25. Quyền lực mềm

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch

 
25. Quyền lực mềm.

Mọi đứa trẻ đều nhận thức được rằng những gì nó thấy về thế giới là rất khác so với cách cha mẹ nó thấy. Không phải cái nhìn mà là cách nhìn. Nó có những giá trị khác biệt lớn lao. Đứa trẻ có thể nhặt nhạnh vỏ sò trên bãi biển và cha mẹ nó sẽ nói “Vứt hết đi, tại sao con phải phí thời gian ?” và đối với đứa trẻ thì vỏ sò thật đẹp làm sao. Đứa trẻ rất nhạy cảm và tinh tế, chúng dễ dàng nhìn ra những khác biệt trong cách nhìn, cách nghĩ của mọi người. Cha mẹ thì đang chạy theo đồng tiền còn nó thì muốn chạy theo những cánh bướm. Nó không thể hiểu tại sao người ta lại quan tầm đến tiền nhiều thế? Cha mẹ thì không thể thấy tại sao bọn trẻ lại hứng thú thế với những cánh bướm hay những bông hoa.

Mỗi đứa trẻ đều sớm nhận ra rằng có những khác biệt về cách nhìn nhận. Vấn đề là chúng quá sợ việc khẳng định rằng chúng là đúng. Cho nên cần rất nhiều dũng cảm để cho đứa trẻ được một mình, phát triển cách nhìn của chúng nhưng toàn thể xã hội đã xoay xở để một đức tính tốt đẹp như lòng can đảm đã dần bị mai một đi, trong cả người lớn lẫn con trẻ.

Tôi đã không chịu cúi đầu trong đền thờ trước một pho tượng đá, tôi bảo với mọi người: “Nếu muốn, cha mẹ có thể cưỡng ép con vì cha mẹ mạnh hơn con. Con thì nhỏ bé thế này. Cha mẹ hoàn toàn có thể bắt ép nhưng nhớ rằng đó là một hành động rất xấu. Nó không phải lời cầu nguyện của con, và nó sẽ phá hủy cả lời cầu nguyện của cha mẹ nữa vì cha mẹ đang thực hiện một hành vi bạo lực với một đứa trẻ nhỏ không thể kháng cự.”

Một ngày trong khi họ đang cầu nguyện bên trong, tôi trèo lên mái của ngôi đền - điều ấy là rất nguy hiểm. Một năm chỉ một lẳn, một người thợ sơn sẽ trèo lên trên mái để sơn lại ngôi đền. Tôi đã quan sát anh ta và học được cách dùng những cái mấu để trèo lên trên đó - không ai khác biết cách này cả, nhưng tôi đã xoay xở để leo lên đó. Khi họ rời ngôi đền, trông thấy tôi trên mái họ đã hét lên: “Con đang làm gì trên đó? Con định tự tử sao ?”

Tôi nói: “Không, con chỉ muốn giúp mọi người nhìn ra một điều đơn giản, nếu mọi người cứ bắt ép con làm những điều con không muốn, con sẽ làm cái gì đó mà mọi người không muốn và cũng không can thiệp được. Đây là câu trả lời của con cho mọi người, hãy nhớ rằng mọi người không nên ép con làm bắt cứ gì cả.”

Họ van nài tôi: “Hãy yên lặng. Chúng ta sẽ tìm cách đưa con xuống”

Tôi nói: “Đừng lo lắng. Con có thể lên thì cũng có thể xuống được” và rồi tôi trèo trở xuống.

Họ nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ bắt ép con làm điều gì nữa, nhưng đừng làm điều gì dại dột, con có thể bị nguy hiểm.”

Tôi nói: “Nếu vậy, mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm đó.”

Sau đó việc tôi leo lên mái ngôi đền để tỏ sự cương quyết của mình đến tai mọi người khác trong làng. Tất cả họ đều đến và ngỏ ý lên án gia đình tôi vì cho rằng họ đã xúc phạm Thượng đế trong ngôi đền. Gia đình tôi đã phải họp lại - toàn bộ gia đình.

Họ nói “Hãy để cho thằng bé một mình là tốt nhất. Nó thật sự là đứa nguy hiểm”. Và đó là điều họ đã làm. Sau đó họ không bao giờ bắt ép tôi phải đến ngôi đền nữa và tôi cũng không bao giờ đến. Dần dà họ học được rằng tôi không nguy hiểm nhưng họ không nên dồn tôi vào chân tường - nơi tôi không muốn. Mọi nơi mà tôi không muốn đều là chân tường và khi ở chân tường, tôi sẽ tìm cách thoát ra, kể cả khi phải đập vỡ bức tường ấy.

Mỗi đứa trẻ phải trở nên cương quyết hơn, đó là điều rất quan trọng. Chúng không có gì để mất, chúng quá bị lệ thuộc vào cha mẹ và tôi không thấy chúng phải lệ thuộc như thế chút nào.

Không có sự khác biệt nào về sự thông minh của những đứa trẻ nhưng tôi thấy những khác biệt về sự cương quyết bởi vì trẻ con, đứa nào nghe lời thường sẽ được tôn vinh hơn. Sự tôn vinh đó khiến cho trẻ con không còn giữ được sự cương quyết của chúng.

Nó là một câu hỏi đơn giản về việc bạn có sẵn sàng đứng dậy đấu tranh bảo vệ chính mình trước các sức mạnh khác hay không. Bạn luôn có một sức mạnh tinh tế mà bạn có thể dùng để chống lại những bất công.

Ví dụ, nếu tôi nói “Con sẽ ngồi trên đường” - tôi đang dùng quyền lực của mình. Nếu tôi đang ngồi trên đỉnh ngôi đền, tôi cũng đang dùng quyền lực ấy. Nếu họ có thể hăm dọa tôi, tôi cũng có thể hăm dọa ngược lại. Nhưng trẻ em thì luôn nghe lời vì chúng là những đứa trẻ ngây thơ và yếu mềm, chúng luôn cố làm đúng theo ý cha mẹ chứ không phải ý của chúng.

Tôi học được nghệ thuật sử dụng quyền lực mềm của mình và tôi bắt đầu tinh luyện chúng, mài giũa chúng. Một khi tôi đã biết làm cách nào để đấu lại với những người có quyền lực, tôi ngày càng làm việc ấy tốt hơn. Tôi luôn tìm ra cách. Mọi người cứ luôn kinh ngạc bởi vì họ nghĩ “Giờ thì thằng bé không thể làm bất cứ gì chống lại điều này”. Nhưng họ nhầm.

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho