Chương 48: Tiềm năng của hạt mầm.

Sách của những bí mật - Tập 3
Book of secrets - Volume 3
Osho

 
 Chương 48: Tiềm năng của hạt mầm.

1 tháng 4 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ

Câu hỏi 1

Tối qua thầy đã nói rằng vị Krishna, vị Christ, vị Phật là đỉnh cao nhất về khả năng và sự phát triển của con người, và sau đó thầy lại nói rằng tâm lý học yoga và tantra không đưa ra bất cứ lý tưởng nào đối với con người, và theo tantra, có lý tưởng là một sai lầm. Liên quan tới điều này, xin hãy giải thích sự khác biệt giữa cảm hứng và lý tưởng. Cảm hứng quan trọng như thế nào trong cuộc sống của một người tìm kiếm? Xin cho biết ngay cả việc có được cảm hứng từ một người vĩ đại cũng là một sai lầm trên con đường của thiền nhân sao.

Vị Phật, vị Krishna hay vị Christ, họ không phải là những lý tưởng cho bạn; bạn không cần phải bắt chước theo họ. Nếu bạn bắt chước theo họ bạn sẽ lỡ mất họ, và bạn sẽ không bao giờ đạt được phật quả của riêng bạn. Phật quả là lý tưởng chứ không phải là Phật. Tính Christ là lý tưởng chứ không phải là Jesus. Phật quả khác với Phật Gautam (Phật Thích Ca - ND); tính Christ khác với Jesus. Jesus là người duy nhất trong những người đạt tới tính Christ. Bạn có thể trở thành một Christ, nhưng bạn không bao giờ trở thành một Jesus. Bạn có thể trở thành một vị phật, nhưng bạn không bao giờ có thể trở thành Gautam. Gautam đã trở thành một vị phật và bạn có thể trở thành một vị phật. Phật quả là một phẩm chất, nó là một trải nghiệm! Tất nhiên, khi Gautam trở thành vị phật, Gautam có tính cá nhân riêng của mình. Bạn có tính cá nhân riêng của bạn. Khi bạn sẽ trở thành một vị phật, hai vị phật này sẽ không như nhau. Trải nghiệm nội tại sâu nhất sẽ như nhau, nhưng sự biểu lộ sẽ khác nhau - tuyệt đối khác. Không thể có sự so sánh nào. Chỉ ở cốt lõi sâu nhất bạn cũng sẽ như thế.

Tại sao? Bởi vì ở trung tâm sâu nhất không có tính cá nhân. Tính cá nhân chỉ ở ngoại vi. Bạn càng đi sâu hơn, tính cá nhân càng tan biến. Ở cốt lỗi sâu nhất bạn tồn tại như thể không là ai. Ở trung tâm sâu nhất bạn chỉ là một vực rỗng sâu, là hư không - là một shunya, cái hư không. Và vì cái hư không này mà không có sự khác biệt, bởi vì hai cái hư không là như nhau. Nhưng hai cái gì đó buộc phải là khác nhau. Hai “cái gì đó” không bao giờ là như nhau và hai “cái hư không” không bao giờ có thể khác nhau. Khi con người trở thành cái không tuyệt đối, một điểm không, điều đó tương tự như trong vị Jesus, trong vị Krishna, trong vị Phật. Khi bạn sẽ đạt tới cái tối thượng, bạn sẽ đạt tới shunya - cái hư không này.

Nhưng tính cách của bạn, sự biểu lộ của bạn về sự mãn nguyện tột đỉnh đó buộc phải là khác. Vị Meera sẽ nhảy múa; vị Phật không bao giờ có thể nhảy múa. Không thể hình dung vị Phật đang nhảy múa, điều đó có vẻ vô lý. Nhưng Meera đang ngồi dưới gốc cây bồ đề như Phật cũng có vẻ vô lý. Bà ấy sẽ mất đi mọi thứ, bà sẽ không còn là Meera chút nào; bà sẽ là sự bắt chước. Chỉ có thể hình dung được Meera đang nhảy múa trong sự mãn nguyện tột cùng, trong tình yêu điên dại của mình. Đó là sự biểu lộ của bà. Cốt lõi sâu thẳm thì như nhau. Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề và Meera nhảy múa điên khùng, cái cốt lõi sâu thẳm đó là như nhau. Meera nhảy múa và Phật ngồi tĩnh lặng như một pho tượng, cái cốt lõi sâu thẳm đó là như nhau, nhưng ngoại vi thì khác nhau. Nhảy múa và ngồi tĩnh lặng chỉ là ở ngoại vi. Nếu bạn vào trong Meera, khi bạn đi sâu hơn thì nhảy múa sẽ dừng lại, vị Meera sẽ chấm dứt. Nếu bạn đi sâu vào Phật, sự ngồi sẽ dừng lại, vị Phật sẽ không còn như một cá nhân.

Bạn có thể trở thành một vị phật, nhưng bạn không bao giờ có thể trở thành Phật Gautam: đó chính là ý nghĩa. Đừng biến họ thành những lý tưởng của bạn; nếu không bạn sẽ bắt đầu bắt chước họ. Và bạn có thể làm gì nếu bạn bắt chước? Bạn có thể áp đặt điều gì đó từ bên ngoài, nhưng đó sẽ là một hiện tượng giả. Bạn sẽ trở thành giả - chỉ được sơn phết. Bạn sẽ có vẻ giống-Phật hơn cả Phật. Bạn có thể có vẻ đó, nhưng đó sẽ chỉ là một vẻ bề ngoài, một sự biểu hiện; sâu bên trong bạn sẽ vẫn như cũ - điều này sẽ tạo ra một lưỡng cực, một sự xung đột, một nỗi khổ bên trong, và bạn sẽ đau khổ.

Bạn chỉ có thể hạnh phúc khi bạn đích thực là chính mình. Bạn không bao giờ có thể cảm thấy bất cứ hạnh phúc nào khi bạn đang sắm vai ai đó khác. Vì thế, hãy nhớ thông điệp của tantra: chính bạn là lý tưởng. Bạn không phải bắt chước ai; bạn phải khám phá chính mình. Nhìn vào một vị phật, bạn không cần phải bắt chước vị đó. Khi bạn đang nhìn vào một vị phật, một khả năng trỗi lên sâu bên trong bạn rằng một điều gì đó vượt lên là có thể xảy ra. Phật chỉ là một biểu tượng rằng điều gì đó đã xảy ra với người đàn ông này - và nếu nó có thể xảy ra với người đàn ông này, thì nó có thể xảy ra với mọi người. Khi đó toàn bộ khả năng của con người được tiết lộ.

Chỉ là một khả năng được tiết lộ, tương lai được tiết lộ trong Jesus, trong Meera, trong Chaitanya. Bạn không cần phải là bất cứ điều gì như bạn đang là. Một điều gì đó hơn thế là có thể. Cho nên Phật chỉ là một biểu tượng của tương lai. Đừng bắt chước Người; đúng hơn, hãy để cuộc đời của Người, con người của Người, hiện tượng đang diễn ra đó trở thành một niềm khát khao mới trong bạn, thế thôi. Bạn không được bằng lòng với mình như bạn đang là ngay lúc này. Hãy để Phật trở thành một sự bất mãn nội tại với bạn, một khao khát vượt lên, vươn tới, đi vào cái chưa biết. Khi bạn đạt tới đỉnh của chính con người mình, bạn sẽ biết điều gì đã xảy ra với Phật dưới cây bồ đề, hay điều gì đã xảy ra với Jesus trên cây thập giá, hay điều gì đã xảy ra với Meera khi bà đang nhảy múa trên phố. Bạn sẽ biết, nhưng sự biểu lộ của bạn sẽ là của riêng bạn. Bạn sẽ không là một Meera hay một Phật hay một Jesus. Bạn sẽ là chính mình, và bạn chưa bao giờ là như thế trước đó. Bạn là duy nhất.

Cho nên không gì có thể được nói; bạn là không thể dự đoán. Không ai có thể nói điều gì sẽ xảy ra, bạn sẽ biểu lộ như thế nào. Cho dù bạn sẽ hát ca, nhảy múa, vẽ tranh hay giữ im lặng, không ai có thể nói. Không gì có thể được nói, không gì có thể được dự đoán, và điều đó là tốt. Đó là vẻ đẹp. Nếu có thể dự đoán rằng bạn sẽ là thế này hay thế kia, thì bạn sẽ trở thành một thứ máy móc.

Chỉ có thể dự đoán về những phương tiện máy móc. Tâm thức con người là không thể dự đoán; đó là tự do của nó. Cho nên khi tantra nói đừng theo những lý tưởng, điều đó không có nghĩa là phủ nhận Phật. Không, đó không phải là một sự phủ nhận. Thực ra, đó là cách để bạn tìm ra phật tính riêng của mình. Khi bắt chước theo người khác bạn sẽ lỡ nó. Khi theo con đường riêng của mình bạn mới có thể có nó, bạn mới có thể đạt được nó.

Một người nào đó đã đến gặp Bokuju, một bậc thầy Zen. Bậc thầy của Bokuju rất nổi tiếng, một người rất tuyệt vời, nên người đó đã hỏi Bokuju, “Ông có thực sự làm theo thầy của ông không?”

Bokuju nói, “Có, tôi đang làm theo thầy ấy”.

Nhưng người đàn ông đặt câu hỏi đã bị bối rối bởi vì cả nước đã biết rõ rằng Bokuju không hề làm theo thầy của mình Nên người đàn ông nói, “Ông đang cố lừa tôi sao? Mọi người đều biết và ông cũng biết rằng ông đang không làm theo bậc thầy của mình chút nào, và ông vẫn nói rằng ông đang làm theo. Ý ông là gì?”

Bokuju nói, “Tôi đang làm theo thầy tôi - bởi vì thầy tôi không bao giờ làm theo thầy của mình. Đây là điều tôi đã học được từ ông ấy. Ông ấy là chính mình!”

Đây chính là cách bạn phải học theo vị Phật, vị Jesus. Đây chính là cách! Họ là duy nhất! Nếu bạn đang thực sự làm theo họ, bạn phải là duy nhất.

Phật không bao giờ làm theo bất cứ ai, và Người đã đạt được chứng ngộ chỉ khi Người đã hoàn toàn bỏ việc bắt chước theo. Khi Người trở thành chính mình, khi Người đã bỏ lại mọi con đường, mọi giáo lý, mọi học thuyết, khi đó Người mới có thể đạt được. Nếu bạn làm theo Người thì bạn không được bắt chước theo Người. Đó không phải là nghịch lý, nó chỉ có vẻ như thế. Nếu bạn làm theo Người như là một sự rập khuôn, nếu bạn bắt chước Người, bạn đang không theo Người. Người không bao giờ bắt chước theo bất cứ ai, và chỉ có thế Người mới đã có thể trở thành đỉnh cao đó. Hãy hiểu Người, đừng rập khuôn Người; và rồi một sự làm theo tinh tế sẽ xảy ra. Nhưng đó là bên trong - chứ không phải là một sự rập khuôn.

Trong tác phẩm vĩ đại của Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, thông điệp cuối cùng của Zarathustra dành cho đệ tử của ông là, “Hãy cảnh giác với tôi. Bây giờ tôi đã nói mọi điều cần được nói cho bạn. Bây giờ hãy cảnh giác với tôi. Đừng làm theo tôi; hãy quên tôi. Hãy rời tôi và đi thật xa”.

Đây chính là thông điệp cuối cùng của tất cả những bậc thầy vĩ đại. Không có bậc thầy vĩ đại nào lại muốn biến bạn thành một con rối bởi như thế thì vị đó đang hại bạn. Thế thì vị đó là một kẻ giết người. Vị đó sẽ giúp bạn là chính mình. Và nếu bạn không thể là chính mình trong mối thâm giao với bậc thầy của mình, thì bạn sẽ là chính mình ở đâu?

Bậc thầy có nghĩa là một cơ hội để bạn là chính mình. Chỉ có những đầu óc tầm thường, hẹp hòi, những người giả vờ là bậc thầy và những người không phải là bậc thầy thì mới cố áp đặt chính con người họ lên bạn. Những bậc thầy vĩ đại sẽ giúp bạn phát triển trên con đường của riêng bạn, và những bậc thầy vĩ đại sẽ tìm mọi cách để ngăn cản bạn không trở thành nạn nhân của sự rập khuôn. Họ sẽ tìm mọi cách để ngăn cản! Họ sẽ không cho phép điều đó bởi vì bạn dễ có xu hướng bắt chước theo. Điều đó dễ, bắt chước thì dễ; trở nên đích thực mới gian khó. Và khi bạn bắt chước bạn không cảm thấy trách nhiệm, bậc thầy chịu trách nhiệm. Không bậc thầy vĩ đại nào từng cho phép bất cứ ai bắt chước. Vị đó sẽ tạo ra mọi sự cản trở để bạn không thể bắt chước vị đó. Vị đó sẽ ném bạn về với chính bạn bằng mọi phương cách.

Tôi nhớ lại một vị thánh Trung Hoa đã kỷ niệm ngày chứng ngộ của bậc thầy của mình. Nhiều tín đồ đã đến. Họ nói, “Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghe thay người đàn ông này là bậc thầy của ông. Chúng tôi chưa bao giờ biết ông thuộc về con người này”. Ông già đó đã chết. Họ nói, “Chỉ hôm nay chúng tôi mới nghe và biết rằng ông đang kỷ niệm ngày chứng ngộ của bậc thầy ông. Người đàn ông này là bậc thầy của ông sao? Nhưng bằng cách nào? Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông cùng với ông ấy!”

Vị thánh trả lời, “Tôi đã cùng với ông ấy, nhưng ông đã từ chối. Ông đã từ chối trở thành bậc thầy của tôi, và vì sự từ chối của ông mà tôi đã có thể trở thành chính mình. Bây giờ, những gì tôi có được là do sự từ chối của ông ấy. Tôi là môn đệ của ông. Nếu ông ấy đã chấp nhận tôi, khi đó tôi hẳn đã đặt mọi trách nhiệm lên đôi vai ông. Nhưng ông ấy đã từ chối, và ông ấy là người cuối cùng. Không ai có thể sánh với ông. Khi ông ấy từ chối, tôi không thể tới bất kỳ ai khác bởi vì ông là nơi trú ẩn duy nhất. Nếu ông đã từ chối rồi thì không còn ý nghĩa gì, không còn mục đích nào để đi tới bất cứ đâu. Tôi từ bỏ ý định đi tới ai đó. Ông là người cuối cùng. Nếu ông ấy đã chấp nhận tôi, tôi hẳn đã quên chính con người mình. Nhưng ông đã từ chối, và ông đã từ chối rất thô lỗ. Sự từ chối đó đã trở thành một cú sốc và một thử thách, và tôi đã quyết định rằng từ giờ tôi sẽ không đi tới bất cứ ai. Nếu người đàn ông này đã từ chối thì không còn ai xứng đáng để đến. Thế rồi tôi bắt đầu tự mình làm việc, và từ đó, tôi đã dần dần nhận ra tại sao ông đã từ chối. Ông đã ném tôi về với chính con người tôi, và đến lúc đó tôi mới biết rằng ông đã chấp nhận tôi. Nếu không, tại sao ông ấy phải từ chối ?”

Điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng đây là cách động lực sâu hơn của tâm thức làm việc. Các bậc thầy đều huyền bí. Bạn không thể xét đoán họ; bạn không thể chắc chắn họ đang làm gì trừ khi toàn bộ vấn đề xảy ra. Thế rồi chỉ khi nhìn lại bạn mới có thể biết họ đã làm gì. Ngay lúc này thì điều đó là không thể. Khi đang ở giữa hành trình thì bạn không thể xét đoán điều gì đang xảy ra, điều gì đang được thực hiện. Nhưng một điều là chắc chắn: bắt chước không thể được phép.

Cảm hứng là một điều khác. Thông qua cảm hứng bạn bắt đầu trên hành trình đó chứ không phải đang cố gắng sao chép. Bạn đi trên con đường của riêng mình. Cảm hứng chỉ là một thử thách. Một niềm khao khát nảy sinh, thế rồi bạn tiến bước.

Tantra nói hãy có cảm hứng, nhưng đừng trở thành người bắt chước. Luôn nhớ rằng chính bạn là mục tiêu của riêng mình. Không có ai khác có thể là, và nếu bạn chưa đạt tới điểm mà bạn có thể nói, “Tôi đã hoàn thành số mệnh của mình và bây giờ tôi mãn nguyện”, thì đừng dừng lại. Cứ tiếp tục vượt lên, tiếp tục bất mãn, tiếp tục tiến bước. Và nếu bạn không tạo ra bất cứ lý tưởng nào, thì bạn có thể trở nên phong phú nhờ mọi người. Khi bạn trở nên bị ám ảnh bởi một lý tưởng, bạn bị khép lại. Nếu bạn trở nên bị ám ảnh với Phật, thế thì Jesus không dành cho bạn, làm sao Mohammed có thể dành cho bạn? Khi đó bạn bị ám ảnh với một lý tưởng, bạn đang cố sao chép nó. Khi đó tất cả những người đối lập, tất cả những người khác biệt với lý tưởng này đều là kẻ thù trong tâm trí bạn. Làm sao có thể hình dung một người theo Mahavira lại cởi mở với Mohammed? Điều đó là không thể. Ông ấy hoàn toàn khác. Không chỉ khác biệt, họ còn trái ngược. Họ nhìn như những đối cực. Nếu bạn đặt cả hai người vào tâm trí mình, bạn sẽ rất xung đột, vậy nên bạn không thể chọn cả hai.

Chính vì vậy mà những tín đồ của người này luôn luôn là kẻ thù đối với những tín đồ của người khác. Họ tạo ra sự thù địch trên thế giới. Người Hindu không thể hình dung Mohammed lại có thể chứng ngộ; người Hồi giáo không thể hình dung Mahavira lại có thể chứng ngộ; người theo Krishna không thể hình dung Mahavira, Jesus lại có thể chứng ngộ. Jesus nhìn quá buồn và Krishna nhìn quá phúc lạc. Phúc lạc của Krishna và cái buồn của Jesus là những cực hoàn toàn đối lập. Những tín đồ của Jesus không thể hình dung Krishna chứng ngộ. Có quá nhiều đau khổ trên thế giới và ông ấy lại đang thổi sáo? Điều đó có vẻ quá ích kỷ. Cả thế giới đang đau khổ, và ông ấy vẫn cứ nhảy múa với những cô gái chăn bò của mình?

Những tín đồ của Jesus sẽ nghĩ điều này là báng bổ - nhưng tôi nói “những tín đồ”. Vị Jesus và vị Phật và vị Krishna có thể tồn tại cùng nhau mà không có rắc rối nào, không có xung đột nào. Đúng hơn là, họ sẽ rất hạnh phúc với nhau - nhưng những tín đồ thì lại không. Tại sao? Tại sao điều này như thế? Điều này sẽ là như thế bởi vì có một lý do tâm lý sâu sắc. Người tín đồ không quan tâm tới Mohammed hay Mahavira; anh ta quan tâm tới chính mình. Nếu anh ta nghĩ cả hai đều tốt, điều đó sẽ làm khổ anh. Thế thì phải theo ai và phải làm gì? Mohammed thì cầm thanh gươm trong tay và Ma- havira thì nói rằng ngay cả giết một con côn trùng cũng có nghĩa bạn sẽ chịu đau khổ nhiều kiếp. Còn Mohammed thì lại cầm gươm, nên phải làm gì? Mohammed thì gây chiến tranh, còn Mahavira thì tránh cuộc sống hoàn toàn. Ông ấy tránh kỹ đến mức ông sợ cả thở, bởi vì trong khi bạn thở, nhiều sự sống - nhiều, nhiều sự sống - bị giết thông qua việc thở. Ông sợ cả việc thở còn Mohammed thì gây chiến tranh.

Làm sao một tín đồ của người này lại có thể hòa hợp với phía đối nghịch? Thế thi trái tim anh ta sẽ bị phân chia và anh ta sẽ luôn sống trong mâu thuẫn. Để tránh điều này, anh ta nói rằng mọi người khác đều sai và chỉ có người này là đúng. Nhưng đây là vấn đề của anh ta. vấn đề này được tạo ra bởi anh ta đang cố bắt chước. Không cần thiết. Nếu bạn không phải là người bắt chước thì bạn có thể nếm nước từ nhiều dòng sông và nhiều giếng, và không có vấn đề gì nếu nó có mùi vị khác nhau. Đúng hơn, điều đó là tuyệt đẹp. Chính điều đó làm bạn phong phú hơn. Thế rồi bạn cởi mở với cả Mohammed và Mahavira, Christ, Zarathustra và tất cả mọi người. Tất cả họ đều tạo cảm hứng để bạn hướng tới chính mình. Họ không phải là những lý tưởng; tất cả họ đều giúp bạn là chính mình. Họ đang không chỉ tới chính họ, họ đang chỉ tới chính con người bạn theo nhiều cách khác nhau, thông qua các phương pháp khác nhau. Họ đang chỉ tới một mục tiêu, và mục tiêu đó là chính bạn.

Laura Huxley đã viết một cuốn sách. Tên của cuốn sách là Bạn không phải là mục tiêu. Nhưng tôi nói với bạn, bạn là mục tiêu của tất cả những người này - Phật, Mahavira, Krishna, Christ. Tất cả họ đều hướng tới bạn. Bạn là mục tiêu, bạn là đích. Thông qua bạn mà cuộc sống đang cố gắng, đang phấn đấu, để đạt được một đỉnh duy nhất. Hãy hạnh phúc vì điều đó! Hãy biết ơn điều đó! Cuộc sống đang cố đạt tới một mục tiêu duy nhất thông qua bạn, và chỉ có thể đạt được mục tiêu đó thông qua bạn. Không ai khác có thể đạt được nó. Bạn có ỷ nghĩa đối với nó, bạn được định mệnh sắp đặt cho nó. Cho nên đừng lãng phí thời gian bắt chước theo những người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có cảm hứng. Thực ra, nếu bạn đang không bắt chước theo bất cứ ai, bạn có thể trở nên có cảm hứng một cách dễ dàng. Nếu bạn đang theo, bạn đã trở nên thô cứng. Bạn sẽ không có cảm hứng. Cảm hứng là một sự cởi mở, còn rập khuôn là bị khép lại.

Câu hỏi 2

Thầy đã nói tâm lý học phương Tây đặt nền tảng trên những khái niệm của Freud về dạng bất thường, còn tâm lý học phương Đông thì lấy cơ sở từ dạng siêu thường để đánh giá một con người. Nhưng khi tôi nhìn khắp nơi trong thế giới hiện đại này, tôi thấy hầu hết mọi người phù hợp với các tiêu chuẩn của Freud về dạng bất thường. Chỉ một trong một triệu người là phù hợp với tiêu chuẩn của dạng siêu thường và một số ít thực sự phù hợp với lý tưởng xã hội về dạng bình thường. Tại sao ngày nay lại có quá nhiều dạng bất thường và đâu là điều thầy xem xét để định nghĩa về dạng bình thường?

Bạn sẽ cần hiểu nhiều điều. Nó không phải như vậy - không phải là có rất ít người đạt được đỉnh cao của họ. Có nhiều người, nhưng bạn không có đôi mắt đó để nhìn thấy họ. Bất cứ khi nào bạn nhìn quanh mình, bạn chỉ thấy những gì bạn có thể nhìn ra. Làm sao bạn có thể thấy những gì bạn không thể nhìn ra? Chính khả năng nhìn của bạn xác định nhiều điều. Bạn chỉ nghe được những gì bạn có thể nghe, không phải những gì có đó. Nếu một vị phật đi ngang qua, có thể bạn không có khả năng để nhận ra. Và bạn thực sự đã ở đó khi Phật đi ngang qua, nhưng bạn đã bỏ lỡ Người. Bạn đã có đó! Bạn đã có đó khi Jesus còn sống, nhưng bạn đã đóng đinh ông ấy. Thật khó nhìn thấy bởi vì bạn nhìn theo cách riêng của mình. Bạn có những khái niệm, bạn có những tiêu chuẩn, bạn có những quan niệm. Bạn nhìn vị Phật và vị Jesus thông qua chúng.

Với bạn, Jesus nhìn giống một tội đồ. Khi Jesus bị đóng đinh, ông bị đóng đinh cùng hai tội phạm khác, mỗi bên là một tên trộm. Ba người bị đóng đinh cùng nhau, và Jesus ở giữa hai tên trộm. Tại sao? Ông bị coi là một tội phạm vô đạo đức và bạn ở đó để phán xét. Ngay cả nếu Jesus có xuất hiện ngay bây giờ thì bạn sẽ lại phán xét theo cách như thế, bởi vì sự phán xét của bạn, tiêu chuẩn của bạn đã không thay đổi.

Jesus đã sống và đã ở cùng với bất cứ ai, với mọi người. Ông đã ở trong nhà một cô gái điếm, và cả làng đã phản đối ông. Nhưng những đánh giá của ông thì khác. Cô gái điếm đó đến, khóc như mưa dưới chân ông và nói, “Tôi có tội. Tôi là một tội đồ và ông là niềm hy vọng duy nhất của tôi. Nếu ông đến nhà tôi, tôi sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình. Tôi sẽ trở nên được hồi sinh. Nếu Jesus có thể đến nhà tôi thì tôi được chấp nhận”.

Thế nên Jesus đến. Ông đã ở đó, nhưng cả thành phố đã phản đối ông. Ông là dạng người nào mà lại ở cùng một cô gái điếm? Nhưng với Jesus thì tình yêu thương là giá trị, và không có ai đã từng đưa ra lời mời đầy tình yêu thương như thế. Ông không thể nói không. Và nếu Jesus đã từ chối, ông không thể là một người đã chứng ngộ. Khi đó ông hẳn đã tìm kiếm sự kính trọng của xã hội. Ông đã không tìm kiếm sự kính trọng.

Ở một ngôi làng khác, cả phố dẫn một người đàn bà đã phạm tội đến chỗ Jesus. Trong kinh Cựu ước có viết rằng nếu ai đó phạm tội thì cô ta nên bị ném đá cho đến chết. Không phải là anh ta nên bị mà là cô ta nên bị ném đá cho đến chết, bởi vì chỉ có phụ nữ phạm tội, đàn ông không bao giờ phạm tội - bởi vì tất cả các kinh này đều được viết bởi những người đàn ông. Và đây là một ca nghiêm trọng, nên họ đã yêu cầu Jesus phân xử nó. Họ đang giăng bẫy, bởi vì nếu Jesus nói, “Không, đừng giết người đàn bà này, đừng phán xét”, thế thì họ có thể nói, “Ông đang chống lại các kinh”. Còn nếu Jesus nói, “Đúng, hãy giết người đàn bà này, ném đá cô ta cho đến chết”, khi đó họ sẽ nói, “Thông điệp của ông ‘hãy yêu kẻ thù của các bạn’ đã biến đi đâu và thông điệp của ông ‘Ngươi không phán xét thì ngươi sẽ không bị phán xét’ đâu rồi ?”

Họ đang giăng bẫy. Họ đang tạo ra một tình trạng khó xử - một tình trạng khó xử về lý lẽ. Bất cứ điều gì Jesus nói thì ông cũng sẽ bị mắc bẫy. Nhưng bạn không thể cài bẫy một người chứng ngộ, điều đó là không thể. Đó là điều không thể, và bạn càng cố cài bẫy ông ấy thì bạn sẽ bị ông cho sập bẫy. Vậy nên Jesus nói, “Kinh tuyệt đối đúng. Nhưng nó chỉ đúng với những người chưa bao giờ phạm tội. Hãy cầm lấy những viên đá này và giết người phụ nữ này đi, nhưng chỉ những người chưa bao giờ phạm tội”. Đám đông bắt đầu biến đi. Những người đang đứng phía trước đã ra về - bởi vì ai là người sẽ ném đá người phụ nữ này?

Nhưng họ đã trở thành những kẻ thù của Jesus. Và khi tôi nói “họ”, ý tôi nói bạn. Bạn đã luôn luôn ở đây. Bạn không thể nhận ra, bạn không thể nhìn thấy. Bạn bị mù! Vì thế mà bạn luôn cảm thấy rằng thế giới là xấu xa và không có ai chứng ngộ - rằng mọi người đều là bất thường. Không phải thế, nhưng bạn chỉ có thể nhìn thấy dạng bất thường vì bạn bất thường. Bạn có thể hiểu bệnh tật vì bạn bị bệnh. Bạn không thể hiểu sức khỏe bởi vì bạn chưa bao giờ khỏe mạnh. Bạn đơn giản là không hiểu ngôn ngữ của sức khỏe.

Tôi đã nghe về một nhà huyền môn Do Thái, ông là Baal Shem. Một người nào đó đã đến và hỏi Baal Shem, “Cái gì quan trọng hơn, cái gì giá trị hơn - sự giàu có hay sự thông thái?”

Người đàn ông đặt câu hỏi là có lý do, nên Baal Shem cười và nói, “Tất nhiên, sự thông thái quan trọng hơn, giá trị hơn”.

Khi đó, người đàn ông này nói, “Thế thì Baal Shem, câu hỏi thứ hai: tôi luôn luôn thấy ông, một người đàn ông thông thái, đang chờ đợi sự giàu có. Ông luôn đi tới nhà những người giàu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy người giàu có nào chờ ông, một người thông thái, và ông nói rằng thông thái giá trị hơn giàu có. Vậy hãy giải thích cho tôi hiện tượng này”.

Baal Shem cười và nói, “Đúng, những người thông thái đi đến những người giàu bởi vì họ thông thái và họ biết giá trị của giàu có, và những người giàu có chỉ giàu có - chỉ đơn thuần là giàu có và không còn gì khác - và họ không thể hiểu giá trị của thông thái. Tất nhiên tôi đi - bởi vì tôi hiểu giá trị của giàu có. Và những kẻ ngốc tội nghiệp đó? Họ chỉ giàu có - không còn gì khác. Họ không thể hiểu giá trị của thông thái, nên họ không bao giờ đến chỗ tôi”.

Nếu bạn thấy vị thánh đi đến một lâu đài, bạn sẽ nói, “Được lắm! Con người này không phải là thánh”. Thế là hết, bởi vì bạn nhìn thông qua đôi mắt mình. Sự giàu có rất ý nghĩa đối với bạn. Bạn chỉ có thể đi theo một vị thánh đã từ bỏ sự giàu có bởi vì bạn bị sự giàu có ám ảnh. Bạn nhìn thông qua chính mình, và bất cứ điều gì bạn nói thì cũng là về bạn nhiều hơn là về bất cứ ai khác. Luôn luôn là về bạn; bạn là chính. Khi bạn nói rằng Phật không chứng ngộ, bạn không có ý đó. Bạn chỉ muốn nói, “Với tôi ông ấy không có vẻ chứng ngộ”.

Nhưng bạn là ai? Và sự chứng ngộ của ông ấy theo bất cứ cách nào cũng phụ thuộc vào quan niệm của bạn, cách tiếp cận của bạn, lập trường của bạn sao? Bạn có những tiêu chuẩn cố định trong suy nghĩ và bạn vẫn cứ sử dụng chứng. Bạn chỉ có thể nhận ra sự bất thường, còn sự chứng ngộ thì không. Và nên nhớ: bạn không thể hiểu điều cao hơn mình. Bạn chỉ có thể hiểu những gì thấp hơn bạn hay cùng lắm là ngang với bạn. Bạn không thể hiểu điều cao hơn, đó là điều không thể. Để hiểu cái cao hơn bạn sẽ phải di chuyển lên cao hơn. Bạn có thể hiểu điều thấp hơn.

Hãy xem xét điều đó theo cách này: một người điên không thể hiểu bạn. Để một người điên hiểu được bạn là điều không thể; anh ta nhìn thông qua sự điên rồ của mình. Nhưng bạn có thể hiểu một người điên. Anh ta thấp hơn bạn. Một người bình thường có thể hiểu những người bất thường, những người đã rơi xuống thấp, có bệnh lý, nhưng người đó không thể hiểu những người cao hơn. Ngay cả một người như Freud cũng sợ.

Jung đã viết trong hồi ký của mình rằng có một lần ông muốn phân tích những giấc mơ của Freud. Ông ấy là một trong những đệ tử giỏi nhất của Freud. Họ đang đi tới nước Mỹ trên một con tàu, nên họ đã ở cùng nhau trong nhiều ngày. Vào một ngày Jung đã lấy can đảm. Khi đó ông là đệ tử thân thiết nhất, và ông đã hỏi Freud, “Tôi muốn phân tích những giấc mơ của ông, vậy hãy kể cho tôi bất cứ giấc mơ nào. Chúng ta sẽ ở cùng nhau trong rất nhiều ngày, nên tôi sẽ phân tích nó”.

Freud đã nói gì? Freud nói, “Ý ông là gì? Nếu ông phân tích những giấc mơ của tôi thì tôi sẽ mất quyền lực của mình. Tôi không thể kể cho ông những giấc mơ của tôi”. Ông ấy rất sợ bởi vì trong những giấc mơ của mình, cũng bệnh lý đó, cũng bệnh tật đó sẽ bị tiết lộ như ông đang làm chúng lộ ra trong những giấc mơ của người khác. Ông ấy nói, “Tôi không thể mất quyền lực của mình. Tôi không thể kể cho ông những giấc mơ của tôi”.

Freud, nhà tâm lý vĩ đại nhất của thời đại này cũng có xu hướng mắc mọi bệnh tật mà bất cứ ai mắc phải. Khi Jung nói rằng, “Tôi sẽ rời bỏ ông”, ông ấy ngã từ chiếc ghế của mình và trở nên vô thức. Ông bị bất tỉnh. Ông bị bất tỉnh trong nhiều giờ bởi do ông bị sốc mạnh chỉ bởi một đệ tử có ý tưởng rời bỏ ông, chỉ bởi câu nói của một đệ tử, “Tôi sẽ rời bỏ ông”.

Nếu bạn nói với một vị phật, “Tôi sẽ bỏ ông”, bạn có thể hình dung ông ấy ngã xuống và trở nên bất tỉnh không? Thậm chí tất cả mười nghìn môn đệ bỏ ông, ông cũng sẽ vẫn hạnh phúc - hạnh phúc đến mức ông sẽ cảm thấy nếu bạn có ra đi cũng sẽ là điều tốt. Tại sao? Các nhà tâm lý của bạn cũng giống như bạn. Họ không đến từ phía trên. Họ có cùng những vấn đề, thế nên một nhà tâm lý đi tới nhà tâm lý khác để được phân tích. Điều đó không giống như một bác sĩ đến bác sĩ khác để được điều trị. Với các bác sĩ điều đó không sao; họ có thể được tha thứ. Nhưng với các nhà tâm lý thì điều đó có vẻ vô lý. Một nhà tâm lý đi đến nhà tâm lý khác để được phân tích? Điều này có nghĩa là gì? Ông ta cũng chỉ là một người bình thường. Tâm lý học chỉ là một nghề nghiệp.

Phật không có nghề nào, người không phải là một người bình thường. Người đã thức tỉnh với một thực tại mới; Người đã đạt tới một trạng thái mới của sự sống. Bây giờ Người có thể nhìn từ một đỉnh cao. Người có thể hiểu bạn, nhưng bạn không thể hiểu Người. Và dù Người cố gắng thế nào thì cũng không thể làm cho bạn thực sự hiểu được Người. Bạn sẽ tiếp tục hiểu sai Người trừ khi bạn không bị thu hút bởi những lời nói mà bởi tính cách của Người - trừ khi bạn bị thu hút vào từ trường của Người chứ không vào những lời nói của Người. Trừ khi bạn trở nên giống như một thỏi thép và bạn bị hút vào từ trường của Người, bạn sẽ không thể hiểu Người; bạn sẽ hiểu sai. Chính vì vậy mà bạn không thể nhìn thấy. Nhưng thế giới luôn luôn có những người chứng ngộ. Chúng ta nhận ra sự bất thường bởi chúng ta là bất thường, vậy nên chúng ta có thể nhìn thấy và hiểu nó.

Điều thứ hai, ngay cả nếu chỉ có một - chỉ một người duy nhất đã đạt được chứng ngộ trong toàn bộ lịch sử loài người, thậm chí nếu chỉ có một vị phật, thì vị đó cũng đủ để cho bạn thấy khả năng đó. Nếu điều đó có thể xuất hiện với một người thì tại sao nó lại không thể xuất hiện với bạn? Nếu một hạt mầm có thể trở thành một bông hoa thì mọi hạt mầm đều có tiềm năng trở thành bông hoa. Có thể bạn chỉ là một hạt mầm, nhưng bây giờ bạn biết tương lai của mình. Bây giờ bạn nhận ra rằng một cái gì đó hơn thế là điều có thể.

Nhưng với tâm trí con người thì điều ngược lại đang xảy ra. Nó đã luôn xảy ra. Bạn nhìn thấy một cái kén và rồi nó vỡ ra và con bướm bay lên. Với con người thì điều này dường như là hoàn toàn ngược lại. Con người ra đời như con bướm, và sau đó chui vào tổ kén. Mọi đứa trẻ là như-phật hơn bao giờ hết. Hãy nhìn một đứa trẻ xem, hãy nhìn vào đôi mắt xem. Chúng nhìn như-phật hơn bất cứ đôi mắt người lớn nào. Cách chúng ngồi, cách chúng đi - vẻ duyên dáng, vẻ đẹp, sự hòa mình trong hiện tại, ngay cả sự giận dữ của chúng cũng đẹp. Nó quá toàn vẹn, và bất cứ khi nào một cái gì toàn vẹn thì đều đẹp.

Hãy nhìn một đứa trẻ đang nhảy và la hét trong tức giận xem. Chỉ nhìn! Đừng để ý tới bản thân bạn rằng nó đang quấy nhiễu mình. Chỉ nhìn hiện tượng. Sự giận dữ thật đẹp - bởi vì đứa trẻ hoàn toàn sống trong đó đến mức không gì còn lại phía sau. Nó là chính sự giận dữ, và nó quá đích thực đến mức không có gì đang bị kìm nén. Nó đang không giữ lại gì, nó đã hoạt động và trở nên giận dữ. Hãy nhìn đứa trẻ khi nó yêu, khi nó chào đón bạn, khi nó đến gần bạn xem: nó giống một vị phật. Nhưng bạn sẽ nhanh chóng giúp nó, xã hội sẽ nhanh chóng giúp nó chui vào tổ kén, và sau đó nó sẽ chết trong đó.

Từ chiếc nôi ngay lập tức chúng ta đi vào nấm mồ. Chính vì vậy mà có quá nhiều sự bất thường - bởi vì không ai được phép là tự nhiên. Sự bất thường bị ép buộc. Bạn bị nhốt trong lồng, bị giam hãm trong một khuôn mẫu chết, và thế rồi con người tự nhiên của bạn phải chịu đựng và bạn không thể ra khỏi nó. Chính vì vậy mà có quá nhiều người bất thường. Sự bất thường này là do con người tạo ra - và càng trở nên văn minh thì con người càng trở nên bất thường. Thế nên bây giờ đây là một tiêu chuẩn: nếu nước bạn có ít người điên hơn thì biết rõ rằng bạn ít văn minh hơn. Nếu ở nước bạn số người điên đang tăng lên và mọi người đang trở nên điên khùng và mọi người đang đến gặp các nhà phân tâm học thì biết rõ rằng bạn là quốc gia văn minh nhất trên thế giới.

Khi bất cứ quốc gia nào đạt được sự tối ưu thì mọi người sẽ trở thành điên. Văn minh biến bạn thành điên bởi vì nó không cho phép bạn sống với con người tự nhiên của minh. Mọi thứ đều bị kìm nén, và vì sự kìm nén mà mọi thứ đều bị xáo trộn. Thậm chí bạn không thể thở một cách tự nhiên; bất kỳ điều gi cũng là vấn đề. Ngay cả thở của bạn cũng không tự nhiên. Bạn không thể thở sâu bởi vì xã hội không cho phép bạn thở sâu.

Hãy thở sâu, bởi vì nếu bạn thở sâu bạn không thể kìm nén những bản năng của mình. Nếu bạn muốn kìm nén bất cứ điều gì, bạn có thể quan sát những thay đổi trong hơi thở của chính mình. Nếu bạn giận dữ và bạn muốn kìm nén nó, bạn sẽ làm gì? Ngay lập tức bạn sẽ dừng thở. Khi giận dữ bạn phải thở sâu, bởi vì sự giận dữ sẽ cần một luồng máu nóng trong bạn, sự giận dữ sẽ cần nhiều oxy hơn. Sự giận dữ sẽ cần những sự thay đổi hóa học nào đó trong bạn, và thông qua hơi thở mà những thay đổi đó xảy ra. Cho nên bất cứ khi nào bạn cảm thấy giận dữ và bạn muốn kìm nén nó, bạn sẽ không thể thở một cách tự nhiên. Bạn sẽ thở nông.

Hãy nhìn một đứa trẻ và bảo nó không được làm gì xem. Ngay lập tức hơi thở của nó sẽ nông. Thế rồi nó sẽ không thể thở sâu, bởi vì nếu nó thở sâu nó không thể theo những mệnh lệnh của bạn. Nó sẽ làm bất cứ điều gì nó thích làm. Cho nên không có ai đang thở sâu. Nếu bạn thở sâu, trung tâm dục của bạn được xoa bóp từ bên trong và xã hội chống lại điều này. Thở chậm, thở nông. Đừng thở sâu, thế thì trung tâm dục sẽ không bị kích động!

Thực sự, con người văn minh đã trở nên không có khả năng đạt cực khoái tình dục, bởi vì anh ta không thể thở sâu. Khi làm tình hơi thở của bạn phải rất sâu đến mức toàn bộ cơ thể bạn trở nên tham gia. Nếu không bạn sẽ không đạt được cực khoái, và sau đó bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Cho nên nhiều người đến với tôi và nói, “Không có khoải cảm trong quan hệ tình dục. Chúng tôi vẫn cứ làm nó như một hành động máy móc, và chỉ phí năng lượng. Sau đó chúng tôi cảm thấy thất vọng, chán nản”. Lý do không phải vì tình dục, lý do duy nhất là họ đang không tham gia vào nó một cách toàn bộ. Nó trở thành cục bộ, cho nên chỉ có tinh dịch được xả ra. Sau đó họ cảm thấy mệt, và không đạt được gì qua nó.

Nếu toàn bộ cơ thể tham gia vào như một con thú, nếu mọi tế bào cơ thể đều phấn khích và bắt đầu rung động, nếu toàn bộ cơ thể trở nên giống như dòng điện và cảm xúc trỗi lên, nếu bạn trở nên vô ngã, vô đầu và vô nghĩ, nếu bạn chỉ là một cơ thể đang chuyển động theo nhịp điệu, rung động theo nhịp điệu, khi đó bạn sẽ có một khoái cảm sâu từ nó. Bạn sẽ cảm thấy thư giãn - theo một nghĩa nào đó, được mãn nguyện.

Nhưng điều này không thể xảy ra bởi vì bạn không thể thở sâu. Bạn quá sợ hãi... Hãy nhìn cơ thể xem. Cơ thể có hai cực. Một cực là để lấy vào - đầu bạn là để lấy vào. Cực trên là để nhận thực phẩm, không khí, những cảm tưởng, những ý nghĩ, bất cứ thứ gì. Bạn lấy vào từ phần trên; đây là một cực. Phần cơ thể thấp hơn là để xả ra. Nó không phải để lấy vào, bạn không thể lấy bất cứ thứ gì từ phần thấp hơn. Phần cơ thể thấp hơn là để xả, để thư giãn. Bạn lấy vào từ phần trên, và bạn xả ra từ phần dưới.

Nhưng con người văn minh chỉ lấy vào - không bao giờ xả ra. Điều đó gây ra bệnh lý. Bạn hóa điên. Điều đó giống như ăn thức ăn và tiếp tục lưu giữ nó, không bao giờ thải ra. Bạn sẽ điên. Cực kia phải được sử dụng. Nếu ai đó là một người keo kiệt thì anh ta trở nên bị táo bón một cách tự động. Hãy nhìn bất cứ ai keo kiệt xem: anh ta sẽ phải chịu đựng chứng táo bón. Keo kiệt là một dạng táo bón tinh thần. Thế mà vẫn cứ tích trữ, không bỏ thứ gì.

Những người chống lại tình dục mà không biết mình đang làm gì là những người keo kiệt. Họ vẫn cứ ăn, nhưng họ sẽ không xả năng lượng dục. Thế thì họ sẽ hóa điên. Không cần phải xả nó chỉ từ trung tâm dục. Có khả năng khác - xả nó từ sahasrar, trung tâm cao nhất ở đỉnh đầu. Đó là điều tantra dạy. Nhưng nó phải được xả, bạn không thể tích trữ nó. Trên thế giới không gì có thể được tích trữ. Thế giới là một sự chuyển động, nó là một dòng sông. Lấy vào và thải ra. Nếu bạn lấy vào và không bao giờ thải ra, bạn sẽ trở nên điên khùng.

Đó là điều đang diễn ra: mọi người đang nhận vào và không có ai đang cho đi. Bạn trở nên sợ khi phải cho đi. Bạn chỉ muốn nhận - ngay cả với tình yêu. Bạn muốn một người nào đó sẽ yêu bạn. Điều cần thiết cơ bản là bạn nên yêu ai đó, thế rồi bạn sẽ được giải phóng. Nếu ai đó yêu bạn, điều đó sẽ không ích gì, bởi vì thế thì bạn lại đang lấy vào. Cả hai cực này phải được cân bằng; thế rồi sức khỏe xuất hiện. Và đó là điều tôi gọi là người bình thường. Một người bình thường là người mà sự nhận và cho của họ là cân đối, hài hòa. Người đó là bình thường.

Tôi gọi một người là bất thường khi sự sự nhận và cho của họ bị mất cân bằng. Người đó đang không cho đi chút nào. Thậm chí nếu thỉnh thoảng người đó trao đi, thì cũng là bị ép buộc. Không phải tự người đó. Bạn có thể lấy cái gì đó của người đó, bạn có thể ép buộc người đó trao, chứ người đó sẽ không tự trao. Việc trao đi của người đó chỉ như sự thụt rửa ruột, nó không tự nhiên. Bạn có thể ép, nên người đó sẽ xả ra. Nhưng chính người đó đang không xả ra, người đó không sẵn sàng. Việc chỉ tích trữ mọi thứ là bất thường. Thế rồi người đó sẽ hóa điên, bởi vì toàn bộ hệ thống bị xáo trộn. Đây là bất thường, và người siêu thường là người cho đi và không bao giờ nhận lại.

Đây là ba dạng - người bất thường là người chỉ nhận và không bao giờ cho, người bình thường là người mà việc cho và nhận của họ là cân bằng, và người siêu thường là người không bao giờ nhận mà chỉ cho. Vị phật là một người cho; người điên là một người nhận.

Người đó ở cực đối nghịch với vị phật. Nếu hai cực cân bằng thì bạn là một người bình thường. Ít nhất, hãy là dạng bình thường, bởi vì nếu bạn không thể bình thường thì bạn sẽ rơi xuống thấp và bạn sẽ trở thành bất thường.

Chính vì vậy mà dana - sự cho đi - được mọi tôn giáo chú trọng. Hãy cho đi! Bất cứ nó là gì, hãy cho đi, và đừng nghĩ tới việc nhận.

Thế thì bạn sẽ trở nên siêu thường. Nhưng đó là một điều rất xa vời. Đầu tiên hãy là bình thường, cân bằng. Bât cứ điều gì bạn nhận vào thì hãy trao lại cho thế gian. Bạn chỉ là lối dẫn. Đừng tích trữ. Thế thì bạn sẽ không bao giờ trở nên điên khùng, bạn sẽ không bao giờ là dạng loạn thần kỉnh, tâm thần phân liệt, rối loạn tâm lý, hay là bất cứ điều gì bạn có thể gọi.

Định nghĩa của tôi về người bình thường là một người cân bằng - tuyệt đối cân bằng. Không có gì được giữ lại. Người đó hít vào rồi cho phép nó đi ra. Hít vào và thở ra là như nhau - cân bằng. Hãy cố là cân bằng, và luôn luôn nhớ rằng bạn phải trao lại cái thứ bạn đã nhận vào. Bạn sẽ sống động, khỏe mạnh, tĩnh tại, bình an, hạnh phúc. Một nhịp điệu sâu sắc sẽ đến với bạn, và nhịp điệu này xuất hiện khi có sự cân bằng giữa nhận và cho.

Nhưng chúng ta vẫn cứ nghĩ đến việc nhận thật nhiều. Bất cứ điều gì bạn nhận vào mà không cho đi thì sẽ gây ra bất ổn, căng thẳng, đau khổ. Bạn sẽ trở thành địa ngục. Trước khi bạn nhận vào một cái gì đó, hãy luôn nghĩ đến việc cho đi một cái gì đó. Bạn đã bao giờ quan sát rằng bạn luôn chú ý đến hơi thở vào không? Bạn không bao giờ chú ý đến hơi thở ra. Bạn hít vào và sau đó cơ thể tống hơi thở ra. Hãy làm ngược lại: bạn sẽ bình thường hơn. Hãy chú ý đến hơi thở ra. Hãy tống hơi thở ra ngoài nhiều nhất như bạn cỏ thể, và hãy để cơ thể tự hít vào.

Khi bạn lấy hơi thở vào và bạn không xả nó ra, phổi bạn sẽ đầy khí carbon dioxide. Thế rồi bạn vẫn cứ hít vào, và bạn không bao giờ xả toàn bộ phổi. Bạn liên tục ép khí carbon dioxide vào trong. Thế thì hơi thở của bạn trở nên nông, và toàn bộ phổi tràn ngập khí carbon dioxide. Đầu tiên hãy đẩy nó ra hết, và hãy quên việc hít vào. Cơ thể sẽ tự quan tâm tới điều đó. Cơ thể có sự thông thái riêng của nó, và nó còn thông thái hơn bạn. Hãy đẩy hơi thở ra ngoài và hãy quên việc hít vào. Đừng sợ, bạn sẽ không chết đâu. Cơ thể sẽ tự hít vào, và nó sẽ hít vào nhiều như nó cần. Nó sẽ hít vào nhiều như bạn đã tống ra, và sự cân bằng sẽ xuất hiện. Nếu bạn hít vào thì bạn sẽ phá hỏng sự cân bằng, bởi vì tâm trí tích trữ có đó.

Tôi đã ở lại rất nhiều ngôi nhà và tôi thấy rằng mọi người đã tích trữ quá nhiều thứ đến mức họ không thể sống, không còn không gian để sống - và họ vẫn cứ tích trữ. Họ không ngừng tích trữ, và họ nghĩ rằng vào một ngày sẽ cần đến những thứ đó. Những gì không cần đến thì đừng tích trữ. Và nếu có ai cần một thứ gì đó hơn bạn thì tốt nhất là cho nó đi. Hãy là một người cho đi, và bạn sẽ không bao giờ bị bệnh. Mọi nền văn minh cổ dựa trên dana - sự cho đi, và nền văn minh hiện đại này cơ bản là tích trữ. Chính vì vậy mà nhiều người sẽ là bất thường, loạn thần kinh. Mọi người đều đang hỏi tới đâu để nhận, và không có ai đang hỏi tới đâu để cho, cho ai.

Câu hỏi 3

Hàng ngày, trong mỗi bài nói của mình thầy đều nói về nhận biết - tuyệt đối nhận biết, không ngừng nhận biết, vân vân. Thầy cũng nói rằng điều đó không thể đạt được bởi tâm trí, bởi việc lặp lại một ỷ nghĩ - mà điều đó phải được cảm nhận. Nhưng làm sao con người có thể cảm nhận trừ khi người ta đạt được nó? Cảm nhận mà nó là điềm báo trước về sự đạt được là gì? Làm sao tưởng tượng hay phóng chiếu cái thứ còn chưa xuất hiện? Điều đó cũng xuất hiện bởi việc loại trừ tâm trí? Toàn bộ quá trình là gì? Làm sao điều đó có thể làm được?

Khi tôi nói rằng sự nhận biết không thể đạt được bởi tâm trí, ý tôi nói là bạn không thể đạt được nó bằng cách nghĩ về nó. Bạn có thể cứ nghĩ và nghĩ, nhưng bạn sẽ di chuyển trong một vòng tròn. Khi tôi nói rằng không thể đạt được bởi tâm trí, ý tôi nói không thể đạt được bởi sự suy nghĩ. Bạn phải thực hành nó, bạn phải làm nó. Có thể đạt được chỉ bởi làm, chứ không bởi suy nghĩ, đó là điều đầu tiên. Cho nên đừng cứ mãi suy nghĩ về sự nhận biết là gì, làm sao đạt được nó hay kết quả sẽ là gì. Đừng suy nghĩ nữa, mà hãy bắt đầu thực hành.

Khi đi bộ trên phố, bước đi với sự nhận biết. Điều đó khó và bạn cứ liên tục quên, nhưng đừng sợ. Bất cứ khi nào bạn nhớ lại, hãy tỉnh táo. Bước mỗi bước một cách tràn đầy tỉnh táo, nhận biết, giữ nguyên với bước chân, không cho phép tâm trí đi tới đâu đó khác. Khi ăn, thì chỉ ăn; nhai với sự nhận biết. Dù bạn đang làm gì, đừng làm một cách máy móc - và điều đó là khó. Và khi tôi nói rằng điều đó chỉ có thể được cảm nhận, ý nghĩa là thế này: ví dụ, tôi có thể giơ tay lên một cách máy móc, nhưng sau đó tôi có thể giơ tay với sự nhận biết hoàn toàn. Tâm trí tôi ý thức rằng tay tôi đang được giơ lên. Hãy thực hiện điều đó, thử nó - lần đầu làm một cách máy móc và lần sau với sự tỉnh táo. Bạn sẽ cảm thấy sự thay đổi. Phẩm chất ngay lập tức thay đổi.

Khi đi bộ với sự tỉnh táo, bạn bước đi khác hẳn; một nét duyên dáng khác hẳn đến với bước đi của bạn. Bạn di chuyển chậm rãi hơn, đẹp hơn. Nếu bạn bước đi một cách máy móc - chỉ bởi vì bạn biết cách bước đi và không cần tỉnh táo, thế thì cách đi bộ như vậy là xấu, không có nét duyên dáng trong nó. Hãy làm bất cứ điều gì bạn đang làm với sự tỉnh táo, và cảm nhận sự khác biệt. Khi tôi nói, hãy “cảm nhận”, ý tôi nói hãy quan sát. Đầu tiên thực hiện điều đó một cách máy móc và sau đó với sự tỉnh táo, và cảm nhận sự khác biệt. Và bạn sẽ có thể cảm nhận được sự khác biệt.

Ví dụ, nếu bạn ăn với sự nhận biết, thế thì bạn không thể ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Mọi người vẫn cứ đến với tôi và họ nói, “Hãy cho chúng tôi ăn kiêng. Cân nặng của tôi không ngừng tăng, cơ thể không ngừng tích trữ. Cho chúng tôi ăn kiêng”.

Tôi nói với họ, “Đừng nghĩ đến việc ăn kiêng, mà hãy nghĩ đến ý thức. Bằng việc ăn kiêng sẽ không có gì xảy ra. Bạn không thể thực hiện điều đó. Bạn sẽ thực hiện một ngày và hôm sau lại sẽ như cũ. Bạn không thể tiếp tục. Thay vào đó, hãy ăn với sự nhận biết”.

Phẩm chất đó sẽ thay đổi. Nếu bạn ăn với sự nhận biết, bạn sẽ nhai kỹ hơn. Với những thói quen vô thức, máy móc, bạn đơn giản liên tục nhét mọi thứ vào dạ dày mình. Bạn đang không hề nhai, bạn chỉ đang nhồi nhét vào. Thế thì không có sự thích thú nào, và vì không thích thú mà bạn cần nhiều thực phẩm hơn để có được thích thú. Không có hương vị, nên bạn cần nhiều thực phẩm hơn.

Hãy tỉnh táo và xem điều gì xảy ra. Nếu bạn tỉnh táo, bạn sẽ nhai kỹ hơn, bạn sẽ cảm nhận hương vị rõ hơn, bạn sẽ cảm thấy thích thú khi ăn, và sẽ dành nhiều thời gian hơn. Nếu bạn mất nửa giờ để ăn xong một bữa ăn, thì cũng với lượng thức ăn đó bạn sẽ cần một tiếng rưỡi - gấp ba lần nếu bạn ăn với sự nhận biết hàn đầy. Trong nửa tiếng bạn sẽ ăn chỉ một phần ba số lượng, và bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn, bạn sẽ thích thức ăn hơn. Và khi cơ thể thích thú, nó sẽ cho bạn biết khi nào thì dừng. Khi cơ thể không thích thú chút nào, nó không bao giờ nói khi nào thì dừng, nên bạn cứ tiếp tục. Thế rồi cơ thể trở nên phì nộn. Bạn không bao giờ nghe được những gì cơ thể đang nói.

Bạn đang ăn mà không hiện diện ở đó, đó chính là vấn đề. Hãy hiện diện ở đó, và mọi quá trình sẽ chậm lại. Cơ thể sẽ tự nói, “Không thêm nữa!” Và khi cơ thể nói điều đó, đó là thời điểm đúng. Nếu bạn nhận biết, bạn không thể vi phạm lệnh của cơ thể. Bạn sẽ dừng. Cho nên hãy cho phép cơ thể bạn nói điều gì đó. Cơ thể lúc nào cũng đang nói một điều gì đó, nhưng bạn lại không có đó để nghe. Hãy tỉnh táo và bạn sẽ nghe thấy nó.

Khi tôi nói, “hãy cảm nhận nó”, tôi biết điều đó khó. Làm sao bạn có thể cảm nhận được sự nhận biết khi đang không nhận biết? Tôi đang không nói rằng bạn có thể cảm nhận sự chứng ngộ của Phật ngay bây giờ, nhưng người ta phải bắt đầu từ đâu đó. Có thể bạn không có cả đại dương, nhưng chỉ một giọt - chỉ một giọt - cũng sẽ cho bạn biết hương vị, và hương vị là như nhau. Nếu bạn trở nên nhận biết dù chỉ trong một khoảnh khắc, bạn đã nếm trải được phật tính. Nó chỉ là thời điểm, là một sự thoáng qua, nhưng bây giờ bạn biết nhiều hơn. Và điều này sẽ không bao giờ xảy ra với bạn thông qua suy nghĩ; nó sẽ chỉ xảy ra thông qua cảm nhận.

Sự cảm nhận được chú trọng bởi vì tầm quan trọng năm ở sự trải nghiệm “được sống”. Sự suy nghĩ là giả, bạn có thể liên tục nghĩ về tình yêu và tạo ra những lý thuyết. Bạn có thể có học vị tiến sĩ về tình yêu, về tình yêu là gì, mà chưa bao giờ sống trong tình yêu. Có thể bạn không biết tình yêu là gì; có thể bạn chưa bao giờ cảm thấy nó. Bạn có thể phát triển về kiến thức mà không có cách nào để phát triển về con người. Và đó là hai khía cạnh khác nhau. Bạn có thể tiếp tục phát triển về kiến thức. Đầu bạn sẽ không ngừng phát triển ngày càng to hơn, nhưng con người bạn sẽ vẫn mãi bé tí như thế.

Thế thì không có gì đang thực sự phát triển - chỉ là sự tích lũy. Khi bạn bắt đầu cảm nhận nhiều điều, bạn phát triển, con người bạn phát triển. Và người ta phải bắt đầu ở đâu đó, cho nên hãy bắt đầu! Sẽ có những sai lầm, buộc phải thế. Bạn sẽ liên tục quên, điều đó là tự nhiên. Nhưng đừng thất vọng, đừng từ bỏ nỗ lực và nói, “Tôi không thể thực hiện điều đó”. Bạn có thể thực hiện! Khả năng đó tồn tại trong bạn cũng như đã tồn tại trong Jesus hay trong Phật. Bạn là hạt mầm; bạn đang không hề thiếu thứ gì. Bạn chỉ là một sự chuẩn bị, bạn chỉ là một tổng thể hỗn độn; mọi thứ đều có đó. Bạn có thể trở thành một vị phật, nhưng những phẩm chất của bạn cần phải được sắp xếp lại.

Ngay bây giờ bạn là hỗn độn bởi vì không có sự sắp xếp nào. Sự sắp xếp xuất hiện khi bạn bắt đầu sống trong nhận biết. Chỉ bởi việc sống trong nhận biết của bạn mà nhiều điều bắt đầu ngăn nắp, và chỉnh sự hỗn độn mà bạn đang sống sẽ trở thành một bản giao hưởng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho