Chương 37: Các kỹ thuật chứng kiến dòng chảy cuộc sống tựa như phim.

Sách của những bí mật - Tập 3
Book of secrets - Volume 3
Osho

  
Chương 37: Các kỹ thuật chứng kiến dòng chảy cuộc sống tựa như phim.

26 tháng 2 năm 1973, buổi tối tại Woodlands, Bombay

57.Trong những tâm trạng ham muốn cùng cực, đừng bị khuấy động.

58. Cái gọi là vũ trụ này biểu hiện như một trò tung hứng, như một bộ phim. Hãy vui vẻ xem nó như thế.

59. Hỡi người yêu dấu, hãy đặt sự chú ý không phải vào niềm vui cũng không vào nỗi đau, mà vào giữa chúng.

60. Những đối tượng và những ham muốn tồn tại trong ta cũng giống như trong những người khác. Thế nên hãy chấp nhận, hãy để chúng được biến đổi.

Tâm trí nguyên thủy giống như một chiếc gương: nó tinh khiết, và nó vẫn giữ nguyên tinh khiết, nhưng bụi có thể tích tụ trên nó. Sự tinh khiết không bị mất đi, bụi không thể hủy hoại sự tinh khiết, nhưng sự tinh khiết có thể bị bao phủ. Đây là tình cảnh của tâm trí thông thường - bị phủ đầy bụi. Ẩn phía sau bụi này tâm trí nguyên thủy vẫn giữ nguyên tinh khiết. Nó không thể bị ô uế; đó là điều không thể. Và nếu nó có thể trở nên không tinh khiết thì sẽ không còn cách nào lấy lại được sự tinh khiết. Nó vẫn giữ nguyên tinh khiết trong mình, chỉ bị bụi phủ lên.

Tâm trí của chúng ta là tâm trí nguyên thủy cộng với bụi, tâm trí-phật cộng với bụi, tâm trí linh thiêng cộng với bụi. Một khi bạn biết cách làm lộ nó ra, cách lấy nó ra khỏi bụi thì bạn đã biết tất cả những gì đáng biết và bạn đã đạt được tất cả những gì đáng đạt được. Tất cả những kỹ thuật này liên quan đến cách làm cho tâm trí bạn không còn bị những lớp bụi ngày qua ngày cứ phủ lên. Bụi là lẽ đương nhiên. Giống như người lữ hành trải qua nhiều chặng đường bị bụi bám đầy - bạn đã là một người du hành trong nhiều, nhiều kiếp. Bạn đã du hành những hành trình dài, và đã bị bụi bám quá nhiều.

Chúng ta phải hiểu nhiều điểm trước khi đi vào những kỹ thuật này. Điểm thứ nhất, phương Đông và phương Tây có thái độ khác nhau cơ bản đối với sự chuyển hóa bên trong. Cơ Đốc giáo cho rằng một cái gì đó đã xảy ra với chính con người - tội lỗi. Phương Đông cho rằng không có gì đã xảy ra với chính con người; không gì có thể xảy ra. Con người vẫn giữ nguyên trong sự tinh khiết tuyệt đối của nó; chưa từng có tội lỗi nào. Vì thế, ở phương Đông con người không bị lên án, con người không phải là một cái gì đó bị thoái hóa. Ngược lại, con người vẫn giữ được sự thánh thiện mà mình có, mà mình đã luôn luôn có, và bụi sẽ tích tụ là điều tự nhiên. Bụi buộc phải tích tụ.

Vì vậy, không có tội lỗi, chỉ là một sự nhận dạng sai.

Chúng ta trở nên bị đồng nhất với tâm trí, với bụi. Kinh nghiệm của chúng ta, kiến thức của chúng ta, ký ức của chúng ta, tất cả đều là bụi. Dù bạn đã biết gì, dù bạn đã trải nghiệm gì, dù quá khứ của bạn là gì, tất cả đều là bụi. Lấy lại tâm trí nguyên thủy có nghĩa là lấy lại sự tinh khiết - không kinh nghiệm, không kiến thức, không ký ức, không quá khứ.

Toàn bộ quá khứ là bụi, nhưng chúng ta bị đồng nhất với quá khứ và không đồng nhất với tâm thức luôn trong hiện tại. Hãy nghĩ về điều đó theo cách này: bất cứ điêu gì bạn biết thì cũng luôn luôn là quá khứ, còn bạn thì ở đây và bây giờ trong hiện tại. Mọi kiến thức chỉ là bụi. “Nhận biết” là tính tinh khiết của bạn, tri thức thì là bụi. Khả năng nhận biết, năng lượng nhận biết, sự nhận biết là bản tính nguyên thủy của bạn. Thông qua cái biết đó bạn thu thập kiến thức. Kiến thức đó như-bụi. Ở đây và bây giờ, chính thời điểm này, bạn tuyệt đối tinh khiết, nhưng bạn lại không đồng nhất với sự tinh khiết này, bạn đồng nhất với quá khứ, quá khứ được chất dồn. Thế nên mọi kỹ thuật thiền về cơ bản là các phương pháp để đưa bạn ra khỏi quá khứ và cho phép mình hòa vào ở đây và bây giờ.

Đức Phật đã tìm kiếm cách đoạt lại sự tinh khiết này của tâm thức, cách trở nên tự do khỏi quá khứ, bởi vì trừ khi bạn tự do khỏi quá khứ, bạn sẽ vẫn còn trong vòng lệ thuộc, bạn sẽ là một nô lệ. Quá khứ là gánh nặng với bạn, và chính vì quá khứ này mà hiện tại không bao giờ được biết đến. Quá khứ là cái đã biết đến; hiện tại là một khoảnh khắc nguyên tử rất nhỏ. Bạn liên tục bỏ lỡ nó bởi quá khứ, và vì quá khứ mà bạn liên tục phóng chiếu vào tương lai. Quá khứ được phóng chiếu vào tương lai, và cả hai đều là giả. Quá khứ thì không còn, tương lai thì chưa tới. Cả hai đều không có, và cái có thì lại ẩn giấu giữa hai cái không có này.

Đức Phật đã tìm kiếm; Người đã đi tìm người thầy này đến người thầy khác. Người đã tìm kiếm, và đã đi tìm nhiều người thầy, tất cả những người thầy mà Người biết đến. Người đã tham vấn họ, Người đã cho phép họ làm việc trên bản thân mình, Người đã hợp tác. Người đã kỷ luật chính mình theo nhiều cách, nhưng Người không thỏa mãn, và sự khó khăn là đây: những người thầy đó đều quan tâm đến tương lai, đến trạng thái giải thoát ở đâu đó bên kia cái chết, sau khi cuộc sống này qua đi. Họ quan tâm đến Thượng đế nào đó, niết bàn nào đó, moksha nào đó, trạng thái giải thoát nào đó - một nơi nào đó trong tương lai, còn Phật thì lại quan tâm đến ở đây và bây giờ, nên không có cuộc gặp gỡ thực sự nào. Người đã nói với mọi người thầy, “Tôi quan tâm đến ở đây và bây giờ, đến việc làm sao để ở đây và bây giờ một cách toàn bộ, tuyệt đối và thuần khiết”. Và họ nói, “Hãy áp dụng phương pháp này, thực hiện điêu này, và nếu ông thực hiện đúng, một ngày nào đó trong tương lai, ở một cuộc đời tương lai nào đó, trong một trạng thái tương lai nào đó, ông sẽ đạt được”. Chẳng bao lâu sau, Người đã rời bỏ mọi người thầy, và rồi Người tự nỗ lực một mình. Người đã làm gì? Người đã thực hiện một điều rất đơn giản. Một khi bạn biết nó, nó rất đơn giản và rõ ràng, nhưng khi bạn không biết nó, nó rất gian khổ và khó khăn, nó dường như là không thể. Người đã thực hiện chỉ một điều: giữ nguyên với thời điểm hiện tại. Người quên hết quá khứ và tương lai của mình. Người nói, “Tôi sẽ ở đây và bây giờ. Tôi sẽ chỉ đơn giản tồn tại”. Nếu bạn có thể tồn tại chỉ trong một thời điểm, bạn đã biết đến hương vị - hương vị của tâm thức thuần khiết của bạn. Và một khi nó được nếm trải, bạn không bao giờ có thể quên nó. Thế rồi sự nếm trải này, hương vị này, vẫn cùng với bạn, và hương vị đó trở thành một sự biến đổi.

Có nhiều cách để cởi bỏ quá khứ ra khỏi bạn, để lau sạch bụi và nhìn được vào chiếc gương của tâm trí bạn. Các kỹ thuật này là những cách thức khác nhau, nhưng với mỗi kỹ thuật một sự hiểu biết sâu sắc là cần thiết: nên nhớ điều đó. Những kỹ thuật này không mang tính máy móc, bởi vì chúng là để khám phá tâm thức. Chúng không phải là những thứ máy móc. Bạn có thể sử dụng những kỹ thuật này một cách máy móc, và nếu bạn sử dụng chúng như là những kỹ thuật máy móc thì bạn có thể đạt được một sự tĩnh tại nào đó về mặt tâm trí, nhưng đó sẽ không phải là sự thuần khiết nguyên thủy. Bạn có thể đạt được một sự tĩnh tại nào đó, nhưng sự tĩnh tại đó sẽ là cái thứ được trau dồi. Và nó cũng thuộc về lớp bụi phủ chứ không thuộc về lớp nguyên thủy của tâm trí. Đừng sử chúng một cách máy móc. Bạn cần một sự hiểu biết sâu sắc và với sự hiểu biêt thì những kỹ thuật này có thê giúp bạn khám phá bản thể mình.

Kỹ thuật đầu tiên:

Trong những tâm trạng ham muốn cùng cực, đừng bị khuấy động.

Trong những tâm trạng ham muốn cùng cực, đừng bị khuấy động: khi ham muốn thu hút bạn, bạn bị khuấy động. Tất nhiên, đo là điều tự nhiên. Ham muốn thu hút bạn, thế nên tâm trí bạn bắt đầu nao núng và nhiều gợn sóng lan tỏa trên bề mặt. Ham muốn kéo bạn tới nơi nào đó trong tương lai; quá khứ đẩy bạn tới nơi nào đó trong tương lai. Bạn bị xáo trộn, bạn không thoải mái. Bởi vậy, ham muốn là một “căn bệnh”.

Câu kinh này nói, Trong những tâm trạng ham muốn cùng cực, đừng bị khuấy động. Nhưng làm sao để không bị khuấy động? Ham muốn có nghĩa là khuấy động, nên làm sao để không bị khuấy động trong những khoảnh khắc ham muốn tột đỉnh? Bạn sẽ phải thực hiện những thử nghiệm nào đó; chỉ khi đó bạn mới hiểu nó có nghĩa là gì. Bạn đang giận dữ, sự giận giữ chiếm lĩnh bạn, bạn tạm thời bị điên, bị khống chế, và bạn không còn tự chủ. Đột nhiên hãy nhớ ta rằng mình không bị xáo trộn - như thể bạn đang cởi quần áo. Bên trong, hãy trở nên trần trụi, trần trụi trước sự giận dữ, không che đậy. Giận dữ sẽ còn đó, nhưng lúc này bên trong bạn có một điểm không bị xáo trộn.

Bây giờ bạn sẽ biết rằng sự giận dữ còn đó, ở ngoại vi. Giống như cơn sốt, nó có đó. Ngoại vi đang dao động; ngoại vi bị khuấy động. Nhưng bạn có thể nhìn vào nó. Nếu bạn có thể nhìn nó, bạn sẽ không bị khuấy động. Hãy trở thành người chứng kiến nó, và bạn sẽ không bị khuấy động. Cái điểm không bị khuấy động này là tâm trí nguyên thủy của bạn. Tâm trí nguyên thủy này không thể bị khuấy động; nó không bao giờ bị khuấy động - nhưng bạn chưa bao giờ nhìn vào nó. Khi có sự giận dữ, bạn trở nên bị đồng nhất với sự giận dữ này. Bạn quên rằng sự giận dữ là một cái gì đó khác với bạn. Bạn trở thành một với nó, và bạn bắt đầu hành động thông qua nó, bạn bắt đầu thực hiện một cái gì đó thông qua nó.

Có hai điều bạn có thể thực hiện. Khi giận dữ bạn sẽ trút giận lên ai đó, lên đối tượng làm bạn giận dữ. Khi đó bạn đã hướng sang người khác. Giận dữ ở ngay giữa bạn và người đó. Tôi đang ở đây, rồi có giận dữ, và bạn ở đó - là đối tượng giận dữ của tôi. Khi giận dữ tôi có thể đi theo hai chiều hướng: tôi có thể hướng vào bạn; khi đó bạn trở thành trung tâm sự chú ý của tôi, là đối tượng giận dữ của tôi. Thế thì tâm trí tôi trở nên bị tập trung vào bạn, vào người đã khiêu khích tôi. Đấy là một cách để bạn bộc lộ sự giận dữ. Còn một cách khác: bạn có thể hướng vào chính mình. Bạn không hướng vào người đã làm bạn cảm thấy giận dữ. Bạn hướng vào người đang cảm thấy giận dữ; bạn hướng vào chủ thể chứ không hướng vào khách thể.

Thông thường, chúng ta cứ hướng tới đối tượng. Nếu bạn hướng tới đối tượng, phần bụi của tâm trí bạn bị xáo trộn, và bạn sẽ cảm thấy, " ‘Mình’ đang xáo trộn". Nếu bạn hướng vào trong, vào trung tâm của con người bạn, bạn sẽ có thể chứng kiến lớp bụi này; bạn sẽ có thể nhìn thấy lớp bụi của tâm trí bạn bị xáo trộn, chứ “Mình không bị xáo trộn”. Bạn có thể thử nghiệm điều này với bất cứ ham muốn nào, với bất cứ sự khuấy động nào.

Một ham muốn tình dục đến với tâm trí bạn; toàn bộ cơ thể bạn bị nó xâm chiếm. Bạn có thể hướng tới đối tượng tình dục, đối tượng làm bạn ham muốn. Đối tượng này có thể có đó, có thể không. Bạn cũng có thể đến với đối tượng trong tưởng tượng. Nhưng thế thì bạn sẽ bị khuấy động nhiều hơn. Bạn càng đi xa khỏi trung tâm mình, bạn sẽ càng bị khuấy động. Sự thực là, khoảng cách và sự khuây động luôn tỷ lệ thuận với nhau. Khoảng cách giữa bạn với trung tâm mình càng lớn thì bạn bị khuấy động càng nhiều; bạn càng gần trung tâm thì bạn càng ít bị khuấy động. Nếu bạn ở chính trung tâm thì không còn sự khuấy động.

Trong cơn lốc xoáy có một tâm điểm không bị xáo trộn - trong cơn lốc giận dữ, cơn lốc ham muốn tình dục, cơn lốc của bất cứ sự ham muốn nào. Ngay tại trung tâm thì không có lốc xoáy, và một cơn lốc xoáy không thể tồn tại mà không có một trung tâm phẳng lặng. Sự giận dữ cũng không thể tồn tại mà không có một cái gì đó bên trong bạn, cái ở phía bên kia của sự giận dữ.

Nên nhớ điều này: không gì có thể tồn tại mà không có cực đối lập. Đối cực là cần thiết. Không có đối cực thì nó không thể tồn tại. Nếu bên trong bạn không có trung tâm giữ nguyên bất động, thì không thể có sự vận động nào. Nếu bên trong bạn không có trung tâm giữ nguyên không bị khuấy động, thì không sự xáo động nào có thể xảy ra với bạn. Hãy phân tích điều này và quan sát nó. Nếu trong bạn không có trung tâm tuyệt đối không bị khuấy động, thì làm sao bạn có thể cảm nhận được rằng bạn bị xáo động? Bạn cần một sự so sánh. Bạn cần hai điểm để so sánh.

Giả sử có một người bị bệnh: anh ta cảm thấy bệnh vì ở nơi nào đó bên trong anh, có một điểm, một trung tâm tuyệt đối khỏe mạnh đang tồn tại. Chính vì thế mà anh ta mới có thể so sánh. Bạn nói rằng đầu bạn đang bị đau. Làm sao bạn biết về cái đau này, cơn đau đầu này? Nếu bạn là chính cơn đau đầu, bạn không thể nhận biết nó. Bạn phải là ai đó khác, một cái gì đó khác - người quan sát, người chứng kiến, người có thể nói, “Đầu tôi đang đau”.

Cái đau này chỉ có thể được cảm nhận bởi một cái gì đó không đau. Nếu bạn bị ốm, bạn bị sốt, bạn có thể cảm thấy nó, bởi vì bạn không phải là cơn sốt. Cơn sốt này không thể cảm thấy rằng có cơn sốt; phải cần đến một ai đó bên ngoài nó. Một sự phân cực là cần thiết. Khi bạn đang giận dữ, và nếu bạn cảm thấy bạn giận dữ, điều đó có nghĩa rằng bên trong bạn tồn tại một điểm vẫn không bị khuấy động và có thể là một sự chứng kiến. Bạn có thể không nhìn vào điểm này, đó là vấn đề khác. Bạn có thể không nhận thấy chính mình tại điểm đó, đó là vấn đề khác. Nhưng nó luôn luôn có đó trong sự thuần khiết nguyên sơ của nó; nó có đó.

Câu kinh này nói, Trong những tâm trạng ham muốn cùng cực, đừng bị khuấy động. Bạn có thể làm gì? Kỹ thuật này không phải để kìm nén. Kỹ thuật này không nói rằng khi có giận dữ thì kìm nén nó và giữ nguyên không bị khuấy động - không! Nếu bạn kìm nén, bạn sẽ gây ra nhiều khuấy động hơn. Nếu có giận dữ và có nỗ lực kìm nén nó, thì đó sẽ là hai lần khuấy động. Khi có giận dữ, khép những ô cửa của bạn lại, hãy thiền về sự giận dữ này, cho phép nó diễn ra. Bạn giữ nguyên không bị khuấy động nhưng cũng không kìm nén nó.

Kìm nén thì dễ; bộc lộ cũng dễ. Chúng ta thực hiện cả hai. Chúng ta bộc lộ nếu hoàn cảnh cho phép, nếu điều đó thuận tiện và không nguy hiểm cho bạn. Nếu bạn có thể làm hại người khác và người khác không thể làm hại bạn, bạn sẽ bộc lộ sự giận dữ. Nếu nó là nguy hiểm, nếu người khác có thể làm hại bạn nhiều hơn, nếu sếp của bạn hay bất cứ ai có ưu thế hơn làm bạn giận dữ, thì bạn sẽ kìm nén lại.

Bộc lộ và kìm nén thì dễ, chứng kiến mới khó. Chứng kiến không phải là cả hai; nó không phải là kìm nén cũng không phải là bộc lộ. Nó không phải là bộc lộ bởi vì bạn đang không bộc lộ nó ra trước đối tượng của sự giận dữ. Nó cũng không đang bị kìm nén. Bạn đang cho phép nó được bộc lộ - bộc lộ trong một không gian trống. Bạn đang thiền về nó.

Hãy đứng trước một chiếc gương và bộc lộ sự giận dữ - và hãy là người chứng kiến nó. Bạn một mình nên bạn có thể thiền về nó. Thực hiện bất cứ điều gì bạn muốn thực hiện, nhưng trong một không gian trống. Nếu bạn muốn đánh ai đó, hãy đánh vào bầu trời trống rỗng. Nếu bạn muốn giận dữ, cứ giận dữ; nếu bạn muốn gào thét, cứ gào thét. Nhưng thực hiện điều đó một mình, và hãy nhớ mình như là một điểm đang nhìn thấy tất cả điều này, vở kịch này. Khi đó nó trở thành một vở kịch tâm lý và bạn có thể cười vào nó, và nó sẽ là một sự thanh tẩy sâu cho bạn. Sau đó bạn sẽ cảm thấy thoải mái về nó - và không chỉ thoải mái về nó, bạn sẽ có được một cái gì đó thông qua nó. Bạn sẽ trưởng thành; một sự phát triển sẽ đến với bạn. Và giờ đây bạn sẽ biết rằng, thậm chí trong lúc bạn đang giận dữ, bên trong bạn còn có một trung tâm không bị khuấy động. Bây giờ bạn cố khám phá ra trung tâm này nhiều hơn, và dễ dàng khám phá ra nó khi có ham muốn.

Đó là lý do tại sao tantra không chống lại sự ham muốn. Nó nói hãy ham muốn, nhưng hãy nhớ tới trung tâm không bị khuấy động. Thế nên tantra nói rằng thậm chí quan hệ tình dục cũng có thể được sử dụng. Hãy đi vào quan hệ tình dục, nhưng vẫn giữ không bị khuấy động. Hãỵ là một nhân chứng. Hãy cứ là một người quan sát sâu sắc. Dù bất cứ điều gì đang diễn ra, thì đang diễn ra ở ngoại vi, bạn chỉ là một người quan sát, một khán giả.

Kỹ thuật này có thể rất hữu ích, và thông qua nó nhiều lợi ích có thể xảy đến với bạn. Nhưng điều đó là khó bởi vì khi bạn trở nên bị khuấy động, bạn quên hết mọi thứ. Có thể bạn quên rằng bạn phải thiền. Thế thì hãy thử cách này: đừng chờ thời điểm giận dữ xảy ra với bạn. Đừng chờ thời điểm này! Hãy đóng cửa phòng bạn lại, và nghĩ về một sự giận dữ nào đó mà bạn đã trải qua trong quá khứ khi đó bạn đã hóa điên. Hãy nhớ lại nó, và diễn lại nó. Với bạn điều đó sẽ dễ. Diễn lại nó, thực hiện lại nó, sống lại nó. Không chỉ nhớ lại nó, mà còn sống lại nó. Hãy nhớ lại ai đó đã khiêu khích bạn và những gì đã được nói, và cách bạn phản ứng lại người đó. Hãy tái hiện nó, diễn lại nó.

Có thể bạn không biết rằng tâm trí chỉ là một thiết bị ghi âm. Và ngày nay các nhà khoa học nói rằng, nếu để các điện cực chạm vào các trung tâm bộ nhớ của bạn thì chúng bắt đầu phát lại, hiện nay đây là một thực tế khoa học. Ví dụ, bạn đã từng giận dữ: sự việc này được ghi lại, trình tự y hệt như khi nó đã diễn ra, như thể bởi một băng ghi âm trong não bạn. Nếu nó được chạm bởi một điện cực, nó sẽ bắt đầu phát lại. Bạn sẽ lại có được cảm giác tương tự. Đôi mắt bạn sẽ đỏ, cơ thể bạn sẽ bắt đầu rung lên như bị sốt, toàn bộ sự việc sẽ được diễn lại. Lúc điện cực bị ngắt, nó dừng lại. Nếu bạn lại trao năng lượng cho nó, nó lại bắt đầu từ chính ban đầu.

Ngày nay họ nói rằng tâm trí là một chiếc máy ghi âm, và bạn có thể tái hiện bất cứ thứ gì. Nhưng không chỉ nhớ lại: hãy sống lại. Bắt đầu cảm nhận lại trải nghiệm, và tâm trí triển khai ý tưởng đó. Sự việc sẽ hiện ra trước bạn; bạn sẽ sống lại nó. Sống lại nó mà vẫn không bị khuấy động. Hãy bắt đầu từ quá khứ. Điều này là dễ bởi vì bây giờ nó chỉ là một vở kịch chứ không phải một tình huống thực tế. Và nếu bạn trở nên có khả năng thực hiện điều này, thì bạn sẽ có thể thực hiện ngay cả khi sự giận dữ đang thực sự diễn ra, ngay cả khi trong một tình huống thực. Và bạn có thể thực tập kỹ thuật này với mọi ham muốn, và nó là để thực tập với mọi ham muốn.

Ngày nay họ nói rằng tâm trí là một chiếc máy ghi âm, và bạn có thể diễn lại bất cứ thứ gì. Nhưng không chỉ nhớ lại: hãy sống lại. Bắt đầu cảm nhận lại trải nghiệm, và tâm trí sẽ có ý tưởng. Sự kiện sẽ đến với bạn; bạn sẽ sống lại nó. Sống lại nó mà vẫn không bị khuấy động. Hãy bắt đầu từ quá khứ. Điều này là dễ bởi vì bây giờ đó là một cuộc chơi mà không có tình huống thực tế nào. Và nếu bạn trở nên có khả năng thực hiện điều này, thì bạn sẽ có thể thực hiện khi thực sự có tình huống cho giận dữ, khi có một tình huống thực. Và điều này có thể được thực hiện với mọi ham muốn, và nó là để thực hiện với mọi ham muốn.

Sự tái hiện một cái gì đó từ quá khứ sẽ rất có tác dụng. Mọi người đều có những vết sẹo trong tâm trí mình, có những vết thương chưa lành. Nếu bạn diễn lại chúng, bạn sẽ được dỡ gánh nặng. Nếu bạn có thể thâm nhập vào quá khứ của mình và thực hiện một điều gì đó vẫn còn dang dở, bạn sẽ được dỡ gánh nặng khỏi quá khứ của mình. Tâm trí bạn sẽ trở nên tươi mới hơn, bụi sẽ bị thổi bay. Nên nhớ, trong quá khứ của bạn có một cái gì đó mà bạn cảm thấy vẫn còn treo lơ lửng. Bạn đã muốn hại ai đó, bạn đã muốn yêu ai đó, bạn đã muốn điều này điều kia, và điều đó vẫn giữ nguyên chưa hoàn thành.

Sự việc chưa hoàn thành đó vẫn lơ lửng trên đầu giống như một đám mây. Nó ảnh hưởng đến mọi thứ bạn đang có và bạn đang làm. Đám mây đó phải tan biến. Hãy quay ngược thời gian và mang những mong muốn vẫn chưa được hoàn thành ra, và sống lại những vết thương chưa lành. Chúng sẽ được làm lành. Bạn sẽ trở nên toàn bộ hơn, và thông qua điều này bạn sẽ có được bí quyết để giữ nguyên không bị xáo trộn trong một tình huống khuấy động.

Trong những tâm trạng ham muốn cùng cực, đừng bị khuấy động. Gurdjieff đã sử dụng kỹ thuật này rất nhiều. Ông đã tạo ra những tình huống, nhưng để tạo ra những tình huống này thì cần phải có một nhóm. Bạn không thể thực hiện điều đó một mình. Gurdjieff có một nhóm nhỏ ở Fontainebleau, và ông là người điều hành. Ông biết cách tạo ra những tình huống. Bạn sẽ đi vào căn phòng, và một nhóm sẽ ngồi đó. Bạn sẽ vào căn phòng có một nhóm đang ngồi ở đó, và họ sẽ thực hiện một cái gì đó để bạn sẽ nổi giận. Và điều đó được thực hiện rất tự nhiên đến mức bạn không bao giờ có thể tưởng tượng rằng có tình huống nào đó đang được tạo ra cho bạn. Đó chỉ là một phương tiện. Một người nào đó sẽ nói một điều gì đó để khiêu khích bạn, và bạn sẽ bị tức giận. Khi đó mọi người sẽ chọc tức bạn hơn nữa và bạn sẽ trở nên điên khùng. Và ngay khi bạn có thể bùng nổ, Gurdjieff sẽ hét lên, “Hãy nhớ! Giữ nguyên không bị khuấy động!”

Một tình huống có thể được tạo ra, nhưng chỉ trong một nhóm có nhiều người đang khám phá chính bản thân mình. Và khi Gurdjieff la lên, “Hãy nhớ! Giữ nguyên không bị khuấy động” khi đó bạn mới biết rằng đây là một tình huống được tạo ra. Sự xáo trộn này không thể biến đi một cách bất thình lình, ngay tức thì, bởi vì nó xuất phát từ cơ thể. Các tuyến của bạn đã tống chất độc vào máu; cơ thể bạn đã trở nên bị ảnh hưởng.

Sự giận dữ không thể biến đi ngay lập tức. Thậm chí lúc này bạn đã trở nên biết rằng mình đã bị đánh lừa, rằng không có ai đã khiêu khích bạn và không ai có ý gì, nhưng thật khó để làm bất cứ điều gì. Giận dữ có đó, cơ thể bạn ngập trong giận dữ - nhưng đột nhiên cơn nhiệt của bạn hạ xuống. Cơn giận vẫn còn nguyên, nhưng chỉ ở cơ thể, ở ngoại vi. Tại trung tâm, bạn đột nhiên hạ nhiệt, và bạn biết rằng bên trong mình tồn tại một điểm không bị khuấy động. Bạn bắt đâu cười. Mắt bạn đỏ ngầu giận dữ; gương mặt bạn hung tợn như con thú, nhưng bạn lại bắt đầu cười phá lên. Lúc này bạn biết hai điều - có một điểm không bị khuấy động và một ngoại vi bị khuấy động.

Các bạn có thể giúp lẫn nhau. Gia đình bạn có thể trở thành một nhóm; các bạn có thể hỗ trợ lẫn nhau. Những người bạn có thể trở thành một nhóm và họ có thể giúp lẫn nhau. Bạn có thể quyết định cùng với gia đình bạn... cả gia đình có thể quyết định rằng bây giờ một tình huống phải được tạo ra cho người cha hay cho người mẹ, và sau đó cả gia đình cùng làm việc để tạo ra tình huống này. Khi người cha hay người mẹ trở nên hoàn toàn điên khùng, khi đó mọi người bắt đầu cười và nói, “Hãy giữ nguyên hoàn toàn không bị khuấy động”. Bạn có thể giúp lẫn nhau, và trải nghiệm này đơn giản mà tuyệt vời. Một khi bạn biết một trung tâm mát lạnh bên trong khi bạn đang gặp một tình huống nóng bỏng, bạn không thể quên nó, và sau đó trong bất cứ tình huống nóng bỏng nào nào bạn cũng có thể nhớ lại nó, giành lại nó, có lại nó.

Hiện nay ở phương Tây có một kỹ thuật trị liệu được sử dụng; nó được gọi là kịch tâm lý. Nó trợ giúp, và nó cũng dựa trên những kỹ thuật giống như thế này. Trong kịch tâm lý bạn chỉ diễn vai, bạn chỉ chơi một cuộc chơi. Ban đầu nó là một cuộc chơi, nhưng sớm hay muộn bạn trở nên bị ám ảnh. Và khi bạn trở nên bị ám ảnh, tâm trí bạn bắt đầu hoạt động, bởi vì tâm trí bạn và cơ thể bạn hoạt động một cách tự động. Chúng hoạt động một cách tự động!

Vậy nên, nếu bạn xem một diễn viên đang vào vai một vở kịch tâm lý, và trong một cảnh giận dữ, người đó trở nên thực sự giận dữ, bạn có thể nghĩ rằng người đó chỉ đang diễn, nhưng không phải như thế. Có thể người đó đã trở nên giận dữ thực sự; có thể lúc này không phải là diễn xuất chút nào. Người đó bị ám ảnh bởi ham muốn, bởi sự khuấy động, bởi cảm xúc, bởi tâm trạng, và nếu người đó thực sự bị ám ảnh, chỉ lúc ấy người đó mới diễn như thật.

Cơ thể bạn không thể biết liệu bạn đang đóng vai hay bạn đang làm điều đó thật. Có thể lúc nào đó trong cuộc đời mình, bạn đã quan sát chính mình rằng bạn chỉ đang đóng vai là tức giận, và bạn đã không biết khi nào sự tức giận này đã trở thành thật, hay bạn chỉ đang đóng vai và bạn không cảm thấy dục tính. Bạn đang diễn tập với vợ mình hay với bạn gái của mình, hay với chồng mình, và rồi đột nhiên nó đã trở thành thật. Cơ thể làm chuyện đó, và cơ thể có thể bị đánh lừa. Cơ thể không thể biết điều đó là thật hay giả, đặc biệt là với tình dục. Nếu bạn tưởng tượng đến sự ân ái, cơ thể bạn nghĩ việc đó là thật.

Quan hệ tình dục là một trong những hoạt động dễ tưởng tượng nhất trong cơ thể, thế nên chỉ bởi tưởng tượng mà bạn có thể có được cực khoái tình dục. Bạn có thể đánh lừa cơ thể. Trong giấc mơ bạn có thể có sự giải phóng dục; cơ thể bị đánh lừa ngay cả trong giấc mơ. Bạn đang không làm tình với ai; bạn chỉ đang làm tình trong mơ, trong tưởng tượng. Nhưng cơ thể có thể giải tỏa năng lượng dục, và thậm chí có thể cảm nhận được một cực khoái sâu. Điều gì đang diễn ra? Làm sao cơ thể bị đánh lừa? Cơ thể không biết điều gì là thực và điều gì là không thực. Khi bạn bắt đầu làm một điều gì đó, cơ thể nghĩ nó là thực và nó bắt đầu hành xử theo cách thức như thật.

Kịch tâm lý là một kỹ thuật dựa trên những phương pháp như thế. Bạn không giận dữ, bạn chỉ đơn giản đang đóng vai giận dữ - và rồi bạn nhập vào nó. Nhưng kịch tâm lý rất hay, bởi vì bạn biết rằng mình chỉ đang sắm vai, và khi đó ở ngoại vi giận dữ trở thành thật, bạn ẩn nấp ngay phía sau nó và đang nhìn vào nó. Lúc này bạn biết rằng mình không bị khuấy động, nhưng giận dữ có đó, sự khuấy động có đó. Sự khuấy động có đó nhưng cũng không có đó.

Sự cảm nhận cùng lúc cả hai lực tác động này mang đến cho bạn một sự siêu việt, và sau đó khi đang giận dữ thật, bạn cũng có thể cảm nhận được nó. Một khi bạn biết cách cảm nhận nó, bạn cững có thể cảm nhận nó trong hoàn cảnh thật. Hãy sử dụng kỹ thuật này; điều này sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời bạn. Một khi bạn biết cách giữ nguyên không bị khuấy động, thì với bạn thế gian không phải là đau khổ. Khi đó không gì có thể gây ra sự bối rối nào trong bạn, thực sự không gì có thể làm tổn thương bạn. Bây giờ với bạn không còn đau khổ, và một khi bạn biết nó bạn còn có thể thực hiện chuyện khác nữa.

Gurdjieff từng thực hiện điều đó. Ông có khả năng thay đổi sắc mặt mình bất cứ lúc nào. Ông sẽ cười vang, ông sẽ cười mỉm, ông sẽ như đang vui vẻ với bạn, và bất thình lình ông sẽ trở nên tức giận mà không có nguyên cớ nào. Và người ta kể lại rằng ông đã trở nên thành thạo trong nghệ thuật này đến mức nếu có hai người ngồi bên ông, mỗi người một bên, thì ông có thể giận dữ với nửa mặt bên này và có thể cười với nửa mặt bên kia. Thế rồi người này sẽ thuật lại, “Gurdjieff mới đẹp làm sao”, và người kia sẽ nói, “Một người mới xấu xí làm sao!” Ông sẽ nhìn người này từ bên mặt đang cười, và ông nhìn người kia từ bên mặt đang giận dữ.

Một khi bạn có thể tách trung tâm của bạn ra khỏi ngoại vi, bạn có thể thực hiện điều đó. Khi trung tâm được tách hoàn toàn, nếu bạn có thể giữ nguyên không bị khuấy động khi giận dữ, khi ham muốn, bạn có thể chơi với những ham muốn, với giận dữ, với những xáo trộn.

Kỹ thuật này là để tạo ra một cảm nhận về hai thái cực bên trong bạn. Chúng có đó, hai cực đối lập có đó. Một khi bạn trở nên nhận ra các cực này, lần đầu tiên bạn trở thành người chủ của chính mình. Ngược lại, những người khác là những người chủ của bạn; bạn chỉ là một đầy tớ. Vợ bạn biết, con bạn biết, cha bạn biết, bạn bè bạn biết, rằng bạn có thể bị kéo qua rồi đẩy lại. Bạn có thể bị khuấy động, bạn có thể được biến thành hạnh phúc hay bất hạnh. Nếu ai đó khác có thể làm cho bạn hạnh phúc và bất hạnh, bạn không phải là một người chủ, bạn chỉ là một nô lệ. Người khác giữ sự chủ động. Chỉ bởi một cử chỉ mà người đó có thể làm cho bạn bất hạnh; chỉ bởi một nụ cười mỉm mà có thể làm cho bạn hạnh phúc.

Vì thế bạn chỉ phó thác vào người khác; người khác có thể thực hiện bất cứ điều gì với bạn. Và nếu bạn trong tình huống này thì mọi phản ứng của bạn chỉ đơn giản là những phản ứng, mà không phải là những hành động. Bạn chỉ biết phản ứng. Nếu ai đó khiêu khích bạn và bạn trở nên giận dữ, sự giận dữ của bạn không phải là một hành động, mà là một phản ứng. Nếu ai đó khen bạn và bạn bắt đầu mỉm cười và cảm thấy tốt, tuyệt, thì đây là phản ứng, không phải là hành động.

Đức Phật đi ngang qua một ngôi làng, và một số người đã tụ tập ở đó. Họ chống lại Người, sỉ nhục Người, Phật nghe xong rồi nói, “Tôi phải tới ngôi làng kia đúng giờ, vậy bây giờ tôi có thể đi? Nếu các bạn đã nói ra những gì các bạn đã đến để nói, nếu đã nói hết rồi, thế thì tôi có thể đi. Hay, nếu các bạn phải nói thêm với tôi nữa, khi quay lại, tôi sẽ chờ ở đây. Các bạn có thể đến và nói với tôi”.

Những người đó rất ngạc nhiên. Họ không thể hiểu. Họ đã xúc phạm Người, đã dùng những lời lẽ thô tục để lăng mạ Người, thế nên họ nói, “Nhưng chúng tôi đang không nói điều gì với ông, chúng tôi đang lăng mạ và xúc phạm ông”.

Đức Phật nói, “Các bạn có thể làm thế, nhưng nếu các bạn muốn có bất cứ sự phản ứng nào của tôi, thì các bạn đã trễ mất rồi. Mười năm trước, nếu các bạn đến với những lời lẽ như thế thì tôi hẳn sẽ phản ứng lại. Nhưng bây giờ tôi đã học được cách hành động, bây giờ tôi là người chủ của chính mình; các bạn không thể ép buộc tôi làm bất cứ điều gì. Thế nên các bạn sẽ phải quay trở về. Các bạn không thể khuấy động tôi, không gì có thể làm xáo trộn tôi lúc này, bởi vì tôi đã biết trung tâm của mình”.

Sự nhận biết về trung tâm này hay việc đặt nền tảng trong trung tâm này biến bạn thành một người chủ. Ngược lại, bạn là một nô lệ, và nô lệ của rất nhiều - không chỉ của một người chủ mà của nhiều người chủ. Mọi thứ đều là người chủ, và bạn là nô lệ cho toàn bộ vũ trụ này. Rõ ràng, bạn sẽ gặp rắc rối. Vì nhiều người chủ kéo bạn theo nhiều hướng, trên nhiều phương diện, bạn không bao giờ là mình; bạn không toàn vẹn, bạn bị kéo theo quá nhiều hướng, bạn đau khổ. Chỉ có người làm chủ chính mình mới có thể vượt lên đau khổ.

Kỹ thuật thứ hai:

Cái gọi là vũ trụ này biểu hiện như một trò tung hứng, như một bộ phim. Hãy vui vẻ xem nó như thế.

Cả thế gian này chỉ là một vở kịch, nên đừng quá nghiêm trọng về nó. Sự nghiêm trọng sẽ đẩy bạn vào rắc rối, bạn sẽ gặp rắc rối. Đừng nghiêm trọng về nó. Không có gì là nghiêm trọng; cả thế gian này chỉ là một vở kịch.

Nếu bạn có thể nhìn toàn bộ thế gian như một vở kịch, bạn sẽ giành lại được tâm thức nguyên thủy của bạn. Bụi tích tụ vì bạn quá nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng đó gây ra nhiều vấn đề, và chúng ta quá nghiêm trọng đến mức ngay cả khi xem một vở kịch chúng ta cũng tích bụi. Đi đến rạp phim và nhìn khán giả xem. Đừng nhìn lên màn hình, quên phim đi; đừng nhìn lên màn hình, chỉ nhìn vào khán giả trong rạp. Một người nào đó đang sụt sùi và những giọt nước mắt đang lăn trên má, ai đó sẽ cười, và ai đó nữa sẽ trở nên hứng tình. Hãy nhìn vào mọi người xem. Họ đang làm gì? Điều gì đang diễn ra với họ? Và không có gì trên màn hình, chỉ có những hình ảnh - những hình ảnh của ánh sáng và bóng tối. Màn hình trống rỗng.

Nhưng làm sao họ lại bị kích động? Họ đang khóc, đang âu sầu, đang cười. Hình ảnh không chỉ là hình ảnh; phim không chỉ là phim. Họ đã quên rằng đấy chỉ là một câu chuyện. Họ đã coi nó thành nghiêm trọng. Nó đã “trở nên sống động”! Nó là “thực”! Và điều này đang diễn ra ở mọi noi, không chỉ trong rạp phim. Hãy nhìn cuộc sống quanh bạn xem. Nó là gì?

Nhiều người đã sống trên trái đất này. Nơi bạn đang ngồi có ít nhất mười cơ thể chết đã được chôn chỗ đó, và họ cũng đã nghiêm trọng như bạn. Bây giờ họ không còn nữa. Cuộc sống của họ đã biến đi đâu? Những vấn đề của họ đã biến đi đâu? Họ đã chiến tranh - chiến tranh vì mỗi tấc đất, đất còn đó và họ thì không còn nữa.

Và tôi đang không nói rằng những vấn đề của họ không phải là những vấn đề. Chúng là những vấn đề - những vấn đề của bạn cũng đều là những vấn đề. Chúng là “nghiêm trọng” - những vấn đề sinh tử. Nhưng những vấn đề của họ ở đâu? Và nếu vào ngày nào đó toàn bộ loài người biến mất thì trái đất sẽ vẫn còn đó, cây cối sẽ vẫn phát triển, những dòng sông sẽ vẫn chảy, mặt trời sẽ vẫn mọc, và trái đất sẽ không cảm thấy sự vắng mặt nào, hay tự hỏi nhân loại đâu rồi.

Hãy nhìn rộng ra: nhìn lui, nhìn tới, nhìn vào mọi khía cạnh của bạn, vào cuộc sống của bạn. Nó nhìn giống như một giấc mơ dài, và mọi thứ bạn coi là quá nghiêm trọng lúc này lại trở thành vô nghĩa sau đó. Bạn có thể thậm chí không nhớ nó.

Nhớ lại tình yêu đầu tiên của bạn xem nó nghiêm trọng như thế nào. Cuộc sống đã phụ thuộc vào nó. Bây giờ bạn không còn nhớ nó, nó bị lãng quên. Và bất cứ điều gì bạn nghĩ rằng cuộc sống của bạn phụ thuộc vào hôm nay rồi cũng sẽ bị lãng quên. Cuộc sống là một dòng chảy, không có gì còn lại. Nó giống như một cuốn phim đang chiếu, mọi thứ đang thay đổi thành thứ khác. Nhưng tại thời điểm bạn cảm thấy nó rất nghiêm trọng, bạn bị bối rối. Kỹ thuật này nói, Cái gọi là vũ trụ này biểu hiện như một trò tung hứng, như một bộ phim. Hãy vui vẻ xem nó như thế.

Ở Ấn Độ, chúng ta đã gọi thế giới này không phải là sự sáng tạo của Thượng đế, mà là một vở kịch, một trò chơi, leela. Khái niệm về leela này thật đẹp, bởi vì sự sáng tạo thì có vẻ nghiêm trọng. Với Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo thì Thượng đế rất nghiêm trọng. Thậm chí chỉ một sự không vâng lời mà Adam bị đuổi khỏi Vườn Eden - và không chỉ ông bị đuổi, vì ông mà toàn bộ nhân loại cũng bị đuổi. Ông là người cha của chúng ta, và chúng ta đang chịu đựng đau khổ vì ông. Thượng đế có vẻ quá nghiêm trọng. Adam không nên bất tuân. Và nếu ông bất tuân, ngài sẽ trừng phạt, và sự trừng phạt đã quá lâu dài.

Tội lỗi đó có vẻ không nghiêm trọng đến thế. Thực ra, Adam đã phạm tội đó chính vì sự ngu ngốc của Thượng đế. Thượng đế Cha nói với Adam, “Không được đến gần cây này, Cây Kiến thức, và không được ăn trái của nó”. Sự cấm đoán này lại trở thành một lời mời, và đây là tâm lý. Trong khu vườn rộng lớn đó, duy nhất Cây Kiến thức đó trở nên thu hút. Nó đã bị cấm. Bất cứ nhà tâm lý nào cũng có thể nói, Thượng đế đã phạm sai lầm. Nếu trái của cây đó không ăn được thì tốt hơn là đừng nói gì về nó. Không có khả năng Adam tới cây đó, và toàn bộ nhân loại sẽ ở trong khu vườn. Nhưng mệnh lệnh “Không được ăn” này đã gây ra rắc rối; cái “không được” này đã tạo ra toàn bộ rắc rối.

Vì Adam không nghe lời mà ông đã bị đuổi ra khỏi thiên đường, và sự trừng phạt có vẻ quá lâu. Và Cơ Đốc nói Jesus bị đóng đinh chỉ để cứu rỗi cho chúng ta - để cứu rỗi cho chúng ta khỏi lỗi lầm mà Adam đã phạm phải. Cho nên toàn bộ khái niệm về lịch sử của Cơ Đốc giáo vẫn còn treo trên vai hai người - Adam và Jesus. Adam phạm tội, và Jesus chịu đựng đau khổ để cứu rỗi cho chúng ta, và cho phép mình bị đóng đinh. Ông chịu đựng để tội của Adam có thể được tha thứ. Nhưng dường như Thượng đế vẫn chưa tha thứ. Jesus đã bị đóng đinh, nhưng nhân loại vẫn đang chịu đựng đau khổ theo cách như vậy.

Chính khái niệm coi Thượng đế như là một người cha là xấu xí, nghiêm trọng. Khái niệm Ấn Độ không phải là về một người sáng tạo. Thượng đế chỉ là một người chơi; ngài không nghiêm trọng. Đây chỉ là một trò chơi. Có những luật lệ, nhưng là luật của một trò chơi. Bạn không cần phải nghiêm trọng về chúng. Không có gì là tội lỗi cả - chỉ có sai lầm, và bạn đau khổ vì sai lầm, chứ không phải vì Thượng đế trừng phạt bạn. Bạn đau khổ vì những luật lệ mà bạn không tuân thủ. Thượng đế đang không trừng phạt bạn. Toàn bộ khái niệm về leela mang đến cho cuộc sống một màu sắc kịch tính; nó trở thành một vở kịch dài. Và kỹ thuật này cơ bản dựa trên ý niệm này: Cái gọi là vũ trụ này biểu hiện như một trò tung hứng, như một bộ phim. Hãy vui vẻ xem nó như thế.

Nếu bạn không hạnh phúc, bạn đã coi nó quá nghiêm trọng, và đừng cố gắng tìm mọi cách để trở nên hạnh phúc. Chỉ thay đổi thái độ của bạn. Bạn không thể hạnh phúc với một tâm trí nghiêm trọng. Với một tâm trí vui như hội, bạn có thể hạnh phúc. Hãy coi toàn bộ cuộc sống này như một thần thoại, như một câu chuyện. Cuộc sống chỉ có một, nhưng một khi bạn nhìn nhận nó theo cách này, bạn sẽ không bất hạnh. Sự bất hạnh xuất hiện vì có quá nhiều tính nghiêm trọng. Hãy thử trong bảy ngày; trong bảy ngày nhớ duy nhất một điều - rằng toàn bộ thế gian chỉ là một vở kịch - và bạn sẽ không còn như cũ nữa. Chỉ trong bảy ngày! Bạn sẽ không mất nhiều bởi vì bạn không có gì để mất.

Bạn có thể thử điều này. Trong bảy ngày hãy coi mọi thứ như là một vở kịch, chỉ như một vở diễn. Bảy ngày này sẽ mang đến cho bạn những thoáng qua về phật tính của bạn, về sự thuần khiết nội tại của bạn. Và một khi bạn có được sự thoáng qua này, bạn không thể như cũ nữa. Bạn sẽ hạnh phúc, và bạn không thể hình dung dạng hạnh phúc nào có thể đến với mình, bởi vì bạn đã không biết bất cứ hạnh phúc nào. Bạn đã biết chỉ những mức độ của bất hạnh: lúc này bạn bất hạnh nhiều, lúc khác bạn ít bất hạnh hơn, và khi bạn ít bất hạnh hơn, bạn gọi đó là hạnh phúc. Bạn không biết hạnh phúc là gì bởi vì bạn không thể biết nó. Khi bạn khái niệm rằng thế giới này là rất nghiêm trọng thì bạn không thể biết hạnh phúc là gì. Hạnh phúc chỉ đến khi bạn dựa trên thái độ này, rằng thế gian chỉ là một vở tuồng.

Thể nên hãy thử điều này, và làm mọi việc theo cách rất vui vẻ, như đang lễ hội, đang “sắm vai” - không phải là một công việc thực sự. Nếu bạn là một người chồng, hãy đóng vai, hãy đóng vai một người chồng; nếu bạn là một người vợ, hãy đóng vai một người vợ. Hãy biến điều đó thành một cuộc chơi. Và có những luật lệ, tất nhiên; bất cứ cuộc chơi nào cũng cần được chơi theo những luật lệ. Hôn nhân là một luật lệ và ly hôn là một luật lệ, nhưng đừng nghiêm trọng về chúng. Chúng là những luật lệ, và luật này sinh ra luật kia. Ly hôn thì xấu; bởi vì hôn nhân là xấu: một luật lệ kéo theo luật lệ khác! Nhưng đừng coi chúng là nghiêm trọng, và sau đó nhìn xem chất lượng cuộc sống của bạn thay đổi ngay lập tức như thế nào.

Đi về nhà bạn tối nay, và cư xử với vợ bạn hay chồng bạn hay con bạn như thể bạn đang đóng một vai trong một vở kịch, và thấy vẻ đẹp của nó. Nếu bạn đang đóng một vai, bạn sẽ cố làm một cách hiệu quả, nhưng bạn sẽ không bị khuấy động. Không cần phải khuấy động. Bạn sẽ đóng vai này và đi ngủ. Nhưng nên nhớ, đó là một vai, và theo đuổi thái độ này liên tục trong bảy ngày. Thế rồi hạnh phúc có thể đến với bạn, và một khi bạn biết đâu là hạnh phúc thì bạn không cần sống bất hạnh nữa, bởi vì nó là sự lựa chọn của bạn.

Bạn bất hạnh bởi vì bạn đã chọn thái độ sai lầm đối với cuộc sống. Bạn có thể hạnh phúc nếu bạn chọn một thái độ đúng. Đức Phật rất chú ý đến “thái độ đúng”. Người đã biến nó thành một nền tảng, một điều cơ bản - “thái độ đúng”. Thái độ đúng là gì? Tiêu chuẩn là gì? Theo, tôi thì đây là tiêu chuẩn: thái độ mà nó làm cho bạn hạnh phúc là thái độ đúng, và không có tiêu chuẩn khách quan. Thái độ mà nó làm cho bạn bất hạnh và đau khổ là thái độ sai. Tiêu chuẩn là chủ quan; hạnh phúc của bạn chỉnh là tiêu chuẩn.

Kỹ thuật thứ ba:

Hỡi người yêu dấu, hãy đặt sự chủ ý không phải vào niềm vui cũng không vào nỗi đau, mà vào giữa chúng.

Mọi thứ đều có thái cực, và tâm trí di chuyển từ cực này tới cực kia, không bao giờ chịu ở giữa. Bạn đã từng biết một khoảnh khắc mà bạn không hạnh phúc cũng không bất hạnh chưa? Bạn đã từng biết thời điểm bạn không khỏe cũng không ốm chưa? Bạn đã từng biết khi mà bạn không thế này cũng không thế kia, khi mà bạn đã chỉ ở giữa, chỉ ở trung gian, ngay chính giữa chưa? Tâm trí di chuyển từ cực này tới cực kia ngay lập tức. Nếu bạn hạnh phúc, chẳng bao lâu sau bạn sẽ di chuyển tới bất hạnh, và bạn sẽ di chuyển ngay lập tức: hạnh phúc này sẽ biến mất và bạn sẽ bất hạnh.

Nếu bạn đang cảm thấy tốt, sớm hay muộn bạn sẽ cảm thấy tồi, và không có điểm nào để bạn dừng ở giữa. Bạn ngay lập tức di chuyển từ đây tới kia. Hệt như quả lắc của cái đồng hồ cổ, bạn di chuyển từ trái sang phải, từ phải sang trái, và quả lắc không ngừng di chuyển. Đây là một quy luật bí mật: khi quả lắc đang sang trái, nó biểu hiện sang trái nhưng nó đang tích lũy xung lượng để sang phải. Khi nó đang sang trái, nó đang tích lũy năng lượng, xung lượng, để sang phải; khi nó đang sang phải, nó đang tích lũy xung lượng để sang trái. Thế nên, những gì hiện ra không phải là toàn bộ. Khi bạn đang trở nên hạnh phúc, bạn đang tập trung xung lượng để trở nên bất hạnh. Vì vậy, bất cứ khi nào tôi thấy bạn đang cười thi thời điểm bạn sẽ khóc cũng không còn xa.

Ở những ngôi làng Ấn Độ, các bà mẹ biết điều này, nên khi đứa trẻ bắt đầu cười quá nhiều, họ nói, “Dừng nó lại, nếu không nó sẽ khóc”. Nó buộc phải như thế. Nếu đứa trẻ quá vui thi thời điểm tiếp theo có thể không gì khác ngoài buồn bã. Thế nên, họ dừng nó lại. Nếu không nó sẽ buồn. Nhưng điều ngược lại cũng tương tự, và điều đó không được biết đến. Khi đứa trẻ đang khóc, bạn cố dừng nó lại, bạn không chỉ dừng cơn khóc của nó; bạn còn đang dừng bước tiếp theo của nó. Lúc này nó không thể vui. Khi một đứa trẻ đang khóc, hãy cứ để nó khóc. Hãy giúp nó khóc nhiều hơn để khi hết khóc, nó đã thu được xung lượng. Bây giờ nó có thể sang phải, nó có thể vui. Hiện nay các nhà tâm lý nói rằng khi đứa trẻ đang khóc và gào thét, đừng dừng nó lại, đừng cố khuyên bảo nó, đừng cố làm rối trí nó. Đừng cố tập trung tâm trí nó vào một nơi nào khác, đừng dụ dỗ để nó dừng khóc. Đừng làm bất cứ điều gì. Chỉ giữ im lặng bên nó, và cho phép nó khóc và la hét để nó có thể dễ dàng chuyển sang vui vẻ. Nếu không, nó sẽ không thể khóc cũng như nó sẽ không thể vui. Đó là cách mà tất cả chúng ta đã trở thành. Chúng ta không thể làm gì được. Nụ cười nửa vời, giọt nước mắt không thật tâm, mọi thứ đều lẫn lộn.

Đây là quy luật tự nhiên của tâm trí. Nó di chuyển từ cực này tới cực kia. Kỹ thuật này là để thay đổi quy luật tự nhiên này: Hỡi người yêu dấu, hãy đặt sự chú ý không phải vào niềm vui cũng không vào nỗi đau, mà vào giữa chúng. Bạn có thể chọn bất cứ cực nào, và cố gắng chỉ ở giữa. Bạn có thể làm gì để ở giữa? Bạn sẽ ở giữa như thế nào? Vậy thì: khi có nỗi đau, bạn có thể làm gì? Khi có nỗi đau, bạn muốn lẩn trốn khỏi nó. Bạn không muốn nó; bạn cố rời xa khỏi nó. Nỗ lực của bạn là để đến với cực đối lập - để được hạnh phúc, để được vui vẻ.

Khi có hạnh phúc, bạn làm gì? Bạn cố bám vào nó để cực kia không thể xuất hiện - bạn bám vào nó! Khi có hạnh phúc, bạn bám vào; khi có nỗi đau, bạn lẩn trốn. Đây là thái độ tự nhiên. Nếu bạn muốn thay đổi quy luật tự nhiên này và vượt lên nó, thì khi có nỗi đau đừng cố lẩn trốn. Hãy giữ nguyên với nó. Bạn sẽ phá vỡ toàn bộ cơ cấu tự nhiên này. Bạn bị đau đầu: giữ nguyên cùng nó. Nhắm mắt lại, thiền về cơn đau đầu; giữ nguyên với nó. Đừng làm bất cứ điều gì. Chỉ là một người chứng kiến; đừng cố lẩn trốn.

Khi có niềm vui và bạn đang cảm thấy đặc biệt vui sướng tại một thời điểm cụ thể, đừng bám vào nó. Nhắm mắt lại và giữ nguyên là một người chứng kiến nó. Bám lấy hay lẩn tránh là điều tự nhiên đối với tâm trí phủ đầy bụi. Nếu bạn vẫn giữ nguyên là một người chứng kiến thì sớm hay muộn bạn sẽ rơi vào giữa, bởi vì quy luật tự nhiên này là di chuyển tới đối cực. Nếu bạn giữ nguyên là một người chứng kiến, bạn ở giữa.
Đức Phật đã gọi toàn bộ triết lý của mình là majjhim nikaya - con đường trung đạo, đó là bởi kỹ thuật này. Người nói luôn luôn giữ ở trung điểm; dù thái cực là gì thì vẫn luôn giữ nguyên ở giữa. Bằng việc chứng kiến mà con người giữ nguyên ở trung điểm. Khi sự chứng kiến của bạn biến mất, bạn trở nên hoặc là gắn bó hoặc là cự tuyệt. Nếu bạn cự tuyệt, bạn sẽ đi tới cực đoan khác; nếu bạn gắn bó, bạn sẽ cố giữ nguyên với cực đoan này, nhưng bạn sẽ không bao giờ ở giữa. Hãy là một chứng nhân. Đừng bị thu hút, đừng cự tuyệt. Cơn đau đầu này vẫn còn đó; hãy chấp nhận nó. Nó có đó như là một thực tế. Như cây cối, như ngôi nhà, như đêm đang có đó, cơn đau đầu cũng có đó. Hãy chấp nhận nó và nhắm mắt lại. Đừng cố né tránh nó.

Bạn hạnh phúc; hãy chấp nhận thực tế này. Đừng bám vào nó, và đừng cố để không trở nên bất hạnh, đừng cố bất cứ điều gì. Nếu bất hạnh đến, cho phép nó. Nếu hạnh phúc đến, cho phép nó. Hãy giữ nguyên là một người quan sát trên đỉnh đồi, đang nhìn mọi thứ. Buổi sáng đến, rồi buổi tối đến, mặt trời mọc, rồi mặt trời lặn, có những vì sao, có bóng tối, rồi mặt trời lại mọc - và bạn chỉ là một người quan sát trên đỉnh đồi. Bạn không thể làm bất cứ điều gì. Bạn chỉ đơn giản nhìn. Buổi sáng đã đến; bạn ghi nhận thực tế này, và bạn biết rằng bây giờ buổi tối sẽ đến, bởi vì buổi tối theo sau buổi sáng. Và khi buổi tối đến bạn ghi nhận thực tế này, và bạn biết rằng bây giờ buổi sáng sẽ đến, bởi vì buổi sáng theo sau buổi tối.

Khi có nỗi đau, bạn chỉ là một người quan sát. Bạn biết rằng nỗi đau đã đến, và sớm hay muộn nó sẽ ra đi, và cực đối lập sẽ đến. Và khi hạnh phúc đã đến, bạn biết rằng nó sẽ không ở mãi. Bất hạnh sẽ tàng ẩn ở đâu đó, nó sẽ đến. Bạn vẫn giữ nguyên là một người quan sát. Nếu bạn có thể quan sát mà không bám lấy và không cự tuyệt, bạn sẽ rơi vào trung điểm, và một khi quả lắc dừng ở trung điểm thì lần đầu tiên bạn có thể nhìn thấy thế giới là gì.

Trong khi bạn đang chuyển động, bạn không thể biết thế giới là gì; sự chuyển động của bạn làm xáo trộn mọi thứ. Khi bạn đang không chuyển động, bạn có thể nhìn vào thế giới. Lần đầu tiên bạn biết thực tại là gì. Tâm trí tĩnh thì biết thực tại là gì; tâm trí động không thể biết thực tại là gì. Tâm trí bạn giống như chiếc máy ảnh: bạn liên tục di chuyển và chụp, nhưng bất cứ cái gì chụp được thì cũng chỉ là một hình ảnh bị nhòe, bởi vì máy ảnh không được di chuyển. Nếu máy ảnh di chuyển thì hình ảnh sẽ bị nhòe.

Ý thức bạn đang di chuyển từ bên này sang bên kia như một quả lắc, và bất cứ điều gì bạn biết về thực tại thì cũng chỉ là một sự hỗn độn, một cơn ác mộng. Bạn không biết cái gì là cái gì; mọi thứ đều bị rối tung, bị nhầm lẫn. Nếu bạn vẫn giữ nguyên ở trung gian và quả lắc đã dừng lại, nếu lúc này ý thức bạn tập trung, định tâm, thì bạn biết thực tại là gì. Chỉ tâm trí tĩnh tại mới có thể biết sự thật là gì. Hỡi người yêu dấu, hãy đặt sự chú ý không phải vào niềm vui cũng không vào nỗi đau, mà vào giữa chúng.

Kỹ thuật thứ tư:

Những đối tượng và những ham muốn tồn tại trong ta cũng giống như trong những người khác. Thế nên hãy chấp nhận, hãy để chúng được biển đổi.

Kỹ thuật này có thể rất hữu ích. Khi bạn giận dữ, bạn luôn biện hộ cho sự giận dữ của mình, nhưng khi ai đó giận dữ bạn luôn chỉ trích. Sự điên khùng của bạn là tự nhiên, nhưng sự điên khùng của người khác lại là “bệnh hoạn”. Bất cứ bạn làm gì thì cũng tốt - hay nếu nó không tốt, thì nó là “cần phải làm”. Bạn luôn tìm ra lý do nào đó để hợp lý hóa nó.

Những người khác cũng làm điều tương tự, nhưng khi đó sự hợp lý hóa tương tự lại không được chấp nhận. Nếu bạn giận dữ, bạn nói điều đó là cần thiết để giúp người kia. Nếu mà bạn không giận dữ thì người kia hẳn sẽ bị hư hỏng, anh ta hẳn đã nhiễm một thói quen sai trái, nên trừng phạt anh ta là đúng. Đó chỉ là vì muốn “tốt” cho anh ta. Nhưng khi ai đó giận dữ với bạn, thì sự hợp lý hóa như thế lại không được áp dụng. Khi đó anh ta là “điên rồ,” anh ta là “ác độc”.

Chúng ta có tiêu chuẩn kép - một tiêu chuẩn cho chính mình và một tiêu chuẩn cho người khác. Tâm trí tiêu chuẩn kép này sẽ luôn chìm trong đau khổ. Tâm trí này không công bằng, và trừ khi tâm trí bạn công bằng, bạn không thể có sự thoáng qua về sự thật. Chỉ tâm trí công bằng mới có thể loại bỏ tiêu chuẩn kép này.

Jesus nói, “Đừng làm cho người khác những gì bạn không muốn làm cho chính mình”. Điều này có nghĩa một tiêu chuẩn như nhau là cần thiết. Kỹ thuật này cơ bản dựa trên ý tưởng về chỉ một tiêu chuẩn: Những đối tượng và những ham muốn tồn tại trong ta cũng giống như trong những người khác... Bạn không là ngoại lệ, mặc dù tất cả mọi người đều nghĩ mình là ngoại lệ. Nếu bạn nghĩ mình là ngoại lệ, thì biết rõ rằng đây là cách mọi tâm trí thông thường nghĩ. Biết rằng mình là bình thường là sự khác thường nhất trên thế giới này.

Một người nào đó đã hỏi Suzuki về người thầy của ông: “Thưa Suzuki, đâu là điều đặc biệt ở người thầy của ông?” Suzuki là một bậc thầy Zen, nên ông nói, “Điều duy nhất tôi sẽ không bao giờ quên là thế này, tôi chưa bao giờ thấy một người nghĩ rằng mình rất bình thường. Ông đúng là bình thường, và đó là điều khác thường nhất, bởi vì mọi đầu óc bình thường đều nghĩ mình là ngoại lệ, là khác thường”.

Nhưng không có ai là khác thường, và nếu bạn biết điều này thì bạn trở nên khác thường. Mỗi người chỉ giống như mọi người khác. Những ham muốn tương tự lởn vởn quanh bạn thì cũng lởn vởn quanh mọi người. Nhưng bạn gọi tình dục của bạn là tình yêu; còn tình yêu của người khác bạn gọi là tình dục. Bất cứ điều gì bạn làm, bạn cũng bảo vệ nó. Bạn nói nó là tốt. Vì thế mà bạn đang thực hiện nó, và điều tương tự được thực hiện bởi người khác thì lại “không tương tự”. Và điều này xảy ra không chỉ với những cá nhân; nó xảy ra với các chủng tộc, các quốc gia. Chính vì vậy mà toàn bộ thế giới đã trở nên hỗn loạn là vì điều này.

Nếu như Ấn Độ liên tục tăng cường vũ trang quân đội thì đó là “để phòng thủ”, và nếu như Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự thì đó là “để tấn công”. Mọi chính quyền trên thế giới đều gọi quân đội của họ là tổ chức “phòng thủ”. Thế thì ai tấn công? Nếu mọi người đều đang phòng thủ thì ai là kẻ xâm lược? Nếu bạn đi vào lịch sử, bạn không thể tìm ra bất cứ ai là kẻ xâm lược. Tất nhiên, những người bị đánh bại lại chứng tỏ là những kẻ xâm lược. Những người bị đánh bại luôn chứng tỏ là những kẻ xâm lược, bởi vì họ không thể viết nên lịch sử. Những người chiến thắng viết nên lịch sử.

Nếu Hitler đã có thể chiến thắng, thì lịch sử hẳn sẽ khác. Thế thì ông ta sẽ là vị cứu tinh của thế giới, chứ không phải là kẻ xâm lược. Thế thì Churchill và Roosevelt và những đồng minh khác sẽ là những kẻ xâm lược, và họ bị tiêu diệt sẽ là điều may. Nhưng vì Hitler đã không thể chiến thắng mà ông ta là kẻ xâm lược, và Churchill và Roosevelt và Stalin và những đồng minh khác đã cứu nhân loại. Không chỉ với những cá nhân mà với mọi thứ - như là các quốc gia, như là các chủng tộc - chúng ta cũng tiến hành theo logic tương tự. Chúng ta là một cái gì đó khác và người khác là cái gì đó khác.

Không có ai là khác! Tâm trí tôn giáo biết rằng mọi người là như nhau, cho nên nếu bạn đưa ra những hợp lý hóa cho mình, thì cũng vui lòng đưa ra những hợp lý hóa đó cho những người khác. Nếu bạn chỉ trích những người khác, thì hãy áp dụng sự chỉ trích đó cho chính mình. Đừng tạo ra hai tiêu chuẩn. Một tiêu chuẩn sẽ biến đổi con người bạn hoàn toàn, bởi vì với một tiêu chuẩn bạn trở nên đúng đắn và lần đầu tiên bạn có thể nhìn thẳng vào thực tại như nó là vậy. Những đối tượng và những ham muốn tồn tại trong ta cũng giống như trong những người khác. Thế nên hãy chấp nhận, hãy để chúng được biển đổi.

Chúng ta đang làm gì? Chúng ta chấp nhận rằng chúng tồn tại trong người khác. Bất cứ điều gì sai thì cũng tồn tại trong người khác; bất cứ điều gì đúng thì tồn tại trong bạn. Thế thì làm sao bạn có thể được biến đổi? Bạn đã biến đổi rồi. Bạn nghĩ rằng bạn thì tốt rồi và mọi người thì đều xấu; thế gian cần một sự thay đổi, chứ không phải bạn. Chính vì vậy mà luôn có những lãnh tụ, những phong trào, những nhà tiên tri. Họ vẫn cứ gào lên từ những nóc nhà đòi thay đổi thế giới, để tạo ra một cuộc cách mạng, và chúng ta đã tạo ra rất nhiều cuộc cách mạng nhưng không có gì thay đổi.

Con người vẫn giữ nguyên như cũ và trái đất vẫn còn trong đau khổ như thế. Chỉ những bộ mặt và những nhãn mác thay đổi, nhưng đau khổ vẫn tiếp tục. vấn đề không phải là làm sao thay đổi thế giới. Thế giới không sai; chỉ có bạn là sai. Vấn đề là làm sao thay đổi chính bạn: “Làm sao thay đổi chính mình?” là sự tìm kiếm tôn giáo. “Làm sao thay đổi mọi người?” là chính trị. Nhưng nhà chính trị lại nghĩ mình tốt rồi; ông ta thực sự là hình mẫu để cả thế giới noi theo. Ông ta là hình mẫu, ông ta là lý tưởng, và việc thay đổi toàn bộ là tùy thuộc vào ông ta.

Bất cứ điều gì người tôn giáo thấy trong mọi người thì cũng thấy trong mình. Nếu có bạo lực thì ngay lập tức người đó tự hỏi liệu trong mình có tồn tại bạo lực hay không. Nếu có tham lam, nếu người đó nhìn thấy tham lam ở đâu đó, thì phản xạ đầu tiên của người đó là liệu trong mình có sự tham lam đó hay không. Và người đó càng tìm kiếm nhiều thì càng thấy rằng mình là ngọn nguồn của mọi cái xấu. Thế thì đó không phải là vấn đề làm sao thay đổi thế giới; đó là vấn đề làm sao thay đổi chính mình. Và sự thay đổi bắt đầu ngay khi bạn chấp nhận một tiêu chuẩn. Khi đó bạn đang thay đổi rồi.

Đừng lên án người khác. Tôi cũng không có ý nói là hãy lên án chính bạn - không! Chỉ đừng lên án người khác. Và nếu bạn không lên án người khác, bạn sẽ có một sự thương cảm sâu sắc đối với họ, bởi họ cũng có những vấn đề tương tự. Nếu ai đó phạm tội, tội lỗi theo cách nhìn của xã hội, thì bạn bắt đầu lên án người đó, mà không bao giờ nghĩ rằng bạn cũng có mầm mống phạm tội đó trong mình. Nếu ai đó phạm tội giết người thì bạn lên án người đó, thế nhưng bạn chưa từng nghĩ đến việc giết ai đó, sát hại ai đó sao? Không phải là luôn luôn có mầm mống tiềm ẩn sao? Người đã phạm tội giết người thời điểm trước đó không phải là một kẻ giết người, nhưng có mầm mống.

Và mầm mống này cũng ở trong bạn. Thời điểm sau
đó, ai biết? Bạn có thể là một kẻ giết người. Thế nên đừng lên án người đó. Đúng hơn là chấp nhận. Thế rồi bạn sẽ cảm nhận một lòng thương cảm sâu sắc đối với người đó, bởi vì bất cứ điều gì anh ta đã làm thì bất cứ ai cũng có thể làm; bạn cũng có thể làm điều đó.

Một tâm trí không lên án sẽ có lòng trắc ẩn; một tâm trí không lên án sẽ có thái độ chấp nhận sâu sắc. Người đó biết rằng đây là cách loài người tồn tại và biết rằng “đây là cách mình tồn tại”. Khi đó, cả thế giới sẽ trở thành sự phản chiếu cái ta riêng của bạn. Nó sẽ trở thành một chiếc gương. Thế rồi với bạn mỗi gương mặt lại trở thành một chiếc gương; bạn nhìn thấy mình trong mọi gương mặt.

Những đối tượng và những ham muốn tồn tại trong ta cũng giống như trong những người khác. Thế nên hãy chấp nhận, hãy để chúng được biến đổi. Sự chấp nhận trở thành sự biến đổi. Điều này khó hiểu bởi vì chúng ta luôn luôn chối bỏ, và thế rồi chúng ta không thể biến đổi bất cứ điều gì. Bạn tham lam, nhưng bạn lại phủ nhận nó. Không có ai muốn nghĩ mình là người tham lam. Bạn có dục tính, nhưng bạn lại chối bỏ nó. Không ai muốn cảm thấy chính mình dục tính. Bạn giận dữ, bạn có cơn giận, nhưng bạn chối bỏ nó. Bạn tạo ra một bộ mặt giả, và bạn cố biện hộ cho nó. Bạn không bao giờ cảm thấy rằng bạn giận dữ hay bạn chính là cơn giận.

Sự chối bỏ không bao giờ biến đổi được bất cứ điều gì. Nó đơn giản là kìm nén, và cái thứ bị kìm nén lại trở nên mạnh mẽ hơn. Nó đi tới tận gốc rễ của bạn, tới tầng vô thức sâu bên trong bạn, và nó bắt đầu hoạt động từ đó. Và từ bóng tối vô thức đó nó trở nên mạnh mẽ hơn. Lúc này bạn không thể chấp nhận nó, bởi vì bạn thậm chí không ý thức về nó. Sự chấp nhận mang mọi thứ lên. Không cần phải kìm nén.

Bạn biết mình tham lam, bạn biết mình giận dữ, bạn biết mình dục tính, và bạn chấp nhận chúng như những thực tế tự nhiên mà không lên án. Không cần thiết kìm nén chúng. Chúng xuất hiện trên bề mặt tâm trí, và chúng có thể dễ dàng bị tống đi từ bề mặt tâm trí. Chúng không thể bị tống đi từ trung tâm sâu bên trong. Và khi chúng trên bề mặt, bạn luôn luôn nhận ra chúng, nhưng khi chúng trong sự vô thức, bạn trở nên không nhận ra. Và căn bệnh mà bạn biết thì có thể được cứu chữa; căn bệnh mà bạn không biết thì không thể cứu chữa được.

Hãy mang mọi thứ lên bề mặt. Chấp nhận cả tính người lẫn tính thú của bạn. Dù có bất cứ cái gì thì cũng chấp nhận nó mà không lên án. Nó có đó và hãy nhận biết về nó. Tham lam có đó, đừng cố biến nó thành không tham lam. Bạn không thể. Nếu bạn cố biến nó thành không tham lam, bạn sẽ chỉ kìm nén nó. Tính không tham lam của bạn sẽ đơn thuần chỉ là dạng khác của tham lam và không là gì khác. Đừng cố thay đổi nó thành cái khác; bạn không thể thay đổi nó. Nếu bạn muốn cố thay đổi tham lam, bạn sẽ làm gì? Và một tâm trí tham lam chỉ cỗ thể bị thu hút tới lý tưởng không tham lam, nếu thông qua lý tưởng này nó có thể tham lam hơn.

Nếu ai đó nói rằng “Nếu bạn bỏ lại mọi của cải của mình thì bạn sẽ được phép vào vương quốc Thượng đế của tôi”, thì bạn cố thể từ bỏ. Một sự tham lam hơn trở thành có thể. Đây là một sự mặc cả. Tham lam không phải để trở thành không tham lam. Bạn phải vượt lên sự tham lam. Bạn không thể thay đổi nó.

Làm sao mà một tâm trí bạo lực lại có thể trở thành phi bạo lực? Nếu bạn tự ép buộc mình trở thành phi bạo lực, thì điều này sẽ là một dạng bạo lực với chính bạn. Bạn không thể thay đổi cái này thành cái khác, bạn chỉ có thể nhận biết và chấp nhận. Hãy chấp nhận tham lam như nó là vậy. Chấp nhận không có nghĩa là không cần biến đổi nó. Chấp nhận có nghĩa là bạn chấp nhận thực tế, thực tế tự nhiên như nó là vậy. Thế rồi hãy sống và biết rõ rằng tham lam có đó. Hãy làm bất cứ điều gì bạn đang làm và nhớ rõ rằng tham lam có đó. Sự nhận biết này sẽ chuyển hóa bạn. Nó chuyển hóa bồi vì bạn không thể tham lam khi đã nhận biết về nó, bạn không thể giận dữ khi đã nhận ra nó.

Sự vô minh là nguyên nhân cơ bản của tham lam, giận dữ, bạo lực, giống như bạn không thể chủ ý dùng thuốc độc, giống như bạn không thể chủ ý cho tay bạn vào lửa. Do vô minh, bạn có thể làm thế. Nếu bạn không biết ngọn lửa là gì, lửa là gì, thì bạn có thể cho tay bạn vào nó. Nhưng nếu bạn biết rằng ngọn lửa đốt cháy, bạn không thể cho tay mình vào đó.

Cái “biết” của bạn càng phát triển, thì sự tham lam càng trở thành ngọn lửa và sự giận dữ trở thành thuốc độc. Chúng đơn giản trở thành không thể. Không có sự kìm nén nào, chúng biến mất. Và khi tham-lam biến đi mà không có một lý tưởng nào về không tham lam, nó có vẻ đẹp riêng của nó. Khi bạo lực biến đi mà không biến bạn thành phi bạo lực, nó có vẻ đẹp riêng của nó.

Ngược lại, người phi bạo lực lại rất bạo lực. Bạo lực đó tàng ẩn, và bạn có thể có một sự thoáng qua về nó từ sự phi bạo lực của người đó. Người đó sẽ ép buộc sự phi bạo lực của mình lên chính mình và lên những người khác theo cách rất bạo lực. Sự bạo lực đó đã trở nên tinh vi.

Câu kinh này nói rằng sự chấp nhận cũng chính là sự biến đổi, bởi vì thông qua sự chấp nhận mà sự nhận biết mới trở thành điều có thể.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho