57. Độc lập của Ấn Độ.

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch

  
57. Độc lập của Ấn Độ.

Bạn hỏi tôi: Tôi đã ở Ấn Độ khoảng thời gian Ấn Độ giành được độc lập từ Anh Quốc. Loại ảnh hưởng nào đã tác động lên tôi sau khi sống dưới các luật lệ Anh Quốc mà giờ không còn nữa?

Sự kiện trở nên độc lập ấy gần như là một chấn thương đối với đa phần người Ấn, thay vì phúc lành.

Tôi là một người hơi kì dị. Tôi mang chất Anh nhiều hơn chất Ấn. Bởi vì mọi thứ đã xuất hiện ở Ấn Độ - công nghệ, khoa học, giáo dục, cao đẳng, đại học, đường sắt, đường xá, xe hơi, máy bay - tất cả mọi thứ đều có bởi nhờ vào sự thống trị của nước Anh. Nếu không có sự thống trị của Anh, Ấn Độ giờ cũng không khác gì Ethiopia cả.

Trước khi thuộc quyền cai trị của Anh Quốc, hàng ngàn năm người ta đã thiêu sống phụ nữ chỉ vì chồng cô ta chết. Hàng ngàn người chồng không bao giờ bị thiêu khi vợ của họ chết cả. Tôi chưa từng thấy. Đó là toán học đơn giản cho thấy một xã hội chỉ trọng nam. Người chồng cứ cố điều khiến mọi thứ thậm chí cả khi ông ta đã chết. Người vợ thì phải phục tùng theo những cách điên rồ mà nếu bạn hình dung ra toàn bộ viễn cảnh bạn sẽ không bao giờ có thể tin được.

Và đó lại là những người Hindu - những người nói về tính tâm linh vĩ đại...

Và tất cả điều đó lại là nghi thức của tôn giáo. Hàng ngàn năm người ta đã làm điều đó. Toàn bộ công trạng thuộc về đế quốc Anh vì họ đã ngăn chặn nó, họ biến nó thành một trọng tội. Nó vốn dĩ là một trọng tội.

Hàng ngàn năm Ấn Độ đã nghèo khổ. Thậm chí nó còn được nói đến trong kinh Hindu rằng người ta không bao giờ được sử dụng khóa cho ngôi nhà của họ. Thậm chí cả khi họ sẽ đi hành hương trong vài tháng họ cũng không được sử dụng khóa, bởi vì không có nỗi lo nào về bất cứ kẻ trộm nào cả. Điều này chắc chắn là một sai lầm. Theo sự hiểu biết của tôi thì điều đầu tiên cần được nói là họ chẳng có gì để mà có thể bị mất cả; thứ hai, khóa cửa lúc đó có lẽ còn chưa được phát minh ra.

Người Ấn Độ rất tồi. Họ không cố gắng làm bất cứ điều gì. Họ có thể sắp chết đói đến nơi nhưng vẫn sẽ không làm bất cứ nỗ lực nào để trở nên giàu có hơn. Đất nước này đã có thể giàu có hơn rất nhiều, nhưng tâm trí của người Ấn không thể sử dụng được các cơ hội. Trước khi Anh Quốc đến và trở thành một phần lịch sử của Ấn Độ, những con người nghèo khổ đó đã có mười đứa con, nhưng chỉ một đứa sống sót, chín đứa còn lại sẽ chết. Không hề có thuốc thang, không hề có các dịch vụ y tế. Bây giờ, nhờ có Anh Quốc, điều đó trở thành ngược lại: sinh ra mười đứa trẻ sẽ chỉ một đứa chết, chín đứa sẽ sống. Và cái đứa duy nhất bị chết đó cũng chỉ là vì sự ngu ngốc nào đó của người Ấn, bởi vì Mahatma Gandhi chống lại việc tiêm chủng phòng ngừa, ông ta chống lại thuốc và chống luôn tất cả mọi thứ được phát minh ra từ sau cái bánh xe quay sợi. Và cũng không ai hay biết việc đã bao lâu kể từ khi cái
bánh xe quay sợi đã được phát minh - có lẽ từ mười ngàn năm trước rồi.

Từ sau nó; ông ta xem tất cả mọi thứ được phát minh ra đều xấu xa. Xấu như thể là ma quỷ.

Cứ dường như là Thượng đế đã làm ra cái bánh xe quay sợi vào ngày thứ sáu, và sau đó... Mọi thứ: xe lửa, điện thoại; bưu điện, điện thoại, radio, tivi - Gandhi chống lại tất cả mọi thứ đó; Ông ấy không chấp nhận chúng.

Thời thơ ấu tôi đã thấy trong làng của tôi: người ta thường đi nhặt lấy hai viên sỏi loại sỏi trắng mà có thể nhặt được trên bờ của bất cứ con sông nào. Họ sẽ đặt một ít vải giữa hai viên sỏi và chà xát miếng vải giữa chúng; sự cọ xát này sẽ tạo ra lửa và miếng vải sẽ cháy. Đó là cái bật lửa nguyên thủy nhất. Mà có lẽ hiện tại họ vẫn đang còn làm việc đó. Tôi không ở trong làng đã nhiều năm - họ có lẽ vẫn còn làm vậy. Ai thèm bận tâm về một cái bật lửa hiện đại? Bạn sẽ cần có dầu, chất đốt; cần thứ này, thứ kia. Những người khốn khổ này thì chỉ cần hai viên sỏi nhặt từ bất cứ chỗ nào, và mang những viên sỏi đó theo bên người. Đó là cách đơn giản nhất và rẻ nhất để họ tạo ra lửa ở bất cứ đâu.

Karl Marx đã không sai khi nói rằng tôn giáo có tác dụng giống như thuốc phiện đối với con người. Tôi không theo chủ nghĩa Marx nhưng lời phát biểu này tôi không thể phủ nhận, ông ta hoàn toàn đúng. Tôn giáo đã được chứng minh chính là thuốc phiện.

Trong những ngôi làng Ấn Độ nơi mà phụ nữ đi làm trên các cánh đồng, hay nơi nào đó có những con đường
đang được làm, những cây cầu đang được dựng và những người phụ nữ phải làm việc với những đứa trẻ nhỏ đi cùng. Một ngày tôi đang đi bộ cạnh một con sông, nơi một cây cầu đang được xây dựng, có một đứa nhỏ đang chơi dưới một cái cây, rất hạnh phúc, rất vui vẻ, rất ngất ngây. Tôi không thể tin được: Lý do gì có thể tạo nên trạng thái ngây ngất đó của nó? Vậy nên tôi đã đợi bên cạnh cái cây. Mẹ cậu bé đang làm việc trên cầu, và cô ấy trở lại để mang cho đứa bé một ít sữa. Tôi nói với cô: “Cô thật sự có một đứa con tuyệt vời. Cả cuộc đời cháu chưa bao giờ được trải qua cái cảm giác giống như đứa trẻ này đang có.”

Cô ta đáp: “Không phải đâu. Chúng ta chỉ là những người nghèo, chúng ta có thể làm gì đây? Chúng ta không có khả năng thuê ai đó chăm sóc nó, vậy nên chúng ta đã cho nó một ít thuốc phiện. Bất kể nó có đói hay khát, bất kể trời nóng hay lạnh, không gì là vấn đề cả. Với chút thuốc này nó sẽ luôn được tận hưởng thiên đường.”

Tôi hiểu những người nghèo, hoàn toàn nghèo, họ không có gì cả; thật khó khăn cho họ thậm chí chỉ để xoay xở một bữa ăn một ngày. Đôi khi họ chỉ uống nước rồi đi ngủ - nước lấp đầy cái bụng trống rỗng để họ có thể cảm thấy như đang có chút gì trong đó. Nhưng họ lại được thỏa mãn theo một cách nhất định, họ chấp nhận việc nghèo khổ như số phận của họ, họ không hề nghĩ rằng sẽ có những thứ khác tốt hơn những thứ họ đang có. Bạn có thể xúi bẫy họ. Bạn có thể ném một chút lửa vào tâm trí họ một cách dễ dàng - chỉ để mang cho họ chút hi vọng. Nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ quay về vị trí cũ và nắm lấy cổ bạn: “Hi vọng nằm ở đâu chứ?”

Tình trạng khổ sở này không hẳn chỉ thuộc vật chất. Tôi đã từng nhìn thấy vẻ hạnh phúc của những người nghèo nhất. Họ không có bất cứ gì; nhưng họ không đặt cuộc đời họ trên những ý tưởng sai lầm. Nó hơn cả câu hỏi về kiểu tâm linh nào bạn chấp nhận: Điều gì hơn cả cái chết? Linh hồn của bạn không thuộc thế giới này nhưng là một thế giới khác?

Trước khi Ấn Độ giành được độc lập đã có một linh cảm trên khắp đất nước này. Nhà của tôi cũng là một nơi dự phần vào đó. Hai người chú của tôi đã bị đi tù rất nhiều lần, và mỗi ngày họ lại phải đến đồn cảnh sát để báo cáo rằng họ không làm bất cứ gì chống lại chính phủ cả; và họ vẫn đang ở đây - họ không được phép đi đâu ra khỏi ngôi làng cả; nhưng những người khác sẽ đến với họ - và họ vẫn đầy hi vọng.

Tôi mới chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi đã luôn ngạc nhiên. Tôi hỏi họ:“Những người này đang nói về việc giành độc lập cho đất nước và rồi tất cả tình trạng khó sở này sẽ biến mất. Làm sao điều đó có thể xảy ra được. Con không tìm ra bất cứ mối liên hệ nào cả.”

Nhưng họ vẫn hi vọng. Họ cho rằng Ấn Độ là một vùng đất hứa, rất khép kín, chỉ có một ít cuộc tranh đấu nhỏ nên nếu như nó độc lập và bạn được tiếp quản thì sẽ là đều tuyệt vời. Việc tranh đấu có những đau khổ nhưng bạn không phải chịu trách nhiệm về nó: Người Anh phải chịu trách nhiệm. Thật là một niềm an ủi lớn lao khi
chỉ việc trút mọi thứ trách nhiệm lên đầu người Anh.

Thực tế, tôi thường hỏi những nhà cách mạng hay bí mật đến thăm nhà tôi, hoặc thỉnh thoảng ở lại nhà tôi vài tháng... Một trong số họ, là một nhà cách mạng nổi tiếng, Bhavani Prasad Tiwari - người lãnh đạo của đảng xã hội chủ nghĩa. Bất cứ khi nào ông ấy phải hoạt động ngầm ông sẽ đến làng tôi và chỉ sống trong nhà tôi, bí mật. Cả ngày ông ấy sẽ không ra ngoài và không có cách nào để bất cứ ai biết ông ấy đang ở trong làng. Nhưng tôi cứ bám theo sát ông ta. Ông ấy phải nhắc đi nhắc lại: “Cháu mang đầy những câu hỏi bất tiện đến nỗi đôi lúc ta nghĩ sẽ tốt hơn nếu ta ở trong nhà tù của người Anh thay vì nhà cháu. Ít nhất ở đó ta sẽ được đối đãi hạng nhất.”

Ông ấy là một người lãnh đạo nổi tiếng vì vậy ông ấy sẽ có được sự đối đãi hạng nhất cho tù nhân chính trị quan trọng hạng nhất : với tất cả mọi thứ tiện ích, đồ ăn ngon, thư viện đẹp. Và ít nhất ông ấy sẽ được tự do tận hưởng những tiện nghi ấy bởi vì tù nhân hạng nhất sẽ không bị làm phiền bởi bất cứ người dân thường nào. Họ sẽ viết tự truyện của ông ấy và những thứ sách khác: những cuốn sách tuyệt vời được viết bởi một nhà lãnh đạo Ấn Độ tuyệt vời được viết trong nhà giam. Và rồi họ sẽ đi dạo bộ ở những nơi đẹp đẽ mà không phải trong nhà giam...

Ví dụ ở Poona có một dinh thự lớn bên cạnh con sông: Dinh thự Aga Khan. Nó đã từng là một dinh thự. Gandhi đã từng được giữ như tù nhân ở đó cùng vợ ông ấy. Vợ ông ấy cũng đã chết ở đó, phần mộ của bà ấy vẫn ở đó. Ở Poona, khi bạn đi qua cây cầu, chỉ cần nhìn lên phía trên đỉnh đôi sẽ thấy một tòa nhà xinh đẹp.. Những tòa nhà đặc biệt đã trở thành những nhà giam. Họ có hàng mẫu đất xanh mướt với tầm nhìn rất đẹp. Vì thế Bhavani P. Tiwari thường nói với tôi: “Sẽ tốt hơn nếu ta ngừng hoạt động bí mật, bởi vì cháu hỏi quá nhiều những câu hỏi không thuận tiện chút nào.”

Tôi nói: “Nếu bác không thể trả lời một câu hỏi như điều gì sẽ xảy ra cho đất nước này khi nó giành được độc lập? Đây sẽ là những câu hỏi mà bác sẽ phải giải quyết. Bác thậm chí không thể trả lời câu hỏi này chỉ bằng lời nói, mà sau này bác sẽ phải thực sự giải quyết chúng.”

Tôi hỏi ông ấy: “Chỉ bằng việc người Anh rời khỏi đất nước này, và có không nhiều người Anh cho lắm. Làm cách nào mà tình trạng khốn khổ sẽ biến mất? Cứ như thể người Anh mang nghèo khổ đến đây và sẽ đem nó đi? Bác muốn muốn cháu tin rằng trước khi người Anh đến Ấn Độ, Ấn Độ không nghèo khổ sao?”

Tôi tiếp: “Chỉ bằng việc người Anh rời khỏi đây thì sẽ có khác biệt gì? Nó vẫn nghèo như nó hiện giờ, thậm chí còn nghèo hơn, bởi vì người Anh đã mang đến nền công nghiệp, công nghệ, nó giúp cho đất nước này tốt hơn chút xíu. Họ mang tới giáo dục, trường học, cao đẳng, đại học. Trước đó không có cách nào để giáo dục cả; những người được giáo dục chỉ là những người trí thức, bởi những người cha dạy cho con trai họ. Họ giữ cho mọi người khác vô giáo dục bởi vì đó là cách tốt nhất để biến mọi người thành nô lệ. Việc giáo dục có thể trở thành nguy hiểm.

Làm cách nào bác phá hủy được sự nghèo khổ?
Bác định làm cách nào để phá hủy hàng ngàn loại mối lo và đau khổ khi mà không còn người Anh ở đây làm mục tiêu cho các bác? Bây giờ, một người chồng đang đau khổ vì vợ của anh ta, làm thế nào để bác có thể giúp? Người Anh sẽ rời đi, tốt thôi, nhưng người vợ vẫn sẽ còn đó, người chồng cũng còn đó, làm cách nào để thay đổi mọi thứ?"

Ông ấy nói: “Ta biết sẽ rất khó khăn, nhưng hãy để chúng ta giành được độc lập trước đã.”

Tôi nói: “Cháu dám chắc sau khi giành độc lập mọi vấn đề sẽ vẫn cứ giữ nguyên như cũ, thậm chí còn tệ hơn.”

Và nó đúng là đã tệ hơn.

Ấn Độ giành được độc lập năm 1947. Tôi còn rất trẻ, nhưng tôi đã giữ được đôi mắt trong sạch và không bị làm nhiễm đục bởi thế hệ già hơn. Từ thời thơ ấu tôi đã luôn đứng vững trên lập trường của riêng mình, trí thông minh của riêng mình, và tôi không muốn vay mượn bất cứ kiến thức gì từ bất cứ ai.

Cả nhà tôi đều có liên quan trong cuộc đấu tranh giành tự do cho đất nước. Mọi người đều từng ở trong tù. Mặc dù tôi chưa bao giờ bị đi tù vì phong trào giải phóng nhưng tôi vẫn phải chịu thiệt hại nhiều như mọi người có thể chịu thiệt hại, bởi vì mọi người đàn ông kiếm tiền chính trong nhà đều bị bắt vào tù và gia đình chỉ còn lại những người mà không tạo ra bất cứ nguồn thu nào.

Sau khi được nhận lại độc lập, tôi hỏi cha tôi: “Cha có đoán được rằng tại sao cha được giải phóng khỏi đế quốc
Anh không. Đó là bởi vì người Anh đã cảm thấy bị gánh nặng. Họ đã khai thác mọi thứ quá mức nên vị thế giờ đây đã đói ngược. Khi không còn gì để khai thác, nếu họ tiếp tục ở thì họ sẽ phải làm gì đó để vực đất nước này dậy, để giúp cho đất nước này tồn tại. Thế nhưng mọi người lại đòi độc lập. Thật tốt cho họ khi giờ được thoát khỏi nơi này và thoát khỏi những gánh nặng hoàn toàn không cần thiết của đất nước này”. Họ sẽ không còn ở đây để phục vụ ai, họ chỉ ở đây để khai thác rồi biến đi. Mọi người không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh sao? Không phải mọi người đòi được độc lập đâu, mà là được người Anh ném trả lại thứ độc lập cho một đất nước vốn dĩ không quan trọng gì với họ nữa.”

Và đó chính xác là những gì đã xảy ra.

Cuộc cách mạng đã xảy ra vào năm 1942 mà không có bất cứ tác dụng nào. Nó đã bị dẹp bỏ hoàn toàn chỉ trong chín ngày, với chín ngày đó tất cả mọi hi vọng về tự do đều biến mất. Nhưng ngạc nhiên làm sao, hơn cả một bất ngờ, người Anh quyết định trao cho đất nước này tự do vào năm 1947.

Tôi nói với cha tôi: “Đừng nghĩ rằng cuộc vận động tự do của cha là thành công. Giữa cuộc cách mạng ấy và thứ tự do thực tế cha vừa mới có là một khoảng cách 5 năm. Điều này không hợp lý. Cha đã được trao cho tự do chỉ vì giờ đây cha đã trở thành một gánh nặng, một rắc rối, chỉ còn một chút ít sự sống.”

Và tôi biết những người nghiên cứu sâu vào trong toàn bộ lịch sử của Nghị viện Anh cùng những quyết định
của họ, đã phát hiện ra rằng thủ tướng Anh Attlee đã gửi cho đô đốc Mountbatten một thông điệp: “Hãy hành động nhanh nhất có thể". Thông điệp đã đưa ra như một sự hẹn giờ, rằng: “Vào năm 1948 chúng ta sẽ thoát khỏi gánh nặng này.”

Mountbatten thậm chí đã chứng minh mình làm việc hiệu quả hơn nữa. Ông ấy xoay xở để nó xảy ra sớm hơn 1 năm. Nhưng tôi nói với cha tôi: “Khi người Anh đi rồi, cha sẽ vẫn phải chiến đấu tiếp thôi, kể cả khi đất nước này được tự do thì chắc chắn nó sẽ bắt đầu một cuộc tranh đấu mới, bên trong chính nó.”

Giờ thì người Hồi giáo đã có được Pakistan - nó là một phần của tiến trình tự do, bởi vì người Hồi giáo từ chối sống với người Hindu. Họ đã sống cùng nhau khoảng 1400 năm mà không có vấn đề gì. Trong thời niên thiếu tôi đã tham dự rất nhiều dịp lễ của người Hồi giáo, người Hồi giáo cũng tham dự trong hôn lễ của người Hindu, những dịp lễ của người Hindu nữa. Không hề có ai bận tâm đến tranh đấu, bởi vì mọi người đều cùng đấu tranh đế quốc Anh. Một khi đế quốc Anh rời đi, người Hồi giáo và người Hindu đột nhiên trở nên để phòng lẫn nhau - một sự phân ly mới. Họ tuyên bố rằng họ không thể sống cùng nhau bởi vì tôn giáo của họ khác nhau. Người Hồi giáo bỗng trở nên rất lạnh lùng: “Hoặc người Anh vẫn ở lại, chúng tôi có thể vẫn tự do dù cho có hơi rủi ro, nhưng chúng tôi không thể sống với người Hindu trong một đất nước độc lập bởi vì họ chiếm đa số. Họ sẽ là người lãnh đạo và người Hồi giáo sẽ không có bất cứ cơ hội nào để cầm quyền.”

Cảm nhận của tôi là người Anh đã làm hai điều sai: đầu tiên là áp đặt chế độ nô lệ lên đất nước này, sau đó, như một kẻ hèn nhát họ trốn thoát khỏi mọi trách nhiệm đáng ra thuộc về họ. Người Anh nên ở lại đó cho đến khi họ giáo dục người ta không trở nên bạo lực, không mê tín dị đoan, không tranh đấu lẫn nhau - Hindu chống lại Hồi giáo, Hồi giáo chống lại Phật giáo, Phật giáo chống lại Jaina. Có rất nhiều những môn phái và sự phân nhánh, và mọi người thì cứ chống lại những người khác. Cái đất nước với những tư tưởng đầy tính tâm linh, tính bất bạo động nhưng tất cả đều vô nghĩa. Chỉ là đạo đức giả.

Người Anh thì đã xong với những việc làm đê tiện của họ. Tôi thật sự tức giận với quan đô đốc Mountbatten. Ông ấy không phải người đúng đắn được gửi đến để giúp Ấn Độ tự do. Ông ấy không có chút kinh nghiệm chính trị nào cả. Trên thực tế, ông ta chỉ là một tay chơi bời trong suốt cả cuộc đời. Chỉ để giữ ông ta tránh xa khỏi nước Anh - bởi vì ông ta là người thuộc hoàng tộc, và nếu một người thuộc hoàng tộc là một tay chơi bời, vợ của mọi người khác sẽ gặp nguy hiểm, chưa kể mọi người khác nữa cũng đều gặp nguy. Vì vậy họ phải tiếp tục giữ ông ấy ở xa bằng cách đẩy ổng ra khỏi nước Anh. Nhưng bạn không thể chỉ đưa ổng đi như thế vì ông ấy là người thuộc hoàng tộc mà, ông ấy có thể sẽ trở thành vua; thật tình cờ làm sao ổng không không phải người con lớn nhất.

Đầu tiên họ đưa ổng tới Burma. Khi ông ta trở về
từ Burma, ngay lập tức ổng được bảo rằng: “Hãy thu xếp hành lý của Ngài và đi đến Ấn Độ. Ngài có một việc lớn lao cần phải làm ở đó: tạo ra nền độc lập cho Ấn Độ.”

Nghĩ mà xem, đó đáng ra phải là một biển công việc bao la tuyệt đối! Khi bạn làm cho một đất nước trở thành nô lệ trong hàng trăm năm bạn đã phải chiến đấu rất nhiều, và chỉ trong một ngày bạn phải làm cho nó thành độc lập. Tôi không thấy được sự hợp lý chút nào. Thậm chí khi tôi chỉ mới 17 tuổi tôi đã không thể tìm được sự hợp lý nào của nó. Tôi đã viết một bức thư cho đô đốc Mountbatten rằng chưa đúng thời điểm cho đất nước này trở nên độc lập. Nếu mọi thứ đều có vẻ yên ổn chăng nữa thì đó cũng chỉ đơn giản là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh không hơn. Nếu như sự áp chế của nước Anh không còn, sau đó mọi thứ sẽ thật sự rơi vào hỗn loạn và rối rắm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho