20. Cha mẹ hãy học nghệ thuật của việc không làm gì cả.

CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG TRẺ EM - OSHO
Phi Tuyết dịch

 
20. Cha mẹ hãy học nghệ thuật của việc không làm gì cả.

Lúc ấy tôi còn nhỏ xíu, ông nội cứ luôn muốn nắm tay tôi khi chúng tôi cùng đi dạo buổi sáng. Hết lần này đến lần kia tôi phải năn nỉ ông: "Con không muốn ông nắm tay con mãi. Con tự đi được. Con có thể sẽ vấp ngã, va vào đá hay lọt xuống hố, thì sao chứ? Con sẽ tự học cách đứng lên và đi tiếp. Ông cứ nắm tay con như vậy con không cảm thấy được tự do chút nào và điều đó sẽ khiến con bức bối. Hơn nữa, ông có thể nắm tay con được bao lâu? Ông có dám hứa sẽ nắm nó mãi mãi không? Nếu không, tốt hơn ông nên để con học cách tự đi bằng đôi chân mình và hành động với đôi tay của mình. Xin đừng nắm tay con nữa."

Nếu bạn nhìn vào khuôn mặt của những đứa trẻ khi chúng mới được sinh ra bạn sẽ thấy, chúng thật tươi mới làm sao vì vừa đến từ đầu nguồn cuộc sống, bạn sẽ nhận ra một sự hiện diện mà không thể nào gọi tên được, không thể định nghĩa được.

Đứa trẻ thật sống động và tươi mới. Bạn không thể định nghĩa dạng sự sống này nhưng nó ở ngay đó, bạn có thể cảm nhận nó. Bạn có thể ngửi thấy cái mùi tươi mới đó xung quanh đứa trẻ. Hương thơm đó dần dần, từ từ biến mất. Nếu không may đứa trẻ ấy trở thành người thành công - một người nổi tiếng hay một chính khác, một giáo chủ - thế thì nó bắt đầu bốc mùi hôi. Nó đã đến với một mùi hương tuyệt vời, không thể đong đếm, không thể định .nghĩa, không thể gọi tên nhưng thật đáng tiếc khi thứ mùi hương tuyệt vời ấy của cuộc sống cứ dần biến mất. Nếu bạn nhìn sâu vào mắt đứa trẻ bạn sẽ không thấy đáy của nó đâu cả, trong veo, tinh khiết, sâu thăm thẳm. Thật không may, cách mà xã hội phá hủy nó, sớm muộn gì đôi mắt ấy cũng bị cạn đi, bị hời hợt, bởi vì hết lớp này đến lớp nọ của các điều kiện bị áp đặt lên nó, độ sâu đó bị cạn dần đi bởi những thứ rác rưởi, dần dà nó cạn và không còn trong veo nữa. Nhưng chính sự trong veo ấy mới là khuôn mặt bản chất của con người.

Đứa trẻ mới sinh không có suy nghĩ nào. Nó có thể suy nghĩ về cái gì chứ? Để suy nghĩ người ta cần quá khứ, suy nghĩ cần vấn đề. Đứa trẻ không có quá khứ, nó chỉ có tương lai. Nó chưa có vấn đề nào cả. Không cơ hội nào để suy nghĩ. Đứa trẻ vẫn có nhận thức đấy - nhưng vô suy nghĩ. Đây chính là bản tính nguyên thủy của nó, của con người. Bạn có thể đã quên nhưng bản tính nguyên thủy ấy vẫn còn đó bên trong bạn, chờ đợi một ngày được khám phá trở lại. Tôi đang nói là khám phá lại bởi vì bạn đã khám phá nó rất nhiều lần trong các kiếp quá khứ của bạn, nhưng mỗi lần sinh bạn lại quên.

Thậm chí, có lẽ rất nhiều khoảnh khắc trong kiếp sống này bạn đã tiến đến gần với việc khám phá lại bản tính nguyên thủy của mình, để biết, để cảm nhận, để trở lại nó một lần nữa. Nhưng thế giới có quá nhiều thứ lôi kéo bạn, hàng ngàn thứ chia ra hàng ngàn hướng kéo bạn, đẩy bạn, lôi bạn đi. Nó kéo cho bạn té nhào, rách ra trăm mảnh. Thật là một phép màu khi người ta có thể giữ cho bản thân họ nguyên vẹn. Bởi vì với lực kéo vé mọi phía đó đáng lẽ một tay của bạn đang đi về phía bắc, tay còn lại rời vào phía nam, cái đầu hướng lên trời, mọi bộ phận ở một nơi khác nhau. Thật là phép màu kì diệu khi bạn có thể tiếp tục duy trì bản thân mình, có lẽ sức ép từ mọi phía quá lớn đến nỗi vẫn còn giữ bạn lại mà không bị xé ra thành nhiều mảnh. Bạn thật sự đang bị đẩy hoặc kéo hoặc ép từ mọi phía.

Nếu như có một cơ hội nào đó để bạn nhìn thấy bản thể nguyên thủy của mình, bạn sẽ không thể nào nhận ra nó, nó sẽ trông giống như một người lạ. Có lẽ một vài khoảnh khắc nào đó trong đời, do tai nạn tình cờ nào đó, bạn đã vô tình thấy chính bản thể mình nhưng bạn đã không kịp nói “Xin chào” bởi vì bản thể ấy trông quá lạ lẫm, đôi khi cũng có thể do một nỗi sợ sâu kín bên trong đã luôn ngăn bạn nói “xin chào” với người lạ.

Làm sao để “cứu” gương mặt nguyên thủy - bản thể nguyên thủy ấy cho những đứa trẻ? Thật ra bạn không phải làm bất cứ gì - một cách trực tiếp cả. Bất cứ gì được tác động một cách trực tiếp đều hóa thành sự làm phiền. Bạn phải học nghệ thuật của việc không làm gì cả.

Đây là một nghệ thuật cực khó. Nó không giống như việc bạn phải làm để bảo vệ hay cứu đứa trẻ khỏi tai họa, ngược lại, bất cứ thứ gì bạn làm đều sẽ làm méo mó cái bản thể gốc ấy. Bạn phải học nghệ thuật không làm gì cả. Bạn phải học cách đứng ở xa, tránh xa con đường của đứa trẻ. Bạn phải trở nên rất can đảm bởi vì nó là cảm giác rất mạo hiểm và rủi ro khi để đứa trẻ lại một mình với chính nó.

Trong hàng ngàn năm chúng ta đã được bảo rằng nếu đứa trẻ bị bỏ lại một mình, nó sẽ trở nên một người mọi rợ. Điều đó tuyệt đối vô nghĩa. Tôi đang ngồi phía trước bạn - bạn nghĩ tôi có phải kẻ mọi rợ không? Tôi đã sống toàn bộ thời thơ ấu mà không có sự can thiệp của cha mẹ. Vâng, điều đó có thể đã tạo ra rất nhiều rắc rối cho họ, cả rắc rối cho tôi nữa nhưng nó quả thật rất đáng giá. Bản thể nguyên thủy của đứa trẻ quá quý giá đến nỗi không một rắc rối nào có thể mang ra so sánh. Nó là vô giá và nếu bất cứ giá nào bạn phải trả cho nó, vẫn là rẻ. Niềm vui của cái này mà bạn tìm thấy bản thể nguyên thủy của chính mình, cùng một vẻ đẹp như ngày nó được sinh ra đời, cùng một loại ngây thơ, trong trắng, cùng một sự tinh tuyền, cùng một niềm vui, niềm hạnh phúc, sự sống động... bạn còn mong đợi gì hơn thế?

Bạn không thể cho đứa trẻ bất cứ gì, bạn chỉ có thể lấy đi. Nếu bạn thật sự muốn trao cho đứa trẻ một món quà, đây là thứ quà duy nhất có thể: không làm phiền nó. Hãy chấp nhận mọi loại rủi ro và để cho đứa trẻ đi sâu vào miền đất mới, miền đất còn chưa được biết tới, chưa được vẽ trên bản đồ, chưa được thám hiểm. Điều này là rất khó. Một nỗi sợ hãi lớn lao sẽ giữ chặt lấy cha mẹ: Ai biết được điều gì sẽ xảy ra cho đứa trẻ ? Vì nỗi sợ này họ bắt đầu đúc ra một cái khuôn mẫu cố định cho bọn trẻ. Vì nỗi sợ này họ bắt đầu hướng đứa trẻ đi theo những hướng đã được định sẵn, hướng tới những mục tiêu được định sẵn, nhưng họ không biết rằng bởi vì nỗi sợ ấy họ đang giết chết đứa trẻ. Nó sẽ không bao giờ có thế cảm nhận được niềm phúc lạc và nó sẽ không bao giờ biết ơn bạn sâu sắc đâu; nó sẽ luôn mang một mối hận hướng về bạn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho