Chương 16. Tôn giáo phi tôn giáo

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho
 
Phần III. Di sản

Tôi sẽ ra đi, nhưng tôi đang tạo ra một gợn sóng mà sẽ vẫn còn lại. Bạn sẽ ra đi, nhưng bạn đã yêu ai đó, và tình yêu ấy tạo ra một gợn sóng mà sẽ vẫn còn lại, vẫn còn lại, còn lại mãi. Nó không bao giờ có thể biến đi; nó sẽ có những âm vang của riêng nó… Nó sẽ tiếp tục rung động. Bạn ném một hòn sỏi nhỏ xuống hồ, và gợn sóng khởi lên. Hòn đá chìm rất nhanh xuống đáy hồ, song những gợn sóng vẫn tiếp tục. Chúng tiếp tục di chuyển về phía bờ – và sự hiện hữu này thì không có bờ bến.

Tôi đang nói chuyện với bạn… Trong khoảnh khắc này, một cái gì đó đang trải qua giữa bạn và tôi. Tôi sẽ ra đi, bạn sẽ ra đi, nhưng cái mà đang trải qua, sẽ còn lưu lại. Cho nên những lời này sẽ tiếp tục âm vang, tái âm vang. Người nói sẽ không còn ở đó, người nghe sẽ không còn ở đó, nhưng cái mà đang trải qua giữa hai người trong khoảnh khắc này đã trở nên thành phần của vĩnh cửu. Và không có bờ bến nào, cho nên những gợn sóng này sẽ tiếp tục, tiếp tục, tiếp tục mãi.

Chương 16. Tôn giáo phi tôn giáo

Tôi vẫn mãi không nhất quán, để cho bạn sẽ không bao giờ có thể tạo ra một giáo điều từ tôi. Bạn sẽ đơn giản 'phát khùng' nếu bạn cố gắng. Tôi đang để lại một cái gì đó thật sự khủng khiếp cho những nhà học giả; họ sẽ không thể hiểu mô tê gì về nó. Họ sẽ phát khùng – và họ đáng bị như thế, họ nên phát khùng! Nhưng không ai có thể tạo ra một giáo điều 'chính thống' từ tôi, điều đó là bất khả. Từ những lời của tôi, bạn có thể “ cháy sáng”, nhưng mà bạn sẽ không thể tìm ra bất cứ loại thần học, chủ nghĩa giáo điều nào.

Bạn có thể tìm thấy một lối để sống, chứ không phải một giáo điều để rao giảng. Bạn có thể tìm thấy một phẩm chất nổi loạn để hấp thụ, nhưng bạn sẽ không tìm thấy một chủ đề cách mạng để theo đó mà tổ chức. Những lời của tôi không chỉ đang bốc lửa, tôi cũng đang đặt thuốc nổ chỗ này chỗ kia, mà nó sẽ tiếp tục nổ trong nhiều thế kỷ. Tôi đang đặt thuốc nổ nhiều hơn số lượng cần thiết – tôi không bao giờ dựa vào những vận may. Hầu như mỗi câu nói của tôi đều có dự định tạo ra sự rắc rối cho bất cứ ai muốn tổ chức một tôn giáo xung quanh tôi.

Vâng, các bạn có thể có một cộng đồng lỏng lẻo, một công xã. Hãy nhớ cái từ 'lỏng lẻo': mọi người đều độc lập, mọi người đều tự do sống theo cách của riêng mình, thuyết minh tôi theo cách của riêng mình, tìm kiếm bất cứ cái gì anh ta muốn tìm kiếm. Anh ta có thể tìm kiếm cái cách mà anh ta muốn sống – và mọi người sống theo cách của chính mình.

Không cần phải quyết định tôn giáo của tôi là cái gì. Tôi đang để ngỏ nó – hai đầu. Bạn có thể 'chế ra' một định nghĩa cho chính bạn – nhưng nó chỉ dành cho riêng bạn thôi, và bạn sẽ phải liên tục thay đổi nó. Bạn không thể tiếp tục nắm giữ nó như một vật chết trong tay bạn. Bạn sẽ phải thay đổi nó, và nó sẽ tiếp tục thay đổi bạn một cách đồng thời.

Kytô giáo, Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo, Hồi giáo – đây chỉ là những ý thức hệ, những giáo điều, những tín điều; chúng chỉ là những 'tôn giáo sùng bái'. Tôn giáo đích thực không có tên gọi, nó không thể có một cái tên nào. Phật sống nó, Jesus sống nó – nhưng hãy nhớ, Jesus không phải là một người Kytô giáo, và Phật không phải là một người Phật giáo, Ngài chưa bao giờ nghe về cái từ đó. Những người tôn giáo đích thực chỉ đơn giản là tôn giáo, họ chưa từng giáo điều. Có 300 tôn giáo trên thế giới – đó là một chuyện hết sức phi lý! Nếu chân lý là một, làm thế nào có thể có đến 300 tôn giáo? Chỉ có 1 khoa học, nhưng tại sao lại có đến 300 tôn giáo?

Nếu khoa học về chân lý khách quan là một, thì tôn giáo cũng là một, bởi vì nó nhằm vào chân lý chủ quan, phía 'bên trong' của chân lý. Nhưng cái tôn giáo đó không thể có một cái tên nào, nó không thể có bất cứ ý thức hệ nào.

Tôi chỉ dạy duy nhất thứ tôn giáo đó. Do vậy, nếu một ai đó hỏi bạn, tóm lại 'giáo pháp' của tôi là gì, bạn sẽ không thể trả lời – bởi vì tôi không dạy những nguyên lý, những ý thức hệ, những giáo điều, những học thuyết. Tôi dạy bạn một tôn giáo phi tôn giáo, tôi dạy bạn nếm một chút hương vị của nó.Tôi cho bạn cái phương pháp để trở nên dễ thụ cảm hơn với cái thiêng liêng. Tôi không nói gì về cái thiêng liêng, tôi chỉ đơn giản nói với bạn, 'Đây là cái cửa sổ – hãy mở nó ra và bạn sẽ thấy bầu trời đêm đầy sao.'

Thế nhưng, cái bầu trời đêm đầy sao đó thì không thể định nghĩa được. Một khi bạn thấy nó xuyên qua cửa sổ mở, bạn sẽ biết nó. Thấy là tin – và 'thấy ' cũng nên là 'là' nữa. Không nên có niềm tin nào khác.

Do vậy, nỗ lực toàn bộ của tôi là có tính 'hiện sinh', không có tính chất trí năng chút nào. Và chân lý đích thực thì có tính hiện sinh. Nó đã luôn xảy ra chỉ với một ít người và rồi nó biến đi khỏi trái đất bởi vì những 'nhà trí thức' ngay lập tức chộp lấy nó và họ bắt đầu tạo ra những ý thức hệ đẹp đẽ từ nó – gọn gàng và sạch sẽ, hợp logic. Trong chính cái nỗ lực đó, họ hủy diệt vẻ đẹp của nó. Họ tạo ra những triết học, và tôn giáo biến mất. 'Kẻ từ chương', nhà học giả, nhà thần học đều là kẻ thù của tôn giáo đích thực.

Do vậy, hãy nhớ: bạn không đang được điểm đạo vào trong bất cứ một tôn giáo nào; bạn chỉ đang được điểm đạo vào trong tính tôn giáo. Nó bao la, mênh mông, không giới hạn – nó giống như toàn bộ bầu trời.

Ngay cả bầu trời cũng không phải là cái giới hạn, cho nên hãy dang rộng đôi cánh của bạn mà không chút sợ hãi nào. Sự hiện hữu toàn bộ này thuộc về chúng ta; đây là đền thờ của chúng ta, đây là kinh điển của chúng ta. Ít hơn thế, thì chỉ là nhân tạo, được chế tạo bởi con người. Nó được chế tạo ở đâu, điều đó không quan trọng mấy – hãy cảnh giác về những tôn giáo nhân tạo để mà bạn có thể biết cái tôn giáo đích thực, cái không phải là nhân tạo. Và nó có sẵn trong cây cối, núi non, sông suối, tinh tú – trong bạn, trong những người vây quanh bạn – nó có mặt khắp nơi.

Khoa học là sự tìm kiếm chân lý trong thế giới khách quan và tôn giáo là sự tìm kiếm chân lý trong thế giới chủ quan. Thật vậy, chúng là hai cánh của một con chim, của một sự thăm dò – hai mặt. Rốt cùng, không cần phải có hai tên gọi. Sự gợi ý của riêng tôi, là: khoa học là một cái tên đẹp tuyệt vời, bởi vì nó có nghĩa là 'sự biết”. Cho nên khoa học có hai mặt, y như mọi đồng xu đều có hai mặt. Sự biết trong chiều kích của vật chất bạn có thể gọi là khoa học khách quan, và sự biết trong chiều kích của nội giới của bạn – về bản thể nội tại của bạn, về ý thức của bạn – bạn có thể gọi là khoa học chủ quan. Không cần phải có từ tôn giáo.

Hai mặt của 'khoa học' đều hoàn toàn tốt – và nó cùng là một sự tìm kiếm, chỉ cái hướng là khác nhau. Và sẽ là tốt, nếu chúng ta tạo ra một khoa học tối cao, mà là một tổng hợp, một sự đồng thời của khoa học bên ngoài và khoa học bên trong. Sẽ không cần quá nhiều tôn giáo như thế, và lúc đó, thậm chí không ai cần là một kẻ vô thần. Khi những kẻ hữu thần biến đi, thì không cần những kẻ vô thần nữa – họ chỉ là những phản ứng lẫn nhau. Có những kẻ tin vào Thượng đế, cho nên có những kẻ không tin vào Thượng đế. Khi những 'kẻ tin tưởng' biến đi, thì đâu cần những kẻ 'vô tín' nữa?

Không cần phải tin vào bất cứ cái gì – đó là cái nền tảng của khoa học. Đó là sự tiếp cận có tính khoa học với thực tại: đừng tin, hãy tìm hiểu, thăm dò. Cái khoảnh khắc mà bạn tin, thì sự thăm dò ngừng lại. Hãy giữ cho tâm trí của bạn mở ra – đừng tin, cũng đừng không tin. Chỉ lưu lại trong tình trạng tỉnh táo, tìm kiếm và hoài nghi mọi sự cho đến khi bạn đến một điểm mà không thể nghi ngờ được nữa – đó là cái mà chân lý là. Bạn không thể hoài nghi nó. Đó không phải là vấn đề tin vào nó, đó là một hiện tượng hoàn toàn khác. Đúng hơn, nó là một sự chắc chắn, quá tràn ngập, đến nỗi bạn không có cách nào hoài nghi nó.

Đây là sự biết. Và sự biết chuyển hóa một người thành một vị Phật, thành một kẻ chứng ngộ. Đây là cái đích của mọi sự tăng trưởng tâm linh của con người.

Mang đến cho tôn giáo một bước nhảy lượng tử, công trạng đó phải dành cho Adinatha, người lần đầu tiên rao giảng một tôn giáo không có Thượng đế – trước Phật Gautama 25 thế kỷ. Đó là một cuộc cách mạng cực lớn, bởi vì trước đó, không nơi nào trên toàn bộ thế giới, tôn giáo được quan niệm là có thể hiện hữu mà không có Thượng đế. Thượng đế vốn là một phần cốt yếu – trung tâm – của tất cả mọi tôn giáo: Kytô giáo, Do thái giáo, Hồi giáo. Nhưng việc biến Thượng đế thành trung tâm của tôn giáo đã khiến cho con người chỉ còn là cái ngoại vi. Quan niệm Thượng đế như là đấng sáng tạo ra thế giới biến con người thành ra chỉ là một con rối.

Đó là lý do tại sao trong tiếng Hebrew – ngôn ngữ của đạo Do thái giáo (Judaism) – con người được gọi là Adam. Adam có nghĩa là 'bùn.' Trong tiếng Ả Rập, con người được gọi là admi; nó đi từ cùng một căn ngữ như adam, và một lần nữa, nó cũng có nghĩa là 'bùn'. Trong tiếng Anh, mà sau cùng đã trở thành ngôn ngữ của Kytô giáo, cái từ 'human' (thuộc về con người) đến từ chữ humus, và humus có nghĩa là 'bùn'. Đương nhiên, nếu Thượng đế là đấng sáng tạo, thì Ngài phải sáng tạo từ một cái gì đó. Ngài phải tạo ra con người giống như một bức tượng, nên trước hết, Ngài lấy bùn để nặn ra con người và rồi thổi sự sống vào trong hắn. Nhưng nếu như vậy, thì con người mất hết mọi phẩm cách.

Và nếu Thượng đế là đấng sáng tạo ra con người và mọi thứ khác, thì toàn bộ ý tưởng đó là bốc đồng. Thượng đế đã từng làm cái gì trong vĩnh cửu, trước khi Ngài sáng tạo ra con người và vũ trụ? Theo Kytô giáo, Ngài chỉ mới tạo ra con người 4004 năm trước Jesus Christ. Vậy thì Ngài đã làm những gì qua suốt vĩnh cửu? Xem ra nó có vẻ bốc đồng. Hẳn không có bất cứ nguyên nhân nào; bởi vì, nếu Thượng đế phải tạo ra sự hiện hữu vì một nguyên nhân nào đó, thì có nghĩa là có những quyền lực cao hơn Thượng đế, có những nguyên nhân mà khiến cho Ngài sáng tạo. Hay có một khả năng, là đột nhiên ước vọng sáng tạo khởi lên trong Ngài – cái đó cũng không logic mấy về mặt triết học, bởi vì trong vĩnh cửu Ngài không có ước vọng nào – và không ước vọng thì quá chừng phúc lạc. Không thể tưởng tượng rằng, từ một kinh nghiệm về sự phúc lạc vĩnh cửu, một ước vọng lại khởi lên, khiến cho Ngài tạo ra thế gian. Ước vọng là ước vọng, bất luận bạn muốn làm một cái nhà hay trở thành thủ tướng, hay sáng tạo ra thế gian. Thượng đế không thể được quan niệm như là có những ước vọng, nên điều duy nhất còn lại, là Ngài bốc đồng, Ngài 'lập dị'. Vậy thì không cần một nguyên nhân và không cần ước vọng – chỉ là một sự bốc đồng.

Nhưng nếu toàn bộ hiện hữu chỉ được tạo ra từ một cơn bốc đồng, thì nó mất tất cả ý nghĩa, tất cả nghĩa lý. Và ngày mai một cơn bốc đồng khác có thể khởi lên trong Thượng đế, một ý muốn hủy diệt, giải tan toàn bộ vũ trụ. Cho nên, chúng ta đơn giản chỉ là những con rối trong bàn tay của một Thượng đế độc tài, một kẻ có mọi quyền lực nhưng không có một tâm trí lành mạnh – tóm lại, một kẻ bốc đồng.

Chắc hẳn Adinatha phải là một thiền giả đã trải nghiệm những cơn định rất sâu, và chắc hẳn ông đã đi tới kết luận rằng, nếu có một vị Thượng đế, thì không có ý nghĩa nào trên thế gian. Nếu chúng ta muốn có ý nghĩa trên thế gian, thì Thượng đế phải được phế bỏ. Ông hẳn phải là một người có lòng dũng cảm to lớn. Người ta vẫn đang thờ phụng trong những nhà thờ, trong những synagogue, trong những đền thờ – thế nhưng con người Adinatha đó, 5000 năm trước chúng ta, đã đi tới một kết luận rất dứt khoát, rõ ràng, khoa học, rằng không có gì cao hơn con người, và rằng, bất cứ sự tiến hóa nào sắp diễn ra, đều ở bên trong con người, và trong ý thức của hắn.

Adinatha là người đầu tiên trong số 24 vị đạo sư trong Jaina giáo, và đây là bước nhảy lượng tử thứ nhất – Thượng đế đã bị phế bỏ. Cái công trạng đó không dành cho đức Phật, bởi vì Đức Phật đến sau Adinatha 25 thế kỷ. Nhưng một công trạng khác dành cho Đức Phật – Adinatha phế bỏ Thượng đế, nhưng không xoay xở thành công trong việc đặt thiền định vào thay chỗ. Trái lại, ông tạo ra chủ nghĩa khổ hạnh, sự khắc khổ, tra tấn thể xác – ăn kiêng, ở truồng, chỉ ăn một lần một ngày, không uống vào ban đêm, không ăn vào ban đêm, chỉ ăn những thực phẩm nhất định. Ông đã đi tới một kết luận triết học đẹp đẽ, nhưng cái kết luận đó chỉ là triết học, nó không có tính thiền định.

Khi bạn phế bỏ Thượng đế, bạn không thể có bất cứ nghi lễ nào, bạn không thể có sự thờ phụng, bạn không thể có sự cầu nguyện; một cái gì đó phải được thay thế. Ông thay vào đó sự khắc khổ, bởi vì con người trở thành trung tâm của tôn giáo của ông, và con người phải tự thanh tẩy mình. Sự thuần khiết trong quan niệm của ông, là con người phải ly cách khỏi thế gian, phải ly cách khỏi thể xác của riêng mình. Cái này làm méo mó mọi sự thể. Ông đã đi tới một kết luận rất có ý nghĩa, nhưng nó vẫn chỉ là một khái niệm triết học.

Adinatha đã phế bỏ Thượng đế nhưng để lại một khoảng chân không, và Đức Phật đổ đầy nó bằng thiền định. Adinatha đã tạo ra một tôn giáo không 'Thượng đế'. Đức Phật tạo ra một tôn giáo thiền định.

Thiền định là đóng góp của Đức Phật. Cái điểm then chốt không phải là tra tấn thể xác; vấn đề là trở nên im lặng hơn, trở nên thư giãn hơn, trở nên bình an hơn. Nó là một cuộc hành trình nội tại để đạt tới trung tâm ý thức của riêng mình, và trung tâm ý thức của riêng mình là trung tâm của toàn bộ hiện hữu.

25 thế kỷ, một lần nữa, lại qua đi. Khái niệm có tính cách mạng của Adinatha về tôn giáo không Thượng đế đã bị chìm mất trong sa mạc của sự khắc khổ và sự tự tra tấn. Y hệt như vậy, ý tưởng của Phật về thiền định – một cái gì đó nội tại, mà không ai khác có thể nhìn thấy, chỉ có bạn mới biết bạn ở đâu, chỉ có bạn mới biết là bạn có đang tiến bộ hay không – ý tưởng này cũng bị chìm mất trong một sa mạc khác, và đó là tôn giáo có tổ chức, có định chế.

Tôn giáo nói rằng, không thể tin cậy những cá nhân riêng lẻ, bất luận họ có đang thiền định hay không. Người ta cần những cộng đồng, những đạo sư, những tu viện nơi mà họ có thể sống cùng nhau. Những ai mà ở trên một mức độ ý thức cao hơn, có thể quan sát những người khác và giúp họ. Đã trở thành cốt yếu, rằng những tôn giáo không nên bị rơi vào tay của những cá nhân; chúng nên được tổ chức và nên được ở trong tay của những ai mà đã đạt tới một mức thiền định cao.

Ban đầu, nó là tốt; trong khi Đức Phật còn sống, có nhiều người đạt tới sự chứng ngộ. Nhưng khi Đức Phật qua đời, và những người này qua đời, thì chính cái tổ chức mà được giả định là để giúp người ta thiền định, lại rơi vào tay giới tu sĩ, và thay vì giúp bạn thiền định, họ bắt đầu tạo ra những nghi thức xung quanh hình ảnh của Đức Phật. Đức Phật trở thành một vị thần khác. Adinatha phế bỏ Thượng đế, Đức Phật không bao giờ chấp nhận rằng Thượng đế hiện hữu – nhưng giới tu sĩ này không thể tồn tại mà không có một Thượng đế. Cho nên, có thể không có một Thượng đế – theo nghĩa là đấng sáng tạo – nhưng Đức Phật đã đạt tới 'Thượng đế tính'. Đối với những người khác, điều duy nhất là thờ phụng Đức Phật, có đức tin vào đức Phật, theo những nguyên lý của Đức Phật, sống cuộc sống theo 'học thuyết' của Ngài; Đức Phật bị 'chìm mất' trong cái tổ chức, sự bắt chước. Và tất cả họ quên đi cái điều cơ bản, đó là thiền định.

Toàn bộ nỗ lực của tôi là tạo ra một tôn giáo phi tôn giáo. Chúng ta đã thấy cái gì đã xảy ra với những tôn giáo có Thượng đế như là trung tâm. Chúng ta đã nhìn thấy cái gì đã xảy ra với quan niệm của Adinatha, tôn giáo không Thượng đế. Chúng ta đã thấy cái gì đã xảy ra với Đức Phật, tôn giáo không Thượng đế, nhưng lại có định chế.

Bây giờ, nỗ lực của tôi – y như người ta đã giải tan Thượng đế – là giải tan luôn cả 'tôn giáo' nữa. Hãy để lại chỉ thiền định, để cho nó không thể bị quên đi trong bất cứ cách nào. Không có cái gì khác để thay thế nó. Không có Thượng đế nào, không có 'tôn giáo' nào cả. Bằng từ 'tôn giáo', tôi ngụ ý một tôn giáo có định chế, tín điều, nghi thức, giới tu sĩ.

Tôi muốn, tôn giáo lần đầu tiên tuyệt đối có tính cá nhân. Bởi vì tất cả những tôn giáo có định chế, bất luận có Thượng đế hay không có Thượng đế, đã dẫn nhân loại đi sai đường. Và nguyên nhân duy nhất chính là sự tổ chức, bởi vì sự tổ chức có những cách của riêng nó, mà đi ngược lại 'tính thiền'. Sự tổ chức thực sự là một hiện tượng chính trị, nó không phải là tôn giáo. Nó là một hình thức khác của quyền lực và ý chí quyền lực. Bây giờ mọi tu sĩ Kytô giáo đều hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành ít nhất một giám mục, trở nên một hồng y, trở nên một giáo hoàng. Đây là một đẳng trật mới, một chế độ thư lại mới – và bởi vì nó là tâm linh, không ai phản đối. Bạn có thể là một giám mục, bạn có thể là một giáo hoàng, bạn có thể là một cái gì đó. Nó không bị phản đối, bởi vì bạn không định cản trở cuộc sống của bất cứ ai; nó chỉ là một ý tưởng trừu tượng.

Nỗ lực của tôi là hủy diệt giới tu sĩ một cách hoàn toàn. Sau đó, chỉ còn lại Thượng đế, còn lại tôn giáo không Thượng đế; bây giờ, cách duy nhất là chúng ta nên phế bỏ Thượng đế và 'tôn giáo' – cả hai, để cho giới tu sĩ không còn điều kiện nào để tồn tại. Rồi thì, con người được tuyệt đối tự do, hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phát triển của riêng mình.

Cảm tưởng của tôi, là con người càng chịu trách nhiệm về sự phát triển của riêng mình, thì y càng khó trì hoãn nó lâu. Bởi vì nó ngụ ý, nếu bạn khốn khổ, bạn chịu trách nhiệm. Nếu bạn căng thẳng, bạn chịu trách nhiệm. Nếu bạn không thư giãn, bạn chịu trách nhiệm. Nếu bạn khổ, bạn là nguyên nhân của nó. Không có Thượng đế, không có giới tu sĩ mà bạn có thể đến và hỏi xin một nghi thức nào đó. Bạn được để lại một mình với sự khốn khổ của bạn – và không ai muốn mình bị khốn khổ.

Những tu sĩ tiếp tục cho bạn thuốc phiện, họ tiếp tục cho bạn hy vọng , 'Đừng lo lắng, nó chỉ là một trắc nghiệm về đức tin của bạn, sự tin cậy của bạn. Và nếu bạn có thể băng qua sự khổ đau một cách im lặng và kiên nhẫn, thì trong thế giới bên kia cái chết, bạn sẽ được thưởng một cách hậu hĩnh.' Nếu không có giới tăng sĩ, bạn phải hiểu rằng, bất cứ cái gì bạn là, bạn trách nhiệm về nó – không ai khác. Và cái cảm nhận rằng, 'Tôi chịu trách nhiệm về sự khốn khổ của tôi' mở ra cánh cửa. Rồi thì bạn bắt đầu tìm những phương pháp để ra khỏi trạng thái khốn khổ này.

Và đó chính là 'thiền'. Nó đơn giản là trạng thái đối nghịch của khổ đau. Nó là trạng thái của sự nở hoa an bình, phúc lạc của bản thể, nó quá im lặng và quá phi thời gian, đến nỗi bạn không thể quan niệm rằng còn có thể có một cái gì tốt hơn thế. Và không có gì tốt hơn là trạng thái của một tâm thức thiền.

Do vậy, bạn có thể nói, rằng đây là những bước nhảy lượng tử:

Adinatha từ bỏ Thượng đế bởi vì ông thấy Thượng đế đang trở nên quá nặng nề trên con người; thay vì giúp con người trong sự phát triển của hắn, Thượng đế đã trở thành một gánh nặng. Nhưng ông quên thay thế Thượng đế bằng một cái gì đó. Con người sẽ cần cái gì đó trong những khoảnh khắc khốn khổ, trong sự khổ đau của hắn. Trước kia, hắn thường cầu nguyện Thượng đế – nhưng bạn đã lấy đi Thượng đế, bạn đã lấy đi sự cầu nguyện của hắn, và bây giờ, khi hắn khốn khổ, hắn sẽ làm gì? Trong Jaina giáo, thiền định không có chỗ nào cả.

Tuệ giác của Phật là: Thượng đế đã bị phế bỏ, bây giờ khoảng trống đó nên được đổ đầy; nếu không, khoảng trống đó sẽ hủy diệt hắn. Ngài đặt vào đó sự thiền định – một cái gì đó thực sự chính thực – mà có thể làm thay đổi toàn bộ sự thể. Nhưng Ngài không ý thức – có lẽ Ngài đã không thể ý thức được, bởi vì có những điều mà bạn không thể ý thức trừ khi chúng xảy ra –rằng, không nên có tổ chức nào, rằng, không nên có giới tu sĩ, rằng, khi Thượng đế biến đi, thì tôn giáo cũng nên biến đi. Nhưng Ngài có thể được tha thứ, bởi vì Ngài đã không nghĩ về điều đó, và không có quá khứ nào để giúp Ngài thấy nó. Nó đến sau Ngài.

Vấn đề thực thụ nằm ở người tăng sĩ, và Thượng đế là phát minh của người tăng sĩ. Trừ khi bạn vứt bỏ người tăng sĩ, thì dù bạn có thể vứt bỏ Thượng đế, nhưng người tăng sĩ sẽ luôn luôn tìm kiếm những nghi thức mới, ông luôn tạo ra những vị thần mới.

Nỗ lực của tôi là để bạn lại một mình với thiền định, không có kẻ môi giới giữa bạn và sự hiện hữu. Khi bạn không ở trong thiền định, bạn bị tách khỏi sự hiện hữu, và đó là sự khổ đau của bạn. Cũng tương tự như khi bạn đem con cá ra khỏi đại dương, và ném nó lên bờ – sự khốn khổ và sự khổ đau và sự tra tấn mà nó trải qua, sự ao ước và nỗ lực để trở lại đại dương bởi vì đó là nơi nó thuộc về, nó là một phần của đại dương và nó không thể sống tách rời. Bất cứ sự khổ nào chỉ là dấu hiệu cho thấy rằng, bạn không ở trong sự hội thông với hiện hữu, rằng con cá không ở trong đại dương.

Thiền định không là gì khác ngoài sự rút lui của tất cả mọi rào chắn – những tư tưởng, cảm xúc, tình cảm – cái đó tạo ra một bức tường giữa bạn và hiện hữu. Cái khoảnh khắc chúng rơi rụng đi, bạn đột nhiên tìm thấy chính mình hòa điệu với cái toàn bộ; không chỉ hòa điệu, bạn thực sự phát hiện rằng bạn là cái toàn bộ. Khi một giọt sương rơi từ một lá sen vào trong đại dương, nó không thấy rằng nó là một phần của đại dương, nó phát hiện rằng nó là đại dương. Và phát hiện ra điều đó, là cùng đích tối hậu, sự thành tựu tối hậu. Không có cái gì vượt quá nó, cao hơn nó.

Như vậy, Adinatha phế bỏ Thượng đế nhưng không phế bỏ tổ chức, và bởi vì không có Thượng đế, tổ chức tạo ra những nghi thức. Nhìn thấy cái đã xảy ra cho Jaina giáo, rằng nó đã trở chủ nghĩa nghi thức, Đức Phật phế bỏ Thượng đế, Ngài bỏ tất cả nghi thức, và nhấn mạnh một cách chuyên nhất vào thiền định. Nhưng Ngài quên rằng, những tăng sĩ mà đã tạo ra những nghi thức trong Jaina giáo, thì định làm cái tương tự với thiền định. Và họ làm nó, họ biến chính Đức Phật thành một Thượng đế. Họ nói về thiền định, nhưng về cơ bản, những Phật tử là những kẻ thờ phụng Đức Phật – họ đi tới chùa, và thay vì Krishna hay Christ, có tượng Phật. Thượng đế không có mặt ở đó, khó tạo ra nghi thức – xung quanh thiền định, khó tạo ra nghi thức. Do vậy, họ đã tạo ra một bức tượng và họ bắt đầu nói, trong cùng cách mà mọi tôn giáo vẫn hằng làm, 'Hãy có đức tin vào Đức Phật, hãy tin cậy vào Đức Phật, và bạn sẽ được cứu rỗi.'

Cả hai cuộc cách mạng đều đã bị 'chìm mất'. Tôi muốn rằng, cái mà tôi đang làm thì không bị chìm mất. Cho nên tôi đang cố trong mọi cách có thể, phế bỏ tất cả những điều mà trong quá khứ đã từng là những rào chắn, để cho cuộc cách mạng tiếp tục và phát triển. Tôi không muốn ai đứng giữa cá nhân và sự hiện hữu. Không cầu nguyện, không tăng sĩ; một mình bạn là đủ để đối diện với bình minh, và bạn không cần ai thuyết minh cho bạn là bình minh nó đẹp ra sao.

Bạn ở đây, mọi cá nhân ở đây, toàn bộ hiện hữu là 'có sẵn' cho bạn. Tất cả những gì mà bạn cần, là chỉ im lặng và lắng nghe sự hiện hữu. Không cần bất cứ tôn giáo nào, không cần bất cứ Thượng đế nào, không cần bất cứ giới tăng sĩ nào, không cần tổ chức nào.

Tôi tin cậy vào cá nhân một cách vô điều kiện. Cho tới nay, không ai từng tin cậy vào cá nhân trong một cách thức như thế. Cho nên, mọi thứ 'râu ria' có thể được cất bỏ. Bây giờ, tất cả những gì được để lại cho bạn, là một trạng thái 'thiền' – mà chỉ đơn giản có nghĩa là một trạng thái của sự im lặng hoàn toàn. Từ 'thiền định' làm cho nó có vẻ nặng nề hơn. Tốt hơn, nên gọi nó là một sự im lặng đơn giản, hồn nhiên và sự hiện hữu mở ra mọi vẻ đẹp với bạn.

Và khi nó tiếp tục phát triển, bạn tiếp tục phát triển, và sẽ đến một khoảnh khắc, khi mà bạn đã đạt tới chính chóp đỉnh của tiềm năng bạn – bạn có thể gọi nó là Phật tính, chứng ngộ, bhagwatta, 'thượng đế tính', bất cứ cái gì – nó không có tên gọi nào, cho nên, bất cứ cái tên nào cũng được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho