Chương 4. Bốn trạng thái của tồn tại

Con đường bên ngoài mọi con đường - Osho

Chương 4. Bốn trạng thái của tồn tại


Trạng thái linh hồn có thể cảm nhận được những vật thô,

như thính giác và xúc giác,

được gọi là jagrat, trạng thái thức của linh hồn.

Những vật thô được cảm nhận qua

mười bốn công cụ - tâm trí, trí tuệ,

tâm trí tích luỹ, bản ngã và mười giác quan

(năm giác quan của cảm nhận

và năm tổ chức giác quan của hành động) -

được mặt trời và các thần khác hỗ trợ.

Khi trong thiếu vắng của các vật thô,

như thính giác và xúc giác,

và do những ham muốn không được thoả mãn

và kéo dài của trạng thái thức,

qua mười bốn công cụ

linh hồn cảm nhận các vật thô

đang có đó nhưng lại tạo ra những ham muốn này

- trạng thái này được gọi là swapna,

trạng thái mơ của linh hồn.

Có bốn trạng thái của tâm thức con người; chúng ta sẽ bắt đầu việc thảo luận với trạng thái thức. Hiền nhân này nói, “Trạng thái của cảm nhận được đạt tới qua các công cụ của tâm trí và giác quan, được mặt trời và các thần khác giúp đỡ, tràn ngập khắp xung quanh, là trạng thái thức.”

Trạng thái linh hồn có thể cảm nhận được những vật thô, như thính giác và xúc giác, được gọi là jagrat, trạng thái thức của linh hồn. Những vật thô được cảm nhận qua mười bốn công cụ - tâm trí, trí tuệ, tâm trí tích luỹ, bản ngã và mười giác quan - được mặt trời và các thần khác hỗ trợ.

Tâm thức cư ngụ bên trong. Bên ngoài là sự tồn tại vô hạn.

Có hai cách để sự tiếp xúc xảy ra với sự tồn tại vô hạn này. Một sự tồn tại tràn ngập tất cả, là vũ trụ này, và sự tồn tại kia ngụ ở bên trong, là cá nhân - có hai cách cho chúng gặp nhau. Một cách là gián tiếp; nó xảy ra qua các cánh cửa của giác quan. Cách kia là cách trực tiếp, ngay lập tức, không qua trung gian; đó là khả năng qua siêu việt lên trên các giác quan.

Nếu thế giới bên ngoài này mà được biết tới, thì có hai cách. Một cách là ở chỗ tôi phải dùng thân thể và biết nó, và cách kia là ở chỗ tôi phải bỏ tất cả mọi trung gian và biết nó một cách trực tiếp.

Thông thường, chúng ta không thể biết được ánh sáng của thế giới bên ngoài mà không có mắt, chúng ta không thể biết được âm thanh của thế giới bên ngoài mà không có tai. Các giác quan phải được dùng để biết mầu sắc của thế giới bên ngoài. Qua những giác quan này chúng ta biết cái đang có trong thế giới bên ngoài, các giác quan là trung gian của tri thức của chúng ta.

Cho nên tri thức được thu nhận qua các giác quan cứ dường như một sự việc xảy ra ở đâu đó và thế rồi ai đó tới và thông báo cho tôi. Tôi không hiện diện ở đó trong thực tế, một người trung gian nào đó có đó để thông báo cho tôi. Chắc chắn tôi sẽ không nhận được tin tức hệt như nó thực tế đã xảy ra, bởi vì diễn giải của sứ giả sẽ được đem vào trong nó.

Khi mắt tôi đem tin tức lại cho tôi rằng một đoá hoa đã nở trên cây - rất đẹp, rất đáng yêu - thông tin này sẽ không chỉ là về cây và về đoá hoa, nó cũng sẽ bao gồm cái thích của mắt tôi. Mắt đã thêm diễn giải riêng của nó vào nữa. Mắt sẽ bổ sung thêm nhiều điều về đoá hoa này và về cây, nhiều mầu sắc nữa không có đó trong hoa trên cây này.

Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng quãng năm nghìn năm trước con người chỉ có thể thấy được ba mầu: trong những cuốn sách được viết năm nghìn năm trước chỉ nhắc tới ba mầu. Về sau, mắt con người bắt đầu trở nên nhạy cảm hơn; bây giờ chúng có thể thấy được bẩy mầu.

Colin Wilson đã tuyên bố trong một trong những cuốn sách vĩ đại của ông ấy rằng rất gần đây thôi, trong vòng bốn năm trăm năm nữa, con người sẽ có khả năng thấy những mầu sắc mà chúng ta hiện nay thậm chí không thể tưởng tượng nổi. Mắt đang trở nên ngày một nhạy cảm hơn.

Mầu sắc xuất hiện với sự phát triển của mắt. Chúng không thể xuất hiện nếu không có mắt; thế giới là vô mầu. Người khi sinh ra đã bị mù thì không có nhận biết gì mầu sắc cả; người khi sinh ra đã bị điếc thì không có thế giới âm thanh - với người đó thế giới trống rỗng âm thanh.

Việc biết của chúng ta là qua các giác quan. Chúng ta nhất định chấp nhận điều các giác quan truyền đạt cho chúng ta bởi vì chúng ta không có lựa chọn khác. Nhưng thông tin tới từ các giác quan lại bao hàm luôn cả những diễn giải của bản thân các cơ quan giác quan. Bạn thấy một khuôn mặt, nó có vẻ đẹp.

Thế rồi nhìn cùng khuôn mặt đó qua kính hiển vi và bạn sẽ bị phân vân: khuôn mặt này sẽ trông gồ ghề thế, đầy những hốc. Bạn sẽ thấy những gò đống và hồ trong nó; vết sẹo trên khuôn mặt sẽ trông giống như các hốc lớn. Kính hiển vi có nói dối không? Không, kính hiển vi đang cho diễn giải của riêng nó, nó thấy sâu hơn mắt bạn.

Thế rồi nhìn cùng khuôn mặt đó qua máy tia X. Bây giờ làn da sẽ biến mất, chỉ bộ xương còn lại bên trong. Tia X có cho thông tin sai không? Không, máy tia X đang cho cách diễn giải của nó.

Khuôn mặt nào là thực? - khuôn mặt bạn thấy bằng mắt thường, khuôn mặt bạn thấy qua kính hiển vi, hay khuôn mặt bạn thấy qua máy tia X? Chúng tất cả đều cho thông tin về cùng một khuôn mặt, tất cả đều đúng, nhưng mọi diễn giải đều mang tính bộ phận và phụ thuộc và trung gian mà qua đó nó được nhìn.

Nhưng có thể thấy thế giới này mà không qua trung gian được không?... bởi vì chân lí chỉ có thể được biết tới khi chúng ta thấy thế giới này mà không qua trung gian. Phát hiện sâu sắc nhất của hiền nhân này là ở chỗ thế giới được biết qua các giác quan là phóng chiếu của các giác quan lên thế giới khi chúng ta thấy nó; điều đó đã được gọi là maya. Điều bạn đã thấy không chỉ là khung cảnh khách quan, người thấy cũng đã đóng góp vào cái nhìn.

Trong câu chuyện của Majnu và Laila, khi Majnu nói với ai đó rằng Laila rất đẹp, anh ta không chỉ nói điều gì đó về Laila, anh ta đang nói điều gì đó về cả Majnu nữa. Trong thực tế, chính con mắt của Majnu mới có khả năng thấy Laila đẹp. Không nhất thiết là Laila trông đẹp với mọi người. Những người không thấy Laila đẹp và những người quả có thấy cô ấy đẹp đều đang mô tả về cùng một Laila, nhưng kẻ trung gian này, tâm trí và các giác quan mà qua đó Laila đã được nhìn thấy, cũng đã được bao gồm vào trong những mô tả của chúng.

Cho nên khi một người thông báo cho bạn về ai đó, 'Anh ta là người rất tốt,” thông tin này không chỉ là về người đàn ông đó, người đó đang cho một diễn giải về bản thân mình nữa. Và khi một người nói về ai đó, “Anh ta là người rất xấu,” đấy không chỉ là nói về người đó, nó cũng còn nói về chính bản thân người nói này. Và có thể là thông tin của người này về người kia sai, nhưng nó lại không thể sai được về bản thân người này. Các giác quan của chúng ta bao hàm cả diễn giải riêng của chúng. Chúng không thụ động, những kẻ trung gian dửng dưng, chúng đều tích cực theo cách phóng chiếu nữa.

Cho nên đây là một cách - qua các giác quan - để biết biểu lộ bao la của thực tại. Nhưng những người đã siêu việt lên trên các giác quan và đã thấy thế giới này đều nói rằng tri thức này về thực tại là ảo tưởng, maya. Khi một người như Shankara nói rằng thế giới này là ảo tưởng, bạn chớ hiểu lầm ông ấy và cho rằng ông ấy đang nói rằng thế giới này là không tồn tại. Shankara không thể nói một điều điên rồ như vậy - rằng thế giới này là không tồn tại. Thế giới có tồn tại, nhưng nó không phải là cùng như điều bạn đang thấy. Chính tầm nhìn của bạn làm cho nó giống điều đó, chính cách nhìn của bạn vào nó mới làm cho thế giới này thành ảo tưởng; thế giới như bạn thấy đấy là phóng chiếu của riêng bạn, nó là cách diễn giải riêng của bạn.

Tốt hơn thì phải nói rằng không chỉ có mỗi một ảo tưởng, có nhiều ảo tưởng như có ngần ấy người trên thế giới này. Mọi người đều đang sống trong thế giới được tạo ra cho riêng mình; mọi người đều có một thế giới bao quanh mình. Bạn đang sống được bao quanh bởi thế giới riêng của mình, hàng xóm của bạn đang sống được bao quanh bởi thế giới riêng của người đó: không có hài hoà giữa hai thế giới này. Và bất kì khi nào chúng ta đặt hai thế giới này cạnh nhau là có đấu tranh, có đụng độ. Đấu tranh giữa chồng và vợ là đấu tranh giữa hai thế giới. Con đang tạo ra thế giới riêng của mình, và bố đã tạo ra thế giới riêng của mình; đụng độ giữa hai thế giới này là không tránh khỏi. Nó không thể tránh được. Nó không thể khác được. Chúng ta sống được bao quanh bởi những cách diễn giải riêng của mình.

Hiền nhân này nói rằng trạng thái mà trong đó thế giới được biết tới qua giác quan được gọi là trạng thái thức. Trạng thái trong đó thế giới này được biết qua giác quan xem như kẻ trung gian được gọi là trạng thái thức. Thêm vài điều nữa cần được hiểu.

Hiền nhân này đã nói: ... mặt trời và các thần khác. Mặt trời là trung tâm. Bất kì cái gì chúng ta thấy quanh mình, nếu chúng ta tìm trung tâm của tất cả nó, thì mặt trời là trung tâm. Nếu mặt trời nguội đi, ngay lập tức toàn bộ thế giới của chúng ta sẽ bị thu lại tro tàn. Mặt trời là cuộc sống. Dù cho đó là những chiếc lá xanh trên cây đang rung rinh trong phúc lạc, hay đó là đám mây bay trên bầu trời, hay ai đó ca hát bài ca trên trái đất, hay thổi sáo, hay hạt mầm mọc lên, hay thác nước đổ xuống từ trên núi và tuôn chảy ra đại dương - mặt trời vẫn ở gốc rễ của tất cả những điều này. Nếu mặt trời lạnh đi, tất cả mọi cuộc sống của chúng ta sẽ lạnh đi và tan biến.

Đó là lí do tại sao ông ấy nói: ...mặt trời và các thần khác. Mọi thứ khác đều là phụ, mặt trời mới là thần chính. Mặt trời nghĩa là cuộc sống.

Bạn đang thở, máu bạn ấm, và tim bạn đang đập... mặt trời đã đóng góp vào điều đó. Nếu mặt trời tắt đi, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được khi nào nó bị tắt cả bởi vì cùng với mặt trời chúng ta cũng sẽ bị tắt đi. Không ai còn sống để viết ra lịch sử - rằng mặt trời đã tắt vào ngày thế này thế nọ - bởi vì với việc nguội đi của mặt trời, thì chúng ta cũng bị kết thúc, ngay lập tức.

Do đó, mặt trời bao giờ cũng đã được chấp nhận là trung tâm - nhưng tại sao nó lại được gọi là điều thiêng liêng? Khoa học không gọi nó là điều thiêng liêng. Và các nhà khoa học ngạc nhiên: “Sao theo thuyết phiếm thần này... cần thấy tính thiêng liêng trong mọi thứ? Mặt trời là mặt trời, cần gì phải thấy cái gì đó thiêng liêng trong nó?” Nhưng các nhà tiên tri Ấn Độ hiểu điều đó theo cách khác.

Đây là cách thức của các nhà tiên tri Ấn Độ - cảm thấy biết ơn với cái đem cho chúng ta mọi thứ, bởi vì linh hồn cá nhân không tiến hoá trong thiếu vắng của biết ơn. Tất cả những điều cao cả trong con người đều trưởng thành cùng với cảm giác này về biết ơn. Bạn càng cảm thấy biết ơn, linh hồn bạn càng trưởng thành.

Cho nên khi chúng ta nói mặt trời chỉ là mặt trời, điều đó là phải... nhưng không có cảm giác biết ơn trong phát biểu này. Điều đó dường như là chúng ta chẳng nhận cái gì từ mặt trời cả; điều đó dường như là chúng ta không phải là một phần của nó, chúng ta không dựa vào nó; dường như là nó chẳng có liên quan gì với nhịp đập trái tim ta; dường như là chúng ta không phải là sự kéo dài của nó. Vậy mà, mặc dầu chúng ta ở xa nó hàng triệu dặm, chúng ta lại chính là những tia sáng của mặt trời. Chính mặt trời đang đập bên trong chúng ta, chính mặt trời đang sống bên trong chúng ta. Đó là hơi ấm của mặt trời, đó là trái tim của mặt trời.

Với khoa học không mối quan hệ nào được tạo ra với mặt trời. Nhưng đây là thiếu sót vô cùng của hiểu biết, bởi vì nếu chúng ta không cảm thấy biết ơn người đã trao cho cuộc sống này, điều cao hơn bên trong chúng ta không thể trưởng thành được.

Cảm giác biết ơn là phẩm chất cơ bản của tâm trí tôn giáo. Chính qua cảm giác biết ơn này mà người ta nhận được ân huệ thiêng liêng. Cho nên khi người nào đó, tràn đầy kính cẩn, cúi mình chắp tay trước mặt trời, còn có nhiều điều hơn nó chỉ là quả bóng lửa khổng lồ. Những người này đã bắt đầu hiểu ra và biết rõ chân lí... rằng việc cúi mình chẳng đem cho mặt trời cái gì cả, nhưng người đang cúi mình đó nhận được nhiều. Khi nhạy cảm về lòng biết ơn được sinh ra, nó tạo ra sự giản dị, và tâm trí trở thành hồn nhiên.

Và điều này không chỉ áp dụng cho mặt trời, nó còn là một hiện tượng lớn lao hơn nhiều. Do đó, những người cúi mình trước mặt trời thì cũng cúi mình trước dòng sông và cây cối.

Đôi khi những sự vụ đáng ngạc nhiên xảy ra. Các Phật tử đã từng tôn thờ cây bồ đề trong hai nghìn năm trăm năm. Không ai có thể nói rằng điều này là vô nghĩa: Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà Phật đã ngồi dưới gốc cây đó. Cái gì có đó để mà tôn thờ? Ông ấy có thể đã ngồi ở bất kì đâu! Nhưng trong năm mươi năm qua, khoa học đã phát hiện ra một sự kiện rất đáng chú ý. Sự kiện là ở chỗ con mắt thứ ba, ở ngay giữa trán, bao giờ cũng được coi chỉ là tưởng tượng của các nhà khoa học và nhà tư tưởng, và họ đã cười vào điều đó và phủ nhận sự tồn tại của nó. Nhưng trong năm mươi năm này, khoa học đã tìm ra một tuyến nằm giữa hai con mắt, là tuyến quan trọng nhất trong thân thể con người. Bất kì ý thức nào đã phát triển trong con người, đấy là do việc tiết ra từ tuyến đó. Và tuyến này cũng chính là cái đã được các hiền nhân của phương Đông gọi là con mắt thứ ba. Việc tiết ra bắt nguồn từ tuyến đó - và không có điều đó thì ý thức không thể nào tiến hoá được trong con người, thông minh không thể phát triển được trong con người - cũng đáng ngạc nhiên là nó được tìm thấy theo số lượng lớn trong cây đa, cây đề. Khi được so sánh với tất cả thực vật trên thế giới thì nó mang khối lượng rất lớn.

Colin Wilson đã viết trong cuốn sách mới của ông ấy, Điều huyền bí, “Không có gì đáng ngạc nhiên nếu cây này có thể mang ảnh hưởng của việc ngồi của Phật dưới nó và đạt tới chứng ngộ. Cây này có thể đã ảnh hưởng tới điều đó, điều đó không chỉ là ngẫu nhiên; cây có thể đã giúp cho điều đó.”

Ấn Độ bao giờ cũng tôn thờ cây đa. Theo nghĩa đó, cây đa là cây duy nhất trong tất cả các loài thực vật trên trái đất; tất cả các cây khác đều rất khác biệt. Thật nguy hiểm mà ngồi hay ngủ dưới bất kì cây nào trong đêm, ngoại trừ cây đa. Cây thở ra oxy vào ban ngày - lại gần chúng là điều có lợi - còn trong đêm chúng thở ra carbonic. Chỉ mỗi cây đa mới thở ra oxy trong cả hai mươi tư tiếng. Bạn có thể ở gần nó vào bất kì lúc nào; nó đem lại ích lợi cho cuộc sống.

Những người đã chọn cây đa trong tất cả các cây khác để tôn thờ đều tràn đầy biết ơn. Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà Phật đã đạt tới chứng ngộ khi ngồi dưới gốc cây này, đấy là chọn lựa có ý thức. Ngồi và thiền dưới cây này là một phần của quá trình khoa học.

Những người đã cảm thấy biết ơn đều cảm thấy điều đó trong từng và mọi sự vật nhỏ bé trong thế giới này. Bất kì khi nào họ cảm thấy cái gì đó đã giúp đỡ họ, trong lòng biết ơn họ đều gọi nó là thần. 'Thần' có nghĩa là cái gì đó mà từ đó chúng ta bao giờ cũng nhận được, chúng ta bao giờ cũng nhận - và nhận mà thậm chí không đòi hỏi điều gì, liên tục nhận mà thậm chí chẳng cám ơn. Nó được trao cho một cách vô điều kiện, cho nên chúng ta gọi nó là thần. Chúng ta không thể cho lại được cái gì cả. Nhưng tất nhiên, chúng ta có thể biểu lộ sự biết ơn của mình.

Mọi thớ thịt trong con người chúng ta đều được nối với sự tồn tại lan rộng khắp quanh ta. Khi tâm thức biết tới mối nối này qua giác quan, điều đó được gọi là trạng thái thức. Gọi nó là trạng thái thức cũng chỉ là biểu tượng. Bởi vì chúng ta không biết sự thức tỉnh vĩ đại hơn, do đó chúng ta gọi đây là trạng thái thức. Cho nên điều này là tương đối, bởi vì chúng ta chỉ biết ba trạng thái.

Trạng thái thứ nhất này là mối quan hệ của chúng ta với thế giới qua giác quan, trạng thái thứ hai chúng ta biết là trạng thái mơ, và trạng thái thứ ba chúng ta biết là trạng thái ngủ. Chúng ta không biết gì về trạng thái thứ tư. Cái ngày chúng ta sẽ biết tới trạng thái thứ tư, chúng ta cũng sẽ biết rằng điều chúng ta đã hiểu như trạng thái thức cho tới giờ cũng chỉ là một trạng thái mơ và ngủ.

Sri Aurobindo đã nói rằng khi ông ấy thức tỉnh, ông ấy đã nhận ra rằng cho tới lúc đó ông ấy vẫn còn ngủ, và khi ông ấy biết cuộc sống thực, ông ấy thấy rằng điều ông ấy đã coi là cuộc sống chỉ là cái chết. Nhưng điều đó là tự nhiên, chúng ta không thể quan niệm được về điều chúng ta không biết, và chúng ta thậm chí không thể so sánh được.

Trạng thái thức được gọi là vậy trong so sánh với hai trạng thái kia. Chúng ta đã quen thuộc với ba trạng thái này - mơ, ngủ, thức - và điều này có thể được gọi là trạng thái thức trong ba trạng thái này. Cái ngày người ta biết tới trạng thái thứ tư, cả ba trạng thái này sẽ phải trở thành trạng thái ngủ. Thế thì chúng ta sẽ phải định nghĩa chúng theo cách khác nào đó. Thế thì chúng ta sẽ phải nói: ngủ say, ngủ ít say, ngủ ít say hơn. Điều bây giờ chúng ta gọi là trạng thái thức, khi được so sánh với hai trạng thái kia, là ngủ ít say hơn; điều chúng ta gọi là mơ, thì là ngủ ít say; còn điều chúng ta gọi là ngủ, thì là ngủ say hoàn toàn. Tất cả ba trạng thái này đều là trạng thái ngủ... nhưng hiện tại chúng ta gọi nó là trạng thái thức.

Trạng thái thứ hai là mơ. Khi trong thiếu vắng của các vật thô, như thính giác và xúc giác, và do những ham muốn không được thoả mãn và kéo dài của trạng thái thức, qua mười bốn công cụ linh hồn cảm nhận các vật thô đang có đó nhưng lại tạo ra những ham muốn này - trạng thái này được gọi là swapna, trạng thái mơ của linh hồn.

Đôi khi điều đó thực sự đáng ngạc nhiên.... Bây giờ chúng ta nói rằng thế giới này đã trở thành một cái làng lớn - Nguyên soái McLuhan gọi nó là 'làng toàn cầu’. Nhưng điều này dường như không thực tế đúng. Chúng ta chỉ dường như ở gần, bởi vì phương tiện đi lại đã tăng lên. Mọi người đã không tới gần nhau hơn trong tâm thức.

Upanishad này đã định nghĩa về mơ cả nghìn năm trước đây, và trong năm mươi năm qua phương Tây vẫn không có khả năng giải thích được nó một cách toàn bộ, phương Tây vẫn dò dẫm. Điều đáng ngạc nhiên là nhận ra rằng nền văn minh con người đã phát hiện ra nhiều điều nhưng những phát hiện này vẫn còn cục bộ và bị giới hạn vào tôn giáo của họ, không đạt tới toàn thể tâm thức con người.

Hàng nghìn năm trước đây Upanishad này đã phát biểu rằng chúng ta gọi nó là mơ khi các giác quan đã ngừng làm việc và mắt đã nhắm lại, tai đã đóng lại, vậy mà hình ảnh vẫn có thể được nhìn thấy. Tai trở nên bất hoạt trong khi ngủ, âm thanh bên ngoài không nghe thấy được, nhưng ngay cả thế thì âm thanh cũng vẫn có thể nghe được từ bên trong. Tay đang nằm bất động dường như chết, không sờ vào cái gì cả; vậy mà việc chạm vẫn có thể được cảm thấy ở bên trong.

Hiền nhân này nói: “Những ham muốn không được hoàn thành, những ham muốn không được thoả mãn - bất kì cái gì vẫn còn không đầy đủ trong trạng thái thức, chúng được hoàn thành trong mơ. Cho nên trạng thái mơ bổ sung cho trạng thái thức.”

Và nhiều điều có thể vẫn còn không đầy đủ ngày nay. Bạn đang đi trên phố và bạn thấy một người đàn bà đẹp nhưng bạn không thể nhìm chằm chằm vào cô ấy được, đấy không phải là cách thức tốt. Ham muốn nhìn vào cô ấy vẫn còn trong tâm trí; ban đêm bạn sẽ lại thấy cô ấy trong mơ của mình. Khi ăn, đôi khi bạn không thể ăn để thoả mãn bởi nhiều lí do. Bạn có thể phải dồn tâm sức vào công việc hay bạn có quá nhiều điều cần làm, hay có thể là do lễ phép và ngần ngại; trong đêm mơ sẽ hoàn thành ham muốn ăn vẫn còn lại. Điều còn chưa được thoả mãn trong trạng thái thức, mơ sẽ đi theo nó và hoàn thành nó trong đêm.

Đó là lí do tại sao người sống toàn bộ trong thời gian ban ngày không có mơ. Người sống toàn bộ trong bất kì điều gì mình làm, người làm điều đó một cách toàn bộ và không nửa vời, người sống mọi khoảnh khắc một cách toàn bộ, làm mất đi mọi mơ của mình. Một người như Phật sẽ không có mơ. Có lí do đằng sau điều đó - bởi vì không còn cái gì không được thoả mãn để mà phải được thoả mãn trong đêm.

Hiền nhân này nói: “Khi các giác quan bất hoạt nhưng tâm thức vẫn đang thấy hình ảnh của các vật được giác quan tạo ra, trạng thái này được gọi là mơ.”

Có khác biệt giữa mơ và thức: trong thức, vật vẫn còn ở bên ngoài và ảnh ở bên trong; trong mơ, vật vắng bóng nhưng ảnh lại ở bên trong. Cho nên mơ là dạng thuần khiết, không có vật. Người mà bạn thấy trong mơ của mình không hiện diện ở bên ngoài, vậy mà ảnh của người đó lại hiện diện bên trong. Những hình dạng này do giác quan tạo ra. Nhớ điều đó: những hình dạng này do giác quan tạo ra, chúng là sáng tạo của các giác quan. Làm sao các giác quan tạo ra chúng?

Mọi giác quan đều tích luỹ kinh nghiệm của nó. Bất kì mầu sắc nào bạn đã thấy cho tới giờ, và bất kì khi nào bạn đã thấy chúng, tất cả những kí ức về mầu sắc đó đều được lưu giữ trong tâm trí. Trong mơ, tích luỹ đó được sử dụng; mắt lại dùng những mầu sắc đó. Bất kì ai bạn đã từng chạm vào, những cái chạm đó, những tiếp xúc đó được thu thập lại. Bên trong cái sọ nhỏ bé của con người là bộ sưu tập lớn về thế giới; bên trong bộ não nhỏ này là mười tỉ tế bào, và mọi tế bào đều chứa một thế giới lớn trong chính nó.

Tuyển tập này không chỉ về kiếp sống này, nó là từ nhiều, nhiều kiếp sống. Đó là lí do tại sao bạn có thể thấy các hình dạng trong mơ mà bạn chưa hề thấy trong kiếp sống này; bạn có thể thấy những khuôn mặt bạn chưa bao giờ gặp, những khuôn mặt bạn không nhớ; bạn có thể thấy những cảnh mà chẳng liên quan gì với kí ức về cuộc sống này. Đó là lí do tại sao đôi khi một giấc mơ sẽ làm cho bạn bị sững sờ, đẩy bạn vào tình thế khó khăn; bạn không thể nào hiểu nổi mơ này là gì. Những ấn tượng từ nhiều, nhiều kiếp sống đã được tích luỹ lại - bất kì cái gì bạn đã từng biết, tất cả những cái đó đều được tích luỹ lại. Tâm trí dùng lại nó; nó tất cả đều được lưu giữ ở đó. ‘Huấn luyện’ nghĩa là kí ức đã được tích luỹ lại. Huấn luyện nghĩa là cái đã được thu thập trong các tế bào của bộ não.

Bây giờ các nhà khoa học đã tìm ra một kĩ thuật để họ có thể kích hoạt bất kì phần nào của kí ức của bạn bằng việc gắn một điện cực vào não bạn. Bạn có thể vẫn cứ nói rằng bạn không muốn thấy mầu sắc nhưng bạn sẽ không có bất kì kiểm soát nào về nó. Kí ức đã tích luỹ về mầu sắc trong não bạn có thể được kích hoạt bằng điện cực và tất cả các loại mầu sắc sẽ lan toả bên trong bạn. Bạn có thể nói rằng bạn không muốn thấy tất cả những điều này, nhưng điều đó sẽ ở ngoài kiểm soát của bạn bởi vì kí ức này đã bị điện cực chạm vào.

Một điều thú vị nữa là ở chỗ cùng một điểm được chạm vào, thì cùng màu sắc sẽ lặp lại, bởi vì chúng chỉ là bản ghi lại. Cứ dường như là bạn là cái máy hát: nó sẽ lắp lại cùng bài hát mọi lần bạn dùng nó. Giống như thế, mọi tế bào trong não đều là một máy hát: bất kì khi nào bạn chạm vào nó bằng điện cực, cũng dường như là bạn bạn đặt chiếc kim vào máy hát và nó sẽ chơi cùng một điều, lặp đi lặp lại cùng một điều. Bạn có thể làm điều đó hàng nghìn lần và cái máy hát trong tế bào sẽ sẽ tự lặp lại nó. Cho nên, một điều là chắc chắn bây giờ theo thuật ngữ khoa học... bộ não của bạn là việc tích luỹ các ấn tượng. Trong trạng thái mơ bạn thấy mọi điều lặp đi lặp lại từ cùng một tuyển tập này. Nó cũng giống như việc nhai lại.

Con trâu gặm cỏ trong ngày, nhưng không có thời gian nhai bởi vì, ai mà biết được, ai đó khác có thể ăn hết cỏ trong khi nó đang dính vào việc nhai. Cho nên trước hết nó gặm cỏ, thế rồi nó nhai lại lúc nhàn rỗi, đưa cỏ trở lại mồm và nhai lại.

Cả ngày, cả cuộc đời mình chúng ta cứ thu thập, trong các kiếp sống chúng ta cứ thu thập, rồi chúng ta nhai lại trong các giấc mơ của mình. Bất kì chỗ nào tâm trí vẫn còn chưa được hoàn thành, chúng ta mở lại nó, chúng ta mở lại máy hát; chúng ta dàn trải những ấn tượng đó lên màn ảnh.

Việc mơ là cách thu xếp nhờ đó chúng ta có thể phóng chiếu những ấn tượng của mình mà không có giúp đỡ của các giác quan, không có giúp đỡ của thế giới bên ngoài. Đây là của cải riêng tư của chúng ta. Lần nữa chúng ta có thể dàn trải thế giới riêng của mình bên trong chúng ta. Bạn có thể tạo ra toàn bộ thế giới. Đóp là lí do tại sao, trong trạng thái mơ, bạn chưa bao giờ biết điều bạn đang thấy là trong mơ. Trong khi mơ, điều bạn thấy dường như là thật. Chỉ sau khi tỉnh dậy từ mơ bạn mới biết rằng nó là mơ. Trong trạng thái mơ điều đó chưa bao giờ được nhận ra như là mơ.

Nếu ai đó nhận ra mơ là mơ trong khi mơ, thế thì mơ bị phá vỡ, bởi vì trong hiện diện của người biết thì bản ghi về các ấn tượng lẩn đi, quay trở lại trong tầng sâu hơn. Bây giờ người này là thức tỉnh, việc thức tỉnh đã bắt đầu, trạng thái mơ bị tan tành.

'Trạng thái mơ' có nghĩa là các giác quan đã tích luỹ những ấn tượng trong kí ức của chúng ta, và chúng ta có thể tái tạo lại thế giới tưởng tượng này bên trong mình, thậm chí không cần trợ giúp của thế giới bên ngoài. Điều đó chúng ta làm hàng ngày. Đây là trạng thái khác của tâm trí chúng ta. Đây là trạng thái sâu hơn của chúng ta. Bởi vì trong khi thức chúng ta đã phải làm việc chọn lựa theo xã hội, nền văn minh, văn hoá - có cả nghìn hạn chế - nhưng trong mơ chúng ta được tự do.

Chúng ta đã được tự do cho tới giờ, nhưng ai biết được liệu chúng ta sẽ vẫn còn được tự do hay không trong tương lai, bởi vì bây giờ các nhà khoa học đang dần dần trở nên có khả năng đi vào trong mơ của con người.

Trong hai trăm năm qua, trên khắp thế giới, các chính khách đã từng đòi hỏi tự do tư tưởng. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu sau thế kỉ này, các cuộc cách mạng nổi lên và bắt đầu đòi hỏi tự do mơ, đòi hỏi không can thiệp vào việc mơ, bởi vì trong tương lai gần các chính phủ sẽ có quyền cho phép bạn mơ điều họ muốn bạn mơ, và hạn chế việc mơ của bạn ở những cái họ không muốn bạn mơ. Nguy hiểm này còn lớn hơn là bom nguyên tử.

Các nhà tâm lí bây giờ đang phát hiện ra các phương pháp và hệ thống để kiểm soát tâm trí từ bên ngoài. Bom nguyên tử chỉ có thể phá huỷ thân thể, nhưng những phương pháp này còn nguy hiểm hơn bởi vì chúng có thể tạo ra cảnh nô lệ tâm lí sâu sắc. Không có gì ngạc nhiên nếu một ngày nào đó bạn được gọi tới đồn cảnh sát nào đó và bị vấn cung: “Sao anh đã mơ giấc mơ đó đêm qua? Chính phủ hoàn toàn chống lại điều đó. Mơ đó hoàn toàn phản lại quốc gia; anh có vẻ như một kẻ phản bội.” Trong tương lai người ta sẽ có khả năng điều khiển mơ của bạn, cho nên sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu các chính phủ phát xít của tương lai bắt đầu dùng nó.

Mơ loài người có thể bị thao túng. Nếu bạn biết một kĩ thuật nhỏ thì thậm chí bạn có thể thao túng họ thêm một chút ít. Chẳng hạn, nếu bạn cọ băng vào bàn chân của một người đang ngủ, người đó có thể bắt đầu mơ ngay rằng mình đang đi trên băng. Hay có thể mơ tương tự sẽ bắt đầu: người đó sẽ bắt đầu mơ rằng trời đang mưa to và chân người đó bị ướt. Người đó sẽ tạo ra một giấc mơ để chứa đựng cảm giác lạnh này nhận được từ bên ngoài và điều đó sẽ kích hoạt mọi ấn tượng về lạnh bên trong não.

Đôi khi, khi ác mộng xảy ra hay một giấc mơ kinh hoàng xảy ra, điều đó có thể đơn giản bởi vì bạn đã để tay lên ngực mình, chứ chẳng bởi lí do gì khác. Nếu bạn đặt tay lên ngực, bạn có thể bắt đầu mơ rằng ai đó đang ngồi lên ngực bạn. Cho nên nếu bạn để gối lên ngực ai đó, bạn có thể thao túng mơ của họ một chút xíu, bạn có thể chỉ đạo mơ của họ.

Điều này bây giờ đã được biết rõ. Nhưng bây giờ các công cụ đã được phát minh ra mà có thể chỉ đạo cho mơ của bạn từ bên trong tâm trí - bởi vì theo cách này các tế bào não bạn có thể được tiếp xúc một cách trực tiếp, và các ấn tượng có thể được kích hoạt.

Không có trợ giúp của các giác quan, không có bất kì mối nối nào với thế giới bao la bên ngoài và chỉ dựa trên cơ sở kí ức cũ, con người tạo ra một thế giới bên trong bản thân mình. Trạng thái đó được gọi là trạng thái mơ.

Đây là hai trạng thái - thức và mơ. Hiểu và siêu việt lên trên trạng thái mơ, thoát khỏi các giấc mơ là cần thiết; chỉ thế thì trong trạng thái thức mắt bạn mới có thể trở thành hồn nhiên, vô tư, trong sạch và không khói.

Mắt con vật có hồn nhiên mà mắt con người không có. Lí do duy nhất là ở chỗ chúng có ít mơ hơn, gần như không có. Vậy mà những con vật sống với con người lại bắt đầu mơ. Mèo và chó mơ bởi vì với việc sống với con người chúng cũng bị nhiễm bệnh.

Mơ là phiền não liên tục... phiền não liên tục bên trong bạn, lo âu, căng thẳng; nó ảnh hưởng tới mắt bạn. Nhìn vào mắt con bò mà xem - chúng hoàn toàn trong trẻo, không khói. Mắt chúng giống như bầu trời xanh bình thản mà trong đó bạn thậm chí có thể thấy những viên đá sỏi nằm dưới đáy. Nhìn sâu vào mắt bò mà xem - chúng hoàn toàn trống rỗng, không có tầng nào ở đâu cả trong chúng. Nhưng nhìn vào mắt người! - có tầng tầng lớp lớp trong mắt họ. Những tầng này là sáng chế của các giấc mơ.

Người càng tham vọng, mắt người đó sẽ càng trở nên nông cạn, bởi vì người đó càng có nhiều tham vọng thì người đó sẽ càng có nhiều mơ. Tôi đã nói rằng bất kì cái gì còn không được hoàn thành thì đều tạo ra mơ; và tham vọng không bao giờ có thể được hoàn thành, nó bao giờ cũng không thể thoả mãn được.

Cho nên tham vọng chưa được hoàn thành rót đầy con người bằng các giấc mơ. Những mơ này có thể trở thành sâu sắc đến mức khó có thể đánh thức được người đó.

Có lẽ một người như Hitler thì không có trạng thái thức bình thường như chúng ta biết nó. Điều đó chỉ trở thành việc được mọi người biết tới về sau này, gần kết thúc của chiến tranh thế giới thứ hai, khi các nhà tâm lí bắt đầu nhận ra rằng con người mà họ đang đánh nhau với, dường như là ngủ, không thức. Trong khi bom đang được dội xuống Berlin và cuộc chiến đang diễn ra trên các phố, khi Hitler đang bị đánh bại trên mọi mặt trận và không có cách nào trốn thoát - đạn bắn ngay phía trước boong ke của Hitler - ông ta vẫn cho phát thanh rằng ông ta đang thắng ở Moscow.

Hitler phải đã mơ: ông ta không nghe thấy tiếng súng bắn bên ngoài cửa. Bằng không thì dường như không có cách nào để ông ấy có thể công bố, “Chúng ta đang thắng.” Khi chỉ huy quân đội tới và thông báo cho Hitler rằng họ đang thua trận chiến này, Hitler ra lệnh, “Đem bắn nó đi, nó đã phát điên! Chúng ta không thể thua trận chiến này được. Vấn đề này không nảy sinh. Vấn đề chỉ là vài khoảnh khắc... Moscow phải đầu hàng ngay bây giờ.” Ông ta đã thua ở mọi nơi - nhưng ông ta vẫn đang mơ, ông ta không trong trạng thái thức.

Có lẽ người tham vọng vẫn còn trong mơ của mình. Càng tham vọng, mơ càng sâu. Cho nên nếu bạn muốn thấy những đôi mắt nông cạn nhất, bạn sẽ tìm thấy chúng ở các chính khách. Những đôi mắt sâu sắc có thể được thấy trong sannyasin, bởi vì tính chất sannyas có nghĩa là trạng thái mà không tham vọng nào còn lại, không mơ nào còn lại. Và cho dù mơ cuối cùng mà còn lại, thì nó cũng chỉ là về làm sao siêu việt lên trên việc mơ, làm sao gạt bỏ mơ và thoát khỏi nó. Nếu vẫn còn một tham vọng, thì đấy là làm sao thoát khỏi tham vọng... có vậy thôi.

Nếu bạn có thể làm tiêu tan các giấc mơ của mình, thức của bạn sẽ tỉnh táo hơn. Hay, nếu bạn làm cho việc thức của mình được tỉnh táo, mơ sẽ bắt đầu tiêu tan. Nếu bạn sống cuộc sống của mình tỉnh táo hơn, thức tỉnh hơn, mơ của bạn sẽ giảm đi; hay nếu bạn giảm việc mơ của mình đi, thức tỉnh sẽ tăng lên. Tất cả những trạng thái này đều có liên hệ lẫn nhau. Và nếu mơ giảm đi và thức của bạn mạnh hơn, lần đầu tiên bạn sẽ biết giấc ngủ sâu thực sự là gì, bằng không bạn sẽ chẳng bao giờ biết tới nó.

Giấc ngủ sâu là gì? Chắc chắn chúng ta ngủ, nhưng chúng ta không biết giấc ngủ là gì - bởi vì làm sao người đang ngủ, ngay cả trong trạng thái thức, lại có thể thức được trong trạng thái ngủ? Làm sao người không thể thức dậy được trong trạng thái thức, lại có thể thức được trong trạng thái ngủ? Thức dậy vào buổi sáng chúng ta có thể nói điều này, rằng chúng ta đã ngủ say - nhưng chúng ta không biết gì về nó cả.

Bạn đã ngủ cả cuộc đời mình, nhưng bạn chưa bao giờ đương đầu với giấc ngủ của mình cả. Bạn đã bao giờ chứng kiến giấc ngủ của mình buông xuống không? Khi màn đêm buông xuống vào buổi tối, mặt trời lặn xuống và bóng tối bắt đầu lan toả hết tầng nọ đến tầng kia trên trái đất... bạn đã bao giờ chứng kiến giấc ngủ buông xuống ý thức của bạn giống thế chưa? Không, bạn chưa quan sát đâu. Bởi vì khi giấc ngủ buông xuống, bạn không hiện diện. Và chừng nào bạn hiện diện, giấc ngủ lại không buông xuống.

Bạn ngủ hàng ngày, nhưng bạn không quen với giấc ngủ của mình, và làm sao người không quen với giấc ngủ của mình quen được với bản thân mình? Người đã trùm bóng tối vào bên trong bản thân mình, một lục địa lớn của giấc ngủ - người ngủ tám tiếng mỗi ngày và làm mất mọi ý thức - làm sao người đó đạt tới được trạng thái sâu sắc đó nơi ý thức chưa bao giờ bị mất cả? Người đó không thể đạt tới được.

Việc mơ phải bị làm tan tành. Mục đích của công phu tâm linh là để làm tan tành và phá huỷ việc mơ này sao cho trạng thái thức có thể trở thành thức tỉnh hơn, và một khoảnh khắc có thể tới khi trạng thái thức mang tính thức tỉnh đến mức các giấc mơ biến mất. Cái ngày mà trạng thái thức mang tính tỉnh táo tới mức các giấc mơ đã biến mất, ngày đó bạn sẽ kinh nghiệm giấc ngủ lần đầu tiên. Bạn sẽ chứng kiến giấc ngủ của mình. Thế thì bạn sẽ ngủ, và bạn cũng sẽ biết rằng bạn là giấc ngủ.

Cái ngày người ta nhận biết trong giấc ngủ của mình rằng mình đang ngủ, thế thì không có cách nào làm cho người đó hành xử một cách vô ý thức; bây giờ người đó không thể hành động một cách vô ý thức được, bây giờ giận dữ là không thể được. Bây giờ người đó không thể nào giết người, người đó không thể nào ăn cắp được, người đó không thể nào nói dối được. Bây giờ tất cả những điều này là không thể được, bởi vì chính ngọn nguồn của giấc ngủ mà có thể làm cho người đó thành vô ý thức đã bị phá huỷ. Chất độc vẫn làm cho người đó thành vô ý thức, vẫn làm cho người đó ngủ gà ngủ gật, không còn nữa.

Khi người ta nhận biết trong khi ngủ, người ta đạt tới turiya - trạng thái thứ tư. Người thức tỉnh trong giấc ngủ đạt tới turiya.

Bây giờ các bạn sẵn sàng cho buổi thiền sáng. Trước hết hiểu đôi điều: không cái gì xảy ra với nỗ lực hờ hững; bạn dùng toàn bộ năng lượng của mình. Bởi vì trạng thái mơ còn mạnh - nó đã được tạo ra qua nhiều kiếp rồi - nếu bạn muốn phá vỡ nó, thế thì hãy đập mạnh.

Vải che mắt vẫn cứ để trên mắt, và việc thở nhanh được thực hiện trong mười phút. Thở nhanh lên... cũng giống như ống bễ của thợ rèn. Kundalini phải bị đập mạnh đến mức nó có thể tỉnh dậy. Thở như người điên trong mười phút. Nhảy và múa sẽ bắt đầu theo cách riêng của nó; năng lượng sẽ nảy sinh bởi vì việc thở nhanh.

Thế rồi, trong bước thứ hai, nhảy múa trong mười phút, nhảy nhót, la hét và cười đùa - bất kì cái gì bạn muốn làm, làm nó một cách toàn bộ. Đừng đứng thụ động, làm điều gì đó - bất kì điều gì tới trong tâm trí, làm điều đó.

Và trong bước thứ ba, hô “Hu,” đập mạnh vào kundalini bằng “Hu.”

Trong bước thứ tư chúng ta sẽ thảnh thơi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho