Chương 56: Khám phá sự trống rỗng
31 tháng 5 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ
Câu hỏi 1
Trong thiền, khi cái “ta” tạm thời lắng xuống và hình thành một sự trống rỗng bên trong, thì theo sau là cảm giác về nỗi thất vọng, khi mà sự xuất hiện của cái chưa biết không lấp đầy được sự trống rỗng đó. Làm sao con người có thể học được cách sống với sự trống rỗng đó?
Sự trống rỗng chính là cái chưa biết. Đừng chờ và đừng hy vọng rằng có cái gì đó sẽ lấp đầy sự trống rỗng này. Nếu bạn đang chờ đợi, đang hy vọng, đang ước mong thì bạn không trống rỗng. Nếu bạn đang chờ đợi cái gì đó, một sức mạnh vô hình nào đó sẽ hạ xuống bạn thì bạn không trống rỗng - hy vọng có đó, ước mong có đó, khát khao có đó. Cho nên đừng ước mong điều gì đó để lấp đầy bạn. Chỉ đơn giản cứ trống rỗng. Thậm chí đừng chờ đợi.
Trống rỗng là cái chưa biết. Khi bạn thực sự trống rỗng, cái chưa biết đã hạ xuống bạn. Không phải là đầu tiên bạn trống rỗng và sau đó cái chưa biết đi vào. Bạn trống rỗng và cái chưa biết đã vào rồi. Không có bất cứ khoảng cách thời gian nào. Cái trống rỗng và cái chưa biết là một.
Ban đầu nó biểu hiện với bạn như là trống rỗng; đó chỉ là biểu hiện, bởi vì bạn đã luôn bị lấp đầy bởi bản ngã. Thực ra, bạn đang cảm nhận sự vắng mặt của bản ngã; chính vì vậy mà bạn cảm thấy trống rỗng. Đầu tiên bản ngã biến mất - nhưng cảm giác bản ngã không còn nữa lại gây ra cảm giác về sự trống rỗng. Chỉ là sự vắng mặt... một cái gì đó đã có đó, và bây giờ nó không còn. Bản ngã đã ra đi, nhưng sự vắng mặt của bản ngã lại được cảm nhận. Đầu tiên bản ngã sẽ biến mất, và sau đó sự vắng mặt của bản ngã sẽ biến theo. Chỉ khi đó bạn sẽ thực sự trống rỗng. Và trở nên thực sự trống rỗng là thực sự được lấp đầy.
Không gian bên trong được tạo ra bởi sự vắng mặt của bản ngã chính là điều linh thiêng. Điều linh thiêng không phải đến từ nơi nào khác; bạn đã là nó. Bởi vì bạn tràn ngập bản ngã mà bạn không thể nhận ra nó, bạn không thể nhìn thấy nó, bạn không thể chạm vào nó. Một rào cản mờ ảo của bản ngã ngăn trở bạn.
Khi bản ngã đã rơi xuống, rào cản cũng rơi theo. Bức màn che không còn nữa. Không có gì xuất hiện; bất cứ điều gì sẽ xuất hiện thì cũng đã có đó rồi. Nên nhớ điều này: không có gì mới sẽ đến với bạn. Thực tế, bất cứ điều gì có thể thì cũng đã có đó rồi. Cho nên vấn đề không phải là đạt được; vấn đề duy nhất là khám phá. Kho báu có đó, chỉ bị che phủ - bạn hãy mở nó ra.
Khi trở thành một người đã thực chứng, Đức Phật đã được hỏi rất nhiều lần, “Thầy đã thu được gì? Thầy đã đạt được gì?”
Phật được cho là đã nói, “Tôi đã không đạt được bất cứ điều gì. Đúng hơn là ngược lại, tôi đã mất chính mình. Và cái tôi đã đạt được thì đã có rồi, nên tôi không thể nói tôi đã đạt được nó. Tôi đã không nhận ra nó. Bây giờ tôi đã trở nên nhận biết. Nhưng tôi không thể nói mình đã đạt được nó. Ngược lại mới đúng, bây giờ tôi tự hỏi sao mình đã không thể biết nó trước đây. Và nó đã luôn ở đó, ngay trong góc - chỉ cần quay lại”.
Điều linh thiêng không phải là tương lai. Tính linh thiêng của bạn là cái hiện tại. Nó ở đây và bây giờ. Chính lúc này bạn là cái đó - nhưng bạn lại không nhận biết, không nhìn hướng đúng, hoặc không hòa điệu với nó, vậy thôi.
Có một chiếc máy thu thanh: ngay lúc này nhiều làn sóng đang truyền qua, nhưng nếu chiếc máy thu này không dò tới một tần số cụ thể thì sóng không thể được phát ra. Bạn chỉnh máy thu và sóng trở nên được phát ra. Chỉ cần một sự điều chỉnh. Thiền là một sự điều chỉnh. Khi bạn được điều chỉnh thì cái chưa biểu lộ trở nên biểu lộ với bạn.
Nhưng nến nhớ, đừng ham muốn, bởi vì ham muốn sẽ không cho phép bạn trở nên trống rỗng. Nếu bạn không trống rỗng thì không thể có bất cứ điều gì, bởi vì không có không gian, nên bản chất chưa biểu lộ của bạn không thể được tiết lộ. Nó cần không gian để được tiết lộ. Và đừng hỏi làm sao sống với sự trống rỗng. Đó không phải là câu hỏi thực sự. Cứ trống rỗng. Bạn còn chưa trống rỗng.
Một khi bạn biết trống rỗng là gì thì bạn sẽ yêu thích nó. Nó là sự mãn nguyện. Nó là trải nghiệm đẹp nhất có thể đối với tâm trí, đối với con người, đối với tâm thức. Bạn sẽ không hỏi làm sao sống với sự trống rỗng. Bạn đang hỏi điều đó như thể trống rỗng là điều gì đó giống như nỗi đau khổ. Với bản ngã nó biểu hiện như thế. Bản ngã luôn sợ sự trống rỗng, nên bạn hỏi làm thế nào để sống với sự trống rỗng như thể nó là kẻ thù vậy.
Sự trống rỗng là trung tâm sâu thẳm nhất của bạn. Mọi hoạt động đều ở ngoại vi; trung tâm sâu thẳm nhất chỉ là số không. Những thứ biểu lộ là ở ngoại vi; cốt lõi sâu nhất của bản thể bạn là chân không. Đức Phật đã cho nó một cái tên - shunyata. Nó có nghĩa là hư không hay là sự trống rỗng. Đó là bản chất bạn, đó là bản thể bạn, và từ cái hư không đó mà mọi thứ xuất hiện và mọi thứ quay trở lại nó.
Sự trống rỗng là chính cội nguồn. Đừng yêu cầu lấp đầy nó, bởi vì bất cứ lúc nào bạn yêu cầu lấp đầy nó bạn sẽ tạo ra nhiều và nhiều bản ngã hơn - bản ngã chính là nỗ lực làm đây sự trống rỗng. Và ngay cả ước muốn rằng bây giờ điều gì đó phải hạ xuống bạn - một vị thần, một điều linh thiêng, một sức mạnh thiêng liêng, một năng lượng chưa biết nào đó - đây lại là một ý nghĩ. Bất cứ điều gì bạn có thể nghĩ về Thượng đế thì sẽ không là Thượng đế; nó sẽ chỉ đơn giản là một ý nghĩ.
Khi bạn nói cái không biết, bạn đã biến nó thành cái biết. Bạn biết gì về cái không biết? Ngay cả nói rằng nó là cái không biết thì bạn cũng đã biết phẩm chất nào đó về nó - phẩm chất của sự chưa biết của nó. Tâm trí không thể hình dung cái không biết. Ngay cả cái không biết cũng trở thành cái biết, và bất cứ điều gì tâm trí nói thì cũng sẽ chỉ là một sự ngôn ngữ hóa, một quá trình tư duy.
Thượng đế không phải là từ “Thượng đế”. Ý nghĩ về Thượng đế không phải là Thượng đế. Và chỉ khi không có ý nghĩ thì bạn mới cảm nhận được và nhận ra nó là gì. Không gì khác có thể được nói về nó. Nó chỉ có thể được hiển thị. Và mọi sự chỉ dẫn đều sai bởi vì tất cả chúng đều là gián tiếp.
Chỉ có thể nói bấy nhiêu - rằng khi bạn không hiện hữu... Và bạn không hiện hữu, chỉ khi đó mới không có ham muốn, bởi vì bạn tồn tại cùng với ham muốn. Ham muốn là thực phẩm nuôi dưỡng bạn tồn tại. Ham muốn là nhiên liệu. Khi không ham muốn, không khao khát, không tương lai, khi bạn không hiện hữu thì sự trống rỗng đó chính là sự tràn đầy của tồn tại. Trong sự trống rỗng đó toàn bộ tồn tại được tiết lộ với bạn. Bạn trở thành nó.
Cho nên đừng hỏi làm sao sống với sự trống rỗng. Đầu tiên, hãy cứ trống rỗng. Không cần hỏi làm sao sống với nó. Điều đó thật vui sướng - nó là niềm phúc lạc sâu sắc nhất. Khi bạn hỏi làm sao sống với sự trống rỗng, thực ra bạn đang hỏi làm sao sống với chính mình. Nhưng bạn chưa biết chính mình. Hãy đi vào sự trống rỗng nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
Trong thiền đôi khi bạn cảm nhận một dạng trống rỗng; đó không thực sự là sự trống rỗng. Tôi gọi nó chỉ là một dạng trống rỗng. Khi bạn đang thiền, trong những khoảnh khắc nào đó, trong một vài giây bạn sẽ cảm thấy như thể quá trình suy nghĩ đã dừng lại. Ban đầu những khoảng trống này sẽ xuất hiện. Nhưng vì bạn đang cảm thấy như thể quá trình suy nghĩ đã dừng, chính điều này lại là một quá trình suy nghĩ, một quá trình suy nghĩ rất tinh tế. Bạn đang làm gì? Bạn đang nói bên trong, “Quá trình nghĩ đã dừng lại”. Nhưng đây là gì? Đây chính là sự bắt đầu của quá trình suy nghĩ thứ hai. Và bạn nói, “Đây là sự trống rỗng”. Bạn nói, “Bây giờ một cái gì đó sẽ xảy ra”. Điều này có nghĩa là gì? Lại một quá trình suy nghĩ mới đã bắt đầu.
Bất cứ khi nào điều này lại xảy ra, đừng trở thành nạn nhân của nó. Khi bạn cảm nhận một sự tĩnh lặng nào đó đang hạ xuống, đừng bắt đầu diễn đạt nó bằng ngôn ngữ, bởi vì bạn đang hủy hoại nó. Hãy chờ - không chờ gì cả - chỉ chờ. Đừng làm bất cứ điều gì. Đừng nói, “Đây là sự trống rỗng”. Lúc bạn nói ra, bạn đã hủy hoại nó. Chỉ nhìn nó, thâm nhập vào nó, trực diện nó, nhưng hãy chờ - đừng diễn đạt bằng từ ngữ. Vội vã làm gì? Thông qua việc diễn đạt bằng từ ngữ, tâm trí đã lại lẻn vào từ một con đường khác, và bạn bị mắc lừa. Hãy cảnh giác với mánh khóe này của tâm trí.
Ban đầu điều đó buộc phải xảy ra, nên bất cứ khi nào điều này lại xảy ra, hãy chờ. Đừng rơi vào cái bẫy. Đừng nói bất cứ điều gì - giữ nguyên im lặng. Rồi bạn sẽ hòa vào, và khi đó nó sẽ không là tạm thời, bởi vì một khi bạn đã biết sự trống rỗng thực, bạn không thể mất nó. Cái thực không thể bị mất; đó là phẩm chất của nó.
Một khi bạn đã biết kho báu bên trong, một khi bạn đã kết nối được với cốt lõi sâu nhất của mình thì bạn có thể đi vào hoạt động, bạn có thể thực hiện bất cứ điều gì bạn muốn, bạn có thể sống một cuộc sống thế tục đời thường, nhưng cái trống rỗng này sẽ giữ nguyên trong bạn. Bạn không thể quên nó. Nó sẽ diễn ra bên trong. Âm nhạc của nó sẽ được nghe. Bất cứ điều gì bạn đang làm, thì việc làm này sẽ chỉ ở ngoại vi; bên trong bạn sẽ giữ nguyên trống rỗng.
Và nếu bạn có thể giữ nguyên trống rỗng bên trong, việc làm chỉ ở ngoại vi thì bất cứ điều gì bạn làm cũng trở nên linh thiêng, bất kỳ điều gì bạn làm cũng được coi là phẩm chất của điều linh thiêng bởi vì bây giờ nó không đến từ bạn. Bây giờ nó đến trực tiếp từ sự trống rỗng nguyên sơ, cái hư không ban đầu. Nếu khi đó bạn nói thì những lời này cũng không phải là của bạn. Đó là điều mà Mohammed ngụ ý khi ông ấy nói, “Kinh Koran này không được nói bởi tôi. Nó đã đến với tôi như thể ai đó đã nói thông qua tôi”. Nó đã đến từ sự trống rỗng bên trong. Đó là điều mà người Hindu ngụ ý khi nói, “Kinh Veda không được viết bởi con người, chúng không phải là lời của con người mà của đấng linh thiêng, chính Thượng đế đã nói những câu kinh đó”.
Đây là những cách thức biểu tượng để nói điều gì đó rất huyền bí. Và đây là điều huyền bí: khi bạn chìm sâu trong sự trống rỗng, bất cứ điều gì bạn làm hay nói thì không phải là từ bạn - bởi vì bạn không còn nữa. Nó đến từ sự trống rỗng. Nó đến từ cốt lõi sâu nhất của tồn tại. Nó đến từ cùng một nguồn mà toàn bộ tồn tại này đã xuất hiện. Bạn đã nhập vào dạ con, vào chính dạ con của tồn tại. Thế rồi những lời của bạn không phải là của bạn, những hành vi của bạn không phải là của bạn. Điều đó như thể bạn chỉ là một công cụ - một công cụ của cái toàn thể.
Nếu sự trống rỗng được cảm nhận chỉ trong giây lát, rồi nó đến và đi giống như một ánh chớp, thì đó không phải là thực. Và nếu bạn bắt đầu nghĩ về nó thì ngay cả cái không thực cũng biến mất. Bạn phải rất dũng cảm để không nghĩ trong thời điểm đó. Tôi biết đó là sự kiềm chế khó khăn nhất. Khi tâm trí trở nên tĩnh lặng và khi bạn đang rơi vào sự trống rỗng, thì cần sự can đảm hết mức để không nghĩ, bởi vì toàn bộ quá khứ của tâm trí sẽ đòi quyền. Toàn bộ cơ cấu của tâm trí sẽ nói, “Bây giờ hãy nghĩ!”
Theo những cách rất tinh tế, những cách gián tiếp, ký ức từ quá khứ của bạn sẽ thúc ép bạn nghĩ - và nếu bạn nghĩ, bạn đã quay trở lại. Nếu bạn vẫn giữ im lặng trong thời điểm đó, nếu bạn không bị cơ cấu của ký ức và của tâm trí bạn xui khiến... Đây thực sự là quỷ satan - tâm trí bạn xui khiến bạn. Bất cứ khi nào bạn đang rơi vào trống rỗng, tâm trí xui khiến bạn và tạo ra cái gì đó để nghĩ tới - và nếu bạn bắt đầu nghĩ, bạn quay trở lại.
Người ta nói rằng khi một trong những bậc thầy vĩ đại, Bồ Đề Đạt Ma, đến Trung Quốc, nhiều môn đệ đã tập trung quanh ông. Ông ấy là bậc thầy Zen đầu tiên. Một môn đệ, người đã trở thành môn đệ trưởng của ông, đã đến với ông và nói, “Bây giờ tôi đã trở nên hoàn toàn trống rỗng”.
Ngay lập tức Bồ Đề Đạt Ma tát anh ta và nói, “Bây giờ hãy đi mà quẳng cái trống rỗng đó đi! Bây giờ anh bị trống rỗng lấp đầy - quăng luôn cái này đi. Chỉ như thế thì mới thực sự là trống rỗng”.
Bạn có hiểu không? Bạn có thể bị ngập trong ý tưởng về sự trống rỗng. Thế rồi nó cứ lơ lửng quanh bạn, nó sẽ trở thành một đám mây. Ông ấy nói, “Quăng luôn sự trống rỗng này đi, rồi hãy đến với tôi”. Nếu bạn nói bạn trống rỗng, bạn không trống rỗng. Bây giờ từ “trống rỗng” này trở nên quan trọng và bạn bị nó lấp đầy. Tôi cũng nói điều đó với bạn - hãy vứt luôn sự trống rỗng này đi.
Câu hỏi 2
Thầy đã nói về sự chuyển hóa và sự biến đổi của tâm trí con người, từ sự vô thức của con người thành siêu tâm thức, và thầy cũng đã nói rằng tâm linh là một thử nghiệm hiện sinh. Nhưng tối qua thầy lại nói rằng bản ngã là một thực thể giả và nó không có cốt lõi và thực tại. Có phải điều này có nghĩa rằng toàn bộ thử nghiệm tâm linh là một sự biên đổi của bản ngã từ phi-hiện-sinh thành hiện sinh?
Không. Sự biến đổi tâm linh không phải là sự biến đổi của bản ngã; nó là sự làm tan biến bản ngã. Bạn đang không biến đổi bản ngã, bởi vì dù được biến đổi như thế nào thì bản ngã sẽ vẫn giữ nguyên là bản ngã. Nó có thể trở nên siêu đẳng hơn, tinh vi hơn, văn hóa hơn, nhưng bản ngã sẽ vẫn là bản ngã. Và càng văn hóa hơn nó càng trở nên độc hại hơn. Nó càng tinh vi hơn, bạn sẽ càng dính mắc vào nó, bởi vì bạn sẽ không thể nhận ra nó. Ngay cả một bản ngã thô ráp đến thế mà bạn còn không nhận ra. Khi nó trở nên tinh vi, bạn sẽ không nhận ra nó; sẽ không có khả năng nào.
Có những cách để tinh lọc bản ngã, nhưng những cách đó không phải là của tâm linh. Đạo đức tồn tại nhờ những phương pháp đó. Và đó là sự khác biệt giữa đạo đức và tôn giáo. Đạo đức tồn tại nhờ những phương pháp về tinh lọc bản ngã; đạo đức tồn tại nhờ sự tôn trọng. Cho nên chúng ta nói với một người, “Đừng làm điều này. Nếu bạn làm điều này thì có nguy cơ mọi người không còn tôn trọng bạn. Đừng làm điều này. Người khác sẽ nghĩ về bạn thế nào? Đừng làm điều này. Bạn sẽ không được tôn vinh. Hãy làm điều này và mọi người sẽ tôn vinh bạn’’.
Toàn bộ đạo đức phụ thuộc vào bản ngã bạn, một bản ngã tinh vi. Tôn giáo không phải là sự chuyển hóa của bản ngã, nó là sự siêu việt. Bạn đơn giản chỉ rời bỏ bản ngã. Và không phải là bạn rời bỏ nó vì nó sai. Nên nhớ sự khác biệt này. Đạo đức luôn luôn nói, “Bỏ cái thứ sai đó đi, và làm cái thứ đúng”. Tôn giáo nói, “Bỏ cái thử giả đi - không phải là sai mà là giả. Bỏ cái thứ không thực, và hãy đi vào cái thực”. Với tâm linh thì sự thật là chính giá trị, chứ không phải là một cái gì đó là đúng. Bởi vì chính cái đúng lại có thể là giả, và trong một thế giới giả thì chúng ta cần những cái đúng nhưng giả để đối trọng với những cái sai.
Tâm linh không phải là sự chuyển hóa của bản ngã, nó là sự siêu việt. Bạn vượt lên bản ngã. Và sự vượt lên này thực ra là một sự thức tỉnh; đó là một sự tỉnh táo sâu sắc để nhìn xem bản ngã có tồn tại hay không. Nếu nó tồn tại, nếu nó là một phần, một phần thực của con người bạn, thì bạn không thể vượt lên nó. Nếu nó là giả, chỉ khi đó mới có khả năng siêu việt lên. Bạn chỉ có thể thức tỉnh từ một giấc mơ. Bạn không thể thức tỉnh từ thực tại, đúng không? Bạn có thể siêu việt lên một giấc mơ, nhưng bạn không thể siêu việt lên thực tại.
Bản ngã là một thực thể giả. Và chúng ta ngụ ý gì khi nói bản ngã là một thực thể giả? Chúng ta nói rằng nó tồn tại chỉ bởi vì bạn đã không trực diện với nó. Nếu bạn trực diện với nó, nó sẽ không tồn tại. Nó tồn tại bởi sự vô minh của bạn; vì bạn không nhận biết mà nó có đó. Nếu bạn trở nên nhận biết, nó sẽ không có đó. Nếu bạn trở nên nhận biết và một thực thể nào đó biến mất bởi việc bạn trở nên nhận biết, điều đó có nghĩa nó là giả. Khi nhận biết xảy ra, cái thực sẽ được tiết lộ còn cái giả sẽ biến mất.
Thế nên, thực sự cũng không đúng khi nói - hãy rời bỏ bản ngã - bởi vì bất cứ khi nào nói hãy rời bỏ bản ngã, điều đó có nghĩa rằng bản ngã là một thứ gì đó và bạn có thể rời bỏ nó. Thậm chí, bạn có thể bắt đầu vật lộn để tống bản ngã này đi. Toàn bộ nỗ lực sẽ là ngu ngốc. Bạn không thể tống nó đi, bởi vì chỉ một thứ có thực mới có thể bị tống đi. Bạn không thể chiến tranh với nó. Làm sao bạn có thể chiến tranh với một cái bóng? Nên nhớ, nếu bạn chiến tranh, bạn sẽ bị đánh bại. Không phải vì cái bóng đó rất mạnh, mà bởi vì cái bóng đó không tồn tại; bạn không thể đánh bại nó. Bạn sẽ bị đánh bại bởi chính sự ngu ngốc của mình.
Chiến tranh với một cái bóng và bạn không thể chiến thắng - điều đó là chắc chắn. Bạn sẽ bị đánh bại. Điều đó cũng chắc chắn, bởi vì bạn sẽ làm tiêu tán năng lượng của mình bởi cuộc chiến. Không phải vì cái bóng là rất mạnh mà vì không có cái bóng. Bạn đang chiến tranh với chính bản thân mình, bạn đang lãng phí năng lượng của mình. Thế rồi bạn sẽ bị kiệt sức và bạn sẽ ngã xuống. Và bạn sẽ nghĩ rằng cái bóng đó đã chiến thắng và bạn bị đánh bại - trong khi cái bóng không hề có. Nếu bạn chiến tranh với bản ngã thì bạn sẽ bị đánh bại. Thay vào đó, hãy quay vào và cố tìm cho ra nó ở đâu.
Người ta kể rằng hoàng đế Trung Hoa đã hỏi Bồ Đề Đạt Ma, “Đầu óc tôi rất bất ổn. Tôi thường xuyên rối loạn bên trong. Hãy cho tôi sự thư thái hay bí mật nào đó để tôi có thể đi vào sự tĩnh lặng bên trong”.
Vậy nên Bồ Đề Đạt Ma nói, “Ngài hãy đến vào lúc bốn giờ sáng, khi không có ai ở đây. Khi có mình tôi trong căn lều này thì ngài hãy đến. Và nên nhớ hãy mang tâm trí bất ổn của ngài theo cùng. Đừng để nó ở nhà”.
Nhà vua rất bối rối và nghĩ rằng con người này bị điên. Ồng ta nói, “Hãy mang tâm trí bất ổn của ngài theo cùng. Đừng để nó ở nhà, nếu không tôi sẽ làm cho ai tĩnh lặng? Tôi sẽ làm cho nó tĩnh lặng, nhưng hãy mang nó đến! Hãy nhớ rõ”.
Vị hoàng đế ra về và bấn loạn hơn bao giờ hết. Ngài đã nghĩ rằng con người này là một hiền nhân, một người thông thái, và ông ta sẽ cho một bí mật nào đó, nhưng bất cứ điều gì ông ta nói đều có vẻ ngớ ngẩn - làm sao con người có thể để tâm trí mình ở nhà? Ngài không thể ngủ. Ánh mắt của Bồ Đề Đạt Ma và cách ông ta nhìn ngài... như thể một thỏi nam châm đang hút - ngài đã bị thôi miên. Cả đêm ngài không thể ngủ, vào lúc bốn giờ ngài đã sẵn sàng. Ngài thực sự không muốn đi bởi nghĩ rằng con người này điên điên. Nhưng rồi ngài lại ra đi rất sớm, lúc còn tối trời và không có ai ở đó - với suy nghĩ rằng con người này có thể làm bất cứ điều gì.
Nhưng mặc dù vậy, ngài bị thu hút đến mức ngài vẫn đi, bất chấp ông ta. Và điều đầu tiên Bồ Đề Đạt Ma hỏi... Ông ta đang ngồi trước túp lều của mình với cây gậy trong tay, và ông hỏi, “Tốt quá. Ngài cũng đã đến. Tâm trí bất ổn của ngài đâu? Ngài có mang nó đến không? Tôi đang sẵn sàng làm cho nó im lặng”. Bấy giờ hoàng đế nói, “Ông đang nói gì vậy? Làm sao con người có thể bỏ quên tâm trí mình? Nó luôn luôn có đó”.
Bồ Đề Đạt Ma nói, “Đâu? Nó ở đâu ? Chỉ nó cho tôi để tôi có thể làm cho nó im lặng, và ngài có thể ra về”.
Hoàng đế nói, “Nhưng nó không phải là vật thể nào đó. Ta không thể chỉ nó cho ông, ta không thể cầm nó trong tay mình. Nó ở bên trong ta”.
Bồ Đề Đạt Ma nói, “Được rồi, ngài nhắm mắt lại và cố tìm cho ra nó ở đâu. Và lúc ngài bắt được nó thì mở mắt ra và nói cho tôi để tôi sẽ làm cho nó im lặng”.
Hoàng đế im lặng nhắm mắt lại bên cạnh sự hiện diện của gã điên này. Ngài đã cố và cố. Và ngài cũng sợ nữa, bởi vì Bồ Đề Đạt Ma đang ngồi đó cùng với cây gậy - bất cứ lúc nào ông ta cũng có thể đập. Ngài đã cố và rất cố. Ngài nhìn mọi nơi, mọi ngóc ngách của con người mình - xem tâm trí đang bất ổn ở đâu? Và càng nhìn, ngài càng nhận ra sự bất ổn đã biến mất. Ngài càng cố tìm và tìm... như một cái bóng, nó không có đó.
Hai giờ đã trôi qua, và ngài thậm chí không hay biết điều gì đã xảy ra. Gương mặt ngài trở nên tĩnh lặng, ngài trở thành giống như một bức tượng Phật, và khi mặt trời lên, Bồ Đề Đạt Ma nói, “Bây giờ ngài mở mắt ra. Như thế là đủ rồi. Hai giờ là quá đủ rồi. Bây giờ ngài hãy nói cho tôi nó ở đâu?”
Hoàng đế mở mắt ra. Ngài tĩnh lặng như chưa bao giờ có thể. Ngài phủ phục dưới chân Bồ Đề Đạt Ma và nói, “Ông đã làm nó tĩnh lặng rồi”.
Hán Vũ đế đã viết trong hồi ký của mình, “Con người này thật bí hiểm, ma thuật. Ông ta chẳng làm bất cứ điều gì nhưng đã khiến tâm trí ta tĩnh lặng. Và ta cũng không làm bất cứ điều gì. Ta chỉ đi vào chính mình và cố tìm cho ra nó ở đâu. Tất nhiên ông ta đúng: đầu tiên xác định xem nó ở đâu. Và chỉ với nỗ lực tìm xem nó ở đâu thì nó đã không còn”.
Bạn sẽ không tìm thấy bản ngã. Nếu bạn đi vào trong, nếu bạn tìm kiếm nó, bạn sẽ không tìm thấy nó. Nó chưa bao giờ tồn tại. Nó chỉ là một sự thay thế giả. Nó có công dụng nào đó, chính vì vậy mà bạn đã phát minh ra nó. Vì bạn không biết con người thực của mình, trung tâm thực, và không có một trung tâm thì khó để hoạt động, nên bạn đã tạo ra một hư cấu, một trung tâm hư cấu, và bạn hoạt động thông qua nó.
Trung tâm thực thì ẩn giấu. Bạn đã tạo ra một trung tâm giả - bản ngã là một trung tâm giả, một trung tâm thay thế. Không có một trung tâm thì thật khó để tồn tại, khó để hoạt động. Bạn cần một trung tâm để hoạt động. Và bạn không biết trung tâm thực của mình, nên tâm trí đã tạo ra một trung tâm giả. Tâm trí rất điêu luyện trong việc tạo ra những sự thay thế. Nó luôn trao cho bạn một sự thay thế nếu bạn không thể tìm ra trung tâm thực, bởi nếu không bạn sẽ hóa điên. Không có trung tâm thì bạn sẽ hóa điên. Bạn sẽ bị phân tán, bạn sẽ trở nên rời rạc; sẽ không có sự hợp nhất nào. Cho nên tâm trí tạo ra một trung tâm giả.
Điều đó giống như trong giấc mơ. Trong mơ bạn đang cảm thấy khát. Lúc này nếu cơn khát trở nên thấm sâu thì giấc ngủ sẽ bị quấy nhiễu, bởi vì bạn sẽ phải dậy để uống nước. Lúc này tâm trí bạn sẽ đưa ra một sự thay thế: tâm trí sẽ tạo ra một giấc mơ. Bạn không cần thức dậy, không cần thiết quấy nhiễu giấc ngủ - bạn mơ rằng mình đang uống nước. Bạn lấy nước từ tủ lạnh và uống. Tâm trí đã trao cho bạn một sự thay thế. Bây giờ bạn cảm thấy ổn. Cơn khát thực đã không được giải khát, đơn giản là bị đánh lừa. Nhưng lúc này bạn cảm thấy rằng mình đã uống, bạn đã uống nước. Bây giờ bạn có thể ngủ; giấc ngủ có thể tiếp diễn mà không bị quấy nhiễu.
Trong những giấc mơ, tâm trí đang liên tục trao cho bạn những sự thay thế chỉ nhằm để bảo vệ giấc ngủ của bạn. Và điều tương tự cũng đang xảy ra khi bạn thức. Tâm trí đang trao cho bạn những sự thay thế chỉ để bảo vệ sự lành mạnh của bạn; nếu không bạn sẽ bị tan thành từng mảnh.
Nếu trung tâm thực không được biết thì bản ngã phải hoạt động. Một khi trung tâm thực được biết đến, bạn không cần mơ thấy nước nữa. Khi bạn có nước thực, bạn có thể uống. Không cần mơ về nó. Thiền mang bạn tới trung tâm thực này. Và vai trò của cái giả biến mất trong chính hiện tượng đó.
Bạn phải luôn ý thức rằng bản ngã không phải là trung tâm thực của bạn. Chỉ khi đó bạn mới có thể bắt đầu một cuộc tìm kiếm trung tâm thực. Và tâm linh không phải là sự chuyển hóa của bản ngã. Nó không thể được chuyển hóa. Nó không thực, nó đơn giản là không tồn tại. Bạn không thể làm bất cứ điều gì với nó. Nếu bạn nhận biết, tỉnh táo, nếu bạn quan sát nó bên trong chính con người mình, nó biến mất. Nó không tồn tại khi ngọn lửa nhận biết trong bạn bùng cháy. Tâm linh chính là sự siêu việt.
Câu hỏi 3
Nếu bản ngã là giả, thế thì chẳng phải là tâm tri vô thức, sự tích tụ ký ức trong tế bào não, và quá trình chuyển hóa là mục đích của tâm linh cũng là một quá trình giả, một quá trình mơ sao?
Không. Bản ngã thì giả còn tế bào não thì không giả. Bản ngã là giả; ký ức thì không giả. Bản ngã là giả; quá trình tư duy thì không giả. Quá trình tư duy là một thực tế. Ký ức là thực, tế bào não là thực, cơ thể bạn là thực. Cơ thể bạn là thực, linh hồn bạn là thực. Đây là hai thực tại. Nhưng khi linh hồn bạn trở nên đồng nhất với cơ thể bạn thì bản ngã được hình thành - nó là giả.
Điều đó giống như thế này. Tôi đang đứng trước một chiếc gương: tôi là thực, chiếc gương là thực, nhưng sự phản chiếu trong gương là không thực. Tôi là thực, chiếc gương cũng thực, nhưng sự phản chiếu trong gương thì chỉ là một sự phản chiếu, nó không phải là một thực tại. Tế bào não là thực, ý thức là thực, nhưng khi ý thức bị dính líu, bị gắn kết, bị đồng nhất với các tế bào não thì bản ngã được hình thành. Bản ngã đó là không thực.
Cho nên khi bạn đã thức tỉnh, khi bạn đã trở nên giác ngộ, ký ức bạn sẽ không biến mất. Ký ức sẽ còn đó. Thực ra, nó còn rõ ràng hơn. Khi đó nó sẽ hoạt động chính xác hơn, bởi vì sẽ không có sự nhiễu loạn từ bản ngã giả. Quá trình suy nghĩ của bạn sẽ không biến mất. Đúng hơn là, lần đâu tiên bạn sẽ có khả năng suy nghĩ. Trước đó bạn chỉ đơn giản là vay mượn những ý nghĩ. Thế rồi bạn sẽ thực sự có khả năng suy nghĩ. Và thế thì bạn chứ không phải quá trình suy nghĩ sẽ là người chủ.
Trước đó, quá trình suy nghĩ là người chủ. Bạn đã không thể làm bất cứ điều gì với nó. Nó cứ tiếp diễn theo cách riêng của nó; bạn chỉ là một nạn nhân. Bạn muốn ngủ và tâm trí tiếp tục nghĩ. Bạn muốn dừng nó lại, nhưng nó sẽ không dừng. Thực ra, bạn càng cố dừng nó thì nó càng trở nên cứng đầu hơn. Nó là người chủ của bạn. Khi bạn trở nên chứng ngộ, nó sẽ vẫn có đó, nhưng khi đó nó sẽ là công cụ. Bất cứ khi nào bạn cần nó, bạn sẽ có thể sử dụng nó. Bất cứ khi nào bạn không cần nó, nó sẽ không quấy rầy ý thức bạn. Nó có thể được triệu tập và nó cũng có thể bị dừng lại.
Các tế bào não sẽ có đó, cơ thể sẽ có đó, ký ức sẽ có đó, quá trình suy nghĩ sẽ có đó. Chỉ một điều sẽ không có đó - cảm nhận về cái tôi sẽ không có đó. Hiểu được điều này thật khó.
Phật đi bộ, Phật ăn, Phật ngủ, Phật hồi tưởng. Người có ký ức, các tế bào não của người hoạt động rất tuyệt. Nhưng Đức Phật đã nói, “Tôi đi bộ, nhưng không có ai đi bộ trong tôi. Tôi nói, nhưng không có ai nói trong tôi. Tôi ăn, nhưng không có ai ăn trong tôi”. Ý thức bên trong không còn là bản ngã nữa. Cho nên khi Phật cảm thấy đói, ông ấy không thể cảm thấy như bạn. Bạn cảm thấy, “Tôi đói”. Khi Phật cảm thấy đói, ông ấy cảm thấy, “Cơ thể này đói. Tôi chỉ là người biết”. Và người biết đó không có bất cứ cảm giác nào về cái tôi.
Bản ngã là một thực thể giả, thực thể giả duy nhất - mọi thứ khác đều thực. Hai thực tại có thể gặp nhau, và trong sự gặp gỡ của chúng, một hiện tượng phụ thứ ba có thể được tạo ra. Khi hai thực tại gặp nhau, một cái gì đó giả có thể xuất hiện. Nhưng cái giả chỉ có thể xuất hiện nếu có ý thức. Nếu không có ý thức thì cái giả không thể xuất hiện. Khi khí oxy và khí hydro gặp nhau: không thể xuất hiện một loại nước giả. Cái giả chỉ có thể xuất hiện khi bạn ý thức, bởi vì chỉ có ý thức mới có thể sai lầm. Vật chất không thể sai lầm, vật chất không thể là giả. Vật chất luôn luôn là thật. Vật chất không thể đánh lừa và không thể bị đánh lừa - chỉ ý thức mới có thể. Khả năng sai lầm đi cùng với ý thức.
Nhưng nên nhớ một điều khác: vật chất luôn luôn là thực, không bao giờ là giả, nhưng cũng không bao giờ là đúng. Vật chất không thể biết sự thật là gì. Nếu bạn không thể sai lầm thì bạn không thể biết sự thật là gì. Cả hai khả năng này đều mở đồng thời. Ý thức con người có thể sai lầm và có thể biết rằng nó đã sai lầm và có thể tránh khỏi sai lầm đó. Đó là vẻ đẹp của nó. Có nguy hiểm, nhưng nguy hiểm buộc phải có. Mọi sự phát triển đều có những mối nguy hiểm mới xuất hiện. Với vật chất thì không có nguy hiểm.
Hãy nhìn điều đó theo cách này. Bất cứ khi nào có một điều gì đó mới phát triển trong tồn tại, một thứ mới tiến hóa, lúc này các mối nguy hiểm xuất hiện cùng với nó. Đối với một tảng đá thì không có nguy hiểm. Có những vi khuẩn nhỏ bé. Dục tính không tồn tại trong những vi khuẩn đó theo cách như nó tồn tại trong con người hay trong con thú. Chúng chỉ đơn giản chia cơ thể chúng. Khi một con vi khuẩn phát triển lớn hơn và lớn hơn, khi nó phát triển tới một chừng mực nào đó, cơ thể nó tự động chia thành hai. Cơ thể nguồn chia thành hai. Lúc này có hai vi khuẩn con. Những con vi khuẩn đó có thể sống mãi mãi - bởi vì không có sinh nên không có tử.
Và quá trình ngược lại cũng xảy ra. Nếu không có thức ăn thì hai con vi khuẩn sẽ đến gần nhau hơn và chúng sẽ trở thành một, cơ thể chúng sẽ trở thành một. Không sinh ra, không chết đi. Cùng với dục tính, sinh nhập vào; cùng với sinh, tử đã nhập vào; cùng với sinh, cá nhân đã nhập vào, cùng với cá nhân bản ngã đã nhập vào.
Mọi sự phát triển đều có những mối nguy hiểm tiềm ẩn của nó, nhưng chúng thật đẹp. Nếu bạn có thể hiểu thì không cần phải rơi vào chúng, bạn có thể vượt lên chúng. Và khi bạn vượt lên, bạn trưởng thành và bạn đạt được một sự tổng hợp tuyệt vời hơn. Nếu bạn trở thành một nạn nhân thì bạn không đạt được sự tổng hợp tuyệt vời hơn đó.
Tâm linh là sự tổng hợp đỉnh, sự tổng họp cuối cùng, sự tổng hợp tối thượng của mọi sự phát triển. Bạn siêu việt lên cái giả và hấp thụ cái thực. Và chỉ cái thực là giữ nguyên; mọi cái giả đều rơi rụng. Nhưng đừng nghĩ rằng cơ thể là giả - nó là thực. Tế bào não là thực, quá trình suy nghĩ là thực. Chỉ có mối quan hệ giữa ý thức và quá trình suy nghĩ là không thực. Đó là một sự trói buộc. Bạn có thể cởi bỏ nó. Và khoảnh khắc bạn cởi bỏ nó, bạn đã mở ô cửa.
Câu hỏi 4
Làm sao con người có thể biết được sự tìm kiếm tâm linh mà mình tham gia lại không phải là hành trình bản ngã, mà là sự tìm kiếm tôn giáo đích thực?
Nếu bạn không biết, nếu bạn bị bối rối, thế thì biết rõ rằng đây là một hành trình bản ngã. Nếu bạn không bị bối rối, nếu bạn biết rõ, không bối rối chút nào rằng điều này là đích thực, thì nó là đích thực. Và nó không phải là vấn đề lừa dối ai đó. Nó là vấn đề lừa dối hay không lừa dối chính mình. Nếu bạn bị bối rối, ngờ vực, thì đó là hành trình bản ngã, bởi vì khi có sự tìm kiếm đích thực thì không có nghi vấn. Sự tin cậy nảy sinh.
Hãy để tôi nói theo cách khác. Bất cứ khi nào bạn nêu ra những vấn đề như thế, chính sự bối rối chỉ ra chính xác rằng bạn đang trên con đường sai. Một người nào đó đến với tôi và nói, “Hãy nói cho tôi. Tôi không biết thiền của tôi có đi sâu hay không”.
Tôi trả lời, “Nếu thiền của bạn đang đi sâu thì bạn không cần đến để hỏi tôi. Độ sâu một trải nghiệm như thế, bạn sẽ biết nó. Nếu bạn không thể biết độ sâu của mình, thì ai sẽ biết nó? Bạn đã đến để hỏi tôi chỉ bởi vì bạn đang không cảm nhận được độ sâu. Bây giờ bạn muốn ai đó xác nhận giúp bạn. Nếu tôi nói, “Có, thiền của bạn đang đi rất sâu”, bạn sẽ cảm thấy rất tốt - đây chính là hành trình của bản ngã”.
Khi bạn ốm, bạn biết rằng mình ốm. Thỉnh thoảng xảy ra rằng có thể căn bệnh rất tàng ẩn. Có thể bạn không nhận ra nó. Nhưng không bao giờ xảy ra điều ngược lại: khi bạn hoàn toàn khỏe mạnh, bạn biết nó. Nó không bao giờ tàng ẩn. Khi bạn khỏe mạnh, bạn biết nó. Có thể là với căn bệnh của mình, bạn không nhận ra, nhưng với sự khỏe mạnh - nếu có sức khỏe - bạn nhận ra nó, bởi vì chính trạng thái khỏe mạnh là một trạng thái hạnh phúc. Nếu bạn không thể cảm nhận được sức khỏe của mình thì ai sẽ cảm nhận được nó? Với sức khỏe kém của bạn, các chuyên gia có thể nói cho bạn loại bệnh nào mà bạn đang mắc phải; không có chuyên gia nào nói cho bạn về sự khỏe mạnh của bạn. Không cần thiết. Nhưng nếu bạn hỏi mình có khỏe hay không thì biết rằng bạn không khỏe; đó là điều chắc chắn. Chính sự bối rối cho thấy điều đó.
Thế nên, khi bạn đang trên con đường tìm kiếm tâm linh, bạn có thể biết nó là một hành trình của bản ngã hay là một sự tìm kiếm đích thực. Và chính sự bối rối cho thấy rằng đây không phải là sự tìm kiếm đích thực; đây là một dạng hành trình của bản ngã. Hành trình của bản ngã là gì? Bạn ít quan tâm tới hiện tượng thực hơn và quan tâm nhiều hơn tới việc sở hữu nó.
Nhiều người đến với tôi và nói, “Thầy biết, và thầy có thể biết về chúng tôi. Hãy nói cho chúng tôi biết kundalini của chúng tôi đã hoạt động hay chưa”. Họ không quan tâm tới kundalini, không thực sự quan tâm; họ chỉ cần một sự xác nhận. Và đôi khi tôi đùa bỡn nên tôi nói, “Có, kundalini của bạn đã hoạt động”, và ngay lập tức họ rất vui. Có một người đã đến với tôi với tâm trạng rất u uẩn, buồn rầu, và khi tôi nói, “Có, kundalini của bạn đã thức dậy”, anh ta lập tức vui như một đứa trẻ.
Anh ta vui vẻ ra về, và khi anh ta vừa ra khỏi phòng, tôi gọi anh ta lại và nói, “Tôi chỉ nói chơi thôi. Đó không phải là sự thực đâu. Không có gì đã xuất hiện với bạn”. Anh ta lại buồn. Anh ta không thực sự quan tâm tới bất cứ sự thức tỉnh nào; anh ta chỉ quan tâm đến cảm giác tốt đẹp: bây giờ kundalini của mình đã thức dậy, bây giờ mình có thể cảm thấy siêu đẳng hơn người khác.
Và cái gọi là các vị đạo sư liên tục lợi dụng điều này, bởi vì bạn sống vì bản ngã của mình. Họ có thể trao cho bạn các giấy chứng nhận, họ có thể nói với bạn, “Đúng, bạn đã thức tỉnh. Bạn đã trở thành một vị Phật”. Và bạn sẽ không phủ nhận. Nếu tôi nói điều này với mười người thì chín người sẽ không phủ nhận. Họ chỉ cảm thấy rất hạnh phúc. Họ đang tìm kiếm vị đạo sư như thế, người hẳn sẽ nói rằng họ đã thức tỉnh.
Những vị đạo sư giả tồn tại bởi nhu cầu của bạn, bởi vì không có vị đạo sư đích thực nào sẽ nói điều này với bạn, hay trao cho bạn bất cứ giấy chứng nhận nào - bởi vì bất cứ giấy chứng nhận nào cũng là một đòi hỏi của bản ngã. Không sự xác nhận nào là cần đến. Nếu bạn đang trải nghiệm nó, thì bạn đang trải nghiệm nó. Nếu cả thế giới phủ nhận nó, hãy để họ phủ nhận. Điều đó không có gì khác biệt. Nếu có trải nghiệm thực thì liệu người này nói bạn đã đạt được và người khác nói bạn chưa đạt được có thành vấn đề với bạn không? Điều đó không hề liên quan. Nhưng, bởi vì sự tìm kiếm cơ bản của bạn là bản ngã nên điều đó liên quan. Bạn muốn tin rằng mình đã đạt được tất cả.
Và điều này xảy ra nhiều lần: khi bạn trở thành một người thất bại trên thế gian, khi bạn đang đau khổ trên thế gian, khi bạn không thể thành công trong đời thường và khi bạn cảm thấy rằng tham vọng của bạn vẫn không được thực hiện và cuộc sống cứ trôi đi, bạn quay sang con đường tâm linh. Cũng tham vọng đó bây giờ yêu cầu được hoàn thành ở đây. Và hoàn thành ở đây thì dễ - dễ bởi vì trên hành trình tâm linh bạn có thể tự đánh lừa mình một cách dễ dàng. Trong thế giới thực, trong thế giới vật chất, bạn không thể lừa dối quá dễ dàng.
Nếu bạn nghèo, làm sao bạn có thể giả vờ rằng bạn là người giàu? Và nếu bạn giả vờ, không có ai bị mắc lừa. Và nếu bạn cứ khăng khăng rằng bạn giàu có, thì cả xã hội, toàn bộ đám đông xung quanh bạn sẽ nghĩ bạn đã hóa điên.
Tôi từng biết một người bắt đầu nghĩ răng mình là Pundit Jawaharlal Nehru. Gia đình, bạn bè của người đó, mọi người đều cố thuyết phục ông, “Đừng nói những điều vô nghĩa như thế, nếu không thì ông sẽ bị coi là điên khùng”.
Nhưng người đó nói, “Tôi đang không nói điều vô nghĩa. Tôi là Pundit Jawaharlal Nehru”.
Ông ta bắt đầu ký tên là “Jawaharlal Nehru”. Ông ta gửi điện tín tới hệ thống đoàn thể tôn giáo, tới các văn phòng, tới những người thu thuế, tới các ủy viên hội đồng rằng, “Tôi đang đến - Jawaharlal Nehru”.
Ông ta đã bị nhốt và bị xích trong nhà mình. Tôi đã đến gặp ông. Ông sống trong làng tôi. Ông nói, “Ông là người hiểu biết. Ông có thể hiểu. Những kẻ ngốc đó, không có ai hiểu tôi - tôi là Pundit Jawaharlal Nehru”.
Tôi nói, “Đúng, đó là lý do tôi đến để gặp ông. Và đừng sợ những kẻ ngốc đó, bởi vì những người đàn ông vĩ đại như ông đều phải chịu đau khổ”.
Ông ta nói, “Đúng”. Ông ta rất vui. Ông nói, “Ông là người duy nhất có thể hiểu tôi. Những người vĩ đại đều phải chịu đau khổ”.
Trong thế giới bên ngoài, nếu bạn cố lừa dối mình thì bạn sẽ bị cho là điên, nhưng trong tâm linh điều đó rất dễ. Bạn có thể nói rằng kundalini của mình đã hoạt động. Chỉ vì bạn có một cơn đau nào đó ở lưng, mà kundalini của bạn đã nảy sinh. Vì đầu óc bạn đang cảm thấy một chút mất cân bằng mà bạn nghĩ các trung tâm đang mở ra. Vì bạn liên tục đau đầu mà bạn nghĩ mắt thứ ba đang mở ra. Bạn có thể đánh lừa và không ai có thể nói điều gì, và không có ai quan tâm. Nhưng có những người thầy giả sẽ nói, “Đúng, đây chính là phương pháp”. Và bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.
Hành trình của bản ngã có nghĩa là bạn không quan tâm đến sự chuyển hóa mình thực sự; bạn chỉ quan tâm đến việc xác nhận. Và sự xác nhận thì dễ, bạn có thể mua nó với giá rẻ. Và nó là một sự có đi có lại. Khi một vị đạo sư, cái gọi là đạo sư nói rằng bạn là một người đã thức tỉnh, tất nhiên ông ta đã làm cho bạn thức tỉnh nên bạn phải tôn kính vị đạo sư này. Đây là một sự có qua có lại. Bạn tôn kính ông ta. Và bây giờ bạn không thể rời bỏ vị đạo sư đó, bởi vì ngay khi bạn rời bỏ vị đạo sư đó, điều gì sẽ xảy ra với sự thức tỉnh của bạn, với kundalini của bạn? Bạn không thể rời bỏ. Vị đạo sư đó phụ thuộc vào bạn bởi vì bạn trao cho ông ta sự tôn vinh và kính trọng, và thế rồi bạn sẽ phụ thuộc vào ông ta bởi vì không có ai khác sẽ tin rằng bạn đã thức tỉnh. Bạn không thể rời bỏ. Đây là một sự lừa qua gạt lại.
Nếu bạn thực sự tìm kiếm thì điều đó không dễ như thế. Và bạn không cần sự xác nhận nào. Điều đó là khó khăn và gian khổ; thậm chí phải mất nhiều kiếp. Và nó đau đớn, nó là một sự chịu đựng lâu dài, bởi vì nhiều thứ phải bị phá hủy, nhiều điều cần phải vượt lên, nhiều sự kết nối đã được xác lập từ lâu phải bị phá bỏ. Điều đó không dễ. Đó không phải là một trò chơi trẻ con. Điều đó thật gian nan, và buộc phải có đau khổ, bởi vì bất cứ khi nào bạn bắt đầu thay đổi những thói quen của mình thì tất cả những thứ cũ phải bị bỏ đi. Và mọi sự đầu tư của bạn đều dành cho những thứ cũ đó. Bạn sẽ phải đau khổ.
Khi bạn bắt đầu tìm kiếm bản ngã mình ở bên trong và bạn không tìm ra, điều gì sẽ xảy ra với hình ảnh mà bạn đã sống với nó? Bạn đã luôn nghĩ mình là một người rất tốt, đạo đức, thế này thế kia - cái gì sẽ xảy ra với điều đó? Khi bạn thấy rằng mình không được tìm ra ở đâu, người tốt đó ở đâu? Bản ngã bạn bao hàm mọi thứ bạn đã nghĩ về mình. Mọi thứ được bao hàm trong nó. Đó không phải là cái gì đó mà bạn có thể dễ dàng tống đi. Nó là bạn, toàn bộ quá khứ của bạn. Khi bạn bỏ rơi nó, bạn trở thành giống như con số không, như thể trước đó bạn chưa bao giờ tồn tại. Lần đầu tiên bạn ra đời; không kinh nghiệm, không kiến thức, không quá khứ - chỉ như đứa trẻ hồn nhiên. Sự táo bạo là cần thiết, lòng can đảm là cần thiết.
Sự tìm kiếm đích thực thì gian khổ. Hành trình-bản ngã thì rất dễ dàng. Và nó có thể được thực hiện một cách rất dễ dàng, bởi vì không có gì thực sự được thực hiện. Bạn bắt đầu tin; bạn bắt đầu tin rằng điều gì đó đã xảy ra với bạn. Bạn chỉ đang lãng phí thời gian, năng lượng và cuộc sống. Cho nên nếu bạn thực sự cùng với một bậc thầy, vị đó sẽ liên tục kéo bạn lại từ hành trình của bạn. Vị đó sẽ phải quan sát để bạn không trở nên điên dại, bạn không bắt đầu nghĩ trong những giấc mơ. Vị đó sẽ phải kéo bạn lại.
Và đó là điều vô cùng khó khăn, bởi vì bất cứ khi nào bạn bị kéo ngược trở lại, bạn sẽ trả thù bậc thầy. “Tôi đã đi lên rất cao, ngay bên bờ của sự bùng nổ, và ông ta lại nói, ‘Không có gì đang xuất hiện. Bạn chỉ đang tưởng tượng’.” Bạn bị kéo trở lại mặt đất.
Thật khó để là một đệ tử của một bậc thầy thực sự. Và các đệ tử gần như luôn chống lại các bậc thầy của họ, bởi vì họ đang trên hành trình bản ngã của mình và bậc thầy đang cố mang họ ra khỏi đó. Và các đệ tử này tạo ra những bậc thầy giả. Họ có một nhu cầu, một nhu cầu khẩn thiết rằng bất cứ ai thỏa mãn nhu cầu của họ thì sẽ trở thành bậc thầy của họ. Và giúp cho bản ngã của bạn phát triển là điều dễ, bởi vì bạn ủng hộ điều đó. Giúp cho bản ngã của bạn biến đi là điều rất khó.
Nên nhớ kỹ, mỗi ngày, mỗi thời điểm phải kiểm tra xem sự tìm kiếm của bạn không phải là một hành trình-bản ngã. Liên tục kiểm tra. Nó tinh tế, và những cách thức của bản ngã là vô cùng tinh khôn. Chúng không nổi lên bề mặt. Bản ngã thao tác bạn từ bên trong; sâu bên trong, từ vô thức. Nhưng nếu bạn cảnh giác thì bản ngã không thể đánh lừa bạn. Nếu bạn tỉnh táo, bạn sẽ tới lúc biết ngôn ngữ của nó, bạn sẽ tới lúc biết cảm giác của nó, bởi vì nó luôn theo sau trải nghiệm. Đây là từ khóa.
Bản ngã luôn luôn tìm kiếm trải nghiệm - dù theo hướng tình dục hay tâm linh, điều đó không có gì khác. Bản ngã tham lam trải nghiệm điều này và điều kia: trải nghiệm kundalini và thể thứ bảy. Bản ngã luôn theo đuổi trải nghiệm. Sự tìm kiếm thực sự không tham lam bất cứ trải nghiệm nào, bởi vì trải nghiệm nào cũng sẽ làm cho bạn thất vọng, buộc phải làm bạn thất vọng - bởi vì trải nghiệm nào cũng sẽ lặp lại. Thế rồi bạn sẽ chán nó; bạn sẽ lại đòi hỏi những trải nghiệm mới nào đó.
Sự tìm kiếm cái mới sẽ giữ nguyên cùng với bản ngã. Bạn sẽ thiền, và bạn đang thiền chỉ để có được một sự hứng khởi mới, bởi vì cuộc đời bạn đã trở nên nhàm chán - bạn chán với cuộc sống đời thường của mình, nên bạn muốn có nhiệt huyết mới... Bạn có thể có được nó, bởi vì con người sẽ có bất cứ điều gì mà mình cố tìm. Đó chính là nỗi đau - bất cứ điều gì bạn mong muốn, bạn sẽ tìm ra. Và sau đó bạn sẽ ân hận. Bạn sẽ có được sự hứng khởi. Rồi sao? Rồi bạn lại chán với nó. Bạn muốn dùng LSD hay cái gì đó khác. Bạn liên tục đi từ người thầy này tới người thầy kia, từ đạo tràng này tới đạo tràng kia chỉ để tìm kiếm một sự hứng khởi mới.
Bản ngã chính là lòng tham những trải nghiệm mới. Và mọi trải nghiệm mới sẽ trở nên cũ, bởi vì điều mới nào cũng sẽ trở thành cũ - cứ thế... Thực sự, tâm linh không phải là sự tìm kiếm trải nghiệm. Tâm linh là sự tìm kiếm bản thể của con người. Không vì bất cứ trải nghiệm nào - thậm chí không vì niềm phúc lạc, không vì sự nhập định - bởi vì trải nghiệm là một thứ bên ngoài; nó vẫn là bên ngoài cho dù nó là trải nghiệm bên trong đến thế nào.
Tâm linh là sự tìm kiếm con người thực bên trong bạn: tôi phải biết thực tại của tôi là gì. Và với cái biết đó mà mọi tham lam về trải nghiệm dừng lại. Và với cái biết đó mà không có sự thôi thúc - không thôi thúc đi tìm bất cứ trải nghiệm mới nào. Với sự nhận biết thực tại thật bên trong này, bản thể đích thực này, mọi sự tìm kiếm dừng lại.
Cho nên đừng hưởng đến sự trải nghiệm. Mọi trải nghiệm chỉ là những mánh khỏe của tâm trí, mọi trải nghiệm chỉ là sự trốn tránh. Thiền không phải là trải nghiệm, nó là sự thực chứng. Thiền không phải là trải nghiệm; đúng hơn, nó là sự chấm dứt mọi trải nghiệm. Vì điều này mà những người đã thực sự cố biểu đạt hiện tượng bên trong - ví dụ, Đức Phật - họ nói, “Đừng hỏi có điều gì xuất hiện”. Hay, nếu bạn cứ nài nỉ thì họ sẽ nói, “Không có gì xảy ra”.
Nếu tôi nói với bạn rằng sẽ không có gì xuất hiện trong thiền, thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ thôi không thiền nữa. Nếu không có gì sẽ xảy ra thì ích gì? - điều đó cho thấy bạn đang trên hành trình-bản ngã. Nếu tôi nói không có gì xuất hiện, và bạn sẽ nói, “Được thôi, tôi đã biết nhiều hiện tượng và tôi đã biết nhiều trải nghiệm, và mọi trải nghiệm đều tỏ ra thất vọng...” Bạn trải qua nó và bạn biết nó không là gì. Và sau đó là một sự thôi thúc để lặp lại, và rồi sự lặp lại cũng trở nên nhàm chán. Rồi bạn lại hướng tới một cái gì đó khác... Đây là cách bạn đã hoạt động trong nhiều kiếp sống; với hàng ngàn và hàng ngàn kiếp bạn đã hướng đến sự trải nghiệm. Bạn nói, “Tôi đã biết trải nghiệm. Bây giờ tôi không muốn bất cứ trải nghiệm mới nào. Tôi muốn biết chính trải nghiệm này”. Toàn bộ ý nghĩa thay đổi.
Trải nghiệm là điều gì đó bên ngoài bạn. Người trải nghiệm là con người bạn. Và đây là sự phân biệt giữa sự tìm kiếm tâm linh thật và giả: nếu bạn vì những trải nghiệm thì sự tìm kiếm tâm linh đó là giả; nếu bạn vì người trải nghiệm thì nó là thật. Khi đó, bạn không còn quan tâm đến kundalini, không còn quan tâm đến các luân xa, không còn quan tâm đến tất cả những thứ này. Chúng sẽ xảy ra, nhưng bạn không quan tâm, bạn không lo lắng, và bạn sẽ không đi trên những con đường tắt này. Bạn sẽ tiếp tục di chuyển tới trung tâm bên trong, nơi không còn lại gì ngoài sự tuyệt đối một mình bạn. Chỉ còn lại tâm thức trống rỗng, không có nội dung.
Nội dung là trải nghiệm. Dù bạn trải nghiệm gì thì cũng là nội dung. Tôi trải nghiệm đau khổ - thế thỉ đau khổ là nội dung tâm thức tôi. Rồi tôi trải nghiệm niềm khoái cảm - khoái cảm là nội dung. Rồi tôi trải nghiệm sự buồn chán - buồn chán là nội dung. Và bạn có thể trải nghiệm tĩnh lặng - tĩnh lặng là nội dung. Và bạn có thể trải nghiệm niềm phục lạc - phúc lạc là nội dung. Cho nên bạn liên tục thay đổi nội dung. Bạn có thể liến tục thay đổi đến vô hạn, nhưng đây không phải là cái thực.
Cái thực chính là người trải nghiệm những điều này - là người trải nghiệm nỗi buồn, niềm vui sướng. Sự tìm kiếm tâm linh không hướng đến xảy ra điều gì, mà chính là xảy ra với ai. Khi đó, bản ngã không thể nảy sinh.
Nhận xét
Đăng nhận xét