Chương 52: Đi vào khoảnh khắc này

Sách của những bí mật - Tập 4
Book of secrets - Volume 4
Osho

Chương 52: Đi vào khoảnh khắc này

27 tháng 5 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ

Câu hỏi 1

Vào đêm nọ thầy đã nói rằng triết học chống lại thiền. Nhưng mặt khác thầy lại đồng ý rằng các triết lý phương Đông như tantra, yoga và vedant là những tác phẩm của các bậc thánh hiền chứng ngộ. Tại sao những bậc thánh hiển chứng ngộ này để lại phía sau họ một cấu trúc mạnh về tư duy triết học, nếu triết học chống lại thiền?

Triết học không phải là darshan. Darshan là thuật ngữ phương Đông. Darshan có nghĩa là nhận thức, triết học có nghĩa là tư duy. Herman Hesse đã tạo ra một từ mới để dịch darshan sang các ngôn ngữ phương Tây. Ông ấy gọi nó là philosia - sia xuất phát từ to see, có nghĩa là thấy.

Triết học có nghĩa là nghĩ, và darshan có nghĩa là thấy. Cả hai về cơ bản là khác nhau; không chỉ khác mà còn hoàn toàn đối nghịch. Bởi vì khi bạn đang nghĩ bạn không thể thấy. Bạn ngập trong những ý nghĩa đến mức nhận thức bị lu mờ, nhận thức bị che phủ. Khi suy nghĩ dừng lại, bạn trở nên có khả năng thấy. Khi đó mắt bạn được mở ra, chúng trở nên không bị che phủ. Sự nhận thức chỉ xảy ra khi suy nghĩ dừng lại.

Đối với Socrates, Plato, Aristotle và toàn bộ truyền thống phương Tây, sự tư duy là nền tảng. Đối với Kanad, Kapil, Patanjali, Đức Phật và toàn bộ truyền thống phương Đông, sự nhận biết là nền tảng. Cho nên Phật không phải là một nhà triết học, không bao giờ; hay Patanjali, Kapil, và Kanad cũng vậy. Họ đã nhận biết sự thật; họ đã không suy nghĩ về nó.

Nên nhớ rõ rằng bạn chỉ suy nghĩ khi bạn không thể biết. Nếu bạn có thể biết, thì không có lý do gì để suy nghĩ. Tư duy luôn xuất hiện khi không biết. Tư duy không phải là sự hiểu biết, bởi vì khi bạn biết thì không cần suy nghĩ. Khi bạn không biết, bạn muốn lấp khoảng trống bởi sự suy nghĩ. Suy nghĩ là sự mò mẫm trong bống tối. Cho nên các triết lý phương Đông không phải là triết học. Sử dụng từ triết học cho từ darshan của phương Đông là tuyệt đối sai. Darshan có nghĩa là thấy, đạt được tầm nhìn, thực chứng, biết - ngay lập tức, trực tiếp mà không có sự can thiệp của tư duy và tư tưởng.

Tư duy không bao giờ dẫn tới cái chưa biết. Làm sao nó có thể dẫn tới? Điều đó là không thể. Cần phải hiểu rõ chính quá trình tư duy. Khi bạn nghĩ, bạn thực sự làm gì? Bạn cứ lặp lại những ý nghĩ cũ, những ký ức cũ. Nếu tôi hỏi bạn một câu hỏi - Thượng đế có tồn tại không? - bạn có thể nghĩ về điều đó. Bạn sẽ làm gì? Tất cả những điều bạn đã nghe, tất cả những điều bạn đã đọc, tất cả những điều bạn đã tích lũy về Thượng đế, bạn sẽ lặp lại. Ngay cả nếu bạn đến với một kết luận mới thì cái mới của nó cũng sẽ chỉ là có vẻ chứ không thực sự. Nó sẽ chỉ đơn giản là một sự tổng hợp những ý nghĩ cũ. Bạn có thể tổng hợp nhiều ý nghĩ cũ và tạo ra một cấu trúc mới, nhưng cấu trúc đó sẽ có vẻ là mới chứ không mới chút nào.

Tư duy không bao giờ có thể đi tới bất cứ sự thật căn nguyên nào. Tư duy không bao giờ là nguyên bản; nó không thể nào như vậy. Nó luôn là về quá khứ, về cái cũ, về cái đã biết. Tư duy không thể chạm tới cái chưa biết; nó cứ lặp đi lặp lại theo vòng tròn về cái đã biết. Bạn không biết sự thật, bạn không biết Thượng đế. Bạn có thể làm gì? Bạn có thể nghĩ về nó. Bạn sẽ di chuyển vòng quanh theo những vòng tròn. Bạn không bao giờ có thể đến với bất cứ trải nghiệm nào về sự thật.

Cho nên sự chú trọng của phương Đông không phải là về tư duy, mà là về nhận biết: Bạn không thể suy nghĩ về Thượng đế, nhưng bạn có thể nhận biết. Bạn không thể đến với bất cứ kết luận nào về Thượng đế, nhưng bạn có thể thực chứng. Nó có thể trở thành một trải nghiệm. Bạn không thể đến được sự thật thông qua thông tin, thông qua kiến thức, thông qua kinh sách, thông qua lý thuyết và triết học; không, bạn không thể đến được nó. Bạn chỉ có thể đến được nó nếu bạn bỏ hết kiến thức đi. Tất cả những điều bạn đã nghe, đã đọc và đã thu thập, tất cả bụi mà tâm trí bạn đã tích tụ, toàn bộ quá khứ phải đặt sang bên. Khi đó đôi mắt bạn tươi mới, ý thức bạn không còn bị che mờ, và khi đó bạn mới có thể thấy nó.

Nó ngay ở đây và ngay bây giờ, nhưng do bạn bị che phủ. Bạn không phải đi tới đâu khác để tìm kiếm điều linh thiêng hay sự thật - nó ở ngay đây. Nó ở ngay nơi bạn hiện hữu. Và nó đã luôn ở đó - chẳng qua bạn bị che phủ, mắt bạn khép lại. Cho nên vấn đề không phải là tư duy nhiều hơn nữa; vấn đề là làm sao đạt được nhận thức mà không cần tư duy. Chính vì vậy mà tôi nói rằng thiền và triết học là chống lại nhau. Triết học là tư duy, còn thiền là đi tới nhận thức mà không cần tư duy. Và các triết lý phương Đông không thực sự là triết học. Ở phương Tây, tồn tại các học thuyết triết học; ở phương Đông, chỉ có những sự thực chứng tôn giáo.

Tất nhiên, khi một vị Phật xuất hiện, hay một vị Kanad hay một vị Patanjali xuất hiện, khi ai đó đi tới thực chứng cái tuyệt đối, vị đó tuyên bố về điều đó. Những tuyên bố đó khác với những tuyên bố của Aristotle, khác với những kết luận của triết học phương Tây. Sự khác biệt là thế này: vị Kanad, vị Phật, đầu tiên thực chứng - sự thực chứng là vấn đề đầu tiên - và rồi vị đó tuyên bố về điều đó. Đầu tiên vị đó trải nghiệm rồi sau đó mới diễn đạt nó. Còn Aristotle, Hegel và Kant thì tư duy và sau đó thông qua tư duy, lý luận logic và biện chứng, họ đạt tới những kết luận cụ thể. Những kết luận đó đạt được thông qua tư duy, thông qua tâm trí, chứ không thông qua bất cứ việc thực hành thiền nào. Thế rồi họ đưa ra những khẳng định, họ đưa ra những tuyên bố. Nguồn gốc là khác nhau.

Đối với vị Phật, những tuyên bố của vị đó chỉ như một phương tiện để giao tiếp. Vị đó không bao giờ nói rằng thông qua sự truyền thông của mình mà bạn sẽ đạt được sự thật. Nếu bạn có thể hiểu được vị Phật, điều đó không có nghĩa là bạn đã đạt được sự thật, điều đó đơn giản có nghĩa là bạn đã thu thập kiến thức. Bạn sẽ phải trải qua thiền, qua những sự nhập định sâu sắc, những khoảnh khắc tâm trí lắng đọng như mặt hồ nước sâu, chỉ khi đó bạn mới đạt đến sự thật.

Thế nên, muốn đạt được sự thật thì phải thông qua một trải nghiệm hiện thực nhất định. Nó thuộc về sự sống chứ không thuộc tâm trí. Bạn phải thay đổi để biết nó, và là nó. Nếu bạn giữ nguyên như cũ và vẫn cứ thu thập thông tin, bạn sẽ trở thành một học giả tầm cỡ, một nhà triết học, nhưng bạn sẽ không chứng ngộ. Bạn sẽ giữ nguyên là con người cũ; sẽ không có sự biến đổi nào.

Chính vì vậy mà tôi đã nói rằng triết học là một chiều hướng và thiền thì tuyệt đối ngược lại, rất đối lập, chiều hướng đối cực. Thế nên, đừng suy nghĩ về cuộc sống mà đúng hơn, hãy sống nó thật sâu sắc. Và đừng nghĩ về những vấn đề tối thượng mà đúng hơn, hãy đi vào cái tối thượng chính thời điểm này. Và cái tối thượng không ở trong tương lai. Nó luôn có đó, mãi có đó.

Một người khác đã hỏi câu hỏi tương tự. Người đó đã hỏi:

Câu hỏi 2

Có thể giải quyết các vấn đề thông qua tư duy không?

Đúng, có một số vấn đề có thể được giải quyết thông qua việc suy nghĩ - chỉ những vấn đề được tạo ra bởi suy nghĩ thì mới có thể được giải quyết bởi suy nghĩ. Nhưng suy nghĩ không thể giải quyết được vấn đề đích thực nào, suy nghĩ không thể giải quyết được vấn đề hiện sinh. Suy nghĩ không tạo ra vấn đề hiện sinh; nó khởi sinh trong chính cuộc sống. Suy nghĩ sẽ không giúp gì nhiều. Chỉ có một cách sự suy nghĩ có thể giúp bạn, và đó là thông qua việc liên tục suy nghĩ và suy nghĩ, bạn sẽ đến lúc nhận ra sự thật rằng suy nghĩ là vô ích. Và khi bạn nhận ra rằng suy nghĩ chẳng ích gì đối với những vấn đề hiện sinh, đó chính là khi việc suy nghĩ đã giúp bạn theo một cách nào đó. Chính thông qua việc suy nghĩ mà bạn đã đến với sự nhận thức này.

Nhưng những vấn đề do tư duy tạo ra lại có thể được giải quyết bởi chính quá trình tư duy. Ví dụ, một vấn đề toán học: nó có thể được giải quyết bởi tư duy, bởi vì toàn bộ nền toán học được tạo ra bởi quá trình tư duy. Chẳng hạn, nếu không có người nào trên trái đất thì sẽ có toán học không? Sẽ không có toán học. Cùng với sự biến mất của tâm trí con người, toán học cũng sẽ biến theo. Không có toán học trong sự sống và tồn tại. Trong khu vườn có nhiều cây, nhưng khi bạn đếm một, hai, ba, ba cây không có đó, bởi vì ba là một thứ tinh thần. Có nhiều cây, nhưng không có những con số. Con số ba là của tâm trí bạn. Nếu bạn không có đó, nhiều cây sẽ vẫn có đó, nhưng không có ba cây, chỉ là những cây. Ba là phẩm chất do tâm trí tạo ra, nó là phẩm chất được phóng chiếu.

Tâm trí tạo ra toán học nên bất cứ vấn đề toán học nào cũng sẽ được giải quyết bởi tâm trí, nó sẽ được giải quyết bởi tư duy. Nên nhớ, bạn không thể giải quyết một vấn đề toán học thông qua không suy nghĩ. Không có thiền nào sẽ trợ giúp, bởi vì thiền sẽ làm tan biến tâm trí, và cùng với tâm trí toàn bộ toán học sẽ tan biến. Cho nên có những vấn đề do tâm trí tạo ra; chúng có thể được giải quyết. Nhưng, có những vấn đề không do tâm trí tạo ra mà là những vấn đề hiện sinh. Những vấn đề đó không thể được giải quyết bởi tâm trí. Bạn sẽ phải đi sâu hơn vào chính tồn tại.

Ví dụ, tình yêu. Nó là một vấn đề hiện sinh. Bạn không thể giải quyết nó bằng cách suy nghĩ; đúng hơn là, bạn sẽ bối rối hơn. Bạn càng suy nghĩ thì bạn sẽ càng ít chạm tới ngọn nguồn của vấn đề. Thiền sẽ giúp ích. Nó sẽ trao cho bạn sự sáng suốt, nó sẽ dẫn bạn tới gốc rễ vô thức của vấn đề. Nếu bạn suy nghĩ về tình yêu, bạn sẽ giữ nguyên trên bề mặt.

Nên nhớ những vấn đề hiện sinh không thể được giải quyết thông qua quá trình suy nghĩ. Thực ra là ngược lại, vì suy nghĩ quá nhiều mà bạn đang bỏ lỡ mọi giải pháp và càng tạo ra nhiều vấn đề hơn. Chẳng hạn, cái chết. Cái chết không phải là một vấn đề do suy nghĩ tạo ra; bạn không thể giải quyết nó bởi suy nghĩ. Dù bạn nghĩ gì, làm sao bạn có thể giải quyết được nó? Bạn có thể an ủi, bạn có thể cho rằng an ủi là một giải pháp - không phải thế. Bạn có thể đánh lừa mình; điều đó là có thể thông qua suy nghĩ. Bạn có thể đưa ra những giải thích, và thông qua những giải thích đó bạn có thể cho rằng mình đã giải quyết được nó. Bạn có thể lẩn tránh vấn đề này thông qua quá trình suy nghĩ, nhưng bạn không thể giải quyết được nó. Và hãy thấy rõ sự khác biệt này.

Ví dụ, có cái chết. Người yêu của bạn chết, hay người bạn của bạn, hay con gái bạn - có .cái chết. Lúc này bạn có thể làm gì? Bạn có thể nghĩ về nó. Bạn có thể nghĩ và bạn có thể nói rằng linh hồn là bất tử - bởi vì bạn đã đọc điều đó. Trong các Upanishad có nói rằng linh hồn là bất tử, chỉ có cơ thể chết. Bạn không biết nó chút nào, bởi vì nếu bạn thực sự biết thì không có vấn đề - hay có một vấn đề? Nếu bạn thực sự biết rằng linh hồn là bất tử, thì cái chết đã không xuất hiện; không có vấn đề nào cả. Nhưng vấn đề lại có đó: cái chết đã xuất hiện, và bạn bị bối rối và rất đau buồn. Bây giờ bạn muốn trốn tránh nỗi đau này. Bây giờ bạn muốn bằng cách nào đó quên đi nỗi đau này.

Bạn có thể đưa ra lời giải thích rằng linh hồn là bất tử - lúc này, đây là một mánh khóe. Không phải là linh hồn không bất tử - tôi đang không nói điều đó - mà với bạn thì đây là một mánh khóe. Bạn đang cố đánh lừa mình. Bạn đang đau buồn, và bây giờ bạn muốn tránh nỗi buồn này, nên giải thích này sẽ giúp ích. Bây giờ bạn có thể an ủi mình rằng linh hồn là bất tử, không có ai chết, chỉ cơ thể chết - giống như người ta thay quần áo, hay chuyển nơi cư trú - cho nên linh hồn đã chuyển từ ngôi nhà này tới ngôi nhà khác. Bạn có thể tiếp tục nghĩ, nhưng bạn không biết bất cứ điều gì về nó. Bạn đã nghe, bạn đã thu thập thông tin và thông qua những sự giải thích này bạn sẽ cảm thấy thoải mái. Bạn có thể quên đi cái chết.

Thực ra, đây không phải là giải pháp cho vấn đề đó. Không có gì đã được giải quyết. Ngày hôm sau, một người nào đó sẽ chết và vấn đề cũ sẽ vẫn còn đó. Lại một người nào đó sẽ chết và vấn đề cũ sẽ còn đó. Và sâu bên trong bạn biết rằng mình sẽ phải chết. Bạn không thể trốn khỏi cái chết - và vẫn còn đó nỗi sợ. Nhưng bạn có thể tiếp tục trì hoãn, và bạn có thể liên tục né tránh thông qua những lời giải thích. Điều này sẽ không ích gì.

