05. Ông bà ngoại: Nana, Nani

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch


05. Ông bà ngoại: Nana, Nani

Tôi gọi ông ngoại là Nana, đó là cách người ta gọi ông ngoại ở Ấn Độ. Còn bà ngoại thì được gọi là Nani. Tôi thường hỏi ông ngoại “Nana, từ đâu mà ông có được người vợ xinh đẹp như thế?”.

Bà ngoại tôi nhìn giống người Hy Lạp hơn là người Ấn. Có lẽ có một chút dòng máu Hy Lạp trong bà. Không có chủng tộc nào có thế khẳng định sự thuần chủng của họ. Đặc biệt người Ấn càng không thể khẳng định về sự thuần chủng của bất cứ chủng tộc nào bởi người Hunas, người Moguls, người Hy Lạp và rất nhiều chủng tộc khác đã tấn công, chinh phục và cai trị Ấn Độ. Họ đã trộn lẫn dòng máu chính họ trong dòng máu Ấn Độ và điều đó càng dễ được thấy rõ qua bà ngoại tôi. Nét mặt của bà không giống người Ấn, mà trông như người Hy Lạp, và bà là một người phụ nữ mạnh mẽ, rất mạnh mẽ. Nana mất khi ông không quá 50. Bà ngoại sống tới 80 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí không ai nghĩ bà có thể sẽ mất. Tôi hứa với bà một điều, đó là khi bà mất tôi sẽ quay về, và đó là chuyến thăm viếng cuối cùng của tôi với gia đình.

Trong những năm đầu đời tôi biết tới Nani như mẹ của tôi bởi vì những năm đầu tiên của một đứa trẻ khi nó lớn lên là những năm quan trọng nhất. Vòng tròn của tôi đã được hoàn thiện, bánh xe có thể được dừng lại là nhờ công của Nani. Bà giúp đỡ tôi vô cùng. Ông ngoại yêu tôi nhưng không giúp được nhiều. Ông rất thương tôi nhưng để có thể giúp thì cần người có một loại sức mạnh nhất định. Ông luôn sợ bà. Ông là một người chồng sợ vợ. Ông yêu tôi và chắc chắn là ông muốn giúp tôi theo cách của riêng ông, nhưng ông có thể làm gì khi chỉ là một người sợ vợ? 99% những ông chồng đều là những người sợ vợ, thế nên điều đó cũng không sao.

Điều đặc biệt cần ghi nhớ về ông bà tôi ấy là: từ khoảng trăm năm trước, ở Ấn Độ, Nani đã có đủ can đảm để yêu. Bà vẫn không hề kết hôn cho tới độ tuổi 24. Điều đó là rất hiếm. Tôi hỏi bà một lần tại sao bà lại kết hôn trễ như vậy. Bà là một người phụ nữ đẹp. Tôi chỉ có ý đùa khi bảo rằng thậm chí vua của Chatapur, vua của Khajuraho thời đó, hẳn cũng muốn lấy bà.

Bà nói: “Thật lạ khi con lại nhắc tới chuyện đó, bởi vì ông ấy đã thật sự cầu hôn ta. Ta đã từ chối ông ấy và không chỉ ông ấy mà rất nhiều người khác nữa.”

Thời đó ở Ấn, những cô gái đã phải lấy chồng từ khi họ mới bảy, hay cùng lắm là chín tuổi. Có một nỗi sợ hãi sâu sắc về tình yêu: nếu họ lớn hơn họ có thể sẽ biết yêu và tình yêu hay sinh ra sự nổi loạn. Văn hóa Ấn Độ không chấp nhận điều đó. Nhưng cha của bà ngoại là một nhà thơ, những bài hát của ông ấy vẫn được hát ở Khajuraho và những ngôi làng gần đó. Ông ấy nhấn mạnh rằng trừ khi bà đồng ý, ông ấy sẽ không bắt bà kết hôn với bất cứ ai. Cho đến một lần nọ chuyện đã xảy ra, bà đã rơi vào tình yêu với ông ngoại.

Tôi hỏi bà: “Điểu này thậm chí còn lạ hơn: bà từ chối vua của Chatarpur mà đi yêu người đàn ông nghèo khổ này. Để làm gì? Ông cũng không phải là người đẹp trai gì cả, chưa kể ông không có gì đặc biệt theo bất cứ cách nào. Tại sao bà lại yêu ông (fall in love)?”

Bà tôi nói: “Con đang hỏi một cầu sai. Đã là “rơi vào tình yêu” (fall) thì không có tại sao nào cả. Ta chỉ nhìn thấy ông ấy và thế là đủ. Ta nhìn vào mắt ông ấy và một niềm tin khởi lên trong ta mà ta biết nó sẽ không bao giờ dao động.”

Tôi đã hỏi ông ngoại: “Nani nói bà bị sa vào tình yêu với ông. Điều đó thì tốt thôi - về phía bà; nhưng tại sao ông lại đồng ý việc kết hôn?”

Ông nói: “Ta không phải một nhà thơ hay một người giỏi suy nghĩ; nhưng ta có thể nhận ra cái đẹp khi ta nhìn thấy nó.”

Tôi chưa bao giờ thấy người phụ nữ nào đẹp hơn bà ngoại tôi. Chính tôi cũng luôn trong tình yêu với bà; và yêu bà suốt cả đời.

Tôi luôn là người may mắn theo mọi hướng nhưng điều may mắn nhất là khi được ở cùng ông bà ngoại tôi và đó thật là những năm tháng vàng son tuyệt vời. Vậy nên thật ngẫu nhiên cho tới năm bẩy tuổi tôi vẫn không bị quấy rầy; không ai quở trách hay chuẩn bị cho tôi bước vào thế giới của kinh doanh; chính trị; ngoại giao.

Ông bà ngoại thích thú khi để cho tôi được lớn lên theo cách tự nhiên thuần khiết nhất có thể; đặc biệt là bà ngoại. Bà là một trong những nguyên nhân - loại nguyên nhân mà có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ khuôn mẫu cuộc đời bạn sau này - và là một trong những lý do khiến tôi tôn trọng toàn bộ nữ giới trên đời.

Bà là một người phụ nữ đơn giản; không học thức, nhưng hoàn toàn nhạy cảm. Bà làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng với ông ngoại và người giúp việc: “Tất cả chúng ta đã sống cùng loại cuộc sống mà không dẫn chúng ta đến bất cứ đâu cả. Chúng ta vẫn trống rỗng như xưa giờ và giờ cái chết thì đang đến rất gần.” Bà nài nỉ: “Hãy để cho đứa trẻ này được yên, đừng để cho nó bị chúng ta ảnh hưởng, loại ảnh hưởng nào mà chúng ta có thể tạo ra chứ? Chúng ta chỉ có thể làm cho nó giống như chúng ta, và chúng ta không là gì cả. Hãy cho nó một có cơ hội được là chính nó.”

Trong suốt những ngày thơ ấu đó khi sống cùng ông bà ngoại, tôi được bảo vệ hoàn toàn khỏi mọi sự trừng phạt. Ông không bao giờ nói: “Hãy làm cái này", “đừng làm cái kia”. Mặt khác dưới sự bảo vệ của Bhoora cùng cây súng săn của ông ấy là đù để cho phép tôi được làm mọi điều mình muốn.

Bất cứ việc gì mà một con người có thể hình dung ra, tôi đều đã làm rồi.

Tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm, rất tinh quái. Sự nghịch ngợm giống như là lẽ sống của tôi, nguồn nuôi dưỡng tôi. Tôi cũng hiểu được mình đã gây ra phiền phức cho ông ngoại như thế nào vì những trò đùa của mình. Cả ngày công việc chính của ông là ngồi trên chiếc gaddi - ghế mà những người giàu hay ngồi ở Ấn Độ - để lắng nghe việc của ông thì ít mà nghe những người đến than phiền về tôi thì nhiều. Nhưng ông thường nói với họ: “Tôi sẵn sàng trả mọi khoản thiệt hại mà thằng bé đã gây ra, nhưng nhớ lấy, tôi sẽ không bao giờ phạt nó”.

Có lẽ chính nhờ sự kiên nhẫn của ông đối với tôi, một đứa trẻ nghịch ngợm, một đứa trẻ mà đến chính tôi bây giờ cũng không thể chịu đựng được. Vâng, nếu một đứa trẻ như tôi ngày đó được trao đến cho tôi lúc này... Lạy Chúa, chỉ trong vài phút tôi đảm bảo sẽ ném nó ra khỏi cửa mãi mãi.

Có lẽ những năm đó đã tạo ra một phép màu cho ông ngoại của tôi, đã khiến ông trở thành một con người tuyệt đối kiên nhẫn và bao dung. Ông ngày càng trở nên yên lặng nhiều hơn và sự yên lặng ấy tôi có thể cảm nhận nó lớn hơn mỗi ngày.

Một lần tôi hỏi ông: “Nana, ông có thể trừng phạt con mà. Ông không cần phải cố gắng chịu đựng và tha thứ cho con như vậy.” Và bạn sẽ không thể tin đâu, ông đã khóc, với những giọt nước mắt, ông nói “Trừng phạt con sao? Ta không thể. Ta chỉ có thể trừng phạt chính mình chứ không phải con.”

Không bao giờ, dù chỉ trong một khoảnh khắc mà tôi thấy ông đang tức giận và tin tôi đi, tôi đã làm mọi thứ mà một ngàn đứa trẻ con có thể làm. Trong buổi sáng, trước khi bữa sáng kịp bắt đầu tôi đã bắt đầu những trò nghịch ngợm của mình, cho tới nửa đêm. Thỉnh thoảng tôi về nhà rất trễ - khoảng 3 giờ sáng. Nhưng ông không bao giờ nói “Con về trễ quá. Đây không phải giờ mà một đứa trẻ trở về nhà.” Không, không dù chỉ một lần. Trên thực tế, trước mặt tôi ông sẽ tránh nhìn vào cái đồng hồ trên tường.

Với tôi, Nana không chỉ là ông ngoại, tôi không biết phải định nghĩa về ông như thế nào cho đúng. Ông thường gọi tôi là Rajah - nghĩa là Vua - và trong 7 năm đầu đời đó ông đã xoay xở bằng mọi cách để tôi có cuộc sống như một vị vua. Ông là một người rất hào phóng. Ông luôn đem cho mọi người bất cứ thứ gì ông có. Tôi học được nghệ thuật cho đi từ ông, hẳn là tôi đã học được nó từ ông. Tôi không bao giờ thấy ông nói không với bất cứ người ăn xin nào hay với bất cứ ai.

Vào ngày sinh nhật hàng năm ông sẽ mang về làng một con voi từ ngôi làng gần đó. Thời đó ở Ấn chỉ có những vị vua và những người được tuyên xưng là Thánh nhân mới có điều kiện và khả năng để nuôi và chăm sóc những con voi, vì việc đó rất tốn kém và cần nhiều nhân công. Vua thì giàu có và Thánh nhân cũng rất giàu. Ông không giàu đến mức ấy nhưng vẫn luôn xoay xở để mang một con voi về làng - và vào ngày ấy - công việc của tôi là ngôi trên lưng chú voi với hai túi đầy những đổng rupee bằng bạc treo ở hai bên sườn voi, tôi sẽ đi khắp làng và ném những đóng bạc ấy cho mọi người. Đó là cách ông tổ chức sinh nhật cho tôi. Ông sẽ đi trên một xe bò phía sau tôi với những túi bạc khác và luôn miệng dặn dò: “Hãy ném hết đi, đừng keo kiệt, con không thể ném nhiều hơn những gì ta có. Hãy tiếp tục ném đi.”

Khi tôi còn rất nhỏ, Nana đã đi tìm gặp một nhà chiêm tinh nổi tiếng nhát Ấn Độ để để nghị ông ấy lập một bản tử vi cho tôi. Nhà chiêm tinh sau khi nhìn vào tờ giẫy ghi chép ngày sinh của tôi đã nói: “Tôi xin lỗi, tôi chỉ có thể xem tử vi cho cậu bé này sau bảy năm nữa. Nếu sau bảy năm nữa nó còn sống, tôi sẽ làm cho nó - miễn phí, nhưng tôi thật sự không nghĩ nó có thể sống sau bảy năm, nếu nó vẫn còn sống, nó sẽ có khả năng trở thành một vị Phật”.

Nana đã trở về nhà với những giọt nước mắt và nói: “Ta phải đợi cho đến khi con bảy tuổi. Ai mà biết được lúc đó ta còn sống hay không, hay nhà chiêm tinh đó còn sống hay không, vì ông ta đã quá già. Nhưng điều làm ta thật sự bận tâm không phải là việc liệu con có thể sống sót không mà là việc con có thể trở thành một Phật.”

Tôi đã phá lên cười và đột nhiên Nana cũng cười theo, ông nói “Ừ. Ta thật ngớ ngẩn, tại sao ta lại lo lắng về việc con có thể trở thành một Phật cơ chứ. ừ, thành Phật thì cứ thành Phật đi, thì sao chứ.”

Thế rồi khi tôi lên 7 tuổi, một nhà chiêm tinh trẻ hơn đã tự tìm đến nhà tôi trên một con ngựa hoàng gia rất đẹp, anh ta nói rằng anh ta chính là con trai của nhà chiêm tinh già ông tôi tìm đến năm xưa. Anh ta đến để thực hiện nhiệm vụ cha anh còn dang dở. Anh ta nói "Vậy là cậu vẫn còn sống, tôi đã làm bản tử vi cho cậu, cha tôi đã rất lo lắng vì những người như cậu thường không sống quá lâu, điều đáng nói là: cậu sẽ trở thành một vị Phật.”

Và bởi vì từ Phật ấy, Nana của tôi đã bán nhiều đồ đạc trong nhà để tổ chức một bữa tiệc lớn cho mọi người trong làng để ăn mừng rằng cháu của ông sẽ trở thành một vị Phật - dù cho ông chẳng hể biết Phật nghĩa là gì.

Tôi hỏi, khi mọi người đã rời khỏi: "Phật nghĩa là gì hả Nana?”

Nana trả lời: "Ta không biết, nhưng từ đó nghe có vẻ hay, có vẻ như là một người rất thông minh. Ta là người đạo Jaina, ta không biết gì những thứ của Phật giáo nhưng con đừng lo, nếu ta thấy một người Phật giáo nào đi ngang ngôi làng ta sẽ hỏi họ xem Phật nghĩa là gì.”

Ngày ấy ông được coi như một người giàu, tất nhiên không theo định nghĩa của phương Tây, nhưng so với làng ấy thì ông là người giàu và việc bắt cóc trẻ em nhà giàu để tống tiền là điểu xảy ra khá thường xuyên. Họ được gọi là Dakaits - một loại băng đảng trộm cướp - thậm chí còn tệ đến mức bắt cóc cả những đứa trẻ nghèo và ép cha mẹ chúng làm mọi thứ để có tiền chuộc lại đứa con của mình. Bọn chúng đã cố bắt cóc tôi hai lần. Có hai thứ đã cứu tôi: một là con ngựa, giống ngựa Arabian rất khỏe và thứ hai là Bhoora - “vệ sĩ” của tôi. Ông ngoại dặn Bhoora rằng nếu bọn chúng định bắt cóc tôi, ông ấy phải bắn chỉ thiên để cảnh cáo mà thôi bởi vì đạo Jaina cấm việc giết người. Nhưng rồi bà ngoại nói: '“Bhoora. Đừng bận tâm lời ông già ấy. Đầu tiên ông có thể bắn chỉ thiên, nhưng nếu nó không hiệu quả, hãy nhớ: nếu ông không bắn những kẻ đó, nếu ông trở về mà không có thằng nhỏ, nếu ông trở về đây chỉ để nói rằng nó đã bị bắt cóc, tôi sẽ bắn ông ngay lập tức.” Tôi, Bhoora và ông ngoại đều biết, bà đã nói là sẽ làm. Đó là một mệnh lệnh, không phải lời thỉnh cầu.

Nghe vậy ông ngoại quay mặt đi chỗ khác, tôi bật cười hỏi ông: “Sao ông lại quay đi, nếu ông thật sự là một người Jaina ông nên dặn Bhoora không được bắn ai chứ?” nhưng ông không đáp lại, chỉ có Nani nói "Tôi bảo Bhoora canh chừng cả ông nữa đó, tốt nhất ông đừng nên mở miệng".

Vậy nên hai lần đó tôi bị bắt cóc, may mắn thay chỉ sau cú bắn chỉ thiên là những kẻ bắt cóc đã chịu bỏ cuộc.

Tôi được cứu mà cả niềm tin tôn giáo của ông ngoại cũng được cứu.

Trước đó bà ngoại cũng nói: “Nếu bất cứ ai đụng đến cháu tôi; đấu tiên ông bắn chỉ thiên là tốt; không giết người là một luật tốt - nhưng nhớ là chỉ trong ngôi đền thôi - ngoài đời chúng ta phải thay đổi cách ứng xử cho phù hợp với thế giới; và thế giới này không chỉ có mỗi đạo Jaina.”

Tôi có thê’ thấy sự hợp lý trong từng lời nói của bà. Nếu bạn đang nói với người không hiểu tiếng Anh; bạn không thể dùng tiếng Anh. Bạn phải nói bằng thứ ngôn ngữ mà người nghe có thể hiểu. Triết lý là một dạng ngôn ngữ, hãy ghi nhớ điều đó. Triết lý không mang bất cứ nghĩa gì ngoại trừ chức năng của một ngôn ngữ, vậy nên khoảnh khắc khi bà ngoại với với Bhoora “Nếu bọn đó bắt cóc cháu tôi, hãy nói thứ ngôn ngữ mà chúng có thể hiểu, hãy quên hết luật lệ của Jaina đi. Ông có nghĩ những kẻ bắt cóc quan tâm luật của người Jaina khi chúng bắt cóc trẻ con không? Ông không phải một Jaina chứ?”

Ông ấy đáp: “Không. Tôi không theo đạo Jaina. Tôi không quan tâm luật đó.”

Bhoora

Ông ấy là người phục vụ của ông bà tôi, tôi gọi ông là “Người Lạ” bởi vì tên ông ấy là Bhoora nghĩa là “Người da trắng”. Ông ấy là người duy nhất trong làng có da màu sáng dù ổng không phải người Tâu Âu hay gì cả; dù rất giống. Nó là một việc lạ. Có thể mẹ ông ấy làm việc trong một trại lính Anh và bà ấy có mang ông tại đó. Không ai biết tên thật của ông nhưng đều gọi ông là Bhoora. Ông ấy đến làm việc cho ông ngoại như một người hầu cận từ khi còn là một đứa trẻ. Cả gia đình đối xử với ông như một thành viên trong nhà.

Bhoora là một người rất kín đáo, kiểu người mà bạn có thể tin tưởng để kể mọi bí mật của bạn. Tôi gọi ông là “người lạ” vì ông thật lạ lùng, dường như không giống bất cứ ai không chỉ về ngoại hình mà về tính cách nữa.

Ông bà ngoại yêu cầu Bhoora đi theo để bảo vệ tôi toàn thời gian và vì vậy, ông ấy như một người bạn của tôi, như một cái bóng từ cánh đồng đến khu rừng, ngoài sông hồ hay bất cứ đâu. Ông ấy không bao giờ làm phiền tôi bất cứ gì nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ - với một trái tim nhiệt thành, dù rất nghèo nhưng ông cực giàu sự tôn trọng và tình thương.

Ngày ấy tôi không chỉ sở hữu một con ngựa, tôi có tới bốn con và bạn biết đáy, tôi là một người kiểu cách ngay từ nhỏ. Ông bà đã cho tôi một cuộc sống kiểu cách và điều ấy tôi vẫn cứ duy trì tới hôm nay - những chiếc Rolls Royces là một ví dụ - đó chỉ là một biểu hiện khác của sự kiểu cách. Con ngựa của tôi, không ai có thể cưỡi nó; kể cả ông ngoại. Ông và bà mỗi người cũng có một con. Nó hơi bất thường ngày ấy khi bà ngoại tôi cũng cưỡi ngựa nhưng bà vốn là người đặc biệt nên chẳng có gì bất thường cả. Con ngựa thứ tư là cho Bhoora để ông áy cưỡi theo tôi và bảo vệ tôi cùng với khẩu súng săn của ông ấy - ông ấy theo tôi với một khoảng cách vừa đủ để không làm phiền nhưng vẫn bảo vệ, luôn là như thế.

Định mệnh thật kì lạ. Tôi chưa bao giờ làm đau bất cứ ai, thậm chí trong giấc mơ của mình. Tôi là một người ăn chay trường cả đời nhưng định mệnh bằng cách nào đó lại sắp xếp để tôi luôn được có người dõi theo và bảo vệ. Bhoora là người đầu tiên.

Với sự bảo vệ của Bhoora, cây súng của ông ấy, nét mặt nghiêm nghị của ông ấy - tôi an toàn để đi khắp nơi làm đủ mọi trò nghịch ngợm của mình mà không hể sợ hãi. Tôi đã được nuông chiều để nghịch ngợm, để làm mọi thứ theo ý mình từ khi còn nhỏ xíu như thế.

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho