Chương 36: Từ ảo tưởng tới thực tại

Sách của những bí mật - Tập 3
Book of secrets - Volume 3
Osho

  
Chương 36: Từ ảo tưởng tới thực tại

25 tháng 2 năm 1973, buổi tối tại Woodlands, Bombay

Câu hỏi 1

Việc thực hành tự-nhớ có thể chuyển hóa tâm trí con người theo cách nào?

Con người không định tâm trong chính mình. Khi mới chào đời, con người có một trung tâm bên trong, nhưng xã hội, gia đình, sự giáo dục, nền văn hóa đã đẩy con người lệch khỏi trung tâm, và họ đẩy theo cách rất khôn khéo, dù đó là vô tình hay cố ý. Vì thế mọi người đều, theo một nghĩa nào đó, là “lập dị” - lệch khỏi trung tâm. Điều này xảy ra là có những lý do sống còn.

Khi đứa trẻ chào đời, nó bị ép phải vào một khuôn khổ nào đó. Nó không thể được phép tự do. Nếu nó được phép hoàn toàn tự do, nó sẽ giữ nguyên cùng với trung tâm - nó sẽ sống một cách tự phát, tự nhiên và tự lực. Nó sẽ là nguyên bản như nó là. Nó sẽ là đích thực, và thế thì sẽ không cần bất cứ sự thực hành tự-nhớ nào. Sẽ không cần thực hành bất cứ phép thiền nào bởi vì nó sẽ không bao giờ lệch khỏi trung tâm. Nó sẽ giữ nguyên với chính mình - có trung tâm, có cội rễ, có nền tảng trong chính bản thể mình. Nhưng đây là điều chưa thể. Cho nên, thiền là một phương thuốc. Xã hội tạo ra bệnh tật, và thế rồi bệnh tật phải được chữa trị.

Tôn giáo là một phương thuốc. Thực ra, nếu xã hội loài người có thể tiến hóa dựa trên nền tảng tự do, thì chắc không cần đến tôn giáo. Bởi vì tất cả chúng ta đều bị bệnh nên cần thuốc, và vì chúng ta lệch khỏi trung tâm nên phải cần đến các phương pháp định tâm. Nếu vào một ngày có thể tạo ra một xã hội khỏe mạnh trên trái đất, khỏe mạnh về mặt nội tại, thì sẽ không có tôn giáo. Nhưng dường như khó tạo ra được một xã hội như thế.

Đứa trẻ phải được khép vào khuôn khổ. Bạn đang làm gì khi bạn đang bắt một đứa trẻ vào khuôn khổ? Bạn đang áp đặt lên nó một cái gì đó không tự nhiên. Bạn đang yêu cầu và đòi hỏi một cái gì đó mà nó không bao giờ thực hiện một cách tự nhiên. Bạn sẽ phạt nó, bạn sẽ khen, bạn sẽ mua chuộc nó, bạn sẽ thực hiện mọi điều để làm cho nó phù hợp với xã hội - để đưa nó xa khỏi con người tự nhiên của nó. Bạn sẽ tạo ra một trung tâm mới chưa bao giờ có trong tâm trí nó, và trung tâm này sẽ phát triển, còn trung tâm tự nhiên sẽ đi vào quên lãng, đi vào vô thức.

Trung tâm tự nhiên của bạn đã đi vào vô thức, vào bóng tối, và trung tâm phi tự nhiên của bạn đã trở thành ý thức bạn. Không có sự phân chia thực sự giữa vô thức và ý thức; sự phân chia này được tạo ra. Bạn là một tâm thức. Sự phân chia này xuất hiện bởi vì trung tâm của riêng bạn đã bị ép vào góc tối nào đó. Ngay cả bạn cũng không còn kết nối với nó; bạn không được phép kết nối với nó. Chính bạn đã trở nên không nhận thức được rằng mình có một trung tâm. Bạn sống theo những gì mà xã hội, văn hóa, gia đình đã dạy bạn.

Bạn sống một cuộc sống giả. Vì cuộc sống giả này mà cần đến một trung tâm giả. Trung tâm giả đó là bản ngã bạn, là tâm trí có ý thức của bạn. Chính vì vậy, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc cho dù bạn có làm bất cứ điều gì - bởi vì khả năng phúc lạc chỉ có thể xảy ra, chỉ có thể bùng nổ, chỉ có thể lên tới cực đỉnh với trung tâm thực. Trung tâm giả là một trò chơi ảo. Bạn có thể chơi với nó, bạn có thể hy vọng về nó, nhưng cuối cùng không có gì xuất hiện từ nó ngoài sự thất vọng. Đó là điều không thể tránh với sự âu lo giả.

Theo cách nào đó, mọi thứ đang ép buộc bạn không được là chính mình, và bạn không thể thay đổi được điều này chỉ bởi nói rằng nó là sai, bởi vì xã hội có những nhu cầu riêng của nó. Một đứa trẻ khi ra đời chỉ như một con thú - hồn nhiên, định tâm, có nền tảng, nhưng rất độc lập. Nó không thể trở thành một phần của một tổ chức. Nó đang gây phiền toái. Nó phải bị ép buộc, phải được huấn luyện và thay đổi. Nó phải bị ép rời khỏi trung tâm bởi sự huấn luyện này.

Chúng ta sống ở ngoại vi và chúng ta chỉ sống trong phạm vi xã hội cho phép chúng ta. Tự do của chúng ta là giả bởi cuộc chơi xã hội này có những luật lệ cứng nhắc đến mức bạn không được tự do lựa chọn, cho dù có thể bạn cảm thấy rằng mình đang chọn cái này, cái kia. Sự lựa chọn này đến từ tâm trí được huấn luyện của bạn, và điều này vẫn tiếp diễn một cách máy móc.

Tôi nhớ lại một người đàn ông đã lấy tám vợ trong cuộc đời mình. Ông ta cưới một người đàn bà, rồi ly dị, rồi cưới người khác - rất cẩn trọng, rất cảnh giác, để không rơi vào cái bẫy cũ. Ông ta đã tính toán bằng mọi cách, và nghĩ rằng người đàn bà mới này sẽ hoàn toàn khác với người đầu tiên. Nhưng trong vòng ít ngày, thậm chí còn chưa hết tuần trăng mật, người đàn bà mới đã bắt đầu chứng tỏ mình giống hệt như người cũ, người đầu tiên. Trong vòng sáu tháng hôn nhân lại tan vỡ. Ông ta cưới người đàn bà thứ ba và lần này vẫn rất cảnh giác, nhưng điều tương tự lại xảy ra.

Ông ta đã cưới tám người đàn bà, và lần nào cũng thế, người đàn bà mới hóa ra lại giống như người cũ. Điều gì đã xảy ra? Và ông ta đã chọn rất thận trọng, rất cẩn thận. Điều gì đã xảy ra? Người chọn vẫn vô thức. Ông ta đã không thể thay đổi người chọn, và người chọn luôn luôn như cũ nên sự lựa chọn sẽ vẫn không thay đổi. Và người chọn làm việc một cách không ý thức.

Bạn cứ làm điều này điều kia, và bạn cứ thay đổi những thứ bên ngoài, nhưng bạn vẫn giữ nguyên như cũ. Bạn vẫn bị lệch tâm. Bất cứ điều gì bạn làm, dù bên ngoài nó khác như thể nào, cuối cùng nó vẫn chứng tỏ là như cũ. Các kết quả luôn luôn như cũ; sự việc luôn luôn như cũ; hệ quả luôn luôn như cũ. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bạn đang chọn và bạn tự do, thì bạn cũng không tự do và đang không chọn. Sự lựa chọn đó cũng mang tính máy móc. Các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà sinh học nói rằng tâm trí trở nên bị hằn dấu, và điều đó xảy ra rất sớm. Hai hay ba năm đầu tiên là những năm in vết hằn, và nhiều điều trở nên cố định trong tâm trí. Thế rồi bạn liên tục làm điều tương tự; bạn cứ lặp lại một cách máy móc. Bạn đang sống trong một vòng luẩn quẩn.

Đứa trẻ bị ép lệnh khỏi trung tâm. Nó phải được khép vào khuôn khổ; nó phải học cách vâng lời. Vì thế mà chúng ta trao cho sự vâng lời quá nhiều giá trị. Và sự vâng lời hủy hoại mọi người, bởi vì sự vâng lời có nghĩa là bây giờ bạn không là trung tâm: người khác là trung tâm; bạn chỉ tuân theo người đó.

Giáo dục là một nhu cầu để sống, nhưng chúng ta lại biến nhu cầu sống này thành một nguyên cớ để vâng lời. Chúng ta ép buộc mọi người phải vâng lời. Điều đó có nghĩa là gì? Vâng lời ai? Luôn luôn là một người nào đó khác - người cha, người mẹ, một người nào đó khác, và bạn phải vâng lời người đó. Tại sao lại quá nhấn mạnh đến sự vâng lời? Bởi vì cha bạn đã bị ép phải vâng lời khi ông còn là một đứa trẻ; mẹ bạn đã bị ép phải vâng lời khi bà còn là một đứa trẻ. Họ bị ép phải lệch khỏi trung tâm mình; bây giờ họ đang làm điều tương tự. Họ đang làm điều tương tự với những đứa con của họ, và những đứa trẻ này cũng sẽ làm điều tương tự. Đây là cách vòng luẩn quẩn tiếp diễn.

Tự do bị tiêu diệt, và cùng với mất tự do bạn cũng mất trung tâm của mình. Không phải là trung tâm bị hủy hoại; nó không thể bị hủy hoại trong khi bạn còn sống. Thà nó bị hủy hoại còn tốt hơn; bạn sẽ thoải mái với mình hơn. Nếu bạn là hoàn toàn giả và không có trung tâm thực ẩn bên trong mình, bạn sẽ thoải mái. Sẽ không có xung đột, không có lo lắng, không có vật lộn.

Sự xung đột xuất hiện là vì cái thực vẫn còn đó. Nó vẫn ở trong trung tâm, và một trung tâm giả được tạo ra ngay ở ngoại vi. Giữa hai trung tâm này có một cuộc vật lộn thường xuyên, một sự lo lắng, căng thẳng không ngừng được tạo ra. Điều này phải được biến đổi, và chỉ có một cách duy nhất: cái giả phải biến đi và cái thực phải thế chỗ. Bạn phải được tái thiết lập trong trung tâm mình, vào con người mình; nếu không bạn sẽ đau khổ.

Cái giả có thể biến mất. Cái thực không thể biến mất trừ khi bạn chết. Khi bạn còn sống thì cái thực sẽ vẫn còn đó. Xã hội chỉ có thể thực hiện một điều: đẩy cái thực sâu xuống và tạo ra một rào cản sao cho ngay cả chính bạn cũng trở nên không ý thức về nó. Liệu bạn có thể nhớ lại bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời mình khi mà bạn sống tự nhiên, chỉ sống với thời điểm hiện tại - khi bạn sống là chính mình và không sống theo người nào đó khác?

Tôi đã đọc hồi ký của một nhà thơ. Cha của ông đã chết, và cơ thể chết được đặt trong quan tài. Nhà thơ, là con trai, đang khóc lóc, kêu than, thì bỗng nhiên ông hôn vào trán cái xác của cha mình và nói, “Bây giờ thì cha đã chết, con có thể thực hiện điều này. Con đã luôn muốn hôn lên trán cha, nhưng khi cha còn sống điều đó là không thể được. Con đã quá sợ cha”.

Bạn chỉ có thể hôn người cha đã chết - và ngay cả nếu người cha đang sống cho phép bạn hôn, thì cái hôn đó cũng sẽ là giả; nó không thể là tự nhiên. Một chàng trai trẻ không thể hôn mẹ mình một cách tự phát, bởi vì luôn có nỗi sợ về tính dục; bởi “nam nữ thụ thụ bất thân” dù đó là với người mẹ của mình. Mọi thứ đều trở nên giả. Có nỗi sợ và sự giả dối - không tự do, không tự phát, và trung tâm thực chỉ có thể hoạt động khi bạn tự phát và tự do.

Bây giờ bạn sẽ có thể hiểu quan điểm của tôi đối với câu hỏi này: Việc thực hành tự-nhớ có thế chuyển hóa tâm trí con người theo cách nào? Nó sẽ lập lại nền tảng cho bạn; nó sẽ giúp bạn bén rễ trở lại vào trung tâm của mình. Thông qua tự-nhớ, bạn quên tất cả mọi thứ khác ngoài bản thân mình: xã hội, thế giới điên khùng quanh bạn, gia đình, các mối quan hệ, mọi thứ, bạn quên hết. Bạn chi nhớ rằng mình đang hiện hữu.

Xã hội không trao cho bạn sự tự-nhớ này. Việc tự-nhớ này sẽ tách bạn khỏi tất cả những thứ ngoại vi. Và nếu bạn có thể nhớ lại, bạn sẽ rơi trở lại bản thể của mình, rơi vào chính trung tâm của mình. Bản ngã sẽ có đó, nhưng chỉ ở ngoại vi, và bây giờ bạn sẽ có thể nhìn thấy nó. Bạn sẽ có thể quan sát nó, như bất cứ đối tượng nào. Và một khi bạn trở nên có khả năng quan sát bản ngã mình, trung tâm giả của mình thì bạn sẽ không bao giờ lại là giả nữa.

Có thể bạn cần trung tâm giả của mình bởi vì bạn phải sống trong một xã hội giả. Bây giờ bạn sẽ cố khả năng sử dụng nó, nhưng bạn sẽ không bao giờ bị đồng nhất với nó. Bây giờ nó sẽ chỉ là công cụ. Bạn sẽ sống với trung tâm của mình, trong trung tâm của mình. Bạn sẽ có khả năng sử dụng trung tâm giả như là một phương tiện để thích nghỉ với xã hội, một quy ước, nhưng bạn sẽ không bị đồng nhất với nó. Bây giờ bạn biết mình có thể tự phát, tự do. Sự tự-nhớ chuyển hóa bạn, bởi vì nó trao cho bạn cơ hội để lại là chính mình - và trở thành chính mình là điều tối thượng và trở thành chính mình là điều tuyệt đối.

Đỉnh của mọi khả năng, của mọi tiềm năng chính là điều linh thiêng - hay bạn muốn gọi nó là gì cũng được. Thượng đế không ở nơi nào đó trong quá khứ; ngài là tương lai của bạn. Bạn đã nghe nói đi nói lại rằng Thượng đế là người cha. Có ý nghĩa hơn khi nói, ngài sẽ là con trai bạn, không phải là người cha, bởi vì ngài sẽ tiến hóa từ bạn. Cho nên tôi nói, “Thượng đế con”, bởi vì người cha thuộc về quá khứ, còn người con trai thuộc về tương lai.

Bạn có thể trở nền linh thiêng, Thượng đế có thể ra đời từ bạn; nếu bạn đích thực là mình, nếu bạn đã thực hiện bước cơ bản. Bạn sẽ tới sự linh thiêng, tới tự do hoàn toàn. Như là một nô lệ, bạn không thể di chuyển tới đó. Như là một nô lệ, như là một người giả, không có con đường nào dẫn tới đấng linh thiêng, tới khả năng tối thượng, tới sự nở hoa cuối cùng của bản thể bạn. Trước tiên bạn phải định tâm vào chính mình. Sự tự-nhớ trợ giúp và chỉ có sự tự-nhớ là hữu ích; không có gì khác có thể chuyển hóa bạn. Với trung tâm giả thì không có sự phát triển - chỉ là sự tích tụ - và nên nhớ sự khác nhau giữa tích tụ và phát triển. Với trung tâm giả bạn có thể tích lũy: bạn có thể tích lũy của cải, bạn có thể tích lũy kiến thức, bạn có thể tích lũy bất cứ thứ gì, mà không có sự phát triển nào. Sự phát triển chỉ xuất hiện với trung tâm thực. Sự phát triển không phải là một sự tích lũy; bạn không bị nặng gánh bởi sự phát triển. Sự tích tụ mới là một gánh nặng.

Bạn có thể biết nhiều thứ nhưng lại không hề biết gì. Bạn có thể biết nhiều về tình yêu nhưng lại không biết yêu. Thế thì đó là một sự tích lũy. Nếu bạn biết yêu, thì đó là sự phát triển. Bạn có thể biết nhiều về tình yêu thông qua trung tâm giả nhưng bạn chỉ có thể yêu thông qua trung tâm thực. Trung tâm thực có thể trưởng thành. Trung tâm giả chỉ có thể ngày càng to hơn mà không có sự phát triển nào, không có sự trưởng thành nào. Trung tâm giả chỉ là một sự phát triển như một khối u ác tính, một sự tích tụ, làm bạn chịu đựng như là một căn bệnh.

Nhưng bạn có thể thực hiện một điều: bạn có thể thay đổi hoàn toàn sự tập trung của mình. Từ cái giả bạn có thể hướng đôi mắt mình tới cái thực. Đây là ý nghĩa của tự-nhớ: bất cứ điều gì bạn đang làm, hãy nhớ chính mình - rằng bạn hiện hữu. Đừng quên điều đó. Chính việc nhớ lại sẽ đem đến một thực tại đích thực cho bất cứ điều gì bạn đang làm. Nếu bạn đang yêu, trước tiên nhớ rằng bạn đang hiện hữu; nếu không bạn sẽ yêu bằng trung tâm giả. Và với trung tâm giả bạn chỉ có thể giả vờ; bạn không thể yêu. Nếu bạn đang cầu nguyện, trước tiên nhớ rằng bạn đang hiện hữu; nếu không sự cầu nguyện sẽ là thứ vô nghĩa, chỉ là một sự dối lừa. Và bạn đang không lừa dối bất cứ ai; bạn đang lừa dối chính mình.

Trước tiên hãy nhớ rằng bạn hiện hữu, và sự nhớ rằng “ta hiện hữu” này phải trở nên rất cơ bản đến mức nó theo bạn như một cái bóng. Thế rồi thậm chí lúc ngủ nó cũng sẽ nhập vào, và bạn sẽ nhớ. Nếu bạn có thể nhớ cả ngày, dần dần nó sẽ nhập vào ngay cả những giấc mơ của bạn, ngay cả trong giấc ngủ của bạn, và bạn sẽ biết rằng “ta hiện hữu”.

Cái ngày mà ngay cả trong giấc ngủ của mình bạn cũng có thể biết rằng bạn hiện hữu, thì bạn đặt được nền tảng trong trung tâm của mình. Bây giờ trung tâm giả không còn nữa; nó không còn là một gánh nặng với bạn. Bây giờ bạn có thể sử dụng nó, nó là công cụ. Bạn không phải là một nô lệ của nó, bạn đã trở thành người chủ.

Krishna nói trong kinh Gita rằng trong lúc mọi người đang ngủ, vị yogi không ngủ: vị đó thức. Điều đó không có nghĩa rằng vị yogi này sống mà không ngủ, bởi vì giấc ngủ là một nhu cầu sinh học của cơ thể. Điều này có nghĩa là ngay cả trong giấc ngủ của mình vị đó cũng nhớ về sự hiện hữu - rằng “ta hiện hữu”. Giấc ngủ chỉ là ở ngoại vi. Việc nhớ vẫn diễn ra trong trung tâm.

Vị yogi nhớ ngay cả trong lúc đang ngủ, và bạn đang không nhớ chính mình thậm chí khi bạn đang thức. Bạn đang đi bộ trên phố, nhưng bạn đang không nhớ rằng bạn hiện hữu. Hãy thử, và bạn sẽ cảm thấy một sự thay đổi về phẩm chất. Hãy thử nhớ rằng bạn hiện hữu. Bỗng nhiên một sự thanh thoát mới đến với bạn, sự nặng nề biến mất; bạn trở nên phi trọng lượng. Bạn bị quẳng khỏi trung tâm giả để trở về với trung tâm thực, nhưng điều đó là khó khăn và gian khổ, bởi vì chúng ta bị quá gắn chặt vào cái giả. Điều đó sẽ mất thời gian, nếu việc tự-nhớ không trở thành phi nỗ lực đối với bạn thì không thể có sự biến đổi nào. Bạn hãy đơn giản bắt đầu nhớ lại chính mình; ngược lại không thể có sự biến đổi nào.



Câu hỏi 2

Tối qua thầy đã nói rằng con người nên luôn nhìn cuộc sống theo những chiều hướng tích cực và không nên chú trọng vào chiều hướng tiều cực. Đây không phải là một sự lựa chọn sao? Và điều này không chống lại việc đối diện với toàn bộ thực tại - như là nó vậy?

Đó là một sự lựa chọn, nhưng người nào mà tiêu cực thì không thể thực hiện một bước nhảy tới phi lựa chọn. Nếu anh ta có thể thực hiện, điều đó là tốt, nhưng đó là điều không thể. Việc thực hiện một bước nhảy từ tính tiêu cực tới phi lựa chọn là điều không thể, bởi vì tâm trí tiêu cực có nghĩa là bạn chỉ có thể nhìn thấy cái xấu, bạn chỉ có thể nhìn thấy cái chết, bạn chỉ có thể nhìn thấy đau khổ. Bạn không thể thấy bất cứ yếu tố tích cực nào trong cuộc sống. Và nên nhớ, làm cho đau khổ biến đi là việc khó khăn.

Tôi nói điều này nghe có vẻ rất kỳ lạ rằng thực hiện một bước nhảy từ đau khổ thì khó; thực hiện một bước nhảy từ hạnh phúc thi dễ hơn. Khi bạn hạnh phúc, thực hiện cú nhảy dễ hơn, bởi vì khi hạnh phúc lòng can đảm xuất hiện, khi hạnh phúc khả năng về một niềm phúc lạc cao hơn mới mở ra, khi hạnh phúc toàn bộ thế gian nhìn như một ngôi nhà. Khi đau khổ thế gian giống như địa ngục, và không có hy vọng nào; mọi thứ đều vô vọng. Thế thì bạn không thể thực hiện cú nhảy nào. Khi đau khổ con người trở thành một kẻ hèn nhát, và cứ bám lấy đau khổ bởi vì ít ra thì nỗi đau khổ này cũng được biết rồi.

Bạn không thể phiêu lưu khi bạn bất hạnh. Sự phiêu lưu cần một niềm hạnh phúc tinh tế trong bạn. Khi đó bạn có thể rời bỏ cái đã biết. Bạn quá hạnh phúc đến mức bạn không sợ cái chưa biết. Và hạnh phúc này đã trở thành một hiện tượng sâu sắc với bạn đến mức bạn biết rằng dù bạn sẽ ở đâu thì bạn cũng sẽ hạnh phúc. Với tâm trí tích cực bạn biết không có địa ngục, và dù bạn ở đâu thì đó cũng sẽ là thiên đường. Bạn có thể đi vào cái chưa biết bởi vì bây giờ bạn biết rằng thiên đường đồng hành cùng bạn.

Bạn đã nghe rằng bạn lên thiên đường hay xuống địa ngục. Điều này thật vô nghĩa. Không có ai lên thiên đường, không có ai xuống địa ngục. Bạn mang theo địa ngục và thiên đường của riêng bạn, bất cứ nơi đâu bạn đến thì bạn cũng đến cùng với thiên đường hay địa ngục của mình. Thiên đường và địa ngục không phải là những ô cửa. Chúng là những gánh nặng; bạn mang chúng bên mình.

Chỉ với một trái tim nhảy múa - hạnh phúc, vui sướng, tích cực - bạn có thể thực hiện một bước nhảy vào vùng chưa được thăm dò. Chính vì vậy mà tôi nói rằng từ cái tiêu cực bạn không thể là phi lựa chọn. Bạn bám lấy đau khổ của mình. Nó được biết. Bạn đã quen với nó, bạn liên quan với nó, và tốt hơn là giữ nguyên với đau khổ đã biết còn hơn là với cái chưa biết. Ít nhất bạn cũng đã trở nên quen với nó, và bạn biết những cách thức của nó. Bạn đã tạo ra những cơ chế phòng vệ nào đó, một áo giáp xung quanh để mình được bảo vệ khỏi đau khổ này. Sự đau khổ chưa biết sẽ tạo ra những cơ cấu phòng vệ mới. Cùng với đau khổ đã biết thì luôn tốt hơn với đau khổ chưa biết.

Với hạnh phúc, trường hợp hoàn toàn ngược lại. Với hạnh phúc, con người muốn đi vào hạnh phúc chưa biết bởi vì cái đã biết gây nhàm chán. Bạn không bao giờ chán với đau khổ đã biết; bạn thích thú nó. Hãy nhìn vào những người đang nói về đau khổ của họ xem: họ thích thú nó, họ phóng đại đau khổ của họ; họ có một niềm hạnh phúc tinh tế.

Với hạnh phúc bạn bị nhàm chán. Bạn có thể đi vào cái chưa biết. Cái chưa biết có sức cám dỗ, và sự phi lựa chọn là cánh cửa cho cái chưa biết. Đây là cách con người phải đi: từ cái tiêu cực tới cái tích cực và từ cái tích cực tới cái phi lựa chọn. Trước tiên hãy làm cho tâm trí bạn tích cực. Từ địa ngục đi tới thiên đường, và từ thiên đường có thể đi tới moksha - tới cái tối thượng mà nó không phải là thiên đường cũng không là địa ngục. Từ đau khổ đi tới phúc lạc, và chỉ khi đó bạn mới có thể đi tới cái bên kia, cái vượt lên cả hai. Chính vì vậy mà kinh này nói rằng trước tiên là biến đổi tâm trí bạn từ tiêu cực thành tích cực, và sự thay đổi này chỉ là sự thay đổi về sự tập trung.

Cuộc sống hoặc là cả hai hoặc không là cả hai. Nó là cả hai hoặc không là cả hai; điều đó tùy thuộc vào bạn, vào cách bạn nhìn nó. Bạn có thể nhìn nó bởi một tâm trí tiêu cực, và thế thì nó nhìn giống địa ngục. Nó không phải là địa ngục, đây chỉ là sự diễn giải của bạn.

Bạn thay đổi quan điểm của mình: nhìn theo chiều hướng tích cực. Và điều này muốn nói về thái độ của người vô thần. Tôi không gọi một người nào đó là vô thần hay hữu thần qua việc người đó tin vào Thượng đế hay không. Tôi gọi một người là hữu thần nếu người đó có một thái độ tích cực, và là vô thần nếu người đó có một thái độ tiêu cực. Đó không phải là vấn đề nói không với Thượng đế; đó là vấn đề nói không với cuộc sống. Người hữu thần là người nói có và luôn nhìn bằng một tâm trí nói-có. Thế thì mọi thứ thay đổi hoàn toàn.

Nếu một đầu óc tiêu cực đến với một bông hồng, đến một khu vườn có thể có nhiều bông hồng, nhưng người đó chỉ lo đếm những cái gai. Điều đầu tiên tâm trí tiêu cực quan tâm là những cái gai; đó là điều quan trọng. Những bông hoa chỉ là ảo ảnh; chỉ có những cái gai mới là thực. Người đó sẽ đếm, và tất nhiên, với mỗi bông hoa thì có hàng ngàn cái gai. Và khi người đó đã đếm một ngàn cái gai thì người đó không thể tin là có bông hoa. Người đó sẽ nói bông hoa này chỉ là ảo ảnh. Làm sao một bông hoa đẹp như thế lại có thể tồn tại cùng với những cái gai xấu xí, bạo lực kia? Điều đó là không thể được, là không thể tin. Và thậm chí nếu nó tồn tại thì lúc này nó cũng không còn ý nghĩa gì. Một ngàn cái gai đã được đếm, và bông hoa biến mất.

Tâm trí tích cực sẽ bắt đầu với bông hồng này, với bông hoa này. Và khi bạn trong mối đồng cảm với bông hồng, khi bạn biết vẻ đẹp, sự sống, sự nở hoa huyền ảo thì những cái gai biến mất. Và người nào đã biết vẻ đẹp của bông hồng, biết khả năng cao nhất của nó, người nào đã nhìn sâu vào nó, với người đó lúc này thậm chí những cái gai nhìn sẽ không như những cái gai. Lúc này ánh mắt tràn đầy vẻ đẹp hoa hồng khác rồi. Bây giờ những cái gai nhìn sẽ như là để bảo vệ cho bông hồng này. Chúng sẽ không là những kẻ thù; chúng nhìn sẽ như là đang tham gia vào sự xuất hiện của những bông hoa này.

Bây giờ tâm trí này sẽ biết rằng bông hoa này xuất hiện và những cái gai này là cần thiết, chúng bảo vệ. Nhờ những cái gai đó mà bông hoa này mới có thể xuất hiện. Tâm trí tích cực này sẽ cảm thấy lòng biết ơn ngay cả đối với những cái gai. Và nếu sự tiếp cận này đi sâu hơn, thì sẽ đến lúc những cái gai trở thành những bông hoa. Với sự tiếp cận đầu tiên, bông hoa biến mất - hay bông hoa này thậm chí cũng trở thành một cái gai. Chỉ với tâm trí tích cực bạn mới có thể có được trạng thái của tâm trí không căng thẳng. Với tâm trí tiêu cực bạn sẽ giữ nguyên căng thẳng, với rất nhiều đau khổ vây quanh. Một tâm trí tiêu cực, sáng tạo như thế thì liên tục bộc lộ ngày càng nhiều đau khổ và địa ngục.

Trong thời của Đức Phật, có một người thầy thực sự nổi tiếng. Tên ông là Sanjayya Vilethiputta. Ông là một nhà tư tưởng tuyệt đối tiêu cực. Đức Phật nghĩ về bảy tầng địa ngục, nên có người đã đến và nói với Sanjaya Vilethuputta rằng Phật nói có bảy tầng địa ngục. Sanjaya Vilethiputta nói, “Đi mà nói với Phật của bạn rằng ông ấy không biết gì! Chỉ có bảy thôi sao? Có bảy trăm địa ngục, và tôi đã đếm tất cả chúng”.

Nếu bạn có tâm trí tiêu cực, thậm chí bảy trăm địa ngục cũng không phải là nhiều. Bạn sẽ tìm ra nhiều hơn, không có giới hạn. Tâm trí tích cực có thể là không căng thẳng. Thực ra, nếu bạn là tích cực thì làm sao bạn có thể căng thẳng và nếu bạn là tiêu cực thì làm sao bạn có thể không căng thẳng? Với tâm trí tiêu cực thì không thể có mối liên hệ nào với thiền. Tâm trí tiêu cực là chống lại thiền; nó không thể là thiền định. Chỉ một con muỗi cũng đủ để phá hỏng hết cả thiền. Với tâm trí tiêu cực, ô cửa khép lại với sự tĩnh tại, thảnh thơi, yên bình. Tâm trí tiêu cực cứ tự kéo dài đau khổ. Làm sao nó có thể thực hiện một bước nhảy tới phi lựa chọn?

Krishnamurti liên tục nói về phi lựa chọn, và thính giả đang còn tiêu cực. Họ nghe, nhưng họ không bao giờ hiểu. Và khi họ không hiểu, Krishnamurti bối rối bởi vì họ đang không hiểu ông. Chỉ có tâm trí tích cực mới có thể hiểu điều ông ấy đang nói, nhưng tâm trí tích cực thì không cần đi tới bất cứ đâu - không cần đến

Krishnamurti và cũng không cần đến Rajneesh, không nơi nào.

Chỉ có tâm trí tiêu cực mới đi tìm người giảng, tìm bậc thầy.

Nói với tâm trí tiêu cực về sự phi lựa chọn, về vượt lên nhị nguyên, về sống với cả tiêu cực lẫn tích cực là điều vô nghĩa. Không phải là điều này không thật - nó là thật, nhưng vô nghĩa. Người nào mà đang nghe chắc phải chú ý. Người đó còn quan trọng hơn người đang nói. Như tôi nhìn thấy, bạn là tiêu cực. Trước tiên bạn cần một sự chuyển biến tới sự tích cực. Từ tính “nói-không” của mình bạn phải trở thành người nói-có. Bạn phải nhìn cuộc sống với thái độ “có”, và với thái độ “có” thì chính trái đất này được hoàn toàn biến đổi. Chỉ khi đó, khi mà bạn có được một thái độ tích cực, bạn có thể thực hiện một bước nhảy tới phi lựa chọn - và điều đó sẽ dễ, rất dễ!

Không thể từ bỏ được đau khổ. Điều đó khó; bạn bám vào nó. Chỉ hạnh phúc mới có thể được từ bỏ, bởi vì khi đó bạn biết rằng khi bạn từ bỏ sự tiêu cực, bạn có được sự tích cực và niềm hạnh phúc tích cực. Bạn từ bỏ sự tiêu cực và có được hạnh phúc: chỉ việc từ bỏ sự tiêu cực mà bạn có được hạnh phúc. Nếu bây giờ bạn từ bỏ hạnh phúc này, cả tâm trí tích cực này nữa, thì bạn mở ra những ô cửa tới vô hạn. Nhưng trước tiên bạn phải có sự cảm nhận về sự tích cực. Chỉ có thế, chỉ khi đó, bạn có thể thực hiện một bước nhảy.



Câu hỏi 3

Khi nói về kỹ thuật cuối cùng hôm qua, thầy đã giải thích rằng trong thế giới của ảo tưởng - maya, tâm thức bên trong của người tìm kiếm là trung tâm thực duy nhất của người đó. Với trích dân này, xin thầy hãy giải thích tầm quan trọng và vai trò của vị guru trong thế giới đầy ảo tưởng này.

Với bạn thế giới maya này không phải là thế giới ảo tưởng; nó rất thực, và vai trò của vị guru là chỉ cho bạn thấy rằng nó là không thực. Với bạn nó là thực, nên làm sao bạn có thể nghĩ rằng nó không thực? Bạn chỉ có thể nghĩ về cái phi thực tại nếu bạn có một sự thoáng qua về cái thực; chỉ khi đó bạn mới có thể so sánh. Với bạn, thế giới này không phải là ảo tưởng - maya. Bạn đã nghe, bạn đã đọc rằng thế giới này là maya, và bạn có thể đã thuộc lòng giống như một con vẹt, nên bạn cũng gọi thế giới này là ảo tưởng.

Hàng ngày luôn có một người nào đó gọi thế giới này là ảo tưởng đến chỗ tôi, rồi anh ta nói, “Tâm trí tôi hết sức bối rối. Tôi rất căng thẳng, nên hãy nói cho tôi cách có được sự thanh thản?” Và thế giới này là “ảo tưởng”! Nếu thế giới này là ảo tưởng thì làm sao tâm trí bạn lại có thể căng thẳng? Nếu bạn đã biết rằng thế giới này là ảo tưởng thế thì thế giới này sẽ biến đi cùng với mọi đau khổ của nó. Nhưng tâm trí vẫn thế. Bạn không “biết” rằng thế giới này là ảo tưởng. Vào buổi sáng khi giấc ngủ biến đi cùng với giấc mơ, bạn có lo lắng về giấc mơ không? Bạn lo lắng rằng trong giấc mơ bạn đã đổ bệnh hay thậm chí bạn đã chết không? Khi có giấc mơ, bạn lo lắng, bạn bị bệnh, bạn đòi bác sĩ, đòi thuốc. Nhưng vào buổi sáng, khi bạn không còn ngủ và giấc mơ đã biến đi, bạn không phải lo lắng. Lúc này bạn biết nó là một giấc mơ, và bạn không ốm.

Nếu có ai đến với tôi và nói, “Tôi biết đó là một giấc mơ rằng tôi đã đổ bệnh, nhưng bây giờ hãy nói cho tôi một điều: tôi có thể lấy thuốc ở đâu để vượt qua cơn bệnh này?” Điều đó cho thấy gì? Nó sẽ cho thấy anh ta vẫn còn ngủ; nó sẽ cho thấy anh ta vẫn còn đang mơ. Giấc mơ vẫn còn đó.

Ở Ấn Độ, câu nói như vẹt, “toàn bộ thế giới là ảo tưởng”, đã ăn sâu vào tâm trí, nhưng ở trung tâm giả. Nó không phải là một sự phát triển. Chúng ta đã nghe các Upanishad, Veda và các vị Rishi đã nói trong nhiều thế kỷ rằng thế giới là ảo tưởng. Họ đã truyền bá ý tưởng mạnh mẽ đến mức những người đang ngủ và đang mơ lại nghĩ rằng họ đang thức. Cả thế giới đang ngủ, nhưng nỗi đau khổ của họ cho thấy rằng thế giới này là thực, nỗi thống khổ của họ cho thấy thế giới này là thực.

Vai trò của vị đạo sư (guru) là mang đến cho bạn một sự thoáng qua về cái thực - đó không phải là một sự rao giảng, mà là một sự thức tỉnh. Vị đạo sư không phải là một người thầy: vị đạo sư là người đánh thức bạn. Vị đó không là người trao cho bạn những học thuyết. Nếu vị đó trao bạn những học thuyết thì ông là một nhà triết học. Nếu vị đó nói về thế giới như là ảo tưởng và lý luận và chứng minh rằng thế giới là ảo tưởng, nếu vị đó tranh luận, bàn luận, nếu vị đó trao cho bạn một học thuyết tri thức thì ông không phải là một đạo sư, ông không phải là một bậc thầy. Vị đó có thể là một người giảng dạy, một người thầy về một học thuyết cụ thể, nhưng ông không phải là một bậc thầy, không phải là một đạo sư.

Vị đạo sư không phải là người đưa ra những học thuyết. Vị đó là người đưa ra những phương pháp - những phương pháp có thể giúp bạn ra khỏi giấc ngủ của mình. Chính vì vậy mà vị đạo sư luôn luôn là người quấy phá những giấc mơ của bạn, và sống với một đạo sư là rất khó. Sống với người thuyết giảng thì dễ bởi vì người đó không bao giờ quấy nhiễu bạn. Đúng hơn là, người đó liên tục gia tăng sự tích lũy kiến thức của bạn. Người đó giúp bạn trở nên bản ngã hơn; người đó làm cho bạn am hiểu hơn. Bản ngã của bạn được thỏa mãn hơn. Bây giờ bạn biết nhiều hơn, bạn có thể lý luận nhiều hơn. Bạn có thể dạy mình, nhưng vị đạo sư luôn luôn là một người quấy phá. Vị đó sẽ quấy phá giấc mơ và giấc ngủ của bạn, và có thể bạn đã mơ một giấc mơ rất đẹp. Bạn có thể đã trên một hành trình đẹp. Vị đó sẽ quấy phá nó, và bạn sẽ giận dữ.

Vị đạo sư luôn gặp nguy hiểm từ những môn đệ của mình. Bất cứ thời điểm nào họ cũng có thể giết ông, bởi vì ông sẽ quấy phá; đó là công việc của ông ấy. Ông ấy không thể giúp bạn như bạn đang là, bởi vì bạn là giả. Ông ấy phải phá hủy sự đồng nhất giả của bạn. Điều đó gây ra nỗi đau đớn. Chính vì vậy, nếu không có một tình yêu rất sâu sắc thì công việc này là không thể. Một sự thân mật sâu sắc là cần thiết; nếu không sẽ có oán ghét. Thế nên vị đạo sư không thể cho phép bạn ở gần ông trừ khi bạn đã buông bỏ; nếu không bạn sẽ là một kẻ thù. Vị đạo sư chỉ có thể làm việc khi bạn đã hoàn toàn buông bỏ, bởi vì đó là một ca phẫu thuật tâm linh.

Tất nhiên, sẽ có nhiều đau khổ với người môn đệ, và nếu anh ta không có mối thân mật sâu sắc với vị đạo sư thì đó là điều không thể. Anh ta sẽ không sẵn sàng chịu đựng nhiều đau khổ. Anh ta đã đến để tìm kiếm phúc lạc và vị đạo sư này lại gây cho anh ta đau khổ. Anh ta đã đến để cảm nhận sự phấn chấn, và vị đạo sư này lại tạo ra địa ngục cho anh ta. Lúc ban đầu sẽ có địa ngục, bởi vì hình ảnh bạn sẽ bị phá bỏ, những hy vọng của bạn sẽ bị đập tan. Dù bạn đã biết bất cứ điều gì, bạn cũng sẽ phải ném nó đi. Dù bạn có là bất cứ cái gì, vị đó cũng sẽ phải xóa nó đi. Thực ra, bạn đang trải qua một cái chết.

Ở Ấn Độ, vào những thời xa xưa, chúng ta nói, “Acharya mrityuh". Điều đó có nghĩa là bậc thầy, đạo sư, là một cái chết. Vị đó là như thế! Và nếu bạn không tin vị đó hoàn toàn thì ca phẫu thuật này là không thể, bởi vì lúc ban đầu sẽ có đau đớn. Nỗi thống khổ của bạn sẽ nổi lên, mọi địa ngục bị kìm nén của bạn sẽ bộc lộ. Và nếu bạn tin, nếu bạn có một lòng trung tín sâu sắc và tin cậy vào ông ấy, bạn có thể vẫn cùng với ông; ngược lại bạn sẽ né tránh, bởi vì con người này đang tuyệt đối quấy phá bạn.

Cho nên hãy nhớ, công việc của vị đạo sư, vai trò của ông ấy là làm cho bạn nhận ra cái giả của bạn, và vì trung tâm giả của bạn mà thế giới của bạn là giả. Thế giới không thực sự là ảo tưởng, nó không phải là maya. Nó là maya vì đôi mắt bạn là ảo tưởng. Chúng ngập trong mơ. Bạn phóng chiếu những giấc mơ của bạn ra khắp xung quanh, và thực tại bị biến thành giả. Cũng thế giới đó sẽ trở nên thực khi đôi mắt bạn là thực. Khi trung tâm giả bị phá vỡ và bạn lại bắt rễ vào trung tâm thực của mình, vào bản thể mình, thì thế giới này sẽ trở thành niết bàn.

Các bậc thầy Zen đã liên tục nói rằng thế giới này là niết bàn, chính thế giới này là moksha, giải thoát. Đó chỉ là vấn đề về đôi mắt. Với đôi mắt giả mọi thứ đều bị giả; với đôi mắt thực mọi thứ đều là thực. Cuộc sống giả của bạn tạo ra một thế giới giả quanh bạn. Và đừng nghĩ rằng tất cả các bạn đều sống trong cùng một thế giới. Bạn không thể! Mỗi người sống trong thế giới riêng của mình, và cũng có nhiều thế giới như có nhiều tâm trí, bởi vì mỗi tâm trí lại tạo ra thế giới riêng của nó, môi trường riêng của nó. Ngay cả nếu bạn đang sống trong một gia đình, người chồng sống trong thế giới riêng của mình và người vợ sống trong thế giới riêng của cô ấy, và có những va chạm hàng ngày giữa hai thế giới này. Chúng không bao giờ gặp gỡ; chúng chỉ va chạm. Gặp gỡ là điều không thể.

Với tâm trí thì không thể có cuộc gặp gỡ nào - chỉ có va chạm, xung đột. Khi không có tâm trí, có thể có một cuộc gặp gỡ. Người vợ sống trong thế giới riêng của cô ấy, với những kỳ vọng của cô. Với cô ấy thì người chồng không phải là người chồng thực có trong tồn tại, anh ấy chỉ là hình ảnh riêng của cô. Người chồng sống trong thế giới riêng của mình và người vợ thực không phải là vợ của anh. Anh ấy có một hình ảnh về một người vợ, và bất cứ khi nào người vợ này không giống với hình ảnh người vợ của anh ấy thì lại có chiến tranh, xung đột, giận dữ, oán ghét. Anh ấy yêu hình ảnh riêng của mình về một người vợ, và người vợ yêu hình ảnh riêng của mình về một người chồng, và cả hai đều là ảo tưởng; chúng không tồn tại ở đâu cả. Người vợ thực này có đó và người chồng thực này có đó, nhưng họ không thể gặp nhau bởi vì giữa hai thứ thực là người vợ không thực và người chồng không thực. Họ luôn luôn có đó; họ không cho phép cuộc gặp gỡ của hai người thực.

Mọi người đang sống trong thế giới riêng của mình, trong những giấc mơ, những kỳ vọng, những phóng chiếu riêng của mình. Có nhiều thế giới giống như có nhiều tâm trí. Các thế giới đó là ảo tưởng, maya. Khi trung tâm giả của bạn biến đi, toàn bộ thế giới thay đổi. Khi đó nó là một thế giới thực. Lần đầu tiên bạn nhìn thấy nhiều thứ như chúng tồn tại. Khi đó không còn đau khổ, bởi vì kỳ vọng biến mất cùng với ảo tưởng, và với thực tại thì không thể có đau khổ. Thế rồi con người đến lúc cảm thấy, “Nó là thế! Thực tế là thực tế!” Chỉ với những hư cấu mà có những rắc rối, và những hư cấu không bao giờ cho phép bạn biết thực tế. Những hư cấu này của tâm trí là maya.

Vai trò của vị đạo sư là đập tan những hư cấu để thực tế trở nên sẵn sàng với bạn và bạn trở nên sẵn sàng với thực tế. “Thực tế” đó là sự thật. Một khi bạn biết thực tế đó thì ngay cả vị đạo sư cũng sẽ khác. Nếu bây giờ bạn đến với một vị đạo sư, bạn đến với hình ảnh riêng của bạn về ông ấy. Một người nào đó đến với tôi: anh ta đến với hình ảnh riêng của anh ta về tôi. Và khi đó, nếu tôi không đúng với hình ảnh của anh ta, anh ta gặp khó khăn. Nhưng làm sao tôi phải theo hình ảnh của anh ta? Và nếu tôi cố theo hình ảnh của ai đó, tôi sẽ trong tình trạng hỗn loạn. Và mỗi môn đệ đều nghĩ tôi nên giống thế này hay thế kia; mỗi người có khái niệm riêng của mình về một vị đạo sư. Nếu tôi không thỏa mãn những khái niệm của anh ta thì anh ta trở nên thất vọng, nhưng đây là cách nó sẽ là vậy. Một người môn đệ đến cùng với một tâm trí, và đây là vấn đề. Tôi phải thay đổi tâm trí anh ta, hủy diệt nó. Anh ta đến cùng với một tâm trí và anh ta nhìn tôi bằng tâm trí của mình. Tôi đã lưu lại trong một gia đình. Gia đình này là người Jain giáo, nên họ không ăn vào ban đêm. Ông già của gia đình, ông nội, là người yêu thích những cuốn sách của tôi. Ông chưa bao giờ nhìn thấy tôi, và yêu một cuốn sách thì dễ: cuốn sách là cái thứ chết. Ông đã đến gặp tôi. Ông rất già, nên đối với ông đi lại cũng là điều khó khăn. Ông chín mươi hai tuổi, và đến gặp tôi. Tôi nói với ông để tôi đến phòng ông, nhưng ông nói, “Không! Tôi rất kính trọng ông, tôi sẽ đến”. Cho nên ông đến, và ông đã ca ngợi tôi rất nhiều.

Ông nói, “Ông giống như một vị tirthankara, giống đỉnh cao nhất của thần thoại Jain, Mahavira”. Những bậc thầy vĩ đại nhất được biết đến như là những tirthankara, nên ông nói, “Ông giống như một vị tirthankara”. Ông cứ mãi ca ngợi tôi, rồi trời tối dần.

Một người trong nhà đến và nói, “Bây giờ muộn rồi. Mời ông dùng bữa tối”.

Thế nên tôi nói, “Chờ một chút vì ông già này. Hãy để ông ấy nói bất cứ điều gì ông muốn nói; rồi tôi sẽ tới”.

Ông già nói, “Ông đang nói gì? Ông sẽ ăn buổi đêm sao?”

Tôi nói, “Với tôi điều đó không sao”.

Nên ông nói, “Tôi sẽ rút lời. Ông không phải là vị tirthankara. Một người thậm chí không biết rằng ăn đêm là tội nặng nhất, thì còn có thể biết gì nữa?”

Bây giờ con người này không thể có cuộc gặp nào với tôi. Không thể! Nếu tôi không ăn bữa đêm, tôi là một vị tirthankara, một bậc thầy vĩ đại. Tôi vẫn chưa ăn. Tôi chỉ nói rằng tôi sẽ ăn bữa đêm, và đột nhiên tôi không còn là vị tirthankara nữa. Ông lão nói với tôi, “Tôi tới để học một cái gì đó từ ông, nhưng bây giờ điều đó là không thể. Bây giờ tôi cảm thấy tôi phải thuyết cho ông điều gì đó”.

Khi thế giới này trở thành ảo tưởng, vị đạo sư của bạn cũng sẽ là một phần của nó và sẽ biến mất. Chính vì vậy, khi người môn đệ thức tỉnh, thì không có đạo sư. Có vẻ điều này rất nghịch lý: khi người môn đệ thực sự thức tỉnh, thì không còn vị đạo sư.

Có những bài ca đẹp của Sahara, một nhà huyền môn Phật giáo. Với mỗi bài ca, câu cuối cùng kết thúc với “và Sahara đã biến mất”. Ông ấy truyền dạy một điều gì đó; ông ấy trao những lời dạy nào đó. Ông nói, “Không có thế gian và cũng không có niết bàn, không có tốt cũng không có xấu. Vượt lên và Sahara biến mất”. Điều đó đã là một câu đó. Tại sao Sahara lại liên tục nói, “và Sahara biến mất”?

Nếu bạn thực sự đạt tới bài ca này, tới bất cứ điều gì ông ấy đã nói - “Không có tốt cũng không có xấu, không có thế gian cũng không có niết bàn" - nếu người môn đệ sẵn sàng thức tỉnh với điều này, Sahara sẽ biến mất. Vị đạo sư sẽ ở đâu? Vị đạo sư là một phần của thế giới của người môn đệ. Bây giờ không còn những thực thể như đạo sư và môn đệ; họ sẽ trở thành một. Khi người môn đệ thức tỉnh thì người đó trở thành đạo sư, và Sahara biến mất. Khi đó đạo sư không còn nữa. Ngay cả vị đạo sư này cũng là một phần của giấc mơ của bạn, của thế giới bị ảo tưởng hóa của bạn. Nhưng vì điều này mà nhiều vấn đề nảy sinh.

Krishnamurti vẫn cứ nói rằng không có người thầy - và ông ấy đúng. Đây là chân lý tối thượng. Khi bạn đã thức tỉnh, bạn là người thầy và không còn người thầy nào khác. Nhưng đây là chân lý tối thượng, trước khi điều này xảy ra thì có người thầy là bởi có môn đệ. Môn đệ tạo ra thầy, đó là nhu cầu của người môn đệ.

Vì thế, nên nhớ điều này: nếu bạn gặp một người thầy sai, là bởi vì bạn đáng có người thầy sai; chính vì vậy mà bạn mới gặp một người thầy sai. Môn đệ sai không thể gặp thầy đúng. Bạn tạo ra người thầy của mình, bậc thầy của mình. Người thầy bình thường hay người thầy tầm cỡ phụ thuộc vào bạn; bạn sẽ gặp người mà bạn xứng đáng được gặp. Nếu bạn gặp sai người, đó là vì bạn. Bạn có trách nhiệm về chuyện đó, chứ không phải là người sai này. Vị đạo sư cũng là một phần của tâm trí bạn, một phần của thế giới mơ. Nhưng trừ khi bạn trở nên thức tỉnh, bạn sẽ cần một người nào đó phá quấy bạn, một người nào đó giúp bạn. Người này là một đạo sư nếu vị đó trao cho bạn những phương pháp. Người này đơn giản là một người rao giảng nếu vị đó chỉ mang đến cho bạn những học thuyết, những giới luật, những giáo lý, nhưng ngay lúc ấy có thể bạn cần đến vị đó.

Hãy nghĩ về điều đó theo cách này: ngay cả trong một giấc mơ cũng có một cái gì đó có thể giúp bạn ra khỏi nó. Thậm chí trong một giấc mơ, một cái gì đó có thể giúp bạn ra khỏi nó. Bạn có thể thử điều đó ngay cả khi đang rơi vào giấc ngủ. Liên tục lặp lại trong tâm trí, “Bất cứ khi nào có một giấc mơ, đôi mắt tôi sẽ mở”. Trong ba tuần liên tục lặp lại điều đó khi bạn đang rơi vào giấc ngủ: “Bất cứ khi nào có một giấc mơ, đôi mắt tôi sẽ mở; bỗng nhiên tôi sẽ thức tỉnh”. Và bạn sẽ thức tỉnh. Bạn thậm chí có thể thức tỉnh từ một giấc mơ bởi một phương pháp nào đó. Ngay khi đang rơi vào giấc ngủ, nói với mình - nếu tên bạn là Ram, thì nói - “Ram, đánh thức tôi lúc năm giờ sáng”. Lặp lại điều đó hai lần, rồi lặng lẽ rơi vào giấc ngủ. Sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ có được bí quyết. Chính xác lúc năm giờ, ai đó sẽ đánh thức bạn. Ngay cả trong giấc mơ, trong giấc ngủ, các phương pháp này cũng có thể được sử dụng, chúng sẽ đánh thức bạn. Trường hợp cũng tương tự với giấc ngủ tâm linh của bạn.

Một bậc thầy có thể trao cho bạn nhiều phương pháp mà chúng sẽ giúp ích cho điều này. Thế thì bất cứ khi nào bạn đang rơi vào một giấc mơ, các phương pháp này sẽ không cho phép bạn rơi, hay bất cứ khi nào bạn đã rơi vào một giấc mơ, đột nhiên bạn sẽ thức tỉnh. Khi sự thức tỉnh này trở nên tự nhiên với bạn thì không cần vị đạo sư. Khi bạn đã thức tỉnh thì đạo sư biến mất, nhưng bạn sẽ vẫn cảm thấy lòng biết ơn vị đạo sư này bởi vì vị đó đã giúp bạn.

Sariputta (Xá Lợi Phất - ND) là một trong những môn đệ lớn nhất của Đức Phật. Ông đã tự mình trở nên chứng ngộ; ông tự mình trở thành một vị phật. Khi đó Phật nói với Sariputta, “Bây giờ ông có thể đi; bây giờ với ông sự hiện diện của tôi là không cần thiết nữa. Chính ông đã tự mình trở thành một bậc thầy, nên ông có thể đi để giúp những người khác ra khỏi giấc ngủ của họ”. Lúc giã từ, Sariputta đã chạm vào chân Phật. Một người nào đó đã hỏi Sariputta, “Chính ông đã trở nên chứng ngộ, tại sao ông lại đang chạm chân Phật?”

Sariputta nói, “Bây giờ không cần chạm chân ông ấy nữa, nhưng sự chứng ngộ này đã có thể xảy ra là nhờ vào chính ông ấy. Bây giờ thì không cần nữa, nhưng chỉ ông ấy mới có thể làm điều này xảy ra”.

Sariputta ra đi, nhưng dù ở bất cứ đâu, vào buổi sáng ông cũng nằm phủ phục về hướng Phật đang ở; vào buổi chiều ông cũng làm như thế và mọi người đều hỏi, “ông đang làm gì? ông đang phủ phục trước ai?” Bởi vì Phật ở rất xa, cách nhiều dặm.

Ông ấy nói, “Người thầy của tôi đã biến mất. Bây giờ chính tôi là đạo sư, nhưng trước khi gặp ông ấy thì không thể như thế. Điều đó trở thành có thể là nhờ ông ấy”. Vì thế mà ngay cả khi người thầy biến mất, khi đạo sư biến mất, người môn đệ sẽ vẫn cảm nhận sự biết ơn sâu sắc, sâu sắc nhất có thể.

Khi bạn đang ngủ thì cần một người nào đó để quay nhiễu bạn. Và nếu bạn cho phép ai đó, điều đó có nghĩa là buông bỏ. Nếu bạn nói, “Được thôi, tôi cho phép bạn quấy nhiễu tôi”, thì đó có nghĩa là buông bỏ - một sự tin cậy. Sự tin cậy có nghĩa là nếu bây giờ người này dẫn bạn tới đau khổ thì bạn cũng sẽ sẵn sàng. Bạn sẽ không hỏi anh ta thêm nữa. Bất cứ nơi đâu anh ta dẫn bạn tới, bạn cũng tin tưởng anh ta. Anh ta sẽ không làm hại bạn.

Nếu bạn không tin thì không thể có sự phát triển nào, bởi vì bạn cảm thấy anh ta sẽ làm hại bạn. Bạn cảm thấy rằng anh ta sẽ làm hại bạn theo nhiều cách, và nếu bạn nghĩ, “Mình sẽ tự bảo vệ”, thì công việc không thể tiến triển xa hơn. Nếu bạn không tin tưởng nhà phẫu thuật của mình, bạn sẽ không cho phép ông ta gây mê bạn. Bạn không biết ông ta sẽ làm gì, và bạn sẽ nói, “Xin hãy thực hiện ca phẫu thuật, nhưng cho phép tôi tỉnh táo để tôi có thể nhìn thấy ông đang làm gì. Tôi không thể tin ông”.

Bạn tin tưởng nhà phẫu thuật của mình. Ông ta làm cho bạn thành bất tỉnh, bởi vì trong trạng thái bạn tỉnh táo, nhà phẫu thuật sẽ không thể thực hiện được ca mổ; ý thức bạn sẽ can thiệp. Chính vì vậy mà sự tin cậy là mù quáng. Điều đó có nghĩa là bạn sẵn sàng trở nên vô thức, thậm chí trở thành mù. Bạn sẵn sàng để ông ta dẫn bạn đi tói bất cứ đâu. Chỉ khi đó mới có thể có một ca phẫu thuật sâu hơn bên trong. Và đó không chỉ là phẫu thuật thực thể, sinh lý học; nó là tâm lý học. Nhiều đau đớn, nhiều đau khổ sẽ được cảm nhận, bởi vì sự thanh tẩy là cần thiết và bạn phải bị ném trở lại trung tâm của mình mà bạn đã hoàn toàn lãng quên nó, bạn phải bị kéo trở lại gốc rễ của mình, cái mà bạn đã bỏ lại hàng dặm phía sau.

Điều này sẽ gian khổ và khó khăn; thậm chí mất nhiều năm. Nhưng nếu người môn đệ sẵn sàng buông bỏ thì nó có thể xảy ra trong giây phút. Điều đó tùy thuộc vào sự buông bỏ mãnh liệt như thế nào. Phải mất một thời gian không cần thiết, bởi vì vị đạo sư phải tiến hành chậm rãi - chậm rãi để chuẩn bị cho bạn tin cậy nhiều hơn, và vị ấy phải làm nhiều điều không cần thiết chỉ để tạo ra sự tin cậy. Chỉ để thực hiện ca phẫu thuật, vị đạo sư phải tạo ra nhiều điều không cần thiết và có thể bỏ đi. Không cần lãng phí thời gian và năng lượng vì chúng, nhưng chúng cần thiết chỉ để tạo ra sự tin cậy.

Tôi đã trích dẫn Sahara; Sahara là một trong tám mươi bốn Siddhas - một trong tám mươi bốn nhà huyền môn Phật giáo - người đã đạt tới. Sahara nói với những môn đệ đã trở thành những bậc thầy, “Hãy hành xử như thế để những người khác có thể tin cậy các bạn. Tôi biết bây giờ các bạn không cần đạo đức; không cần những giới luật. Các bạn đã vượt lên, và các bạn có thể thực hiện bất cứ điều gì mình muốn và có thể là bất cứ điều gì mình muốn. Bây giờ, không có hệ thống, không có đạo đức nào tồn tại đối với các bạn. Nhưng hãy hành xử theo cách như thế để các môn đệ có thể tin cậy các bạn”. Thế nên các bậc thầy vĩ đại đã hành xử theo cách như thế để xã hội chấp thuận. Không phải vì họ cần phải hành xử theo cách đó; đó là điều không cần thiết chỉ để tạo ra sự tin cậy. Cho nên nếu Mahavira hành xử theo khuôn mẫu mà Jain giáo đã xác lập, thì không phải vì có bất cứ nhu cầu nội tại nào. Ông hành xử theo cách đó chỉ để người Jain có thể theo và trở thành những môn đệ, để họ có thể tin cậy.

Vì thế mà nhiều vấn đề nảy sinh bất cứ khi nào người thầy bắt đầu hành xử theo một cách mới. Jesus đã hành xử theo cách mới mà cộng đồng Do Thái đã không biết đến. Không có gì sai trong đó, nhưng điều này lại trở thành vấn đề. Người Do Thái đã không thể tin tưởng ông ấy. Các bậc thầy cổ xưa của họ đã hành xử khác và người đàn ông này lại đang hành xử khác. Ông ấy đang không theo luật lệ của cuộc chơi, nên họ không thể tin tưởng ông. Chính vì thế mà họ đã phải đóng đinh ông.

Và tại sao Jesus lại hành xử theo cách như thế? Đó là vì Ấn Độ. Ông ấy đã ở đây nhiều năm trước khi xuất hiện ở Jerusalem. Ông được dạy trong một tu viện Phật giáo ở đây, và ông đã cố theo những giới luật Phật giáo ở đó, nơi xã hội Phật giáo không tồn tại. Trong cộng đồng Do Thái, ông đã hành xử như thể ông đang sống trong cộng đồng Phật giáo, và điều đó gây ra toàn bộ vấn đề. Ông đã bị giết, bị hiểu nhầm, bị sát hại, và lý do chỉ vì điều này - người Do Thái đã không thể tin tưởng ông.

Một người thầy, vị đạo sư phải tạo ra nhiều thứ quanh mình, thực hiện nhiều điều không cần thiết, chỉ để tạo ra sự tin cậy. Nhưng, ngay cả như thế thì nhiều vấn đề vẫn nảy sinh bởi vì mọi người đến cùng với những kỳ vọng riêng của mình: “Vị đạo sư phải giống thế này hoặc thế kia”.

Buông bỏ có nghĩa là bạn bỏ lại những kỳ vọng của mình, bạn cho phép vị đạo sư là chính con người ông, và bạn cho phép vị này làm bất cứ điều gì ông ấy muốn. Thậm chí nếu kết quả có đau đớn, bạn cũng sẵn sàng. Thậm chí nếu vị đó có dẫn bạn tới cái chết, bạn cũng sẵn sàng, bởi vì cuối cùng ông ấy sẽ dẫn bạn tới một cái chết sâu sắc. Chỉ sau đó mới có thể tái sinh. Phục sinh là có thể chỉ khi sự đồng nhất cũ của bạn đã bị đóng đinh trên cây thập giá.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho