Chương 45: Giữ nguyên với cái thực.

Sách của những bí mật - Tập 3
Book of secrets - Volume 3
Osho

 
Chương 45: Giữ nguyên với cái thực.

29 tháng 3 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ

68. Như gà mẹ nuôi đàn gà con, hãy nuôi dưỡng những cái biết cụ thể, những việc làm cụ thể, trong thực tại.

69. Bởi, sự thật là, sự ràng buộc và tự do có liên quan với nhau, nên những từ này chỉ dành cho những người khiếp sợ vũ trụ. Vũ trụ này là sự phản chiếu của tâm trí. Như khi bạn thấy nhiều mặt trời trong nước từ một mặt trời, hãy thấy sự ràng buộc và sự giải thoát cũng như thế.

Huệ Năng đã hỏi một người, “Vấn đề là gì? Con người căn cứ vào đâu để có thể hiểu về nguồn gốc của mình và tạo ra một vài nỗ lực để biết mình là ai?”

Tại sao con người sẽ không biết khi không có nỗ lực nào? Tại sao vấn đề vẫn chưa được giải quyết? Bạn tồn tại, bạn biết mình tồn tại - vậy tại sao bạn không thể biết mình là ai? Bạn bị lỡ chỗ nào? Bạn ý thức. Bạn ý thức rằng bạn ý thức. Bạn đang sống cuộc sống của mình. Tại sao bạn không nhận biết được mình là ai? Điều gì trở thành rào cản? Điều gì ngăn cản bạn khỏi cái biết-chính-mình cơ bản này? Nếu bạn có thể hiểu rào cản đó thì nó có thể bị phá bỏ rất dễ dàng.

Vậy nên câu hỏi thực sự là làm sao biết chính mình. Câu hỏi thực sự là để biết tại sao bạn không biết chính mình, tại sao bạn lại đang bỏ lỡ một thực tế rõ ràng như thế, một sự thật cơ bản rất gần với bạn như thế, tại sao bạn vẫn cứ không nhìn thấy. Chắc hẳn bạn đã tạo ra một phương tiện; nếu không thì khó mà trốn tránh được bản thân mình. Bạn chắc đã tạo ra những bức tường; theo một nghĩa nào đó, bạn chắc đang tự lừa chính mình.

Vậy đâu là thủ thuật để trốn khỏi chính mình, để không biết mình? Nếu bạn không hiểu thủ thuật đó, bất cứ điều gì bạn làm cũng sẽ không ích gì - bởi vì thủ thuật đó vẫn còn nguyên, và bạn vẫn cứ hỏi cách để biết chính mình, cách để biết sự thật, cách để biết thực tại, và cuối cùng bạn vẫn tiếp tục dựng lên rào cản. Bạn không ngừng tạo ra nó nên dù bạn làm bất cứ điều gì thì cũng sẽ không ích gì.

Thực ra, để biết chính mình thì không cần khẳng định bất cứ điều gì mà chỉ cần phủ định một cái gì đó. Theo một nghĩa nào đó, bạn chỉ phải phá bỏ chính rào cản mà bạn đã dựng lên, và ngay khi rào cản không còn thì bạn sẽ biết. Bạn sẽ biết khi không còn rào cản; bạn không thể tạo ra bất cứ nỗ lực chủ động nào đối với nó. Bạn chỉ cần biết mình đang bỏ lỡ nó như thế nào.

Cho nên, để biết tại sao bạn đang bỏ lỡ nó, bạn cần hiểu một số điều. Một: bạn sống trong những giấc mơ của mình, thế thì những giấc mơ trở thành những rào cản. Thực tại không phải là giấc mơ. Nó có thật, nó bao quanh bạn ở khắp mọi nơi. Nó có đó, ở bên trong lẫn bên ngoài - bạn không thể nào lỡ nó - nhưng bạn lại đang mơ. Thế rồi bạn đi vào một chiều hướng khác không phải là thực tại. Thế rồi bạn cứ sống trong một thế giới mơ. Thế rồi những giấc mơ trở nên giống như những đám mây quanh bạn, và chúng tạo ra rào cản. Bạn không thể biết sự thật nếu tâm trí không chấm dứt mơ tưởng. Và khi bạn nhìn thông qua những giấc mơ thì thực tại bị bóp méo, và mắt bạn phù đầy những giấc mơ, và tai bạn chìm trong những giấc mơ, và tay bạn ngập trong những giấc mợ.

Thế nên, bất cứ điều gì bạn chạm vào cũng được chạm bởi những giấc mơ, và bất kỳ điều gì bạn nhìn thấy cũng được nhìn thông qua những giấc mơ, và bất cứ điều gì bạn nghe thấy cũng được nghe thông qua những giấc mơ, và bạn bóp méo mọi thứ. Bất cứ điều gì chạm tới bạn thì cũng thông qua những giấc mơ, và chúng thay đổi mọi thứ, chúng tô màu mọi thứ. Chính bởi tâm trí mơ này mà bạn đang bỏ lỡ thực tại bên ngoài và thực tại bên trong. Bạn có thể cứ tìm những cách thức và những phương tiện để đến với thực tại, nhưng bạn cũng sẽ đang cố làm điều đó thông qua tâm trí mơ của mình. Cho nên bạn có thể mơ những giấc mơ tôn giáo - bạn có thể mơ những giấc mơ về thực tại, về sự thật, về Thượng đế, về Christ và Phật - nhưng đó cũng sẽ chỉ là mơ. Mơ phải chấm dứt, và bạn không thể biết thực tại thông qua giấc mơ.

Tôi ngụ ý gì khi nói “đang mơ”? Ngay bây giờ bạn đang nghe, nhưng có một giấc mơ, và giấc mơ đó liên tục diễn giải những gì đang được nói. Bạn đang không nghe tôi; bạn đang nghe chính mình, bởi vì bạn cũng đang đồng thời diễn giải - có đúng vậy không? Bạn đang nghĩ về những gì đang được nói. Vì sao phải nghĩ? Chỉ nghe, đừng nghĩ, bởi vì nếu bạn nghĩ bạn không thể nghe, và nếu bạn cứ vừa nghĩ vừa nghe thì dù bạn nghe được gì thì đó cũng chỉ là tiếng động của riêng bạn. Nó không phải là những gì được nói. Hãy dừng nghĩ; hãy để cho lối nghe thông thoáng, không có những ý nghĩ. Khi đó bạn mới nghe rõ những gì được nói.

Khi nhìn bông hoa, hãy thôi mơ. Đừng cho phép mắt bạn bị phủ đầy bởi những ý nghĩ và những giấc mơ về quá khứ và tương lai, bởi những gì bạn biết về những bông hoa. Thậm chí đừng nói, “Bông hoa này đẹp”, bởi vì thế thì bạn đang bỏ lỡ thực tại. Những lời này sẽ trở thành rào cản. Bạn nói, “Bông hoa này đẹp”, và ngôn từ đã đi vào: thực tại được diễn giải thông qua ngôn từ. Đừng cho phép những ngôn từ tập trung xung quạnh bạn. Hãy nhìn trực tiếp, nghe trực tiếp và tiếp xúc trực tiếp.

Khi bạn chạm vào một người nào đó, chỉ chạm, đừng nói da đẹp, mịn màng. Thế thì bạn đang bỏ lỡ, bạn đã đi vào giấc mơ. Dù da như thế nào thì nó ở đây bây giờ. Chạm nó và hãy để da tự nó tiết lộ với bạn. Bạn nhìn một khuôn mặt đẹp. Hãy nhìn, và cho phép khuôn mặt tự tham gia vào. Đừng diễn giải nó, đừng nói bất cứ điều gì. Đừng mang tâm trí quá khứ của bạn vào.

Điều đầu tiên: những giấc mơ được tạo ra bởi tâm trí quá khứ của bạn. Tâm trí quá khứ liên tục hoạt động quanh bạn. Đừng cho phép quá khứ xuất hiện và cũng đừng cho phép tương lai. Lúc bạn nhìn thấy một gương mặt đẹp, một cơ thể đẹp, ngay lập tức dục vọng nổi lên. Bạn muốn chiếm hữu. Bạn nhìn thấy một bông hoa đẹp và bạn muốn hái nó. Thế thì bạn đã di chuyển. Bông hoa có đó, nhưng bạn đã di chuyển vào dục vọng, vào tương lai. Lúc này bạn không có đây. Thế nên hoặc bạn ở trong quá khứ, cái mà bây giờ không còn, hoặc bạn ở trong tương lai, cái còn chưa tới, và bạn đang bỏ lỡ cái đang ở đây, ngay lúc này.

Thế nên điều đầu tiên nên nhớ: ngôn từ không nên được phép tồn tại giữa bạn và thực tại. Càng ít ngôn từ hơn thì càng ít rào cản hơn; không có ngôn từ thì không có rào cản. Và khi đó bạn trực tiếp đối diện với thực tại; ngay lập tức bạn mặt đối mặt. Ngôn từ hủy hoại mọi thứ bởi vì chúng thay đổi chính ý nghĩa.

Tôi đã đọc cuốn hồi ký của ai đó, Bà ấy mô tả một ngày từ lúc ra khỏi giường. Người phụ nữ này viết rằng, “Một ngày, vào buổi sáng, tôi đã mở mắt”. Rồi ngay lập tức bà ấy nói, “Nhưng nói rằng tôi mở mắt là không đúng. ‘Tôi’ đã không thể làm bất cứ điều gì. Đôi mắt đã tự mở”. Bà thay đổi đoạn văn và viết, “Không, nói rằng tôi đã mở mắt cũng không hay. Tôi đã không thực hiện bất cứ điều gì. Tôi đã không có bất cử nỗ lực nào; đó không phải là một hành động chút nào”. Bà viết tiếp, “Đôi mắt mở bởi chính chúng”. Nhưng rồi bà lại cảm thấy điều này quá ngớ ngẩn bởi vì đôi mắt thuộc về bà, nên làm sao chúng có thể tự mở? Vậy phải làm gì?

Ngôn ngữ không bao giờ nói những gì đang hiện hữu. Nếu bạn nói, “Tôi mở mắt”, thì đó là một lời nói dối. Nếu bạn nói, “Đôi mắt tự mở”, đó lại là một lời nói dối, bởi vì đôi mắt chỉ là những phân mảnh. Chúng không thể tự mở. Toàn bộ cơ cấu đã tham gia vào. Và bất cứ điều gì chứng ta nói thì cũng như thế này. Nếu bạn đi đến xã hội thổ dân ở Ấn Độ - và có nhiều bộ tộc thổ dân - họ có cấu trúc ngôn ngữ khác, cấu trúc ngôn ngữ của họ cơ bản hơn và thực hơn, nhưng họ không thể sáng tạo ra nhiều thi ca. Cấu trúc ngôn ngữ của họ không thể giúp ích cho giấc mơ.

Nếu trời đang mưa, chúng ta nói, “Trời đang mưa”. Họ hỏi, "Bạn ngụ ý gì khi nói ‘trời’"? Họ đơn giản chỉ có từ “mưa”. Bạn muốn nói gì bởi từ ‘trời’?? Cái gì đang mưa? Họ chỉ nói “mưa”. Mưa là thực tại, nhưng chúng ta cứ liên tục thêm vào nhiều thứ - và càng nhiều từ được bổ sung, thì chúng ta càng mất nhiều, càng cách xa, càng bị ném xa khỏi thực tại.

Đức Phật đã từng nói: “Khi bạn nói, ‘một người đàn ông đang đi bộ’, bạn có ý gì? Người đàn ông ở đâu? Chỉ có hành động đang đi bộ. Bạn ngụ ý gì bởi ‘người đàn ông’?” Khi chúng ta nói, “Một người đàn ông đang đi bộ”, điều đó biểu hiện rằng có một cái gì đó như một người đàn ông và một cái gì đó như đi bộ - hai thứ được bổ sung vào nhau. Phật nói chỉ có hành động đang đi bộ mà thôi.

Khi bạn nói, “Dòng sông đang chảy”, bạn muốn nói gì? Chỉ có hành động đang chảy, và dòng đang chảy đó là dòng sông. Việc đi bộ là con người, việc nhìn là con người, việc đứng và ngồi là con người. Nếu bạn loại bỏ tất cả những thứ này - đi bộ, ngồi, đứng, nghĩ, mơ - sẽ còn lại con người phía sau không? Sẽ không có con người nào phía sau. Nhưng ngôn ngữ lại tạo ra một thế giới khác, và bởi cứ liên tục đi vào ngôn từ mà chúng ta cứ đi xa khỏi.

Thế nên điều đầu tiên phải nhớ là làm sao không cho phép ngôn từ một cách không cần thiết. Khi có nhu cầu, bạn có thể sử dụng chúng, nhưng khi không có nhu cầu, hãy giữ nguyên trống rỗng, giữ nguyên không lời, maouna, giữ nguyên im lặng. Không cần phải cứ liên tục diễn đạt mọi thứ bằng ngôn từ.

Thứ hai, đừng phóng chiếu. Đừng ngôn từ hóa, đừng phóng chiếu. Hãy nhìn những gì đang hiện hữu. Đừng thêm vào nhiều thứ và sau đó nhìn xem. Bạn thấy một khuôn mặt. Khi bạn nói, “Nó đẹp”, là bạn đang thêm một cái gì đó vào nó, hay nếu bạn nói, “Nó xấu”, bạn cũng đang thêm một cái gì đó vào nó. Một khuôn mặt là một khuôn mặt. Đẹp và xấu là diễn giải của bạn. Chúng không có đó, bởi vì cũng gương mặt đó có thể đẹp với người này thì lại xấu với người khác, và với người thứ ba có thể nó không đẹp cũng không xấu. Người đó có thể thờ ơ; thậm chí có thể không nhìn - cũng gương mặt đó. Khuôn mặt đơn giản là một khuôn mặt. Đừng thêm nhiều thứ vào nó; đừng phóng chiếu. Sự phóng chiếu của bạn là giấc mơ của bạn, và nếu bạn phóng chiếu thì bạn sẽ lỡ. Và điều này đang diễn ra hàng ngày.

Bạn nhìn thấy một khuôn mặt đẹp, thế rồi ham muốn nảy sinh. Ham muốn không phải vì khuôn mặt đó hay cơ thể đó; đó là vì sự diễn giải của bạn, sự phóng chiếu của bạn. Người đó ở đó, con người thực, đã được sử dụng như là một màn hình, và bạn đã phóng chiếu chính mình. Và rồi bạn buộc phải vỡ mộng bởi vì sự phóng chiếu của bạn không thể biến khuôn mặt thực thành không thực. Sớm hay muộn sự phóng chiếu này sẽ phải rơi xuống, và khuôn mặt thực sẽ lộ ra, và khi đó bạn sẽ cảm thấy rằng mình đã bị lừa. Bạn sẽ nói, “Điều gì đã xảy ra với khuôn mặt này? Khuôn mặt này rất đẹp và người này cũng rất đẹp, và bây giờ mọi thứ đã biến thành xấu xí”. Bạn lại đang diễn giải. Dù người đó là như thế nào, người đó vẫn giữ nguyên, nhưng sự diễn giải và sự phóng chiếu của bạn vẫn diễn ra, và bạn không bao giờ cho phép năng lượng tự khẳng định mình, Bạn liên tục kìm nén nó. Bạn đang kìm nén bên trong và bên ngoài nữa. Bạn không bao giờ cho phép thực tại tự khẳng định mình.

Tôi nhớ lại, vào một ngày một người hàng xóm của Mulla Nasruddin đã hỏi ông có thể cho mượn con ngựa trong vài giờ. Mulla nói, “Tôi rất vui khi cho ông mượn ngựa của tôi, nhưng vợ tôi đã mang con ngựa đi rồi, và họ sẽ đi cả ngày”. Ngay lúc đó, tiếng ngựa hí từ chuông ngựa vọng tới, nên người đàn ông nhìn Mulla Nasruddin. Nasruddin nói, “Thôi được, ông tin ai - tôi hay con ngựa? Và con ngựa là kẻ nói dối có cú đá hậu khét tiếng. Ông tin ai?”

Chúng ta tạo ra một thế giới không thực xung quanh mình bởi những sự phóng chiếu của chúng ta, nhưng nếu thực tại quả quyết và tiếng ngựa hí lên từ chuồng, thì chúng ta hỏi, “Bạn tin ai?” Chúng ta luôn luôn tin chính mình, mà không tin thực tại đang liên tục quả quyết. Nó đang quả quyết mọi thời điểm, nhưng chúng ta lại liên tục áp đặt ảo tưởng của chúng ta. Chính vì vậy mà cuối cùng mọi người đều cảm thấy bị vỡ mộng. Điều đó không phải do thực tại. Mọi người đàn ông và đàn bà đều cảm thấy vỡ mộng vào lúc cuối như thể cả cuộc đời đã bị lãng phí. Nhưng bây giờ bạn không thể làm được gì, bạn không thể làm lại. Với bạn thời gian không còn nhiều. Thời gian đã trôi đi và cái chết đang gần kề và bạn bị vỡ mộng, và bây giờ cơ hội không còn.

Tại sao mọi người lại cảm thấy bị vỡ mộng? Không phải chỉ những người thất bại trong cuộc sống mà cả những người thành công, họ cũng cảm thấy như thế. Không sao nếu những người thất bại cảm thấy vỡ mộng, ngay cả những người thành công cũng cảm thấy như thế. Những Napoleon, những Hitler và những Alexander, họ cũng cảm thấy vỡ mộng. Cả cuộc đời là một sự phí hoài. Tại sao? Thực sự là nguyên nhân có trong thực tại, hay nguyên nhân có trong những giấc mơ mà bạn đã phóng chiếu? Thế rồi bạn đã không thể phóng chiếu chúng, và thực tại đã tự khẳng định mình, cuối cùng thực tại chiến thắng và bạn bị đánh bại. Bạn có thể chiến thắng chỉ nếu bạn không phóng chiếu.

Vậy hãy nhớ điều thứ hai: nhìn trực tiếp vào mọi thứ như chúng là vậy. Đừng phóng chiếu, đừng diễn giải, đừng áp đặt tâm trí bạn lên mọi thứ. Cho phép thực tại tự khẳng định, dù nó là gì. Điều này luôn luôn tốt, và dù những giấc mơ của bạn có đẹp đến đâu thì chúng vẫn là xấu, bởi vì bạn buộc phải trên hành trình ảo mộng. Và bạn càng vỡ mộng sớm càng tốt, nhưng một khi một ảo mộng biến đi, ngay lập tức bạn bắt đầu tạo ra ảo mộng khác để thay thế nó.

Hãy cho phép một khoảng trống. Giữa hai ảo tưởng, cho phép một khoảng trống. Cho phép một khoảng lặng để thực tại có thể được nhìn thấy. Điều này rất gian khó - nhìn vào thực tại như nó hiện hữu. Có thể nó không tương ứng với mong muốn của bạn. Không cần nó phải theo đúng mong muốn của bạn. Nhưng sau đó bạn phải sống với thực tại, phải sống trong nó - và bạn ở trong nó! Tốt hơn là đến với những điều kiện thực tại hơn là cứ lừa dối mình, và bạn không biết tại sao bạn cứ liên tục phóng chiếu. Ai đó nói điều gì đó, và bạn hiểu điều gì đó khác. Và bạn đặt mọi điều trên cơ sở hiếu biết của mình, rồi sau đó bạn tạo ra một ngôi nhà bằng những tấm bìa, bạn tạo ra một tòa lâu đài bằng những tấm bìa. Nó đã không được nói tới bao giờ! Bạn đã hiểu nó thành một điều gì đó khác.

Luôn luôn nhìn những gì có thực. Đừng vội vàng. Không hiểu điều gì đó còn tốt hơn là hiểu sai. Giữ nguyên là thiếu hiểu biết một cách chủ ý còn tốt hơn là nghĩ rằng mình biết. Hãy nhìn vào những mối quan hệ của bạn xem - với người chồng, người vợ, người bạn, người thầy, người chủ, người hầu - hãy nhìn xem! Mọi người đang nghĩ theo cách riêng của mình, đang diễn giải người khác, và không có sự gặp mặt nào, không có sự giao tiếp nào. Thế rồi họ chiến tranh, liên tục xung đột. Không phải là xung đột giữa hai người, mà là xung đột giữa hai hình ảnh giả. Hãy cảnh giác để bạn không có hình ảnh giả nào về bất cứ ai khác. Giữ nguyên với cái thực, dù khắc nghiệt thế nào, dù gian nan và khó khăn thế nào, thậm chí nhiều lúc dường như là không thể. Nhưng một khi bạn biết vẻ đẹp của việc giữ nguyên với cái thực, bạn sẽ không bao giờ là nạn nhân của ảo tưởng.

Và thứ ba, tại sao bạn mơ? Nó là một sự thay thế. Mơ là một sự thay thế. Nếu bạn không thể có được điều bạn mong muốn trong thực tế, thì bạn bắt đầu mơ. Ví dụ, nếu bạn đã nhịn ăn cả ngày, trong đêm bạn sẽ mơ: bạn sẽ mơ về thực phẩm, được một vị hoàng đế vĩ đại mời hay đại loại như thế. Bạn sẽ ăn và liên tục ăn trong giấc mơ của mình. Cả ngày bạn đã nhịn ăn, và bây giờ trong đêm bạn đang ăn. Nếu bạn kìm nén tình dục thì giấc mơ của bạn sẽ trở thành tinh dục. Thông qua giấc mơ của bạn có thể biết được điều gì bạn kìm nén vào ban ngày. Việc nhịn ăn vào ban ngày của bạn sẽ được chỉ ra trong giấc mơ của bạn. Giấc mơ là sự thay thế, và các nhà tâm lý nói rằng người nào sống mà không mơ thì sẽ có khó khăn. Và theo cách nào đó, họ đúng. Như là một con người thì sẽ khó sống nếu thiếu vắng những giấc mơ, nhưng nếu bạn muốn một sự chuyển hóa thì bạn phải sống không có những giấc mơ. Tại sao giấc mơ được tạo ra? Vì ham muốn. Những ham muốn không được thỏa mãn thì trở thành những giấc mơ.

Hãy tìm hiểu ham muốn của bạn; hãy nhận biết và quan sát nó. Bạn càng quan sát nó, nó sẽ càng biến đi. Và sau đó bạn sẽ không tạo ra nhũng mạng lưới trong tâm trí, và bạn sẽ không đi vào thế giới riêng tư của mình. Giấc mơ không thể được chia sẻ; ngay cả hai người bạn thân cũng không thể chia sẻ những giấc mơ của mình. Bạn không thể mời bất cứ ai vào giấc mơ của bạn. Tại sao? Bạn và người yêu bạn không thể cùng trong một giấc mơ. Giấc mơ của bạn là của bạn; giấc mơ của người khác là của người đó. Chúng là riêng tư. Thực tại không quá riêng tư, chỉ có sự điên khùng mới riêng tư. Thực tại là phổ quát, bạn có thể chia sẻ nó; bạn không thể chia sẻ những giấc mơ. Chúng là sự điên khùng riêng tư của bạn - những hư cấu. Vậy phải làm gì?

Trong một ngày, người ta có thể sống trọn vẹn đến mức không cố gì còn lại bị dang dở. Nếu bạn đang ăn, chỉ ăn. Hãy tận hưởng nó tuyệt đối đến mức bạn không cần giấc mơ nào trong đêm. Nếu bạn đang yêu ai đó, hãy yêu hết mình để không tình yêu nào có thể lại vào giấc mơ của bạn. Bất cứ điều gì bạn làm ban ngày, hãy làm nó hoàn toàn để không còn gì dang dở trong tâm trí, không có gì chưa hoàn thiện đến mức phải hoàn thiện trong giấc mơ. Hãy thử điều này, và trong vòng ít tháng bạn sẽ có một phẩm chất khác về giấc ngủ. Những giấc mơ sẽ dần trở nên ít đi, và giấc ngủ sẽ sâu hơn. Và khi những giấc mơ đêm ít đi thì ban ngày những sự phóng chiếu cũng sẽ trở nên ít đi, bởi vì thực ra giấc ngủ của bạn vẫn tiếp diễn và giấc mơ của bạn vẫn tiếp diễn. Trong đêm nhắm mắt lại và ban ngày mở mắt ra, chúng vẫn tiếp diễn. Một dòng chảy bên trong vẫn diễn ra.

Bất cứ lúc nào, nhắm mắt lại và chờ đợi, và bạn sẽ thấy rằng cuốn phim đã quay trở lại; giấc mơ đang diễn ra. Nó luôn luôn có đó, chỉ đang chờ bạn. Điều đó giống như những ngôi sao ban ngày. Chúng đã không biến đi, nhưng chỉ bởi ánh sáng mặt trời mà bạn không thể nhìn thấy chúng. Chúng đang chờ ở đó, và khi mặt trời lặn, chúng sẽ bắt đầu xuất hiện.

Những giấc mơ của bạn là như thế - hoạt động bên trong bạn ngay cả khi bạn đang thức. Chúng chỉ đang chờ. Nhắm mắt lại và chúng bắt đầu hoạt động. Khi giấc mơ trong đêm ít đi, ban ngày bạn sẽ cố một phẩm chất thức tỉnh khác. Nếu đêm của bạn thay đổi, ngày của bạn cũng thay đổi; nếu giấc ngủ của bạn thay đổi, việc thức của bạn cũng thay đổi. Bạn sẽ tỉnh táo hơn. Bên trong, những giấc mơ ít hoạt động hơn, thì bạn sẽ ít buồn ngủ hơn. Bạn sẽ nhìn mọi việc trực tiếp hơn.

Vậy nên đừng để lại bất cứ điều gì còn dang dở, đó là một điều. Và dù bạn đang làm gì, hãy giữ nguyên với hành động. Đừng di chuyển tới nơi nào khác. Nếu bạn đang tắm, hãy tắm. Hãy quên toàn bộ thế gian. Lúc này, việc tắm này là toàn bộ vũ trụ. Mọi thứ đã dừng lại; thế giới đã biến mất. Chỉ còn bạn và vòi sen. Hãy giữ nguyên ở đó. Hoàn toàn trong mỗi hành động đến mức bạn không tụt lại phía sau cũng không nhảy lên phía trước; bạn đang cùng với hành động. Thế thì giấc mơ sẽ biến đi, và càng ít mơ bạn sẽ càng có khả năng thâm nhập vào thực tại.

Bây giờ là kỹ thuật. Kỹ thuật này liên quan tới điều này.

Như gà mẹ nuôi đàn gà con, hãy nuôi dưỡng những cái biết cụ thể, những việc làm cụ thể, trong thực tại.

Từ khóa là “trong thực tại”. Bạn cũng đang nuôi dưỡng nhiều thứ, nhưng trong những giấc mơ - chứ không trong thực tại. Bạn cũng đang thực hiện nhiều điều, nhưng trong mơ - chứ không trong thực tại. Đừng nuôi dưỡng giấc mơ, đừng để việc mơ phát triển thêm bên trong bạn, đừng dồn năng lượng của bạn vào giấc mơ. Hãy kéo bạn ra khỏi mọi giấc mơ. Điều đó sẽ khó bởi vì bạn đã đầu tư quá nhiều vào giấc mơ của mình. Nếu bỗng nhiên bạn rút hoàn toàn khỏi giấc mơ, bạn sẽ cảm thấy như thể mình đang chìm nghỉm và hấp hối, bởi vì bạn đã luôn luôn sống trong một giấc mơ kéo dài. Bạn không bao giờ ở đây và bây giờ, bạn luôn ở nơi nào đó khác. Bạn đã hy vọng.

Bạn đã bao giờ nghe ngụ ngôn Hy Lạp về chiếc hộp Pandora chưa? Để trả thù một hành vi nào đó của con người, Pandora đã gửi đi một chiếc hộp chứa mọi bệnh tật lúc đó đang lây nhiễm khắp nhân loại. Trước đó chúng không có, và khi chiếc hộp được mở ra, những bệnh tật này đã lây lan. Pandora đã sợ hãi sau khi nhìn thấy những bệnh tật này, nên đã đóng chiếc hộp lại. Chỉ còn lại một căn bệnh và đó là sự hy vọng; nếu không con người sẽ tiêu ma, tất cả những bệnh tật này sẽ giết anh ta - và vì hy vọng mà anh ta vẫn tiếp tục sống.

Tại sao bạn đang sống? Bạn đã bao giờ hỏi chưa? Không có gì để sống ở đây và bây giờ. Chỉ có hy vọng. Bạn đang mang chiếc hộp Pandora. Tại sao bạn đang sống ngay bây giờ? Tại sao bạn thức dậy mỗi buổi sáng? Tại sao bạn lại bắt đầu cả ngày - lặp đi lặp lại? Tại sao lại có sự lặp lại này? Lý do là gì? Ngay bây giờ bạn không thể tìm ra lý do tại sao bạn đang sống, và nếu bạn tìm ra điều gì đó thì nó sẽ là điều gì đó trong tương lai - một niềm hy vọng rằng điều gì đó sẽ xảy ra: một ngày nào đó “điều gì đó” sẽ xảy ra. Bạn không biết khi nào ngày đó sẽ đến; thậm chí bạn không biết điều gì sẽ xảy ra - nhưng vào một ngày “điều gì đó sẽ xảy ra”, và bạn tiếp tục kéo dài bản thân mình, bạn tiếp tục mang chính mình.

Con người sống chỉ bởi hy vọng, và đây không phải là sống, bởi vì hy vọng có nghĩa là mơ. Trừ khi bạn sống ở đây và bây giờ, bạn không còn sống. Bạn chỉ là một gánh nặng vô hồn, và cái ngày mai sẽ thỏa mãn mọi hy vọng của bạn đó không bao giờ đến. Khi đó cái chết sẽ đến, chỉ khi đó bạn sẽ nhận ra rằng bây giờ không có ngày mai, và bây giờ bạn không thể trì hoãn. Thế rồi bạn sẽ cảm thấy vỡ mộng, bị lừa dối - nhưng không có ai đã lừa bạn, bạn là chủ nhân của toàn bộ mớ hỗn độn này.

Hãy cố gắng sống trong từng khoảnh khắc, trong hiện tại, và đừng nuôi dưỡng những hy vọng, dù bản chất của chúng là gì. Chúng có thể là thế giới này, chúng có thể là thế giới khác; điều đó không có gì khác biệt. Chúng có thể thuộc về tôn giáo - ở nơi nào đó trong tương lai, trong thế giới khác, trên thiên đường, trong niết ban, sau khi chết - cũng không có gì khác biệt. Đừng hy vọng. Ngay cả nếu bạn cảm thấy một sự vô vọng tinh tế ở đây, thì cứ ở đây. Đừng di chuyển khỏi thời điểm ở đây và bây giờ. Đừng di chuyển! Chịu đựng nó, và đừng cho phép hy vọng bước vào.

Thông qua hy vọng mà giấc mơ lẻn vào. Hãy cứ vô vọng. Nếu cuộc sống là vô vọng thì cứ vô vọng. Hãy chấp nhận nó, và đừng bám vào bất cứ sự kiện tương lai nào. Thế rồi đột nhiên sẽ có một sự thay đổi. Một khi bạn giữ nguyên trong thời điểm hiện tại, giấc mơ chấm dứt - bởi vì chúng không thể nảy sinh. Nguồn đã bị rút khỏi. Bạn hợp tác với chúng, bạn nuôi dưỡng chúng; vì thế mà chúng nảy sinh. Đừng hợp tác với chúng, đừng nuôi dưỡng chúng.

Câu kinh này nói, hãy nuôi dưỡng những cái biết cụ thể. Tại sao lại là những cải biết cụ thể? Bạn cũng nuôi dưỡng, nhưng bạn nuôi dưỡng những lý thuyết nào đó, không phải là những cái biết; những kinh nào đó, không phải là những cái biết; những giả thuyết, những hệ thống, những triết lý, những quan điểm thế giới nào đó - nhưng không phải là những cái biết cụ thể. Câu kinh này nói vứt chúng đi. Những kinh sách, những học thuyết, chúng không có tác dụng gì. Trải nghiệm riêng của bạn là thực, những cái biết riêng của bạn, và hãy nuôi dưỡng chúng. Dù tầm thường thế nào, cái biết thực cũng là điều gì đó. Bạn có thể đặt nền tảng cuộc sống của bạn lên nó. Hãy luôn nghĩ đến những cái biết thực và cụ thể mà bạn đã biết, dù chúng là gì.

Bạn đã biết bất cứ điều gì chưa? Bạn biết nhiều thứ, nhưng mọi thứ đều là vay mượn. Ai đó đã nói chúng, ai đó đã trao chúng cho bạn. Các thầy cô giáo, cha mẹ, xã hội, họ đã huấn luyện tâm trí bạn. Bạn “biết” về Thượng đế, bạn “biết” về tình yêu, bạn “biết” về thiền. Thực ra bạn không biết bất cứ điều gì! Bạn đã không nếm trải bất cứ điều gì, tất cả chỉ là vay mượn. Một người nào đó đã nếm trải, sự nếm trải đó không phải là của chính bạn. Một người nào đó đã nhìn thấy, nhưng bạn có đôi mắt và bạn đã không sử dụng chúng. Một người nào đó đã trải nghiệm - vị Phật đã trải nghiệm, vị Jesus đã trải nghiệm - và bạn chỉ liên tục vay mượn những cái biết của họ. Chúng là giả! Với bạn chúng không có tác dụng gì. Chúng còn nguy hiểm hơn sự ngu dốt, bởi vì sự ngu dốt là của bạn và kiến thức đó là vay mượn.

Thà ngu dốt còn hơn; ít nhất thì sự ngu dốt đó cũng là của bạn. Nó đích thực, nó là thực, chân thành và trung thực! Đừng tiếp tục với kiên thức vay mượn. Nếu không bạn sẽ quên rằng mình ngu dốt, và bạn sẽ vẫn ngu dốt.

Câu kinh này nói, hãy nuôi dưỡng những cái biết cụ thể. Luôn cố gắng biết điều gì đó theo cách mà nó là tươi mới, trực tiếp, tức thì. Đừng tin vào bất cứ ai. Đức tin của bạn sẽ dẫn bạn lạc lối. Hãy tin cậy chính mình - và nếu bạn không thể tin cậy bản thân mình, làm sao bạn có thể tin cậy ai khác?

Sariputta (Xá Lợi Phất - ND) đến chỗ Đức Phật và nói, “Tôi đã đến để tin thầy. Tôi đã đến! Hãy giúp tôi xây dựng sự tin tưởng nơi thầy.”

Phật được cho là đã nói, “Nếu bạn không tin chính mình, làm. sao bạn có thể tin tôi? Cho nên hãy quên tôi đi. Đầu tiên hãy tin chính mình, tin vào bản thân mình. Chỉ như thế thì bạn mới có thể tin người khác.”

Nên nhớ điều này: bạn không thể tin bất cứ ai nếu bạn không thể tin chính mình. Sự tin cậy đầu tiên luôn luôn từ bên trong. Chỉ có thế nó mới tuôn chảy; chỉ có thế nó mới dâng trào, nó mới có thể chạm tới người khác. Nhưng làm sao bạn có thể tin nếu bạn không biết bất cứ điều gì? Làm sao bạn có thể tin mình nếu bạn không có trải nghiệm nào? Hãy cố tin chính bản thân mình. Đừng nghĩ rằng việc nhìn thông qua mắt người khác là chỉ với trải nghiệm về cái tối thượng mà còn là những trải nghiệm với cái thông thường nữa. Hãy để chúng là của riêng bạn. Chúng sẽ giúp bạn phát triển, chúng sẽ làm cho bạn trưởng thành, chúng sẽ làm cho bạn chín muồi.

Điều này thực sự kỳ lạ: bạn nhìn bằng đôi mắt của người khác, bạn sống bằng cuộc đời của người khác. Bạn nói một bông hông đẹp. Đó là cảm nhận thực sự của bạn hay chỉ là một lời dạy ở khắp mọi nơi rằng hoa hông thì đẹp? Đây có phải là cái biết của bạn? Bạn có biết nó? Bạn nói rằng ánh trăng là tốt, đẹp. Đó là cái biết của bạn hay chỉ là các nhà thơ đã ca ngợi về nó và bạn đang lặp lại? Nếu bạn chỉ như một con vẹt thì bạn không thể sống cuộc đời mình một cách đích thực. Bất cứ khi nào bạn khẳng định hoặc nói điều gi đó, đầu tiên hãy kiểm tra từ bên trong bạn xem điều đó có phải là kiến thức và trải nghiệm của chính bạn.

Hãy vứt bỏ tất cả những thứ không phải là của bạn - nó không có tác dụng gì - và hãy yêu thương và nuôi dưỡng tất cả những thứ của bạn, bởi vì chỉ thông qua điều đó bạn mới phát triển. Hãy nuôi dưỡng những cái biết cụ thể, những việc làm cụ thể, trong thực tại. Luôn luôn nhớ “trong thực tại”. Hãy làm điều gì đó. Chính bạn đã bao giờ làm điều gì, hay bạn chỉ làm theo những người khác, chỉ làm theo những mệnh lệnh? “Hãy yêu vợ bạn”: bản thân bạn có thực sự yêu cô ấy? hay bạn chỉ đang thực hiện một nghĩa vụ bởi vì nó đã được nêu ra, nó đã được dạy bảo rằng, “Hãy yêu thương vợ của bạn - hay yêu mẹ, cha hay anh em của bạn”, cho nên bạn đang yêu và bạn đang làm theo! Đã có lần nào bạn thực sự yêu với tất cả sự hiện diện của mình? Đã từng có lần nào sự yêu thương không phải là do dạy bảo và không phải là do làm theo người khác? Bạn đã từng yêu một cách đích thực? Bạn có thể lừa dối chính mình; bạn có thể nói, “Có!” Nhưng trước khi bạn nói bất cứ điều gì, hãy tìm hiểu thật kỹ. Nêu bạn đã yêu, bạn hẳn đã được biến đổi; chính hành động yêu thực sự đó hẳn đã thay đổi được bạn. Nhưng nó đã không thay đổi được bạn bởi vì tình yêu của bạn là giả dối. Và toàn bộ cuộc sống đã trở thành giả dối. Bạn vẫn cứ làm những điều không phải của chính mình. Hãy làm những gì của chính bạn và nuôi dưỡng nó.

Đức Phật tốt, nhưng bạn không thể làm theo như Người được. Jesus tốt, đẹp, nhưng bạn không thể làm theo ông. Và nếu bạn làm theo, bạn sẽ trở nên xấu xí. Bạn sẽ là một bản sao. Bạn sẽ là giả, và bạn sẽ không được tồn tại chấp nhận. Không có gì giả lại được chấp nhận. Yêu vị Phật, yêu vị Jesus, nhưng đừng là bản sao của họ. Đừng bắt chước. Hãy luôn cho phép cái ta của bạn hoạt động theo cách riêng của nó. Vào một ngày bạn sẽ trở nên giống như vị Phật, nhưng con đường về cơ bản là của riêng bạn. Vào một ngày bạn sẽ trở thành như một vị Jesus, nhưng bạn sẽ phải trải qua một hành trình khác, bạn sẽ phải trải nghiệm những điều khác. Một điều là chắc chắn: dù hành trình có thể là như thế nào và dù trải nghiệm có thể là gì, thì nó phải đích thực, chân thật, và là của chính bạn. Thế thì vào một ngày bạn sẽ đạt tới. Thông qua cái giả bạn không thể đạt tới sự thật; giả dối sẽ dẫn tới giả dối hơn.

Hãy làm điều gì đó, nhớ rõ rằng chính bạn là người đang làm nó chứ không phải là đang theo bất cứ ai. Thế rồi ngay cả một hành động rất bình thường, chỉ là một nụ cười, cũng có thể trở thành một nguồn của satori, của samadhi, của tâm thức vũ trụ. Bạn trở về nhà mình và cười với những đứa con của bạn. Nụ cười đó là giả; bạn đang giả vờ. Bạn đang cười bởi vì nụ cười này được mong đợi. Đó là nụ cười được tô điểm. Bạn không đang cười từ bên trong mà chỉ là trên đôi môi. Đôi môi được điều khiển; nụ cười đó là máy móc. Và bạn có thể trở nên quen với điều này đến mức bạn có thể hoàn toàn quên cách cười. Bạn có thể cười, nhưng tiếng cười đó có thể không xuất phát từ trung tâm của bạn.

Hãy luôn nhớ, bạn đang làm gì không thành vấn đề, mà hãy quan sát xem trung tâm của bạn có tham gia hay không, bởi vì nếu nó không tham gia, tốt hơn là không làm gì. Đừng làm! Không có ai đang bắt bạn làm bất cứ điều gì. Đừng làm! Hãy để dành năng lượng của bạn cho thời điểm khi một điều thật nào đó xảy đến với bạn; khi đó hãy làm điều đó. Đừng mỉm cười, hãy để dành năng lượng đó. Nụ cười sẽ đến, và thế rồi nó sẽ hoàn toàn thay đổi bạn. Khi đó nó sẽ là toàn bộ. Khi đó mọi tế bào của cơ thể bạn sẽ mỉm cười. Nó sẽ là một sự bùng nổ - không có gì phải tô vẽ.

Và những đứa trẻ biết, bạn không thể đánh lừa chúng. Thời điểm bạn có thể lừa được chúng, chúng không còn là những đứa trẻ nữa. Chúng biết khi nào nụ cười của bạn là giả tạo, chúng có thể phát hiện điều đó; bất cứ ai chân thực cũng sẽ phát hiện ra điều đó. Những giọt nước mắt của bạn là giả, nụ cười của bạn là giả. Đó là những hành vi bình thường, nhưng bạn được tạo ra từ những hành vi bình thường này. Thế nên đừng nghĩ đến chuyện làm điều gì đó to tát - rằng đến khi đó bạn sẽ làm điều này. Nếu bạn giả tạo trong những điều bình thường thì bạn sẽ luôn luôn là giả tạo.

Người ta dễ giả tạo trong những điều to tát. Nếu bạn giả tạo trong những điều bình thường, thì rất dễ giả tạo trong những điều to tát, bởi vì những điều to tát luôn luôn là để phô trương. Chúng là để những người khác nhìn thấy, nên có thể bạn rất dễ sống giả tạo. Bạn có thể là một vị thánh nếu sự thánh thiện được tôn kính. Thế thì bạn đang phô trương - chỉ là một sự phô diễn. Bạn có thể là một vị thánh bởi vì điều đó được kính trọng và thỏa mãn bản ngã, nhưng mọi thứ sẽ là giả tạo. Hãy nghĩ xem, nếu một xã hội thay đổi những quan điểm của nó như ở nước Nga Xô viết hay ở Trung Quốc, ngay lập tức các vị thánh biến mất - bởi vì không còn sự tôn kính nào dành cho họ.

Tôi nhớ lại một trong những người bạn của tôi, một vị bhikkhu Phật giáo (tỳ kheo - ND), là người đã đến nước Nga Xô viết vào thời Stalin. Ông ấy kể với tôi rằng bất cứ khi nào có ai bắt tay ông, đột nhiên người đó co lại và nói, “Ông có đôi bàn tay của một kẻ tư sản”. Ông ấy có đôi bàn tay rất đẹp. Là một vị bhikkhu, ông chưa bao giờ làm bất cứ việc gì; ông là người khất thực, một người khất thực hoàng gia, nên chưa từng lao động. Đôi bàn tay ông rất mềm mại, đẹp, như của nữ giới. Ở Ấn Độ, bất cứ lúc nào ai đó chạm vào tay ông, người đó sẽ nói, “Đẹp làm sao!”. Ở nước Nga, bất cứ lúc nào có người bắt tay ông, người đó sẽ co tay lại, và thốt lên với ánh mắt đầy lên án, “Ông có đôi bàn tay tư sản, bàn tay của kẻ một bóc lột”. Ông đã quay về và nói với tôi, “Ở đó tôi đã cảm thấy bị lên án đến nỗi tôi đã khát khao được là một người lao động”.

Các vị thánh đã biến khỏi nước Nga vì lúc bấy giờ không còn sự kính trọng nào. Tất cả tính thánh thiện còn đó chỉ là để phô diễn; nó là một màn trình diễn, được tô vẽ. Hiện nay ở nước Nga chỉ có những vị thánh thực sự mới có thể tồn tại. Với những vị thánh giả tạo thì không có khả năng nào, bởi vì ở đó bạn sẽ phải đấu tranh để là một vị thánh, và cả xã hội sẽ chống lại bạn. Ở Ấn Độ, cách dễ nhất để sống và tồn tại là trở thành một vị thánh. Mọi người kính trọng bạn. Bạn có thể giả tạo, và sự giả tạo đem lại lợi ích.

Nên nhớ điều này: từ sáng sớm, ngay khi bạn mở mắt, hãy cố là thực và đích thực. Đừng làm bất cứ điều gì giả tạo. Trong bảy ngày hãy luôn nhớ. Đừng làm bất cứ điều gì giả tạo. Bất cứ điều gì bị mất, cứ để nó mất đi. Bất cứ điều gì bạn đánh mất, cứ đánh mất nó. Nhưng hãy giữ nguyên sự chân thực, và trong vòng bảy ngày bạn sẽ cảm nhận được một sự sống mới từ bên trong. Các lớp vỏ chết cứng sẽ bị phá bỏ và một dòng sinh lực tươi mới sẽ đến với bạn. Lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy sống động trở lại - một sự hồi sinh.

Hãy nuôi dưỡng những việc làm... hãy nuôi dưỡng những cái biết... trong thực tại - chứ không phải trong giấc mơ. Hãy làm bất cứ điều gì bạn thích làm, nhưng hãy suy nghĩ - bạn đang thực sự làm điều đó, hay mẹ bạn đang làm điều đó thông qua bạn hay cha bạn đang làm điều đó thông qua bạn? Bởi vì những người đã chết, những bậc cha mẹ đã chết, những xã hội, những thế hệ cũ đã biến mất từ lâu vẫn đang hoạt động trong bạn. Họ đã tạo ra những sự dạy dỗ như thế để bạn không ngừng thỏa mãn họ - và họ đã thỏa mãn những người cha và người mẹ đã chết của họ, và bạn đang thỏa mãn người cha và người mẹ đã chết của bạn, và không có ai được mãn nguyện. Làm sao bạn có thể thỏa mãn ai đó đã chết? Nhưng những người đã chết này đang sống thông qua bạn.

Luôn quan sát khi bạn làm điều gì đó, xem là cha bạn đang làm thông quan bạn hay chính bạn đang làm. Khi bạn giận dữ, đó là sự giận dữ của bạn hay đó là cách cha bạn đã từng giận dữ? Bạn chỉ đang bắt chước. Tôi đã nhìn thấy nhiều khuôn mẫu đang tiếp diễn, được lặp lại. Nếu bạn kết hôn, hôn nhân của bạn sẽ gần như của cha bạn và mẹ bạn. Bạn sẽ hành động giống cha bạn, vợ bạn sẽ hành động giống mẹ cô ấy, và các bạn lại sẽ tạo ra mớ bòng bong đó. Khi bạn giận dữ, hãy quan sát: bạn hiện diện ở đó hay ai khác? Khi bạn yêu, nên nhớ, bạn hiện diện ở đó hay ai khác? Khi bạn nói điều gì đó, nên nhớ, bạn đang nói hay thầy giáo của bạn? Khi bạn có một cử chỉ, nên nhớ, đó là của bạn hay ai đó hiện diện thông qua bạn? Điều này sẽ khó, nhưng đây là sadhana. Nó chính là ý nghĩa của nỗ lực tâm linh.

Và hãy từ bỏ mọi sự giả tạo. Có thể bạn sẽ cảm thấy buồn tẻ trong một thời gian, bởi vì mọi sự giả tạo của bạn sẽ rơi rụng và cái thực sẽ cần một thời gian để xuất hiện và tự khẳng định mình. Sẽ có một khoảng thời gian trống. Hãy để kệ thời kỳ đó, đừng sợ và đừng trở nên kinh hãi. Sớm muộn gì thì những sự giả tạo, những mặt nạ của bạn sẽ rơi rụng, và gương mặt thật của bạn sẽ hình thành. Chỉ với gương mặt thật đó bạn mới có thể trực diện với Thượng đế. Chính vì vậy mà câu kinh này nói, Như gà mẹ nuôi đàn gà con, hãy nuôi dưỡng những cái biết cụ thể, những việc làm cụ thể, trong thực tại.

Câu kinh thứ hai:

Bởi, sự thật là, sự ràng buộc và tự do có liên quan với nhau, nên những từ này chỉ dành cho những người khiếp sợ vũ trụ. Vũ trụ này là sự phản chiếu của tâm trí. Như khi thấy nhiều mặt trời trong nước từ một mặt trời, hãy thấy sự ràng buộc và sự giải thoát cũng như thế.

Đây là một kỹ thuật rất sâu sắc, một trong những kỹ thuật sâu sắc nhất, và chỉ có vài tâm trí rất hiếm hoi đã từng thử nó. Zen cơ bản dựa trên kỹ thuật này. Kỹ thuật này đang nói về một điều rất khó - khó để hiểu, chứ không khó để trải nghiệm. Nhưng trước tiên bạn cần phải hiểu nó đã.

Câu kinh này nói rang thế gian và niết bàn không phải là hai, chúng là một; thiên đường và địa ngục không phải là hai, chúng là một; sự ràng buộc và sự giải thoát không phải là hai, chúng là một. Điều này là khó bởi vì chúng ta chỉ có thể dễ hình dung ra một điều gì đó nếu nó thuộc về những cực đối lập.

Chúng ta nói rằng thế giới này là sự ràng buộc, nên làm thế nào để thoát khỏi thế giới này và được giải thoát? Thế thì sự giải thoát là điều gì đó đối lập, là điều gì đó không ràng buộc. Nhưng câu kinh này nói rằng cả hai là như nhau - sự giải thoát và sự ràng buộc - và bạn không tự do nếu bạn không tự do khỏi cả hai. Sự ràng buộc thì trói buộc, và sự giải thoát cũng thế. Sự ràng buộc là một loại nô lệ, và sự giải thoát cũng như vậy.

Hãy cố gắng hiểu điều này. Hãy nhìn một người đang cố gắng vượt lên sự ràng buộc. Anh ta đang làm gì? Anh ta rời bỏ ngôi nhà mình, rời bỏ gia đình minh, anh ta bỏ lại sự giàu có, bỏ lại mọi thứ của thế gian, anh ta từ bỏ xã hội chỉ để ra khỏi sự ràng buộc, ra khỏi những chiếc cùm của thế gian. Thế rồi anh ta tạo ra những chiếc cùm mới cho mình. Những chiếc cùm đó là tiêu cực.

Tôi đã nhìn thấy một vị thánh, người không thể chạm vào tiền. Ông ta được kính trọng - ông ta buộc phải được những người điên khùng chạy theo đồng tiền kính trọng. Ông ta đã chuyển sang thái cực kia. Nếu bạn đặt tiền vào tay ông ta, ông ta sẽ ném nó đi như thể có chất độc hay như thể bạn đã đặt con bọ cạp vào bàn tay ông. Ông ta sẽ ném nó đi và sẽ trở nên sợ hãi. Cơ thể ông ta khẽ run lên. Điều gì đang diễn ra? Ông ta đã đấu tranh với tiền. Ông chắc đã từng là một người tham lam - rất tham. Chỉ có thế ông ta mới có thể chuyển sang thái cực này. Có thể ông ta đã quá ám ảnh với tiền. Ông ta vẫn còn bị ám ảnh, nhưng bây giờ theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh đó vẫn còn nguyên.

Tôi đã nhìn thấy một sannyasin, người không thể nhìn vào bất cứ gương mặt nữ giới nào. Anh ta trở nên sợ. Anh ta sẽ luôn nhìn xuống, anh ta sẽ không bao giờ nhìn lên nếu có người đàn bà nào ở đó. Vấn đề là gì? Chắc anh ta đã từng rất dâm dục, quá ám ảnh với tình dục. Anh ta vẫn còn bị ám ảnh, anh ta đã chạy theo người đàn bà này hay người đàn bà nọ và bây giờ anh ta đang chạy khỏi người đàn bà này, nọ. Nhưng anh ta vẫn bị đàn bà ám ảnh. Cho dù anh ta đang chạy theo hay đang chạy khỏi thì nỗi ám ảnh của anh ta vẫn còn nguyên. Anh ta nghĩ bây giờ mình đã được giải thoát khỏi đàn bà, nhưng đây lại là một sự ràng buộc mới. Bạn không thể trở nên được giải thoát bởi sự phản ứng lại. Cái thứ mà bạn chống lại sẽ trói buộc bạn theo cách tiêu cực; bạn không thể thoát khỏi nó. Nếu ai đó chống lại thế gian và ủng hộ giải thoát, người đó không thể được giải thoát; người đó sẽ vẫn giữ nguyên trong thế gian. Chính thái độ chống lại này là một sự trói buộc.

Câu kinh này rất sâu sắc, nó nói, Bởi, sự thật là, sự ràng buộc và tự do có liên quan với nhau... Chúng không đối nghịch, chúng liên quan với nhau. Tự do là gì? Bạn nói, “Không ràng buộc”. Và ràng buộc là gì? Bạn nói, “Không tự do”. Bạn có thể dùng cái này để định nghĩa cái kia. Chúng chỉ như nóng và lạnh, chứ không đối nghịch. Nóng là gì và lạnh là gì? Chúng chỉ là những mức độ của cùng một hiện tượng - những mức độ của nhiệt - nhưng hiện tượng thì như nhau, và chúng có liên quan. Nếu có một xô nước lạnh và một xô nước nóng và bạn cho cả hai tay vào hai xô - một tay vào xô nước nóng và tay kia vào xô nước lạnh - bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Một sự khác biệt về mức độ.

Và nếu đầu tiên bạn làm lạnh cả hai bàn tay mình bằng nước đá và sau đó bạn cho cả hai tay bạn vào xô nước nóng và xô nước lạnh, điều gì sẽ xảy ra? Lúc này bạn sẽ cảm thấy một sự khác biệt. Bây giờ tay lạnh của bạn sẽ cảm thấy nóng hơn trong xô nước nóng so với những gì nó cảm thấy trước đó. Và nếu tay kia đã trở nên lạnh, lạnh hơn xô nước lạnh kia nhiều, thì xô nước lạnh đó bây giờ sẽ có vẻ nóng; bạn sẽ không cảm thấy nó lạnh. Nó có liên quan. Chỉ có mức độ là khác nhau, còn hiện tượng thì vẫn vậy.

Tantra nói rằng sự ràng buộc và giải thoát, sansana và moksha, không phải là hai thứ, mà chỉ là một hiện tượng tương quan - của cùng một vấn đề. Thế nên tantra là duy nhất. Tantra nói rằng bạn phải được giải thoát khỏi không chỉ sự ràng buộc mà bạn còn phải được giải thoát khỏi cả chính moksha - sự giải thoát nữa. Trừ khi bạn được giải thoát khỏi cả hai, bạn không được giải thoát.

Vì vậy, điều đầu tiên: đừng cố chống lại bất cứ điều gì, bởi vì bạn sẽ chuyển tới điều gì đó thuộc về nó. Nó có vẻ đối nghịch, nhung không phải vậy. Đừng chuyển từ quan hệ tình dục tới brahmacharya-sự tịnh dục. Nếu bạn đang cố chuyển từ quan hệ tình dục tới brahmacharya thì brahmacharya của bạn sẽ không là gì mà chỉ là tình dục. Đừng chuyên từ tham tới không tham bởi vì sự không tham đó sẽ lại là một sự tham lam tinh vi. Chính vì vậy, nếu một truyền thống dạy về không tham, nó đưa ra một động cơ vụ lợi nào đó cho bạn.

Tôi đã ở cùng với một vị thánh, và ông đã nói với những tín đồ mình, "Nếu các bạn từ bỏ sự tham lam thì các bạn sẽ có được rất nhiều ở thế giới khác. Nếu các bạn bỏ tham thì các bạn sẽ đạt được nhiều ở thế giới khác!" Những người tham thế giới khác đó, sẽ bị ảnh hường bởi điều này. Họ có thể có động lực, và họ sẽ sẵn sàng bỏ nhiều thứ để đạt được. Nhưng động cơ để đạt được vẫn còn nguyên; nếu không, làm sao một người tham có thể đi tới không tham? Chắc phải có động cơ nào đó cực kỳ thỏa mãn tính tham của họ.

Thế nên đừng tạo ra những đối cực. Mọi đối cực đều liên quan; chúng là những mức độ của cùng một hiện tượng. Nếu bạn trở nên nhận biết về điều này, bạn sẽ nói rằng cả hai cực đều như nhau. Nếu bạn có thể cảm thấy điều này, rằng cả hai cực là như nhau, và nếu cảm nhận này đi sâu hơn, bạn sẽ được giải thoát khỏi cả hai. Thế thì bạn không là sansara cũng không là moksha. Thực ra, bạn đang không mong cầu bất cứ điều gì; bạn đã dừng mong cầu. Với sự dừng lại đó, bạn được giải thoát. Với cảm nhận rằng mọi thứ là như nhau tương lai đã biến mất. Bây giờ bạn có thể đi đâu? Tình dục và brahmacharya, cả hai đều như nhau, vậy người ta phải đi đâu? Và nếu tham và không tham là như nhau, bạo lực và phi bạo lực là như nhau, thì người ta phải đi đâu?

Không có nơi nào để đi. Thế thì sự chuyển động dừng lại; không có tương lai. Bạn không thể mong muốn bất cứ điều gì, bởi vì mọi mong muốn sẽ như nhau; chỉ những mức độ là khác nhau. Bạn có thể ước mong gì? Đôi lúc tôi hỏi mọi người - khi họ đến chỗ tôi, tôi hỏi họ - “Bạn thực sự mong muốn điều gì?” Ước mong của họ đều dựa trên những gì mà họ đang là. Nếu họ tham, họ ước mong không tham; nếu họ là dục tính, bị ám ảnh với tình dục, họ ước mong brahmacharya, cách để vượt lên tình dục, bởi vì họ khốn khổ với tình dục của mình.

Mong ước về brahmacharya có cơ sở, có nguồn gốc từ dục tính của họ. Họ hỏi, “Làm sao thoát khỏi thế gian này?” Thế gian này quá sức đổi với họ, họ bị gánh nặng và họ đang bám víu quá nhiều, bởi vì thế gian không thể đặt gánh nặng lên bạn trừ khi bạn bám vào nó. Gánh nặng này ở trong đầu bạn - vấn đề không phải là gánh nặng, mà là bạn, chính bạn đang mang nó. Và họ đang mang cả thế gian; thế rồi họ bị quá tải. Và trong trải nghiệm về sự khốn khổ này mà một mong ước mới về cái đối lập nảy sinh, thế nên họ bắt đầu khao khát cái đối lập.

Họ đã chạy theo tiền, nên bây giờ họ chạy theo thiền. Họ đã chạy theo một cái gì đó trong thế giới này; bây giờ họ đang chạy theo một cái gì đó trong thế giới kia. Nhưng cái sự chạy theo đó vẫn giữ nguyên, và sự chạy theo mới là vấn đề. Đối tượng là không liên quan. Sự ham muốn mới là vấn đề. Điều bạn ham muốn không quan trọng. Bạn ham muốn, đó mới là vấn đề, và bạn liên tục thay đổi đối tượng. Hôm nay bạn muốn A, ngày mai bạn muốn B, và bạn nghĩ bạn đang thay đổi. Thế rồi sau ngày mai bạn muốn C, và bạn nghĩ bạn đã chuyển hóa. Nhưng bạn vẫn như cũ. Bạn đã muốn A, bạn đã muốn B, bạn đã muốn C, và A-B-C không phải là bạn. Bạn ham muốn - đó là bạn, và điều đó vẫn giữ nguyên. Bạn muốn sự ràng buộc, rồi bạn thất vọng, chán nản; thế nên bạn muốn giải thoát. Bạn ham muốn, và chính ham muốn là sự ràng buộc.

Thế nên bạn không thể ham muốn sự giải thoát. Ham muốn là ràng buộc, nên bạn không thể ham muốn sự ràng buộc. Khi ham muốn không còn thì mới có giải thoát. Chính vì vậy mà câu kinh này nói, sự thật là, sự ràng buộc và tự do có liên quan với nhau... Vì vậy đừng trở nên ám ảnh với cái đối lập.

Những từ này chỉ dành cho những người khiếp sợ vũ trụ. Những từ về sự ràng buộc và tự do này là dành cho những người khiếp sợ vũ trụ.

Vũ trụ này là sự phản chiểu của tâm trí. Bất cứ điều gì bạn nhìn thấy trong vũ trụ này cũng là một sự phản chiếu. Nếu nó có vẻ như là sự ràng buộc, như thế có nghĩa nó là sự phản chiếu của bạn. Nếu nó có vẻ như là sự giải thoát, nó lại là sự phản chiếu của bạn.

Như khi bạn thấy nhiều mặt trời trong nước từ một mặt trời, hay thay sự ràng buộc và sự giải thoát cũng như thế. Mặt trời mọc, và có nhiêu ao hồ - đục và trong, lớn và nhỏ, đẹp và xấu - và một mặt trời phản chiếu trong nhiều ao hồ. Người nào mà cứ đếm sự phản chiếu này sẽ nghĩ rằng có nhiều, rất nhiều mặt trời. Người nào không nhìn vào những sự phản chiếu này mà nhìn vào thực tại thì sẽ nhìn thấy một mặt ười. Thế gian, như bạn nhìn vào nó, phản chiếu bạn. Nếu bạn là dục, cả thế gian đều có vẻ dục tính. Nếu bạn là một tên trộm, cả thế gian có vẻ cùng một nghề như bạn.

Có lần Mulla Nasruddin và vợ mình đi câu cá, và nơi đó rất nghiêm ngặt, chỉ ai có giấy phép mới được câu. Bỗng một viên cảnh sát xuất hiện, nên vợ Mulla nói, “Mulla, anh có giấy phép nên anh chạy đi. Đồng thời em sẽ trốn”.

Thế nên Mulla bắt đầu bỏ chạy. Ông ta chạy thục mạng và viên cảnh sát bám theo sau. Tất nhiên, Mulla để vợ lại đó, và viên cảnh sát đuổi theo ông ta. Mulla chạy mãi cho đến khi cảm thấy lúc này tim mình muốn nổ tung. Nhưng ngay lúc đó viên cảnh sát đã tóm được ông ta. Viên cảnh sát cũng toát mồ hôi, và anh nói, “Giấy phép của ông đâu?”. Mulla trình giấy tờ của mình. Viên cảnh sát kiểm tra và thấy hợp lệ. Anh ta nói, “Tại sao ông bỏ chạy, Nasruddin? Tại sao ông chạy xa vậy?”

Nasruddin nói, “Tôi đi khám bác sĩ, và bác sĩ đó nói sau mỗi bữa ăn nên chạy nửa dặm”.

Viên cảnh sát nói, “Thôi được, nhưng ông đã nhìn thấy tôi chạy sau ông, đuổi theo ông, la rất to, mà sao ông không dừng lại?”

Nasruddin nói, “Tôi nghĩ rằng có thể ông cũng đến khám ở chỗ bác sĩ đó”.

Đó là logic; đó là điều đang diễn ra. Dù bạn nhìn thấy gì quanh mình thì cũng là một sự phản chiếu của bạn hơn là bất cứ điều gì thực ở đó. Bạn nhìn vào chính hình ảnh phản chiếu trong gương của mình ở khắp mọi nơi. Thời điểm bạn thay đổi, sự phản chiếu thay đổi. Thời điểm bạn trở nên hoàn toàn im lặng, cả thế gian cũng trở nên im lặng. Thế gian không phải là một sự ràng buộc: sự ràng buộc là một sự phản chiếu. Và thế gian không phải là sự giải thoát; sự giải thoát cũng là một sự phản chiếu.

Vị Phật thấy cả thế gian trong niết bàn. Vị Krishna thấy cả thế gian đang lễ hội trong mãn nguyện, trong phúc lạc; không có đau khổ. Nhưng tantra nói rằng dù bạn nhìn thấy gì thì đó cũng là một sự phản chiếu, trừ khi không còn bất cứ điều gì được nhìn thấy ngoài chiếc gương trong suốt, không có gì phản chiếu trong nó. Đó chính là sự thật.

Nếu một cái gì đó được nhìn thấy, đó chỉ là sự phản chiếu. Sự thật chỉ có một; chỉ những sự phản chiếu mới có thể có nhiều. Một khi điều này được hiểu - không phải bởi lý thuyết mà bởi thực tế, thông qua trải nghiệm - bạn được giải thoát, được giải thoát khỏi cả sự ràng buộc lẫn sự giải thoát.

Khi Naropa trở nên chứng ngộ, một người nào đó đã hỏi, “Bây giờ ông đã đạt được giải thoát?”

Naropa nói, “Đúng và không đúng, cả hai. Đúng, tôi không còn bị ràng buộc, và không đúng là bởi vì sự giải thoát đó cũng là một sự phản chiếu của sự ràng buộc. Tôi đã nghĩ về nó bởi sự ràng buộc”.

Hãy nhìn vào điều đó theo cách này: bạn bị ốm thế nên bạn ước ao sức khỏe. Niềm ước ao sức khỏe đó là một phần của bệnh tật của bạn. Nếu bạn thực sự khỏe mạnh, bạn sẽ không ước ao sức khỏe. Tại sao bạn lại ao ước? Nếu bạn thực sự khỏe mạnh, niềm ước ao này còn đâu? Nhu cầu là gì? Nếu bạn thực sự khỏe mạnh, bạn không bao giờ cảm thay mình khỏe mạnh. Chỉ những người khi ốm, bệnh tật thì mới cảm thấy rằng họ khỏe mạnh. Nhu cầu là gì? Làm sao bạn có thể cảm thấy rằng mình khỏe mạnh? Nếu bạn ra đời khỏe mạnh và bạn chưa bao giờ bị ốm, liệu bạn sẽ có thể cảm nhận về sức khỏe của mình không? Sức khỏe có đó, nhưng không thể cảm nhận được nó. Nó chỉ có thể được cảm nhận thông qua sự tương phản, thông qua cái đối lập. Nhiều thứ được cảm nhận chỉ thông qua sự đối lập. Nếu bạn bị ốm, bạn mới có thể cảm nhận về sức khỏe - và nếu bạn đang cảm nhận về sức khỏe, nên nhớ, bạn vẫn còn ốm.

Vậy nên Naropa nỗi, “Đúng và không đúng, cả hai. ‘Đúng’ vì bây giờ không còn ràng buộc, nhưng sự giải thoát cũng đã biến mất cùng với sự ràng buộc; chính thế nên ‘không đúng’. Sự giải thoát là một phần của sự ràng buộc. Bây giờ tôi vượt lên cả hai - không còn trong sự ràng buộc cũng không trong sự giải thoát”.

Đừng biến tôn giáo thành một sự tìm kiếm, một ham muốn. Đừng biến moksha, sự giải thoát, niết bàn thành một đối tượng ham muốn. Điều đó chỉ đến khi không còn ham muốn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho