45. Sách

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch

  
45. Sách

Bà ngoại là người dạy tôi biết đọc và sau đó tôi bắt đầu đọc những cuốn sách. Tôi không nghĩ bất cứ ai trước hay sau tôi đã từng ra vào cái thư viện trong thị trấn đó nhiều như tôi. Bây giờ những người ở thư viện đó rất vui vẻ chỉ cho những người tham quan biết rằng chỗ này là nơi tôi thường ngồi; chỗ kia là nơi tôi thường đọc và viết. Nhưng trên thực tế họ nên nói với mọi người sự thật rằng chỗ này, chỗ kia, bất cứ chỗ nào cũng là nơi mà họ không chỉ không hoan nghênh nhưng là muốn ném tôi ra khỏi cái thư viện đó. Tôi cứ luôn bị họ hăm dọa hết lần này đến lần khác.

Nhưng một khi tôi đã bắt đầu đọc, một chiều hướng mới được mở ra. Tôi đã nuốt trọn gần như toàn bộ cái thư viện đó và sau đó đọc lại những cuốn mà tôi yêu thích nhất cho bà ngoại nghe vào buổi tối.

Bạn sẽ không thể tin, chính việc đọc sách cho bà ngoại nghe và giải thích cho bà từng chút từng chút ý nghĩa những câu chuyên xảy ra trong sách mà tôi đã trở nên được huấn luyện một cách tự nhiên nhất - việc đó dần trở thành công việc của cả đời tôi - công việc giải thích để giúp người khác hiểu - những người đã sẵn sàng đi vào bên trong, vào chiều sâu của sự tồn tại; công việc của tôi là giúp đỡ họ để họ có thể tự bước đi theo cách riêng của họ, để nắm tay họ, dần dần nó cứ tự nhiên trở thành công việc cả đời của tôi. Tôi đã không hề chọn nó.

Tôi là một người vô kế hoạch, đó là lý do tại sao tôi vẫn cứ luôn sống một cách tự phát và hoang dại. Cho đến giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn ngạc nhiên không thể hiểu được tôi đang làm gì ở đây, dạy mọi người trở nên hiểu biết và tỉnh thức hơn. Và nếu như có một ai đã tỉnh thức và hiểu biết hơn rồi, tôi lại bắt đầu dạy họ cách để trở nên ngây thơ một lần nữa. Tôi đang làm cái gì vậy?

Tôi đọc và thích rất nhiều sách, tới hàng ngàn, nhưng không cuốn nào giống như cuốn "Những người cha và con" của Turgenev. Tôi thường bắt cha tôi phải đọc cuốn đó nữa. Và giờ thì ông ấy đã mất, nếu không thì tôi đã phải đến để xin ông ấy sự tha thứ. Tại sao tôi lại cứ bắt ông ấy đọc cuốn đó? Đó là cách duy nhất để tôi có thể giúp ông tự hiểu về khoảng cách thế hệ giữa tôi và ông. Nhưng cha tôi thật là một người đàn ông tuyệt vời, ông ấy không chỉ đọc, mà đọc đi đọc lại, chỉ bởi vì tôi yêu cầu. Việc đó giống như một cây cầu nối liền khoảng cách của chúng tôi. Giống như chúng tôi không còn là cha và con nữa. Cái mối quan hệ người ta thường tạo ra cha-con trai, mẹ-con gái là thứ xấu xí, ít nhất cha tôi cũng đã bỏ được cái ý tưởng đó, chúng tôi đã trở nên như những người bạn. Thật là một việc khó khăn để một người cha một người mẹ có thể làm bạn với con cái của họ, nhưng đó là việc tất cả mọi bậc cha mẹ nên cố gắng để làm. Đừng làm cha mẹ, nhưng hãy làm bạn của chúng.

Cuốn Sự Phục Sinh của Leo Tolstoy cũng là một cuốn tôi yêu thích. Cả đời ông ấy chỉ quan tâm một cách sâu sắc đến Jesus và sự phục sinh của Jesus. Ông ấy đã viết một cuốn sách tuyệt vời, nó giống như một món đồ nghệ thuật tuyệt mỹ. Cuốn sách đó trở nên như kinh thánh đối với tôi. Thậm chí cha tôi cũng bắt đầu lo lắng và một ngày ông ấy nói: “Con đọc sách thì tốt thôi. Nhưng tại sao con lại cứ phải mang theo cuốn sách ấy cả ngày vậy. Con hẳn đã đọc nó xong rồi chứ.”

Tôi nói: “Vâng, con đã đọc nó rồi, không chỉ một mà rất nhiều lần. Và con cũng tính sẽ mang nó đi khắp nơi với con.” Cả làng tối biết về chuyện này, rằng tôi cứ mang cuốn sách Phục Sinh đi khắp mọi nơi. Họ nghĩ rằng tôi điên vì người điên có thể làm mọi điều kì lạ, nhưng tại sao lại là cuốn sách này, cả ngày lẫn đêm? Vâng, tôi mang nó theo mình cả đêm nữa. Cuốn sách ở ngay cạnh tôi khi ngủ. Tôi yêu nó rất nhiều. Cái cách mà Leo Tolstoy làm thuật lại toàn bộ thông điệp của Jesus. Ông ấy đã thành công còn hơn các tông đồ của Jesus rất nhiều, trừ Thomas.

Tôi không thích Gorky, ông ấy là người cộng sản và tôi ghét cộng sản. Khi tôi ghét tôi đơn giản ghét, nhưng cuốn sách “Mẹ” của ông ấy thì tôi lại yêu nó. Tôi yêu nó cả đời mình không đổi. Tôi có nhiều bản sao của cuốn sách ấy đến nỗi cha tôi nói: “Con điên sao? Một bản sao cũng đủ rồi vậy mà con lại cứ mua thêm nữa. Ta đã thấy cái hóa đơn, không gì khác ngoại trừ thêm nhiều bản sao của cuốn ấy mỗi ngày. Con điên rồi phải không?”

Tôi nói: “Vâng, con không quan tâm lắm chuyện cha đang nói, nhưng quả thật là con bị điên đấy.”

Mỗi khi tôi thấy mẹ của tôi, tôi lại nhớ về Gorky.

Lúc đó tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ, và thường thì không đứa trẻ nào yêu cầu nhận được sự tôn trọng, chúng chỉ yêu cầu đồ chơi, kẹo, quần áo, xe đạp và những thứ đại loại vậy. Bạn sẽ có được những thứ đó nhưng chúng không phải những thứ thật sự có thể làm cho cuộc đời bạn hạnh phúc.

Cha tôi thường đến Bombay, vài tháng một lần, và mỗi lân ông chuẩn bị đi ông thường gọi lũ trẻ trong nhà lại và hỏi chúng muốn gì thì ghi vào một tờ giấy ghi chú nhỏ để khi ông đến Bombay sẽ mua cho chúng. Và tất nhiên ông cũng hỏi tôi muốn gì không.

Tôi nói: “Có, thứ con muốn đó là khi cha đến Bombay và trở về, hãy mang theo nhiều nhân tính hơn, nhiều sự tôn trọng hơn, nhiều sự tự do hơn cho con. Hãy mang đi bớt những độc đoán và áp đặt và định kiến của một người cha, nhưng mang về đây một ít tinh thần dân chủ, tinh thần bè bạn.”

Ông ấy nói: “Nhưng những thứ ấy không có bán ở ngoài chợ” - Thật là một người đàn ông chân thật hiếm có.

Tôi nói: “Con biết chúng không được bán ở ngoài chợ, nhưng đó là tất cả những gì con muốn. Nếu cha không thể mang chúng về thì con cũng không cần gì khác cả.”

Và có đôi khi tôi nhờ ông ấy mua về những cuốn sách, những cuốn mà không thể tìm thấy trong thư viện hay trong hiệu sách của thị trấn. Đó là cách tôi thu thập sách cho thư viện của mình từ rất sớm. Tôi không chỉ đọc sách trong mọi thư viện có thể mà còn tìm mua chúng cho bằng được, từ khắp nơi.

Cha tôi đã giúp đỡ rất nhiều, theo cả cái cách mà ông ấy muốn lẫn không muốn.

Tôi chỉ hỏi xin cha tôi một khoản tiền khi tôi muốn mua thêm sách. Tôi không bao giờ hỏi xin tiền cho bất cứ thứ gì khác. Và tôi đến nói với ông ấy: “Khi con xin một khoản để mua sách thì tốt hơn hết là hãy đưa cho con."

Ông ấy nói: “Con nói thế có nghĩa gì?”

Tôi nói: “Con nói nghĩa đơn giản rằng nếu cha không cho con khoản tiền đó thì con sẽ phải ăn trộm nó. Con không muốn trở thành một tên trộm nhưng nếu cha ép con thì không còn cách nào khác nữa cả. Cha biết rõ rằng con không có tiền. Con cần những cuốn sách đó và con nhất định phải có chúng, vậy nên cha biết đấy... Nếu tiền không được đưa cho con thì con sẽ phải lấy nó ở đâu đó, và hãy nhớ trong tâm trí của cha rằng chính cha đã buộc con phải ăn trộm nó.”

Ông ấy nói: “Không cần phải trộm gì cả. Bất cứ khi nào con cần tiền con chỉ cần đơn giản đến mà lấy.”

Và tôi nói: “Con đảm bảo với cha rằng nó sẽ chỉ được dùng để mua những cuốn sách.” nhưng không cần thiết phải có sự đảm bảo nào cả bởi vì ông ấy không ngừng nhìn thấy cái thư viện của tôi lớn dần lên trong ngôi nhà. Dần dần trong nhà không còn chỗ nào để chứa bất cứ thứ gì khác ngoài sách của tôi.

Và cha tôi nói: “Giờ thì sao chứ, trước tiên chúng ta có một thư viện trong ngôi nhà, giờ thì bên trong cái thư viện chúng ta có một ngôi nhà! Và chúng ta cư phải để mắt tới sách của con bởi vì nếu có gì đó đi sai với bất cứ cuốn sách nào thì mọi người sẽ vô cùng phiền toái với con, con tạo ra quá nhiều rắc rối đến nỗi làm mọi người sợ cả sách của con. Mà chúng thì lại ở khắp mọi nơi như thế; con không thể tránh việc vấp phải chúng. Rồi thì trong nhà lại có quá nhiều những đứa trẻ nhỏ...”

Tôi nói: “Bọn nhỏ không phải là vấn đề với con, ngược lại vấn để chính là những người lớn trong nhà này. Những đứa nhỏ - con quý mến chúng rất nhiều bởi vì chúng bảo vệ sách của con.”

Sẽ có chút lạ lùng khi nhìn vào trong nhà của tôi. Các em trai, em gái tất cả đều bảo vệ sách của tôi khi tôi không ở đó: không ai có thể chạm vào sách của tôi cả. Và chúng sẽ lau chùi và luôn giữ những cuốn sách ở đúng nơi, bất kể nơi nào tôi đã đặt, để khi tôi cần bất cứ cuốn sách nào tôi có thể tìm ra chúng. Và đó là một vấn đề cực đơn giản bởi vì tôi rất yêu sách, và mọi người không thể bày tỏ sự trân trọng của họ theo bất cứ cách nào đối với tôi hơn là thể hiện sự trân trọng tới sách của tôi.

Tôi nói: “Vấn đề thật sự là nhũng đứa trẻ lớn hơn - những chú, dì, các bác, các anh chị em dâu rể của cha - đó mới thật sự là những người gây ra rắc rối. Con không muốn bất cứ ai khác đánh dấu vào sách của con, gạch chân trong sách của con nhưng những người này vẫn cứ tiếp tục làm thế.”

Tôi ghét cái ý tưởng rằng ai đó cứ gạch chân vào sách của tôi vô cùng.

Một trong những anh rể của cha tôi là một giáo sư, ông ấy có thói quen gạch chân vào sách. Ông ấy tìm thấy rất nhiều những cuốn sách tuyệt vời trong thư viện của tôi, và bất cứ khi nào ông ấy đến nhà, ông ấy sẽ viết đầy những ghi chú vào những cuốn sách của tôi.

Tôi phải nói với ông ấy: “Điều này không chỉ là bất lịch sự, thiếu văn hóa mà nó còn thể hiện loại con người của bác. Cháu không muốn sách từ các thư viện khác, cháu không đọc sách từ thư viện vì lý do đơn giản rằng sách trong đó đều bị đánh dấu, bị gạch chân. Ai đó khác muốn nhấn mạnh điều gì đó. Cháu không muốn điều đó, bởi vì không cần kiến thức của người khác, những nhấn mạnh đó đi vào tâm trí. Nếu bác đang đọc một cuốn sách và có vài thứ được gạch chân với mực đỏ, dòng chữ đó sẽ nổi bật lên. Bác có thể đang đọc cả trang nhưng cái dòng được gạch chân đó sẽ nổi bật. Nó sẽ để lại những cảm xúc khác biệt vào trong tâm trí bác.

Cháu rất ghét đọc sách của người khác, đầy những gạch chân, đầy đánh dấu. Với cháu điều đó chẳng khác gì việc một người trở thành gái điếm. Một gái điếm đơn giản là một người phụ nữ bị gạch chân và đánh dấu rất nhiều - mọi loại ghi chú đều được đánh dấu lên người cô ta từ những người khác nhau trong những ngôn ngữ khác nhau. Bác hẳn cũng sẽ thích một người phụ nữ sạch sẽ, không bị đánh dấu bởi ai khác cả.

Với cháu một cuốn sách không chỉ là một cuốn sách, nó là một mối quan hệ yêu thương. Nếu bác đã gạch chân dưới bất cứ cuốn sách nào thì bác hãy trả tiền cho cuốn sách đó và mang nó đi. Vì cháu sẽ không muốn cuốn sách đó ở đây, bởi vì một con cá bẩn có thể làm cho cả cái hồ bị bẩn. Cháu không muốn bất cứ cuốn sách nào của cháu bị cưỡng hiếp bằng cách đánh dấu cả - bác hãy lấy nó đi đi.”

Ông ấy đã rất tức giận bởi vì ông ấy không thể hiểu được.

Tôi nói: “Bác không hiểu cháu bởi vì bác không biết cháu đủ nhiều. Bác chỉ đến và nói chuyện với cha cháu thôi.”

Và cha tôi nói với ông ấy: “Đó là lỗi của anh. Tại sao anh lại gạch chân trong sách của thằng bé? Tại sao anh lại viết ghi chú vào sách của nó? Anh làm việc đó với mục đích gì? Bởi vì sau khi anh đọc thì cuốn sách sẽ vẫn ở trong thư viện của nó. Ngay từ chỗ đầu tiên anh đã không hỏi sự đồng ý của nó, rằng anh muốn đọc những cuốn sách ấy.

“Không gì được phép xảy ra với đồ đạc của nó ở đây mà không có sự cho phép. Bởi vì nếu anh lấy thứ gì mà nó không có sự cho phép của nó thì sau đó nó sẽ lấy những thứ đồ khác của mọi người mà không cần sự cho phép nữa. Và điều đó tạo ra rất nhiều rắc rối. Một vài ngày trước một người bạn của tôi đã trễ mất chuyến tàu vì thằng bé đã lấy mất vali của anh ta...”

Người bạn đó của cha tôi đã phát điên lên: “Cái vali đâu mất rồi?”

Tôi nói: “Cháu biết nó ở đâu, nhưng trong cái vali đó có một cuốn sách của cháu. Cháu không hứng thú với cái vali của bác, cháu chỉ đơn giản cố lấy lại cuốn sách của cháu thôi.” Tôi nói “Bác hãy mở cái vali ra” nhưng ông ta đã rất lưỡng lự bởi vì ông ấy đã lấy cuốn sách - và cuốn sách đã được tìm thấy trong đó. Tôi nói: “Đó là hình phạt cho bác, bởi vì điều này đơn giản chỉ là một đòn trả đũa.

“Bác là khách ở đây; nhà cháu đã rất tôn trọng bác, nhà cháu đã phục vụ bác chu đáo. Nhà cháu đã làm mọi thứ cho bác mà bác lại đi trộm một cuốn sách của thằng bé nghèo tội nghiệp không có tiền này. Một thằng bé mà đã phải đe dọa cha nó rằng ‘Nếu cha không cho con tiền thì con sẽ phải ăn trộm. Và sau đó cha không được hỏi tại sao con lại làm như vậy?' - bởi vì sau đó bất cứ nơi nào con có thể trộm, con sẽ trộm.

“Những cuốn sách này thì không rẻ - và bác giữ chúng trong vali của bác. Bác không thể qua được mắt cháu đâu. Khi cháu vào trong phòng cháu luôn biết liệu sách của cháu có ở đó hay không, liệu có thứ gì bị mất hay không.”

Vì vậy cha tôi nói với tay giáo sư đã lỡ gạch chận trong sách của tôi: “Đừng bao giờ làm điều đó với thằng bé. Hãy lấy cuốn sách đó đi và trả lại một cuốn khác sạch sẽ nguyên vẹn.”

Phương cách tiếp cận của tôi cực kì đơn giản: mọi người đều phải tôn trọng những quyền riêng tư, không ai được phép xâm lấn bất cứ gì của ai cả.

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho