Chương 42: Tỉnh táo thông qua tantra - không thông qua những nguyên tắc

Sách của những bí mật - Tập 3
Book of secrets - Volume 3
Osho


Chương 42: Tỉnh táo thông qua tantra - không thông qua những nguyên tắc

26 tháng 3 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ẩn Độ

Câu hỏi 1

Có đúng là một cuộc sống phi đạo đức tạo ra những trở ngại trong thiền?

Thiền là gì? Nó không phải là tính cách của bạn, nó không phải là những gì bạn làm. Nó là những gì bạn là. Nó không phải là tính cách, nó chính là ý thức bạn mang vào bất cứ điều gì bạn làm. Bạn làm gì không liên quan. Bạn đang làm một cách có ý thức hay không mới là vấn đề, cho dù điều đó là đạo đức hay phi đạo đức. Bạn có tỉnh táo không? Nếu bạn tỉnh táo, thiền xảy ra. Nếu bạn không tỉnh táo, bạn đang sống trong giấc ngủ.

Bạn có thể đạo đức khi ngủ say, không vấn đề gì. Đúng hơn, hãy đạo đức nếu bạn muốn ngủ say, bởi vì khi đó xã hội sẽ không quấy nhiễu bạn. Khi đó không có ai sẽ chống lại bạn. Bạn có thể ngủ thoải mái. Xã hội sẽ giúp bạn.

Bạn có thể đạo đức mà không thiền định, nhưng phi đạo đức sẽ luôn theo sau bạn. Nó sẽ theo sau như một cái bóng, và đạo đức của bạn sẽ chỉ ở bề ngoài, bởi vì đạo đức của bạn chỉ có thể được áp đặt từ bên ngoài khi bạn ngủ. Nó chỉ có thể là giả tạo, giả dối, là cái mẽ, nó không thể trở thanh con người bạn. Bên ngoài bạn sẽ trở nên đạo đức, nhưng bên trong bạn sẽ vẫn giữ nguyên là phi đạo đức. Và bên ngoài bạn càng trở nên đạo đức, thì bên trong bạn sẽ càng phi đạo đức - cùng một tỷ lệ, bởi vì đạo đức của bạn không là gì mà chỉ là một sự kìm nén sâu. Bạn không thể làm bất cứ điều gì khác khi đang ngủ; bạn chỉ có thể kìm nén.

Và thông qua dạng đạo đức này mà bạn cũng sẽ trở thành giả. Bạn sẽ không là một con người, mà chỉ đơn giản là một “cá nhân” - một thực thể giả. Đau khổ sẽ theo sau, và hậu quả là bạn sẽ bên bờ vực của sự bùng nổ - bùng nổ tất cả những thứ bạn đã kìm nén. Nó đang chờ bạn ở đó. Và khi ngủ, nếu bạn đạo đức một cách thực sự chân thật thì bạn sẽ hóa điên. Chỉ có người không trung thực mới có thể vẫn là đạo đức mà không bị điên. Đó chính là nghĩa của từ “đạo đức giả”. Những người đạo đức giả chỉ tỏ vẻ họ là đạo đức, ở bề ngoài họ liên tục giữ nguyên là đạo đức hay giả vờ là đạo đức, nhưng họ không phải thế, và họ tìm ra những con đường, những cách thức để là phi đạo đức. Chỉ thế thì bạn mới giữ được lành mạnh; nếu không bạn sẽ phát điên.

Cái gọi là đạo đức này chỉ cho phép hai lựa chọn. Nếu chân thật, bạn sẽ trở nên điên khùng; nếu không chân thật, bạn sẽ trở thành đạo đức giả. Cho nên những người tinh ranh, khôn khéo, họ là những người đạo đức giả. Những người giản dị, hồn nhiên, những người trở thành nạn nhân của những thuyết giảng như thế, lại hóa điên.

Khi ngủ, đạo đức thực không thể xảy ra với bạn. Và ý bạn muốn nói gì bởi “đạo đức thực”? Nó là một sự nở hoa tự nhiên nào đó từ bản thể bạn, không phải do áp đặt từ bên ngoài. Và đạo đức thực không đối nghịch với phi đạo đức; đạo đức thực chỉ là sự vắng mặt của phi đạo đức chứ nó không đối nghịch. Ví dụ, bạn có thể được dạy phải yêu thương hàng xóm của mình, yêu mọi người, trở nên yêu thương. Điều đó có thể trở thành một thái độ đạo đức, nhưng sự ghen ghét vẫn còn lại bên trong. Bạn ép mình trở nên yêu thương, và một tình yêu do ép buộc thì không thể là thực, không thể đích thực. Nó sẽ không thỏa mãn cả bạn lẫn người bạn yêu. Không có ai được mãn nguyện bởi tình yêu giả này.

Điều đó giống như nước giả. Nó không thể làm hết cơn khát của bất cứ ai. Sự căm ghét có đó và đang cố khẳng định. Và tình yêu giả không thể là một rào cản thực đối với nó. Đúng hơn là, ghét sẽ thấm vào tình yêu giả này và thậm chí sẽ biến nó thành độc hại, và tình yêu thương của bạn sẽ trở thành như một dạng căm ghét. Nó rất gian xảo và tinh ranh.

Đạo đức thực xuất hiện với người đã đi sâu vào bên trong mình - và bạn càng đi sâu vào, bạn càng trở nên yêu thương. Nó không phải là điều gì đó bị ép buộc chống lại ghét; nó không phải là điều gì đó đối lập với ghét. Bạn càng đi sâu, tình yêu càng tuôn chảy từ bạn. Nó không có gì để làm với ghét; nó không liên quan đến ghét chút nào. Thời điểm bạn chạm tới trung tâm mình, bạn tràn đầy yêu thương mà không có sự áp đặt đạo đức nào. Thậm chí, bạn có thể không nhận ra rằng mình đang yêu thương. Làm sao bạn có thể nhận ra? Tình yêu này sẽ rất tự nhiên như hơi thở, như cái bóng của bạn. Bạn sẽ đơn giản là yêu thương.

Tantra dạy về hành trình nội tại. Đạo đức sẽ xuất hiện, nhưng đó sẽ là một hệ quả, chứ không phải là điều kiện tiên quyết. Hãy phân biệt rõ sự khác nhau này. Tantra nói đừng bị vướng vào những khái niệm về đạo đức và phi đạo đức. Chúng là bên ngoài. Thay vào đó, hãy đi vào trong. Thế nên có những kỹ thuật để đi vào trong. Và đừng quan tâm tới đạo đức và phi đạo đức, thanh khiết và không thanh khiết; đừng quan tâm tới những sự phân biệt. Chỉ đi vào trong. Hãy quên cái bên ngoài - thế giới bên ngoài, xã hội và bất cứ điều gì xã hội đã dạy bạn. Tất cả những điều xã hội dạy buộc phải là nhị nguyên, buộc phải là kìm nén, buộc phải là xung đột nội tại. Và nếu có sự xung đột này thì bạn không thể đi vào trong.

Thế nên hãy quên xung đột đó và tất cả những thứ tạo ra xung đột. Chỉ đi vào trong. Bạn càng vào sâu, bạn sẽ càng trở nên đạo đức, nhưng đạo đức đó sẽ không là đạo đức của xã hội. Bạn sẽ là đạo đức mà không “đang đạo đức” - không ý thức rằng bạn đạo đức, bởi vì bên trong bạn không có gì đối lập với nó. Bạn đơn giản là yêu thương bởi vì bạn cảm thấy hạnh phúc khi bạn yêu thương. Tự nó là một niềm phúc lạc. Với nó không có sự kết thúc; không cần đến kết quả nào. Không phải là bạn sẽ được lên thiên đàng nếu bạn yêu thương. Đó không phải là một sự mặc cả. Đạo đức mà xã hội rao giảng và cái gọi là thuyết giảng của các tôn giáo là một sự mặc cả: “Làm điều này và bạn sẽ có được điều kia. Nếu bạn không làm điều này thì bạn sẽ không có được điều kia. Thậm chí bạn sẽ bị trừng phạt”. Đó là một sự mặc cả.

Đạo đức theo tantra không phải là một sự mặc cả, nó là một sự xuất hiện. Bạn càng đi sâu hơn thì bạn càng bắt đầu sống trong thời điểm hiện tại. Bạn cảm thấy rằng yêu là phúc lạc. Đó không phải là một bước, một điều kiện, một sự mặc cả với điều gì đó khác; tự nó là đủ. Bạn yêu bởi vì bạn cảm thấy hạnh phúc khi yêu. Bạn đang không làm điều gì cho người hàng xóm của bạn; bạn đang không gia ơn cho bất cứ ai khác. Đó là niềm vui khi là yêu thương. Điều đó tốt cho bạn ngay ở đây và bây giờ. Không có thiên đường hay địa ngục trong tương lai. Ngay bây giờ nó tạo ra thiên đường, và vương quốc Thượng đế sẽ đến với bạn. Và điều này xảy ra với tất cả những người đức hạnh; họ nở hoa tự nhiên.

Bây giờ hãy xem câu hỏi: Có đúng là một cuộc sống phi đạo đức tạo ra những trở ngại trong thiền? Thực ra, ngược lại mới đúng. Cuộc sống thiền định gây ra những trở ngại trong cuộc sống phi đạo đức. Cuộc sống phi đạo đức không thể gây ra bất cứ trở ngại nào. Cuộc sống phi đạo đức có nghĩa là bạn không thiền định - không có gì khác; bạn ngủ say. Chính vì vậy mà bạn đang làm hại chính mình

Đối với tantra, điều cơ bản là thiền, tỉnh táo, nhận biết. Không có gì cơ bản hơn điều đó. Khi ai đó phi đạo đức, điều đó cho thấy người đó không tỉnh táo. Đó chỉ là một triệu chứng. Cuộc sống phi đạo đức chỉ là một triệu chứng cho thấy rằng người đó không tỉnh táo. Việc thuyết giáo thông thường đang giảng điều gì? Những người thầy bình thường sẽ nói để người phi đạo đức đang mơ ngủ này trở nên đạo đức. Người đó có thể thay đổi từ phi đạo đức thành đạo đức, nhưng giấc ngủ đó vẫn tiếp tục.

Cho nên toàn bộ nỗ lực bị lãng phí bởi vì căn bệnh thực sự không phải là phi đạo đức; phi đạo đức chỉ là một triệu chứng. Căn bệnh này chính là sự không-tỉnh-táo, không-thiền-định. Chính vì vậy mà người đó phi đạo đức. Bạn có thể biến đổi người đó thành đạo đức. Bạn có thể tạo ra nỗi sợ, và bạn chỉ có thể làm người đó sợ hãi khi họ mơ ngủ; ngược lại bạn không thể gây ra nỗi sợ. Bạn có thể tạo ra nỗi sợ về địa ngục và bạn có thể tạo ra những lợi ích để làm động lực hướng tới thiên đường. Cả hai điều này là có thể chỉ khi bạn mơ ngủ. Nếu bạn không mơ ngủ, bạn không thể bị đe dọa và bạn không thể bị lợi lộc thúc đẩy. Hai điều đó chỉ có ý nghĩa đối với tâm trí đang mơ ngủ.

Thế nên, hãy dùng sự trừng phạt để tạo ra nỗi sợ, và người ta sẽ thay đổi từ phi đạo đức thành đạo đức - nhưng họ sẽ thay đổi bởi sợ hãi. Hãy dùng lợi ích để tạo động lực, và rồi người đó sẽ thay đổi từ phi đạo đức thành đạo đức - nhưng họ sẽ thay đổi vì ham muốn, vì tham lam, vì động cơ vụ lợi. Tham lam và sợ hãi là một phần của tâm trí mơ ngủ. Người đó vẫn ngủ, không có gì cơ bản được thay đổi.

Người như thế là tốt đối với xã hội; thế là ổn. Người phi đạo đức là vấn đề đối với xã hội, nhưng người đạo đức thì không vấn đề gì. Cho nên xã hội đã giải quyết những vấn đề của nó, còn người đó thì vẫn cứ mơ ngủ. Đối với bản thân người đó, không có gì được giải quyết; chỉ là bây giờ người đó phù hợp hơn với xã hội. Trước đây, người đó không phù hợp. Hãy thử quan sát thực tế này: một người phi đạo đức thì không phù hợp với xã hội, nhưng lại thoải mái với chính mình. Một người đạo đức thì trở nên phù hợp với xã hội nhưng lại không thoải mái với chính mình.

Thế nên đó chỉ là đồng tiền được lật ngược lại. Chính vì vậy mà những người phi đạo đức có vẻ hạnh phúc và vui tươi hơn, và người đạo đức lại nghiêm trọng, buồn bã, nặng nề. Người phi đạo đức thì đang chiến tranh với xã hội và người đạo đức thì lại đang chiến tranh với chính mình. Người phi đạo đức cảm thấy lo lắng chỉ vì luôn luôn sợ bị bắt. Người đó sợ bị bắt, nhưng lại đang thoải mái với chính mình. Nếu không có ai bắt mình, nếu không có nỗi sợ bị bắt thì người đó thấy yên ổn.

Người đạo đức bị mắc kẹt trong cuộc vật lộn với chính mình. Không có gì yên ổn với người đó; người đó chỉ yên ổn với xã hội. Đạo đức là một loại dầu bôi trơn, nó giúp bạn dễ dàng hoạt động cùng với người khác. Nhưng thế thì bạn lại trở nên không thoải mái với chính mình. Sự không thoải mái vẫn còn nguyên, hoặc với xã hội hoặc với chính bạn. Chỉ khi bạn trở nên thức tỉnh thì sự không thoải mái mới rời xa bạn.

Tantra quan tâm đến căn bệnh cơ bản chứ không quan tâm đến những triệu chứng. Đạo đức thì đang loại bỏ những triệu chứng. Cho nên tantra nói không quan tâm đến những khái niệm về đạo đức hay phi đạo đức. Điều đó không có nghĩa rằng tantra nói trở nên phi đạo đức. Làm sao tantra có thể bảo bạn trở nên phi đạo đức khi mà tantra còn không thể bảo bạn trở nên đạo đức? Tantra nói toàn bộ vấn đề đó là không liên quan: đừng nói về đạo đức và phi đạo đức mà hãy đi tới tận gốc rễ. Bạn có thể là đạo đức hay phi đạo đức, nhưng đó chỉ là triệu chứng. Hãy đi tới tận gốc rễ! Gốc rễ đó là bạn đang ngủ - ngủ rất say.

Làm sao phá bỏ khuôn mẫu mơ ngủ này? Làm sao trở nên nhận biết và không rơi đi rơi lại vào giấc ngủ? Đó chính là điều tantra quan tâm - và khi bạn trở nên tỉnh táo, tính cách của bạn sẽ thay đổi. Nhưng đây là một hệ quả. Tantra nói bạn không cần lo lắng về điều đó; đấy là một hệ quả. Chắc chắn nó xảy ra, nên bạn không cần phải lo lắng về nó. Bạn không cần mang nó đến, nó sẽ tự xuất hiện. Khi bạn càng trở nên tỉnh táo nhiều hơn thì bạn sẽ càng ít phi đạo đức hơn. Nhưng đạo đức sẽ đến với bạn không phải do ép buộc; nó không phải là điều gì đó do chính bạn tạo ra. Bạn chỉ đang cố gắng tỉnh táo, và nó tự đến.

Làm sao người tỉnh táo lại có thể là bạo lực? Làm sao người tỉnh táo lại cảm thấy ghét và giận dữ? Điều đó có vẻ mâu thuẫn, nhưng nó là vậy. Người nào mà mơ ngủ thì không thể không có sự căm ghét. Điều đó là không thể. Người đó chỉ có thể giả vờ rằng không giận dữ, không căm ghét. Người đó chỉ có thể giả vờ rằng có tình yêu, lòng trắc ẩn, sự tử tế, sự cảm thông. Tất cả những thứ đó là giả vờ. Điều hoàn toàn ngược lại xảy ra với người đã thức tỉnh. Nếu cần giận dữ, người đó chỉ có thể giả vờ. Người đó không thể giận dữ; người đó chỉ có thể giả vờ! Nếu cần giận dữ - và lắm lúc cần đến nó - người đó chỉ có thể giả vờ. Người đó không thể buồn, nhưng nếu cần người đó có thể giả vờ buồn. Giờ đây những điều này là không thể.

Giờ đây tình yêu là tự nhiên, giống như sự căm ghét trước đây. Trước đây yêu là giả vờ. Bây giờ chỉ có thể là giả vờ căm ghét - nếu cần làm thế. Jesus đã giả vờ đấu tranh với những người đổi tiền trong một ngôi đền nổi tiếng. Ông ấy không thể giận dữ, nhưng ông đã chọn cách giả vờ. Ông không thể thực sự giận dữ. Ông không thể tức giận, nhưng ông có thể sử dụng sự tức giận - như bạn chỉ sử dụng tình yêu chứ không thể yêu thương.

Bạn sử dụng tình yêu vì những mục đích nhất định. Tình yêu của bạn chỉ là để có được thứ gì đó khác; nó không bao giờ là tình yêu đơn thuần. Có thể bạn đang cố để có tiền, bạn đang cố để được quan hệ tình dục, có thể bạn đang cố để có cái gì đó - sự thỏa mãn của bản ngã, một chiến thắng, một cảm giác rằng mình rất quyền lực. Bạn có thể cố để có bất cứ thứ gì khác, nhưng nó không bao giờ là tình yêu.

Vị phật có thể tức giận nếu vị ấy nghĩ rằng điều đó sẽ có ích. Vì tình yêu của mình mà đôi lúc vị ấy có thể tức giận, nhưng đó chỉ là giả vờ và chỉ những kẻ ngốc mới bị lừa gạt bởi điều đó. Những người biết, họ sẽ cười. Khi thiền sâu hơn, tantra nói, bạn bắt đầu thay đổi. Và khi sự thay đổi xảy ra với bạn, điều đó thật tuyệt. Nếu bạn “làm” nó, nó không bao giờ có thể là cái gì đó rất sâu sắc, bởi vì làm chỉ ở trên bề mặt. Cho nên tantra nói, cho phép nó xảy ra từ bản thể, từ chính trung tâm. Hãy để nó tuôn chảy từ trung tâm ra ngoại vi; đừng thúc ép nó từ ngoại vi vào trung tâm. Đó là điều không thể.

Tantra sẽ không bảo hãy đạo đức hay phi đạo đức. Điều duy nhất là nếu bạn đang mơ ngủ thì hãy cố thay đổi nó. Cho phép mình trở nên tình táo nhiều hơn, dù bạn đang ở đâu. Nếu bạn là phi đạo đức, tantra nói, “Điều đó không sao. Chúng tôi không quan tâm tới sự phi đạo đức của bạn, chúng tôi quan tâm tới sự mơ ngủ của bạn và cách chuyển hóa nó thành tỉnh táo”. Đừng chiến tranh với phi đạo đức. Hãy chỉ cố gắng thay đổi sự mơ ngủ của bạn.

Nếu bạn đạo đức, điều đó không sao. Tantra sẽ không nói bạn trước tiên hãy trở nên phi đạo đức và sau đó cố gắng. Người phi đạo đức không cần chuyển hóa mình thành người đạo đức, cũng như người đạo đức không cần phải chuyển hóa mình thành người phi đạo đức để vào thiền. Tất cả điều họ cần là thay đổi phẩm chất của ý thức. Cho nên dù bạn đang ở đâu, là tội đồ hay thánh nhân, với tantra không có sự khác biệt. Nếu bạn mơ ngủ, thì hãy thử những kỹ thuật để tỉnh táo. Và đừng cố thay đổi những triệu chứng. Tội đồ là bệnh tật và cái gọi là vị thánh cũng bệnh tật, bởi vì cả hai đều mơ ngủ.

Căn bệnh đó chính là sự mơ ngủ chứ không phải tính cách của bạn. Tính cách của bạn chỉ là sản phẩm phụ. Và bất cứ điều gì bạn làm trong lúc vẫn ngủ thì sẽ không tạo ra bất cứ thay đổi cơ bản nào. Chỉ một điều có thể thay đổi bạn và tạo ra sự đột biến, đó là sự tỉnh táo. Vấn đề là làm sao trở nên ngày càng tỉnh táo hơn. Thế nên, dù bạn làm gì thì cũng biến nó thành đối tượng của sự tỉnh táo. Nếu bạn thực hiện một hành vi phi đạo đức nào đó, thì hãy thực hiện nó một cách thiền định. Hành động đó sẽ không kéo dài trước khi nó tự tan rã và biến mất. Thế rồi bạn sẽ không thể thực hiện nó - không phải vì bạn đã tạo ra áo giáp chống lại nó, mà vì bây giờ bạn tỉnh táo hơn. Và làm sao bạn có thể làm một điều mà nó cần giấc ngủ như là một điều kiện đầu tiên? Bạn không thể làm điều đó.

Hãy hiểu rõ sự khác biệt cơ bản này giữa tantra và những thuyết giảng khác. Tantra khoa học hơn. Nó đi tới chính gốc rễ của vấn đề, chuyển hóa bạn từ chính bản thể - không phải từ cái cái vỏ bên ngoài của tính cách, của đạo đức và phi đạo đức, của những hành vi và những công việc. Bất cứ điều gì bạn làm thì cũng chỉ ở ngoại vi; bất cứ điều gì bạn là thì không bao giờ ở ngoại vi. Phẩm chất của hành động chứ không phải chính hành động là có ý nghĩa đối với tantra.

Ví dụ, một người bán thịt đến chỗ Nan-in. Ông ta là người bán thịt và Nan-in là nhà sư Phật giáo, là người tin vào phi bạo lực. Toàn bộ công việc của ông ta là bạo lực. Cả ngày ông ta giết những con vật. Khi người bán thịt này đến với Nan-in, ông ta lại hỏi “Tôi phải làm gì? Nghề của tôi là một nghề bạo lực. Cho nên đầu tiên tôi phải bỏ nghề và chỉ có thế thì tôi mới có thể là một con người mới, hay còn cách nào khác?”

Nan-in nói, “Chúng tôi không quan tâm đến những gì ông làm. Chúng tôi quan tâm đến những gì ông đang là. Thế nên ông cứ làm những gì ông đang làm, nhưng hãy tỉnh táo hơn. Khi giết mổ, hãy giữ tỉnh táo, thiền định, và cứ tiếp tục làm những gì ông đang làm. Chúng tôi không quan tâm”.

Những người theo Nan-in trở nên bối rối - bởi vì đây là một người đã theo Phật, là người tin vào phi bạo lực, lại cho phép một đồ tể tiếp tục công việc. Một môn đệ nói, “Điều này không tốt. Và chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một người như thầy lại cho phép một đồ tể vẫn cứ là đồ tể. Và khi ông ta hỏi, lẽ ra thầy nên bảo ông ta bỏ nghề. Chính ông ta sẵn sàng mà”.

Người ta thuật lại rằng Nan-in đã nói, “Bạn có thể dễ dàng thay đổi nghề nghiệp của người đồ tể này; chính ông ta đã sẵn sàng. Nhưng theo cách đó thì bạn không thể thay đổi phẩm chất của tâm thức ông ta. Ông ta sẽ vẫn là một người đồ tể”.

Ông ta có thể trở thành một vị thánh, nhưng phẩm chất của tâm trí đó sẽ vẫn là của người đồ tể. Đó sẽ là một sự đánh lừa những người khác và cả chính ông ta nữa. Đi mà xem cái gọi là các vị thánh của bạn. Nhiều người trong họ vẫn giữ nguyên là những đồ tể. Phẩm chất, thái độ, tính bạo lực, cách họ nhìn bạn là sự lên án, là bạo lực. Bạn là một tội đồ và họ là những vị thánh. Khi họ nhìn bạn, chính cách nhìn như thể bạn đáng bị lên án, đáng bị tống xuống địa ngục.

Nan-in nói, “Thay đổi cuộc sống bên ngoài của ông ta là điều không tốt; tốt hơn là mang phẩm chất mới đến cho tâm trí ông ta. Và cứ để ông ta vẫn là một đồ tể là điều tốt, bởi vì ông ta bị phiền nhiễu bởi nghề giết mổ và sự bạo lực của mình. Nếu ông ta trở thành một vị thánh thì ông ta sẽ vẫn là một đồ tể, nhưng khi đó ông ta sẽ không bị phiền nhiễu. Bản ngã ông ta sẽ mạnh thêm. Thế nên điều này là tốt. Ông ta bị phiền nhiễu vì nghề của ông là bạo lực, và ít nhất ông ta đã trở nên biết rõ về điều này - rằng điều này là không tốt. Ông ta sẵn sàng thay đổi, nhưng chỉ sự sẵn sàng thay đổi sẽ không ích gì. Một phẩm chất mới của tâm trí phải được phát triển. Hãy để ông ta thiền”.

Sau một năm, người đàn ông đó lại đến. Ông ta đã trở thành một con người khác. Ông vẫn là một người giết mổ, nhưng con người đã thay đổi mặc dù công việc vẫn không đổi. Ông ta lại đến với Nan-in và nói, “Bây giờ tôi là một người khác. Tôi đã thiền và thiền nhiều, và toàn bộ cuộc đời tôi đã trở thành một dạng thiền, bởi vì thầy đã nói tôi hãy thiền về bất cứ điều gì tôi đang làm gì. Tôi đang giết gia súc, nhưng tôi cũng đang thiền, suốt cả ngày. Bây giờ thầy nói tôi phải làm gì?”

Nan-in nói, “Bây giờ không phải đến với tôi. Hãy cho phép sự nhận biết của ông tạo ra con đường cho ông. Ông không cần đến với tôi nữa”.

Người bán thịt nói, “Bây giờ, nếu thầy nói giữ nguyên nghề thì tôi sẽ giả vờ giữ. Nhưng về phía tôi, tôi không còn đó nữa. Thế nên, nếu thầy cho phép tôi, tôi sẽ không quay trở lại. Nhưng nếu thầy nói tôi đi, thì điều đó không sao. Tôi sẽ đi và giả vờ, và tôi sẽ vẫn tiếp tục”.

Đây chính là cách, khi mà phẩm chất bạn thay đổi - phẩm chất của tâm thức bạn - bạn trở thành một người khác hoàn toàn. Và tantra quan tâm tới chính bạn chứ không phải những gì bạn làm.



Câu hỏi 2

Nếu ai đó tuân theo những luật lệ nào đó của cuộc sống và gọi điều này là đạo đức, thế thì có sự phản đối nào từ người theo tantra không?

Tantra không có những sự phản đối, nhưng việc không phản đối này lại là vấn đề. Tantra không phản đối bất cứ điều gì; tantra không lên án bằng bất cứ cách nào. Nó không quan tâm đến việc bảo bạn, “Làm điều này”, hay “Không làm điều kia”. Nếu bạn cảm thấy tốt, nếu bạn cảm thấy hạnh phúc khi tuân theo những nguyên tắc nào đó, thì cứ theo chúng. Nhưng việc theo những nguyên tắc nào đó sẽ không bao giờ dẫn bạn đến hạnh phúc, bởi những nguyên tắc và việc theo chúng sẽ không thay đổi được bạn. Bạn sẽ vẫn giữ nguyên như cũ.

Những nguyên tắc luôn luôn là vay mượn, những lý tưởng luôn luôn là vay mượn. Ai đó đã trao chúng cho bạn. Chúng không phải là của bạn; chúng đã không phát triển từ trải nghiệm của bạn. Chúng không có gốc rễ. Xã hội, tôn giáo mà bạn được sinh ra cùng, những người thầy mà bạn đã tình cờ gần gũi, họ đã trao chúng cho bạn. Bạn có thể theo chúng và bạn có thể ép buộc mình sao cho phù hợp, nhưng thế thì bạn sẽ là một người như đã chết rồi - không sống động. Bạn có thể tạo ra một sự bình lặng nào đó quanh mình, nhưng đó sẽ là sự bình lặng của nghĩa địa - chết chóc. Bạn có thể ít tổn thương hơn với những phiền muộn, khép kín hơn bởi những nguyên tắc, nhưng thế thì bạn sẽ trở nên ít nhạy cảm hơn, ít sống động hơn. Thế nên cái gọi là những người nguyên tắc luôn luôn cứng nhắc.

Hãy nhìn họ xem: họ có vẻ trầm lặng, tự tại, thanh thản, yên bình, nhưng một sự chết chóc nào đó luôn luôn quanh họ. Bầu không khí chết chóc luôn có đó. Bạn không thể cảm thấy sự vui vẻ như lễ hội của cuộc sống, niềm vui sống xung quanh họ. Bạn không bao giờ cảm thấy điều đó xung quanh họ. Họ đã tạo ra áo giáp xung quanh mình - một loại áo giáp an toàn. Không gì có thể xuyên vào họ. Những bức tường nguyên tắc và tính cách của họ ngăn chặn mọi thứ, nhưng họ sẽ bị giam hãm phía sau những bức tường này, và họ là những tù nhân của chính mình. Nếu bạn chọn điều này, tantra không phản đối. Bạn tự do lựa chọn một cuộc sống mà không phải là cuộc sống chút nào.

Có một lần Mulla Nasruddin đã viếng thăm một nghĩa địa, và ông đã nhìn thấy một lăng mộ bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp. Một cái tên được khắc lên nó, “Rothschild”. Mulla được cho là đã nói, “Ái chà! Chà! Đây là cái tôi gọi là cuộc sống. Đây là cái tôi đã gọi là sự sống - một lăng mộ đá cẩm thạch đẹp”. Nhưng dù đẹp thế nào, nó vẫn không phải là cuộc sống. Nó là đá cẩm thạch - đẹp, sang - nhưng không phải là cuộc sống. Bạn có thể tạo ra một lăng mộ từ chính cuộc sống của bạn, từ những nguyên tắc, những lý tưởng, những sự áp đặt, nhưng thế thì bạn sẽ như đã chết rồi, cho dù có đõ bị tổn thương hơn bởi vì cái chết không thể bị tổn thương.

Cái chết là một sự an toàn; cuộc sống thì luôn không an toàn. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra với một người sống; không gì có thể xảy ra với một người đã chết. Người đó an toàn. Không có tương lai, không có khả năng thay đổi. Điều cuối cùng đã xảy ra với người đó - cái chết. Bây giờ không gì có thể xảy ra.

Những tính cách nguyên tắc là những tính cách cứng nhắc. Tantra không quan tâm đến chúng. Tantra cũng không phản đối - nếu bạn cảm thấy chết là tốt, thì đó là lựa chọn của bạn. Bạn có thể tự sát, và đây là tự sát. Tantra ủng hộ những người muốn trở nên sống động hơn, và chân lý, cái tối thượng, không phải là cái chết mà là sự sống. Nên nhớ điều đó: cái tối thượng không phải là cái chết. Nó là sự sống - nhiều sự sống hơn. Jesus đã nói, “Cuộc sống phong phú, cuộc sống vô hạn”.

Thế nên, bạn không bao giờ có thể đạt tới cái tối thượng thông qua cái chết. Nếu cái tối thượng là cuộc sống, “cuộc sống phong phú”, thế thì bạn sẽ không bao giờ tiếp cận được nó bởi cái chết. Chỉ bởi sống động hơn, nhạy cảm hơn, dễ tổn thương hơn, ít nguyên tắc hơn và tỉnh táo hơn mà bạn sẽ đạt tới nó. Tại sao bạn lại tìm kiếm những nguyên tắc? Có thể bạn đã chưa quan sát tại sao. Đó là vì, với những nguyên tắc bạn không cần tỉnh táo. Bạn không cần tỉnh táo! Nếu bạn sống thông qua những nguyên tắc thì bạn không cần tỉnh táo.

Giả sử tôi tạo ra một nguyên tắc về phi bạo lực và sau đó tôi bám vào nó, hay tôi tạo ra một nguyên tắc về trung thực và tôi bám vào nó; thế thì nó trở thành một thói quen. Tôi tạo ra một thói quen trung thực, một thói quen luôn luôn nói sự thật. Điều đó trở thành một thói quen máy móc; bây giờ không cần thiết tỉnh táo. Tôi không thể nói dối vì nguyên tắc, thói quen sẽ luôn tạo ra rào cản. Xã hội phụ thuộc vào những nguyên tắc, vào việc khắc sâu và giáo dục đứa trẻ theo những nguyên tắc. Thế rồi, những đứa trẻ trở nên không có khả năng thực sự để sống trái lại. Nếu một người trở nên không có khả năng thì người đó như đã chết rồi.

Chân lý của bạn có thể là sống động chỉ khi nó đến từ sự tỉnh táo chứ không phải từ nguyên tắc. Mỗi thời điểm bạn phải tỉnh táo để là thực. Chân lý không phải là nguyên tắc; nó là cái gì đó được sinh ra từ sự tỉnh táo của bạn. Phi bạo lực không phải là nguyên tắc; nếu bạn tỉnh táo bạn không thể là bạo lực. Nhưng điều đó là khó khăn và gian nan. Bạn sẽ phải chuyển hóa mình hoàn toàn. Tạo ra một cuộc sống theo những nguyên tắc, những luật lệ và những quy định thì dễ. Thế thì bạn không cần lo lắng. Bạn không cần lo lắng về việc trở nên tỉnh táo và nhận biết hơn; bạn có thể làm theo những nguyên tắc.

Thế thì bạn chỉ như một đoàn tàu chạy trên đường ray. Những đường ray đó là những nguyên tắc của bạn. Bạn không cần sợ bởi vì bạn không thể chệch khỏi con đường. Thực ra, bạn không có con đường nào; bạn chỉ có những thanh ray kim loại để đoàn tàu của bạn chạy lên. Bạn sẽ tới ga, bạn không cần phải sợ. Bạn sẽ ngủ và đoàn tàu sẽ tới nơi. Nó đang chạy trên những con đường chết; chúng không sống động.

Tantra nói rằng cuộc sống không giống như thế, nó giống dòng sông hơn. Nó không chạy trên những thanh sắt, trên những đường ray; nó thực sự giống một dòng sông. Lộ trình đã không được vạch ra trước trên bản đồ. Khi dòng sông chảy, lộ trình được tạo ra. Khi dòng sông di chuyển, con đường được tạo ra. Dòng sông sẽ đổ ra đại dương, và nếu bạn hiểu được con đường của tantra thì đây là cách cuộc sống nên như thế.

Cuộc sống như một dòng sông. Không có con đường nào được vạch trước trên bản đồ; không có bản đồ nào được trao cho bạn để đi theo. Hãy sống động và tỉnh táo, và thế rồi dù cuộc sống dẫn bạn đi đâu, bạn sẽ đi với tràn đầy tự tin. Tantra là một sự tin cậy - một sự tin tưởng vào sức mạnh cuộc sống. Hãy cứ để cuộc sống dẫn bạn đi, đừng ép buộc nó. Hãy buông bỏ với nó và cho phép nó dẫn bạn tới đại dương. Chỉ cần tỉnh táo, thế thôi. Trong khi cuộc sống dẫn bạn tới đại dương thì hãy tỉnh táo để bạn không bỏ lõ bất cứ điều gì.

Điều rất quan trọng cần nhớ là tantra không chỉ quan tâm đến mục đích, nó cũng quan tâm đến phương tiện. Nó cũng quan tâm đến lộ trình, không phải chỉ đích đến. Nếu bạn tỉnh táo, ngay cả cuộc sống này cũng sẽ là niềm phúc lạc. Sự chuyển động của dòng sông tự nó cũng là một niềm phúc lạc. Trải qua những thung lũng, trải qua những vách đá, đổ xuống từ những đồi cao, đi vào vùng chưa biết, chính đó là niềm phúc lạc.

Hãy tỉnh táo ở đây nữa, bởi vì đại dương đó, điều tối thượng đó không thể là một sự việc cuối cùng rồi cũng xảy ra. Nó không thể như thế. Nó là một sự phát triển. Dòng sông đang “phát triển” hướng tới đại dương. Nó không đơn giản sẽ gặp đại dương, nó đang “phát triển” để là đại dương, và điều này chỉ có thể thông qua sự trải nghiệm phong phú, những trải nghiệm tỉnh táo, thông qua chuyển động, tin tưởng. Đây là quan điểm của tantra về sự tìm kiếm - sự tìm kiếm của con người. Tất nhiên, điều đó là nguy hiểm. Nếu những dòng sông có thể chảy qua những con đường được xác định trước thì hẳn sẽ ít nguy hiểm hơn, ít sai lầm hơn. Nhưng toàn bộ vẻ đẹp sống động sẽ không còn.

Thế nên đừng là tín đồ của những nguyên tắc. Hãy là người tạo ra nhiều và nhiều sự tỉnh táo hơn. Những nguyên tắc đó sẽ đến với bạn, nhưng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bị giam hãm trong chúng.



Câu hỏi 3

Câu kinh thứ hai đã thảo luận hôm qua nói, “Sự thanh khiết của giáo lý khác là không thanh khiết đối với chúng ta. Hãy biết rằng trong thực tại, không có gì là thanh khiết hay không thanh khiết”. Nếu không có gì là không thanh khiết thì làm sao giáo lý khác lại có thể là không thanh khiết?

Thực ra, không có gì là không thanh khiết, nhưng việc dạy rằng điều gì đó thanh khiết và điều gì đó không thanh khiết phải bị bỏ đi. Chỉ theo nghĩa đó thì câu kinh này mới có ý nghĩa, “Sự thanh khiết của giáo lý khác là không thanh khiết đối với chúng ta". Không có gì là thanh khiết và không có gì là không thanh khiết, nhưng nếu ai đó giảng điều gì đó là thanh khiết và điều gì đó là không thanh khiết, thì tantra nói rằng điều này phải bị loại bỏ. Chỉ theo nghĩa này mà câu kinh nói rằng “Sự thanh khiết của giảo lý khác là không thanh khiết đối với chúng ta Đây chỉ là một sự loại bỏ. Nó chỉ đang nói rằng đừng tạo ra bất cứ sự phân biệt nào, hãy giữ sự hồn nhiên.

Nhưng hãy nhìn vào sự phức tạp của cuộc sống xem. Nếu tôi nói giữ nguyên hồn nhiên, và nếu sau đó bạn cố hồn nhiên, thì sự hồn nhiên đó sẽ không là hồn nhiên. Làm sao nó có thể? Nếu bạn đã “cố” với nó, nó đã trở thành một thứ được tính toán. Thế thì nó không thể là hồn nhiên. Nếu bạn cố với nó, nó không thể là hồn nhiên! Vậy phải làm gì? Chỉ vứt bỏ những thứ tạo ra sự ma mãnh đi. Đừng cố tạo ra sự hồn nhiên nào; bạn không thể. Chỉ vứt đi những thứ tạo ra sự ma mãnh trong tâm trí bạn. Điều này là tiêu cực.

Khi bạn đã vứt những nguyên nhân gốc rễ của tính ma mãnh đi, sự hồn nhiên sẽ đến với bạn. Không có gì là thanh khiết hay không thanh khiết. Thế thì phải làm gì? Tâm trí bạn đầy những sự phân biệt: “Điều này là thanh khiết và điều kia là không thanh khiết”. Vì thế tantra nói, “Đối với chúng ta thì đây là không thanh khiết duy nhất: tâm trí đầy những khái niệm về thanh khiết và không thanh khiết là sự không thanh khiết duy nhất. Nếu bạn có thể bỏ nó đi, bạn đã trở nên thanh khiết”.

Câu kinh này còn có một ý nghĩa khác nữa. Có những giáo lý với những quy tắc rất cứng nhắc. Ví dụ, những giáo lý của Công giáo hay những giáo lý của Jain ở Ấn Độ là chống lại tình dục, họ nói rằng quan hệ tình dục là không thanh khiết, xấu xa, tội lỗi. Tantra nói rằng không có gì là xấu, là không thanh khiết, là tội lỗi. Thậm chí quan hệ tình dục cũng có thể trở thành một con đường; thậm chí quan hệ tình dục cũng có thể trở thành con đường tới sự cứu rỗi. Điều đó phụ thuộc vào bạn. Không phải tình dục mà chính bạn mới là người quyết định phẩm chất của nó.

Thậm chí sự cầu nguyện cũng có thể trở thành một tội lỗi - và tình dục lại có thể trở thành một đức hạnh. Điều đó tùy thuộc vào bạn. Giá trị không nằm ở chính đối tượng, giá trị được bạn mang tới cho nó. Hãy nhìn vào hiện tượng này theo một cách khác. Tantra nói rằng thậm chí quan hệ tình dục cũng có thể trở thành sự cứu rỗi, thế thì hãy đến với tình dục mà không có bất cứ khái niệm nào về thanh khiết và không thanh khiết, tốt hay xấu, đạo đức hay phi đạo đức. Hãy đến với tình dục như là năng lượng thuần khiết, chỉ là năng lượng. Hãy đi vào năng lượng đó như thể bạn đang đi vào cái chưa biết. Đừng rơi vào giấc ngủ: hãy tỉnh táo! Khi tình dục đem bạn tới chính gốc rễ của con người bạn, hãy tỉnh táo. Đừng rơi vào giấc ngủ, hãy tiếp tục hành trình. Hãy tỉnh táo và trải nghiệm mọi thứ, bất cứ điều gì đang diễn ra - sự thư giãn tới, sự căng thẳng tới, đỉnh tới, và chính thung lũng mà bạn bị ném trở lại trong nó.

Bản ngã bạn tan biến trong một khoảnh khắc; bạn trở thành một với người yêu của mình hay với bạn tình của mình. Trong một khoảnh khắc, không còn là hai người nữa. Cơ thể là hai, nhưng sâu bên trong có mối giao cảm và họ đã trở thành một. Hãy tỉnh táo! Đừng bỏ lỡ thời điểm này trong mơ ngủ. Hãy tỉnh táo, nhìn xem điều gì đang diễn ra. Sự hòa làm một này là những gì đã được ẩn giấu trong quan hệ tình dục. Quan hệ tình dục chỉ là lõi bên ngoài. Bây giờ đây là ý nghĩa - điểm trung tâm. Đây là điều bạn đang khao khát, đây là điều bạn đang mong mỏi. Đây là điều sự tìm kiếm hướng tới - sự hợp nhất này, sự tan biến bản ngã này, cảm giác nhất thể này, sự mãn nguyện không căng thẳng này, sự mãn nguyện rất thư giãn này. Đây là ý nghĩa, mục tiêu, và đây là điều bạn đang tìm kiếm thông qua người đàn bà này và người đàn bà kia, thông qua người đàn ông này và người đàn ông kia. Bạn tìm kiếm và tìm kiếm, nhưng không có người đàn bà nào có thể thỏa mãn điều đó, không có người đàn ông nào có thể đem lại điều đó.

Chỉ có thông qua sự nhận biết sâu sắc theo tantra mà hành động tình dục này mới hoàn toàn biến mất, và một sự mãn nguyện sâu sắc mới xuất hiện. Cho nên tantra nói điều đó tùy thuộc vào bạn: nếu bạn có thể mang thiền đến với tình yêu của mình, với tình dục của mình, thì tình dục được biến đổi. Vì thế tantra không nói rằng cái này là thanh khiết và cái kia là không thanh khiết - và nếu bạn muốn sử dụng thuật ngữ cổ về thanh khiết và không thanh khiết, thì tôi sẽ nói rằng đối với tantra, mơ ngủ là không thanh khiết và tỉnh táo là thanh khiết, còn tất cả mọi thứ khác đều vô nghĩa.



Câu hỏi 4

Nếu một cảm xúc hay tâm trạng trở nên vui vẻ đợi với chúng ta, và nếu chúng ta không biểu lộ nó ra bên ngoài, thì năng lượng này có cần thiết quay trở lại nguồn và làm cho con người tươi mới và tràn đầy sinh lực không?

Không cần thiết! Nhưng nếu bạn nhận biết thì nó là vậy, cần thiết. Bất cứ năng lượng nào cũng cần gốc rễ để hoạt động, và không có năng lượng nào có thể bị phá hủy. Năng lượng là không thể bị phá hủy. Nó chỉ có thể thay đổi thành dạng khác; nó không bao giờ trở thành hư không. Cho nên khi bạn cố kìm nén bất cứ năng lượng nào, bạn đang làm điều tuyệt đối vô nghĩa với chính mình. Năng lượng không thể bị kìm nén: nó chỉ có thể được biến đổi. Năng lượng bị kìm nén sẽ trở thành một căn bệnh ung thư. Nếu bạn cảm thấy tức giận, có sẵn hai cách thức thông thường: bộc lộ nó hay kìm nén nó. Nếu bạn bộc lộ nó, thì nó trở thành một chuỗi, bởi vì bạn lại tạo ra sự tức giận trong người khác và người đó lại sẽ bộc lộ nó - và không có kết thúc. Sau đó bạn sẽ bộc lộ, và nó có thể tiếp diễn trong nhiều năm. Nó vẫn tiếp tục! Đó là cách mọi người đang sống. Nó vẫn liên tục diễn ra.

Những người biết sâu, họ nói rằng điều đó liên tục diễn ra trong nhiều kiếp liền. Bạn đã tức giận với một người trong cuộc đời quá khứ của mình, và trong cuộc đời này bạn vẫn đang lặp lại thói quen đó với cũng con người đó. Bạn không nhận biết, bạn vô nhận biết một cách phúc lạc. Thế nên, nếu bạn nghĩ một cái gì đó mới đang xảy ra thì hay hơn. Chín mươi chín phần trăm thời gian không có gì mới đang xảy ra; chỉ có những khuôn mẫu cũ đang được lặp đi lặp lại.

Đôi lúc bạn bỗng nhiên nhìn thấy một người lạ, và bạn trở nên giận dữ. Người đó đã không làm gì - thậm chí bạn đã không gặp anh ta trước đó - nhưng bạn cảm thấy chán nản hay giận dữ hay bạo lực, hoặc bạn chỉ muốn tránh người này. Bạn cảm thấy tồi tệ. Tại sao? Đó là mẫu hình cũ nào đó. Năng lượng không bao giờ chết, nó vẫn giữ nguyên, nên nếu bạn bộc lộ nó, bạn đang rơi vào một chuỗi bất tận. Một ngày nào đó bạn sẽ phải ra khỏi nó. Và toàn bộ vấn đề là vô dụng, đó chỉ là sự lãng phí. Đừng bắt đầu chuỗi này.

Khi đó giải pháp thông thường thứ hai là kìm nén nó, và khi bạn kìm nén nó, bạn đang tạo ra một vết thương bên trong bản thân mình. Đó sẽ là một sự chịu đựng. Điều đó sẽ gây ra những rắc rối. Và giận dữ sẽ tiếp tục bị kìm nén, và bạn sẽ trở thành một ngọn núi lửa giận dữ.

Cho nên, có thể là bây giờ bạn đang không bộc lộ sự giận dữ của mình, nhưng bây giờ toàn bộ tính cách bạn sẽ trở nên giận dữ. Sự giận dữ sẽ không bùng phát ra, không có ai sẽ nhìn thấy bạn đang đánh ai đó và trở nên bạo lực, nhưng lúc này toàn bộ tính cách bạn sẽ trở nên giận dữ, bởi vì quá nhiều giận dữ ở bên trong đang đầu độc bạn. Bây giờ bạn làm bất cứ điều gì thì giận dữ cũng có phần trong đó. Ngay cả lúc bạn đang yêu ai đó, phần giận dữ này cũng có đó - trong mọi thứ. Nếu bạn đang dùng bữa, phần giận dữ sẽ có đó. Bạn sẽ ăn ngấu nghiến thức ăn của mình, bạn sẽ không yêu thương. Nếu bạn đang mở cửa, phần giận dữ sẽ có đó. Bạn sẽ hậm hực với cánh cửa đó.

Một sáng nọ, Mulla Nasruddin đi xuống phố và hét lên những lời nguyền rủa đầy giận dữ, “Quỷ dữ sẽ chiếm hồn các người và cây củ cải đường sẽ mọc trong bụng các người” - và ông cứ tiếp tục nguyền rủa như thế.

Một người đàn ông nhìn ông ta và nói, “Mulla, mới sáng sớm mà ông đang nguyền rủa ai ghê vậy?”

Mulla nói, “Ai hả? Tôi không biết. Nhưng đừng lo lắng, sớm hay muộn thì cũng sẽ có người nào đó xuất hiện”.

Nếu bạn đầy giận dữ, điều này xảy ra: bạn chỉ đang chờ, và sớm hay muộn thì một người nào đó sẽ hiện ra. Bên trong bạn ngọn lửa đang âm ỉ, chỉ chờ đối tượng nào đó, phương tiện nào đó, ai đó sẽ giúp bạn dỡ gánh nặng. Khi đó toàn bộ tính cách bạn trở nên giận dữ hoặc bạo lực hoặc dục tính. Bạn có thể kìm nén tình dục, và rồi tình dục bị kìm nén lại trở thành toàn bộ tính cách bạn. Khi đó, bạn nhìn vào đâu cũng sẽ thấy tình dục, bạn chạm vào thứ gì cũng sẽ thấy tình dục, bạn làm bất cứ điều gì thì đó cũng sẽ là hành động dục tính. Bạn có thể kìm nén tình dục rất dễ dàng; điều đó không khó. Nhưng thế thì dục tính sẽ lan tỏa khắp cơ thể bạn. Mọi tế bào, mọi sợi gân sẽ trở nên dục tính.

Hãy nhìn những người độc thân xem. Tâm trí họ trở nên hoàn toàn dục tính; họ mơ về tình dục, họ chiến đấu với tình dục; họ không ngừng mơ tưởng về tình dục. Họ bị ám ảnh. Cái đã có thể là tự nhiên thì đã trở thành lệch lạc. Nếu bạn bộc lộ nó bạn có thể tạo ra một chuỗi, nếu bạn kìm nén bạn tạo ra một vết thương, và cả hai đều không tốt. Cho nên tantra nói rằng dù bạn làm gì - ví dụ, nếu bạn giận dữ, khi đó bạn cảm thấy giận dữ đang đến - hãy liên tục nhận biết nó. Đừng kìm nén nó và đừng bộc lộ nó. Thực hiện một điều thứ ba, lấy phương án thứ ba: đột nhiên nhận biết rằng giận dữ đang đến. Chính sự nhận biết này biến đổi năng lượng đang dồn cho sự giận dữ thành một năng lượng khác. Chính năng lượng đáng lẽ là giận dữ thì lại trở thành lòng trắc ẩn. Thông qua sự tỉnh táo mà có sự biến đổi này.

Thông qua nhận biết, cũng năng lượng đáng lẽ là dục tính lại trở thành brahmacharya, tâm linh. Sự tỉnh táo chính là thuật giả kim. Thông qua nó mọi thứ thay đổi. Hãy thử nó, và bạn sẽ tới lúc biết. Khi bạn mang sự tỉnh táo, sự nhận biết đến với bất cứ trạng thái nào, bất cứ cảm giác nào, bất cứ năng lượng nào, việc này sẽ thay đổi bản chất và phẩm chất của nó. Nó không bao giờ như cũ nữa, và một con đường mới mở ra. Nó sẽ không quay trở lại chính nơi nó đã tùng xuất hiện nữa; nó sẽ không di chuyển ra ngoài. Sự di chuyển theo phương ngang đã kết thúc. Với sự tỉnh táo, nó trở thành phương đứng, nó di chuyển lên. Đó là một chiều hướng khác hẳn. Chiếc xe bò di chuyển theo phương ngang; máy bay di chuyển theo phương đứng - hướng lên.

Tôi muốn kể cho bạn một giai thoại. Một vị fakir, một vị Sufi, từng kể rằng có một người đã được một người bạn, là một vị vua danh tiếng, tặng cho một chiếc máy bay, một chiếc máy bay rất nhỏ. Nhưng người đàn ông đó lại nghèo. Ông ta đã nghe về máy bay, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nó. Ông ta chỉ biết những chiếc xe bò, nên ông nghĩ rằng đây là một phương tiện mới - một dạng xe bò mới. Ông ta đã dùng hai chiếc xe bò của mình để chở chiếc máy bay về nhà, và sau đó ông đã sử dụng chiếc máy bay này như là một chiếc xe bò. Ông rất hạnh phúc. Tất nhiên, chiếc máy bay nhỏ làm việc như một chiếc xe bò. Nhưng rồi, dần dần, chỉ vì tò mò mà ông ta bắt đầu nghiên cứu nó. Khi đó ông đã hiểu ra rằng không còn cần đến những con bò nữa. Nó có một động cơ và nó có thể tự di chuyển, thế nên ông đã tiếp nhiên liệu cho nó và sử dụng nó như một chiếc xe có động cơ.

Nhưng rồi ông nhận ra hai cánh, và nghĩ, “Tại sao lại có chúng?”. Và có vẻ như người đã sáng chế ra cỗ máy nấy chắc phải rất thông minh, là một thiên tài; chính thế mà nhà sáng chế này chắc hẳn đã không thêm vào bất cứ thứ gì không cần thiết. Đôi cánh cho thấy rằng cỗ máy cũng có thể bay. Cho nên ông ta đã thử. Khi đó chiếc máy bay trở lại là chính nó; nó bay thẳng lên.

Bạn đang sử dụng tâm trí mình như một chiếc xe bò. Cũng tâm trí đó có thể trở thành một chiếc xe có động cơ; khi đổ sẽ không cần đến những con bò nữa. Nó có một cơ cấu gắn kèm, nhưng thế thì nó cũng sẽ chuyển động theo chiều ngang. Tuy nhiên, tâm trí đó cũng có đôi cánh. Bạn đã không quan sát, đó là vì bạn không biết nó có đôi cánh. Nó có thể bay! Nó có thể di chuyển hướng lên! Và khi nó di chuyển hướng lên, khi các năng lượng của bạn bắt đầu di chuyển hướng lên, toàn bộ thế gian sẽ khác đi. Những câu hỏi cũ của bạn đơn giản rơi rụng và những vấn đề cũ của bạn không còn nữa, bởi vì bây giờ bạn đang di chuyển theo phương thẳng đứng.

Tất cả những vấn đề có đó là vì bạn đã di chuyển theo chiều ngang. Những vấn đề của chiếc xe bò không phải là những vấn đề của chiếc máy bay. Đường không tốt nên có vấn đề. Đường bị tắc nên có vấn đề. Bây giờ đây không phải là vấn đề bởi vì đường không còn được sử dụng nữa. Dù có bị tắc hay không, dù có tốt hay không thì cũng không còn liên quan.

Những giáo lý đạo đức là những giáo lý xe bò; giáo lý của tantra là chiều thang đứng. Chính vì vậy mà tất cả những vấn đề đó đều không liên quan đối với tantra. Năng lượng mà bạn biết như là giận dữ, tình dục, tham lam hay bất cứ thứ gì thì đều di chuyển theo chiều ngang. Khi bạn mang sự tình táo của mình tới nó, bạn đã mang đến một chiều hướng mới. Chỉ bởi tỉnh táo mà bạn di chuyển hướng lên.

Tại sao? Hãy quan sát thực tế: khi bạn tỉnh táo, bạn luôn luôn ở phía trên thực tế. Hãy trở nên tỉnh táo về mọi thứ, và bạn luôn luôn ở phía trên thực tế. Thực tế ở đâu đó phía dưới, và bạn đang nhìn từ bên trên, từ đỉnh. Bất cứ khi nào bạn đã chứng kiến điều gì đó, bạn đã di chuyển lên trên, và điều này vẫn còn ở phía dưới. Nếu sự chú ý này thực sự là đích thực và bạn có thể liên tục nhận biết, thế thì năng lượng di chuyển theo phương ngang như giận dữ, dục tính, sẽ di chuyển theo chiều hướng mới này. Nó sẽ đến gần với bạn, tới người chứng kiến. Khi đó bạn đã bắt đầu bay. Và trong nhiều và nhiều kiếp bạn đã sử dụng phương tiện để bay như một chiếc xe bò, và đang tạo ra những rắc rối không cần thiết, bởi vì bạn đã không biết điều gì là có thể với bạn.



Câu hỏi 5

Thầy đã nói rằng con người không nên kìm nén cũng như không nên thỏa mãn cơn giận dữ, mà nên giữ tỉnh táo và thiền định một cách thụ động. Rõ ràng, điều này sẽ bần đến một dạng nỗ lực nội tại để tránh làm nén hay xả láng, nhưng thế thì đây không phải là một dạng kìm nén sao?

Không! Đó là một nỗ lực chứ không phải là “một dạng kìm nén”. Mọi nỗ lực đều không phải là sự kìm nén. Có ba dạng nỗ lực. Một là, nỗ lực là sự bộc lộ. Khi bạn bộc lộ giận dữ, đó là một nỗ lực. Thế rồi dạng nỗ lực thứ hai là khi bạn kìm nén nó. Khi bạn bộc lộ những gì bạn đang làm, bạn đang đẩy năng lượng của mình ra ngoài tới người đó, tới đối tượng đó; bạn đang tống năng lượng của bạn ra bên ngoài, và người khác là mục tiêu. Năng lượng di chuyển tới người khác; đó là một nỗ lực. Khi bạn kìm nén, bạn chuyển năng lượng của bạn vào nguồn nguyên thủy, tới trái tim bạn. Bạn ép nó quay trở lại. Đó là một nỗ lực, nhưng theo một hướng khác. Khi bộc lộ, nó di chuyển xa khỏi bạn; khi kìm nén, nó lại di chuyển đến gần bạn.

Dạng thứ ba chính là sự tỉnh táo, sự tỉnh táo thụ động, nó cũng là một nỗ lực, nhưng theo một chiều hướng khác hẳn. Năng lượng di chuyển hướng lên. Khởi đầu đó là một nỗ lực. Khi tôi nói hãy tỉnh táo một cách thụ động, lúc ban đầu ngay cả sự thụ động cũng là một nỗ lực. Chỉ ngay sau đó, khi bạn trở nên quen với nó hơn, nó sẽ không còn là nỗ lực. Và khi nó không còn là nỗ lực, nó trở nên ’ thụ động hơn - và càng thụ động thì càng thu hút. Nó kéo năng lượng I hướng lên.

Nhưng lúc ban đầu, mọi thứ sẽ là một nỗ lực, nên đừng trở thành nạn nhân của ngôn từ. Điều đó chỉ gây ra những rắc rối. Các nhà huyền môn đã luôn nói về phi nỗ lực. Họ nói đừng tạo ra bất cứ nỗ lực nào. Nhưng lúc ban đầu thì ngay cả điều này cũng sẽ là một nỗ lực. Khi chúng tôi nói hãy là phi nỗ lực, chúng tôi chỉ muốn nói đừng ép buộc sự nỗ lực. Hãy để nó xuất hiện thông qua nhận biết. Nếu bạn ép buộc nó, bạn sẽ trở nên căng thẳng. Nếu bạn trở nên căng thẳng, cơn giận sẽ không thể di chuyển thẳng lên. Sự căng thẳng di chuyển theo chiều ngang; chỉ có một tâm trí không căng thẳng mới có thể ở phía trên, bồng bềnh như một đám mây.

Hãy nhìn những đám mây đang trôi bồng bềnh một cách phi nỗ lực xem. Hãy mang sự chứng kiến của bạn đến như một đám mây bồng bềnh. Lúc ban đầu nó sẽ là một nỗ lực, nhưng nên nhớ chỉ như thế thì nó mới sẽ trở thành phi nỗ lực. Bạn sẽ ép nó lúc ban đầu và rồi sẽ càng ngày càng để tự nó nhiều hơn.

Điều này là khó bởi vì ngôn ngữ gây ra khó khăn. Nếu tôi nói bạn thư giãn, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tạo ra một dạng nỗ lực nào đó. Nhưng sau đó tôi lại nói bạn đừng tạo ra nỗ lực nào, bởi vì nếu bạn tạo ra bất cứ nỗ lực nào, lại sẽ tạo ra căng thẳng và bạn sẽ không có khả năng thư giãn. Tôi nói bạn chỉ thư giãn. Khi đó bạn lại lúng túng, và bạn buộc phải hỏi, “Thế thì thầy ngụ ý gì? Nếu tôi sẽ không tạo ra nỗ lực nào thì tôi phải làm gì?”

Bạn không phải làm bất cứ điều gì, nhưng lúc ban đầu cái sự không làm đó sẽ có vẻ giống như làm. Cho nên tôi sẽ nói, “Được thôi! Hãy nỗ lực một chút, nhưng nên nhớ bạn sẽ phải bỏ nỗ lực này lại phía sau. Hãy sử dụng nó chỉ như một sự khởi động ban đầu. Bạn không thể hiểu không-làm; bạn chỉ có thể hiểu làm. Thế nên hãy sử dụng ngôn ngữ của làm và hành động. Hãy bắt đầu, nhưng hãy chỉ sử dụng nỗ lực như một sự khởi động. Và nên nhớ, nếu bạn bỏ nó lại phía sau càng sớm thì càng tốt.

Tôi nghe kể rằng khi Mulla Nasruddin đã rất già, ông đã trở thành nạn nhân của chứng mất ngủ, ông không thể ngủ. Mọi thứ đã được thử - tắm nóng, thuốc ngủ, thuốc bệnh, si-rô - nhưng không ích gì. Mọi thứ đều không có kết quả. Và những đứa trẻ bị quấy nhiễu bởi vì Mulla không thể ngủ, và ông không cho phép bất cứ ai trong nhà ngủ. Cho nên cả đêm đã trở thành cơn ác mộng cho toàn thể gia đình.

Họ đã tuyệt vọng tìm kiếm bất cứ phương pháp nào, bất cứ loại thuốc nào có thể giúp Mulla ngủ, bởi vì cả gia đình đã sắp hóa điên. Thế nên cuối cùng họ đã tìm được một nhà thôi miên. Những đứa con rất vui, và chúng nói với Mulla già nua, “Bây giờ không cần lo lãng, thưa cha. Đây là một người đàn ông thần kỳ. Ông ta sẽ tạo ra giấc ngủ trong ít phút. Ông ta biết chính ma thuật của nó, nên đừng lo lắng. Bây giờ không còn nỗi sợ nữa, và cha sẽ ngủ được”.

Nhà thôi miên chỉ cho Nasruddin một chiếc đồng hồ có dây treo và nói, “Chỉ một chút niềm tin sẽ làm nên phép lạ. Ông cần một chút tin tưởng vào tôi. Chỉ tin tôi, và ông sẽ rơi vào giấc ngủ sâu như một đứa bé. Hãy nhìn vào chiếc đồng hồ này”.

Ông ta bắt đầu di chuyển chiếc đồng hồ sang trái, sang phải. Nasruddin nhìn nó, và nhà thôi miên nói, “Trái-phải, trái-phải. Mắt ông đang trở nên mệt mỏi, mệt mỏi hơn, mệt mỏi hơn nữa. Ông đang rơi vào giấc ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ hơn, buồn ngủ hơn nữa”.

Mọi người đều thích thú, vui vẻ. Mắt Mulla nhắm lại, đầu ông gục xuống, và ông cảm thấy như một đứa nhỏ đang rơi vào giấc ngủ sâu. Một nhịp thở đều đều đã xuất hiện. Nhà thôi miên nhận tiền công rồi đặt ngón tay mình lên môi để ra hiệu cho những đứa trẻ bây giờ đừng có quấy rối. Sau đó ông ta lẻn ra ngoài. Ngay khi ông ta vừa ra ngoài, Mulla mở mắt ra và nói, “Thằng cha đó! Gã ta đã đi chưa?”

Mulla đã tạo ra một nỗ lực để thư giãn, nên ông đã thư giãn “như đứa bé”. Ông ta đã bắt đầu thở có nhịp điệu và nhắm mắt lại, nhưng tất cả đó là nỗ lực. Ông ta đã giúp nhà thôi miên. Ông nghĩ rằng mình đã giúp nhà thôi miên. Nhưng đó là nỗ lực từ phía ông, nên không có gì đã xảy ra. Không gì đã có thể xảy ra. Ông ta vẫn thức. Nếu ông ta có thể chỉ là thụ động, nghe thấy những gì được nói, nhìn vào những gì được chỉ cho, thì giấc ngủ hẳn sẽ xuất hiện. Không cần nỗ lực nào từ phía ông; chỉ sự chấp nhận thụ động là cần đến. Nhưng ngay cả với bạn, để mang tâm trí bạn đến với sự chấp nhận thụ động đó, thì lúc ban đầu bạn sẽ cần đến nỗ lực.

Vậy nên đừng sợ nỗ lực. Hãy bắt đầu bằng nỗ lực, và nhớ rằng bạn phải bỏ nỗ lực lại phía sau và bạn phải vượt lên nỗ lực. Chỉ khi bạn đã vượt lên bạn mới sẽ là thụ động, và sự nhận biết thụ động đó sẽ mang phép lạ tới.

Khi có sự nhận biết thụ động thì tâm trí không còn nữa. Lần đầu tiên trung tâm bên trong con người bạn được tiết lộ, và có một lý do. Khi thực hiện bất cứ điều gì trên thế gian thì đều cần đến nỗ lực. Nếu bạn muốn làm điều gì đó trên thế gian, bất cứ điều gì, thì phải cần đến nỗ lực. Nhưng nếu bạn muốn làm điều gì đó bên trong thì không cần nỗ lực. Chỉ cần thư giãn. Chính không-làm là nghệ thuật bên trong, cũng giống như làm là nghệ thuật ở bên ngoài, thế giới bên ngoài.

Sự tỉnh táo thụ động này chính là chìa khóa. Nhưng đừng trở nên bị nhiễu loạn bởi ngôn ngữ. Hãy bắt đầu với nỗ lực. Chỉ cầnk nhớ rằng bạn phải bỏ lại nó, và cứ tiếp tục bỏ nó lại. Ngay cả việc bỏ lại cũng là một nỗ lực - nhưng một thời điểm xuất hiện khi mọi thứ đã qua đi. Khi đó, bạn có đó, chỉ đơn giản ở đó mà không làm bất cứ điều gì - chỉ hiện hữu ở đó. Chính “Sự hiện hữu” đó là samadhi, và tất cả những cái đáng biết, đáng có, đáng tồn tại sẽ xuất hiện với bạn chính trong trạng thái đó.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho