Chương 08: Tâm lí của chư phật
Yoga - Từ anpha tới ômêga
Yoga - The Alpha and the Omega
Osho
Tập 04
Chương 08: Tâm lí của chư phật
Câu hỏi thứ nhất:
Thầy đã nói rằng thầy đang cố phát triển kiểu tâm lí thứ ba, tâm lí của chư Phật, nhưng thầy sẽ kiếm Phật ở đâu để nghiên cứu?
Để bắt đầu, một người đã ở đây, và sớm hay muộn người đó sẽ biến nhiều người trong các bạn thành chư phật. Nếu một người có đó, nhiều người lập tức trở nên có thể bởi vì một người có thể làm việc như tác nhân xúc tác. Không phải là người đó sẽ làm cái gì đó, nhưng chỉ bởi vì người đó có đó, mọi sự bắt đầu di chuyển theo cách riêng của chúng. Đó là nghĩa của tác nhân xúc tác. Sớm hay muộn, nhiều người trong các bạn sẽ biến thành chư phật, bởi vì mọi người về căn bản đã là vị Phật. Bạn có thể để trễ việc thừa nhận nó được bao lâu? Bạn có thể trì hoãn nó được bao lâu? Khó đấy - bạn sẽ cố hết sức để trì hoãn, để làm trễ, để tạo ra hàng triệu khó khăn, nhưng bạn có thể làm điều này được bao lâu?
Tôi ở đây để đẩy bạn bằng cách nào đó vào vực thẳm, nơi bạn chết đi và vị phật được sinh ra. Vấn đề bao giờ cũng là tìm ra một người. Một khi một người có đó việc hoàn thành cơ sở, yêu cầu cơ sở được hoàn thành. Thế thì nhiều người lập tức trở nên có thể. Và nếu nhiều người có đó, thế thì hàng nghìn người trở thành có thể. Người thứ nhất làm việc như tia lửa, và tia lửa nhỏ là đủ đốt cháy toàn thể trái đất. Đây là cách nó đã xảy ra trong quá khứ. Khi Gautam trở thành vị Phật, hàng nghìn người dần dần đã trở thành phật. Bởi vì đó không phải là vấn đề trở thành; bạn đã là cái đó rồi. Ai đó phải nhắc nhở bạn, có vậy thôi.
Mới hôm nọ tôi đọc một trong những chuyện ngụ ngôn của Ramakrishna. Tôi thích nó. Tôi đọc nó lặp đi lặp lại bất kì khi nào tôi bắt gặp nó. Nó là toàn thể câu chuyện về thây là tác nhân xúc tác.
Chuyện là: Một con hổ cái chết khi cho sinh ra một hổ con, và hổ con được đàn dê nuôi lớn. Tất nhiên, con hổ này tin bản thân nó cũng là dê. Điều đó là đơn giản, tự nhiên; được dê nuôi lớn, sống cùng với dê, nó tin rằng nó là dê. Nó vẫn còn ăn chay, ăn và nhai cỏ. Nó không có quan niệm nào. Thậm chí ngay cả trong mơ nó cũng không thể mơ thấy nó là hổ, và nó chính là hổ.
Thế rồi một hôm chuyện xảy ra là một con hổ già bắt gặp bầy dê này và con hổ già đó không thể tin được vào mắt minh. Một con hổ con đang đi giữa bầy dê! Chẳng con dê nào sợ con hổ này mà chúng cũng không nhận biết rằng con hổ này đang đi trong lũ chúng; con hổ này cũng đi như lũ dê. Bằng cách nào đó con hổ già tóm bắt lấy con hổ con, bởi vì khó mà bắt được nó. Nó trốn - nó cố gắng, nó kêu khóc, nó la hoảng. Nó sợ, nó run lập cập vì sợ. Mọi con dê đều thoát và nó cũng cố thoát cùng chúng, nhưng con hổ già bắt giữ nó lại và kéo nó ra hồ. Nó không muốn đi. Nó chống lại cũng hệt như cách các bạn đang làm với tôi. Nó cố hết sức không đi. Nó sợ đến chết, kêu và khóc, nhưng con hổ già không cho phép nó. Con hổ già vẫn kéo nó đi và đưa nó tới hồ.
Hồ im lặng như tấm gương. Nó buộc con hổ con nhìn vào trong nước. Hổ con nhìn qua làn nước mắt dàn dụa - hình ảnh không rõ ràng nhưng hình ảnh có đó - rằng nó trông giống như con hổ già. Nước mắt biến mất và cảm giác mới về bản thể nảy sinh; dê bắt đầu biến mất khỏi tâm trí. Nó không còn là dê nữa, nhưng nó không thể tin được vào chứng ngộ riêng của nó. Mặc dầu thân thể vẫn run một chút, nó vẫn còn sợ. Nó nghĩ, 'Có thể mình đang tưởng tượng. Làm sao dê đột nhiên biến thành hổ được? Điều đó là không thể được, điều đó chưa bao giờ xảy ra. Điều đó không bao giờ xảy ra theo cách đó.' Nó không thể tin được vào mắt riêng của nó, nhưng bây giờ tia lửa đầu, ánh sáng đầu tiên đã đi vào trong bản thể nó. Nó thực sự không còn như cũ nữa.
Con hổ già đem nó về hang. Bây giờ nó không chống lại thế, không ngần ngại thế, không sợ thế. Dần dần nó trở nên bạo dạn, thu lấy dũng cảm. Nó bắt đầu bước đi như hổ khi nó về tới hang. Con hổ già cho nó miếng thịt để ăn. Thật khó cho kẻ ăn chay, gần như không thể được, phát nôn, nhưng con hổ già không chịu. Nó bắt con hổ con ăn. Khi mũi con hổ con lại gần miếng thịt, cái gì đó xảy ra: từ mùi thịt, cái gì đó sâu trong bản thế của nó điều đã từng bị ngủ say được thức tỉnh. Nó bị kéo lại, bị hấp dẫn tới miếng thịt, và nó bắt đầu ăn. Một khi nó đã nếm miếng thịt rồi, tiếng gầm bùng ra qua bản thể nó. Dê biến mất trong tiếng gầm đó, và hổ có đó trong cái lộng lẫy và huy hoàng của nó.
Đây là toàn thể quá trình, và con hổ già được cần tới. Đó là rắc rối: con hổ già ở đây, và bằng cách nào đó bạn cố lẩn tránh, cách này cách nọ, điều đó là không thể được. Bạn ngần ngại, bạn khó khăn để tới hồ, nhưng tôi sẽ đem bạn tới. Bạn đã từng ăn cỏ cả đời bạn. Bạn đã hoàn toàn quên mất mùi của thịt, nhưng tôi sẽ buộc bạn ăn nó. Một khi việc nếm có đó, tiếng gầm sẽ bùng ra. Trong sự bùng nổ đó, dê biến mất và vị Phật sẽ được sinh ra. Cho nên bạn không cần lo nghĩ về chỗ tôi kiếm được nhiều chư phật để nghiên cứu, tôi sẽ tạo ra họ.
Câu hỏi thứ hai:
Thầy ngụ ý gì bởi tâm lí của chư phật? Đã từng có hàng nghìn chư phật ở phương Đông. Thầy không tạo ra tâm lí của người đã chứng ngộ sao? Các hiền nhân như Kapil, Kanad, Badarayan, Patanjali v.v, có thiết lập nên tâm lí học thứ ba không?
Không, chưa đâu. Có nhiều vấn đề. Để tâm lí học thứ ba được thiết lập hai nhu cầu đầu tiên cần được làm đầy đủ. Nếu bạn làm nhà ba tầng, hai tầng đầu phải được hoàn tất, và chỉ thế thì tầng thứ ba mới có thể được dựng lên. Trong quá khứ, tâm lí cho người bệnh chưa bao giờ tồn tại, loại tâm lí đầu tiên chưa bao giờ tồn tại. Không ai bận tâm vào cõi giới của các bệnh tinh thần, đặc biệt không có ở phương Đông. Không ai bận tâm bởi vì bệnh có thể bị gạt ra mà không bị dính vào nó. Không có nhu cầu phân tích nó, không có nhu cầu đi vào trong tâm trí bệnh hoạn, không có nhu cầu làm cái gì về nó. Một số kĩ thuật tồn tại và dầu vậy những kĩ thuật đó vẫn tồn tại. Bạn có thể đơn giản cắt bỏ nó.
Chẳng hạn, ở Nhật Bản bất kì khi nào có người điên, ai đó bị thần kinh, họ đem người đó tới Thiền viện, họ đem người đó tới những người tôn giáo của thị trấn. Đây đã là một trong những cách thức cổ nhất: đưa người đó tới người tôn giáo. Và điều gì được làm trong tu viện? - chẳng cái gì cả. Thực ra, chẳng cái gì được làm. Khi một người điên được đưa tới tu viện, họ không bận tâm phân tích, chẩn đoán. Họ không bận tâm nghĩ về đây là kiểu bệnh gì. Không có nhu cầu bởi vì bệnh này có thể bị bỏ đi. Họ để người điên vào trong một căn phòng cô lập xa khỏi tu viện, ở trong góc, chỗ sau cùng. Nhu cầu của người đó được đáp ứng: thức ăn được cho và bất kì cái gì người đó cần, nhưng không ai nói về người đó, không ai chú ý tới cái điên của người đó. Phương Đông biết rằng bạn càng chú ý nhiều tới nó, bạn càng cảm thấy tính điên. Toàn thể tu viện vẫn còn dửng dưng, dường như không ai đã tới.
Dửng dưng là một trong những kĩ thuật, bởi vì người điên thực sự cần nhiều sự chú ý. Có thể là người đó đã trở nên điên chỉ để có được sự chú ý. Đó là lí do tại sao phân tâm không thể giúp ích nhiều, bởi vì nhà phân tâm cho nhiều chú ý tới bệnh điên, tới chứng thần kinh, bệnh tâm thần, tới mức người đó bắt đầu xúc động về chú ý đó: trong nhiều năm cùng với ai đó chú ý lên bạn.
Bạn phải đã quan sát rằng người thần kinh bao giờ cũng buộc người khác phải chú ý tới họ. Họ sẽ làm mọi thứ nếu họ có thể thu được sự chú ý. Trong Thiền viện họ không cho chú ý nào, họ vẫn còn dửng dưng. Không ai bận tâm và không ai nghĩ rằng người đó là điên, bởi vì nếu toàn thể nhóm nghĩ rằng người đó điên, việc nghĩ đó tạo ra rung động giúp cho người điên vẫn còn điên. Trong ba tuần, trong bốn tuần, người điên được phép ở cùng với bản thân người đó. Nhu cầu được đáp ứng nhưng không chú ý nào được trao, không chú ý đặc biệt nào; dửng dưng được duy trì. Không ai nghĩ rằng người đó điên. Và trong vòng ba tới bốn tuần, người điên này, vẫn còn với bản thân mình, dần dần trở nên tốt hơn. Người điên ngớt dần.
Ngay cả bây giờ họ vẫn làm cùng điều đó trong Thiền viện. Các nhà tâm lí học phương Tây đã trở nên nhận biết về sự kiện này. Nhiều người đã đi sang Nhật Bản để nghiên cứu điều đang xảy ra, và họ đã đơn giản bị chưng hửng. Họ làm việc trong nhiều năm và chẳng cái gì xảy ra; và trong Thiền viện, chẳng làm cái gì cả, người điên được bỏ lại với bản thân người đó, và mọi sự bắt đầu xảy ra. Người điên cần biệt lập. Họ cần nghỉ ngơi, họ cần dửng dưng, họ cần không chú ý, và các con sóng đã từng dâng lên trong tâm trí họ, những căng thẳng, đơn giản tan biến và biến mất. Sau bốn tuần người này sẵn sàng rời khỏi tu viện. Người đó cám ơn mọi người ở đó, ông trưởng tu viện và những người khác, và ra về. Người đó hoàn toàn ổn thoả.
Ở phương Đông bởi vì điều này, bởi vì kĩ thuật này, loại tâm lí thứ nhất chưa bao giờ phát triển. Và chừng nào loại tâm lí thứ nhất này chưa có đó, loại thứ hai là không thể có được. Tâm trí bệnh hoạn phải được hiểu trong chi tiết của nó. Nó là một thứ giúp cho người điên thoát ra, nó là thứ khác để tạo ra tâm lí của người điên. Cách tiếp cận khoa học được cần tới, phân tích chi tiết được cần tới. Ở phương Tây họ đã làm điều đó; kiểu tâm lí học thứ nhất có đó. Freud, Jung, Adler và những người khác đã tạo ra tâm lí cho người bệnh hoạn. Họ có thể không rất hữu ích cho những người đang bị rắc rối, nhưng họ đã đáp ứng cho yêu cầu khác. Yêu cầu đó là khoa học: họ đã tạo ra loại tâm lí thứ nhất. Ngay lập tức, loại thứ hai trở thành có thể. Loại thứ hai là tâm lí cho người lành mạnh.
Các mảnh mẩu của loại thứ hai bao giờ cũng tồn tại ở phương Đông, nhưng bao giờ cũng mảnh mẩu, chưa bao giờ là một toàn thể gọn gàng. Tại sao mảnh mẩu? - bởi vì người tôn giáo đã quan tâm tới cách làm người lành mạnh bình thường đi tới siêu việt. Họ tìm kiếm một chút, không chi tiết, không tới tận cuối, bởi vì họ không quan tâm tới việc tạo ra tâm lí. Họ quan tâm tới duy nhất việc tìm ra chỗ đứng, bàn đạp nào đó trong tâm trí lành mạnh để từ đó cú nhảy vào trong thiền, cú nhảy vào trong điều tối thượng có thể được thực hiện. Mối quan tâm của họ là khác. Họ không bận tâm về toàn thể mảnh đất.
Khi một người đơn giản muốn lấy cú nhảy vào sông, người đó không tìm cả bờ. Người đó tìm một chỗ, một tảng đá nhỏ, và từ đó người đó nhảy. Không có nhu cầu tìm toàn thể lãnh thổ. Các mảnh mẩu của tâm lí thứ hai đã tồn tại ở phương Đông. Trong Patanjali chúng có đó; trong Phật, trong Mahavira và trong những người khác - chỉ vài mảnh mẩu, một phần của lãnh thổ. Toàn thể cách tiếp cận là không khoa học, cách tiếp cận là tôn giáo. Nhiều hơn không được cần tới. Sao họ phải bận tâm về nó? Chỉ bằng việc dọn quang một mảnh đất nhỏ, từ đó họ có thể cất cánh vào cái vô hạn. Sao cố gắng dọn quang cả khu rừng? - và nó là khu rừng bao la.
Tâm trí con người là hiện tượng bao la. Tâm trí bệnh hoạn trong bản thân nó là hiện tượng bao la. Tâm trí lành mạnh thậm chí còn lớn hơn tâm trí bệnh hoạn, bởi vì tâm trí bệnh hoạn chỉ là một phần của tâm trí lành mạnh, không phải là cái toàn thể. Không ai đã bao giờ hoàn toàn phát điên; không ai có thể vậy. Chỉ một phần nổi đoá, chỉ một phần trở nên ốm yếu, nhưng không ai phát điên hoàn toàn. Nó cũng giống như trong sinh lí học: không thân thể ai có thể tuyệt đối ốm. Bạn đã bao giờ thấy thân thể ai tuyệt đối ốm không? Điều đó có nghĩa là mọi bệnh tật có thể có cho nhân loại đã xảy ra cho thân thể một người. Điều đó là không thể được, không ai đi xa tới đó. Ai đó bị đau đầu, ai đó bị đau dạ dầy, ai đó bị sốt, thế này thế nọ - bộ phận. Và thân thể là hiện tượng bao la, một vũ trụ.
Cùng điều đó là đúng về tâm trí: tâm trí là một vũ trụ. Toàn thể tâm trí chưa bao giờ phát điên và đó là lí do tại sao người điên có thể được đem trở lại. Nếu toàn thể tâm trí phát điên, bạn không thể đem nó lại được, sẽ không có khả năng nào. Nếu toàn thể tâm trí phát điên, bạn sẽ đem nó tới chỗ nào? Chỉ một phần, một bộ phận đi lạc lối. Bạn có thể đem nó lại, khớp nó vào trong cái toàn thể lần nữa.
Ở phương Tây bây giờ kiểu tâm lí thứ hai đang trải qua đau đẻ với Abraham Maslow, Eric Fromm, Janov và những người khác. Đó là cách tiếp cận nguyên khối: không nghĩ dưới dạng bệnh tật mà nghĩ dưới dạng lành mạnh; về căn bản không tập trung vào bệnh hoạn mà về căn bản tập trung vào nhân loại lành mạnh. Tâm lí học thứ hai được sinh ra, nhưng dầu vậy vẫn không đầy đủ. Đó là lí do tại sao tôi nói rằng nó ở ngay việc đau đẻ, nó đang tới trong thế giới. Sớm hay muộn nó sẽ bắt đầu phát triển nhanh. Chỉ thế thì kiểu tâm lí thứ ba mới là có thể. Đó là lí do tại sao tôi nói nó chưa bao giờ tồn tại.
Chư Phật đã tồn tại, hàng triệu người trong họ, nhưng không có tâm lí của chư phật, bởi vì không ai đã bao giờ thử tìm tâm trí thức tỉnh để tạo ra bộ môn khoa học từ nó. Chư Phật đã tồn tại, nhưng không ai đã thử hiểu hiện tượng về phật tính theo cách khoa học.
Gurdjieff là người đầu tiên trong toàn thể lịch sử nhân loại, người đã thử. Gurdjieff là hiếm hoi theo nghĩa này, bởi vì ông ấy là người tiên phong trong khả năng thứ ba. Như điều bao giờ cũng xảy ra với những người tiên phong, thật khó, rất khó để xuyên thấu vào cái gì đó mà bao giờ cũng vẫn còn không biết, nhưng ông ấy đã thử. Ông ấy đã đem tới vài mảnh mẩu từ bóng tối, nhưng nó trở thành ngày một khó hơn bởi vì đệ tử vĩ đại nhất của ông ấy, P.D. Ouspensky, đã phản bội ông ấy. Đã có khó khăn: bản thân Gurdjieff là nhà huyền môn không đầu tư vào trong thế giới của khoa học; ông ấy đã không phải là tâm trí khoa học. Ông ấy là nhà huyền môn, ông ấy là vị Phật. Toàn thể nỗ lực tuỳ thuộc vào P.D. Ouspensky bởi vì ông này là con người khoa học: một trong những nhà toán học vĩ đại nhất đã từng được sinh ra và là một trong những nhà tư tưởng sâu lắng nhất mà thế kỉ này đã từng biết tới. Toàn thể vấn đề tuỳ thuộc vào Ouspensky. Gurdjieff đã gieo hạt mầm và Ouspensky được dự định làm việc từ nó ra, định nghĩa nó, triết lí hoá nó, làm ra các lí thuyết khoa học từ nó. Đó là hợp tác thường xuyên giữa thầy và đệ tử. Gurdjieff có thể gieo hạt, nhưng ông ấy không thể đưa nó vào trong thuật ngữ khoa học và ông ấy không thể đưa nó vào theo cách là nó có thể trở thành bộ môn. Ông ấy biết nó là cái gì nhưng ngôn ngữ bị thiếu.
Với Ouspensky ngôn ngữ có đó, tuyệt đối hoàn hảo. Tôi không thấy so sánh nào khác - Ouspensky sẽ viết hoàn hào tới mức ngay cả một Albert Einstein cũng sẽ cảm thấy ghen tị. Ông ấy thực sự là tâm trí logic, rất có huấn luyện. Bạn có thể đọc một cuốn sách của ông ấy, Tertium Organum. Nó là hiện tượng hiếm hoi. Ouspensky nói trong cuốn sách này, ngay chỗ bắt đầu, 'Chỉ có ba cuốn sách trên thế giới: một cuốn là cuốn Organon của Aristotle, phương tiện ý nghĩ đầu tiên; cuốn thứ hai là cuốn Novum Organum của Bacon, nguyên lí thứ hai về ý nghĩ; và cuốn thứ ba là Tertium Organum.' Tertium Organum nghĩa là đại bác tư tưởng thứ ba. Ouspensky nói - và khi ông ấy nói điều này ông ấy không tự kiêu hay bản ngã hay bất kì cái gì, 'Ngay cả trước khi hai cuốn kia tồn tại, cuốn thứ ba đã có trong sự tồn tại.' Ông ấy nói trong Tertium Organum, 'Tôi đang mang tới chính cơ sở của mọi tri thức.' Và điều đó không có tính bản ngã; cuốn sách này thực sự hiếm hoi.
Toàn thể nỗ lực của Gurdjieff tuỳ thuộc vào cộng tác sâu sắc giữa Ouspensky và bản thân ông ấy. Ông ấy đã hướng dẫn và Ouspensky hình thức hoá nó, phát biểu nó ra, cho nó một cấu trúc. Linh hồn tới từ Gurdjieff và thân thể được Ouspensky cung cấp, và Ouspensky đã phản bội lại ông ấy giữa đường. Ông này đơn giản bỏ Gurdjieff. Điều đó bao giờ cũng là khả năng bởi vì ông ấy là nhà trí thức thế và Gurdjieff là người tuyệt đối chống lại trí thức. Điều đó gần như là điều không thể được rằng họ đã liên tục sự cộng tác của họ.
Gurdjieff đòi hỏi buông xuôi tuyệt đối - như các thầy bao giờ cũng đòi hỏi; và đó là khó khăn cho Ouspensky - vì nó bao giờ cũng khó khăn cho mọi đệ tử. Và còn khó khăn hơn khi đệ tử rất có trí thức. Dần dần, Ouspensky bắt đầu nghĩ rằng ông ấy biết tất. Đó là lừa dối mà giới trí thức tạo ra dễ dàng. Ông ấy là con người trí thức tới mức ông ấy phát biểu mọi thứ và ông ấy bắt đầu cảm thấy rằng ông ấy biết. Thế rồi, dần dần, vết nứt bắt đầu.
Gurdjieff bao giờ cũng đòi hỏi những điều ngớ ngẩn. Chẳng hạn, Ouspensky ở xa nghìn dặm và Gurdjieff gửi cho ông ấy bức điện tín: 'Tới ngay lập tức, bỏ mọi thứ lại.' Ouspensky đang bị rắc rối tài chính, rắc rối gia đình, và nhiều thứ, và gần như không có khả năng cho ông ấy bỏ đi ngay lập tức, nhưng ông ấy đã ra đi. Ông ấy bán mọi thứ, ông ấy bỏ gia đình và ông ấy lập tức chạy đi. Khi ông ấy tới, điều đầu tiên Gurdjieff nói là, 'Bây giờ ông có thể quay về.' Đây là điều đầu tiên bắt đầu sự rạn nứt. Ouspensky bỏ đi và không bao giờ quay lại - nhưng ông ấy đã lỡ. Đó chỉ là phép thử về buông xuôi toàn bộ.
Khi bạn buông xuôi toàn bộ, bạn không hỏi, 'Tại sao?' Thầy nói, 'Tới đi,' bạn tới; thầy nói, 'Đi đi,' bạn đi. Giá mà Ouspensky đã đi hôm đó đơn giản như ông ấy đã tới, cái gì đó sâu bên trong ông ấy, điều làm thất bại toàn thể sự trưởng thành của ông ấy chắc đã bị bỏ đi. Nhưng điều đó là quá ngớ ngẩn cho một người như Ouspensky rằng Gurdjieff bất thần đòi hỏi, và rằng ông ấy tới. Ông ấy phải đã tới với nhiều mong đợi bởi vì ông ấy nghĩ rằng ông ấy đã hi sinh quá nhiều: gia đình, vấn đề, tài chính, phục vụ - ông ấy đã bỏ mọi thứ. Ông ấy phải đã từng nghĩ rằng ông ấy là người tử vì đạo. Ông ấy đã tới và thậm chí không một lời đón chào ông ấy, điều đầu tiên mà Gurdjieff nói, khi nhìn vào ông ấy, là, 'Bây giờ ông có thể quay về.' Điều đó là quá thể; ông ấy bỏ dở luôn.
Bằng việc bỏ dở của Ouspensky, toàn thể nỗ lực để tạo ra tâm lí của chiều thứ ba bị dừng lại. Gurdjieff đã thử và cố gắng; ông ấy đã thử tìm ai đó khác. Với nhiều người ông ấy đã làm việc, nhưng ông ấy không thể tìm được một người có tầm cỡ của Ouspensky. Trưởng thành của Ouspensky đã dừng lại, và công việc của Gurdjieff cho tâm lí thứ ba bị dừng lại. Cùng nhau họ là kì diệu; tách ra, cả hai trở thành què quặt. Ouspensky vẫn còn là nhà trí thức, Gurdjieff vẫn còn là nhà huyền môn. Đó là rắc rối. Đó là lí do tại sao nó không thể xảy ra được.
Tôi lại đang cố làm việc theo chiều hướng thứ ba, và tôi đã không nhận rủi ro mà Gurdjieff đã nhận. Tôi không phụ thuộc vào bất kì ai; tôi là Gurdjieff cộng với Ouspensky. Đó là công việc vất vả khi phải sống theo hai chiều khác nhau, điều đó rất gian nan. Nhưng dẫu sao đi chăng nữa, điều đó là tốt bởi vì không ai có thể phản bội tôi và dừng công việc của tôi, không ai. Tôi liên tục đi trong thế giới của vô trí, và trong thế giới của lời và sách và phân tích. Gurdjieff có phân chia lao động: Ouspensky làm việc trong thư viện và ông ấy làm việc trong bản thân ông ấy. Tôi phải làm cả hai - để cho cùng điều không bị lặp lại lần nữa. Tôi đã từng làm việc liên tục trên cả hai mức và có mọi khả năng rằng nỗ lực này có thể thành công. Tôi đang nghiên cứu về bạn và bạn đang trưởng thành, dần dần.
Trở thành bản thân vị Phật là một điều. Việc này xảy ra bất thần thế: một khoảnh khắc trước bạn đã không là vị Phật, và một khoảnh khắc sau bạn là vị Phật. Nó xảy ra bất thần tới mức khi nó xảy ra trong bản thân bạn không có không gian trong đó để nghiên cứu nó. Với bạn tôi có thể nghiên cứu rất chậm. Bạn càng lẩn tránh và chống lại, tôi càng có thể nghiên cứu bạn tốt hơn: cái gì đang xảy ra, cách nó xảy ra. Tôi phải nghiên cứu nhiều người, chỉ thế thì điều đó mới có thể xảy ra. Tâm lí học không thể phụ thuộc vào một người vì các cá nhân là khác nhau thế, duy nhất thế. Tôi có thể đã trở thành một Phật, nhưng tôi là một người duy nhất. Bạn có thể trở thành một Phật, nhưng bạn là người duy nhất. Có ít nhất bẩy kiểu người tồn tại trên thế giới cho nên ít nhất có bẩy phật phải được nghiên cứu rất, rất sâu, mỗi người thuộc về từng kiểu. Chỉ thế thì tâm lí học mới là có thể.
Ouspensky nói tới bẩy kiểu người. Tất cả bẩy kiểu đó và sự trưởng thành của họ phải được hiểu: kiểu chướng ngại nào họ tạo ra, kiểu trốn chạy nào họ thử, và cách thoát của họ và cách chống cự của họ có thể bị phá vỡ thế nào. Với từng kiểu đều sẽ là khác nhau. Chừng nào tất cả bẩy kiểu còn chưa được biết tới, được nghiên cứu sâu, từng bước một, hết tầng nọ tới tầng kia từ chính lúc ban đầu, từ A tới Z, tâm lí học không thể được hình thành. Nó chưa bao giờ tồn tại trước đây nhưng nó có thể tồn tại trong tương lai.
Câu hỏi thứ ba:
Như thầy đã nói, cuộc đời tôi đã từng là khổ - nhưng từ khi tới với thầy khổ của tôi đã mất đi. Mặc dầu tôi biết rằng cuộc đời tôi còn chưa phúc lạc, thoả mãn đã tới với mọi thứ xảy ra cho tôi. Điều này đã tạo ra thiếu ham muốn để hành thiền, để tìm kiếm chút nào. Tôi chỉ hạnh phúc để nổi suốt. Tôi có lười không?
Khoảnh khắc này tới với mọi người tìm kiếm: khi điều phủ định không còn nữa nhưng điều khẳng định còn chưa tới, khi khổ đã qua nhưng phúc lạc còn chưa xảy ra, khi đêm không còn nữa nhưng mặt trời còn chưa lên. Đây là chỉ báo tốt rằng bạn đang trưởng thành. Và thế rồi, ngay lập tức, người ta bắt đầu cảm thấy thảnh thơi, trôi nổi, và mọi thứ như nó xảy ra là đẹp thế. Tâm trí nói, 'Sao bận tâm? Sao thiền làm gì?' Nếu bạn nghe theo tâm trí, chẳng mấy chốc đêm sẽ quay lại, khổ sẽ đi vào. Đừng nghe tâm trí. Bạn liên tục thiền nhưng với thái độ khác bây giờ: thiền dường như bạn đang nổi trong nó. Đừng làm quá nhiều nỗ lực trong nó. Đó là mọi điều được cần. Thiền một cách vô nỗ lực, nhưng thiền. Đừng lười biếng. Trong lười cái cũ lại sẽ quay lại bởi vì phúc lạc còn chưa xảy ra. Một khi phúc lạc xảy ra - khi bạn cảm thấy tuyệt đối hài lòng, khi bạn đi tới điểm mà bạn thậm chí quên cả hài lòng, nó là tuyệt đối thế - chỉ thế thì thiền mới có thể bị bỏ đi. Nó mất đi một cách tự động.
Tại hai điểm ý tưởng về vứt bỏ tới: điểm thứ nhất là thế này, điều người hỏi đã hỏi: khi bóng tối biến mất, khổ không còn nữa, và bạn cảm thấy thoải mái thế. Đây chỉ là thiếu vắng khổ. Nếu tâm trí vẫn còn trong khổ, bây giờ không khổ nữa, nó gần như có vẻ giống hạnh phúc, nó gần như có vẻ giống phúc lạc. Đừng bị lừa bởi dáng vẻ. Nhiều điều vẫn phải được làm - nhưng bây giờ, làm nó theo cách khác, có vậy thôi. Bây giờ hành thiền rất thảnh thơi; không căng thẳng, nổi - nhưng liên tục làm bởi vì nhiều điều nữa phải xảy ra. Cuộc hành trình không chấm dứt. Bạn có thể đã đi tới một điểm mà bạn có thể thảnh thơi dưới cây và bóng râm là mát mẻ, nhưng đừng quên rằng điều này chỉ có thể là chỗ ở qua đêm thôi. Đến sáng bạn phải bước đi lần nữa. Chừng nào bạn chưa hoàn toàn biến mất, cuộc hành trình vẫn phải được tiếp tục. Nhưng bây giờ thay đổi về chất; nổi. Di chuyển vô nỗ lực vào trong thiền.
Cho nên bạn biết khác biệt này không? Ai đó bơi trong sông, có nỗ lực; nhưng thế rồi người đó đơn giản nổi, nằm trên lưng, vẫn còn trong sông nhưng không bơi nữa. Nổi, sông đưa người đó đi cùng dòng chảy và người đó nổi tới biển. Lúc ban đầu người ta phải bơi trong thiền bởi vì có nhiều chống đối được tâm trí tạo ra; bạn phải tranh đấu với chúng.
Ở bước thứ hai bạn phải nổi cùng sông. Ở bước thứ ba bạn phải trở thành sông - thế thì không có vấn đề gì. thế thì bạn có thể bỏ, nhưng không có vấn đề về việc bỏ; nó tự động bỏ. Thiền, khi đầy đủ, tự động bỏ đi. Bạn không lo nghĩ về nó. Khi nó đầy đủ nó sẽ rụng đi như trái chín rụng xuống đất.
Nhưng đừng lười. Tâm trí có thể chơi trò chơi với bạn và nó có thể phá huỷ bất kì cái gì bạn đã đạt tới. Bạn đạt tới chút ít bằng nhiều nỗ lực, và tâm trí có thể lừa bạn và có thể nói rằng bây giờ không có nhu cầu. Bạn cảm thấy hạnh phúc thế - cảm thấy hạnh phúc - như bạn cảm thấy hạnh phúc thế bởi vì thiền. Nếu bạn bỏ thiền, lập tức hạnh phúc bạn cảm thấy sẽ biến mất và thế thì bạn sẽ lại khổ.
Câu hỏi thứ tư:
Theo Laing, chín tháng đầu tiên từ thụ thai không nhất thiết là phúc lạc, và phát hiện của Janov không xác nhận lí thuyết chấn thương khi sinh của Freud. Xin thầy nói thêm chút ít về điều này?
Với tôi, Freud vẫn còn đúng. Không chỉ Freud, mà Phật, Mahavira và Patanjali tất cả đều nói sinh là đau, rằng nó là chấn thương. Nhưng khó mà đi tới kết luận cuối cùng. Đứa trẻ được sinh ra và không ai biết đứa trẻ cảm thấy thế nào: liệu đứa trẻ cảm thấy phúc lạc trong bụng mẹ hay không; hay, trong khi được sinh ra, đi qua kênh sinh và đi vào thế giới rộng hơn, nơi nó cảm thấy đau đớn khi la hét, liệu có đau hay không. Ai sẽ quyết định?
Có hai cách quyết định: một cách là quan sát khách quan. Đó là điều Freud đã làm, điều Laing, Janov, và những người khác đang làm. Bạn có thể quan sát điều đang xảy ra, nhưng quan sát vẫn còn ở bên ngoài. Bạn không thực sự biết cái gì đang xảy ra. Cả hai cách diễn giải này là có thể: bạn có thể nói rằng đứa con là phúc lạc bên trong bụng mẹ bởi vì không có lo nghĩ, không cái gì để đứa con làm, mọi thứ đều được cung cấp, đứa con đơn giản nghỉ ngơi; hay, bởi vì đứa con bị giới hạn, bị cầm tù, mọi thứ ảnh hưởng tới người mẹ đều ảnh hưởng tới đứa con. Nếu người mẹ ốm, đứa con ốm. Nếu người mẹ ngã và gẫy xương, đứa con bị đau. Nó sẽ mang vết thương đó trong cả đời nó. Nếu người mẹ đau đầu điều đó nhất định ảnh hưởng tới đứa con vì đứa con được nối liền, nó không tách rời. Nếu người mẹ khổ, trong phiền não, đứa con phải bị ảnh hưởng. Đứa con rất mềm mại, hệ thần kinh tinh tế sẽ thường xuyên bị gõ búa bởi tình cảm, tâm trạng và việc xảy ra trong người mẹ. Làm sao đứa con có thể hạnh phúc và phúc lạc bên trong được? Nếu người mẹ làm tình trong khi đứa con ở trong bụng mẹ, đứa con phải chịu đựng vì khi người mẹ làm tình, cô ấy cần nhiều ô xi cho bản thân cô ấy và ô xi cung cấp cho đứa con bị cắt. Có thiếu hụt năng lượng và đứa con cảm thấy bị ngạt.
Bởi vì điều này, một nhà khoa học đã cố gắng chứng minh - một nhà khoa học Do Thái tất nhiên, bởi vì người Do Thái tin vào không làm tình trong khi người đàn bà mang thai; ông ta đã làm nhiều phát hiện từ điều này - rằng trong chín tháng khi người mẹ mang thai, yêu không nên được làm cho cô ấy vì đứa con sẽ phải chịu đựng. Có nền tảng chắc chắn trong điều này, bởi vì ô xi của người mẹ sẽ được cần bởi thân thể riêng của cô ấy. Đó là lí do tại sao, trong khi làm tình, đàn ông và đàn bà bắt đầu thở nhanh và sâu. Nhiều ô xi được cần tới bởi thân thể và người mẹ đi vào cơn sốt. Nhiệt độ thân thể lên cao và đứa trẻ cảm thấy bị ngạt. Đây là phát hiện từ bên ngoài.
Nếu người ta phải quyết định giữa Freud và Laing, quyết định này không bao giờ có thể đầy đủ bởi vì cả hai đều là người ngoài. Nhưng tôi có cách nhìn của người bên trong, và đó là lí do tại sao tôi nói rằng Freud là đúng và Laing là không đúng. Vị Phật có cái nhìn của người bên trong. Khi một người như Phật được sinh ra, ông ấy được sinh có nhận biết hoàn hảo. Khi một người như Phật ở trong bụng mẹ, ông ấy nhận biết.
Điều này xảy ra thế nào phải được hiểu. Khi một người chết đi trong nhận biết hoàn hảo, lần sinh tiếp của người đó sẽ là nhận biết hoàn hảo. Nếu bạn có thể chết đi trong đời này đầy nhận biết, không trở nên vô ý thức khi bạn chết; bạn vẫn còn nhận biết hoàn hảo, bạn thấy mọi pha của chết, bạn nghe mọi bước và bạn vẫn còn nhận biết hoàn hảo rằng thân thể đang chết; tâm trí đang biến mất và bạn vẫn còn nhận biết hoàn hảo; thế thì đột nhiên bạn thấy rằng bạn không trong thân thể và tâm thức đã rời bỏ thân thể. Bạn có thể thấy thân thể chết nằm đó và bạn nổi quanh thân thể.
Nếu bạn có thể nhận biết trong khi bạn chết, đây là một phần của sinh, một khía cạnh. Nếu trong một khía cạnh này bạn nhận biết, bạn sẽ nhận biết khi bạn nhận thụ thai. Bạn sẽ nổi quanh một đôi đang làm tình và bạn sẽ hoàn toàn nhận biết. Bạn sẽ đi vào bụng mẹ hoàn toàn nhận biết. Đứa con được thụ thai và trong hạt mầm nhỏ bé đó, hạt mầm đầu tiên, bạn sẽ nhận biết hoàn hảo về điều đang xảy ra. Trong chín tháng trong bụng mẹ bạn sẽ nhận biết. Không chỉ bạn sẽ nhận biết, nhưng khi đứa trẻ như vị Phật trong bụng mẹ của người mẹ, phẩm chất của người mẹ thay đổi. Cô ấy trở nên nhận biết hơn; ánh sáng cháy bên trong. Làm sao ngôi nhà có thể vẫn còn không được sáng? Người mẹ lập tức cảm thấy thay đổi tâm thức.
Trở thành người mẹ của vị Phật là cơ hội hiếm hoi. Chính hiện tượng này làm biến đổi người mẹ. Chính điều đối lập là đúng cho đứa trẻ thường: nó bị giới hạn bởi thân thể, tâm trí, tâm thức của người mẹ - đó là sự cầm tù. Khi vị Phật được sinh ra, khi người mẹ của vị Phật mang thai, chính điều đối lập xảy ra: người mẹ là một phần của tâm thức vĩ đại hơn của phật. Phật bao quanh cô ấy như hào quang. Cô ấy mơ về Phật.
Ở Ấn Độ chúng ta đã ghi lại những giấc mơ của những người mẹ này: giấc mơ của mẹ Phật, mẹ Mahavira, và mẹ các Tirthankaras khác. Chúng ta đã thực sự không bao giờ bận tâm về bất kì giấc mơ nào khác; chúng ta chỉ phân tích giấc mơ của các mẹ của chư phật. Đó là việc phân tích mơ duy nhất mà chúng ta đã làm. Điều đó sẽ trở thành một phần của kiểu tâm lí thứ ba này.
Khi vị Phật được sinh ra, người mẹ trải qua những giấc mơ đặc biệt vì hàng nghìn lầm cùng những giấc mơ này được lặp đi lặp lại. Điều đó nghĩa là tâm thức phật bên trong người mẹ tạo ra hiện tượng nào đó trong tâm trí cô ấy và cô ấy bắt đầu mơ theo một chiều đặc thù. Chẳng hạn, Phật tử nói rằng khi vị Phật ở bên trong người mẹ, người mẹ mơ về voi trắng. Điều đó là biểu tượng, biểu tượng về cái gì đó rất hiếm hoi - bởi vì voi trắng là một trong những thứ hiếm hoi nhất ở Ấn Độ, gần như không thể tìm được. Một sinh linh hiếm hoi có đó và biểu tượng voi trắng chỉ là một chỉ dẫn. Và hàng loạt giấc mơ theo sau.
Khi Phật nói rằng sinh là khổ, đó là cách nhìn của người bên trong. Mahavira nói rằng sinh là khổ, nó là đau, nó là chấn thương. Mahavira và Phật cả hai đều nói rằng được sinh ra và chết đi, đây là hai đau khổ lớn nhất. Điều đó mang nhiều nghĩa hơn bất kì Laings hay bất kì Freuds nào đã bao giờ có thể mang nghĩa. Nhưng cách nhìn của Freud trùng với điều ày, và đây cũng là kinh nghiệm riêng của tôi nữa.
Chín tháng trong bụng mẹ là thoải mái nhất. Tất nhiên, vài tình tiết xảy ra nhưng chúng là ngoại lệ. Bằng không, chín tháng này là không có tin tức nào, bởi vì tin tức bao giờ cũng là tin xấu. Gần như không cái gì xảy ra. Người ta đơn giản nổi trong cực lạc tuyệt vời. Nhưng sinh là chấn thương, nó là rất đau đớn. Điều đó cũng dường như là bạn nhổ cây khỏi đất - cây cảm thấy thế nào?
Bây giờ chúng ta có công cụ để đánh giá cây cảm thấy thế nào khi bị nhổ bật rễ. Đứa con cảm thấy cùng điều khi nó ra khỏi người mẹ. Người mẹ là đất và đứa con có rễ trong người mẹ mãi cho tới lúc đó. Bây giờ nó bị nhổ bật rễ ra, bị tống ra. Cái đau này là rất lớn. Nếu bạn có thể tin cậy tôi, tôi nói rằng đau này còn lớn hơn chết. Chết là số hai, sinh là số một. Và nó phải vậy vì sinh làm cho chết thành có thể. Thực ra, đau khổ bắt đầu với sinh và kết thúc với chết. Sinh là bắt đầu của khổ, chết là kết thúc. Sinh phải đau hơn - nó là vậy! Và sau chín tháng nghỉ ngơi toàn bộ, thảnh thơi, không lo nghĩ, không làm cái gì, sau chín tháng đột nhiên một cú sốc để bị tống ra, điều đó không bao giờ lại có một cú sốc như thế cho hệ thần kinh, không bao giờ có nữa! Mọi cú sốc khác đều là nhỏ.
Nếu bạn trở nên bị phá sản bạn sẽ bị choáng, nhưng nó không là gì, không là gì nếu so với chấn thương của việc sinh. Vợ bạn chết: bạn cảm thương, bạn khóc, bạn than. Nhưng thời gian được cần tới; vết thương được chữa lành và bạn săn đuổi đàn bà khác. Con bạn chết, bạn cảm thấy đau đớn sâu sắc; cái gì đó bao giờ cũng còn đau trong con người bạn. Nhưng nó không là gì khi so với chấn thương của việc sinh, khi bạn bị nhổ bật rễ khỏi đất. Bạn có thể nhận biết về việc bật rễ này, và chỉ thế thì điều tôi nói sẽ có nghĩa.
Điều này có thể bị mâu thuẫn với những phát hiện bên ngoài. Với tôi điều đó là không liên quan vì bất kì cái gì tôi nói, tôi nói về việc sinh riêng của tôi. Và nếu bạn thực sự muốn biết, thế thì chuẩn bị bản thân bạn để nhận biết ngày càng nhiều hơn sao cho khi bạn chết khoảnh khắc này, bạn chết trong nhận biết đầy đủ. Thế thì bạn sẽ tự động được sinh ra với nhận biết đầy đủ. Nếu bạn chết một cách vô ý thức, bạn được sinh ra một cách vô ý thức. Bất kì cái gì xảy ra trong chết sẽ xảy ra trong sinh bởi vì chết không là gì ngoài chết ở mặt này - ở mặt kia nó là sinh. Nó là cùng cánh cửa. Nếu bạn đi vào cánh cửa một cách có ý thức, bạn sẽ đi ra cánh cửa một cách có ý thức. Chết là mặt này của cánh cửa, sinh và mặt kia của cánh cửa.
Câu hỏi thứ năm:
Gần đây phương Tây đã phát minh ra nhiều kĩ thuật để quay về cội nguồn. Mọi kĩ thuật này dường nhưng có một điều chung: chúng thú nhận rằng cá nhân không thể đích thực trở về những kinh nghiệm chấn động này bởi bản thân người đó. Tâm trí là quá xảo quyệt, bản ngã là quá phức tạp, cho nên phân tích đã được phát minh ra: Trị liệu nguyên thuỷ, Fisher-Hoffman, và các công cụ xoá nghiệp của Arica, xin nêu tên vài phương pháp. Tiền đề cơ sở dường như là cá nhân sẽ không theo đuổi cuộc hành trình này một mình; người khác được cần tới - tính động của nhóm, hay hướng dẫn khách quan. Có cần trở nên tự ý thức thế về quá khứ không? Điều này không tự giải quyết cho nó sao khi người ta đi sâu hơn vào trong thiền?
Đầu tiên, không có cần thiết tuyệt đối để đi vào quá khứ. Nếu bạn thực sự thiền, mọi thứ tự động được giải quyết. Nhưng nếu thiền của bạn không diễn ra tốt, thế thì đi vào quá khứ có thể là giúp đỡ lớn. Cho nên không tuyệt đối cần phải đi vào trong quá khứ. Nếu bạn làm tốt trong thiền, quên nó đi. Nếu bạn không làm tốt trong thiền, chỉ thế thì nó mới trở thành quan trọng. Thế thì nó có thể là giúp đỡ lớn. Thế thì nó sẽ giải quyết những khó khăn của thiền, nhưng nó là phụ, hiện tượng bổ sung.
Prati-prasav, đi vào trong quá khứ, là một kĩ thuật bổ sung cho thiền. Đầu tiên cố gắng thiền đã; nếu nó có tác dụng, quên quá khứ đi. Không có nhu cầu đi vào trong quá khứ. Nếu bạn cảm thấy rằng thiền không vận hành, cái gì đó cứ tới đi tới lại như ngõ cụt, bế tắc xảy ra, một khối chắn tới và bạn không thể di chuyển được, điều đó nghĩa là quá khứ của bạn rất nặng - bạn sẽ cần prati-prasav. Bạn sẽ cần đi vào trong quá khứ trong khi đồng thời vẫn làm việc cho thiền. Nếu thiền làm việc tốt, điều đó nghĩa là quá khứ của bạn không rất nặng, bạn không có khối chắn trong quá khứ. Đơn giản thiền sẽ có tác dụng. Nhưng nếu khối chắn có đó và thiền không có tác dụng, thế thì, như sự giúp đỡ, prati-prasav là tuyệt vời - đi vào trong quá khứ giúp nhiều lắm.
Điều đó là tuỳ ở bạn. Đầu tiên làm việc chăm chỉ về thiền, làm mọi nỗ lực để biết liệu nó có thể xảy ra hay không. Nếu bạn cảm thấy rằng nó là không thể được, không cái gì xảy ra, chỉ thế thì mới nhìn vào prati-prasav. Nó là phương pháp tốt, nhưng phụ thôi. Nó không phải là điều rất chính yếu.
Điều thứ hai là ở chỗ với tuyệt đối một mình bạn không thể đi được, một mình bạn không thể trưởng thành được. Một mình, điều đó sẽ mất hàng triệu kiếp để đi tới kết luận, đi tới hiện hữu nào đó, và điều đó nữa cũng không chắc chắn. Nó là không thể được vì nhiều lí do, bởi vì bất kì cái gì bạn đang là đều là hệ thống đóng và hệ thống này là tự trị, tự túc. Nó làm việc theo cách riêng của nó và nó có gốc rễ rất sâu trong quá khứ. Hệ thống này rất có khả năng và hiệu quả. Việc ra khỏi hệ thống là gần như không thể được trừ phi ai đó giúp bạn. Yếu tố ngoại lai nào đó được cần để cho bạn gián đoạn, cho bạn cú sốc, để đẩy bạn ra. Nó hệt như bạn đang ngủ - và bạn đã từng ngủ trong nhiều, nhiều kiếp rồi. Làm sao bạn có thể làm cho bản thân bạn thức dậy được? Ngay cả để bắt đầu ít nhất bạn sẽ phải có chút ít thức tỉnh đã, và ngay cả chút ít thức tỉnh cũng không có đó. Bạn hoàn toàn ngủ say; bạn trong cơn mê. Ai sẽ bắt đầu làm việc? Làm sao bạn sẽ tự đánh thức bản thân bạn? Ai đó được cần tới, ai đó có thể gây choáng cho bạn ra khỏi cơn mê, người có thể giúp bạn bước ra. Ngay cả đồng hồ báo thức sẽ có ích.
Nhóm là được cần. Bởi vì một khi bạn thức tỉnh, toàn thể quá khứ sẽ cố gắng đưa bạn trở lại trạng thái vô ý thức bởi vì tâm trí cho phép con đường với chống cự ít nhất. Bạn sẽ rơi đi rơi lại vào giấc ngủ. Hoặc một thầy hoàn hảo được cần tới người có thể giúp bạn ra khỏi nó, hoặc một nhóm người tìm kiếm nếu thầy hoàn hảo không sẵn có, để cho những người trong nhóm có thể giúp lẫn nhau.
Gurdjieff hay nói, 'Dường như bạn ở trong rừng, sợ thú hoang, nhưng bạn có một nhóm. Mười người có đó, cho nên bạn có thể làm một điều: trong khi chín người ngủ, một người vẫn còn thức.' Nếu có nguy hiểm nào đó từ thú hoang, kẻ trộm hay kẻ cướp, người đó đánh thức những người khác. Nếu người đó cảm thấy rằng mình đang rơi vào giấc ngủ, người đó đánh thức người khác. Nhưng một người vẫn còn tỉnh táo - điều đó trở thành việc bảo vệ. Nếu một thầy hoàn hảo sẵn có, nếu một Phật sẵn có, thế thì không cần làm việc trong nhóm bởi vì ông ấy là nhận biết hai mươi bốn giờ. Nếu ông ấy không có đó, thế thì khả năng thứ hai là làm việc trong nhóm. Thỉnh thoảng ai đó tới với nhận biết chút ít; người đó có thể giúp. Đến lúc người đó bắt đầu ngủ, ai đó khác đã đi tới nhận biết chút ít. Người đó giúp, và nhóm giúp.
Cứ dường như bạn bị cầm tù: một mình sẽ khó cho bạn thoát ra bởi vì việc canh gác nghiêm ngặt có đó. Nhưng nếu mọi tù nhân đều thống nhất và làm nỗ lực thống nhất để thoát ra, lính gác có thể chứng tỏ không đủ. Nhưng nếu bạn biết ai đó ở ngoài, bên ngoài nhà tù và có thể giúp thế nào đó, thế thì cũng không cần nỗ lực nhóm. Ai đó từ bên ngoài có thể tạo ra tình huống: người đó có thể thả chiếc thang, người đó có thể hối lộ cho lính gác, người đó có thể đánh thuốc mê lính gác; người đó có thể làm cái gì đó từ bên ngoài bởi vì người đó tự do. Người đó có thể tìm cách để tạo ra tình huống để cho bạn có thể thoát ra. Thầy hoàn hảo giống như người ở bên ngoài nhà tù. Thầy có nhiều tự do để làm cái gì đó. Nhiều khả năng có đó và mọi khả năng đều mở cho thầy bởi vì thầy là tự do. Nếu bạn không có liên hệ với thầy, người là tự do, bên ngoài nhà tù, thế thì khả năng duy nhất cho các tù nhân là tạo ra nhóm.
Đó là lí do tại sao ở phương Tây nhiều kiểu nhóm đang làm việc: Arica, các nhóm của Gurdjieff, và những nhóm khác. Ý thức nhóm trở nên ngày càng quan trọng ở phương Tây. Điều đó là tốt. Nó tốt hơn Maharishi Mahesh Yogi, nó tốt hơn Bal Yogeshwar - bởi vì những người này không phải là thầy. Làm việc trong nhóm tốt hơn, bởi vì người nói rằng người đó ở bên ngoài là không ở bên ngoài; người đó cũng ở bên trong. Người nói rằng người đó đã có tiếp xúc ở bên ngoài lại không có tiếp xúc ở bên ngoài. Người đó chỉ lừa bạn. Ở phương Tây chỉ có một người từ phương Đông, và người đó là Krishnamurti. Nếu bạn có thể ở cùng với Krishnamurti điều đó có thể có ích, nhưng khó ở cùng ông ấy. Ông ấy đã từng thử giúp mọi người theo cách gián tiếp tới mức ngay cả người được giúp cũng sẽ không có khả năng biết rằng ông ấy đang giúp. Điều này đã tạo ra rắc rối. Bằng không, mọi cái gọi là thầy ở phương Tây chỉ là người bán hàng, không giá trị gì.
Nếu bạn có thể tìm ra một thầy, điều đó là tốt nhất, bởi vì ngay cả trong nhóm tất cả các bạn sẽ là tù nhân, ngủ say. Bạn có thể cố gắng, nhưng điều đó sẽ cần thời gian dài. Hay, nó có thể không thành công chút nào, bởi vì tất cả các bạn sẽ có cùng tầm cỡ, cùng bình diện tâm thức. Chẳng hạn, những người Arica là những người có cùng tâm thức làm việc cùng nhau, dò dẫm trong bóng tối. Cái gì đó có thể xảy ra, cái gì đó có thể không xảy ra. Một điều là chắc chắn, và đó là không cái gì chắc chắn. Chỉ có xác suất.
Gurdjieff không có đó và mọi nhóm Gurdjieff đều bị chi phối bởi sách của Ouspensky hơn là bởi Gurdjieff. Thực ra, mọi nhóm đều là nhóm Ouspensky, không đích xác là nhóm Gurdjieff. Nhiều điều là không thể được. Bạn có thể nói về các lí thuyết, bạn có thể giải thích cho nhau, nhưng nếu bạn thuộc vào cùng bình diện tâm thức, nói nhiều, thảo luận nhiều, tri thức nhiều sẽ xảy ra, nhưng không biết, không thức tỉnh. Khi Gurdjieff có đó sự việc là khác toàn bộ - thầy có đó. Thầy có thể đem bạn ra khỏi nhà tù của bạn.
Điều thứ nhất là tìm kiếm thầy người có thể giúp bạn. Nếu không thể tìm được thầy, thế thì làm ra nhóm và nỗ lực nhóm. Một mình là khả năng cuối cùng. Đây là cách: một mình bạn làm việc, cùng nhóm bạn làm việc, hay cùng với thầy bạn làm việc. Điều tốt nhất là cùng với thầy, điều tốt thứ hai là cùng nhóm, điều thứ ba là một mình. Ngay cả những người đã đạt tới điều tối thượng một mình cũng đã từng làm việc qua nhiều kiếp sống với nhiều thầy và nhóm. Cho nên đừng bị lừa bởi hình tướng.
Ngay cả Krishnamurti cũng liên tục nói rằng một mình bạn có thể đạt tới. Nhưng tại sao ông ấy nhấn mạnh vào điều này, rằng một mình bạn có thể đạt tới? Điều này là vì phương pháp của ông ấy là phương pháp gián tiếp. Ông ấy sẽ không cho phép bạn biết rằng ông ấy đang giúp, và ông ấy sẽ không nói với bạn, 'Buông xuôi theo ta đi.' Có nhiều bản ngã thế ở phương Tây,và ông ấy đã từng làm việc toàn bộ thời gian ở phương Tây. Bản ngã nhiều tới mức ông ấy không thể nói, 'Buông xuôi theo ta đi,' như Krishna đã nói với Arjuna - 'Bỏ mọi thứ và tới và buông xuôi theo ta.' Arjuna là một thế giới khác, phương Đông, nơi đã biết về cách buông xuôi, nơi đã biết về cái xấu của bản ngã và cái đẹp của buông xuôi. Krishna có thể nói điều này mà không có bản ngã nào về phần ông ấy. Khẳng định này dường như là rất bản ngã: ‘Tới và buông xuôi theo ta đi.' Nhưng Krishna có thể nói điều đó một cách tự nhiên, và Arjuna chưa bao giờ nêu ra câu hỏi này, 'Tại sao thầy nói điều này? Tại sao tôi phải buông xuôi theo thầy? Thầy là ai?' Ở phương Đông, buông xuôi được chấp nhận như con đường được biết tới. Mọi người đã biết, đã được nuôi dưỡng trong chính tri thức rằng chung cuộc, người ta phải buông xuôi theo thầy. Điều đó là đơn giản, nó khớp.
Krishnamurti đã làm việc ở phương Tây. Bản thân ông ấy đã được các thầy nuôi dưỡng. Theo cách rất, rất bí truyền, ông ấy được các thầy giúp đỡ. Các thầy đã trong thân thể và các thầy không trong thân thể tất cả đều giúp ông ấy, họ đã giúp ông ấy nở hoa. Nhưng thế rồi ông ấy đã làm việc ở phương Tây và ông ấy đã trở nên nhận biết, như bất kì ai sẽ trở nên nhận biết, rằng phương Tây không sẵn sàng cho buông xuôi. Cho nên ông ấy không thể nói như Krishna, 'Tới và buông xuôi theo ta.' Với bản ngã phương Tây, cách tốt nhất là ở chỗ bạn có thể đạt tới theo cách riêng của bạn. Đây là phương cách: không cần buông xuôi theo thầy. Đây là cơ sở để hấp dẫn bạn: không cần buông xuôi, không cần vứt bỏ bản ngã của bạn, bạn là bản thân bạn. Đây là phương cách và mọi người bị mắc bẫy trong phương cách đó. Họ tưởng rằng không cần buông xuôi, rằng họ có thể là bản thân họ, rằng không có nhu cầu để học từ người khác, chỉ nỗ lực của riêng người ta là được cần. Liên tục, suốt nhiều năm họ đã đi tới Krishnamurti. Để làm gì? - để học sao? nếu bạn có thể một mình thế thì tại sao đi tới Krishnamurti?
Một khi bạn đã nghe rằng ông ấy nói, 'Một mình bạn có thể đạt tới,' bạn phải được kết thúc với ông ấy chứ. Nhưng bạn đã không được kết thúc với ông ấy. Thực ra, một cách không chủ ý bạn đã trở thành tín đồ. Không có tri thức của mình, bạn đã bị mắc bẫy. Sâu bên dưới, việc buông xuôi đã xảy ra. Ông ấy đang cứu bản ngã bề mặt của bạn để giết bạn sâu bên dưới. Cách thức của ông ấy là gián tiếp.
Nhưng không ai đạt tới một mình cả. Không ai đã bao giờ đạt tới một mình bởi vì nhiều, nhiều kiếp người ta phải làm việc. Tôi đã làm việc với nhiều thầy, tôi đã làm việc với nhiều nhóm, tôi đã làm việc một mình, nhưng tôi nói với bạn rằng hiện tượng tối thượng là hiệu quả tích luỹ. Làm việc một mình, làm việc với nhóm, làm việc với thầy; nó là hiệu quả tích luỹ. Đừng khăng khăng vào đi một mình, bởi vì chính việc khăng khăng đó sẽ trở thành rào chắn. Tìm nhóm đi. Và nếu bạn có thể tìm thấy thầy, bạn may mắn đấy. Đừng bỏ lỡ cơ hội đó.
Câu hỏi thứ sáu:
Prati-prasav, quá trình đi lùi lại, có thể là quá trình của dỡ bỏ, thay vì giảm nhẹ không?
Chúng cả hai là cùng một: khi bạn sống lại, bạn dỡ bỏ. Sống lại là quá trình dỡ bỏ. Bất kì cái gì bạn sống lại đều biến mất khỏi bạn. Nó đã được dỡ bỏ, nó không để lại dấu hiệu, tấm bảng sạch sẽ. Bạn có thể gọi nó là quá trình dỡ bỏ, nó là cùng một quá trình.
Câu hỏi thứ bẩy:
Theo Patanjali, nếu tốt và xấu là như mơ, thế thì làm sao nghiệp có thể tồn tại?
Vì bạn tin vào mơ, bạn tin rằng bạn là thật! Nghiệp tồn tại bởi vì niềm tin của bạn. Chẳng hạn, trong đêm bạn có ác mộng: ai đó ngồi trên người bạn với dao găm trong tay và bạn có cảm giác rằng bạn đang bị giết, và bạn cố và cố thoát ra khỏi tình huống đó nhưng điều đó là khó. Thế rồi chỉ từ sợ hãi bạn thức dậy. Bạn biết bây giờ rằng nó đã là mơ, nhưng thân thể vẫn còn run một chút, vã mồ hôi. Bạn vẫn sợ và bạn biết rằng đây chỉ là mơ. Nhưng việc thở của bạn chưa thoải mái và tự nhiên. Phải mất vài phút. Điều gì đã xảy ra? Trong ác mộng bạn đã tin rằng nó là thực. Khi bạn tin nó là thực, nó ảnh hưởng tới bạn như thực tại.
Nghiệp là như mơ. Bạn giết ai đó trong kiếp quá khứ; đó là mơ, bởi vì ở phương Đông toàn thể cuộc sống được coi như mơ - tốt, xấu, tất cả. Nhưng bạn tin rằng nó là thực, cho nên bạn sẽ khổ. Nếu bạn có thể đi tới hiểu đúng ngay bây giờ rằng tất cả những điều đã xảy ra đều là mơ, mọi điều đang xảy ra đều là mơ, và mọi điều sẽ xảy ra đều là mơ; chỉ tâm thức của bạn là thực, mọi thứ khác xảy ra đều là mơ; việc thấy là mơ, chỉ người thấy là thực; thế thì đột nhiên mọi nghiệp đều được gột sạch. Thế thì không cần đi vào quá trình prati-prasav. Chúng đơn giản bị gột sạch. Đột nhiên, bạn ở ngoài chúng. Đây là phương pháp của trường vedanta nơi Shankaracharya nhấn mạnh rằng toàn thể cuộc sống là giấc mơ. Việc nhấn mạnh này không phải vì ông ấy là triết gia - ông ấy không phải vậy. Khi ông ấy nói rằng thế giới là maya, đó không phải là triết lí, đó không phải là siêu hình. Đó là phương pháp. Đó là hiểu biết. Nếu bạn tin vào cái gì đó nó ảnh hưởng tới bạn như cái thực; niềm tin của bạn làm cho nó thành thực. Nếu bạn tin rằng nó không là thực, nó không thể ảnh hưởng tới bạn được. Nó thậm chí có thể là thực, như thế nữa, nó không thể ảnh hưởng tới bạn được.
Chẳng hạn, bạn ngồi trong phòng tối và đột nhiên bạn thấy cái gì đó trong phòng. Bạn cảm thấy nó là con rắn... sợ hãi, kinh hoàng. Bạn bật đèn lên nhưng chẳng có gì, chỉ một mảnh báo đang lay động trong cơn gió thoảng. Và bạn cảm thấy rắn chuyển động. Điều gì đã xảy ra? Bạn đã tin nó là thực, và niềm tin của bạn đã làm nó thành thực - thực như bất kì con rắn thực nào - và bạn đã bị ảnh hưởng bởi nó. Lấy trường hợp đối lập: con rắn thực có đó đêm hôm sau và bạn ngồi trong bóng tối. Bạn thấy cái gì đó chuyển động và bạn nghĩ nó phải là cùng mảnh giấy lần nữa, và bạn không sợ, bạn không bị ảnh hưởng. Bạn cứ ngồi đó dường như không có gì cả.
Thực tại không ảnh hưởng tới bạn. Thực tại không phải là vấn đề. Niềm tin làm cho nó thành thực; niềm tin ảnh hưởng tới bạn. Bạn càng trở nên nhận biết, cuộc sống càng có vẻ như giấc mơ. Thế thì chẳng cái gì ảnh hưởng tới bạn.
Đó là lí do tại sao Krishna nói với Arjuna trong Gita, 'Ông không phải bận tâm, ông cứ giết đi. Đây là toàn mơ thôi.' Arjuna sợ bởi vì anh ta nghĩ rằng những người này đang đứng phía trước đều là kẻ thù, rằng họ là thực. Giết họ sẽ là tội lỗi, giết hàng triệu người trong số họ - bao nhiêu tội lỗi sẽ dồn lên anh ta! Và làm sao anh ta giữ cân bằng được với điều tốt? Điều đó sẽ là không thể được. Anh ta nói với Krishna, 'Tôi muốn trốn vào rừng rậm. Cuộc tranh đấu này không dành cho tôi. Cuộc chiến này dường như quá nhiều tội lỗi.' Krishna cứ khăng khăng, 'Ông đừng bận tâm. Không ai chết cả vì linh hồn là vĩnh hằng. Chỉ thân thể chết, nhưng thân thể đã chết rồi, cho nên đừng quá bị bối rối. Nó toàn là như mơ thôi, và cho dù ông không giết những người đó, họ sẽ chết. Thực ra, khoảnh khắc chết của họ đã tới và ông chỉ giúp vào thôi. Ông không giết họ; qua ông, cái toàn thể giết họ. Ông coi nó như mơ đi. Ông đừng nghĩ về nó là thực.'
Đây là toàn thể thái độ của Vedanta. Vedanta là phương pháp theo đó, dần dần, bạn trở nên nhận biết về mơ như phẩm chất của cuộc sống. Một khi bạn trở nên được hoà điệu với cảm giác này, rằng mọi thứ đều là mơ, mọi nghiệp được kết thúc. Bất kì điều gì bạn đã làm đều không có nghĩa. Nếu trong đêm bạn là kẻ cắp hay kẻ giết người, trong đêm bạn là sư, thánh nhân, đến sáng điều đó có tạo ra khác biệt gì không? Mơ mà bạn đã là kẻ phạm tội sát nhân, và mơ mà bạn là thánh nhân đức hạnh thì sao? Nó có tạo ra khác biệt gì không? Mơ toàn là mơ thôi. Thánh nhân hay tội nhân, cả hai đều là mơ. Đến sáng cả hai đều biến mất, bay hơi. Bạn không thể tạo ra bất kì phân biệt nào giữa mơ tốt và mơ xấu, bởi vì để là điều tốt hay xấu, một điều cần là thực. Không có nhu cầu nếu bạn có thể nhìn vào cuộc sống, quan sát nó, hiểu nó, và thấy rằng nó là giấc mơ lớn đang diễn ra. Chỉ người thấy là thực, và mọi thứ được thấy là mơ.
Đột nhiên, bạn trở nên nhận biết và toàn thế giới biến mất. Không phải là những cây này sẽ biến mất đi, không phải là bạn sẽ biến mất hay tôi sẽ biến mất, nhưng thế giới bạn thường biết tới biến mất. Một thực tại khác toàn bộ được hiển lộ. Thực tại đó là Brahman.
Nhận xét
Đăng nhận xét