55. Thuốc lá
Tuổi niên thiếu là độ tuổi rất khó khăn vì đứa trẻ cũ đang rời khỏi thời thơ ấu lại phía sau và sẽ trở thành những thanh niên. Chúng đang ở giai đoạn chuyển tiếp và sự chuyển tiếp thì khi nào cũng khó khăn cả. Mỗi ngày lại thêm nhiều chiều hướng mới mở ra cho đời chúng và chúng cần một sự giúp đỡ lớn lao từ cha mẹ. Nhưng thực tế hiện tại thì chúng dường như đang ở rất xa cha mẹ. Chúng sống trong cùng một căn nhà nhưng không nói chuyện vì cứ như mọi người không nói cùng một ngôn ngữ, chúng không thể hiểu được quan điểm của những người khác. Chúng chỉ đến chỗ cha mẹ khi chúng cần tiền, nếu không thì dường như không có nhu cầu. Khoảng cách cứ ngày một xa hơn, chúng dần trở nên như những người lạ.
Tuổi niên thiếu người ta nên can đảm để nói mọi điều với cha mẹ mà không cần sợ hãi. Điều này không chỉ có ích cho chúng mà còn có ích cho cha mẹ nữa. Sự thật thì luôn đẹp đẽ, sự trung thực cũng vậy và tất cả cần mở rộng trái tim mình ra để lắng nghe, để cố gắng thấu hiểu.
Thời niên thiếu ấy tôi đã có một thỏa thuận với cha tôi về tính trung thực. Tôi đến với ông và nói: “Con muốn làm một thỏa thuận”
Cha tôi bảo: “Về cái gì?”
Tôi nói: “Bản thỏa thuận là nếu con nói sự thật, cha sẽ phải thưởng cho con, không được trừng phạt con. Bởi vì nếu cha trừng phạt con thế thì lần tới con sẽ không nói sự thật nữa.”
Đó là những gì đang xảy ra trên khắp thế giới: sự thật đang bị trừng phạt rất nhiều, chúng ta nên dừng chuyện đó lại bởi vì nếu nói thật bị trừng phạt thì dần dà sẽ chỉ còn lại dối trá mà thôi.
Tôi nói: “Cha có thể quyết định. Nếu cha muốn con nói dối, con có thể nói dối, nếu đó là những gì cha muốn nghe và muốn thưởng. Nhưng nếu cha sẵn sàng thưởng cho sự thật, thế thì con sẽ chỉ nói sự thật mà thôi và hãy luôn ghi nhớ, cha không được phép trừng phạt khi con nói thật. Cha phải hứa bởi vì chỉ sau đó con mới có thể mở lòng với cha trong mọi sự. Nếu biết cha sẽ phạt thì con bận tâm nói với cha làm gì? Mà thật ra cha không nên phạt bất cứ gì trước khi lắng nghe con nói những điều mình nghĩ. Đừng có mà áp đặt con, nhưng hãy lắng nghe và tôn trọng lời con nói. Nếu không thì con sẽ không nói gì và lúc ấy cha sẽ đứng ngoài rìa cuộc đời con mãi mãi.”
Ông ấy nói: “Ta chấp nhận thỏa thuận này”.
Mọi người nên thành thật và trung thực, dù cho tình huống là gì. Con cái nên nói cho cha mẹ mọi cảm giác của chúng. Chúng không nên giấu gì cả. Chính điều này tạo nên khoảng cách lớn giữa hai thế hệ: cha mẹ đang giấu quá nhiều thứ khỏi bọn trẻ và bọn trẻ cũng đang giấu rất nhiều thứ khỏi cha mẹ. Khoảng cách này ngày một lớn hơn khi có nhiều thứ cần giấu hơn.
Một ngày nọ tôi đến chỗ cha tôi và bảo: “Con muốn hút thuốc lá.”
Ông nói: “Cái gì?”
Tôi nói: “Cha phải cho con tiền bởi vì con không muốn ăn trộm. Nếu cha không cho con tiền con sẽ phải đi ăn trộm và cha sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu cha không cho phép con hút; con vẫn sẽ hút nhưng hút ở nơi mà cha không biết, con sẽ phải giấu. Thế thì đồng nghĩa chính cha đang biến con thành một kẻ trộm, một kẻ giấu giếm và cũng đồng nghĩa rằng cha không muốn con trở thành người thành thật. Con thấy rất nhiều người hút thuốc và con muốn thử nó. Con muốn loại thuốc lá đắt tiền nhất có thể và con sẽ hút điếu thuốc đầu tiên trước mặt cha.”
Ông nói: “Điều này thật lạ nhưng lời thuyết phục của con thì rất hợp lý. Nếu ta ngăn cản con, con sẽ phải ăn trộm tiền và rồi vẫn sẽ hút bằng cách nào đó. Vậy thì suy cho cùng việc cấm của ta chỉ khiến con làm nhiều hành động tệ hơn. Nhưng việc này quả thật làm ta tổn thương. Ta không muốn con bắt đầu hút thuốc.”
Tôi nói: “Chuyện cha muốn hay không đó không phải là vấn đề. Có một ham muốn khởi lên trong con khi thấy mọi người hút thuốc. Con muốn biết liệu việc đó có đáng không. Nếu nó là đáng thì từ giờ cha sẽ phải chấp nhận nó, nếu nó không đáng thế thì con sẽ không bao giờ thèm nghĩ đến chuyện hút thuốc nữa. Nhưng con không muốn làm bất cứ gì cho tới khi cha từ chối, thế thì toàn bộ trách nhiệm sẽ là của cha, bởi vì con không muốn cảm thấy có lỗi.”
Và thế là ông ấy phải đi mua thuốc lá cho tôi, loại tốt nhất trong thị trấn - một cách miễn cưỡng. Chú tôi, ông nội và những người khác đều nói “Anh đang làm gì thế? Anh không nên làm thế.” Họ rất kiên quyết về chuyện này. Nhưng cha tôi nói: “Tôi biết không nên làm việc này nhưng các người không biết thằng bé này như tôi. Nó sẽ làm chính xác những gì nó nói và tôi tôn trọng sự thành thật của nó, tính trung thực của nó. Nó đã xác nhận với tôi một cách rất rõ ràng rằng: đừng ép con nhưng cũng đừng cấm cản con bởi vì những hành động như thế chỉ làm cho con cảm thấy có lỗi. Cha mẹ không nên khiến con cái thấy có lỗi.”
Thế nên ông ấy đã mua và tôi đã hút, rồi tôi ho, nước mắt giàn dụa. Tôi không thể thậm chí hút xong một điếu, tôi ném điếu thuốc đi và bảo với cha tôi: “Con xong việc với thuốc lá rồi. Từ giờ trở đi cha không cần lo về nó nữa. Nhưng con muốn cha hiểu một điều rằng con sẽ nói với cha mọi thứ và con sẽ không cần giấu cha bất cứ điều gì cả. Nếu con phải giấu giếm gì đó với ngay cả cha của mình thì trên đời này còn ai con có thể tin tưởng đây? Con không muốn bất cứ khoảng cách nào giữa cha con mình.”
Nhìn thấy tôi ném điếu thuốc đi và mắt giàn dụa những nước, mắt cha tôi cũng bắt đầu ướt, ông nói: “Mọi người đều phản đối nhưng sự chân thành của con đã thuyết phục ta mua nó. Hãy cứ tiếp tục trung thực với ta như thế, ta sẽ lắng nghe”.
Ở Ấn Độ có lẽ không một người cha nào từng đưa thuốc cho con trai mình, thậm chí chỉ là để cho chúng thấy. Nếu họ muốn hút, họ phải hút chui để cho ý tưởng về việc hút thuốc không bao giờ tới được với đứa trẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét