23. Nô lệ cho văn hóa

CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG TRẺ EM - OSHO
Phi Tuyết dịch

 
23. Nô lệ cho văn hóa

Ở Ấn Độ bạn thường có hàng ngàn người họ hàng xa mà bạn chẳng biết ai là ai cả. Mỗi khi có người nào đó đến nhà tôi, cha tôi thường bảo tôi đến chạm chân người đó để thể hiện sự kính trọng đối với họ.

Tôi nói: “Con sẽ không chạm vào chân ai cả cho tới khi con tìm ra được điều thật sự đáng kính trọng từ người đó”. Dần dần khi những người họ hàng xa khác tới thăm việc đầu tiên mọi người làm là thuyết phục tôi đi ra chỗ khác chơi bởi vì, họ nói: “Điều đó thật là xấu hổ khi chúng ta nói ‘Con hãy chạm chân người đàn ông già này’ thì con sẽ nói ‘Đợi đã, hãy để cho con thấy vài điều đáng kính trọng ở ông ấy trước, không thì làm sao con có thể chạm chân ông ấy khi không biết bất cứ điều gì về ổng, nếu vậy làm sao cha có thể mong đợi con là người thành thật được?’”

Cha tôi luôn bảo rằng tôi là người lố bịch, vì không chịu hành xử theo cách những người khác luôn hành xử. Tôi bảo cha tôi rằng “Con đúng là người lố bịch đấy, thì sao? Lố bịch tốt hơn là logic vì cuộc sống này đầy ắp những điều lố bịch đẹp tuyệt vời."

Chúng ta được dạy phải nghe theo những người có quyền lực - cha mẹ, thầy cô, mục sư, Thượng Đế. Chúng ta được dạy là những người nắm giữ quyền lực thì luôn luôn đúng, rằng: "Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh". Và bạn phải tuân theo nó. Việc này thật đơn giản vì nó không cần đến trí thông minh. Nó đơn giản vì người ta không bao giờ có thể nói rằng đó là trách nhiệm của bạn, rằng những gì xảy ra là trách nhiệm của bạn.

Tất cả các quân đội trên khắp thế giới chỉ dạy một điều duy nhất trong chương trình huấn luyện nhiều năm của họ, đó là chấp hành mệnh lệnh. Ở Đức, trong Thế chiến thứ hai, có những người là người tốt, nhưng họ lại là những người đứng đầu các trại tập trung. Họ là những người cha, người chồng, người bạn tốt. Không ai có thể nghĩ được - khi thấy họ sống trong gia đình, với bạn bè, trong câu lạc bộ - rằng những người này đang thiêu sống hàng ngàn người Do Thái mỗi ngày.

Và họ không cảm thấy có tội chút nào, bởi họ chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên. Và họ đã được huấn luyện để làm như vậy, để phục tùng mệnh lệnh. Nó đã thấm vào máu thịt của họ. Khi mệnh lệnh được phát ra, cách duy nhất là phục tùng.

Đó là cách mà bấy lâu loài người vẫn sống cho đến nay, và chính vì thế mà tôi nói rằng phục tùng mệnh lệnh là một trong những tội ác lớn nhất, bởi tất cả các tội ác đều từ nó mà ra. Nó lấy đi trí khôn của bạn, nó lấy đi sự quyết đoán của bạn, trách nhiệm của bạn. Nó phá hủy cá nhân của bạn. Nó biến bạn thành một con robot.

Chính vì thế mà tôi ủng hộ sự bất tuân. Thế nhưng bất tuân không đơn thuần là chống lại sự phục tùng. Bất tuân mang ý nghĩa cao hơn phục tùng và cái gọi là sự bất tuân được định nghĩa trong tự điển. Đơn giản bất tuân là khẳng định trí khôn của bạn: "Tôi nhận lấy trách nhiệm, và tôi sẽ làm những điều đúng đối với trái tim và sự hiện tồn của tôi. Và tôi sẽ không làm bất cứ việc gì đi ngược lại trí khôn của tôi".

Cả cuộc đời tôi, từ bé cho đến lớn, tôi cứ bị lên án bởi chuyện tôi không nghe lời. Và tôi vẫn luôn nói rằng: "Không phải là con không biết nghe lời. Đơn giản là con đang suy nghĩ bằng trí khôn của mình xem cái gì đúng, cái gì cần làm, và con nhận toàn bộ trách nhiệm cho việc làm của mình. Nếu có vấn đề gì thì đó là lỗi của con. Con không muốn phải đổ lỗi cho ai vì chính họ đã bảo con làm việc đó".

Nhưng điều này thật khó chấp nhận đối với cha mẹ và thầy cô tôi.

Thế hệ già cũ thường không muốn tôi tiếp xúc với lớp trẻ của họ, bởi lẽ lớp trẻ bây giờ sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; và nếu lớp trẻ bùng lên với ngọn lửa ý tưởng của tôi thì ngày mai thế giới này sẽ hoàn toàn sụp đổ. Trong mắt họ, tôi là người lố bịch.

Bạn phải hiểu ý nghĩa của sự lố bịch. Trong cuộc sống hễ cái gì có ý nghĩa quan trọng thì đều lố bịch. Khi bạn yêu một người, điều đó là lố bịch chứ không logic. Bạn không thể đưa ra câu trả lời logic cho câu hỏi tại sao bạn lại yêu người đó. Đó là điều nằm ngoài tầm hiểu biết của bạn và chính nó đã tìm đến bạn. Bạn không cần làm gì cả. Thậm chí nếu bạn có muốn ngăn chặn nó cũng không được; trên thực tế bạn không thể làm gì để cưỡng lại được nó.

Niềm vui của bạn trong một thế giới đầy đau khổ là sự lố bịch. Nó chẳng có mối liên hệ nào với nhân loại đau khổ hết. Bạn hoàn toàn đơn độc. Mọi thứ có giá trị - bạn yêu âm nhạc, bạn rung động trước cái đẹp, bạn đi tìm thực tại, bạn muốn hiểu chính mình - những thứ này đều hết sức lố bịch.

Hành thiền là lố bịch; đi kiếm tiền tốt hơn và logic hơn nhiều chứ.

Tôi lố bịch vì những gì tôi dạy cho các bạn đều đi ngược lại với những gì người ta đã dạy cho các bạn. Mà những điều đó người ta đã dạy các bạn quá lâu rồi và bạn đã hoàn toàn quên rằng chúng có vấn đề.

Chẳng hạn, mọi văn hóa trên thế giới đều dạy cho thế hệ trẻ của họ rằng tình yêu là vĩnh cửu, rằng khi bạn yêu một người, bạn sẽ yêu người ấy mãi mãi. Ý tưởng này đã sống qua biết bao thế kỷ nay ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có vẻ như rất logic nếu bạn yêu một người thì chính hiện tượng tình yêu sẽ biến nó thành vĩnh cửu. Và tại sao mọi người chấp nhận nó - vì bạn cũng ước mong có được một tình yêu mãi mãi. Tất cả mọi người đều muốn như vậy.

Thế là ý tưởng truyền thống và mong ước của bạn cộng hưởng với nhau, và nó trở thành một chân lý. Nếu tình yêu của bạn thay đổi thì chính bạn và những người khác sẽ bắt đầu cho rằng, đó không phải là tình yêu - chính vì thế mà nó thay đổi. Bạn không thay đổi quan niệm về tình yêu vĩnh cửu mà lại cho rằng, "Mình tưởng đó là tình yêu nhưng không phải, vì nó thay đổi mất rồi - mà tình yêu thì có thay đổi bao giờ".

Hẳn là tôi lố bịch vì tôi muốn nói với các bạn rằng, trong cuộc sống mọi thứ đều thay đổi - dù bạn muốn hay không, dù bạn có ngồi bên bờ sông mà ước rằng "sông ơi hãy ngừng chảy, mùa ơi thôi đừng đi, hoa ơi xin đừng tàn, tuổi trẻ đừng giã biệt, tuổi già xin đừng đến, cuộc đời ơi xin chớ đưa ta đến nấm mồ".

Ước muốn của bạn là một chuyện, hiện hữu không nghe theo ước muốn của bạn, dù cho ước muốn đó có đẹp, có chân thành đến đâu. Hiện hữu đi theo con đường của nó. Mọi sự đều thay đổi - và tình yêu không phải ngoại lệ.

Giờ đây có lẽ tôi là người đầu tiên muốn tất cả mọi người hiểu rõ rằng, tình yêu cũng thay đổi: nó sinh ra, già đi và chết. Và tôi nghĩ như vậy là tốt. Nó cho bạn nhiều cơ hội hơn để yêu những người khác, để bạn có một cuộc sống phong phú hơn - bởi lẽ mỗi người đều có thể đem đến cho bạn một điều đặc biệt. Bạn càng yêu nhiều, bạn càng giàu tình cảm, càng giàu tình yêu.

Và nếu bạn vứt bỏ ý niệm về sự thường hằng thì tự động sự ghen tuông cũng ra đi; lúc đó ghen tuông trở nên vô nghĩa. Cũng giống như khi bạn yêu rồi thì bạn không thể cưỡng lại được, rồi sẽ có một ngày bạn hết yêu và bạn cũng không thể cưỡng lại được. Một cơn gió thổi vào cuộc đời bạn và ra đi. Cơn gió thật tuyệt, thật đẹp, thật thơm mát, và hẳn bạn muốn nó ở lại mãi bên bạn. Bạn đóng hết các cửa lại để giữ cơn gió trong lành, thơm mát ấy. Thế nhưng bằng việc đóng cửa bạn đã giết chết cơn gió, giết chết sự trong lành, sự thơm mát của nó; nó không còn sức sống nữa. Và hôn nhân cũng vậy.

Tôi bị cho là lố bịch, vì tôi không muốn ép hiện hữu vào trong logic - một thứ do con người tạo ra. Bằng cách áp đặt logic lên hiện hữu, đơn giản là bạn đã đem lại đau khổ cho chính mình, bởi lẽ bạn sẽ thất bại; thất bại của bạn là điều không thể tránh khỏi. Hàng triệu người vẫn đang vờ vĩnh rằng họ vẫn yêu nhau. Họ đã từng yêu, nhưng giờ nó chỉ còn là kỷ niệm, và ngày càng phai nhạt đi. Thế nhưng chỉ vì cái quan niệm về tình yêu vĩnh cửu mà họ không dám nói ra sự thật.

Và đó không phải là sự giận dữ, căm thù; không phải việc chống lại người kia. Đơn giản đó là cuộc sống - tình yêu có thể thay đổi. Nó giống như mùa vậy, và thật tốt khi ta có hạ và có đông, có mưa và có nắng; có thu và có xuân.

Bạn có thể sống cuộc đời mình theo logic hoặc theo hiện hữu. Hiện hữu thì lố bịch. Lúc này nó thế này, lúc khác nó thế khác, lúc nọ lại thế kia. Và bạn phải tự mình quyết định hoặc là vờ rằng mọi thứ vẫn không thay đổi, hoặc là thành thật mà thừa nhận rằng đó là thời khắc đẹp nhất nhưng đã qua rồi. Thiên đàng đã qua và giờ ta đang đứng giữa sa mạc, ta hiểu rằng mình đang đứng giữa sa mạc; không thể mừng vui.

Dù sao thì chúng ta vẫn gắn kết với nhau từ ý niệm về một tình yêu thường hằng. Tình yêu thường hằng đó chính là một ý niệm logic.

Tình yêu thực thụ là một bông hông thực thụ: nó sẽ thay đổi. Từ sáng đến tối nó sẽ có những hình dáng, sắc thái khác nhau, và nó sẽ tàn khi đêm đến. Và tôi tin rằng điều đó chẳng có gì là sai trái cả.

Tình yêu chỉ là một ví dụ. Trong cuộc đời bạn sẽ gặp vô số những điều tương tự như vậy. Chẳng hạn, người ta dạy cho trẻ con phải biết kính trọng cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi hơn. Sự kính trọng là một kinh nghiệm đẹp đẽ, nhưng khi bạn bị buộc phải kính trọng người khác theo lễ nghi thì nó trở thành tệ hại.

Thế nhưng hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, cũng vẫn ý niệm đó được áp đặt lên những phương diện khác: phải kính trọng cha mẹ mình. Nhưng tại sao? Chỉ vì họ đã sinh ra bạn ư? Chẳng phải đó là niềm vui đối với họ sao? Nếu đối với họ đó là niềm vui thì hẳn họ đã nhận được phân thưởng xứng đáng. Và nếu họ muốn bạn phải kính trọng họ thì họ phải xứng đáng với điều đó.

Trong đó có một logic - rằng nếu bạn kính trọng người khác, họ sẽ kính trọng bạn; nếu bạn giúp đỡ xã hội, xã hội sẽ giúp lại bạn. Nhưng nếu bạn lên án xã hội, nếu bạn nhìn ra sai lầm khắp mọi nơi, bạn sẽ lạc lõng một mình và không thể thắng được số đông. Logic là cách duy nhất để chiến thắng xã hội.

Hãy sống một cách logic, và bạn sẽ leo lên những nấc thang một cách dễ dàng hơn.

Tôi nói: "Con muốn sống theo hiện hữu - mà hiện hữu thì lố bịch.” Vâng, cuộc sống này, hiện hữu này không có logic, không có ý nghĩa. Nó mang trong mình vẻ đẹp bao la, nó mang những triển vọng hạnh phúc, nhưng bạn không thể tạo ra một hệ thống logic từ nó được. Nó là một sự lố bịch lớn lao.

Vậy nên bạn hãy nhớ rằng: nghị viện châu Âu, chính phủ Mỹ - đều đang hành động rất logic - và các nước khác cũng sẽ sớm làm theo như thế. Nhưng tôi không phải là một người nhà logic học. Tôi là một người theo chủ nghĩa hiện sinh.

Tôi tin vào sự hỗn loạn vô nghĩa và đẹp đẽ này của hiện hữu, và tôi sẵn sàng đi theo nó đến bất kỳ đâu.

Tôi không có đích đến, vì hiện hữu không có đích đến. Đơn giản nó chỉ khai hoa và vui múa - nhưng xin bạn đừng hỏi tại sao. Chỉ căng tràn nhựa sống, và không có lý do gì cả. Tôi ở trong hiện hữu. Một sannyasin có nghĩa là: Ở trong hiện hữu.

Điều duy nhất bạn cần từ bỏ chính là lý trí logic của bạn.

Thế nên bạn hãy đi theo con đường hiện hữu phi logic. Thế giới có gọi bạn là kẻ điên rồ, lố bịch... thì đã sao?

Mọi người cứ bảo bạn hãy tôn trọng người già hơn. Tôi bảo bạn hãy tôn trọng những đứa trẻ. Những đứa trẻ xứng đáng có được sự tôn trọng tuyệt đối của bạn bởi vì chúng tinh khiết thế, tươi mới thế, ngây thơ thế, cực kì gần với tính thượng đế. Giờ đã đến lúc để trao cho chúng sự tôn trọng, không phải là ép chúng đi tôn trọng những người khác: những kẻ ngu ngốc xung quanh bạn, chỉ bởi vì họ già hơn. Tôi muốn đảo ngược lại toàn bộ: hãy tôn trọng những đứa trẻ bởi vì chúng gần hơn với nguồn sống, nguồn của sự tồn tại, nguồn của điều bí ẩn. Bạn vẫn còn ở xa cái nguồn ấy lắm. Những đứa trẻ vẫn còn nguyên sơ - một bản gốc, trong khi bạn chỉ đang là một bản sao. Bạn có biết điều gì sẽ xảy ra khi bạn tôn trọng đứa trẻ không? Thông qua tình yêu và tôn trọng bạn có thể cứu chúng khỏi việc đi sai hướng, giúp chúng không bị tràn ngập trong sợ hãi nhưng là tràn ngập trong sự tôn trọng và yêu thương của bạn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho