34. Pagal Baba: Người lang thang

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch

 
34. Pagal Baba: Người lang thang

Pagal Baba là một trong những người tuyệt vời mà tôi phải nhắc đến. Ông ấy cũng cùng một cấp độ như Magga Baba. Ông được biết đến như là Pagal Baba, Pagal nghĩa là “người điên”. Ông ấy đến như một cơn gió, luôn luôn bắt chợt và biến đi cũng đầy bất ngờ như khi đến.

Tôi đã không tìm ra ông ấy, là ông ấy đã tìm ra tôi. Khi tôi đang bơi trên dòng sông thì ông ấy đi ngang: ông ấy nhìn tôi, tôi nhìn ông ấy và ông liền nhảy xuống sông rồi chúng tôi cùng bơi với nhau. Tôi không biết chúng tôi bơi cùng nhau bao lâu nhưng tôi đã không phải người nói từ “đủ rồi, dừng lại”. Ông ấy giống như một vị thánh. Tôi đã từng thấy ông ấy trước đây, nhưng không gần lắm. Trong một đám đông đang làm lễ và hát những bài hát về Thượng đế, tôi thấy ông ấy và tôi có cảm giác gì đó về ông, nhưng tôi giữ cảm giác đó cho riêng mình, tôi thậm chí chưa từng hé môi về nó. Có những thứ mà bạn cảm thấy tốt hơn khi bạn giữ nó trong trái tim - vùng đất thích hợp để nuôi dưỡng mọi thứ.

Lúc đó thì ổng đã là một ông già, tôi thì không quá 12. Rõ ràng ông ấy chính là người nói câu “Chúng ta dừng lại thôi, ta mệt rồi”

Tôi nói: “Ông có thể nói bất cứ lúc nào cháu sẽ dừng lại. Nhưng càng bơi xa thì cháu càng nghĩ cháu là một con cá trên dòng sông.”

Vâng; đó là cách cả thị trấn này biết tôi. Còn ai khác bơi 6 tiếng mỗi buổi sáng từ bốn giờ đến mười giờ chứ?” Người đàn ông này - Pagal Baba thường gọi tôi đến gặp ông rất nhiều lần trong ngày, chỉ vì lý do đơn giản là ông ấy muốn giới thiệu rất nhiều người tới tôi. Bất cứ khi nào tôi chú ý tới ai thì Pagal Baba cũng sẽ chú ý đến người đó. Qua ông ấy mà một thế giới khác đã mở ra. Ông ấy có giá trị với tôi hơn bất cứ bất cứ một trường đại học nào, bởi vì ông ấy giới thiệu tôi tới tất cả những người tốt nhất trong mọi lĩnh vực có thể.

Ông ấy thường đến làng tôi như một cơn lốc và giữ lại tôi trong đó. Cha tôi không thể nói không với ông ấy, chỉ trừ Nani là có thể nói không với ông. Sự thật thì bất cứ khi nào tôi nhắc đến Pagal Baba mọi người đều sẽ nói “ừ, được rồi”, bởi vì họ biết rằng nếu họ cản trở tôi, Paga Baba sẽ đến và tạo ra một chút rắc rối trong nhà để làm phiền họ. Ông ấy có thể đập phá thứ gì đó, ông ấy cũng có thể đấm ai đó và nhất là ông rất được mọi người tôn trọng đến nỗi sẽ không ai cản trở khi ông ấy làm hư hại bất cứ thứ gì. Thế nên điều tốt nhất mọi người có thể làm chỉ là nói “ừ... nếu Pagal Baba muốn con đi với ông ấy thì con có thể đi. Và chúng ta đều biết” họ nói “đi với ông ấy con sẽ được an toàn.”

Những người họ hàng khác của tôi trong thị trấn thường nói với cha tôi: “Thật không phải điều đúng đắn chút nào khi ông để cho thằng nhỏ đi cùng với một gã điên như vậy.”

Cha tôi trả lời: “Thằng nhỏ làm tôi lo lắng cho ông già điên đó hơn là lo cho nó. Các người không cần phải bận tâm.”

Tôi đã đi đây đó rất nhiều nơi với Pagal Baba. Ông ấy không chỉ đưa tôi đến với những nghệ sĩ hay nhạc sĩ lớn nhất mà còn là những nơi tuyệt nhất. Tôi đã đi cùng ông ấy khi lần đầu tiên tôi trông thấy đền Taj Mahal, cái hang động của Allora hay Ajantas. Ông ấy cũng là người ở cùng tôi khi tôi trông thấy Himalayas lần đầu tiên. Tôi nợ ông ấy quá nhiều và thậm chí chưa bao giờ nói cảm ơn ông. Tôi không thể bởi vì ông ấy thường hay đến chạm vào bàn chân tôi. Nếu tôi nói gì đó về sự biết ơn ông ấy sẽ ngay lập tức đặt tay lên miệng và nói: "Yên lặng nào. Đừng bao giờ để cập tới việc cảm ơn nữa. Ta thậm chí phải cảm ơn con, chứ không phải là con cảm ơn ta."

Một đêm khi chúng tôi ở một mình, tôi đã hỏi ông ấy: "Tại sao ông lại cảm ơn con? Con không làm bất cứ gì cho ông và ông thì lại làm rất nhiều việc cho con nhưng ông lại không bao giờ cho phép con nói lời cảm ơn với ông.”

Ông ấy đáp: "Một ngày nào đó con sẽ hiểu, nhưng ngay lúc này con cần đi ngủ và đừng bao giờ đề cập đến nó một lần nào nữa, đừng bao giờ. Rồi thời điểm sẽ tới và con sẽ biết."

Ngay vào lúc tôi có thể biết thì đã quá muộn, ông ấy không còn nữa. Tôi đã biết, nhưng đã quá trễ. Nếu ông ấy còn sống có lẽ còn khó khăn hơn để ông có thể thừa nhận rằng tôi đã đi đến việc biết này như thế nào. Một lần, trong kiếp sống trước, ông ấy đã đầu độc tôi. Mặc dù tôi vẫn còn sống nhưng giờ ông ấy vẫn luôn cố gắng để bù đắp điều đó. Ông ấy đang cố để xóa đi việc đó. Ông làm mọi thứ trong khả năng những điều tốt nhất cho tôi và ông cũng luôn rất tốt với tôi, hơn mức tôi có thể yêu cầu - nhưng giờ thì tôi biết: ông ấy chỉ đang cố gắng lấy lại sự cân bằng.

Ở phương đông người ta gọi nó là karma — cái nghiệp- “lý thuyết về hành động” - nhân quả. Bất kể bạn làm gì, hãy nhớ, bạn sẽ phải tìm về trạng thái cân bằng sau những điều phiền toái bạn đã gây ra bởi hành động của mình. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao ông ấy lại quá tốt với một đứa trẻ như thế. Ông ấy đã cố gắng và đã thành công, ông đã lấy lại được sự cân bằng. Chỉ cần một hành động của bạn cũng đủ làm cho sự cân bằng biến mất, trừ khi bạn dừng được bánh xe sinh tử. Tất nhiên, trong thực tế bánh xe tự dừng bởi chính nó, bạn không cần phải dừng nó lại.

Cha tôi luôn ngạc nhiên bất cứ khi nào Pagal Đaba đến và chạm vào chân tôi. Vì chính cha tôi thường chạm vào chân của Pagal Baba. Điều này thật buồn cười. Chỉ để tạo ra một vòng tròn nên tôi đến chạm vào chân của cha tôi. Pagal Baba sẽ bắt đầu cười lớn đến nỗi mọi người khác đều trở nên im lặng - và cha tôi trông thật bối rối làm sao.

Mọi người trong cái thị trấn nhỏ đó thường xuyên phàn nàn phản đối tôi với người cha tội nghiệp của tôi. Tôi phải thừa nhận rằng ông ấy là một người kiên nhẫn vô cùng. Ông ấy luôn lắng nghe tất cả mọi người. Dường như đó là công việc của ông 24h/ngày. Mỗi ngày, từ lúc ngày bất đầu đến, tới khi ngày rời đi, thỉnh thoảng vào giữa đêm mọi người có thể sẽ đến.

Bởi vì tôi vừa làm xong việc gì đó đáng lẽ không nên làm. Mà tôi thì cũng chỉ muốn làm những việc đáng lẽ không nên làm. Thực tế, tôi cũng đã ngạc nhiên bằng cách nào mà tôi biết những việc đó đều là những việc đáng lẽ không nên làm, bởi vì không kể các tai nạn xảy ra thì dường như tôi không làm bất cứ điều gì được cho là nên làm cả.

Một lần tôi hỏi Pagal Baba: “Có lẽ ông cần giải thích điều này cho con. Con có thể hiểu nếu chỉ 50% những gì con làm là sai, và 50% là đúng, nhưng sao đối với con luôn cứ 100% là sai trái. Làm sao con có thể lo liệu được đây? Ông có thể giải thích cho con không?”

Pagal Baba cười và nói: “Con đã lo liệu được một cách hoàn hảo. Đó là cách để làm mọi việc. Và đừng bận tâm điều mọi người nói. Con hãy cứ tiếp tục theo cách của riêng con. Lắng nghe mọi lời phàn nàn đó, và nếu con bị trừng phạt, hãy tận hưởng.”

Và ông chính là lý do mà tôi biết cách tận hưởng những hình phạt của mình. Tôi thực sự đã tận hưởng những lời phàn nàn quở trách đó - tận hưởng luôn cả sự trừng phạt. Cha tôi không còn trừng phạt tôi nữa từ cái khoảnh khắc ông ấy phát hiện ra tôi tận hưởng tất cả.

Pagal cố hết lần này đến lần khác chỉ để thuyết phục tôi rằng tương lai của tôi có thể trở thành một nhạc sĩ. Tôi nói “Không”, và khi tôi nói “Không”, nghĩa của nó đơn giản là “Không”.

Từ khi còn rất nhỏ, từ “Không” của tôi đã rất rõ ràng, tối rất hiếm khi dùng từ “vâng”. Từ “Vâng” là một từ cao quý, gần như một từ thần thánh, nó chỉ nên xuất hiện cùng với sự hiện diện của Chúa, nơi mà có những thứ như tình yêu hay sự đẹp đẽ, hay như lúc này... những bông hoa màu cam trên gulmohar, đậm màu như thể cả cái cây đang bốc cháy.

Bất cứ khi nào có thứ gì nhắc nhở bạn về sự linh thiêng thì bạn có thể sử dụng từ “Vâng” đó - nó chứa đầy tính nguyện cầu. Điều này không có nghĩa tôi đang đề ra các nghi thức. Tôi luôn là một người nói “Không”, sẽ rất khó để có thể lấy một từ “Vâng” từ miệng của tôi.

Gặp gỡ Pagal Baba, một người được biết đến như đã giác ngộ, tôi nhận ra rằng ông ấy là người duy nhất trong những ngày đó. Tôi không biết bất cứ gì về giác ngộ là gì, hoàn toàn không biết. Nhưng sự hiện diện của ông ấy thì thật rõ ràng. Bạn có thể nhận ra ông ấy giữa hàng ngàn người.

Ông ấy là người đầu tiên đưa tôi đến Kumbha Mela - sự kiện diễn ra mỗi 12 năm ở Prayag, với đám người đông nhất thế giới. Đối với người Hindus thì Kumbha Mela là một giấc mơ được ôm ấp cả đời. Một người Hindu nghĩ rằng nếu bạn không đến Kumbha Mela một lần trong đời thì coi như bạn đã lãng phí cả đời người. Đó là những gì người Hindu nghĩ. Ít nhất có khoảng một triệu người và nhiều nhất có thể tới ba triệu người.

Cùng điều đó với người Hồi giáo. Nếu bạn không phải là một Haji, nếu bạn không đến Haj, đến Mecca, bạn đã làm mất một đời người. Haj có nghĩa là “hành trình về Mecca, nơi mà Mohammed sống - rồi chết. Trên khắp thế giới, đó là ước mơ lớn nhất của bất cứ người Hồi giáo nào. Anh ta phải đến Mecca ít nhất một lần. Người Hindu thì phải đến Prayag. Những nơi này đều thuộc Israels. Tôn giáo trông có vẻ khác biệt ở phía ngoài nhưng nếu bạn chịu khó đào bới một chút bạn sẽ tìm thấy cùng những điều rác rưởi như nhau: Hindu, Jew, Hồi giáo, Công giáo... đó không phải vấn đề.

Nhưng Kumbha Mela có một nét độc đáo riêng: Một đám đông tới ba triệu người tự nó đã là một kinh nghiệm hiếm hoi. Tất cả những vị sư Hindu sẽ đến và họ không phải một con số ít. Họ phải đến 500 ngàn người, họ cực kì rực rỡ, đầy màu sắc. Bạn không thể hình dung có bao nhiêu giáo phái độc đáo ở đó. Bạn cũng không thể tin được những con người đó vẫn còn tồn tại và tất cả đều tập trung tại đó.

Pagal Baba đã đưa tôi đến Kumbha Mela lần đâu tiên trong đời. Tôi cũng đã đến đó thêm một lần khác nữa, nhưng lần với Pagal Baba mới thật là một kinh nghiệm học hỏi vô cùng, bởi vì ông ấy đưa tôi đến gặp tất cả những người “quan trọng” nhất, những người được gọi là thánh, và trước mặt họ cũng như trước mặt hàng ngàn người khác xung quanh, ông ấy hỏi tôi: “Người này có phải là thánh thật không?”

Tôi trả lời: “Không”

Nhưng Pagal Baba cũng là một người bướng bỉnh giống tôi, ông ấy không đóng trái tim mình lại. Ông ấy cứ tiếp tục rồi lại tiếp tục đưa tôi đến gặp mọi loại thánh có thể, cho tới khi tôi nói về ai đó từ “Vâng”

Pagal Baba cười lớn và nói: “Ta biết rằng con sẽ nhận ra người là thánh thật sự mà. Và chính là người này” - ông ấy chỉ vào người đàn ông mà tôi vừa nói “vâng” - ông ấy là một thánh thật sự, nhưng không ai biết cả. Người đàn ông đó chỉ đang ngôi dưới một cái cây pipal mà không có bất cứ bông hoa nào. Có lẽ ông ấy là người tách biệt nhất trong cái đám đông 3 triệu người đó. Baba liền chạm vào chân tôi, sau đổ chạm vào chân người đàn ông đó. Người đàn ông nói: Nhưng từ đâu mà ông tìm được đứa trẻ này? Tôi chưa bao giờ nghĩ một đứa trẻ có thể nhận ra tôi. Tôi tưởng mình đã che giấu rất tốt chứ. Ông có thể nhận ra tôi, điều đó tốt thôi nhưng làm sao mà cậu bé này lại có thể?”

Baba nói: “Thật là khó nghĩ. Đó là lý do tôi chạm vào chân cậu ấy trước. Bây giờ ông cũng có thể chạm vào chân cậu ấy.” Và ai có thể không nghe theo người đàn ông 90 tuổi đó? Ông ấy thật quyền uy. Người đàn ông đó đã ngay lập tức chạm vào chân tôi.

Đó là cách Pagal Baba giới thiệu tôi với tất cả mọi loại người. Trong cái vòng tròn này tôi dường như chỉ nói chuyện với những người nhạc sĩ, bởi vì sự yêu nghề của họ. Ông muốn tôi trở thành một nhạc sĩ nhưng tôi đã không đáp lại sự kì vọng đó bởi vì với tôi, âm nhạc, phần lớn chỉ dùng để giải trí. Tôi nói với ông ấy chính xác những lời này: “Pagal Baba, âm nhạc dường như là một loại thiền định thấp hơn. Con không hứng thú với nó.”

Ông ay nói: Ta biết điều đó. Nhưng ta muốn nghe nó từ con. Âm nhạc là một bước rất tốt để đi lên cao hơn, không cần phải bám vào nó hay cứ ở trên đó mãi. Một bước chỉ là một bước để đến với thứ gì đó khác.”

Đó là lý do tại sao tôi dùng âm nhạc trong tất cả những phương pháp thiền của tôi, chỉ như một bước đến với thứ gì đó khác - thứ âm nhạc thật sự - không hề có âm thanh. Nanak nói “Ek omkar sat nam: đó là tên duy nhất của Thượng đế, hay sự thật và đó là âm thanh vô âm của Aum.” Có lẽ thiền định đi ra từ âm nhạc, hay có lẽ âm nhạc chính là mẹ của thiền định. Nhưng âm nhạc tự bản thân nó không phải là thiền định. Nó chỉ là một sự biểu lộ, hay là một sự che giấu.

Tôi không định trở thành một nhạc sĩ. Pagal Baba biết điều đó nhưng ông ấy rất yêu âm nhạc, ông muốn tôi ít nhất làm quen với người nhạc sĩ tốt nhất,- để mong rằng biết đâu tôi sẽ thấy bị lôi cuốn. Ông ấy giới thiệu tôi với rất nhiều những nhạc sĩ, thật là khó để nhớ tên bọn họ. Nhưng có một vài cái tên rất nổi tiếng và được biết đến trên toàn thế giới.

Papal Baba luôn làm mọi thứ một cách gián tiếp, đó chính là phẩm cách của người đàn ông. Ông giống như một cái giá đỡ, rất vô hình. Ông giới thiệu tôi với rất nhiều nhạc sĩ và tôi thường hỏi tại sao. Ông nói: "Một ngày nào đó con sẽ trở thành một nhạc sĩ."

Tôi nói: “Pagal Baba, đôi khi người ta nói cũng đúng: ông điên rồi. Con không định trở thành một nhạc sĩ mà.”

Ông cười lớn: Ta biết điều đó. Nhưng ta vẫn nói rằng con sẽ trở thành một nhạc sĩ.”

Bây giờ, có điều gì từ đó? Tôi không trở thành một nhạc sĩ, nhưng theo cách nào đó thì ông ấy vẫn đúng. Tôi không chơi trên nhạc cụ nào, nhưng tôi chơi với hàng ngàn những trái tim. Tôi tạo ra một thứ âm nhạc sâu hơn bất cứ loại nhạc cụ nào có thể - phi nhạc cụ, phi kĩ thuật.

Có ba nghệ sĩ thổi ống sáo, tất cả họ đều được giới thiệu tới tôi bởi Pagal Baba: một người đàn ông, Hariprasad Chaurasia, từ bắc Ấn Độ nơi mà họ chơi rất nhiều loại sáo khác nhau; một người khác từ Bengal, Pannalal Ghosh - anh ấy chơi nhiều loại sáo, rất đàn ông, rất lớn tiếng và rất áp đảo. Sáo của Sachdeva - người còn lại - thì dường như là sự im lặng, rất đàn bà, như sự đối nghịch với Pannalal.

Hariprasad là sự lựa chọn của tôi trong những nghệ sĩ sáo mà tôi quan tâm đó. Tiếng sáo của ổng đẹp hơn cả hai còn lại và không chỉ giống Pananlal - rất to và chải chuốt - mà còn sắc bén đến nỗi có thể cắt và làm bạn bị thương. Nó giống như một loại gió, một cơn gió lạnh trong đêm mùa hè. Nó cũng giống như mặt trăng, ánh sáng có đó nhưng không nóng, mà lạnh. Bạn có thể cảm thấy hơi lạnh từ nó.

Hariprasad phải được xem như nghệ sĩ thổi sáo tuyệt vời nhất từng được sinh ra, nhưng ông ấy lại không nổi tiếng. Ông ấy không thể - ông ấy cực kì khiêm tốn. Để trở nên nổi tiếng bạn phải là một người có tính hung hăng mới được. Để trở nên nổi tiếng bạn phải đấu tranh trong một thế giới đầy tham vọng. Ông ấy đã không chiến đấu, ông ấy sẽ là người chiến đấu cuối cùng trên đời được tìm thấy. Nhưng Hariprasad lại được tìm thấy bởi người đàn ông như Pagal Baba. Pagal Baba nhận ra một số những người khác nữa mà tôi sẽ nhắc lại sau này bởi vì họ đến với cuộc đời tôi thông qua ông ấy.

Đó là một điều thật lạ: Hariprasad đã không được tôi biết đến chút nào cho tới khi Pagal Baba giới thiệu tới tôi, và sau đó ông ấy trở nên quan tâm đến nỗi ổng thường đến chỗ Pagal Baba chỉ để thăm tôi. Một ngày Pagal Baba nói đùa với ổng: “Bây giờ ông không đến vì tôi. Ông biết điều đó, tôi biết điều đó, và người mà ông đến vì họ thì cũng biết điều đó”

Tôi cười, Hariprasad cũng cười và nói “Baba ông nói đúng”

Tôi nói: “Con biết Baba nhất định sẽ đề cập đến điều đó, hoặc sớm hơn hoặc trễ hơn.” và đó là vẻ đẹp tuyệt vời của một người đàn ông: Ông ấy mang mọi người tới với tôi nhưng lại ngăn cản tôi nói lời cảm ơn tới ổng. Ông nói với tôi một điều: “Ta chỉ đang hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ta chỉ muốn hỏi xin một ân huệ: khi ta chết, con hãy thắp lửa cho giàn hỏa thiêu của ta chứ?”

Ở Ấn Độ đó là một điều rất quan trọng. Nếu một người đàn ông mà không có con cái, ông ấy sẽ phải cam chịu cả đời bởi ý nghĩ ai sẽ là người thắp lửa cho giàn hỏa thiêu? Nó còn được gọi là “trao ngọn lửa”.

Khi ông ấy hỏi tôi, tôi nói: “Baba, con có cha ruột của con, và ông ấy nhất định sẽ tức giận - và con lại không biết gì về gia đình của ông, có lẽ ông có một đứa con trai...”

Ông ấy nói: Đừng bận tâm về bất cứ điều gì, cả về cha con lẫn về gia đình ta. Đây là quyết định của ta.”

Tôi chưa từng thấy ông ấy trong kiểu tâm trạng đó. Tôi biết rằng đời ông ấy thì sắp hết rồi. Ông ấy không muốn lãng phí thời gian để thảo luận về nó thêm nữa.

Tôi nói: “Được thôi, không tranh luận nữa. Con sẽ trao lửa cho ông. Chẳng quan trọng gì về chủ đề cha con hay gia đình của ông cả. Con không biết gì về gia đình ông.”

Tình cờ làm sao Pagal Baba lại qua đời trong chính ngôi làng của tôi. Nhưng có lẽ là ông ấy đã sắp xếp việc đó. Và khi tôi bắt đầu đến giàn hỏa thiêu của ông ấy để thắp lửa, cha tôi nói: “Con đang làm cái gì vậy? Điều này chỉ có thể được làm bởi đứa con trai lớn nhất của ổng”

Tôi nói: “Dada, hãy để con làm điều này. Con đã hứa với ông ấy. Nếu cha cứ bận tâm thì sau này, con sẽ không làm điều này cho cha, mà em trai con sẽ làm. Trên thực tế, em ấy mới là con trai lớn nhất của cha, không phải con. Con không thuộc về gia đình này, và sẽ không bao giờ cả. Trước giờ con luôn chứng minh là một mối phiền toái đối với gia đình. Em trai con, người tiếp sau con, sẽ trao cho cha ngọn lửa, và em ấy sẽ là người chăm sóc cả gia đình.” Tôi tiếp, “Pagal Baba đề nghị con và con đã hứa với ông ấy, vì vậy con sẽ tới để thắp lửa. Còn khi cha chết, đừng lo lắng, em trai con sẽ làm điều này. Con sẽ có mặt, nhưng không phải như con trai của cha.”

Tôi không biết tại sao tôi lại nói điều đó và ông ấy đã nghĩ gì nhưng nó đã được chứng thực. Tôi đã hiện diện khi ông ấy chết. Thực tế tôi đã mời ông ấy đến sống với tôi, chỉ để tôi không phải đi lên thị trấn nơi ông ấy sống. Tôi không bao giờ muốn quay lại đó lần nữa từ sau cái chết của bà ngoại tôi. Đó cũng là một lời hứa khác. Tôi phải hoàn thành rất nhiều những lời hứa của mình. Cho tới giờ tôi đã thành công trong việc thỏa mãn một phần lớn những lời hứa đó. Có một vài những lời hứa mà nhất định bạn phải thực hiện.

Tôi cũng hứa với Pagal Baba sẽ lấy một cái bằng giáo sư. Bằng cách nào đó Pagal Baba có ý tưởng rằng nếu bạn không có một cái bằng giáo sư, bằng sau đại học thì bạn sẽ không thể kiếm được một công việc tốt.

Tôi nói: “Baba, ông có nghĩ con sẽ là người mong cầu một công việc không?”

Ồng ấy cười và nói: “Ta biết con không mong cầu nó, nhưng chỉ là đề phòng trong mọi trường hợp. Ta chỉ là một ông già và ta nghĩ về những điều tệ hại nhất có thể Con đã nghe câu châm ngôn này chưa “Hi vọng điều tốt nhất, nhưng chờ đợi cả những điều tệ nhất”. Ông ấy nói thêm gì đó nữa. Baba nói: "hãy chuẩn bị cho cả những thứ tồi tệ nhất nữa để không gặp phải trường hợp chưa được chuẩn bị; nếu không thì làm sao mà con đối mặt với nó?"

Pagal Baba trong những ngày sau cùng vẫn luôn có một chút ít lo lắng. Tôi có thể nhìn thấy nó, mặc dù ông không nói bất cứ gì và cũng không ai khác nhìn ra nó. Có lẽ mọi người không nhận thức được những điều khiến ông lo lắng. Nó không chỉ là về căn bệnh của ông, tuổi già hay cái chết đang đến gần; tất cả những thứ đó đều không hiện hữu đối với ông.

Một đêm, khi ở một mình với ông, tôi đã hỏi, tất nhiên, tôi phải đánh thức ông ấy dậy lúc nửa đêm bởi vì thật là khó để tìm ra một khoảnh khắc khi không còn ai bên cạnh ông. Ông ấy nói với tôi: “Phải là một việc rất quan trọng nếu không thì con đã không đánh thức ta. Có chuyện gì thế?”

Tôi nói: “Đó chính là câu hỏi. Con đã quan sát ông, con cảm thấy một chút hình bóng của nỗi lo lắng xung quanh ông. Nó chưa từng có trước đây. Ánh sáng của ông luôn rất rõ ràng như là ánh sáng mặt trời vậy, nhưng giờ con nhìn thấy một chút ít bóng tối. Nó không thể là cái chết.”

Ông ấy lại cười và nói: “ừ, có một chút bóng tối ở đó và nó không phải là cái chết, quả đúng là vậy. Sự bận tâm của ta là, ta đã đợi một người để có thể giao lại trách nhiệm về con cho người đó. Ta lo lắng bởi vì người đó vẫn chưa xuất hiện. Nếu ta chết thì thật khó lòng cho con có thể tìm ra họ.”

Tôi nói: “Nếu con thật sự cần ai đó, con sẽ đi tìm. Nhưng con không cần ai cả. Ông hãy thư giãn đi trước khi cái chết đến. Con không muốn trở thành nguyên do cho bóng tối của ông. Ông nên chết như một thứ ánh sáng rực rỡ như khi ông sống ấy.”

Ồng nói: “Điều đó không thể... Nhưng ta biết người đó sẽ đến, ta đang lo lắng không cần thiết rồi. Cậu ấy là một người đàn ông giữ lời, cậu ấy đã hứa sẽ tìm đến ta trước khi ta chết.”

Tôi hỏi ông: ”Làm sao ông ấy biết được khi nào ông sẽ chết?”

Baba cười nói: “Đó là lý do tại sao ta muốn giới thiệu con với người ấy. Con vẫn còn rất trẻ và con sẽ thích ai đó như người ấy ở bên cạnh con.”

Ông nói tiếp “Trên thực tế, đây là một giao ước cũ, rằng nếu một đứa trẻ sắp tỉnh thức thì sẽ có ít nhất ba người đã thức tỉnh nhận ra cậu ấy ở độ tuổi sớm này.”

Tôi nói: “Baba, tất cả thật vô lý. Không ai có thể ngăn cản con thức tỉnh được.”

Ông ấy nói: “Ta biết, nhưng ta là một lão già, một người bình thường, vì vậy làm ơn, hãy nhớ rằng khi ta chết đừng nói bất cứ điều gì chống lại những quy ước.”

Tôi nói: “Okay, vì lợi ích của ông con sẽ hoàn toàn im lặng. Con sẽ không nói bất cứ gì, bởi vì bất cứ điều gì con nói bằng cách nào đó sẽ chống lại những quy ước, những thứ truyền thống.”

Ông nói “Ta không nói rằng con nên im lặng, chỉ là hãy cảm nhận những gì ta đang cảm nhận. Ta là một người già. Ta không có ai trên đời mà ta quan tâm, ngoại trừ con. Ta không biết tại sao, hay bằng cách nào, con trở nên thật gần gũi với ta. Ta muốn ai đó thế chỗ của ta để con không nhớ ta.”

Tôi nói: “Baba, không ai có thể thế chỗ của ông, nhưng con hứa con sẽ cố gắng để không nhớ ông.”

Nhưng rồi người đàn ông đó đã đến vào buổi sáng hôm sau.

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho