18. Cha mẹ: công việc thiêng liêng

CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG TRẺ EM - OSHO
Phi Tuyết dịch

 
18. Cha mẹ: công việc thiêng liêng


Tôi nói với cha tôi: “Công việc của một người cha, là giúp đỡ con làm điều con muốn, là bảo vệ con khỏi nguy hiểm và hướng dẫn con khi con yêu cầu, chứ không phải ra lệnh hay cấm đoán con hết thứ này đến thứ khác.”

Cha tôi luôn nói: “Nếu biết làm cha khó như thế này, ta sẽ không bao giờ...”

Công việc của cha mẹ là rất tinh tế và quý giá, bởi vì toàn thể cuộc sống của đứa con phụ thuộc vào điều đó. Đừng cho bất kì sự áp đặt nào lên đứa trẻ, dù là sự áp đặt tích cực - nhưng hãy giúp đứa con theo mọi cách có thể được để làm điều nó muốn làm.

Điều này nên được trở thành nguyên tắc: Đứa trẻ nên được giúp đỡ để lắng nghe cơ thể của nó, lắng nghe nhu cầu của chính nó. Điều căn bản cho cha mẹ là hãy canh gác đứa trẻ khỏi ngã xuống rãnh, khỏi những thiệt hại vật lý. Mọi kỷ luật khác đều là tiêu cực.

Hãy nhớ từ ấy “tiêu cực”, không phải chương trình tích cực nhưng là một sự bảo vệ tiêu cực. Bởi vì trẻ con vẫn là trẻ con, chúng có thể làm gì đó gây hại cho chính chúng, làm thương tổn, què quặt. Cả điều đó nữa, đừng yêu cầu bọn trẻ không được làm nhưng hãy giải thích cho chúng nghe. Đừng tạo ra bất cứ sự áp đặt nào cả nhưng hãy để chúng lựa chọn. Bạn đơn giản chỉ cần giải thích toàn bộ tình huống. Những đứa trẻ thì rất dễ tiếp nhận, nếu bạn có đủ tôn trọng cho chúng, chúng sẽ sẵn lòng lắng nghe, sẵn sàng thấu hiểu. Sau đó hãy để chúng lại với sự hiểu biết của chúng. Tình huống đó sẽ chỉ xảy ra trong vài năm lúc ban đầu thôi; rồi thì chúng sẽ sớm được bắt rễ vào trong sự thông minh của chúng và bạn sẽ không cần phải bảo vệ hay canh gác chúng nữa. Bạn sẽ có thể để chúng di chuyển trên đường riêng của chúng.

Tôi có thể hiểu nỗi sợ hãi của những bậc cha mẹ rằng đứa trẻ có thể đi theo những hướng mà họ không thích nhưng đó là vấn đề của bạn. Con của bạn không sinh ra chỉ để tuân theo những điều bạn thích hoặc không thích. Chúng có cuộc đời riêng của chúng để sống, bạn nên chúc phúc cho chúng được sống cuộc đời mà chúng muốn, dù cho nó là gì.

Bất cứ khi nào bạn đi theo tiềm năng của bạn, bạn sẽ luôn trở thành tốt nhất. Bất cứ khi nào bạn lạc đường khỏi tiềm năng của bạn, bạn trở nên tầm thường.

Toàn thể xã hội đầy ắp người tầm thường bởi vì lý do đơn giản rằng không ai là những gì mà định mệnh của họ đáng ra phải là. Họ luôn là ai đó khác và bất cứ cái gì họ làm họ không thể làm tốt nhất được, họ cũng không thể cảm thấy được hoàn thành, họ không thể hân hoan.

Vậy nên công việc của cha mẹ là rất tinh tế, quý giá nữa bởi vì toàn bộ cuộc sống của đứa trẻ phụ thuộc vào đó. Đừng trao cho nó bất cứ chương trình tích cực nào. Hãy giúp nó trong mọi cách có thể mà nó muốn.

Công việc của người cha hay người mẹ là lớn lao, bởi vì họ đang đem một vị khách mới vào thế giới - người có rất nhiều tiềm năng đang tiềm ẩn bên trong. Những đứa trẻ đó đến với thế giới này với những sứ mệnh tiềm ẩn và chúng chỉ có thể hạnh phúc khi đạt được sứ mệnh đó của chúng, nảy mầm hạt giống mà chúng mang sẵn trong mình.

Cho nên, các bậc cha mẹ chừng nào còn chưa biết cách giúp đỡ đứa trẻ nở hoa theo đúng tiềm năng của nó - không phải tiềm năng cha mẹ muốn chúng trở thành - thế thì cha mẹ cũng chỉ là một dạng cai ngục của nhà tù.

Hạnh phúc mỗi người là khác nhau

Không cha mẹ nào muốn con cái của họ không hạnh phúc, họ muốn chúng hạnh phúc chứ. Nhưng chẳng qua cách suy nghĩ và hành động của họ thì sai. Họ nghĩ nếu những đứa trẻ trở thành bác sĩ, nếu chúng trở thành giáo sư, kĩ sư, nhà khoa học thế thì chúng sẽ hạnh phúc. Họ không biết rằng bọn trẻ chỉ có thể hạnh phúc khi nó được trở thành những gì mà chúng muốn trở thành, chúng chỉ có thể trở thành thứ mà hạt mầm sâu thẳm bên trong chúng muốn được nở hoa. Vậy nên hãy giúp đỡ đứa trẻ trong mọi cách để cho chúng tự do, trao cho chúng cơ hội. Nếu đứa trẻ hỏi người mẹ thứ gì, đa phần, người mẹ thậm chí không nghe xem nó hỏi gì, họ chỉ đơn giản nói “Không”. Không là một từ quyền lực, “Có” hay “Ừ” thì không. Cho nên các cha mẹ thường không muốn nói từ “Ừ” chút nào, thậm chí cho những thứ bình thường nhất.

Đứa trẻ muốn chơi ngoài sân “Không”, nó muốn đi ra ngoài trong khi trời mưa và muốn tắm mưa “Không, con có thể bị cảm”. Một cơn cảm đâu phải ung thư, nhưng một đứa trẻ cứ bị cấm hết mọi thứ, từ việc nhảy nhót trong cơn mưa cho tới mọi sự, đó là cách con người dần dà đánh mất mọi niềm vui. Một cơn cảm lạnh có thể đáng giá một kinh nghiệm quý, trên thực tế bạn càng bảo vệ đứa trẻ nhiều thì nó càng trở nên mong manh và yếu ớt hơn. Bạn càng cho phép nó nhiều thì nó sẽ càng trở nên miễn dịch nhiều hơn, đề kháng mạnh hơn.

Cha mẹ phải học cách để nói “Ừ”. Trong 99 trường hợp họ thường nói không, họ chỉ muốn bày tỏ quyền lực của họ. Mọi người không thể trở thành tổng thống của một đất nước, không thể có quyền lực đối với hàng triệu người nhưng mọi người đều có thể trở thành một người chồng, áp quyền lãnh đạo lên người vợ; mỗi người vợ có thể trở thành một người mẹ, họ cùng nhau áp quyền lực lên đứa trẻ; mọi đứa trẻ đều có thể có một con gấu bông và nó sẽ áp quyền lực lên con gấu bông như là đá con gấu bông từ góc này sang góc kia, tát con gấu, cái tát đó nó thật sự muốn trao đến cho cha và mẹ nó. Con gấu bông tội nghiệp không có ai dưới quyền nó để mà trút giận cả.

Đây là sự độc tài, sự phô trương quyền lực của cả xã hội.

Những gì tôi đang nói về việc tạo ra một môi trường tự do cho đứa trẻ, mong rằng những ai đã nghe thì sẽ nói "ừ” nhiều hơn và nói “không” ít hơn, thế thì quyền lực độc tài trong xã hội sẽ biến mất, chúng ta sẽ có một xã hội nhiều nhân tính hơn.

Vậy nên nó không chỉ là vấn đề cho những đứa trẻ. Những đứa trẻ này sẽ sớm trở thành chủ nhân của một xã hội mới, thế giới mới. Đây là vấn đề cho cả loài người.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho