Chương 38: Hướng tới bản thể đích thực

Sách của những bí mật - Tập 3
Book of secrets - Volume 3
Osho

Chương 38: Hướng tới bản thể đích thực

21 tháng 2 năm 1973, buổi tối tại Woodlands, Bombay.

Câu hỏi 1

Bằng cách nào mà tâm trí nguyên thủy đã đổi mới lại trở nên đồng nhất với bụi của kiến thức và kinh nghiệm quá khứ?

Tâm trí là tinh khiết, và không có sự uế tạp nào có thể nhiễm vào nó được. Đó là điều không thể. Tâm trí chính là tính-Phật - cái tối thượng. Và khi tôi nói “tâm trí”, ý tôi không nói tâm trí bạn, tôi đơn giản ngụ ý đến tâm trí là nơi không có tôi và bạn. Bạn là tâm trí không tinh khiết. Ngay phía sau bạn là tâm trí nguyên thủy. Bạn là bụi. Cho nên đầu tiên hãy cố phân tích xem bạn là gì, và sau đó bạn sẽ có thể hiểu cách tâm trí nguyên thủy trở nên bị đồng nhất với quá khứ, với những ký ức, với bụi như thế nào.

Bạn là gì? Ngay bây giờ nếu tôi hỏi bạn là gì, thì bạn có thể trả lời theo hai cách, Cách thứ nhất sẽ là câu trả lời bằng ngôn từ, và với câu trả lời bằng ngôn từ đó bạn sẽ liên hệ với quá khứ của mình. Bạn sẽ nói, “Tôi tên là thế này. Tôi thuộc về gia đình này hay gia đình kia, tôn giáo này hay tôn giáo kia, quốc gia này hay quốc gia kia. Tôi được giáo dục hay không được giáo dục, giàu hay nghèo”. Đây là tất cả những kinh nghiệm quá khứ của bạn, chúng không phải là bạn. Bạn đã thông qua chúng, bạn đã trải qua chúng, chúng đã là hành trình, và quá khứ của bạn vẫn không ngừng tích lũy.
Đây sẽ là câu trả lời bằng ngôn từ, nhưng đây không phải là câu trả lời thực. Đây là tâm trí bạn lý lẽ, là cái bản ngã giả. Ngay bây giờ, nếu bạn bỏ lại tất cả quá khứ của mình - nếu bạn quên cha bạn, phụ huynh của bạn, gia đình bạn, tôn giáo của bạn, đất nước bạn, tất cả những cái thứ yếu - nếu bạn quên tất cả những cái thứ yếu đó đi và chỉ giữ nguyên với chính con người bạn ở đây và bây giờ, thì bạn là ai? Sẽ không có danh xưng nào, không hình tướng nào đến với ý thức bạn - mà chỉ có một sự nhận biết đơn giản rằng bạn đang tồn tại. Bạn sẽ không thể nói bạn là ai. Bạn sẽ đơn giản nói, “Tôi hiện hữu”. Thời điểm bạn trả lời “ai”, bạn đi vào quá khứ.

Bạn là một tâm thức đơn thuần, một tâm trí tinh khiết, một chiếc gương hồn nhiên. Ngay bây giờ, chính thời điểm này, bạn là bạn. Bạn là ai? Chỉ là một nhận biết đơn giản rằng “Ta hiện hữu”. Ngay cả “Ta” cũng không cần thiết. Bạn càng đi sâu hơn thì bạn sẽ cảm thấy chỉ có sự “hiện hữu”, chỉ có sự tồn tại. Sự tồn tại này là tâm trí tinh khiết, nhưng tồn tại này không có hình tướng; đây là vô hình tướng - nirakar. Sự tồn tại này không có tên; nó là vô danh - anam.

Sẽ là rất khó để khai tâm cho bạn bởi cái mà bạn thực sự là. Trong xã hội, khi liên hệ với những người khác, bạn sẽ cần danh xưng nào đó, một hình tướng nào đó. Quá khứ của bạn trao cho bạn danh xưng và hình tướng. Danh xưng và hình tướng đó là hữu ích. Không có chúng thì sẽ khó mà sống. Chúng là cần thiết, nhưng chúng không phải là bạn; chúng chỉ là những cái nhãn. Vì nhu cầu thiết thực này mà tâm trí nguyên thủy trở nên bị đồng nhất với danh xưng và hình tướng.

Một đứa trẻ ra đời. Nó là một tâm thức đơn thuần, nhưng bạn phải gọi nó, bạn phải đặt cho nó một cái tên. Lúc ban đầu, đứa trẻ này sẽ sử dụng tên riêng của mình. Nó sẽ không nói, “Tôi đang cảm thấy đói”, nó sẽ nói “Ram đang cảm thấy đói”. “Ram” là tên nó. Nó sẽ nói, “Ram đang cảm thấy rất tức giận”. Chỉ sau đó nó sẽ học được rằng cách sử dụng tên như thế này là không thể được; nó không thể gọi mình là “Ram”. Ram là cái tên để người khác gọi nó. Thế rồi nó sẽ học cách sử dụng “tôi”.

Đầu tiên nó sẽ trở nên bị đồng nhất với “Ram”, cái tên để người khác gọi nó; sau đó nó sẽ trở nên bị đồng nhất với "tôi". Điều này là thiết thực. Bạn cần nó. Không có nó sẽ khó sống. Vì nhu cầu thiết thực này mà con người trở nên bị đồng nhất. Bạn có thể vượt lên sự đồng nhất này, và lúc bạn bắt đầu vượt lên và lấy lại ý thức nguyên thủy của mình, bạn đã bắt đầu thiền, bạn chỉ có thể bắt đầu thiền khi bạn trở nên thất vọng với tên gọi và hình tướng của mình, và với thế giới thuộc về nó.

Tôn giáo bắt đầu khi bạn trở nên thất vọng, hoàn toàn thất vọng với thế giới danh xưng và hình tướng và khi mọi thứ có vẻ hoàn toàn vô nghĩa. Nó là vậy! Cuối cùng thì nó là vô nghĩa. Cảm nhận về sự vô nghĩa của cái thế giới được tạo ra xung quanh danh xưng và hình tướng này làm bạn băn khoăn. Sự băn khoăn đó chính là sự khởi đầu cho một sự tìm kiếm tôn giáo. Bạn trở nên băn khoăn bởi bạn không thể trở nên hoàn toàn được nhận dạng với cái nhãn này. Cái nhãn đó vẫn giữ nguyên chỉ là một cái nhãn; bạn giữ nguyên với những gì bạn là. Cái nhãn này phủ lên bạn một chút, nhưng nó không thể trở thành tính toàn bộ của bạn. Và sớm hay muộn bạn cũng trở nên chán nản với cái nhãn này. Bạn muốn biết bạn thực sự là ai. Và thời điểm bạn thành khẩn hỏi; “Ta là ai?”, thì bạn đang trên một hành trình khác; bạn đang vượt lên.

Sự đồng nhất này là tự nhiên. Tại sao lại rất dễ trở nên bị đồng nhất còn bởi một lý do khác. Đây là một căn phòng. Nếu tôi nói với bạn, “Hãy nhìn căn phòng này”, bạn sẽ nhìn vào đâu? Bạn sẽ nhìn vào những bức tường. Những bức tường này không phải là căn phòng: căn phòng chỉ là “khoảng rộng”; nó không phải là những bức tường, những bức tường chỉ là những sự bao quanh cái không gian mà chúng ta gọi là “phòng”. Nhưng nếu tôi nói bạn nhìn căn phòng này, bạn sẽ nhìn vào những bức tường này, bởi vì bạn không thể nhìn được “khoảng rộng” này.

Bạn chính là không gian bên trong; tên và hình tướng của bạn là những bức tường. Chúng trao cho bạn một ranh giới, chúng trao cho bạn một sự xác định, chúng trao cho bạn một không gian xác định. Bạn có thể bị đồng nhất với sự giới hạn đó; ngược lại bạn chỉ là con số không, chỉ là shunya - hư không. Cái hư không này có đó, không gian bên trong này có đó. Hãy nhìn vào điều đó theo cách này. Bạn hít vào, bạn thở ra. Nếu bạn hít vào và thở ra một cách yên lặng và không có ý nghĩ nào trong tâm trí, nếu bạn chỉ đang ngồi bên gốc cây và hít vào và thở ra, bạn sẽ cảm thấy gì? Bạn sẽ cảm thấy rằng có không gian bên ngoài, có không gian bên trong. Hơi thở đi vào không gian bên trong, thở đi ra không gian bên ngoài, nhưng bạn ở đâu? Chỉ có hai không gian, cổ họng bạn chỉ là một ô cửa, một ô cửa xoay. Khi hơi thở vào, nó đẩy ô cửa và đi vào trong. Khi hơi thở ra, nó lại đẩy ô cửa và đi ra ngoài, cổ họng bạn chỉ là một ô cửa xoay, và có hai không gian - không gian bên ngoài và không gian bên trong. Và nếu ô cửa này bị phá bỏ thì không còn hai không gian - chỉ còn một không gian.

Bạn sẽ trở nên sợ hãi nếu bạn cảm thấy cái hư không bên trong. Bạn muốn là một cái gì đó có thể xác định, định rõ. Không có ai là xác định bên trong; không gian bên ngoài là vô hạn và không gian bên trong cũng là vô hạn. Chính vì vậy mà Đức Phật đã quả quyết rằng không có linh hồn, không có atman. Bạn chỉ là một không gian trống rỗng - vô hạn.

Cảm nhận chính mình là không gian vô hạn này là rất khó trừ khi bạn nỗ lực hết sức mình. Con người trở nên bị đồng nhất với những ranh giới. Cảm nhận mình là những gì được giới hạn thì dễ hơn. Tên bạn chỉ là một ranh giới, cơ thể bạn chỉ là một ranh giới, ý nghĩ của bạn chỉ là một ranh giới. Bạn trở nên bị đồng nhất vì sự thiết thực bên ngoài, vì sự thuận tiện riêng của bạn nữa. Thế rồi, một khi bạn trở nên bị đồng nhất, sự tích lũy vẫn tiếp tục diễn ra, và vì sự tích lũy mà bản ngã bạn cảm thấy mãn nguyện. Bạn bị đồng nhất với của cải của mình, thế rồi bạn không ngừng tích lũy. Bạn có cảm nhận rằng bạn đang phát triển tốt hơn, lớn hơn. Bạn có một ngôi nhà to, rồi ngôi nhà khác to hơn, rồi lại to hơn nữa, nên bạn cảm thấy rằng mình đang tầm cỡ hơn và giàu có hơn, và đó là cách sự tham lam được sinh ra. Tham lam không là gì mà là một sự mở rộng, một nỗ lực để mở rộng bản ngã. Nhưng dù bản ngã bạn có trở nên to lớn cỡ nào thì bạn cũng không bao giờ trở nên vô hạn, bởi bạn là vô hạn ở bên trong. Nếu bạn có thể nhìn thấy cái hư không thì bạn là vô hạn bên trong. Chính vì vậy mà bản ngã không bao giờ mãn nguyện. Cuối cùng thì nó cũng thất vọng. Nó không thể trở nên vô hạn; nó sẽ giữ nguyên là giới hạn.

Đây là lý do vì sao con người luôn có một sự bất mãn tinh thần. Bạn là vô hạn. Không gì kém hơn sẽ hữu ích với bạn, sẽ thỏa mãn bạn. Và mọi đường biên đều sẽ có giới hạn. Chúng cần thiết, dưới một góc độ nào đó chúng là cần thiết, hữu dụng, nhưng chúng không thật, chúng không phải là sự thật. Cái gương bên trong này, tâm trí bên trong này mới chính là tâm thức tinh khiết - chỉ là tâm thức.

Hãy nhìn ánh sáng xem. Bạn nói căn phòng này tràn ngập ánh sáng, nhưng bạn nhìn thấy ánh sáng bằng cách nào? Bạn chưa bao giờ nhìn thấy chính ánh sáng, bạn không thể nhìn thấy nó; bạn luôn nhìn thấy một cái gì đó được chiếu sáng. Ánh sáng rọi vào những bức tường, rọi vào những cuốn sách, rọi vào mọi người. Nó phản chiếu trên những đối tượng đó. Vì bạn có thể nhìn thấy những đối tượng mà bạn nói có ánh sáng. Khi bạn không thể nhìn thấy những đối tượng, bạn nói có bóng tối. Bạn chưa bao giờ nhìn thấy chính ánh sáng thuần khiết. Nó luôn luôn được nhìn thấy khi phản chiếu trên đối tượng nào đó

Tâm thức thậm chí còn tinh khiết hơn ánh sáng. Nó là tinh khiết nhất có thể trong tồn tại. Nếu bạn trở nên hoàn toàn tĩnh lặng, mọi ranh giới biến mất và bạn sẽ không thể nói bạn là ai. Bạn đơn giản tồn tại, bởi vì không có đối tượng nào để bạn có thể cảm thấy mình tương phản với nó. Bạn không thể nói rằng bạn là một chủ thể, là linh hồn, hay thậm chí là một tâm thức. Vì sự tinh khiết này của tâm thức mà bạn không thể biết mình một cách trực tiếp, bạn luôn luôn biết mình thông qua một cái gì đó khác. Cho nên khi bạn tạo ra những ranh giới, bạn cảm thấy rằng bạn biết mình. Bạn cảm thấy bạn biết mình bởi một danh xưng; bạn cảm thấy bạn biết mình bởi những của cải. Một cái gì đó quanh bạn trở thành ranh giới và tâm thức tinh khiết được phản chiếu trở lại.

Khi Đức Phật đạt được chứng ngộ, Người nói, “Tôi không còn nữa”. Khi bạn đạt được trạng thái đó bạn cũng sẽ nói, “Tôi không còn nữa”, bởi vì không có ranh giới thì làm sao bạn có thể tồn tại? Khi Shankara đạt được, ông nói, “Tôi là tất cả”. Cả hai đều có nghĩa như nhau. Nếu bạn là cái “tất cả”, bạn không còn nữa. Là tất cả hay không là gì - chỉ có hai khả năng, và trong cả hai khả năng này bạn không còn. Nếu bạn là tất cả, Brahman, thế thì bạn không còn. Nếu bạn không là gì, tuyệt đối chỉ là cái hư không, thì bạn cũng không còn. Chính vì điều này mà trở nên bị đồng nhất là một phần thiết yếu của cuộc sống. Và điều đó là tốt, bởi vì nếu bạn không trở nên bị đồng nhất thì bạn không thể trở thành không bị đồng nhất. Nếu bạn không trở nên bị đồng nhất, bạn không thể trở thành không bị đồng nhất! Ít nhất một lần, con người phải trở nên bị đồng nhất.

Điều đó giống như thế này: nếu bạn ra đời khỏe mạnh và chưa bao giờ bị ốm, bạn sẽ không bao giờ nhận biết về sức khỏe của mình. Bạn không thể, bởi vì để biết về sự khỏe mạnh bạn cần trải qua bệnh tật và ốm đau. Bạn sẽ phải ốm để biết rằng bạn đã từng khỏe hay sức khỏe là gì. Bạn cần đối cực để so sánh. Khoa học huyền bí phương Đông nói đây là lý do thế gian này tồn tại, để bạn có thể trải nghiệm rằng bạn là linh thiêng. Thế gian này mang đến cho bạn một sự tương phản.

Đi vào một trường học và bạn sẽ thấy người giáo viên đang viết phấn trắng lên bảng đen. Vị đó cũng có thể viết lên bảng trắng nữa, nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa bởi vì sẽ không thể nhìn thấy, sẽ không thấy chữ được. Người ta chỉ có thể viết phấn trắng lên bảng đen để thấy được chữ. Để chữ màu trắng trở nên hữu hình phải cần đến chiếc bảng đen.

Thế gian chỉ là một chiếc bảng đen, và nhờ nó mà bạn trở nên hữu hình. Đây là sự phân cực vốn có, và điều đó là tốt. Chính vì vậy mà ở phương Đông chúng ta chưa bao giờ nói rằng thế gian là xấu; chúng ta coi nó chỉ như là một trường học, một sự huấn luyện. Điều đó là tốt bởi vì chỉ khi có sự tương phản bạn mới có thể biết sự thuần khiết của mình. Khi bạn đến với thế gian, bạn trở nên bị đồng nhất. Thế gian này bắt đầu với sự đồng nhất của bạn. Cho nên để biết sức khỏe nội tại của mình, bạn sẽ phải bị bệnh.

Điều này đã là một câu hỏi cơ bản trên khắp thế giới: tại sao lại có thế giới này? Tại sao nó tồn tại? Nhiều câu trả lời đã được đưa ra, nhưng những câu trả lời đó chỉ là thừa. Chỉ có khái niệm này có vẻ là rất sâu sắc và ý nghĩa - rằng thế giới chỉ là một hậu cảnh; không có nó bạn không thể trở nên nhận biết về tâm thức bên trong của bạn.

Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện. Một người đàn ông - rất giàu có, giàu nhất nước mình - trở nên phiền muộn, trở nên thất vọng. Ông ta cảm thấy rằng cuộc sống thật vô nghĩa. Ông đã có mọi thứ có thể mua được, nhưng tất cả những thứ có thể mua được lại tỏ ra vô nghĩa. Chỉ một thứ không thể mua được là có thể có ý nghĩa thực sự. Ông đã có tất cả mọi thứ mà ông có thể mua - ông có thể mua cả thế gian - vậy bây giờ phải làm gì? Ông ta thất vọng và sâu bên trong cảm thấy rất bất mãn. Cho nên ông đã thu gom tất cả vàng bạc, đô trang sức giá trị, mọi thứ, vào một cái bị to, và bắt đầu hành trình chỉ để tìm ra một người nào đó có thể đem lại cho mình một cái gì đó có giá trị, một sự thoáng qua về hạnh phúc. Khi đó ông sẽ tặng của cải đã tích lũy cả đời cho người đó. Ông ta đi đến hết người thầy này đến người thầy khác, cứ đi mãi, nhưng không có ai có thể trao cho ông dù chỉ là một sự thoáng qua. Và ông sẵn sàng cho mọi thứ - toàn bộ vương quốc của mình.

Thế rồi ông ta đến một ngôi làng và hỏi tìm Mulla Nasruddin, một vị fakir đang sống ở đó. Một người đàn ông trong làng nói với ông, “Mulla Nasruddin đang ngồi ngoài thị trấn, đang thiền bên góc cây. Ông cứ đi tới đó, và nếu ông ấy không thể trao cho ông một thoáng qua về hạnh phúc thì hãy quên chuyện đó đi. Thế thì, dù ông có thể đi tới mọi ngóc ngách trên thế gian, nhưng ông sẽ không bao giờ có được điều đó. Nếu người đàn ông này không thể mang đến cho ông một sự thoáng qua, thì không còn khả năng nào”. Người đàn ông này rất phấn khích. Ông ta đến gặp Nasruddin đang ngồi bên một gốc cây. Mặt trời đang lặn. Người đàn ông nói, “Tôi đến vì mục đích thế này. Tài sản cả cuộc đời làm ăn của tôi ở trong chiếc bị này, tôi sẽ trao chúng cho ông nếu ông có thể đem đến cho tôi một sự thoáng qua về hạnh phúc”.

Mulla Nasruddin lắng nghe. Màn đêm đang buông xuống; trời đang trở nên tối. Không thèm trả lời vị khách, Mulla Nasruddin liền chộp lấy cái bị của ông nhà giàu rồi bỏ chạy. Tất nhiên, ông nhà giàu vừa đuổi theo vừa gào thét. Mulla Nasruddin thuộc làu những con đường làng; còn người giàu lại lạ lẫm với chúng, nên ông ta không thể tìm ra Mulla Nasruddin. Tất cả dân làng cũng bắt đầu chạy theo họ. Nasruddin chạy vòng quanh. Người đàn ông phát khùng. Ông khóc lóc, “Tôi đã bị cướp hết tài sản cả đời tích lũy. Tội nghiệp tôi! Tôi đã trở thành một kẻ ăn mày!” Ông ta cứ thế than khóc.

Thế rồi Nasruddin lại tới cùng gốc cây đó, ông đặt chiếc bị trước gốc cây rồi lẩn ra phía sau. Người đàn ông cũng tới đó, ông ta cúi xuống chiếc bị và bắt đầu khóc lên vui sướng. Nasruddin nhìn từ phía sau cây và nói, “Ông có hạnh phúc không, ông bạn? Ông đã có một chút thoáng qua nào chưa?”

Người đàn ông đó nói, “Tôi hạnh phúc như bất cứ ai có thể hạnh phúc trên trái đất này”.

Điều gì đã xảy ra? Để có một đỉnh cao, phải cần đến một thung lũng. Để cảm nhận hạnh phúc, phải cần đến bất hạnh. Để biết điều linh thiêng, phải cần đến thế gian. Thế gian chỉ là một thung lũng. Người đàn ông ấy vẫn vậy, chiếc bị ấy vẫn vậy. Không có gì mới đã xảy ra, nhưng lúc này ông ta nói mình hạnh phúc - hạnh phúc như bất cứ ai có thể trên trái đất này - chỉ ít phút trước ông ta đã đau khổ. Không có gì đã thay đổi. Người đàn ông ấy vẫn như cũ, chiếc bị ấy vẫn như cũ, cây vẫn như cũ. Không có gì đã thay đổi, nhưng bây giờ người đàn ông ấy lại hạnh phúc, đang nhảy múa. Sự tương phản đã xảy ra. Ý thức trở nên bị đồng nhất bởi vì thông qua sự đồng nhất thế gian tồn tại và thông qua thế gian bạn có thể trở lại là chính mình.

Khi Đức Phật đạt được, Người đã được hỏi, “Thầy đã đạt được gì?” Người nói, “Không có gì. Ngược lại, tôi đã mất nhiều. Tôi không đạt được gì bởi vì bây giờ tôi biết rằng dù tôi đã đạt được gì thì nó cũng đã luôn có đó rồi; nó đã là bản chất tôi. Nó chưa bao giờ bị lấy khỏi tôi, nên tôi đã không đạt được điều gì. Tôi đã đạt được cái đã có đó rồi, cái đã đạt được rồi. Tôi chỉ mất đi sự vô minh của mình”.

Sự đồng nhất chính là sự vô minh. Nó là một phần của cuộc chơi lớn lao này - của leela vũ trụ này, cuộc chơi vũ trụ này - mà bạn sẽ phải mất chính mình để tìm lại chính mình. Việc mất chính mình này mới là một cách, và là cách duy nhất để tìm lại chính mình. Nếu bạn đã mất quá nhiều, bạn có thể có lại. Nếu bạn chưa mát đủ, bạn sẽ phải mất nhiều hơn. Và bạn không thể thực hiện được gì trước đó; không gì có thể giúp được bạn trước đó. Trừ khi bạn hoàn toàn biến mất trong thung lũng, trong bóng tối, trong sansara, trong thế gian, không gì có thể được thực hiện. Mất mát để rồi bạn có thể có lại. Điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng đây là cách thế gian tồn tại, cách chính quá trình tồn tại.

Câu hỏi 2

Nếu người nào bắt đầu cảm thấy rằng cuộc đời là một vở kịch tâm lý, khi đó họ cũng cảm thấy tách biệt và cô đơn. Như thế lại làm mất đi sự mãnh liệt, sự chân thực và độ sâu của cuộc sống. Xin thầy hãy gợi ý phải làm gì trong tình cảnh này. Và thái độ đúng đối với cuộc sống là gì?

“Nếu người nào bắt đầu cảm thấy rằng cuộc đời là một vở kịch tâm lý, khi đó họ cũng cảm thấy tách biệt và cô đơn...” Thế thì hãy cảm nhận điều đó! Tại sao lại gây ra rắc rối? Nếu bạn cảm thấy tách biệt và cô đơn thì hãy cảm nhận nó! Nhưng chúng ta lại liên tục tạo ra nhiều vấn đề. Bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta sẽ tạo ra một vấn đề từ nó. Hãy cảm nhận cô đơn và tách biệt, và nếu bạn có thể thoải mái trong sự cô đơn của mình thì nó sẽ biến đi. Nếu bạn bắt đầu làm một cái gì đó với nó để biến đỗi nó, thì nó sẽ không bao giờ biến đi; nó sẽ giữ nguyên ở đó. Hiện nay cô một xu hướng hiện đại trong ngành tâm lý và phân tâm học cho rằng, bất cứ điều gì cũng có thể biến đi nếu bạn vẫn giữ nguyên với nó và không gây ra những vấn đề, và đây đã là một trong những giáo lý cổ nhất của tantra.

Trong mười hay hai mươi năm vừa qua, ở Nhật Bản có một kỹ thuật tâm lý liệu pháp đơn giản đã được ứng dụng. Các nhà phân tâm học phương Tây và các bác sỹ tâm thần đã nghiên cứu điều này. Đó là một phép trị liệu Zen, và nó thật kỳ diệu. Nếu ai đó bị loạn thần kinh hay bị bệnh tâm thần, thì anh ấy hay cô ấy được đưa vào một căn phòng một mình và người bệnh đó được bảo là, “Hãy giữ nguyên với chính bạn, dù bạn là như thế nào. Loạn thần kinh ư? Không sao! Thế thì cứ loạn thần kinh và sống với nó”. Và các bác sĩ không can thiệp vào. Thực phẩm được cung cấp, các nhu cầu sẽ được thỏa mãn, sẽ có sự quan tâm, nhưng không có sự can thiệp nào. Bệnh nhân phải sống với chính mình, và trong vòng mười ngày người bệnh đó bắt đầu thay đổi. Phân tâm học phương Tây làm việc trong nhiều năm và về cơ bản không có gì thay đổi.

Điều gì xảy ra với bệnh nhân theo liệu pháp Zen này? Không có sự can thiệp từ bên ngoài. Chỉ có sự chấp nhận thực tế rằng “Được thôi, bạn bị loạn thần kinh. Không thể làm được gì”. Zen nói rằng cây này thì nhỏ và cây kia thì rất lớn, nên không sao: cái này nhỏ, cái kia lớn, và không thể làm được gì. Một khi bạn chấp nhận một vấn đề, bạn đã vượt lên nó.

Một trong những bác sỹ tâm thần tiêu biểu của nước Anh, R. D. Laing, hiện đã đề xuất rằng nếu chúng ta có thể để kệ người điên một mình, và chỉ dành sự quan tâm đầy yêu thương cho người đó, thỏa mãn những nhu cầu của người đó và không can thiệp, thì người bệnh đó sẽ vượt qua chứng điên của mình trong vòng ba hay bốn tuần. Đề xuất của ông ấy cho rằng không có chứng điên nào có thể kéo dài quá mười ngày nếu nó không bị can thiệp. Nếu bạn can thiệp vào thì quá trình sẽ kéo dài hơn.

Điều gì xảy ra khi bạn không can thiệp vào bất cứ điều gì? Bạn cảm thấy cô đơn, vậy thì cứ cảm thấy cô đơn: nó là những gì bạn đang hiện hữu. Nhưng khi bạn cảm thấy cô đơn, bạn bắt đầu làm một cái gì đó, và thế là bạn bị phân chia. Thế rồi một phần của bạn cảm thấy cô đơn và phần kia thì lại cố thay đổi nó. Điều này thật ngớ ngẩn. Điều này giống như bạn đang kéo mình lên bởi chân bạn hay bởi dây giầy của bạn. Thật ngớ ngẩn! Bạn cô đơn, vậy bạn có thể làm gì? Không có ai khác có thể làm bất cứ điều gì. Bạn một mình, vậy cứ cô đơn. Đây là số phận bạn; đây là những gì là bạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chấp nhận nó? Nếu bạn chấp nhận, sự phân chia của bạn sẽ biến mất, bạn sẽ trở thành một, bạn sẽ trở nên toàn bộ - không bị chia.

Nếu bạn chán nản, thì cứ chán nản; đừng làm bất cứ điều gì. Và bạn có thể làm gì? Dù bạn có làm gì thì cũng sẽ làm với sự chán nản, nên điều này sẽ gây ra nhiều rối loạn hơn. Bạn có thể cầu nguyện Thượng đế, nhưng bạn sẽ cầu nguyện theo cách chán đến mức thậm chí bạn sẽ làm cho ngài chán bởi những lời cầu nguyên của bạn. Đừng có làm điều thô bạo đó. Sự cầu nguyện của bạn sẽ là một sự cầu nguyện chán chường.

Bạn có thể thiền, nhưng bạn sẽ làm gì? Sự chán nản này sẽ còn đó. Vì bạn chán nản nên dù bạn có làm gì thì chán nản cũng sẽ theo sau. Nhiều sự rối loạn hơn sẽ được tạo ra, nhiều thất vọng hơn, bởi vì bạn không thể thành công. Và khi bạn không thành công, bạn sẽ cảm thấy chán nản hơn, và điều này có thể vẫn tiếp tục tới vô hạn. Tốt hơn là giữ nguyên với sự chán nản ban đầu hơn là gây ra vòng tròn luẩn quẩn thứ hai, rồi thứ ba. Hãy giữ nguyên với chán nản đầu tiên; cái nguyên thủy thì đẹp. Cái thử hai sẽ là giả, và cái thứ ba sẽ là tiếng vọng xa xôi. Đừng tạo ra những chán nản này. Cái đầu tiên đẹp. Bạn chán nản, nên đây là cách tồn tại đang diễn ra với bạn vào lúc này.

Bạn chán nản, vậy thì cứ giữ nguyên với nó. Chờ đợi và quan sát. Bạn không thể chán nản trong một thời gian dài bởi vì trên đời này không có gì là vĩnh viễn. Thế giới này là một dòng chảy liên tục. Thế giới này không thể thay đổi quy luật cơ bản của nó để cho bạn giữ nguyên với chán nản. Ở đây không có gì là vĩnh viễn, mọi thứ đều đang chuyển động và thay đổi. Tồn tại là một dòng sông, nó không thể dừng lại vì bạn, chỉ vì bạn, để bạn vẫn cứ mãi chán nản. Nó đang chuyển động, nó đã chuyển động rồi. Nếu bạn nhìn vào sự chán nản của mình, bạn sẽ thấy rằng ở thời điểm tiếp theo sự chán nản của bạn không còn như cũ nữa; nó khác đi, nó đang thay đổi. Chỉ quan sát, giữ nguyên với nó, và không làm bất cứ điều gì. Đây là cách sự chuyển hóa xảy ra thông qua không-làm. Đây là ý nghĩa của “nỗ lực theo cách phi nỗ lực”.

Hãy cảm nhận sự chán nản, nếm trải nó một cách sâu sắc, sống nó. Nó là số phận bạn. Thế rồi đột nhiên bạn sẽ cảm thấy nó đã biến mất, bởi vì người nào có thể chấp nhận ngay cả sự chán nản thì không thể bị chán nản. Người nào, tâm trí nào có thể chấp nhận ngay cả sự chán nản thì không thể cứ mãi chán nản! Sự chán nản cần một tâm trí không-chấp nhận. “Điều này không tốt, điều kia không tốt; điều này không nên thế này, điều kia không nên thế kia; điều này không được giống thế này”. Mọi thứ đều bị từ chối, bị loại bỏ - không được chấp nhận. “Không” là cơ bản. Một tâm trí như thế sẽ từ chối ngay cả hạnh phúc. Tâm trí như thế sẽ tìm ra một cái gì đó để từ chối cả khi hạnh phúc nữa.

Mới hôm kia, một người đàn ông đến chỗ tôi và nói, “Thiền đang đi sâu hơn và tôi đang cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng tôi nghi ngờ. Hạnh phúc này chắc phải là ảo tưởng bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy niềm hạnh phúc nào trước đó. Chắc tôi bị ảo giác; rất nhiều hoài nghi đã xuất hiện trong tôi. Bây giờ, xin hãy làm sáng tỏ hoài nghi của tôi”. Ngay cả nếu hạnh phúc xảy đến với một tâm trí đã luôn luôn từ chối, thì người đó sẽ cảm thấy nghi ngờ về nó. Người đó sẽ cảm thấy rằng một cái gì đó đã sai. Người đó hạnh phúc nên sẽ cảm thấy một cái gì đó đã sai. Chỉ thiền trong ít ngày thì sẽ không thể còn điều này.

Một tâm trí không chấp nhận thì sẽ “không chấp nhận” bất cứ điều gì, nhưng nếu bạn có thể chấp nhận sự cô đơn của mình, sự chán nản của mình, nỗi buồn của mình, bạn đang vượt lên rồi. Chấp nhận là vượt lên. Bạn đã lấy đi chính nền tảng, thế nên sự chán nản không thể còn chỗ đứng.

Hãy thử điều này: Dù trạng thái tâm trí bạn như thế nào thì cũng chấp nhận nó và hãy chờ trạng thái đó tự thay đổi. Bạn đang không thay đổi nó; bạn có thể cảm thấy vẻ đẹp xuất hiện khi các trạng thái tự thay đổi. Bạn có thể biết rằng điều đó cũng chỉ như mặt trời mọc buổi sáng rồi lặn vào buổi tối. Thế rối nó lại sẽ mọc và lại sẽ lặn, và điều đó sẽ không ngừng diễn ra. Bạn không cần làm bất cứ điều gì về nó. Nếu bạn có thể cảm thấy những trạng thái tâm trí bạn đang tự thay đổi, bạn có thể giữ nguyên khách quan, cách xa hàng dặm, như thể tâm trí đang đi đến một chỗ nào đó khác. Mặt trời mọc, rồi lặn; sự chán nản đang đến, hạnh phúc cũng đang đến, rồi đi: nhưng bạn không trong nó. Tự nó đi và đến; các trạng thái đến và đi.

Nếu người nào bắt đầu cảm thấy rằng cuộc đời là một vở kịch tâm lý, khi đó họ cũng cảm thấy chán nản và cô đơn. Hãy cảm nhận điều đó! Như thế lại làm mất đi sự mãnh liệt, sự chân thực và độ sâu của cuộc sống. Hãy để nó mất đi, bởi vì sự chân thực và độ sâu mà có thể bị mất thì không phải là thực. Nó là giả, rởm, và tốt hơn là để cái giả đó biến đi. Làm sao mà độ sâu thực sự lại có thể bị mất? Chính định nghĩa về một “độ sâu thực sự” là nó không thể bị mất, cho dù bạn có làm gì. Nếu bạn có thể khuấy động một vị phật, thì vị đó không phải là phật. Dù bạn có làm gì thì vị đó vẫn giữ nguyên không bị khuấy động. Sự không bị khuấy động vô điều kiện đó là bản chất phật. Cái thực không thể bị mất. Cái thực luôn luôn là vô điều kiện.

Nếu tôi yêu bạn và tôi nói, “Đừng giận dữ; nếu không tình yêu của tôi sẽ biến mất”, tình yêu mà như thế thì biến đi càng sớm càng tốt. Nếu tình yêu là thực, dù bạn có làm gì thì cũng không khác đi; tình yêu này vẫn nguyên vẹn. Và chỉ có thế thì nó mới có giá trị nào đó.

Thế nên, nếu chỉ vì xem thế giới như là một vở kịch tâm lý, như một tấn tuồng mà sự mãnh liệt, độ sâu của cuộc sống của bạn bị mất đi thì nó không đáng được giữ gìn. Nó đã là giả. Tại sao nó lại bị mất đi? Bởi vì thực ra nó chỉ là một sự sắm vai trong một vở kịch, và bạn đã nghĩ rằng nó là thực nên bạn đã cảm thấy nó sâu sắc hơn. Bây giờ bạn biết nó đã chỉ là một vở kịch. Nếu nó chỉ là một vở kịch và sự chân thực bị mất đi, vậy thì sự chân thực đó là giả. Bạn đã luôn nghĩ nó là thực, và nó không phải là thực. Chỉ bởi xem cuộc sống như là một vở kịch mà nó biến mất.

Điều đó giống như có một sợi dây nằm trong một căn phòng tối và bạn cảm thấy rằng nó là một con rắn, nhưng không có con rắn nào. Lúc này bạn mang ngọn đèn đến, và vì ngọn đèn mà con rắn biến mất, chỉ còn lại sợi dây. Nếu vì cây đèn này mà con rắn đó biến mất, thế thì nó chưa bao giờ có đó.

Nếu bạn xem cuộc sống như một vở kịch, thì những cái là giả sẽ biến mát và nếu có cái là thực thì lần đầu tiên nó sẽ xuất hiện trong bạn. Hãy chờ đợi! Hãy để cho cái giả biến đi, và chờ! Sẽ có một khoảng trống, một khoảng lặng, trước khi cái giả biến đi và cái thực xuất hiện. Sẽ có một khoảng trống. Khi những cái bóng giả sẽ hoàn toàn biến đi và đôi mắt bạn sẽ không bị chúng che khuất, đôi mắt bạn sẽ trở nên tách biệt với những cái bóng giả này, thì bạn sẽ có thể nhìn vào cái thực đã luôn luôn có đó. Nhưng chúng ta phải chờ.

Xin thầy hãy gợi ý phải làm gì trong tình cảnh này. Đừng làm gì! Xin đừng làm bất cứ điều gì. Bạn đã gây ra một sự hỗn loạn vì bạn đã làm quá nhiều. Bạn là một người làm giỏi như thế, bạn đã làm cho mọi thứ quanh bạn rối bời - không chỉ cho bạn, mà cho những người khác nữa. Hãy là một người không-làm; đó sẽ là lòng từ bi cho chính bạn. Hãy từ bi. Đừng làm bất cứ điều gì, bởi vì, với một tâm trí giả, một tâm trí rối bời thì mọi thứ sẽ trở nên rối bời hơn. Với một tâm trí rối bời thì tốt hơn là chờ đợi và không làm bất cứ điều gì để sự rối bời này biến đi. Nó sẽ biến đi; trên thế giới này không có gì là vĩnh viễn. Bạn cần hết sức kiên nhẫn. Đừng vội vã.

Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện. Đức Phật đang đi qua một khu rừng. Hôm đó trời nóng - lúc đó là giữa trưa - Người cảm thấy khát, nên Người nói với Ananda, môn đệ của mình, “Hãy quay lại. Chúng ta vừa băng qua một dòng suối nhỏ. Ông hãy quay lại đó và mang về cho tôi ít nước”.

Ananda quay lại, nhưng dòng suối đó rất nhỏ và có một vài chiếc xe bò đang lội qua. Nước bị quấy lên đục ngầu. Tất cả những bùn bẩn đã lắng xuống, thì bây giờ lại nổi lên, và nước này không thể uống được. Thế nên Ananda nghĩ, “Mình sẽ phải quay về”, ông ấy quay về và nói với Phật, “Nước ở đó quá bẩn và không thể uống. Cho phép tôi đi lên phía trước. Tôi biết có một dòng sông cách đây chỉ mấy dặm. Tôi sẽ đi và lấy nước ở đó”.

Phật nói, “Không! Ông phải quay lại dòng suối cũ”. Khi Phật đã nói điều này thì Ananda phải làm theo, nhưng ông ấy chỉ theo nửa vời và nghĩ rằng sẽ không mang nước về. Thời gian bị lãng phí không cần thiết, nhưng ông ấy cũng cảm thấy khát, và khi Phật đã bảo thì ông phải đi.

Khi quay về, ông ấy nói, “Tại sao thầy cứ khăng khăng? Nước đó không thể uống được”.

Phật nỏi, “Ông hãy tới đó lần nữa”. Và khi Phật đã nói thì Ananda phải làm theo.

Lần thứ ba ông ấy tới dòng suối đó, nước trong như chưa từng. Bụi bẩn đã trôi sạch, lá khô cũng bị cuốn đi, và nước lại trở nên tinh khiết. Ananda cười vang. Ông ấy mang nước về và nhảy múa. ông phủ phục dưới chân Phật và nói, “Cách dạy của thầy mới kỳ diệu làm sao. Thầy đã dạy tôi một bài học quan trọng - rằng chỉ cần kiên nhẫn và không có gì là vĩnh viễn”.

Và đây là bài học cơ bản của Phật: không có gì là vĩnh viễn, mọi thứ đều phù du - cho nên tại sao phải quá lo lắng? Hãy quay trở lại dòng suối đó. Ngay bây giờ mọi thứ sẽ thay đổi. Không có gì giữ nguyên như cũ. Hãy kiên nhẫn: hãy đi một lần nữa, một lần nữa và một lần nữa. Chỉ một vài khoảnh khắc, và những chiếc lá sẽ bị cuốn đi và bùn bẩn sẽ lại lắng xuống và nước sẽ lại tinh khiết.

Ananda cũng hỏi Phật khi ông quay về lần thứ hai, “Thầy cứ khăng khăng bảo tôi đi, nhưng tôi có thể làm một điều gì đó để làm dòng nước đó tinh khiết không?”.

Phật nói, “Xin đừng làm bất kỳ điều gì; nếu không, ông sẽ làm cho nó đục hớn. Và đừng lội xuống suối. Chỉ ở bên ngoài, đợi trên bờ. Ông mà lội xuống suối thì sẽ làm cho nó đục lên. Dòng suối tự chảy, nên cứ để nó chảy”.

Không có gì là vĩnh viễn; cuộc sống là một dòng chảy liên tục. Heraclitus đã nói rằng bạn không thể tấm hai lần trên cùng một dòng sông. Không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông bởi vì dòng sông này đã hôi đi; mọi thứ đã thay đổi. Và không chỉ dòng sông đã trôi đi, bạn cũng đã trôi đi. Bạn cũng khác đi; bạn cũng là một dòng sông đang tuôn chảy.

Hãy nhìn vào tính nhất thời này của mọi thứ. Đừng vội vã; đừng cố làm bất cứ điều gì. Chỉ chờ đợi! Chờ đợi trong trạng thái tuyệt đối không-làm gì. Và nếu bạn có thể chờ, sẽ có sự biến đổi. Chính sự chờ đợi là một sự biến đổi.

Câu hỏi 3

Thực hành chứng kiến làm tôi thanh thản, an nhiên tự tại, nhưng những người bạn quanh tôi lại nói rằng tôi đã trở nên nghiêm trọng. Có vẻ như điều họ nói là thật. Xin hãy giải thích làm sao con người có thể đồng thời phát triển trong tĩnh lặng lẫn vui chơi.

Nếu bạn đã thực sự trở nên tĩnh lặng, bạn sẽ không chú ý tới những gì người khác đang nói. Nếu ý kiến người khác vẫn còn quan trọng, thì bạn không tĩnh lặng. Thực ra, bạn đang chờ họ nói một cái gì đó hay chờ họ xác nhận và đánh giá cao rằng bạn đã trở nên tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng của bạn cần sự xác nhận của họ sao? Bạn cần họ chứng thực sao? Thế thì bạn không tự tin rằng mình đã trở nên tĩnh lặng.

Ý kiến của người khác có ý nghĩa chỉ bởi vì bạn không biết điều gì. Ý kiến không bao giờ là hiểu biết. Bạn không ngừng thu thập ý kiến của người khác bởi vì bạn không biết bạn là gì, bạn là ai, điều gì đang xảy ra với bạn. Bạn phải hỏi người khác, “Điều gì đang xảy ra với tôi?” Bạn phải hỏi người khác sao? Nếu bạn thực sự yên lặng, thanh thản, tĩnh tại, khi đó không người bạn nào và không ý kiến nào là có ý nghĩa. Khi đó bạn có thể cười. Hãy để họ nói bất cứ điều gì họ muốn.

Nhưng bạn trở nên bị ảnh hưởng. Bất cứ điều gì họ nói cũng ăn sâu vào bạn; bạn hở nên bị khuấy động. Sự tĩnh lặng của bạn chỉ là giả, do ép buộc, được trau dồi. Nó không phải là một dòng chảy tự nhiên trong bạn. Có thể bạn tự ép mình trở nên tĩnh lặng, nhưng bạn lại đang sôi sục bên trong. Thế thì sự tĩnh lặng này chỉ trên bề mặt. Nếu ai đó nói bạn không tĩnh lặng, hoặc nếu ai đó nói điều này là không tốt, hoặc nếu ai đó nói điều này là giả, thì bạn bị khuấy động và sự tĩnh lặng đó biến mất. Sự tĩnh lặng đó đã biến mất, chính vì vậy mà bạn đang hỏi tôi điều này. “Có vẻ như điều họ nói là thật”. Bạn đã trở nên nghiêm trọng. Vậy nghiêm trọng thì có gì sai? Nếu , bạn là nghiêm trọng từ khi sinh ra, bạn đang là nghiêm trọng thì bạn sẽ là nghiêm trọng. Bạn không thể ép buộc sự vui đùa; nếu không sự vui đùa của bạn sẽ là nghiêm trọng, và bận sẽ phá hỏng toàn bộ cuộc chơi. Có những người chơi nghiêm trọng. Họ quá nghiêm trọng trong những trò chơi và cuộc chơi của họ đến mức thậm chí nó gây ra nhiều lo lắng hơn.

Tôi đã đọc hồi ký của một người nào đó là một nhà công nghiệp lớn, ông ta đã quá lo lắng về những vấn đề hàng ngày. Ai đó gợi ý chơi golf: “Chơi golf đi. Nó sẽ giảm lo lắng”. Ông ta bắt đầu chơi golf, nhưng ông ta vẫn vậy. Ông ta trở nên quá phấn khích về trò chơi golf đến mức không thể ngủ, ông ta chơi cả đêm. Sản xuất kinh doanh là một gánh nặng và bây giờ golf đã trở thành gánh nặng thứ hai - và còn nặng hơn. Ông ta chơi golf nhưng với một tâm trí nghiêm trọng, vẫn là tâm trí đó.

Nếu bạn nghiêm trọng, thì bạn nghiêm trọng. Không gì có thể được làm về điều đó. Hãy nghiêm trọng và cứ giữ nguyên nghiêm trọng. Thế thì bạn đã bắt đầu vui đùa, thế thì bạn cười đùa về sự nghiêm trọng của mình chứ không nghiêm trọng về nó. Bạn coi nó như là một cuộc chơi, nên bạn nói, “Được thôi, Thượng đế đã trao cho tôi vai trò này, nên tôi sẽ là một người nghiêm trọng và tôi sẽ chơi với sự nghiêm trọng của mình”. Thế rồi sâu bên trong, nó sẽ biến đi. Bạn có hiểu tôi không?

Bạn có thể tạo ra sự nghiêm trọng từ sự vui chơi của mình hoặc bạn có thể tạo ra sự vui chơi từ sự nghiêm trọng của mình. Nếu bạn là một người buồn, một người nghiêm trọng, thì hãy nói với mọi người, “Tôi sinh ra là nghiêm trọng và tôi sẽ vẫn như thế” - và đừng nghiêm trọng về điều đó. Hãy là vậy! Đơn giản là vậy, và rồi bạn có thể cười về điều đó và nó sẽ biến đi. Và bạn thậm chí sẽ không nhận ra nó đã biến đi từ khi nào.

Và đừng chú ý tới những gì người khác nói. Đây là một căn bệnh. Họ sẽ biến bạn thành điên khùng - những người khác. Những người khác này là ai và tại sao bạn lại quá quan tâm đến họ? Họ làm cho bạn hóa điên và bạn cũng làm cho họ hóa điên, bởi vì bạn cũng là người khác đối với họ. Tại sao lại quá quan trọng hóa ý kiến của người khác? Hãy chú ý tới những trải nghiệm của bạn và hãy tin tưởng vào những trải nghiệm của chính bạn. Nếu bạn cảm thấy tốt khi bạn nghiêm trọng, điều đó là ổn! Nếu bạn cảm thấy mình đã trở nên thanh thản và yên lặng và tĩnh tại thông qua thực hành chứng kiến của mình, thì tại sao lại quan tâm và bị khuấy động bởi những gì người khác nói?

Nhưng chúng ta không tự tin, thế nên chúng ta phải thu thập ý kiến của người khác. Chúng ta cứ phải vận động chữ ký: “Bạn nghĩ tôi đã trở thành một vị phật, nên xin ký xác nhận”. Khi mọi người ký và bạn đã thu thập được nhiều chữ ký, ít nhất là đa số, bạn nghĩ bạn là một vị phật. Đây không phải là cách để trở thành một người chứng ngộ.

Xin hãy giải thích làm sao con người có thể đồng thời phát triển trong tĩnh lặng lẫn vui chơi. Con người phát triển! Chưa bao giờ có trường hợp nào ngược lại. Con người phát triển đồng thời trong tĩnh lặng lẫn vui chơi, nhưng nếu sự tĩnh lặng của bạn là giả thì vấn đề này nảy sinh. Tất cả những người đã biết sự tĩnh lặng thì lại luôn luôn là vui vẻ, không-nghiêm trọng. Họ có thể cười, và họ có thể cười không chỉ vào người khác, họ có thể cười vào chính mình.

Một nghìn bốn trăm năm trước, Bồ Đề Đạt Ma đã từ Ấn Độ tới Trung Hoa. Ông đặt một chiếc giầy lên đầu mình; một chiếc dưới chân và một chiếc trên đầu. Vũ đế Trung Hoa đã đến để chào ông. Ngài đã trở nên bối rối. Có rất, rất nhiều đồn đại rằng con người này kỳ lạ lắm, nhưng ông là một người chứng ngộ và tất nhiên hoàng đế muốn chào đón ông tới vương quốc của mình. Ngài đã trở nên bối rối. Các quần thần của ngài cũng đã trở nên bối rối. Ông ấy là dạng người nào vậy? Và ông ấy lại đang cười.

Nói bất cứ điều gì trước người khác là điều không hay, nên khi mọi người đã đi hết, và lúc Bồ Đồ Đạt Ma cùng hoàng đế lánh vào căn phòng của Bồ Đề Đạt Ma, thì hoàng đế hỏi, “Xin hãy nói cho ta, tại sao ông làm cái trò ngớ ngẩn về mình như thế? Tại sao ông lại mang một chiếc giầy trên đầu mình?”

Bồ Đề Đạt Ma cười và nói, “Bởi vì tôi có thể cười vào chính mình, và thật tốt là tôi đã cho ngài thấy thực tại của tôi. Tôi là một người như thế, và tôi không quan trọng đầu của mình hơn chân của mình; với tôi cả hai đều như nhau. Sự cao hơn và thấp hơn đã biến mất. Và hơn nữa, tôi muốn nói với ngài rằng tôi không xem những gì người khác nói về tôi là quan trọng. Điều này là tốt. Ngay khi tôi mới tới, tôi muốn ngài biết tôi là dạng người như thế nào”.

Vị Bồ Đề Đạt Ma này là một viên ngọc quý hiếm; rất ít người đã từng tồn tại có thể so sánh với ông. Ông cho thấy điều gì? ông đơn giản chỉ ra rằng trên con đường tâm linh, bạn phải đi một mình như là một cá nhân. Xã hội trở nên không liên quan.

Một người nào đó đã đến phỏng vấn George Gurdjieff. Người đó là một nhà báo tên tuổi. Các môn đệ của Gurdjieff rất hào hứng bởi vì bây giờ câu chuyện sẽ xuất hiện trên một tờ báo lớn, và hình ảnh bậc thầy của họ và tin tức về bậc thầy của họ sẽ được phát hành rộng rãi. Họ rất quan tâm; họ rất chú ý đến nhà báo kia. Họ gần như đã quên bậc thầy của mình, và họ vây quanh ông nhà báo. Thế rồi cuộc phỏng vấn bắt đầu, nhưng thực sự nó không bao giờ bắt đầu. Khi nhà báo hỏi Gurdjieff một câu hỏi nào đó, Gurdjieff nói, “Xin chờ một lát”. 
Ngồi ngay cạnh ông là một quý bà. Gurdjieff hỏi, “Hôm nay là thứ mấy?” Người phụ nữ nói, “Chủ nhật”. Gurdjieff nói, “Làm sao điều đó là có thể? Mới ngày trước là thứ bảy, nên làm sao hôm nay là chủ nhật được? Mới ngày nọ bà nói là thứ bảy, và bây giờ là chủ nhật. Làm sao mà sau thứ bảy lại có thể là chủ nhật được?”

Ông nhà báo đứng dậy và nói, “Tôi đi đây. Người đàn ông này dường như bị điên”. Tất cả các môn đệ không thể hiểu điều gì đã xảy ra. Khi nhà báo đi rồi, Gurdjieff cười vang. Những gì người khác nói là không liên quan. Hãy là đích thực với điều bạn cảm nhận, nhưng phải là đích thực! Nếu sự tĩnh lặng thực xảy ra với bạn, bạn sẽ có thể cười.

Người ta đã kể về Do-zen, một bậc thầy Zen, rằng khi ông đạt được chứng ngộ, nhiều người đã hỏi, “Ông đã làm gì sau đố?” Ông ấy nói, “Tôi gọi một chén trà”. Còn gì để mà làm tiếp theo? Mọi thứ đã két thúc. Và Do-zen đã nghiêm trọng về tính vui đùa của mình, vui đùa về sự nghiêm trọng của mình. Thực sự, điều gì là còn lại?

Đừng chú ý quá nhiều vào những gì người khác nói và nên nhớ chỉ một điều: đừng ép buộc và trau dồi sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng được trau dồi sẽ nghiêm trọng, bệnh tật, căng thẳng. Nhưng làm sao sự tình lặng thực lại có thể xuất hiện với bạn? Cố hiểu điều này. Bạn căng thẳng, bạn bất hạnh, bạn chán nản, giận dữ, tham lam, bạo lực. Một nghìn bệnh tật có đó. Dầu thế, bạn có thể thực hành tĩnh lặng. Những bệnh tật này sẽ ở bên trong bạn, và bạn có thể tạo ra một lớp tĩnh lặng. Bạn có thể thực hành thiền siêu việt; bạn có thể sử dụng một câu mật chú. Câu mật chú này sẽ không thay đổi tính bạo lực của bạn, cũng như sẽ không thay đổi lòng tham của bạn. Nó sẽ không thay đổi bất cứ điều gì sâu sắc. Câu mật chú này chỉ có thể gây cho bạn một hiệu ứng như thuốc ngủ. Chỉ ở ngoại vi, bạn sẽ cảm thấy yên lặng hơn. Đây chỉ là một loại thuốc ngủ, một âm thanh ru ngủ, và có thể gây buồn ngủ thông qua nhiều cách - nhiều con đường. Khi bạn liên tục lặp lại một câu mật chú, bạn trở nên buồn ngủ. Bất cứ âm thanh nào lặp lại liên tục cũng gây chán và buồn ngủ. Bạn cảm thấy được thư giãn nhưng sự thư giãn này chỉ là trên bề mặt. Bên trong bạn vẫn như cũ.

Liên tục thực hành một câu mật chú hàng ngày và bạn sẽ cảm nhận một sự tĩnh lặng nào đó - nhưng không thực sự, bởi vì những bệnh tật của bạn đã không thay đổi, cấu trúc tính cách bạn vẫn giữ nguyên như cũ. Nó chỉ được che đậy. Khi dừng câu mật chú lại, dừng bài thực hành lại, mọi bệnh tật của bạn sẽ lại nổi lên.

Điều này đang xảy ra ở mọi nơi. Những người tìm kiếm đi gặp hết người thầy này đến người thầy khác. Họ liên tục hoạt động, thực hành, và khi họ dừng thực hành, họ thấy mình vẫn như cũ; không có gì đã thay đổi. Sẽ không có gì xuất hiện theo cách này. Đây là những sự tĩnh lặng được luyện tập. Bạn phải liên tục luyện tập chúng. Tất nhiên, nếu bạn liên tục luyện tập chúng, chúng vẫn cùng với bạn như một thói quen, nhưng nếu bạn bỏ thói quen này thì chúng biến mất. Sự tĩnh lặng thực sự xuất hiện không phải bởi việc sử dụng một kỹ thuật thiển cận nào đó, mà bởi nhận biết tất cả những gì là bạn - không chỉ bởi nhận biết, mà còn giữ nguyên với thực tại về những gì bạn đang là.

Hãy giữ nguyên với thực tại này. Điều này là rất khó bởi vì tâm trí muốn thay đổi. Làm sao thay đổi bạo lực, làm sao thay đổi sự buồn chán, làm sao thay đổi sự bất hạnh? Tâm trí tìm kiếm sự thay đổi để bằng cách nào đó tạo ra một hình ảnh tốt hơn trong tương lai. Vì điều này mà con người vẫn liên tục tìm kiếm phương pháp này phương pháp nọ.

Giữ nguyên với thực tại và đừng cố thay đổi nó. Thực hiện điều này trong một năm. Ấn định một ngày, và nói rằng “Từ ngày nậy, trong một năm, mình sẽ không nghĩ đến việc thay đổi. Mình sẽ vẫn giữ nguyên với những gì là mình, mình sẽ tỉnh táo và nhận biết. Tôi đang không nói rằng bạn không phải làm bất cứ điều gì, nhưng sự tỉnh táo đó là nỗ lực duy nhất. Bạn phải tỉnh táo, không nghĩ đến việc thay đổi; giữ nguyên bất cứ điều gì bạn đang là - tốt, xấu hay bất cứ điều gì. Một năm, không có thái độ thay đổi, chỉ tỉnh táo, bỗng nhiên vào một ngày bạn sẽ nhận thấy mình không còn như cũ nữa. Sự tỉnh táo sẽ thay đổi mọi thứ.
Trong Zen họ gọi đó là “zazen” - chỉ ngồi và không làm gì. Dù điều gì xảy ra, thì xảy ra; bạn chỉ đang ngồi. Zazen có nghĩa là chỉ ngồi, không làm gì. Trong các thiền viện Zen, các vị thiền sư sẽ ngồi suốt cả ngày trong nhiều năm. Bạn sẽ nghĩ họ đang thiền. Họ không phải vậy! Họ chỉ đang ngồi tĩnh lặng. Và không phải là họ đang sử dụng câu mật chú nào đó để tạo ra tĩnh lặng nào đó; họ chỉ đang ngồi. Nếu một chân bị tê, họ cảm nhận nó. Họ tỉnh táo. Nếu cơ thể cảm thấy mệt mỏi, họ tỉnh táo: cơ thể cảm nhận mệt mỏi. Đây là cách cơ thể phải cảm nhận. Nếu những ý nghĩ đang di chuyển, họ biết điều đó. Họ đang không cố dừng chúng lại; họ đang không cố đẩy chúng ra xa. Họ đang không làm bất cứ điều gì. Những ý nghĩ đang ở đó chỉ như những đám mây trên bầu trời, nhưng họ biết những đám mây này không thể hủy hoại bầu trời: chúng đến rồi di.

Những ý nghĩ cũng đang di chuyển trong bầu trời tâm thức; chúng đến rồi đi. Họ không ép buộc chúng, họ không dừng chúng lại, họ không làm bất cứ điều gì. Họ chỉ tỉnh táo rằng những ý nghĩ này đang di chuyển. Đôi khi sự buồn chán xuất hiện, một đám mây; mọi thứ trở nên mờ tối. Đôi khi hạnh phúc xuất hiện, một tia mặt trời; mọi thứ bắt đầu nhảy múa, như thể những bông hoa đã nở khắp tâm thức này. Nhưng họ không bị khuấy động bởi cái này hay cái kia, bởi mây đen hay nắng sáng. Họ chỉ chờ và thấy rằng mọi thứ đang chuyển động. Họ đang ngồi bên bờ sông, và mọi thứ không ngừng chuyển động. Họ không cố thay đổi bất cứ điều gì.

Nếu một ý nghĩ xấu xuất hiện, họ không nói, “Điều này là xấu”, bởi lúc bạn nói, "Điều này là xấu" là bạn đã ham thay đổi nó. Lúc bạn nói, “Điều này là xấu”, bạn đã đẩy nó ra xa; bạn đã lên án nó, và bạn muốn biến đổi nó thành một cái gì đó tốt. Họ chỉ nói, đây là cái này, kia là cái kia không lên án, không đánh giá, không biện minh. Chỉ quan sát, chứng kiến.

Đôi khi họ quên chứng kiến. Khi đó họ cũng không bị bối rối. Họ biết rằng “tất nhiên là vậy”, rằng “Mình quên chứng kiến; bây giờ mình nhớ và mình sẽ lại chứng kiến”. Họ không gây ra bất cứ vấn đề nào. Họ sống với những gì diễn ra. Năm tháng đến rồi đi, và họ vẫn ngồi và nhìn những gì diễn ra.

Thế rồi vào một ngày mọi thứ biến mất. Giống như một giấc mơ, mọi thứ biến mất và bạn thức tỉnh. Sự thức tỉnh này không phải là một thứ được thực hành; sự thức tỉnh này không được luyện tập. Sự thức tỉnh này là bản chất bạn, bản chất cơ bản của bạn. Nó đã trào lên vì bạn đã có thể kiên nhẫn chờ đợi và quan sát, và bạn đã không gây ra những vấn đề nào. Nên nhớ điều này như là một điều rất cơ bản: đừng gây ra những vấn đề. Đừng gây ra những rắc rối!

Một quý bà đã ở đây hai hay ba ngày trước. Bà ấy nói, “Tâm trí tôi rất dục tính, vậy tôi có thể làm gì?” Một người khác cũng đã đến và nói, “Tôi cảm thấy rất thấp kém; có một phức cảm tự ti. Tôi có thể làm gì?”. Vậy nên, tôi nói với người đàn ông đó, “Bạn cảm thấy thấp kém, vậy thì cứ cảm thấy thấp kém; hãy chỉ biết rằng bạn cảm thấy như thế. Phải làm gì? Không có gì để làm. Con người cảm thấy dục tính thì cứ cảm thấy dục tính. Biết rằng bạn là dục tính". Nhưng khi tôi nói những điều như thế với một người nào đó, người đó cảm thấy bị sốc. Người đó đã đến vì một kỹ thuật để thay đổi mình.

Không có ai chấp nhận mình; bạn thù hằn như thế với chính mình. Bạn chưa bao giờ yêu thương chính mình; bạn chưa bao giờ thoải mái với chính mình. Và điều này thật ngạc nhiên: bạn mong chờ mọi người yêu thương bạn, và chính bạn thậm chí không thể yêu thương mình. Bạn quá chống lại mình, bằng mọi cách bạn muốn đập tan mình và tạo ra người khác. Nếu được phép thì bạn hẳn sẽ tạo ra người khác. Và bạn sẽ không thỏa mãn với điều đó vì bạn sẽ vẫn ở phía sau nó.

Hãy yêu thương chính mình, hãy chấp nhận chính mình, và đừng gây ra những vấn đề không cần thiết. Mọi vấn đề đều không cần thiết; không có những vấn đề cần thiết. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ vấn đề cần thiết nào. Hãy giữ nguyên với “thực trạng” của bạn, và sự biến đổi sẽ xảy ra. Nhưng nó không phải là một kết quả, bạn không thể ép buộc nó xảy ra. Nó là một hệ quả, chứ không phải là một kết quả. Nếu bạn chấp nhận mình và giữ nguyên tỉnh táo, nó đến. Bạn không thể ép buộc nó, bạn không thể nói rằng “Tôi sẽ ép buộc nó đến”. Và nếu bạn cứ ép buộc, cái thứ giả sẽ xảy ra với bạn, và thế thì bất cứ ai cũng có thể khuấy động cái thứ giả đó - bất cứ ai.

Câu hỏi 4

Thầy đã nói rằng sự chấp nhận làm biến đổi, nhưng tại sao khi tôi chấp nhận những cảm giác và những ham muốn của mình, thay vì được biến đổi, tôi cảm thấy rằng tôi đã trở nên giống như con thú?

Đây là sự biến đổi của bạn; đây là thực tại bạn. Là một con thú thì có gì sai? Tôi chưa từng nhìn thấy một người nào lại có thể so sánh với bất cứ con thú nào. Suzuki thường nói, “Tôi yêu một con ếch hơn yêu một con người, thậm chí một con ếch. Hãy nhìn con ếch đang ngồi bên bờ ao xem: nó ngồi mới thiền định làm sao! Hãy nhìn nó xem, nó mới thiền định làm sao - không bị quấy nhiễu bởi toàn bộ thế gian đang diễn ra, chỉ ngồi và thiền, là một với tồn tại”. Suzuki đã nói, “Khi tôi chưa chứng ngộ, tôi là một con người, và khi tôi trở nên chứng ngộ, tôi trở nên giống như một con mèo”.

Hãy nhìn một con mèo xem: nó biết bí quyết để thư giãn và nó đã không đọc cuốn sách nào về thư giãn. Làm sao thư giãn? Hãy nhìn con mèo xem. Không người nào có thể dạy bạn thư giãn tốt hơn con mèo. Con mèo thư giãn và tỉnh táo. Nếu bạn thư giãn, bạn sẽ ngủ. Con mèo tỉnh táo ngay cả trong giấc ngủ của nó, và cơ thể lại rất linh hoạt, rất thoải mái trong mọi lúc.

Là một con thú thì có gì là sai? Con người đã tạo ra những sự so sánh thông qua bản ngã mình. Anh ta nói, “Chúng ta không phải là những con thú”. Nhưng không con thú nào muốn trở thành con người. Chúng sống thoải mái, thảnh thơi. Chúng không lo lắng, chúng không căng thẳng. Tất nhiên, chúng không tạo ra bất cứ tôn giáo nào bởi vì chúng không cần. Chúng không có nhà phân tâm học nào - không phải vì chúng không phát triển, mà vì chúng không cần.
Thú vật thì có gì sai? Tại sao lại lên án? Sự lên án này là một phần của bản ngã người. Con người nghĩ mình siêu đẳng, cao nhất về đẳng cấp. Không con thú nào đã đồng thuận với sự phân chia đẳng cấp này. Darwin đã nói rằng con người đã tiến hóa từ khỉ, nhưng nếu bạn hỏi những con khỉ thì tôi sợ rằng chúng sẽ không nói rằng con người là một sự tiến hóa; chúng sẽ nói con người là một sự thoái hóa. Con người nghĩ mình như là trung tâm. Điều này là không cần thiết. Đây chỉ là sự ích kỷ vô nghĩa.

Nếu bạn cảm thấy như là một con thú, không có gì sai. Hãy là nó, và hãy hoàn toàn là nó - và là nó với sự tỉnh táo tuyệt đối. Đầu tiên, sự tỉnh táo đó để lộ ra tính thú của bạn, bởi vì đó là thực tại của bạn. Tính người của bạn chỉ là giả, chỉ ở bề ngoài. Một người nào đó khiêu khích bạn, và con thú trong bạn xuất hiện - không phải con người. Một người nào đó lên án bạn, và con thú đó nổi lên - không phải con người. Nó có đó, và tính người của bạn chỉ ở bề ngoài. Nếu bạn chấp nhận mọi thứ, thì tính người chỉ ở bề ngoài này sẽ biến mất. Đây là một thứ giả, và bạn có thể trở nên nhận ra tính thú thực của mình. Và trở nên nhận ra thực tại là điều tốt. Nếu bạn vẫn liên tục tỉnh táo, bạn sẽ tìm thấy đấng linh thiêng trong con thú này. Và là một con thú thực vẫn luôn tốt hơn là một con người không thực. Thực tại mới là điểm chính yếu.

Cho nên tôi không chống lại con thú, tôi chỉ chống lại những thứ giả. Đừng là một con người giả. Hãy là một con thú thực, và với thực tại đó bạn sẽ trở nên đích thực, thực chất. Lúc này, hãy tiếp tục tỉnh táo, và dần dần bạn sẽ tới một lớp sâu hơn, thực hơn tính thú - và đó là tính linh thiêng.

Nên nhớ, tính linh thiêng không chỉ ở trong bạn; nó ở trong mọi con thú. Nó không chỉ ở trong những con thú: nó ở trong cây cối, nó ở trong mọi tảng đá. Tính linh thiêng là trung tâm cơ bản trong mọi thứ. Bạn có thể để mất nó chỉ khi bạn là giả, và bạn có thể có lai nó bằng cách sống chân thực.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho