Chương 13. Phiền muộn, bệnh của người giầu
Chương 13. Phiền muộn, bệnh của người giầu
Con người bao giờ cũng sống với hi vọng, với tương lai, với cõi trời ở đâu đó xa xăm. Con người chưa bao giờ sống trong hiện tại – thời vàng son của người đó vẫn còn đang tới. Nó giữ cho người đó còn nhiệt tình bởi vì điều lớn lao hơn đang sắp xảy ra; tất cả mọi khao khát của người đó đang sắp được hoàn thành. Có niềm vui lớn trong mong đợi. Người đó đã chịu đựng trong hiện tại; người đó đã khổ trong hiện tại. Nhưng tất cả những điều đó bị hoàn toàn quên lãng trong những giấc mơ đang sắp được hoàn thành vào ngày mai. Ngày mai bao giờ cũng là cái truyền sinh khí cho.
Nhưng tình huống này đã thay đổi. Tình huống cũ là không tốt bởi vì ngày mai – sự hoàn thành các giấc mơ của người đó – chẳng bao giờ trở thành đúng cả. Người đó chết đi trong hi vọng. Thậm chí trong cái chết của mình người đó vẫn còn hi vọng vào cuộc sống tương lai – nhưng người đó chưa bao giờ thực sự kinh nghiệm bất kì vui vẻ nào, bất kì ý nghĩa nào. Nhưng điều đó dung thứ được. Duy nhất chỉ là vấn đề về ngày hôm nay: nó sẽ trôi qua, và ngày mai nhất định sẽ tới. Các nhà tiên tri tôn giáo, các đấng cứu thế, những vị cứu tinh đều hứa hẹn với người đó về mọi niềm hoan lạc – cái đang bị kết án ở đây – trên cõi. Các lãnh tụ chính trị, các nhà lí tưởng xã hội, các nhà không tưởng đều hứa hẹn với người đó về cùng một điều – không phải trên thiên đường mà là ở đây trên trái đất này, ở đâu đó xa xăm trong tương lai khi xã hội phát triển qua một cuộc cách mạng toàn bộ và không có nghèo đói, không giai cấp, không chính phủ và con người hoàn toàn được tự do và có mọi thứ mình cần.
Cả hai về cơ bản đều thoả mãn cho cùng một nhu cầu tâm lí. Với những người duy vật, thì những người lí tưởng, chính khách, những nhà không tưởng xã hội thành hấp dẫn; với những người không duy vật mấy, thì các lãnh tụ tôn giáo lại hấp dẫn. Nhưng đối tượng của sự hấp dẫn vẫn hệt như nhau: tất cả những điều bạn có thể tưởng tượng ra, có thể mơ tới, có thể khao khát tới, sẽ được thoả mãn hoàn toàn. Với những giấc mơ đó, khổ hiện tại dường như là rất nhỏ.
Có những người nhiệt tình trên thế giới; những người không phiền muộn. Phiền muộn là hiện tượng đương đại và nó đi vào hiện hữu bởi vì bây giờ không có ngày mai. Tất cả các ý thức hệ chính trị đều đã thất bại. Không còn khả năng nào để con người được bình đẳng hơn, không có khả năng nào sẽ có lúc mà không có chính phủ, không có khả năng nào cho tất cả các giấc mơ của bạn đều sẽ được hoàn thành.
Điều này đã đưa tới cú choáng lớn. Đồng thời con người đã trở nên chín chắn hơn. Con người có thể tới nhà thờ, tới đền đài, tới chùa chiền, tới giáo đường Do thái – nhưng chúng chỉ là những việc tuân theo xã hội, bởi vì người đó không muốn, trong trạng thái tối tăm và phiền muộn như thế, bị bỏ lại một mình; người đó muốn ở cùng với đám đông. Nhưng về cơ bản người đó biết chẳng có cõi trời đâu; người đó biết rằng chẳng vị cứu tinh nào sắp tới cả.
Người Hindu đã từng chờ đợi Krishna trong năm nghìn năm. Ông ấy đã hứa ông ấy không chỉ tới có một lần, ông ấy đã hứa rằng bất kì khi nào có khổ, đau khổ, bất kì khi nào đồi bại leo lên đỉnh của đức hạnh, bất kì khi nào những người đẹp đẽ và đơn giản và hồn nhiên lại bị những người tinh ranh và đạo đức giả khai thác thì ông ấy sẽ tới. Nhưng trong năm nghìn năm chẳng thấy dấu hiệu nào về ông ấy cả.
Jesus đã hứa ông ấy sẽ tới, và khi được hỏi, ông ấy đã nói, “Rất sớm thôi.” Tôi có thể kéo rộng ra “Rất sớm thôi,” nhưng vẫn chưa có gì trong hai nghìn năm; như thế thì quá nhiều rồi.
Cái ý tưởng rằng khổ của chúng ta, đau đớn của chúng ta, tủi nhục của chúng ta sẽ bị mất đi không còn hấp dẫn nữa. Cái ý tưởng rằng Thượng đế, người chăm nom cho chúng ta dường như đơn giản chỉ là trò cười. Nhìn vào thế giới, dường như là chẳng ai chăm nom cả.
Trong thực tế, ở nước Anh gần ba mươi nghìn người là người tôn thờ quỉ – chỉ ở Anh thôi, một phần nhỏ của thế giới. Và ý thức hệ của họ cũng đáng để nhìn vào khi tham khảo câu hỏi của bạn. Họ nói rằng quỉ không chống lại Thượng đế, quỉ là con của Thượng đế. Thượng đế đã bỏ thế giới, và bây giờ niềm hi vọng duy nhất là thuyết phục quỉ chăm nom vì Thượng đế không chăm nom. Và ba mươi nghìn người đang tôn thờ quỉ như con của Thượng đế… và lí do là họ cảm thấy rằng Thượng đế đã bỏ thế giới này – ngài không còn chăm nom về nó nữa. Một cách tự nhiên, cách duy nhất là cầu đến con ngài; nếu bằng cách nào đó con ngài có thể được thuyết phục bằng các nghi lễ, bằng lời cầu nguyện, bằng tôn thờ, thì có lẽ khổ, bóng tối, ốm bệnh có thể bị loại bỏ. Đây là một nỗ lực tuyệt vọng.
Thực tế là ở chỗ con người bao giờ cũng sống trong nghèo nàn. Nghèo nàn có điều đẹp đẽ về nó: nó không bao giờ phá huỷ hi vọng của bạn, nó không bao giờ chống lại ước mơ của bạn, nó bao giờ cũng đem tới nhiệt tình vì ngày mai. Người ta hi vọng, tin tưởng rằng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn: thời kì đen tối này đã qua đi; chẳng mấy chốc sẽ có ánh sáng. Nhưng tình huống đó đã thay đổi. Ở các nước đã phát triển… và nhớ, vấn đề phiền muộn không phải là ở các nước chưa phát triển – ở các nước nghèo, mọi người vẫn còn hi vọng – chính là chỉ có ở các nước đã phát triển, nơi họ có đủ mọi thứ họ đã từng khao khát. Bây giờ cõi trời sẽ không còn tác dụng thêm nữa; xã hội phi giai cấp cũng chẳng ích gì thêm nữa. Không xã hội không tưởng nào lại sẽ tốt hơn. Họ đã đạt tới mục đích – và việc đạt tới mục đích này là nguyên nhân của phiền muộn. Bây giờ không còn hi vọng: ngày mai thành đen tối, và ngày kia sẽ lại còn đen tối hơn.
Tất cả những điều này mà họ đã từng mơ tới đều rất đẹp. Họ chưa bao giờ nhìn vào những hệ luỵ của chúng. Bởi vì họ đã có được chúng, họ có chúng cùng với những hệ luỵ của chúng. Một người là nghèo, nhưng người đó ăn ngon miệng. Một người là giầu, nhưng người đó lại ăn không ngon. Và là người nghèo và ăn ngon miệng còn tốt hơn là người giầu mà chẳng ngon miệng. Bạn định làm gì với cả đống vàng, đống bạc, đống đô la của bạn? Bạn không thể ăn được chúng. Bạn có mọi thứ, nhưng cái ngon miệng đã biến mất, cái mà bạn đã vật lộn từ lâu để có được. Bạn thành công – và tôi đã nói đi nói lại mãi rằng chẳng có gì thất bại như thành công cả. Bạn đã đạt tới nơi bạn muốn tới, nhưng bạn lại không nhận biết về sản phẩm phụ. Bạn có hàng triệu đô la, nhưng bạn không thể ngủ được…
Khi con người đạt tới mục tiêu ấp ủ, thế thì người đó trở nên nhận biết rằng có nhiều điều quanh chúng. Chẳng hạn, trong cả đời mình bạn cố gắng kiếm tiền, cứ nghĩ rằng một ngày nào đó, khi bạn có nó, bạn sẽ sống một cuộc sống thảnh thơi. Nhưng bạn đã từng căng thẳng suốt cả đời – căng thẳng đã trở thành kỉ luật của bạn – và tới cuối đời, khi bạn đã đạt tới tất cả tiền bạc bạn muốn, bạn lại không thể thảnh thơi được. Toàn bộ cuộc đời đã bị khép vào kỉ luật trong căng thẳng, và khổ sở cùng lo nghĩ sẽ không để cho bạn thảnh thơi. Cho nên bạn không phải là người chiến thắng, bạn là kẻ chiến bại. Bạn ăn không ngon, bạn huỷ hoại sức khoẻ mình, bạn huỷ hoại cảm giác của mình, nhạy cảm của mình. Bạn huỷ hoại cảm giác thẩm mĩ của mình – bởi vì không có thời gian cho tất cả những điều này, cái không tạo ra đô la.
Bạn đang đuổi theo đô la – ai có thời gian để ngắm hoa hồng, và ai có thời gian để ngắm chim tung cánh, và ai có thời gian để ngắm cái đẹp của con người? Bạn trì hoãn tất cả những điều này để cho một ngày nào đó, khi bạn có mọi thứ, thì bạn sẽ thảnh thơi và tận hưởng. Nhưng đến lúc bạn có đủ mọi thứ, bạn trở thành một loại người có kỉ luật nào đó – người mù với hoa hồng, người mù với cái đẹp, người không thể nào tận hưởng được âm nhạc, người không thể nào hiểu được điệu vũ, người không thể nào hiểu được thơ ca, người chỉ có thể hiểu được đô la. Nhưng những đồng đô la đó không đem lại thoả mãn.
Đây là nguyên nhân của phiền muộn. Đó là lí do tại sao nó chỉ có trong những nước đã phát triển và chỉ trong giai cấp giầu có của các nước đã phát triển – trong các nước đã phát triển cũng có cả người nghèo nữa, nhưng họ không bị phiền muộn – và bây giờ bạn không thể trao cho con người bất kì hi vọng nào thêm nữa để vứt bỏ đi phiền muộn của người đó bởi vì người đó có tất cả, còn nhiều hơn điều bạn có thể hứa hẹn. Hoàn cảnh của người đó thực sự đáng thương. Người đó chưa bao giờ nghĩ tới những hệ luỵ đó, người đó chưa bao giờ nghĩ tới sản phẩm phụ, người đó chưa bao giờ nghĩ tới điều mình sẽ mất bởi việc có được tiền bạc. Người đó chưa bao giờ nghĩ rằng người đó sẽ mất mọi thứ mà có thể làm cho người đó hạnh phúc chỉ bởi vì người đó bao giờ cũng gạt mọi thứ đó sang bên. Người đó không có thời gian, và cạnh tranh thì lại gay gắt và người đó phải quyết liệt. Đến cuối cùng người đó thấy trái tim mình chết, cuộc sống mình vô nghĩa. Người đó không thấy có bất kì khả năng nào trong tương lai về bất kì thay đổi nào, bởi vì “Còn có gì hơn nữa…?”
Tôi hay ở tại Sagar trong ngôi nhà của một người rất giầu có. Ông già này rất đẹp lão. Ông ấy đã là nhà chế tạo bidi lớn nhất trong cả nước Ấn Độ. Ông ấy có đủ mọi thứ bạn có thể tưởng tượng ra, nhưng ông ấy hoàn toàn không thể nào tận hưởng mọi thứ được. Tận hưởng là điều gì đó cần phải được nuôi dưỡng. Nó là kỉ luật nào đó, nghệ thuật nào đó – cách tận hưởng – và phải mất thời gian để đi vào tiếp xúc với những điều vĩ đại trong cuộc sống. Nhưng con người này, người đuổi theo tiền bạc, lại bỏ qua mọi thứ vốn là cánh cửa tới điều thiêng liêng, và người đó kết thúc tại cuối con đường và chẳng có gì phía trước người đó ngoại trừ cái chết.
Toàn bộ cuộc sống của người đó đều khổ. Người đó chịu đựng nó, lờ nó đi trong hi vọng rằng mọi thứ sắp sửa thay đổi. Bây giờ người đó không thể nào lờ nó đi được và cũng không thể nào chịu đựng được nó bởi vì ngày mai chỉ có cái chết và không cái gì khác cả. Và toàn bộ cái khổ đã tích luỹ của cả đời mà người đó đã lờ đi, cái khổ sở mà người đó đã lờ đi, lại bùng nổ trong bản thể người đó.
Người giầu có nhất này, theo một cách nào đó, lại là người nghèo nhất trong thế giới. Là người giầu mà không nghèo là một nghệ thuật vĩ đại. Là người nghèo mà giầu là mặt bên kia của nghệ thuật này. Có những người nghèo bạn thấy giầu có vô cùng. Họ chẳng có gì, nhưng họ giầu. Cái giầu của họ không trong đồ vật mà trong bản thể họ, trong kinh nghiệm đa chiều của họ. Và có những người giầu có mọi thứ nhưng hoàn toàn nghèo và hổng hoác và trống rỗng. Sâu bên trong chỉ là nấm mồ.
Đấy không phải là phiền muộn của xã hội, bởi vì thế thì điều đó sẽ ảnh hưởng cả tới người nghèo nữa; đấy đơn giản là luật tự nhiên, và con người bây giờ sẽ phải học điều đó. Mãi cho tới giờ đã không có nhu cầu, bởi vì chẳng ai đạt tới điểm người đó có mọi thứ, trong khi bên trong thì hoàn toàn đen tối và dốt nát.
Điều đầu tiên trong cuộc sống là tìm ra ý nghĩa trong khoảnh khắc hiện tại.
Hương vị cơ bản của bản thể bạn nên là hương vị tình yêu, hương vị hân hoan, lễ hội. Thế thì bạn có thể làm mọi điều: đô la sẽ không phá huỷ nó. Nhưng bạn gạt mọi thứ sang bên và đơn giản đuổi theo các đồng đô la cứ nghĩ rằng đô la có thể mua được mọi thứ. Và thế rồi một ngày nào đó bạn thấy chúng chẳng thể mua được cái gì – và bạn đã dành cả đời mình cho đô la.
Đây là nguyên nhân của phiền muộn. Và đặc biệt ở phương Tây, phiền muộn đang trở thành rất sâu sắc. Tại phương Đông đã từng có những người giầu có, nhưng cũng có một chiều hướng nào đó có sẵn. Khi con đường tới giầu có đã tới chỗ kết thúc, họ không bị mắc kẹt ở đó; họ chuyển sang chiều hướng mới. Chiều hướng mới đó là trong không trung, có sẵn hàng thế kỉ. Tại phương Đông người nghèo đã từng trong điều kiện rất tốt, còn người giầu đã ở trong điều kiện cực kì tốt. Người nghèo đã học được sự mãn nguyện cho nên họ chẳng bận tâm tới việc chạy theo tham vọng. Còn người giầu đã hiểu rằng một ngày nào đó họ phải từ bỏ nó tất cả và đi tìm chân lí, đi kiếm ý nghĩa.
Tại phương Tây, đến cuối cùng, con đường này đơn giản kết thúc. Bạn có thể quay lui, nhưng quay lui cũng chẳng giúp gì cho phiền muộn của bạn. Bạn cần một chiều hướng mới. Phật Gautam, Mahavira hay Parshvanath – những người này đã ở tại đỉnh của giầu có, và thế rồi họ thấy rằng nó gần như là gánh nặng. Một cái gì đó khác cần phải được tìm ra trước khi cái chết đem bạn đi – và họ đủ dũng cảm để từ bỏ tất cả. Việc từ bỏ của họ đã bị hiểu lầm. Họ từ bỏ tất cả nó bởi vì không muốn bận tâm thêm một giây nào về tiền bạc, về quyền lực – bởi vì họ đã thấy cái đỉnh, và chẳng có gì ở đó cả. Họ đã đi tới bậc thang cao nhất của chiếc thang và đã thấy rằng nó chẳng dẫn đến đâu cả; nó chỉ là chiếc thang chẳng dẫn tới đâu. Trong khi bạn còn ở đâu đó chỗ giữa, hay thấp hơn chỗ giữa, bạn còn có hi vọng bởi vì có các bậc thang khác cao hơn bạn. Rồi tới một điểm khi bạn ở tại bậc thang cao nhất và chỉ có tự tử hay điên khùng – hay đạo đức giả: bạn cứ mỉm cười cho tới khi cái chết kết thúc bạn, nhưng sâu bên dưới bạn biết rằng bạn đã phí hoài cuộc sống của mình.
Tại phương Đông, phiền muộn chưa bao giờ là vấn đề cả. Người nghèo đã học cách tận hưởng bất kì cái gì nhỏ bé họ có được, còn người giầu đã học rằng việc có toàn bộ thế giới dưới chân bạn cũng chẳng có nghĩa lí gì – bạn phải đi tìm ý nghĩa, chứ không phải là tiền bạc. Và họ đã có những người đi trước: trong hàng nghìn năm mọi người đã đi tìm kiếm chân lí và đã tìm thấy nó. Không cần phải thất vọng, phiền muộn, bạn chỉ phải đi vào trong chiều hướng chưa biết. Họ chưa từng thám hiểm nó, nhưng khi họ bắt đầu thám hiểm chiều hướng mới này – điều đó có nghĩa là cuộc hành trình nội tâm, cuộc hành trình tới cái ta riêng của mình – tất cả những điều họ đã mất lại bắt đầu quay lại.
Phương Tây cần một phong trào thiền lớn rất cấp bách; nếu không thì phiền muộn này sẽ giết chết mọi người. Và những người này sẽ là những người tài năng nhất – bởi vì họ đã đạt tới quyền lực, họ đã đạt tới tiền bạc, họ đã đạt tới bất kì cái gì họ muốn… những bằng cấp cao nhất trong giáo dục. Đây là những người tài năng, và tất cả họ đều cảm thấy thất vọng.
Điều này sắp thành nguy hiểm bởi vì những người tài năng nhất này không còn nhiệt tình với cuộc sống nữa, còn những người bất tài thì lại nhiệt tình với cuộc sống nhưng họ thậm chí lại không có tài năng để có được quyền lực, tiền bạc, giáo dục, kính trọng. Họ không có tài, cho nên họ khổ sở, cảm thấy bị tàn tật. Họ quay sang thành những kẻ khủng bố, họ quay sang việc bạo hành không cần thiết chỉ từ việc trả thù – bởi vì họ không thể làm được gì khác cả. Nhưng họ có thể phá huỷ. Và người giầu gần như sẵn sàng treo mình lên bất kì cái cây nào bởi vì chẳng còn lí do gì cho họ sống cả. Trái tim họ đã ngừng đập từ lâu trước đây. Họ chỉ còn là cái xác – trang điểm đẹp, được tôn vinh nhưng hoàn toàn trống rỗng và vô tích sự.
Phương Tây thực sự ở tình trạng tồi tệ hơn phương Đông nhiều, mặc dầu với những người không hiểu thì dường như là phương Tây đang ở điều kiện tốt hơn phương Đông bởi vì phương Đông nghèo nàn. Nhưng nghèo khó không phải là vấn đề lớn như thất bại của giầu có; thế thì người ta mới thực sự là nghèo. Người nghèo thông thường ít nhất cũng có những mơ ước, hi vọng, nhưng người giầu thì chẳng có gì cả.
Điều đang được cần tới là một phong trào thiền vĩ đại vươn tới mọi con người.
Và tại phương Tây những người phiền muộn này lại đang tới các nhà phân tâm, các nhà trị liệu và đủ mọi loại lang băm, những người mà bản thân họ cũng phiền muộn, lại còn phiền muộn hơn bệnh nhân mình nữa – một cách tự nhiên, bởi vì cả ngày họ nghe nói về phiền muộn, thất vọng, vô nghĩa. Và với việc thấy quá nhiều người tài trong tình cảnh tồi tệ như vậy, thì bản thân họ cũng bắt đầu mất tinh thần. Họ không thể giúp đỡ được; bản thân họ cần sự giúp đỡ.
Chức năng của trường phái của tôi là để chuẩn bị cho mọi người bằng năng lượng thiền và gửi họ vào trong thế giới chỉ như những tấm gương cho những những người còn phiền muộn. Nếu họ có thể thấy rằng có những người không phiền muộn – ngược lại, những người hân hoan vô cùng – thì có lẽ hi vọng có thể được sinh ra trong họ. Bây giờ họ có thể có mọi điều và không có nhu cầu phải lo nghĩ. Họ có thể thiền.
Tôi không dạy từ bỏ của cải của bạn hay bất kì cái gì. Cứ để mọi thứ như nó hiện thế. Chỉ bổ sung thêm một điều nữa vào cuộc sống của bạn. Mãi cho tới nay bạn đã chỉ thêm đồ vật vào cuộc sống của mình. Bây giờ thêm điều gì đó vào bản thể bạn – và điều đó sẽ làm ra âm nhạc, điều đó sẽ làm ra phép màu, điều đó sẽ làm ra ảo thuật, điều đó sẽ tạo ra xúc động mới, trẻ trung mới, tươi tắn mới.
Điều đó không phải là không giải quyết được. Vấn đề thì lớn, nhưng giải pháp lại rất đơn giản.
Nhận xét
Đăng nhận xét