Chương 5. Thống nhất của cái trống rỗng
Chương 5. Thống nhất của cái trống rỗng
Khi đối thể suy nghĩ tan biến, chủ thể suy nghĩ tan biến, như khi tâm trí tan biến, đối thể tan biến.
Sự vật là đối thể bởi vì chủ thể; tâm trí là như vậy bởi vì sự vật.
Hiểu tính tương đối của hai điều này và thực tại cơ bản: thống nhất của cái trống rỗng.
Trong cái trống rỗng này cái hai đó là không thể phân biệt được và mỗi cái đều chứa trong nó toàn bộ thế giới.
Nếu ông không phân biệt giữa thô thiển và tinh tế thì ông sẽ không bị quyến dũ tới định kiến và ý kiến.
Thế giới có đó bởi vì bạn - bạn tạo ra nó, bạn là người sáng tạo. Mọi sinh linh đều tạo ra một thế giới quanh mình, điều đó tuỳ thuộc vào tâm trí sinh linh đó. Tâm trí có thể là ảo tưởng, nhưng nó là sáng tạo - nó tạo ra mơ. Và tuỳ ở bạn mà tạo ra địa ngục hay thiên đường.
Nếu bạn định rời bỏ thế giới này, bạn sẽ không có khả năng rời bỏ nó. Dù bạn đi đâu, bạn đều sẽ tạo ra cùng thế giới ấy nữa bởi vì thế giới này thường xuyên bắt nguồn từ bạn, cũng như lá bắt nguồn từ cây.
Các bạn không sống trong cùng một thế giới - các bạn không thể sống được, bởi vì các bạn không có tâm trí tương tự. Ngay bên cạnh bạn, ai đó có thể đang sống trong thiên đường, còn bạn có thể đang sống trong địa ngục - và bạn cảm thấy rằng bạn đang sống trong cùng thế giới sao? Làm sao bạn có thể sống trong cùng một thế giới khi các tâm trí khác nhau?
Cho nên điều đầu tiên cần phải hiểu là ở chỗ bạn không thể rời bỏ thế giới này chừng nào tâm trí chưa biến mất. Chúng có quan hệ với nhau, chúng phụ thuộc lẫn nhau, chúng tạo ra cái vòng luẩn quẩn. Nếu tâm trí có đó... Và tâm trí bao giờ cũng là tâm trí đặc biệt. Khi tâm trí không còn là tâm trí đặc biệt nữa, khi nó trở thành Tâm trí với chữ T hoa, nó không còn là tâm trí nữa, nó đã trở thành tâm thức. Một tâm trí bao giờ cũng là tâm trí đặc biệt và nó mang vầng hào quang đặc biệt quanh nó - đó là thế giới của bạn.
Tâm trí tạo ra thế giới này và thế rồi thế giới lại tạo ra tâm trí, giúp đỡ cho tâm trí vẫn còn như cũ. Đây là cái vòng luẩn quẩn. Nhưng ngọn nguồn là trong tâm trí; thế giới chỉ là sản phẩm phụ. Tâm trí là chủ chốt; thế giới chỉ là cái bóng của nó. Và bạn không thể phá huỷ được cái bóng, nhưng mọi người đều cố gắng phá huỷ nó.
Nếu người vợ này không thích hợp với bạn, bạn nghĩ người vợ khác sẽ thích hợp. Bạn đang cố gắng để thay đổi thế giới này, còn bạn thì vẫn như cũ. Bạn sẽ chỉ biến người vợ tiếp thành bản sao y hệt của người vợ cũ. Bạn sẽ lại sáng tạo nữa, bởi vì người vợ này chỉ là màn ảnh.
Và bạn sẽ ngạc nhiên: những người đã cưới nhiều lần, kinh nghiệm của họ thực sự kì lạ. Một người đã cưới mười lần thì đều nhận ra sự kiện rằng, “Sao điều ấy cứ xảy ra thế? - trong thế giới rộng rãi và lớn lao thế mà mình bao giờ cũng cứ vơ phải cùng kiểu phụ nữ thế này? Thậm chí do ngẫu nhiên điều ấy cũng dường như không thể được! Cứ lặp đi lặp lại mãi!”
Vấn đề không phải là phụ nữ, vấn đề là tâm trí. Tâm trí bị hấp dẫn vào cùng kiểu phụ nữ, lại tạo ra cùng mối quan hệ, lại tìm cùng cái đống lộn xộn và cùng địa ngục.
Và cùng điều đó xảy ra trong mọi thứ bạn làm. Bạn có cho rằng bạn sẽ sống hạnh phúc trong cung điện không? Bạn lầm. Ai định sống trong cung điện đó? Bạn sẽ sống ở đó. Nếu bạn không hạnh phúc trong cái lều của mình, bạn sẽ không hạnh phúc trong cung điện của mình. Ai sẽ sống trong cung điện? Cung điện không tồn tại bên ngoài bạn.
Nếu bạn có thể sống một cách hạnh phúc trong lều, bạn có thể sống hạnh phúc trong cung điện, bởi vì bạn tạo ra thế giới quanh mình. Nếu không, khi cái lều dằn vặt bạn thì cung điện sẽ dằn vặt bạn - thậm chí còn nhiều hơn thế bởi vì nó là một thứ lớn hơn. Nó sẽ là địa ngục, vẫn như cũ - được trang trí nhiều hơn, nhưng một địa ngục có trang trí không phải là thiên đường. Và thậm chí nếu bị ném một cách bắt buộc vào thiên đường bạn sẽ cố gắng để tìm lối ra, hay bạn sẽ tạo ra địa ngục của mình ở đó.
Tôi đã nghe nói về một người, một doanh nhân lớn, nhà chế tạo trang phục. Ông ấy chết. Bằng cách nào đó, bởi nhầm lẫn kĩ thuật nào đó, ông ấy được vào thiên đường. Ông ấy gặp bạn đối tác cũ của mình ở đó. Người bạn cũ này rất buồn khi ông ta còn trên trái đất. Cho nên doanh nhân nói, “Điều đó có nghĩa gì? Anh đang trên thiên đường, mà lại bất hạnh thế?”
Người bạn đối tác nói, “Ở đây cũng được, nhưng cá nhân tôi thì tôi thích Miami hơn.”
Và người kia cũng đi tới cùng kết luận đó trong vài ngày. Họ lại trở thành đối tác ở đó, và họ muốn bắt đầu hãng kinh doanh để chế tạo trang phục.
Cùng điều ấy lại sắp xảy ra dù bạn đi đâu, bởi vì bạn là thế giới này. Bạn tạo ra thế giới quanh mình, thế rồi thế giới đó lại giúp cho tâm trí mà đã tạo ra nó. Con giúp bố, con giúp mẹ, cái bóng của bạn giúp cho điều bản chất - thế thì tâm trí được làm mạnh thêm nữa, thế thì lần nữa bạn tạo ra cùng thế giới theo cùng hướng. Từ đâu mà sự biến đổi này bắt đầu? Làm sao thay đổi?
Nếu bạn nhìn, cái nhìn đầu tiên sẽ nói phải thay đổi thế giới này, bởi vì nó rõ ràng thế quanh bạn. Thay đổi nó đi! Và đó là điều bạn đã làm trong nhiều kiếp: liên tục thay đổi thế giới, thay đổi cái này và cái nọ, đổi nhà, thân thể, vợ, chồng, bạn bè - thay đổi, nhưng không bao giờ nhìn vào sự kiện là bạn vẫn còn như cũ, cho nên làm sao bạn có thể thay đổi được thế giới?
Đó là lí do tại sao một truyền thống sai lầm về từ bỏ đã đi vào tồn tại trên khắp thế giới. Trốn nhà và vào tu viện. Trốn nhà và lên Himalaya. Trốn khỏi thế giới này! Bạn có thể dễ dàng đi lên Himalaya, nhưng làm sao bạn thoát khỏi bản thân mình? Bạn sẽ tạo ra cùng thế giới ở đó - cùng thế giới. Nó có thể là thế giới thu nhỏ, nó có thể không bao la đến thế, nhưng bạn sẽ làm như cũ. Bạn vẫn như cũ - làm sao bạn có thể làm bất kì cái gì khác được?
