Tuần 05. Cuộc sống luôn đơn giản
Tuần 05. Cuộc sống luôn đơn giản
Ngày 29 Tháng Giêng
Niềm tin
Bạn hãy nhớ rằng đừng bao giờ hoài nghi. Dù bất cứ giá nào bạn cũng phải tin tưởng (ngay cả khi niềm tin của bạn giúp người khác lừa dối bạn; dù sao thế vẫn tốt hơn là bạn chẳng tin vào ai cả).
Khi một người nào đó yêu thương bạn và không lừa dối bạn thì bạn dễ dàng tin tưởng họ. Nhưng ngay cả khi thế gian nào dối lừa, mọi người dối lừa bạn (họ chỉ có thể dối lừa bạn khi bạn đặt niềm tin vào họ) bạn cũng hãy tiếp tục tin tưởng họ. Đừngbao giờ đánh mất niềm tin. Bạn sẽ không bao giờ là người thua cuộc vì niềm tin là đích đến cuối cùng của nhân loại. Đừng bao giờ đánh đổi niềm tin vì bất kì thứ gì. Niềm tin luôn có giá trị vô song.
Nếu bạn có thể tin tưởng bạn sẽ luôn là người cởi mở. Mọi người thường tỏ ra kín đáo để tự bảo vệ chính mình. Họ làm thế để không ai có thể lừa dối và trục lợi từ họ. Bạn hãy để họ trục lợi từ bạn! Nếu bạn vẫn không ngừng tin tưởng thì đóa hoa vô thường sẽ xuất hiện. Bạn sẽ không còn lo sợ rằng mọi người sẽ phỉnh gạt bạt vì bạn đã chấp nhận điều đó. Nỗi lo sợ có thể nguy hại cho bạn nhiều hơn bất kỳ nguy hại mà người khác có thể gây ra cho bạn. Nỗi lo sợ có thể phá hỏng cuộc đời bạn nên bạn hãy mở lòng mình ra, hãy đặt niềm tin một cách vô tư, một cách vô điều kiện.
Bạn sẽ thăng hoa, sẽ giúp mọi người thăng hoa khi bạn giúp họ ý thức được rằng họ chẳng lừa dối gì bạn, họ đang tự lừa dối chính bản thân mình. Bạn không thể lừa dối một ai đó nếu người đó không ngừng đặt niềm tin vào bạn. Niềm tin sẽ giúp bạn không ngừng đối mặt với chính mình.
Ngày 30 Tháng Giêng
Sự trống rỗng
Ngày tuyệt vời nhất trong đời bạn là ngày mà bạn không thể tìm được thứ gì tồn đọng trong chính mình để có thể vứt bỏ ra ngoài; tâm hồn bạn chỉ còn lại sự trống rỗng. Trong sự trống rỗng đó, bạn có thể tìm được chính mình.
Việc chiêm nghiệm, thiền định có nghĩa là vứt bỏ toàn bộ nội dung của tâm hồn (ký ức, hình ảnh, suy nghĩ, tham vọng, mong đợi, ảo tưởng, trạng thái). Ngày tuyệt vời nhất trong đời bạn là ngày mà bạn không thể tìm được thứ gì tồn đọng trong chính mình để vứt bỏ ra ngoài. Mọi thứ đã được vứt bỏ ra ngoài, tâm hồn bạn chỉ còn lại sự trống rỗng. Trong sự trống rỗng đó bạn sẽ tìm được chính mình; tìm được sự tỉnh táo thanh khiết của mình.
Sự trống rỗng đó chỉ có thể xuất hiện khi bạn tập trung tinh thần. Tâm hồn trống rỗng nhưng ý thức luôn tỉnh táo. Bạn đừng ngại sự trống rỗng, nó không phải là một cái gì đó tiêu cực. Nó phủ nhận tất cả những thứ vô bổ, không cần thiết, những thói quen nguy hại đã đeo bám và đè nặng lên bạn trong suốt quá khứ qua. Một khi gánh nặng này được tháo gỡ bạn sẽ được tự do vượt qua mọi giới hạn, bạn sẽ trở thành cái vô hạn giống như bầu trời xanh kia. Đây chính là trải nghiệm của Thượng đế (hay còn gọi là Trạng thái Phật) hay bất kỳ tên gọi nào bạn thích. Bạn có thể gọi nó là chân lý, cõi vĩnh hằng, cõi niết bàn... Tất cả đều là một.
Ngày 31 Tháng Giêng
Thử nghiệm
Bạn hãy mở lòng mình và sẵn sàng thử nghiệm. Bạn hãy sẵn sàng đặt chân lên những con đường mà trước đây bạn chưa từng đi qua. Ai là người có thể biết hết mọi điều? Có thể con đường bạn đang đi chẳng đưa bạn đến một nơi nào cả nhưng ít ra nó cũng là một trải nghiệm mới mẻ của bạn.
Edison không ngừng thử nghiệm trong suốt 3 năm trời. Ba năm ấy ông thất bại tổng cộng 700 lần. Mọi cộng sự và học trò của ông đều nản lòng. Mỗi sáng ông bước vào phòng thí nghiệm với thái độ hân hoan, giống như đều ông chưa bao giờ thất bại. 700 lần thất bại và 3 năm trời bị hoang phí! Mọi người đều khẳng định rằng chẳng có gì có thể xuất hiện từ những thử nghiệm của ông, thật vô ích.
Bọn họ nói với Edison: 'Chúng ta đã thất bại 700 lần. Chúng ta chưa đạt được thành tựu nào cả. Chúng ta phải ngưng ngay thôi'. Edison bật cười to. Ông nói 'Các anh đang nói gì vậy? Thất bại ư? Chúng ta thành công khi biết được 700 phương pháp đó đều sai lạc. Chúng ta đang tiến gần hơn với sự đúng đắn. Nếu chúng ta không gõ vào 700 cánh cửa đó chúng ta sẽ chẳng biết phải đi hướng nào. Nhưng giờ đây chúng ta đã biết được rằng 700 cánh cửa đó đều sai lạc. Đây là một thành tựu tuyệt vời!'.
Đây là một quan điểm khoa học rất cơ bản: Nếu bạn có thể xác điịnh được điều sai trái, bạn sẽ tiến gần hơn tới chân lý. Chân lý không thể xuất hiện giữa chợ để bạn có thể tìm đến và mua về. Nó không nằm sẵn tại một nơi cụ thể nào đó. Bạn phải thử nghiệm mới có thể tìm được nó. Bạn phải luôn sẵn sàng để tham gia bất kỳ thử nghiệm nào. Đừng bao giờ thiển cận mà tỏ ra tự mãn. Đừng bao giờ nghĩ rằng việc mình đang làm là hoàn hảo. Không có gì có thể hoàn hảo. Vẫn luôn có một phương cách nào đó để cải thiện nó; giúp nó trở nên tốt đẹp.
Ngày 1 Tháng Hai
Rắc rối
Nếu bạn hành xử như là bạn chẳng hề gặp một rắc rối nào, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn chẳng gặp bất kì rắc rối nào! Mọi rắc rối chỉ là ảo tưởng. Bạn tin rằng chúng tồn tại nên chúng tồn tại.
Đó chỉ là sự tự thôi miên chính mình: Bạn không ngừng lặp đi lặp lại rằng bạn thế này hoặc bạn thế nọ, bạn không có khả năng, bạn là người của thất bại. Bạn lặp đi lặp lại nó, nó trở thành một câu thần chú, nó tỏa khắp trong tim bạn và nó trở thành sự thật.
Bạn hãy thử hoạt động cứ như thể bạn chẳng gặp bất kỳ một rắc rối nào cả. Bạn sẽ nhận thấy rằng trong bạn có được một phẩm chất hoàn toàn khác: bạn chẳng gặp bất kỳ một rắc rối nào cả! Bạn là người quyết định mình sẽ đeo đuổi rắc rối hay vứt bỏ chúng lại phía sau. Bạn có thể dễ dàng vứt bỏ mọi rắc rối nếu bạn hiểu được chính bạn là người ôm chặt lấy nó, nó không ôm chặt lấy bạn. Nhưng nếu không có rắc rối thì chúng ta không thể sống được nên chúng ta không ngừng tạo ra chúng. Người ta cảm thấy cô đơn khi không có rắc rối vì họ không có gì để làm. Khi gặp rắc rối thì bạn cảm thấy vui hơn (bạn có một cái gì đó để làm, bạn phải suy nghĩ về nó; nó giúp bạn luôn bận rộn).
Đôi khi bạn nghĩ rằng bạn là người không xứng đáng, bạn thế này hoặc thế nọ... Đây là một suy nghĩ vị kỷ. Bạn muốn mình là một người xứng đáng, tại sao bạn muốn thế? Bạn muốn mình là người có khả năng tuyệt vời, tại sao bạn muốn thế? Tại sao bạn không thể hài lòng với những giới hạn của mình? Một khi bạn chấp nhận được chúng, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn bắt đầu sống tốt hơn trong đời sống này.
Ngày 2 Tháng Hai
Không biết gì
Đừng bày tỏ quan điểm gì về sự lo sợ. Đừng gọi nó là sự lo sợ. Khi bạn đặt tên nó là sự lo sợ thì bạn đã có một quan điểm nhất định dành cho nó.
Đây là một trong số những điều thiết yếu nhất: đừng đặt tên cho nó. Bạn hãy quan sát mọi cảm xúc của mình mà không đưa ra bất kỳ một nhận định nào về nó, đừng đặt tên cho nó. Bạn hãy là một người không biết gì về nó, đừng để tâm hồn mình vận dụng ngôn từ hay suy nghĩ gì cả.
Bạn hãy đơn giản là quan sát nó, đừng gọi nó là sự lo sợ. Bạn hãy hành động giống như một con vật trong khi sợ hãi, nhưng đừng gọi tên, đừng nhận định, đừng đưa ra quan điểm về nó. Nếu bạn để sự lo sợ đè nặng lên tâm hồn mình, tóc bạn sẽ rụng dần theo thời gian.
Ngày 3 Tháng Hai
Cuộc sống luôn đơn giản
Cuộc sống luôn rất đơn giản. Cây cối vẫn đang sống trong đời sống này; rõ ràng đời sống của nó luôn đơn giản. Tại sao bạn làm cho cuộc sống phức tạp lên như thế? Vì bạn tự đặt ra những giả thuyết về nó.
Bạn phải rũ bỏ mọi học thuyết của mình về cuộc sống này, nếu không bạn sẽ phải bối rối vì những ngôn từ mà bạn đặt ra.
Bạn đã nghe giai thoại về một con rết nọ chưa? Một sáng đẹp trời, con rết tỏ ra hân hoan và không ngừng ca hát. Nó say sưa với tia nắng mặt trời. Một con ếch ngồi gần bên tỏ ra rất bối rối (có lẽ nó là một triết gia). Nó hỏi 'Này anh rết, anh quả là một kỳ quan, anh có đến hàng trăm chiếc chân. Làm sao anh có thể kiểm soát được nó? Chân nào bước đi trước, chân nào bước theo sau, rồi theo sau nữa (có đến hàng trăm chân như thế)? Anh không cảm thấy khó khăn sao? Anh kiểm soát chúng thế nào? Theo tôi thì đó là điều không thể'. Con rết đáp 'Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Hãy để tôi suy nghĩ xem'. Rồi nó đứng lên, bắt đầu run rẩy và cuối cùng nó ngã sóng soài trên mặt đất. Tự nó đã làm cho nó trở nên bối rối. Hàng trăm chiếc chân! Làm sao nó kiểm soát được? Các học thuyết khiến người ta phải tê liệt. Cuộc sống này không cần bất kỳ một học thuyết hay một triết lý nào, cuộc sống này là quá đủ đối với chính nó rồi. Nó không cần thêm những thứ quá rườm rà. Bản thân nó đã là quá đủ.
Ngày 4 Tháng Hai
Lạc lối
Nếu bạn sợ mình sẽ bị lạc lối thì khả năng bạn lạc lối sẽ là rất lớn. Những gì bạn cố gắng đè nén sẽ trở nên vô cùng quan trọng với bạn.
Những gì bạn cố gắng đè nén sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn đối với tâm trí bạn. Bạn đừng đè nén sự lạc lối của mình. Thực ra, bạn nên bước theo nó. Nếu nó xảy ra, bạn hãy cứ để cho nó xảy ra. Chắc chắn phải có một cái gì đó tiềm ẩn phía sau nó, đó là lý do tại sao nó lại xảy ra. Đôi khi việc lạc lối lại là một việc tốt.
Ai muốn về một nơi nào đó thì không nên lo sợ về đích đến này. Nếu bạn lo sợ về nó, sự lo sợ này sẽ không bao giờ để bạn đến được nơi mình muốn. Bạn phải có một tâm hồn không biết lo sợ. Việc lạc lối là một điều tốt, chẳng có gì sai trái với nó cả.
Bạn phải ngưng ngay việc tranh đấu nhằm tồn tại. Bạn hãy ngưng ngay mọi xung đột và ý tưởng về việc chế ngự, bạn hãy đầu hàng. Khi bạn đầu hàng, bạn có thể làm được gì? Nếu tâm hồn bạn lạc lối, bạn hãy bước theo nó. Nếu nó không lạc lối, điều đó quá tuyệt vời. Đôi khi bạn nên hướng về một mục tiêu nào đó nhưng đôi khi bạn không nên hướng về bất kỳ nơi nào. Trong sâu thẳm tâm hồn bạn luôn có một đích đến nhất định. Khi đó trong tâm hồn bạn hoàn toàn không tồn tại bất kỳ một lo sợ nào.
Đừng bao giờ tạo ra sự đối ngẫu trong tâm hồn mình. Nếu bạn quyết tâm trở thành một người luôn đúng đắn, khi đó sẽ xuất hiện lực hấp dẫn kéo bạn về hướng những điều sai lạc. Nếu bạn quyết định mình sẽ không bạo lực, sự bạo lực sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong bạn. Nếu bạn quyết định mình sẽ tuyệt giao với tình dục, tình dục sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong bạn. Nếu bạn cố gắng hướng về một nơi nào đó, sự lạc lối sẽ trở thành một tội lỗi trong bạn. Bạn hãy chấp nhận, bạn hãy để mình lạc lối; chẳng có gì sai trái với nó cả.
Nhận xét
Đăng nhận xét