Chương 46: Con đường từ dục vọng tới tự do của tantra
30 tháng 3 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ
Câu hỏi 1
Hôm qua thầy nói rằng động cơ hướng tới giải thoát hay nhập định này cũng là một sự căng thẳng và là một rào cản, nhưng cái khao khát bên trong này của con người không phải là sự ham muốn mà là một khát vọng, điều này không đúng sao?
Bạn phải hiểu ham muốn nghĩa là gì, và các tôn giáo đã làm cho bạn quá bối rối về nó. Nếu bạn ham muốn một cái gì đó của thế giới này, họ gọi đó là ham muốn. Nếu bạn ham muốn điều gì đó của thế giới khác, họ gọi nó bởi một tên khác. Điều này là ngớ ngẩn. Ham muốn là ham muốn! Không có gì khác biệt dù đối tượng của ham muốn là như thế nào. Đối tượng có thể là bất cứ thứ gì - của thế giới này, vật chất, hay của thế giới khác, tâm linh - nhưng việc ham muốn vẫn giữ nguyên như thế.
Mọi ham muốn đều là một sự trói buộc. Ngay cả nếu bạn ham muốn Thượng đế, ngay cả nếu bạn ham muốn giải thoát thì đó cũng là một sự trói buộc. Và giải thoát không thể xuất hiện trừ khi sự ham muốn hoàn toàn biến mất. Vậy, nên nhớ bạn không thể ham muốn giải thoát, điều đó là không thể; điều đó là mâu thuẫn. Bạn có thể trở nên không còn ham muốn, và thế thì giải thoát xảy ra. Nhưng đó không phải là kết quả của ham muốn của bạn. Đúng hơn là, đó là hệ quả của phi ham muốn.
Thế nên hãy cố hiểu ham muốn là gì. Ham muốn có nghĩa là ngay bây giờ bạn không bằng lòng, bạn không thoải mái. Chính thời điểm này bạn không thoải mái với bản thân mình, và một điều nào đó khác trong tương lai, nếu được thỏa mãn, thì sẽ mang đến cho bạn sự bình an. Sự thỏa mãn này luôn luôn là trong tương lai; nó không bao giờ ở đây và bây giờ. Sự căng thẳng hướng về tương lai này của tâm trí là ham muốn. Ham muốn có nghĩa là bạn không hiện hữu trong thời điểm hiện tại, và tất cả những gì hiện hữu thì chỉ là thời điểm hiện tại. Bạn ở đâu đó trong tương lai, và tương lai thì không có. Nó chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có. Tất cả những gì hiện hữu, luôn luôn là hiện tại - chính thời điểm này.
Sự phóng chiếu về sự mãn nguyện của bạn ở nơi nào đó trong tương lai chính là ham muốn. Vậy sự thỏa mãn tương lai đó là gì, là vớ vẩn. Nó có thể là vương quốc của Thượng đế, thiên đường, niết bàn, nó có thể là bất cứ điều gì, nhưng nếu trong tương lai thì nó là ham muốn. Và bạn không thể ham muốn trong hiện tại, nên nhớ; đó là điều không thể. Trong hiện tại bạn chỉ có thể hiện hữu, bạn không thể ham muốn. Làm sao bạn có thể ham muốn trong hiện tại?
Ham muốn dẫn bạn vào tương lai, vào tưởng tượng, mơ mộng. Đó là lý do mà Đức Phật nhấn mạnh rất nhiều về phi ham muốn - bởi vì chỉ khi không có ham muốn bạn mới đi vào thực tại. Với ham muốn bạn đi vào những giấc mơ. Tương lai là một giấc mơ, và khi bạn phóng chiếu vào tương lai, bạn sẽ bị thất vọng. Bạn đang hủy hoại thực tại ngay bây giờ vì những giấc mơ tương lai, và thói quen này của tâm trí sẽ vẫn cùng với bạn. Nó được củng cố hàng ngày. Cho nên khi tương lai của bạn đến, nó sẽ đến ở dạng hiện tại, và tâm trí bạn sẽ lại chuyển vào tương lai nào đó khác. Ngay cả nếu bạn có thể đạt tới Thượng đế, bạn cũng sẽ không thỏa mãn. Cách bạn đang sống hiện nay thì không sự thỏa mãn nào là có thể. Ngay cả khi có sự hiện diện của đấng linh thiêng, bạn cũng sẽ đi xa vào tương lai.
Tâm trí bạn luôn hướng vào tương lai. Sự hướng về tương lai của tâm trí là ham muốn. Ham muốn không liên quan tới bất cứ đối tượng nào, dù bạn ham muốn tình dục hay ham muốn thiền - điều đó không có gì khác. Ham muốn là vấn đề - rằng bạn ham muốn. Điều đó có nghĩa bạn không ở đây. Điều đó có nghĩa bạn không ở trong thời điểm thực, và thời điểm hiện tại là ô cửa duy nhất để vào tồn tại. Quá khứ và tương lai không phải là những ô cửa, chúng là những bức tường.
Vậy nên tôi không thể gọi bất cứ ham muốn nào là tâm linh. Ham muốn như thế là thứ trần tục. Ham muốn là thế gian. Không có ham muốn tâm linh; không thể có. Đó là mánh khóe của tâm trí, một sự lừa bịp. Bạn không muốn bỏ ham muốn, nên bạn thay đổi các đối tượng. Đầu tiên bạn ham muốn sự giàu có, danh tiếng, quyền lực. Bây giờ bạn nói bạn không ham muốn và đây là những thứ trần tục. Bạn lên án chúng, và trong mắt bạn những người ham muốn chúng đáng bị lên án. Bây giờ bạn ham muốn Thượng đế, vương quốc của Thượng đế, niết bàn, moksha, vĩnh hằng, satchitananda, brahman. Bây giờ bạn ham muốn những thứ đó, và bạn cảm thấy rất tốt. Bạn nghĩ bạn đã chuyển hóa, nhưng bạn đã không làm bất cứ điều gì. Bạn vẫn nguyên như cũ.
Bạn chỉ đang chơi những trò mánh khóe với chính mình, và bây giờ bạn đang ở trong một mớ hỗn loạn hơn bởi vì bạn nghĩ rằng đây không phải là ham muốn. Bạn vẫn nguyên như cũ. Tâm trí vẫn nguyên như cũ; cách vận hành của tâm trí vẫn nguyên như cũ. Bạn còn chưa ở đây. Những đối tượng của ham muốn đã thay đổi, nhưng sự chạy theo, sự mơ tưởng vẫn giữ nguyên, và chính sự mơ tưởng là ham muốn - chứ không phải đối tượng.
Vậy nên hãy cố gắng hiểu tôi. Tôi nói rằng mọi ham muốn là trần tục bởi vì ham muốn là thế gian. Cho nên vấn đề không phải là thay đổi ham muốn, vấn đề không phải là thay đổi đối tượng, vấn đề là một sự biến đổi, một cuộc cách mạng chuyển từ ham muốn tới phi ham muốn; chứ không phải từ những ham muốn cũ tới những ham muốn mới, từ ham muốn thế gian này tới những ham muốn thế giới khác, từ ham muốn vật chất tới ham muốn tâm linh - không! Từ ham muốn tới phi ham muốn chính là cách mạng.
Nhưng làm sao để chuyển từ ham muốn tới phi ham muốn? Bạn chỉ có thể chuyển biến nếu có ham muốn nào đó. Nếu có động cơ vu lợi nào đó, sự tham lam nào đó, sự đạt được nào đó, chỉ khi đó bạn mới có thể chuyển từ ham muốn tới phi ham muốn. Nhưng thế thì bạn đang không chuyển biến chút nào. Tôi nói rằng với phi ham muốn bạn sẽ có được phúc lạc vĩnh hằng. Điều này đúng - rằng với phi ham muốn mà phúc lạc xuất hiện - nhưng nếu tôi nói với bạn rằng với phi ham muốn bạn sẽ có hạnh phúc vĩnh hằng, thì bạn sẽ biến điều đó thành một đối tượng của ham muốn và thế thì bạn sẽ bỏ lỡ toàn bộ ý nghĩa của nó.
Nó không phải là một kết quả, nó là một hệ quả của sự hiểu biết sâu sắc. Cho nên hãy cố gắng hiểu rằng có ham muốn thì có đau khổ, và đừng nghĩ rằng bạn đã biết điều đó. Bạn không biết; nếu không làm sao bạn có thể đi vào ham muốn? Bạn còn chưa nhận ra rằng ham muốn là đau khô, ham muốn là địa ngục. Hãy nhận biết. Khi bạn ham muốn điều gì đó, hãy nhận biết. Thế rồi sống với ham muốn đó một cách hoàn toàn tỉnh táo, và thế rồi bạn sẽ tới địa ngục.
Mọi ham muốn đều dẫn bạn tới đau khổ, cho dù được thỏa mãn hay không. Nếu được thỏa mãn, nó dẫn tới sớm hơn; chưa được thỏa mãn thì cần thêm thời gian - nhưng mọi ham muốn đều dẫn tới đau khổ. Hãy nhận biết về toàn bộ quá trình, và đi cùng với nó. Không nóng vội bởi vì không gì có thể được thực hiện khi nóng vội, và khi nóng vội thì không thể có sự phát triển tâm linh. Hãy đi chậm rãi, kiên nhẫn. Hãy quan sát mọi ham muốn và sau đó quan sát cái cách mỗi ham muốn trở thành một ô cửa tới địa ngục như thế nào. Nếu bạn quan sát, sớm muộn gì bạn cũng sẽ nhận thấy rằng ham muốn là địa ngục. Thời điểm sự nhận biết đó xuất hiện, sẽ không còn ham muốn. Ham muốn đột nhiên biến mất, và bạn sẽ ở trong trạng thái phi ham muốn. Tôi không nói là không ham muốn gì, tôi đơn giản nói “phi ham muốn”.
Bạn không thể thực hành điều đó, nên nhớ; chỉ có thể thực hành ham muốn. Làm sao bạn có thể thực hành phi ham muốn? Bạn không thể thực hành nó, bạn chỉ có thể thực hành ham muốn. Nhưng nếu bạn tỉnh táo, bạn sẽ trở nên nhận ra rằng chúng dẫn bạn tới đau khổ. Và khi mọi ham muốn dẫn bạn tới đau khổ, khi điều này trở thành một sự thực chứng đối với bạn - không chỉ là ý kiến và kiến thức, mà là một thực tế đã được thực chứng - thì ham muốn biến mất, nó trở thành không thể. Làm sao bạn có thể đưa mình tới đau khổ? Bạn đang luôn “đưa mình tới hạnh phúc” - nghĩ rằng bạn đang đưa mình tới hạnh phúc - nhưng bạn lại luôn đi tới đau khổ. Điều này đã xảy ra trong nhiều kiếp và nhiều kiếp. Bạn luôn nghĩ rằng cái này hay cái kia là ô cửa tới thiên đường, và khi bạn đã bước vào, bạn luôn luôn nhận ra rằng đây là địa ngục. Và điều này chưa từng có bất cứ ngoại lệ nào; nó luôn luôn là vậy.
Hãy sống lưu tâm đến mọi ham muốn, và cứ để mọi ham muốn dẫn bạn tới đau khổ. Thế rồi, bỗng nhiên, vào một ngày sự trưởng thành sẽ đến với bạn, sự chín chắn sẽ đến với bạn: bạn sẽ nhận ra rằng ham muốn là đau khổ.
Thời điểm bạn nhận ra điều đó, ham muốn biến mất. Lúc này không cần làm bất cứ điều gì; ham muốn đơn giản rơi xuống, tàn lụi, và bạn ở trong trạng thái phi ham muốn. Trong trạng thái phi ham muốn đó là niết bàn, là sự hoàn hảo, là phúc lạc tuyệt đối. Bạn có thể gọi nó là Thượng đế, vương quốc của Thượng đế hay bạn có thể chọn bất cứ tên gọi nào cho nó, nhưng nhớ rõ rằng đó không phải là một kết quả của việc bạn mong muốn. Nó là một hệ quả của phi ham muốn, và phi ham muốn không thể thực hành được.
Những người “thực hành” phi ham muốn đang tự đánh lừa mình. Trên khắp thế giới có nhiều bhikkhu, sannyasin, họ đang thực hành phi ham muốn. Bạn không thể thực hành phi ham muốn; không có điều gì phủ định lại có thể được thực hành. Sâu bên trong họ đang ham muốn, họ đang khao khát Thượng đế, rằng sự bình an sẽ xuất hiện, rằng phúc lạc đang chờ đợi họ ở đâu đó trong tương lai, bên kia cái chết. Họ đang ham muốn, và họ gọi ham muốn duy nhất của họ là “ham muốn tâm linh”.
Bạn có thể tự đánh lừa mình rất dễ. Ngôn từ là rất lừa dối và bạn có thể hợp lý hóa. Bạn gọi một loại thuốc độc là “cao lương mỹ vị”, và khi bạn gọi nó là cao lương mỹ vị, nó biểu hiện như là cao lương mỹ vị. Từ ngữ thôi miên; đó là một vấn đề. Nhưng cảm nhận này, việc nhận biết rằng ham muốn là đau khổ phải là của chính bạn.
Mary Stevens đã viết ở đâu đó rằng cô đã viếng thăm nhà một người bạn và con gái của bạn cô bị mù. Mary Stevens rất ngạc nhiên vì cô gái này nói, “Ông ấy xấu, con không thích ông ấy”; và “Màu chiếc đầm này thật đẹp”.
Vì cô bé bị mù nên Mary Stevens hỏi, “Làm sao con có thể cảm thấy rằng ai đó xấu và màu đẹp?”
Cô bé nói, “Các chị con nói cho con điều này”. Đây là kiến thức.
Đức Phật đã nói rằng ham muốn là đau khổ và bạn cứ lặp lại. Đây là kiến thức. Bạn đang ham muốn, và bạn chưa bao giờ thấy rằng ham muốn là đau khổ. Bạn đơn giản đã nghe Phật. Điều này sẽ không tác dụng gì. Bạn chỉ đang lãng phí cuộc đời mình và cơ hội của mình. Chính trải nghiệm của bạn có thể thay đổi bạn; không có gì khác thay đổi. Kiến thức không thể được vay mượn. Nếu vay mượn, nó chỉ là một thứ giả. Nó có vẻ như kiến thức, nhưng không phải. Nhưng tại sao chúng ta lại làm theo vị Phật hay vị Jesus - tại sao? Bởi vì sự tham lam của chúng ta. Chúng ta nhìn vào đôi mắt Phật, và chúng bình lặng đến mức lòng tham nảy sinh, ham muốn nảy sinh làm sao đạt được điều này. Phật thật phúc lạc - mỗi phút giây đều vô cùng mãn nguyện. Một ham muốn nảy sinh làm sao được như Phật. Chúng ta cũng ham muốn trạng thái như thế.
Thế rồi chúng ta cứ liên tục hỏi làm sao Phật đã đạt được điều này, làm sao nó xảy ra. Cái “làm sao” lại gây ra nhiều vấn đề, bởi vì khi đó Phật sẽ nói rằng do “phi ham muốn” mà nó xây ra. Và Người đúng, nó đã xảy ra trong phi ham muốn. Và khi chúng ta nghe thấy rằng nó xảy ra trong phi ham muốn, chúng ta bắt đầu thực hành phi ham muốn, chúng ta bắt đầu bỏ lại những ham muốn, và toàn bộ nỗ lực là một ham muốn để được như Phật.
Phật đã không cố để giống ai khác; Người đã không yêu cầu để là một vị phật. Người chỉ cố gắng hiểu đau khổ của chính mình - và sự hiểu biết càng rõ ràng với Người thì đau khổ càng biến đi. Thế rồi vào một ngày Người hiểu rằng ham muốn là thuốc độc. Nếu bạn có ham muốn, bạn đã thành một nạn nhân; bây giờ bạn không bao giờ có thể được hạnh phúc. Bạn chỉ có thể hy vọng - hy vọng và thất vọng, thế rồi càng hy vọng thì lại càng thất vọng: điều này sẽ là vòng tròn lẩn quẩn của bạn. Và khi bạn càng trở nên thất vọng bạn lại càng hy vọng, bởi vì đó là sự an ủi duy nhất. Bạn liên tục hướng vào tương lai bởi vì trong hiện tại bạn đã luôn thất vọng, và thất vọng đang đến bởi quá khứ của bạn.
Trong quá khứ thì hiện tại này là tương lai, và bạn đã hy vọng nó. Bây giờ nó là một sự thất vọng. Thế rồi bạn lại hy vọng tương lai, và khi nó sẽ trở thành hiện tại, bạn lại sẽ trở nên thất vọng. Thế rồi bạn lại sẽ hy vọng. Thế rồi càng thất vọng thi càng hy vọng, và cùng với hy vọng nhiều hơn vẫn là thất vọng nhiều hơn. Đây là vòng tròn luẩn quẩn. Đây chính là bánh xe sansara.
Nhưng không vị phật nào có thể trao cho bạn đôi mắt của ông ấy. Và không thể trao chúng cho bạn là điều tốt; nếu không bạn sẽ vẫn là giả, mãi mãi là giả. Thế thì bạn sẽ không bao giờ trở nên đích thực. Thà đau khổ còn tốt hơn, bởi vì chỉ thông qua đau khổ mà bạn sẽ trở nên đích thực và thật. Cho nên điều đầu tiên là: hãy đồng hành cùng với những ham muốn của bạn sao cho bạn có thể hiểu chúng thực sự là gì. Trải nghiệm bất cứ đau khổ nào ẩn giấu ở đó. Hãy để nó bộc lộ ra với bạn. Chỉ như thế mới mộc mạc chân phương - chỉ như thế mới là tapascharya.
Naropa đã nói rằng nếu bạn có thể tỉnh táo thì mọi ham muốn đều dẫn bạn tới niết bàn, và đây là ý nghĩa, bởi vì nếu bạn tinh táo, bạn biết rằng mọi ham muốn đều là đau khổ. Và khi bạn đã tìm kiếm mọi ngóc ngách của ham muốn, đột nhiên bạn dừng lại. Trong sự dừng lại đó là sự xuất hiện và nó luôn luôn có đó. Sự xuất hiện đó đang luôn luôn chờ đợi bạn, chỉ chờ để gặp bạn trong hiện tại. Nhưng bạn lại không bao giờ trong hiện tại, bạn đang luôn luôn mơ. Thực tại duy trì bạn. Nhờ cái thực mà bạn sống, nhờ cái thực mà bạn tồn tại. Nhưng bạn cứ đi vào cái không thực. Cái không thực đang rất thôi miên.
Tôi đã nghe một chuyện cười Do Thái. Hai người bạn cũ gặp nhau sau nhiều, nhiều năm. Thế rồi một người đã nói với người kia, “Tôi đã không nhìn thấy ông từ hai mươi lăm năm. Con trai ông thế nào, cậu Harry ấy?”
Người kia nói, “Đó đúng là một chàng trai; nó là một nhà thơ danh tiếng. Tên tuổi nó được nghe khắp vùng, những bài thơ của nó được đọc, và những người biết về thơ ca đều nói rằng sớm hay muộn nó sẽ đoạt giải Nobel”.
Người bạn nói, “Tuyệt vời! Và hãy nói cho tôi về cậu thứ hai, Benny, nó thế nào?”
Người bạn nói, “Tôi rất hạnh phúc về đứa con trai thứ hai của mình. Nó là một nhà lãnh đạo, một lãnh tụ chính trị tài năng. Hàng nghìn và hàng nghìn người theo nó, và tôi bảo đảm rằng sớm hay muộn nó sẽ trở thành thủ tướng của đất nước này”.
Sau đó người bạn nói, “Ôi chao! Ông thật quá may mắn! Thế còn cậu thứ ba, Izzie, thì sao?”
Người cha trở nên rất buồn và nói, “Izzie ư? Nó vẫn là Izzie. Nó là một thợ may. Nhưng tôi nói với ông rằng nếu không có Izzie thì tất cả chúng tôi đều đã chết đói rồi”.
Nhưng người cha này lại buồn vì Izzie chỉ là một người thợ may. Và nhà thơ và chính khách nổi tiếng, lãnh tụ tài năng - họ là những giấc mơ. Izzie là thực tại - người thợ may. “Nhưng nếu không có Izzie thì tất cả chúng tôi đều đã chết đói rồi”, ông ta nói.
Bạn đã không thể tồn tại đến thời điểm này nếu nó đã không tồn tại. Điều đó là thực. Nhưng bạn không bao giờ hạnh phúc về điều đó. Bạn hạnh phúc trong những giấc mơ về tương lai của mình với giải Nobel, với ghế thủ tướng. Ngay bây giờ, “Izzie chỉ là một người thợ may”. Thực tại của bạn là nơi bạn đặt nền móng; những giấc mơ của bạn không phải là nền móng của bạn. Chúng là giả. Hãy chấp nhận thực tại của bạn trong phút giây hiện tại. Hãy trực diện nó, đối diện nó dù nó là gì, và đừng cho phép tâm trí đi vào tương lai. Tương lai là ham muốn. Nếu bạn có thể ở đây và bây giờ, bạn là một vị phật. Nếu bạn không thể ở đây và bây giờ thì tất cả cũng chỉ là mộng ảo.
Và bạn sẽ phải quay trở lại bởi vì những giấc mơ không thể dẫn bạn tới đâu. Chúng chỉ có thể dẫn bạn tới hy vọng và thất vọng, mà không có gì thực xuất hiện thông qua chúng. Nhưng nên nhớ quan điểm của tôi rằng bạn không thể bắt chước. Bạn sẽ phải trải qua đau khổ. Đau khổ là con đường. Nó làm cho bạn thanh khiết, nó làm cho bạn tỉnh táo, nó làm cho bạn nhận biết. Bạn càng nhận biết thì bạn càng ít ngập trong ham muốn. Nếu bạn hoàn toàn nhận biết, phi ham muốn xảy ra, và thiền có nghĩa là sự nhận biết hoàn hảo.
Câu hỏi 2
Xin hãy giải thích làm sao con người có thể được chuyển hóa về tâm linh bởi việc sống hết mình trong những hành động như giận dữ, ghét và bạo lực.
Đúng, bạn có thể được chuyển hóa hoàn toàn thông qua giận dữ, thông qua ghét, thông qua bạo lực. Và không có cách nào khác - bởi vì bạn tồn tại trong bạo lực, trong giận dữ, trong tham lam, trong mê đắm. Từ chính nơi bạn tồn tại, chỉ từ đó, con đường bắt đầu. Tôi sẽ không nói bạn tạo ra không tham lam để chống lại tham lam của mình; tôi sẽ nói với bạn là hãy tham lam hết mức, nhưng với tâm trí tràn đầy tỉnh táo - hãy bạo lực, hãy giận dữ, và hãy hết mức đến nỗi bạn đau khổ cùng cực, để bạn có thể cảm thấy toàn bộ sự độc hại của nó. Bạn phải trải qua ngọn lửa này. Không ai khác có thể làm thay cho bạn; không thể có sự ủy quyền nào. Bạn sẽ phải trải qua nó, và bạn luôn luôn nghĩ rằng ai khác sẽ thực hiện điều đó.
Người Cơ Đốc vẫn cứ nghĩ rằng thông qua Jesus mà có sự cứu rỗi. Điều này chưa từng xảy ra. Thế giới vẫn y như cũ. Hai nghìn năm đã trôi qua kể từ Jesus bị đóng đinh, nhưng chúng ta vẫn cứ hy vọng rằng một người nào đó sẽ chịu đựng và chúng ta sẽ chạm tới phúc lạc. Không! Mọi người phải mang cây thập giá riêng của mình. Jesus bị đóng đinh trên cây thập giá; ông ấy đã chạm tới mục tiêu. Bạn không thể chạm tới. Bạn sẽ phải tự mình trải qua việc bị đóng đinh trên cây thập giá đó. Và đó chính là những thứ như sự giận dữ, si mê, bạo lực, tham lam, ghen tuông.
Bạn đang làm gì với những thứ đó? Xã hội dạy bạn tạo ra cực đối lập. Có tham lam, nên hãy kìm nén nó và tạo ra tâm trí không tham lam. Có giận dữ, nên hãy kìm nén nó. Đừng giận dữ. Hãy ghìm năng lượng giận dữ này lại và cười lên. Điều gì xảy ra? Giận dữ liên tục được tích lũy bên trong, và bạn không ngừng trở nên giận dữ hơn, bởi vì càng nhiều năng lượng được tích lũy bên trong ở dạng kìm nén. Nó trở thành kho dự trữ trong vô thức của bạn, và để chống lại giận dữ này bạn phải liên tục cười. Nụ cười đó trở thành giả, bởi vì trong lúc giận dữ đang gõ cửa bên trong thì làm sao bạn có thể cười? Bạn có thể cười, nhưng thế thì đó chỉ là một sự giả tạo.
Thế nên bạn bị chia thành hai - một nụ cười giả và một sự tức giận thật. Nụ cười giả trở thành tính cách của bạn và sự giận dữ thật vẫn là linh hồn của bạn. Bạn bị chia tách để chống lại chính mình, và sẽ có một cuộc chiến không dứt. Và bạn không thể hạnh phúc với nụ cười giả này. Người khác không bị lừa. Bạn không thể hạnh phúc với sự giận dữ thật ẩn giấu phía sau luôn cố bộc lộ. Một nụ cười giả và một sự giận dữ thật - đây là hoàn cảnh. Tất cả thứ tốt đều là giả và tất cả thứ xấu đều là thật. Bạn mang cái thật bên trong và cái giả bạn trưng ra ngoài. Đây là tâm thần phân liệt, và mọi người đã trở nên tâm thần phân liệt, chia tách - không chỉ bị chia tách, mà còn không ngừng chiến tranh với chính mình. Toàn bộ cuộc sống và năng lượng bị lãng phí và tiêu tán trong cuộc chiến này. Và cuộc chiến này là ngu ngốc, nhưng điều này vẫn đang diễn ra.
Điều tôi đang gợi ý là gì, đừng tạo ra sự giả dối nào quanh bạn. Cái giả sẽ không bao giờ dẫn bạn tới cái thực; cái giả sẽ đẫn bạn tới cái giả hơn. Đừng làm điều giả dối, và cho phép cái thực bộc lộ hoàn toàn. Khi tôi nói điều này có thể bạn trở nên sợ, bởi vì bạo lực có đó và có thể bạn muốn giết ai đó. Vậy ý tôi là đi và giết? Không! Hãy thiền về nó. Khép cửa phòng lại và cứ để cho bạo lực của bạn diễn ra. Bạn có thể bộc lộ nó ra chiếc gối, lên bức ảnh, hay bất cứ thứ gì. Không cần thiết phải đi và giết ai đó, bởi vì điều đó sẽ không ích gì. Điều đó sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn và gây ra một chuỗi bạo lực.
Viết tên kẻ thù của bạn hay tên người bạn lên trên chiếc gối - và nên nhớ chúng ta tức giận với những người bạn của chúng ta hơn là những kẻ thù của chúng ta. Hãy đặt ảnh của vợ bạn hay chồng bạn lên chiếc gối, và để bạo lực của bạn bộc lộ ra. Hãy đánh chiếc gối, giết chiếc gối, và làm bất cứ điều gì bạn cảm thấy. Và đừng cảm thấy rằng bạn đang làm một điều ngu ngốc. Đây là điều bạn muốn làm với đối tượng thực, và như thế thì sẽ ngu ngốc hơn. Đừng nghĩ rằng điều này là ngớ ngẩn. Đây là cách bạn tồn tại: bạn là ngớ ngẩn, và bạn không thể thay đổi chỉ bởi kìm nén nó. Hãy nhìn vào sự ngớ ngẩn này: nhìn thấy rằng đây là cách bạn đang sống. Cứ bộc lộ hết mình; cứ hành động. Và nếu bạn có thể là thực, lần đầu tiên bạn sẽ nhận ra giận dữ là gì, bạo lực ẩn giấu bên trong bạn là gì. Bạn là một núi lửa, và núi lửa này có thể phun trào bất cứ lúc nào.
Núi lửa này có thể phun trào trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nó đang trồi lên mỗi ngày. Ai đó giết ai đó, và chỉ ngày trước đó anh ta bình thường như bạn. Không có ai nghi ngờ rằng anh ta sẽ là một kẻ giết người. Không có ai nghi ngờ về bạn, và trong tâm trí mình bạn có rất nhiều ý định giết người. Bạn đã nghĩ, bạn đã lên kế hoạnh về điều đó nhiều lần. Ý tưởng giết ai đó hay giết chính bạn đã đến với bạn. Nó đã xảy ra với bạn nếu bạn không tuyệt đối ngu ngốc. Các nhà tâm lý nói rằng một người thông minh buộc phải nghĩ đến tự sát ít nhất mười lần trong đời mình - ít nhất là mười lần! - và một nghìn lần bạn nghĩ đến việc giết ai đó. Bạn không bao giờ thực hiện điều đó, đó là vấn đề khác. Bạn có thể thực hiện; khả năng này luôn có thể xảy ra.
Hãy biến giận dữ của bạn thành một hành động toàn bộ trong thiền, và hãy quan sát những gì xảy ra. Bạn sẽ cảm thấy nó đến từ toàn bộ cơ thể bạn. Nếu bạn cho phép nó, thì mọi tế bào của cơ thể bạn sẽ tham gia. Mọi tế bào, mọi thớ gân của cơ thể bạn sẽ trở nên bạo lực. Toàn bộ cơ thể bạn sẽ ở trong một trạng thái điên khùng. Nó sẽ hóa điên, nhưng cho phép nó và đừng kìm giữ. Hãy tuôn chảy cùng dòng sông, và sau một cơn lốc lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy một trung tâm sâu bên trong mình. Một sự tĩnh tại tinh tế sẽ xuất hiện. Khi giận dữ đã ra đi, sẽ không còn sự ăn năn bởi vì bạn đã không thực hiện điều đó với bất cứ ai. Sẽ không có tội lỗi. Bạn sẽ được dỡ gánh nặng. Khi giận dữ này bị tống ra ngoài và tĩnh lặng xuất hiện, tĩnh lặng đó là thực - không do áp đặt.
Bạn có thể ngồi như một vị phật trong tư thế padmasana, trong một tư thế yoga. Bạn có thể ép buộc mình, nhưng con khỉ bên trong bạn cứ liên tục nhảy nhót. Lúc này chỉ có cơ thể là tĩnh. Tâm trí còn điên khùng hơn trước đó. Bất cứ khi nào bạn ngồi thiền, bạn cảm thấy điều gì đó đang diễn ra. Bạn chưa bao giờ quá huyên náo bên trong khi bạn đang không thiền, vậy tại sao bất cứ lúc nào bạn thiền lại huyên náo thế? Tại sao tâm trí lại lang thang như thế? Tại sao lại có quá nhiều ý nghĩ như mây mù thế? Đó là vì cơ thể bạn tĩnh, và thông qua sự tĩnh tại này của cơ thể mà bạn có thể cảm nhận cái tính khỉ của tâm trí rõ hơn. Bởi có sự tương phản.
Nhưng sự tĩnh lặng do ép buộc thì không ích gì. Hoặc bạn sẽ không thành công hoặc nếu bạn sẽ thành công thì bạn sẽ rơi vào giấc ngủ. Một sự tình lặng do ép buộc, nếu thành công thì lại trở thành giấc ngủ. Điều này tốt nếu bạn cần giấc ngủ; ngoài việc đó ra thì nó là vô dụng. Sự tĩnh lặng thực sự luôn xảy ra chỉ khi năng lượng bị dồn nén nào đó được xả ra hoàn toàn. Sự xáo động này là vì năng lượng dồn nén đó. Năng lượng bị ép đó đang cố nổi lên, đó là rắc rối, đó là sự xáo động bên trong. Khi nó được xả ra, bạn được dỡ gánh nặng.
Khi đó mọi sợi cơ trong con người bạn được thư giãn. Trong sự thư giãn đó bạn có thể nói rằng bạn đang trong trạng thái không giận dữ. Nó không phải là chống lại giận dữ; nó đơn giản là sự vắng mặt của giận dữ. Nên nhớ, cái thực luôn luôn là cái vắng mặt, chứ không phải là cái đối lập - không phải là cái đối lập! Nó luôn luôn là sự vắng mặt - sự vắng mặt của tham lam, sự vắng mặt của dục tính, sự vắng mặt của ghen ghét - và trong sự vắng mặt đó, thực tại của bạn nở hoa bởi vì bệnh tật đã biến đi. Bây giờ sự khỏe mạnh nội tại của bạn có thể nở hoa. Và một khi nó bắt đầu nở hoa bạn sẽ không còn tích tụ giận dữ. Bạn tích tụ giận dữ chỉ bởi vì bạn đang bỏ lỡ chính mình.
Thực ra bạn không giận dữ với bất cứ ai, bạn giận dữ bên trong bản thân mình. Nhưng bạn lại cứ phóng chiếu giận dữ đó lên người khác; nếu không bạn sẽ hóa điên, thế nên bạn liên tục tìm kiếm những nguyên cớ. Thực ra, bạn giận dữ vì bạn đang bỏ lỡ chính mình, bạn đang bỏ lỡ định mệnh của mình. Cái điều có thể với bạn thì lại đang không xuất hiện, và vì vậy mà bạn giận dữ. Không có gì đang xảy ra với bạn, và thời gian không ngừng trôi. Cái chết đang đến gần hơn, và bạn vẫn chưa từng được mãn nguyện, và có vẻ như không có khả năng được mãn nguyện. Vì điều này, vì bạn đang không nhận thấy những tiềm năng của mình, vì bạn đã không trở thành cái bạn có thể trở thành, nên bạn giận dữ, bạo lực. Và rồi bạn vẫn cứ đi tìm những nguyên cớ.
Bạn trút giận dữ của bạn lên cái này, lên cái kia. Thực ra, đó không phải là vấn đề về giận dữ, và nếu bạn biến nó thành vấn đề giận dữ, sự chẩn đoán của bạn là sai. Đó là vấn đề nhận biết chính mình. Tại sao con người lại bạo lực? Tại sao con người lại phá hoại? Bởi vì anh ta giận dữ chống lại mình, chống lại chính con người mình - bởi vì anh ta là như vậy. Và thế rồi anh ta cảm thấy đang chống lại cả thế giới.
Vị phật tĩnh lặng, phi bạo lực, không phải vì vị đó đã thực hành điều này, mà vì giờ đây vị đó đã nhận ra chính mình. Bây giờ bông hoa đã đến thì nở rộ, nên không còn gì để xả ra. Vị đó mãn nguyện. Chỉ còn lại lòng biết ơn đối với tồn tại. Bây giờ không còn than phiền; không có gì sai. Khi bạn thực sự nở hoa, mọi thứ đều ổn; tất cả đều tốt vì điều này mà Phật không thể nhìn thấy những vấn đề. Tất cả đều tốt! Chính vì vậy Đức Phật không phải là một người cách mạng. Để là một người cách mạng bạn phải có khả năng nhìn thấy đau khổ, bạn phải có khả năng cảm nhận toàn bộ sự hỗn loạn xung quanh, địa ngục này. Để là một người cách mạng, bạn phải có cảm giác rằng mọi thứ đều sai. Chỉ khi đó bạn mới là một nhà cách mạng. Phật đã ở đây, trên mảnh đất này, Mahavira đã ở đây, trên mảnh đất này, nhưng họ không phải là những nhà cách mạng. Tại sao? Câu hỏi này nảy sinh: tại sao?
Khi người nào thoải mái với chính mình, mọi thứ đều tốt. Người đó không thể phá hoại, người đó chỉ có thể sáng tạo. Cuộc cách mạng của người đó chỉ có thể là một cuộc cách mạng mang tính sáng tạo, và bạn không thể nhìn thấy bất cứ điều gì sáng tạo. Khi ai đó hủy hoại một cái gì đó, chỉ khi đó nó mới trở thành tin tức; chỉ khi đó bạn mới có thể nhìn thấy.
Vị Lenin được nhìn nhận như một nhà cách mạng, chứ không như một vị phật. Hiện nay trên khắp thế giới có nhiều nhà cách mạng, và họ vẫn liên tục phát triển. Và lý do? Đó là bởi càng ngày càng ít người nhận ra tiềm năng của bản thân họ. Họ bạo lực và họ muốn hủy diệt - bởi vì nếu không có gì ý nghĩa trong cuộc đời họ thì làm sao họ có thể cảm thấy rằng có thể có ý nghĩa nào trong cuộc đời những người khác? Vị Mahavira luôn nhận biết để không sát hại thậm chí là một con côn trùng, một con muỗi, vì vị đó đã nhận ra mình. Bây giờ vị đó biết điều gì là có thể, ngay cả đối với một con muỗi. Một con muỗi không chỉ là một con muỗi, đây là một khả năng. Có một khả năng vô hạn: con muỗi này có thể trở nên linh thiêng. Mahavira không thể hủy hoại nó, đó là điều không thể. Vị ấy chỉ có thể giúp. Vị ấy chỉ có thể quan tâm đến cách làm sao giúp để tiềm năng trở thành hiện thực.
Bạn chỉ là hạt mầm. Một định mệnh to lớn ẩn chứa, nhưng không có gì được nhận ra. Tiềm năng bị lãng phí; hạt mầm vẫn giữ nguyên là hạt mầm. Bạn cảm thấy giận dữ. Thế hệ hiện đại giận dữ hơn thế hệ cũ, bởi vì có nhiều sự nhận biết về khả năng hơn nhưng lại có ít sự toại nguyện hơn. Bây giờ thế hệ mới biết rõ điều gì là có thể hơn so với thế hệ cũ. Thế hệ này đang sống với thực tế rằng có nhiều khả năng. Nhưng không có gì đang xảy ra và không có gì đang trở thành thực tế, nên lại càng thất vọng nhiều. Nếu bạn không thể là sáng tạo, ít nhất bạn có thể là phá hoại; bạn cảm nhận sức mạnh của bạn khi phá hoại. Giận dữ, bạo lực, là những sức mạnh hủy hoại. Chúng có đó bởi vì không có sự sáng tạo.
Đừng chống lại chúng. Đúng hơn là giúp chúng được giải tỏa. Đừng kìm nén chúng; cho phép chúng bốc hơi ra khỏi bạn. Thế rồi những gì bạn nghĩ là đối lập thì cũng vắng mặt. Khi chúng đã bốc hơi, bạn sẽ bất ngờ nhận thấy rằng có tĩnh lặng, có tình yêu, có lòng trắc ẩn. Chúng không phải do được tu dưỡng mà có. Chúng chỉ như dòng suối ẩn mình trong những khe đá. Bạn di dời những tảng đá và dòng suối bắt đầu tuôn chảy. Dòng suối không chống lại những tảng đá, không phải là đối lập với những tảng đá. Chỉ là sự vắng mặt của những tảng đá và một lối mở ra và dòng suối bắt đầu tuôn chảy.
Tình yêu trong bạn giống như dòng suối, sự giận dữ trong bạn giống như tảng đá. Hãy di dời nó. Nhưng bạn lại liên tục ép nó vào trong, sâu bên trong. Thế thì bạn cũng đang ép dòng suối vào sâu bên trong hơn. Quẳng tảng đá đi. Không cần dùng nó để đánh ai. Bạn muốn đánh ai đó bởi vì bạn không biết cách quẳng nó đi mà không phải đánh ai. Đó là điều tôi đang giảng: quẳng nó đi mà không cần đánh ai. Không cần đánh bất cứ ai. Và nếu bạn có thể quẳng tảng đá này mà không đánh ai thì mọi người sẽ có được lợi ích từ đó. Có thể bạn đang không ném nó lên đầu người khác, nhưng nó luôn có đó và người khác cảm thấy nó.
Khi bạn giận dữ, dù bạn kìm nén thế nào thì sự giận dữ của bạn cũng được cảm nhận. Bạn rung nó lên; quanh bạn xuất hiện một nỗi buồn tinh tế. Mọi người trở nên cảnh giác rằng một căn bệnh nào đó đã thâm nhập. Mọi người muốn rời bỏ bạn, bạn trở nên đáng ghê tởm. Chính thái độ của bạn làm bạn phát ra mùi vị tồi tệ.
Có thể bạn không nhận thấy, nhưng các nhà sinh hóa nói rằng khi người nào đang yêu, đang giận dữ hay đang hứng tình, cơ thể họ tỏa ra những mùi khác nhau - điều này có thực chứ không phải là ẩn dụ. Khi bạn giận dữ, cơ thể bạn phát ra mùi khó chịu. Khi bạn yêu, phẩm chất của mùi khác hẳn. Khi đang say tình, một mùi khác tỏa ra.
Những con thú bị thu hút bởi mùi vị - bởi vì khi con cái sẵn sàng, một mùi tinh tế tỏa ra từ tuyến dục của nó, và con đực bị hút tới. Khi không có mùi đó có nghĩa là con cái chưa sẵn sàng. Vì thế mà bạn thấy những con chó ngửi: nó có thể ngửi tình dục. Nếu bạn đang hứng tình, bạn cũng đang tỏa ra một mùi tinh tế. Nếu bạn giận giữ, cũng thế - bởi vì những hóa chất khác nhau được tiết ra trong hệ thống máu. Có thể không ai cố tình nhận thấy, nhưng mọi người vẫn nhận thấy một cách vô thức. Bạn là một gánh nặng - đáng ghê tởm, đầy tính hủy hoại. Hãy tống sự độc hại này ra khỏi hệ thống của bạn.
Thế nên hãy nhớ điều này: xả vào khoảng không thì tốt. Và bầu trời đủ rộng lớn, nó sẽ không đưa điều đó trở lại cho bạn. Nó sẽ chỉ hấp thu, và bạn sẽ được giải tỏa. Thế nên làm bất cứ điều gì một cách thiền định và trọn vẹn, thậm chí giận dữ, bạo lực, làm tình. Có thể hình dung ra cách để giận dữ một mình, nhưng bạn cũng có thể tạo ra một cuộc ái ân say đắm một mình một cách thiền định. Và bạn sẽ có một phẩm chất khác sau đó.
Khi chỉ có một mình, đóng cửa phòng bạn lại và hãy chuyển động như thể đang làm tình. Để cho toàn bộ cơ thể bạn chuyển động. Nhảy và la hét; làm bất cứ điều gì bạn cảm thấy muốn làm. Làm điều đó một cách hết mình. Quên đi mọi thứ - những ức chế xã hội, vân vân. Hãy làm tình một mình một cách thiền định, và hãy mang toàn bộ dục tính của bạn vào hành động đó.
Khi có người kia, xã hội luôn luôn hiện diện bởi vì người kia đang hiện diện. Và rất khó để ở trong một tình yêu sâu sắc đến mức bạn có thể cảm thấy như thể người kia không hiện diện. Chỉ trong một tình yêu rất sâu đậm, một sự thân mật sâu sắc thì mới có thể cùng với người yêu mà như thể người đó đang không hiện diện.
Thân mật có nghĩa là thế này: nếu bạn cùng với người yêu hay vợ hoặc chồng mình trong phòng mà không có nỗi sợ vì người kia, như thể bạn đang một mình, khi đó bạn có thể chuyển động hết mình trong hành động tình dục; ngược lại, sự hiện diện của người kia luôn làm bạn bị ức chế. Người kia đang nhìn bạn: “Cô ấy sẽ nghĩ gì? Suy nghĩ về điều gì? Anh đang làm gì? Đang hành xử như một con thú sao?”
Một người phụ nữ mới ở đây mấy hôm trước. Cô ấy đến để phàn nàn về chồng mình. Cô nói, “Tôi không thể chịu đựng nổi. Cứ khi nào ông ấy yêu tôi, ông ấy bắt đầu hành xử như một con thú”.
Khi người kia hiện diện, người kia đang nhìn bạn: “Em đang làm gì?” Và bạn đã được dạy rằng có những điều bạn có thể làm và có những điều bạn không được làm. Điều đó gây ức chế; bạn không thể chuyển động hết mình.
Nếu thực sự có tình yêu, bạn có thể chuyển động như thể bạn đang một mình. Và khi hai cơ thể trở thành một, chúng có chung một nhịp điệu. Khi đó cái hai biến mất, và tình dục có thể được giải tỏa hoàn toàn. Và nó không giống như giận dữ; giận dữ luôn xấu xí, nhưng tình dục không phải luôn luôn xấu. Đôi khi nó là thứ đẹp nhất có thể - nhưng chỉ đôi khi. Khi cuộc gặp mặt là hoàn hảo, khi hai trở thành một nhịp điệu, khi hơi thở của họ đã trở thành một và prana, năng lượng của họ chảy trong một vòng tròn, khi hai người đã hoàn toàn biến mất và hai cơ thể đã trở thành một sự hợp nhất, khi âm và dương, nam và nữ không còn nữa, thì tình dục là thứ đẹp nhất có thể. Nhưng không phải luôn luôn như thế.
Nếu không thể có điều đó thì bạn có thể mang hành động tình dục của bạn tới cực đỉnh điên cuồng và rồ dại khi bạn một mình, trong trạng thái thiền. Khép cửa phòng lại, thiền trong hành động này, và cho phép cơ thể bạn chuyển động như thể bạn đang không kiểm soát nó. Hãy nới lỏng mọi sự kiểm soát!
Đặc biệt với tantra, đôi vợ chồng có thể rất hữu ích: vợ bạn, chồng bạn hay bạn của bạn có thể rất hạnh phúc nếu cả hai đang cùng nhau thử nghiệm một cách sâu sắc. Khi đó cho phép mỗi người hoàn toàn không kiểm soát. Quên văn minh đi như thể nó chưa bao giờ tồn tại; quay trở lại Vườn Eden. Ném quả táo - trái cây kiến thức đó đi. Hãy là Adam và Eve trong Vườn Eden trước khi họ bị trục xuất. Hãy quay trở lại! Chỉ như những con thú hồn nhiên, và hãy hoạt động hết mình với dục tính của bạn. Bạn sẽ không bao giờ như cũ nữa.
Có hai điều sẽ xảy ra. Dục tính sẽ biến mất. Tình dục có thể còn nguyên, nhưng dục tính sẽ hoàn toàn biến mất. Và khi không còn dục tính thì tình dục là linh thiêng. Khi tâm trí không còn khao khát, khi bạn đang không nghĩ về nó, khi nó đã trở thành một sự tham gia đơn thuần - một hành động toàn vẹn, một sự chuyển động của toàn bộ con người bạn chứ không phải chỉ của tâm trí thì nó là linh thiêng. Dục tính sẽ biến đi đầu tiên, và sau đó tình dục có thể cũng biến theo, bởi vì một khi bạn biết cái cốt lõi sâu hơn của nó, bạn có thể đạt được cốt lõi đó mà không cần tình dục nữa.
Nhưng bạn chưa biết cái cốt lõi sâu sắc hơn đó thì làm sao bạn có thể đạt được nó? Một sự thoáng qua về nó đầu tiên xuất hiện thông qua hoạt động tình dục hết mình. Một khi điều này được biết đến thì bạn có thể tiếp tục hành trình theo những cách khác nữa. Chỉ cần ngắm một bông hoa, bạn có thể ở trong trạng thái mãn nguyện ngất ngây đó như khi bạn gặp gỡ người phối ngẫu trong trạng thái cực đỉnh. Chỉ ngắm nhìn những vì sao, bạn cũng có thể nhập vào trạng thái đó.
Một khi bạn biết con đường, bạn biết nó ở bên trong mình. Người phối ngẫu giúp bạn biết điều đó, và bạn giúp người phối ngẫu của mình biết điều đó. Điều đó bên trong bạn! Người kia chỉ là một sự gợi mở. Người kia chỉ là một sự thử thách để giúp bạn nhận ra cái điều đã luôn có bên trong mình.
Và đây cũng chính là những gì đang diễn ra giữa bậc thầy và môn đệ. Bậc thầy có thể trở thành một sự thử thách cho bạn để chỉ ra những gì luôn luôn ẩn chứa bên trong bạn. Bậc thầy không trao cho bạn bất cứ thứ gì. Vị ấy không thể trao; không có gì để trao. Và tất cả những thứ có thể được trao là không có giá trị bởi vì nó sẽ chỉ là một đồ vật.
Cái điều không thể được trao và chỉ có thể được gợi mở thì mới có giá trị. Bậc thầy chỉ đang thách thức bạn. Vị đó thách thức bạn để giúp bạn đạt đến một mức độ khi bạn có thể nhận ra điều gì đó đã có rồi. Một khi bạn biết điều đó thì không cần bậc thầy nữa.
Tình dục có thể biến mất, nhưng dục tính biến mất trước tiên. Khi đó tình dục trở thành một hành động thuần khiết, hồn nhiên; thế rồi tình dục cũng biến luôn. Rồi sau đó brahmacharya, sự tịnh dục xuất hiện. Nó không đổi lập với tình dục; nó chỉ là sự vắng mặt của tình dục. Và nên nhở sự khác biệt này. Điều này không trong sự nhận biết của bạn.
Các tôn giáo cũ không ngừng lên án sự giận dữ và tình dục như thể cả hai là như nhau hoặc như thể cả hai là cùng một thể loại; Chúng không phải như vậy ! Giận dữ là hủy hoại; tình dục là sáng tạo. Tất cả các tôn giáo cũ không ngừng lên án chủng theo cùng một cách, như thể giận dữ và tình dục, tham lam và tình dục, ghen ghét và tình dục là tương tự. Chúng không tương tự! Ghen ghét là hủy hoại - luôn luôn! Nó không bao giờ là sáng tạo; không gì có thể hình thành từ nó. Giận dữ luôn luôn là hủy hoại, nhưng tình dục không như thế! Tình dục là nguồn của sáng tạo. Đấng linh thiêng đã sử dụng nó để sáng tạo. Dục tính thì giống như ghen ghét, giận dữ và tham lam: nó luôn luôn là hủy hoại. Tình dục thì không như vậy - nhưng chúng ta không biết tình dục thuần khiết, chúng ta chỉ biết dục tính.
Người nào đang nhìn một bức ảnh khiêu dâm hay ai đó đang xem một cuốn phim tĩnh dục đồi trụy thì đang không tìm kiếm tình dục; người đó đang tìm kiếm dục tính. Tôi biết có những người không thể làm tình với vợ mình nếu trước tiên họ không xem qua một số sách báo hoặc tranh ảnh đồi trụy. Khi họ nhìn thấy những bức ảnh này, họ bị kích thích. Người vợ thực không là gì với họ. Một bức ảnh khỏa thân kích thích họ hơn. Sự kích thích đó không nằm trong bụng; sự kích thích đó ở trong tâm trí, trong đầu.
Tình dục được truyền tới đầu là dục tính; nghĩ về nó là dục tính. Sống trong nó là vấn đề khác, và nếu bạn có thể sống trong nó, bạn có thể vượt lên nó. Bất cứ điều gì được sống trọn vẹn đều dẫn bạn vượt lên. Vì thế đừng sợ bất cứ điều gì. Hãy sống trong nó! Nếu bạn nghĩ nó hủy hoại người khác thì hãy hoạt động trong nó một mình, không thực hiện nó cùng với ai khác. Nếu bạn nghĩ nó là sáng tạo, thì tìm lấy một đối tác, tìm lấy một người bạn. Hãy trở thành một cặp, một cặp theo tantra, và hoạt động trong nó hoàn toàn. Nếu bạn vẫn cảm thấy rằng sự hiện diện của người kia gây ức chế, thì bạn có thể thực hiện một mình.
Câu hỏi cuối cùng, câu hỏi 3
Người chứng ngộ có bao giờ mơ không? Xin Thầy nói cho chúng tôi đôi điều về phẩm chất và bản chất giấc ngủ của người chứng ngộ.
Không, người chứng ngộ không thể mơ. Và nếu bạn rất thích những giấc mơ thì đừng bao giờ trở nên chứng ngộ. Hãy cẩn trọng! Mơ là một phần của giấc ngủ. Điều đầu tiên là, để giấc mơ xuất hiện thì bạn phải đi sâu vào giấc ngủ. Với những giấc mơ thông thường, bạn phải đi sâu vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ bạn trở nên vô thức. Khi bạn vô thức, những giấc mơ có thể xuất hiện. Chúng chỉ xuất hiện trong sự vô thức của bạn.
Người chứng ngộ tràn đầy ý thức ngay cả khi đang ngủ. Vị ấy không thể trở nên vô thức. Ngay cả nếu bạn trao cho vị ấy thuốc mê - chloroform hay cái gì như thế - thì chỉ ngoại vi vị ấy ngủ. Vị ấy vẫn tỉnh táo; ý thức của vị ấy không thể bị quấy nhiễu.
Krishna nói trong Kinh Gita rằng khi mọi người ngủ thì vị yogi thức. Không phải là các vị yogic sẽ không ngủ trong đêm; họ cũng ngủ, nhưng giấc ngủ của họ có một phẩm chất khác. Chỉ cơ thể họ ngủ, và giấc ngủ của họ thật tuyệt. Nó là một sự nghỉ ngơi.
Giấc ngủ của bạn không phải là một sự nghỉ ngơi. Nó thậm chí có thể là một sự ráng sức, và vào buổi sáng bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hơn buổi tối. Một giấc ngủ cả đêm, và buổi sáng bạn cảm thấy mệt mỏi hơn - điều gì đang diễn ra? Bạn thật kỳ lạ!
Cả đêm là một sự náo động bên trong. Cơ thể bạn không nghỉ ngơi bởi vì tâm trí quá hoạt động. Và sự hoạt động của tâm trí buộc phải là một sự ráng sức của cơ thể, bởi vì không có cơ thể thì tâm trí không thể hoạt động. Hoạt động của tâm trí có nghĩa là hoạt động song song của cơ thể, cho nên cả đêm cơ thể hoạt động và bận rộn. Chính vì vậy mà buổi sáng bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.
Một người nào đó trở nên chứng ngộ có nghĩa là gì? Có nghĩa là: bây giờ người đó hoàn toàn tỉnh táo. Dù điều gì diễn ra trong tâm trí mình thì người đó cũng nhận biết. Và lúc bạn nhận biết, nhiều điều dừng lại hoàn toàn. Chỉ thông qua nhận biết mà chúng dừng lại. Điều đó giống như căn phòng này tối và bạn mang cây nến vào: bóng tối sẽ biến đi. Mọi thứ sẽ không biến đi. Giá sách này sẽ ở đây, và nếu chúng ta đang ngồi đây, chúng ta sẽ ở đây. Bằng việc mang cây nến vào chỉ có bóng tối biến đi.
Khi một người trở nên chứng ngộ, bây giờ người đó có ánh sáng bên trong. Ánh sáng đó là sự nhận biết. Thông qua sự nhận biết đó mà giấc ngủ biến mất - không có gì khác hơn. Và vì giấc ngủ biến mất nên phẩm chất của mọi thứ thay đổi. Bây giờ dù người đó làm gì thì cũng sẽ tỉnh táo tuyệt đối, và bây giờ sự vô thức trở nên không thể nếu được yêu cầu như là một điều kiện tiên quyết.
Người đó không thể giận dữ - không phải vì đó là một quyết định về việc không giận dữ; người đó không thể giận dữ. Sự giận dữ chỉ có thể tồn tại khi bạn vô thức. Bây giờ không có vô thức, nên không có cơ sở và không thể có giận dữ. Người đó không thể căm ghét: sự căm ghét tồn tại chỉ khi bạn vô thức. Người đó trở thành tình yêu thương - không phải vì tự người đó đưa ra bất cứ quyết định nào. Khi có ánh sáng, khi có ý thức, tình yêu tuôn chảy; điều đó là tự nhiên. Mơ trở thành không thể bởi vì mơ cần sự vô thức trên hết, và người đó không còn vô thức.
Ananda, môn đệ của Đức Phật, đã ngủ trong cùng một căn phòng, cùng một chỗ với Phật, đã nói, “Điều này như một phép lạ; điều này thật kỳ lạ. Thầy không bao giờ cử động trong lúc ngủ”. Phật luôn luôn giữ nguyên một tư thế suốt đêm. Tư thế lúc Người bắt đầu ngủ sẽ là tư thế khi thức dậy, và cánh tay chính xác ở nơi nó đã được đặt.
Có thể bạn đã nhìn thấy bức tranh Phật Phật đang ngủ. Tư thế của Người được gọi là “tư thế nằm”. Người giữ nguyên tư thế như vậy cả đêm. Ananda đã quan sát Người nhiều năm. Bất cứ khi nào ông ấy nhìn Phật ngủ, đều thấy Người giữ nguyên tư thế cả đêm. Cho nên Ananda hỏi, “Hãy nói cho tôi, thầy đang làm gì cả đêm? Thầy giữ nguyên trong một tư thế”.
Phật được cho là đã nói, “Chỉ một lần tôi đã cử động trong giấc ngủ, nhưng khi đó tôi chưa là một vị phật. Chỉ trước đó, chỉ ít ngày trước khi sự chứng ngộ xảy ra, tôi đã cử động trong khi ngủ. Nhưng rồi bỗng nhiên tôi nhận ra và tôi tự hỏi, ‘Tại sao mình đang cử động?’ Tôi đã cử động trong vô thức mà tôi không biết. Nhưng sau khi chứng ngộ thì không cần. Nếu tôi muốn tôi có thể cử động, nhưng không có nhu cầu. Và cơ thể rất thư giãn..
Ý thức thâm nhập vào trong giấc ngủ. Nhưng bạn có thể có một tư thế cố định cả đêm và bạn sẽ không chứng ngộ. Bạn có thể thực hành điều đó; nó không khó. Bạn có thể ép mình; thế rồi trong vòng ít ngày bạn sẽ có thể thực hiện điều này. Nhưng điều đó không có giá trị gì. Nếu bạn nhìn vị Jesus cử động, đừng nghĩ, “Tại sao ông ấy đang cử động?” Điều đó tùy thuộc. Nếu Jesus cử động trong giấc ngủ của mình, ông ấy tỉnh táo. Nếu ông ấy muốn cử động, ông cử động.
Đối với tôi điều đó xảy ra hoàn toàn ngược lại. Trước khi đến với nhận biết tôi đã luôn luôn ngủ theo một tư thế suốt đêm. Tôi không nhớ đã từng cử động. Nhưng kể từ đó tôi đã cử động suốt đêm. Thậm chí năm phút là đủ cho tôi trong một tư thế. Tôi phải cử động đi cử động lại. Tôi rất biết rằng đó thực sự không phải là một giấc ngủ chút nào. Cho nên điều đó tùy thuộc. Nhưng bạn không bao giờ có thể suy diễn bất cứ điều gì từ bên ngoài. Lúc nào cũng vậy, điều này chỉ có thể từ bên trong.
Đối với người đã chứng ngộ, sự nhận biết sẽ giữ nguyên ngay cả trong giấc ngủ của mình, và thế thì không thể có những giấc mơ. Chúng cần sự vô thức - đó là một điều - và chúng cần những trải nghiệm dở dang: đó là điều thứ hai. Và đối với người chứng ngộ thì không có trải nghiệm dở dang - không có trải nghiệm chưa hoàn thiện. Mọi thứ đều hoàn thiện. Vị đó đã ăn thức ăn của mình; bây giờ vị đó không nghĩ về ăn nữa. Khi vị đó cảm thấy đói, vị đó sẽ lại ăn, nhưng khi đó không có ý nghĩ về ăn.
Vị đó đã tắm; bây giờ vị đó không nghĩ về việc tắm vào ngày mai. Khi thời gian đến, nếu vị đó còn sống, vị đó sẽ tắm. Nếu hoàn cảnh cho phép, điều đó sẽ diễn ra, nhưng không có chuyện nghĩ. Có những hành động, nhưng không có ý nghĩ nào về chúng.
Bạn đang làm gì? Bạn đang liên tục diễn tập - liên tục diễn tập cho ngày mai như thể bạn là một diễn viên và bạn phải diễn cho ai đó. Tại sao bạn lại đang diễn tập? Khi đến lúc, bạn sẽ sẵn sàng.
Người chứng ngộ sống trong từng thời điểm, trong hành động, và người đó sống toàn bộ đến mức nó không thể không hoàn thiện. Nếu một cái gì đó chưa được hoàn thiện, thì nó sẽ được hoàn thiện trong giấc mơ. Giấc mơ là một sự hoàn thiện. Nó diễn ra bởi vì tâm trí không thể cho phép bất cứ điều gì không hoàn thiện. Nếu một cái gì đó không hoàn thiện thì có một sự khó chịu bên trong. Nó tự hỏi làm cách nào để hoàn thiện. Thế rồi trong giấc mơ bạn hoàn thiện nó, và bạn thảnh thơi. Thậm chí nếu nó được hoàn thiện trong giấc mơ, thì đó cũng là một sự thư giãn đối với tâm trí.
Bạn đang mơ gì? Bạn chỉ đang hoàn thiện những hành động mà ban ngày bạn chưa thể hoàn thiện. Ban ngày bạn có thể muốn hôn một người phụ nữ, và bạn đã không thể hôn cô ấy. Bây giờ bạn sẽ hôn cô ấy trong giấc mơ của mình, và tâm trí bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn; sự căng thẳng được giải tỏa.
Giấc mơ của bạn không là gì mà là sự chưa hoàn thiện của bạn, và người chứng ngộ thì hoàn thiện. Dù người đó đang làm gì thì cũng làm một cách rất toàn bộ, hoàn toàn, đến mức không còn lại gì dở dang. Không cần bất cứ giấc mơ nào. Việc mơ vào ban đêm sẽ dừng và việc nghĩ vào ban ngày cũng sẽ dừng.
Không phải là người đó sẽ trở nên không thể suy nghĩ. Người đó có thể suy nghĩ nếu cần. Nếu bạn hỏi người đó một câu hỏi, người đó sẽ suy nghĩ ngay lập tức, và không cần diễn tập. Đầu tiên bạn nghĩ rồi bạn trả lời, nhưng câu trả lời của người đó cũng chính là ý nghĩ của người đó. Người đó nghĩ và trả lời. Nói như thế cũng không phải, bởi vì thực ra không có khoảng trống. Nó là đồng thời. Người đó nghĩ ra thành lời, và không có sự diễn tập nào, không nghĩ cũng không mơ. Người đó sống trong cuộc sống. Với việc nghĩ và mơ, bạn bỏ lỡ cuộc sống.
Nhận xét
Đăng nhận xét