêu chuyện đi chăng nữa, bà luôn luôn yêu cầu: “con kể thêm gì khác nữa đi” hoặc “ta muốn nghe câu chuyện đó lại một lần nữa”.

Đến nỗi nhiều lần tôi phải nói với bà: “Bà đang có đầu độc con, cả bà và Shambhu Babu đều đang đầu độc con, mãi mãi - thông qua cái việc kể chuyện này.” Và họ làm việc đó rất tốt đến nổi tôi đã giành được hàng trăm huy chương các loại cho những cuộc thi. Gần như không có một trường trung học nào trong toàn bang mà tôi không tham gia thi tranh luận và giành chiến thắng. Và tôi cũng chẳng màng gì những thứ huy chương rác rưởi ấy nhưng vì bà tôi thích, vì bà tôi yêu quý chúng và trở thành nhà sưu tập cúp của tôi, nên tôi cứ liên tục gửi chúng về cho bà, tôi tham gia những cuộc thi để lấy cúp cho bà.

Chính bà và Shambu Babu cùng với sự lắng nghe chăm chú của họ đã dạy cho tôi nghệ thuật của việc nói chuyện. Khi ai đó hoàn toàn tập trung nghe những gì bạn nói bạn sẽ nhận ra chẳng cần gì phải chuẩn bị hay suy nghĩ xem sẽ nói những gì, nó cứ thế tự nhiên tuôn chảy. Giống như thể sự tập trung đó sẽ tạo ra một từ trường và làm bộc lộ những gì ẩn sâu bên trong bạn.

Với kinh nghiệm của riêng tôi rằng thế giới này sẽ không thể trở thành một nơi đẹp đẽ để sống chừng nào mọi người còn chưa học được cách chú ý. Ngay lúc này, không ai thật sự chú ý điều gì cả. Kể cả khi họ cố tỏ ra là họ đang nghe nhưng thật ra họ cũng không lắng nghe đâu, họ đang làm cả ngàn việc khác. 
Nani của tôi thường đợi tôi cả ngày để kể cho bà nghe những câu chuyện và việc đó, theo một vài cách, bà đã chuẩn bị cho tôi công việc mà tôi đang làm lúc này. Bà chính là người đầu tiên đã nghe tôi kể hàng ngàn câu chuyện mà tôi đã kể với các bạn. Bà chính là người mà khiến tôi có thể kể những thứ dù cho rất vô lý, tôi cũng không hề lo lắng hay sợ hãi.

Và một người khác, Shambu Babu thì hoàn toàn khác với bà tôi. Ông ấy là người có trực giác rất mạnh, rất học thức, trong khi bà tôi chỉ có trực giác, bà không có học thức cao. Ông ấy cũng thường đợi tôi cả ngày để nghe những câu chuyện, chỉ cần tôi rời khỏi lớp học, tôi sẽ phải dành thời gian cho ông ấy trước.

Khoảnh khắc mà tôi được rời khỏi nhà tù - ý tôi là trường học - tôi đã đến gặp ông ấy trước tiên. Ông ấy luôn chuẩn bị sẵn trà và một ít đồ ngọt mà ông ấy biết tôi rất thích. Tôi phải đề cập tới chuyện này bởi vì hiếm có người nào quan tâm đến người khác như cách Shambu Babu đã làm. Đa phần mọi người, mặc dù trên danh nghĩa là vì người khác, thì họ cũng luôn chuẩn bị những thứ theo ý họ và buộc những người khác thích những thứ mà họ thích.

Còn Babu, cách của ông ấy là đến cửa hàng nơi bà ngoại tôi hay mua đồ ngọt cho tôi, và hỏi mua từ ông chủ tiệm đồ ngọt đích xác những gì bà ngoại tôi mua - ông ấy thực sự quan tâm đến tôi và mọi thứ mà tôi thích.

Thế nên cứ sau mỗi giờ học tôi sẽ chạy ngay lại chỗ ông ấy, uống trà của tôi, ăn bánh của tôi và bắt đẩu kể cho
ông ấy nghe những gì tôi muốn. Ông ấy nói: “Cứ kể cho ta nghe mọi thứ mà cháu thích kể, nó không phải vấn đề chuyện cháu sẽ kể gì nhưng vấn đề ở chỗ chính cháu là người kể. Cháu cũng có thể im lặng nếu cháu muốn, ta cũng sẽ lắng nghe cả sự im lặng của cháu nữa.”

Chính Nani cùng với Shambu Babu, hai người họ đã khởi đầu mọi thứ; chính họ đã lăn quả bóng, và một khi quả bóng lăn, nó cứ lăn mãi vì càng lăn thì nó càng có thêm đà. Tôi cứ vậy trở thành một người nói mà không cần qua bất cứ khóa dạy nói chuyện hay nghệ thuật giao tiếp nào. Và cho tới giờ tôi vẫn không biết làm cách nào để bắt đầu một buổi nói chuyện, dù cho phải tiếp cận với hàng ngàn người, tôi vẫn không biết làm cách nào mà tôi có thể bắt đầu những buổi trò chuyện và thuyết giảng đó.

Bạn có thể thấy buồn cười về chuyện đó, tôi không biết làm sao để bắt đầu cả dù cho tôi đã nói rất nhiều, có lẽ không người nào trên thế giới trong thế kỉ này lại có thể nói nhiều hơn tôi, mặc dù tôi mới chỉ 51 tuổi.

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho