Chương 2. Truy tìm

Con đường bên ngoài mọi con đường - Osho

Chương 2. Truy tìm


Katham bandhah - tù túng là gì?

Katham mokshah - giải thoát là gì?

Vidya, việc biết thật, là gì

và avidya, việc biết giả là gì?

Thức, mơ, ngủ và turiya -

cái thứ tư - bốn trạng thái này là gì?

Năm thể này là gì?

- annamay, được tạo nên từ thức ăn;

pranamay, được tạo nên từ sinh lực;

manomay, được tạo nên từ năng lượng tâm lí;

vigyanamay, được tạo nên từ nhận biết;

anandamay, được tạo nên từ phúc lạc.

Người làm là gì? Linh hồn hiện thân này là gì?

Năm loại này là gì?

Ai là người biết?

Ai là nhân chứng? Ai là người ở chỗ sâu nhất?

Ai là người biết về tất cả các ý nghĩ và cảm giác?

Jeevatma, linh hồn cá nhân, là gì,

và paramatma, linh hồn vũ trụ là gì?

Maya, ảo tưởng là gì?

Sau lời cầu nguyện tới điều thiêng liêng, truy tìm bắt đầu. Truy tìm chỉ có thể bắt đầu sau lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện đem trái tim vào một không gian trong đó tạo ra trạng thái nhạy cảm và đón nhận của tâm trí, đến mức mà bây giờ truy tìm không chỉ được tiến hành vì tò mò, nó đã biến thành khát khao giải thoát. Truy tìm không có lời cầu nguyện, chỉ là trò chơi trí tuệ, vài ai đó đi truy tìm mà không cầu nguyện thì chẳng truy tìm chút nào. Nếu ai đó vẫn ngồi trong bóng tối với cánh cửa của mình đóng chặt mà lại truy tìm về mặt trời và về ánh sáng, người đó có thể tiếp tục cuộc truy tìm này nhưng người đó sẽ chẳng bao giờ thu được câu trả lời.

Một trong những trò chơi lớn nhất của tâm trí là: khi nó không nhận được câu trả lời nào, nó bịa ra câu trả lời nào đó trong bóng tối, chẳng bao giờ biết tới mặt trời. Ai đó sẽ phát biểu, “Mặt trời không tồn tại” - không phải bởi vì người đó biết rằng mặt trời không tồn tại, mà bởi vì với người đó thì phủ nhận điều mình không thể biết được còn dễ hơn là cho phép phiền não của người đó, trạng thái không biết của người đó, cứ tồn tại dai dẳng. Phiền não biến mất với phủ nhận; thế thì chúng ta có thể vẫn còn hài lòng trong bóng tối của mình. Người chưa mở ra cánh cửa của mình thì có thể vẫn tiếp tục truy tìm về mặt trời và về ánh sáng, nhưng người đó sẽ không nhận được câu trả lời. Và khi không nhận được câu trả lời, người đó thậm chí không thể phủ nhận được sự tồn tại của mặt trời, nhưng thay vì thế, có thể bịa ra mặt trời tưởng tượng, bịa ra khái niệm riêng của mình, ý niệm riêng của mình. Và những khái niệm này cũng chỉ là giả tạo như sự phủ nhận của người đó.

Người không tin mà đứng trong bóng tối thì cũng giả tạo như người tin mà đứng trong bóng tối. Không biết về điều thiêng liêng, những phát biểu của họ về sự tồn tại hay không tồn tại của điều thiêng liêng là vô nghĩa. Cả hai phát biểu này đều vô nghĩa. Và điều thực sự thú vị là những tranh luận và thảo luận lớn lao vẫn diễn ra trong bóng tối giữa hai nhóm này, những người chẳng biết gì cả.

Người dốt nát đầy những tranh cãi. Người dốt nát không biết, ấy vậy mà rất hay ba hoa. Tranh cãi cứ tiếp diễn mãi, các học thuyết có thể được lập ra... Trong thực tế các học thuyết chỉ có thể được tạo ra trong bóng tối; trong ánh sáng không thể có niềm tin được. Ánh sáng là đủ; niềm tin là không cần thiết. Mọi học thuyết đều được sinh ra trong bóng tối, vì nơi có ánh sáng thì chẳng cần đến ai cả. Nơi chân lí được hiển lộ, lời tan biến; và nơi chân lí là mọi thứ thì các học thuyết chẳng để làm gì. Niềm tin chỉ là cái thay thế, cái bù đắp; khi chân lí còn không được biết tới, chúng ta tạo ra niềm tin và thế chúng vào chỗ của chân lí.

Truy tìm đúng đắn bắt đầu với lời cầu nguyện. Khi tôi nói điều này, tôi ngụ ý rằng ai đó muốn biết mặt trời, ít nhất cũng phải hoàn thành một điều kiện: rằng người đó nên mở cửa nhà mình. Nếu có khao khát để biết mặt trời, người đó ít nhất cũng nên mở cửa ra để cho nếu mặt trời muốn trả lời, nó có thể trả lời được. Mặt trời có năng lượng vô biên; dù vậy nó sẽ không phá cửa để đi vào nhà bạn. Mặt trời thậm chí sẽ không gõ cửa nhà bạn.

Trong thế giới này chân lí chưa bao giờ xâm nhập vào cuộc sống của người ta, nó chưa bao giờ can thiệp vào cuộc sống của người ta. Chân lí chưa bao giờ đem tới bất kì cảnh nô lệ nào trong cuộc sống của người ta, nó chưa bao giờ đem tới tù túng. Đó là lí do tại sao chân lí là tự do. Chân lí chưa bao giờ áp đặt bản thân nó một cách cưỡng bức mà không có ý chí của bạn. Chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng, chân lí sẽ đứng đợi mà không gõ cửa nhà bạn. Sẵn sàng của bạn, chỉ lời mời toàn tâm của bạn mới có thể trở thành việc tới của chân lí.

Nhưng lời mời của bạn phỏng có ích gì nếu cánh cửa của bạn không mở ? Bạn nên đứng đợi khách tới khi bạn đã mời. Đó là lí do tại sao Upanishad bắt đầu bằng lời cầu nguyện.

Lời cầu nguyện là cách để mở cánh cửa tới trái tim. Nếu truy tìm mà không có lời cầu nguyện, thế thì nó được khởi đầu phần nhiều bởi hoài nghi của bạn và không được tạo ra bởi tìm kiếm; thế thì truy tìm không với mục đích của việc tìm kiếm, nó là để làm tăng thêm hoài nghi. Người đã khởi hành chỉ để hoài nghi, hoài nghi của người đó trở thành không lành mạnh, nó là ốm yếu.

Và không phải là ai đó mở cánh cửa của mình ra bằng lời cầu nguyện làm mất đi quyền hoài nghi - trong thực tế chỉ người đó mới có quyền hoài nghi, bởi vì bây giờ hoài nghi chỉ là một phần của khao khát về giải pháp; bây giờ hoài nghi mang tính sáng tạo, không mang tính huỷ diệt; bây giờ hoài nghi chỉ là cách tìm ra con đường để loại bỏ đi tất cả mọi rào chắn; bây giờ câu hỏi có đó để tới gần với câu trả lời. Bây giờ truy tìm không phải là trò chơi bệnh tật của tâm trí bệnh hoạn, bây giờ hoài nghi này không phải là bệnh của tâm trí ốm yếu, bây giờ nó là việc tìm kiếm của người lành mạnh.

Hoài nghi mang tính tin cậy - những lời này có vẻ rất mâu thuẫn, nhưng nếu chúng ta cố gắng hiểu chúng từ một góc độ khác thì nó sẽ rõ ràng. Cố hiểu 'tin cậy mang tính hoài nghi’.

Ngay cả khi chúng ta tin cậy, nó cũng đầy hoài nghi. Cho dù chúng ta có đặt tin cậy của mình vào ai đó, nó cũng đầy hoài nghi; hoài nghi là dòng chảy ngầm. Trong thực tế chúng ta tin cậy chỉ bởi vì bên trong có hoài nghi và chúng ta muốn kìm nén nó. Và khi hoài nghi là ở bên trong còn tin cậy ở trên bề mặt, thì tin cậy sẽ yếu đuối, bởi vì cái bên trong mạnh hơn và cái bên ngoài, cái bề mặt, sẽ yếu đuối; cái chỉ ở ngoại vi sẽ yếu ớt, còn cái ở trung tâm trái tim sẽ mạnh mẽ.

Cho nên hoài nghi ở bên trong còn tin cậy chỉ được áp lên bên ngoài như quần áo. Hệt như quần áo không xoá đi sự trần trụi của bạn, chúng chỉ che giấu nó, tương tự vậy, tin cậy được áp đặt ở bên ngoài giống như quần áo không phá huỷ hoài nghi, nó chỉ che giấu hoài nghi.

Điều đối lập cũng là có thể - điều tôi gọi là 'hoài nghi mang tính tin cậy’. Chân lí có đó trong trung tâm, hoài nghi chỉ ở chu vi. Hoài nghi đó trở thành một phần của cuộc hành trình làm mạnh thêm cho tin cậy, bởi vì làm sao ai đó còn chưa hoài nghi lại có thể tin cậy được? Nhưng thực tế người đó tràn đầy tin cậy.

Maulingaputta, một đệ tử của Phật, đã nói với ông ấy, “Tôi hỏi thầy, không phải bởi vì tôi hoài nghi thầy mà bởi vì tôi hoài nghi bản thân mình; tôi hỏi thầy, không phải bởi vì tôi hoài nghi điều thầy nói mà bởi vì tôi hoài nghi liệu tôi có hiểu nó đúng không. Tôi hỏi không phải bởi vì tôi hoài nghi thành đạt của thầy, tôi hỏi thầy bởi vì tôi hoài nghi bước chân mình - và cuộc hành trình rất dài và mơ ước bao la thế. Tôi đã hoài nghi về bước chân riêng của mình. Tôi hỏi thầy để cho tin cậy của tôi được làm mạnh thêm, tôi hỏi thầy để cho tin cậy của tôi trở thành sâu lắng.”

Bất kì khi nào người hỏi có mang tính cầu nguyện, cánh cửa của trái tim người đó mở ra; người đó không tới với hoài nghi, người đó tới với câu hỏi. Câu hỏi có thể có câu trả lời, nhưng hoài nghi có thể không có câu trả lời, bởi vì ai đó muốn hoài nghi sẽ cứ hoài nghi mọi câu trả lời bạn trao cho người đó.

Hoài nghi là thoái lui vô hạn: bạn đưa ra một câu trả lời, người đó hoài nghi nó; bạn đưa ra câu trả lời khác, người đó lại hoài nghi nó; hoài nghi là tiền đề cơ sở của người đó. Bất kì điều gì bạn nói, người đó cũng hoài nghi nó. Thế thì chẳng có cách nào cả. Nhưng nếu hoài nghi chỉ là một phần của việc tìm kiếm, chỉ là phương pháp luận - một phương pháp chứ không phải là mục đích, không phải là giải pháp, không phải là mục tiêu - nếu hoài nghi không phải là tiền đề, mà việc truy tìm mới là tiền đề, thì hoài nghi là rất có ích.

Cho nên, hoài nghi mang tính tin cậy... truy tìm mang tính cầu nguyện.

Chính câu hỏi thứ nhất đã được hỏi trong Sarvasar Upanishad là:

Tù túng là gì?

Xem xét điều này. Mọi người thường hỏi liệu Thượng đế có tồn tại hay không. Thượng đế là gì? Giải thoát là gì? Giải thoát có xảy ra hay không? Linh hồn là gì? Nó có tồn tại hay không? Mọi người bắt đầu từ nơi họ phải kết thúc. Người bệnh hỏi, “Mạnh khoẻ là gì?” Nhưng người thông minh, nếu người đó ốm, sẽ hỏi, “Ốm yếu này là gì?” Chẩn đoán sẽ bắt đầu với ốm yếu này. Câu hỏi thứ nhất được nêu lên trong Upanishad này là: Tù túng là gì? Đó là bệnh tật, đó là ốm yếu mà chúng ta nhất dịnh mắc phải.

Ai đó trong tù, bị xiềng xích lại, bị làm nô lệ, và đang hỏi, “Tự do là gì?” Người đó chưa bao giờ nếm trải sự tự do; người đó đã trong xiềng xích từ khi sinh ra, bao giờ cũng trong xiềng xích. Người đó thấy mình trong xiềng xích lâu như nhận biết về chính mình. Nhận biết của người đó và tù túng của người đó cả hai được gắn với nhau, và người đó đang hỏi, “Tự do là gì?” Có lẽ người đó sẽ không có khả năng để hiểu; người đó đã không hỏi câu hỏi đúng. Người đó chỉ nên hỏi điều người đó có thể hiểu được.

Người tìm kiếm thông minh là người chỉ hỏi những câu hỏi mà câu trả lời cho nó sẽ có khả năng hiểu được. Và nếu người đó hiểu một câu trả lời, người đó cũng sẽ có khả năng hiểu những câu trả lời khác.

Đó là lí do tại sao câu hỏi thứ nhất là: Tù túng là gì? - “Làm sao mình bị trói buộc?” - bởi vì người bao giờ cũng trong tù túng thì không biết tù túng là gì. Thậm chí để nhận ra nó là tù túng thì bạn cũng phải có kinh nghiệm nào đó về tự do. Nếu bạn bị cùm tay, bạn sẽ nhận ra rằng mình bị cùm tay. Nhưng nếu đứa trẻ được sinh ra trong xiềng xích, liệu có bao giờ nó có khả năng nhận ra xiềng xích là xiềng xích không? Chúng sẽ dường như là một phần thân thể nó. Và nếu bạn cố gắng bẻ gẫy xiềng xích này, nó sẽ kêu khóc rên la, “Ông định giết tôi sao?” Những xiềng xích này là cuộc sống của nó. Chúng không tách rời khỏi nó, chúng là con người của nó.

Và đó là cách chúng ta đang hiện hữu. Như chúng ta đã tồn tại, như chúng đã biết rằng chúng ta hiện hữu, nhận biết của chúng ta về sự tồn tại của mình và về nhà tù của mình đã được gắn lại. Chúng ta chưa bao giờ kinh nghiệm tự do. Chúng ta chưa bao giờ bay trên bầu trời, đôi cánh của chúng ta chưa bao giờ giang ra trên bầu trời rộng mở, chúng ta chỉ biết chúng khép lại vĩnh viễn và không được dùng. Chúng ta chưa bao giờ biết rằng đôi cánh của mình được ngụ ý cho việc bay. Chúng ta được sinh ra và được nuôi dưỡng lớn lên trong nhà tù; nhà tù này đã là chính cuộc sống của chúng ta.

Cho nên truy tìm đúng sẽ bắt đầu với Tù túng là gì? Nhưng thậm chí chúng ta cũng chẳng biết gì về cảnh nô lệ cả! Chúng ta ở sâu trong cảnh nô lệ, chúng ta là nô lệ. Vậy làm sao người ta có thể nhận ra được cảnh nô lệ là gì? Nếu một người được sinh ra và người đó chịu đựng chứng đau đầu trong cả đời mình, thì người đó sẽ không có khả năng phân biệt được giữa đầu và đau, bởi vì người đó bao giờ cũng biết cái đầu mình cùng cái đau.

Simone Weil, một nữ tư tưởng gia của phương Tây, đã viết rằng trong ba mươi năm bà ấy đã không biết đau đầu là gì. Không phải bởi vì bà ấy chưa bao giờ đau đầu, nhưng bởi vì bà ấy bao giờ cũng bị đau đầu. Bà ấy chưa bao giờ biết rằng đầu có thể tồn tại mà không có đau đầu; bà ấy không thể nào phân biệt được giữa đầu và đau đầu. Và độ tuổi ba mươi, khi bệnh đau đầu của bà ấy được chữa khỏi lần đầu tiên, thế thì bà ấy mới biết rằng nó là đau đầu chứ không phải bản thân cái đầu.

Bạn không thể tách bản thân mình ra khỏi cái bạn đã lớn lên cùng. Đó là lí do tại sao bạn lại không có khả năng biết tới thân thể mình tách với bản thân mình - bởi vì bạn lớn lên cùng nó. Do đó mới có sự đồng nhất, là một với thân thể. Đó là lí do tại sao bạn lại không biết tới tâm trí mình là tách biệt với bản thân mình: bởi vì người ta lớn lên cùng nó, việc đồng nhất xảy ra.

Do đó hiền nhân và đệ tử này đã nêu ra câu hỏi đầu tiên trong Upanishad này: Tù túng là gì?

Hiểu nó giống thế này: đệ tử đang hỏi hiền nhân, “Tù túng này là gì?” Upanishad này là cuộc đối thoại sâu sắc, sự trao đổi. Nếu người bao giờ cũng trong tù túng có thể nhận ra tù túng của mình, người đó có thể có một ý tưởng, mơ, một khái niệm, hay một cảm giác về tự do.

Người bị bệnh liên miên chỉ có thể quan niệm được một định nghĩa tiêu cực về mạnh khoẻ. Người đó sẽ hiểu mạnh khoẻ chỉ như thiếu vắng bệnh tật của mình. Người bao giờ cũng sống trong tù, trong xiềng xích của mình, không thể hiểu được định nghĩa tích cực về tự do. Người đó có thể hiểu tự do chỉ như thiếu vắng của xiềng xích - khi các bức tường nhà tù dừng tồn tại, khi không có lính gác mang súng để ngăn cản người đó không cho làm bất kì điều gì người đó muốn, để ngăn cản người đó khỏi đi bất kì chỗ nào người đó muốn đi. Người đó chỉ có thể hiểu bằng định nghĩa tiêu cực đó. Nhưng trước khi người đó có thể hiểu điều này, cũng cần nhận ra rằng có những bức tường của nhà tù, cần nhìn thấy chính bản thân nhà tù, cần thấy lính gác tại cổng, thấy xiềng xích quanh tay mình.

Một nhà huyền môn vĩ đại của vùng Caucasus, Gurdjieff, hay nói: tôi đã nghe nói về một nhà ảo thuật đã thuần hoá nhiều cừu. Hàng ngày ông ấy đều có một con cừu bị giết để chuẩn bị thức ăn cho ông ta. Hàng trăm con cừu đứng và nhìn việc này, nhưng dầu thế chúng chẳng bao giờ nghĩ rằng nếu không hôm nay thì ngày mai chũng cũng sẽ bị giết.

Một khách đang trọ cùng nhà ảo thuật đó nói, “Những con cừu này thật là lạ. Ông giết một con cừu ngay trước các con cừu khác hàng ngày, thậm chí thế mà chúng cũng chẳng lo nghĩ. Chúng không thể quan niệm nổi về cái chết riêng của chúng vào ngày hôm sau sao, rằng bất kì ngày nào dao cũng đều sẽ có thể đâm vào cổ chúng sao?”

Nhà ảo thuật đáp, “Tôi đã thôi miên chúng và bảo riêng chúng rằng chúng không phải là cừu, rằng tất cả bọn còn lại mới là cừu; tất cả bọn khác sẽ bị giết, ngoại trừ chúng. Đó là lí do tại sao chúng vô tư; chúng không chạy đi khi chúng thấy bọn khác bị giết.”

Khách hỏi, “Và điều thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn là ông không buộc chúng lại. Chúng không đi lạc lối sao? Chúng không bị lạc sao?”

Ông ta nói, “Tôi cũng đã bảo chúng nó rằng chúng hoàn toàn tự do, chúng chưa bao giờ trong tù túng cả - bởi vì người ta muốn chạy khỏi tù túng, nhưng khi người ta đã tự do rồi thì không có vấn đề chạy trốn nữa. Ham muốn chạy trốn tới khi người ta trong tù túng, nhưng khi không có tù túng và người ta hoàn toàn tự do, thế thì chạy trốn là không cần.”

Gurdjieff hay nói rằng con người cũng gần như ở trong tình huống này: con người coi nhà tù là lâu đài của mình. Cho nên không có vấn đề rời bỏ nó; trong thực tế nếu ai đó tới giúp người đó để thoát ra khỏi nó, người đó sẽ tự phòng thủ cứ dường như chống lại một kẻ thù đang cố gắng lôi người đó ra khỏi lâu đài của mình. Con người coi xiềng xích của mình như đồ trang sức cho mình. Nếu bạn muốn lấy đi đồ trang sức của người đó, người đó sẽ đứng lên với lưỡi kiếm của mình và tranh đấu.

Cho nên chúng ta không đóng đinh Jesus mà không có lí do, chúng ta không đầu độc Socrates mà không có lí do. Họ là kẻ thù của chúng ta bởi vì họ cố gắng lấy đi đồ trang sức của chúng ta. Điều họ gọi là xiềng xích chính là đồ trang sức của chúng ta, còn điều họ gọi là nhà tù là chỗ ở vương giả của chúng ta; điều họ gọi là cảnh nô lệ chính là cuộc sống của chúng ta, còn điều họ gọi là nỗi buồn lại chính là điều thích thú của chúng ta.

Cho nên Gurdjieff hay nói rằng điều đầu tiên mà tù nhân phải biết nếu người đó muốn tự do là ở chỗ người đó là tù nhân; mọi thứ khác đều là phụ. Nếu nô lệ muốn được tự do, người đó trước hết cần hiểu rằng mình là nô lệ. Điều này phải thấm nhuần vào tâm thức của người đó sâu đến mức người đó cảm thấy thống khổ đau buốt và trở nên được tràn đầy với khao khát tự do... Tù túng là gì?

Câu hỏi thứ hai... thế thì câu hỏi thứ hai nảy sinh: Giải thoát là gì?

Katham bandhah - tù túng là gì?

Katham mokshah - giải thoát là gì?

Nếu bạn tới hỏi Phật, “Giải thoát là gì?” Phật sẽ không trả lời. Nhưng nếu bạn hỏi ông ấy, “Tù túng là gì? Giải thoát là gì?” bạn sẽ nhận được câu trả lời - bởi vì nếu bạn không hỏi câu hỏi đúng, bạn không thể nhận được câu trả lời đúng. Câu hỏi sai không có câu trả lời đúng. Và điều bạn hỏi chỉ ra trạng thái của tâm trí bạn. Giải thoát có thể được hiểu chỉ sau khi đã hiểu tù túng.

Và thế thì câu hỏi tiếp là:

Vidya, việc biết thật, là gì,

và avidya, việc biết giả là gì?

Tù túng là gì? Giải thoát là gì? Việc biết thật là gì? - Tri thức đúng là gì? Nếu như câu hỏi này là phần thứ nhất thì sẽ tốt hơn - Tù túng là gì? Giải thoát là gì? - chúng ta đã hỏi theo thứ tự này: Việc biết giả là gì? Việc biết thật là gì? Nhưng nó đã không được hỏi như thế. Và điều này không phải ngẫu nhiên. Điều đáng được hỏi trước là, “Dốt nát đúng là gì?” thế rồi, “Tri thức đúng là gì?” Nhưng nó đã không được hỏi như thế, bởi vì ở đây vidya mang nghĩa khác. Tại đây vidya nghĩa là: Tù túng là gì? Giải thoát là gì? Và khi Upanishad hỏi: Vidya, việc biết thật, là gì? thì nó ngụ ý: Phương pháp là gì để được giải thoát? ‘Vidya’ mang đích xác nghĩa này. ‘Vidya’ nghĩa là: Phương pháp là gì để được giải thoát? Tại đây ‘vidya’ không ngụ ý điều chúng ta vẫn hiểu nó ngụ ý.

Phương pháp là gì? Sau khi hiểu tù túng là gì, và giải thoát là gì, thì bây giờ: Phương pháp là gì?

Giả dụ rằng chúng ta đang trong tù, và giả dụ rằng có bầu trời bao la bên ngoài nhà tù và có thể bay trong bầu trời đó, giả dụ rằng có mặt trời bên ngoài những bức tường của bóng tối là việc hoà hợp với mặt trời đó là chỗ trú ngụ của tính bất tử - nhưng thế thì con đường tới đó là gì? Phương pháp là gì?

Cho dù chúng ta có biết tù túng là gì và giải thoát là gì, nếu cánh cửa là không được biết tới - đường thoát ra khỏi tù túng và đạt tới giải thoát là không được biết tới - thế thì phải làm gì? Thế thì chẳng cái gì có thể được làm cả.

Phật đã nói về bốn chân lí cao quí, tứ diệu đế, bốn chân lí nền tảng, bốn chân lí cơ sở. Ông ấy nói, “Người biết bốn điều này là biết tất cả.”

Chân lí nền tảng đầu tiên là ở chỗ con người đang trong khổ. Chân lí thứ hai là ở chỗ có nguyên nhân cho khổ đó, ở chỗ người ta không bị khổ mà không có nguyên nhân - bởi vì nếu người ta mà trong khổ chẳng có lí do gì thế thì sẽ không có cách nào để được tự do. Và chân lí thứ ba là ở chỗ cho dù có nguyên nhân, khổ có đó, thì phải có đường ra, bằng không thì sẽ không có khả năng nào vượt lên trên khổ. Cho nên Phật đã nói, “Chân lí thứ nhất là khổ, chân lí thứ hai là nguyên nhân của khổ, và chân lí thứ ba là ở chỗ có con đường để thoát khỏi khổ.”

Nhưng cho dù có khổ, có nguyên nhân cho khổ này, và có con đường để thoát khỏi khổ này, nếu khả năng trở nên thoát khỏi khổ này mà không tồn tại, và nếu trạng thái tự do nơi con người có thể thoát ra khỏi khổ lại không tồn tại, thế thì người đó sẽ chỉ nhảy từ khổ này sang khổ khác. Cho nên Phật đã nói về chân lí nền tảng thứ tư: sự tồn tại của trạng thái thoát khỏi khổ. Phật đã nói, “Đủ rồi, bốn chân lí này là đủ.”

Tại đây, vidya nghĩa là: Làm sao được tự do? Con đường là gì? Phương pháp là gì? Phương cách cứu chữa là gì?

Có thể chỉ có tù túng, nhà tù, khổ - và con người đang đứng đó bất lực, vô phương cứu chữa! Thế thì tranh đấu sẽ vô nghĩa; thế thì chúng ta sẽ phải được thoả mãn với điều và nơi chúng ta đang hiện hữu; thế thì chúng ta sẽ chỉ phải chấp nhận bất kì cái gì xảy ra như định mệnh của mình. Dù chúng ta là bất kì cái gì, điều đó sẽ là số mệnh của chúng ta; sẽ không có cách nào để thoát ra khỏi nó. Thế thì sẽ là phải mà chấp nhận cái nhà tù này là lâu đài chúng ta mang định mệnh ở đó mà không có khả năng nào để thoát ra - cho nên thế thì phỏng có ích gì mà tạo ra đau khổ không cần thiết bằng việc gọi nó là nhà tù?

Có những nhà tư tưởng tin rằng khổ tồn tại và không có phương cách cứu chữa nào để giải phóng chúng ta khỏi nó; nó là chính bản chất của cuộc sống, việc siêu việt lên là không thể có được.

Diogenes là một nhà tư tưởng Hi Lạp. Khi hoàng đế Hi Lạp đến thăm Diogenes hoàng đế hỏi ông ấy, “Nói cho ta, chân lí vĩ đại nhất của cuộc sống là gì? Nói cho ta về chân lí cao nhất, tối cao nhất.”

Diogenes đáp, “Không có cách nào để biết chân lí vĩ đại nhất đó, cho nên xin để nó đấy và hỏi về chân lí thứ hai.”

Hoàng đế sửng sốt, và ông ta hỏi Diogenes, “Nhưng thế thì ít nhất nói điều gì đó về chân lí thứ nhất này đi.”

Diogenes đáp, “Không, không có cách nào để biết nó, bởi vì chân lí tối cao nhất là: không được sinh ra chút nào. Và bây giờ bệ hạ đã được sinh ra. Chân lí cao nhất là không được sinh ra chút nào. Đây là chân lí thứ nhất. Nhưng bây giờ thì không có cách nào, bệ hạ đã được sinh ra rồi. Ta sẽ nói cho bệ hạ chân lí thứ hai, và đó là: chết đúng sau việc sinh.” Chết đúng sau việc sinh!

“Sao?” hoàng đế hỏi.

Diogenes đáp, “Cuộc sống và khổ của nó là không tách rời; chừng nào bệ hạ còn chưa chết cái chết này, khổ sẽ cứ còn dai dẳng. Sống là khổ. Không có lối ra.”

Một cách tự nhiên, nếu đây là tình huống thế thì không có cách nào ngoại trừ tự tử.

Đã có những nhà tư tưởng tin rằng không có cách nào để thoát khỏi đau khổ của cuộc sống; rằng không có cách nào thoát ra khỏi nhà tù, bởi vì bản thân sự tồn tại là nhà tù, rằng chẳng cái gì tồn tại bên ngoài nó cả. Đó là lí do tại sao câu hỏi này lại có nghĩa: Vidya là gì, việc biết thật là gì?

Liệu có cách thức, có phương thuốc chữa nào không, hay chúng ta bất lực? Nếu trường hợp sau xảy ra, thế thì việc cứ giữ lấy mơ mộng là phải rồi, cứ ngủ, coi nhà tù là lâu đài, cho xiềng xích là đồ trang sức. Thế thì điều này sẽ là thông minh. Nhiều người sống với loại thông minh này; họ sống trong lừa dối để không phải nhận biết về khổ và nhà tù bởi vì dường như không có có cách nào đi ra khỏi nó.

Vidya, việc biết thật, là gì

và avidya, việc biết giả là gì?

Avidya không ngụ ý dốt nát. Nếu ‘vidya’ ngụ ý là phương pháp, cách để đạt tới, thế thì nghĩa của 'avidya' có thể là gì? ‘Avidya’ nghĩa là phương pháp có vẻ như phương pháp mà chẳng đưa tới đâu cả: phương pháp giả. Chắc chắn có những phương pháp giả nữa, phương pháp nguỵ tạo! Có những cánh cửa không tồn tại nhưng chúng lại dường như tồn tại; có những chìa khoá trông đích xác như chìa khoá nhưng chúng không mở được bất kì ổ khoá nào, chúng là vô dụng; người ta có thể chơi với chúng cả đời mình mà chẳng cái gì mở ra cả.

Bất kì nơi đâu có tìm kiếm thì khoá giả đều có thể được phát minh ra bởi vì chúng là tự do, rẻ mạt; chúng dễ dàng có sẵn, chúng có thể được mua ở chợ. Điều bạn gọi là dharma, là tôn giáo, nói chung có đến chín mươi chín phần trăm của nó là avidya, bởi vì tìm kiếm nông cạn và ham muốn được mọi thứ một cách rẻ mạt tạo ra phương pháp giả trong bãi chợ.

Nhiều con đường tồn tại, phần lớn trong chúng đều là đường giả chỉ dẫn tới quên lãng. Nếu người ta rơi vào quên lãng thì nhà tù không còn nữa. Nếu người ta bị ngây ngất bởi nhà tù, nhà tù có tồn tại không? Không, trong cơn ngây ngất cả nhà tù lẫn bản thân người tù đều không tồn tại; mọi thứ biến mất trong vô ý thức. Và người ngây ngất trở thành hoàng đế của nhà tù này. Người ngây ngất tưởng tượng trong nhà tù của mình rằng mình đang bay cao trên trời. Bây giờ người đó có thể tưởng tượng bất kì cái gì, bởi vì khi người ta ngây ngất, người ta có thể mơ và nhận biết về chân lí bị mất. Giống thế này, người ta có thể thấy linh ảnh Thượng đế. Ai đó thậm chí còn chưa biết tới bản thân mình lại có thể thấy Thượng đế; ai đó thậm chí còn chưa biết tới mình đã biết điều tối thượng. Đây là những phương cách cho lừa dối.

Và thế giới này không bị những người dốt nát làm hại nhiều như cái gọi là những người có hiểu biết, người trao cho bạn chìa khoá giả. Họ được nhiều hài lòng khi cho bạn chìa khoá, còn bạn cũng hài lòng, hài lòng lớn, về việc được cái gì đó cho không mà không mất tiền mua, chẳng phải làm gì. Và phần lớn mọi người đều muốn được cái gì đó mà chẳng phải làm gì cho nó cả.

Bệnh lớn nhất trong các loại bệnh tật của con người là lờ phờ, trì trệ: muốn được cái gì đó mà chẳng mất gì, muốn đạt tới đâu đó mà không phải đi. Trông đợi mục tiêu bước tới mình mà chẳng bước lấy một bước đi - còn cái gì có thể tốt hơn thế nữa? Đám đông nhất định đi theo những người này. Đám đông làm hài lòng cái gọi là những guru này và bản ngã của họ được đáp ứng. Cho nên việc khai thác lẫn nhau cứ xảy ra. Cái gọi là các guru với chìa khoá giả luôn sẵn có đấy; còn đệ tử nữa cũng sẵn có, sẵn sàng mua các chìa khoá này. Và như vậy thương mại cứ tiếp diễn.

‘Avidya’ nghĩa là những phương pháp không mở cánh cửa nào, nhưng chúng cho ảo tưởng rằng việc mở tồn tại. Đó là lí do tại sao người truy tìm hỏi:

Vidya là gì? Avidya là gì?

Thức, mơ, ngủ và turiya -

cái thứ tư - bốn trạng thái này là gì?

Trong thực tế phân biệt giữa vidya và avidya không thể được hiểu nếu bốn trạng thái này của thức, mơ, ngủ và turiya không được hiểu.

Trong lịch sử nhân loại, những người tìm kiếm đầu tiên trên trái đất đề cập tới bốn trạng thái của tâm thức con người là ở Ấn Độ. Tâm lí học phương Tây cho tới giờ vẫn còn xoay vòng quanh trạng thái thức; mãi tới năm 1900, tâm lí học phương Tây vẫn hoàn toàn bị thu hút vào trạng thái thức. Bất kì thảo luận nào về trạng thái mơ cũng đều bị coi là thiếu hiểu biết. Bất kì ai nói về trạng thái mơ đều bị coi là điên. Cái gì có đó trong mơ? Mơ chỉ là mơ, cái gì khác có đó cho nó? Nhưng trong năm mươi năm qua, khi tâm lí học đã đi sâu hơn vào việc hiểu tâm trí con người, đi sâu vào trong việc điều tra các bệnh mất trí, họ dần dần bắt đầu nhận ra rằng dưới trạng thái thức có một tầng của mơ mà thậm chí còn có ý nghĩa hơn là trạng thái thức. Cho đến lúc đó thì mơ vẫn bị coi chỉ là mơ - một vùng vô nghĩa chỉ có tưởng tượng của con người; không cần phải để ý tới nó. Các nhà tư tưởng của phương Tây hay cười phương Đông, nơi người ngu thậm chí vẫn nói về các giấc mơ. Nhưng bây giờ, ngày nay, do nỗ lực của Freud, Jung và Adler, các nhà tâm lí thường nói về mơ.

Nếu bạn tới nhà tâm lí, người đó trước hết sẽ hỏi về mơ của bạn, bởi vì theo ông ta thì bất kì cái gì xảy ra trong trạng thái thức của bạn cũng chỉ là bề mặt, nó không thực sự phản ánh thực tại của bạn; chỉ mơ mới phản ánh thực tại của bạn. Thực tại qua mơ sao? - bởi vì bạn không thể lừa dối trong mơ được. Con người đã trở thành chuyên gia trong lừa dối. Bạn có thể nói về vô dục cả ngày, nhưng mơ của bạn sẽ nói vô dục của bạn đi sâu thế nào; bạn có thể dễ dàng nhịn ăn cả ngày, nhưng mơ của bạn sẽ nói ham muốn của bạn về thức ăn sâu đến mức nào.

Vậy mà con người vẫn chưa tìm ra được cách lừa dối mơ của mình. Mơ của người đó làm lộ ra thực tại của người đó. Trong mơ kẻ cắp là kẻ cắp và thánh nhân là thánh nhân. Trạng thái thức không tin cậy được; có kẻ cắp trong thánh nhân, và đôi khi thậm chí thánh nhân lại có vẻ như kẻ cắp. Trạng thái thức là không thể tin cậy được. Trạng thái thức không tin cậy được chút nào, bởi vì con người thao túng trạng thái thức theo đủ mọi cách, tô vẽ nó theo đủ mọi cách.

Cho nên điều bạn giả vờ trong trạng thái thức của bạn là hoàn toàn giả dối và tựa mơ. Và chẳng có gì đúng hơn mơ của bạn, bởi vì cho tới giờ bạn không thể lừa dối được trong mơ. Nếu bất kì ai phát hiện ra cách làm điều đó, mơ của bạn cũng sẽ bắt đầu là giả; nhưng cho tới giờ không ai đã phát hiện ra cách làm điều đó. Nếu bạn phát hiện ra một kĩ thuật như thế một ngày nào đó, bạn có thể chọn là thánh nhân trong mơ của mình. Nhưng cho tới giờ bạn không thể nào thao túng được mơ của mình, cho tới giờ bạn không thể chỉ huy được mơ của mình, bạn chưa thể thấm sâu vào trong chúng; bạn vẫn còn đứng ngoài chúng. Đó là lí do tại sao khi mơ của bạn được điều tra, thì thực tại sâu hơn của bạn trở nên được biết tới; tầng thứ hai này sâu hơn.

Bạn có một tầng trên, đó là trạng thái thức. Bạn làm gì trong thế giới này từ sáng tới tối? Tất cả mọi tụng niệm, tôn thờ và cầu nguyện - không, chúng không phải là điều sâu sắc. Điều bạn làm trong mơ còn sâu lắng hơn; chúng đem lên bề mặt trạng thái hiện hữu bên trong của bạn. Cho nên các nhà tâm lí bây giờ chấp nhận rằng ngay cả mơ cũng không chỉ đơn thuần là mơ, và trong thực tế nó còn đúng hơn trạng thái thức.

Vấn đề là, bốn trạng thái này là gì? Bởi vì không hiểu bốn trạng thái này thì sẽ không thể nào đi vào trong thiền được. Mọi người nói rằng họ muốn biết cái ta thực của mình. Có lẽ họ nghĩ rằng có cách trực tiếp để biết cái ta thực của mình. Không, trước hết bạn phải biết trạng thái thức là gì, trạng thái mơ là gì, trạng thái ngủ là gì, turiya là gì. Thế, chỉ thế thì bạn mới có thể đi vào bản thể bên trong của bạn. Turiya là bản thể bên trong của bạn.

Đây là mối quan tâm lớn của tâm lí học. Bây giờ phương Tây đã chấp nhận rằng mơ là có ý nghĩa. Một thiên tài như Freud đã cống hiến cả đời mình để nghiên cứu mơ của mọi người. Nhưng phương Tây vẫn không chấp nhận tầng thứ ba. Phương Tây vẫn chưa truy tìm, “Giấc ngủ không mơ là gì?” bởi vì họ nghĩ rằng giấc ngủ đơn thuần là giấc ngủ, như họ vẫn thường nghĩ rằng mơ đơn thuần là mơ. Bây giờ họ nghĩ rằng giấc ngủ đơn thuần là giấc ngủ, vấn đề của thảnh thơi - người ta mệt và ngủ. Nhưng hoài nghi đã bắt đầu nảy sinh.

Sau năm 1950, trong hai mươi năm này, hoài nghi đã nảy sinh, và bây giờ họ đã bắt đầu nghĩ rằng giấc ngủ không đơn thuần là giấc ngủ. Cho nên bây giờ, ở Mĩ, mười phòng thí nghiệm chính đang làm việc về vấn đề giấc ngủ sâu. Điều đã trở thành rõ ràng cho họ trong hai mươi năm này là chừng nào chúng ta còn chưa hiểu giấc ngủ thì sẽ khó mà hiểu con người - bởi vì con người sống sáu mươi năm, ngủ đã mất hai mươi năm.

Đây không phải là một tỉ số nhỏ! Hai mươi năm ngủ trong quãng đời sống sáu mươi năm! Một phần ba thời gian chỉ dành cho giấc ngủ! Cho nên ngủ phải có ý nghĩa sâu sắc, nó phải có mục đích. Nó là phần bản chất của cuộc sống. Con người có thể sống ba tháng không thức ăn, nhưng không thể sống được nếu không ngủ; con người có thể nhịn ăn ba tháng, nhưng không thể sống được nếu không ngủ.

Một điều đáng ngạc nhiên hơn đã lôi kéo sự chú ý của các nhà tâm lí phương Tây là ở chỗ con người cũng sẽ phát điên nếu người đó không mơ. Người đó không thể sống được nếu không mơ. Nếu một người được phép ngủ nhưng không được phép mơ.... Họ đã tiến hành những thực nghiệm, bởi vì máy móc bây giờ có sẵn có thể chỉ ra khi nào bạn mơ và khi nào bạn ngủ. Khi bạn mơ, cái kim chuyển động rất nhanh, bởi vì não đang hưng phấn khi bạn mơ. Ngay cả bằng việc chạm vào mắt bạn trong giấc ngủ cũng có thể biết được liệu bạn có đang mơ vào lúc đó hay không, bởi vì khi bạn mơ thì mắt bạn chuyển động theo cùng cách như chúng chuyển động trong trạng thái tỉnh khi bạn đang nhìn.

Và dần dần vấn đề trở nên rõ ràng là các chuyển động mắt sẽ xác nhận kiểu mơ nào bạn đang có. Khi bạn thấy mơ mang tính dục, mắt bạn chuyển động rất nhanh. Các xung trong não và tần số chuyển động của mắt đã được quan sát. Bây giờ bạn không còn có thể không quan tâm rằng người khác sẽ chẳng bao giờ biết đươc về mơ của bạn; người ngồi trong phòng của bạn có thể biết được tất cả điều bạn đang làm bên trong! Chẳng chóng thì chầy chúng ta sẽ có khả năng phân loại những chuyển động mắt khác nhau và những cách đo khác nhau về các xung não của bạn và chúng mang ý nghĩa gì. Thế thì chúng ta sẽ biết các thánh nhân đang có những kiểu mơ nào!

Khám phá mới nhất là ở chỗ nếu con người không được phép mơ.... Con người mơ quãng tám tới mười lần trong quá trình một đêm. Có giấc ngủ sâu và giữa chúng có những mơ - cho nên khi máy chỉ ra rằng ai đó đang mơ thì người đó ngay lập tức bị đánh thức dậy. Ngay khi người đó bắt đầu mơ thì người đó bị đánh thức dậy; mơ bị làm gián đoạn, và lần nữa người đó lại được phép ngủ - người đó được phép ngủ chừng nào người đó chưa bắt đầu mơ lại. Ngay khi người đó bắt đầu mơ thì người đó lại bị đánh thức dậy. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: dù bạn có ngủ nhiều bao nhiêu, nếu bạn không được phép mơ thì sau mười lăm ngày bạn bắt đầu phát điên. Mơ là cần thiết, bằng không bạn sẽ phát điên.

Bạn có thể nghĩ rằng mơ quấy rối bạn quá nhiều; nhưng đó là cửa ra cho điên khùng của bạn. Nếu bạn bị ngăn cản không được mơ, bạn chắc chắn sẽ phát điên bởi vì cái vẫn còn lại bên trong bạn sẽ quấy rối bạn cả ngày. Nếu nó không được phép thoát ra trong đêm, nó sẽ trồi lên bề mặt trong ngày. Cho nên tốt hơn cả là nó được thoát ra trong bóng tối của ban đêm, bởi vì nếu mà nó tới vào ban ngày, nó sẽ gây rắc rối. Nếu cơn giận, mà bạn thường vứt nó đi bằng việc giết ai đó trong mơ của mình trong đêm, bị kìm nén trong mười lăm ngày, thì bạn thực tế sẽ giết ai đó - sẽ có tích luỹ giận dữ tới mức bạn sẽ phải giết người.

Mơ là cần thiết. Chừng nào ý thức còn chưa đạt tới turiya, mơ là cần thiết. Chỉ ai đó đạt tới turiya thì mới không cần mơ, không cần ngủ, thậm chí không cần trạng thái thức; người đó đi qua cả ba, nhưng người đó không cần tới chúng. Người đó tỉnh thức ngay cả trong mơ, người đó tỉnh thức trong ngủ say; người đó cũng tỉnh thức trong trạng thái thức. Chúng ta mơ ngay cả trong trạng thái thức, chúng ta thậm chí mê trong trạng thái thức.

Bốn trạng thái này là gì?

Trong nửa thứ hai của thế kỉ hai mươi các nhà tâm lí bắt đầu nghĩ rằng giấc ngủ sâu cũng cần được điều tra. Nếu trạng thái ngủ của ai đó có thể được hiểu chính xác, sẽ dễ hiểu nhân cách của người đó và bản tính thực của người đó. Giấc ngủ cũng có những phẩm chất. Mọi người không ngủ trong cùng trạng thái ngủ sâu. Nhưng ngay cả bây giờ, các nhà tâm lí cũng vẫn chưa nhận biết về turiya, trạng thái thứ tư. Nhưng Jung đã nói, “Chúng ta phải chấp nhận phát hiện của phương Đông rằng mơ là có giá trị và rằng chúng nên được điều tra.”

Khi Upanishads được dịch lần đầu tiên ở phương Tây, mọi người đều hỏi, “Upanishad này là gì vậy? Có tâm linh gì trong việc truy tìm vào mơ? Hỏi về điều thiêng liêng, về giải thoát, thì có thể hiểu được... nhưng hỏi về mơ sao? Việc truy tìm này là gì? Và việc truy tìm này lại do người Hindu thực hiện, người tin rằng thế giới này là maya, mơ. Và họ đang truy tìm về mơ!” Cho nên Jung đã nói, “Bây giờ, bằng việc cúi đầu mình, chúng ta phải chấp nhận rằng trạng thái mơ còn quan trọng hơn trạng thái thức.”

Nhưng Jung đã chết rồi; ông ấy chẳng bao giờ nhận biết rằng các nhà tâm lí bây giờ đã phải chấp nhận tầm quan trọng của giấc ngủ. Hiện tượng này càng sâu, nó càng trở nên giá trị hơn. Vậy mà họ vẫn không nhận biết rằng có trạng thái đằng sau trạng thái ngủ, điều không phải là một trạng thái mà là bản thân cái ta, được gọi là turiya.

Đây là ba trạng thái: thức, mơ, ngủ; và cái thứ tư thì không phải là trạng thái - đó là tự tính của chúng ta, sự hiện hữu của chúng ta.

Cho nên việc truy tìm là có giá trị. Chúng ta sẽ thăm dò vào câu trả lời trong Upanishad lần lượt từng trạng thái một.

Năm thể này là gì?

- annamay, được tạo nên từ thức ăn;

pranamay, được tạo nên từ sinh lực;

manomay, được tạo nên từ năng lượng tâm lí;

vigyanamay, được tạo nên từ nhận biết;

anandamay, được tạo nên từ phúc lạc.

Chúng ta đã nghe nói về 'linh hồn' và việc tìm kiếm của nó, nhưng chừng nào chúng ta chưa biết thể vật lí là gì, chúng ta không tìm được linh hồn. Đây là việc tìm kiếm rất khoa học.

Thể là gì? Nếu như chỉ có một thể thì sự việc đã dễ dàng, nhưng chúng ta có năm thể bên trong bản thân mình. Upanishad đã chia các tầng của các thể của chúng ta thành năm phần. Phần thấy được ở bên ngoài là thể annamay. Ẩn đằng sau nó là thể pranamay - điều các nhà khoa học ở phương Tây gọi là năng lượng sinh học. Phương Đông đã gọi nó là prana; nó là thể năng lượng. Nó là tầng thứ hai bên trong thể vật lí này. Đằng sau nó là thể manomay, thể của tâm trí, của năng lượng tâm lí. Những người đã đi vào cuộc hành trình bên trong đều biết rằng tâm trí cũng là một thể. 'Thể' chỉ nghĩa là bạn được bao quanh bởi một tầng của nó.

Đằng sau tâm trí có một thể nữa gọi là thể vigyanamay. Điều này chúng ta gọi là ý thức, khả năng của việc biết. Khả năng biết cũng là một thể. Đằng sau đó Upanishads chấp nhận một thể nữa mà họ gọi là thể anandamay, thể phúc lạc. Những thoáng nhìn về hạnh phúc mà ngẫu nhiên chúng ta cảm thấy trong cuộc sống đều là việc xảy ra trong thể phúc lạc của chúng ta.

Đây là năm thể. Đằng sau năm thể này tồn tại sự hiện hữu bên trong của chúng ta. Đây là năm bức tường của nhà tù của chúng ta; năm thể này là các nhà tù của chúng ta. Điều thiêng liêng ở bên trong cũng như bên ngoài năm bức tường này. Với việc sụp đổ của năm bức tường này, bên trong và bên ngoài trở thành một. Đôi khi chúng ta có khả năng thấm qua năm bức tường này và chạm tới điều thiêng liêng bên ngoài. Đôi khi điều thiêng liêng bên ngoài có khả năng chiếu tia sáng của nó xuyên qua năm bức tường này và chạm vào bên trong chúng ta. Nhưng hiếm khi điều này xảy ra; hiện tượng này hiếm khi xảy ra.

Đôi khi, trong tình yêu sâu sắc với ai đó, bạn có thể bỗng nhiên vượt ra ngoài năm bức tường này và bạn có được thoáng nhìn về điều thiêng liêng ở phía bên kia. Nhưng điều này chỉ là thoáng nhìn. Thoáng nhìn tới rồi tan biến. Đây là lí do tại sao khi bạn trong tình yêu với ai đó, người kia không có vẻ chỉ là một người, anh ấy hay cô ấy có vẻ như là điều thiêng liêng. Điều này không thể nào sai lầm được; nó là thoáng nhìn, nhưng nó chỉ là thoáng nhìn. Hiện tượng này xảy ra bởi vì năm bức tường đã bị xuyên thấu qua - một chút ít hương thơm đi vào bạn. Nó sẽ không xảy ra hàng ngày. Đây là lí do tại sao những người yêu lại thấy mình trong khó khăn lớn về sau, bởi vì về sau người ta thấy rằng người đàn ông này chỉ là người thường, hay người đàn bà này chỉ là người thường. Thoáng nhìn đó đã đi đâu mất rồi? Nó đã biến mất, nó chỉ là cái thoảng qua.

Thoáng nhìn đó sẽ chỉ tới trong khoảnh khắc rất nhạy cảm nào đó. Đôi khi nó tới khi ngắm hoa nở; đôi khi, xuyên qua năm thể, người ta có được thoáng nhìn khi ngắm đám mây bồng bềnh trên trời; đôi khi mặt trời lên vào buổi sáng và các tia sáng của nó chạm tới không chỉ thân thể mà còn xuyên qua năm thể, chạm tới cái gì đó bên trong.

Chính trong những thoáng nhìn đó mà khái niệm về tôn giáo đã được sinh ra trên thế giới. Hiền nhân đang tắm trong dòng sông... mặt trời lên, và ông ấy đang đứng trên bờ sông mới tắm xong còn tươi tắn và ánh mặt trời đi vào ông ấy.... Mặt trời trở thành thiên thần, mặt trời trở thành thần với ông ấy. Kinh nghiệm của ông ấy hoàn chỉnh trong bản thân nó. Nhưng bây giờ mọi người đứng đó chắp tay trong lời cầu nguyện bởi vì mặt trời đã trở thành thần, mặc dầu họ không thể thấy có điểm sâu sắc gì trong nó. Các sách khoa học nói rằng mặt trời chẳng là gì ngoài quả bóng lửa, và điều này người đó có thể hiểu được, nhưng về thần này thì người đó chẳng có ý tưởng gì hết cả.

Các nhà xã hội học nói rằng có lẽ khi nhìn mặt trời mọi người trở nên sợ hãi và do vậy họ coi mặt trời là thần. Tất cả các tôn giáo đều được sinh ra từ sợ hãi. Mọi người có thể đã sợ lửa, cho nên để bầy tỏ kính trọng nó và để thuyết phục lửa đừng làm hại họ hay mặt trời đừng làm hại họ, mọi người đã quì xuống để tôn thờ với đôi tay chắp lại. Đây là hiểu nhầm hoàn toàn.

Với nhận biết về năm thể này, cuộc hành trình bên trong bắt đầu.

Người làm là gì? Linh hồn hiện thân này là gì?

Năm loại này là gì?

Ai là người biết?

Ai là nhân chứng?

Ai là người ở chỗ sâu nhất?

Ai là người biết về tất cả các ý nghĩ và cảm giác?

Những điều này nghĩa là gì? Tương tự:

Jeevatma, linh hồn cá nhân, là gì,

và paramatma, linh hồn vũ trụ là gì?

Maya, ảo tưởng là gì?

Những điều này là gì?

Những câu hỏi này là lời mở đầu, thế rồi Upanishad đi vào trong những câu trả lời. Cố hiểu những câu hỏi này cho đúng. Trong bài nói sáng nay, hiểu tâm trí hay hỏi đi; hiểu chiều hướng đúng của câu hỏi. Câu trả lời là không khó, câu hỏi mới thực là vấn đề - bởi vì câu trả lời phải được sinh ra bên trong người hỏi. Câu trả lời không tới từ bên ngoài, câu trả lời không phải ở bên ngoài, nó là ở bên trong bạn. Nếu bạn có thể hỏi câu hỏi đúng, thì câu trả lời đúng bắt đầu nảy sinh trong bạn. ‘Câu hỏi đúng’ nghĩa là bạn đã bắt đầu chạm vào câu trả lời bên trong mình. Câu hỏi sai nghĩa là bạn không chạm vào nó chút nào và câu trả lời không bao giờ tới. Câu trả lời có thể được trao từ bên ngoài, nhưng nó không bao giờ đạt tới bạn.

Giao cảm là cần thiết: câu trả lời nên rộn ràng bên trong bạn, và thế thì, khi nó cũng được trao cho từ bên ngoài, chỉ thế thì bạn mới có thể nhận được câu trả lời, bằng không thì không nhận được. Chừng nào bạn còn chưa cảm thấy một sự đáp ứng sâu sắc khi những sợi dây đàn bên ngoài được chơi, chừng nào chiếc đànveena bên trong của bạn còn chưa vang lên, thì cây đàn veena bên ngoài có thể tiếp tục chơi đấy nhưng nó sẽ vô tác dụng.

Thông qua Upanishad, tôi sẽ trao cho bạn câu trả lời từ bên ngoài. Nhưng điều đó sẽ không đủ. Nhạy cảm cần được tạo ra bên trong bạn để cho câu trả lời chạm vào đúng chỗ bên trong. Và để chạm vào đúng chỗ thì tất cả lại là vấn đề đấy. Nếu bạn có vang vọng này bên trong, câu trả lời từ bên ngoài có thể có ích; câu trả lời này được hiển lộ ra tại điểm gặp gỡ của cả hai. Và có thể là câu trả lời bên ngoài không cần thiết còn câu trả lời bên trong thì hiển lộ theo cách riêng của nó, nhưng không bao giờ có khả năng câu trả lời bên ngoài được hiển lộ mà không có vang vọng của câu trả lời bên trong. Bên ngoài là phụ - nó có sự tiện dụng của nó, nhưng nó là phụ; nó là cần, nhưng không phải bản chất.

Cho nên có thể là câu trả lời được hiển lộ mà không có câu trả lời nào tới từ bên ngoài. Nếu câu hỏi là sâu sắc, thành tâm, chân thành tới mức cả cuộc sống người ta đem ra đánh cược, thế thì câu trả lời được hiển lộ thậm chí không có câu trả lời bên ngoài. Nhưng theo cách khác thì không thể được - không bao giờ có thể được. Phật có thể đứng bên ngoài, Mahavira có thể đứng đó, Krishna có thể đứng đó và Christ có thể đứng đó, và tất cả họ có thể hô lên câu trả lời, nhưng nếu không có nhạy cảm, nếu không có ước ao, không có khao khát, không có mong mỏi, thì không có cách nào - tất cả những câu hỏi đó, tất cả những câu trả lời đó đều phí hoài.

Từ tối nay chúng ta sẽ bắt đầu hiểu những câu trả lời này.

Bây giờ chúng ta sẽ tiến hành thiền để đánh thức nhạy cảm bên trong. Nếu nhạy cảm có đó, chúng ta có thể đi vào trong câu trả lời.

Cho nên hiểu đôi điều về phương pháp của cách thiền này. Điều thứ nhất... ngồi đấy, trước hết nghe tôi, thế rồi bạn có thể trải rộng ra.

Trong mười lăm phút đầu của thiền sẽ có kirtan, ca hát và nhảy múa sùng kính. Làm cho bạn chìm ngập hoàn toàn trong nó. Nếu bạn kìm lại cho dù chỉ chút xíu thôi bạn sẽ bỏ lỡ bước đầu tiên, và thế thì sẽ không có câu hỏi về việc làm bước thứ hai. Cho nên ai đó dù chỉ biểu lộ chút ít hà tiện cũng hoàn toàn ngu xuẩn. Tốt hơn cả là người đó nên rời khỏi đây; người đó đang làm nỗ lực vô ích.

Lưu tâm: hoặc đem mọi thứ ra đặt cược, hoặc không làm điều đó một chút nào. Nỗ lực nửa vời sẽ không có tác dụng. Hoặc dâng hiến toàn bộ bản thân bạn, hoặc không chút nào; đừng làm việc không cần thiết, bởi vì nỗ lực nửa vời đem lại kết quả sai. Bạn sẽ cảm thấy rằng bạn đã thử nó mà chẳng cái gì xảy ra cả. Điều đó tạo ra thất vọng. Không, đừng làm nó chút nào, thế thì ít nhất hi vọng sẽ còn tiếp tục và bạn sẽ thu lấy dũng cảm trong một kiếp sống khác. Đừng nỗ lực hờ hững. Đun sôi lên một trăm độ, thế thì việc bay hơi có thể xảy ra. Tham dự theo cách hờ hững và thế rồi nguôi đi, lại lặp lại điều này lần nữa, dần dần bạn sẽ mất mọi hi vọng rằng bạn nữa cũng có thể đun sôi lên một trăm độ và bay hơi.

Cho nên điều đầu tiên cần được ghi nhớ là đi một cách toàn bộ vào trong kirtan trong mười lăm phút. Với 'toàn bộ' tôi ngụ ý phát điên hoàn toàn; kém hơn thế sẽ không có tác dụng. Vải che mắt phải được đeo trên mắt bạn, với mắt nhắm. Trải rộng ra - bạn có đủ không gian ở đây - trải rộng ra khắp nơi để cho bạn có thể nhảy múa tự do.

Nhảy múa trong mười lăm phút trong kirtan, thế rồi việc hát sẽ dừng lại và âm nhạc vẫn tiếp tục. Trong mười lăm phút đó bạn phải nhảy múa một cách cá nhân theo nhạc. Bất kì năng lượng nào bạn có, dùng nó một cách toàn bộ. Trở thành một luồng năng lượng, để cho vũ công biến mất và chỉ điệu vũ còn lại. Để cho âm nhạc trở thành tất cả và bạn nhảy múa với âm nhạc đó. Nếu bạn có thể làm điều đó với toàn bộ sự mãnh liệt, bạn lập tức sẽ cảm thấy rằng mình đã trở nên tách rời với thân thể. Việc tách ra khỏi thân thể không phải là rất khó - tách khỏi thân thể là rất dễ. Nếu bạn dùng toàn bộ năng lượng của mình, bạn lập tức trở nên tách khỏi thân thể. Đây là khoa học đằng sau nó.

Cho nên việc hát kirtan sẽ tiếp tục trong mười lăm phút tất cả, thế rồi nó sẽ dừng lại và sẽ chỉ có nhạc - không có hát theo nhóm, chỉ còn nhảy múa... và đặt toàn bộ năng lượng của bạn vào trong nó. Bước thứ hai sẽ tiếp tục trong mười lăm phút. Nếu bạn muốn hét, bạn có thể hét, nhưng hát kirtan sẽ dừng lại. Làm bất kì điều gì bạn cảm thấy thích làm. Nếu cảm giác về hát kirtan vẫn còn dai dẳng với ai đó, người đó có thể tiếp tục theo cách riêng của mình, nhưng hát tập thể sẽ dừng. Một cách cá nhân bạn có thể làm bất kì cái gì bạn muốn làm - nhưng bạn phải không dừng. Đặt toàn bộ năng lượng của bạn vào trong nó trong mười lăm phút.

Thế rồi chúng ta sẽ thảnh thơi trong ba mươi phút. Nằm dài ra trên đất trong ba mươi phút như cái xác. Bạn có thể nằm ngửa hoặc nằm nghiêng... bất kì tư thế nào thoải mái cho bạn. Nếu ai đó cảm thấy thích đứng, người đó có thể đứng; nếu ai đó muốn ngồi, người đó có thể ngồi. Nhưng là cái xác. Đứng, đứng theo cách mà nếu bạn ngã, bạn sẽ ngã như cái xác. Đừng can thiệp. Tôi sẽ cho bạn vài điều gợi ý trong ba mươi phút này. Khi tôi gợi ý bạn xoa trán bằng lòng bàn tay, tụt tấm khăn che mắt lên trên hay xuống dưới một chút trong một hai phút này. Đó là tất cả những gì tôi sẽ gợi ý để bạn làm trong ba mươi phút này. Khi bạn đã hoàn tất ba mươi phút đầu tiên này, tôi sẽ tiếp tục gợi ý bạn về điều bạn sẽ làm cho ba mươi phút tiếp, và bạn sẽ đi vào cuộc hành trình bên trong.

Nếu cuộc hành trình này có thể được tiến hành, thì câu trả lời của Upanishad sẽ là hiểu được; bằng không thì bạn sẽ bỏ lỡ.

Không ai được phép tới vùng cao này.

Trải rộng khắp trên đất.

Mục lục chính

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho