Chương 8. Sống trong niềm tin đúng


Tín tâm minh
Sách về cái không
Osho

Chương 8. Sống trong niềm tin đúng


Coi chuyển động là tĩnh tại và tĩnh tại trong chuyển động, và cả hai trạng thái của chuyển động và trạng thái của nghỉ ngơi đều biến mất.

Khi những cái nhị nguyên đó dừng tồn tại, bản thân cái một không thể tồn tại.

Với cái chung cuộc tối thượng này thì không luật hay mô tả nào áp dụng được.

Với tâm trí thống nhất theo Đạo tất cả mọi cố gắng tự định tâm đều dừng.

Hoài nghi và do dự tan biến và sống trong niềm tin đúng là điều có thể.

Chỉ với một cú chúng ta thoát khỏi tù túng; không cái gì níu bám chúng ta và chúng ta không ôm giữ cái gì.

Tất cả là trống rỗng, rõ ràng, tự chói sáng, không dùng tới sức mạnh của tâm trí.

Tại đây ý nghĩ, cảm giác, tri thức và tưởng tượng đều không có giá trị.

Coi chuyển động là tĩnh tại và tĩnh tại trong chuyển động, và cả hai trạng thái của chuyển động và trạng thái của nghỉ ngơi đều biến mất.

Đây là một trong những điều bản chất nhất. Cố hiểu thật sâu sắc nhất. Tâm trí có thể thấy chỉ một cực, còn thực tại là hai cực, hai cực đối lập nhau. Tâm trí có thể thấy một cực đoan; trong cực đoan này thì cực đoan kia bị che kín, nhưng tâm trí không thể hiểu thấu được nó. Và chừng nào bạn còn chưa thấy cả hai cái đối lập cùng nhau, bạn sẽ không bao giờ có khả năng thấy điều đang hiện hữu, và bất kì cái gì bạn thấy cũng sẽ sai, bởi vì nó sẽ là một nửa.

Nhớ lấy, chân lí chỉ có thể là cái toàn thể. Nếu nó là một nửa, nó thậm chí còn nguy hiểm hơn là nói dối, bởi vì một nửa chân lí mang ý nghĩa của việc đúng và nó lại không đúng. Bạn bị nó lừa dối. Biết chân lí là biết cái toàn thể trong mọi thứ.

Chẳng hạn, bạn thấy chuyển động, cái gì đó đang chuyển động - nhưng liệu chuyển động có thể có không nếu thiếu cái gì đó ẩn bên trong mà không chuyển động? Chuyển động là không thể có nếu thiếu một cái gì đó không chuyển động bên trong nó.

Bánh xe chuyển động, nhưng trung tâm của bánh xe này vẫn còn không chuyển động; nó di chuyển trên cái trung tâm không chuyển đó. Nếu bạn chỉ thấy bánh xe bạn mới thấy được một nửa, và một nửa là rất nguy hiểm. Và nếu, trong tâm trí bạn, bạn làm một nửa thành cái toàn thể, thế thì bạn đã rơi vào trong thế giới ảo tưởng của khái niệm.

Bạn yêu một người; bạn chưa bao giờ thấy rằng ghét đang ẩn kín bên trong tình yêu của bạn. Nó có đó; dù bạn thích nó hay không thì cũng chẳng thành vấn đề. Bất kì khi nào bạn yêu, ghét đều hiện diện ở đó - cực đối lập - bởi vì yêu không thể tồn tại mà không có ghét. Việc yêu của bạn không thành vấn đề. Nó là vậy.

Yêu không thể tồn tại mà không có ghét. Bạn yêu người này và bạn ghét cũng người đó, nhưng tâm trí chỉ có thể thấy một. Khi tâm trí thấy yêu, nó dừng thấy ghét; khi ghét tới, khi tâm trí bám vào ghét, nó dừng thấy yêu. Và nếu bạn muốn vượt ra ngoài tâm trí, bạn phải thấy đồng thời cả hai - cả hai cực đoan, cả hai cái đối lập.

Điều đó cũng giống hệt như con lắc đồng hồ. Con lắc đi sang phải; tất cả những điều thấy được là ở chỗ con lắc đang đi sang phải. Nhưng có một cái gì đó bên trong không thấy được, và đó là cái mà trong khi con lắc đang chuyển sang phải thì nó thu được đà để đi sang trái. Điều đó không thật là trực quan, nhưng bạn sẽ thấy ngay thôi.

Một khi đạt tới cực điểm con lắc bắt đầu đi sang cực đối lập, nó đi sang trái. Và nó đi sang trái tới cùng mức độ như nó đã đi sang phải. Trong khi di chuyển sang trái, lần nữa bạn có thể bị lừa. Bạn sẽ thấy nó đang di chuyển sang trái, nhưng sâu bên trong nó đang thu thập năng lượng để đi sang phải.

Trong khi bạn yêu, bạn thu thập năng lượng để ghét; trong khi bạn ghét, bạn đang thu thập năng lượng để yêu. Trong khi bạn sống bạn đang thu thập năng lượng để chết, và khi bạn chết bạn sẽ thu thập năng lượng để được tái sinh.

Nếu bạn chỉ thấy cuộc sống thì bạn sẽ bị lỡ. Thấy cái chết ẩn kín ở mọi nơi trong cuộc sống đi! Và nếu bạn có thể thấy rằng cái chết đang ẩn nấp trong cuộc sống, thế thì bạn có thể thấy điều ngược lại nữa: rằng trong cái chết cuộc sống lại được ẩn kín. Thế thì cả hai cực biến mất. Khi bạn thấy chúng trong sự cùng nhau của chúng, một cách đồng thời, với điều đó tâm trí bạn biến mất. Tại sao? - bởi vì tâm trí chỉ có thể là bộ phận, nó không bao giờ có thể là toàn thể.

Bạn sẽ làm gì nếu bạn thấy ghét ẩn trong yêu? Nếu bạn thấy yêu ẩn trong ghét, thế thì bạn sẽ chọn cái gì? Chọn lựa sẽ trở thành không thể được, bởi vì nếu bạn thấy, “Mình chọn yêu,” bạn cũng thấy bạn đang chọn ghét. Và làm sao một người yêu lại có thể chọn ghét được?

Bạn có thể chọn bởi vì ghét không rõ ràng cho bạn. Bạn đã chọn yêu, và thế thì bạn nghĩ bởi điều ngẫu nhiên nào đó ghét đã xảy ra. Nhưng khoảnh khắc bạn chọn yêu, bạn đã chọn ghét rồi. Khoảnh khắc bạn níu bám lấy sống, bạn đang níu bám lấy chết. Không ai muốn chết - thế thì đừng níu bám lấy sống, bởi vì sống đang đưa tới chết.

Cuộc sống tồn tại trong các cực còn tâm trí tồn tại trong một phần của một cực; đó là lí do tại sao tâm trí sai. Và tâm trí cố gắng làm cho một phần thành toàn thể. Tâm trí nói, “Mình yêu người đàn ông này hay người đàn bà này và mình đơn giản yêu thôi. Làm sao mình có thể ghét người đàn bà này được? Khi mình yêu, thì mình yêu; ghét là không thể có được.”

Tâm trí có vẻ logic nhưng nó sai. Nếu bạn yêu, ghét là có thể đấy; ghét là có thể chỉ nếu bạn yêu. Bạn không thể ghét một người mà không yêu người đó; bạn không thể làm ra kẻ thù mà không làm người ấy trước hết là bạn của bạn. Chúng đi cùng nhau, chúng chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Bạn nhìn vào một mặt, mặt kia bị ẩn kín đằng sau - nhưng cái kia có đó, bao giờ cũng chờ đợi. Và bạn càng đi sang bên trái nhiều hơn, thì bạn càng sẵn sàng đi sang bên phải nhiều hơn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tâm trí có thể thấy cả hai điều cùng nhau? Tâm trí không có khả năng đó, bởi vì thế thì toàn bộ vấn đề trở thành ngớ ngẩn thế, phi logic thế. Tâm trí có thể sống chỉ trong một khuôn khổ logic, rõ ràng, cái đối lập bị phủ nhận. Bạn nói, “Đây là bạn tôi và kia là kẻ thù tôi.” Bạn không bao giờ nói, “Đây là bạn tôi và là kẻ thù tôi.” Nếu bạn nói điều đó thì mọi sự thành phi logic. Và nếu bạn cho phép điều phi logic đi vào, chúng làm tan nát tâm trí hoàn toàn - tâm trí bị vứt bỏ.

Khi bạn nhìn vào cái ngớ ngẩn của cuộc sống, vào cách cuộc sống đi qua những mâu thuẫn, cách thức cuộc sống sống qua các phía đối lập, bạn phải vứt bỏ tâm trí. Tâm trí cần những đường biên rõ ràng mà cuộc sống thì lại không. Bạn không thể tìm ra bất kì cái gì ngớ ngẩn hơn cuộc sống, hơn sự tồn tại. ‘Ngớ ngẩn’ là từ dành cho nó, nếu bạn nhìn vào cả hai cực cùng nhau.

Bạn gặp gỡ - bạn gặp gỡ chỉ để ra đi. Bạn thích một người - bạn thích một người chỉ để không thích. Bạn hạnh phúc - bạn hạnh phúc chỉ để gieo hạt mầm bất hạnh. Bạn có thể quan niệm được tình huống nào ngớ ngẩn hơn thế không? Nếu bạn muốn hạnh phúc, bạn đã muốn bất hạnh rồi; bây giờ bạn sẽ trong khổ sở liên tục.

Phải làm gì? Chẳng còn lại gì để tâm trí làm cả. Tâm trí đơn giản biến mất. Và khi tâm trí biến mất, cuộc sống không có vẻ ngớ ngẩn nữa, thế thì cuộc sống trở thành điều bí ẩn.

Điều này phải được hiểu, bởi vì cuộc sống có vẻ ngớ ngẩn vì tính quá logic của tâm trí; cuộc sống hoang dại bởi vì bạn đã sống trong khu vườn nhân tạo quá lâu rồi. Bạn đi vào trong rừng rậm và nó có vẻ hoang dại, nhưng nó có vẻ hoang dại bởi vì so sánh. Một khi bạn hiểu rằng cuộc sống là như vậy, cuộc sống là sao cho cái đối lập bao giờ cũng tham dự vào...

Yêu một người và ghét sẽ tới. Làm bạn và kẻ thù được sinh ra. Hạnh phúc và đâu đó, từ cửa sau, bất hạnh đang đi vào. Vui thích khoảnh khắc này và lập tức bạn sẽ kêu khóc. Cười, và ngay sau cái cười là nước mắt, đang đợi để trào ra. Thế thì phải làm gì? Chẳng có gì còn lại để làm cả. Đây là cách thức mọi sự hiện hữu.

Và Tăng Xán nói

Coi chuyển động là tĩnh tại...

Đó là điều ông ấy đang nói. Ông ấy đang nói khi bạn thấy điều gì đó chuyển động, nhớ lấy, một cái gì đó bên trong là tĩnh tại. Và tất cả mọi chuyển động đều sẽ dẫn tới tĩnh tại. Nó sẽ đi đâu? Bạn chạy, bạn bước, bạn di chuyển. Bạn đang đi đâu? - chỉ nghỉ ở đâu đó, chỉ ngồi ở đâu đó. Bạn đang chạy chỉ để nghỉ ở đâu đó. Cho nên việc chạy đạt tới nghỉ ngơi, chuyển tới trạng thái tĩnh tại.

Và tĩnh tại đó đã có đấy rồi. Bạn chạy và thấy - cái gì đó bên trong bạn không chạy, nó không thể chạy được. Tâm thức bạn vẫn còn tĩnh tại. Bạn có thể đi khắp thế giới; cái gì đó bên trong bạn không bao giờ di chuyển, không thể di chuyển - và tất cả chuyển động đều phụ thuộc vào cái trung tâm bất di bất dịch ấy. Bạn tham dự vào mọi loại tình huống, xúc động, nhưng cái gì đó trong bạn vẫn còn không động tới, không dính líu tới. Và toàn thể cuộc sống dính líu thành có thể bởi vì cái yếu tố không dính líu đó.

Bạn yêu một người, bạn yêu nhiều hết sức mình, nhưng sâu bên dưới một cái gì đó vẫn còn cách biệt, tách rời. Nó phải là như vậy, nếu không thì bạn sẽ bị mất. Một cái gì đó vẫn còn tách biệt thậm chí cả trong gắn bó. Và gắn bó càng lớn, thì cái cảm giác về điểm tách biệt đó bên trong bạn sẽ càng lớn, bởi vì không có cái đối lập thì chẳng cái gì có thể tồn tại cả. Mọi thứ tồn tại theo cách thức đối lập.

Coi chuyển động là tĩnh tại và tĩnh tại trong chuyển động...

Và khi bạn thấy điều gì đó tĩnh tại, đừng bị lừa - nó là tĩnh tại nhưng một cái gì đó đã chuyển động. Bây giờ các nhà khoa học nói rằng mọi thứ đều chuyển động, thậm chí cả bức tường tĩnh tại này, tảng đá này. Chúng đang chuyển động nhanh đến mức, các nguyên tử của chúng đang chuyển động nhanh đến mức bạn không thể thấy sự chuyển động đó. Đó là lí do tại sao chúng có vẻ tĩnh tại.

Chuyển động này là nhanh thế, cùng tốc độ như tia sáng chuyển động. Tia sáng chuyển động ba trăm nghìn ki lô mét một giây. Đây là chuyển động của nguyên tử. Nó di chuyển theo đường tròn. Nó đi nhanh điên khùng, nó có vẻ tĩnh.

Chẳng cái gì tĩnh tại cả và chẳng cái gì lại hoàn toàn chuyển động cả. Mọi thứ đều là cả hai - cái gì đó chuyển động, cái gì đó tĩnh tại - và tĩnh tại vẫn còn là cơ sở cho tất cả mọi chuyển động. Khi bạn thấy điều gì đó tĩnh tại, đừng bị lừa; nhìn vào bên trong và ở đâu đó bạn sẽ thấy chuyển động đã xảy ra. Khi bạn thấy điều gì đó chuyển động, tìm cái tĩnh tại đi. Bạn bao giờ cũng sẽ thấy nó ở đó, điều đó là hoàn toàn chắc chắn, bởi vì một cực đoan không thể tồn tại một mình.

Nếu tôi đưa cho bạn một chiếc gậy và bảo bạn rằng chiếc gậy này chỉ có một đầu, không có đầu kia, bạn sẽ nói điều đó là không thể được. Nếu nó có đầu này thế thì đầu kia phải có đó, có thể bị che kín, nhưng không thể nào chiếc gậy chỉ có một đầu được. Đầu kia phải có đó; nếu có cái bắt đầu, cái kết thúc phải có đó.

Đây là điều Phật nói mãi, “Nếu ông được sinh ra, cái chết phải có đó. Mọi thứ có sinh đều có diệt.' Bởi vì một đầu là sự bắt đầu, thế thì đầu kia ở đâu, đầu kia của chiếc gậy? Nó phải có đó. Mọi thứ sinh ra đều phải chết đi, mọi thứ được làm ra sẽ tan ra, mọi thứ được gắn lại sẽ rời ra, mọi gặp gỡ đều là việc ra đi, mọi việc tới đều ra việc đi.

Nhìn vào cả hai đồng thời và ngay lập tức tâm trí biến mất. Bạn có thể hơi bị choáng, bởi vì tâm trí đã sống với phân ranh giới logic, sáng tỏ logic. Khi tất cả mọi sự phân biệt đều biến mất, thậm chí cả cái đối lập bị che giấu trong mọi vật, tâm trí cảm thấy choáng.

Cho phép cái choáng đó, để cho nó xảy ra đi. Chẳng bao lâu cái choáng đó sẽ tan đi và bạn sẽ lắng đọng vào trong trí huệ mới, hiểu biết mới, cái nhìn mới về thực tại.

Cái nhìn mới này về thực tại là cái toàn thể, và với cái toàn thể này bạn là cái trống rỗng. Không có ý kiến gì về nó; bây giờ bạn biết mọi ý kiến đều là sai.

Ai đó hỏi Mahavira, “Có Thượng đế không?”

Và Mahavira nói, “Có, không. Có và không cả hai.”

Người này phân vân. Người đó nói, “Tôi không theo được. Hoặc là thầy nói có hoặc là thầy nói không, nhưng đừng nói mọi thứ cùng nhau.”

Mahavira nói, “Chỉ có ba quan điểm. Nếu ông muốn nghe cái toàn thể, tôi có bẩy quan điểm về mọi thứ.”

Và Mahavira có thật! Trước hết ông ấy nói có - một quan điểm - không phải là chân lí, một khía cạnh. Thế rồi ông ấy nói không - không phải chân lí, một khía cạnh khác. Thế rồi ông ấy nói cả hai có và không - khía cạnh thứ ba. Thế rồi ông ấy nói có và không, nhưng không cả hai - khía cạnh thứ tư. Thế rồi ông ấy nói có cộng với cả hai có và không - khía cạnh thứ năm. Không có cả hai có và không - khía cạnh thứ sáu. Không có và không có cả hai - khía cạnh thứ bẩy.

Ông ấy nói bẩy là các khía cạnh và thế thì sự việc là cái toàn thể. Và ông ấy cũng phải, nhưng tâm trí cảm thấy choáng. Nhưng đấy là vấn đề của bạn, không phải vấn đề của ông ấy. Ông ấy cũng phải, bởi vì ông ấy nói bất kì khi nào bạn nói có, đấy mới là một nửa. Theo một nghĩa nào đó sự việc hiện hữu, nhưng theo một nghĩa nào đó thì nó đã trên con đường thành không tồn tại rồi.

Bạn nói, “Đứa trẻ này, nó sống hay chết?” Nó đang sống, đúng. Nhưng Mahavira nói nó đã trên con đường chết. Nó sẽ chết và cái chết là chắc chắn, cho nên để cho điều đó được hàm ý tới trong phát biểu này; nếu không thì phát biểu này sẽ chỉ là một nửa và không đúng.

Cho nên Mahavira nói, “Đúng, theo một nghĩa nào đó thì đứa trẻ này đang sống - và không, theo một nghĩa nào đó, bởi vì đứa trẻ này đang sắp chết” - mà cũng không chỉ sắp chết đâu, trong thực tế nó đã chết rồi bởi vì nó sống. Cái chết bị ẩn ở đó, đó là một phần của đứa bé. Và đó là lí do tại sao ông ấy lại nói tốt hơn cả là nên nói điều thứ ba: đứa bé là cả hai.

Nhưng làm sao một đứa trẻ lại có thể vừa chết vừa sống cả hai được? - bởi vì cái chết phủ định cuộc sống, cuộc sống phủ định cái chết. Đó là lí do tại sao Mahavira nói để có quan điểm thứ tư: nó không phải là cả hai. Đây là cách ông ấy nói ra, và đến lúc ông ấy kết thúc phát biểu bẩy phần của mình, bạn thậm chí còn phân vân hơn là trước khi hỏi ông ấy. Nhưng đấy là vấn đề của bạn. Ông ấy nói vứt bỏ tâm trí đi, bởi vì tâm trí không thể nào nhìn vào cái toàn thể được, nó chỉ có thể nhìn vào các khía cạnh.

Bạn đã bao giờ quan sát chưa? Nếu tôi đưa cho bạn một hòn đá cuội nhỏ, bạn có thể thấy được toàn bộ hòn đá nhỏ này không? Bất kì khi nào bạn nhìn bạn chỉ thấy một mặt, mặt khác bị ẩn kín. Nếu bạn nhìn vào mặt khác thế thì phần thứ nhất lại bị ẩn kín. Thậm chí với một hòn đá nhỏ thế, bạn có thể đặt trên lòng bàn tay mình, bạn cũng không thể nào thấy được cái toàn thể.

Tâm trí không thể thấy được bất kì cái toàn thể nào. Tôi đang nhìn vào bạn nhưng lưng bạn bị che kín. Bạn đang nhìn vào tôi; bạn thấy mặt tôi nhưng không thấy lưng tôi. Và bạn chưa bao giờ thấy cái toàn thể của tôi, bởi vì khi bạn thấy lưng tôi thì bạn sẽ không thấy mặt tôi.

Không có khả năng nào cho tâm trí thấy bất kì cái gì toàn thể. Nó chỉ có thể thấy một nửa, nửa kia được suy ra. Đó là suy diễn, được cho là dĩ nhiên phải có đó, bởi vì làm sao có thể có mặt mà không có lưng? Cho nên chúng ta suy diễn ra rằng lưng có thể có đó, phải có đó.

Nhưng nếu bạn có thể nhìn vào cả hai điều cùng nhau, thì choáng nhất định phải xảy ra. Nếu bạn có thể chấp nhận điều đó và đi qua nó, thế thì sáng tỏ tới, thế thì tất cả các đám mây đều biến mất. Trong cách nhẩy múa đạo Hồi toàn bộ vấn đề là làm cho tâm trí choáng. Có nhiều cách. Mahavira đã dùng một phương tiện rất logic: logic bẩy nhánh. Điều đó cũng hệt như cách nhẩy múa của đạo Hồi, nó làm cho bạn choáng.

Những người rất trí thức, với họ thì phương pháp của Mahavira là rất hay. Nó đem lại sự choáng và mọi thứ trở thành nháo nhào, và bạn không thể thực sự nói về điều gì - bạn phải trở nên im lặng. Bất kì điều gì bạn nói ra cũng đều ngớ ngẩn và bạn phải ngay lập tức phủ nhận nó. Và vào lúc bạn đã nói ra mọi điều thì chẳng cái gì được nói ra cả, bởi vì mọi phát biểu đều mâu thuẫn với phát biểu khác.

Logic bẩy nhánh này của Mahavira cũng giống hệt cách nhẩy múa Mô ha mét giáo của tâm trí, nó làm cho bạn choáng. Cách nhẩy múa Mô ha mét giáo là phương pháp thể chất để làm cho tâm trí choáng còn logic này là phương pháp tinh thần để làm cho tâm trí choáng.

Nếu bạn nhẩy múa nhanh, di chuyển nhanh, quay tròn nhanh, bạn bỗng nhiên cảm thấy choáng váng, buồn nôn, cứ dường như tâm trí biến mất. Nếu bạn tiếp tục, trong vài ngày choáng sẽ có đó và thế rồi nó lắng đọng. Khoảnh khắc choáng qua đi, bạn sẽ thấy tâm trí cũng qua đi, bởi vì không có ai để cảm thấy choáng cả. Và thế thì sáng tỏ tới. Thế thì bạn nhìn vào mọi thứ mà không có tâm trí. Không tâm trí, cái toàn thể lộ ra - và với cái toàn thể, là biến đổi.

Khi những cái nhị nguyên đó dừng tồn tại, thì bản thân cái một không thể tồn tại.

Và nhớ lấy, khi chúng ta dùng từ ‘cái một’, điều đó nữa cũng là một phần của nhị nguyên. Nếu không có nhị nguyên làm sao có thể có cái một? Đó là lí do tại sao người Hindu không bao giờ dùng ‘cái một’. Nếu bạn hỏi Shankara, “Bản tính của sự tồn tại là gì?” thì ông ấy nói, “Bất nhị, advaita, không hai.”

Ông ấy sẽ không bao giờ nói một, bởi vì làm sao bạn có thể nói một được? Nếu chỉ có một, làm sao bạn có thể nói một? Một cần hai mới có nghĩa. Nếu không có khả năng nào về cái hai, về số hai, thế thì ích gì mà nói rằng nó là một? Shankara nói, “Nhiều nhất, ta có thể nói không hai, nhưng ta không thể nói một cách khẳng định về một. Ta có thể nói điều không phải là thực tại: nó không là hai. Ta không thể nói nó là gì, bởi vì ý nghĩa, lời nói, tất cả đều trở thành vô dụng.”

Khi những cái nhị nguyên đó dừng tồn tại...

Khi bạn không thể thấy được yêu bên ngoài ghét, bạn sẽ cho yêu ý nghĩa gì? Từ điển không thể do Tăng Xán viết ra được. Nếu ai đó bảo tôi viết ra cuốn từ điển, tôi không thể làm điều đó được. Điều đó là không thể được, bởi vì tôi sẽ cho tình yêu ý nghĩa gì? Từ điển chỉ có thể có được nếu yêu và ghét là khác nhau, không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau. Cho nên bạn có thể viết: yêu là không ghét. Khi bạn phải định nghĩa ghét, bạn có thể nói: không yêu.

Nhưng Tăng Xán sẽ làm gì? Nếu bạn hỏi ông ấy: “Yêu là gì?” làm sao ông ấy định nghĩa được yêu? - bởi vì yêu là ghét nữa. Làm sao ông ấy sẽ định nghĩa được cuộc sống? - bởi vì sống là chết nữa. Làm sao ông ấy định nghĩa được trẻ con? - bởi vì trẻ con là người già nữa. Làm sao ông ấy định nghĩa được cái đẹp?- bởi vì cái đẹp là cái xấu nữa. Các biên giới biến mất, thế thì bạn không thể định nghĩa được điều gì bởi vì định nghĩa cần tới biên giới, và định nghĩa phụ thuộc vào cái đối lập; tất cả các định nghĩa đều phụ thuộc vào cái đối lập.

Nếu chúng ta nói đàn ông là gì, chúng ta có thể nói: không phải là đàn bà - và điều đó được định nghĩa. Nhưng nếu bạn nhìn vào Tăng Xán và hiểu ông ấy, thì mọi đàn ông đều là đàn bà, mọi đàn bà đều là đàn ông. Đây là cách thức sự việc hiện hữu. Bây giờ các nhà tâm lí đã phát hiện ra sự kiện đó nữa: rằng đàn ông và đàn bà là lưỡng dục. Mọi đàn ông đều có đàn bà ẩn bên trong, và mọi đàn bà đều có đàn ông ẩn bên trong cô ấy - họ có đấy. Không đàn bà nào đơn giản là đàn bà, không thể được. Trong sự tồn tại này chẳng cái gì có thể hiện hữu mà không có cái đối lập. Và không đàn ông nào có thể hiện hữu mà không có đàn bà, người đàn bà có đấy.

Bạn được sinh ra từ hai bố mẹ; một người là đàn ông, một người là đàn bà. Bạn mang cả hai người này bên trong, nửa nọ nửa kia. Điều này phải là như vậy, không có cách nào khác để được sinh ra. Bạn không chỉ được sinh ra từ đàn bà, nếu không thì bạn đã chỉ là đàn bà. Bạn không chỉ được sinh ra từ người bố, nếu không thì bạn đã chỉ là đàn ông. Bạn được sinh ra từ nhị nguyên, đàn ông và đàn bà. Họ cả hai đều đóng góp, bạn là cả hai.

Điều đó tạo nên rắc rối, bởi vì khi tâm trí nghĩ về đàn bà, nó bao giờ cũng nghĩ dưới dạng nữ tính. Nhưng thế thì bạn không biết đấy thôi: nếu đàn bà trở nên dữ, cô ấy còn dữ hơn bất kì đàn ông nào; nếu cô ấy giận, không đàn ông nào tranh được với cô ấy; nếu cô ấy ghét, không đàn ông nào có thể ghét như cô ấy.

Tại sao? - bởi vì người đàn bà của cô ấy mệt mỏi, trên bề mặt, và người đàn ông của cô ấy bao giờ cũng nghỉ ngơi và tràn đầy năng lượng hơn. Cho nên bất kì khi nào cô ấy giận, cô ấy còn giận hơn bởi vì người đàn ông này bắt đầu hoạt động, và người đàn ông đó đang nghỉ ngơi. Và bất kì khi nào đàn ông buông xuôi hay trở nên rất đáng yêu, anh ta còn nữ tính hơn bất kì đàn bà nào, bởi vì thế thì người đàn bà, mà bao giờ cũng nghỉ ngơi ấy và đang ẩn kín đằng sau ấy, và bao giờ cũng tươi tắn và trẻ trung ấy, lại tới.

Nhìn các thần của người Hindu mà xem. Họ có đúng điều đó, họ đã hiểu nhị nguyên rất rõ. Bạn phải đã thấy các bức tranh về Kali, Mẹ. Bà ấy là một người đàn bà rất dữ với vòng xương sọ đeo quanh cổ, cái đầu máu me trong một tay, và nhiều tay khác mang vũ khí để giết hại. Bà ấy là vợ của Shiva, và Shiva đang nằm dài còn bà ấy thì đứng trên ngực ông ấy.

Khi lần đầu tiên người phương Tây bắt đầu nghĩ về biểu tượng này, họ phân vân: “Tại sao? Và sao các ông ấy lại gọi người phụ nữ này là ‘mẹ’? Bà ấy trông như cái chết!” Nhưng người Hindu nói rằng người mẹ cũng có cái chết trong mình, bởi vì người mẹ cho việc sinh, thế thì ai sẽ cho bạn cái chết, cái đối lập? Người mẹ cho bạn việc sinh, thế thì bà ấy sẽ cho bạn cả cái chết nữa. Điều này phải là như vậy.

Kali, Mẹ, vừa là nguy hiểm, huỷ diệt và sáng tạo. Bà ấy là mẹ, lực sáng tạo, và bà ấy cũng là cái chết, lực huỷ diệt. Bà ấy yêu Shiva nhưng bà ấy đứng trên ngực ông ấy dường như sẵn sàng giết chết.

Nhưng đây là bản chất của cuộc sống. Tình yêu giết chết, sinh trở thành tử, cái đẹp biến mất, cái xấu đi vào. Mọi thứ mờ đi trong cái đối lập, tan chảy vào trong cái đối lập. Tất cả logic đều có vẻ vô ích và tâm trí bị choáng.

Khi những cái nhị nguyên đó dừng tồn tại...

Và khi bạn thấy qua tất cả chúng, thì chúng đơn giản dừng tồn tại - bởi vì yêu là ghét. Từ đúng sẽ là ‘yêu ghét’ - một từ, không phải hai từ. Điều đúng sẽ là ‘sống chết’ - một từ, không phải hai từ. Từ đúng sẽ là ‘đàn ông đàn bà’, ‘đàn bà đàn ông’ - không phải hai từ, một từ, cùng nhau.

Nhưng thế thì cái một cũng biến mất, dừng tồn tại. Thế thì phỏng có ích gì mà nói rằng cuộc sống là một? Hai biến mất; trong thức tỉnh một cũng biến mất.

Đó là lí do tại sao Tăng Xán và tất cả các tín đồ của Phật cứ nhấn mạnh rằng khi bạn nhận ra chân lí, nó không một cũng chẳng hai, nó là cái trống rỗng. Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao họ nói shunyata, trống rỗng. Mọi thứ biến mất, bởi vì khi hai biến mất, một biến mất - thế thì cái gì còn lại? Chẳng cái gì còn lại, hay, chỉ cái không là còn lại. Cái không này là đỉnh cao tối thượng của chứng ngộ, khi bạn thấy mọi trống rỗng, khi mọi sự trở thành trống rỗng.

Với cái chung cuộc tối thượng này thì không luật hay mô tả nào áp dụng được.

Với tâm trí thống nhất theo Đạo thì tất cả mọi cố gắng tự định tâm đều dừng.

Bạn sẽ cố gắng đạt tới cái gì trong cái trống rỗng này? Đâu là mục đích và ai là người tìm kiếm và ai là cái được tìm kiếm? Không có mục tiêu cần đạt tới, không có người có thể đạt tới. Và tất cả cố gắng đều dừng lại.

Đây là an bình của Phật, im lặng toàn bộ - bởi vì không có gì phải đạt tới cả, không có ai đạt tới, không đâu để đi, không ai đi. Mọi thứ đều trống rỗng. Bỗng nhiên toàn bộ cố gắng biến mất. Bạn không đi đâu cả. Bạn bắt đầu cười, bạn bắt đầu tận hưởng cái trống rỗng này. Thế thì không có rào chắn nào cho tận hưởng của bạn, thế thì phúc lạc cứ đổ lên bạn.

Nếu sự tồn tại được cảm nhận như cái trống rỗng, thế thì không ai có thể quấy rầy phúc lạc của bạn được bởi vì không có ai quấy rối nó. Nó là bạn - bởi vì cái nhị nguyên của bạn mà bạn mới bị quấy rối. Bạn yêu, và thế rồi ghét tới và ghét quấy rối. Bạn muốn đẹp, và thế rồi cái xấu đi vào và thế rồi cái xấu quấy rối. Bạn muốn sống động mãi mãi và mãi mãi, và thế rồi cái chết gõ cửa và cái chết quấy rối.

Nếu bạn có thể thấy cái đối lập bị che kín ấy, bỗng nhiên bạn không đòi hỏi điều gì nữa, bạn không tìm kiếm điều gì nữa, bởi vì bạn biết với bất kì cái gì bạn xin, cái đối lập sẽ tới. Nếu bạn thỉnh cầu danh vọng, kính trọng, xúc phạm sẽ tới từ mọi nơi; nếu bạn tìm hoa, gai sẽ rơi vào bạn; nếu bạn muốn được nổi tiếng, bạn sẽ bị quên lãng; nếu bạn muốn đạt tới ngai vàng, bạn sẽ bị tống khứ đi hoàn toàn.

Bất kì cái gì bạn thỉnh cầu, cái đối lập sẽ được trao cho bạn. Thế thì ý nghĩa của việc cầu xin là gì, thế thì tại sao phải cầu xin cái gì? Các ham muốn sẽ được hoàn thành, nhưng vào lúc mà chúng được hoàn thành, bạn sẽ ngạc nhiên - cái đối lập đã tới trong tay bạn. Bạn sẽ đạt tới các mục tiêu, nhưng vào lúc đạt tới mục tiêu bạn sẽ kêu khóc, bởi vì cái đối lập bị che kín trong mục tiêu đó. Bạn sẽ đạt tới bất kì nơi nào bạn muốn đạt tới, nhưng chính việc đạt tới đó sẽ trở thành thất vọng.

Tất cả những cố gắng tự định tâm đều dừng lại khi cái trống rỗng này được thấy là trống rỗng. Cái gì có đó để mà cố gắng? Tâm trí thành đạt rơi mất, biến mất trong cát bụi.

Hoài nghi và do dự tan biến và sống trong niềm tin đúng là điều có thể.

Đây là khác biệt. Những lời này của Tăng Xán được viết trong ‘Tín thư’ bằng tiếng Trung quốc. Rất khó cho người Ki tô giáo, Mô ha mét giáo, Hindu giáo hiểu được đây là kiểu niềm tin đúng nào. Cố hiểu đi; đó là hiểu biết sâu sắc nhất về niềm tin.

Thông thường điều vẫn được thuyết giảng trong nhà thờ, chùa chiền, đền đài - điều mà người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo, người Hindu giáo nói tới - không phải là niềm tin, mà là đức tin: đức tin vào Thượng đế! Nhưng làm sao bạn có thể tin được? Bởi vì mọi đức tin đều mang hoài nghi riêng của nó. Đó là lí do tại sao bạn cứ khăng khăng rằng, “Tôi tuyệt đối tin tưởng!”

Khi bạn nói, “Tôi tuyệt đối tin tưởng,” thực sự bạn đang nói gì vậy? Tại sao lại có cái ‘tuyệt đối’ này. Tại sao lại có nhấn mạnh này? Nó chứng tỏ rằng hoài nghi đang ẩn kín đâu đó, và bạn đang che giấu nó bằng từ ‘tuyệt đối’, bằng từ ‘toàn bộ’ - bằng sự nhấn mạnh này. Bạn đang định lừa dối ai vậy? Bạn đang lừa dối bản thân mình đấy. Nhấn mạnh chỉ ra rằng cái đối lập đang ẩn kín đâu đó.

Khi bạn nói với ai đó, “Anh yêu em và duy nhất em thôi,” thì hoài nghi đang bị che giấu. Tại sao lại ‘duy nhất em’? Tại sao bạn nói điều đó? Tại sao bạn muốn nhấn mạnh điều đó? Khả năng yêu ai đó khác bị che giấu ở đó, cho nên bạn nhấn mạnh cái khả năng đó. Nếu bạn không che giấu nó, vấn đề có thể trở thành rõ ràng, nó có thể xảy tới, nó có thể trồi lên bề mặt. Thế thì phải làm gì? Chỉ làm mọi sự thu xếp để che giấu nó.

Tại sao bạn nói, “Tôi là người tin tưởng đúng”? Liệu cũng có thể có người tin tưởng không đúng sao? Đức tin đúng này là gì vậy? Đức tin đúng có nghĩa là bạn đã che giấu cái hoài nghi đó toàn bộ đến mức không ai có khả năng biết được, nhưng bạn biết nó rõ lắm. Và đó là lí do tại sao những người tin lại không thích nghe những điều đi ngược lại với đức tin của họ. Họ trở thành điếc bởi vì họ bao giờ cũng sợ hãi. Bạn sợ người khác, sợ điều người đó sắp nói; bạn sợ người ấy có thể chạm tới hoài nghi bị giấu kín và hoài nghi đó có thể trồi ra.

Cho nên người tôn giáo thông thường sẽ không thích nghe kẻ vô thần. Họ sẽ nói, “Không, người ấy có thể phá huỷ đức tin.” Nhưng đức tin có thể bị phá huỷ được không? Và nếu đức tin có thể bị phá huỷ, thế thì có đáng để níu bám không? Nếu đức tin cũng có thể bị phá huỷ, thế thì đây là kiểu đức tin gì vậy? Nhưng nó có thể bị phá huỷ bởi vì hoài nghi có đó, hoài nghi đã xói mòn nó rồi.

Điều này xảy ra hàng ngày. Kẻ tin trở thành kẻ không tin, kẻ không tin trở thành kẻ tin - họ thay đổi, dễ dàng chuyển đổi. Tại sao? Bởi vì người kia bị ẩn kín. Đức tin đem theo hoài nghi; như yêu đem theo ghét, sống đem theo chết, đức tin đem theo hoài nghi. Thế thì niềm tin là gì?

Tăng Xán đã thực sự hiểu niềm tin là gì. Niềm tin xảy ra chỉ khi nhị nguyên đã rơi rụng đi; đấy không phải là đức tin chống lại hoài nghi. Khi đức tin và hoài nghi cả hai đều đã biến mất, thế thì một cái gì đó xảy ra, cái vốn là niềm tin, cái vốn là tin cậy. Bạn không tin cậy vào Thượng đế, bởi vì không có nhị nguyên, bạn và Thượng đế. Không phải là bạn tin cậy, bởi vì bạn không có đó - bởi vì nếu bạn có đó thế thì người khác sẽ có đó. Mọi thứ trống rỗng, và tin cậy nở hoa; cái trống rỗng trở thành chính việc nở hoa của tin cậy.

Từ Phật giáo shraddha - niềm tin, tin cậy - là rất, rất khác. Ý nghĩa là hoàn toàn khác với ý nghĩa mà từ ‘đức tin’ chuyển tải. Không có ai để tin, không ai để được tin vào; tất cả mọi nhị nguyên đều rơi rụng hết... thế thì tin cậy... Thế thì bạn có thể làm gì? Bạn không thể hoài nghi, bạn không thể tin tưởng - bạn có thể làm gì? Bạn đơn giản tin cậy và tuôn chảy trong luồng chảy. Bạn di chuyển theo cuộc sống, bạn nghỉ ngơi với cuộc sống.

Nếu cuộc sống đem tới việc sinh, bạn tin cậy vào việc sinh - bạn không khao khát. Nếu cuộc sống đem tới cái chết, bạn tin cậy vào cái chết - bạn không nói rằng điều này là không tốt. Nếu cuộc sống đem tới hoa, được; nếu cuộc sống đem tới gai, cũng được. Nếu cuộc sống cho, điều đó tốt; nếu cuộc sống lấy đi, điều đó cũng tốt.

Đây là sự tin cậy: không làm việc chọn lựa của riêng bạn, để lại mọi thứ cho cuộc sống, bất kì cái gì... Không ham muốn, không đưa ra yêu cầu. Đơn giản đi tới bất kì nơi đâu cuộc sống dẫn tới, bởi vì khoảnh khắc bạn yêu cầu, bây giờ bạn biết cái đối lập sẽ là kết quả. Cho nên bạn không hỏi, “Xin cho chúng tôi cuộc sống vĩnh hằng,” bởi vì bạn biết bạn sẽ được cái chết vĩnh hằng.

Bạn đã bao giờ quan sát rằng trên toàn thế giới này chỉ người Ki tô giáo mới cầu nguyện về cuộc sống vĩnh hằng không? Chỉ người Ki tô giáo mới cầu nguyện, “Xin Thượng đế cho chúng con cuộc sống vĩnh hằng,” và chỉ người Ki tô giáo mới có địa ngục vĩnh viễn! Phải có cái đối lập. Không tôn giáo nào khác lại có địa ngục vĩnh viễn cả. Họ có địa ngục, nhưng địa ngục tạm thời thôi; bạn ở đó vài ngày, vài tháng, vài năm, và thế rồi bạn được siêu việt lên, bởi vì không trừng phạt nào có thể là vĩnh viễn cả. Làm sao nó có thể thế được?

Khi mọi vui vẻ đều tạm thời, làm sao trừng phạt có thể là vĩnh viễn được? Khi phần thưởng là tạm thời, làm sao trừng phạt có thể là vĩnh viễn? Khi bạn không bao giờ có được cái gì vĩnh viễn trong cuộc sống, làm sao bạn có thể bị trừng phạt vĩnh viễn vì nó được? Dường như là bất công.

Nhưng người Ki tô giáo yêu cầu, cầu nguyện cuộc sống vĩnh viễn. Thế thì bạn phải làm cân bằng: địa ngục vĩnh viễn. Một khi bạn phạm tội và bị tống vào địa ngục bạn sẽ không bao giờ có khả năng thoát ra khỏi nó. Mãi mãi và mãi mãi bạn sẽ ở đó. Điều này phải là như vậy, bởi vì bạn đã yêu cầu cuộc sống vĩnh viễn.

Tin cậy của Phật tử có nghĩa là hiểu biết sâu sắc về sự kiện rằng bất kì cái gì bạn yêu cầu đều sẽ đi sai. Cố hiểu điều đó đi. Tôi sẽ nhắc lại: bất kì cái gì bạn ham muốn sẽ đi sai.

Hiểu điều này, ham muốn biến mất. Khi ham muốn biến mất, có tin cậy! Tin cậy có nghĩa là đi với cuộc sống mà không có bất kì trông đợi, ham muốn, yêu cầu gì của riêng bạn. Không đòi hỏi, không phàn nàn. Bất kì cái gì xảy ra, chấp nhận nó.

Và nhớ, đây không phải là cái gì đó bạn làm. Nếu bạn làm nó, thế thì có bác bỏ. Nếu bạn nói, “Vâng, tôi chấp nhận,” bạn đã bác bỏ. Bạn nói, “Bất kì cái gì xảy ra tôi sẽ chấp nhận” - có bác bỏ sâu sắc đằng sau nó.

Bạn không thực sự chấp nhận. Bạn đang chấp nhận chỉ bởi vì bạn cảm thấy bất lực, bởi vì không thể làm được gì, cho nên phải làm gì? - chấp nhận. Nhưng chấp nhận đó có phiền muộn sâu sắc trong nó, sự bác bỏ. Nếu như có khả năng bác bỏ, bạn đã chọn việc bác bỏ. Thế thì đấy không phải là tin cậy.

Việc thấy thực tại một cách đơn giản, rằng cái đối lập được bao hàm ở mọi nơi, Tăng Xán nói tin cậy xảy ra. Không phải là bạn nói, “Tôi chấp nhận”; không phải là trong mọi bất lực mà bạn chấp nhận đâu. Đơn giản bản chất của cuộc sống là cái đối lập cũng được bao hàm. Việc nhìn vào sự kiện, chân lí, sâu bên trong bạn, sẽ cho bạn tin cậy. Nhìn vào sự kiện này, niềm tin xảy ra.

Nếu tôi thấy rằng tôi được sinh ra, thế thì sự kiện có đấy rằng tôi sẽ chết. Đây là một sự kiện đơn giản. Tôi không chấp nhận nó bởi vì không có bác bỏ; tôi đơn giản tin cậy. Khi tôi đã tin vào việc sinh ra, cuộc sống đã cho tôi việc sinh, và tôi đã tin cậy, thì cuộc sống sẽ cho tôi cái chết, và tôi tin cậy. Nếu sinh đã đẹp như vậy, thì sao chết lại không đẹp? Và bạn là ai mà quyết định? Nếu cái sinh đã cho bạn nhiều thế, sao cái chết lại không cho thế?

Cái chưa biết bao giờ cũng có đó. Tin cậy có nghĩa là đi vào trong cái chưa biết, không đưa ra đòi hỏi gì. Thế thì bạn không thể khổ sở được, thế thì phúc lạc cứ mưa rào lên bạn. Làm sao bạn có thể khổ sở nếu bạn không đòi hỏi? Ai có thể làm cho bạn khổ sở nếu bạn không yêu cầu? Cuộc sống dường như khổ sở bởi vì bất kì cái gì bạn yêu cầu, cuộc sống dường như chỉ hướng tới cái đối lập. Cuộc sống sẽ trở thành phúc lạc nếu bạn không yêu cầu; bất kì cái gì xảy ra đều đẹp đẽ. Bất kì cái gì xảy ra đều đẹp đẽ - bạn đơn giản đi cùng nó.

Trang Tử nói đúng: “Thoải mái là phải,” và “Giầy vừa quên chân.” Và khi bạn vừa vặn sâu sắc với cuộc sống, hoài nghi, không tin tưởng đều biến mất. Vừa vặn này của chiếc giầy là tin cậy. Niềm tin nảy sinh mà không phải là đức tin. Niềm tin nảy sinh không cần bất kì Thượng đế nào để mà được tin vào.

Đó là lí do tại sao Phật tử không nói về Thượng đế. Phật giáo thực sự đạt tới cốt lõi sâu xa nhất của tôn giáo, và người như Tăng Xán là hiếm. Hiểu biết của họ là hoàn hảo, toàn bộ. Cái toàn thể đã đi vào trong hiểu biết của họ. Họ không cần Thượng đế bởi vì họ nói, “Tại sao cần Thượng đế? Sự tồn tại không đủ sao? Tại sao phải nhân cách hoá nó? Và bất kì điều gì bạn làm thì sẽ chỉ giống như bạn - nó sẽ là sự phóng chiếu. Cho nên tất cả các Thượng đế đều là phóng chiếu.”

Người Hindu làm ra Thượng đế: nhìn Thượng đế này mà xem, nó chỉ là phóng chiếu của sinh lí học Hindu - cái mũi, đôi mắt, chiều cao, mọi thứ. Nhìn Thượng đế của người Nhật, nhìn Thượng đế của người da đen, và bạn có thể thấy rằng đây chỉ là phóng chiếu của tâm trí riêng của chúng ta. Nếu như ngựa mà có Thượng đế của chúng thì Thượng đế đó không thể là người được, họ sẽ phải là ngựa. Bạn có thể nghĩ được ngựa có Thượng đế như con người không? Không thể được! Ngựa sẽ có ngựa làm Thượng đế của chúng. Nếu cây cối có Thượng đế của chúng thì Thượng đế đó sẽ là cây cối.

Thượng đế của bạn là gì? Phóng chiếu của bạn. Và tại sao bạn phóng chiếu? Bởi vì bạn muốn được phóng chiếu. Không có Thượng đế bạn cảm thấy cô đơn, đơn độc, trống rỗng; bạn muốn ai đó giúp bạn. Với yêu cầu giúp đỡ này, bạn đang tạo ra khổ sở cho bản thân mình. Bây giờ cái đối lập sẽ xảy ra. Mọi khoảnh khắc bạn sẽ cảm thấy Thượng đế không lắng nghe, và bạn đang cầu nguyện và khóc lóc còn ông ấy thì không lắng nghe. Và mọi khoảnh khắc bạn sẽ cảm thấy bạn đã làm mọi điều và bạn chẳng được trao cho cái xứng đáng với bạn.

Các thánh nhân, cái gọi là thánh nhân, bao giờ cũng có những điều phàn nàn bởi vì họ đã từ bỏ thế giới mà phúc lạc vẫn không xảy ra. Họ vô dục, nhưng ấy vậy mà hoa lại không rơi vào họ. Và họ đã làm điều này điều nọ, họ có một danh sách dài dằng dặc, và họ đã làm nhiều điều, ấy vậy mà Thượng đế cứ ở xa xôi mãi thế. Họ không tin cậy, họ vẫn đang làm cuộc tranh đấu với cuộc sống. Họ không cho phép cuộc sống xảy ra theo cách riêng của nó. Họ có ý tưởng riêng của mình để ép buộc lên cuộc sống - đó là không tin cậy.

Không tin cậy có nghĩa là bạn có ý tưởng nào đó để ép buộc. Bạn nghĩ bản thân mình là khôn ngoan hơn bản thân cuộc sống. Đó là không tin cậy, đó là không tin tưởng. Bạn muốn áp đặt bản thân mình. Bạn cứ vào nhà thờ, giáo đường, và xem mọi người cầu nguyện Thượng đế. Họ đang nói gì vậy? Họ đang đưa ra lời khuyên. Họ đang nói, “Đừng làm điều này, điều này sai. Con tôi đang ốm, làm cho nó mạnh khoẻ lên.”

Ngay chỗ đầu tiên, nếu bạn thực sự tin cậy, thế thì Ngài làm cho con bạn ốm đấy - vậy tin cậy vào điều đó đi! Tại sao lại cứ đi phàn nàn và cầu nguyện? Bạn cho là bạn có thể cải tiến Ngài được chăng? Mọi lời cầu nguyện đều có nghĩa là cầu Thượng đế rằng “Xin đừng làm hai với hai thành bốn. Dù bất kì cái gì xảy ra, bất kì cái gì tự nhiên, đừng để cho nó xảy ra.” Bạn có ý tưởng nào đó để gợi ý, bạn có lời khuyên nào đó - đây không phải là tin cậy.

Tin cậy nghĩa là: “Tôi không là ai cả và tôi đi tới bất kì chỗ nào mà cuộc sống dẫn tôi tới, bất kì đâu - đi vào trong cái chưa biết, trong bóng tối, cái chết hay cuộc sống. Dù nó dẫn tới đâu, tôi đều sẵn sàng. Tôi bao giờ cũng sẵn sàng và tôi vừa khớp.” Nhưng khi nào bạn có thể vừa khớp? Bạn có thể vừa khớp chỉ khi nhị nguyên dừng lại; khi bạn có thể thấy, và chính việc thấy đó trở thành việc dừng lại - dừng ham muốn, yêu cầu.

Với tâm trí thống nhất theo Đạo thì tất cả mọi cố gắng tự định tâm đều dừng.

Hoài nghi và do dự tan biến và sống trong niềm tin đúng là điều có thể.

Chỉ với một cú chúng ta thoát khỏi tù túng...

Chỉ với một cú chúng ta thoát khỏi tù túng. Đó không phải là việc dần dần. Không phải là dần dần mà bạn đạt tới chân lí đâu, vấn đề không phải là ở mức độ. Bằng một cú thôi, khi bạn thấy chân lí, trong một khoảnh khắc bạn thoát khỏi mọi tù túng.

Vấn đề không phải là nỗ lực, bởi vì bất kì điều gì bạn làm, bạn sẽ làm với tâm trí, mà tâm trí là nguyên nhân cho tất cả mọi khổ sở. Và bất kì điều gì bạn làm với tâm trí đều sẽ làm mạnh thêm cho tâm trí. Bất kì điều gì bạn làm với tâm trí đều sẽ là sự cố gắng. Và bất kì điều gì bạn làm với tâm trí thì tâm trí cũng sẽ là việc chọn lựa từ hai cực đối lập. Bạn sẽ dính líu vào nhiều hơn.

Cho nên vấn đề không phải là làm gì, vấn đề là cách nhìn. Vấn đề không phải là thay đổi tính cách của bạn, vấn đề không phải là trở nên tốt hơn, trở nên thánh thiện hơn, ít tội lỗi hơn - không, đấy không phải là vấn đề. Vấn đề là: cách nhìn không có tâm trí, cách nhìn không có chọn lựa. Vấn đề không liên quan tới việc làm và hành động, vấn đề liên quan tới phẩm chất của nhận biết.

Đó là lí do tại sao ở phương Đông chúng ta đã nhấn mạnh vào thiền, và ở phương Tây người ta đã nhấn mạnh vào đạo đức. Khi lần đầu tiên Upanishad được dịch sang tiếng phương Tây thì các học giả rất phân vân, bởi vì họ không có gì giống như Mười điều răn dạy trong Upanishad - “Đừng làm điều này, làm điều nọ” - chẳng có gì ở đó cả. Họ đã phân vân. Làm sao Upanishad này lại là kinh sách tôn giáo? Bởi vì tôn giáo có nghĩa là đạo đức, tôn giáo có nghĩa, “Đừng làm điều này và làm điều kia,” nó là việc làm. Và Upanishad không nói về điều phải làm, chúng chỉ nói về cách hiện hữu, cái hiện hữu.

Làm sao để tỉnh táo hơn và nhận biết hơn, đó là vấn đề duy nhất - làm sao để nhận biết tới mức bạn có thể thấu suốt, và các phía đối lập trở thành một và các nhị nguyên dừng lại. Trong hiểu thấu sâu sắc về nhận biết, tội nhân biến mất, thánh nhân cũng biến mất, bởi vì họ cả hai đều thuộc về nhị nguyên. Thượng đế chết và Quỉ cũng chết, bởi vì họ cũng thuộc vào nhị nguyên - tâm trí đã tạo ra họ.

Và Ki tô giáo vẫn còn trong rối loạn sâu sắc, bởi vì làm sao thu xếp được cho cả Quỉ và Thượng đế? Đây thực sự là vấn đề. Ngay chỗ đầu tiên, làm sao Quỉ này lại tới? Nếu bạn nói Thượng đế tạo ra Quỉ thế thì trách nhiệm đổ về bản thân Thượng đế. Và điều gì sẽ xảy ra ở chỗ cuối? Ai sẽ thắng? Nếu bạn nói Thượng đế sẽ thắng, cuối cùng, thế thì tại sao toàn bộ cái vô nghĩa này cứ diễn ra trên đường, trên phố? Nếu Thượng đế cuối cùng sẽ thắng, thì tại sao lại không bây giờ?

Và nếu bạn nói có thể không có chiến thắng cuối cùng, không thắng lợi, thì xung đột sẽ tiếp tục, thế thì Quỉ trở thành mạnh như Thượng đế. Và ai mà biết được? - nó có thể thắng ở lúc cuối. Và nếu nó thắng thế thì điều gì sẽ xảy ra cho tất cả các vị thánh của bạn? Thế thì tội nhân sẽ hạnh phúc còn thánh nhân sẽ bị tống vào địa ngục. Nhưng toàn bộ vấn đề lại nảy sinh bởi vì tâm trí nhị nguyên.

Tâm trí không thể thấy rằng Thượng đế và Quỉ là một. Họ là một đấy! Quỉ chỉ là phía đối lập: cực đoan kia, cái ghét, cái chết. Cho nên bạn nói Thượng đế là tình yêu còn Quỉ là căm ghét, Thượng đế là từ bi còn Quỉ là bạo hành, và Thượng đế là ánh sáng còn Quỉ là bóng tối. Ngu xuẩn làm sao! - bởi vì bóng tối và ánh sáng là hai khía cạnh của một năng lượng. Tốt và xấu, phải và trái, đạo đức và vô đạo đức, cả hai đều là hai cực của một hiện tượng. Và một hiện tượng đó là sự tồn tại.

Tăng Xán sẽ không gọi nó là Thượng đế, bởi vì nếu bạn gọi nó là Thượng đế, bạn phủ nhận Quỉ - nó là Thượng đế cộng với Quỉ. Sự tồn tại là cả đêm và ngày, cả buổi sáng và buổi tối, hạnh phúc, bất hạnh - tất cả. Nó là sự cùng nhau. Và khi bạn thấy điều này, thì thiên đường và địa ngục cả hai đều cùng nhau, thế thì chọn lựa ở đâu? Và đâu là vấn đề về việc chọn cái gì hay đòi hỏi cái gì?

Mọi yêu cầu đều dừng lại. Niềm tin nẩy sinh. Tin cậy xảy ra trong cái trống rỗng của chân lí - nơi nhị nguyên dừng lại, nơi bạn thậm chí không thể nói rằng người ta là hiện tượng chưa biết nở hoa, chính là tin cậy. Một cái gì đó nở bung mà là cái đẹp nhất, quí giá nhất, và đó là hoa của tin cậy.

Chỉ với một cú chúng ta thoát khỏi tù túng; không cái gì níu bám chúng ta và chúng ta không ôm giữ cái gì.

Tất cả là trống rỗng, rõ ràng, tự chói sáng, không dùng tới sức mạnh của tâm trí.

Tại đây ý nghĩ, cảm giác, tri thức và tưởng tượng đều không có giá trị.

Thế thì người ta sống, chỉ sống. Người ta thở, chỉ thở. Không tưởng tượng, không ý nghĩ, không tâm trí - chúng tất cả đều không có giá trị. Bạn tin cậy vào sự tồn tại, và khi bạn tin cậy vào sự tồn tại, thì sự tồn tại tin cậy vào bạn. Gặp gỡ với tin cậy này là phúc lạc tối thượng, cực lạc, samadhi.

Cho nên phải làm gì về nó? Vấn đề không phải là làm, chẳng cái gì có thể được làm cả. Bạn phải thấy, bạn phải quan sát cuộc sống; trở thành người quan sát, nhìn vào mọi thứ. Lần sau bạn cảm thấy tình yêu, đừng có bị nó lừa. Yêu, nhưng nhìn vào bên trong - có ghét chờ đợi. Và quan sát. Và bỗng nhiên sẽ có chói sáng. Bạn sẽ có khả năng thấy yêu này không phải là cái gì ngoài bước đầu tiên của ghét.

Thế thì cái gì có đó để mà chọn lựa? Thế thì tại sao lại hỏi, “Xin Thượng đế cho chúng con nhiều tình yêu nữa?' - bởi vì nhiều ghét sẽ tới. Cho nên bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ nổi lên trong yêu và bạn sẽ biết ghét đang tới. Bạn không níu bám vào yêu... bởi vì níu bám có nghĩa là bạn đang tranh đấu chống lại ghét. Và bạn biết, như đêm tới sau ngày, sau yêu thì ghét sẽ tới. Thế thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ không níu bám lấy yêu mà cũng sẽ không ghét cái ghét.

Và khi bạn đang trong cân bằng như vậy, trong thanh bình như vậy, nơi bạn không yêu cầu yêu, nơi bạn không muốn xa khỏi ghét, nơi bạn không níu bám lấy bất kì cái gì, và không cái gì níu bám lấy bạn, bỗng nhiên bạn không yêu cũng chẳng ghét - bỗng nhiên, trong một cú, nhị nguyên bị tan vỡ. Từ bất kì đâu...

Gurdjieff hay nói với đệ tử của mình, “Tìm ra đặc trưng chính của ông đi.” Điều đó là tốt. Tìm ra đặc trưng chính của bạn là gì - sợ? ghét? yêu? tham? dục? Đâu là đặc trưng chính của bạn? Chỉ quan sát và thấy, và làm việc trên đặc trưng chính đó, và cố gắng để thấy các phía đối lập cùng nhau.

Nếu nó là yêu, thế thì thấy yêu và ghét cùng nhau đi. Nếu bạn có thể thấy, chúng phủ định lẫn nhau. Bỗng nhiên bạn trống rỗng - không có yêu lẫn ghét. Chúng có thể là một vào mỗi lúc. Cả hai cùng nhau, chúng phủ định lẫn nhau. Bỗng nhiên cả hai chúng không có đó - chỉ bạn là bị bỏ lại một mình, trong cái đơn độc toàn bộ của mình. Không cái gì có đó, không dấu vết của bất kì cái gì. Đây là cái trống rỗng, shunyata mà Tăng Xán đang nói tới.

Và nếu bạn có thể thấy điều này trong một nhị nguyên, thì bạn có thể thấy nó trong tất cả - đó không phải là vấn đề lớn. Một khi bạn đã thấy nó trong một nhị nguyên, yêu-ghét, thì bạn đã thấy nó trong tất cả. Cùng điều đó là ở mọi nơi. Phẩm chất khác biệt hoàn toàn của bản thể sẽ đi vào sự tồn tại.

Tin cậy đi. Nó không phải là cái gì đó để tin vào, một học thuyết, nó chẳng liên can gì tới bất kì Thượng đế nào, bất kì Christ nào, Krishna, Mohammed, bất kì Koran, Kinh thánh, Gita. Không, nó có cái gì đó liên quan tới nhận biết của bạn. Đầy tỉnh táo, thấy xuyên thấu, bạn trở nên tự do - và ngay một cú.

Chỉ với một cú chúng ta thoát khỏi tù túng; không cái gì níu bám chúng ta và chúng ta không ôm giữ cái gì.

Tất cả là trống rỗng, rõ ràng, tự chói sáng, không dùng tới sức mạnh của tâm trí.

Tại đây ý nghĩ, cảm giác, tri thức và tưởng tượng đều không có giá trị.

Đừng nghĩ về nó, thử thấy nó trong cuộc sống đi. Điều đó sẽ đau đớn, bởi vì khi bạn đang cảm thấy yêu bạn không muốn nghĩ về ghét chút nào. Bạn thực sự sợ rằng nếu bạn nghĩ về ghét, thế thì toàn bộ cực lạc của tình yêu sẽ biến mất. Khi bạn đang sống động bạn không muốn nghĩ về cái chết chút nào, bởi vì bạn sợ rằng nếu bạn nghĩ quá nhiều về cái chết thế thì bạn sẽ không có khả năng tận hưởng cuộc sống.

Nhưng theo một cách nào đó nỗi sợ của bạn là phải. Nếu bạn thực sự trở nên nhận biết về cái chết, bạn sẽ không có khả năng tận hưởng cuộc sống theo cách mà bạn đang tận hưởng nó. Nó không nhiều khoái trá. Nó không phải thế - nó chỉ là khổ sở. Bạn sẽ không có khả năng tận hưởng nó theo cách này. Và cách này thì không phải là khoái trá chút nào, nhớ lấy.

Nếu bạn nghĩ về ghét trong khi làm tình, bạn sẽ không có khả năng tận hưởng nó theo cách mà bạn đã tận hưởng nó. Nhưng nó có thực là sự tận hưởng hay chỉ là ám ảnh? Bạn đã bao giờ thực sự tận hưởng tình yêu chưa? Nếu bạn đã tận hưởng nó thế thì bạn sẽ nở hoa, thế thì bạn sẽ có hương thơm khác - và nó không có đó. Thế thì bạn sẽ có chói sáng khác của bản thể, và nó không có đó. Bạn trống rỗng, nghèo nàn, sâu bên trong - đen tối, không ngọn lửa. Cho nên tình yêu này và cuộc sống này và mọi thứ đã từng là kiểu tận hưởng gì vậy? Không, bạn đã bị lừa dối.

Tình yêu của bạn không là gì ngoài sự say sưa, chất ma tuý: trong vài khoảnh khắc bạn ngã vào trong nó và quên mất. Thế rồi ghét tới và thế rồi bạn khổ sở. Và lần nữa, bởi vì bạn khổ sở, nên bạn tìm tình yêu, và tình yêu của bạn chẳng là gì ngoài lại rơi vào trong giấc ngủ say. Đây đã từng là hình mẫu của bạn. Tất cả những điều bạn gọi là hạnh phúc thì chẳng là gì ngoài việc rơi vào trong giấc ngủ. Bất kì đâu bạn cảm thấy giấc ngủ ngon, bạn đều thấy nó như hạnh phúc.

Con người hạnh phúc là gì trong tâm trí bạn? Người ấy là người không bị gây rắc rối bởi mọi vật. Đó là lí do tại sao lại có nhiều hấp dẫn đến thế trong rượu, trong ma tuý, bởi vì thế thì lo nghĩ bị quên lãng. Tình yêu của bạn là gì? Nó dường như là tiến trình sinh học có sẵn cho việc làm bản thân bạn nghiện ma tuý. Và nó là hoá chất; một số hoá chất của thân thể được tiết ra, cho nên cân bằng hoá chất bị thay đổi. Nó không khác gì lắm với thuốc phiện hay LSD, bởi vì điều cơ bản là thay đổi hoá chất trong thân thể.

Tình yêu làm thay đổi; nhịn ăn cũng làm thay đổi, các hoá chất của thân thể mất đi hình mẫu cũ. Trong hình mẫu mới đó, trong vài khoảnh khắc bạn cảm thấy phấn chấn. Căm ghét lại tới, thế giới lại đi vào, và lo nghĩ, và bạn lại trong bánh xe. Điều này bạn đã làm nhiều, nhiều kiếp rồi.

Bây giờ thử điều gì đó mà Tăng Xán đang nói, và đây là điều mà tất cả chư phật đã nói. Nhìn trong khi bạn đang yêu, trong khi bạn đang làm tình - đừng sợ - nhìn cách nó đang biến thành ghét. Trong khi bạn đang sống, nhìn vào cách nó đang đi vào cái chết - mỗi hơi thở và bạn lại đi vào trong cái chết. Mọi khoảnh khắc thời gian trượt qua, và cái chết lại tới gần hơn, gần hơn nữa. Nhìn vào cách tuổi thanh xuân của mình đang trở thành tuổi già. Nhìn vào cái đối lập đi!

Dũng cảm là cần thiết, bởi vì hình mẫu cũ sẽ không có ích gì; nó sẽ bị phá huỷ bởi nó. Nhưng một khi bạn có thể thấy ghét trong yêu, bạn sẽ đạt tới thanh bình mà vượt ra ngoài cả hai. Nếu bạn có thể thấy cuộc sống và cái chết cả hai cùng nhau, bạn siêu việt lên rồi. Trong một cú bạn siêu việt lên. Trong một cú bạn thoát ra ngoài tù túng, lần đầu tiên bạn là linh hồn tự do - bạn là bản thân tự do. Đó là lí do tại sao chúng ta gọi trạng thái tối thượng này là moksha, tự do.

Không có gì phải làm cả. Bạn phải trở nên nhiều nhận biết trong việc làm của mình, trở nên nhiều ý thức hơn. Đó là việc thiền duy nhất: trở nên tỉnh táo hơn. Trong một khoảnh khắc nhận biết sắc bén, nhận biết này trở thành vũ khí, và trong chỉ một cú tất cả mọi tù túng đều bị phá vỡ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho