Tuần 45. Không sợ hãi


Luận về cuộc đời
365 ngày khai sáng tâm hồn
Osho

 
Tuần 45. Không sợ hãi


Ngày 5 Tháng Mười Một

Khoảnh khắc duy nhất

Mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất. Không có khoảnh khắc nào giống khoảnh khắc nào.

Chỉ có một tâm hồn thiển cận mới không ngừng tìm kiếm một vài ý nghĩa nào đó liên tiến theo từng khoảnh khắc. Chỉ có một tâm hồn thiển cận mới muốn mọi thứ đều được nối kết cùng nhau bởi chuỗi nhân-quả. Chỉ có một tâm hồn thiển cận mới muốn mọi thứ đều hướng về một nơi nào đó, muốn đến được một nơi nào đó.

Cuộc sống này luôn đặc sắc, phong phú, đa dạng. Nó không có đích đến cuối cùng, không có số phận. Cuộc sống không vận động hướng về một hướng duy nhất. Cuộc sống là một cuộc khiêu vũ bất tận.

Mỗi khoảnh khắc là một điệu nhảy, mọi người nên vui với từng khoảnh khắc đến rồi lại đi và mọi gánh nặng trong bạn sẽ hoàn toàn biến mất. Đó chính là sự tự do (sống trong khoảnh khắc hiện tại, không bao giờ lo lắng về quá khứ, không bao giờ lo lắng về những gì chưa xảy ra, không bao giờ cố gắng đưa ra bất kỳ một kết luận nào).


Ngày 6 Tháng Mười Một

Chiều hôm

Nhiều người có được sự sâu sắc tột cùng vào lúc chiều hôm.

Khi mặt trời sắp mọc, khi đó có sự thay đổi to lớn. Toàn bộ quá trình tồn tại bị động trở nên linh hoạt. Giấc ngủ dừng lại; giấc mơ biến mất. Cây cỏ, chim chóc, mọi mặt của đời sống trở lại với trạng thái sống động. Đó là một sự hồi sinh. Đó là điều kỳ diệu diễn ra mỗi ngày. Nếu bạn tự cho phép mình bồng bềnh cùng khoảnh khắc đó bạn có thể chạm tới được đỉnh cao nhất.

Sự thay đổi như thế cũng diễn ra lúc chiều hôm khi mặt trời lặn. Mọi thứ trở nên tĩnh lặng, im lắng. Sự tĩnh lặng vô cùng đang tỏa khắp. Bạn cũng có thể chạm tới được sự sâu sắc tột cùng trong thời khắc đó. Buổi sáng bạn đạt được trạng thái thăng hoa, vào buổi chiều bạn đạt được trạng thái sâu sắc, cả hai đều tuyệt đẹp. Chúng sẽ thay đổi con người bạn.


Ngày 7 Tháng Mười Một

Ngọn núi

Khi người ta hoàn toàn tĩnh lặng, không có bất kì sự vận động nào diễn ra trong tâm hồn họ. Họ bắt đầu trở nên giống như ngọn núi cao phủ đầy tuyết.

Ngọn núi này vẫn luôn hấp dẫn những người thiền định. Không có gì ở đỉnh núi đó - hoàn toàn tĩnh lặng, hầu như không có sự hiện diện của thời gian. Đức Phật ngồi dưới gốc cây Bồ-đề trông giống như một ngọn núi. Không phải tình cờ mà những bức tượng đầu tiên đều là tượng Phật và được làm bằng đá (vâng, bằng đá, không cử động, không thời gian, bất diệt).

Sự vận động của tâm hồn - suy nghĩ, khao khát, hình dung và ghi nhớ - tất cả đều tạo ra đau khổ. Khi không có sự vận động của suy nghĩ và khao khát, khi đó tâm hồn biến mất. Bạn ngồi đó nhưng trong bạn không có tâm hồn. Trạng thái vô hồn đó sẽ biến bạn thành một ngọn núi bất diệt.


Ngày 8 Tháng Mười Một

Sự siêu hình

Ai nghĩ rằng vật chất là tất cả thì họ sẽ tự tạo ra một vòng tròn cho chính mình. Họ liên tục di chuyển theo vòng tròn đó mà không bao giờ về được đến nhà vì nhà của họ nằm ở điểm trung tâm của vòng tròn này.

Những ai nghĩ rằng vật chất không bao giờ thay đổi thì cuộc sống của họ sẽ chỉ là một chuỗi dài mò mẫm đi trong đêm tối. Họ không bao giờ biết được ánh sáng là gì, không bao giờ đến được tia sáng của bình minh. Theo lẽ tự nhiên, trong đêm tối họ bị vấp ngã nhiều, tự gây thương tích cho chính mình cũng như cho người khác, toàn bộ cuộc sống của họ chỉ là những xung đột, mâu thuẫn, bạo lực, chiến tranh. Họ không bao giờ biết được tình yêu là gì bởi tình yêu chỉ có thể xuất hiện khi họ sống cùng ánh sáng.

Việc thấu hiểu được sự siêu hình và sự sáng suốt tuyệt vời. Sự lý luận luôn cay đắng, luôn tạo ra mâu thuẫn và xung đột; các triết gia vẫn không ngừng tranh cãi cùng nhau.


Ngày 9 Tháng Mười Một

Mánh khóe

Sự chiêm nghiệm thiền định có một mánh khóe (không phải là một nghệ thuật) nhằm tự đưa mình vào trạng thái tĩnh lặng một cách thanh thoát tự nhiên. Nếu bạn quan sát, bạn sẽ nhận thấy rằng trong hai mươi bốn giờ, có những lúc bạn tự nhiên rất tĩnh lặng. Những khoảnh khắc này xuất hiện rất tự nhiên, không phải vì bạn quan sát mà chúng xuất hiện.

Điều đầu tiên là bạn phải biết được khi nào thì những khoảnh khắc tĩnh lặng xuất hiện. Khi chúng đã ra đi thì bạn hãy ngưng việc chiêm nghiệm thiền định của mình lại. Bạn hãy ngồi tĩnh lặng, trôi theo từng khoảnh khắc. Chúng nhất định sẽ đến - đến một cách tự nhiên. Cánh cửa nhất định sẽ hé mở nhưng vì quá bận bịu nên chúng ta chẳng bao giờ nhận thấy điều đó.

Bạn hãy quan sát vào lúc sáng sớm, khi bạn đang còn tỉnh táo sau một giấc ngủ sâu, ngoài kia chim chóc cũng đang ca hát, mọi vật trở lại sống động sau giấc ngủ sâu. Bạn hãy ngồi tĩnh lặng dưới gốc cây, bên bờ sông hoặc trong phòng mình, bạn hãy ngồi đó... không làm gì cả. Nó nhất định sẽ đến.

Khi bạn đã biết được mánh khóe này, nó sẽ đến với bạn thường xuyên hơn.


Ngày 10 Tháng Mười Một

Âm nhạc thuần khiết

Trong tiếng Phạn, từ 'nada' có nghĩa là 'âm nhạc' nhưng trong tiếng Tây Ban Nha, nó lại có nghĩa là 'hư không'. Cả hai đều có ý nghĩa đẹp vì âm nhạc mà tôi muốn nói đến ở đây là âm nhạc của hư không. Nó là âm nhạc của sự tĩnh lặng hoàn toàn. Thánh nhân gọi nó là âm nhạc thuần khiết.

Có một loại nhạc mà không ai có thể tạo ra được, nó giống như mạch nước ngầm trong tâm hồn của chúng ta; nó là loại nhạc của sự hài hòa trong tâm hồn. Ngoài ra cũng có một loại nhạc thuần khiết trong vũ trụ - sự hài hòa giữa các vì sao, giữa các hành tinh; toàn bộ sự tồn tại này giống như một dàn nhạc giao hưởng. Ngoại trừ con người, không có gì là không xuất hiện nhịp nhàng với nhau; mọi thứ đều có sự hài hòa đến tuyệt vời. Đó là lý do tại sao cây cối lại yêu kiều đến thế, cả chim chóc và mọi loài động vật khác. Chỉ có nhân loại là xấu xa, đó là lý do tại sao chúng ta luôn cố gắng tự hoàn thiện mình; luôn cố gắng để trở thành một cái gì đó khác hơn chính mình.

Khi bạn muốn trở thành một cái gì đó, bạn trở nên xấu xí, bạn bị lạc nhịp vì cuộc sống chỉ biết đến thực tại mà thôi; sự trở thành một cái gì đó chính là một bệnh của tâm hồn. Nhân loại không bao giờ hài lòng, sự bất mãn đó tạo ra sự xấu xí, nhân loại chỉ có những lời phàn nàn ca thán mà thôi, ngoài ra chẳng có gì cả. Họ muốn thứ này, họ muốn thứ nọ, họ chẳng bao giờ thỏa mãn; thậm chí khi họ có được thứ họ muốn, họ muốn có nhiều hơn thế nữa. Tâm hồn nhân loại không ngừng đòi hỏi. Đó là một bệnh kinh niên của con người.

Khi bạn vứt bỏ ngay ham muốn 'trở thành' của mình, bạn sẽ nghe được một bản nhạc. Khi bản nhạc đó cất lên, nó thấm đẫm bạn và lan sang cả người khác. Đó là vẻ đẹp của các vị Phật. Họ luôn hài hòa, sống động và chia sẻ.


Ngày 11 Tháng Mười Một

Không sợ hãi

Để có thể thay đổi vận mệnh của mình, bạn phải có được lòng can đảm và không hề sợ hãi.

Những ai luôn sợ hãi sẽ chẳng bao giờ có thể vượt ra khỏi những điều đã biết. Những điều đã biết. Những điều đã biết luôn giúp họ cảm thấy thoải mái, an toàn. Họ biết rõ những thứ đó, biết rõ cách xử lý từng tình huống. Họ xử lý mọi việc trong trạng thái mơ màng (họ không cần phải tỉnh táo); đó là sự tiện nghi của những điều đã biết.

Khi bạn vượt ra khỏi ranh giới của những điều đã biết thì những lo sợ bắt đầu xuất hiện vì lúc này bạn trở thành một người hoàn toàn ngu dốt, bạn không biết mình phải làm gì, mình không nên làm gì. Giờ đây bạn không còn tự tin vào chính mình, bạn có thể dễ dàng phạm sai lầm, dễ dàng lạc lối. Đó là cách mà những lo sợ khiến mọi người luôn quanh quẩn với những điều đã biết. Khi họ quanh quẩn với những điều đã biết thì họ đã chết.

Cuộc sống chỉ thực sự xuất hiện khi bạn sống cùng những nguy hiểm, những rủi ro, những điều mới mẻ. Chỉ qua hiểm nguy bạn mới có thể trưởng thành. Mỗi người phải trở thành một nhà thám hiểm, luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi thoát ra khỏi những điều đã biết để tìm đến những điều chưa biết. Khi chúng ta nếm trải được niềm vui của sự tự do và của sự không sợ hãi thì chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc vì chúng ta đã biết được một cuộc sống đích thực là gì. Chỉ một khoảnh khắc sống một đời sống đích thực cũng đáng giá hơn cả một đời sống xoàng xĩnh tầm thường.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho