Chương 9. Vượt ra, vượt ra, vượt ra ngoài

Tâm kinh – Osho
Chương 9. Vượt ra, vượt ra, vượt ra ngoài


Teihard de Chardin chia tiến hoá con người thành bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất ông gọi là địa quyển (geosphere), giai đoạn thứ hai là sinh quyển (biosphere), giai đoạn thứ ba, trí quyển (noosphere), và giai đoạn thứ tư, christ quyển (christosphere). Bốn giai đoạn này có ý nghĩa thật mênh mông. Chúng phải được hiểu. Việc hiểu chúng sẽ giúp cho bạn hiểu đỉnh cao nhất của Tâm Kinh.

Địa quyển. Đấy là trạng thái của tâm thức tuyệt đối đang ngủ, trạng thái của vật chất. Vật chất là tâm thức đang ngủ. Vật chất không chống lại tâm thức, vật chất là trạng thái của tâm thức đang ngủ, chưa thức tỉnh. Tảng đá là vị Phật đang ngủ; hôm này hay hôm khác đá sẽ trở thành Phật. Có thể mất tới hàng triệu năm - điều đó cũng chẳng hề gì. Khác biệt sẽ chỉ là thời gian, mà thời gian thì chẳng là vấn đề gì trong vĩnh hằng này. Đó là lí do tại sao ở phương Đông chúng ta đã làm tượng từ đá - điều đó rất biểu tượng: đá và Phật được bắc cầu qua bức tượng đá. Đá là thấp nhất còn Phật là cao nhất. Tượng đá nói rằng Phật không là gì ngoài đá đi tới biểu lộ; đá đã bầy tỏ toàn bộ tiềm năng của nó.

Đây là giai đoạn thứ nhất: địa quyển. Nó là vật chất, nó là vô ý thức, nó ngủ, nó là tiền sống. Trong trạng thái này không có tự do, bởi vì tự do đi vào qua tâm thức. Trong trạng thái này chỉ có nguyên nhân và hậu quả. Luật là tuyệt đối. Thậm chí không có điều ngẫu nhiên nào là có thể. Tự do không được biết tới. Tự do đi vào chỉ như cái bóng của tâm thức; bạn càng trở nên ý thức hơn, thì bạn càng tự do hơn. Do đó Phật được gọi là mukta - tự do hoàn toàn. Hòn đá hoàn toàn trong tù túng, bị kiềm chế mọi nơi, từ mọi phía, trong mọi chiều. Hòn đá là linh hồn trong cầm tù, Phật là linh hồn trên đôi cánh. Không còn bất kì xiềng xích nào nữa, bất kì tù túng nào nữa, bất kì tù đầy nào nữa; không có bức tường nào bao quanh Phật. Ông ấy không có biên giới nào cho bản thể mình. Bản thể ông ấy mênh mông như bản thân sự tồn tại. Ông ấy là một với cái toàn thể.

Nhưng trong thế giới của địa quyển, nhân quả là pháp -dhamma- duy nhất, luật duy nhất, chỉ có Đạo. Khoa học vẫn còn bị giới hạn vào địa quyển, bởi vì nó vẫn cứ nghĩ dưới dạng nhân quả. Khoa học hiện đại là khoa học rất thô sơ, rất nguyên thuỷ, vì nó không thể quan niệm bất kì cái gì hơn vật chất. Quan niệm của nó rất hạn chế, và do đó nó tạo ra nhiều khổ hơn là nó giải quyết. Viễn kiến của nó có hạn thế, viễn kiến của nó nhỏ nhoi thế, bé xíu thế, đến mức nó không thể điều hoà bản thân nó với cái toàn bộ của sự tồn tại. Nó nhìn từ một cái lỗ tí hon và nghĩ đó là tất cả. Khoa học vẫn còn bị hạn chế vào địa quyển. Khoa học vẫn trong tù túng, nó còn chưa có cánh. Nó sẽ có cánh chỉ khi nó bắt đầu đi ra ngoài nhân quả.

Đúng thế, những tia lửa nhỏ có đó. Nhà vật lí hạt nhân đang đi vào trong thế giới ở bên ngoài nhân quả, đi xuyên qua biên giới. Do đó, nguyên lí của bất định mới nảy sinh, nảy sinh với lực lớn. Nhân quả là nguyên lí của chắc chắn: bạn làm điều này và điều này nhất định xảy ra. Bạn đun nước tới một trăm độ và nước bốc hơi - đó là nhân quả. Nước không có tự do. Nó không thể nói, “Hôm nay tôi không trong đúng tâm trạng, và tôi không định bốc hơi tại một trăm độ! Tôi đơn giản nói không!”

Không, nó không thể nói thế; nó không thể kháng cự lại, nó không thể tranh đấu lại với luật. Nó là rất trọng luật, rất vâng lời. Ngày khác, khi nước cảm thấy rất sung sướng, nó không thể nói, “Bạn đừng bận tâm quá nhiều. Tôi định bay hơi ở năm mươi độ. Tôi định quên bạn.”

Không, điều đó không thể được. Vật lí cổ, khoa học cổ, không có thoáng nhìn nào về nguyên lí bất định. Nguyên lí của bất định có nghĩa là nguyên lí của tự do. Bây giờ, một chút thoáng nhìn đang xảy ra. Bây giờ họ không còn chắc chắn như họ đã quen chắc chắn. Bây giờ họ thấy rằng ở chỗ sâu nhất, trong vật chất cũng có một lượng tự do nào đó. Rất khó nói liệu điện tử là hạt hay sóng: nó hành xử theo cả hai cách, lúc thì theo cách này, lúc thì theo cách kia. Và chẳng có cách nào mà tiên đoán nó. Nó là lượng tử. Và không chỉ có thế - tự do của nó đến mức đôi khi đồng thời nó hành xử như sóng và như hạt. Đấy là điều hoàn toàn không thể được đối với các nhà khoa học cổ, thậm chí để quan niệm hay hiểu. Aristotle sẽ không thể nào hiểu được nó, Newton sẽ không thể hiểu được nó. Đấy là điều không thể nào thấy được. Điều đó đang nói rằng một cái gì đó hành xử như đường thẳng và như một điểm đồng thời; điều đó là phi logic. Làm sao một cái gì đó hành xử giống như một điểm và đường thẳng? Hoặc nó là đường hoặc nó là điểm chứ.

Nhưng bây giờ các nhà vật lí đang bắt đầu có những thoáng nhìn về cốt lõi bên trong nhất của vật chất. Theo một cách thức rất, rất quanh co họ đang vướng phải một trong những nhân tố lớn nhất của cuộc sống: tự do. Nhưng trong địa quyển thì nó không tồn tại. Nó là sushupti.

Từ sushupti có nghĩa là ngủ tuyệt đối - thậm chí không một khuấy trộn mơ mộng. Đá thậm chí không mơ, chúng không thể mơ được. Để mơ chúng sẽ phải có thêm chút ít tâm thức. Đá đơn giản có đấy. Nó không có cá tính, nó không có linh hồn - ít nhất không có trong thực tại. Nó thậm chí không thể mơ; giấc ngủ của nó không bị quấy rối. Ngày, đêm, năm tới, năm đi, nó vẫn tiếp tục ngủ. Hàng nghìn năm nó đã ngủ, và trong hàng nghìn năm nữa nó sẽ ngủ. Thậm chí không một giấc mơ nào quấy rối nó.

Trong yoga chúng ta phân chia tâm thức thành bốn giai đoạn. Chúng là rất rất tương đối theo cách phân chia của Chardin. Giai đoạn thứ nhất là sushupti, ngủ say. Địa quyển ứng với điều đó. Địa quyển giống cái chết nhiều hơn là cái sống. Đó là lí do tại sao vật chất lại dường như chết. Nó không phải vậy đâu. Nó đang đợi cho cuộc sống trỗi dậy, nó giống như hạt mầm. Nó dường như chết: nó đang đợi cho tới đúng khoảnh khắc của nó để bùng nổ vào cuộc sống. Nhưng ngay bây giờ thì nó là chết. Không có tâm trí. Nhớ lấy, trong giai đoạn cuối cũng sẽ không có tâm trí lần nữa. Vị Phật ở trong trạng thái vô trí, còn tảng đá cũng ở trong trạng thái vô trí. Do đó có ý nghĩa của tượng đá: gặp gỡ của hai cái đối lập. Hòn đá đang trong trạng thái vô trí có nghĩa là đá vẫn ở dưới mức tâm trí. Phật ở trạng thái vô trí: điều đó có nghĩa Phật đã vượt ra ngoài tâm trí. Có tương tự, cũng hệt như tương tự giữa đứa trẻ và thánh nhân. Đứa trẻ ở dưới mức tâm trí, thánh nhân vượt ra ngoài tâm trí. Hòn đá còn phải trải qua tất cả những rối loạn của cuộc sống như Phật đã trải qua.

Ông ấy đã vượt ra, vượt ra và vượt ra ngoài, hoàn toàn ra ngoài. Nhưng có tương tự: ông ấy lại tồn tại trong trạng thái vô trí. Ông ấy đã trở thành có ý thức tràn đầy đến mức tâm trí chẳng cần nữa. Đá thì vô ý thức đến mức tâm trí không thể tồn tại được. Trong đá vô thức là tuyệt đối, do đó tâm trí là không thể có. Trong Phật tâm thức là tuyệt đối và tâm trí thì không cần. Để tôi giải thích điều đó cho bạn; nó là một trong những điều quan trọng nhất cần phải học, cần phải hiểu.

Tâm trí là cần bởi vì bạn không thực sự có ý thức. Nếu bạn thực sự có ý thức, thế thì có sáng suốt, không có suy nghĩ. Thế thì bạn hành động từ sáng suốt đó, bạn không hành động từ tâm trí mình. Thế thì tâm trí là không cần. Khi bạn thấy đúng việc, chính việc thấy đó trở thành hành động của bạn.

Chẳng hạn, bạn đang trong nhà và ngôi nhà bốc cháy. Bạn thấy điều đó - đấy không phải là suy nghĩ. Bạn đơn giản thấy nó, và bạn nhảy ra khỏi nhà. Bạn không chờ đợi, bạn không đắn đo, bạn không nghiền ngẫm về nó. Bạn không điều tra, bạn không tra cứu sách báo, bạn không đi hỏi lời khuyên của ai đó về việc phải làm.

Bạn đang đi dạo buổi tối, và ngay bên đường bạn bắt gặp một con rắn. Bạn nhảy lên! Trước khi suy nghĩ len vào, bạn đã nhảy rồi. Không phải là việc suy nghĩ làm bạn nhảy, việc đấy là từ sáng suốt. Nguy hiểm lớn đang có đấy - chính nguy hiểm làm bạn sống động, mãnh liệt, ý thức, và bạn nhảy là từ ý thức. Đấy là cái nhảy vô trí.

Nhưng những khoảnh khắc này hiếm khi có trong cuộc sống bạn bởi vì bạn còn chưa sẵn sàng sống với tâm thức của mình một cách mãnh liệt và toàn bộ. Với Phật, đó là cách thức thông thường của ông ấy. Ông ấy sống toàn bộ đến nỗi tâm trí chẳng bao giờ còn cần tới, chẳng bao giờ được tư vấn tới.

Quyển thứ nhất, địa quyển, là quyển vô trí. Không có cái ta, hiển nhiên, bởi vì không có tâm trí thì cái ta không thể tồn tại được. Lần nữa, trong quyển thứ tư, sẽ không có cái ta - bởi vì không có tâm trí thì làm sao cái ta tồn tại được? Tâm trí cần vận hành từ một trung tâm, do đó nó tạo ra bản ngã, cái ta. Tâm trí phải giữ bản thân nó trong kiểm soát, tâm trí phải giữ bản thân nó theo một mẫu hình nào đó, trật tự nào đó. Nó phải giữ lại bản thân nó. Để giữ bản thân mình, nó tạo ra một trung tâm, bởi vì chỉ qua trung tâm ấy thì nó mới có thể giữ được việc kiểm soát. Không có trung tâm đó thì nó sẽ không thể nào giữ kiểm soát được. Cho nên một khi tâm trí tới, bản ngã cũng trên đường tới. Chẳng chóng thì chầy tâm trí sẽ cần tới bản ngã. Không có bản ngã, tâm trí không thể nào vận hành được. Ngược lại, ai sẽ kiểm soát, ai sẽ quản lí, ai sẽ thao tác, ai sẽ lập kế hoạch, ai sẽ mơ mộng, ai sẽ phóng chiếu? Và ai sẽ có đó để được coi như một vật thường hằng? - bởi vì tâm trí cứ thay đổi thường xuyên.

Ý nghĩ nọ tiếp ý nghĩ kia... đó là một quá trình các ý nghĩ. Bạn sẽ lạc nếu bạn không có bất kì bản ngã nào: bạn sẽ không biết bạn là ai, và bạn đang đi đâu, và vì cái gì. Trong địa quyển không có tâm trí, không cái ta, và không thời gian. Nó là ở dưới mức thời gian. Thời gian còn chưa đi vào. Đá không biết tới quá khứ, hiện tại, tương lai. Và đấy cũng là trường hợp của Phật. Ông ấy cũng vượt ra ngoài thời gian. Ông ấy không biết quá khứ, hiện tại, tương lai. Ông ấy sống trong vĩnh hằng. Trong thực tế đó mới là ý nghĩa thực của việc hiện hữu trong hiện tại. Hiện hữu trong hiện tại không có nghĩa là không gian ở giữa quá khứ và tương lai. Trong từ điển đó là ý nghĩa được nêu: khoảng không giữa quá khứ và tương lai được gọi là hiện tại. Nhưng đấy không phải là hiện tại.

Cái loại hiện tại gì thế này? Nó đã trở thành quá khứ; nó đang đi ra từ sự tồn tại. Khoảnh khắc này, nếu bạn gọi nó là ‘hiện tại’, khoảnh khắc mà bạn gọi nó là ‘hiện tại’ ấy đã trôi vào quá khứ rồi; nó không còn là hiện tại nữa. Và khoảnh khắc mà bạn gọi là ‘tương lai’ - khoảnh khắc bạn gọi nó là ‘tương lai’, nó đã thành hiện tại và đang hướng tới thành quá khứ. Hiện tại này không phải là hiện tại thực. Hiện tại ở giữa quá khứ và tương lai chỉ là một phần của quá khứ và tương lai, của quá trình thời gian.

Hiện tại mà tôi đang nói tới, cái bây giờ mà tôi nói tới, hay Phật nói tới, hay Christ khi ông ấy nói, “Đừng nghĩ về cái mai. Nhìn những hoa loa kèn này trên cánh đồng - chúng không làm quần quật, chúng không quay tròn mà trông chúng đẹp làm sao. Chúng đẹp không thể tin được! Ngay cả Solomon cũng không được trang điểm đẹp như thế trong tất cả vinh quang của ông ấy. Nhìn vào những hoa loa kèn trên cánh đồng mà xem...” Những hoa loa kèn đó đang sống trong một loại bây giờ; chúng không biết tới quá khứ, chúng không biết tới tương lai.

Phật không biết tới quá khứ, tương lai và hiện tại. Ông ấy không biết phân chia. Đó là trạng thái của vĩnh hằng. Thế thì bây giờ là tuyệt đối có đó. Chỉ có bây giờ, và chỉ có ở đây, và không có cái gì khác. Nhưng đá thì cũng ở trong trạng thái đó - vô ý thức, tất nhiên.

Quyển thứ hai là sinh quyển. Nó có nghĩa là sống, tiền ý thức. Quyển thứ nhất là vật chất, quyển thứ hai là sống: cây cối, con vật, chim chóc. Đá không thể đi được, đá không có cuộc sống ở đâu cả, không thấy được ở đâu cả. Cây có sức sống hơn, con vật còn hơn nữa, chim chóc còn hơn nữa. Cây bắt rễ vào đất, không thể di động nhiều. Nó di chuyển chút ít, lay động, nhưng không thể di chuyển nhiều; nó không có nhiều tự do lắm. Tự do chút xíu chắc chắn là có đấy, nhưng con vật nhiều tự do hơn. Nó có thể di chuyển, nó có thể chọn lựa một chút ít tự do hơn - đi đâu, làm gì. Chim thậm chí còn tự do hơn chút nữa - nó có thể bay. Đây là quyển được gọi là sinh quyển, quyển sống. Nó là tiền-tâm thức; tâm thức thô sơ đi vào hiện hữu. Đá tuyệt đối vô ý thức. Bạn không thể nói rằng cây hoàn toàn vô ý thức. Đúng đấy, nó là vô ý thức, nhưng có cái gì đó của tâm thức đang rót vào vào trong, một tia sáng của tâm thức đang tới. Và con vật thì có ý thức hơn chút xíu nữa.

Trạng thái thứ nhất tương ứng với sushupti của Patanjali - ngủ say, rất say. Trạng thái thứ hai tương ứng với swabana của Patanjali, trạng thái mơ. Tâm thức đang tới như giấc mơ. Đúng đấy, chó mơ. Bạn có thể thấy - bạn có thể quan sát con chó ngủ và bạn sẽ thấy nó đang mơ. Đôi khi trong giấc mơ nó sẽ cố gắng đớp ruồi. Và đôi khi bạn sẽ thấy nó buồn bã, đôi khi bạn sẽ thấy nó có vẻ mừng rỡ. Quan sát mèo, và đôi khi nó vồ lấy chuột trong mơ, và bạn có thể thấy điều nó đang làm trong mơ - ăn chuột, chùi ria mép. Bạn có thể quan sát mèo: mơ đã đi vào, mọi thứ đã xảy ra trong thế giới tâm thức. Tâm thức đang nổi lên. Nhân quả vẫn còn thống trị, nhưng không nhiều như trong đá. Chút ít tự do trở thành có thể, và do đó ngẫu nhiên bắt đầu xảy ra. Con vật có chút ít tự do. Nó có thể chọn vài thứ, nó có thể có tính khí: nó có thể trong tâm trạng tốt và thân thiện với bạn, nó có thể trong tâm trạng xấu và không thân thiện với bạn. Một chút ít quyết định đã đi vào trong sự hiện hữu của nó, nhưng rất tí hon, chỉ mới bắt đầu. Cái ta vẫn còn chưa tích hợp lại. Nó là một cái ta rất lỏng lẻo, hẩu lốn, nhưng nó đang tới. Cấu trúc đang thành hình, hình dạng đang nảy sinh.

Con vật là thiên quá khứ; nó sống từ quá khứ. Con vật không có ý tưởng gì về tương lai - nó không thể lập kế hoạch cho tương lai, nó không thể nghĩ trước. Cho dù thỉnh thoảng nó nghĩ trước, điều đó rất, rất manh mún. Chẳng hạn khi con vật cảm thấy đói, nó có thể nghĩ trước, vài giờ trước - rằng nó sẽ đi kiếm thức ăn. Nó phải đợi. Nhưng con vật không thể nghĩ được về một tháng, hai tháng, ba tháng trong tương lai. Con vật không thể quan niệm được về năm; nó không có khái niệm lịch, không khái niệm thời gian. Nó là thiên quá khứ. Bất kì cái gì đã từng xảy ra trong quá khứ nó đều trông đợi xảy ra trong tương lai nữa. Tương lai của nó ít nhiều giống như quá khứ; đó là sự lặp lại. Đó là quá khứ thống trị. Thời gian đang đi vào qua quá khứ, cái ta đang đi vào qua quá khứ.

Quyển thứ ba là trí quyển; tâm trí, tự ý thức nảy sinh. Quyển thứ nhất là vô ý thức, quyển thứ hai là tiền ý thức, quyển thứ ba là tự ý thức. Ý thức tới, nhưng có tai hoạ cùng nó - cái tôi. Nó không thể tới theo cách khác; cái tôi là cái xấu cần thiết. Tâm thức tới với ý tưởng về cái ‘tôi’. Nghĩ suy bắt đầu, suy nghĩ bắt đầu, cá tính tới trong sự tồn tại. Và với tâm trí thì khuynh hướng tương lai tới: con người sống trong tương lai, con vật sống trong quá khứ.

Các xã hội phát triển sống trong tương lai, các xã hội chưa phát triển sống trong quá khứ. Người nguyên thuỷ vẫn sống trong quá khứ. Chỉ người văn minh mới sống trong tương lai. Sống trong tương lai là trạng thái cao hơn sống trong quá khứ. Thanh niên sống trong tương lai, người già bắt đầu sống trong quá khứ. Thanh niên sinh động hơn người già. Các quốc gia mới, văn hoá mới sống trong tương lai. Chẳng hạn, Mĩ sống trong tương lai, Ấn Độ sống trong quá khứ. Ấn Độ vẫn mang theo năm nghìn năm, mười nghìn năm quá khứ. Nó là gánh nặng thế, nó khó mang thế, nó đè nghiến xuống, nhưng người ta cứ mang nó. Nó là gia sản kế thừa, và người ta rất tự hào về quá khứ.

Tự hào về quá khứ là một trạng thái đơn giản và không văn minh. Người ta phải vươn tới tương lai, người ta phải mò mẫm vào tương lai. Quá khứ không còn nữa, tương lai sắp hiện hữu - người ta phải chuẩn bị cho nó. Bạn có thể quan sát điều đó theo nhiều cách. Tâm trí Ấn Độ chỉ xúc động bởi các sự kiện quá khứ. Đến nay, năm nào người ta cũng diễn vở kịch về Rama, và người ta rất xúc động. Hàng nghìn năm đã trôi qua và họ vẫn cứ diễn đi diễn lại cùng một vở kịch, và họ sẽ còn diễn lại nó nữa. Và họ rất xúc động. Họ không xúc động được đến thế khi con người đầu tiên bước trên mặt trăng; họ không xúc động đến thế như khi họ đã và họ bao giờ cũng đã xúc động bởi vở kịch về Rama. Họ biết cốt truyện, họ đã xem nó nhiều lần, nhưng đấy là di sản của họ; họ rất tự hào về nó.

Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng có những thánh nhân mahatma Hindu và mahatma Jaina vẫn đang cố gắng chứng minh rằng con người chưa bước trên mặt trăng, rằng người Mĩ đang lừa dối. Tại sao? - bởi vì mặt trăng là thượng đế. Làm sao bạn có thể bước lên mặt trăng được? Và vẫn có những người nghe họ và theo họ.

Một lần một sư Jaina tới gặp tôi ở Gujarat và anh ta nói, “Xin thầy ủng hộ tôi... và tôi có hàng nghìn đệ tử!” và ông ấy có thật. Và toàn bộ vấn đề, chủ đề của cuộc sống ông ấy, là ở chỗ người Mĩ nói láo, rằng những tấm ảnh ấy tất cả đều là kĩ xảo chụp ảnh mà người ta nguỵ tạo ra, rằng những viên đá, đã được đem từ mặt trăng về đó, thì được lấy từ Siberia hay từ đâu đó trên hành tinh này.

Không ai đã từng đi và không ai đã từng lên tới mặt trăng, bởi vì theo shastras Jaina, theo kinh sách Jaina, người ta viết rằng mặt trăng là thượng đế. Làm sao bạn bước trên Thượng đế được? Đây là hướng quá khứ. Điều này rất u mê. Đó là lí do tại sao Ấn Độ không thể trưởng thành, nó không thể tiến hoá, nó không thể tiến bộ. Nó bị kẹt vào quá khứ.

Với trí quyển, với tâm trí, tự ý thức, suy ngẫm, suy nghĩ, cá tính, hướng tương lai đi vào hiện hữu. Và bạn càng bắt đầu chuẩn bị cho tương lai nhiều bao nhiêu, tất nhiên bạn càng trở nên lo âu bấy nhiêu. Cho nên người Mĩ là người căng thẳng nhất, bất ổn nhất. Ấn Độ thì rất yên ổn, yên ổn đến mức họ chẳng còn hiệu quả gì nữa. Bạn có biết rằng khi người Ấn Độ thay bóng đèn điện, phải cần tới ba người Ấn Độ không? - một người giữ bóng đèn và hai người làm thang. Mọi người rất yên ổn, thảnh thơi; họ không chịu bất kì lo âu nào, họ không biết lo âu thực tại là gì.

Lo âu đi vào cùng tương lai, bởi vì bạn phải lập kế hoạch. Bạn không thể chỉ cứ lặp lại các cách thức cũ của cuộc sống mình. Và khi bạn làm điều gì đó mới, có khả năng sai lầm, nhiều khả năng sai lầm. Bạn càng cố gắng cái mới, bạn càng trở nên lo âu nhiều hơn. Đó là lí do tại sao, về mặt tâm lí, nước Mĩ là nước xáo động nhất, Ấn Độ là nước yên tĩnh nhất.

Con vật không lo âu. Sống trong quá khứ là trạng thái tâm trí thấp hơn - tất nhiên thoải mái hơn, thuận tiện hơn. Và các mahatman Hindu cứ nói với thế giới, “Trông đây chúng tôi an bình làm sao. Không tồn tại vấn đề thần kinh. Cho dù chúng tôi có chết đói, chúng tôi cũng chết đói rất, rất im lặng. Cho dù chúng tôi có chết, chúng tôi chết rất rất chấp nhận. Còn các ông thì phát điên!”

Nhưng nhớ lấy, tiến bộ tới qua lo âu. Với tiến bộ thì có lo âu, có run rẩy - về việc đi sai, về việc làm điều gì đó sai, về việc lỡ vấn đề. Với quá khứ không có vấn đề: bạn cứ lặp lại nó. Nó là quá khứ đã lắng đọng, cách thức của nó đã hoàn toàn được biết rõ. Bạn đã đi trên chúng, bố mẹ bạn đã đi trên chúng, và cứ như thế mãi, ngược về tới Adam và Eve. Mọi người đều đã làm nó; không có khả năng đi sai. Với cái gì đó mới, lo âu, sợ hãi, sợ thất bại đi vào.

Đây là quyển thứ ba, trí quyển, là quyển của lo âu, căng thẳng. Nếu bạn phải chọn giữa quyển thứ hai và quyển thứ ba, chọn quyển thứ ba đi, đừng chọn quyển thứ hai. Mặc dầu không cần chọn giữa quyển thứ ba và thứ hai, bạn có thể chọn giữa quyển thứ ba và thứ tư; thế thì chọn quyển thứ tư. Bao giờ cũng chọn quyển cao hơn.

Nhớ lấy, khi tôi lên án tâm trí Ấn Độ, tôi không lên án Phật và tôi không lên án Krishna. Họ đã chọn quyển thứ tư: họ cũng yên bình, họ cũng thảnh thơi – nhưng thảnh thơi của họ tới từ việc loại bỏ bản thân thời gian, không phải bởi việc sống trong quá khứ. Họ hoàn toàn thảnh thơi, họ không lo âu, không thần kinh. Tâm trí họ là mặt hồ bình lặng không gợn sóng - nhưng không phải bởi việc chọn quyển thứ hai mà là bởi việc chọn quyển thứ tư; không phải bởi việc vẫn còn thấp hơn tâm trí mà bởi việc vượt ra ngoài tâm trí. Nhưng đó là cách thức mọi việc xảy ra.

Mọi người đã thấy Phật ở Ấn Độ, và họ đã thấy im lặng, và họ đã thấy rằng cuộc sống có thể được sống trong thảnh thơi đó... sao không sống cuộc sống như vậy? Nhưng họ đã không nỗ lực gì để đi tới giai đoạn thứ tư. Ngược lại, họ rơi lại giai đoạn thứ ba và lắng đọng vào giai đoạn thứ hai. Nó cho một cái gì đó giống như im lặng của Phật; nhưng nó là ‘cái gì đó giống’, nó không đích xác là cái đó. Bao giờ cũng dễ dàng lắng đọng trong quá khứ và trở nên thuận tiện và thoải mái. Phật đã không lắng đọng với quá khứ; ông ấy thậm chí đã không đọng lại với tương lai. Ông ấy đã không đọng lại với bản thân thời gian - ông ấy đã loại bỏ thời gian, ông ấy đã loại bỏ tâm trí, cái tạo ra thời gian. Ông ấy đã loại bỏ bản ngã, cái tạo ra lo âu.

Người Ấn Độ đã chọn việc loại bỏ tương lai bởi vì điều đó dường như tạo ra lo âu: “Tương lai tạo ra lo âu sao? Bỏ tương lai đi.” Thế thì bạn sẽ thoái lui, bạn sẽ rơi lại vào trong trạng thái trước đó. Loại bỏ bản ngã, và thế thì bạn vượt ra ngoài.

Quyển thứ ba giống như điều Patanjali gọi là thức dậy. Quyển thứ nhất là ngủ, quyển thứ hai là mơ, quyển thứ ba là thức dậy - thức dậy của bạn tất nhiên không phải là thức dậy của vị Phật. Cái gọi là thức dậy của bạn: mắt mở nhưng mơ vẫn lang thang bên trong bạn; mắt mở nhưng giấc ngủ vẫn có bên trong bạn. Bạn vẫn tràn đầy ngủ ngay cả khi bạn thức. Đây là trạng thái thứ ba. Và nó bao giờ cũng có ích; nếu bạn trở nên mệt mỏi trong ngày, bạn rơi vào giấc mơ - nó cho bạn thảnh thơi. Thế rồi bạn rơi vào giấc ngủ sâu; nó cho bạn thảnh thơi còn nhiều hơn. Sáng dậy bạn lại tươi tắn. Bạn rơi xuống để trở thành yên bình bởi vì đó là điều bạn đã biết, và điều đó có đấy trong hệ thống của bạn; bạn không thể đi vào trong nó.

Trạng thái thứ tư phải được tạo ra; nó không có trong hệ thống của bạn. Nó là tiềm năng của bạn nhưng bạn chưa bao giờ ở trong nó trước đây. Nó là gian khó, nó là đi ngược dòng, đi lên dốc. Trạng thái thứ tư là Christ quyển - bạn có thể gọi nó là Phật quyển, nó mang cùng nghĩa; bạn có thể gọi nó là Krishna quyển, nó mang cùng nghĩa. Với trạng thái thứ ba có một loại tự do, tự do giả, tự do được biết tới như chọn lựa. Điều này cần phải được hiểu, nó có tầm quan trọng lớn.

Tại giai đoạn thứ ba bạn đơn giản có một loại tự do giả, và tự do đó là tự do của chọn lựa. Chẳng hạn, bạn nói, “Đất nước tôi tự do tôn giáo.” Điều đó có nghĩa là bạn có thể chọn lựa: bạn có thể đi nhà thờ hay tới đền thờ, và quốc gia cùng luật pháp của nó sẽ không tạo ra rắc rối nào cho bạn. Bạn có thể trở thành người Mô ha mét giáo hay Hindu giáo hay Ki tô giáo - bạn có thể chọn. ‘Đất nước tự do’ nghĩa là bạn có thể chọn cuộc sống của mình, nơi bạn muốn sống, điều bạn muốn làm, điều bạn muốn nói. Việc chọn cách bầy tỏ, tự do - rằng bạn có thể nói bất kì điều gì bạn thích, rằng bạn có thể làm bất kì cái gì bạn thích, rằng bạn có thể chọn bất kì kiểu cách tôn giáo hay chính trị nào; bạn có thể là cộng sản, bạn có thể là phát xít, bạn có thể là tự do, bạn có thể là dân chủ, và là tất cả những cái vô nghĩa đó. Bạn có thể chọn. Đấy chỉ là tự do giả. Tại sao tôi gọi nó là tự do giả? - bởi vì một tâm trí tràn đầy những ý nghĩ thì không thể tự do được.

Nếu bạn đã sống năm mươi năm và tâm trí bạn đã được qui định bởi bố mẹ bạn và thầy giáo cùng xã hội, bạn có cho là bạn có thể chọn được không? Bạn sẽ chọn lựa từ giáo dưỡng của mình. Việc chọn lựa xảy ra thế nào? Trước hết, bạn đã bị ước định rồi. Cũng giống như khi bạn thôi miên ai đó. Bạn có thể lấy ai đó làm Santosh, người thôi miên của chúng ta, và người ấy có thể thôi miên người kia và bảo người kia, “Sáng mai anh sẽ ra chợ và anh sẽ mua loại thuốc lá nào đó, nhãn hiệu nào đó.” Người ấy có thể gợi ý điều này cho người đang trong thôi miên sâu. Sáng mai người này sẽ dậy và người này sẽ chẳng có ý tưởng gì rằng mình sắp đi mua một loại thuốc lá nào đó ngoài chợ, bởi vì việc ước định đã đi vào trong vô thức, đã được đặt vào trong vô thức. Tâm trí có ý thức của người ấy không nhận biết. Người ấy thậm chí sẽ không có ý tưởng gì về việc tại sao người ấy lại đi ra chợ. Nhưng người ấy sẽ thấy giải thích hợp lí nào đó: người ấy sẽ nói, “Ta đi chợ hôm nay.” Tại sao lại hôm nay? Người ấy sẽ nói, “Đây là tự do của ta. Khi nào ta muốn đi thì ta đi. Anh là ai mà ngăn cản ta? Đây là tự do của ta.” Và anh ta thì không nhận biết, hoàn toàn không nhận biết rằng đây không phải là tự do chút nào. Và người ấy sẽ ra chợ với ý tưởng rằng mình là tự do, và người ấy thậm chí có thể còn không nghĩ dù chỉ một khoảnh khắc rằng mình định mua một loại thuốc lá nhãn hiệu nào đó. Thế rồi bỗng nhiên người ấy bắt gặp một cửa hiệu và tự nhủ mình, “Sao không mua một gói thuốc lá nhỉ? Đã lâu rồi mình không hút thuốc.” Và người ấy nghĩ rằng người ấy đang nghĩ điều đó! Và người ấy vào hiệu và nói, “Cho tôi bao ba số.” Tại sao lại không là Panama? Tại sao không Wills? Tại sao không Berkeley? Người ấy sẽ nói, “Đây là sự chọn lựa của tôi! Tôi tự do chọn lựa!” Và người ấy sẽ mua bao 555, và người ấy vẫn còn tự do - ít nhất trong ý tưởng của mình. Người ấy không tự do, người ấy đã bị ước định.

Bạn đã bị ước định là người Hindu, người Ki tô giáo, là người Mô ha mét giáo, là người Ấn Độ, là người Trung quốc, là người Đức - làm sao bạn có thể tự do được? Bạn đã bị ước định bởi bố mẹ bạn, bởi xã hội bạn, bởi hàng xóm bạn, bởi trường học, cao đẳng, đại học - làm sao bạn có thể tự do được? Tự do của bạn là tự do giả. Nó là hư huyễn - nó chỉ cho bạn cái cảm giác tự do và làm cho bạn hạnh phúc; ngoài ra thì chẳng có tự do nào trong nó cả. Khi bạn tới nhà thờ bạn có đi từ tự do của mình không? Khi bạn tới đền thờ Hindu bạn có đi từ tự do của mình không? Nhìn vào trong nó và bạn sẽ thấy nó không bắt nguồn từ tự do; bạn đã được sinh ra trong một gia đình Hindu.

Đôi khi điều này có thể xảy ra - bạn sinh ra trong một gia đình Ki tô giáo và bạn vẫn muốn tới đền thờ Hindu. Điều đó nữa cũng là ước định - một loại khác. Có thể bố mẹ bạn cũng là Ki tô giáo, quá nhiều là đằng khác, và bạn không thể nào hấp thu nổi cái vô nghĩa nhiều như thế. Có một giới hạn. Bạn trở nên đối kháng, bạn bắt đầu nổi loạn chống lại nó; bạn trở thành kẻ phản động. Họ hay kéo bạn tới nhà thờ. Và họ mạnh mẽ, còn bạn chỉ là đứa trẻ nhỏ, và bạn chẳng thể làm gì được; bạn bất lực.

Nhưng bạn bao giờ cũng nghĩ, “Ta sẽ cho biết tay.” Cái ngày bạn trở nên mạnh mẽ, bạn chấm dứt việc tới nhà thờ. Bây giờ ý tưởng, “Ta sẽ cho biết tay,” đã được khắc ghi bởi ám ảnh của họ với nhà thờ. Nó lại là thôi miên - theo chiều ngược lại, nhưng nó vẫn là thôi miên. Bạn đang phản ứng, bạn không tự do. Nếu bạn muốn đến nhà thờ, bạn sẽ không thể tới đó được, bạn sẽ thấy mình bị kéo ra xa. Và bạn sẽ không tới bởi vì đây là nhà thờ mà bố mẹ bạn hay đưa bạn tới. Bạn không thể tới nhà thờ này; bạn sẽ trở thành người Hindu. Bạn sẽ bắt đầu làm những điều mà bố mẹ bạn chẳng bao giờ muốn bạn làm chỉ để cho họ biết. Đây là phản ứng. Việc thứ nhất là vâng lời, việc thứ hai là bất phục, nhưng không có tự do trong cả hai việc này.

Và một điều nữa: không chỉ là vấn đề ước định mà bạn không tự do. Khi bạn chọn giữa hai điều - có thể chẳng ai ước định bạn về hai điều đó; có hàng triệu thứ bạn chẳng bị ước định chút nào. Khi bạn chọn giữa hai điều, chọn lựa của bạn lại bắt nguồn từ lẫn lộn, và từ lẫn lộn không thể có tự do. Bạn muốn cưới cô gái này hay khác - làm sao bạn chọn được đây? Bạn lẫn lộn.

Hàng ngày tôi đều nhận được thư từ mọi người: “Tôi bị giằng xé giữa hai người phụ nữ. Tôi phải làm gì đây? Người phụ nữ này có thân hình đẹp, cân đối, có mắt rất, rất đẹp, mọi loại duyên dáng; thân thể rung động, toả sáng, sinh động - nhưng về tâm lí cô ấy cực xấu. Người phụ nữ kia đẹp về tâm lí, nhưng hình thể lại xấu. Bây giờ phải làm gì?” Và bạn bị giằng xé.

Tôi đã nghe nói về một người đang nghĩ đến lấy vợ. Anh ta yêu một người đàn bà, nhưng cô này rất nghèo. Cô ấy đẹp, nhưng cô ấy rất nghèo. Và một người đàn bà khác lại yêu anh ta, cô này rất giầu nhưng rất xấu. Nhưng một thứ đẹp trong cô ấy nữa - giọng nói cô ấy, tiếng nói cô ấy. Cô ấy là một ca sĩ lớn.

Bây giờ anh ta bị giằng xé. Người đàn bà đẹp không có giọng nói đó, tiếng hát đó; mà anh chàng lại mê nhạc. Cô ấy có khuôn mặt đẹp, nhưng thân hình không quan trọng lắm so với tiếng nói đối với anh chàng. Và thế là anh ta thật đáng thương, và anh ta cần người đàn bà đem lại nhiều tiền để cho có an toàn; anh ta có thể đi vào âm nhạc toàn bộ, toàn tâm, để cho anh ta không phải lo nghĩ về tiền bạc và mọi thứ như thế. Anh ta muốn cống hiến toàn bộ cuộc đời cho âm nhạc. Người đàn bà đó có hai thứ: tiền bạc và giọng hát hay - nhưng cô ấy lại xấu cực kì. Rất khó nhìn vào cô ấy, khuôn mặt cô ấy trông kinh khủng. Người đàn bà nghèo thì đẹp, nhưng giọng cô ấy bình thường và cô ấy không có tiền. Cho nên nếu anh chàng chọn cô này, anh ta sẽ phải vứt bỏ chuyện tình với âm nhạc. Anh ta sẽ phải trở thành thư kí trong một văn phòng đần độn nào đó, hay thầy giáo hay cái gì đó. Và thế thì anh ta không thể cống hiến bản thân mình cho âm nhạc được. Âm nhạc cần cống hiến hoàn toàn, âm nhạc là hoa khôi rất ghen tị - nó không cho phép bạn đi đâu cả, nó muốn cuốn hút bạn hoàn toàn, toàn bộ. Cho nên anh ta bị giằng xé. Và cuối cùng tình yêu âm nhạc thắng, và anh ta cưới người đàn bà xấu.

Anh ta về nhà, họ đi ngủ. Bóng đêm thì tốt vì anh ta không nhìn vào người đàn bà, cho nên không có vấn đề gì. Nhưng sáng hôm sau, khi tia nắng mặt trời lọt vào và anh ta tỉnh dậy, và anh ta nhìn vào khuôn mặt người đàn bà này, nó trông mới kinh làm sao. Anh ta lay mạnh cô ấy và nói, “Hát đi! Hát ngay đi! Hát ngay lập tức!” - chỉ để bảo vệ mình khỏi cái xấu đó. Mọi người viết cho tôi: “Chúng tôi bị giằng xé giữa hai người phụ nữ, hay giữa hai người đàn ông. Chúng tôi phải làm gì?”

Lẫn lộn này nảy sinh bởi vì bạn có động cơ. Có một động cơ: tiền bạc, âm nhạc, an toàn. Không có tình yêu; đó là lí do tại sao bạn bị giằng xé. Nếu tình yêu có đó, tình yêu mãnh liệt có đó, tình yêu đam mê có đó, thì sẽ không có chọn lựa. Bản thân đam mê đó sẽ quyết định. Bạn sẽ không chọn lựa, bạn sẽ không bị giằng xé. Nhưng mọi người không thông minh như thế và không mãnh liệt đến như thế. Họ sống rất hờ hững, làng nhàng; họ không sống mãnh liệt; các kiếp sống của họ không có lửa.

Tự do thực sự xảy ra chỉ khi cuộc sống bạn trở nên toàn bộ đến mức trong từng khoảnh khắc không cần phải quyết định; cái toàn bộ đó quyết định. Bạn có hiểu tôi không? - bản thân tính toàn bộ đó quyết định. Bạn không đối diện với hai khả năng: lấy người đàn bà này hay khác. Trái tim bạn là toàn bộ với một người. Không có động cơ cho nên bạn không bị phân chia, và không có lẫn lộn. Nếu bạn quyết định từ lẫn lộn, bạn sẽ tạo ra xung đột. Lẫn lộn sẽ đưa bạn vào trong lẫn lộn sâu hơn. Đừng bao giờ quyết định từ lẫn lộn.

Đó là lí do tại sao Krishnamurti cứ nói mãi về vô chọn lựa. Vô chọn lựa là tự do. Bạn không chọn, bạn đơn giản trở thành mãnh liệt toàn bộ. Bạn chỉ trở thành tuyệt đối tỉnh táo, nhận biết, chăm chú. Chẳng hạn, bạn đang lắng nghe tôi: bạn có thể nghe theo cách hờ hững - nửa ngủ, nửa thức, uể oải, nghĩ tới cả nghìn lẻ một thứ, lập kế hoạch, đêm trước vẫn còn treo quanh bạn, lơ lửng cả nghìn lẻ một kiểu - và bạn còn đang nghe nữa. Thế thì có vấn đề về liệu tôi đang nói chân lí hay không. Nếu bạn nghe say mê, nếu bạn hoàn toàn ở đây và bây giờ, chính đam mê đó sẽ quyết định.

Trong cái mãnh liệt đó bạn sẽ biết chân lí là gì. Nếu tôi nói điều gì đó đúng, nó lập tức sẽ dội vào tim bạn. Bởi vì bạn sẽ thông minh thế, làm sao bạn có thể để lỡ nó được? Và nếu có điều gì đó không đúng, bạn sẽ thấy ra ngay lập tức. Cái nhìn sẽ tới, ngay lập tức. Sẽ không có quyết định về phần bạn: “Mình có nên theo người này hay không?” Điều đó là từ lẫn lộn. Bạn đã không nghe, bạn đã không thấy tôi.

Thấy cho trúng vấn đề đi! Với chân lí bạn không cần đồng ý hay không đồng ý. Chân lí phải được nghe một cách toàn bộ, với nhạy cảm, tất cả là vậy. Và chính nhạy cảm đó quyết định. Bạn thấy, bạn lập tức cảm thấy chân lí của nó. Trong chính cái cảm đó bạn đã đi vào trong chân lí - không phải là bạn đồng ý hay không đồng ý; không phải là bạn đã bị tôi thuyết phục, bị tôi làm chuyển đổi. Tôi không chuyển đổi bất kì ai; chân lí chuyển đổi.

Và chân lí không phải là niềm tin, và chân lí không phải là lí lẽ; chân lí là sự hiện diện. Nếu bạn hiện diện, bạn sẽ cảm thấy nó. Nếu bạn không hiện diện, bạn sẽ không cảm thấy nó. Cho nên ở giai đoạn thứ ba, trí quyển, có tự do giả. Từ lẫn lộn, bạn quyết định; do đó lẫn lộn cứ tăng thêm mãi. Lẫn lộn đem tới xung đột, bởi vì bao giờ cũng có hai mặt trong bạn - làm cái này hay làm cái khác, hiện hữu hay không hiện hữu. Và bất kì cái gì bạn quyết định, phía bên kia sẽ vẫn còn đấy và chờ đợi tới thời điểm của nó để báo thù. Tự do xảy ra chỉ tại giai đoạn thứ tư.

Christ quyển là giai đoạn thứ tư. Với christ quyển, vô trí đi vào sự tồn tại - vô trí của Phật, của Christ, không phải của hòn đá. Với giai đoạn thứ tư tâm thức tới, không có trung tâm, không có cái ta trong đó; chỉ tâm thức thuần khiết không biên giới cho nó, tâm thức vô hạn. Thế thì bạn không thể nói “Tôi là tâm thức.” Không có ‘tôi’ cho nó, đấy chỉ là tâm thức. Nó không có tên tuổi và hình dạng. Nó là cái không, nó là trống rỗng. Với tâm thức này, suy nghĩ là không cần thiết; sáng suốt bắt đầu vận hành, trực giác bắt đầu vận hành.

Trí tuệ sống theo hướng dẫn. Người khác phải dạy bạn - đó là hướng dẫn là gì. Trực giác chẳng ai dạy cho bạn cả: nó tới từ bên trong, nó trưởng thành ra từ bạn, nó là việc nở hoa của bản thể bạn. Đây là phẩm chất của tâm thức được gọi là thiền, trực giác, sáng suốt, tâm thức không có trung tâm, vô thời gian; hay bạn có thể gọi nó là bây giờ, hiện tại. Nhưng nhớ lấy, nó không phải là hiện tại giữa quá khứ và tương lai; nó là hiện tại trong đó quá khứ và tương lai cả hai cùng tan biến.

De Chardin gọi nó là ‘điểm omega’, Phật gọi nó là niết bàn, người Jaina gọi nó là moksha, Christ gọi nó là ‘Thượng đế cha’. Đấy là những cái tên khác nhau. Toàn bộ bản kinh này liên quan tới việc chuyển từ giai đoạn thứ ba sang giai đoạn thứ tư, từ trí quyển sang Christ quyển, từ trí tuệ sang thông minh, từ tự ý thức sang không tự ý thức. Giai đoạn thứ ba giống như tỉnh dậy, tỉnh dậy thông thường, và giai đoạn thứ tư là điều Patanjali gọi là turiya, ‘cái thứ tư’. Ông ấy không cho nó bất kì tên nào, và điều đó dường như rất đẹp. Gọi nó là ‘christ quyển’, và nó có vẻ Ki tô giáo; gọi nó là ‘Krishna quyển’ và nó có vẻ Hindu giáo; gọi nó là ‘Phật quyển’ và nó có vẻ Phật giáo. Patanjali là rất, rất thuần khiết; ông ấy đơn giản gọi nó là ‘cái thứ tư’. Điều đó hàm chứa mọi thứ. Ông ấy không cho nó một tên đặc biệt. Với ba giai đoạn ông ấy đặt ba cái tên vì chúng có hình dạng, và bất kì khi nào có hình dạng thì tên có liên quan. Vô hình không thể có tên nào - turiya, ‘cái thứ tư’.

Toàn bộ Kinh Prajnaparamita là nói về việc chuyển từ giai đoạn thứ ba sang giai đoạn thứ tư. Sariputra ở tại đỉnh của giai đoạn thứ ba: trí quyển - suy ngẫm, suy nghĩ, tự ý thức. Ông ấy đã đi tới đỉnh cao nhất trong giai đoạn thứ ba, ông ấy đã đạt tới điểm tối đa của nó. Không còn hơn cho nó. Ông ấy đang đứng trên đường biên.

Do đó, này Sariputra...

Phật đang đứng bên ngoài đường biên này và gọi Sariputra lại: “Lại đây... lại đây... và lại đây...” Toàn bộ bản kinh này được cô đọng hôm nay trong lời kinh cuối này. Tất cả những lời kinh, cho tới nay, đều chỉ chuẩn bị cho đỉnh cao cuối này.

Tasmaj jnatavyam: prajnaparamita maha-mantro mahavidyamantro

‘nuttara-mantro’ samasama-mantrah...

Do đó người ta nên biết tới...

Tasmaj inatavyam...

... Do đó điều duy nhất đáng biết là điều này. Đây là kết luận của toàn bộ đối thoại đẹp đẽ này. Đối thoại này là giữa hai năng lượng, Phật và Sariputra, vì Sariputra không nói lấy một lời. Đây là đối thoại cao siêu hơn nhiều đối thoại đã có giữa Arjuna và Krishna trong Gita, vì Arjuna nói điều gì đó. Đấy là lời nói. Arjuna giống như sinh viên nhiều hơn là đệ tử. Ông ấy trở thành đệ tử chỉ vào chính lúc cuối. Khi ông ấy trở thành đệ tử, Krishna trở thành thầy. Nếu đệ tử không là đệ tử, làm sao thầy có thể là thầy? Nếu đệ tử chỉ là sinh viên, thầy cũng chỉ là thầy giáo.

Nơi Gita kết thúc, đó là điểm mà Kinh Prajnaparamita bắt đầu. Sariputra là một đệ tử: im lặng hoàn toàn, không thốt ra lấy một lời, thậm chí chẳng hỏi lấy một câu hỏi - không bằng lời. Ông ấy là khách, không phải người hỏi. Toàn bộ bản thể ông ấy đang hỏi, không phải tâm trí ông ấy. Ông ấy không nói thành lời; sự tồn tại của ông ấy là một dấu hỏi. Ông ấy đứng trước Phật, toàn bộ bản thể ông ấy đang khát bỏng, trên lửa, đang cháy. Thấy trạng thái của ông ấy, Phật cứ nói những điều theo ý riêng của mình. Không phải là đệ tử phải hỏi; thầy biết khi nào đệ tử cần. Thầy biết rõ hơn bản thân đệ tử nhiều về nhu cầu của đệ tử là gì. Đệ tử phải đợi. Có thể Sariputra đã đợi trong nhiều năm, trong gần hai mươi năm, cho khoảnh khắc này - khi thầy sẽ thấy cái nhu cầu, khi thầy sẽ cảm thấy ao ước và khát khao tha thiết của đệ tử, khi đệ tử xứng đáng nhận lấy món quà từ thầy. Cái ngày đó đã tới, khoảnh khắc may mắn đó đã tới.

Tasmaj inatavyam...

Phật nói, “Do đó, này Sariputra, đây là điều duy nhất đáng biết.” Và bây giờ ông ấy cô đọng toàn bộ thông điệp của ông ấy vào một vài lời nhỏ, vào một câu nhỏ nhất, vào một câu mật chú, vào một câu châm ngôn, vào một công thức. Đây là câu mật chú vĩ đại nhất, bởi vì Phật đã hàm chứa trong nó tất cả những điều cần thiết cho toàn bộ cuộc hành trình. Ông ấy đã đặt mọi thứ vào công thức nhỏ này, rất nhỏ này.

Do đó ... điều duy nhất đáng biết là... prajnaparamita như câu thần chú vĩ đại, câu thần chú của tri thức vĩ đại, câu thần chú tột cùng, câu thần chú vô song...

Phật ca ngợi nó giống như bất kì cái gì; ông ấy đi qua tất cả những điều tột bậc có thể. Ông ấy nói, “Đây là câu thần chú vĩ đại!” Thần chú, mật chú, có nghĩa là một công thức thần thông. Mật chú là gì cần phải được hiểu.

Mật chú là một việc rất, rất đặc biệt cần phải được hiểu. Nó là thần chú, một công thức thần thông. Nó hàm ý hiện tượng là bất kì cái gì bạn có được thì không thực sự có đó, còn bất kì cái gì bạn nghĩ bạn không có đó, thì lại có đó! Công thức thần thông là cần thiết. Vấn đề của bạn là không thật! - đấy là lí do tại sao công thức thần thông là cần tới.

Chẳng hạn... một chuyện ngụ ngôn:

Việc xảy ra: Một người rất sợ ma. Và không may là anh ta ngày nào cũng phải đi qua nghĩa địa, tới rồi đi. Và đôi khi anh ta về trễ, và trong đêm anh ta phải đi qua nghĩa địa. Nhà anh ta ở đằng sau nghĩa địa, rất gần nghĩa địa. Và anh ta sợ ma đến mức cuộc sống anh ta là sự tra tấn thường xuyên. Anh ta không thể nào ngủ được: cả đêm anh ta bị ma quấy nhiễu. Đôi khi chúng gõ cửa, đôi khi chúng đi bên trong nhà, và anh ta có thể nghe thấy tiếng bước chân chúng và tiếng thì thào của chúng.

Đôi khi chúng tới rất gần anh ta và anh ta thậm chí còn cảm thấy hơi thở của chúng. Anh ta thường xuyên trong địa ngục.

Anh ta tới một thầy và thầy nói, “Chẳng có gì đâu. Anh đến gặp đúng người rồi.” Cũng hệt như tôi nói với bạn vậy! “Lấy câu mật chú này - cái này là đủ, và anh không cần phải lo nghĩ. Anh chỉ cần đặt câu mật chú này vào một cái hộp vàng nhỏ và bao giờ cũng mang nó theo người. Anh có thể đeo nó quanh cổ.”

Nó giống hệt như trái tim lồng ảnh: nó là một câu mật chú; hay nó giống như cái hộp thần thông mà tôi đã trao cho các sannyasin, người sắp đi xa tôi. Nó là cái hộp thần thông, nó là câu mật chú.

Thầy nói, “Giữ lấy câu mật chú này. Anh thậm chí cũng chẳng cần lẩm nhẩm nó; nó công hiệu đến mức không cần phải lẩm nhẩm. Anh chỉ cần để nó trong hộp. Giữ nó cạnh mình và không con ma nào dám gây rắc rối cho anh.” Và điều đó thực sự xảy ra: hôm đó anh ta đi qua nghĩa địa cứ như là anh ta đi dạo buổi sáng. Trước đây chưa bao giờ dễ dàng được như vậy. Anh ta hay chạy thục mạng! Anh ta hay gào thét lên, và anh ta phải hát to khi đi qua. Hôm đó anh ta bước rất chậm rãi với cái hộp trong tay, và nó thực sự có tác dụng! Không có ma. Anh ta thậm chí còn đứng giữa nghĩa địa, chờ đợi ai đó tới, mà chẳng có con ma nào hiện ra cả. Chỗ đó hoàn toàn im lặng.

Thế rồi anh ta về nhà. Anh ta đặt cái hộp xuống dưới gối. Đêm đó chẳng ai gõ cửa, chẳng ai thì thào, chẳng ai đến gần anh ta cả. Đấy là lần đầu tiên trong đời anh ta ngủ ngon lành. Nó là là câu mật chú vĩ đại. Nhưng bây giờ anh ta trở nên quá gắn bó với cái hộp. Anh ta không thể bỏ nó ở bất kì đâu, cả ngày anh ta phải mang nó đi mọi nơi.

Người ta bắt đầu hỏi, “Sao anh cứ mang cái hộp này mãi thế?”

Còn anh ta nói, “Đây là an toàn của tôi, an ninh của tôi.”

Anh ta trở nên sợ đến mức bây giờ nếu ngày nào đó cái hộp này bị mất, “Mình sẽ gặp rắc rối lớn, và bọn ma kia sẽ báo thù!” Ăn - anh ta mang cái hộp. Và trong nhà vệ sinh - anh ta cũng mang theo cái hộp của mình. Làm tình với người đàn bà của mình - và anh ta cũng mang theo cái hộp. Anh ta sắp thành mất trí! Và bây giờ sợ hãi quá nhiều: nhỡ nó bị đánh cắp, nhỡ ai đó chơi xỏ hay nhỡ anh ta quên đâu đó, hay nhỡ điều gì xảy ra cho cái hộp, thì sao? “Thế thì trong nhiều tháng bọn ma đang lượn lờ để gây rắc rối cho mình! Chúng sẽ nhảy xổ vào mình từ mọi nơi, và chúng sẽ giết mình!”

Một hôm thầy hỏi về mọi việc diễn ra thế nào. Anh ta nói, “Mọi việc đều tốt. Mọi thứ đều hoàn toàn tốt, nhưng bây giờ tôi đang bị tra tấn bởi sợ hãi của riêng mình. Lần nữa tôi không thể ngủ được. Cả đêm tôi phải xem liệu cái hộp có còn đó hay không. Nhiều lần tôi phải tự thức dậy và tìm cái hộp. Và nếu đôi khi nó lăn chỗ nọ chỗ kia trên giường và tôi không thể tìm thấy nó... đáng sợ làm sao! Tôi hoảng cả hồn!”

Thầy nói, “Bây giờ ta sẽ cho anh câu mật chú khác. Anh vứt cái hộp này đi.”

Thế là anh ta nói, “Vậy thì làm sao tôi tự bảo vệ mình khỏi ma được?”

Thầy nói, “Chúng không có đó. Cái hộp này chỉ là điều vô nghĩa. Bọn ma đó không có; đó là lí do tại sao cái hộp lại có tác dụng. Ma đó chỉ là tưởng tượng của anh. Nếu chúng có thực, chúng sẽ chẳng sợ gì cái hộp cả. Đấy chỉ là ý tưởng của anh, bọn ma đó là ý tưởng của anh. Bây giờ anh đã có một ý tưởng tốt hơn, bởi vì anh đã có thầy. Và thầy đã trao cho anh cái hộp, câu thần chú. Bây giờ hiểu nhiều hơn: ma không có đó, đó là lí do tại sao cái hộp này lại có ích. Bây giờ không cần phải quá bị ám ảnh bởi cái hộp. Vứt nó đi thôi!”

Mật chú là câu thần chú để ném đi những thứ mà không thực có đấy. Chẳng hạn, câu mật chú sẽ giúp cho bạn loại bỏ bản ngã. Bản ngã là ma, chỉ là ý tưởng. Đó là lí do tại sao tôi nói với bạn rằng tôi ở đây để lấy đi những cái không phải là thực với bạn, và để trao cho bạn những cái thực sự có đó rồi. Tôi ở đây là để trao cho bạn cái mà bạn đã có, và tôi phải lấy đi cái mà bạn chưa hề có nhưng bạn cứ nghĩ rằng bạn có. Khổ của bạn, đau của bạn, tham vọng của bạn, ghen tị của bạn, sợ hãi của bạn, tham lam, căm giận, gắn bó - tất cả những cái đó đều là ma cả.

Câu mật chú chỉ là mẹo, phương lược để giúp bạn loại bỏ các bóng ma của mình. Một khi bạn đã loại bỏ những bóng ma đó thì mật chú cũng phải bị loại bỏ theo. Người ta không cần phải mang câu mật chú thêm nữa vào khoảnh khắc người ta cảm thấy rằng ma đã biến mất. Và thế thì bạn sẽ cười vào toàn bộ cái ngớ ngẩn này: ma là giả và mật chú cũng giả nốt - nhưng nó có ích.

Chuyện xảy ra: Một người có một ý tưởng trong mơ rằng một con rắn đã chui vào mồm mình, và nó vẫn có đó trong dạ dầy mình. Và anh ta còn cảm thấy rắn bò trong đó. Bạn biết các con rắn như thế, mọi người đều biết. Và anh ta trở nên rất bồn chồn. Anh ta tới các bác sĩ, rồi đi chiếu tia X, nhưng... Anh ta sẽ nói, “Nó đây này, ngay cả tia X cũng chẳng chiếu ra nó. Không hề gì. Tôi đang đau, cái đau của tôi là thật.”

Thế rồi anh ta tới thầy Sufi. Ai đó nói, “Anh nên tới chỗ thầy Sufi. Chỉ thầy mới có thể giúp cho việc này. Bác sĩ chẳng ích gì được mấy đâu. Họ chữa bệnh thật; thầy chữa bệnh không thật. Anh đến thầy đi.”

Thế là anh ta tới, và thầy nói, “Được, ta sẽ làm điều gì đó. Sáng mai nó sẽ ra thôi.”

Sáng hôm sau thầy thu xếp điều đó: ông ta tìm một con rắn, đưa nó cho vợ anh ta và nói, “Thu xếp để cho khi dậy vào buổi sáng thì anh ta sẽ thấy rắn đang bò ra trên giường.”

Và người này la hét ầm ĩ, anh ta cười phá lên và nhảy khỏi giường, “Đây rồi! Nó đây rồi! Con rắn kia! Và những tên bác sĩ đần độn kia: cứ nói rằng chẳng có rắn, chẳng có gì. Thế mà nó đây này!” Nhưng từ ngày đó thì vấn đề này cũng biến mất. Đây là mật chú. Vấn đề thực tế là không có thực.

Tất cả các vấn đề của bạn đều là bịa đặt của bạn. Câu mật chú là chiến lược để loại bỏ đi ảo tưởng của bạn, và khi những ảo tưởng này đã bị loại bỏ đi rồi, cái còn lại đằng sau là chân lí. Câu mật chú này chỉ lấy đi cái giả dối. Nhưng thế cũng đủ. Một khi cái giả dối bị lấy đi, một khi cái giả dối đã được hiểu là sai lầm, thì chân lí phát sinh. Và chân lí giải thoát. Chân lí là giải thoát.

Phật nói:

... prajnaparamita như câu thần chú vĩ đại, câu thần chú của tri thức vĩ đại, câu thần chú tột cùng, câu thần chú vô song - sarva dubkha prasamanab - làm dịu đi tất cả đau khổ Phật nói câu mật chú nhỏ này tiềm năng thế, nó là đủ cho tất cả mọi đau khổ của bạn. Chỉ câu mật chú này sẽ có tác dụng, sẽ đưa bạn tới bến bờ xa hơn.

... satyam amithyatvat trong chân lí - vì cái gì còn có thể đi sai được?

Phật nói nó sẽ chỉ ra cho bạn cái giả là cái giả. Và khi bạn biết đến chân lí, thế thì cái gì có thể đi sai được? Thế thì chẳng cái gì có thể đi sai được - satyam amithyatvat. Từ amithya này bắt nguồn từ gốc mithya. Mithya nghĩa là giả tạo, amithya nghĩa là không giả tạo. Từ mithya tồn tại trong từ tiếng Anh ‘myth’ - huyền thoại.

Huyền thoại có nghĩa là giả. Huyền thoại bắt nguồn từ cùng gốc, mithya. Huyền thoại là cái xuất hiện nhưng không thực.

Trong một từ tiếng Anh khác, ‘miss’ - lầm lỡ, như trong ‘to miss’ cũng có cùng nguồn gốc, mithya. Hiểu lầm misunderstanding - cái ‘mis’ đó có nguồn gốc từ mithya. Hay khi chúng ta nói, “Anh ấy lỡ,” thì cái lỡ ‘to miss’ đó cũng có nguồn gốc từ mithya.

Chân lí là cái mà chúng ta cứ bỏ lỡ hoài. Chúng ta cứ bỏ lỡ hoài bởi vì chúng ta cứ níu bám vào cái giả. Chúng ta bỏ lỡ chân lí bởi vì chúng ta bám lấy cái giả. Nếu chúng ta bỏ cái giả thì chẳng có việc bỏ lỡ gì hết cả. Và đó là ý nghĩa gốc rễ của từ tội lỗi - sin - nữa. ‘Sin’ - tội lỗi- có nghĩa là bỏ lỡ, bỏ lỡ mục tiêu. Bất kì khi nào bạn níu bám lấy cái giả, bạn phạm phải tội lỗi, vì với việc níu bám lấy nó, bạn bỏ lỡ chân lí.

Bạn níu bám lấy ý tưởng về Thượng đế và đó là điều giả. Tất cả các ý tưởng đều giả hết. Bạn bám lấy một ý tưởng nào đó về Thượng đế và đó là rào chắn của bạn. Phật nói câu mật chú này sẽ loại đi tất cả các rào chắn của bạn; nó sẽ cho bạn chỉ mỗi cái không. Trong cái không, chân lí nảy sinh, bởi vì không có gì cản trở. ‘Cái không’ có nghĩa là không có gì cản trở thêm nữa - tất cả các ý tưởng giả tạo đều đã bị loại bỏ trên con đường. Bạn chỉ là trống rỗng, bạn chỉ là tiếp nhận, cởi mở; bạn đi tới chân lí với trống rỗng, trần trụi, hở huếch - đó là cách duy nhất để tới với nó. Thế chì chẳng cái gì có thể đi sai được.

... prajnaparamitayam ukto mantrah -

Với prajnaparamita câu thần chú này đã được chuyển giao. Và Phật nói, “Ta đã trao cái cuối cùng, cái tối thượng trong nó. Không có gì hơn nó nữa, và không có khả năng nào thêm nữa để cải thiện nó.” Và tôi cũng nói với bạn: Không có khả năng nào thêm nữa để cải thiện nó. ‘Không’ là câu mật chú vĩ đại nhất. Nếu bạn có thể đi vào trong cái không, thế thì chẳng cần thêm cái gì khác nữa. Và đó là toàn bộ thông điệp của Kinh Prajnaparamita.

tadyatha... Nó nói như thế này:

Bây giờ Phật cô đọng toàn bộ kinh sách, toàn bộ đối thoại, toàn bộ thông báo vào trong vài từ. tadyatha... Nó nói như thế này:

gate gate paragate parasamgate bodhi svaha:

Vượt ra, vượt ra, vượt ra ngoài, vượt ra ngoài tất cả,

Ôi xin chào sự thức tỉnh!

Phật dùng từ ‘vượt ra’ đến bốn lần. Đây là bốn điều mà ông ấy dùng ‘vượt ra’ để nói tới: địa quyển, sinh quyển, trí quyển và christ quyển. ‘Vượt ra’ - vượt ra khỏi vật chất, vượt ra khỏi thân thể, vượt ra khỏi cái thấy được, cái đong đếm được. Ông ấy lại dùng ‘vượt ra’ lần thứ hai - vượt ra khỏi cuộc sống, cái gọi là bánh xe sinh tử. ‘Vượt ra ngoài’, lần thứ ba ông ấy dùng ‘vượt ra’ - bây giờ vượt ra ngoài tâm trí, ý nghĩ, suy nghĩ, cái ta, bản ngã. ‘Vượt ra ngoài tất cả’ - bây giờ ông ấy dùng nó lần thứ tư... thậm chí còn vượt ra ngoài cõi bên kia, vượt ra ngoài christ quyển. Bây giờ ông ấy đã đi vào trong cái không được tạo ra.

Cuộc sống đã đi được một vòng tròn trịa. Đây là điểm omega, và đây cũng là điểm alpha nữa. Đây là biểu tượng mà bạn chắc phải đã thấy trong nhiều cuốn sách, trong nhiều đền đài, trong các tu viện cũ - biểu tượng về con rắn ngậm đuôi trong mồm.

Vượt ra, vượt ra, vượt ra ngoài, vượt ra ngoài tất cả, Bạn đã về đến nhà.

Ôi xin chào sự thức tỉnh!

Satori đây rồi! Samadhi đây rồi! Đây là sự thức tỉnh, phật tính...

Xin chào tất cả! Ngợi ca!

Bạn có thể hỏi Aneeta: cô ấy cứ hát mãi ‘Ngợi ca’. Đây là sự ngợi ca. Đây là trạng thái của việc ngợi ca: khi tất cả đã bị vượt ra, khi tất cả đã biến mất và chỉ còn lại cái không thuần khiết. Đây là phúc lành - ngợi ca! Đây là cực lạc mà mọi người đều đang tìm kiếm. Dù phải hay trái, nhưng mọi người đều đang tìm kiếm cực lạc này.

Bạn là vị Phật, và bạn cũng chưa là vị Phật: đó là cái khó xử, đó là điều nghịch lí. Bạn được nói tới là vị Phật nhưng bạn lại đang bỏ lỡ. Lời kinh này bắc cầu cho bạn, lời kinh này giúp bạn trở thành cái mà bạn được mang định mệnh phải trở thành. Lời kinh này giúp cho bạn hoàn thành bản thể mình. Nhớ lấy, lời kinh này không chỉ để được tụng niệm như nó đã từng được làm như vậy trong nhiều thế kỉ ở Trung quốc, Hàn quốc, Thái lan, Nhật bản, Ceylon. Người ta cứ lặp lại mãi: Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha. Việc lặp lại đó chẳng ích gì.

Câu mật chú này không phải chỉ để tụng niệm. Nó cần phải được hiểu, nó phải trở thành bản thể bạn. Cứ vượt ra ngoài mọi tên tuổi và hình dạng, cứ vượt ra ngoài mọi căn cước, cứ vượt ra khỏi mọi giới hạn. Cứ trở thành lớn hơn và lớn hơn nữa, khổng lồ, vô cùng. Ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn của bạn. Cứ vượt nữa ra...

Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha

Svaha là cách diễn tả cho cực lạc tối thượng. Nó không mang nghĩa gì cả; nó cũng hệt như alleluia ca ngợi vậy. Nó là lời tán thưởng vĩ đại của vui vẻ. Phúc lành đã xảy ra - bạn đã được thoả mãn, hoàn toàn thoả mãn.

Nhưng lời kinh này không chỉ để tụng niệm, nhớ lấy. Phật đã cô đọng nó lại trong vài từ để cho bạn có thể nhớ nó. Trong vài từ này ông ấy đã đặt vào toàn bộ thông điệp, thông điệp của toàn bộ cuộc sống của ông ấy.

Bạn là vị Phật, và chừng nào bạn còn chưa nhận ra điều đó như thế, bạn sẽ còn đau khổ. Lời kinh này tuyên bố bạn là vị Phật. Đó là lí do tại sao tôi bắt đầu những bài nói này bằng việc cúi chào vị Phật trong bạn. Tôi công bố các bạn đều là chư Phật! Nhận ra điều đó đi! Từ nhận ra thật là hay. Nó có nghĩa: chỉ cần quay lưng lại nhìn. Kính trọng bản thân mình đi. Từ kính trọng cũng hay: nó có nghĩa là chú ý, nhìn lại. Đó là điều Jesus ngụ ý khi ông ấy nói repent - ăn năn. Từ nguyên gốc Aramaic này ngụ ý quay lại; nó chẳng liên quan gì tới việc ăn năn theo nghĩa Ki tô giáo cả. Repent có nghĩa là quay lại - quay một trăm tám mươi độ. Patanjali gọi nó là pratiyahar - đi vào, rút vào nội tâm. Còn Mahavira thì gọi nó là pratikrama - đừng đi ra, đi vào, đi về nhà.

Lỗ hổng giữa bạn không thực và bạn thực hiển nhiên là lỗ hổng giả, bởi vì bạn là thực trong mọi lúc - chỉ mơ, suy nghĩ mới làm bạn là ai đó. Loại bỏ điều đó đi. Chỉ nhìn vào bạn là ai. Và đừng bị lừa dối bởi những niềm tin và ý thức hệ cùng các kinh sách và tri thức. Loại bỏ tất cả đi! Loại bỏ nó một cách vô điều kiện! Tháo dỡ tất cả những đồ đạc bạn đang mang trong con người mình. Tạo ra căn phòng trống rỗng ở đó, và căn phòng trống rỗng đó sẽ làm lộ ra chân lí cho bạn. Trong nhìn nhận đó, có svaha, có ngợi ca alleluia! Cực lạc vĩ đại bùng ra trong bài ca, trong điệu vũ, trong im lặng, trong sáng tạo.

Người ta chẳng bao giờ biết điều gì sắp xảy ra cả. Làm sao bạn bầy tỏ được cực lạc đó, người ta chẳng bao giờ biết cả; mọi người đều bầy tỏ theo cách của riêng mình - Jesus theo cách Jesus, Phật theo cách Phật, Meera theo cách cô ấy. Mọi người đều bầy tỏ theo cách riêng của mình. Ai đó trở thành hoàn toàn im lặng - im lặng là bài ca của người ấy. Ai đó bắt đầu hát - một Meera, một Chaitanya - hát là im lặng của họ. Ai đó nhảy múa - không biết làm sao nói lên nó, họ đi vào điệu vũ điên cuồng; đó là cách thức của người đó. Ai đó có thể vẽ, ai đó có thể soạn nhạc, ai đó có thể điêu khắc, hay ai đó sẽ làm cái gì đó khác. Có nhiều cách diễn đạt cũng nhiều như có mọi người vậy. Cho nên đừng bao giờ bắt chước; chỉ quan sát để cho cách diễn đạt của riêng mình xâm chiếm lấy bạn. Để cho vui vẻ svaha, ngợi ca alleluia thành cái của bạn, đích thực của bạn. Và điều đó xảy ra khi bạn là cái không.

Cái không là hương vị của toàn bộ lời kinh này. Trở thành không và bạn sẽ là tất cả. Chỉ người thua mới có thể là người thắng trong trò chơi này. Mất tất cả và bạn sẽ có tất cả. Níu bám, sở hữu, và bạn sẽ mất tất cả. Phật được biết tới như Mantra Adipatti, người ban tặng các câu thần chú; thầy thần chú, Mahaguru – nhưng không theo nghĩa mà từ này đã hạ thấp và trở thành điều bẩn thỉu. Trong thời hiện đại guru (thầy) đã trở thành một từ bốn chữ bẩn thỉu - không phải theo nghĩa đó. Krishnamurti nói rằng ông ấy dị ứng với các guru. Điều đó đúng.

Phật thực sự là một mahaguru. Từ guru mang nặng ý nghĩa với hạnh phúc, nặng với vui vẻ, với cực lạc, nặng với vui mừng svara; nặng như đám mây đầy cơn mưa, sẵn sàng tuôn trào xuống bất kì ai đang khát, sẵn sang chia sẻ. Guru mang nặng nghĩa hạnh phúc. Guru cũng có nghĩa là người phá huỷ bóng tối của người khác. Tôi không nói về cái gọi là các guru vẫn đang lang thang khắp thế giới. Họ chẳng phá huỷ bóng tối của bạn; họ áp đặt bóng tối của họ lên bạn, họ áp đặt dốt nát của họ lên bạn. Và những guru này mọc như nấm giống như mọi thứ khác. Bạn có thể tìm thấy họ ở mọi nơi: một cái nấm Muktananda nhú ra ở đây, một cái nấm Maharishi Yogi khác nhú ra ở kia - họ mọc ra như nấm khắp mọi nơi.

Guru là người làm cho bạn thành tự do. Guru là người trao cho bạn tự do. Guru là người giải thoát bạn. Phật là một trong các mahaguru. Thông điệp của ông ấy là điều vĩ đại nhất đã từng được truyền trao cho con người. Và kinh này là một trong những cách diễn đạt vĩ đại nhất của Phật. Ông ấy đã nói trong bốn mươi hai năm, và ông ấy đã nói nhiều điều, nhưng chẳng có gì sánh được với bản kinh này. Đây là điều duy nhất. Các bạn may mắn là đã ở đây để nghe nó và thiền về nó. Bây giờ may mắn hơn nữa đi - trở thành nó đi.

Đủ cho hôm nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho