20. Quyền nói "Có" và quyền nói "Không”

ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN - OSHO
Phi Tuyết dịch

 
20. Quyền nói "Có" và quyền nói "Không”

Ngay từ thời thơ ấu tôi đã nhận ra một điều. Tôi có mười anh chị em ruột trong nhà, chưa kể các anh chị em họ con của các chú nữa. Và tôi nhận ra một điều rằng bất cứ đứa trẻ nào biết vâng lời thì đều rất được người lớn yêu quý và xem trọng. Vậy nên tôi đã phải ra một quyết định, quyết định ấy không chỉ vì sự tồn tại của tôi trong gia đình hay trong thời thơ ấu nhưng là một quyết định giá trị cả cuộc đời tôi - rằng nếu tôi là một người vâng lời - theo bất cứ cách nào - chỉ để nhận được sự yêu mến và xem trọng từ họ - thế thì tôi sẽ không bao giờ có thể phát triển và nở hoa cho tính cá nhân của mình. Thế nên ngay từ thời thơ ấu, tôi đã bỏ hoàn toàn cái ý định về việc phải vâng lời ai đó để được họ yêu quý và xem trọng từ người khác.

Tôi đến nói với cha tôi: “Con có một điều cần tuyên bố với cha cho rõ ràng.”

Cha tôi luôn luôn lo lắng bất cứ khi nào tôi tới chỗ ông ấy, bởi vì ông ấy biết rằng kiểu gì cũng sẽ có rắc rối. Ông ấy nói: “Đây không phải cách một đứa trẻ đến nói với cha nó rằng ‘con muốn tuyên bố với cha một điều’ ”

Tôi nói: “Nó là một tuyên bố thông qua cha để đến toàn thế giới. Ngay lúc này thì toàn thế giới hơi khó với con và cha là đại diện cho cả thế giới. Nó không còn là vấn đề của một đứa con trai và một người cha, nó là vấn đề giữa một cá nhân và một tập thể hay một đám đông. Tuyên bố rằng con sẽ từ bỏ toàn bộ mọi ý tưởng về việc được xem trọng; vậy nên dưới danh nghĩa của “sự tôn trọng” đừng bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì từ con, nếu không thì con sẽ chỉ làm những điều ngược lại.

“Con sẽ không luôn vâng lời đâu. Điều đó không có nghĩa con sẽ luôn cãi lời cha, nó đơn giản nghĩa là việc vâng lời hay không vâng lời hoàn toàn là do sự lựa chọn của con. Nếu con cảm thấy điều gì hợp lý, con sẽ làm theo, nhưng khi đó nó không có nghĩa là con đang vâng lời như cha nghĩ đâu, nhưng là tùy thuộc vào trí thông minh của riêng con để phán đoán xem có nên nghe theo hay không mà thôi. Nếu con cảm thấy điều gì không hợp lý thì con sẽ từ chối. Con xin lỗi nhưng cha phải hiểu một điều: chỉ trừ khi con có thể nói ‘Không’ thì cái ‘Có’ của con mới có ý nghĩa được.

“Đây là tuyên bố của con - cha có thể đồng ý hay không, điều đó là tùy ở cha nhưng con đã quyết định rồi, bất kể sự lựa chọn của con có dẫn đến hậu quả nào con cũng sẽ chịu trách nhiệm, con sẽ theo nó đến cùng.”

Và tôi làm cho tuyên bố này trở nên rõ ràng với tất cả mọi người trong nhà, rằng sẽ không ai áp đặt được tôi làm bất cứ việc gì mà không theo ý của tôi. Nếu họ muốn tôi làm gì thì họ nên chuẩn bị sẵn sàng những lập luận để thuyết phục tối, tôi sẵn sàng nghe theo họ, nếu họ có thể.

Tôi nói: “Cha có thể là cha con nhưng không có nghĩa cha trở thành trí thông minh của con, tính cách của con, cuộc đời của con. Cha giúp sinh con ra nhưng nó không có nghĩa là cha sở hữu con. Con không phải một món đồ vật. Vậy nên nếu cha muốn con làm việc gì, hãy chuẩn bị. Hãy làm bài tập của cha. Con sẽ tranh luận tới cùng, cho tới khi con hoàn toàn cảm thấy hài lòng.”

Và rồi dần dần từ những việc nhỏ nhất họ dần nhận ra rằng: “Tốt hơn là hãy cứ đề xuất điều gì chúng ta muốn sau đó để thằng bé tự quyết định xem liệu nó có muốn làm hay không. Đừng lãng phí thời gian một cách không cần thiết để quấy rầy nó vì còn khổ hơn khi bị nó quấy rầy lại...”

Thế rồi càng ngày họ càng trao cho tôi nhiều tự do nhất trong mọi việc - nhờ đó tình yêu của tôi trở thành thứ rất thật.

Tình yêu trở thành thật khi nó không bị sở hữu, khi nó không biến bạn thành đồ vật. Tình yêu trở thành thật khi nó chấp nhận trí thông minh của bạn, tính cá nhân của bạn, tự do của bạn. Và nó mang lại cho bạn sự tôn trọng của người khác dù cho bạn chỉ mới là một đứa trẻ. Tôi biết họ là những người tôi có thể hoàn toàn tin tưởng, tôi biết họ sẽ không bao giờ lừa dối tôi.

Tôi hoàn toàn được quyền lớn lên theo cách riêng của mình, và họ chấp nhận điều đó. Họ bảo vệ tôi theo mọi cách có thể, họ giúp tôi theo mọi cách có thể, nhưng không bao giờ quấy rầy tôi. Và đó là điều mà mọi bậc cha mẹ nên làm.

Khắp mọi nơi, khoảng cách giữa các thế hệ là rất lớn, các cha mẹ phải chịu trách nhiệm cho điều đó, bởi vì họ đã cố gắng áp đặt học thuyết của họ, chính trị của họ, xã hội của họ, tôn giáo của họ, triết lý của họ - tất cả mọi thể loại rác rưởi đó họ đều cố gắng áp đặt lên đứa trẻ.

Thời thơ ấu của tôi là một cuộc chiến thường xuyên với cha tôi. Ông ấy là một người đáng yêu, rất hiểu biết, nhưng dầu vậy ông ấy vẫn như bao người cha khác khi thường xuyên nói “con PHẢI làm điều này, điều kia” và tôi luôn đáp lại là “Cha không thể ép con PHẢI làm gì được, cha chỉ nên gợi ý thôi và hãy nói rằng nếu con thích thì con hãy làm, nếu con không thích, thì thôi. Việc con sẽ làm nên là quyết định của con, không phải của cha. Con sẽ vâng lời với những gì là chân lý và tự do. Con có thể hi sinh mọi thứ cho chân lý, cho tự do, cho tình yêu, chứ không phải cho sự nô lệ. Và từ “PHẢI” của cha thì quá nặng mùi nô lệ.”

Chẳng mấy chốc cha tôi hiểu rằng tôi không thuộc loại vâng lời hay không vâng lời. Tôi không nói “Con sẽ không làm” nhưng tôi nói “Cha hãy rút bỏ chữ “PHẢI” của cha đi đã. Hãy cho con không gian để quyết định liệu con có muốn nói ‘có’ hay không, và cha cũng đừng phật lòng nếu con nói ‘không’. Đây là cuộc sống của con, con phải sống nó, và con có mọi quyền để sống nó theo cách riêng của con. Cha có nhiều kinh nghiệm hơn, cha có thể gợi ý, cha có thể khuyên nhủ, nhưng con sẽ không nhận mệnh lệnh từ bất kì ai. Dù cái giá là thế nào, dù hậu quả là thế nào, con cũng sẽ không nhận lệnh từ bất kì ai.”

Và dần dần cha tôi đã bỏ cái từ “PHẢI” của mình. Ông ấy bắt đầu nói “Có vấn đề này, nếu con cảm thấy đúng, con có thể làm giúp ta, nếu con cảm thấy không thích, đó là quyết định của con.”

Tôi nói: “Đây mới là cách thể hiện tình yêu đích thực cha dành cho con”

Chỉ có ba thứ nên được đưa ra làm hướng dẫn cho người lớn cách hành xử với trẻ con - với ba thứ đó chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới mới với những con người mới - chúng ta sẽ có những con người mang tính cá nhân chứ không phải đám đông hỗn loạn. Và mỗi cá nhân đều là duy nhất đến nỗi việc ép buộc ai đó trở thành một phẩn của đám đông là phá hủy người đó, phá hủy tính duy nhất của người đó. Anh ta có thể góp phần xây dựng nên một thế giới mới nhưng chỉ khi anh ta được để cho một mình và được hỗ trợ, được giúp đỡ nhưng không bị chỉ thị, áp đặt. Chính là ba thứ đó: bảo vệ, giúp đỡ mà không áp đặt.

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho