Chương 43: Nhận ra cái bất biến trong vạn biến
Chương 43: Nhận ra cái bất biến trong vạn biến
27 tháng 3 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ
66. Hãy là như cũ mà không cũ đối với bạn bè cũng như với người lạ, trong sự kính trọng hay bất kính.
67. Nơi đây là môi trường của sự thay đổi không ngừng. Hãy thông qua thay đổi làm tan biến thay đổi.
Northrope nói ở đâu đó rằng tâm trí phương Tây đã không ngừng tìm kiếm thành tố mang tính lý thuyết của tồn tại - đó là mối liên hệ nhân quả về sự xuất hiện của mọi thứ, nguyên nhân là gì, và làm sao có thể kiểm soát được hệ quả, làm sao con người có thể khống chế thiên nhiên. Và Northrope nói, tâm trí phương Đông đã có một cuộc phiêu lưu khác. Họ đã tìm kiếm thành tố mang tính mỹ học của thực tại - không phải là thành tố mang tính lý thuyết, mà là mang tính mỹ học.
Tâm trí phương Đông đã không quan tâm nhiều đến việc tìm ra cách để kiểm soát thiên nhiên, mà nó đã quan tâm đến việc làm sao là một với thiên nhiên - không phải là cách để chinh phục thiên nhiên, mà là cách để có một tình bạn sâu sắc với nó, một sự tham gia sâu sắc cùng nó. Tâm trí phương Tây đã xung đột, đấu tranh; tâm trí phương Đông đã có mối quan hệ huyền bí, đầy tình yêu thương. Tôi không biết Northrope sẽ đồng ý với tôi hay không, nhưng cảm nhận của tôi là khoa học là một sự thù ghét, một mối quan hệ thù ghét với thiên nhiên. Do vậy mà có vật lộn, chiến tranh, chinh phục, ngôn ngữ của chiến thắng.
Tôn giáo là mối quan hệ yêu thương, do vậy mà không có xung đột, không có đấu tranh. Nói cách khác, khoa học là thái độ nam tính, và tôn giáo là thái độ nữ tính. Khoa học là năng động, tôn giáo là thụ động. Tâm trí phương Đông là tôn giáo. Hay, nếu bạn cho phép tôi, tôi sẽ nói rằng dù ở bất cứ đâu thì tâm trí tôn giáo cũng là phương Đông. Tâm trí khoa học là phương Tây. Cho dù con người sinh ra ở phương Đông hay phương Tây thì cũng không có gì khác biệt. Tôi đang sử dụng Đông và Tây như là hai thái độ, hai cách tiếp cận, chứ không phải là hai tên gọi về mặt địa lý. Có thể bạn ra đời ở phương Tây, nhưng có thể bạn không thuộc về nó; bạn có thể là phương Đông chính cống. Có thể bạn ra đời ở phương Đông, nhưng có thể bạn không thuộc về nó; bạn có thể có tính khoa học, cách tiếp cận có thể là toán học, tri thức.
Tantra tuyệt đối phương Đông. Nó là một cách để hòa vào thực tại - cách để là một với nó, cách để làm tan biến mọi ranh giới, cách để di chuyển vào một địa hạt không phân biệt. Tâm trí thì phân biệt, tạo ra những ranh giới, những sự xác định, bởi vì tâm trí không thể làm việc mà không có những ranh giới, những sự xác định. Ranh giới càng rõ ràng thì khả năng làm việc của tâm trí càng tốt. Thế nên tâm trí cắt, chia, chặt mọi thứ ra.
Tôn giáo là làm tan biến những ranh giới để đi vào địa hạt không phân biệt, nơi không có sự xác định nào, không có giới hạn nào đối với bất cứ thứ gì, nơi mọi thứ hòa vào mọi thứ khác, nơi mọi thứ đều là mọi thứ khác. Bạn không thể cắt, bạn không thể chia tồn tại. Trong mỗi cách tiếp cận, hệ quả buộc phải là rất khác nhau. Với cách tiếp cận khoa học, với việc chia, chẻ, bạn chỉ có thể đến với những phần tử, những nguyên tử chết, bởi vì sự sống là cái gì đó không thể bị cắt thành những phần. Và thời điểm bạn cắt nó, nó không còn nữa. Điều đó như thể ai đó nghiên cứu một bản giao hưởng thông qua việc nghiên cứu từng nốt nhạc. Mỗi nốt nhạc là một phần của bản giao hưởng, nhưng nó không phải là bản giao hưởng. Bản giao hưởng được tạo ra bởi nhiều nốt hòa vào nhau. Bạn không thể nghiên cứu một bản giao hưởng bởi việc nghiên cứu những nốt nhạc.
Tôi không thể nghiên cứu bạn bởi việc nghiên cứu các bộ phận của bạn. Bạn không chỉ là một tổng toàn bộ của các phần, bạn còn nhiều hơn thế. Khi bạn chia và cắt và phân tích, sự sống biến mất; chỉ còn lại những phần vô hồn. Chính vì vậy mà khoa học sẽ không bao giờ có thể biết sự sống là gì, và dù khoa học biết được điều gì thì sẽ là về cái chết - về vật chất - chứ sẽ không bao giờ là về sự sống. Khoa học trở nên có khả năng tác động tới sự sống, biết được các phần, những phần vô hồn. Nó có thể có khả năng tác động tới sự sống, nhưng vẫn không biết được sự sống, thậm chí không chạm được. Đối với khoa học thì sự sống vẫn giữ nguyên không thể biết. Sự sống không thể được biết thông qua giải pháp công nghệ, hệ phương pháp.
Đó là lý do tại sao khoa học vẫn liên tục phủ nhận - phủ nhận bất cứ điều gì khác với vật chất. Chính cách tiếp cận đã ngăn cản bất cứ mối liên hệ nào với sự sống. Và điều ngược lại cũng vậy: nếu bạn đi sâu hơn vào tôn giáo, bạn sẽ bắt đầu từ chối vật chất. Shankara nói vật chất là ảo tưởng, nó không có đó; nó chỉ biểu hiện là vậy. Toàn bộ cách tiếp cận phương Đông đã từ chối thế gian, vật chất, bất cứ thứ gì vật chất. Tại sao? Khoa học không ngừng từ chối sự sống, điều linh thiêng, tâm thức. Những trải nghiệm tôn giáo sâu sắc hơn thì liên tục từ chối vật chất - tất cả những thứ là vật chất. Tại sao? Chính bởi cách tiếp cận. Nếu bạn nhìn vào cuộc sống mà không có sự phân biệt, thì vật chất biến mất. Vật chất là sự sống bị chia, bị phân biệt. Vật chất có nghĩa là sự sống được xác định, được phân tích thành từng phần.
Tất nhiên, nếu bạn nhìn vào sự sống mà không phân biệt và trở thành một phần của nó, hòa sâu vào nó, nếu bạn trở thành một với tồn tại như là hai người yêu trở thành một, thì vật chất biến mất. Chính vì vậy mà Shankara nói rằng vật chất là ảo tưởng. Nếu bạn thâm nhập vào tồn tại, bạn thấy nó là thế. Nhưng Marx lại nói rằng ý thức chỉ là sản phẩm phụ, nó không có thật, nó chỉ là một chức năng của vật chất. Nếu bạn phân chia sự sống thì ý thức biến mất, nó trở thành ảo tưởng. Khi đó chỉ còn lại vật chất.
Điều tôi đang định nói với bạn là thế này: Tồn tại là một. Nếu bạn tiếp cận nó thông qua phân tích, nó biểu hiện như vật chất, vô hồn. Nếu bạn tiếp cận nó bằng sự hòa nhập vào, nó biểu hiện như là sự sống, như sự linh thiêng, như tâm thức. Nếu bạn tiếp cận nó thông qua khoa học thì không thể có niềm vui hạnh phúc nào đến với bạn, bởi vì với vật chất vô hồn thì không thể có được niềm vui hạnh phúc. Nhiều nhất nó chỉ có thể là ảo tưởng. Chỉ với một sự hòa nhập sâu thì mới có thể có hạnh phúc.
Tantra là một kỹ thuật yêu thương. Chính nỗ lực là để làm cho bạn thành một với tồn tại. Cho nên bạn sẽ phải bỏ đi nhiều thứ trước khi bạn có thể thâm nhập vào. Bạn sẽ phải bỏ đi thói quen phân tích mọi vấn đề của mình; bạn sẽ phải từ bỏ thái độ đấu tranh đã bám rễ sâu, bạn sẽ phải từ bỏ lối tư duy theo kiểu chinh phục.
Khi Hillary đặt chân tới đỉnh cao nhất của dãy Himalaya, ngọn Everest, thì cả thế giới phương Tây đã thuật lại điều đó như là một sự chinh phục - chinh phục đỉnh Everest. Chỉ duy nhất trong một tu viện Zen ở Nhật bản, trên một tờ báo tường, người ta đã viết, “Everest đã có bạn” - chứ không phải bị chinh phục! Đây là sự khác biệt - “Everest đã có bạn’’... Lúc này loài người đã trở thành bạn bè với nó. Everest đã cho phép Hillary đến với nó. Đó không phải là một sự chinh phục. Chính từ “chinh phục” là thô thiển, bạo lực. Tư duy theo thuật ngữ chinh phục cho thấy sự hung hăng. Everest đã đón nhận Hillary, chào đón ông ta, và giờ đây loài người đã trở thành bạn bè; giờ đây sự ngăn cách đã được bắc cầu. Bây giờ chúng ta không còn xa lạ. Một trong chúng ta đã được Everest đón nhận. Giờ đây Everest đã trở thành một phần của ý thức con người. Đây là một cầu nối.
Thế rồi toàn bộ vấn đề trở nên hoàn toàn khác. Điều đó phụ thuộc vào cách bạn nhìn vào vấn đề. Hãy nhớ điều này trước khi đi vào các kỹ thuật. Nhớ lấy điều này: tantra là một nỗ lực yêu thương đối với tồn tại. Chính vì vậy tan tra đã sử dụng tình dục rất nhiều: bởi vì nó là một kỹ thuật yêu thương. Nó không chỉ là tình yêu giữa đàn ông và đàn bà; nó là tình yêu giữa bạn và tồn tại, và lần đầu tiên tồn tại trở nên có ý nghĩa đối với bạn thông qua một người đàn bà. Nếu bạn là một người đàn bà thì lần đầu tiên tồn tại trở nên có ý nghĩa đối với bạn thông qua một người đàn ông.
Đó là lý do tantra đã thảo luận và đã sử dụng tình dục rất nhiều. Hãy tưởng tượng bạn tuyệt đối vô dục tính - như thể mọi dục tính đã bị lấy khỏi bạn từ lúc bạn mới chào đời xem. Hãy tưởng tượng: mọi dục tính đã bị lấy hết khỏi bạn ngay từ lúc bạn ra đời. Bạn sẽ không thể yêu, bạn sẽ không thể cảm thấy sự thu hút nào đối với bất cứ ai. Sẽ rất khó để di chuyển ra khỏi chính mình. Bạn sẽ giữ nguyên khép kín, bạn sẽ không thể tiếp cận, không ra ngoài để gặp ai đó. Trong tồn tại bạn sẽ là một thứ vô hồn, khép lại với mọi nơi.
Tình dục là nỗ lực để vươn ra bên ngoài của bạn. Bạn di chuyển khỏi chính mình; ai đó khác trở thành trung tâm. Bạn bỏ bản ngã mình lại phía sau, bạn rời xa nó để gặp ai đó. Nếu bạn thực sự muốn gặp, bạn sẽ phải buông bỏ, và nếu người khác cũng muốn gặp bạn thì người đó cũng sẽ phải di chuyển ra ngoài. Hãy xem phép lạ của tình yêu - xem những gì xảy ra. Bạn di chuyển tới người kia và người kia di chuyển tới bạn. Người đó hòa vào bạn và bạn hòa vào người đó. Các bạn hoán đổi chỗ với nhau. Bây giờ người đó trở thành linh hồn bạn và bạn trở thành linh hồn người đó. Đây là một sự hòa nhập. Bây giờ các bạn đang gặp nhau. Bây giờ các bạn đã trở thành một vòng tròn. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên, khi đó bạn không còn bị khép kín trong bản ngã. Cuộc gặp mặt này có thể trở thành một bậc đá để tới cuộc gặp lớn lao hơn với vũ trụ, với tồn tại, với thực tại.
Tantra không dựa vào tri thức mà dựa vào trái tim. Nó không phải là một nỗ lực tri thức, nó là một nỗ lực cảm xúc. Nên nhớ điều này, bởi vì điều đó sẽ giúp bạn hiểu những kỹ thuật này. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào các kỹ thuật.
Hãy là như cũ mà không cũ đối với người bạn cũng như đối với người lạ, kính trọng hay bất kính.
Hãy là như cũ mà không cũ - đây là điều cơ bản. Điều gì đang diễn ra trong bạn? Hai điều đang diễn ra. Một cái gì đó trong bạn vẫn giữ nguyên như cũ, nó không bao giờ thay đổi. Bạn có thể đã không quan sát điều đó, bạn có thể còn chưa bắt gặp nó, nhưng nếu bạn quan sát bạn sẽ biết rằng một cái gì đó trong bạn vẫn giữ nguyên như cũ. Vì sự giữ nguyên như cũ đó mà bạn có thể có một sự nhận dạng. Vì sự giữ nguyên như cũ đó mà bạn cảm thấy mình được định tâm; ngược lại bạn sẽ là một sự hỗn loạn. Bạn nói, “Thời thơ ấu của tôi”. Bây giờ cái gì là còn giữ nguyên? Ai nói, “Thời thơ ấu của tôi?” Ai là “tôi, của tôi, với tôi” này?
Không có gì từ thời thơ ấu của bạn còn giữ nguyên. Nếu lần đầu tiên bạn được xem những bức ảnh thời thơ ấu của mình, bạn sẽ không thể nhận ra chúng. Mọi thứ đã thay đổi. Cơ thể bạn không còn như cũ nữa; không một tế bào nào còn được giữ nguyên. Các nhà sinh lý học nói rằng cơ thể là một dòng chảy, nó giống như dòng sông. Mỗi thời điểm nhiều tế bào chết đi và nhiều tế bào mới ra đời. Trong vòng bảy năm cơ thể bạn sẽ thay đổi hoàn toàn. Cho nên, nếu bạn sống bảy mươi năm thì cơ thể bạn tự làm mới hoàn toàn mười lần.
Cơ thể bạn đang thay đổi mỗi thời điểm, và cả tâm trí bạn nữa. Bạn không thể nhận ra bức ảnh thời thơ ấu của mình, và nếu có thể cho bạn xem bức ảnh về tâm trí thời thơ ấu của mình, thì bạn sẽ không thể nhận ra nó. Tâm trí bạn thậm chí còn hơn là một dòng chảy so với cơ thể bạn. Mỗi thời điểm mọi thứ đều thay đổi. Thậm chí chỉ trong một khoảnh khắc cũng không có gì còn như cũ nữa. Liên quan đến tâm trí thì buổi sáng bạn khác, buổi tối bạn là một người khác hoàn toàn.
Khi ai đó đến gặp Phật, trước khi người đó rời đi, Phật sẽ nói, “Nên nhớ, người đã đến gặp tôi không phải là người đang ra về. Bây giờ bạn hoàn toàn khác. Tâm trí bạn đã thay đổi”. Tất nhiên, cuộc gặp gỡ với một vị phật buộc phải thay đổi tâm trí bạn thành tốt hơn hay tệ hơn, chứ bạn không thể như cũ.
Bạn đã tới đây với một tâm trí khác; bạn sẽ ra về với một tâm trí khác. Một cái gì đó đã thay đổi. Một cái gì đó mới mẻ đã được thêm vào, một cái gì đó đã bị xóa đi. Và ngay cả nếu bạn đang không gặp bất cứ ai, nếu bạn chỉ đang giữ nguyên như là mình, thì bạn cũng không thể còn như cũ nữa. Mỗi thời điểm dòng sông đang tuôn chảy.
Heraclitus đã nói, “Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Điều này cũng có thể được nói về con người: bạn không thể gặp lại cùng một con người - không thể! Và vì thực tế này, vì sự vô minh của chúng ta về điều này mà cuộc sống trở thành một nỗi thống khổ - bởi vì bạn vẫn cứ mong đợi người kia giống như cũ. Bạn cưới một cô gái và bạn hy vọng cô ấy vẫn như cũ. Cô ấy không thể như cũ! Chưa cưới, cô ấy khác; cưới rồi cô ấy hoàn toàn khác. Người yêu là điều gì đó khác, người chồng là điều gì đó hoàn toàn khác. Bạn không thể hy vọng gặp được người yêu của mình qua người chồng của mình. Đó là điều không thể. Người yêu là người yêu; người chồng là người chồng. Lúc người yêu trở thành người chồng, mọi thứ đã thay đổi. Nhưng bạn vẫn cứ mong chờ. Điều đó gây ra nỗi khổ - nỗi khổ không cần thiết. Nếu chúng ta có thể nhận ra thực tế rằng tâm trí không ngừng vận động và liên tục thay đổi, thì chúng ta sẽ tránh được rất nhiều nỗi khổ mà không phải trả giá. Tất cả điều bạn cần là đơn giản nhận biết rằng tâm trí thay đổi.
Một người nào đó yêu bạn và thế rồi bạn vẫn cứ mong đợi tình yêu. Nhưng thời gian sau người đó ghét bạn; rồi bạn buồn phiền - không phải vì cái ghét người đó, mà chỉ vì sự mong đợi của bạn. Người đó đã thay đổi. Người đó đang sống, nên người đó buộc phải thay đổi. Nhưng nếu bạn có thể thấy được thực tại là thế, bạn sẽ không buồn. Người nào mới yêu trước đó thì sau đó có thế ghét, nhưng hãy chờ! Một lúc sau người đó sẽ lại yêu. Thế nên đừng vội vã, hãy kiên nhẫn. Và nếu người kia cũng có thể nhìn ra thói thay đổi này, thì người ấy sẽ không đấu tranh với những sự thay đổi lặp đi lặp lại này. Chúng thay đổi; đó là điều tự nhiên.
Thế nên, nếu bạn nhìn vào cơ thể mình, nó thay đổi. Nếu bạn cố gắng hiểu tâm trí mình, nó thay đổi. Nó không bao giờ như cũ. Thậm chí hai khoảnh khắc liền nhau cũng không như nhau. Tính cách bạn diễn ra như một dòng chảy. Nếu tất cả là thế và không có gì giữ nguyên liên tục, vĩnh viễn, vượt qua thời gian thì ai sẽ nhớ rằng đây là “thời thơ ấu của tôi”? Thời thơ ấu đã thay đổi, cơ thể đã thay đổi, tâm trí đã thay đổi. Thế thì ai nhớ? Thế thì ai biết về thời thơ ấu, thời thanh xuân và thời tuổi già? Ai biết?
Người biết này phải vẫn như cũ; người chứng kiến này phải giữ nguyên như cũ. Chỉ khi đó người chứng kiến mới có thể có một sự nhìn nhận. Nhân chứng này có thể nói, “Đây là thời thơ ấu của tôi, đây là thời thanh xuân của tôi, đây là thời tuổi già của tôi. Lúc này tôi đang yêu, và lúc này thì tình yêu đó đã thay đổi thành ghét”. Tâm thức chứng kiến này, người biết này, luôn luôn như cũ.
Vì vậy bạn có hai bình diện hoặc hai chiều hướng tồn tại song hành trong bạn. Bạn là cả hai - cái thay đổi đang luôn luôn thay đổi và cái không thay đổi đang luôn luôn giữ nguyên không thay đổi. Nếu bạn trở nên nhận biết hai bình diện này, thì kỹ thuật này sẽ hữu ích: Hãy là như cũ mà không cũ. Nên nhớ điều này: Hãy là như cũ mà không cũ. Bạn buộc phải là “không như cũ” ở ngoại vi, nhưng ở trung tâm thì vẫn giữ nguyên như cũ.
Hãy nhớ cái vẫn như cũ. Chỉ cần nhớ sẽ là đủ; bạn không cần phải làm bất cứ điều gì khác. Nó là không thay đổi. Bạn không thể thay đổi nó, nhưng bạn có thể quên nó. Bạn có thể quá thu hút, quá ám ảnh với thế giới thay đổi quanh bạn - với cơ thể bạn, với tâm trí bạn - bạn có thể hoàn toàn quên trung tâm. Trung tâm này bị dòng thay đổi che phủ rất nhiều - và, tất nhiên, có những vấn đề: cái gì mà cứ mãi như cũ thì khó nhớ bởi vì sự thay đổi gây ra những vấn đề.
Ví dụ, nếu một tiếng ồn thường xuyên diễn ra xung quanh bạn, bạn sẽ không nhận thức được nó. Nếu một chiếc đồng treo tường đang làm việc, tick-tock, tik-tock cả ngày, thì bạn không bao giờ nhận thấy nó. Nhưng nếu nó bỗng nhiên dừng lại, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra. Nếu có cái gì đó cứ thường xuyên như thế thì không cần chú ý. Khi có cái gì đó thay đổi, tâm trí phải chú ý. Nó tạo ra khoảng trống, và khuôn mẫu cũ rung rinh. Bạn liên tục nghe thấy nó, nên không cần phải nghe nó. Nó có đó, nó trở thành một phần của bối cảnh. Nhưng nếu bây giờ bỗng nhiên đồng hồ dừng lại, bạn sẽ trở nên nhận ra. Đột nhiên ý thức bạn sẽ đến với khoảng trống này.
Điều đó giống như nếu một chiếc răng của bạn bị rụng; thế thì lưỡi bạn liên tục chạm tới vị trí đó. Khi chiếc răng này còn đó thì lưỡi không bao giờ cố chạm nó. Bây giờ răng không còn - chỉ có một khoảng trống - thế là cả ngày, dù bạn cố thế nào thì bạn cũng không giúp được gì: lưỡi tìm khoảng trống. Tại sao? Bởi vì một cái gì đó bị mất và bối cảnh đã thay đổi. Một cái gì đó mới đã xuất hiện.
Bất cứ khi nào cái mới xuất hiện, bạn trở nên ý thức - vì nhiều lý do. Đó là một biện pháp an toàn. Điều đó là cần thiết cho cuộc sống của bạn - để sống sót. Khi có cái gì đó thay đổi, bạn phải trở nên nhận ra. Nó có thể nguy hiểm. Bạn phải chú ý, và bạn phải điều chỉnh với hoàn cảnh mới vừa xảy ra. Nhưng nếu mọi thứ đều như đã từng thì không cần thiết. Bạn không cần phải nhận biết. Và yếu tố bất biến này trong bạn, cái mà những người Hindu gọi là atman, linh hồn, thì đã luôn có đó ngay từ lúc khởi đầu, nếu đã có sự khởi đầu nào đó. Và nó sẽ đi tới tận cùng, nếu sẽ có sự tận cùng nào đó. Nó đã mãi mãi như vậy, nên làm sao bạn có thể nhận ra nó?
Vì nó mãi mãi như thế, vĩnh viễn như thế, nên bạn đang bỏ lỡ nó. Bạn chú ý đến cơ thể, bạn chú ý đến tâm trí, vì chúng đang thay đổi. Và vì bạn chú ý đến chúng mà bạn bắt đầu nghĩ rằng bạn là chúng. Bạn chỉ biết chúng; bạn trở nên bị đồng nhất.
Toàn bộ nỗ lực tâm linh là tìm ra cái bất biến trong cái thay đổi - tìm ra cái vĩnh hằng trong sự thay đổi, tìm ra cái luôn luôn như cũ. Đó là trung tâm của bạn, và nếu bạn có thể nhớ trung tâm đó, chỉ khi đó kỹ thuật này là dễ dàng - hoặc nếu bạn có thể thực hành kỹ thuật này, việc nhớ lại sẽ trở nên dễ dàng. Bạn có thể du hành từ cả hai đầu.
Hãy thử kỹ thuật này. Kỹ thuật này là, Hãy là như cũ mà không cũ đối với bạn bè cũng như đối với người lạ, trong sự kính trọng hay bất kính. Với bạn bè hay với kẻ thù, hoặc với người lạ, hãy là người “như cũ mà không cũ”. Điều đó có nghĩa là gì? Nó có vẻ mâu thuẫn. Theo cách nào đó bạn sẽ phải thay đổi, bởi vì nếu bạn của bạn đến gặp bạn, bạn sẽ phải gặp người đó khác đi, và nếu một người lạ đến, bạn sẽ gặp anh ta khác đi. Làm sao bạn có thể gặp một người lạ như thể bạn đã biết người đó rồi? Bạn không thể. Sẽ có sự khác biệt, nhưng dẫu vậy, sâu bên trong thì vẫn như cũ. Thái độ phải giữ nguyên như cũ, nhưng hành vi sẽ là “không như cũ”. Bạn không thể gặp người lạ cứ như bạn đã biết người đó rồi. Làm sao bạn có thể? Nhiều nhất thì bạn có thể giả vờ, nhưng sự giả vờ sẽ không tác dụng gì. Sẽ có sự khác biệt.
Không cần thiết giả vờ với một người bạn rằng anh ấy là một người bạn. Với một người lạ, thậm chí nếu bạn có cố hành động như thể anh ta là một người bạn, thì đó cũng sẽ là giả vờ - có một cái gì đó mới. Bạn không thể như cũ; sự không như cũ sẽ là cần thiết. Liên quan đến hành vi thì bạn sẽ khác, nhưng liên quan đến ý thức thì bạn có thể như cũ. Bạn có thể nhìn người bạn như khi nhìn người lạ.
Điều đó là khó. Bạn có thể đã nghe, “Hãy nhìn người lạ như thể người đó là một người bạn”, nhưng điều đó là không thể nếu những gì tôi đang nói là không thể. Đầu tiên nhìn người bạn của bạn như người lạ; chỉ khi đó bạn mới có thể nhìn người lạ như nhìn người bạn. Chúng tương quan lẫn nhau.
Bạn đã bao giờ nhìn những người bạn của mình như thể họ là những người lạ chưa? Nếu bạn chưa nhìn, thì bạn chưa hề nhìn chút nào. Nhìn vợ bạn xem: bạn có thực sự biết cô ấy? Có thể bạn đã sống với cô ấy hai mươi năm hay hơn, và bạn càng sống với cô ấy lâu hơn thì càng có khả năng rằng bạn sẽ quên cô ấy là một người lạ - và cô ấy giữ nguyên là một người lạ. Dù bạn yêu cô ấy thế nào, điều đó sẽ không tạo ra sự khác biệt nào.
Thực ra, nếu bạn càng yêu cô ấy hơn thì cô nhìn sẽ càng lạ hơn - bởi vì bạn càng yêu thì bạn càng đi sâu hơn và bạn càng biết cô ấy giống như dòng sông, chuyển động, thay đổi, sống động, mỗi thời điểm một khác. Nếu bạn không nhìn sâu, nếu bạn chỉ bám vào cái vỏ cô ấy là vợ mình, rằng tên cô ấy là thế này hay thế kia, thì bạn đã chọn phân mảnh cụ thể, và bạn cứ nghĩ phân mảnh đó như là vợ bạn. Và bất cứ khi nào cô ấy phải thay đổi, cô phải giấu đi những thay đổi của mình. Có thể cô ấy không trong tâm trạng yêu thương, nhưng cô phải giả vờ bởi vì bạn mong đợi tình yêu từ vợ mình.
Thế rồi mọi thứ trở thành giả dối. Cô ấy không được phép thay đổi; cô ấy không được phép là chính mình. Khi đó, có điều gì đó bị ép buộc. Toàn bộ mối quan hệ trở nên khô cứng. Càng yêu, bạn sẽ càng cảm thấy cái mô hình thay đổi này. Mỗi thời điểm bạn là một người lạ. Bạn không thể dự đoán; bạn không thể nói sáng mai chồng bạn sẽ hành xử như thế nào. Bạn có thể dự đoán chỉ nếu bạn có một người chồng vô hồn: thế thì bạn có thể dự đoán. Chỉ có thể dự đoán về những sự vật, không bao giờ về những con người. Nếu bạn có thể dự đoán được một người nào đó thì biết rõ rằng người đó là vô hồn; người đó đã chết. Sự sống của người đó chỉ là giả, nên bạn có thể dự đoán. Không thể dự đoán về những con người do có sự thay đổi này.
Hãy nhìn người bạn của mình như nhìn một người lạ; người đó là một! Đừng sợ. Chúng ta sợ những người lạ, nên chúng ta cứ quên rằng thậm chí một người bạn cũng là một người lạ. Nếu bạn cũng có thể nhìn ra cái người lạ đó bên trong người bạn của mình, thì bạn sẽ không bao giờ thất vọng bởi vì bạn không thể hy vọng điều gì từ một người lạ. Bạn coi những người bạn của mình là hiển nhiên; do vậy mới hy vọng và sau đó là thất vọng - bởi vì không ai có thể thỏa mãn những mong đợi của bạn, không có ai ở đây để thỏa mãn những mong đợi của bạn. Mọi người ở đây chỉ để thỏa mãn những mong đợi của chính mình; không có ai ở đây để thỏa mãn bạn. Mọi người ở đây để thỏa mãn chính mình, nhưng bạn lại hy vọng người khác thỏa mãn bạn và người khác hy vọng bạn thỏa mãn họ. Thế rồi xảy ra xung đột, bạo lực, tranh đấu và đau khổ.
Hãy luôn nhớ ra cái người lạ này. Đừng quên, thậm chí người bạn thân nhất của bạn cũng là một người lạ - xa cách nhất có thể. Nếu cảm nhận này, cái biết này đến với bạn, thì bạn có thể nhìn vào người lạ và bạn có thể thấy người bạn ở đó nữa. Nếu người bạn có thể là người lạ, thì người lạ có thể trở thành người bạn. Hãy nhìn một người lạ xem: người đó không biết ngôn ngữ của bạn, người đó không thuộc về đất nước bạn, người đó không thuộc về tôn giáo của bạn, người đó không thuộc về màu da của bạn. Bạn là da trắng và người đó là da đen hay bạn đen và người đó trắng. Bạn không thể giao tiếp thông qua ngôn ngữ; bạn không thuộc về cùng một nhà thờ. Cho nên không có điểm chung về quốc gia, tôn giáo, chủng tộc hay màu da - không có điểm chung nào! Người đó hoàn toàn là một người lạ. Nhưng hãy nhìn vào mắt người đó xem, và cũng nhân tính này là nền tảng chung; và cũng cuộc sống này là nền tảng chung; và cũng chính tồn tại này là gốc rễ để là bạn bè của nhau.
Có thể bạn không hiểu ngôn ngữ của người đó nhưng bạn vẫn có thể hiểu người đó. Thậm chí sự im lặng cũng có thể giao tiếp được. Bạn chỉ cần nhìn sâu vào mắt người đó, bạn sẽ nhận ra người bạn trong đó. Và nếu bạn biết cách nhìn thì thậm chí kẻ thù cũng không thể đánh lừa được bạn. Bạn có thể nhìn ra người bạn trong kẻ thù đó. Anh ta không thể chứng minh rằng anh ta không phải là bạn của bạn. Dù cách xa thế nào thì anh ta cũng gần với bạn bởi vì bạn thuộc về cùng một nguồn tồn tại, cùng một dòng sông mà anh ta cũng thuộc về. Các bạn thuộc về cùng một sự sống trên trái đất.
Nếu điều này xảy ra thì ngay cả một cái cây cũng không xa cách với bạn, ngay cả một tảng đá cũng không xa cách với bạn. Tảng đá thì rất xa lạ. Không có điểm chung nào, không có bất cứ khả năng giao tiếp nào - nhưng có cùng tồn tại. Tảng đá cũng tồn tại, tảng đá cũng tham gia vào sự sống. Anh ta có đó - tôi gọi tảng đá là “anh ta” - anh ta cũng chiếm không gian, anh ta cũng tồn tại trong thời gian. Mặt trời cũng mọc vì anh ta - như nó mọc vì bạn. Vào một ngày anh ta không còn, như bạn không còn, và vào một ngày bạn sẽ chết và anh ta cũng sẽ chết. Tảng đá này sẽ biến đi. Chúng ta gặp nhau trong tồn tại. Sự gặp gỡ đó chính là tình bạn. Chúng ta khác trong tính cách, chúng ta khác trong biểu hiện; nhưng về cốt lõi chúng ta là một.
Trong biểu hiện chúng ta là những người xa lạ, thế nên dù chúng ta có gần gũi nhau như thế nào thì chúng ta vẫn xa cách. Bạn có thể ngồi gần, bạn có thể ôm nhau, nhưng không có khả năng gần gũi hơn nữa. Liên quan đến tính cách thay đổi của bạn thì bạn không bao giờ như cũ. Bạn không bao giờ tương tự; bạn luôn luôn là người xa lạ. Bạn không thể gặp nhau, bởi vì trước khi bạn có thể gặp, bạn đã thay đổi. Không có khả năng gặp mặt. Liên quan đến cơ thể và tâm trí thì không thể có cuộc gặp mặt nào, bởi vì trước khi có thể gặp, bạn không còn như cũ nữa.
Bạn đã bao giờ quan sát chưa? Bạn cảm thấy yêu ai đó - một sự bùng phát rất mãnh liệt. Bạn ngập chìm trong nó, và lúc bạn tới và nói, “Anh yêu em”, thì nó đã biến mất. Bạn đã quan sát chưa? Có thể bây giờ nó không còn đó, có thể đó chỉ là ký ức. Nó đã có đó, nhưng bây giờ thì không. Chính việc bạn đã khẳng định nó, bộc lộ nó đã làm cho nó biến vào địa hạt của sự thay đổi. Khi bạn đã cảm thấy nó, có thể nó đã ở sâu trong cốt lõi, nhưng khi bạn mang nó ra bạn đang mang nó vào khuôn mẫu của thời gian và sự thay đổi, nó đang đi vào dòng sông. Khi bạn nói, “Anh yêu em”, thì nó đã hoàn toàn biến mất. Điều đó rất khó, nhưng nếu bạn quan sát, nó sẽ trở thành thực tế. Khi đó bạn có thể nhìn. Trong người bạn có người lạ và trong người lạ có người bạn. Thế rồi bạn có thể là như cũ mà không cũ. Bạn thay đổi ở ngoại vi; nhưng trong cốt lõi, ở trung tâm, bạn vẫn giữ nguyên như cũ.
Trong sự kính trọng hay bất kính. Ai được kính trọng và ai bị bất kính? Bạn? Không bao giờ! Chỉ thứ đang thay đổi và bạn thì không phải. Ai đó tôn vinh bạn; nếu bạn cho rằng người đó đang tôn vinh bạn, bạn sẽ gặp khó. Người đó tôn vinh một biểu hiện cụ thể trong bạn, chứ không phải bạn. Làm sao người đó có thể biết? Thậm chí bạn còn không biết mình. Người đó tôn vinh một biểu hiện cụ thể; tôn vinh điều gì đó đã biến thành tính cách thay đổi của bạn. Bạn tử tế, yêu thương; người đó tôn vinh điều ấy. Nhưng sự tử tế và tình yêu thương này chỉ ở ngoại vi. Thời điểm sau bạn sẽ không còn là yêu thương, có thể bạn lại ngập trong ghét. Có thể không có những bông hoa - mà chỉ có những cọng gai. Bạn có thể không hạnh phúc lắm. Có thể bạn chỉ buồn, chán nản. Có thể bạn thô lỗ, giận dữ. Thế thì người đó sẽ bất kính bạn. Sau đó lại là biểu hiện yêu thương. Người khác tiếp xúc không phải với bạn mà với chính những biểu hiện của bạn.
Hãy nhớ điều này, họ đang không tôn trọng hay bất kính bạn. Họ không thể tôn trọng hay bất kính, bởi vì họ không biết bạn; họ không thể biết bạn. Thậm chí bạn còn không nhận biết vê chính mình thì làm sao họ có thể? Họ có những công thức, những lý thuyết, những biện pháp và tiêu chí của riêng họ. Họ có những tiêu chuẩn và họ nói, “Nếu một người như thế và như thế thì chúng tôi sẽ kính trọng, và nếu một người như thế và như thế thì chúng tôi sẽ bất kính”. Vậy nên họ hành động theo những tiêu chí của họ, và bạn thì không bao giờ, mà chỉ những biểu hiện của bạn mới gần với những tiêu chuẩn của họ.
Họ có thể gọi bạn là tội đồ vào ngày này và thánh nhân vào ngày nọ. Hôm nay họ có thể gọi bạn là một thánh nhân và ngày mai họ có thể chống lại bạn, ném đá bạn cho đến chết. Điều gì đang diễn ra? Họ tiếp xúc với ngoại vi của bạn, họ không bao giờ tiếp xúc với chính bạn. Nên nhớ điều này, dù họ đang nói gì thì cũng không phải là về bạn. Bạn vẫn giữ nguyên bên ngoài; bạn vẫn ở ngoài. Những phán xét của họ, những đánh giá của họ, dù họ có làm gì thì cũng không thực sự liên quan đến bạn, mà chỉ với những biểu hiện theo thời gian của bạn.
Tôi sẽ kể một giai thoại Zen. Một nhà sư trẻ sống gần Kyoto. Anh ấy đẹp, trẻ, và cả thị trấn đều hài lòng. Họ tôn trọng anh. Họ tin anh là một bậc đại thánh. Thế rồi vào một ngày mọi thứ đều đảo ngược. Một cô gái đã có thai, và cô đã nói với cha mẹ mình rằng nhà sư này phải chịu trách nhiệm. Vì thế mà cả thị trấn quay lại chống anh. Họ đến và đốt cháy căn nhà tranh của anh. Lúc đó là buổi sáng, một buổi sáng mùa đông rất lạnh, và họ đã ném đứa bé cho nhà sư.
Cha của cô gái nói với anh, “Đây là con của anh, hãy nhận lấy trách nhiệm”.
Nhà sư chỉ nói, “Vậy sao?” Và đứa trẻ bắt đầu khóc, nên anh đã quên hết đám đông và bắt đầu vỗ về đứa bé.
Đám đông đã phá hủy và thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà tranh. Sau đó đứa bé đói và vì không còn tiền, nên anh phải đi xin khắp phố cho đứa bé. Lúc này ai sẽ cho anh? Chỉ mới đây anh là một vị thánh, và bây giờ anh là một kẻ tội đồ. Ai sẽ cho anh bây giờ? Bất cứ chỗ nào anh nài nỉ, họ đều đóng sầm cửa trước mặt anh. Họ đã cực lực lên án anh.
Thế rồi anh tới ngôi nhà đó - ngôi nhà của cô gái. Cô gái rất đau buồn, và cô nghe thấy đứa trẻ đang gào khóc, vì nhà sư đang đứng đó để nói, “Đừng cho tôi bất cứ thứ gì, tôi là một tội đồ. Nhưng đứa trẻ này không có tội; cô có thể cho nó bú sữa”. Sau đó cô gái thú nhận rằng chỉ để giấu cha ruột của đứa bé mà cô đã lấy tên của nhà sư đó để thay thế. Nhà sư hoàn toàn vô tội.
Thế nên cả thị trấn lại vây quanh. Họ phục dưới chân anh, bắt đầu xin anh tha thứ. Và người cha của cô gái xuất hiện, ông bế lấy đứa trẻ, vừa rơi lệ vừa nói, “Nhưng tại sao trước đó sư không nói? Tại sao buổi sáng đó sư không từ chối? Đứa trẻ không phải của sư”.
Nhà sư được cho là đã lại nói: “Vậy sao ?” Vào buổi sáng anh đã nói, “Vậy sao?” Đứa trẻ này là của tôi sao?” Và buổi chiều, anh nói, “Vậy sao? Đứa trẻ này không phải của tôi sao?”
Đây là cách câu kinh này phải được áp dụng trong cuộc sống. Trong sự kính trọng và bất kính, bạn vẫn phải như cũ mà không cũ. Trung tâm sâu thẳm nhất phải giữ nguyên như cũ, dù điều gì xảy ra với ngoại vi. Ngoại vi buộc phải thay đổi, nhưng bạn không được thay đổi. Và vì bạn là hai, ngoại vi và trung tâm, chính vì vậy mà những thuật ngữ đối nghịch, mâu thuẫn đã được sử dụng: như cũ mà không cũ... Và bạn có thể áp dụng kỹ thuật này cho mọi cặp đối lập: yêu và ghét, nghèo và giàu, tiện nghi và bất tiện, hoặc với bất cứ điều gì, vẫn như cũ mà không cũ.
Chỉ cần biết rằng sự thay đổi chỉ đang diễn ra với ngoại vi của bạn; nó không thể xảy ra với bạn, điều đó là không thể. Cho nên bạn có thể vẫn giữ tách biệt, và sự tách biệt này không bị ép buộc. Bạn đơn giản biết nó là vậy. Đây không phải là một sự tách biệt do ép buộc; đây không phải là nỗ lực từ phía bạn để giữ nguyên tách biệt. Nếu bạn có giữ tách biệt, bạn vẫn ở ngoại vi; bạn đã không biết đến trung tâm. Trung tâm là tách biệt; nó đã luôn luôn như vậy. Nó luôn vượt lên. Nó luôn luôn ở bên trên. Dù điều gì xảy ra phía dưới thì cũng không bao giờ xảy ra với nó.
Hãy thử điều này trong những tình huống trái ngược. Liên tục cảm nhận trong bạn có điều gì đó vẫn như cũ. Khi ai đó đang xúc phạm bạn, hãy tập trung chính mình vào nơi bạn chỉ đang nghe anh ta - không làm bất cứ điều gì, không phản ứng - chỉ lắng nghe. Anh ta đang xúc phạm bạn, và sau đó ai đó đang khen bạn. Chỉ lắng nghe. Chê bai - khen ngợi, tôn kính - bất kính: chỉ lắng nghe. Ngoại vi của bạn sẽ bị quấy nhiễu. Hãy nhìn vào đó nữa; đừng thay đổi nó. Hãy nhìn vào nó; giữ sâu trong trung tâm mình, nhìn từ đó. Bạn sẽ có một sự tách biệt không phải do ép buộc, mà là tự phát, tự nhiên.
Và một khi bạn đã có cảm nhận về sự tách biệt tự nhiên này thì không gì có thể quấy nhiễu được bạn. Bạn sẽ giữ nguyên im lặng. Dù điều gì xảy ra trên thế gian thì bạn sẽ vẫn không bị lay động. Thậm chí nếu ai đó đang sát hại bạn, thì chỉ có cơ thể sẽ bị ảnh hưởng - chứ không phải bạn. Bạn sẽ vẫn giữ nguyên bên trên. Cái “bên trên” này dẫn bạn đến với tồn tại, đến với phúc lạc vĩnh hằng, đến với sự thật, sự bất tử, đến với chính cuộc sống. Bạn có thể gọi nó là Thượng đế hay bạn có thể chọn thuật ngữ của riêng mình. Bạn có thể gọi đó là niết bàn, bất cứ điều gì bạn thích, nhưng trừ khi bạn di chuyển từ ngoại vi tới trung tâm, và trừ khi bạn trở nên nhận biết sự vĩnh hằng trong mình thì tôn giáo không xuất hiện với bạn, cuộc sống cũng không đến với bạn. Bạn đang bỏ lỡ, đơn giản là bỏ lỡ tất cả. Đó là điều có thể - bỏ lỡ sự kỳ diệu của cuộc sống.
Shankara nói rằng “Tôi gọi một người là sannyasin, là người biết điều gì đang thay đổi và điều gì đang không thay đổi, biết điều gì đang chuyển động và điều gì đang không chuyển động”. Điều này trong triết học Ấn Độ được biết đến như là sự phân biệt - vivek. Để phân biệt giữa hai điều này, địa hạt của sự thay đổi và địa hạt của sự không đổi - điều này được gọi là vivek, sự phân biệt, sự nhận biết.
Câu kinh này có thể được sử dụng rất sâu sắc và rất dễ dàng với bất cứ điều gì bạn đang làm. Bạn cảm thấy đói? Nhớ lại hai địa hạt này. Cái đói chỉ có thể được cảm nhận bởi ngoại vi, bởi vì ngoại vi cần thực phẩm, cần nhiên liệu. Bạn không cần thực phẩm, bạn không cần nhiên liệu, nhưng cơ thể lại cần chúng. Nên nhớ, khi cái đói xuất hiện, nó đang xuất hiện với ngoại vi; bạn chỉ là người biết nó. Nếu bạn không có đó, cái đói sẽ không được biết. Nếu cơ thể không có đó, cái đói sẽ không xuất hiện. Chỉ vì sự vắng mặt của bạn mà sẽ không có cái biết, bởi vì cơ thể không thể biết. Cơ thể có thể có cái đói, nhưng nó không thể biết. Bạn biết cái đói; bạn không thể có nó.
Cho nên đừng bao giờ nói rằng “Tôi đói”. Hãy luôn nói từ bên trong, “Tôi biết rằng cơ thể tôi đang đói”. Hãy nhấn mạnh vào cái biết của bạn. Thế rồi có sự phân biệt. Bạn đang trở nên già: đừng bao giờ nói, “Tôi đang trở nên già”. Chỉ nói, “Cơ thể tôi đang trở nên già”. Sau đó, thời điểm cái chết đến, bạn cũng sẽ biết, “Tôi đang không hấp hối; cơ thể tôi đang hấp hối. Tôi đang thay đổi cơ thể, chỉ đang thay đổi ngôi nhà”. Nếu sự phân biệt này được đào sâu hơn, vào một ngày bỗng nhiên sẽ có chứng ngộ.
Câu kinh thứ hai:
Nơi đây là môi trường của sự thay đổi không ngừng. Thông qua thay đổi làm tan biến thay đổi.
Điều đầu tiên phải hiểu là mọi thứ bạn biết thì đều thay đổi; mọi thứ đều thay đổi trừ bạn, người biết. Bạn đã thấy thứ gì không thay đổi chưa? Cả thế giới này là một hiện tượng về thay đổi. Ngay cả những đỉnh Himalaya cũng đang thay đổi. Họ nói răng - các nhà khoa học làm việc về vấn đề đó - chúng đang phát triển; những đỉnh Himalaya này là những ngọn núi trẻ nhất trên thế giới, vẫn còn là một đứa trẻ, vẫn còn đang phát triển. Chúng còn chưa trưởng thành; chúng còn chưa đạt tới điểm nơi mà từ đó một cái gì đó bắt đầu đi xuống. Chúng vẫn đang trồi lên.
Nếu bạn so sánh chúng với Vindhyachal, một ngọn núi khác, thì chúng chỉ là những đứa trẻ. Vindhyachal là một trong những ngọn núi già nhất - và có người nói đó là ngọn núi già nhất trên thế giới. Nó quá già, nó đang sụp xuống - đi xuống. Trong nhiều thế kỷ, nó đang đi xuống - chỉ đang hấp hối lúc tuổi già. Cho nên, Himalaya có vẻ rất ổn định, không thay đổi, không hoạt động, thì lại đang thay đổi. Nó như một dòng sông đá. Những tảng đá không tạo ra khác biệt, chúng cũng giống như dòng sông, bồng bềnh. Nói một cách so sánh thì mọi thứ đều đang thay đổi. Một cái gì đó có vẻ thay đổi nhiều hơn, một cái gì đó có vẻ ít thay đổi hơn, nhưng đó chỉ là tương đối.
Không có gì là bất biến mà bạn có thể biết. Hãy nhớ quan điểm của tôi: không có gì bạn có thể biết mà lại không thay đổi. Không có gì không thay đổi trừ người biết. Nhưng người biết đó luôn luôn ở phía sau. Nó luôn luôn “biết”; nó thực sự không bao giờ được biết đến. Nó không bao giờ có thể trở thành khách thể; nó luôn luôn là chủ thể. Dù bạn có làm gì hay biết gì thì nó cũng luôn luôn ở phía sau. Bạn không thể biết nó. Khi tôi nói điều này, đừng bối rối. Khi tôi nói rằng bạn không thể biết nó, ý tôi nói bạn không thể biết nó như là một khách thể. Tôi có thể nhìn vào bạn, nhưng làm sao tôi có thể nhìn vào mình theo cách như thế? Điều đó là không thể bởi vì trong một mối quan hệ về hiểu biết thì phải cần đến hai thứ - người biết và cái biết.
Thế nên khi tôi nhìn bạn, bạn là cái được biết và tôi là người biết, và việc biết này có thể tồn tại như một cây cầu. Nhưng bắc cây cầu này ở đâu khi tôi nhìn vào chính mình, khi tôi đang cố biết mình? Chỉ có mỗi tôi, một mình - tuyệt đối một mình. Bờ kia không có, nên bắc cây cầu này vào đâu? Làm sao biết chính mình?
Thế nên, biết-chính-mình là một quá trình phủ định. Bạn không thể trực tiếp biết chính mình; bạn chỉ có thể liên tục loại trừ những đối tượng của biết. Hãy cứ loại bỏ những đối tượng của biết. Khi không còn đối tượng của biết, khi bạn không thể biết bất cứ điều gì, khi không còn gì ngoài một sự trống rỗng, rỗng không - và đây chính là thiền: đơn thuần loại bỏ mọi đối tượng của biết - thế rồi đến một khoảnh khắc khi chỉ có tâm thức, nhưng không có gì để nhận thức; có việc biết, nhưng không có cái để biết. Năng lượng đơn thuần, tinh khiết của biết vẫn giữ nguyên và không còn lại gì để được biết. Không có đối tượng.
Trong trạng thái đó, khi không có gì để biết, người ta nói rằng bạn biết chính mình theo một nghĩa nào đó. Nhưng việc biết đó hoàn toàn khác biệt với mọi sự biết khác. Việc sử dụng cùng một từ cho cả hai đang dẫn đến sai lầm. Từng có những nhà huyền môn đã nói rằng việc biết-chính mình là mâu thuẫn, chính thuật ngữ là mâu thuẫn. Việc biết luôn luôn là về người khác; biết-chính-mình là điều không thể. Nhưng khi không có người khác thì có điều gì đó xảy ra. Bạn có thể gọi nó là “biết-chính-mình”, nhưng chính từ này đang gây nhầm lẫn.
Vậy nên bất cứ điều gì bạn biết đều thay đổi. Ở mọi nơi, thậm chí những bức tường này cũng đang không ngừng thay đổi. Hiện nay các nhà vật lý ủng hộ điều này. Ngay cả bức tường này nhìn vững chãi, không thay đổi, thì cũng đang thay đổi từng giây. Một dòng chảy lớn lao đang diễn ra. Mọi nguyên tử đang chuyển động, mọi điện tử đang chuyển động. Mọi thứ đang chuyển động nhanh, và chuyển động quá nhanh đến mức bạn không thể phân biệt được. Chính vì vậy mà bức tường này có vẻ rất vững chãi. Buổi sáng nó như thế này, buổi chiều nó như thế này, buổi tối nó vẫn như thế này, hôm qua nó đã như thế này và ngày mai nó sẽ như thế này. Bạn nhìn nó như thể nó vẫn như cũ, nhưng không phải vậy. Mắt bạn không thể phát hiện được sự chuyển động kỳ diệu như thế.
Chiếc quạt cũng thế. Nếu cánh quạt đang quay rất nhanh, bạn không thể nhìn thấy không gian, nó nhìn giống như một vòng tròn. Không thể nhìn được không gian vì tốc độ quay nhanh, và nếu quay nhanh hơn nữa - nhanh như các điện tử đang chuyển động - bạn sẽ không nhìn thấy cánh quạt đang quay. Bạn sẽ không thể phân biệt được sự chuyển động. Cánh quạt nhìn như đứng yên; thậm chí bạn sẽ không thể chạm vào nó. Nó sẽ như tĩnh và tay bạn sẽ không thể luồn vào những khoảng trống, bởi vì tay bạn không thể chuyển động nhanh như những khoảng trống. Trước khi bạn luồn tay vào thì cánh khác đã tới. Bạn sẽ luôn chạm vào cánh, và tốc độ quay nhanh đến mức quạt nhìn như thể không quay. Có nhiều thứ không chuyển động thì lại đang chuyển động rất nhanh: chính vì vậy mà có vẻ như chúng là tĩnh.
Câu kinh này nói rằng mọi thứ đều thay đổi: Ở đây là môi trường của sự thay đổi... Toàn bộ triết lý của Đức Phật dựa trên câu kinh này. Phật nói rằng mọi thứ là một dòng chảy, thay đổi, không cố định, và con người nên biết điều này. Phật nhấn mạnh rất nhiều về điểm này. Toàn bộ quan điểm của Người dựa trên điều này. Người nói, “Thay đổi, thay đổi, thay đổi: luôn luôn nhớ điều này”. Tại sao? Nếu bạn có thể nhớ sự thay đổi, sự tách biệt sẽ xảy ra. Làm sao bạn có thể gắn bó được khi mà mọi thứ đang thay đổi?
Bạn nhìn một khuôn mặt đẹp xem. Khi bạn nhìn vào khuôn mặt rất đẹp thì có cảm giác rằng điều này sẽ giữ mãi. Hãy hiểu điều đó thật sâu. Đừng bao giờ hy vọng rằng điều này sẽ giữ mãi. Nhưng nếu bạn biết rằng điều này đang thay đổi nhanh, rằng nó đẹp lúc này và có thể xấu lúc sau, làm sao bạn có thể cảm thấy sự gắn bó nào? Điều đó là không thể. Hãy nhìn vào một cơ thể xem: nó đang sống; thời gian sau nó sẽ chết. Tất cả đều là phù du, nếu bạn cảm nhận được sự thay đổi đó.
Đức Phật rời bỏ lâu đài, gia đình - đứa con, người vợ đẹp của ông - và khi có người hỏi, “Tại sao?” Người nói, “Ở nơi mà không có gì là vĩnh viễn thì có ích gì? Đứa trẻ sẽ chết”. Và vào đêm Phật ra đi, đứa trẻ vừa chào đời. Nó chỉ mới mấy giờ tuổi. Phật đi đến phòng của vợ mình để nhìn lần cuối. Lưng người vợ quay ra cửa. Cô đang ôm đứa trẻ ngủ trong vòng tay mình. Phật đến để nói lời tạm biệt, nhưng rồi Người đã cưỡng lại. Người nói, “Có ích gì?”
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí Người, “Đức trẻ chỉ mới một ngày tuổi, chỉ mới mấy giờ tuổi, và mình phải nhìn xem”. Nhưng rồi Người nói, “Có ích gì? Mọi thứ đều đang thay đổi. Hôm nay là ngày sinh của nó, và ngày mai nó sẽ chết. Và ngày trước nó còn chưa có mặt ở đây. Bây giờ nó ở đây, và vào một ngày nó lại sẽ không ở đây. Thế nên có ích gì? Mọi thứ đều đang thay đổi”. Người rời đi - quay lại và ra đi.
Khi ai đó hỏi, “Tại sao ông bỏ lại tất cả?” Người nói, “Tôi đi tìm kiếm cái không bao giờ thay đổi, bởi vì nếu cứ bám vào cái thay đổi thì sẽ phải thất vọng. Nếu tôi cứ bám vào cái đang thay đổi thì tôi là kẻ ngu, bởi vì nó sẽ thay đổi, nó sẽ không mãi như vậy. Thế rồi tôi sẽ phải thất vọng. Cho nên tôi đi tìm cái không bao giờ thay đổi. Nếu có thứ gì không bao giờ thay đổi, chi khi đó cuộc sống mới có giá trị và ý nghĩa. Ngược lại mọi thứ chỉ là phù du”. Toàn bộ giáo lý của Người dựa trên sự thay đổi.
Câu kinh này tuyệt đẹp. Câu kinh này nói, Thông qua thay đổi làm tan biến thay đổi. Phật không bao giờ nói phần thứ hai. Phần thứ hai về cơ bản là của tantra. Phật sẽ nói rằng mọi thứ đều thay đổi; hãy cảm nhận điều đó, và thế thì bạn sẽ không bám vào nó nữa. Và khi bạn không bám vào nó, dần dần, bằng việc loại bỏ mọi thứ thay đổi, bạn sẽ tự rơi vào trung tâm, nơi không có sự thay đổi. Chỉ liên tục loại bỏ sự thay đổi, và bạn sẽ tới nơi không chuyển động, tới trung tâm - tâm của bánh xe. Đó là lý do mà Phật đã chọn bánh xe như là biểu tượng tôn giáo của mình: bởi vì bánh xe chuyển động, nhưng tâm để cho bánh xe chuyển động lại đứng yên. Cho nên sansara - thế gian - chuyển động như bánh xe. Tính cách bạn chuyển động như bánh xe, và cối lõi sâu thẳm bạn giữ nguyên là trung tâm để bánh xe chuyển động. Nó giữ nguyên bất động.
Đức Phật sẽ nói cuộc sống là vô thường. Người sẽ đồng ý với phần đầu. Phần tiếp theo - phần thứ hai - là đặc trưng của tantra: Thông qua thay đổi làm tan biến thay đổi. Tantra nói đừng rời bỏ những gì đang thay đổi; hãy đi vào nó. Đừng bám vào, hãy cùng chuyển động. Tại sao lại sợ? Hãy đi vào nó, sống cùng nó. Cho phép nó xảy ra, và bạn di chuyển vào trong nó. Hãy làm tiêu tan nó bởi chính nó. Đừng sợ, đừng lảng trốn. Bạn sẽ trốn đi đâu? Làm sao bạn có thể trốn? Mọi nơi đều là thay đổi. Tantra nói mọi nơi đều là thay đổi. Bạn sẽ trốn đi đâu? Bạn có thể đi đâu?
Bất cứ nơi đâu bạn đến cũng sẽ có sự thay đổi. Mọi sự lảng trốn đều vô ích, nên đừng cố trốn. Thế thì phải làm gì? Đừng bám vào. Hãy sống với thay đổi, hãy là thay đổi. Đừng gây ra cuộc chiến nào với nó. Hãy di chuyển cùng với nó. Dòng sông đang tuôn chảy; bạn tuôn chảy cùng với nó. Thậm chí không bơi; cho phép dòng sông mang bạn đi. Đừng tranh đấu với nó, đừng lãng phí năng lượng của mình vào cuộc chiến; chỉ thư giãn. Hãy buông bỏ và di chuyển cùng với dòng sông.
Điều gì sẽ xảy ra? Nếu bạn có thể di chuyển cùng với dòng sông mà không có xung đột nào, không có hướng nào của riêng bạn, nếu hướng của dòng sông là hướng của bạn, bỗng nhiên bạn sẽ nhận ra rằng mình không phải là dòng sông. Bạn sẽ trở nên nhận ra rằng mình không là dòng sông! Hãy cảm nhận điều đó. Vào một ngày hãy thử điều đó trên một dòng sông. Hãy đi tới đó, thư giãn, và cho phép dòng sông mang bạn đi. Đừng chống lại; hãy trở thành dòng sông. Bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy rằng dòng sông là tất cả quanh bạn, nhưng bạn không phải là dòng sông.
Bạn có thể quên điều này khi cứ đấu tranh. Chính vì vậy mà câu kinh nói, Thông qua thay đổi làm tan biến thay đổi. Đừng đấu tranh. Không cần thiết bởi vì sự thay đổi không thể xâm nhập vào bạn. Cho nên đừng sợ. Hãy sống trên thế gian. Đừng sợ bởi vì thế gian không thể xâm nhập vào bạn. Hãy sống cùng nó. Đừng chọn cách này hay cách nọ.
Có hai dạng người: một là sẽ bám vào thế giới thay đổi và dạng kia là sẽ trốn tránh. Nhưng tantra nói nó luôn thay đổi, nên bám vào hay trốn tránh cũng đều vô ích. Có ích gì? Phật nói, “Giữ nguyên trong thế giới thay đổi thì có ích lợi gì?” Tantra nói, “Trốn tránh khỏi nó thì có ích lợi gì?”
Cả hai đều vô ích. Đúng hơn là, hãy cho phép nó xảy ra. Bạn không liên quan tới nó; nó đang xảy ra, thậm chí không cần đến bạn. Bạn không thay đổi và thế giới đang thay đổi, và bạn sẽ không thay đổi và thế giới sẽ không ngừng thay đổi - cho nên tại sao lại tạo ra sự ồn ào về nó?
Thông qua thay đổi làm tan biến thay đổi. Đây là thông điệp rất sâu sắc. Làm tan biến giận dữ thông qua giận dữ, làm tan biến dục tính thông qua tình dục, làm tan biến tham lam thông qua tham lam, làm tan biến sansana thông qua sansana. Đừng chiến tranh với nó, hãy thư giãn, bởi vì chiến tranh gây căng thẳng và chiến tranh mang đến lo lắng, đau khổ, và bạn sẽ bị xáo trộn không cần thiết. Hãy cho phép thế gian như nó là vậy.
Có hai dạng người. Một là dạng những người không thể cho phép thế giới như nó là vậy. Họ được gọi là những người cách mạng. Họ sẽ thay đổi nó, họ sẽ chiến đấu để thay đổi nó. Họ sẽ hủy hoại toàn bộ cuộc sống của họ để thay đổi nó, và nó thì đang liên tục thay đổi rồi. Nó vẫn đang thay đổi mà không cần đến họ, họ sẽ chỉ tiêu diệt chính họ. Họ sẽ bị thiêu cháy trong khi cố thay đổi thế gian, và thế gian thì đang liên tục thay đổi rồi. Không cuộc cách mạng nào là cần đến. Chính thế gian là một cuộc cách mạng, nó đang liên tục thay đổi.
Có thể bạn thắc mắc tại sao Ấn Độ đã không tạo ra cuộc cách mạng lớn nào. Đó chính là vì sự thấu hiểu rằng mọi thứ đang thay đổi rồi. Tại sao bạn lại bị khuấy động để thay đổi nó? Bạn không thể thay đổi nó cũng không thể ngăn chặn sự thay đổi. Nó đang thay đổi. Tại sao lại lãng phí bản thân mình?
Có một dạng tính cách luôn cố thay đổi thế giới. Trong con mắt tôn giáo thì dạng người này là loạn thần kinh. Thực ra, người đó sợ đến với chính mình, vì vậy người đó cứ cố và trở nên bị ám ảnh với thế giới. Nhà nước phải được thay đổi, chính quyền phải được thay đổi, xã hội, cấu trúc, kinh tế, mọi thứ phải được thay đổi, và dạng người này sẽ chết, và dạng này sẽ không bao giờ có được giây phút hạnh phúc để có thể biết mình là như thế nào, và thế giới sẽ vẫn tiếp diễn, bánh xe sẽ vẫn quay. Người ta đã nhìn thấy nhiều nhà cách mạng, và sự thay đổi vẫn diễn ra. Bạn không thể dừng nó lại và bạn cũng không thể đẩy nhanh sự thay đổi này.
Đây là thái độ của nhà huyền môn: các nhà huyền môn nói rằng không cần thay đổi thế gian. Nhưng các nhà huyền môn cũng có hai dạng. Một dạng nói sẽ không cần thay đổi thể gian, nhưng cần phải thay đổi chính mình. Dạng đó cũng tin vào sự thay đổi - không phải thay đồi thể gian mà thay đổi chính mình.
Nhưng tantra nói không cần phải thay đổi bất cứ ai - cả thế gian lẫn chính mình. Đó là cốt lõi sâu sắc nhất của thuyết huyền bí. Bạn không cần phải thay đổi thế gian và bạn cũng không cần phải thay đổi chính mình. Bạn chỉ cần biết rằng mọi thứ đang thay đổi, hãy hòa vào sự thay đổi và thư giãn trong sự thay đổi.
Và khi không có nỗ lực để tạo ra bất cứ thay đổi nào, thì bạn có thể hoàn toàn thư giãn - bởi vì nếu có nỗ lực thì bạn không thể thư giãn. Khi đó sẽ có căng thẳng bởi vì trong tương lai điều gì đó giá trị sẽ xảy ra: thế giới sẽ thay đổi. Thế giới sẽ trở thành cộng sản, hay thiên đường hạ giới sẽ tới, hay thể chế không tưởng nào trong tương lai, hay bạn sẽ vào vương quốc của Thượng đế, hay vào moksha. Ở nơi nào đó trên thiên đường các, thiên thần đang chờ để chào đón bạn - nhưng "nơi nào đó" là tương lai. Vì quan niệm này mà bạn sẽ căng thẳng.
Tantra nói hãy quên điều đó đi. Thế giới đang thay đổi rồi và bạn cũng đang thay đổi rồi. Thay đổi là tồn tại, nên đừng trở nên lo lắng về điều đó. Nó đang xảy ra rồi khi không có bạn; bạn không được cần đến. Bạn chỉ hòa vào nó mà không lo lắng về tương lai, và bỗng nhiên giữa sự thay đổi, bạn sẽ biết được một trung tâm bên trong mình chưa bao giờ thay đổi, nó vẫn giữ nguyên là chính nó - vẫn như cũ.
Tại sao điều đó xảy ra? Bởi vì nếu bạn thư giãn, thế thì bối cảnh thay đổi đem đến cho bạn sự tương phản, và thông qua nó bạn có thể cảm nhận sự không thay đổi. Nếu bạn có bất cứ nỗ lực nào để thay đổi thế giới hay chính bạn, thì bạn không thể nhìn vào trung tâm nhỏ bé bất động bên trong mình. Bạn bị ám ảnh quá nhiều với sự thay đổi, bạn không thể nhìn thấy vấn đề là gì.
Sự thay đổi ở khắp xung quanh. Sự thay đổi trở thành bối cảnh, sự tương phản, và bạn thư giãn. Vì thế trong tâm trí bạn không có tương lai - không có những suy nghĩ tương lai. Bạn ở đây bây giờ; khoảnh khắc này là tất cả. Mọi thứ đều đang thay đổi, và bỗng nhiên bạn trở nên biết được một điểm bên trong mình không bao giờ thay đổi. Thông qua thay đổi làm tan biến thay đối. Đây chính là điều được ngụ ý bởi Thông qua thay đổi làm tan biển thay đổi.
Đừng đấu tranh. Thông qua cái chết trở thành bất tử; thông qua cái chết cho phép cái chết biến mất. Đừng chiến đấu với nó. Quan điểm của tantra là khó hiểu, bởi vì tâm trí của chúng ta muốn làm điều gì đó và đây lại là không-làm. Chỉ thư giãn, không làm gì, nhưng đây là một trong những bí mật kỳ diệu nhất. Nếu bạn có thể cảm nhận được điều này, bạn không cần bận tâm về bất cứ điều gì khác. Chính kỹ thuật này có thể mang đến cho bạn tất cả.
Thế rồi bạn không cần làm bất cứ điều gì, bởi vì bạn đã biết được điều bí mật rằng sự thay đổi có thề tan biến thông qua thay đổi, và cái chết có thể tan biến thông qua cái chết, và thông qua tình dục, dục tính có thể tan biến, và thông qua giận dữ, giận dữ có thể tan biến. Bây giờ bạn đã biết được điều bí mật rằng thông qua thuốc độc, thuốc độc có thể tan biến.
Nhận xét
Đăng nhận xét