Cái chết là một vấn đề thuộc về tồn tại. Bạn không thể giải quyết nó thông qua suy nghĩ. Bạn chỉ có thể tạo ra những giải pháp giả. Vậy phải làm gì? Khi đó còn có chiều hướng khác - chiều hướng thiền; không phải chiều hướng tư duy, không phải chiều hướng tâm lý. Bạn chỉ cần trực diện với hoàn cảnh.

Cái chết đã xuất hiện. Người thân yêu của bạn chết. Đừng đi vào những ý nghĩ. Đừng mang các Upanishad, Gita và kinh Thánh vào. Đừng hỏi những vị Christ và những vị Phật. Cứ để kệ họ. Cái chết có đó: hãy trực diện, giáp mặt nó. Hãy tham gia vào với tình huống này một cách trọn vẹn. Đừng nghĩ về nó. Bạn có thể nghĩ gì? Bạn chỉ có thể lặp lại rác rưởi cũ. Cái chết là một hiện tượng mới, nó chưa hề được biết đến, và kiến thức của bạn sẽ không giúp được gì theo bất cứ cách nào. Thế nên hãy để tâm trí của bạn sang một bên. Hãy thiền sâu cùng cái chết.

Đừng làm bất cứ điều gì, bởi vì bạn có thể làm được điều gì hữu ích nào? Bạn không biết. Thế nên, hãy cứ không biết. Đừng mang đến những hiểu biết giả, kiến thức vay mượn. Cái chết có đó; bạn hãy cùng với nó. Hãy hoàn toàn đối mặt với cái chết. Đừng nghĩ, bởi thế thì bạn đang trốn khỏi hoàn cảnh, bạn đang trở nên vắng mặt khỏi nó. Đừng nghĩ. Hãy hiện diện cùng với cái chết.

Sẽ có nỗi buồn, sẽ có đau khổ, một gánh nặng sẽ đè lên vai bạn - cứ để nó ở đó. Nó là một phần - một phần của cuộc sống, của sự trưởng thành, của sự thực chứng cuối cùng. Giữ nguyên cùng với nó, tuyệt đối hiện diện. Đây sẽ là thiền, và bạn sẽ đến với sự hiểu biết sâu sắc về cái chết. Thế rồi chính cái chết lại trở thành sự sống vĩnh hằng.

Nhưng bạn đừng mang theo tâm trí và kiến thức. Giữ nguyên với cái chết; rồi cái chết sẽ tiết lộ nó cho bạn, bạn sẽ biết cái chết là gì. Bạn sẽ đi vào những chiều hướng bên trong của nó. Để rồi cái chết sẽ mang bạn tới chính trung tâm sự sống - bởi vì cái chết là chính trung tâm sự sống. Nó không chống lại sự sống; nó chính là quá trình sống. Nhưng tâm trí lại mang đến sự mâu thuẫn rằng sống và chết là đối lập. Thế rồi bạn cứ suy nghĩ, và bởi vì căn nguyên là giả nên sự đối lập cũng là giả, bạn không bao giờ có thể đến với bất cứ kết luận nào có thể là đúng và thực.

Bất cứ khi nào có vấn đề thuộc về sự sống, hãy cùng với vấn đề đó mà không cùng với tâm trí - đó là điều tôi ngụ ý về thiền - và chỉ cùng với vấn đề đó thì sẽ giải quyết được nó. Và nếu bạn đã thực sự ở đó, cái chết sẽ không xảy ra với bạn nữa, bởi vì khi đó bạn biết cái chết là gì.

Chúng ta không bao giờ thực hiện điều này - không bao giờ thực hiện với tình yêu, với cái chết, không bao giờ thực hiện một cách đích thực với bất cứ điều gì thực. Chúng ta luôn đi cùng với những ý nghĩ, và những ý nghĩ là giả. Chúng được vay mượn, không phải của riêng bạn. Chúng không thể giải thoát bạn. Chỉ có sự thật của riêng bạn mới có thể trở thành sự giải thoát của bạn. Và bạn chỉ có thể đến với sự thật của riêng mình thông qua sự hiện diện rất lặng lẽ. Thông qua tư duy, bất cứ vấn đề nào cũng đều dẫn đến thất bại. Tư duy sẽ không giải quyết được những vấn đề thực, nhưng tư duy có thể giải quyết những vấn đề do chính nó tạo ra - bởi vì những vấn đề đó tuân theo nhũng quy tắc logic. Cuộc sống không tuân theo những quy tắc logic. Cuộc sống có những quy tắc ẩn của riêng nó, và bạn không thể áp đặt logic lên chúng.

Một điểm nữa về điều này: bất cứ ở đâu bạn mang tâm trí vào thì nó liền mổ xẻ, phân tích. Thực tại là một, và tâm trí luôn luôn phân chia. Và khi bạn đã chia tách thực tại, bạn đã biến nó thành giả. Bây giờ bạn có thể nỗ lực cả cuộc đời mình - sẽ không đạt được gì, bởi vì về cơ bản thực tại là một nhưng tâm trí lại chia thành hai, và bây giờ bạn đang làm việc với sự phân chia đó.

Ví dụ, như tôi đã nói, sống và chết là một, nhưng vì tâm trí mà chúng là hai, và chết là kẻ thù của sống. Không phải như thế, bởi vì sống không thể tồn tại mà không có chết. Nếu sống không thể tồn tại khi không có chết, thì làm sao chết có thể là kẻ thù của sống? Nó là trạng thái cơ bản. Nó làm cho cuộc sống là có thể. Sự sống phát triển trong nó; nó là linh hồn. Không có nó thì không thể có cuộc sống. Nhưng tâm trí, tư duy, lại chia nó và đặt nó như là một đối cực. Thế rồi bạn có thể liên tục nghĩ về. Dù bạn nghĩ gì cũng sẽ là giả, bởi vì ban đầu bạn đã phạm một lỗi lầm - lỗi phân chia.

Khi bạn thiền, những sự phân chia biến mất. Khi bạn thiền, không thể có những sự phân chia, bởi vì làm sao bạn có thể chia trong tĩnh lặng?

Chúng ta ở đây. Mọi người đang nghĩ bởi tâm trí của riêng mình về cái này hay cái kia; thế rồi chúng ta khác, mọi người khác, bởi vì ý nghĩ của bạn là của bạn, và ý nghĩ của tôi là của tôi. Trong tâm trí tôi, tôi có những giấc mơ của riêng mình và bạn có những giấc mơ của riêng bạn. Có nhiều cá nhân ở đó, nhưng nếu tất cả chúng ta đều đang thiền - bạn đang không nghĩ và tôi cũng đang không nghĩ, việc nghĩ này đã dừng - thế thì sẽ không có quá nhiều cá nhân. Thực ra, sẽ không hề có những cá nhân. Nếu tất cả chúng ta đều đang thiền thì những giới hạn đã biến mất.

Khi tôi đang thiền và bạn đang thiền, không có hai người, không thể có, bởi vì hai sự tĩnh lặng trở thành một. Chúng không thể là hai, bởi vì làm sao bạn có thể phân ranh giới sự tĩnh lặng này với sự tĩnh lặng khác? Bạn không thể phân ranh giới. Bạn có thể phân ranh giới ý nghĩ này với ý nghĩ khác, tâm trí này với tâm trí khác, nhưng hai sự tĩnh lặng đơn giản là một - chỉ như hai số không. Hai số không không phải là hai; hai số không là một. Bạn có thể đặt liền một nghìn số không, nhưng chúng là một.

Thiền đang tạo ra một số không bên trong - mọi sự giới hạn, mọi sự phân chia biến mất. Và điều đó mang đến cho bạn con mắt thực, mắt thứ ba, darshan. Bây giờ bạn có con mắt thực để thấy. Với con mắt thực này, thực tại là rõ ràng, cởi mở, được tiết lộ. Và với thực tại đã được tiết lộ thì không còn những vấn đề.

Câu hỏi 3

Đâu là sự khác biệt giữa nhìn chằm chằm vào bầu trời trong xanh bao la, nhìn chằm chằm vào bức ảnh của bậc thầy chứng ngộ, và nhìn chằm chằm vào bóng tối?

Thực ra kỹ thuật nhìn chằm chằm không liên quan gì tới đối tượng; nó liên quan tới chính cái nhìn chằm chằm đó. Bởi vì khi bạn nhìn chằm chằm mà không nháy mắt, bạn trở nên tập trung, và bản chất của tâm trí là không ngừng vận động. Nếu bạn thực sự nhìn chằm chằm, không hề động đậy, tâm trí buộc phải gặp khó khăn.

Bản chất của tâm trí là di chuyển từ đối tượng này tới đối tượng khác, liên tục di chuyển. Nếu bạn đang nhìn chằm chằm vào bóng tối hay ánh sáng hay cái gì đó khác, nếu bạn đang thực sự nhìn chằm chằm, sự vận động của tâm trí dừng lại. Bởi vì nếu tâm trí vẫn di chuyển, cái nhìn chằm chằm của bạn sẽ không còn nữa; bạn cứ liên tục bỏ lỡ đối tượng. Khi tâm trí đã di chuyển tới đâu đó, bạn sẽ quên, bạn sẽ không thể nhớ mình đã nhìn gì. Về mặt vật lý, đối tượng sẽ có đó, nhưng với bạn nó sẽ biến đi, bởi vì bạn không có đó; bạn đã di chuyển vào ý nghĩ.

Nhìn chằm chằm - tratak có nghĩa là không cho phép ý thức bạn di chuyển. Và khi bạn đang không cho phép tâm trí di chuyển, ban đầu nó đấu tranh, đấu tranh kịch liệt, nhưng nếu bạn liên tục thực hành nhìn chằm chằm, dần dần tâm trí bỏ đấu tranh. Trong phút chốc nó dừng lại. Và khi tâm trí dừng thì không còn tâm trí, bởi vì tâm trí có thể tồn tại chỉ khi vận động, suy nghĩ có thể tồn tại chỉ khi vận động. Khi không có sự vận động, việc nghĩ biến mất, bạn không thể nghĩ, bởi vì nghĩ có nghĩa là vận động - di chuyển từ ý nghĩ này tới ý nghĩ khác. Nó là một quá trình.

Nếu bạn liên tục chằm chằm vào một thứ, tuyệt đối nhận biết và tỉnh táo... bởi vì bạn có thể nhìn chằm chằm thông qua đôi mắt vô hồn. Thế thì bạn có thể vẫn cứ nghĩ - chỉ có mắt, đôi mắt vô hồn, chứ không có nhìn... bạn có thể nhìn với đôi mắt như của người chết, nhưng tâm trí bạn sẽ chuyển động. Điều đó sẽ không giúp gì. Nhìn chằm chằm có nghĩa không chỉ mắt bạn, mà toàn bộ tâm trí bạn tập trung thông qua đôi mắt.

Bất cứ đối tượng nào... điều đó tùy thuộc: nếu bạn thích ánh sáng, điều đó tốt. Nếu bạn có thể thích bóng tối, cũng tốt. Dù đối tượng là gì, điều đó không liên quan, vấn đề là khi bạn nhìn chằm chằm thì phải dừng tâm trí hoàn toàn, phải tập trung để sự vận động bên trong, sự bồn chồn dừng lại; sự dao động bên trong dừng lại. Bạn chỉ đang nhìn, không làm bất cứ điều gì. Cái nhìn sâu đó sẽ thay đổi bạn hoàn toàn. Nó sẽ trở thành một bài thiền.

Và điều đó tốt; bạn có thể thử điều đó. Nhưng nên nhớ rằng mắt bạn và ý thức bạn nên gặp nhau ở sự tập trung. Bạn phải thực sự nhìn thông qua đôi mắt; bạn không được vắng mặt ở đó. Sự hiện diện của bạn là cần thiết - tuyệt đối hiện diện. Khi đó bạn không thể nghĩ, nghĩ là điều không thể. Chỉ có một mối nguy hiểm: bạn có thể trở nên vô thức, bạn có thể rơi vào giấc ngủ. Ngay cả khi mở mắt bạn cũng có thể ngủ. Thế thì cái nhìn chằm chằm của bạn sẽ trở nên trơ như đá.

Ban đầu, rắc rối đầu tiên sẽ là bạn sẽ nhìn nhưng bạn sẽ không hiện diện. Đây là rào cản đầu tiên. Tâm trí bạn sẽ di chuyển. Mắt bạn sẽ cố định, tâm trí bạn sẽ di chuyển - sẽ không có cuộc gặp giữa mắt và tâm trí. Đây sẽ là khó khăn đầu tiên. Nếu bạn vượt qua được điều đó, khó khăn thứ hai sẽ là nếu nhìn chằm chằm một cách bất động, bạn sẽ rơi vào giấc ngủ. Bạn sẽ đi vào thôi miên tự động, bạn sẽ bị thôi miên bởi chính mình. Đó là điều tự nhiên, bởi vì tâm trí của chúng ta chỉ biết hai trạng thái: hoặc là không ngừng vận động hoặc là ngủ. Một cách tự nhiên tâm trí chỉ biết hai trạng thái này: không ngừng chuyển động, suy nghĩ, hoặc là rơi vào giấc ngủ. Và thiền là trạng thái thứ ba.

Trạng thái thứ ba khi thiền có nghĩa là tâm trí bạn im lặng như ngủ sâu, nhưng tỉnh táo và nhận biết như trong lúc suy nghĩ - cả hai điều này đều phải có mặt. Bạn phải tỉnh táo, hoàn toàn tỉnh táo, và im lặng như khi ngủ sâu. Cho nên kinh Yoga của Patanjali nói rằng thiền là một dạng ngủ sâu, với duy nhất một khác biệt - rằng bạn tỉnh táo. Patanjali cân bằng giữa sushupti và samadhi: ngủ sâu và thiền tối thượng. Sự khác biệt chỉ là khi ngủ sâu bạn không nhận biết, và khi thiền bạn nhận biết, nhưng phẩm chất của cả hai đều là sự tĩnh lặng sâu - không gợn sóng, sự tĩnh lặng không dao động, sự tĩnh lặng không lay động.

Ban đầu, có thể xảy ra rằng bạn có thể rơi vào giấc ngủ thông qua việc nhìn chằm chằm. Vậy nên, nếu bạn đã trở nên có khả năng tập trung tâm trí mình và nó không còn di chuyển nữa, thì hãy giữ nguyên tỉnh táo, đừng rơi vào giấc ngủ. Bởi vì nếu giấc ngủ đến, bạn đã rơi vào vực thẳm, rơi xuống biển. Và thiền chính là cây cầu hẹp bắc qua hai biển thẳm của ngủ và liên tục suy nghĩ.

Câu hỏi 4

Thầy đã nói rằng khoa học thử nghiệm với khách thể, và tôn giáo thử nghiệm với chủ thể. Nhưng hiện nay lại có một khoa học mới đang phát triển, tâm lý học, hay chính xác hơn, tâm lý học chiều sâu, mà nó liên quan đến cả hai, chủ thể và khách thể. Vậy khoa học và tôn giáo gặp nhau trong tâm lý học chiều sâu?

Chúng không thể gặp nhau. Tâm lý học chiều sâu, hay sự nghiên cứu hiện tượng tâm linh lại là khách quan. Và phương pháp của tâm lý học chiều sâu là phương pháp khoa học khách quan.

Hãy cố gắng nhận ra sự khác biệt. Ví dụ, bạn có thể nghiên cứu thiền theo cách thức khoa học. Bạn có thể quan sát ai đó đang thiền, nhưng thế thì với bạn điều này đã trở thành khách quan. Bạn thiền và tôi quan sát. Tôi có thể mang tất cả các dụng cụ khoa học để quan sát xem điều gì đang xảy ra với bạn, điều gì đang xảy ra trong bạn, nhưng sự nghiên cứu này vẫn là khách quan. Tôi ở bên ngoài. Tôi đang không thiền. Bạn đang thiền; với tôi bạn là một đối tượng.

Khi đó tôi có thể cố hiểu điều gì đang xảy ra với bạn. Thậm chí thông qua các dụng cụ cũng có thể biết nhiều về bạn, nhưng điều đó sẽ giữ nguyên là khách quan và khoa học. Cho nên thực ra, bất cứ điều gì tôi đang nghiên cứu thì cũng không phải là điều đang thực sự xảy ra với bạn mà chỉ là những hiệu ứng mà cơ thể bạn đang ghi lại.

Bạn không thể thâm nhập vào một vị Phật xem điều gì đang xảy ra với vị đó, bởi vì thực ra không có gì đang xảy ra ở đó. Trung tâm sâu nhất của người chứng ngộ là hư không. Không có gì đang xảy ra ở đó. Và nếu không có gì đang xảy ra thì làm sao bạn có thể nghiên cứu? Bạn có thể nghiên cứu một cái gì đó. Bạn có thể nghiên cứu sóng alpha; bạn có thể hiểu điều gì đang xảy ra với tâm trí, với cơ thể, với hệ thống hóa học. Nhưng thực ra, sâu bên trong, khi ai đó trở nên chứng ngộ thì không có bất cứ điều gì đang xảy ra. Tất cả những gì xảy ra đã dừng hẳn.

Đây là điều được ngụ ý - thế giới đã dừng. Bây giờ không có sansar, không có gì xảy ra. Vị đó hiện hữu mà như không hiện hữu. Chính vì vậy mà Phật nói, “Bây giờ tôi đã trở thành không-atman, không cái ta. Không có ai bên trong tôi. Tôi chỉ là một sự trống rỗng. Ngọn lửa đã biến mất, và căn nhà trống rỗng”. Không có gì đang xảy ra. Bạn có thể ghi lại gì về điều đó? Nhiều nhất thì bạn có thể ghi rằng không có gì đang xảy ra. Nếu có điều gì đó xảy ra thì nó có thể được ghi lại một cách khách quan.

Phương pháp khoa học giữ nguyên khách quan, và khoa học rất sợ vấn đề chủ quan, vì nhiều lý do. Khoa học và tâm trí khoa học không thể tin vào vấn đề chủ quan, bởi vì đầu tiên nó là riêng tư và cá nhân, và không ai có thể thâm nhập vào nó. Nó không thể trở thành công cộng và tập thể, và nếu một cái gì đó không phải là công cộng và tập thể thì không thể nói được gì về nó. Người đang nói có thể lại bị đánh lừa, hoặc có thể đánh lừa người khác. Người đó có thể là một kẻ nói dối. Hoặc, người đó có thể chỉ đang ảo tưởng, không phải là một người nói dối. Người đó có thể đang nghĩ và tin rằng điều này đã xảy ra với mình, và điều này có thể chỉ là một ảo tưởng, một sự tự lừa đối.

Cho nên đối với khoa học thì sự thật phải là khách quan. Những cái khác phải có khả năng tham gia vào nó, nên chúng ta có thể phán xét nó có đang xảy ra hay không. Thứ hai, nó phải là thứ có thể được lặp lại; nó phải có thể lặp lại. Nếu chúng ta đun nóng nước, nó bay hơi ở một mức độ nào đó - nó phải là có thể lặp lại. Cho nên chúng ta cứ lặp đi lặp lại và nó bay hơi ở mức độ nào đó. Nếu nó bay hơi chỉ một lần ở một trăm độ và không bao giờ có lại, hoặc thỉnh thoảng ở chín mươi và thỉnh thoảng ở tám mươi, nó không thể trở thành một thực tế khoa học. Nó phải có khả năng lặp lại, và phải có kết luận giống nhau thông qua nhiều thử nghiệm lặp lại.

Nhưng sự thực chứng chủ quan là không thể lặp lại - thậm chí nó không thể được dự đoán. Và bạn không thể mời nó; nó tự xảy ra. Bạn không thể ép buộc nó. Bạn có thể đạt được một dạng thiên sâu, bạn có thể có một trải nghiệm đỉnh rất phấn chấn, nhưng nếu ai đó nói, “Hãy lặp lại nó ở đây”, thì bạn không thể lặp lại. Ngược lại, vì ai đó nói, và bạn nỗ lực để lặp lại nó thì chính nỗ lực này lại có thể trở thành rào cản. Thậm chí sự hiện diện của những người quan sát có thể làm sao lãng. Có thể bạn không thể lặp lại điều đó.

Khoa học cần những thử nghiệm khách quan, có thể lặp lại. Và nếu tâm lý học muốn trở thành một khoa học, thì phải tuân theo những quy tắc khoa học. Tôn giáo là chủ quan. Nó không liên quan tới việc chứng minh bất cứ thực tế nào; đúng hơn là, nó liên quan tới việc đi vào sự trải nghiệm cá nhân về thực tế đó. Và cái sâu sắc nhất vẫn phải là cá nhân, và cái tối thượng vẫn phải là riêng tư; nó không thể trở thành tập thể. Bởi vì trừ khi mọi người đã đến với những trạng thái của một người chứng ngộ, nó không thể trở thành tập thể. Bạn phải phát triển để đạt được nó.

Cho nên khoa học và tôn giáo thực sự không thể gặp nhau, bởi vì cách tiếp cận của chúng là khác nhau. Tôn giáo tuyệt đối riêng tư - là sự liên quan của cá nhân với chính mình. Vì điều này mà trong quá khứ những quốc gia tôn giáo hơn vẫn giữ nguyên chủ nghĩa cá nhân hơn là những quốc gia khác. Chẳng hạn, Ấn Độ, Ấn Độ có tính chủ nghĩa cá nhân. Thậm chí thỉnh thoảng nó biểu hiện ích kỷ. Mọi người chỉ quan tâm đến chính mình, sự phát triển của mình, sự giác ngộ của mình; không quan tâm đến những người khác, thờ ơ với những người khác, thờ ơ với xã hội, những điều kiện xã hội, tài sản, sự lệ thuộc. Mọi người đều quan tâm đến chính mình, đến sự phát triển tới đỉnh tối thượng. Điều đó có vẻ cũng ích kỷ.

Các quốc gia phương Tây có tính xã hội hơn, ít cá nhân hơn. Vì vậy mà chính khái niệm chủ nghĩa cộng sản là không thể đối với tâm trí Ấn Độ. Chúng ta đã sản sinh ra Phật và Patanjali, nhưng chúng ta không thể tạo ra Marx. Nó phải đến từ phương Tây, nơi mà xã hội, toàn bộ tập thể quan trọng hơn cá nhân; nơi mà xã hội quan trọng hơn tôn giáo; nơi mà cái xảy ra một cách khách quan quan trọng hơn cái xảy ra trong sự riêng tư tuyệt đối của bạn. Đối với phương Tây, cái xảy ra trong sự riêng tư thì như trong giấc mơ.

Hãy xem điều này: cái xảy ra một cách công khai thì chúng ta đã gọi là maya, ảo tưởng. Shankara nói toàn bộ thế giới là ảo tưởng; chỉ cái xảy ra sâu bên trong bạn, cái tối thượng, Brahma thì mới là thực, còn mọi thứ đều không thực. Thái độ khoa học phương Tây là tuyệt đối ngược lại: cái xảy ra bên trong bạn là ảo tưởng; cái xảy ra bên ngoài là thực. Thực tại thì ở bên ngoài, và thế giới mơ thì ở bên trong.

Đó là hai thái độ - rất khác nhau, cách tiếp cận rất đối lập đến mức không thể có cuộc gặp mặt nào. Cũng không cần thiết. Những chiều hướng của chúng khác nhau, những phạm vi của chúng cũng khác nhau. Chúng không bao giờ thâm nhập lẫn nhau; không bao giờ có xung đột cả. Và cũng không có nhu cầu xung đột. Khoa học làm việc với thế giới khách quan, và tôn giáo làm việc với cá nhân, với thế giới chủ quan. Chúng không bao giờ giao nhau. Không thể có bất cứ xung đột nào.

Và theo tôi, khi bạn đang làm việc với thế giới bên ngoài, hãy làm việc với thái độ khoa học. Khi bạn đang làm việc với chính mình, hãy làm việc với thái độ tôn giáo. Và đừng tạo ra bất cứ sự xung đột nào; không cần thiết. Đừng mang khoa học vào thế giới bên trong, và đừng mang tôn giáo đến thế giới bên ngoài. Nếu bạn mang tôn giáo đến thế giới bên ngoài, bạn sẽ tạo ra sự hỗn loạn. Ở Ấn Độ chúng ta đã tạo ra điều đó - đó là một sự hỗn loạn. Nếu bạn mang thái độ khoa học vào thế giới bên trong, bạn sẽ tạo ra sự điên khùng - phương Tây đã tạo ra nó. Hiện nay phương Tây tuyệt đối loạn thần kinh. Và cả hai đã tạo ra cùng một sai lầm. Đừng làm rối loạn cả hai, và đừng cố mang cái bên ngoài vào cái bên trong, hay cái bên trong ra cái bên ngoài. Hãy để cho chủ thể là chủ thể và hãy để cho khách thể là khách thể. Trong khi bạn di chuyển ra bên ngoài thì hãy là khoa học và khách quan, và trong khi bạn đi vào bên trong thì hãy là tôn giáo và chủ quan.

Không cần thiết tạo ra bất cứ xung đột nào. Không cần. Xung đột nảy sinh chỉ bởi vì chúng ta muốn áp đặt một thái độ lên cả hai địa hạt. Chúng ta muốn hoặc là khoa học tuyệt đối hoặc là tôn giáo tuyệt đối - điều đó sai. Đối với khách thể, cách tiếp cận chủ quan sẽ là sai, nguy hiểm, có tác hại, và ngược lại.

Câu hỏi 5

Thầy đã nói về rất nhiều phương pháp và kỹ thuật. Sự khát khao thành công với chúng là rất lớn. Làm sao chúng tôi có thể vượt qua việc thiếu kiên nhẫn quá mức của mình?

Hai điều cần phải nhớ. Thứ nhất: tâm linh không thể là kết quả của ham muốn, bởi vì ham muốn là nguyên nhân gốc rễ của mọi lo lắng và đau khổ. Và bạn không thể hướng ham muốn của mình tới địa hạt tâm linh. Nhưng nó xảy ra, đó là điều tự nhiên, bởi vì chúng ta chỉ biết một xu hướng hoạt động: đó là ham muốn. Chúng ta ham muốn nhiều thứ của thế gian. Một người nào đó ham muốn sự giàu có, ai đó khác ham muốn danh tiếng, ai đó khác nữa ham muốn quyền lực và thanh thế, hay điều gì đó khác. Chúng ta ham muốn nhiều thứ của thế gian, và thông qua sự ham muốn này mà chúng ta thất vọng.

Và chúng ta buộc phải thất vọng - dù ham muốn có được thực hiện hay không, điều đó không liên quan. Nếu nó không được thực hiện thì rõ ràng chúng ta sẽ thất vọng. Nếu nó được thực hiện thì chúng ta cũng sẽ thất vọng, bởi vì bất cử khi nào một ham muốn được thực hiện thì chỉ ham muốn là được thực hiện, nhưng niềm hy vọng đó, sự hứa hẹn đó vẫn không được thực hiện. Bạn có thể có nhiều của cải như bạn muốn, nhưng của cải đó không thực sự được ham muốn; một cái gì đó khác được ham muốn thông qua nó - cái mà chưa bao giờ được thực hiện.

Bạn có thể cỏ của cải, nhưng niềm hy vọng đó vẫn đang còn quanh quẩn đâu đây - ước mơ về hạnh phúc, về phúc lạc, về một cuộc đời mãn nguyện nào đó - là điều vẫn không được thực hiện. Nếu không có được của cải thì bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Nếu có được của cải thì bạn cũng sẽ cảm thấy thất vọng, bởi vì điều hứa hẹn đó không được thực hiện, ước mơ đó không được thực hiện. Mọi thứ còn đó. Phương tiện có đó, và mục tiêu đã biến mất. Mục tiêu luôn khó nắm bắt.

Thông qua ham muốn con người đến với sự thất vọng sâu sắc. Khi sự thất vọng này xảy ra bạn bắt đầu tìm kiếm điều gì đó tuyệt đối khác với thế giới này - niềm khao khát tôn giáo nảy sinh, một khát vọng tôn giáo, nhưng bạn lại bắt đầu ham muốn. Bạn trở nên mất kiên nhẫn; bạn muốn đạt được cái này và cái kia. Tâm trí đã không thay đổi. Đối tượng để ham muốn khác rồi: nó đã từng là của cải thì bây giờ là thiền. Nó đã là quyền lực và danh vọng, thì bây giờ là tĩnh lặng và bình an. Trước đây nó đã là cái gì đó, bây giờ nó là cái gì đó khác. Nhưng tâm trí, cơ cấu, chính sự hoạt động của con người bạn, thì vẫn như cũ. Bạn đã ham muốn A, bây giờ bạn đang ham muốn B - nhưng vẫn là ham muốn.

Và ham muốn là vấn đề, chứ không phải những gì bạn ham muốn; đó không phải là vấn đề. Bạn ham muốn gì không phải là vấn đề - cái sự ham muốn của bạn mới là vấn đề. Bây giờ bạn lại đang ham muốn và bạn sẽ lại thất vọng. Nếu bạn đạt được, bạn sẽ thất vọng. Nếu bạn không đạt được, bạn sẽ thất vọng. Điều tương tự sẽ xảy ra với bạn, bởi vì bạn đã không thể nhận ra điều quan trọng, bạn đã bỏ lỡ điều quan trọng.

Bạn không thể ham muốn thiền, bởi vì thiền xảy ra chỉ khi không có ham muốn. Bạn không thể ham muốn giải thoát, niết bàn, bởi vì nó xảy ra chỉ trong trạng thái không ham muốn. Nó không thể được biến thành đối tượng của ham muốn. Vì thế, với tôi và với tất cả những người biết, ham muốn là trần tục; không phải là bạn ham muốn những thứ trần tục. Ham muốn, chính hiện tượng ham muốn, là trần tục.

Và khi bạn ham muốn thì buộc phải mất kiên nhẫn, bởi vì tâm trí không muốn chờ đợi, tâm trí không muốn trì hoãn. Nó nôn nóng. Nôn nóng là cái bóng của ham muốn. Ham muốn càng mãnh liệt thì sẽ càng nôn nóng. Và nôn nóng sẽ gây ra bối rối. Cho nên làm sao bạn sẽ đạt được thiền? Ham muốn sẽ tạo ra sự hoạt động của tâm trí, và ham muốn sẽ tạo ra sự nôn nóng, và nôn nóng sẽ gây ra cho bạn nhiều xáo trộn hơn.

Điều đó xảy ra, và hàng ngày tôi quan sát thấy rằng người nào mà sống cuộc sống rất trần tục thì thường không bị quá xáo trộn. Khi anh ta bắt đầu thiền, hoặc tìm kiếm khía cạnh tôn giáo, anh ta trở nên bị xáo trộn hơn bao giờ hết. Lý do là vì, bây giờ anh ta càng ham muốn cháy bỏng thì càng mất kiên nhẫn. Và với những thứ trần tục, những thứ rất thực và khách quan đến mức anh ta có thể chờ đợi chúng. Chúng luôn trong tầm với của anh ta. Bây giờ, trong địa hạt tâm linh có nhiều thứ rất khó nắm bắt, quá xa vời, dường như chúng không bao giờ trong tầm với. Cuộc sống dường như rất ngắn ngủi, và bây giờ đối tượng của ham muốn có vẻ là vô hạn - càng nôn nóng thì càng bị xáo động. Và với tâm trí xáo động thì làm sao bạn có thể thiền?

Đây là một thách thức. Hãy cố gắng hiểu nó. Nếu bạn thực sự thất vọng và bạn đã cảm thấy rằng mọi thứ bên ngoài đều là phù phiếm - tiền bạc hay tình dục, quyền lực hay thanh danh, chỉ là phù phiếm - nếu bạn đã nhận ra điều này, thì cũng cần đến một sự nhận thức sâu sắc hơn. Nếu những thứ này là phù phiếm, thì ham muốn thậm chí còn phù phiếm hơn: bạn ham muốn nhiều và không có gì xảy ra - và sự ham muốn của bạn tạo ra đau khổ.

Hãy nhìn vào thực tế rằng ham muốn gây ra đau khổ. Nếu bạn không ham muốn thì không có đau khổ. Cho nên hãy từ bỏ ham muốn. Và đừng tạo ra ham muốn mới; đơn giản là từ bỏ ham muốn. Đừng tạo ra ham muốn tâm linh. Đừng nói, “Bây giờ mình sẽ đi tìm Thượng đế. Bây giờ mình sẽ tìm cái này và cái kia. Bây giờ mình sẽ thực chứng sự thật”. Đừng tạo ra ham muốn mới. Nếu bạn tạo ra, điều đó cho thấy bạn đã không hiểu đau khổ của mình.

Hãy nhìn vào đau khổ do ham muốn gây ra. Hãy cảm thấy rằng ham muốn là đau khổ và bỏ nó đi. Không cần nỗ lực nào để bỏ nó. Nên nhớ, nếu bạn tạo ra nỗ lực bạn sẽ tạo ra ham muốn khác. Chính vì vậy mà bạn cần ham muốn nào đó khác, bởi như thế bạn mới có thể rời bỏ nó. Nếu có ham muốn nào đó khác thì bạn có thể bám víu nó. Bạn có thể bám vào ham muốn mới và bạn có thể bỏ ham muốn cũ. Bỏ ham muốn cũ thì dễ nếu có được ham muốn mới nào đó, nhưng thế thì bạn đang mất đi toàn bộ giá trị. Chỉ đơn thuần từ bỏ ham muốn bởi vì nó là đau khổ, và đừng tạo ra ham muốn mới.

Khi đó sẽ không còn sự thiếu kiên nhẫn. Thế thì thực sự không cần phải thực hành thiền; nó sẽ bắt đầu xảy ra với bạn, bởi vì một tâm trí không ham muốn là đang trong thiền. Thế rồi bạn có thể chơi với những kỹ thuật này. Và tôi nói chơi. Bạn có thể chơi với những kỹ thuật này; không phải là thực hành. Thực hành không phải là một từ hay, chính từ này là sai. Bạn có thể chơi với những kỹ thuật này, và có thể thích thú chơi, bởi vì bạn không còn ham muốn đạt được điều gì và không còn nôn nóng đạt tới nơi nào đó.

Khi thiền là một cuộc chơi, bạn có thể chơi, và thông qua cuộc chơi, mọi thứ đều là có thể. Và mọi thứ là có thể ngay lập tức, bởi vì bạn không bị xáo trộn, bạn không nôn nóng, bạn không vội vã, bạn sẽ không đi đâu, không tới nơi nào. Bạn ở đây và bây giờ. Nếu thiền xảy ra, điều đó rất tốt. Nếu nó không xảy ra, vẫn rất tốt. Không có gì sai với bạn bởi vì không có ham muốn, không hy vọng, không tương lai.

Và nên nhớ, khi thiền hay không-thiền là như nhau đối với bạn, thì thiền đã xảy ra với bạn. Bạn đã đạt tới. Bây giờ mục tiêu đã xuất hiện, cái tối thượng đã hạ xuống bạn. Có vẻ kỳ lạ khi tôi nói đừng biến thiền thành một bài thực hành, mà biến nó thành một cuộc chơi, một cuộc vui. Hãy thích thú nó khi thực hành mà không vì bất cứ kết quả nào.

Nhưng tâm trí của chúng ta lại rất nghiêm trọng, nghiêm trọng quá mức. Thậm chí, nếu chúng ta chơi chúng ta cũng biên nó thành một thứ nghiêm trọng. Chúng ta biến nó thành công việc, thành nghĩa vụ. Hãy chơi như những đứa trẻ. Hãy chơi với những kỹ thuật thiền, và rồi có thể thông qua chúng mà có được rất nhiều. Đừng nghiêm trọng với chúng; coi chúng như một cuộc vui. Nhưng chúng ta lại cứ biến mọi thứ thành nghiêm trọng. Thậm chí nếu chúng ta đang chơi, chúng ta cũng biến nó thành nghiêm trọng. Và với tôn giáo chúng ta đã luôn rất nghiêm trọng. Tôn giáo chưa bao giờ là niềm vui, đó là lý do trái đất vẫn giữ nguyên là phi tôn giáo. Tôn giáo phải trở thành một cuộc vui vẻ hội hè, lễ hội tưng bừng - vui mừng trong từng khoảnh khắc, vui thích những gì bạn đang làm; tận hưởng nhiều và sâu đến mức tâm trí dừng lại.

Nếu bạn thực sự hiểu tôi thì 112 kỹ thuật này sẽ cho bạn thấy rằng mọi thứ đều có thể trở thành một kỹ thuật - nếu bạn thực sự hiểu. Chính vì vậy mà có 112. Mọi thứ đều có thể trở thành một kỹ thuật nếu bạn hiểu phẩm chất của tâm trí thiền định. Khi đó, bất cứ điều gì bạn làm cũng có thể trở thành một kỹ thuật. Hãy vui chơi, ăn mừng nó, tận hưởng nó. Hãy đi thật sâu vào nó đến mức thời gian dừng lại.

Nhưng thời gian không thể dừng nếu có ham muốn. Thực ra, ham muốn là thời gian. Khi bạn ham muốn thì phải cần đến tương lai, bởi vì ham muốn không thể được đáp ứng ở đây và bây giờ. Ham muốn có thể được đáp ứng chỉ ở đâu đó trong tương lai, nên bạn sẽ cần tương lai để di chuyển. Và thế thì thời gian làm hại bạn. Bạn lỡ mất vĩnh hằng. Vĩnh hằng là ở đây.

Thế nên hãy coi thiền như là một cuộc vui, một ngày hội, một lễ hội về bất cứ điều gì. Bạn đang ở bên ngoài để đào đất trong khu vườn - việc này cũng có thể trở thành một kỹ thuật. Hãy đơn thuần đào và tận hưởng và vui mừng với chính hành động đó. Hãy trở thành hành động và quên người hành động. Cái “tôi” không có đó, chỉ còn lại hành động, và bạn hiện diện trong hành động đó, hiện diện một cách hạnh phúc. Thế rồi có sự mãn nguyện - không nôn nóng, không ham muốn, không động cơ.

Nếu bạn mang động cơ, ham muốn và sự nôn nóng vào thiền, bạn sẽ hủy hoại toàn bộ vấn đề. Và bạn càng làm thì bạn sẽ càng cảm thấy thất vọng. Bạn sẽ nói, “Mình đang làm quá nhiều và không có gì đang xảy ra”. Nhiều người đến với tôi và họ nói, “Tôi đang làm điều này và tôi đang làm điều kia trong nhiều tháng, trong nhiều năm, và không có gì đã xảy ra”.

Một người tìm kiếm đến từ Hà Lan đã ở đây, và anh ấy đã thực hành một kỹ thuật cụ thể đến ba trăm lần mỗi ngày. Nên anh nói với tôi, “Trong suốt hai năm, tôi đã thực hành kỹ thuật này ba trăm lần mỗi ngày. Tôi không bỏ một ngày nào. Tôi đã từ bỏ tất cả mọi thứ, bởi vì tôi phải thực hành kỹ thuật này ba trăm lần mỗi ngày - và không có gì đã xảy ra”. Và anh ấy sắp suy sụp thần kinh vì kỹ thuật này. Thế nên tôi nói, “Điều đầu tiên là bỏ kỹ thuật này. Hãy làm bất cứ điều gì, nhưng đừng thực hành kỹ thuật này. Bạn sẽ bị điên”. Anh ấy đã quá nghiêm trọng với nó. Đối với anh đó là vấn đề sống còn. Phải đạt nó bằng được.

Và anh ấy nói, “Ai biết được còn lại bao nhiêu ngày? Thời gian thật ngắn ngủi, và tôi phải đạt được nó trong cuộc đời này. Tôi không muốn tái sinh lần nữa. Cuộc đời này quá đau khổ rồi”.

Anh ấy sẽ tái sinh và tái sinh. Với cách anh đang làm, anh sẽ điên khùng hơn. Nhưng cách đó sai - toàn bộ thái độ là sai. Hãy coi thiền như một cuộc chơi, một cuộc vui, tận hưởng nó, và chính phẩm chất thay đổi. Khi đó, nó không phải là điều gì đó bạn đang thực hiện như là nguyên nhân để có được kết quả nào đó. Không, bạn đang tận hưởng nó ở đây và bây giờ. Nó vừa là nguyên nhân vừa là kết quả, cả hai. Nó là khởi đầu và nó là kết thúc.

Và khi đó bạn sẽ không thể bỏ lỡ thiền. Bạn không thể lỡ nó, nó sẽ xảy ra với bạn, bởi vì bây giờ bạn sẵn sàng đưa nó vào. Bạn cởi mở. Không có ai đã nói rằng thiền nên được coi như một cuộc vui, nhưng tôi nói điều đó. Hãy biến nó thành một cuộc chơi. Hãy chơi với nó giống như những đứa trẻ.

Câu hỏi 6

Hôm trước thầy đã nói rằng bóng tối là cơ bản hơn đối với tồn tại, trong khi hầu hết các tôn giáo đều có quan điểm trái ngược. Xin thầy vui lòng giải thích rõ hơn đối với vấn đề này, đặc biệt là về những gì khoa học hiện đại nói về nó? Nó nói rằng những thành phần cuối cùng có thể chia của vật chất chỉ là năng lượng điện?

Lại vẫn là sự phân chia đó - ánh sáng và bóng tối. Chúng là hai nếu bạn nhìn chúng thông qua tâm trí. Chúng là một nếu bạn thiền về chúng. Cho dù bạn thiền về ánh sáng hay bóng tối thì cũng không có gì khác. Nếu bạn thiền thì cái kia tan biến vào cái này. Thế thì ánh sáng không là gì mà chỉ là ít bóng tối hơn, và bóng tối không là gì mà chỉ là ít ánh sáng hơn; sự khác biệt là ở mức độ. Chúng không phải là hai thứ đối nghịch nhau; đúng hơn, chúng là hai mức độ của cùng một hiện tượng. Và hiện tượng đó không là ánh sáng cũng không là bóng tối. Cái chung của hai mức độ đó không là ánh sáng cũng không là bóng tối; hoặc, nó là cả hai. Bạn có thể đi vào nó từ ánh sáng, bạn có thể đi vào nó từ bóng tối. Nhiều tôn giáo đã sử dụng ánh sáng bởi vì nó thuận tiện hơn, dễ dàng hơn. Bóng tối thì khó, bất tiện hơn, và nếu bạn cố đi vào thông qua bóng tối, bạn đã chọn con đường gian nan hơn. Chính vì vậy mà nhiều tôn giáo đã chọn ánh sáng. Nhưng bạn có thể chọn một trong hai; điều đó tùy thuộc bạn. Nếu bạn thích thử thách, can đảm, thì chọn bóng tối. Nếu bạn sợ và không muốn đi trên con đường gian nan thì chọn ánh sáng. Bởi vì cả hai đều thuộc về một hiện tượng mà nó biểu hiện ở điểm này như là ánh sáng, ở điểm khác như là bóng tối.

Ví dụ, căn phòng này tràn ngập ánh sáng. Nhưng với mọi người, nó không tràn ngập với cùng một dạng ánh sáng, hay là cùng? Nếu mắt tôi kém thì ánh sáng này không như ánh sáng đối với bạn. Tôi nhìn thấy nó tối hơn một chút. Hãy tưởng tượng một người nào đó có đôi mắt nhìn xuyên thấu đến từ sao Hỏa hay từ hành tinh khác. Thế thì nơi bạn nhìn thấy ánh sáng, người đó sẽ nhìn thấy nhiều ánh sáng hơn bạn nhìn thấy. Và nơi bạn nhìn thấy bóng tối, người đó sẽ nhìn thấy ánh sáng. Có những loài thú và những loài chim nhìn được trong bóng tối, nơi bạn không thể nhìn. Với chúng đó là ánh sáng, với bạn đó là bóng tối.

Vậy ánh sáng là gì? Và bóng tối là gì ? - một hiện tượng. Và bạn có thể thâm nhập vào nó nhiều như thế nào, và nó có thể thâm nhập vào bạn nhiều như thế nào... tùy thuộc vào sự thâm nhập đó mà bạn gọi nó là ánh sáng hay bóng tối. Những đối cực này chỉ có vẻ là đối cực. Chúng không như thế, chúng là những mức độ tương đối của một hiện tượng. Các nhà khoa học nói rằng những thành tố cuối cùng có thể chia được cùa vật chất chỉ là năng lượng điện. Nhưng họ không nói chúng là ánh sáng; họ nói năng lượng điện. Bóng tối cũng là năng lượng điện, và ánh sáng cũng là năng lượng điện. Năng lượng điện không đồng nghĩa với ánh sáng. Nếu bạn đặt cho nó cái tên là năng lượng điện thì ánh sáng là một cách diễn đạt và bóng tối là cách diễn đạt khác.

Nhưng không cần đi vào thảo luận khoa học về điều đó. Điều đó là vô dụng. Đúng hơn, hãy nghĩ về tâm trí của riêng bạn, bạn thích gì. Nếu bạn cảm thấy dễ chịu với ánh sáng, thì đi vào thông qua ánh sáng. Đó là ô cửa của bạn. Nếu bạn cảm thấy dễ chịu với bóng tối, thì đi vào thông qua bóng tối. Và cả hai sẽ dẫn bạn tới cùng một mục tiêu.

Nhiều phương pháp trong số 112 phương pháp này liên quan tới ánh sáng; một số ít phương pháp liên quan tới bóng tối. Và Shiva đang cố gắng giải thích tất cả các phương pháp nhất có thể. Ngài đang không nói về những dạng cụ thể; ngài đang nói về mọi dạng. Nhưng có một số ít người sẽ thích đi vào thông qua bóng tối. Ví dụ, tâm trí nữ tính, thụ động hơn, đón nhận hơn, sẽ thích đi vào thông qua bóng tối; nó sẽ được chấp nhận hơn. Và tâm trí nam tính sẽ thích ánh sáng hơn.

Có thể bạn đã chưa quan sát thực tế rằng nhiều nhà thơ trong quá khứ và hiện tại, nhiều nhà triết học và nhiều người khác, những người đã có một sự thấu hiểu sâu sắc về tâm trí con người, đã luôn so sánh tâm trí nữ tính với bóng tối, và tâm trí nam tính với ánh sáng. Ánh sáng thì năng nổ, một yếu tố nam tính; bóng tối thì đón nhận, một yếu tố nữ tính. Bóng tối giống một dạ con.

Cho nên, điều đó tùy thuộc vào bạn: nếu bạn thích bóng tối, tốt thôi, hãy đi vào thông qua nó. Nếu bạn thích ánh sáng, hãy đi vào thông qua nó. Đôi khi, thậm chí cái đối nghịch cũng trở nên thu hút. Bạn cũng có thể thử điều đó nữa. Không có gì nguy hiểm trong việc thử bất cứ điều gì, bởi vì mọi con đường đều dẫn tới cùng một mục tiêu. Nhưng đừng cứ mãi nghĩ về việc chọn gì. Đừng lãng phí thời gian; đúng hơn là hãy thử. Bởi vì bạn có thể cứ nghĩ mãi về điều gì sẽ thích hợp, làm gì và không làm gì, và tại sao rất nhiều tôn giáo đã chủ trọng vào ánh sáng, và rất ít tôn giáo chủ trọng bóng tối. Đừng lo lắng về những điều này; chúng sẽ không giúp được gì. Đúng hơn là, bạn hãy nghĩ về dạng của riêng mình, về cái gì sẽ phù hợp với bạn, bạn sẽ cảm thấy thuận tiện hơn với nó, thế rồi hãy bắt đầu.

Và hãy quên mọi phương pháp khác, bởi vì tất cả 112 phương pháp này không phải dành cho bạn. Thậm chí nếu bạn chọn một phương pháp, với bạn thế là đủ. Bạn không cần đi qua 112 phương pháp; một phương pháp sẽ vẫn làm nên chuyện. Cho nên hãy cởi mở và tỉnh táo để bạn có thể nhận ra phương pháp hợp với mình. Bạn không cần lo lắng về mọi phương pháp khác; điều đó là không cần thiết. Hãy chọn một, chơi với nó, và nếu bạn cảm thấy tốt và có điều gì đó đang xảy ra; thì hãy đi vào nó và quên hết 111 phương pháp kia. Nếu bạn cảm thấy mình đã chọn sai thì bỏ nó đi, chọn phương pháp khác và chơi với nó. Nếu bạn thử theo cách này với bốn, năm hay sáu phương pháp, bạn sẽ rơi vào một phương pháp đúng. Nhưng đừng nghiêm trọng - chỉ chơi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho