Chương 3. Thiền - hoa và từ bi - hương thơm
Chương 3. Thiền - hoa và từ bi - hương thơm
Đích xác như thế điều đó xảy ra đấy. Hoa nở và hương thơm lan toả theo gió đi đủ mọi hướng, được mang tới chính tận cùng của trái đất. Nhưng điều căn bản là việc nở của hoa.
Con người cũng mang tiềm năng của việc nở hoa bên trong mình. Chừng nào và trừ phi bản thể bên trong của con người còn chưa nở hoa, hương thơm của từ bi là không thể có được. Từ bi không thể được thực hành. Nó không phải là kỉ luật. Bạn không thể điều khiển được nó. Nó ở bên ngoài bạn. Nếu bạn thiền, một ngày nào đó, bỗng nhiên, bạn trở nên nhận biết về một hiện tượng mới, tuyệt đối kì lạ - từ bản thể bạn, từ bi tuôn chảy tới toàn thể sự tồn tại. Không định hướng, không địa chỉ, nó đi tới chính tận cùng của sự tồn tại.
Không có thiền, năng lượng vẫn còn là đam mê; có thiền, cùng năng lượng đó trở thành từ bi. Đam mê và từ bi không phải là hai năng lượng, chúng là một và cùng một năng lượng. Một khi nó đi qua thiền, nó được biến đổi, được tôn lên; nó trở thành khác về chất. Đam mê đi xuống, từ bi đi lên; đam mê đi qua ham muốn, từ bi đi qua vô ham muốn; đam mê là bận bịu để quên đi nỗi khổ bạn đang sống qua, từ bi là lễ hội, nó là điệu vũ của việc đạt tới, của sự hoàn thành... bạn được hoàn thành tới mức bạn có thể chia sẻ. Bây giờ không cái gì còn lại; bạn đã đạt tới định mệnh mà bạn đã mang hàng nghìn năm bên trong mình như tiềm năng còn chưa nở hoa, chỉ là nụ. Bây giờ nó đã nở hoa và nó đang nhảy múa. Bạn đã đạt tới, bạn đã được hoàn thành, không còn gì hơn để đạt tới, không đâu mà đi, không cái gì để làm.
Bây giờ điều gì sẽ xảy ra cho năng lượng này? Bạn bắt đầu chia sẻ. Cùng năng lượng đã đi qua các tầng tăm tối của đam mê bây giờ đi lên cùng tia sáng, không bị ô nhiễm bởi bất kì ham muốn nào, không bị ô nhiễm bởi bất kì ước định nào. Nó không bị biến chất bởi bất kì động cơ nào - do đó tôi gọi nó là hương thơm. Hoa bị giới hạn nhưng hương thơm không bị giới hạn. Hoa có những giới hạn nó bị bắt rễ vào đâu đó trong tù túng. Nhưng hương thơm không bị tù túng. Nó đơn giản đi, cưỡi lên gió; nó không cắm neo vào đất.
Thiền là hoa. Nó có rễ. Nó tồn tại trong bạn. Một khi từ bi xảy ra, nó không bị bắt rễ; nó đơn giản ra đi và cứ đi mãi. Phật đã biến mất nhưng từ bi của ông ấy không mất. Hoa chẳng chóng thì chầy sẽ tàn - nó là một phần của đất và cát bụi sẽ trở về với cát bụi - nhưng hương thơm đã toát ra sẽ còn mãi mãi. Phật đã qua rồi, Jesus đã qua rồi, nhưng hương thơm của họ không mất. Từ bi của họ vẫn tiếp tục và bất kì ai cởi mở với từ bi của họ đều lập tức cảm thấy tác động của nó, sẽ bị xúc động bởi nó, sẽ lấy cuộc hành trình mới, cuộc hành hương mới.
Từ bi không bị giới hạn vào hoa - nó tới từ hoa nhưng nó không phải là của hoa. Nó tới qua hoa, hoa chỉ là bước chuyển. Nhưng nó tới thực sự từ cõi bên kia. Nó không thể tới mà không có hoa được - hoa là giai đoạn cần thiết - nhưng nó không thuộc vào hoa. Một khi hoa đã nở ra, từ bi được thoát ra.
Sự khăng khăng này, sự nhấn mạnh này, phải được hiểu sâu sắc, bởi vì nếu bạn bỏ lỡ vấn đề bạn có thể bắt đầu thực hành từ bi nhưng thế thì nó không phải là hương thơm thực. Từ bi được thực hành chỉ là cùng đam mê đó nhưng với cái tên mới. Nó là cùng năng lượng bị ô uế bởi ham muốn, bị biến chất bởi động cơ và nó có thể trở thành rất nguy hiểm cho người khác - bởi vì nhân danh từ bi bạn có thể phá huỷ, nhân danh từ bi bạn có thể tạo ra tù túng. Nó không phải là từ bi, và nếu bạn thực hành nó bạn là giả tạo, hình thức - thực tế là kẻ đạo đức giả.
Điều đầu tiên cần được ghi nhớ là ở chỗ từ bi không thể được thực hành. Nó là điểm mà tất cả các tín đồ của tất cả các thầy giáo tôn giáo vĩ đại đã bỏ lỡ. Phật đã đạt tới từ bi qua thiền - bây giờ các Phật tử cứ thực hành từ bi. Jesus đạt tới từ bi qua thiền - bây giờ người Ki tô giáo, các nhà truyền giáo Ki tô giáo, cứ thực hành tình yêu, từ bi, phục vụ nhân loại, nhưng từ bi của họ đã chứng tỏ là lực rất huỷ diệt trên thế giới. Từ bi của họ đã chỉ tạo ra các cuộc chiến tranh; từ bi của họ đã tiêu diệt hàng triệu người. Họ chấm dứt trong cầm tù sâu sắc.
Từ bi giải phóng bạn, cho bạn tự do, nhưng từ bi đó phải tới chỉ qua thiền, không có cách khác cho nó. Phật đã nói rằng từ bi là sản phẩm phụ, là hậu quả. Bạn không thể bắt giữ hậu quả một cách trực tiếp được, bạn phải di chuyển; bạn phải tạo ra nguyên nhân, và hậu quả theo sau. Cho nên nếu bạn thực sự muốn hiểu từ bi là gì bạn phải hiểu thiền là gì. Quên tất cả về từ bi đi, nó tới theo cách riêng của nó.
Cố hiểu thiền là gì đi. Từ bi có thể trở thành tiêu chuẩn cho việc liệu thiền là đúng hay không. Nếu thiền mà đúng, từ bi nhất định tới - điều đó là tự nhiên; nó theo sau như cái bóng. Nếu thiền mà sai thế thì từ bi sẽ không theo sau. Cho nên từ bi có thể có tác dụng như tiêu chuẩn cho việc liệu thiền có thực sự đúng hay không. Và thiền có thể sai. Mọi người có khái niệm sai rằng mọi thiền đều đúng. Nó không phải vậy. Thiền có thể sai. Chẳng hạn, bất kì thiền nào dẫn bạn vào sâu trong tập trung đều sai - nó sẽ không làm nảy sinh từ bi. Bạn sẽ trở nên ngày một đóng hơn là trở nên mở. Nếu bạn làm hẹp tâm thức của mình lại, tập trung vào cái gì đó, và bạn loại trừ phần còn lại của sự tồn tại và trở thành một điểm, điều đó sẽ tạo ra ngày một nhiều căng thẳng trong bạn. Do đó mới có từ 'attention - chú ý'. Nó có nghĩa là 'at-tension - vào căng thẳng'. Tập trung, chính âm của từ này, cho bạn cảm giác về căng thẳng.
Tập trung có cái dụng của nó nhưng nó không phải là thiền. Trong công trình khoa học, trong nghiên cứu khoa học, trong phòng thí nghiệm khoa học, bạn cần tập trung. Bạn phải tập trung vào một vấn đề và loại trừ mọi thứ khác - nhiều tới mức bạn gần như trở thành không chú ý gì tới thế giới còn lại. Thế giới của bạn chỉ là vấn đề bạn đang tập trung vào. Đó là lí do tại sao các nhà khoa học trở thành người đãng trí. Những người tập trung quá nhiều bao giờ cũng trở thành đãng trí bởi vì họ không biết cách vẫn còn mở với toàn thế giới.
Tôi mới đọc một giai thoại:
'Tôi đã đem tới một con ếch,' giáo viên động vật học nói, tươi cười với cả lớp, 'ếch tươi mới bắt từ ao, để chúng ta có thể nghiên cứu dáng vẻ bên ngoài của nó và sau đó mổ nó.'
Ông ấy cẩn thận mở cái gói đem theo ra, và bên trong là một chiếc bánh mì kẹp thịt làm sẵn gọn gàng. Thầy giáo nhìn nó với vẻ sững sờ.
'Kì quái thật!', ông ấy nói, 'Tôi nhớ rõ ràng đã ăn trưa rồi mà.'
Điều đó cứ xảy ra mãi cho nhà khoa học. Họ trở thành tập trung vào một điểm và toàn thể tâm trí họ trở thành hẹp. Tất nhiên, tâm trí hẹp có cái dụng của nó: Nó trở nên xuyên thấu hơn, nó trở nên giống như chiếc kim nhọn, nó đâm đích xác đúng điểm, nhưng nó bỏ lỡ cuộc sống vĩ đại bao quanh nó.
Vị Phật không phải là con người của tập trung, ông ấy là con người của nhận biết. Ông ấy đã không cố gắng làm hẹp tâm thức của mình; trái lại, ông ấy đã cố gắng vứt bỏ mọi rào chắn để cho ông ấy trở nên hoàn toàn sẵn có cho sự tồn tại. Quan sát... sự tồn tại là đồng thời. Tôi đang nói ở đây và tiếng ồn giao thông cũng xảy ra đồng thời. Tầu hoả, chim chóc, gió thổi qua cây cối - trong khoảnh khắc này cái toàn thể của sự tồn tại qui tụ lại. Bạn nghe tôi, tôi nói với bạn, và cả triệu thứ vẫn tiếp diễn - nó cực kì giầu có.
Tập trung làm cho bạn thành một điểm với giá rất lớn: Chín mươi chín phần trăm cuộc sống bị gạt ra. Nếu bạn đang giải bài toán toán học, bạn không thể nghe được chim chóc - chúng sẽ là sự phân tán. Trẻ con chơi quanh, chó sủa trên phố - chúng sẽ là sự phân tán. Vì tập trung, mọi người đã cố gắng thoát khỏi cuộc sống - đi lên Himalaya, đi vào hang động, vẫn còn sống cô lập để cho họ có thể tập trung vào Thượng đế. Nhưng Thượng đế lại không phải là vật. Thượng đế là tính toàn thể này của sự tồn tại, là khoảnh khắc này; Thượng đế là tính toàn bộ. Đó là lí do tại sao khoa học sẽ không bao giờ có khả năng biết được tính thượng đế. Chính phương pháp của khoa học là tập trung và bởi vì phương pháp đó, khoa học không bao giờ có thể biết tới điều thiêng liêng.
Nó có thể biết ngày càng nhiều các chi tiết tỉ mỉ. Đầu tiên phân tử được coi là hạt nhỏ nhất, thế rồi nó bị phân chia ra. Thế rồi một phần thậm chí còn tí hon hơn, nguyên tử, được biết tới. Thế rồi các phương pháp tập trung này đã phân chia cũng cái đó. Bây giờ có các điện tử, proton, nơ tron - chẳng chóng thì chầy chúng cũng sẽ được phân chia. Khoa học cứ đi từ cái nhỏ hơn này tới cái nhỏ hơn khác, còn cái lớn hơn, cái bao la, hoàn toàn bị quên mất. Cái toàn thể hoàn toàn bị quên lãng để chỉ biết cái bộ phận. Khoa học không bao giờ có thể biết tới tính thượng đế bởi vì việc tập trung. Cho nên khi mọi người tới tôi và họ nói, 'Osho ơi, dạy chúng tôi cách tập trung đi, chúng tôi muốn biết điều thiêng liêng,' tôi đơn giản phân vân. Họ đã không hiểu điều căn bản của việc tìm kiếm.
Khoa học mang tính một điểm; việc tìm kiếm mang tích mục đích. Tính tôn giáo là tính đồng thời; đối tượng là cái toàn thể, cái toàn bộ. Để biết cái toàn bộ, bạn sẽ phải có tâm thức cởi mở về mọi phía - không bị giới hạn, không đứng trong cửa sổ; bằng không khung cửa sổ sẽ trở thành khung của sự tồn tại. Chỉ đứng dưới mặt trời trong bầu trời mở - đó là điều thiền là gì. Thiền không có khung; nó không phải là cửa sổ, nó không phải là cửa ra vào. Thiền không phải là tập trung, nó không phải là chú ý - thiền là nhận biết.
Vậy phải làm gì? Nhẩm mật chú, thực hiện thiền siêu việt, sẽ chẳng ích gì. Thiền siêu việt đã trở thành rất quan trọng ở Mĩ bởi vì cách tiếp cận hướng đích, bởi vì tâm trí khoa học. Và nó đã là cách thiền duy nhất trên đó nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện. Nó là tập trung và không phải là thiền, cho nên nó là hiểu được cho tâm trí khoa học. Trong các đại học, trong các phòng thí nghiệm, trong công trình nghiên cứu tâm lí, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên TM bởi vì nó không phải là thiền. Nó là tập trung, phương pháp tập trung; nó rơi vào cùng loại như tập trung khoa học; có mối nối giữa hai điều này. Nhưng nó chẳng liên quan gì tới thiền cả. Thiền là bao la, vô hạn vô cùng, tới mức không nghiên cứu khoa học nào là có thể được. Chỉ từ bi mới biểu lộ liệu người này đã đạt tới nó hay chưa. Sóng alpha sẽ chẳng ích gì mấy, bởi vì chúng vẫn là của tâm trí còn thiền không phải là của tâm trí - nó là cái gì đó ở bên ngoài.
Cho nên để tôi nói cho bạn vài điều cơ bản. Một, thiền không phải là tập trung mà là thảnh thơi - người ta đơn giản thảnh thơi trong bản thân mình. Bạn càng thảnh thơi, bạn càng cảm thấy bản thân mình cởi mở, mong manh. Bạn ít cứng nhắc, bạn linh động hơn - và bỗng nhiên sự tồn tại bắt đầu thấm vào bạn. Bạn không còn giống như tảng đá, bạn có khe hở. Thảnh thơi nghĩa là cho phép bản thân bạn rơi vào trong trạng thái bạn không làm gì cả, bởi vì nếu bạn làm cái gì đó, căng thẳng sẽ tiếp tục. Nó là trạng thái không làm. Bạn đơn giản thảnh thơi và bạn tận hưởng cảm giác của việc thảnh thơi. Thảnh thơi trong bản thân bạn, chỉ nhắm mắt lại và lắng nghe tất cả những điều đang xảy ra khắp xung quanh. Không cần cảm thấy cái gì như sự sao lãng. Khoảnh khắc bạn cảm thấy nó là sự sao lãng, bạn đang phủ nhận điều thiêng liêng đấy. Khoảnh khắc này nó tới với bạn như con chim. Đừng đuổi nó đi! Điều thiêng liêng đã gõ cửa nhà bạn như con chim. Khoảnh khắc tiếp nó tới như con chó sủa, hay như đứa trẻ kêu khóc, hay như người điên cười. Đừng phủ nhận nó; đừng bác bỏ nó.
Chấp nhận - bởi vì nếu bạn phủ nhận bất kì cái gì bạn sẽ trở nên căng thẳng.
Mọi phủ nhận đều tạo ra căng thẳng. Chấp nhận. Nếu bạn muốn thảnh thơi, chấp nhận là cách thức. Chấp nhận bất kì cái gì đang xảy ra khắp xung quanh; để nó trở thành một toàn thể hữu cơ. Nó đấy - bạn có thể biết nó hay bạn có thể không biết nó, nhưng mọi thứ đều có liên quan lẫn nhau. Những con chim này, những cây này, bầu trời này, mặt trời này, trái đất này, bạn, tôi - tất cả đều có liên quan. Nó là một đơn vị hữu cơ. Nếu mặt trời biến mất, cây sẽ biến mất; nếu cây biến mất, chim sẽ biến mất, nếu chim và cây biến mất, bạn không thể ở đây được, bạn sẽ biến mất. Nó là một sinh thái. Mọi thứ đều có liên quan sâu sắc với mọi thứ khác. Cho nên đừng phủ nhận cái gì, bởi vì khoảnh khắc bạn phủ nhận, bạn đang phủ nhận cái gì đó trong bạn. Nếu bạn phủ nhận những con chim đang hót này thế thì cái gì đó trong bạn bị phủ nhận đấy.
Nếu bạn phủ nhận, bác bỏ, nếu bạn cảm thấy bị phân tán, nếu bạn cảm thấy giận, bạn đang bác bỏ cái gì đó bên trong bạn. Lắng nghe lại tiếng chim này mà không cảm thấy phân tán, giận dữ, và bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng con chim bên trong bạn đáp ứng. Thế thì những con chim kia không có đó như kẻ lạ, kẻ xâm nhập - bỗng nhiên toàn thể sự tồn tại trở thành gia đình. Nó hiện hữu, và tôi gọi một người là tôn giáo nếu người đó đã đi tới hiểu ra rằng toàn thể sự tồn tại là gia đình. Người đó có thể không đi tới nhà thờ nào, người đó có thể không tôn thờ trong bất kì đền chùa nào, người đó có thể không cầu nguyện tại bất kì giáo đường hay gurudwara nào - điều đó không thành vấn đề, nó không liên quan. Nếu bạn làm, tốt, thế là được; nếu bạn không làm điều đó thậm chí còn tốt hơn. Nhưng người đã hiểu đơn vị hữu cơ này của sự tồn tại thì thường xuyên ở trong đền chùa, thường xuyên đối diện với điều linh thiêng và điều thiêng liêng.
Nhưng nếu bạn đang đọc những câu mật chú ngu xuẩn, bạn sẽ nghĩ chim là ngu xuẩn. Nếu bạn đang lẩm nhẩm cái vô nghĩa gì đó bên trong mình, hay nghĩ điều tầm thường nào đó - bạn có thể gọi nó là triết học, tôn giáo - thế thì chim chóc trở thành sự phân tán. Âm thanh của chúng đơn giản là Thiêng liêng. Chúng không nói gì, chúng đơn giản buột ra cùng vui thích. Tiếng hót của chúng không có nghĩa nào ngoài sự tràn ngập của năng lượng. Chúng muốn chia sẻ với sự tồn tại, với cây cối, với hoa, với bạn. Chúng chẳng có gì để nói; chúng chỉ hiện hữu ở đó, bản thân chúng.
Nếu bạn thảnh thơi, bạn chấp nhận; chấp nhận sự tồn tại là cách duy nhất để thảnh thơi. Nếu những điều nhỏ bé quấy rối bạn, thế thì chính thái độ của bạn mới đang quấy rối bạn đấy. Ngồi im lặng; lắng nghe tất cả mọi điều đang xảy ra khắp xung quanh, và thảnh thơi. Chấp nhận, thảnh thơi - và bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy năng lượng mênh mông đang nảy sinh trong bạn. Năng lượng đó sẽ được cảm thấy trước nhất như việc làm sâu thêm hơi thở của bạn. Bình thường hơi thở của bạn rất nông và thỉnh thoảng nếu bạn cố gắng lấy hơi thở sâu, nếu bạn bắt đầu luyện bài tập yoga qua việc thở của mình, bắt đầu áp đặt cái gì đó, bạn làm nỗ lực. Nỗ lực đó là không cần thiết. Bạn đơn giản chấp nhận cuộc sống, thảnh thơi, và bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng hơi thở của mình đi sâu hơn. Thảnh thơi hơn và hơi thở đi sâu hơn trong bạn. Nó trở thành chậm rãi, nhịp điệu, và bạn gần như có thể tận hưởng nó; nó cho vui thích nào đó. Thế thì bạn sẽ trở nên nhận biết rằng hơi thở là cây cầu giữa bạn và cái toàn thể.
Quan sát. Đừng làm gì cả. Và khi tôi nói quan sát, đừng cố gắng quan sát, bằng không bạn sẽ trở nên căng thẳng và bạn sẽ bắt đầu tập trung vào hơi thở. Đơn giản thảnh thơi, vẫn còn được thảnh thơi, chùng lỏng, và nhìn... bởi vì bạn có thể làm gì khác được? Bạn ở đó, chẳng phải làm gì cả, mọi thứ đều được chấp nhận, không cái gì bị phủ nhận, bị bác bỏ, không vật lộn, không tranh đấu, không xung đột, việc thở đi sâu - bạn có thể làm gì? Bạn đơn giản quan sát. Nhớ lấy, đơn giản quan sát. Đừng làm nỗ lực quan sát. Đây là điều Phật đã gọi là vipassana - quan sát hơi thở, nhận biết về hơi thở. Hay satipattana - nhớ lại, tỉnh táo với sinh lực đang di chuyển trong hơi thở. Đừng cố gắng lấy hơi thở sâu, đừng cố gắng hít vào hay thở ra, đừng làm gì cả. Bạn đơn giản thảnh thơi và để cho việc thở là tự nhiên - đi theo cách của nó, đến theo cách của nó - và nhiều điều sẽ thành sẵn có cho bạn.
Điều thứ nhất sẽ là việc thở có thể được lấy theo hai cách bởi vì nó là cây cầu. Một phần của nó được nối với bạn, phần kia được nối với sự tồn tại. Cho nên nó có thể được hiểu theo hai cách. Bạn có thể lấy nó như điều cố ý. Nếu bạn muốn hít vào sâu, bạn có thể hít vào sâu; nếu bạn muốn thở ra sâu, bạn có thể thở ra sâu. Bạn có thể làm cái gì đó về nó. Một phần được nối với bạn. Nhưng nếu bạn không làm gì cả, thế nữa nó vẫn tiếp tục. Không cần bạn làm gì cả và nó tiếp tục. Nó cũng là việc không cố ý.
Phần kia được nối với bản thân sự tồn tại. Bạn có thể nghĩ về nó dường như bạn đang lấy nó vào, bạn đang thở nó, hay bạn có thể nghĩ theo cách đối lập - rằng nó đang thở bạn. Và cách kia phải được hiểu bởi vì điều đó sẽ đưa bạn vào trong thảnh thơi sâu sắc. Không phải là bạn đang thở, mà sự tồn tại đang thở bạn. Đó là việc thay đổi động thái, và nó xảy ra theo cách riêng của nó. Nếu bạn cứ thảnh thơi, chấp nhận mọi thứ, thảnh thơi trong bản thân mình, dần dần, bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết rằng bạn không lấy những hơi thở này - chúng tới và đi theo cách riêng của chúng. Và duyên dáng thế. Với sự chân thực thế. Với nhịp điệu thế. Với nhịp điệu hài hoà thế. Ai đang làm nó? Sự tồn tại đang thở bạn. Nó đi vào trong bạn, đi ra khỏi bạn. Từng khoảnh khắc nó là sảng khoái bạn, từng khoảnh khắc nó làm cho bạn sống động lặp đi lặp lại mãi.
Bỗng nhiên bạn thấy việc thở như việc xảy ra... và đây là cách thiền phải phát triển tới. Và điều này bạn có thể làm ở bất kì đâu; cả trong bãi chợ, bởi vì tiếng ồn đó cũng thiêng liêng. Và nếu bạn lắng nghe một cách im lặng, ngay cả ở bãi chợ bạn sẽ thấy sự hài hoà nào đó trong tiếng ồn. Nó không còn là phân tán nữa. Bạn có thể thấy nhiều điều nếu bạn im lặng - những con sóng năng lượng vô cùng di chuyển khắp xung quanh. Một khi bạn chấp nhận, bất kì chỗ nào bạn tới bạn cũng đều sẽ cảm thấy nó.
Con chim không quan trọng nhưng bạn sẽ cảm thấy cái gì đó cực kì lớn lao, bạn sẽ cảm thấy cái gì đó linh thiêng, cái gì đó chói sáng, cái gì đó huyền bí. Phép màu thường xuyên xảy ra khắp xung quanh bạn nhưng bạn cứ bỏ lỡ nó.
Một khi thiền lắng đọng trong bạn và bạn rơi vào trong nhịp điệu cùng sự tồn tại, từ bi là hậu quả. Bỗng nhiên bạn cảm thấy mình đang trong tình yêu với cái toàn thể và người khác không còn là người khác nữa - bạn cũng sống trong người khác. Và cây không còn chỉ là 'cây kia', bằng cách nào đó nó có liên quan với bạn. Mọi thứ đều trở thành liên quan với nhau. Bạn chạm vào nhành cỏ và bạn đã chạm vào tất cả các vì sao bởi vì mọi thứ đều có quan hệ. Nó không thể khác được. Sự tồn tại là hữu cơ. Nó là một. Nó là một đơn vị.
Bởi vì chúng ta không nhận biết chúng ta không thấy điều chúng ta cứ làm cho bản thân mình. Một điều xảy ra và cái gì đó mà bạn chưa bao giờ nghĩ rằng nó có liên quan lại bắt đầu xảy ra.
Mới đêm hôm nọ tôi đã đọc cái gì đó về ngửi. Cảm giác này, khả năng ngửi này, đã gần như biến mất khỏi nhân loại. Con vật rất sắc bén về ngửi. Ngựa có thể ngửi được mùi từ xa nhiều dặm đường. Chó có thể ngửi giỏi hơn con người. Chỉ bằng việc ngửi chó biết rằng chủ nó đang tới, và sau nhiều năm chó sẽ lại nhận ra mùi của chủ nó. Con người đã hoàn toàn quên mất ngửi.
Điều gì đã xảy ra cho khứu giác của mọi người? Thảm hoạ nào đã xảy ra cho nó? Dường như không có lí do tại sao khứu giác đã bị áp chế đến thế. Không nền văn hoá nào ở bất kì đâu đã áp chế nó một cách có ý thức, nhưng nó đã trở nên bị áp chế. Nó đã trở nên bị áp chế bởi vì dục. Bây giờ, toàn thể nhân loại sống với dục bị áp chế sâu sắc - và ngửi được nối với dục. Trước khi làm tình, chó sẽ ngửi bạn tình của nó và chừng nào nó còn chưa ngửi thấy sự hài hoà sâu bên dưới giữa hai thân thể, nó sẽ không làm tình. Một khi mùi khớp nhau thế thì nó biết rằng bây giờ các thân thể là hài hoà và chúng có thể khớp nhau và chúng có thể trở thành bài ca - cho dù chỉ một khoảnh khắc, sự thống nhất là có thể.
Bởi vì dục đã bị áp chế trên khắp thế giới, khứu giác đã trở nên bị áp chế. Chính từ này đã trở nên mang tính kết án chút ít. Nếu tôi nói với bạn, 'Bạn có nghe không?' hay 'Bạn có thấy không?' bạn không cảm thấy bị xúc phạm. Cho nên nếu tôi nói, 'Bạn có ngửi mùi không?' người ta cũng không nên thấy bị xúc phạm, nó là cùng ngôn ngữ. Ngửi là một năng lực; cũng giống như nhìn và nghe, ngửi là một năng lực. Khi tôi hỏi, 'Bạn có ngửi mùi không?' người ta cảm thấy bị xúc phạm bởi vì người ta đã hoàn toàn quên mất rằng đó là một năng lực chứ không phải là lời kết án.
Có giai thoại nổi tiếng về nhà tư tưởng người Anh, Ts. Johnson. Ông ấy đang ngồi trong xe ngựa tuyến và một bà bước vào. Bà ấy nói với Ts. Johnson, 'Thưa ông, ông ngửi mùi!'
Nhưng ông ấy là con người của ngôn ngữ, văn chương, văn phạm. Ông ấy nói, 'Không, thưa bà. Bà ngửi. Tôi bốc mùi!'
Ngửi là một năng lực. 'Bà ngửi. Tôi bốc mùi.' Về mặt ngôn ngữ ông ấy là đúng. Đó là cách nó phải vậy nếu bạn tuân theo văn phạm. Nhưng chính từ này đã trở nên bị kết án. Điều gì đã xảy ra cho ngửi? Một khi bạn áp chế dục, khứu giác bị áp chế. Một giác quan hoàn toàn bị tê liệt - và nếu bạn làm tê liệt một giác quan thì một phần của tâm trí cũng bị tê liệt. Nếu bạn có năm giác quan, thế thì não bạn có năm phần tương ứng. Một phần năm bộ não bị tê liệt và người ta chẳng bao giờ biết điều đó. Điều đó nghĩa là một phần năm cuộc sống bị tê liệt. Hậu quả là lớn vô cùng. Nếu bạn chạm vào một vật nhỏ ở đâu đó nó dội lại khắp nơi.
Bởi việc kìm nén dục, ngửi đã bị kìm nén, và bởi việc kìm nén dục việc thở của bạn đã trở thành nông - bởi vì nếu bạn thở sâu, việc thở của bạn cọ sát vào trung tâm dục bên trong. Mọi người tới tôi và nói, 'Nếu chúng tôi thở thực sự, chúng tôi cảm thấy nhiều dục hơn.' Nếu bạn làm tình với bạn tình, việc thở của bạn sẽ trở nên rất sâu. Nếu bạn giữ việc thở nông, bạn sẽ không có khả năng đạt tới cực thích. Việc thở đập mạnh, sâu bên dưới trong trung tâm dục; từ bên trong nó cọ sát vào trung tâm dục. Bởi vì dục đã từng bị kìm nén, và bởi vì thở bị kìm nén, mọi người đã trở nên không có khả năng thiền. Bây giờ nhìn vào toàn thể vấn đề - chúng ta đã làm điều vô nghĩa làm sao! Kìm nén dục, chúng ta đã kìm nén việc thở - và việc thở là cây cầu duy nhất giữa bạn và cái toàn thể.
Gurdjieff là đúng khi ông ấy nói rằng hầu hết các tôn giáo đã cư xử theo cách họ dường như chống lại Thượng đế. Họ nói về Thượng đế nhưng họ dường như về căn bản chống lại tính thượng đế. Cách thức họ đã cư xử là chống lại nó. Bởi vì việc thở bị kìm nén, cây cầu bị phá vỡ. Bạn chỉ có thể thở nông - bạn chưa bao giờ đi sâu, và nếu bạn không thể đi sâu vào trong bản thân mình, bạn không thể đi sâu vào trong sự tồn tại được.
Phật làm cho việc thở thành rất nền tảng. Việc thở sâu, thảnh thơi, nhận biết về nó, cho bạn im lặng mênh mông thế, sự thảnh thơi, dần dần bạn đơn giản hội nhập, tan chảy, biến mất. Bạn không còn là hòn đảo tách rời, bạn bắt đầu rung động cùng cái toàn thể. Thế thì bạn không là một nốt nhạc tách rời mà là một phần của toàn thể bản giao hưởng này. Thế thì từ bi nảy sinh.
Từ bi nảy sinh chỉ khi bạn có thể thấy rằng mọi người đều có quan hệ với bạn. Từ bi nảy sinh chỉ khi bạn thấy rằng mình là thành viên của mọi người và mọi người là thành viên của mình. Không ai tách rời cả. Khi ảo tưởng về tách rời rơi rụng đi, từ bi nảy sinh. Từ bi không phải là kỉ luật.
Trong kinh nghiệm con người, mối quan hệ giữa mẹ và con là gần với từ bi nhất. Mọi người gọi nó là tình yêu nhưng nó không nên được gọi là tình yêu. Nó giống từ bi hơn tình yêu, bởi vì nó không có đam mê trong nó. Tình yêu của mẹ với con là gần từ bi nhất. Tại sao? Bởi vì người mẹ đã biết đứa con trong bản thân mình; đứa con là thành viên của con người cô ấy. Cô ấy đã biết đứa con như một phần của bản thân mình và cho dù đứa con được sinh ra và lớn lên, người mẹ vẫn cứ cảm thấy sự nhịp nhàng tinh tế với đứa con. Nếu đứa con bị ốm, từ xa nghìn dặm người mẹ lập tức cảm thấy điều đó. Cô ấy có thể không nhận biết về điều đã xảy ra nhưng cô ấy sẽ trở nên buồn phiền; cô ấy có thể không nhận biết rằng con mình đang khổ nhưng cô ấy sẽ bắt đầu khổ. Cô ấy sẽ tạo ra cách hợp lí hoá nào đó về tại sao cô ấy khổ - dạ dầy không ổn, cô ấy bị đau đầu, hay cái gì đó này khác - nhưng bây giờ, tâm lí học chiều sâu nói rằng người mẹ và đứa con bao giờ cũng được gắn với nhau bằng sóng năng lượng tinh tế, bởi vì họ cứ rung động theo cùng chiều dài sóng.
Viễn cảm là dễ dàng giữa mẹ và con hơn là giữa bất kì nhóm người nào khác. Cùng điều đó cũng là trường hợp cho anh chị em sinh đôi - giữa những người sinh đôi, viễn cảm là rất dễ dàng. Nhiều thực nghiệm về viễn cảm đã được thực hiện ở nước Nga xô viết - tất nhiên không phải là thám hiểm tôn giáo mà bởi vì họ đã cố gắng tìm ra liệu viễn cảm có thể được dùng như một kĩ thuật trong chiến tranh hay không. Họ thấy rằng anh chị em sinh đôi rất có tính viễn cảm. Nếu một trong các anh chị em sinh đôi bị cảm, từ cách xa cả nghìn dặm người kia cũng bị cảm. Họ rung động trên cùng chiều dài sóng, họ bị ảnh hưởng bởi cùng điều. Đó là vì họ cả hai đã sống trong cùng bụng mẹ như một phần của nhau; họ đã tồn tại trong bụng mẹ cùng nhau.
Cảm giác của người mẹ với đứa con giống như từ bi bởi vì cô ấy cảm thấy đứa con là của riêng mình.
Tôi đã đọc một giai thoại:
Trong cuộc thanh tra sơ bộ trại Hướng đạo sinh, viên giám đốc thấy một chiếc ô lớn giấu trong túi ngủ của một anh chàng hướng đạo sinh tí hon, hiển nhiên không phải là một trong các mục trang thiết bị đã được liệt kê. Viên giám đốc yêu cầu chú bé giải thích. Hướng đạo viên mới giải thích gọn gàng bằng việc hỏi, 'Thưa ngài, ngài đã bao giờ có mẹ chưa?'
Mẹ nghĩa là từ bi, mẹ nghĩa là cảm thấy người khác như người ta cảm thấy bản thân mình. Khi một người đi sâu vào trong thiền và trở nên chứng ngộ, người đó trở thành người mẹ. Phật giống người mẹ hơn là người bố. Liên kết Ki tô giáo với từ 'cha' không có nghĩa, không hay mấy. Gọi điều thiêng liêng là 'cha' có vẻ có chút ít hướng tới đàn ông. Nếu có Thượng đế thì đó chỉ có thể là người mẹ, không phải người cha. 'Cha' mang tính thể chế. Cha là một thể chế. Trong tự nhiên, cha không tồn tại đến thế. Nếu bạn hỏi nhà ngôn ngữ ông ấy sẽ nói rằng từ 'bác' là cổ hơn từ 'cha'. Bác tới sự tồn tại đầu tiên bởi vì không ai biết ai là cha cả. Một khi tài sản riêng được ấn định, một khi hôn nhân trở thành một dạng của sở hữu tư, thể chế về người cha đi vào cuộc sống con người. Nó rất ẻo lả, nó có thể biến mất bất kì ngày nào. Nếu xã hội thay đổi, thể chế này có thể biến mất như nhiều thể chế khác đã từng biến mất. Nhưng người mẹ sẽ vẫn còn. Người mẹ là tự nhiên.
Ở phương Đông, nhiều người, nhiều tín ngưỡng, đã gọi Thượng đế là mẹ. Cách tiếp cận của họ dường như có liên quan nhiều hơn. Quan sát Phật - khuôn mặt ông ấy dường như giống khuôn mặt đàn bà hơn khuôn mặt đàn ông. Thực tế, bởi vì điều đó chúng ta đã không vẽ ông ấy có râu mép hay râu cằm. Mahavira, Phật, Krishna, Ram - bạn chưa bao giờ thấy râu mép hay râu cằm trên khuôn mặt họ. Không phải là họ thiếu hoóc môn nào đó - họ phải có râu chứ - nhưng chúng ta đã không vẽ họ có râu bởi vì điều đó sẽ cho khuôn mặt họ mang dáng vẻ đàn ông nhiều hơn.
Ở phương Đông chúng ta không bận tâm nhiều về sự kiện nhưng chúng ta bận tâm nhiều về mối liên quan, ý nghĩa. Tất nhiên, tượng của Phật mà bạn đã thấy tất cả đều là giả, nhưng ở phương Đông chúng ta không lo nghĩ về điều đó. Ý nghĩa là ở chỗ Phật đã trở nên mang tính đàn bà nhiều hơn, nữ tính nhiều hơn. Đó là dịch chuyển từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải, từ nam tính sang nữ tính, dịch chuyển từ năng nổ sang thụ động, dịch chuyển từ dương sang âm, dịch chuyển từ nỗ lực sang vô nỗ lực. Phật mang nữ tính nhiều hơn, mang tính người mẹ nhiều hơn. Nếu bạn thực sự trở thành thiền nhân, dần dần bạn sẽ thấy nhiều thay đổi trong con người mình và bạn sẽ cảm thấy giống đàn bà hơn là đàn ông - duyên dáng hơn, tiếp nhận hơn, không bạo hành, đằm thắm. Và từ bi sẽ nảy sinh liên tục từ bản thể bạn; nó sẽ là hương thơm tự nhiên.
Thông thường điều bạn gọi là từ bi cứ che giấu đam mê của bạn trong nó. Cho dù đôi khi bạn cảm thấy thông cảm với mọi người, quan sát, mổ xẻ điều đó, đi sâu hơn vào trong cảm giác của mình và ở đâu đó bạn sẽ thấy động cơ nào đó. Trong hành động điều đó có vẻ rất từ bi, sâu bên dưới bạn bao giờ cũng sẽ thấy động cơ nào đó.
Tôi đã nghe:
Louie về nhà. Anh ta choáng váng thấy vợ mình đang trong vòng tay của người đàn ông khác. Anh ta chạy xô ra khỏi phòng khóc, 'Tôi đi kiếm súng săn đây.'
Vợ anh ta nhảy bổ theo anh ta trên mình không mảnh vải, túm lấy anh ta và kêu lên, 'Anh ngu lắm, anh kích động về điều gì vậy? Đó là người yêu của em, người đã trả tiền cho những đồ đạc mới mà chúng ta vừa có đó thôi, quần áo mới của em. Tiền phụ thêm mà anh nghĩ em đã kiếm được bằng may vá, chút ít xa hoa mà chúng ta đã có khả năng mua - chúng tất cả đều tới từ anh ấy đấy!'
Nhưng Louie vùng ra khỏi cô ấy và tiếp tục lên cầu thang.
'Đừng dùng súng săn, anh Louie!' vợ anh ta kêu la.
'Súng săn nào?' Louie nói lại. 'Anh đi kiếm cái chăn. Anh chàng đáng thương kia sẽ bị cảm lạnh, nằm đó trần truồng như thế.'
Ngay cả bạn cảm thấy - hay bạn nghĩ bạn cảm thấy, hay bạn giả vờ rằng bạn cảm thấy - từ bi, đi sâu và phân tích nó và bạn bao giờ cũng thấy động cơ khác nào đó trong nó. Nó không thể là từ bi thuần khiết được. Và nếu nó không thuần khiết, nó không phải là từ bi. Thuần khiết là chất liệu cơ bản trong từ bi, bằng không nó là cái gì đó khác - nó ít nhiều là hình thức. Chúng ta đã học cách hình thức - cách cư xử với vợ bạn, với chồng bạn, cách cư xử với con bạn, với bạn của bạn, với gia đình bạn. Chúng ta đã học mọi thứ. Từ bi không phải là cái gì đó có thể được học. Khi bạn đã dỡ bỏ tất cả mọi thứ hình thức, mọi thứ xã giao và phong tục tập quán, nó nảy sinh trong bạn. Từ bi là hoang sơ; nó không mang mùi vị của xã giao, của hình thức; chúng tất cả là những thứ chết nếu so với nó. Nó rất sống động, nó là ngọn lửa của tình yêu.
Ở lỗ thứ mười hai trong trận đấu sôi động, bãi đất che khuất đường cái và khi Smith và Jones tiến tới thảm cỏ xanh, họ thấy một đám ma đi thành hàng trên đường.
Vào lúc này, Smith dừng lại, cởi mũ ra, đưa nó lên tim mình, và cúi đầu cho tới khi đám ma biến mất sau chỗ rẽ.
Jones kinh ngạc và sau khi Smith đã đội lại chiếc mũ và trở lại trò chơi, anh ta nói, 'Anh thực tinh tế và tôn kính, Smith ạ.'
'À, vâng,' Smith nói, 'Tôi không thể làm ít hơn được. Sau rốt tôi đã cưới người đàn bà đó trong hai mươi năm.'
Cuộc sống đã trở thành giả, giả tạo, hình thức, bởi vì bạn phải làm điều gì đó mà bạn làm. Bạn tất nhiên ngần ngại tuân theo bổn phận, nhưng nếu bạn bỏ lỡ nhiều cuộc sống thì điều đó là tự nhiên, bởi vì cuộc sống là có thể chỉ nếu bạn sống động, sống mãnh liệt. Nếu ngọn lửa riêng của bạn đã trở nên bị che phủ bởi hình thức, bổn phận, qui tắc, điều bạn phải hoàn thành một cách miễn cưỡng, bạn chỉ có thể kéo lê. Bạn có thể kéo lê một cách dễ chịu, cuộc sống của bạn có thể là cuộc sống của tiện lợi, nhưng nó không thể là sống động thực sự được.
Cuộc sống sống động thực sự, theo một cách nào đó, là hỗn độn. Theo một cách nào đó, tôi nói thế, bởi vì hỗn độn đó có kỉ luật riêng của nó. Nó không có qui tắc nào bởi vì nó không cần có qui tắc nào cả. Nó có qui tắc căn bản nhất ở sẵn trong nó - nó không cần có bất kì qui tắc bên ngoài nào.
Bây giờ là câu chuyện Thiền.
Một ngày mùa đông, một võ sĩ đạo tới ngôi đền của Eisai và cầu xin: 'Tôi nghèo và ốm,' ông ấy nói, 'và gia đình tôi sắp chết đói. Xin giúp chúng tôi, thưa thầy.'
Là người phụ thuộc vì ông ấy sống dựa vào lòng thảo của người nghèo, cuộc sống của Eisai rất khổ hạnh, và ông ấy chẳng có gì để cho cả. Ông ấy vừa định bảo võ sĩ đạo đi thì ông ấy chợt nhớ tới ảnh Phật Yakushi trong phòng. Trèo lên nó ông ấy gỡ vầng hào quang và đưa nó cho võ sĩ đạo. 'Bán cái này đi,' Eisai nói, 'Nó sẽ giúp ông khắc phục khó khăn.' Bối rối nhưng tuyệt vọng, võ sĩ đạo nhận vầng hào quang và ra đi.
'Thưa thầy!' một trong các đệ tử của Eisai kêu lên, 'đó là báng bổ! Làm sao thầy có thể làm điều như vậy được?'
'Báng bổ sao? Ô hay! Ta đơn thuần đem tâm của Phật, cái tràn đầy tình yêu và lòng nhân từ, ra dùng, nói vậy đấy. Quả thực, nếu bản thân ông ấy mà biết võ sĩ đạo nghèo đó, ông ấy đã chặt một chi cho ông này rồi.'
Một câu chuyện rất đơn giản, nhưng rất có ý nghĩa. Thứ nhất, ngay cả khi bạn không có gì để cho, cứ nhìn lại. Bạn bao giờ cũng thấy cái gì đó để cho. Ngay cả khi bạn không có gì để cho, bạn bao giờ cũng có thể tìm thấy cái gì đó để cho. Đó là vấn đề về thái độ. Nếu bạn không thể cho cái gì, ít nhất bạn cũng có thể mỉm cười; nếu bạn không thể cho cái gì, ít nhất bạn cũng có thể ngồi cùng người này và cầm tay họ. Vấn đề không phải là cho cái gì đó, vấn đề là việc cho.
Eisai này là một sư nghèo như các sư Phật giáo đều nghèo. Cuộc sống của ông ấy rất khổ hạnh và ông ấy chẳng có gì để cho cả. Bình thường, lấy vầng hào quang của tượng Phật và cho nó đi là tuyệt đối báng bổ. Không cái gọi là người tôn giáo nào có thể nghĩ được về điều đó. Chỉ ai đó là người tôn giáo thực sự mới làm điều đó - đó là lí do tại sao tôi nói từ bi không biết tới qui tắc, từ bi ở bên ngoài các qui tắc. Nó là hoang sơ. Nó không tuân theo thủ tục nào.
Thế rồi bỗng nhiên Eisai nhớ tới bức ảnh Phật trong phòng.Ở Nhật Bản, ở Trung Quốc, họ để vầng hào quang bằng vàng quanh đầu Phật, chỉ để chỉ ra hào quang quanh đầu ông ấy. Bỗng nhiên Eisai nhớ tới nó - mọi ngày ông ấy phải đã tôn thờ bức tượng này.
Trèo lên nó ông ấy gỡ vầng hào quang và đưa nó cho võ sĩ đạo. 'Bán cái này đi,' Eisai nói, 'Nó sẽ giúp ông khắc phục khó khăn.' Bối rối nhưng tuyệt vọng, võ sĩ đạo nhận vầng hào quang và ra đi.
Ngay cả võ sĩ đạo này cũng lúng túng. Ông ấy đã không mong đợi điều này. Ngay cả ông ấy phải đã nghĩ rằng điều này là báng bổ. Đây là kiểu người gì thế này? Ông ấy là tín đồ của Phật, và ông ấy đã phá huỷ bức tượng! Ngay cả chạm vào bức tượng cũng là báng bổ, mà ông ấy gỡ vầng hào quang ra.
Đây là khác biệt giữa người tôn giáo thực và cái gọi là người tôn giáo. Cái gọi là người tôn giáo bao giờ cũng nhìn vào qui tắc; người đó bao giờ cũng nghĩ về cái gì là đúng và cái gì không đúng. Nhưng người thực sự tôn giáo sống nó. Không có cái gì đúng và không đúng với người đó. Từ bi là đúng vô hạn tới mức bất kì cái gì bạn làm qua từ bi cũng đều trở thành tự động đúng.
'Thưa thầy!' một trong các đệ tử của Eisai kêu lên, 'đó là báng bổ! Làm sao thầy có thể làm điều như vậy được?'
Ngay cả đệ tử cũng hiểu rằng điều này là không đúng. Cái gì đó không đúng đã được làm.
'Báng bổ sao? Ô hay! Ta đơn thuần đem tâm của Phật, cái tràn đầy tình yêu và lòng nhân từ, ra dùng, nói vậy đấy. Quả thực, nếu bản thân ông ấy mà biết võ sĩ đạo nghèo đó, ông ấy đã chặt một chi cho ông này rồi.'
Hiểu biết là cái gì đó khác hơn chỉ tuân theo. Khi bạn tuân theo, bạn trở thành gần như mù quáng; thế thì có các qui tắc phải được gìn giữ. Nếu bạn hiểu, thế nữa bạn tuân theo nhưng bạn không mù quáng. Từng khoảnh khắc quyết định, từng khoảnh khắc tâm thức bạn đáp ứng, và bất kì cái gì bạn làm cũng đều đúng.
Một trong những câu chuyện hay nhất là về một Thiền sư, trong một đêm mùa đông, đã yêu cầu được phép ở lại trong đền. Ông ấy rét run người bởi vì đêm thì lạnh và tuyết rơi khắp bên ngoài. Tất nhiên, tu sĩ giữ đền đã thông cảm với ông ấy và bảo ông ấy, 'Ông có thể ở lại, nhưng chỉ đêm nay thôi, bởi vì đền này không phải là khách sạn. Đến sáng ông sẽ phải đi.'
Vào nửa đêm tu sĩ bỗng nhiên nghe thấy tiếng động. Ông ta chạy ra và không thể nào tin nổi vào mắt mình. Sư này đang ngồi quanh ngọn lửa mà ông ấy đã nhóm lên bên trong đền. Và một tượng Phật bị mất. Ở Nhật Bản họ làm Phật gỗ.
Tu sĩ hỏi, 'Tượng đâu rồi?'
Bậc thầy chỉ cho ông ta đám lửa và nói, 'Trời rất lạnh còn ta rét run.'
Tu sĩ nói, 'Ông hình như điên! Ông không thấy điều mình đã làm sao? Đó là tượng Phật. Ông đã đốt Phật!'
Bậc thầy nhìn vào đám lửa, đang lụi dần đi, và cời đám lửa bằng chiếc gậy.
Tu sĩ hỏi, 'Ông làm gì thế?'
Ông ấy nói, 'Ta đang cố tìm xương Phật.'
Tu sĩ nói, 'Ông chắc chắn điên rồi. Nó là Phật gỗ. Làm gì có xương trong nó.'
Thế rồi bậc thầy nói, 'Đêm vẫn còn dài và trời thậm chí còn lạnh hơn. Sao không đem nốt hai Phật kia ra?'
Tất nhiên, ông ấy bị tống ra khỏi ngôi đền ngay lập tức. Con người này là nguy hiểm! Khi ông ấy bị tống ra ngoài ông ấy nói, 'Các ông làm gì khi tống Phật sống ra ngoài? Chỉ vì giữ Phật gỗ sao? Phật sống đang khổ sở nhiều tới mức ta phải biểu lộ từ bi chứ. Nếu Phật mà sống ông ấy đã làm cùng điều đó rồi. Bản thân ông ấy sẽ cho ta tất cả ba bức tượng kia. Ta biết điều đó! Ta biết từ đáy lòng ta rằng ông ấy sẽ làm cùng điều đó.'
Nhưng ai có đó mà nghe ông ấy? Ông ấy bị tống vào trong tuyết và cửa bị đóng lại. Đến sáng, khi tu sĩ này đi ra, ông ta thấy bậc thầy đang ngồi gần cột cây số với vài bông hoa để trên nó, đang tôn thờ nó. Tu sĩ lại tới và nói, 'Bây giờ ông làm gì vậy? Tôn thờ cột cây số sao?'
Bậc thầy nói, 'Bất kì khi nào đến lúc cầu nguyện, ta đều tạo ra chư Phật của ta ở bất kì đâu, bởi vì họ bao giờ cũng có khắp xung quanh. Cột cây số này cũng tốt như Phật gỗ của ông bên trong.'
Đó là vấn đề về thái độ. Khi bạn nhìn bằng con mắt tôn thờ, thế thì bất kì cái gì cũng đều trở thành thiêng liêng.
Và nhớ lấy - câu chuyện về Eisai là dễ hiểu bởi vì từ bi được biểu lộ hướng tới ai đó khác. Câu chuyện này thậm chí còn khó hiểu và phức tạp hơn, bởi vì từ bi được biểu lộ hướng tới bản thân mình. Con người thực của hiểu biết không khắt khe với người khác cũng không khắt khe với bản thân mình, bởi vì nó là một và cùng một năng lượng. Con người thực của hiểu biết không phải là kẻ tự bạo. Người đó không phải là kẻ tàn bạo cũng không tự bạo. Con người thực của hiểu biết đơn giản hiểu rằng không có phân tách - tất cả kể cả bản thân người đó đều thiêng liêng. Và người đó sống từ hiểu biết này.
Sống từ hiểu biết là từ bi. Đừng bao giờ cố gắng thực hành nó; đơn giản thảnh thơi sâu sắc trong thiền. Ở trong trạng thái của buông bỏ trong thiền, và bỗng nhiên bạn sẽ có khả năng ngửi thấy hương thơm đang tới từ chiều sâu bên trong nhất của riêng bạn. Thế thì hoa nở và từ bi lan toả. Thiền là hoa và từ bi là hương thơm của nó.
Nhận xét
Đăng nhận xét