Hiểu sâu sắc hơn để lộ ra điều này: thay đổi tâm trí, thế thì thế giới thay đổi. Thế thì dù bạn ở đâu, thế giới khác cũng lộ ra. Bạn đi sâu hơn, và thế thì bạn hiểu rằng nếu bạn muốn hiện hữu thực sự mà không có thế giới bao quanh bạn... Bởi vì dù thế giới này có đẹp đến đâu, chẳng chóng thì chầy nó cũng sẽ trở thành nhàm chán và bạn sẽ chán ngấy. Cho dù đấy có là thiên đường thì bạn cũng sẽ bắt đầu khao khát địa ngục, bởi vì tâm trí cần thay đổi. Nó không thể sống trong vĩnh hằng, nó không thể sống trong không đổi, bởi vì tâm trí khao khát hiếu kì mới nào đó, cảm giác mới nào đó, kích động mới nào đó. Không thể nào làm cho tâm trí dừng lại và còn lại với thời gian.
Đó là lí do tại sao tâm trí không thể nào sống ở đây, bây giờ, bởi vì bây giờ không phải là một phần của thời gian. Bây giờ chưa bao giờ thay đổi, nó là vĩnh hằng. Bạn không thể nói nó là không đổi được, rằng nó không phải là thường hằng, rằng nó là vĩnh hằng. Nó đơn giản như nó hiện thế. Chẳng cái gì xảy ra ở đấy cả. Nó là trống rỗng.
Phật đã gọi nó là shunyata - trống rỗng tuyệt đối. Không cái gì xảy ra ở đó, không ai tới, không ai đi. Không có ai cả, bởi vì nếu ai đó có đấy thế thì cái này hay cái khác sẽ xảy ra.
Tâm trí không thể nào sống trong vĩnh hằng bây giờ. Tâm trí muốn sự thay đổi và cứ hi vọng, và cứ hi vọng chống lại mọi hi vọng. Toàn bộ tình huống là vô vọng, nhưng tâm trí thì cứ hi vọng.
Tôi đã từng nghe:
Mulla Nasruddin thất nghiệp đã nhiều, nhiều năm, bởi vì anh ta muốn là nghệ sĩ mà anh ta lại không có tài. Nhưng ngày nào cũng vậy, theo một cách tôn giáo, anh ta đều tới văn phòng tìm việc. Tràn trề hi vọng, anh ta sẽ gõ cửa, đi vào văn phòng và hỏi, “Có việc gì không? Có việc nào cho tôi ở đâu đó không?”
Và nhân viên văn phòng bao giờ cũng nói cùng một điều, “Tôi không thể làm được gì, chẳng cái gì có thể cả.”
Ngày qua ngày, tuần qua tuần, thế rồi năm qua năm và việc gõ cửa của Mulla đã trở thành thường lệ. Dù bất kì mùa nào, khí hậu nào, tốt hay xấu, nhưng một điều chắc chắn cho nhân viên văn phòng này - đó là Mulla sẽ tới. Và anh ta sẽ hỏi một cách tràn trề hi vọng, và người này sẽ lại nói cùng một điều: “Nasruddin, tôi chẳng thể làm được gì, chẳng cái gì có thể cả.”
Thế rồi một hôm tiếng gõ cửa khác đi, có chút ít buồn bã. Và khi Mulla bước vào, thậm chí nhân viên văn phòng này cũng phải ngạc nhiên: “Sao anh ta lại buồn thế?”
Mulla nói, “Anh nghe đây, trong hai tuần đừng tìm chỗ cho tôi ở đâu cả bởi vì tôi sắp đi nghỉ.”
Đây là cách tâm trí vận hành - cứ hi vọng mãi, không chỉ nhiều năm, mà cả nhiều kiếp! Bạn gõ lên cùng cánh cửa với cùng câu hỏi và ham muốn, và bao giờ cũng là câu trả lời không. Bạn được gì qua tâm trí ngoài những cái không ấy?
Cái có chưa bao giờ tới theo cách đó, nó không thể tới được. Tâm trí là nỗ lực vô ích. Nó như sa mạc vậy, chẳng cái gì mọc lên từ nó cả, chẳng cái gì có thể trưởng thành được. Nhưng nó cứ hi vọng mãi. Thậm chí sa mạc cũng mơ, và mơ về mảnh vườn đẹp, về dòng sông cuộn chảy, về các con suối và thác nước. Thậm chí sa mạc cũng mơ... và đó là mơ của tâm trí.
Người ta phải tỉnh táo. Không cần phải phí thêm bất kì thời gian nào nữa - không cần phải gõ cửa văn phòng tìm việc. Bạn đã sống đủ với tâm trí rồi. Bạn chẳng đạt được cái gì qua nó cả. Chẳng phải bây giờ chính là lúc để tỉnh táo và nhận biết sao?
Tất nhiên bạn đã thu thập nhiều khổ sở và nhiều địa ngục - nếu bạn có thể gọi chúng là thành tựu thì cũng được - khổ sở, thất vọng. Và dù bạn có đi đâu với tâm trí thì điều gì đó vẫn cứ sai, bởi vì tâm trí là cái máy về việc sai. Nhìn xem, cái gì đó sai đấy.
Con trai của Mulla Nasruddin vào trường học. Cô giáo đang nói về địa lí và cô ấy nói và giải thích về hình dạng trái đất và đủ mọi thứ. Và thế rồi cô ấy hỏi con trai của Mulla Nasruddin, “Hình dạng trái đất là gì?”
Nó im lặng, cho nên để gợi mở câu trả lời cho nó cô ấy nói, “Nó có phẳng không?”
Thằng bé nói, “Không ạ.”
Cô ấy trở nên hi vọng hơn; cô ấy nói, “Thế thì nó là hình cầu, hình tròn chăng?”
Con trai Nasruddin nói, “Không.”
Thế là cô ấy ngạc nhiên. Cô ấy nói, “Các khả năng chỉ có hai thôi: hoặc là nó phẳng hoặc nó hình cầu, thế mà con lại nói không cho cả hai. Vậy ý con là gì?”
Thằng bé nói, “Bố con bảo nó bị cong ạ.”
Với tâm trí mọi thứ đều bị cong; không phải bởi vì mọi thứ bị cong đâu - cái cách tâm trí nhìn, bất kì cái gì thấm qua trung gian tâm trí đều trở thành bị cong cả. Cũng như bạn đặt một vật thẳng vào trong nước, một cái que, và bỗng nhiên bạn thấy qua trung gian nước đã làm điều gì đó; nó không còn thẳng nữa. Bạn lôi nó ra khỏi nước, nó lại thẳng... cho nó vào trong nước... Và bạn biết rằng cái que vẫn còn thẳng ngay cả trong nước, nhưng mắt bạn vẫn nói rằng nó không thẳng. Cả trăm lần bạn có thể kéo nó ra rồi lại đưa nó vào. Thậm chí nếu bạn biết rõ rằng cái que vẫn còn thẳng, thì cái trung gian kia sẽ lại cho bạn thông tin sai lầm rằng nó không còn thẳng nữa.
Bạn đã biết nhiều, nhiều lần rằng khổ sở do tâm trí tạo ra, nhưng lần nữa bạn lại trở thành nạn nhân. Tâm trí tạo ra khổ sở; nó không thể tạo ra bất kì cái gì khác bởi vì nó không thể gặp được thực tại. Nó chỉ có thể mơ mộng - đó là khả năng duy nhất cho tâm trí. Nó chỉ có thể mơ mộng. Và mơ mộng không thể được thoả mãn, bởi vì bất kì khi nào chúng đi ngược lại thực tại chúng đều bị tan vỡ.
Bạn sống trong nhà kính: bạn không thể đối diện với thực tại. Bất kì khi nào thực tại tới, ngôi nhà của bạn cũng tan vỡ, và nhiều ngôi nhà mà bạn sống đã tan vỡ rồi. Bạn mang tàn tích của chúng trong tâm trí, cái khổ đau kết quả, và điều đó làm cho bạn rất chua chát, rất cay đắng.
Nếm bất kì ai và bạn sẽ nếm vị cay đắng. Và đó cũng là kinh nghiệm của người khác về bạn nữa: mọi người đều nếm vị cay đắng. Lại gần hơn và mọi thứ thành cay đắng; còn ở xa, mọi thứ có vẻ đẹp. Lại gần hơn, mọi thứ thành cay đắng - bởi vì khi bạn lại gần, thì tâm trí thấm vào lẫn nhau và mọi thứ bị làm cong đi, thế thì chẳng có gì thẳng cả.
Điều này phải được hiểu bằng kinh nghiệm của bạn, không phải bằng lí thuyết từ tôi hay Tăng Xán. Tăng Xán chẳng ích gì, mà tôi cũng chẳng ích gì. Nó phải trở thành hiện tượng được bạn kinh nghiệm lấy. Được kinh nghiệm, nó trở thành chân lí - và thế thì nhiều thứ bắt đầu thay đổi, thế thì bạn vứt bỏ tâm trí.
Và khi tâm trí bị vứt bỏ mọi thế giới đều biến mất. Khi tâm trí bị vứt bỏ, các đối thể biến mất; thế thì chúng không còn là đối thể nữa. Thế thì bạn không biết bạn kết thúc ở đâu và mọi vật bắt đầu ở đâu. Thế thì không có biên giới - biên giới biến mất.
Ban đầu bạn cảm thấy dường như mọi thứ đã mờ đi, nhưng dần dần bạn lắng vào trong hiện tượng mới này, mà chính là vô trí. Thế thì có các vì sao đó, nhưng chúng là một phần của bạn, không còn là đối thể nữa. Có hoa và cây đấy, nhưng chúng nở hoa trong bạn, không còn ở bên ngoài. Thế thì bạn sống với cái toàn bộ.
Rào chắn đã tan vỡ - rào chắn là tâm trí bạn. Thế thì lần đầu tiên không có thế giới, bởi vì ‘thế giới’ có nghĩa là cái toàn bộ của các đối thể. Lần đầu tiên có vũ trụ, và vũ trụ có nghĩa là cái một. Nhớ từ ‘một’. Điều này bạn gọi là vũ trụ sao?... sai. Đừng gọi nó là vũ trụ: với bạn nó là đa vũ trụ - nhiều thế giới, không còn là một thế giới. Nó chưa là một.
Nhưng khi tâm trí bị vứt bỏ, thế giới biến mất. Không có các đối thể. Các biên giới quyện lẫn nhau và trộn vào nhau. Cây trở thành đá, đá trở thành mặt trời, mặt trời trở thành sao, sao trở thành người đàn bà mà bạn yêu, và mọi thứ gặp gỡ và hoà quyện vào nhau. Và bạn không có đó, tách biệt. Bạn ở trong nó đập rộn ràng tại chính trái tim, thổn thức. Thế thì đấy là vũ trụ.
Tâm trí bị loại bỏ, các đối thể biến mất - ngọn nguồn mơ mộng đã biến mất. Bạn đã làm gì vậy? Bạn đã cố gắng để có được mơ mộng tốt hơn, tất nhiên chẳng kết quả gì. Nhưng toàn bộ nỗ lực của tâm trí là để có được mơ mộng tốt hơn. Đừng nghĩ rằng tâm trí có thể cho bạn mơ mộng tốt hơn - mơ chỉ là mơ mà thôi. Cho dù có tốt hơn, mơ sẽ không phải là một điều thoả mãn, nó không thể cho bạn sự mãn nguyện sâu sắc. Mơ chỉ là mơ thôi!
Nếu bạn cảm thấy khát bạn cần nước thực, không phải là nước mơ mộng. Nếu bạn đói bạn cần bánh mì thật, không phải là bánh mì mơ. Trong vài khoảnh khắc bạn có thể có khả năng tự lừa dối mình, nhưng được bao lâu?
Mọi đêm điều đó xảy ra: bạn đói, tâm trí tạo ra một mơ - bạn đang ăn, bạn đang ăn những của ngon vật lạ. Trong vài phút điều đó là được, thậm chí trong vài giờ điều đó là được, nhưng được bao lâu? Bạn có thể cứ ở trong mơ mãi mãi được không?
Điều đó giúp ích cho giấc ngủ, bạn không bị quấy rối. Nếu không thì cái đói sẽ quấy rầy bạn, bạn sẽ phải thức dậy và đi ra tủ lạnh. Điều đó có ích: bạn có thể cứ ngủ, cảm thấy rằng bạn đang ăn; không cần phải đi đâu cả. Nhưng đến sáng bạn sẽ biết rằng tâm trí lừa mình.
Toàn bộ cuộc đời bạn cũng tựa như mơ vậy, và bạn đang thay thế các đối thể mơ cho thực tại. Cho nên mọi ngày mọi thứ cứ bị tan vỡ, mọi ngày bạn đều bị choáng trong thực tại, bởi vì thực tại cứ va hết chỗ nọ tới chỗ kia. Bạn không thể tránh được nó! Mơ là thứ rất mong manh; thực tại cứ va vào và làm tan vỡ nó.
Và điều đó là tốt, đó là điều tốt của bạn, rằng thực tại làm tan vỡ mơ của bạn, làm tan nát chúng thành từng mảnh. Nhưng bạn lại bắt đầu thu thập các mảnh vỡ đó và tạo ra các mơ khác. Vứt nó đi! Bạn làm thế là đủ rồi. Chẳng cái gì đạt được cả. Bây giờ đừng thêm nó nữa!
Một khi bạn hiểu ra rằng việc mơ mộng cần phải bị chấm dứt thì thế giới các đối thể biến mất. Thế giới này thì vẫn có đó, nhưng không là các đối thể. Thế thì mọi thứ trở thành sống động, mọi thứ trở thành chủ quan.
Đó là ý nghĩa của người tôn giáo, người nói rằng mọi thứ đều là Thượng đế. Họ đang nói gì vậy? Thượng đế chỉ là biểu dụ. Không có ai ngồi đâu đó trên trời, điều khiển, quản lí, sắp đặt. Thượng đế chỉ là biểu dụ - biểu dụ rằng mọi thứ trên thế giới này không giống đồ vật, chúng là người. Sâu bên trong tính chủ quan có đó. Mọi thứ đều sống động và đập rộn ràng. Và cái đập rộn ràng đó không phải là tiến trình bị phân mảnh, cái đập rộn ràng này là cái đập toàn thể.
Tất nhiên bạn cảm thấy nhịp đập của trái tim gần trái tim, tại trái tim. Nhưng bạn cho rằng nó chỉ trong trái tim thôi sao? Thế thì bạn sai - toàn bộ thân thể cũng đang đập rộn ràng. Trái tim chỉ là chỉ dẫn, toàn thể đang đập rộn ràng. Đó là lí do tại sao khi tim dừng lại thì thân thể chết. Không phải thực sự trái tim đã đập rộn ràng, chính toàn thân thể đã đập rộn ràng qua trái tim; trái tim chỉ là một chỉ báo.
Bạn đang đập rộn ràng, nhưng cái toàn thể lại đập rộn ràng qua bạn - bạn chỉ là một chỉ báo, trái tim. Vũ trụ đập rộn ràng và đập qua bạn. Bạn không hiện hữu, vũ trụ hiện hữu.
Và vũ trụ không phải là toàn bộ các đối thể, nó là tính chủ quan. Nó tồn tại như người. Nó sống động, có ý thức. Nó không phải là cách bố trí máy móc, nó là sự thống nhất hữu cơ.
Bây giờ cố hiểu những lời này của Tăng Xán:
Khi đối thể suy nghĩ tan biến, chủ thể suy nghĩ tan biến, như khi tâm trí tan biến, đối thể tan biến.
Sự vật là đối thể bởi vì chủ thể; tâm trí là như vậy bởi vì sự vật.
Mọi thứ có đó quanh bạn bởi vì bạn. Bạn hấp dẫn chúng. Nếu bạn cảm thấy địa ngục quanh mình, đấy chính là bạn đã hấp dẫn nó tới. Đừng giận nó và đừng bắt đầu tranh đấu với nó; điều đó vô ích. Bạn đã hấp dẫn, bạn đã mời mọc - bạn đã làm điều đó! Và bây giờ ham muốn của bạn được thoả mãn: bất kì cái gì bạn cần đều ở xung quanh bạn. Và thế thì bạn bắt đầu tranh đấu và trở nên giận dữ. Bạn đã thành công!
Bao giờ cũng nhớ rằng bất kì cái gì đang xảy ra xung quanh bạn đều có gốc rễ trong tâm trí. Tâm trí bao giờ cũng là nguyên nhân. Nó là cái máy chiếu, và bên ngoài chỉ có các màn ảnh - bạn phóng chiếu bản thân mình. Nếu bạn cảm thấy nó xấu, thế thì đổi tâm trí đi. Nếu bạn cảm thấy bất kì cái gì tới từ tâm trí đều là địa ngục và ác mộng, thế thì vứt bỏ tâm trí đi. Làm việc với tâm trí, đừng làm việc với màn ảnh; đừng cứ tô vẽ nó và thay đổi nó. Làm việc với tâm trí.
Nhưng có một vấn đề, bởi vì bạn nghĩ bạn là tâm trí. Cho nên làm sao bạn có thể vứt bỏ nó được? Cho nên bạn cảm thấy bạn có thể vứt bỏ mọi thứ, thay đổi mọi thứ, vẽ lại, trang trí lại, bố trí lại, nhưng làm sao bạn có thể vứt bỏ bản thân mình được. Đó là gốc rễ của mọi rắc rối.
Bạn không phải là tâm trí, bạn ở bên ngoài tâm trí. Bạn đã trở nên bị đồng nhất, điều đó đúng, nhưng bạn không phải là tâm trí.
Và đây là mục đích của thiền: cho bạn những thoáng nhìn nhỏ rằng bạn không phải là tâm trí. Thậm chí chỉ vài khoảnh khắc tâm trí dừng lại... bạn vẫn có đó! Ngược lại, bạn lại còn nhiều hơn, tràn ngập với bản thể. Khi tâm trí dừng lại dường như là luồng chảy vẫn liên tục làn cạn kiệt bạn đã dừng lại. Bỗng nhiên bạn được tràn ngập với năng lượng. Bạn cảm thấy nhiều hơn!
Nếu thậm chí chỉ một khoảnh khắc bạn trở nên nhận biết rằng tâm trí không có đó nhưng có ‘đây,’ thì bạn đã đạt tới cốt lõi sâu xa của chân lí. Thế thì sẽ dễ dàng vứt bỏ tâm trí. Bạn không phải là tâm trí, nếu không thì làm sao bạn có thể vứt bỏ bản thân mình được? Sự đồng nhất cần phải bị loại bỏ trước nhất, thế thì tâm trí có thể bị loại bỏ.
Toàn bộ phương pháp của Gurdjieff là làm sao để đạt được không đồng nhất. Khi một ham muốn tới lần sau, nhìn vào nó. Nói bên trong với bản thân mình, “Thôi được, mình sẽ quan sát tâm trí này đi tới đâu.” Và bạn sẽ cảm thấy một khoảng cách... bạn đang nhìn vào nó. Ai là người nhìn này, khán giả này?... Và ham muốn di chuyển và tạo ra mơ.
Đôi khi bạn có thể quên, đôi khi bạn có thể trở thành một với ham muốn. Kéo mình ra lần nữa, nhìn vào ham muốn này lần nữa: ham muốn này đang di chuyển theo ý riêng của nó. Cứ dường như là mây đã đi vào, một ý nghĩ đã tới trong bầu trời của bản thể bạn. Chỉ nhìn vào nó, quan sát nó. Và nhớ, nếu bạn có thể không đồng nhất thậm chí với một mảnh của điều thứ hai - ham muốn có đó và bạn có đây, và có một khoảng cách - bỗng nhiên có sự bừng sáng, ánh sáng đã xảy ra cho bạn.
Bây giờ bạn biết rằng tâm trí làm việc theo cách riêng của nó, nó là cái máy. Bạn có thể vứt bỏ nó! Bạn có thể không dùng nó, bạn có thể dùng nó; bạn là người chủ. Bây giờ kẻ nô lệ, cái máy được đặt vào chỗ của nó; nó không còn là người chủ nữa. Thế thì vứt bỏ là có thể. Khi bạn khác với nó, chỉ thế thì vứt bỏ mới là có thể được.
Thiền, chứng kiến, ngồi im lặng và nhìn vào tâm trí, sẽ có ích nhiều lắm. Đừng áp đặt, đơn giản ngồi và nhìn. Đừng làm nhiều, chỉ quan sát như người xem chim bay trên trời. Nằm xuống đất và ngắm nghía, không làm gì cả, dửng dưng. Thực sự đừng bận tâm chúng đi đâu, chúng đi theo ý riêng của chúng.
Nhớ lấy, ý nghĩ cũng giống như chim: chúng đi theo ý của chúng. Và đôi khi việc xảy ra là những người quanh bạn, ý nghĩ của họ len vào bầu trời của bạn, ý nghĩ của bạn đi vào bầu trời của họ. Đó là lí do tại sao đôi khi bạn cảm thấy rằng với người nào đó bỗng nhiên bạn trở nên buồn; với người khác bỗng nhiên bạn cảm thấy nổi lên năng lượng và niềm hạnh phúc cùng vui sướng. Chỉ nhìn vào ai đó, ở gần người ấy, cái gì đó làm thay đổi tâm trạng bạn.
Điều đó xảy ra thậm chí cả với nơi chốn. Bạn đi vào trong nhà và bỗng nhiên u sầu lắng xuống bạn. Bạn vào một ngôi nhà khác, và bỗng nhiên bạn cảm thấy nhẹ nhàng, dường như đôi cánh đã tới với bạn, bạn có thể bay, bạn vô trọng lượng. Bạn đi vào một đám đông và bạn không còn là bản thân mình nữa, cái gì đó đã thay đổi. Bạn đi vào đám đông khác, lại cái gì đó đã thay đổi.
Đây là cơ sở của satsang: ở cùng với thầy, người không có ý nghĩ. Chỉ ở cùng với thầy, đôi khi cái vô suy nghĩ của thầy, cái vô trí của thầy, sẽ gõ cửa bạn. Trong khoảnh khắc nào đó... nó không thể bị thao tác, người ta phải đợi, người ta chỉ phải cầu nguyện và chờ đợi và quan sát. Điều đó không thể bị bắt buộc bởi vì nó không phải là ý nghĩ. Ý nghĩ là một vật, nó có thể bị ném vào bạn. Vô ý nghĩ không phải là một vật, nó không thể bị ném ra.
Ý nghĩ có chuyển động và lực đẩy của riêng nó. Bất kì khi nào bạn ở gần một người có quá nhiều ý nghĩ, người đó sẽ trút đầy bạn bằng ý nghĩ của người đó. Chỉ ở gần thôi, người đó sẽ cứ rót tâm trí của mình lên bạn - dù người ấy có nói hay không, đấy không phải là vấn đề. Liên tục, các ý nghĩ, tựa như tia lửa, toé từ đầu người ấy ra khắp xung quanh - bạn bắt giữ chúng.
Và đôi khi bạn thậm chí còn nhận biết rằng đây không phải là ý nghĩ của bạn. Nhưng khi nó tới bạn trở nên bị tràn đầy với nó, bạn trở nên bị đồng nhất thậm chí với cái đó. Đây không phải là giận dữ của bạn, ai đó khác đã giận dữ còn bạn cảm thấy cái gì đó bên trong mình. Ai đó đáng ghét và cái ghét huých vào bạn. Mọi thứ đều bị lây nhiễm, còn tâm trí là bệnh tật truyền nhiễm nhất trên thế giới. Không bệnh cúm nào có thể vượt được nó, nó cứ lây lan cho mọi người tất cả xung quanh.
Nếu bạn có thể thấy, bạn có thể thấy các tia lửa toé ra từ đầu người ta. Chúng có mầu sắc khác nhau. Đấy là lí do tại sao nhiều nhà huyền môn lại trở nên nhận biết về hào quang thế, bởi vì nếu một người u sầu tới, người đó đem theo hào quang u sầu. Bạn có thể thấy nó nếu mắt bạn trong trẻo. Bạn có thể thấy khi một người hạnh phúc tới quanh bạn. Thậm chí nếu bạn chưa thấy người đó - người đó còn đang tới ở phía sau bạn, bạn còn chưa thấy người đó - nhưng bỗng nhiên bạn cảm thấy cái gì đó hạnh phúc đang xảy ra xung quanh.
Ý nghĩ không phải của riêng bạn, chúng không phải là bạn. Khi bạn chết, ý nghĩ của bạn rải ra khắp xung quanh. Điều đó vẫn xảy ra, và lần sau khi bạn tới gần người sắp chết, quan sát xem - đấy là một kinh nghiệm tự bản thân nó. Khi một người sắp chết, ngồi và quan sát điều xảy ra cho tâm trí mình. Bạn sẽ ngạc nhiên; những ý nghĩ chưa bao giờ có đó, những ý nghĩ bạn không quen thuộc, những ý nghĩ chưa biết, bỗng nhiên bật ra trong bạn - bụp ra! Người này sắp chết và người ấy đang ném ra ý nghĩ của mình khắp xung quanh, giống như cây chết tung ra các hạt của nó. Nó đang trong hoảng sợ; trước khi cây chết nó phải ném ra các hạt mầm để cho cây khác mọc lên.
Đừng bao giờ tới gần người sắp chết nếu bạn không nhận biết, bởi vì thế thì người chết sẽ ảnh hưởng tới bạn. Về cơ bản, đừng bao giờ ở gần người mà bạn cảm thấy u sầu, buồn bã, chừng nào bạn còn chưa nhận biết. Nếu bạn nhận biết thế thì không có vấn đề gì. Thế thì cái u sầu tới rồi đi qua; bạn chưa hề bị đồng nhất với nó. Bạn đã bao giờ cảm thấy chưa?... vào nhà thờ, mọi người cầu nguyện - bạn lập tức cảm thấy khác. Nhiều cầu nguyện thế, cho dù không rất thực, chỉ là cầu nguyện chủ nhật, nhưng họ vẫn làm điều đó, cho dù vài khoảnh khắc cánh cửa sổ mở ra - chúng cũng khác. Một ngọn lửa bắt vào bạn, bỗng nhiên bạn cảm thấy những thay đổi bên trong mình.
Nhận biết đi! Và thế thì thấy cách các ý nghĩ đi vào trong tâm trí, cách bạn bị đồng nhất và trở thành một với chúng. Và chúng di chuyển nhanh thế, tốc độ lớn thế, bởi vì chẳng có gì nhanh hơn ý nghĩ. Không thể nào tạo ra bất kì cái gì tốc độ cao hơn ý nghĩ. Nó không mất thời gian nào để đạt tới bất kì đâu. Nó nhẩy từ cái vô hạn này sang cái vô hạn khác, không gian không tồn tại với nó.
Ý nghĩ có đó, di chuyển với tốc độ nhanh. Bởi tốc độ nhanh này mà bạn không thể nào thấy được hai ý nghĩ tách biệt. Ngồi đấy, nhắm mắt lại, làm chậm lại mọi tiến trình của thân thể. Việc thở chậm lại, nhịp tim đập chậm lại, áp huyết chậm lại. Bạn làm chậm lại mọi điều, bạn thảnh thơi, bởi vì nếu mọi thứ chậm lại, ý nghĩ cũng phải chậm lại, bởi vì đó là một toàn thể cô đọng. Khi mọi thứ chậm lại, ý nghĩ phải bị chậm lại.
Đó là lí do tại sao trong giấc ngủ say ý nghĩ dừng lại; bởi vì mọi thứ chậm thế và ý nghĩ là một thứ có tốc độ đến mức có sự phá vỡ - tiến trình này không thể tiếp tục được. Con người này chậm thế còn ý nghĩ lại có tốc độ thế; chúng không thể cùng nhau được. Ý nghĩ biến mất. Trong giấc ngủ say, chỉ vài giờ, nhiều nhất là hai giờ trong đêm, ý nghĩ dừng lại, bởi vì bạn hoàn toàn thảnh thơi.
Thảnh thơi và quan sát: khi tiến trình suy nghĩ chậm lại, bạn sẽ có khả năng thấy lỗ hổng. Giữa hai ý nghĩ có một khoảng hở - trong khoảng hở đó là tâm thức. Giữa hai đám mây có một khoảng hở - trong khoảng hở đó là bầu trời xanh.
Làm chậm tiến trình suy nghĩ và nhìn vào các khoảng hở, và chú ý tới khoảng hở nhiều hơn là đám mây. Dịch chuyển chú ý, thay đổi động thái. Đừng nhìn vào hình dáng, nhìn vào bối cảnh.
Nếu tôi đặt một chiếc bảng đen, một chiếc bảng đen lớn với kích cỡ của cả bức tường ở đây, và đánh dấu nó bằng một điểm trắng rồi hỏi bạn thấy gì, thì chín mươi chín phần trăm khả năng là bạn sẽ không thấy bảng đen, bạn sẽ thấy chấm trắng thôi - bởi vì chúng ta thấy hình dáng, không thấy bối cảnh.
Cái bảng đen lớn thế, nhưng nếu tôi hỏi bạn, “Bạn thấy gì ở đó?” thì bạn sẽ nói, “Tôi thấy một chấm trắng nhỏ.” Cái bảng lớn thế lại không được thấy mà chỉ thấy một chấm trắng nhỏ, gần như không thấy được thôi ư? Sao vậy? Bởi vì đây là hình mẫu cố định của tâm trí: nhìn vào hình dáng, không nhìn vào bối cảnh; nhìn vào đám mây, không nhìn vào bầu trời; nhìn vào ý nghĩ, không nhìn vào tâm thức.
Động thái này phải được thay đổi. Chú ý nhiều vào bối cảnh và ít chú hơn tới hình dáng. Bạn sẽ gần với thực tại hơn. Trong thiền điều này phải được làm liên tục. Tâm trí, bởi vì thói quen cũ, sẽ nhìn vào hình dáng. Bạn chỉ dịch chuyển lại... nhìn vào bối cảnh.
Bạn ở đây, tôi ở đây. Chúng ta có thể nhìn vào nhau theo hai cách. Tôi có thể nhìn vào bối cảnh; trong bối cảnh có cây cối, thực vật, mầu xanh, bầu trời - vũ trụ bao la là bối cảnh của bạn. Hay tôi có thể nhìn vào bạn, bạn là hình dáng. Nhưng tâm trí bao giờ cũng nhìn vào hình dáng.
Đó là lí do tại sao điều đó xảy ra nếu bạn tới gặp một người như Tăng Xán, Jesus hay Phật, bạn cảm thấy rằng mắt họ không nhìn vào bạn. Bạn chỉ là hình dáng và họ đang nhìn vào bối cảnh. Động thái của họ khác. Bạn có thể cảm thấy rằng mắt họ lạnh lùng bởi vì họ không chú ý tới bạn. Bạn chỉ là một đám mây.
Những người như Phật, khi họ nhìn, bạn có đó, nhưng chỉ như một phần nhỏ của bối cảnh. Và bối cảnh mới bao la, còn bạn chỉ là một chấm nhỏ. Nhưng bạn lại muốn ai đó nhìn vào bạn, tại chấm nhỏ đó, dường như bạn là vũ trụ này, dường như không có gì tồn tại bên ngoài bạn.
Tình yêu của chư phật sẽ có vẻ lạnh lẽo. Bạn cần tình yêu nóng bỏng, đôi mắt nhìn vào bạn và quên hết cái toàn thể: điều đó là không thể có với vị Phật. Bạn có chỗ của mình, nhưng bạn vẫn là một chấm nhỏ. Dù đẹp đến đâu thì bạn cũng chỉ là một phần của bối cảnh bao la - toàn bộ sự chú ý không thể chỉ dồn lên mỗi bạn.
Đó là lí do tại sao bản ngã lại cảm thấy rất bị tổn thương khi ở gần vị Phật, bởi vì bản ngã muốn được chú ý toàn bộ: “Nhìn tôi đây này, tôi là trung tâm của thế giới.” Nhưng bạn không là trung tâm thế giới. Thực sự, không có trung tâm trên thế giới, bởi vì trung tâm là có thể chỉ nếu thế giới bị giới hạn. Nếu nó là một đường tròn hữu hạn thế thì trung tâm là có thể - và nó thì lại là đường tròn vô hạn.
Thật ngớ ngẩn mà nghĩ về trung tâm. Không có trung tâm trên thế giới này; thế giới tồn tại mà không có bất kì trung tâm nào. Và đó là điều đẹp đẽ. Đó là lí do tại sao mọi người đều có thể nghĩ, “Ta là trung tâm.” Nếu có một trung tâm thế thì điều đó là không thể được.
Đó là lí do tại sao người Mô ha mét giáo và người Ki tô giáo và người Do Thái giáo sẽ không cho phép các khẳng định của người Hindu rằng “Ta là Thượng đế - Aham Brahmasmi.” Họ nói, “Đây là dị giáo. Các ông ấy đang nói gì vậy? Duy nhất Thượng đế là trung tâm; không ai khác là trung tâm cả.” Nhưng người Hindu có thể khẳng định một cách vui đùa rằng “Ta là Thượng đế,” bởi vì họ nói không có trung tâm, hay mọi người đều là trung tâm.
Nhưng khi bạn yêu cầu rằng toàn bộ sự chú ý nên dồn vào bạn, thì đây là tâm trí, thói quen cũ của tâm trí, không nhìn vào bối cảnh, chỉ nhìn vào hình dáng.
Trong thiền bạn phải dịch chuyển từ hình dáng sang bối cảnh, từ vì sao sang bầu trời. Dịch chuyển này càng xảy ra nhiều, bạn càng cảm thấy nhiều hơn rằng bạn không phải là tâm trí, bạn càng cảm thấy nhiều hơn rằng nó có thể bị vứt bỏ đi dễ dàng.
Điều đó cũng tựa như việc vứt bỏ trang phục. Bạn đã may nó quá chật đến mức cảm thấy nó như lớp da - nó không phải vậy. Nó giống như bộ trang phục; bạn có thể vứt bỏ nó đi một cách dễ dàng. Nhưng người ta phải hiểu rằng người ta là bối cảnh, không phải là hình dáng. Và khi tâm trí này bị vứt bỏ, Tăng Xán nói, thế thì thế giới khách quan đơn giản tan biến mất.
Ông ấy ngụ ý điều gì? Ông ấy có ngụ ý rằng nếu bạn ở sâu trong thiền, nếu bạn đã đạt tới mục đích vô trí, thế thì những cây này sẽ biến mất, tan biến đi chăng? Thế thì ngôi nhà này sẽ không còn ở đây nữa sao? Thế thì bạn sẽ không ngồi ở đây nữa sao? Nếu tôi đã đạt tới, thì cái ghế tôi đang ngồi sẽ tan biến đi chăng?
Không, các đối thể biến mất như các đối thể; không phải cái ghế này, không phải cái cây kia - chúng vẫn còn, nhưng chúng không còn bị giới hạn nữa. Bây giờ chúng không có biên giới. Thế thì cái ghế này gặp gỡ với mặt trời và với bầu trời, thế thì hình dáng và bối cảnh đã trở thành một. Không có hình dáng tách biệt khỏi bối cảnh, căn cước của chúng đã mất đi. Và chúng không còn là đối thể nữa, bởi vì bạn không còn là chủ thể ở đó nữa.
Krishnamurti cứ nói mãi về điều gì đó rất hay: rằng trong thiền sâu người quan sát trở thành cái được quan sát. Điều này là đúng, nhưng bạn sẽ cảm thấy rằng điều này có vẻ ngớ ngẩn. Nếu bạn đang nhìn vào hoa, liệu Krishnamurti có ngụ ý rằng bạn trở thành hoa không? Thế thì làm sao bạn sẽ về lại được? Và ai đó có thể ngắt bạn và bạn sẽ gặp rắc rối.
“Người quan sát trở thành cái được quan sát” - điều đó liệu có nghĩa là bạn trở thành hoa không? Không... nhưng theo một nghĩa nào đó thì vẫn có. Bạn không trở thành hoa theo nghĩa rằng bạn có thể bị ngắt ra và ai đó có thể mang bạn và bạn không còn là người nữa. Không, không theo nghĩa đó. Nhưng khi không có tâm trí, không có biên giới cho bạn phân tách bạn với hoa, không có biên giới cho hoa phân tách nó với bạn. Bạn mà có cả hai yếu tố này thì trở thành khối chủ quan, bạn hội nhập và gặp gỡ. Bạn vẫn còn là bạn, hoa vẫn còn là hoa, không ai có thể lầm lẫn đi ngắt bạn, nhưng vẫn có hội nhập.
Điều đó xảy ra trong cuộc sống của bạn, đôi khi chỉ trong vài khoảnh khắc khi bạn yêu người nào đó. Điều đó nữa cũng hiếm hoi, bởi vì tâm trí con người chưa bao giờ rời bỏ người đó, ngay cả trong tình yêu. Nó cứ tạo ra cái vô nghĩa của riêng nó, tạo ra thế giới của riêng nó. Và người yêu không còn được phép có sự gần gũi đến mức người đó đạt tới bối cảnh. Hình dáng, bản ngã, bao giờ cũng đứng ở giữa. Nhưng vài lần điều đó cũng xảy ra.
Tất nhiên, nó phải xảy ra mặc dù có bạn. Nó tự nhiên đến mức cho dù bạn có làm tất cả mọi thu xếp, đôi khi thực tại vẫn bột phát trong bạn. Mặc cho mọi thu xếp của bạn, mặc cho tất cả mơ mộng của bạn, đôi khi nó vẫn thấm vào bạn, đôi khi bạn vẫn không đề phòng. Đôi khi bạn quên mất, hay bạn quá bận tâm vào điều gì đó đến mức một cánh cửa sổ mở ra và bạn không nhìn vào cánh cửa sổ đó và thực tại đi vào.
Một vài khoảnh khắc, trong tình yêu, điều này xảy ra; khi người quan sát đã trở thành cái được quan sát. Đây là việc thiền đẹp: nếu bạn yêu một người thế thì ngồi với người đó và nhìn vào mắt nhau - không nghĩ điều gì, không nghĩ người đó là ai, không tạo ra tiến trình suy nghĩ, chỉ nhìn vào mắt nhau.
Có thể có một vài thoáng nhìn khi người quan sát sẽ trở thành cái được quan sát, khi bạn sẽ bị mất đi và bạn sẽ không biết bạn là ai - liệu bạn đã trở thành người được yêu hay người được yêu đã trở thành bạn. Đôi mắt là cánh cửa đẹp để đi vào lẫn nhau.
Và tại sao tôi nói chỉ trong tình yêu điều ấy mới là có thể? - bởi vì chỉ trong tình yêu bạn mới không đề phòng. Bạn thảnh thơi, bạn không sợ người khác, bạn có thể mong manh, bạn có thể đảm đương điều đó. Ngoài ra bạn bao giờ cũng đề phòng bởi vì bạn không biết người khác sẽ làm gì, bạn không biết liệu người ấy có làm tổn thương bạn hay không. Và nếu bạn không đề phòng, tổn thương có thể vào rất sâu.
Trong tình yêu bạn có thể nhìn vào mắt nhau. Sẽ có những thoáng nhìn nào đó khi mà bối cảnh và hình dáng tan biến vào lẫn nhau. Bạn sẽ bị rung động tới chính nền tảng của mình. Bỗng nhiên bạn sẽ có thoáng nhìn: bạn không hiện hữu, vậy mà bạn vẫn hiện hữu. Sâu ở đâu đó có gặp gỡ.
Điều này đã xảy ra cho thiền nhân thực sự với bản thân vũ trụ - không phải là người đó trở thành cây cối, thế nhưng người đó vẫn trở thành cây cối. Khi người đó ở cùng cây cối, các biên giới không có đó. Và khi người đó trở nên đồng điệu với mảnh đất vô biên cương này, thế thì người đó đi mà không có biên giới.
Đây chính là ý nghĩa của lời Tăng Xán. Khi tâm trí biến mất, đối thể tan biến. Khi đối thể tan biến, bạn tan biến, bản ngã tan biến. Chúng có quan hệ với nhau.
Hiểu tính tương đối của hai điều này và thực tại cơ bản: thống nhất của cái trống rỗng.
Hiểu tính tương đối của hai điều này và thực tại cơ bản: thống nhất của cái trống rỗng. Bạn tồn tại bởi vì các đối thể bao quanh bạn. Biên giới của bạn tồn tại bởi vì biên giới của các vật khác bao quanh bạn. Khi biên giới của chúng mất đi, biên giới của bạn mất đi - bạn có quan hệ lẫn nhau, bạn là cùng nhau.
Tâm trí bạn và các đối thể bên ngoài bạn được nối với nhau, chúng có một chiếc cầu. Nếu bờ bên này biến mất chiếc cầu sập đổ. Và với chiếc cầu sập đổ, bờ bên kia cũng biến mất, bởi vì không có khả năng nào cho một bờ tồn tại mà lại không có bờ bên kia. Đây là ý nghĩa của tính quan hệ.
Và thế thì có thống nhất - thống nhất của cái trống rỗng. Bạn trống rỗng và hoa trống rỗng, bởi vì không có biên giới cho hoa, thế thì làm sao có thể có trung tâm được? Đây là một trong những hiểu biết sâu sắc nhất của Phật, và chỉ Phật tử mới khẳng định điều này một cách đẹp đẽ như vậy. Họ nói không có atma, không có cái ta.
Và điều này đã bị hiểu lầm rất nhiều, bởi vì người Hindu nói rằng toàn bộ tôn giáo của họ là dựa trên atma, cái ta, cái ta tối thượng. Còn Phật lại nói, “Khi không có biên giới, làm sao cái ta tồn tại được?” Khi không có biên giới và tâm trí đã trở nên im lặng toàn bộ, làm sao cái ‘tôi’ có thể tồn tại được? Bởi vì cái ‘tôi’ là ồn ào. Làm sao bạn có thể nói, “tôi đây” khi cái toàn thể hiện hữu? Khi hình dáng và bối cảnh đã trở thành một, làm sao bạn có thể nói “tôi đây”?
Đây là trống rỗng của Phật, anatta. Từ này thật là hay - ‘anatta’, vô ngã. Bạn không còn nữa vậy mà bạn vẫn còn. Thực sự, lần đầu tiên bạn hiện hữu như cái toàn thể, nhưng không như một cá nhân, không như cái được xác định, đánh dấu, được bao bọc. Bạn hiện hữu như cái toàn thể, nhưng bạn lại không hiện hữu như một cá thể, như sự tách biệt đã được đánh dấu, được định nghĩa. Bạn không còn là hòn đảo nữa, bạn là sự mở rộng bao la của cái trống rỗng.
Và điều tương tự cũng xảy ra cho hoa, và điều tương tự cũng xảy ra cho cây cối, và điều tương tự cũng xảy ra cho chim chóc và cho con vật, và điều tương tự cũng xảy ra cho đất đá, vì sao và mặt trời. Khi cái ta của bạn tan biến đi, cái ta cũng biến mất khỏi mọi nơi, bởi vì đó là sự phản xạ của cái ta của bạn, đó là cái ta của bạn vang vọng qua vũ trụ, đó là cái điên khùng của bạn được phản xạ lại. Bây giờ nó không còn đó nữa.
Tăng Xán đang nói rằng khi có trống rỗng thì có thống nhất. Nếu bạn hiện hữu, làm sao có thể có bất kì thống nhất nào được? Chính sự tách biệt bản thể của bạn tạo ra sự không thống nhất này.
Người Mô ha mét giáo nói rằng họ yêu người Hindu giáo, họ là anh em; người Ki tô giáo nói họ yêu người Do Thái giáo, họ là anh em. Mọi người đều là anh em, nhưng làm sao bạn có thể là anh em khi bạn là người Ki tô giáo? Làm sao bạn có thể là anh em khi bạn là người Hindu giáo? Sự phân ranh giới của bạn, biên giới của bạn, mang tính thù nghịch trong đó. Nhiều nhất bạn có thể tha thứ cho người khác, nhưng bạn không thể là một với người khác. Và chỉ nói ‘anh em’ thì cũng chẳng ích gì, bởi vì không ai có thể tranh đấu nguy hiểm như các anh em.
Việc nói rằng tôi là người Hindu tức là tôi đang làm cho bản thân mình tách rời khỏi cái toàn thể. Việc nói rằng tôi mạnh mẽ tức là tôi đang làm cho bản thân mình tách rời khỏi vũ trụ. Việc nói rằng tôi phi thường tức là tôi đang làm cho bản thân mình tách rời khỏi vũ trụ. Đây là điều Trang Tử nói: Là người thường. Điều đó nghĩa là đừng tách bạch theo bất kì cách nào, đừng tạo ra các định nghĩa rạch ròi về bản thân mình. Sống với các biên giới linh động, cái bao giờ cũng sẵn sàng hội ngộ và tan chảy.
Hiểu tính tương đối của hai điều này và thực tại cơ bản: thống nhất của cái trống rỗng.
Trong cái trống rỗng này cái hai đó là không thể phân biệt được...
Chúng không thể được phân biệt ra, chúng không thể được cảm thấy như là tách biệt - tách khỏi cái khác. Chúng tách biệt đấy, nhưng tách biệt này là hoàn toàn khác. Bạn có thể phân biệt, nhưng tách biệt này không phải là do bản ngã.
Cũng giống hệt như một con sóng trong đại dương: bạn có thể phân biệt... sóng là sóng, không phải là đại dương - nhưng nó vẫn cứ là đại dương. Sóng không thể tồn tại mà thiếu đại dương. Đại dương đang dậy sóng trong nó, đại dương đang đập trong nó. Nó tách biệt về hình dạng, nhưng nó vẫn không tách biệt về sự tồn tại. Bạn tách biệt, và bạn vẫn không tách biệt. Đây là nghịch lí nền tảng nhất mà con người đi tới kinh nghiệm ra khi người đó kinh nghiệm cái vô ngã, anatta.
... và mỗi cái đều chứa trong nó toàn bộ thế giới.
Không tách biệt, bạn không mất gì cả, bạn thu được cái toàn thể. Và bạn bao giờ cũng lo sợ mất. Bạn bao giờ cũng nghĩ, “Nếu mình đánh mất bản thân mình thế thì mình không còn nữa. Mình sẽ được cái gì?” Bạn mất, mà bạn thu được cái toàn thể. Và bạn chẳng mất cái gì ngoài khổ của mình, nỗi lo âu của mình, nỗi khổ sở. Bạn có gì để mà mất?! Bạn chẳng có gì để mất cả - chỉ khổ của bạn, tù túng của bạn.
... Và mỗi cái đều chứa trong nó toàn bộ thế giới. Khi bạn mất, bạn trở thành toàn thể thế giới này: tất cả đều là của bạn. Bạn là kẻ ăn xin bởi vì chính bản thân mình; bạn có thể trở thành hoàng đế. Tâm trí là bình bát ăn xin.
Tôi đã nghe một câu chuyện Sufi. Đấy là một trong những giáo huấn Sufi cổ nhất.
Một người ăn xin đến cung điện của một hoàng đế. Hoàng đế đang ở trong vườn cho nên ông ta nghe thấy tiếng người ăn xin. Người ở ngoài cổng định đem cho cái gì đó, nhưng người ăn xin này nói, “Tôi có một điều kiện. Tôi bao giờ cũng nhận từ người chủ, không bao giờ nhận từ người hầu.”
Hoàng đế nghe thấy. Ông ấy đang đi dạo cho nên ông ấy tới để gặp người ăn xin này, bởi vì người ăn xin không có điều kiện gì. Nếu bạn là kẻ ăn xin làm sao bạn có thể có điều kiện được? “Anh ta hình như là một kẻ ăn xin hiếm hoi.” Thế là ông ấy tới gặp - và anh ta quả là một kẻ ăn xin hiếm hoi thực. Nhà vua chưa bao giờ thấy một người giống như hoàng đế như vậy trước đây; anh ta là cái không. Con người này có niềm vinh quanh nào đó bao quanh anh ta, vẻ duyên dáng. Trang phục của anh ta rách tả tơi, gần như trần, nhưng bình bát ăn xin thì lại rất, rất quí báu.
Hoàng đế nói, “Sao có điều kiện?”
Người ăn xin nói, “Bởi vì người hầu bản thân họ đã là kẻ ăn xin và tôi không muốn bất lịch sự với bất kì ai. Chỉ người chủ mới có thể cho. Làm sao người hầu có thể cho được? Cho nên nếu ông đã sẵn sàng, ông có thể cho và tôi sẽ chấp nhận điều đó. Nhưng thế nữa thì tôi vẫn còn một điều kiện, và đó là: bình bát ăn xin của tôi phải được trút đầy.
Bình bát ăn xin nhỏ thế! Hoàng đế bắt đầu cười to. Ông ta nói, “Ngươi dường như điên rồi. Ngươi nghĩ ta không thể trút đầy được bình bát ăn xin của ngươi sao?” Và thế rồi ông ta ra lệnh cho quan thượng thư đem đá quí tới, vô song, duy nhất, và trút chúng vào bình bát ăn xin.
Nhưng họ gặp khó khăn, bởi vì họ càng trút vào bình bát ăn xin, đá quí rơi tọt vào đó và thậm chí chúng chẳng tạo nên tiếng động nào, chúng đơn giản biến mất. Và bình bát ăn xin vẫn còn trống rỗng.
Thế là hoàng đế lâm vào tình thế khó khăn, toàn bộ bản ngã ông ta bị lâm nguy. Ông ta, một hoàng đế vĩ đại người cai quản cả trái đất, lại không thể nào trút đầy được một bình bát ăn xin! Ông ta ra lệnh, “Đem mọi thứ lại đây, nhưng bình bát ăn xin này phải được trút đầy.”
Các kho báu của ông ta... trong nhiều ngày các kho báu của ông ta đều bị trống rỗng, nhưng bình bát vẫn còn trống rỗng. Chẳng còn lại cái gì nữa. Hoàng đế đã trở thành kẻ ăn xin, tất cả đều mất. Hoàng đế sụp xuống dưới chân người ăn xin và nói, “Bây giờ ta cũng là một kẻ ăn xin và ta chỉ cầu xin một điều. Nói cho ta biết bí mật của cái bình bát này, nó dường như là ma thuật!”
Người ăn xin nói, “Chẳng có gì cả... nó được làm bằng tâm trí con người, chẳng có gì ma thuật cả.”
Mọi tâm trí con người đều chỉ là cái bình bát này: bạn cứ trút vào nó, nó vẫn còn trống rỗng. Bạn ném cả thế giới, các thế giới cùng nhau, và chúng đơn giản biến mất chẳng tạo nên âm thanh nào. Bạn cứ cho và nó bao giờ cũng ăn xin.
Cho tình yêu, và bình bát ăn xin có đó, tình yêu của bạn biến mất. Cho toàn bộ cuộc sống của bạn, và bình bát ăn xin có đó, nhìn vào bạn với con mắt phàn nàn, “Bạn chẳng cho gì cả. Tôi vẫn trống rỗng.” Và bằng chứng duy nhất rằng bạn có thể cho là nếu bình bát ăn xin đầy - mà nó thì chẳng bao giờ đầy cả. Tất nhiên, logic là rõ ràng: bạn vẫn chưa cho.
Bạn đã đạt tới nhiều, nhiều điều - tất cả chúng đã biến mất trong bình bát ăn xin này. Tâm trí là quá trình tự tử. Trước khi tâm trí biến mất, bạn sẽ vẫn còn là kẻ ăn xin. Bất kì cái gì mà bạn có thể thu được đều sẽ là phù phiếm; bạn sẽ vẫn còn trống rỗng.
Và nếu bạn làm tan biến tâm trí này, qua cái trống rỗng lần đầu tiên bạn trở thành được tràn đầy. Bạn không còn nữa, nhưng bạn đã trở thành cái toàn thể. Nếu bạn còn đó, bạn sẽ vẫn còn là kẻ ăn xin. Nếu bạn không còn đó, bạn trở thành hoàng đế.
Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ chúng ta đã gọi người ăn xin là swami. ‘Swami’ có nghĩa là bậc thầy, hoàng đế. Bạn không thể tìm ra từ nào hay hơn cho sannyasin. Khi tôi đang nghĩ đến tên nào cần cho, để trao cho sannyasin mới, tôi không thể nào cải tiến hơn được nó. Swami dường như là tốt nhất. Nó có nghĩa là người đã ném bản thân mình đi một cách toàn bộ đến mức người đó không còn nữa; người đó đã trở thành toàn bộ thế giới, bậc thầy của tất cả. Ngoài ra thì thậm chí hoàng đế cũng vẫn còn là kẻ ăn xin: họ cứ ham muốn, đòi hỏi và khổ sở.
Nếu ông không phân biệt giữa thô thiển và tinh tế ông sẽ không bị quyến dũ tới định kiến và ý kiến.
Nếu bạn không phân biệt giữa thô thiển và tinh tế, tốt và tồi, đẹp và xấu, cái này và cái nọ - nếu bạn không phân biệt, nếu bạn không phân chia, bạn đơn giản chấp nhận cái toàn thể như nó hiện thế. Bạn không đưa tâm trí mình vào trong nó, bạn không trở thành quan toà. Bạn đơn giản nói, “Nó là vậy.”
Gai có đó, bạn nói, “Nó là vậy”; hoa hồng có đó, bạn nói, “Nó là vậy”; thánh nhân có đó, bạn nói, “Nó là vậy”; tội nhân có đó, bạn nói, “Nó là vậy”. Và cái toàn thể biết; không ai khác có thể biết tại sao tội nhân lại tồn tại. Phải có lí do nào đó, nhưng đó là bí ẩn cho cái toàn thể, không phải cho bạn bận tâm tới.
Cái toàn thể cho việc sinh thành ra thánh nhân và tội nhân, gai và hoa hồng - chỉ cái toàn thể mới biết tại sao. Bạn đơn giản rơi vào trong cái toàn thể và bạn không tạo ra bất kì phân biệt nào. Bạn cũng sẽ biết tại sao, nhưng chỉ khi bạn trở thành cái toàn thể.
Bí ẩn này được giải quyết khi bạn đã trở thành bản thân bí ẩn đó. Bạn không thể giải quyết nó mà vẫn còn là bản thân mình. Nếu bạn vẫn còn là bản thân mình, bạn sẽ thành triết gia lớn. Bạn sẽ có nhiều câu trả lời và mà chẳng câu nào trả lời cả; bạn sẽ có nhiều lí thuyết nhưng không có chân lí. Nhưng nếu bạn trở thành bản thân bí ẩn ấy, bạn sẽ biết. Nhưng tri thức đó lại tinh tế đến mức nó không thể rút lại thành lời được. Tri thức đó ngược đời đến mức nó phủ nhận mọi ngôn ngữ. Tri thức đó mâu thuẫn thế - bởi vì các cái đối lập mất đi biên giới, chúng trở thành một - không lời nào có thể nói về nó.
Hình dáng ngụ ý lời còn bối cảnh ngụ ý im lặng. Trong tri thức đó, hình dáng và bối cảnh đã trở thành một, im lặng và lời nói đã trở thành một. Làm sao bạn có thể nói được nó? Nhưng vẫn cứ phải nói ra, bởi vì có nhiều người còn đang khát khao về nó. Thậm chí nghe thấy nó, có thể là trái tim ai đó bắt đầu cuộc hành trình. Đó là lí do tại sao Tăng Xán đang nói những điều này.
Tăng Xán biết chúng không thể được nói ra, bởi vì bất kì khi nào bạn nói nó, bạn đều phải tạo ra phân biệt. Bất kì khi nào bạn nói điều gì đó, bạn phải chọn lời. Bất kì khi nào bạn phải nói điều gì đó, bạn ưa thích cái này hơn cái kia và tâm trí len vào.
Nhưng không ai đã cố gắng được hơn Tăng Xán. Ông ấy là vô song. Bạn không thể nào tìm được người nào khác mà đặt được cái im lặng đó vào trong lời nói hay đến vậy. Thậm chí đến Phật cũng cảm thấy ghen tị. Tăng Xán này thực sự là bậc thầy - bậc thầy của im lặng và bậc thầy của lời nói. Ông ấy đã đặt cái gì đó vào trong thế giới này, cái mà không thuộc vào thế giới này. Ông ấy đã làm thấm nhuần vào lời nói cái im lặng sâu sắc của kinh nghiệm của ông ấy.
Lắng nghe lời ông ấy - không chỉ lắng nghe, hấp thu. Để cho chúng tan chảy vào trong trái tim bạn. Đừng ghi nhớ chúng. Để chúng đi vào trong máu bạn và trở thành máu xương bạn. Hấp thu, ăn chúng, tiêu hoá chúng, và quên chúng. Và chúng có sức mạnh cực kì lớn lao để biến đổi.
Nhận xét
Đăng nhận xét