Chương 9. Không hai
Chương 9. Không hai
Trong thế giới này của phản ánh như thế không có cái ta lẫn cái khác hơn cái ta.
Việc đi trực tiếp vào sự hài hoà với thực tại này đơn giản chỉ là nói khi hoài nghi nảy sinh, “Không hai.”
Trong cái “không hai” này không có gì tách biệt, không có gì bị loại trừ.
Dù khi nào và ở đâu cũng không thành vấn đề, chứng ngộ có nghĩa là đi vào chân lí này.
Và chân lí này vượt ra ngoài sự mở rộng hay giảm bớt về thời gian hay không gian; trong nó chỉ một ý nghĩ cũng là mười nghìn năm.
Trước hết, cố hiểu từ ‘phản ánh như thế’. Phật tuỳ thuộc vào từ này rất nhiều. Theo ngôn ngữ riêng của Phật thì nó là tathata, phản ánh như thế. Toàn bộ thiền Phật giáo bao gồm việc sống trong từ này, sống với từ này sâu sắc đến mức thế giới biến mất và bạn trở thành việc phản ánh như thế.
Chẳng hạn, bạn ốm. Thái độ của phản ánh như thế là: chấp nhận nó và tự nói với mình, “Đấy là con đường của thân thể,” hay “Mọi việc là vậy.” Đừng tạo ra tranh đấu, đừng bắt đầu vật lộn. Bạn đau đầu - chấp nhận nó, như thế là bản tính của mọi vật. Bỗng nhiên có thay đổi, bởi vì khi thái độ này đi vào, thì thay đổi đi theo như một cái bóng. Nếu bạn có thể chấp nhận đau đầu, thế thì đau đầu biến mất.
Bạn cứ thử điều đó đi. Nếu bạn chấp nhận căn bệnh nó bắt đầu biến mất. Tại sao nó lại xảy ra? Nó xảy ra bởi vì bất kì khi nào bạn tranh đấu, năng lượng của bạn bị phân chia: một nửa năng lượng đi vào trong bệnh, cái đau đầu, còn một nửa năng lượng thì tranh đấu với cái đau đầu - kẽ nứt, lỗ hổng và tranh đấu. Thực sự, tranh đấu này là sự đau đầu sâu sắc hơn.
Một khi bạn chấp nhận, một khi bạn không phàn nàn, một khi bạn không tranh đấu, năng lượng đã trở thành một ở bên trong. Kẽ nứt được bắc cầu qua. Và như vậy nhiều năng lượng được thoát ra bởi vì bây giờ không có xung đột - việc thoát năng lượng ra bản thân nó trở thành lực chữa lành. Chữa lành không tới từ bên ngoài. Tất cả những điều mà thuốc thang có thể làm là để giúp cho thân thể đem lực chữa lành của riêng nó vào hành động. Tất cả những điều mà bác sĩ có thể làm chỉ là giúp cho bạn tìm ra năng lực chữa lành của riêng bạn. Mạnh khoẻ không thể bị ép buộc từ bên ngoài, nó là nở hoa năng lượng của bạn.
Từ ‘phản ánh như thế’ có thể có tác dụng sâu sắc tới bệnh thể chất, tới bệnh tinh thần và cuối cùng tới bệnh tâm linh - đây là một phương pháp bí mật - tất cả chúng đều tan biến. Nhưng bắt đầu từ thân thể đã, bởi vì đó là tầng thấp nhất. Nếu bạn thành công ở đó, thế thì có thể thử các mức cao hơn. Nếu bạn thất bại ở đó, thế thì sẽ khó cho bạn đi lên cao hơn.
Cái gì đó sai trong thân thể: thảnh thơi và chấp nhận nó, và đơn giản nói bên trong - không chỉ bằng lời mà cảm thấy nó sâu sắc - rằng như thế là bản chất của mọi vật. Thân thể là sự hợp thành, biết bao nhiêu thứ được tổ hợp vào trong nó. Thân thể được sinh ra, nó nghiêng về cái chết. Và nó là cái máy, và phức tạp; có mọi khả năng cái gì đó này khác đi sai.
Chấp nhận điều đó, và đừng bị đồng nhất. Khi bạn chấp nhận bạn vẫn còn ở trên, bạn vẫn còn vượt ra ngoài. Khi bạn tranh đấu, bạn ở cùng mức độ. Chấp nhận là siêu việt lên. Khi bạn chấp nhận, bạn ở trên núi, thân thể bị bỏ lại đằng sau. Bạn nói, “Vâng, như thế là tự nhiên. Mọi thứ sinh ra đều sẽ phải chết. Và nếu mọi thứ sinh ra đều phải chết thì đôi khi chúng cũng ốm chứ. Chẳng có gì phải lo nghĩ quá nhiều cả.” - dường như là nó không xảy ra cho bạn, chỉ xảy ra trong thế giới các đồ vật.
Đây là cái đẹp: rằng khi bạn không tranh đấu, bạn siêu việt lên. Bạn không còn ở cùng mức nữa. Và siêu việt này trở thành lực chữa lành. Bỗng nhiên thân thể bắt đầu thay đổi. Và cũng điều đó xảy ra cho những lo nghĩ tinh thần, căng thẳng, lo âu, tủi nhục. Bạn lo nghĩ về điều gì đó. Lo nghĩ là gì vậy? Bạn không thể chấp nhận được sự kiện, đó là lo nghĩ. Bạn muốn nó theo cách nào đó khác với cách nó đang xảy ra. Bạn lo nghĩ bởi vì bạn có ý tưởng nào đó áp đặt vào tự nhiên.
Chẳng hạn, bạn đang già đi. Bạn lo nghĩ. Bạn muốn vẫn còn trẻ mãi - đây là nỗi lo. Bạn yêu vợ, bạn phụ thuộc vào cô ấy và cô ấy lại đang nghĩ tới việc bỏ đi, hay đi với người đàn ông khác, và bạn lo âu - lo âu bởi vì điều gì sẽ xảy ra cho bạn? Bạn phụ thuộc vào cô ấy quá nhiều, bạn cảm thấy quá nhiều an ninh với cô ấy. Khi cô ấy bỏ đi sẽ không có an ninh. Cô ấy không chỉ là vợ của bạn, cô ấy cũng đã là người mẹ, chỗ trú ẩn; bạn không thể tới và ẩn trốn toàn thế giới. Bạn có thể dựa vào cô ấy, cô ấy sẽ có đó. Thậm chí nếu toàn thế giới chống lại bạn, cô ấy sẽ không chống lại bạn, cô ấy là niềm an ủi. Bây giờ cô ấy bỏ đi, điều gì sẽ xảy ra cho bạn? Bỗng nhiên bạn hoảng sợ, lo nghĩ.
Bạn đang nói gì? Bạn đang nói gì bởi lo nghĩ của mình? Bạn đang nói bạn không thể chấp nhận việc xảy ra này, điều này phải không như vậy. Bạn trông đợi nó phải khác đi, phải ngược lại: bạn muốn người vợ này là của bạn mãi mãi, thế mà bây giờ cô ấy lại bỏ đi. Nhưng bạn có thể làm được gì?
Khi tình yêu biến mất bạn có thể làm được gì? Không có cách nào cả; bạn không thể bắt ép được tình yêu, bạn không thể bắt ép người vợ này ở lại với bạn. Vâng, bạn có thể bắt ép - đó là điều mọi người vẫn đang làm - bạn có thể bắt ép. Cái thân thể chết sẽ có đó, nhưng linh hồn sống đã bỏ đi rồi. Thế thì điều đó sẽ là căng thẳng trong bạn.
Chống lại tự nhiên, chẳng thể làm được cái gì cả. Tình yêu là việc nở hoa, bây giờ hoa đã tàn phai. Làn gió đã thổi tới trong nhà bạn, bây giờ nó đã đi sang nhà khác. Như thế là cách thức của mọi vật, chúng cứ đi và thay đổi.
Thế giới của mọi vật là luồng chảy, chẳng có gì thường hằng ở đó cả. Đừng trông đợi! Nếu bạn trông đợi thường hằng trong thế giới này, nơi mọi vật đều vô thường, bạn sẽ tạo ra lo nghĩ. Bạn sẽ muốn tình yêu này là vĩnh viễn. Chẳng cái gì có thể vĩnh viễn trong thế giới này cả - tất cả những cái thuộc vào thế giới này đều là tạm thời. Đây là bản chất của mọi vật, phản ánh đúng như vậy, tathata.
Cho nên bây giờ bạn biết tình yêu đã biến mất. Nó đem cho bạn nỗi buồn - cũng được, chấp nhận nỗi buồn. Bạn cảm thấy run rẩy - chấp nhận run rẩy, đừng kìm nén nó. Bạn cảm thấy muốn kêu gào, khóc lóc. Chấp nhận nó! Đừng bắt buộc nó, đừng làm ra vẻ, đừng giả vờ rằng bạn không lo nghĩ, bởi vì điều đó chẳng ích gì. Nếu bạn lo nghĩ thì bạn lo nghĩ rồi; nếu vợ bỏ đi thì cô ấy bỏ đi rồi; nếu tình yêu không còn nữa thì nó không còn nữa rồi. Bạn không thể tranh đấu với sự kiện, bạn phải chấp nhận nó.
Và nếu bạn chấp nhận nó dần dần, thế thì bạn sẽ liên tục trong đau đớn và khổ sở. Nếu bạn chấp nhận nó mà không phàn nàn gì, không trong bất lực nhưng trong hiểu biết, nó trở thành phản ánh như thế. Thế thì bạn không còn lo nghĩ, thế thì không có vấn đề gì - bởi vì vấn đề nảy sinh không phải vì sự kiện đó, mà bởi vì bạn không thể chấp nhận nó theo cách nó đã xảy ra. Bạn muốn nó phải theo bạn.
Nhớ lấy, cuộc sống không định theo bạn đâu, bạn phải theo cuộc sống chứ - miễn cưỡng, hạnh phúc, đó là lựa chọn của bạn. Nếu bạn theo một cách miễn cưỡng, bạn sẽ khổ thôi. Nếu bạn theo một cách sung sướng, bạn trở thành vị phật, cuộc sống của bạn trở thành cực lạc.
Phật cũng phải chết - mọi sự không thay đổi - nhưng ông ấy chết theo cách khác. Ông ấy chết một cách hạnh phúc thế, cứ như là không có cái chết. Ông ấy đơn giản biến mất, bởi vì ông ấy nói cái được sinh ra thì sẽ chết đi. Sinh kéo theo tử, cho nên điều đó là được, chẳng cái gì có thể làm được về nó cả.
Bạn có thể khổ sở và chết: thế thì bạn làm lỡ vấn đề, cái đẹp mà chết có thể trao cho bạn, ân huệ xảy ra trong khoảnh khắc cuối, chói sáng xảy ra khi thân thể và linh hồn ra đi. Bạn sẽ bỏ lỡ cái đó bởi vì bạn lo nghĩ quá nhiều, và bạn níu bám lấy quá khứ và với thân thể quá nhiều đến mức mắt nhắm lại. Bạn không thể thấy điều đang xảy ra bởi vì bạn không thể chấp nhận nó được, cho nên bạn nhắm mắt lại, bạn đóng toàn thể con người mình lại. Bạn chết. Bạn sẽ chết nhiều lần, và bạn sẽ cứ bỏ lỡ vấn đề về nó.
Cái chết là đẹp nếu bạn có thể chấp nhận, nếu bạn có thể mở cánh cửa bằng trái tim đón chào, đón tiếp nồng hậu: “Vâng, bởi vì nếu tôi được sinh ra thì tôi sẽ chết. Cho nên cái ngày đó đã tới, vòng tròn trở thành hoàn chỉnh.” Bạn đón nhận cái chết như khách, người khách được đón chào, và phẩm chất của hiện tượng này thay đổi ngay lập tức.
Bỗng nhiên bạn bất tử: thân thể sắp chết, bạn không chết. Bạn có thể thấy bây giờ: chỉ quần áo là bị vứt bỏ, không phải bạn; chỉ lớp che phủ, bình chứa, không phải là nội dung. Tâm thức vẫn còn trong chói sáng của nó - nhiều thế bởi vì trong cuộc sống nhiều thứ đã che phủ lên nó, trong cái chết nó trần trụi. Và khi tâm thức ở trong sự trần trụi toàn bộ thì nó có sự rực rỡ của riêng nó; nó là cái đẹp nhất trên thế giới.
Nhưng để có điều đó bạn phải hấp thu thái độ về phản ánh như thế. Khi tôi nói hấp thu, tôi ngụ ý là hấp thu - không chỉ ý nghĩ tinh thần, không chỉ triết lí của việc phản ánh như thế, mà toàn bộ cách sống của bạn đều trở thành phản ánh như thế. Bạn thậm chí không nghĩ về nó, điều đó đơn giản trở thành tự nhiên.
Bạn ăn trong phản ánh như thế, bạn ngủ trong phản ánh như thế, bạn thở trong phản ánh như thế, bạn yêu trong phản ánh như thế, bạn khóc trong phản ánh như thế. Điều đó trở thành chính phong cách của bạn; bạn không cần bận tâm về nó, bạn không cần nghĩ về nó, nó là cách thức bạn đang hiện hữu. Đó là điều tôi ngụ ý qua từ ‘hấp thu’. Bạn hấp thu nó, bạn tiêu hoá nó, nó chảy trong máu bạn, nó đi sâu vào trong xương bạn, nó đạt tới chính nhịp đập của trái tim bạn. Bạn chấp nhận.
Nhớ lấy, từ ‘chấp nhận’ không hay lắm đâu. Nó mang gánh nặng - bởi vì bạn, không phải bởi vì từ này - bởi vì bạn chấp nhận chỉ khi bạn cảm thấy bất lực. Bạn chấp nhận một cách miễn cưỡng, bạn chấp nhận một cách nửa vời. Bạn chấp nhận chỉ khi bạn không thể làm được gì nữa, nhưng sâu bên dưới bạn vẫn ao ước; bạn sẽ hạnh phúc nếu điều đó đã không thế. Bạn chấp nhận giống như kẻ ăn xin, không giống như nhà vua - và khác biệt là lớn lao.
Nếu người vợ bỏ đi hay người chồng bỏ đi, cuối cùng bạn đi tới chấp nhận điều đó. Còn có thể làm được gì nữa nào? Bạn kêu khóc và nhiều đêm bạn nghiền ngẫm và lo nghĩ, và nhiều cơn ác mộng quay quanh bạn và khổ sở... và thế rồi làm gì? Thời gian chữa lành, không phải là hiểu biết. Thời gian - và nhớ lấy, thời gian là cần thiết chỉ bởi vì bạn không hiểu biết, nếu không thì việc chữa lành tức khắc xảy ra.
Thời gian là cần thiết bởi vì bạn không hiểu biết. Cho nên dần dần - sáu tháng, tám tháng, một năm - mọi sự trở nên mờ đi, trong kí ức chúng mất dần, bị bao phủ bởi nhiều bụi bặm. Và lỗ hổng tới từ một năm; dần dần bạn quên đi.
Nhưng đôi khi vết thương vẫn còn đau. Đôi khi một phụ nữ đi ngang qua trên đường và bỗng nhiên bạn nhớ lại. Đôi điều tương tự, cách cô ấy bước đi, và người vợ được nhớ tới - và vết thương. Thế rồi bạn yêu ai đó, thế thì thêm nhiều bụi bặm phủ lên, thế thì bạn nhớ ít đi. Nhưng thậm chí với người đàn bà mới, đôi khi cách cô ấy nhìn... và vợ bạn. Cách cô ấy hát trong nhà tắm... và kí ức. Và vết thương có đó, vẫn xanh rờn.
Nó gây đau đớn bởi vì bạn mang quá khứ. Bạn mang mọi thứ, đó là lí do tại sao bạn nặng gánh thế. Bạn mang mọi thứ! Bạn là đứa trẻ; đứa trẻ vẫn có đó, bạn đang mang nó. Bạn là thanh niên; người thanh niên ấy vẫn có đó với tất cả những vết thương của mình, với kinh nghiệm, cái ngu xuẩn - anh ta vẫn có đó. Bạn mang toàn bộ quá khứ của mình, hết tầng nọ tới tầng kia, mọi thứ đều có đó. Đó là lí do tại sao bạn đôi khi đi lùi.
Nếu cái gì đó xảy ra và bạn cảm thấy bất lực, bạn bắt đầu khóc như trẻ con. Bạn đã đi lùi theo thời gian, đứa trẻ đã nắm quyền. Đứa trẻ còn hiệu quả trong việc khóc hơn bạn, cho nên đứa trẻ tới và nắm quyền, bạn bắt đầu kêu khóc. Bạn thậm chí còn có thể bắt đầu giãy đành đạch như đứa trẻ đang trong cơn thịnh nộ - nhưng mọi thứ đều có đó.
Tại sao mang nhiều gánh nặng thế? Bởi vì bạn chưa bao giờ thực sự chấp nhận điều gì cả. Nghe đây: nếu bạn chấp nhận bất kì điều gì, nó đơn giản chẳng bao giờ trở thành gánh nặng cả; thế thì bạn không mang vết thương. Bạn chấp nhận hiện tượng đó; không có gì phải mang từ nó cả, bạn ở ngoài nó. Qua chấp nhận bạn ở ngoài nó. Qua chấp nhận nửa vời, bạn mang nó.
Nhớ lấy một điều: bất kì cái gì không hoàn chỉnh đều được tâm trí mang theo mãi mãi; bất kì cái gì hoàn chỉnh, đều bị vứt bỏ. Bởi vì tâm trí có khuynh hướng mang những cái không hoàn chỉnh chỉ trong hi vọng rằng ngày nào đó có thể có cơ hội để hoàn chỉnh chúng. Bạn vẫn cứ chờ đợi vợ quay lại, hay chồng quay lại, hay bạn vẫn đợi những ngày đã qua đi. Bạn vẫn chưa siêu việt lên trên quá khứ.
Và bởi vì quá khứ quá nặng gánh nên bạn không thể sống trong hiện tại được. Hiện tại của bạn là đống lộn xộn bởi vì quá khứ, còn tương lai của bạn cũng sắp sửa là như vậy, bởi vì quá khứ sẽ trở thành ngày một nặng nề hơn. Mọi ngày nó đều trở nên nặng nề hơn và nặng nề hơn nữa.
Khi bạn thực sự chấp nhận, trong thái độ phản ánh như thế mà không có miễn cưỡng, bạn không bất lực. Bạn đơn giản hiểu rằng đây là bản chất của mọi việc. Chẳng hạn, nếu tôi muốn đi ra khỏi phòng này, tôi sẽ đi ra qua cửa, không đi qua tường, bởi vì đi qua tường sẽ chỉ làm đập đầu tôi vào nó; điều đó đơn giản là xuẩn ngốc. Đây là bản chất của tường, để che kín, cho nên bạn không thể cố gắng đi qua nó được! Đây là bản chất của cửa, rằng bạn đi qua nó; bởi vì cửa là trống rỗng, bạn có thể bước qua nó.
Khi vị Phật chấp nhận, ông ấy chấp nhận mọi thứ như tường và cửa. Ông ấy bước qua cửa; ông ấy nói đó là con đường duy nhất. Trước hết bạn cố gắng đi qua tường, rồi bạn tự làm mình bị thương theo cả triệu cách. Và khi bạn không thể ra được - bị vò xé, thất bại, thất vọng, thiệt hại - thế thì bạn mới bò ra hướng cửa. Bạn có thể đã đi qua cửa ngay chỗ đầu tiên đấy chứ. Sao bạn lại cứ thử và bắt đầu tranh đấu với tường?
Nếu bạn có thể nhìn vào mọi thứ với sự sáng tỏ, bạn đơn giản không làm những điều giống thế này - cố gắng làm ra cửa ở bức tường. Nếu tình yêu biến mất, thì nó đã mất rồi! Bây giờ có bức tường: đừng cố gắng đi qua nó. Bây giờ cửa không còn ở đó nữa; trái tim không còn ở đấy nữa, trái tim đã mở ra với ai đó khác. Và bạn không một mình ở đây; còn có những người khác nữa.
Cánh cửa này không còn cho bạn nữa, nó đã trở thành bức tường. Đừng cố gắng, và đừng đâm đầu vào nó. Bạn sẽ bị thương một cách không cần thiết. Và dù có bị thương, bị thất bại thậm chí thế cánh cửa này vẫn sẽ không là điều đẹp đẽ để đi qua.
Bạn đơn giản nhìn mọi sự. Nếu cái gì đó là tự nhiên, đừng cố gắng ép buộc bất kì điều gì không tự nhiên lên nó. Chọn cánh cửa - đi ra từ đó. Mọi ngày bạn đang làm những điều ngu xuẩn đi qua tường. Thế thì bạn trở nên căng thẳng, và thế thì bạn cảm thấy lẫn lộn liên tục. Phiền não trở thành chính cuộc sống của bạn, cốt lõi của nó - và thế rồi bạn tìm tới thiền.
Nhưng ngay chỗ đầu tiên tại sao? Tại sao không nhìn vào các sự kiện như chúng hiện thế? Tại sao bạn không thể nhìn vào các sự kiện được? - bởi vì ham muốn của bạn quá nhiều ở đó. Bạn cứ hi vọng chống lại tất cả hi vọng. Đó là lí do tại sao bạn lại lâm vào cảnh ngộ bất lực đến thế.
Nhìn xem: bất kì khi nào có tình huống, đừng ham muốn điều gì, bởi vì ham muốn sẽ dẫn bạn đi lạc lối. Đừng ước ao và đừng tưởng tượng. Đơn giản nhìn vào sự kiện đó với tâm thức toàn bộ có sẵn của mình và bỗng nhiên cánh cửa mở ra và bạn chưa bao giờ đi qua tường, bạn đi qua cửa, không bị xây xước. Thế thì bạn vẫn còn không nặng gánh.
Nhớ lấy, phản ánh như thế là hiểu biết, không phải là định mệnh bất lực. Cho nên đó là khác biệt. Có những người tin vào định mệnh, số mệnh. Họ nói, “Thầy nói gì vậy? Thượng đế đã muốn điều đó theo cách như vậy. Đứa con trẻ của con đã chết, cho nên đấy là ý muốn của Thượng đế và đây là định mệnh của con. Nó đã được viết ra, nó sẽ xảy ra.” Nhưng sâu bên dưới có bác bỏ. Đây chỉ là những thủ đoạn để trau chuốt cho bác bỏ. Bạn có biết Thượng đế không? Bạn có biết số mệnh không? Bạn có biết nó được viết ra không? Không, đây là việc hợp lí hoá, cách thức bạn tự an ủi mình.
Thái độ của phản ánh như thế không phải là thái độ của người theo thuyết định mệnh. Nó không đem Thượng đế, hay định mệnh, hay số mệnh vào - không có gì. Nó nói: đơn giản nhìn vào mọi sự việc. Đơn giản nhìn vào sự kiện của mọi việc, hiểu biết, và có một cánh cửa, bao giờ cũng có một cánh cửa. Bạn siêu việt lên.
Phản ánh như thế có nghĩa là chấp nhận với trái tim toàn bộ, đón chào, không trong bất lực.
Trong thế giới này của phản ánh như thế không có cái ta lẫn cái khác hơn cái ta.
Và một khi bạn hội nhập - bạn được hội nhập vào trong phản ánh như thế, trong tathata, trong hiểu biết - không có ai là bạn và không có ai là khác bạn, không cái ta, không cái khác cái ta. Trong phản ánh như thế, trong hiểu biết sâu sắc về bản chất của mọi sự, các biên giới biến mất.
Mulla Nasruddin bị ốm. Bác sĩ đến khám anh ta và nói, “Tốt rồi, Nasruddin, rất tốt. Anh đã đỡ đấy, anh đang khá lên, mọi thứ đều gần được cả. Chỉ còn lại mỗi một điều: thận di động của anh còn chưa ổn. Nhưng tôi không lo nghĩ chút nào về nó.”
Nasruddin ngó bác sĩ và nói, “Bác sĩ cho là nếu thận di động của bác sĩ không ổn thì tôi sẽ lo nghĩ về nó sao?”
Tâm trí bao giờ cũng phân chia: người khác và mình. Và khoảnh khắc mà bạn phân chia mình và người khác, thì người khác trở thành kẻ thù, người khác không thể là bạn được. Đây là một điều cơ bản cần phải được hiểu sâu sắc, bạn cần hiểu thấu vào trong nó: người khác không thể là bạn bè được, người khác là kẻ thù. Trong chính việc là ‘người khác’, người đó là kẻ thù của bạn. Một số người thù địch hơn, một số ít hơn, nhưng người khác vẫn còn là kẻ thù.
Ai là bạn? - người ít tính kẻ thù nhất, thực sự, không gì khác cả. Bạn là người ít thù địch nhất với bạn và kẻ thù là người ít thân thiện nhất với bạn, nhưng họ đứng sắp hàng. Bạn đứng ở gần hơn, kẻ thù đứng xa hơn, nhưng tất cả họ đều là kẻ thù. Người khác không thể là bạn được. Điều đó là không thể được, bởi vì với người khác nhất định có cạnh tranh, ghen tị, vật lộn.
Bạn đang tranh đấu với cả bạn bè nữa - tất nhiên, tranh đấu theo cách bạn bè thôi. Bạn đang cạnh tranh với bạn bè nữa, bởi vì tham vọng của bạn cũng là tham vọng của họ. Bạn muốn đạt tới danh vọng, quyền lực; họ cũng muốn đạt tới danh vọng và quyền lực. Bạn muốn có vương quốc lớn bao quanh mình, họ cũng muốn thế. Bạn đang tranh đấu vì cùng một điều, và chỉ ít người mới có nó.
Không thể nào có bạn trong thế giới này. Phật có bạn, bạn có kẻ thù. Phật không thể có kẻ thù được, bạn không thể có bạn bè được. Tại sao Phật lại có bạn? - bởi vì người khác đã biến mất; bây giờ không có ai là người khác hơn ông ấy.
Và khi ‘người khác’ này biến mất thì ‘tôi’ cũng phải biến mất, bởi vì họ là hai cực của cùng một hiện tượng. Tại đây bên trong tồn tại bản ngã, bên ngoài tồn tại người khác - hai cực của một hiện tượng. Nếu một cực biến mất, nếu ‘bạn’ biến mất, thì ‘tôi’ cũng biến theo với nó; nếu ‘tôi’ biến mất, thì ‘bạn’ cũng biến mất.
Bạn không thể làm cho người khác biến mất được, bạn chỉ có thể làm cho bản thân mình biến mất thôi. Nếu bạn biến mất thì không có người khác; khi cái ta bị vứt bỏ thì không có cái người. Đó là cách thức duy nhất.
Nhưng chúng ta cố gắng, chúng ta cố gắng chỉ điều đối lập - chúng ta cố gắng giết chết cái ‘bạn’. Cái ‘bạn’ không thể bị giết chết được, cái ‘bạn’ không thể bị sở hữu, bị chi phối. Cái ‘bạn’ sẽ vẫn còn là sự nổi dậy, bởi vì cái ‘bạn’ là trong nỗ lực để giết chết bạn. Các bạn cả hai đều đang tranh đấu cho cùng một bản ngã - người ấy vì bản ngã người ấy, bạn vì bản ngã của mình.
Toàn bộ nền chính trị của thế giới này là làm sao giết chết cái ‘bạn’ để cho chỉ cái ‘tôi’ là còn lại và mọi thứ được an bình. Bởi vì khi không có ai khác, bạn một mình có đó, thì mọi sự sẽ an bình. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra và sẽ chẳng bao giờ xảy ra cả. Làm sao bạn có thể giết chết người khác được? Làm sao bạn có thể phá huỷ được người khác? Người khác là bao la, toàn bộ vũ trụ này là người khác.
Tôn giáo làm việc theo một chiều hướng khác: nó cố gắng vứt bỏ cái tôi. Và một khi cái tôi bị vứt bỏ thì không có người khác, người khác biến mất. Đó là lí do tại sao bạn lại níu bám lấy lời phàn nàn và ác cảm của mình - bởi vì chúng giúp cho cái tôi có đấy. Nếu giầy bó chân quá, thế thì cái tôi có thể tồn tại dễ dàng hơn. Nếu đôi giầy không bó, chân bị quên mất; thế thì cái tôi biến mất.
Mọi người níu bám lấy bệnh tật của mình, họ níu bám lấy lời phàn nàn của mình, họ níu bám lấy tất cả những gì bó chặt. Và họ cứ nói rằng “Đây là những vết thương và chúng tôi muốn chúng được chữa lành.” Nhưng sâu bên dưới họ cứ tạo ra các vết thương, bởi vì nếu tất cả các vết thương đều được chữa lành thì họ sẽ không có đó.
Quan sát mọi người: họ bám lấy cái ốm yếu của mình. Họ nói về nó cứ như nó là cái gì đó đáng nói tới. Mọi người nói về cái ốm yếu, về tâm trạng tiêu cực của mình, còn nhiều hơn bất kì cái gì khác. Lắng nghe họ, và bạn sẽ thấy rằng họ đang thích thú việc nói về nó.
Mọi tối tôi đều phải lắng nghe, trong nhiều năm tôi đã từng lắng nghe. Nhìn vào khuôn mặt họ - họ đang thích điều đó! Họ là kẻ tử vì đạo... ốm yếu của họ, giận dữ của họ, hận thù của họ, vấn đề này nọ của họ, tham lam của họ, tham vọng. Và chỉ nhìn thôi, toàn bộ vấn đề đơn giản là điên khùng - bởi vì họ đang yêu cầu loại bỏ những điều đó, nhưng nhìn vào khuôn mặt họ mà xem, họ đang thích thú điều đó đấy. Và nếu chúng thực sự mất đi, thế thì họ sẽ hưởng thú cái gì đây? Nếu tất cả những cái ốm yếu của họ biến mất và họ hoàn toàn là toàn thể và mạnh khoẻ, thì sẽ chẳng có gì cho họ nói cả!
Mọi người tới các nhà tâm thần và thế rồi họ cứ nói mãi về điều đó, rằng họ đã đến khám nhà tâm thần này nọ, họ đã tới bậc thầy này nọ. Thực sự, họ thích thú nói rằng “Tất cả mọi người đều phải bó tay trước tôi. Tôi vẫn thế, chẳng ai có thể thay đổi được tôi cả.” Họ thích điều này, cứ dường như là họ thành công bởi vì họ đang chứng tỏ mọi nhà tâm thần đều thất bại. Tất cả các ‘con đường’ đều thất bại.
Tôi đã nghe nói về một người bị chứng nghi bệnh, cứ liên tục nói về bệnh của mình. Và chẳng ai tin anh ta cả, bởi vì anh ta đã được kiểm tra và khám xét theo mọi cách có thể mà chẳng có gì sai cả. Nhưng ngày nào anh ta cũng đến bác sĩ - anh ta đang trong khó khăn nghiêm trọng.
Thế rồi dần dần vị bác sĩ này nhận ra rằng “Bất kì điều gì anh ta nghe thấy - nếu trên ti vi có một quảng cáo về thuốc nào đó và nói về bệnh nào đó - thì ngay lập tức bệnh đó xảy ra cho anh ta. Nếu anh ta đọc về bất kì bệnh gì trong một tạp chí, thì ngay lập tức, ngày hôm sau, anh ta đã có đó tại văn phòng của bác sĩ - ốm, ốm hoàn toàn. Và anh ta bắt chước mọi triệu chứng.”
Thế là có lần bác sĩ nói với anh ta, “Đừng có làm phiền tôi quá nhiều, bởi vì tôi đã đọc cùng tờ tạp chí mà anh đọc và tôi đã nghe cùng chương trình ti vi anh đã nghe. Mà mới chỉ hôm trước thôi anh đã ở đây với bệnh đó.”
Người này nói, “Bác sĩ nghĩ sao? Bác sĩ có phải là bác sĩ duy nhất trong thành phố không?”
Anh ta thôi đến vị bác sĩ này, nhưng anh ta không thể chấm dứt cái điên khùng của mình về bệnh tật.
Thế rồi anh ta chết, vì mọi người đều phải chết. Trước khi chết anh ta bảo vợ viết vài lời lên tảng đá cẩm thạch đặt trên mồ anh ta. Chúng vẫn được viết ở đó. Trong chữ to tướng trên tấm bia mộ có dòng chữ: “Bây giờ ông đã tin rằng tôi đúng chưa?”
Mọi người cảm thấy hạnh phúc thế về khổ sở của mình. Tôi đôi khi cũng cảm thấy rằng nếu tất cả khổ sở của họ biến mất, thì không biết họ sẽ làm gì? Họ sẽ nhàn rỗi đến mức họ đơn giản tự tử. Và đây đã là quan sát của tôi: bạn giúp cho họ thoát ra khỏi khổ sở này, ngày hôm sau họ lại hiện diện đó với cái gì đó khác. Bạn giúp họ thoát ra khỏi cái đó, họ lại sẵn sàng... dường như có níu bám sâu sắc vào khổ sở. Họ thu được cái gì đó từ nó, đấy là đầu tư - và nó đang trả giá.
Đầu tư là gì? Đầu tư là ở chỗ khi chiếc giầy không vừa, bạn cảm thấy nhiều hơn là bạn hiện thế. Khi giầy vừa hoàn toàn, bạn đơn giản thảnh thơi. Nếu giầy vừa hoàn toàn, thì không chỉ chân bị quên mất, cái tôi cũng biến mất. Không thể có bất kì cái tôi nào với tâm thức phúc lạc - không thể được!
Chỉ với tâm trí khổ sở thì cái tôi mới có thể tồn tại; cái tôi chẳng là gì ngoài tổ hợp của tất cả những khổ sở của bạn. Cho nên nếu bạn thực sự sẵn sàng vứt bỏ cái tôi, chỉ thế thì khổ sở của bạn mới biến mất. Bằng không bạn sẽ tạo ra những khổ sở mới. Không ai có thể giúp bạn được, bởi vì bạn đang trên con đường tự huỷ diệt, tự chuốc lấy thất bại.
Cho nên lần sau, bất kì khi nào bạn tới tôi với bất kì vấn đề gì, trước hết tự hỏi bên trong mình liệu bạn có muốn nó được giải quyết hay không, bởi vì, nhận biết đi - tôi có thể trao nó. Bạn có thực quan tâm tới việc giải quyết nó hay chỉ nói về nó thôi? Bạn cảm thấy thoải mái khi nói về nó.
Đi vào nội tâm và hỏi, và bạn sẽ cảm thấy: tất cả mọi khổ sở của bạn tồn tại bởi vì bạn hỗ trợ cho chúng. Không có hỗ trợ của bạn, chẳng cái gì có thể tồn tại cả. Bởi vì bạn trao cho nó năng lượng, thế thì nó tồn tại; nếu bạn không trao cho nó năng lượng, nó không thể tồn tại được. Và ai đang ép buộc bạn phải trao cho nó năng lượng? Thậm chí khi bạn buồn, cũng cần có năng lượng, bởi vì không năng lượng bạn không thể buồn được.
Để làm cho hiện tượng buồn xảy ra, bạn phải trao năng lượng. Đó là lí do tại sao sau buồn bạn cảm thấy tiêu tán thế, mòn mỏi thế. Điều gì đã xảy ra? - bởi vì trong chán nản bạn không làm gì cả, bạn đơn giản buồn. Cho nên tại sao bạn lại cảm thấy tiêu tán và mòn mỏi thế? Bạn đáng phải thoát ra khỏi nỗi buồn mà vẫn tràn đầy năng lượng chứ - nhưng không.
Nhớ lấy, tất cả những xúc động tiêu cực đều cần năng lượng, chúng làm mòn mỏi bạn. Và tất cả những xúc động tích cực và thái độ tích cực đều là máy phát năng lượng; chúng tạo ra nhiều năng lượng hơn, chúng không bao giờ làm mòn mỏi bạn.
Nếu bạn hạnh phúc, bỗng nhiên toàn bộ thế giới tuôn chảy năng lượng về bạn, toàn bộ thế giới cười với bạn. Và mọi người đều đúng theo tục ngữ của họ nếu họ nói: “Khi bạn cười, cả thế giới cười với bạn. Khi bạn khóc, bạn khóc một mình.” Điều đó đúng, điều đó hoàn toàn đúng.
Khi bạn tích cực toàn bộ sự tồn tại cho bạn thêm nữa, bởi vì khi bạn hạnh phúc, toàn bộ sự tồn tại hạnh phúc với bạn. Bạn không nặng gánh, bạn là hoa; bạn không là tảng đá, bạn là con chim. Toàn bộ sự tồn tại cảm thấy hạnh phúc về bạn.
Khi bạn giống như tảng đá, ngồi chết lặng với nỗi buồn, nuôi dưỡng nỗi buồn của mình, chẳng ai ở cùng với bạn cả. Không ai có thể cùng bạn được. Đơn giản một lỗ hổng xảy đến giữa bạn và cuộc sống. Thế thì bất kì cái gì bạn đang làm, bạn cũng phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng của mình. Nó sẽ bị tiêu tán đi; bạn đang làm phí hoài năng lượng của mình, bạn đang bị cạn kiệt bởi chính cái vô nghĩa của mình.
Nhưng một điều có đấy: rằng khi bạn buồn và tiêu cực, bạn sẽ cảm thấy bản ngã nhiều hơn. Khi bạn hạnh phúc, phúc lạc, cực lạc, bạn sẽ không cảm thấy bản ngã. Khi bạn hạnh phúc và cực lạc, không có cái tôi, và người khác biến mất. Bạn được bắc cầu với sự tồn tại, không phải là phần bị vỡ rời; bạn được gắn lại.
Khi bạn buồn, giận, tham, khi chỉ đi vào bên trong mình và tận hưởng vết thương của mình và nhìn đi nhìn lại chúng, chơi đùa với những vết thương của mình, cố gắng làm kẻ chịu đoạ đầy, có lỗ hổng giữa bạn và sự tồn tại. Bạn bị bỏ lại một mình, và ở đó bạn sẽ cảm thấy cái tôi. Và khi bạn cảm thấy cái tôi, toàn bộ sự tồn tại trở thành thù địch với bạn. Không phải là nó trở thành thù địch với bạn với vì cái tôi của bạn đâu - nó có vẻ thù địch thôi. Và nếu bạn thấy rằng mọi người đều là kẻ thù, bạn sẽ hành xử theo cách mà mọi người đều phải là kẻ thù.
Trong thế giới này của phản ánh như thế không có cái ta lẫn cái khác hơn cái ta.
Khi bạn chấp nhận tự nhiên và tan biến vào trong nó, bạn đi cùng nó. Bạn không có bước nào của riêng mình, bạn không có bất kì điệu vũ nào của riêng mình, bạn không có thậm chí tới một bài ca nhỏ để hát của riêng mình - bài ca của cái toàn thể là bài ca của bạn, điệu vũ của cái toàn thể là điệu vũ của bạn. Bạn không là phần ngoài nữa.
Bạn không cảm thấy rằng “Mình hiện hữu”; bạn đơn giản cảm thấy, “Cái toàn thể hiện hữu. Mình chỉ là một con sóng, đến rồi đi, tới rồi mất, hiện hữu rồi không hiện hữu. Mình tới và đi, cái toàn thể còn lại. Và mình tồn tại bởi vì cái toàn thể, cái toàn thể tồn tại qua mình.”
Đôi khi nó mang hình dạng, đôi khi nó trở thành vô hình dạng; cả hai đều đẹp. Đôi khi nó nẩy sinh trong thân thể, đôi khi nó biến mất khỏi thân thể. Nó phải như vậy, bởi vì cuộc sống là nhịp điệu. Đôi khi bạn phải ở trong hình dạng, thế rồi bạn phải nghỉ ngơi khỏi hình dạng. Đôi khi bạn phải hoạt động và di chuyển, một con sóng, và đôi khi bạn đi vào chiều sâu của biển cả và nghỉ ngơi, không chuyển động. Cuộc sống là nhịp điệu.
Cái chết không phải là kẻ thù. Nó chỉ là thay đổi nhịp điệu, chuyển sang nhịp điệu khác. Chẳng mấy chốc bạn sẽ được sinh ra - lại sống động, trẻ trung hơn, tươi tắn hơn. Cái chết là cần thiết. Bạn không chết đi trong cái chết; chỉ tất cả bụi bặm đã bám quanh bạn phải bị gột sạch đi. Đó là cách duy nhất để được làm trẻ lại. Không chỉ Jesus được phục sinh, mọi thứ đều được phục sinh trong sự tồn tại.
Ngay bây giờ đây cây hạnh ngoài kia đã trút bỏ tất cả các lá úa, bây giờ lá mới đã thay thế chúng. Đây là cách thức! Nếu cây cứ níu bám lấy lá cũ thế thì nó sẽ không bao giờ mới, và thế thì nó sẽ thành mục nát. Tại sao lại tạo ra xung đột? Cái cũ mất đi chỉ để cái mới tới. Nó nhường chỗ, nó tạo ra không gian, chỗ đứng, cho cái mới tới. Và cái mới bao giờ cũng sẽ tới và cái cũ bao giờ cũng sẽ đi.
Bạn không chết. Chỉ lá cũ rụng xuống, chỉ tạo ra chỗ cho lá mới. Tại đây bạn chết đi, tại kia bạn được sinh ra; tại đây bạn biến mất, tại kia bạn xuất hiện. Từ hình dạng sang vô hình dạng, từ vô hình dạng sang hình dạng; từ thân thể sang vô thân thể, từ vô thân thể sang thân thể; chuyển động, nghỉ ngơi, nghỉ ngơi, chuyển động - đây là nhịp điệu. Nếu bạn nhìn vào nhịp điệu thì bạn không lo nghĩ về cái gì cả. Bạn tin cậy.
Trong thế giới này của phản ánh như thế ... trong thế giới của tin cậy... không có cái ta lẫn cái khác hơn cái ta.
Thế thì bạn không có đó, cũng chẳng có người nào khác ở đó cả. Cả hai đã biến mất, cả hai đã trở thành nhịp điệu của cái một. Cái Một đó tồn tại, cái Một đó là thực tại, là chân lí.
Việc đi trực tiếp vào sự hài hoà với thực tại này đơn giản chỉ là nói khi hoài nghi nảy sinh, “Không hai.”
Đây là một trong những câu mật chú cổ nhất. Bất kì khi nào hoài nghi nẩy sinh, bất kì khi nào bạn cảm thấy bị phân chia, bất kì khi nào bạn thấy rằng nhị nguyên đang tới trong con người, đơn giản nói bên trong: “Không hai” - nhưng nói điều đó với nhận biết, không lặp lại nó theo cách máy móc.
Đây là vấn đề với mọi mật chú; thực sự, đây là vấn đề với mọi sự. Bạn có thể làm nó một cách máy móc, thế thì bạn bỏ lỡ vấn đề; bạn làm mọi thứ và bạn vẫn lỡ. Hay bạn có thể làm nó với tràn đầy nhận biết, thông minh, hiểu biết, và thế thì sự việc xảy ra.
Bất kì khi nào bạn cảm thấy yêu nảy sinh, nói, “Không hai.” Nếu không thì ghét đang đợi ở kia - chúng là một. Khi bạn cảm thấy ghét nảy sinh, nói, “Không hai.” Bất kì khi nào bạn cảm thấy việc níu bám với sự sống, nói, “Không hai.” Bất kì khi nào bạn cảm thấy sợ chết, nói, “Không hai, chỉ một hiện hữu.”
Và việc nói này phải là hiểu biết của bạn; nó phải tràn đầy với thông minh, thấm nhuần sáng tỏ. Và bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy thảnh thơi bên trong. Khoảnh khắc bạn nói, “Không hai” - nếu bạn đang nói nó một cách có hiểu biết, không lặp lại theo cách máy móc - bạn bỗng nhiên cảm thấy chói sáng.
Ai đó đã xúc phạm bạn và bạn cảm thấy bị xúc phạm. Đơn giản nhớ và nói, “Không hai.” Bởi vì người xúc phạm và người bị xúc phạm là một. Cho nên tại sao phải lo nghĩ? Người kia không làm điều gì với bạn cả, người ấy đã làm với chính mình - bởi vì chỉ cái một tồn tại.
Chuyện đã xảy ra:
Vào năm 1857 có cuộc nổi dậy ở Ấn Độ chống lại nước Anh. Một đêm một sannyasin vừa đi qua phố, nhưng người ấy không nhận biết rằng đó là trại lính. Cho nên người ấy bị bắt. Và người ấy đã giữ im lặng trong ba mươi năm. Khi cảnh sát bắt người ấy và người Anh hỏi người ấy, “Tại sao anh lại đi ở đây? Đây là khu vực cấm. Không có giấy phép anh không được vào,” người ấy đơn giản đứng đấy bởi vì người ấy không thể nói được. Trong ba mươi năm người ấy đã không nói, vậy phải làm gì? Và người ấy đã không viết, người ấy đã không dùng bất kì cách trao đổi nào.
Họ nghĩ rằng người ấy định đánh lừa, và người ấy không phải là người trông ngu xuẩn, người ấy rất thông minh. Phẩm chất ấy của mắt người ấy, cách thức người ấy đứng... người ấy là một người đẹp. Người ấy không phải là kẻ ngu hay thằng ngốc.
Cho nên họ bảo người ấy, “Anh nói với chúng ta, bằng không thì chúng ta sẽ bắn anh.” Nhưng người ấy vẫn đứng như cũ. Thế là họ nghĩ, “Người này phải là tên gián điệp và tới dò la; anh ta đang cố gắng tìm cái gì đó trong trại, đó là lí do tại sao anh ta im lặng.”
Thế là họ nói, “Anh nói đi, nếu không chúng ta sẽ giết anh.”
Nhưng người ấy đứng đấy, thế là họ giết anh ta.
Người ấy đã có lời nguyền ba mươi năm trước đây rằng chỉ một lần người ấy nói trong đời mình. Cho nên khi người ấy bị giết, và người lính Anh với lưỡi lê giết chết người ấy, khi lưỡi lê đâm vào tim người ấy, người ấy chỉ thốt ra một lời. Đấy là cơ sở, chính cơ sở của hiểu biết và trí huệ phương Đông; đó là một lời của Upanishad. Người ấy nói, “Tattvamasi” - cái đó là ngươi - và chết!
Bạn cũng là cái đó: cái Một. Kẻ giết và người bị giết là một, cho nên tại sao phải lo nghĩ? Cho nên tại sao phải lấy quan điểm? Tại sao không hợp nhất vào người khác? Bởi vì người khác cũng là mình, và người khác và mình cũng là cái đó. Chỉ cái một tồn tại.
Không ai có thể hiểu được điều người ấy nói bởi vì người ấy thốt ra lời này trong tiếng Phạn: tattvamasi. Nhưng phẩm chất của người chết này cao đến mức ngay cả kẻ giết, kẻ sát hại, cũng trở nên nhận biết rằng họ đã làm điều gì đó sai. Bởi vì họ chưa bao giờ thấy một gián điệp chết theo cách như vậy. Gián điệp thì chỉ là gián điệp thôi! Và phúc lạc và năng lượng được thoát ra khi người này chết mới mênh mông làm sao. Mọi người đều cảm thấy nó ở trong trại, cứ như là bất ngờ có tia sét đánh.
Ba mươi năm im lặng... và thế rồi nếu bạn nói ra một lời thì nó phải là như vậy. Biết bao nhiêu năng lượng, cái im lặng của ba mươi năm trong một lời đó, ‘tattvamasi’, điều đó trở thành nguyên tử, nó nổ!
Mọi người trong trại, ngay cả những người đang ngủ trong lều, họ cũng cảm thấy rằng cái gì đó đã xảy ra. Nhưng bây giờ thì quá trễ rồi.
Thế rồi họ đi tìm một học giả brahmin để tìm ra người ấy đã nói gì. Tại đó họ mới thấy rằng người đó đã nói điều tối thượng: Cái đó là ngươi, tattvamasi, chỉ cái một hiện hữu.
Bất kì khi nào bạn đối diện với lẫn lộn, với hoài nghi, với phân chia, xung đột, bất kì khi nào bạn chỉ đi vào chọn lựa điều gì đó, nhớ lấy, không hai. Làm cho nó thành mật chú sâu sắc, vang vọng bên trong con người bạn liên tục. Nhưng nhớ, nó phải được làm với hiểu biết, nhận biết, ý thức. Nếu không thì bạn có thể cứ nói, “Không hai, không hai, không hai,” và bạn cứ làm hai. Và chúng trở thành hai sự vật tách biệt, chúng không bao giờ gặp nhau.
Đây là điều tôi ngụ ý khi tôi nói máy móc. Máy móc nghĩa là: ở một tầng bạn cứ nói những điều đẹp đẽ và ở tầng khác bạn cứ làm những điều xấu xa. Trên một tầng bạn nói mọi người là thiêng liêng và trên tầng khác bạn vẫn còn là cái tôi, bản ngã, tranh đấu, bạo hành, hùng hổ.
Và hùng hổ không chỉ trong chiến tranh: không phải là khi bạn giết người thế thì đấy mới là hùng hổ. Hùng hổ tinh vi thế, trong cử chỉ của bạn nó có đó. Bạn nhìn, và nếu bạn bị phân chia giữa ta và người, cái nhìn của bạn là bạo hành.
Tôi đã nghe có lần chuyện xảy ra:
Một tù nhân được đưa tới viên cai tù của một nhà tù, và tù nhân đó là một người lí tưởng. Trong năm năm đã không có điều tiếng gì về anh ta cả, và giới coi tù bây giờ nghĩ tới việc trả tự do cho anh ta. Anh ta đã là kẻ giết người và anh ta đã ở tù cả đời, nhưng trong năm năm anh ta đã là một tù nhân gương mẫu, một điển hình, và mỗi năm anh ta lại được thưởng vì là tù nhân tốt nhất. Nhưng bỗng nhiên anh ta nhẩy vào người bạn giam và đánh anh ta rất dữ, cho nên anh ta bị gọi lên.
Thậm chí viên cai tù cũng phải ngạc nhiên. Ông ta nói, “Có chuyện gì vậy? Bởi vì trong năm năm chúng tôi đã quan sát anh - trong đời mình tôi chưa bao giờ thấy một tù nhân tốt bụng, im lặng, cư xử đúng mực như anh, và chúng tôi đã nghĩ tới việc trả tự do cho anh. Thế mà bỗng nhiên có chuyện gì vậy? Tại sao anh lại nhẩy xổ vào người bạn giam? Tại sao anh lại bắt đầu đánh người ấy?”
Người này đứng đó, đầu cúi gầm, rất xấu hổ. Thế rồi anh ta nói, “Chuyện đã xảy ra bởi vì người bạn giam đã xé mất tờ lịch, mà đó là lượt tôi.”
Họ có một cái lịch trong phòng giam và xé lịch là điều duy nhất mà họ có thể làm, hành động duy nhất mà họ được phép làm. Cho nên họ đã phân chia việc đó: mỗi ngày một người xé một tờ lịch, ngày sau đến lượt người kia. Và người này nói, “Hôm nay đến lượt tôi, mà anh ta lại xé mất tờ lịch.”
Nếu bạn bạo hành, thậm chí điều này cũng có thể trở thành vấn đề. Và anh ta đánh người bạn giam mạnh đến mức anh ta sẽ giết chết người này, chỉ bằng tay trần, và vấn đề thì rất đơn giản. Nhưng bạn không hiểu nếu bạn thực sự nghĩ nó là điều đơn giản - nó không phải vậy. Sống trong phòng giam năm năm, không làm gì cả, người ta tích luỹ nhiều hung hăng đến mức thậm chí sự việc cỏn con này cũng có thể trở thành quá lớn.
Và điều này đang xảy ra cho tất cả các bạn. Bất kì khi nào bạn nhẩy lên bạn mình, vợ mình, chồng mình, bất kì khi nào bạn giận dữ - bạn đã bao giờ nghĩ về nó chưa? - rằng vấn đề thì thực sự là việc cỏn con thế, chỉ là xé tờ lịch thôi. Từ mọi phần, cái giận dữ và hung hăng tích luỹ của bạn vọt ra.
Bất kì khi nào nó xảy ra, lặp lại, không theo cách máy móc mà có ý thức, “Không hai,” và bạn sẽ cảm thấy thảnh thơi bất thần sâu sắc bên trong trái tim. Nói “Không hai” và không có chọn lựa gì, không có gì để chọn, thích và không thích. Thế thì mọi sự đều ổn thoả, và bạn có thể ban phúc cho mọi thứ. Thế thì dù cuộc sống có dẫn bạn tới đâu, bạn cũng đi. Bạn tin cậy vào cuộc sống.
Nếu bạn nói “Hai,” thế thì bạn không tin cậy rồi. Tin cậy là có thể chỉ nếu tôi và cái toàn thể là một, còn thì ngoài ra làm sao tin cậy là có thể được? Tin cậy không phải là quan điểm trí tuệ, thái độ. Nó là sự đáp ứng toàn bộ cho cái cảm giác rằng chỉ cái một mới tồn tại, không hai. Làm điều này thành mật chú của mình đi, học điều này từ Tăng Xán.
Cứ lần nào bạn cảm thấy hoài nghi tới, lẫn lộn, phân chia, xung đột, lặp lại nó rất im lặng và sâu sắc. Trước hết trở nên có ý thức về xung đột, thế rồi lặp lại một cách im lặng, “Không hai,” và xem điều xảy ra. Xung đột biến mất! Cho dù chỉ một khoảnh khắc nó biến đi, đấy cũng là hiện tượng lớn lao rồi, bạn đã thoải mái. Bỗng nhiên không có kẻ thù trên thế giới này, bỗng nhiên mọi sự là một. Nó là một gia đình, và cái toàn thể là phúc lạc với bạn.
Trong cái “không hai” này không có gì tách biệt, không có gì bị loại trừ.
Dù khi nào và ở đâu cũng không thành vấn đề, chứng ngộ có nghĩa là đi vào chân lí này.
Chân lí của không hai... chứng ngộ có nghĩa là đi vào chân lí của không hai này. Bạn cứ nếm trải nó hết khả năng bạn đi, cứ cảm nhận nó nhiều nhất có thể được đi. Hai mươi bốn giờ một ngày đều có các cơ hội, các cơ hội và cơ hội, vô hạn cơ hội. Không nên bỏ lỡ chúng.
Tại mọi cơ hội, bất kì khi nào bạn cảm thấy căng thẳng nào đó bên trong, nói “không hai” và thảnh thơi toàn bộ thân thể. Và nhìn vào bên trong vào điều đang xảy ra khi bạn nói “không hai”. Không câu mật chú nào có thể sâu sắc được như thế này. Nhưng điều này không giống như việc lẩm nhẩm aum, Ram. Điều này không giống khi bạn lẩm nhẩm Ram-Ram-Ram, không.
Bất kì khi nào có cơ hội phân chia, bất kì khi nào bạn cảm thấy bây giờ bạn sẽ bị phân chia, bây giờ bạn đang trên bờ vực của chọn lựa, chọn cái này ngược lại cái kia, thích cái này ngược lại cái kia, bất kì khi nào bạn cảm thấy cơ hội đang tới và căng thẳng phát sinh, bất kì khi nào bạn cảm thấy việc dựng nên căng thẳng, đột nhiên nói “không hai” - và căng thẳng này sẽ dịu đi, và năng lượng này sẽ bị hấp thu trở lại. Năng lượng được hấp thu lại đó trở thành phúc lạc.
Có hai cách người ta có thể làm việc với năng lượng bên trong này. Một là: bất kì khi nào căng thẳng phát sinh, làm giảm nhẹ nó. Đó là cách dục vận hành.
Nó là biện pháp an toàn, bởi vì năng lượng có thể tích luỹ nhiều đến mức bạn có thể đơn giản bùng nổ, bạn có thể chết vì nó. Cho nên chỉ để an toàn, tự nhiên đã làm ra cách thu xếp tự động trong thân thể: bất kì khi nào năng lượng quá nhiều, bạn bắt đầu cảm thấy dục.
Điều gì xảy ra? Có một trung tâm mà người Hindu đã từng gọi là con mắt thứ ba. Bất kì khi nào năng lượng đạt tới con mắt thứ ba, bất kì khi nào nó quá nhiều và bạn tràn đầy với nó, nó đụng vào con mắt thứ ba. Bạn bắt đầu cảm thấy cái gì đó cần phải làm. Con mắt thứ ba này người Hindu đã gọi là agya chakra, trung tâm của mệnh lệnh, của việc ra lệnh, văn phòng mà từ đó thân thể nhận được mệnh lệnh.
Bất kì khi nào năng lượng tràn ngập lên trung tâm con mắt thứ ba, ngay lập tức thân thể cảm thấy phải làm điều gì đó. Nếu bạn không làm điều gì, bạn sẽ cảm thấy bị nghẹt thở. Bạn sẽ cảm thấy dường như bạn đang trong đường hầm và bạn muốn thoát ra khỏi nó, bạn sẽ cảm thấy bị co hẹp lại. Một cái gì đó phải được làm ngay lập tức.
Tự nhiên đã tạo ra một tiến trình có sẵn: ngay lập tức trung tâm con mắt thứ ba đụng vào trung tâm dục, chúng được nối lại, và bạn bắt đầu cảm thấy dục. Cảm giác về dục chỉ là một cách sắp xếp để làm thoát bớt năng lượng. Bạn làm tình, năng lượng được tống ra, bạn cảm thấy được thảnh thơi, giảm nhẹ. Đây là một cách dùng năng lượng của bạn - bạn cảm thấy hạnh phúc qua việc giảm nhẹ.
Còn có một cách khác để dùng năng lượng. Đó là: bất kì khi nào năng lượng trở thành quá nhiều, đừng làm giảm bớt nó mà đơn giản nói, “Không hai. Mình là một với vũ trụ này. Làm giảm nhẹ nó đi đâu? Làm tình với ai? Ném nó đi đâu? Không có đâu để ném nó đi cả, mình là một với vũ trụ này.” Bất kì khi nào năng lượng được cảm thấy quá nhiều, đơn giản nói, “Không hai,” và vẫn còn thảnh thơi.
Nếu bạn không ném nó đi từ con mắt thứ ba, nó bắt đầu dâng lên cao hơn con mắt thứ ba. Và thế thì có trung tâm cuối cùng, trung tâm thứ bẩy trong đầu, cái mà người Hindu đã gọi là sahasrar: hoa sen một nghìn cánh. Khi năng lượng đạt tới sahasrar, có phúc lạc, khi năng lượng đạt tới trung tâm dục, có hạnh phúc.
Hạnh phúc có thể chỉ là tạm thời bởi vì việc giảm nhẹ chỉ có thể là tạm thời. Làm giảm nhẹ, chấm dứt - bạn không thể cứ giảm nhẹ mãi được. Căng thẳng được làm nhẹ đi, thế thì năng lượng mất đi. Nhưng phúc lạc có thể là vĩnh hằng, bởi vì năng lượng không bị giảm nhẹ đi mà được hấp thu lại. Nhưng trung tâm giảm nhẹ là dục, trung tâm đầu tiên, còn trung tâm hấp thu năng lượng là trung tâm thứ bẩy, trung tâm cuối cùng.
Và nhớ lấy, cả hai đều là hai đầu của một hiện tượng năng lượng: một đầu là dục, đầu kia là sahasrar. Từ một đầu năng lượng đơn giản được làm giảm nhẹ; bạn cảm thấy thoải mái bởi vì bây giờ năng lượng không có đó để làm gì cả - bạn đi ngủ. Đó là lí do tại sao dục lại giúp cho giấc ngủ, và mọi người dùng nó như thuốc an thần, như viên thuốc ngủ.
Nếu bạn chuyển vào cực kia nơi năng lượng được hấp thu - bởi vì không có ai khác để ném nó đi đâu cả, bạn là cái toàn thể - thế thì hoa sen một nghìn cánh mở ra. ‘Một nghìn’ chỉ là để nói rằng nó là vô hạn cánh; hoa sen vô hạn cánh mở ra, và nó cứ mở ra và mở ra và mở ra mãi. Không có kết thúc cho nó, bởi vì năng lượng cứ di chuyển trong nó, được hấp thu lại. Thế thì có phúc lạc, và phúc lạc có thể là vĩnh hằng.
Người ta phải đạt tới siêu tâm thức từ dục. Hoa sen một nghìn cánh này là trung tâm của siêu tâm thức. Cho nên bất kì khi nào bạn cảm thấy dục, nói, “Không hai.” Hiểu biết, ý thức, tỉnh táo, nói, “Không hai,” và nghỉ ngơi. Đừng trở nên bồn chồn và kích động. Nghỉ ngơi và nói, “Không hai.”
Và bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy rằng cái gì đó đang xảy ra trong đầu: năng lượng vẫn thường rơi xuống đang di chuyển lên cao. Và một khi nó chạm tới trung tâm thứ bẩy thì nó được biến đổi, được hấp thu. Thế thì bạn trở thành ngày càng nhiều năng lượng hơn, và năng lượng là sung sướng, năng lượng là cực lạc. Thế thì không cần phải làm giảm nhẹ nó, bởi vì bây giờ bạn là bản thân đại dương, vô hạn. Bạn có thể hấp thu cái vô hạn, bạn có thể hấp thu cái toàn thể, và vẫn có không gian bỏ lại.
Thân thể này là hạn hẹp. Tâm thức bạn không chật hẹp, tâm thức bạn bao la như bầu trời. Trong thân thể này bạn không thể mang được nhiều, thân thể này chỉ là chiếc cốc nhỏ; một chút ít năng lượng thêm nữa và cái cốc sẽ tràn. Dục của bạn là sự tràn trề của chiếc cốc, thân thể hạn hẹp này.
Nhưng khi sahasrar mở ra, hoa sen một nghìn cánh trong đầu bạn, và nó cứ mở ra và mở ra và mở ra mãi, không có kết thúc cho nó. Nếu cái toàn thể được rót vào bạn, thì vẫn còn không gian vô hạn bỏ lại. Người ta nói rằng vị Phật còn lớn hơn vũ trụ: điều này có ý nghĩa của nó. Thân thể ông ấy không lớn hơn vũ trụ, tất nhiên, hiển nhiên, nhưng vị Phật lại lớn hơn vũ trụ bởi vì bông sen này đã mở ra. Bây giờ vũ trụ này là cái không; hàng triệu vũ trụ có thể rơi vào trong nó và bị hấp thu lại. Nó có thể cứ lớn mãi.
Nó là hoàn hảo và nó vẫn cứ lớn mãi. Đây là điều ngược đời: bởi vì chúng ta nghĩ cái hoàn hảo không thể phát triển được. Cái hoàn hảo cũng phát triển; nó lớn lên thành hoàn hảo hơn và hoàn hảo hơn và hoàn hảo hơn nữa. Nó cứ lớn lên bởi vì nó là vô hạn.
Đây là cái trống rỗng mà Phật đang nói tới, shunyata. Khi bạn là trống rỗng thì cái toàn thể rơi vào trong bạn và cái vô hạn vẫn còn lại. Nhiều không gian có đó, nhiều vũ trụ có thể tới trong bạn và rơi vào trong bạn.
Trong cái “không hai” này không có gì tách biệt, không có gì bị loại trừ.
Dù khi nào và ở đâu cũng không thành vấn đề, chứng ngộ có nghĩa là đi vào chân lí này.
Và chân lí này vượt ra ngoài sự mở rộng hay giảm bớt về thời gian hay không gian...
... chân lí này vượt ra ngoài sự mở rộng hay giảm bớt về thời gian hay không gian... Với chân lí này, thời gian và không gian không tồn tại. Nó đã vượt ra ngoài. Nó không bị bao bọc bởi bất kì cái gì bây giờ - thời gian hay không gian. Nó còn lớn hơn không gian, lớn hơn thời gian.
... trong nó chỉ một ý nghĩ cũng là mười nghìn năm.
Đây chỉ là cách nói rằng trong nó một khoảnh khắc cũng là vĩnh hằng. Vị phật không sống trong thời gian, không sống trong không gian. Thân thể ông ấy di chuyển, chúng ta có thể thấy thân thể ông ấy, nhưng thân thể không phải là vị phật. Vị phật là tâm thức mà chúng ta không thể thấy được. Thân thể ông ấy được sinh ra và chết đi; tâm thức ông ấy không bao giờ sinh ra, không bao giờ chết đi. Nhưng chúng ta không thể thấy tâm thức đó, và tâm thức đó là vị phật.
Tâm thức chứng ngộ này là chính gốc rễ của toàn bộ sự tồn tại của chúng ta - và không chỉ là gốc rễ, mà còn là việc nở hoa của nó nữa. Thời gian và không gian cả hai đều tồn tại trong tâm thức này, và tâm thức này không tồn tại trong thời gian và không gian. Bạn không thể nói tâm thức này ở đâu được - ở đâu là không liên quan. Nó ở mọi nơi! Thay vì thế, hay ngược lại, tốt hơn cả là nói rằng mọi nơi đều ở trong nó.
Chúng ta không thể nói vào khoảnh khắc nào của thời gian thì tâm thức chứng ngộ này tồn tại. Không, điều đó là không thể nói được. Chúng ta chỉ có thể nói rằng tất cả thời gian đều tồn tại trong tâm thức này. Tâm thức này là lớn hơn, và nó phải là như vậy. Tại sao nó phải như vậy?
Bạn nhìn lên bầu trời: bầu trời thật bao la. Nhưng người nhìn, nhân chứng, còn lớn hơn, nếu không thì làm sao bạn có thể nhìn vào bầu trời được? Nhận biết của bạn phải bao la hơn bầu trời, nếu không làm sao bạn có thể nhìn vào nó được? Người thấy phải lớn hơn cái thấy... đó là cách duy nhất.
Bạn có thể quan sát thời gian, bạn có thể nói, “Đây là buổi sáng và bây giờ đây là buổi chiều và bây giờ đây là buổi tối. Và một phút đã qua và một năm đã qua và một thời đại đã qua.” Người quan sát này, tâm thức này, phải lớn hơn thời gian, nếu không thì làm sao nó có thể quan sát được? Người quan sát phải lớn hơn cái được quan sát. Bạn có thể thấy không gian, bạn có thể thấy thời gian - thế thì người thấy này bên trong bạn còn lớn hơn cả hai.
Một khi chứng ngộ xảy ra, mọi thứ đều trong bạn. Tất cả các vì sao đều di chuyển trong bạn, các thế giới nảy sinh ra từ bạn và tan biến trong bạn - bởi vì bạn là cái toàn thể.
Nhận xét
Đăng nhận xét