Chương 54: Ngọn lửa nhận biết
29 tháng 5 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ
Câu hỏi 1
Một thiền nhân mẫn cảm, thụ động, cởi mở và đón nhận, cảm thấy rằng với những đặc tính này mà mình phải đau khổ do ảnh hưởng của những rung động phi thiền định, tiêu cực và căng thẳng xung quanh. Xin hãy giải thích làm cách nào để người đó có thể giữ gìn được tinh thần mẫn cảm của mình trước những rung động có hại này.
Nếu bạn thực sự mẫn cảm thì không có gì tiêu cực đối với bạn - bởi vì sự tiêu cực là sự diễn giải của bạn. Không có gì là tác hại đối với bạn - bởi vì sự tác hại là sự diễn giải của bạn. Nếu bạn thực sự cởi mở thì không gì có thể làm hại bạn, không gì có thể được cảm nhận như là có hại. Bạn cảm thấy điều gì đó tiêu cực và có hại là vì bạn kháng cự, là vì bạn chống lại nó, không chấp nhận nó. Điều này phải được hiểu một cách sâu sắc.
Có kẻ thù địch là vì bạn đang tự bảo vệ mình chống lại người đó. Có kẻ thù địch là vì bạn không cởi mở. Nếu bạn cởi mở thì toàn bộ tồn tại là thân thiện; không thể khác được. Thực ra, thậm chí bạn sẽ không cảm thấy nó là thân thiện - nó đơn giản là thân thiện. Thậm chí không có cảm nhận rằng nó là thân thiện, bởi vì cảm nhận đó chỉ có thể tồn tại khi có cảm nhận trái ngược về sự thù địch.
Hãy để tôi nói theo cách này: nếu bạn mẫn cảm, điều đó có nghĩa bạn sẵn sàng sống trong sự không an toàn. Điều đó có nghĩa là trong thâm tâm bạn sẵn sàng ngay cả với cái chết. Bạn sẽ không kháng cự, bạn sẽ không chống lại, bạn sẽ không đấu tranh theo một cách nào. Nếu cái chết đến, sẽ không có sự kháng cự nào. Bạn sẽ đơn giản cho phép nó xảy ra. Bạn chấp nhận toàn bộ tồn tại. Thế thì làm sao bạn cảm thấy nó như cái chết được?
Nếu bạn từ chối thì bạn có thể cảm nhận nó như là điều có hại. Nếu bạn không từ chối thì làm sao bạn có thể cảm thấy nó như là điều có hại? Điều có hại được tạo ra bởi sự từ chối của bạn. Cái chết không thể làm hại bạn, bởi vì sự làm hại là diễn giải của bạn. Bây giờ không ai có thể làm hại bạn; điều đó đã trở thành không thể.
Đây là bí mật của giáo huấn của Đạo Lão. Giáo huấn cơ bản của Lão Tử là thế này: nếu bạn chấp nhận thì toàn bộ tồn tại đứng về phía với bạn. Không thể khác được. Nếu bạn từ chối, bạn tạo ra kẻ thù. Bạn càng từ chối, bạn càng phòng ngự, bạn càng bảo vệ thì càng tạo ra nhiều kẻ thù. Kẻ thù là sự sáng tạo của bạn. Chúng không có ở bên ngoài; chúng tồn tại trong chính sự diễn giải của bạn.
Một khi bạn có thể hiểu điều này thì câu hỏi này không bao giờ có thể nảy sinh. Bạn không thể nói, “Tôi thiền định, tôi mẫn cảm, tôi cởi mở. Vậy bây giờ làm sao tôi có thể tự bảo vệ mình khỏi những rung động tiêu cực quanh tôi?” Lúc này không gì có thể là tiêu cực. Sự tiêu cực có nghĩa là gì? Sự tiêu cực có nghĩa là những thứ bạn muốn từ chối, bạn không muốn chấp nhận, bạn cho là có hại. Thế thì bạn không cởi mở, bạn không trong trạng thái thiền định.
Câu hỏi này chỉ nảy sinh từ trí óc của bạn chứ không phải từ cảm nhận của bạn. Bạn còn chưa nếm trải thiền, bạn còn chưa biết nó. Bạn chỉ đơn giản là đang suy nghĩ, và sự suy nghĩ đó chỉ là một sự phỏng đoán. Bạn giả thiết, “Nếu tôi thiền và trở nên cởi mở thì tôi sẽ không an toàn. Những rung động tiêu cực sẽ lan đến tôi và chúng sẽ có hại. Thế thì làm sao tôi có thể tự bảo vệ mình?” Đây là một câu hỏi giả định. Đừng mang những câu hỏi giả định đến cho tôi. Chúng vô ích, không liên quan.
Hãy thiền, trở nên cởi mở, và rồi bạn sẽ không bao giờ hỏi tôi câu hỏi này, bởi vì cái tiêu cực sẽ biến mất trong bởi sự cởi mở đó. Thế rồi không có gì là tiêu cực. Và nếu bạn nghĩ rằng có cái gì đó tiêu cực, bạn không thể trở nên cởi mở. Chính nỗi sợ cái tiêu cực sẽ tạo ra sự khép kín. Bạn sẽ khép kín; bạn không thể trở nên cởi mở. Chính nỗi sợ rằng cái gì đó có thể làm hại bạn... làm sao bạn có thể trở nên mẫn cảm? Chính vì vậy mà tôi nhấn mạnh thực tế rằng trừ khi nỗi sợ chết biến khỏi bạn, bạn không thể trở nên mẫn cảm, bạn không thể cởi mở. Bạn sẽ giữ nguyên khép kín trong tâm trí mình, trong ngục tù của chính mình.
Nhưng bạn có thể cứ giả định nhiều thứ, và bất cứ điều gì bạn giả định gì thì cũng sẽ sai, bởi vì tâm trí không thể biết gì về thiền, nó không thể thâm nhập vào địa hạt đó. Khi nó dừng hoàn toàn thì thiền mới xảy ra. Cho nên bạn không thể giả định bất cứ điều gì, bạn không thể nghĩ về nó. Bạn biết nó hoặc không biết nó chứ bạn không thể nghĩ về nó.
Hãy cởi mở - và trong chính sự cởi mở của bạn mà mọi thứ tiêu cực của cuộc sống biến mất. Ngay cả cái chết cũng không còn là tiêu cực. Không có gì là tiêu cực. Nỗi sợ của bạn tạo ra tính tiêu cực. Trong thâm tâm bạn sợ; vì nỗi sợ đó mà bạn tạo ra các biện pháp an toàn. Kẻ thù tồn tại để chống lại các biện pháp an toàn đó.
Hãy nhìn vào thực tế này - chính bạn tạo ra kẻ thù. Tồn tại không thù địch với bạn. Làm sao nó có thể? Bạn thuộc về nó, bạn chỉ là một phần của nó, một phần hữu cơ. Làm sao tồn tại có thể thù địch với bạn? Bạn là tồn tại. Bạn không tách biệt; không có khoảng cách giữa bạn và tồn tại.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy có sự tiêu cực, cái chết, kẻ thù, sự căm ghét và nếu bạn cởi mở, không được bảo vệ, thì tồn tại sẽ hủy hoại bạn, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn phải tự bảo vệ mình. Và không chỉ bảo vệ - bởi vì cách tốt nhất để bảo vệ là gây hấn, tấn công. Bạn không thể đơn giản chỉ phòng vệ. Khi bạn cảm thấy rằng bạn phải tự bảo vệ mình, bạn trở nên ở thế tấn công, bởi vì gây hấn, tấn công là cách tốt nhất để bạn tự bảo vệ mình.
Nỗi sợ hãi tạo ra kẻ thù, và kẻ thù lại tạo ra sự phòng vệ, và sự phòng vệ tạo ra sự tấn công. Bạn trở nên bạo lực. Bạn thường xuyên đề phòng. Bạn chống lại mọi người. Điểm này phải được hiểu: nếu bạn sợ, bạn chống lại mọi người. Mức độ có thể khác, nhưng kẻ thù của bạn và bạn bè của bạn đều là kẻ thù của bạn. Người bạn thì đỡ là kẻ thù hơn một chút, thế thôi. Chồng bạn hay vợ bạn cũng là kẻ thù của bạn. Bạn đã tạo ra một sự dàn xếp, thế thôi. Các bạn đã trở nên được điều chỉnh. Hoặc có thể là cả hai đều có một kẻ thù chung nguy hiểm hơn, và để chống lại kẻ thù chung nguy hiểm hơn đó mà cả hai đều phải liên kết cùng nhau, cả hai trở thành một đội, nhưng sự thù địch vẫn còn đó.
Nếu bạn khép kín thì toàn bộ tồn tại là thù địch với bạn. Điều đó không phải như thế. Nó biểu hiện với bạn là thù địch. Khi bạn cởi mở, toàn bộ tồn tại đã trở thành bạn bè của bạn. Bây giờ, khi bạn khép kín thì ngay cả người bạn cũng trở thành kẻ thù. Không thể khác được. Trong thâm tâm bạn cũng sợ người bạn của mình nữa.
Ở đâu đó Henry Thoreau hay ai đó đã viết rằng mình đã cầu nguyện Thượng đế, “Tôi sẽ quan tâm đến những kẻ thù của tôi, nhưng ngài hãy quan tâm đến tôi để tránh những người bạn của tôi. Tôi sẽ chiến đấu với những kẻ thù của tôi, nhưng hãy bảo vệ tôi khỏi những người bạn của tôi”.
Bên ngoài là tình bạn; trong thâm tâm là sự thù địch. Tình bạn bè của bạn có thể chỉ là mẽ ngoài để che giấu sự thù địch. Nếu bạn khép kín, bạn chỉ có thể tạo ra kẻ thù, bởi vì chỉ khi bạn cởi mở thì người bạn mới lộ ra. Khi bạn hoàn toàn cởi mở với ai đó, tình bạn bè đã xảy ra. Nó không thể xảy ra theo bất cứ cách nào khác.
Làm sao bạn có thể yêu khi bạn khép kín? Bạn sống trong nhà tù của mình, tôi sống trong nhà tù của tôi, và bất cứ khi nào chúng ta gặp nhau, chỉ có những bức tường nhà tù chạm nhau, và chúng ta đang ẩn nấp phía sau. Chúng ta hoạt động trong vỏ nhộng của chúng ta: các vỏ nhộng chạm nhau, các cơ thể chạm nhau, nhưng sâu bên trong chúng ta vẫn giữ nguyên tách biệt.
Ngay cả trong khi làm tình, khi hai cơ thể đã quyện vào nhau, các bạn vẫn chưa hòa vào. Chỉ có hai cơ thể đang gặp nhau; các bạn vẫn ở trong vỏ nhộng của mình, trong vỏ bọc của mình. Các bạn chỉ đang tự lừa dối rằng có sự giao cảm. Thậm chí trong quan hệ tình dục, là mối quan hệ sâu sắc nhất thì cũng không có sự giao cảm. Nó không thể xuất hiện bởi vì bạn khép kín. Tình yêu trở thành điều bất khả. Và đây chính là lý do - bạn sợ.
Thế nên, đừng hỏi những câu hỏi như thế; đừng đưa ra những câu hỏi giả. Nếu bạn đã biết sự cởi mở, bạn không thể cảm thấy cái gì đó có thể làm hại bạn. Bây giờ không gì là có hại. Chính vì vậy mà tôi nói rằng ngay cả cái chết cũng là một phúc lành. Quan điểm của bạn đã trở nên khác. Bây giờ bất cứ chỗ nào bạn nhìn, bạn nhìn với tâm hồn rộng mở - sự rộng mở tâm hồn đó thay đổi phẩm chất của mọi thứ. Và bạn không thể cảm thấy có cái gì đó sẽ gây hại; bạn không thể hỏi làm sao để bảo vệ - không cần thiết. Nhu cầu nảy sinh vì bạn khép kín.
Nhưng bạn có thể cứ tiếp tục đưa ra những câu hỏi giả định. Nhiều người đến với tôi và họ nói, “Thôi được, nếu chúng ta đã thực chứng Thượng đế, rồi thế nào?” Họ bắt đầu với câu hỏi - nếu? Không có những “nếu”. Trong tồn tại, bạn không thể đưa ra những câu hỏi như thế. Chúng ngớ ngẩn, ngu ngốc, bởi vì bạn không biết bạn đang nói gì. “Nếu tôi đã thực chứng Thượng đế, rồi thế nào?” *
Cái “rồi thế nào?” đó không bao giờ nảy sinh, bởi vì với sự thực chứng, bạn không còn nữa, chỉ có Thượng đế. Và với sự thực chứng, không có tương lai, chỉ có hiện tại. Và với sự thực chứng, không còn lo lắng, bởi vì bạn đã trở thành một với tồn tại. Cho nên câu hỏi “rồi thế nào?” không bao giờ nảy sinh. Câu hỏi này nảy sinh bởi vì tâm trí thường xuyên lo lắng, đấu tranh, nghĩ ngợi về tương lai.
Câu hỏi 2
Khi tôi trở nên nhận biết ngày càng nhiều hơn, sự chú ý của tôi phát triển và vẫn còn nguyên cảm giác tôi tồn tại, tôi hiện diện, tôi nhận biết. Xin hãy giải thích làm sao cảm giác này có thế tan biến vào trạng thái vô ngã của chỉ nhận biết.
Đây lại là một câu hỏi giả định. Khi tôi trở nên nhận biết ngày càng nhiều hơn, sự chú ý của tôi phát triển và vẫn còn nguyên cảm giác tôi tồn tại, tôi hiện diện, tôi nhận biết. Điều này không bao giờ xảy ra, bởi vì khi nhận biết tăng lên thì tôi giảm đi. Khi tràn đầy nhận biết, bạn có đó, nhưng không có cảm giác rằng tôi hiện hữu. Nhiều nhất điều này có thể được diễn đạt bằng những ngôn từ rằng bạn cảm nhận một sự hiện hữu tinh tế, nhưng không có tôi.
Bạn cảm nhận sự tồn tại, và bạn cảm thấy nó phong phú trong phút giây mãn nguyện, nhưng không có tôi. Bạn không thể cảm nhận tôi tồn tại; bạn không thể cảm nhận tôi hiện diện; bạn không thể cảm nhận tôi nhận biết. Cái tôi đó là một phần của không nhận biết, không chú ý; một phần của trạng thái ngủ của bạn. Nó không thể tồn tại. Nó không thể tồn tại khi bạn thực sự tỉnh táo, nhận biết và ý thức.
Đây là cách các câu hỏi giả định có thể nảy sinh. Bạn có thể liên tục nghĩ về chúng, và không có gì sẽ được giải quyết. Nếu điều này xảy ra - rằng bạn cảm nhận tôi tồn tại; tôi nhận biết - thế thì bạn phải chú ý một điều, và đó là bạn không tỉnh táo, bạn không nhận biết. Thế thì những cảm giác này - tôi nhận biết, tôi ý thức, tôi tồn tại - đây là những ý nghĩ, bạn đang nghĩ về chúng. Chúng không phải là những phút giây thực chứng. Bạn có thể nghĩ tôi nhận biết; bạn có thể cứ lặp lại tôi nhận biết - điều đó sẽ không ích gì. Nhận biết không phải là sự lặp lại này. Và khi bạn nhận biết, thì không cần lặp lại tôi nhận biết. Bạn đơn giản nhận biết; cái tôi không còn nữa.
Hãy cố gắng nhận biết. Ngay bây giờ hãy tỉnh táo. Cái tôi ở đâu? Bạn hiện hữu - đúng hơn là, bạn mãnh liệt hơn - nhưng cái tôi ở đâu, bản ngã ở đâu? Bởi chính sự mãnh liệt của ý thức mà bản ngã không còn. Sau đó, khi bạn mất đi sự nhận biết và quá trình suy nghĩ bắt đầu, bạn có thể cảm thấy tôi hiện hữu, nhưng khi có sự nhận biết thì không có tôi. Ngay bây giờ hãy trải nghiệm điều đó. Bạn ở đây trong tĩnh lặng, bạn có thể cảm nhận sự hiện diện của mình, nhưng cái tôi ở đâu? Cái tôi chưa bao giờ nảy sinh. Nó chỉ nảy sinh khi bạn hồi tưởng về quá khứ. Khi bạn mất đi sự nhận biết thì ngay lập tức cái tôi nảy sinh.
Ngay cả, nếu chỉ trong một khoảnh khắc bạn có thể đơn thuần trải nghiệm sự nhận biết thì bạn hiện hữu, nhưng không có cái tôi. Khi bạn mất đi sự nhận biết, khi khoảnh khắc đã trượt qua, đã trôi đi, và bạn đang suy nghĩ thì cái tôi lập tức quay trở lại. Nó là một phần của quá trình nghĩ. Chính khái niệm về cái tôi là một ý nghĩ, nó thuộc về tư duy. Tôi hiện hữu là một ý nghĩ.
Khi bạn tỉnh táo và không có ý nghĩ nào, làm sao bạn có thể cảm nhận rằng tôi hiện hữu? Sự hiện hữu có đó - nhưng đó cũng không phải là một ý nghĩ, không phải đang suy nghĩ, về mặt thực tại, nó có đó, nó là một thực tế. Nhưng bạn có thể ngay lập tức biến thực tế này thành ý nghĩ, và bạn có thể nghĩ về khoảng trống đã tồn tại khi không có tôi. Và ngay khi bạn nghĩ, cái tôi đã quay trở lại. Bản ngã đi vào cùng với ý nghĩ - suy nghĩ là bản ngã. Khi không nghĩ thì bản ngã không còn.
Thế nên bất cứ khi nào bạn muốn hỏi một câu hỏi, đầu tiên hãy làm cho nó thiết thực. Trước khi hỏi tôi câu hỏi nào, hãy xem bất cứ điều gì bạn đang hỏi có thích đáng hay không. Những câu hỏi như thế có vẻ thích đáng về mặt ngôn từ, nhưng chúng lại giống như thế này: tôi nói rằng ánh sáng đã được bật lên, sau đó tôi lại hỏi, “Ánh sáng đã được bật lên nhưng bóng tối vẫn còn đó, vậy phải làm gì với bóng tối đây?” Điều duy nhất là ánh sáng vẫn chưa được bật lên, nếu không thì làm sao bóng tối vẫn còn? Và nếu có bóng tối thì không có ánh sáng. Và nếu có ánh sáng thì không có bóng tối. Cả hai không thể xuất hiện cùng nhau.
Nhận biết và bản ngã không thể cùng nhau. Nếu nhận biết đã xuất hiện, nếu nó có đó thì bản ngã biến mất. Điều này là đồng thời; thậm chí không có nổi một phần giây khoảng trống. Ánh sáng bật lên và bóng tối biến mất. Không phải là nó dần biến mất từng bước một. Bạn không thể nhìn thấy nó đang đi ra ngoài; bạn không thể nói rằng bây giờ bóng tối đang biến đi.
Có ánh sáng, và lập tức không còn bóng tối. Không có nổi một giây khoảng trống, bởi vì nếu có khoảng trống thì bạn có thể nhìn thấy bóng tối di chuyển ra ngoài. Và nếu có một giây khoảng trống thì không có lý do tại sao không thể có một giờ khoảng trống. Không có khoảng trống. Hành động là đồng thời. Thực ra, sự xuất hiện của ánh sáng và sự biến đi của bóng tối là hai mặt của cùng một hiện tượng.
Điều tương tự cũng xảy ra với nhận biết: khi bạn nhận biết, bản ngã không còn. Nhưng bản ngã có thể vẫn cứ chơi trò mánh khóe, và bản ngã có thể nói, “Tôi nhận biết”. Thế thì câu hỏi sẽ nảy sinh. Và bản ngã muốn tích lũy mọi thứ, ngay cả sự nhận biết. Bản ngã không chỉ muốn giàu có, quyền lực và uy danh; nó còn muốn thiền nữa, nó còn muốn nhập định nữa, nó còn muốn chứng ngộ nữa.
Bản ngã muốn tất cả mọi thứ. Phải chiếm hữu bất cứ điều gì có thể. Bản ngã muốn chiếm hữu mọi thứ - thậm chí thiền, nhập định, niết bàn. Cho nên bản ngã có thể nói, “Bây giờ tôi đã đạt được thiền”, thế nên câu hỏi này mới nảy sinh. Đã đạt được thiền, nhận biết đã xuất hiện, nhưng vẫn còn bản ngã, vẫn còn đau khổ. Toàn bộ gánh nặng của quá khứ vẫn còn nguyên. Không có gì thay đổi.
Bản ngã là một kẻ khoác lác rất tinh vi. Hãy nhận ra điều đó. Nó có thể đánh lừa bạn. Và nó có thể sử dụng những ngôn từ, nó có thể ngôn ngữ hóa mọi thứ. Nó có thể ngôn ngữ hóa bất cứ thứ gì, ngay cả với niết bàn.
Tôi đã nghe kể rằng, có hai con bướm đang bay qua những hẻm núi ở New York. Khi bay gần tới tòa nhà Empire State, con đực nói với con cái, “Em biết không, nếu muốn, anh có thể làm cho tòa nhà Empire State này sụp đổ chỉ bởi một hơi thổi”.
Một người đàn ông thông thái tình cờ có mặt ở đó đã nghe được câu chuyện, nên ông ta gọi con bướm đực lại và hỏi, “Mày đang nói gì? Mày biết rõ rằng mày không thể làm cho tòa nhà Empire State sụp đổ chỉ với một hơi thổi. Không cần phải nói mày cũng biết rõ điều đó, vậy tại sao mày lại nói như thế?”
Con bướm đực nói, “Xin lỗi ngài. Tôi rất xin lỗi. Tôi chỉ đang cố gây ấn tượng với bạn gái tôi thôi”,,
Người đàn ông thông thái nói, “Đừng làm điều đó”, và xua con bướm đi.
Con bướm đực quay trở lại với bạn gái của mình. Tất nhiên, người bạn gái hỏi, “Cái gã thông thái đó đã nói gì với anh?”
Gã khoác lác đó bèn nói, “Ông ta cầu xin anh và nói, ‘Đừng làm điều đó!’ Ông ta quá sợ, run rẩy, lo lắng. Ông ta đã nghe thấy rằng anh đang định làm cho tòa nhà Empire State sụp đổ, nên ông ta nói, ‘Xin đừng làm điều đó!’ ”Điều tương tự đang liên tục xảy ra. Những lời nói đó được thốt ra bởi người đàn ông thông thái có ý nghĩa rất khác. Ý ông ta là, “Đừng nói những điều như thế”, nhưng bản ngã lại lợi dụng ông. Bản ngã bạn có thể lợi dụng bất kỳ thứ gì, nó quá tinh khôn. Và về sự tinh khôn thì nó đầy kinh nghiệm - những kinh nghiệm của hàng triệu năm - đến mức bạn không thể phân biệt được sự tinh khôn này đến từ đâu.
Nhiều người đến với tôi và họ nói, “Thiền đã xảy ra. Bây giờ phải làm gì với những lo lắng của tôi?” Đây là cách bản ngã liên tục chơi trò mánh khóe - và họ thậm chí không biết mình đang nói gì. “Thiền đã xuất hiện, kundalini đã nảy sinh - vậy phải làm gì? Những lo lắng vẫn tiếp diễn”.
Tâm trí bạn muốn tin mọi thứ, nên bạn cứ tin và lừa dối mà không làm bất cứ điều gì để thỏa nguyện ước mong. Nhưng thực tại không thay đổi bởi những sự thỏa nguyện ước mong của bạn: lo lắng vẫn diễn ra. Bạn có thể đánh lừa mình, bạn không thể đánh lừa những lo lắng đó. Chúng sẽ không biến đi vì bạn nói, “Thiền đã xuất hiện và kundalini đã nảy sinh, và bây giờ tôi đã vào thể thứ năm”. Những lo lắng đó thậm chí sẽ không nghe thấy bạn đang nói gì. Nhưng nếu thiền thực sự xuất hiện thì những lo lắng ở đâu? Làm sao chúng có thể tồn tại trong một tâm trí thiền định?
Nên nhớ điều này: khi bạn nhận biết, bạn tồn tại, nhưng bạn không là bản ngã. Thế thì bạn không bị giới hạn, bạn là sự trải rộng vô hạn, nhưng không có trung tâm. Không có cảm giác tập trung vào cái tôi; chỉ là sự tồn tại mênh mang, không có khởi đầu, không có kết thúc - chỉ là bầu trời vô hạn. Và khi cái tôi này biến mất, cái bạn cũng tự động biến mất, bởi vì cái bạn chỉ có thể tồn tại trong mối liên hệ với cái tôi. Tôi đang ở đây; chính vì vậy mà bạn có đó. Nếu cái tôi này biến khỏi tôi thì bạn không còn đó nữa. Bạn không thể tồn tại. Làm sao bạn có thể tồn tại?
Tôi không có ý nói rằng bạn sẽ không có đó về mặt thực thể, về mặt vật lý. Bạn sẽ có đó như bạn đang hiện hữu, nhưng với tôi, bạn không thể là bạn. Cái bạn có ý nghĩa khi liên quan đến cái tôi của tôi; cái tôi của tôi tạo ra bạn. Với tôi, phần này biến mất thì phần kia cũng biến mất. Khi đó tồn tại đơn thuần hiện hữu; mọi rào cản đã biến mất. Vì bản ngã biến mất mà toàn bộ tồn tại trở thành nhất thể. Bản ngã là kẻ phân chia - và bản ngã tồn tại vì bạn không chú ý. Ngọn lửa nhận biết sẽ thiêu hủy nó.
Hãy thử điều đó nhiều hơn nữa. Đột nhiên trở nên tỉnh táo. Đi bộ trên phố, ngay lập tức dừng lại, hít một hơi thở thật sâu, trở nên tỉnh táo trong giây lát. Và khi tôi nói tỉnh táo, ý tôi là đơn thuần tỉnh táo về những gì đang diễn ra - tiếng ồn giao thông, mọi người qua lại và nói chuyện, mọi thứ diễn ra xung quanh. Đơn thuần trở nên tỉnh táo. Bạn không hiện hữu tại thời điểm đó: chỉ có tồn tại hiện hữu cùng vẻ đẹp của nó.
Khi đó, tiếng ồn giao thông không có vẻ gì là ồn ào, nó không có vẻ như một sự phiền phức, bởi vì không có ai kháng cự lại nó và chiến tranh với nó. Nó đơn giản đến với bạn rồi đi; nó được nghe và không còn nghe thấy nữa. Nó đến và đi. Không có rào cản nào để nó có thể chống lại. Nó không thể gây tổn thương cho bạn, bởi vì mọi tổn thương được tạo ra bởi bản ngã. Nó sẽ trôi qua. Sẽ không có rào cản nào đối với nó; sẽ không có chiến tranh, không có sự phiền nhiễu.
Nên nhớ điều này: tiếng ồn trên đường phố không phải là sự phiền phức. Khi tiếng ồn trên đường phố chống lại bạn, khi bạn có định kiến rằng nó là một sự phiền phức thì nó trở thành sự phiền phức. Khi bạn chấp nhận nó thì nó đến rồi đi. Và bạn đơn thuần được tắm trong nó; tắm xong bạn tươi tắn hơn. Và không có gì làm bạn mệt mỏi. Có một thứ mệt mỏi duy nhất, đó là sự kháng cự, nó liên tục làm tiêu tán năng lượng của bạn, và chúng ta gọi nó là bản ngã.
Nhưng chúng ta không bao giờ nhìn nhận nó theo cách này. Bản ngã đã trở thành cuộc sống của chúng ta, là nhân tố chính của cuộc sống. Thực ra không có bản ngã. Nếu tôi nói với ai đó... Nhiều lần điều đó xảy ra. Nếu tôi nói với ai đó làm tan biến bản ngã, ngay lập tức người đó trừng nhìn tôi với hàm ý, “Nếu bản ngã tan biến thì cuộc sống ở đâu? Thế thì tôi không còn nữa”.
Tôi đã nghe rằng một chính khách rất tiếng tăm, một lãnh tụ lớn của một quốc gia, đã được hỏi, “Chắc ông phải mệt mỏi lắm. Cả ngày, bất cứ nơi nào ông đi, cũng có cả một đám đông xin chữ ký”.
Chính khách đó, nhà lãnh đạo đó nói, “Điều đó gần như giết tôi - nhưng đây chỉ mới là một nửa sự thật”. Ông ấy chắc phải là một người đàn ông rất hiếm hoi, rất thành thực. Ông nói, “Điều đó gần như giết tôi - nhưng chỉ là gần như. Nếu không có ai xin chữ ký của tôi, hẳn điều đó sẽ giết tôi hoàn toàn. Đám đông liên tiếp này gần như giết tôi, nhưng điều ngược lại còn nguy hiểm hơn. Nó sẽ giết tôi hoàn toàn nếu không có ai xin chữ ký của tôi”.
Vậy nên, dù bản ngã mệt mỏi đến thế nào, chán nản đến thế nào thì bạn vẫn cảm thấy nó là cuộc sống, và nếu bản ngã không có đó, bạn cảm thấy cuộc sống sẽ biến khỏi tâm trí mình. Bạn không thể hình dung làm sao cuộc sống có thể tồn tại mà không có bạn, không có sự liên hệ không ngừng với cái tôi. Dưới một góc độ, điều đó là logic, bởi vì chúng ta chưa bao giờ sổng mà không có nó. Chúng ta đã sống thông qua nó, chúng ta đã sống quanh nó; chúng ta chỉ biết một dạng cuộc sống dựa trên bản ngã. Chúng ta không biết cuộc sống nào khác.
Và vì chúng ta đã sống thông qua nó mà chúng ta đã không thể sống thực sự. Chúng ta chỉ đang vật lộn để sống, và cuộc sống không bao giờ đến với chúng ta, nó chỉ lướt qua chúng ta. Nó luôn luôn chỉ là sự vươn tới, chỉ là hy vọng rằng ngày mai, thời điểm tiếp theo chúng ta sẽ sống. Nhưng nó không bao giờ đến, không bao giờ đạt được nó. Nó vẫn luôn là niềm hy vọng, là giấc mơ - nhưng chúng ta vẫn không ngừng di chuyển. Và vì nó sẽ không đến mà chúng ta di chuyển nhanh. Điều đó cũng logic: nếu cuộc sống đang không đến với chúng ta thì tâm trí có thể nghĩ chỉ được một điều - rằng chúng ta đang di chuyển không đủ nhanh. Cho nên hãy nhanh hơn, tốc độ hơn.
Có một lần xảy ra rằng, một trong những nhà khoa học vĩ đại, T.H.Huxley, đi thuyết trình ở đâu đó tại London. Ông ấy đến một ga xép, nhưng tàu lại bị trễ, nên ông đã nhảy vào xe taxi và nói với người tài xế, “Nhanh lên! Chạy với tốc độ tối đa!”
Họ đang lao đi rất nhanh thì ông chợt nhận ra mình đã chưa nói địa chỉ. Nhưng ông cũng nhớ rằng chính mình đã quên nó. Nên ông đã hỏi người tài xế, “Bác tài, bác có biết tôi dự định sẽ đi đâu không?”
Anh ta nói, “Không, thưa ngài. Nhưng tôi sẽ lái nhanh nhất có thể”.
Điều này đang xảy ra. Bạn đang lao đi nhanh nhất có thể. Bạn đang đi đâu? Tại sao bạn lại đang di chuyển? Đâu là đích đến? - chính hy vọng rằng vào một ngày nào đó cuộc sống sẽ đến với bạn. Và tại sao ngay bây giờ nó đang không đến? Bạn đang sống - tại sao nó đang không xảy ra ngay bây giờ? Tại sao niết bàn lại luôn trong tương lai, luôn là ngày mai? Tại sao không là hôm nay? Và ngày mai không bao giờ đến - hay bất cứ khi nào nó đến thì luôn luôn là hôm nay và bạn lại sẽ bỏ lỡ. Nhưng chúng ta đã chỉ sống theo cách này. Chúng ta chỉ biết một chiều hướng sống - cái gọi là cuộc sống mà chúng ta đang sống này - chỉ là chết, không sống động chút nào, chỉ là đang kéo lê bằng cách này cách khác, chi là đang chờ đợi.
Với bản ngã thì sẽ luôn là sự chờ đợi - chờ đợi đến vô vọng. Bạn có thể làm nhanh, bạn có thể sống gấp nhưng bạn sẽ không bao giờ tới được đâu: chỉ vì vội vã mà bạn sẽ làm tiêu tán năng lượng và bạn sẽ chết. Và bạn đã thực hiện điều đó quá nhiều lần. Bạn đã luôn vội vã, và vì vội vã mà năng lượng tiêu tán, và rồi chỉ có cái chết xuất hiện mà không có gì khác. Bạn đang vội vã cả đời, và chỉ có cái chết xuất hiện mà không có gì khác. Nhưng tâm trí, bởi vì nó chỉ quen với một chiều hướng, bởi vì nó đã biết chỉ một cách sống - thậm chí không phải là một cách sống, mà chỉ có vẻ là một cách sống - sẽ nói rằng nếu không có bản ngã thì đâu là cuộc sống?
Nhưng tôi nói với bạn, nếu có bản ngã thì không có khả năng cho cuộc sống, chỉ là những lời hứa hẹn. Bản ngã là một kẻ rất giỏi hứa. Nó liên tục hứa với bạn. Và bạn lại không hề nhận ra - không có lời hứa nào từng được thực hiện, nhưng bạn lại tin. Khi một lời hứa mới được đưa ra, bạn lại tin.
Hãy nhìn lại xem! Bản ngã hứa nhiều điều, và không có gì đã đạt được. Mọi lời hứa đều rơi rụng. Nhưng bạn không bao giờ nhìn lại, bạn không bao giờ so sánh. Khi bạn còn là một đứa trẻ thì có những lời hứa cho tuổi thanh niên: cuộc sống sẽ có đó khi bạn là thanh niên. Mọi người đều nói điều đó, và bạn cũng hy vọng rằng khi bạn trở thành thanh niên, mọi thứ phải xảy ra sẽ xảy ra. Bây giờ những ngày đó đã trôi qua, lời hứa vẫn không được thực hiện, nhưng bạn đã quên. Bạn đã quên lời hứa, bạn đã quên rằng nó đã không được thực hiện. Việc nhìn thực tại làm bạn đau đớn đến nỗi bạn không bao giờ nhìn lại nó.
Bây giờ bạn lại hy vọng cho tuổi già - rằng lúc tuổi già thì sannyas sẽ nở hoa, thiền sẽ đến với bạn. Khi đó mọi lo lắng sẽ qua đi: những đứa con bạn sẽ vào đại học, và mọi thứ sẽ trở nên ổn định. Bạn sẽ không còn trách nhiệm. Bạn sẽ có thể tìm kiếm điều linh thiêng. Khi đó, vào lúc tuổi già, điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Và bạn sẽ chết mà chưa được toại nguyện.
Điều đó sẽ không xảy ra, bởi vì nó không bao giờ xảy ra trong hy vọng, nó không bao giờ xảy ra bởi hy vọng. Nó không bao giờ xảy ra bởi lời hứa của bản ngã. Nó chỉ có thể xảy ra ngay bây giờ. Nhưng thế thì phải cần đến một sự nhận biết rất sâu sắc để bạn có thể vứt bỏ mọi lời hứa, mọi hy vọng, mọi chương trình tương lai, mọi giấc mơ và nhìn thẳng vào ở đây và bây giờ, vào những gì là bạn.
Với sự quay trở lại với chính mình - ý thức bạn không di chuyển đâu đó về phía trước mà quay về với bạn - bạn trở thành một vòng tròn ý thức. Thời điểm này trở thành vĩnh hằng. Bạn tỉnh táo và nhận biết. Với sự tỉnh táo đó, với sự nhận biết đó, không có cái tôi; chỉ đơn giản là thực tại, chỉ đơn giản là tồn tại. Và sự đơn giản đến từ sự nhận biết đó. Sự đơn giản không phải là một cái khố, sự đơn giản không phải là sống trong nghèo khó, sự đơn giản không phải là sẽ trở thành một kẻ ăn xin. Đó là những điều rất phức tạp và rất khôn ngoan, rất tính toán. Sự đơn giản ra đời khi bạn đã đạt được một thực tại đơn thuần, nơi cái tôi không tồn tại. Từ đó, sự đơn giản nảy sinh; bạn trở nên khiêm nhường. Không phải là bạn thực hành sự đơn giản, bởi vì sự đơn giản được luyện tập không bao giờ có thể là đơn giản. Một sự khiêm nhường được luyện tập chỉ là một bản ngã ẩn náu.
Nó xảy ra: nếu bạn có thể nhận biết, nó bắt đầu tuôn chảy thông qua bạn. Bạn trở nên khiêm nhường; không chống lại bản ngã, bởi vì một sự khiêm nhường chống lại bản ngã là một dạng bản ngã khác - bản ngã tinh vi hơn và nguy hiểm hơn, độc hại hơn. Nó là khiêm nhường bởi sự vắng mặt bản ngã chứ nó không đối lập với bản ngã, chỉ là sự vắng mặt. Bản ngã đã biến mất. Bạn đã đến với chính mình và đã biết rằng không còn bản ngã: sự đơn giản nảy sinh, sự khiêm nhường nảy sinh - chúng đơn giản tuôn chảy. Bạn đã không làm bất cứ điều gì với chúng; chúng là những sản phẩm phụ - những sản phẩm phụ của sự nhận biết sâu sắc.
Cho nên dạng câu hỏi này thật ngớ ngẩn. Nếu bạn cảm thấy rằng bạn nhận biết và cái tôi vẫn còn nguyên, thì biết rõ rằng bạn chưa nhận biết. Hãy nỗ lực để trở nên nhận biết. Và đây là tiêu chuẩn: khi bạn nhận biết, cái tôi không còn; khi bạn nhận biết, cái tôi không được tìm thấy. Đây là tiêu chuẩn duy nhất.
Câu hỏi 3
Vào một ngày thầy đã giải thích về sự mất cân bằng giữa văn hóa phương Tây đặt trọng tâm vào khách thể và văn hóa phương Đông đặt trong tâm vào chủ thể, và thầy cũng lưu ý rằng không ở đâu con người toàn vẹn lại được bất cứ nền văn hóa nào chấp nhận. Thầy có hình dung về một nền văn hóa tương lai như thế sẽ có thể chấp nhận và phát triển con người toàn vẹn - về mặt khách thể cũng như về mặt chủ thể không?
Sự phát triển phiến diện này đã xuất hiện như là một sai lầm tự nhiên, như là một sai lầm rất tự nhiên. Hãy cố gắng hiểu rõ sai lầm tự nhiên này, bởi vì nhiều điều phụ thuộc vào nó.
Bất cứ khi nào điều gì đó được nói ra, thì điều đối lập của nó bị phủ nhận. Bất cứ khi nào điều gì đó được nói ra, thì điều gì đó đồng thời bị phủ nhận. Nếu tôi nói, “Thượng đế ở bên trong” thì “Thượng đế ở bên ngoài” bị phủ nhận. Tôi đã không hề đề cập đến điều đó. Nhưng nếu tôi nói, “Thượng đế ở bên trong” thì “Thượng đế ở bên ngoài” bị phủ nhận. Nếu tôi nói, “Để tĩnh lặng thì bạn phải đi vào trong”, điều đó được hiểu rằng nếu bạn hướng ra ngoài, bạn sẽ không bao giờ tĩnh lặng. Cho nên bất cứ điều gì được nói ra bằng ngôn từ thì cũng luôn phủ định một điều gì đó khác.
Điều này có nghĩa là ngôn từ không bao giờ có thể bao hàm toàn bộ cuộc sống. Hoặc, nếu bạn cố bao hàm toàn bộ cuộc sống thì ngôn ngữ trở nên phi logic, phi lý. Nếu tôi nói, “Thượng đế ở bên trong và Thượng đế ở bên ngoài”, điều đó lại trở nên vô nghĩa. Nếu tôi nói, “Mọi thứ là Thượng đế”, điều đó trở nên vô nghĩa. Nếu tôi nói, “Cho dù bạn ra ngoài hay vào trong thì cũng có thể đạt được sự tĩnh lặng”, thì lại không mang ý nghĩa nào, bởi vì tôi đang nói cả hai - cả hai cực đối lập đồng thời. Tôi đang đặt chúng cùng nhau; chúng phủ định lẫn nhau - và thế thì không có gì được nói.
Điều này đã được thử nghiệm. Nhiều lần người ta đã thử bao hàm toàn bộ cuộc sống thông qua sự biểu đạt ngôn ngữ. Điều đó chưa bao giờ thành công, và không thể thành công. Bạn có thể thực hiện điều đó, nhưng thế thì những sự khẳng định của bạn lại trở nên bí ẩn; chúng không mang bất cứ ý nghĩa nào. Logic có những quy định nào đó phải được tuân theo - và ngôn ngữ là logic.
Nếu bạn hỏi tôi, “Thầy có ở đây không?” và tôi nói, “Có, theo một nghĩa, tôi ở đây, và theo nghĩa khác tôi không ở đây”, hoặc tôi nói, “Cả hai, có và không”, thế thì nếu bạn yêu quí tôi, bạn sẽ gọi tôi là một nhà huyền môn; nếu bạn không yêu quí tôi, bạn sẽ gọi tôi là một kẻ điên - bởi vì làm sao có thể là cả hai? Hoặc tôi ở đây - thì tôi phải nói có; hoặc tôi không ở đây - thì tôi phải nói không. Nhưng nếu tôi đồng thời nói có và không, tôi đang thực hiện một cú nhảy ra khỏi cấu trúc logic của ngôn ngữ.
Ngôn ngữ luôn luôn là một sự lựa chọn. Vì điều này mà mọi nền văn hóa, mọi xã hội, mọi nền văn minh trở nên phiến diện. Và không nền văn hóa nào có thể tồn tại mà không có ngôn ngữ. Thực ra, ngôn ngữ tạo ra văn hóa. Con người là loài động vật có ngôn ngữ duy nhất; không loài động vật nào khác tạo ra bất cứ nền văn hóa hay xã hội hay nền văn minh nào. Chỉ có con người mới tạo ra văn hóa, văn minh và xã hội. Và vì ngôn ngữ mà sự lựa chọn xuất hiện; và vì sự lựa chọn mà nảy sinh mất cân bằng. Không con thú nào bị mất cân bằng, nên nhớ. Chỉ có con người là mất cân bằng. Mọi con thú đều tồn tại trong sự cân bằng sâu sắc: cây cối và những tảng đá và mọi thứ. Mọi thứ đều cân bằng; chỉ có con người là mất cân bàng, vấn đề là gì? - bởi vì con người sống thông qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ tạo ra sự lựa chọn.
Nếu tôi nói với ai đó rằng anh ta vừa đẹp vừa xấu, thì câu nói này chẳng có nghĩa gì. Cả xấu và đẹp ư? - bạn ngụ ý gì? Nếu tôi nói, “Bạn đẹp”, điều đó có nghĩa. Nếu tôi nói, “Bạn xấu”, nó cũng có nghĩa. Nhưng nếu tôi nói, “Bạn là cả hai. Bạn thông thái và ngu ngốc”, thì nó không thể có bất cứ ý nghĩa nào. Nhưng thực tại là như thế. Thực ra, không có ai đơn thuần xấu và không có ai đơn thuần đẹp. Bất cứ ở đâu tồn tại vẻ đẹp thì vẻ xấu cũng tồn tại; bất cứ ở đâu tồn tại vẻ xấu thì vẻ đẹp cũng tồn tại. Chúng là một phần của cái toàn bộ. Và bất cứ ở đâu thông thái tồn tại thì ngu ngốc cũng tồn tại. Bạn không thể tìm ra một người thông thái mà lại không ngớ ngẩn, và bạn không thể tìm ra một người ngớ ngẩn mà lại không thông thái.
Với bạn điều đó khó hình dung, bởi vì bất cứ khi nào bạn nói, “Người này là một kẻ ngốc”, bạn dừng tìm hiểu, bạn khép lại, bạn đã khép ô cửa lại. Bạn nói, “Người này là một kẻ ngốc”. Bây giờ bạn sẽ không tìm hiểu sự thông thái của người đó. Và thậm chí nếu sự thông thái của người đó được bộc lộ ra với bạn, bạn sẽ không nghe nó. Bạn sẽ nói, “Người này là một kẻ ngốc. Làm sao anh ta có thể là một người thông thái? Điều đó là không thể; một cái gì đó sai đã xảy ra. Anh ta chắc phải thực hiện điều đó theo cách ngu ngốc. Đây là điều gì đó ngẫu nhiên. Anh ta không thể là thông thái”. Nếu bạn quyết định rằng con người này là thông thái và sau đó điều ngớ ngẩn nào đó xuất hiện từ anh ta, thì bạn không thể tin, hoặc bạn sẽ đưa ra những giải thích và bạn sẽ hợp lý hóa nó - rằng điều này phải là thông thái.
Cuộc sống là đồng thời cả hai phương diện, nhưng ngôn ngữ lại phân chia. Ngôn ngữ là một sự lựa chọn. Vì điều này mà mọi nền văn hóa tạo ra khuôn mẫu lựa chọn của riêng nó. Ở phương Đông họ phát triển công nghệ, họ phát triển nghiên cứu khoa học; bây giờ họ phát triển mọi thứ đã phát triển ở phương Tây. Năm nghìn năm trước họ đã phát triển mọi thứ, và sau đó họ đã cảm thấy sự vô nghĩa của nó - hiện nay điều này được cảm nhận ở phương Tây. Họ cảm thấy rằng điều đó thật vô dụng.
Khi họ cảm thấy rằng điều đó là vô dụng, họ quay sang cực đối lập. Họ nói, “Bây giờ quay vào trong. Bất cứ điều gì bên ngoài cũng là ảo tưởng, nó không dẫn tới đâu. Hãy quay vào trong”. Thế rồi khoa học dừng phát triển, công nghệ dừng phát triển. Không chỉ dừng: khi họ quay vào trong, họ bắt đầu lên án mọi thứ bên ngoài. “Chỉ sống cuộc sống bên trong! Bỏ hết mọi thứ bên ngoài!” Họ trở nên chống lại thế giới; phủ nhận cuộc sống. Từ chối mọi thứ là vật chất... chỉ có tinh thần, thuần túy tinh thần.
Cuộc sống là cả hai. Thực ra, nói cuộc sống là cả hai là không đúng. Cuộc sống là nhất thể. Cái mà chúng ta gọi là vật chất chỉ là một sự biểu hiện của tinh thần, và cái mà chúng ta gọi là tinh thần không là gì ngoài một biểu hiện của vật chất. Cuộc sống là nhất thể. Cái bên trong và cái bên ngoài không phải là hai thứ đối lập, chỉ là hai cực của một sự tồn tại.
Nhưng bất cứ khi nào một xã hội đạt tới cực đỉnh của một sự lựa chọn - bởi vì một lựa chọn buộc phải là cực đoan - ngay lập tức bạn sẽ bỏ lỡ cực kia, và cái thứ bạn lỡ, bạn lại cảm thấy quan trọng hơn. Cái thứ bạn có, bạn có thể quên, nhưng cái thứ bạn bỏ lỡ, bạn cảm thấy quan trọng hơn. Cho nên, khi phương Đông phát triển tới cực đỉnh về khoa học và công nghệ thì lại cảm thấy sự vô lý của nó: nó là vô dụng, bạn không thể đạt được sự tĩnh lặng thông qua nó, nên hãy quẳng nó đi, từ bỏ nó, đi vào trong, di chuyển vào thế giới bên trong. Và thế rồi sự chuyển động vào bên trong này đã tự động trở thành sự phủ nhận cái bên ngoài.
Hiện nay điều đó đang diễn ra ở phương Tây. Bây giờ phương Tây đã đạt được đỉnh cao công nghệ; họ cảm thấy sự vô nghĩa đó. Hiện nay Ấn Độ đã đi vào những vực thẳm đói nghèo. Điều đó buộc phải xảy ra, bởi vì tâm trí phương Đông đã bắt đầu hướng vào trong. Khi bạn đi vào trong với cái giá của tất cả những gì bên ngoài, bạn sẽ trở nên nghèo, và bạn sẽ ở trong cảnh lệ thuộc, và bạn sẽ sống trong bất an và đau khổ. Điều đó buộc phải như thế.
Giờ đây Ấn Độ không còn quan tâm đến thiền, Ấn Độ không còn quan tâm đến thế giới bên trong, Ấn Độ không còn quan tâm đến niết bàn. Ấn Độ quan tâm đến công nghệ hiện đại. Sinh viên Ấn Độ quan tâm đến khoa học công nghệ, khoa học y khoa. Tài năng Ấn độ sẽ đến phương Tây để học hỏi bí quyết, năng lượng nguyên tử. Và tài năng phương Tây quan tâm đến việc đi tới phương Đông để biết thiền là gì, để biết làm sao đi vào không gian bên trong.
Và họ đã đạt được. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, họ đã biết cách đi vào không gian bên ngoài. Họ đã tới mặt trăng. Bây giờ họ đã tới được mặt trăng và việc đó đã trở nên ngớ ngẩn. Bây giờ họ đang hỏi, “Sẽ được gì từ đó? Ngay cả nếu chúng ta đã đi tới mặt trăng thì điều gì đã diễn ra? - con người vẫn đau khổ như thế”. Mặt trăng sẽ không giúp được gì, bởi vì bạn có thể chuyên chở con người tới mặt trăng, nhưng anh ta vẫn là con người như cũ. Thế nên sự hoạt động trong không gian bên ngoài có vẻ là vô dụng, là sự lãng phí năng lượng. Làm sao đi vào không gian bên trong?
Bây giờ họ quay sang phương Đông, và phương Đông lại đang quay sang phương Tây - lại là sự lựa chọn. Nếu phương Tây hoàn toàn quay sang phương Đông, trong vòng hai hay ba thế kỷ, phương Tây sẽ trở nên nghèo. Hãy nhìn vào những người hippy xem - họ đang thực hiện điều đó rồi. Và nếu thế hệ mới ở phương Tây tuyệt đối trở thành hippie, thì ai sẽ làm việc về công nghệ, ai sẽ làm việc về công nghiệp, và ai sẽ làm việc vì nền văn minh mà phương Tây đã đạt được? Phải mất nhiều thế kỷ để đạt được một cái gì đó; bạn có thể mất nó chỉ trong một thế hệ.
Nếu thế hệ này từ chối và nói, “Chúng tôi sẽ không tới các trường đại học”, thì bạn có thể làm gì? Thế hệ cũ - làm sao có thể kéo dài điều đó? Hai mươi năm và mọi thứ có thể biến mất, chỉ bởi sự từ chối của thế hệ mới - “Tôi sẽ không tới trường đại học”. Và họ đang rời bỏ, họ đang trở thành những người lập dị. Họ nói, “Những chiếc xe hơi lớn, những ngôi nhà lớn, công nghệ hiện đại sẽ ích gì khi mà thiếu vắng tình yêu thương? Khi không có sự thảnh thơi của tâm trí, thì mọi sự giàu có này còn có ích gì? Khi không có cuộc sống thì tiêu chuẩn sống cao này còn có ích gì? Cho nên hãy rời bỏ nó!”
Trong vòng hai thế kỷ phương Tây có thể đi tới những vực sâu của đói nghèo. Điều đó đã xảy ra ở phương Đông. Trong thời Mahabharat, gần như công nghệ như thế đã phát triển ở phương Đông. Thế rồi nó được cho là vô dụng. Và nếu tâm trí Ấn Độ quay sang công nghệ thì trong vòng hai thế hệ tôn giáo sẽ biến mất - nó đã biến mất - và chính từ ‘thiền’ sẽ có vẻ lỗi thời. Nếu bạn nói về cái bên trong, mọi người sẽ nghĩ bạn mất trí: “Bạn ngụ ý gì về cái bên trong? Không có cái bên trong”.
Điều này xảy ra là do ngôn ngữ - bởi vì ngôn ngữ là một sự lựa chọn, và tâm trí thì đi tới thái cực. Và khi nó đi tới thái cực này, thái cực kia biến mất. Và với cực kia, nhiều phẩm chất biến mất, và khi chúng biến mất bạn cảm thấy thèm khát chúng. Thế rồi bạn lại đi tới cực kia. Rồi một cái gì đó khác lại biến mất.
Thế nên, nền văn hóa toàn vẹn còn chưa ra đời, và nó không thể ra đời trừ khi con người học được cách giữ nguyên tĩnh lặng, trừ khi sự tĩnh lặng trở thành cốt lõi của tâm trí con người. Không phải là ngôn ngữ mà là tĩnh lặng - bởi vì với tĩnh lặng bạn là toàn vẹn, với ngôn ngữ bạn luôn luôn là một phần. Trừ khi loài người bắt đầu sống thông qua tĩnh lặng - không thông qua ngôn ngữ, không thông qua tâm trí, mà thông qua tính toàn vẹn của con người - thì không thể có nền văn hóa toàn vẹn. Chỉ có những con người toàn vẹn mới có thể hình thành nên một nền văn hóa toàn vẹn.
Con người bị phân chia và phân mảnh. Mỗi con người chỉ là một phân mảnh của những gì mình có thể trở thành, những gì mình nên trở thành. Anh ta chỉ là một phân mảnh của tiềm năng của mình. Những con người phân mảnh này tạo ra những xã hội phân mảnh. Đã luôn có những xã hội phân mảnh. Nhưng giờ đây, dường như chúng ta trở nên nhận ra toàn bộ sự vô nghĩa của việc đi tới những thái cực. Và nếu sự nhận biết này trở nên sâu sắc, và chúng ta không đi tới cực đối lập, thay vào đó chúng ta bắt đầu nhìn vào sự toàn bộ...
Chẳng hạn, bản thân tôi. Tôi không chống lại vật chất, tôi không chống lại tinh thần. Tôi không ủng hộ tinh thần, và tôi không ủng hộ vật chất. Tôi ủng hộ cả hai. Với tôi không có sự lựa chọn giữa vật chất và tinh thần, cái bên trong và cái bên ngoài. Tôi ủng hộ cả hai, bởi vì nếu bạn chấp nhận cả hai thì chỉ khi đó bạn mới trở nên hoàn chỉnh và toàn vẹn. Nhưng điều này là khó hiểu, khó nắm bắt bởi tính kế thừa.
Bất cứ khi nào bạn gặp một người tâm linh, bạn bắt đầu nhìn xem người đó có nghèo hay không. Chắc người đó phải nghèo, phải sống trong một túp lều, phải chết đói. Tại sao? Tại sao người đó phải nghèo và tại sao người đó phải chết đói? - bởi vì cái bên trong phải được chọn đối chọi với cái bên ngoài; điều đó đã trở thành một phần của tính kế thừa. Nếu bạn nhìn thấy một người sống xa hoa, bạn không thể tin người đó là tâm linh. Làm sao người đó có thể là tâm linh?
Sang trọng thì có gì là sai? Và vì sao tâm linh lại chống lại sự sang trọng? Thực ra, tâm linh là sự sang trọng tối thượng. Thực ra, chỉ có người tâm linh mới có thể là sang trọng. Người đó biết cách thư giãn, và người đó biết cách tận hưởng, và người đó biết cách mang phúc lạc đến mọi nơi mình có mặt. Nhưng tính kế thừa đã đi vào chính các tế bào của não bạn. Nếu bạn nhìn thấy một người tâm linh nghèo khó đang đi bộ, bạn cảm thấy rằng người đó chắc phải là đích thực. Làm sao mà nghèo khó lại liên quan đến tâm linh? Tại sao? Chúng ta đã chọn những thái cực. Điều này thật khó hiểu bởi có một truyền thống lâu đời - và bạn thậm chí không nhận ra.
Một người nào đó vừa ở đây, và anh ta nói với tôi rằng bây giờ ở Wardha, nơi Vinoba sống, trời nóng suốt cả ngày, rất nóng - và ông ấy sẽ không sử dụng quạt điện, ông ấy sẽ không sử dụng thiết bị làm lạnh, ông ấy sẽ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Không thể được! Làm sao một người tâm linh lại sử dụng máy điều hòa nhiệt độ? Ông ấy thậm chí không sử dụng quạt. Người đó đã chứng kiến và đã rất ấn tượng. Anh ta nói, “Nhìn xem, một người tâm linh vĩ đại! Ông ấy thậm chí không dùng quạt”.
Tôi hỏi, “Ông ấy đang làm gì?”
Anh ta nói, “Cả ngày, suốt bảy tiếng từ mười giờ đến năm giờ, ông ấy liên tục đặt những chiếc khăn lạnh lên đầu và bụng mình”.
Bảy tiếng mỗi ngày của Vinoba đã bị lãng phí - và giá của chiếc quạt điện hay thiết bị làm mát hay máy điều hoàn nhiệt độ là bao nhiêu? Và bảy tiếng phí hoài của Vinoba mỗi ngày... ? Nhưng nếu có một chiếc quạt điện thì người này sẽ cảm thấy Vinoba không tâm linh. Và làm sao mà Vinoba lại đồng ý với kiểu quan điểm này - rằng bảy tiếng mỗi ngày của Vinoba là không quan trọng.
Cuộc sống rất ngắn ngủi, và một tài năng như Vinoba đang lãng phí bảy tiếng mỗi ngày một cách không cần thiết. Nhưng chính ông cũng cảm thấy rằng công nghệ là trái ngược với tâm linh. Một cái là bên ngoài và một cái là bên trong - và ông ấy đã chọn cái bên trong. Nhưng nếu bạn đang chọn cái bên trong, thậm chí đặt chiếc khăn ướt cũng là bên ngoài. Việc này cũng là đang thực hiện cùng một điều, chỉ là theo cách rất nguyên thủy. Bạn đang làm gì? Bạn đang tạo ra một dạng mát. Và bạn đang lãng phí bảy tiếng vì điều đó! Đó là cái giá quá đắt. Nhưng chúng ta sẽ nói, “Không, đây mới là sự chân phương, đây mới là tâm linh, và đây là người đàn ông vĩ đại”. Điều này đã đi vào chính các tế bào não của chúng ta.
Tôi chấp nhận cuộc sống với tính toàn bộ của nó. Cái bên ngoài và cái bên trong, cả hai đều có đó, và cả hai đều thuộc về tôi. Và chúng phải cân bằng. Bạn không cần chọn cái này với cái giá của cái kia. Và nếu bạn chọn, bạn đang trở thành nạn nhân - nạn nhân của sự cực đoan - và bạn sẽ đau khổ vì điều đó.
Hãy tạo ra một sự cân bằng. Cái bên ngoài và cái bên trong không đối lập. Chúng là những sự chuyển động của cùng một năng lượng, là hai bờ của cùng một dòng sông, và dòng sông không thể chảy chỉ với một bờ. Bạn có thể quên bờ kia, nhưng bờ kia sẽ có đó. Và dòng sông chỉ có thể tồn tại nếu có bờ kia. Bạn có thể quên nó hoàn toàn: thế thì thói đạo đức giả ra đời, bởi vì bạn cứ phải trốn tránh bờ kia một cách không cần thiết. Không cần phải như thế. Bởi thế thì dòng sông không thể tuôn chảy.
Cuộc sống tuôn chảy giữa cái bên trong và cái bên ngoài, và cả hai đều là cốt lõi. Cuộc sống không thể tồn tại chỉ với một thứ. Và cái hai này không thực sự là hai. Hai bờ của một dòng sông chỉ biểu hiện là hai; nếu bạn lặn sâu xuống dưới thì chúng giao nhau - cùng một nền đất đang biểu hiện như là hai bờ. Cái bên ngoài và cái bên trong là cùng một nền đất, cùng một hiện tượng.
Nếu sự sáng suốt này đi sâu, và con người... và tôi quan tâm đến con người, chứ không quan tâm đến văn hóa, không quan tâm đến xã hội, không quan tâm đến văn minh. Nếu con người trở nên toàn vẹn và cân bằng, thì vào một ngày nhân loại có thể trở thành một xã hội cân bằng. Và chỉ khi đó con người sẽ thoải mái. Và chỉ khi đó mới có thể phát triển mà không có bất cứ khó khăn không cần thiết nào.
Ngày nay hiếm khi xuất hiện một người nào đó phát triển - thật hiếm hoi. Gần như mọi hạt mầm đều bị lãng phí. Trong hàng triệu mới có một hạt mầm phát triển và nở hoa. Điều này có vẻ là một sự lãng phí tuyệt đối. Nhưng nếu xã hội cân bằng - không có gì bị từ chối, không có gì được chọn và tính toàn bộ được chấp nhận một cách hài hòa và sâu sắc - khi đó, nhiều hạt mầm sẽ phát triển. Thực ra, trường hợp sẽ là tuyệt đối ngược lại: sẽ hiếm khi xảy ra chuyện một người nào đó sẽ không phát triển.
Nhận xét
Đăng nhận xét