Chương 15. Đau đớn


Từ thuốc tới thiền - Osho
 
Chương 15. Đau đớn


Bạn đang trong cơn đau – cái gì thực sự xảy ra bên trong? Phân tích toàn bộ hiện tượng này: cơn đau có đó, và có ý thức này rằng cơn đau có đó. Đây là hai điểm: cơn đau có đó, và có ý thức này rằng cơn đau có đó. Nhưng không có lỗ hổng, và bằng cách nào đó, “Tôi đang trong cơn đau” – cảm giác này xảy ra – “Tôi đang trong cơn đau.” Và không chỉ điều này – sớm hay muộn, “Tôi là cơn đau” bắt đầu, xảy ra, bắt đầu là cảm giác.

“Tôi đang đau; tôi đang trong cơn đau; tôi là nhận biết về cơn đau” – đây là ba trạng thái khác nhau, rất khác nhau. Tâm thức chứng kiến nói, “Tôi là nhận biết về cơn đau.” Điều này là có thể được phép, bởi vì thế thì bạn siêu việt lên trên cơn đau. Nhận biết siêu việt lên – bạn khác với cơn đau, và có tách biệt sâu sắc. Thực sự, chưa bao giờ có bất kì quan hệ nào; mối quan hệ bắt đầu xuất hiện chỉ bởi vì sự gần gũi, bởi vì sự gần gũi thân thiết của ý thức của bạn và tất cả những điều xảy ra xung quanh.

Ý thức gần thế khi bạn đang trong cơn đau – nó chỉ ngay đó bên cạnh, rất gần. Nó phải như thế; nếu không thì cơn đau không thể nào được chữa khỏi. Nó phải ở ngay gần để cảm thấy nó, để biết nó, để nhận biết về nó. Nhưng bởi vì gần gũi này bạn trở nên bị đồng nhất, và là một. Đây lại là một phương tiện an toàn; đây là phương tiện an ninh, an ninh tự nhiên. Khi có cơn đau bạn phải ở gần; khi có cơn đau, ý thức của bạn phải xô vào cơn đau – để cảm thấy nó, để làm điều gì đó về nó.

Bạn đang trên phố và bỗng nhiên bạn cảm thấy một con rắn ở đó – thế thì toàn bộ ý thức bạn trở thành cái nhảy. Không mất khoảnh khắc nào, thậm chí không suy nghĩ phải làm gì. Không có lỗ hổng giữa việc nhận biết và hành động. Bạn phải ở rất gần; chỉ thế thì điều này mới có thể xảy ra. Khi thân thể bạn đang chịu đau đớn, bệnh tật, ốm yếu, bạn phải ở gần; nếu không thì cuộc sống không thể tồn tại được. Nếu bạn ở xa và cơn đau không được cảm thấy, thế thì bạn sẽ chết. Cơn đau phải được cảm thấy ngay lập tức – không được có lỗ hổng. Thông báo này phải được nhận ngay lập tức, và tâm thức của bạn phải đi ngay tới chỗ đó để làm cái gì đó. Đó là lí do tại sao việc ở gần lại là điều cần thiết. Nhưng bởi vì sự cần thiết này mà hiện tượng khác cũng xảy ra: gần quá, bạn trở thành một; gần quá, bạn bắt đầu cảm thấy, “Đây là mình – cơn đau này, niềm vui thích này.” Bởi sự gần gũi nên có sự đồng nhất: bạn trở thành cơn giận dữ, bạn trở thành tình yêu, bạn trở thành cơn đau, bạn trở thành hạnh phúc.

Có hai cách để dứt bản thân bạn ra khỏi những sự đồng nhất giả tạo này. Bạn không phải là điều bạn đang nghĩ, đang cảm, đang tưởng tượng, đang phóng chiếu; điều bạn đang là đơn giản là sự kiện của nhận biết. Bất kì cái gì xảy ra, bạn vẫn còn chỉ là nhận biết. Bạn là nhận biết – sự đồng nhất đó không thể bị phá vỡ, sự đồng nhất đó không thể bị phủ định. Tất cả các cái khác đều có thể bị phủ định và vứt bỏ; nhận biết còn lại là lớp nền tối thượng, cở sở tối thượng. Bạn không thể phủ nhận điều đó, bạn không thể phủ định điều đó, bạn không thể dứt bỏ bản thân mình ra khỏi nó.

Cho nên đây là quá trình: Cái không thể nào bị vứt đi được, cái không thể nào bị làm tách biệt khỏi bạn, mới là bạn; cái có thể tách ra được, bạn không phải là nó. Cơn đau có đó; khoảnh khắc sau nó có thể không có đó – nhưng bạn sẽ hiện hữu. Hạnh phúc đã tới và nó sẽ ra đi; nó đang đấy và nó sẽ không đấy – nhưng bạn sẽ có đấy. Thân thể trẻ trung, thế rồi thân thể trở nên già đi. Tất cả các cái khác tới rồi đi – khách tới rồi đi – nhưng chủ nhà còn lại như cũ. Cho nên các nhà huyền môn thiền mới nói: Chớ bị lạc trong đám đông khách khứa. Nhớ lấy tính chủ nhà của mình. Tính chủ nhà đó là nhận biết. Tính chủ nhà đó là tâm thức chứng kiến. Cái gì là phần tử cơ bản bao giờ cũng vẫn còn lại như cũ trong bạn? Chỉ là cái đó, và không đồng nhất bản thân bạn với tất cả những cái đến rồi đi. Nhưng chúng ta trở nên đồng nhất với khách. Thực sự chủ nhà quá bận bịu với khách, người đó quên mất.

Mulla Nasruddin mời tiệc một số bạn bè và một số người lạ. Bữa tiệc rất chán, và nửa đêm đã trôi mất mà nó cứ tiếp diễn mãi. Cho nên một người lạ, không biết rằng Mulla là chủ nhà, mới nói với anh ta, “Tôi chưa bao giờ thấy một bữa tiệc như thế, vô nghĩa đến thế. Nó dường như chẳng bao giờ kết thúc, còn tôi chán đến mức tôi muốn đi về.”

Mulla nói, “Anh nói đúng cái điều tôi định nói với anh đấy. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ thấy một bữa tiệc vô nghĩa và chán ngấy đến thế trước đây, nhưng tôi không đủ dũng cảm như anh. Tôi cũng nghĩ tới việc bỏ nó và chỉ chực chạy đi.” Thế là cả hai đều chạy đi.

Thế rồi, ra đến giữa phố Mulla mới nhớ ra và nói, “Cái gì bị sai rồi, bởi vì bây giờ tôi mới nhớ ra : tôi là chủ nhà! Cho nên tôi xin lỗi, tôi phải quay lại.”

Điều này xảy ra cho tất cả chúng ta. Chủ nhà bị lạc mất, chủ nhà bị quên lãng vào mọi khoảnh khắc. Chủ nhà là cái ta chứng kiến của bạn. Cơn đau tới rồi hoan lạc theo sau; có hạnh phúc, và có khổ. Và từng khoảnh khắc, bất kì cái gì tới bạn đều bị đồng nhất với nó, bạn trở thành khách.

Nhớ tới chủ nhà đi. Khi khách có đó, nhớ tới chủ nhà. Và có nhiều kiểu khách khứa: hoan lạc, đau đớn; khách bạn thích, khách bạn không thích, là khách của mình; khách bạn thích sống cùng, khách bạn thích tránh mặt – nhưng tất cả đều là khách. Nhớ đến chủ nhà. Thường xuyên nhớ tới chủ nhà. Định tâm vào chủ nhà. Vẫn còn trong tính chủ nhà của mình; thế thì có tách biệt. Thế thì có lỗ hổng, khoảng hở – cây cầu bị gẫy. Khoảnh khắc cây cầu này bị gẫy, hiện tượng từ bỏ xảy ra. Thế thì bạn là trong nó, và không là nó. Thế thì bạn có đó trong khách, mà vẫn là chủ nhà. Bạn không cần trốn khỏi khách – không cần đâu.

Bạn đã tránh né cả nghìn lẻ một đau đớn trong cuộc sống mình. Bằng tránh né bạn không thể nào phá huỷ được chúng – chúng cứ tích luỹ lại. Bạn cứ nuốt chửng những đau đớn của mình; chúng vẫn còn trong hệ thống của bạn. Đó là lí do tại sao mọi loại trưởng thành tâm linh hay tâm lí lại đau đớn – khi bạn bắt đầu trưởng thành, khi bạn quyết định trưởng thành, bạn phải đối diện với tất cả những đau đớn bạn đã kìm nén. Bạn không thể bỏ qua chúng được.

Bạn đã được nuôi dưỡng lớn lên theo cách sai. Không may là mãi cho tới giờ, không một xã hội nào đã từng tồn tại trên trái đất này lại không từng kìm nén đau đớn. Tất cả các xã hội đều phụ thuộc vào kìm nén. Hai điều họ kìm nén: một là đau đớn, điều kia là hoan lạc. Và họ kìm nén hoan lạc cũng bởi vì đau đớn. Lập luận của họ là ở chỗ nếu bạn không quá hạnh phúc bạn sẽ chẳng bao giờ trở nên quá bất hạnh; nếu niềm vui bị phá huỷ bạn sẽ không bao giờ ở sâu trong đau đớn. Để tránh đau đớn họ tránh hoan lạc. Để tránh cái chết họ tránh cuộc sống.

Và logic này có điều gì đó trong nó. Cả hai phát triển cùng nhau – nếu bạn muốn có cuộc sống cực lạc bạn sẽ phải chấp nhận nhiều phiền não. Nếu bạn muốn có các đỉnh núi Himalayas thế thì bạn cũng sẽ phải có thung lũng. Nhưng chẳng có gì sai với thung lũng cả; cách tiếp cận của bạn chỉ phải khác đi. Bạn có thể tận hưởng cả hai – đỉnh núi đẹp đẽ, thung lũng cũng vậy. Và có những khoảnh khắc khi người ta nên tận hưởng đỉnh núi và có những khoảnh khắc khi người ta nên thảnh thơi trong thung lũng.

Đỉnh núi là ánh sáng mặt trời, nó là trong đối thoại với bầu trời. Thung lũng là bóng tối, nhưng bất kì khi nào bạn muốn thảnh thơi bạn đều phải đi vào trong bóng tối của thung lũng. Nếu bạn muốn có các đỉnh núi bạn sẽ cần phát triển gốc rễ trong thung lũng – gốc rễ bạn càng ăn sâu, cây của bạn càng sẽ phát triển cao hơn. Cây không thể nào phát triển được mà thiếu gốc rễ và rễ phải ăn sâu vào trong đất.

Đau đớn và hoan lạc là hai phần cố hữu của cuộc sống. Mọi người sợ đau đớn nhiều tới mức họ kìm nén đau đớn, họ tránh bất kì tình huống nào đem tới đau đớn, họ cứ lẩn tránh đau đớn. Và cuối cùng họ vấp vào sự kiện rằng nếu bạn thực sự muốn tránh đau đớn bạn sẽ phải tránh hoan lạc. Đó là lí do tại sao các sư tránh hoan lạc – họ sợ hoan lạc. Trong thực tế họ đơn giản tránh tất cả các khả năng đau đớn. Họ biết rằng nếu bạn tránh hoan lạc thế thì một cách tự nhiên đau đớn lớn là không thể có; nó chỉ tới như cái bóng của hoan lạc. Thế thì bạn bước đi trên nền đất bằng – bạn chẳng bao giờ đi trên các đỉnh núi và bạn không bao giờ rơi xuống thung lũng. Nhưng thế thì bạn là người chết đang sống, thế thì bạn không sống.

Cuộc sống tồn tại giữa tính chất cực này. Căng thẳng này giữa đau đớn và hoan lạc làm cho bạn có khả năng tạo ra âm nhạc vĩ đại; âm nhạc tồn tại chỉ trong căng thẳng này. Phá huỷ tính cực này đi bạn sẽ thành đờ đẫn, bạn sẽ tù đọng, bạn sẽ vô vị – bạn sẽ không có bất kì ý nghĩa nào và bạn sẽ chẳng bao giờ biết rực rỡ là gì. Bạn sẽ làm lỡ cuộc sống.

Người muốn biết cuộc sống và sống cuộc sống phải chấp nhận và ôm choàng lấy cái chết. Chúng đi đôi với nhau, chúng là hai khía cạnh của một hiện tượng. Đó là lí do tại sao trưởng thành lại đau đớn. Bạn phải đi vào trong tất cả những đau đớn đó mà bạn đã từng tránh né. Nó gây đau. Bạn phải đi qua tất cả những vết thương đó mà bằng cách nào đó bạn đã xoay xở không nhìn vào. Nhưng bạn càng đi sâu hơn vào trong đau đớn, khả năng của bạn để đi vào trong hoan lạc cũng càng sâu hơn. Nếu bạn có thể đi vào trong đau đớn tới giới hạn tận cùng nhất, bạn sẽ có khả năng chạm tới cõi trời.

Tôi đã từng nghe: Một người tới một thiền sư và hỏi, “Làm sao chúng tôi tránh được nóng và lạnh?”

Một cách đầy ẩn dụ, người đó đang hỏi, “Làm sao chúng tôi tránh được hoan lạc và đau đớn?” Đó là cách nói của thiền về hoan lạc và đau đớn: nóng và lạnh. “Làm sao chúng tôi tránh được nóng và lạnh?”

Thiền sư trả lời, “Hãy nóng, hãy lạnh.”

Để thoát khỏi đau đớn, đau đớn phải được chấp nhận, điều không tránh khỏi và tự nhiên. Đau đớn là đau đớn – sự kiện đau đớn đơn giản – nhưng chịu đựng chỉ là và bao giờ cũng là việc chối từ đau đớn, công bố rằng cuộc sống không nên đau đớn. Nó là việc bác bỏ một sự kiện, việc phủ nhận cuộc sống và phủ nhận bản chất của mọi vật. Cái chết là tâm trí và tâm trí đang chết. Nơi không có nỗi sợ chết thì ai có đó để mà chết?

Con người là duy nhất trong số các sinh vật có tri thức về cái chết và có tiếng cười. Thế rồi điều kì diệu là con người có thể làm cho cái chết thành một điều mới: con người có thể chết khi cười. Chỉ con người mới biết tiếng cười; không con vật nào cười cả. Chỉ con người mới biết tới cái chết; không con vật nào biết tới cái chết cả – con vật đơn giản chết, chúng không có ý thức về hiện tượng chết.

Con người nhận biết về hai điều mà không con vật nào nhận biết cả: một là tiếng cười, và điều kia là cái chết. Thế thì sự tổng hợp mới là có thể. Chỉ con người mới có thể chết khi cười – người đó có thể gắn ý thức về cái chết và khả năng cười. Và nếu bạn có thể chết trong khi cười, chỉ thế thì bạn mới đưa ra bằng chứng hợp thức rằng bạn phải đã sống trong khi cười. Cái chết là phát biểu cuối cùng của toàn bộ cuộc sống của bạn – kết luận, nhận xét kết luận. Cách thức bạn đã sống sẽ được chỉ ra bằng cái chết của bạn, cách bạn chết. Bạn có thể chết trong khi cười được không? Thế thì bạn đã là người trưởng thành. Nếu bạn chết trong kêu khóc, níu bám, thế thì bạn là trẻ con. Bạn vẫn chưa trưởng thành, bạn vẫn chưa chín chắn. Nếu bạn chết đi trong kêu khóc, níu bám vào cuộc sống, điều đó đơn giản chỉ ra bạn đã tránh né cái chết và bạn đã tránh né tất cả mọi nỗi đau, tất cả mọi loại đau đớn.

Trưởng thành là đối diện với với thực tế, đương đầu với sự kiện, dù nó là bất kì cái gì.

Và để cho tôi nhắc lại: Đau đớn đơn giản là đau đớn; không có chịu đựng trong nó. Chịu đựng tới từ ham muốn của bạn rằng đau đớn không nên có đó, rằng có một cái gì đó sai trong đau đớn. Quan sát, chứng kiến, và bạn sẽ ngạc nhiên. Bạn đau đầu: cái đau có đó nhưng việc chịu đựng không có đó. Chịu đựng là hiện tượng phụ, đau đớn là chính. Đau đầu có đó, cái đau có đó; nó đơn giản là sự kiện. Không có phán xử gì về nó cả. Bạn không gọi nó là tốt hay xấu, bạn không cho nó bất kì giá trị nào; nó chỉ là sự kiện. Hoa hồng là sự kiện, gai nhọn cũng vậy. Ngày là sự kiện, đêm cũng vậy. Đầu là sự kiện, đau đầu cũng vậy. Bạn đơn giản lưu ý về nó.

Phật đã dạy cho đệ tử của mình rằng khi bạn đau đầu đơn giản nói hai lần “Đau đầu, đau đầu.” Lưu ý. Nhưng không đánh giá, không nói, “Tại sao? Tại sao cái đau đầu này lại xảy ra cho mình? Nó đáng không nên xảy ra cho mình.” Khoảnh khắc bạn nói, “Nó đáng không nên,” bạn mang chịu đựng vào rồi. Bây giờ chịu đựng do bạn tạo ra, không phải do đau đầu. Chịu đựng là cách diễn giải đối kháng của bạn, chịu đựng là việc phủ nhận của bạn về sự kiện này.

Và khoảnh khắc bạn nói, “Nó đáng không nên,” bạn đã bắt đầu né tránh nó, bạn đã bắt đầu quay lưng với nó. Bạn muốn bận bịu vào cái gì đó để cho bạn có thể quên nó đi. Bạn bật đài hay tivi hay đến câu lạc bộ hay bạn bắt đầu đọc báo hay bạn đi và bắt đầu làm việc trong vườn – bạn phân tán bản thân mình, bạn làm mình phân tán đi. Bởi vì đau đớn đã không được chứng kiến; bạn đơn giản đã phân tán bản thân mình. Đau đớn đó sẽ bị hệ thống này hấp thu.

Để cho điều mấu chốt này được hiểu rất sâu sắc. Nếu bạn có thể chứng kiến cơn đau đầu của mình mà không lấy bất kì thái độ đối kháng nào, không tránh né nó, không trốn khỏi nó; nếu bạn có thể chỉ có đó, mang tính thiền ở đó – “Đau đầu, đau đầu” – nếu bạn có thể chỉ đơn giản thấy nó, cái đau đầu sẽ đi theo thời điểm của nó. Tôi không nói rằng nó sẽ đi một cách huyền bí, mà chỉ bởi việc thấy của bạn nó sẽ đi. Nó sẽ đi theo thời điểm của nó. Nhưng nó sẽ không bị hấp thu bởi hệ thống của bạn, nó sẽ không đầu độc hệ thống của bạn. Nó sẽ có đó, bạn sẽ lưu ý tới nó, và nó sẽ trôi qua. Nó sẽ được thoát ra.

Khi bạn chứng kiến điều gì đó trong bản thân mình điều đó không thể nào đi vào trong hệ thống của bạn được. Nó bao giờ cũng đi vào khi bạn tránh nó, khi bạn trốn khỏi nó. Khi bạn trở nên vắng mặt thế thì nó đi vào trong hệ thống của bạn. Chỉ khi bạn vắng mặt cái đau mới có thể trở thành một phần của con người bạn – nếu bạn hiện diện, chính sự hiện diện của bạn ngăn cản nó khỏi trở thành một phần của con người bạn.

Và nếu bạn có thể cứ nhìn đau đớn của mình bạn sẽ không tích luỹ chúng. Bạn đã không được dạy cho manh mối đúng, cho nên bạn cứ tránh né. Thế thì bạn tích luỹ quá nhiều đau đớn, bạn sợ đối diện nó, bạn sợ chấp nhận nó. Việc trưởng thành trở thành đau đớn – đấy là bởi vì huấn luyện sai. Nếu không thì trưởng thành là không đau đớn, trưởng thành là hoàn toàn hài lòng.

Khi cây lớn lên và trở nên to hơn bạn có cho rằng có đau đớn không? Chẳng có đau đớn gì cả. Thậm chí khi đứa trẻ được sinh ra, nếu người mẹ chấp nhận nó sẽ không có đau đớn. Nhưng người mẹ lại bác bỏ nó; người mẹ sợ hãi. Cô ấy trở nên căng thẳng, cô ấy cố giữ đứa trẻ bên trong – điều không thể được. Đứa trẻ này sẵn sàng chui ra để vào trong thế giới rồi, đứa trẻ sẵn sàng rời khỏi người mẹ. Nó đã chín muồi, bụng mẹ không thể nào chứa được nó thêm nữa. Nếu bụng mẹ chứa nó thêm nữa người mẹ sẽ chết và đứa trẻ sẽ chết. Nhưng người mẹ lại sợ hãi. Cô ấy đã nghe nói rằng đẻ con rất đau đớn – sinh đau, đẻ đau. Cô ấy sợ hãi, và từ nỗi sợ cô ấy trở nên căng thẳng và khép kín.

Bằng không – trong các xã hội nguyên thuỷ các bộ lạc vẫn còn tồn tại – việc sinh con đơn giản thế, chẳng đau đớn chút nào. Ngược lại, bạn sẽ ngạc nhiên, niềm cực lạc lớn nhất xảy ra cho người phụ nữ trong khi sinh con – không đau đớn, không khổ sở chút nào, nhưng là niềm cực lạc lớn nhất. Không cực thích dục nào lại thoả mãn đến thế và mênh mông đến thế như cực thích mà xảy ra cho người phụ nữ khi cô ấy cho sinh thành đứa con một cách tự nhiên. Toàn bộ cơ cấu dục của người phụ nữ xung động như nó không thể nào xung động được trong bất kì việc làm tình nào. Đứa trẻ đang tới từ cốt lõi sâu nhất của người phụ nữ. Không người đàn ông nào có thể xuyên thấu vào người phụ nữ tới cốt lõi đó. Và xung động này nảy sinh từ bên trong. Xung động này là điều phải có – xung động đó sẽ tới giống như sóng, những đợt sóng triều lớn của niềm vui. Chỉ điều đó mới giúp cho đứa trẻ chui ra, chỉ điều đó mới giúp cho lối đi mở ra cho đứa trẻ. Cho nên sẽ có xung động lớn và toàn bộ bản chất dục của người phụ nữ sẽ có niềm vui sướng cực kì. Nhưng điều thực tế đã xảy ra cho loài người lại chính là điều ngược lại: người phụ nữ đi tới cảm thấy nỗi khổ lớn nhất trong cuộc sống mình. Và điều này là do bịa đặt của tâm trí, điều này là giáo dục sai. Việc sinh có thể tự nhiên nếu bạn chấp nhận nó.

Và do vậy nó đi cùng với việc sinh của bạn. Trưởng thành có nghĩa là bạn được sinh ra mọi ngày. Việc sinh không kết thúc vào ngày bạn được sinh ra – vào ngày đó nó đơn giản bắt đầu, nó mới chỉ là bắt đầu. Cái ngày bạn rời khỏi bụng mẹ bạn vẫn chưa được sinh ra đâu, bạn mới bắt đầu được sinh ra; đấy mới chỉ là bắt đầu. Và người ta cứ được sinh ra mãi cho đến khi người đó chết. Không phải là bạn được sinh ra trong một khoảnh khắc đâu. Quá trình sinh của bạn còn tiếp tục trong bẩy mươi, tám mươi, chín mươi năm, suốt chiều dài cuộc sống bạn. Nó là sự liên tục. Và mọi ngày bạn sẽ cảm thấy niềm vui – phát triển lá mới, tán lá mới, hoa mới, cành mới, vươn lên cao hơn và cao nữa và chạm tới độ cao mới. Bạn sẽ sâu sắc hơn, cao hơn, bạn sẽ đạt tới những đỉnh. Trưởng thành sẽ không đau đớn. Nhưng trưởng thành lại đau đớn – đấy là vì bạn, vì huấn luyện sai của bạn. Bạn đã được dạy không trưởng thành; bạn đã được dạy vẫn còn tĩnh tại, bạn đã được dạy níu bám lấy cái quen thuộc và cái đã biết. Đó là lí do tại sao mỗi lần cái biết biến mất khỏi đôi tay, bạn bắt đầu kêu khóc. Đồ chơi bị vỡ, núm vú giả đã bị lấy đi…

Nhớ lấy, chỉ một điều sẽ có ích cho bạn: nhận biết – không cái gì khác. Trưởng thành sẽ vẫn còn đau đớn nếu bạn không chấp nhận cuộc sống trong tất cả mọi lên xuống của nó. Mùa hè phải được chấp nhận và mùa đông cũng phải được chấp nhận nữa. Đây là điều tôi gọi là thiền. Thiền là khi bạn được làm trống rỗng tất cả những cái cũ kĩ và cái đã được bảo cho và được thực hiện đến chết. Thế thì bạn thấy. Hay đúng hơn, thế thì có việc thấy: sinh thành của cái mới.

Đau khổ là diễn giải của bạn. Bạn đã trở nên đồng nhất quá nhiều với nó. Đó là quyết định của bạn. Bạn có thể không đồng nhất nữa, và đau khổ biến mất. Đau khổ của bạn cũng giống như cơn ác mộng vậy: trong mơ bạn nghĩ một tảng đá lớn rơi xuống ngực mình, nó đè nghiến bạn đến chết. Từ sợ hãi bạn tỉnh dậy… và tất cả những gì bạn thấy thì chẳng là gì cả – tay bạn vẫn để trên ngực. Nhưng trọng lượng của tay bạn làm lẩy cò tưởng tượng trong bạn: nó trở thành tảng đá, và bạn bắt đầu cảm thấy rất, rất kinh hoàng. Và bởi vì nỗi sợ, bạn thức dậy… và bây giờ bạn cười. Hỏi chư phật, hỏi người đã thức tỉnh, và họ nói chẳng có đau khổ gì trong thế giới này cả – mọi người đều ngủ say và mơ đủ loại đau khổ.

Và tôi biết khó khăn của bạn: nếu bạn có vấn đề thể chất, nếu bạn bị mù, làm sao bạn có thể tin rằng đây chỉ là mơ? Nếu bạn bị què quặt, làm sao bạn có thể tin rằng đây chỉ là mơ? Nhưng bạn đã không quan sát sao? – mọi đêm bạn mơ, và mọi sáng bạn biết rằng đấy chỉ là giấc mơ và tất cả đều vô nghĩa – và lần nữa bạn sẽ mơ và trong giấc mơ bạn sẽ lại tin rằng đây là chân lí. Bạn đã mơ bao nhiêu giấc mơ trong đời mình rồi? Hàng triệu giấc mơ! Mỗi đêm bạn mơ gần như không dứt; chỉ trong vài phút việc mơ dừng lại, và thế rồi lại một chu trình mơ khác bắt đầu.

Hàng triệu giấc mơ bạn đã từng mơ. Và mọi sáng bạn đều cười và bạn nói nó không thực, nhưng bạn vẫn chẳng học gì được mấy. Đêm nay lần nữa khi bạn mơ, lại cùng ảo tưởng ấy sẽ dai dẳng: bạn sẽ biết rằng đây là chân lí – trong mơ bạn sẽ biết đây là đúng. Cái ngày bạn có thể nhớ trong giấc mơ của mình rằng đây là giấc mơ, lập tức giấc mơ biến mất… bởi vì bạn đã mang nhận biết vào trong cuộc sống mình.

Có vẻ rất khó mà tin cậy rằng tất cả những điều bạn đang đau khổ đều chỉ là mơ do bản thân bạn tạo ra – nhưng nó là vậy đấy, bởi vì tất cả những người đã trở nên thức tỉnh đều nói như thế. Không một người đã thức tỉnh nào đã nói khác đi. Và trong những khoảnh khắc sáng suốt của nhận biết bạn cũng sẽ cảm thấy cùng điều đó. Đây là gợi ý của tôi cho cho những người có loại bệnh tật hay khuyết tật nghiêm trọng nào đó: vấn đề của bạn không thể nào được giải quyết chỉ bằng thảo luận trí tuệ – vấn đề của bạn chỉ có thể tan biến đi, không được giải quyết. Vấn đề của bạn chỉ có thể được tan biến đi bởi việc trở nên nhận biết hơn.

Một trong những người bạn của tôi, một người bạn cũ, ngã từ cầu thang xuống và bị gẫy chân. Tôi tới thăm ông ấy; ông ấy đau ghê gớm lắm. Và ông ấy lại là một người rất tích cực mặc dầu ông ấy rất già, bẩy mươi nhăm – nhưng rất tích cực, gần như thanh niên, và theo đuổi hết cái nọ cái kia, và làm cái nọ cái kia, việc phải nghỉ trên giường đối với ông ấy là không thể được. Mà bác sĩ lại nói rằng ít nhất trong ba tháng ông ấy phải ở trên giường. Điều này còn thảm hoạ hơn là hai cái chân gẫy.

Khi tôi gặp ông ấy, ông ấy bắt đầu khóc. Tôi chưa bao giờ thấy người đó khóc cả – ông ấy là người mạnh mẽ, một người rất mạnh mẽ, gần như là người thép, và đã thấy đủ mọi loại điều trong cuộc đời mình, là một người rất hoạt động. Tôi hỏi ông ấy, “Ông cũng khóc sao – có vấn đề gì với ông vậy?”

Ông ta nói, “Xin ban phúc cho tôi để tôi có thể chết được. Tôi không muốn sống thêm nữa – ba tháng chỉ nằm trên giường! Ông có hình dung được không? Đây là hành hạ. Mới ba ngày trôi qua mà cảm giác cứ như là ba năm rồi tôi phải trên giường. Ông biết tôi đấy,” ông ấy nói, “Tôi không thể nào nghỉ được. Xin ban phúc cho tôi để cho tôi có thể chết sớm! Tôi không muốn sống thêm nữa. Ba tháng này và thế rồi bác sĩ còn nói tôi sẽ què quặt cả đời – vậy phỏng có ích gì nữa?”

Tôi nói với ông ấy, “Xin ông hành thiền đi. Tôi sẽ ngồi cạnh ông, ông chỉ làm một việc thiền đơn giản: rằng ông không phải là thân thể.”

Ông ấy hoài nghi. Ông ấy nói, “Điều đó liên can gì tới tôi? Tôi đã nghe tất cả mọi điều ông nói về thiền rồi, nhưng tôi không thể nào thiền được bởi vì tôi không thể nào ngồi im lặng được.”

Tôi nói, “Bây giờ không có vấn đề về việc ngồi im lặng – ông đã trên giường rồi. Đây là phúc lành đấy! Nhắm mắt lại và tôi sẽ dạy ông thiền. Và tôi ban phúc cho ông chết, bởi vì nếu ông muốn chết thì cũng hoàn toàn tốt thôi. Nhưng phúc lành của tôi có thể có tác dụng, có thể không có tác dụng, cho nên dẫu sao thì ông cũng cứ thiền đi.”

Ông ấy hiểu ra vấn đề: “Chẳng có gì để làm cả… vậy thì sao không thiền?” Một cách thiền đơn giản tôi bảo ông ấy: “Ông đơn giản đi vào, nhìn vào thân thể từ bên trong, nói “Nó không phải là tôi – thân thể là xa xôi, xa xăm, đi xa rồi và ngày càng xa hơn, xa hơn. Tôi là người quan sát trên núi, và thân thể đang nằm dưới kia trong thung lũng tối tăm, và khoảng cách mênh mông sao.”

Một nửa giờ trôi qua. Tôi phải đi, còn ông ấy vẫn trong việc thiền đến mức tôi không muốn quấy rầy ông ấy, nhưng tôi lại không muốn rời ông ấy đi bởi vì tôi muốn biết điều gì đã xảy ra, ông ấy sẽ nói gì. Cho nên tôi phải lay ông ấy. Ông ấy nói, “Đừng quấy rầy tôi.”

Tôi nói, “Nhưng tôi phải đi đây.”

Ông ấy nói, “Ông có thể đi được, nhưng đừng quấy rầy tôi – điều này đẹp thế. Thân thể thực sự nằm nơi xa xôi kia, hàng dặm hàng dặm xa xăm; tôi đã bỏ nó trong thung lũng và tôi đang ngồi trên đỉnh núi, núi đầy ánh sáng mặt trời. Nó đẹp thế, và tôi không cảm thấy đau gì cả.” Và ba tháng đó tỏ ra là thời gian có giá trị nhất của cuộc đời ông ấy. Ba tháng đó đã làm cho ông ấy thành con người hoàn toàn khác. Ông ấy vẫn bị què, không thể bước đi được, vẫn phải ở trên giường hầu hết thời gian – nhưng bạn không thể nào tìm ra được một người phúc lạc hơn. Ông ấy toả ra niềm phúc lạc. Bây giờ ông ấy nói đấy không phải là tai hoạ – đấy là phúc lành.

Đau khổ có thể được biến đổi thành phúc lành. Ai biết được? – bạn có thể biến đổi phúc lành của mình thành đau khổ.

Nếu bạn đau đầu, bác sĩ sẽ cho bạn thuốc aspirin. Aspirin không phải là phương thuốc, nó đơn giản làm cho bạn không nhận biết về triệu chứng. Aspirin không phá huỷ cái đau đầu; nó đơn giản không cho phép bạn biết về đau đầu. Nó làm lẫn lộn bạn. Đau đầu vẫn còn đó nhưng bạn không còn nhận biết về nó. Nó tạo ra một loại quên lãng.

Nhưng tại sao ngay chỗ đầu tiên đau đầu lại có đó? Thuốc thường chẳng bận tâm về nó. Nếu bạn tới bác sĩ ông ấy sẽ không bận tâm tại sao ngay chỗ đầu tiên bạn lại bị đau đầu. Bạn đau đầu à! – vấn đề đơn giản với ông ấy: “Triệu chứng này có đó, uống thuốc này đi – thuốc nào đó, hoá chất nào đó – và triệu chứng đó sẽ biến mất.” Đau đầu có thể biến mất và bạn có rối loạn dạ dầy vào ngày hôm sau; triệu chứng khác đã tới.

Con người là một; con người là một toàn bộ – một đơn vị hữu cơ. Bạn có thể gạt vấn đề sang một bên, nó sẽ tự khẳng định nó từ phía khác. Có thể mất thời gian để đi tới phía khác, để đi tới điểm đó, nhưng nhất định nó tới. Và thế rồi bị đẩy từ bên đó nó đi sang bên khác… và con người có nhiều phía. Nó cứ bị đẩy từ góc nọ sang góc kia.

Từ tất cả những điều này bạn trở thành ngày một ốm yếu hơn chứ không mạnh khoẻ. Và đôi khi việc xảy ra là một bệnh rất nhỏ trở thành bệnh lớn. Chẳng hạn, nếu đau đầu không được phép, và đau dạ dầy không được phép, và không đau nào được phép cả, cái đau tới và lập tức bạn uống cái gì đó và bạn chặn nó lại…. Nếu trong nhiều năm bạn cứ diễn cái trò đè nén này – đây là kìm nén – thế thì một ngày nào đó tất cả các bệnh tật sẽ tụ hội với nhau, tự khẳng định nó theo cách có tổ chức hơn. Nó có thể trở thành ung thư. Tất cả những cái đó đã tụ tập lại cùng nhau và bây giờ nó tự khẳng định mình gần như sự bùng nổ.

Sao chúng ta không có khả năng tìm ra thuốc cho ung thư? Có thể ung thư là diễn đạt của tất cả các bệnh bị đè nén của con người. Chúng ta biết cách đè nén từng bệnh cho tới nay; bây giờ đây không phải là một bệnh nữa, đây là cuộc tấn công rất tập thể. Nó là cuộc tấn công toàn lực – tất cả các bệnh đều đi cùng nhau, cùng nắm tay nhau. Chúng đã làm ra quân đội… và chúng tấn công bạn. Đó là lí do tại sao thuốc lại thất bại; dường như không có khả năng nào ngay bây giờ người ta sẽ tìm ra thuốc nào.

Ung thư là bệnh mới. Nó không tồn tại trong các xã hội nguyên thuỷ. Tại sao? – điều đó đã được hỏi tại sao nó không tồn tại trong các xã hội nguyên thuỷ – bởi vì con người nguyên thuỷ không đè nén, không có nhu cầu. Nó là nổi loạn của chính hệ thống của bạn. Nếu bạn không đè nén, không có nhu cầu cho bất kì nổi loạn nào. Những điều nhỏ bé xảy ra rồi đi.

Thái độ tôn giáo là tìm, không phải triệu chứng mà tìm cội nguồn. Đó là điều tôi gọi là “tâm lí của chư phật.” Nếu bạn bị đau đầu, đấy không phải là ốm bệnh của bạn đâu, đấy không phải là bệnh tật của bạn đâu. Thực tế, đấy là dấu hiệu từ thân thể bạn rằng cái gì đó đang đi sai ở cội nguồn – đi về cội nguồn đi! Tìm ra cái đang đi sai. Cái đầu đơn giản cho bạn một tín hiệu, một tín hiệu nguy hiểm, một báo động: “Lắng nghe thân thể. Cái gì đó đang đi sai, mình đang làm cái gì đó không đúng, điều đang phá huỷ hài hoà của thân thể. Đừng làm điều đó thêm nữa; bằng không thì đau đầu sẽ cứ nhắc nhở bạn.”

Đau đầu không phải là bệnh, và đau đầu không phải là kẻ thù của bạn – nó là bạn của bạn. Nó đang phục vụ bạn. Điều rất, rất bản chất cho sự tồn tại của bạn là thân thể nên làm cho bạn tỉnh táo khi cái gì đó đi sai. Thay vì biến đổi cái sai đó, bạn đơn giản tắt báo động đi – bạn uống viên Aspro. Điều này là ngớ ngẩn. Đây là điều đang xảy ra trong thuốc và đây là điều đang xảy ra trong trị liệu tâm lí – điều trị triệu chứng.

Đó là lí do tại sao điều bản chất lại bị mất. Điều bản chất là: nhìn vào cội nguồn. Lần sau bạn đau đầu thử một kĩ thuật thiền nhỏ, chỉ thực nghiệm thôi, thế thì bạn có thể đi tới các bệnh lớn hơn và triệu chứng lớn hơn.

Khi bạn đau đầu, thử một thực nghiệm nhỏ. Ngồi im lặng và quan sát nó, nhìn vào nó – không phải dường như bạn đang nhìn vào kẻ thù, không. Nếu bạn nhìn vào nó như kẻ thù của mình, bạn sẽ không có khả năng nhìn đúng. Bạn sẽ né tránh – không ai nhìn thẳng vào kẻ thù cả; người ta né tránh, người ta có khuynh hướng né tránh. Nhìn vào nó như người bạn của mình vậy. Nó là bạn của bạn đấy, nó đang phục vụ bạn mà. Nó đang nói, “Cái gì đó sai rồi – nhìn vào trong nó đi.” Chỉ ngồi im lặng và nhìn vào trong cái đau đầu mà không ý tưởng nào về việc chấm dứt nó cả, không ham muốn rằng nó nên biến mất đi, không xung đột, không tranh đấu, không đối kháng. Chỉ nhìn vào trong nó, vào trong cái nó đang là.

Quan sát, để xem liệu có thông báo bên trong nào đó mà cái đau đầu có thể trao cho bạn không. Nó có thông báo mã hoá đấy. Và nếu bạn nhìn một cách im lặng thì bạn sẽ ngạc nhiên. Nếu bạn nhìn một cách im lặng thì ba điều sẽ xuất hiện. Thứ nhất: bạn càng nhìn vào nó, thì nó sẽ càng trở nên nhức nhối hơn. Và thế thì bạn sẽ có đôi chút phân vân: “Làm sao điều này lại có ích nếu cái đau cứ nhức nhối thêm thế này?” Nó trở thành nhức nhối thêm bởi vì bạn đã né tránh nó. Nó có đó nhưng bạn đã né tránh nó; bạn đã kìm nén – thậm chí không có aspirin thì bạn cũng cứ kìm nén nó. Khi bạn nhìn vào nó, kìm nén biến mất. Cái đau đầu sẽ đi tới nhức nhối tự nhiên của nó. Thế thì bạn đang nghe thấy nó với đôi tai thông suốt, không bông nút lỗ tai; nó sẽ rất nhức nhối.

Điều thứ nhất: nó sẽ trở nên nhức nhối. Nếu nó trở nên nhức nhối, bạn có thể được thoả mãn rằng bạn đang nhìn đúng. Nếu nó không trở nên nhức nhối, thế thì bạn còn chưa nhìn đâu; bạn vẫn còn né tránh. Nhìn vào nó – nó trở nên nhức nhối. Đó là chỉ dẫn đầu tiên rằng có, nó đang trong tầm nhìn của bạn.

Điều thứ hai sẽ là ở chỗ nó sẽ trở thành một điểm nhỏ hơn; nó sẽ không lan rộng trên khoảng lớn hơn. Trước hết bạn nghĩ, “Đây là toàn bộ việc đau đầu của mình.” Bây giờ bạn sẽ thấy nó không phải là toàn bộ cái đầu, nó chỉ là một vùng nhỏ. Đó cũng là một chỉ dẫn rằng bây giờ bạn đang nhìn chăm chú sâu hơn vào trong nó. Cảm giác đau đầu lan toả chỉ là thủ thuật – đó là cách để né tránh nó. Nếu nó ở một điểm thế thì nó sẽ còn nhức nhối hơn. Cho nên bạn tạo ra ảo tưởng rằng toàn bộ đầu đang đau, lan rộng khắp đầu, thế thì nó không mãnh liệt ở bất kì điểm nào. Đây là thủ thuật chúng ta cứ chơi mãi.

Nhìn vào trong nó, và bước thứ hai sẽ là ở chỗ nó đi tới nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa, nhỏ mãi. Và một khoảnh khắc tới khi nó chỉ là chính một điểm bằng đầu kim – rất sắc nhọn, sắc nhọn vô cùng, rất đau đớn. Bạn chưa bao giờ thấy cái đau như vậy trong đầu – nhưng rất nhiều điều được hàm chứa vào trong một chỗ nhỏ. Cứ nhìn vào trong nó.

Và thế rồi điều thứ ba và là điều quan trọng nhất xảy ra. Nếu bạn cứ nhìn vào điểm này khi nó thành rất nhức nhối và bị hạn chế và bị tập trung vào một điểm, thì nhiều lần bạn sẽ thấy rằng nó biến mất. Khi cái nhìn của bạn là hoàn hảo nó sẽ biến mất. Và khi nó biến mất bạn sẽ có thoáng nhìn về nơi nó tới – nguyên nhân là gì. Điều đó sẽ xảy ra nhiều lần. Lần nữa nó lại có đó. Cái nhìn của bạn không còn cái tỉnh táo đó, cái tập trung đó, cái chăm chú đó – nó sẽ quay lại. Bất kì khi nào cái nhìn của bạn thực sự có đó, nó sẽ biến mất; và khi nó biến mất, ẩn đằng sau nó là nguyên nhân. Và bạn sẽ ngạc nhiên: tâm trí bạn sẵn sàng để lộ nguyên nhân đó là gì.

Có thể có cả nghìn lẻ một nguyên nhân. Có những nguyên nhân khác nhau. Cùng một báo động được đưa ra bởi vì hệ thống báo động là đơn giản. Không có nhiều hệ thống báo động trong thân thể bạn. Với những nguyên nhân khác nhau có thể cho cùng một báo động. Bạn có thể vừa mới giận dữ đây thôi và bạn đã chưa diễn đạt nó. Bỗng nhiên, giống như sự khải lộ, nó sẽ đứng đó. Bạn sẽ thấy tất cả những giận dữ mà mình đã từng mang theo, mang theo… giống như mủ bên trong bạn. Bây giờ điều này là quá thể, và cơn giận đó muốn trào ra. Nó cần thanh tâm. Thì thanh tâm đi! – và ngay lập tức bạn sẽ thấy cái đau đầu đã biến mất. Và không cần phải thuốc aspirin, không cần trị liệu gì cả.

Và khi cơn giận đã biến mất, một phẩm chất hoàn toàn khác của sảng khoái sẽ nảy sinh trong bạn mà không bao giờ có thể nảy sinh được từ aspirin. Aspirin kìm nén – giận dữ vẫn còn bị giấu kín bên trong bạn, bạo hành cứ lồng lộn bên trong bạn. Bạn giữ cho báo động bị tắt đi, có thế thôi. Chẳng cái gì thay đổi cả, chỉ báo động là không còn có đó.

Điều này cứ tiếp diễn mãi, và nó trở nên ngày càng tích luỹ lại. Nó có thể gây cho bạn ung nhọt, nó có thể gây cho bạn bệnh lao – một ngày nào đó nó có thể gây cho bạn ung thư. Khi một lượng lớn được thu thập lại, có thay đổi về chất. Có một giới hạn nào đó để thân thể dung thứ cho bất kì cái gì, vượt ra ngoài giới hạn đó thân thể bắt đầu cảm thấy ốm. Đây cũng là trường hợp với tâm trí. Và bạn đừng bao giờ nghĩ thân thể và tâm trí là hai điều tách biệt; chúng không tách biệt đâu. Con người là thân thể-tâm trí, tâm thân.

———-

Thiền động của Osho

Thiền Động kéo dài một giờ và có năm giai đoạn. Nó có thể được tập một mình, nhưng năng lượng sẽ mạnh hơn nếu nó được thực hiện trong nhóm. Nó là kinh nghiệm cá nhân cho nên bạn nên quên đi người khác quanh bạn và cứ nhắm mắt trong cả phiên, tốt hơn cả là dùng khăn bịt mắt. Tốt nhất là tập khi bụng trống rỗng và mặc quần áo chùng lỏng, thoải mái.

Giai đoạn thứ nhất: 10 phút

Hít vào thở ra nhanh qua mũi, để cho hơi thở được dồn dập và hỗn loạn. Hơi thở nên đi sâu vào bên trong phổi. Thở nhanh hết mức nhưng vẫn phải bảo đảm việc thở sâu. Làm điều này một cách toàn bộ hết mức bạn có thể; không căng cứng thân thể, phải bảo đảm cổ và vai vẫn còn thư dãn. Tiếp tục cho tới khi bạn trở thành đúng việc thở, cho phép việc thở được hỗn loạn (điều đó nghĩa là không theo cách ổn định, dự kiến trước được). Một khi năng lượng của bạn chuyển động, nó sẽ bắt đầu làm cho thân thể bạn chuyển động. Cho phép những chuyển động thân thể được xảy ra, dùng chúng để giúp mình tạo nên nhiều năng lượng hơn. Việc vung vẩy tay và thân thể theo cách tự nhiên sẽ giúp cho năng lượng của bạn dâng lên. Cảm thấy năng lượng dâng lên, chớ có buông bỏ trong giai đoạn đầu tiên và đừng bao giờ làm chậm đi.

Giai đoạn thứ hai: 10 phút

Tuân theo thân thể bạn. Để thân thể bạn được tự do bày tỏ bất kì cái gì nó muốn … Bột phát!… Để cho thân bạn nắm quyền điều hành. Để cho mọi thứ cần được tung ra. Hoàn toàn phát rồ… Hát, gào thét, cười, hét, khóc, nhảy, rung lắc, múa, đá và xoay tròn người. Chớ có giữ lại gì, cứ để cho toàn bộ thân bạn chuyển động. Một chút ít hành động thường giúp cho bạn bắt đầu. Đừng bao giờ để cho tâm trí bạn can thiệp vào cái đang xảy ra. Nhớ phải toàn bộ với thân bạn.

Giai đoạn thứ ba: 10 phút

Để cho cổ và vai bạn được thư dãn, giơ cả hai tay lên cao hết mức nhưng không khoá khuỷu tay. Tay vẫn giơ cao, nhảy lên xuống và hô mật chú hoo!…hoo!…hoo! thật sâu hết mức, đi từ tận đáy bụng. Mỗi lần bạn tiếp sàn bằng bàn chân (phải chắc chắn gót chân chạm sàn), để cho âm thanh đập sâu vào trung tâm dục. Cho ra tất cả những cái bạn có, vét cạn bạn hoàn toàn.

Giai đoạn thứ tư: 15 phút

Dừng lại! Co cứng bản thân bạn tại bất kì tư thế nào hiện có. Đừng sắp đặt lại thân thể theo bất kì cách nào. Chỉ một cái ho, một chuyển động, bất kì cái gì cũng sẽ làm tiêu tán luồng năng lượng và cố gắng sẽ bị mất. Là nhân chứng cho mọi điều đang xảy ra cho bạn.

Giai đoạn thứ năm: 15 phút

Mở hội!… với âm nhạc và vũ điệu bầy tỏ bất kì cái gì có đó. Mang theo cái sinh động của bạn trong cả ngày.

[Các hướng dẫn được phát triển để dùng tại Osho Commune International, Pune, Ấn Độ.]

Bản thân Osho đã nói điều này về Thiền Động

Hãy còn là nhân chứng. Đừng bị mất. Rất dễ bị mất. Trong khi bạn đang thở, bạn có thể quên mất. Bạn có thể trở thành một với việc thở nhiều đến mức bạn có thể quên nhân chứng đi. Nhưng thế thì bạn làm lỡ vấn đề. Thở nhanh, sâu nhất có thể được, đem toàn bộ năng lượng của bạn vào nó, những vẫn còn là nhân chứng. Quan sát điều đang xảy ra, dường như bạn chỉ là khán giả, dường như toàn bộ vấn đề đang xảy ra cho ai đó khác, dường như toàn bộ sự việc đang xảy ra trong thân thể và tâm thức chỉ định tâm và nhìn. Việc chứng kiến này phải được thực hiện trong cả ba bước. Và khi mọi việc dừng lại, và trong bước thứ tư bạn đã trở thành bất hoạt hoàn toàn, đông cứng, thế thì tỉnh táo này sẽ lên tới đỉnh của nó.

———-

Đây là việc thiền trong đó bạn phải liên tục tỉnh táo, có ý thức, nhận biết, về bất kì điều gì bạn làm. Nếu bạn cảm thấy đau, chú ý vào nó, đừng làm gì cả. Chú ý là lưỡi kiếm vĩ đại – nó chém đi mọi thứ. Bạn đơn giản chú ý tới chỗ đau.

Chẳng hạn, bạn đang ngồi im lặng trong phần cuối của phiên thiền, bất động, và bạn cảm thấy nhiều vấn đề trong thân thể. Bạn cảm thấy rằng chân đang tê dại, có cái gì ngứa ngáy trong bàn tay, bạn cảm thấy kiến đang bò trên thân thể. Nhiều lần bạn đã nhìn mà không có kiến. Cái bò là ở bên trong, không phải ở bên ngoài. Bạn phải làm gì? Bạn cảm thấy chân tê dại? – có tính quan sát đi, chỉ để toàn bộ chú ý của bạn vào đó. Bạn cảm thấy ngứa ngáy sao? – đừng gãi. Điều đó chẳng ích gì. Chỉ để chú ý của bạn vào. Thậm chí đừng mở mắt ra nữa. Chỉ để chú ý của bạn hướng vào bên trong, và chỉ đợi và quan sát. Trong vài giây, cái ngứa ngáy sẽ biến mất. Bất kì cái gì xảy ra – cho dù bạn cảm thấy đau, đau nhói trong dạ dầy hay trong đầu. Điều đó xảy ra bởi vì trong thiền toàn bộ thân thể thay đổi. Nó thay đổi hoá chất của mình. Những điều mới bắt đầu xảy ra và thân thể trong hỗn loạn. Đôi khi dạ dầy sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì trong dạ dầy bạn đã kìm nén nhiều xúc động, và chúng tất cả đều bị khuấy động. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy muốn nôn, mửa. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy đau nhói trong đầu bởi vì việc thiền đang làm thay đổi cấu trúc bên trong của bộ não của bạn. Trải qua việc thiền, bạn thực sự trong hỗn loạn. Chẳng mấy chốc, mọi sự sẽ lắng đọng. Nhưng đang lúc hiện tại, mọi thứ sẽ bị bất ổn.

Vây bạn định làm gì? Bạn đơn giản thấy cái đau trong đầu, quan sát nó. Bạn là người quan sát. Bạn chỉ quên rằng bạn là người làm, và dần dần, mọi thứ sẽ lắng đi, và sẽ lắng xuống một cách đẹp đẽ và duyên dáng đến mức bạn không thể nào tin được trừ phi bạn biết nó. Không chỉ cái đau biến mất khỏi đầu – bởi vì năng lượng tạo ra cái đau, nếu được quan sát, sẽ biến mất – cùng năng lượng ấy trở thành hoan lạc. Năng lượng vẫn là một.

Đau đớn hay hoan lạc là hai chiều của cùng một năng lượng. Nếu bạn có thể vẫn còn im lặng ngồi và chú ý tới những điều phân tán, mọi phân tán biến mất. Và khi tất cả phân tán biến mất, bạn bỗng nhiên trở nên nhận biết rằng toàn bộ thân thể đã biến mất.

Lưu ý của người biên tập: Osho đã cảnh báo chống lại việc biến cách tiếp cận chứng kiến này thành cuồng tín khác. Nếu các triệu chứng vật lí khó chịu – đau nhức hay buồn nôn – vẫn cứ còn dai dẳng quá ba hay bốn ngày của việc thiền hàng ngày, thì không cần cứ phải là kẻ bạo ác – hãy đi kiếm lời khuyên y tế. Điều này áp dụng cho tất cả các kĩ thuật thiền của Osho.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho