Chương 4. Đây là thời khủng hoảng

Chiều bên kia cái biết - Osho

Chương 4. Đây là thời khủng hoảng


Thầy đã nói cho chúng tôi điều xảy ra cho linh hồn trong khoảng vô thời gian giữa hai lần sinh. Nhưng một số điểm vẫn còn chưa được giải quyết, liên quan tới linh hồn vô thân thể: trong trạng thái vô thân thể đó, liệu linh hồn còn tĩnh tại hay nó có thể di chuyển? Và làm sao nó nhận ra các linh hồn khác?

Trong trạng thái đó liệu có khả năng đối thoại giữa các linh hồn hay không?

Trong mối liên quan này, hai hay ba điều có thể cần được nhớ. Trước hết, không có bất kì tình huống tĩnh hay động nào trong trạng thái đó. Đó là lí do tại sao điều đó trở thành khó hiểu hơn. Rất dễ cho chúng ta hiểu nếu không có động thì phải ở vào trạng thái nghỉ hay ngược lại. Trong suy nghĩ của chúng ta, đây là hai khả năng duy nhất cho mọi vật. Chúng ta nghĩ rằng trong việc thiếu vắng cái này, cái kia phải thịnh hành. Chúng ta cũng bị ấn tượng rằng hai trạng thái này là đối lập với nhau.

Cho nên điều đầu tiên, chúng ta nên hiểu động và bất động là không đối lập, mà là các khía cạnh khác biệt của cùng một điều. Khi động ở mức chúng ta không có khả năng thấy hay hiểu thấu nó, chúng ta gọi nó là bất động. Cũng như vậy, động là một trạng thái của bất động mà chúng ta không có khả năng hiểu thấu. Nếu cái gì đó chuyển động với vận tốc lớn, bạn sẽ thấy rằng nó dường như tĩnh tại.

Nếu cái quạt chuyển động với tốc độ cao, bạn sẽ không có khả năng thấy các cánh của nó. Với tốc độ đó, bạn thậm chí sẽ không có khả năng biết được quạt có mấy cánh, bởi vì khoảng trống giữa ba cánh đã bị lấp đầy trước khi chúng ta có thể thấy được nó. Quạt có thể chuyển động nhanh đến mức bạn không thể đặt được cái gì qua khoảng không giữa các cánh. Mọi vật có thể được chuyển động theo cách mà cho dù bạn có sờ vào chúng bằng tay, bạn sẽ cảm thấy rằng chúng không chuyển động. Đó là lí do tại sao khoa học nói rằng tất cả mọi thứ dường như tĩnh tại với chúng ta, cũng đang chuyển động, nhưng chuyển động này rất nhanh và tại mức độ vượt ra ngoài sự nắm bắt của các giác quan của chúng ta. Do đó, động và bất động không phải là hai điều. Chúng là các trạng thái khác nhau của cùng một điều chỉ khác về mức độ.

Trong cõi không có thân thể, cả hai tình huống này sẽ không có đó bởi vì chỗ không có thân thể, cũng chẳng có thời gian và không gian. Từ những điều chúng ta đã biết cho tới giờ, chúng ta không thể nào quan niệm nổi về cõi vượt ra ngoài thời gian và không gian bởi vì chúng ta chẳng biết cái gì ở cõi bên kia cả.

Thế thì chúng ta sẽ gọi tình huống đó là gì? Chúng ta thậm chí chẳng có từ nào để diễn đạt tình huống không có thời gian và không gian. Khi, trong một kinh nghiệm tôn giáo, các thông điệp về trạng thái như vậy lần đầu tiên được nhận thấy, khó khăn phát sinh liên quan tới cách mô tả nó. Tên của trạng thái đó là gì? Một lúng túng tương tự với điều này cũng được khoa học kinh nghiệm thấy khi nó gặp khó khăn để đặt tên cho một hiện tượng mới được phát hiện ra; khi một cái gì đó xảy ra khác với và ở ngoài tất cả mọi tri thức thích hợp của chúng ta, điều này trở thành rất khó khăn.

Chẳng hạn, vài năm trước đây, khi điện tử lần đầu tiên được phát hiện ra, vấn đề nảy sinh là cần gọi nó là hạt hay là sóng. Chúng ta không thể gọi nó là hạt được bởi vì vật chất bao giờ cũng tĩnh; mà chúng ta cũng không thể gọi nó là sóng được bởi vì sóng bao giờ cũng động và vô trọng lượng. Điện tử đồng thời là cả hai. Thế thì khó khăn nảy sinh - bởi vì theo hiểu biết của chúng ta, một thứ chỉ có thể là một trong hai dạng này, nhưng không là cả hai. Nhưng điện tử là cả hạt cũng như sóng. Đôi khi chúng ta hiểu nó là như hạt, đôi khi như sóng. Không có từ nào trong bất kì ngôn ngữ nào trên thế giới diễn đạt được hiện tượng này.

Với các nhà khoa học quan sát hiện tượng này, điều đó dường như không thể nào quan niệm nổi. Nó trở thành một bí ẩn. Khi mọi người hỏi Einstein sao ông ấy mô tả điện tử vừa là hạt và sóng, họ cảm thấy rằng cách nghĩ của ông ấy đã trở thành phi logic và bí ẩn. Einstein, khi đáp lại, đã hỏi họ liệu ông ấy nên tin vào sự kiện hay logic. Sự kiện là ở chỗ điện tử đồng thời là cả hai, nhưng logic bảo chúng ta rằng một vật chỉ có thể là một dạng vào mỗi lúc. Một người hoặc đứng đấy hoặc bước đi. Logic bảo chúng ta rằng người đó có thể ở một trạng thái vào mỗi lúc; người đó không thể đồng thời đứng đấy và bước đi được. Do đó logic sẽ không đồng ý. Nhưng kinh nghiệm về điện tử yêu cầu rằng các nhà khoa học phải gạt logic sang bên và giữ lấy sự kiện. Điện tử là một thí dụ.

Kinh nghiệm của các cá nhân tôn giáo nói cho chúng ta rằng trong khoảng giữa việc rời bỏ thân thể này và nhận lấy thân thể khác, linh hồn vô thân thể không tĩnh cũng chẳng động. Điều này vượt ra ngoài cách hiểu của chúng ta. Đó là lí do tại sao một số tôn giáo nói linh hồn vô thân thể là tĩnh tại và số khác nói nó trong chuyển động. Nhưng đây chỉ là do khó khăn của việc giải thích - bởi vì biên giới không gian và thời gian mà trong đó việc chuyển động hay bất động được quan sát, không tồn tại trong khoảng đó. Với cả chuyển động và bất động, thân thể là cần thiết. Không có thân thể, không thể có chuyển động hay bất động. Thân thể là trung gian duy nhất qua đó các tình huống này có thể được quan sát.

Chẳng hạn, đây là bàn tay tôi. Tôi hoặc có thể di chuyển nó hay giữ nó đứng yên. Ai đó có thể hỏi, khi tôi không có cái tay thể chất này, thì liệu linh hồn của tôi có chuyển động hay không? Bản thân câu hỏi này là vô nghĩa bởi vì không có tay này linh hồn không thể di chuyển mà cũng không thể còn tĩnh tại. Chuyển động và bất động cả hai đều là phẩm chất của thân thể. Bên ngoài thân thể, từ chuyển động và bất động không có nghĩa.

Điều này là áp dụng được cho mọi nhị nguyên. Ta hãy lấy, chẳng hạn, tình huống về việc nói và tình huống vẫn còn im lặng. Không có thân thể, không có khả năng nói cũng chẳng có khả năng im lặng. Thông thường, chúng ta có thể hiểu rằng không thể nào nói mà lại không có thân thể, nhưng khó mà hiểu rằng thậm chí không thể nào im lặng nếu không có thân thể. Qua trung gian này người ta mới có thể nói, người ta có thể diễn đạt im lặng nữa. Việc trở nên im lặng là cách nói duy nhất, là một trạng thái nói. Im lặng không chỉ là một trạng thái không nói, mà là trạng thái nói nữa.

Chẳng hạn, một người bị mù. Người ta có thể cảm thấy rằng có lẽ người đó chỉ có khả năng thấy bóng tối. Điều này là ảo tưởng. Ngay cả để thấy bóng tối, mắt cũng là cần thiết. Không có mắt, thậm chí không thể nào thấy được bóng tối. Bạn có thể nhắm mắt và nghĩ điều đó bởi vì bạn đang thấy bóng tối, điều đó là có thể, nhưng bạn đang phạm sai lầm. Trong khi bạn nhắm mắt, mắt bạn vẫn không dừng ở đó; bạn không trở nên mù. Nếu bạn trở nên mù sau khi đã có mắt, thế thì bạn sẽ biết bóng tối là gì. Nhưng với người mù từ khi sinh, không thể nào biết được bóng tối là gì, bởi vì bóng tối cũng là kinh nghiệm của mắt. Bạn kinh nghiệm bóng tối với cùng một trung gian được dùng để kinh nghiệm ánh sáng. Người mù từ khi sinh không thể biết được bóng tối là gì.

Bạn nghe qua tai mình. Trong ngôn ngữ, chúng ta có thể nói rằng người không có tai là không nghe thấy. Nhưng trạng thái không nghe thấy đó cũng không được biết tới với những người điếc. Tai là cần thiết thậm chí để biết rằng bạn đã không nghe thấy. Nó cũng hệt như mắt là cần thiết để biết bóng tối là gì. Bất động là có thể chỉ thông qua giác quan mà trong đó có chuyển động. Nếu không có giác quan, không có kinh nghiệm về bất động. Trong trạng thái vô thân thể, linh hồn không thể nói cũng chẳng thể im lặng. Không có công cụ cho việc nói hay cho việc giữ im lặng. Mọi kinh nghiệm đều phụ thuộc vào công cụ - vào thân thể, vào giác quan.

Nhưng điều này không có nghĩa là linh hồn vô thân thể như vậy đã đạt tới giải thoát. Các mô tả về linh hồn trong giải thoát và linh hồn trong khoảng giữa cuộc sống và tái sinh có thể có vẻ tương tự nhau. Thế thì đâu là khác biệt giữa linh hồn đã được giải thoát và linh hồn đang trong khoảng giữa này? Khác biệt là ở tiềm năng, ở sự tồn tại hạt mầm.

Trong sự tồn tại vô thân thể, khoảng giữa hai thân thể, các kinh nghiệm và ấn tượng về tất cả mọi việc sinh vẫn còn lại với linh hồn này dưới dạng hạt mầm. Ngay khi linh hồn này thu được thân thể, chúng sẽ trở nên tích cực. Chẳng hạn, nếu chúng ta cắt chân của một người, kinh nghiệm của người đó về việc chạy sẽ không biến mất. Không có chân người đó không thể chạy cũng không thể dừng, bởi vì nếu người đó không thể chạy thì làm sao người đó có thể dừng được? Nhưng nếu người đó lại có chân, mọi kinh nghiệm và ấn tượng của người đó sẽ trở nên kích hoạt lại và người đó sẽ có khả năng chạy nếu người đó muốn.

Điều đó cũng giống như lấy đi chiếc xe ô tô từ một người bao giờ cũng lái xe. Bây giờ người đó không thể lái xe hay nhấn ga được - bởi vì người đó không có xe. Người đó cũng không thể nhấn phanh để hãm xe. Nhưng kinh nghiệm của người đó về lái xe vẫn còn lại với người đó dưới dạng hạt mầm. Nếu người đó kiếm được xe sau vài năm, thì người đó sẽ có khả năng lái nó ngay khi người đó đặt chân vào chân ga.

Linh hồn đã giải thoát trở nên tự do với những ấn tượng này, trong khi ở khoảng giữa hai thân thể thì linh hồn chỉ trở nên tự do với các giác quan, các công cụ. Trong giải thoát, mọi kinh nghiệm, ấn tượng và ham muốn đều bị phá huỷ. Trong cả hai tình huống của linh hồn, đều có sự tương tự - rằng không có thân thể. Nhưng có khác biệt. Trong giải thoát không có thân thể cũng không có chuỗi các kinh nghiệm thân thể. Trong khoảng giữa các lần sinh, mặc dầu không có thân thể nhưng có chuỗi lớn những kinh nghiệm liên quan tới thân thể tồn tại dưới dạng hạt mầm mà có thể trở nên tích cực vào bất kì lúc nào thu được thân thể.

Cho nên bất kì kinh nghiệm nào người ta có thể có trong khoảng giữa này đều sẽ là kinh nghiệm có thể có với việc không có thân thể. Như tôi đã nói, đây sẽ là những kinh nghiệm về thiền. Nhưng kinh nghiệm thiền chỉ rất ít người có. Trong hàng triệu người, chỉ một người có kinh nghiệm thiền. Những người còn lại có thể có kinh nghiệm gì? Kinh nghiệm của họ sẽ là kinh nghiệm về cuộc sống mơ. Trong mơ, không giác quan nào tham dự.

Có thể là nếu một người đang trong mơ, và nếu bạn có thể giữ người đó trong mơ và cắt chi anh ta đi, giấc mơ của anh ta có thể không bị quấy rối. Nhưng có khả năng là giấc ngủ của anh ta sẽ bị phá vỡ. Nếu như có thể cắt chi anh ta hết cái nọ đến cái kia mà không phá vỡ giấc ngủ của anh ta, thế thì giấc mơ của anh ta sẽ tiếp tục không bị quấy rối bởi vì không một chi nào của thân thể là cần cho giấc mơ cả. Thân thể không tích cực trong giấc mơ; không có việc dùng thân thể trong nó. Không có thân thể kinh nghiệm mơ sẽ vẫn còn. Trong thực tế, mọi kinh nghiệm sẽ vẫn còn dưới dạng mơ.

Nếu ai đó định hỏi hạn liệu bạn là tĩnh hay trong chuyển động trong giấc mơ, bạn sẽ thấy khó trả lời. Khi bạn thức dậy khỏi giấc mơ, bạn thấy rằng tất cả mọi cái đã cùng bạn đều nằm cùng một chỗ, nhưng bạn đã trong giấc mơ. Khi tỉnh dậy, bạn thấy rằng đã có những việc xảy ra sâu, dài trong giấc mơ, nhưng nhớ, không có chuyển động chút nào trong nó.

Nếu bạn hiểu đúng, bạn sẽ thấy rằng bạn thậm chí không phải là người tham dự vào trong giấc mơ. Theo một nghĩa sâu sắc, bạn chỉ có thể là một nhân chứng. Đấy là lí do tại sao người ta có thể thấy bản thân mình chết trong giấc mơ; người ta có thể thấy thân thể riêng của mình nằm chết. Trong giấc mơ, nếu bạn thấy mình bước đi, thế thì người bạn thấy đang bước đó là một hiện tượng mơ và bạn hiện hữu nhưng là một nhân chứng.

Đấy là lí do tại sao tôn giáo đã đưa ra ý tưởng rằng nếu một người có thể coi thế giới này tựa như giấc mơ, người đó sẽ có kinh nghiệm tôn giáo cao nhất. Chỉ từ điều này, khái niệm thượng đế học về việc gọi thế giới này là maya - ảo tưởng hay giấc mơ - đã được nêu ra. Nghĩa sâu sắc hơn của điều này là ở chỗ nếu người ta có thể coi thế giới này dường như trong giấc mơ, thế thì người ta trở thành nhân chứng. Trong giấc mơ, người ta bao giờ cũng là nhân chứng và không ai là người tham dự cả. Trong mọi hoàn cảnh bạn đều không là diễn viên. Mặc dầu bạn có thể thấy bản thân mình là diễn viên, bạn bao giờ cũng là khán giả, người thấy, người đang thấy.

Do đó, mọi kinh nghiệm vô thân thể sẽ giống như giấc mơ - tựa hạt mầm. Những người có kinh nghiệm đã tạo ra khổ cho họ thì sẽ thấy ác mộng và các giấc mơ về địa ngục. Những người có kinh nghiệm đã đem họ tới sướng thì sẽ mơ về cõi trời và sẽ hạnh phúc trong giấc mơ của mình. Nhưng những điều này tất cả đều là kinh nghiệm tựa giấc mơ.

Đôi khi các kiểu biến cố khác nhau cũng có thể xảy ra, nhưng những loại kinh nghiệm này sẽ khác. Đôi khi, có thể xảy ra là những linh hồn không tĩnh cũng chẳng động sẽ đi vào thân thể khác. Nhưng việc nói rằng linh hồn sẽ đi vào là nguỵ biện ngôn ngữ. Tốt hơn là nói rằng thân thể nào đó có thể hành xử theo cách mà nó sẽ gây ra cho một linh hồn đi vào trong nó. Thế giới của những linh hồn như vậy là không khác với thế giới của chúng ta. Thế giới đó cũng tồn tại ngay bên cạnh chúng ta, kề bên. Chúng ta tất cả đều sống trong cùng một thế giới. Mọi li không gian đang ở đây đều đầy những linh hồn. Không gian ngay đây trống rỗng với chúng ta cũng đầy tràn.

Có hai kiểu thân thể ở trong trạng thái nhạy cảm sâu sắc. Một là của những người đang trong sợ hãi lớn. Những người đang trong sợ hãi lớn làm cho linh hồn của họ co lại bên trong thân thể họ - nhiều đến mức họ bỏ trống hoàn toàn phần nào đó của thân thể. Một số linh hồn lân cận trôi dạt và vào trong chỗ trống rỗng đó như nước tràn vào hố. Nhiều lần, những linh hồn này kinh nghiệm những điều mà chỉ linh hồn có thân thể mới có thể kinh nghiệm được.

Thứ hai là, một linh hồn có thể đi vào một thân thể khi nó ở trong khoảnh khắc cầu nguyện sâu sắc. Trong những khoảnh khắc cầu nguyện sâu sắc đó, linh hồn cũng co lại. Nhưng trong những khoảnh khắc sợ hãi, những linh hồn, trôi dạt trong khổ và phiền não lớn, chỉ thấy ác mộng. Đấy là những linh hồn mà chúng ta gọi là tâm linh ác. Bởi vì người kinh hoàng ngẫu nhiên ở trong trạng thái xấu và bẩn, không linh hồn cao hơn nào đi vào người đó.

Người sợ hãi cũng giống như cái rãnh: chỉ những linh hồn đang đi xuống mới có thể đi vào được. Người cầu nguyện giống như đỉnh: chỉ những linh hồn đi lên mới có thể đi vào được. Người cầu nguyện trở nên tràn đầy với nhiều hương thơm bên trong và nhiều cái đẹp bên trong đến mức chỉ những linh hồn cao nhất mới quan tâm tới người đó. Và linh hồn cao hơn như vậy sẽ đi vào chỉ bởi điều chúng ta gọi là cầu khẩn, lời mời hay cầu nguyện.

Cả hai kiểu kinh nghiệm này từ các linh hồn như đã nói chỉ có thể có với thân thể. Vậy, có một khoa học đầy đủ để cầu khẩn devatas - các thần. Những devatas này không giáng xuống từ trên cõi trời, những linh hồn mà chúng ta có thể gọi là linh hồn ác cũng không tới từ địa ngục hay thế giới quỉ nào đó. Chúng tất cả đều hiện diện ngay ở đây, cùng tồn tại với chúng ta.

Thực tại, trong cùng không gian này, có sự tồn tại nhiều chiều. Chẳng hạn, căn phòng này nơi chúng ta đang ngồi đầy những không khí. Nếu ai đó đốt hương, đốt chất thơm nào đó, căn phòng sẽ tràn ngập hương thơm. Nếu ai đó hát lên bài ca du dương, sóng âm cũng sẽ tràn ngập căn phòng. Nhưng khói của hương sẽ không va chạm với sóng của bài ca. Căn phòng này vẫn tràn đầy với âm nhạc cũng như với ánh sáng, nhưng không sóng ánh sáng nào sẽ va chạm với bất kì sóng âm nào. Mà ánh sáng cũng không phải dời đi để làm cho căn phòng có lối vào cho sóng âm thanh.

Trong thực tế, chính không gian này tràn ngập trong một chiều bởi sóng âm thanh, trong chiều khác bởi sóng ánh sáng và trong chiều thứ ba bởi sóng không khí. Giống thế, hàng trăm thứ tràn ngập căn phòng này trong hàng trăm chiều khác nhau. Chúng không cản trở lẫn nhau theo bất kì cách nào, mà cũng chẳng thứ gì phải dọn đi để nhường chỗ cho cái gì khác. Do đó, tất cả không gian này là đa chiều.

Chẳng hạn, tại chỗ này chúng ta có cái bàn, nhưng chúng ta không thể để cái bàn khác vào cùng chỗ bởi vì các bàn là cùng một chiều. Nhưng sự tồn tại của một chiều khác sẽ không thấy bàn là rào chắn. Tất cả các linh hồn này đều ở rất gần chúng ta; bất kì lúc nào đều có thể có việc đi vào. Khi các linh hồn đi vào, thế thì chúng sẽ có kiểu kinh nghiệm thân thể, và những kinh nghiệm này là kinh nghiệm chỉ có thể có qua thân thể.

Một nhân tố nữa liên quan tới cách thức mà qua đó những linh hồn này đi vào thân thể sống, là trao đổi. Trao đổi là có thể chỉ giữa linh hồn đi vào và linh hồn hiện đang tồn tại trong thân thể. Đó là lí do tại sao, cho tới bây giờ trên trái đất này, không tâm linh nào, ác hay thiện, đã có khả năng truyền trao trực tiếp với chúng ta, ngay trước mắt chúng ta. Nhưng không có bất kì truyền trao nào thì cũng không đúng. Việc truyền trao vẫn xảy ra. Thông tin mà chúng ta có về cõi trời và địa ngục không phải là cái gì đó từ trí tưởng tượng của mọi người, nhưng nó đã được truyền trao qua những linh hồn như vậy qua người trung gian.

Vậy, trong thời xa xưa, đã có một hệ thống. Chẳng hạn, với kinh Veda của người Hindu, không một hiền giả nào của Veda nói rằng mình đã là người viết cái này cái nọ của Veda; trong thực tế, người đó không phải là người viết chút nào.

Không phải là vì khiêm tốn hay giản dị mà các hiền giả này đã không công bố là người viết. Chính thực tế là điều họ đã viết ra, theo một cảm giác nào đó, đã được họ nghe thấy. Đây là một kinh nghiệm rất rõ ràng: khi linh hồn nào đó đi vào trong bạn và nói, kinh nghiệm là rõ ràng đến mức bạn biết rất rõ mình đang ngồi bên cạnh trong khi ai đó khác không phải là bạn lại đang nói. Bạn nữa cũng là người nghe và không phải là người nói.

Điều này không dễ biết từ bên ngoài, nhưng nếu được quan sát với chú ý đúng đắn thì điều đó là có thể. Chẳng hạn, cách thức và kiểu cách nói sẽ khác, âm hưởng sẽ khác, cách phát âm và ngôn ngữ cũng sẽ khác. Với người chủ nguyên thuỷ của thân thể, mọi thứ sẽ rõ ràng như pha lê từ bên trong. Nếu tâm linh ác nào đó đã đi vào, thế thì người này có lẽ sẽ sợ hãi nhiều đến mức người đó sẽ trở thành vô ý thức. Nhưng nếu một linh hồn trên cõi trời đã đi vào, thế thì người đó sẽ nhận biết và được thức tỉnh đến mức người đó chưa bao giờ như trước nữa. Thế thì tình huống sẽ rõ ràng như pha lê với người đó.

Cho nên những người mà tâm linh ác đi vào thì sẽ rất rõ ràng về sự kiện là ai đó đã đi vào trong họ chỉ sau khi linh hồn ác đó rời bỏ thân thể - bởi vì họ trở nên sợ hãi tới mức họ chẳng biết gì cả và rơi vào vô ý thức. Nhưng những người mà linh hồn trên thiên đường đi vào sẽ có khả năng nói vào ngay chính khoảnh khắc mà 'điều đang được nói là bởi ai đó khác, không phải bởi tôi.'

Hệt như hai người có thể dùng chung một microphone, cả hai tiếng nói này sẽ dùng cùng một dụng cụ. Người này sẽ dừng nói trong khi người kia sẽ bắt đầu nói. Khi các giác quan của thân thể có thể được dùng như vậy, thì linh hồn vô thân thể có thể truyền trao được. Đó là cách thức cho bất kì cái gì được thế giới này biết tới về các thần và các tâm linh ác đều trở thành được truyền trao. Không có cách khác để biết về các điều này.

Với tất cả những điều này, khoa học đầy đủ đã được tiến triển. Một khi khoa học được tiến triển, mọi sự trở nên dễ hiểu hơn. Thế thì những điều này có thể được sử dụng với hiểu biết đầy đủ. Khi những loại biến cố này đã xảy ra trong quá khứ, các nguyên lí khoa học đã được suy diễn ra từ chúng. Chẳng hạn, nếu ngẫu nhiên và đột nhiên một linh hồn nào đó trên cõi trời đã đi vào ai đó, thế thì từ nghiên cứu về việc xảy ra đó, các nguyên tắc nào đó liên quan tới các điều kiện dẫn tới hiện tượng như thế sẽ được tiến triển ra. Thế thì có thể nói rằng nếu những điều kiện như vậy có thể lại được tạo ra, thì lần nữa những linh hồn như thế sẽ đi vào.

Chẳng hạn, người Mô ha mét giáo sẽ đốt lohban. Đây là phương pháp mời các tâm linh thiện bằng việc tạo ra một bầu không khí hương thơm đặc biệt. Người Hindu cũng đốt hương, và họ thắp ngọn lửa làm từ bơ sữa trâu lỏng (ghee). Những thứ này dường như là hình thức nghi lễ ngày nay, nhưng đã có thời chúng mang nghĩa sâu sắc.

Người Hindu sẽ tụng một mật chú đặc biệt trở thành lời cầu khẩn. Không nhất thiết là phải có nghĩa cho mật chú. Thông thường thì không có nghĩa, bởi vì mật chú có nghĩa trở nên bị bóp méo với việc chuyển thời đại. Nhưng mật chú vô nghĩa không trở nên bị bóp méo. Với mật chú vô nghĩa chẳng cái gì phụ có thể đi vào theo việc chuyển thời đại. Đó là lí do tại sao tất cả các mật chú có chiều sâu đều vô nghĩa. Chúng không có nghĩa, cho nên chúng vẫn còn không bị thay đổi. Chúng chỉ là âm thanh. Có những phương pháp cho việc tụng những âm thanh này. Nếu có một phách đặc biệt, mạnh mẽ và nhịp điệu, thì linh hồn được cầu khẩn sẽ đi vào ngay lập tức. Và nếu linh hồn mà mật chú này đã được phát minh ra, đã tan biến vào niết bàn, linh hồn khác với sự thuần khiết tương tự sẽ đi vào.

Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều có những mật chú nào đó. Người Jaina có Namokar.

Con cúi lạy những người đã tiêu diệt mọi kẻ thù.

Con cúi lạy những người đã đạt tới giải thoát.

Con cúi lạy những thầy dạy tôn giáo.

Con cúi lạy nhưng người là tu sĩ.

Con cúi lạy tất cả những người khao khát tôn giáo.

Nó có năm đoạn. Mỗi đoạn có một lời cầu khẩn mà trở nên ngày một sâu sắc hơn.

Thông thường, mọi người tụng toàn bộ câu mật chú, nhưng điều này không phải là cách thức đúng. Những người ham muốn tiếp xúc với các linh hồn cao nên tiếp tục lặp lại chỉ phần thứ nhất. Bốn phần còn lại không cần được lặp lại. Nên có nhấn mạnh hoàn toàn vào chỉ một phần bởi vì linh hồn có liên quan tới phần đó là khác với những linh hồn có liên quan tới các phần khác.

Chẳng hạn, phần đầu của mật chú này, Namo Arihantanam là sự qui phục vào arihantas - những người đã tiêu diệt mọi kẻ thù và những người đã siêu việt lên trên mọi giác quan của họ. Ari có nghĩa là kẻ thù và hanta có nghĩa là người tiêu diệt. Do đó, đây là lời cầu khẩn đặc thù tới những linh hồn đã chứng ngộ đầy đủ, người có thể chỉ lấy một lần sinh nữa. Phần một này nên được lặp lại với âm thanh và tác động đặc biệt. Trong lời cầu khẩn này, các linh hồn Jaina khác không được bao hàm, và do đó, họ không được tiếp xúc.

Arihant này là một từ kĩ thuật đặc biệt được gắn với các linh hồn Jaina cao nhất. Với câu mật chú này, linh hồn của Jesus Christ không thể được tiếp xúc; không có ham muốn như vậy được diễn đạt ở đây. Với mật chú này, ngay cả Phật cũng không thể được tiếp xúc. Đây là một thuật ngữ cho việc cầu khẩn tới một loại linh hồn Jaina đặc biệt. Giống thế, trong tất cả năm phần tách biệt của Namokar, đều có lời cầu khẩn tới năm loại linh hồn khác nhau.

Lời cầu khẩn cuối cùng, Namo loye savva sahuma, là để cầu khẩn mọi người khao khát tôn giáo. Nó trực tiếp hướng tới mọi người khao khát của mọi tôn giáo; nó không liên quan tới Jaina hay bất kì nhóm đặc biệt nào khác với Jaina. Nó là lời cầu khẩn rất chung để có tiếp xúc với bất kì người khao khát tôn giáo nào mà không có bất kì đặc thù nào.

Mọi tôn giáo đều có những mật chú như vậy mà qua đó mối tiếp xúc được thiết lập. Những mật chú này trở thành shakti-mantras, và chúng trở thành có ý nghĩa cao. Mật chú giống như cái tên được đặt cho một người, như tên Ram. Khi người đó được gọi bởi cái tên này, thì ngay lập tức người đó trở nên tỉnh táo.

Cho nên cũng có những câu mật chú cho các tâm linh bình thường. Có khoa học để cầu khẩn cả những linh hồn bình thường và phi thường. Đôi khi không thể nào tiếp xúc được với một linh hồn đặc biệt được cầu khẩn bởi vì người đó có thể không có đó do một khoảng thời gian. Nhưng bao giờ cũng có thể tiếp xúc với các linh hồn có kiểu tương tự với mật chú.

Bây giờ chúng ta lấy thí dụ về Mohammed. Ông ấy bao giờ cũng nói rằng mình chỉ là một paigambara, một sứ giả, bởi vì Mohammed chưa bao giờ cảm thấy rằng bất kì điều gì mình kinh nghiệm là của riêng mình. Tiếng nói tới với ông ấy từ bên trên là rất rõ ràng. Kinh nghiệm của ông ấy được người Mô ha mét giáo mô tả là ilham - sự khải lộ. Mohammed cảm thấy rằng cái gì đó đã đi vào ông ấy và bắt đầu nói. Bản thân ông ấy không thể nào tin được điều xảy ra. Ông ấy đã không nghĩ rằng bất kì ai khác sẽ tin mình. Nếu như ông ấy mà nói rằng điều được nói ra là do chính ông ấy nói, thì ông ấy nghĩ rằng không ai khác sẽ tin mình bởi vì ông ấy chưa bao giờ nói theo cách đó trước đây. Ông ấy không được mọi người biết tới về việc nói theo cách đó. Mọi người đã không biết rằng ông ấy có thể nói những điều như vậy, cho nên ông ấy biết rằng không ai sẽ tin vào câu chuyện như vậy.

Ông ấy về nhà từ nơi việc khải lộ xảy ra trong một tâm trạng sợ hãi lớn, cố gắng tránh người khác và trốn tránh việc bị thấy. Ông ấy không muốn tiết lộ ngay lập tức điều ông ấy biết, bởi vì thế thì mọi người sẽ không tin cậy vào ông ấy và ông ấy đã không có cơ sở cho những điều như thế trong kiếp sống trước của mình. Trở về nhà ông ấy kể với vợ điều đã xảy ra. Ông ấy cũng kể cho vợ rằng nếu bà ấy mà tin cậy vào ông ấy, thế thì ông ấy sẽ kể nó cho ai đó khác - bằng không thì thôi, bởi vì điều đã tới với ông ấy thì đã tới từ trên cao. Ai đó đã nói với ông ấy; đấy không phải là tiếng nói của ông ấy. Nhưng khi vợ ông ấy đã tin cậy ông ấy, ông ấy bắt đầu kể cho người khác.

Với Moses cũng thế, cùng điều đó đã xảy ra. Tiếng nói giáng xuống ông ấy. Để cho tiếng nói này giáng xuống, một tâm linh thiêng liêng vĩ đại phải dùng ai đó làm trung gian. Nhưng mọi người không thể được dùng như trung gian. Khả năng và sự thuần khiết này để trở thành phương tiện, thành trung gian, không phải là điều nhỏ. Việc truyền trao chỉ có thể nếu phương tiện có khả năng là có sẵn. Để có sự truyền trao đó, thân thể người khác phải được dùng.

Kiểu nỗ lực này đã được tiến hành trong thời gần đây với Krishnamurti, nhưng nó đã thất bại. Đây là câu chuyện về hoá thân có chủ định của Phật dưới tên gọi Maitreya*. Phật đã nói rằng ông ấy sẽ lấy một lần sinh nữa, với cái tên đó. Nhiều thời gian đã trôi qua - quãng hai nghìn năm trăm năm - nhưng Phật vẫn chưa lấy việc sinh. Các chỉ dẫn đã được nhận nói rằng Maitreya đã không thể nào tìm thấy người mẹ thích hợp hay bụng mẹ. Do đó, một kiểu nỗ lực khác đã được thực hiện. Nếu không thể nào tìm được một người mẹ hay bụng mẹ thích hợp, thì một cá nhân được chọn lựa nào đó có thể được phát triển và làm thành sẵn sàng để cho qua người đó Maitreya có thể nói bất kì điều gì ông ấy muốn nói.

Với mục đích này, phong trào Thượng đế học lớn đã bắt đầu - để thu xếp cho việc chọn một cá nhân thích hợp và chuẩn bị cho người đó theo đủ mọi cách để xứng đáng là phương tiện cho Maitreya. Linh hồn muốn trao thông điệp qua Mohammed đã tìm thấy trong Mohammed một phương tiện có sẵn; linh hồn đó không phải chuẩn bị bất kì ai. Ngay cả linh hồn đã trao thông điệp qua Moses cũng không phải làm ra phương tiện. Họ tìm thấy phương tiện đã làm sẵn. Những thời đó là rất đơn giản, và mọi người còn hồn nhiên nhiều hơn và ít chất đầy với bản ngã. Hồi đó dễ tìm ra phương tiện bởi vì người ta có thể, trong sự khiêm tốn đầy đủ, buông xuôi thân thể mình cho linh hồn khác dùng, cứ dường như thân thể đó không thuộc vào người đó.

Nhưng bây giờ điều đó là không thể được. Tính cá nhân đã trở thành cứng nhắc và tập trung vào bản ngã; không ai muốn buông xuôi cả. Do đó, những nhà Thượng đế học đã chọn bốn hay năm đứa trẻ nhỏ - bởi vì không thể nào tin tưởng mà tiên đoán từng đứa trẻ sẽ phát triển như thế nào. Họ đã chọn Krishnamurti cũng như anh của ông ấy Nityananda. sau đó, họ cũng chọn Krishnamenon và cả George Arundale.

Nityananda chết một cái chết chưa chín muồi do kết quả những chuẩn bị căng thẳng để làm cho cậu ta thành trung gian cho Maitreya. Krishnamurti trở nên bị rối loạn tinh thần bởi cái chết của anh mình đến mức bản thân cũng không thể trở thành trung gian được.

Krishnamurti đã được Annie Besant và Leadbeater chọn vào lúc chín tuổi. Nhưng thế giới này là một vở kịch lớn; thực nghiệm này đã được tiến hành bởi các sức mạnh lớn. Vở kịch được diễn ra trên sân khấu thế giới bởi những cá nhân quyền thế. Khi khả năng của Maitreya đi vào trong Krishamurti trở nên rất gần, chắc chắn, thì linh hồn của Devadatta, là anh em con chú bác của Phật, và là người đã từng cả đời đối lập với Phật và nhiều lần định giết ông ấy, lại ảnh hưởng tới tâm trí của bố Krishnamurti.

Do vậy, một cuộc kiện tụng pháp lí do Devadatta gây ảnh hưởng đã được bố của Krishnamurti đệ trình để chống lại Annie Besant và những người Thượng đế học khác, yêu cầu trả lại quyền sở hữu đứa con Krishnamurti, người đã trong sự chăm nom của họ. Việc kiện này đã tranh đấu lại Hội đồng Kín. Sự kiện này đã không được nói trước đây. Tôi kể điều đó ra lần đầu tiên: Annie Besant đã tranh đấu pháp lí ác liệt. Nhưng trong toà án luật pháp, bà ấy không thể thắng được bởi vì đấy là quyền của người bố giành lại việc sở hữu đứa con nhỏ của mình. Do đó, họ cần phải chạy khỏi Ấn Độ mang cả Krishnamurti cùng đi theo mình. Tại Ấn Độ vụ kiện vẫn tiếp tục, còn Annie Besant chạy khỏi Ấn Độ cùng Krishnamurti. Vụ kiện tiếp tục lên tới toà thượng thẩm; tại đó Annie Besant bị thua kiện. Đó là trận chiến pháp lí và Devadatta mạnh hơn.

Thông thường, luật pháp trở nên hợp tác hơn trong tay của kẻ phạm tội bởi vì người tốt không bận tâm với vấn đề luật pháp. Kẻ phạm tội trước hết làm mọi thu xếp cần thiết cho trận chiến pháp lí của mình.

Sau đó, Annie Besant thưa kiện ở toà thượng thẩm cho Hội đồng Kín ở London, và tại đó quyết định đã được đảo lại, ngược lại tất cả mọi điều khoản pháp lí, để đứa trẻ này ở lại với Annie Besant. Chưa bao giờ có điều như vậy trước đó, mà cũng chẳng có phán quyết công bằng và đúng đắn. Nhưng không có lời thỉnh cầu thêm bên ngoài Hội đồng Kín. Phán quyết này đã được làm thành có thể bởi ảnh hưởng của Maitreya, người đã không can thiệp vào toà án cấp thấp hay toà án chống án. Ông ấy đã dành quyền lực ảnh hưởng của mình cho toà thượng thẩm.

Do vậy, trên bình diện thấp hơn, đó là vở kịch diễn ra được chứng kiến bởi những dòng tiêu đề lớn trên báo chí và trận chiến pháp lí tranh đấu trong toà án pháp lí. Nhưng ở bình diện cao hơn, một trận chiến lớn cũng được diễn ra giữa hai linh hồn mạnh mẽ. Về sau đó, những công sức lớn lao như vậy đã được tính vào trong việc chuẩn bị cho Krishnamurti mà có lẽ chưa bao giờ đã được tính tới trước đó cho bất kì cá nhân nào khác. Các cá nhân có thể đã nhận những công sức lớn hơn trong việc tự chuẩn bị cho mình để đạt tới điều gì đó, nhưng biết bao nhiêu người chưa bao giờ lại đặt cọc nhiều thế vào một người.

Nhưng mặc cho tất cả những nỗ lực lớn lao này, khi thời gian tới gần thì tất cả mọi hi vọng đều không đi tới kết quả nào. Các nhà thần học đã tụ hội sáu nghìn người từ khắp thế giới về Đan Mạch, và người ta đã lập lịch để công bố rằng Krishnamurti vào ngày đó sẽ từ bỏ nhân cách của mình và chấp nhận nhân cách của Maitreya. Tất cả mọi sự chuẩn bị đều đã được thực hiện. Một khoảnh khắc chờ đợi lâu dài tới khi ông ấy leo lên diễn đàn để công bố rằng mình không còn là Krishnamurti nữa, để cho linh hồn của Maitreya có thể đi vào và bắt đầu nói. Sáu nghìn đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập với nhau từ mọi nơi xa gần, trong nỗi niềm trông đợi lớn lao, để lắng nghe tiếng nói của Maitreya. Một sự kiện chưa từng thấy lớn lao sắp xảy ra.

Nhưng chẳng cái gì xảy ra cả. Và khoảnh khắc chủ chốt đó, Krishnamurti đã từ chối việc từ bỏ tính cá nhân của mình. Devadatta đã làm cố gắng cuối cùng của mình, và điều đã không thể làm được trong Hội đồng Kín thì lại được làm thành có thể trong toà án cuối cùng của các đại biểu. Ông ấy đã làm cho Krishnamurti công bố rằng mình không phải là thầy giáo - không phải là thầy giáo của thế giới, rằng ông ấy chẳng có liên quan gì tới linh hồn của bất kì ai khác, rằng ông ấy là cái ông ấy đang là, và rằng ông ấy không muốn nói thêm bất kì cái gì nữa. Một thực nghiệm lớn thất bại. Nhưng theo một nghĩa nào đó, đấy là thực nghiệm đầu tiên thuộc kiểu này, và có khả năng thất bại lớn hơn.

Cho nên đối với các linh hồn không có khả năng nào để trao đổi trừ phi chúng có thể đi vào trong thân thể của ai đó. Đó là lí do tại sao việc sinh làm con người là không thể thiếu được. Chẳng hạn, ai đó chết bây giờ, và nếu người đó vẫn còn trong trạng thái vô thân thể trong một trăm năm thì không có sự phát triển theo bất kì kiểu nào với bất kì cái gì trong một trăm năm đó. Người đó sẽ bắt đầu trong việc sinh mới từ nơi mà người đó đã ở khi chết trong kiếp trước - ngay từ đó - thời kì chen giữa ấy có thể dài đến đâu cũng không thành vấn đề. Thời kì chen giữa này không phải là thời gian phát triển. Nó cũng giống như là tỉnh dậy trên cùng chiếc giường nơi bạn đã ngủ đêm trước.

Đó là lí do tại sao nhiều tôn giáo chống lại giấc ngủ, bởi vì trong khi ngủ thì không có tiến bộ. Các tôn giáo này bắt đầu rút bớt thời gian ngủ bởi vì thiếu việc phát triển trong giấc ngủ. Bạn tỉnh dậy trong cùng chiếc giường bạn đã ngủ, không thay đổi. Đích xác theo cùng cách đó, khi bạn lại lấy việc sinh, bạn nhặt nó tại nơi bạn đã từ bỏ nó khi bạn chết. Không có thay đổi trong tình huống của bạn. Nó cũng giống như việc dừng chiếc đồng hồ của tôi bây giờ, nhưng khi tôi bắt đầu nó lại lần nữa, nó sẽ bắt đầu đích xác từ chỗ nó đã dừng.

Trong khoảng giữa các lần sinh, mọi sự phát triển đều bị khoá lại. Đó là lí do tại sao không thần nào có thể đạt tới sự cứu rỗi trong khi ở cõi trời - bởi vì không có hành động ở đó; người ta không thể làm được gì ở đó cả. Tại đó người ta chỉ có thể mơ vô tận. Để làm điều gì đó, người ta phải lấy việc sinh làm người trên trái đất.

Cũng vậy, để các linh hồn nhận ra nhau, hai tâm linh mong muốn gặp nhau chỉ có thể làm như vậy bằng việc đi vào trong hai thân thể khác nhau. Không có cách nào nhận ra một cách trực tiếp cả. Điều đó cũng giống như là hai mươi người ngủ trong căn phòng này. Họ sẽ vẫn còn ở đó cả đêm trong cùng căn phòng, nhưng trong giấc ngủ không có cách nào đối với họ để biết lẫn nhau. Họ có thể biết lẫn nhau chỉ sau khi tỉnh dậy.

Khi chúng ta tỉnh dậy, nhận biết của chúng ta tiếp tục - nhưng trong giấc ngủ điều đó là không thể được; tại đó chúng ta không có quan hệ với bất kì cái gì. Có thể là một người có thể tỉnh dậy và thấy tất cả mọi người còn lại đang ngủ. Điều này có nghĩa là nếu một linh hồn đi vào trong thân thể ai đó thì linh hồn đó có thể thấy các linh hồn khác. Nhưng các linh hồn khác không thể thấy linh hồn này.

Nếu một linh hồn đi vào trong thân thể ai đó, nó có thể biết cái gì đó về các linh hồn vô thân thể khác. Nhưng những linh hồn vô thân thể kia không thể biết gì cả. Thực tại, sự kiện biết và nhận ra là có thể chỉ thông qua bộ não nằm trong một thân thể, và cho đến khi chết thì thân thể chết cùng với bộ não.

Nhưng cũng có những khả năng khác. Nếu người nào đó đã thực nghiệm trong khi sống, và đã thiết lập các mối quan hệ qua viễn cảm hay thấu thị, là các phương pháp biết mà không dùng bộ não và chẳng liên quan gì tới bộ não cả, thế thì những người như thế có thể thành công trong việc thiết lập các mối quan hệ với tâm linh ác cũng như linh hồn trên cõi trời. Nhưng có rất ít người có khả năng đó. Tuy nhiên, thông tin về các tình huống phổ biến khắp thế giới tâm linh đã được trao cho chúng ta chỉ bởi những linh hồn như vậy.

Tình huống là giống như thế này: hai mươi người uống rượu và tất cả đều trở nên vô ý thức. Nhưng trong số họ một người đã có thói quen uống rượu lâu dài có thể vẫn còn có ý thức đầy đủ, và do vậy người đó có thể kể về kinh nghiệm của việc say. Những người khác không thể kể được bởi vì họ trở thành vô ý thức trước khi họ đi tới biết điều gì.

Có một vài tổ chức làm việc trên thế giới để chuẩn bị cho mọi người trao đổi thông tin về thế giới tâm linh sau cái chết. Chẳng hạn, ở London, Sir Oliver Lodge, thành viên của một hội tâm linh, đã cố gắng trong một thời gian dài sau khi chết để trao một thông điệp, nhưng thất bại. Trong hai mươi năm, mặc cho những nỗ lực lớn lao, không thông điệp nào có thể được truyền trao cả. Một số linh hồn khác, trong thực tế, đã thông báo rằng Oliver Lodge đã cố gắng rất chân thành để trao một thông điệp, nhưng việc điều chỉnh không thể được thiết lập.

Trong hai mươi năm, ông ấy đã gõ mọi cửa của mọi người mà ông ấy đã hứa trao thông điệp ngay sau khi chết. Ông ấy đã được hội chuẩn bị cho công việc này. Dường như là ông ấy đã cố gắng đánh thức bạn mình khỏi giấc ngủ. Họ sẽ tỉnh dậy và ngồi dậy tỉnh táo, cảm thấy rằng Oliver ở gần đâu đó, nhưng không ai có thể trở nên hoà hợp để nhận điều Oliver phải nói.

Oliver chết đi sẵn sàng truyền trao và liên tục thực hiện nỗ lực của mình trong hai mươi năm, nhưng không có ai sẵn sàng để hiểu ngôn ngữ của người chết này. Rất thường là người bạn nào đó đi qua trên đường có cảm thấy bàn tay của Oliver đặt lên vai mình, biết rất rõ cái chạm ấy của tay ông ấy. Nhưng khi ông ấy cố gắng nói với họ, nhận biết về sự hiện diện của ông ấy sẽ trở nên bị mất. Tất cả mọi người bạn của ông ấy đều rất khó chịu về điều này, nhưng mặc dầu nỗ lực lặp lại tối đa của Oliver vẫn chẳng có thông điệp nào có thể đạt tới.

Việc chuẩn bị có hai chiều. Nếu ai đó có khả năng kinh nghiệm viễn cảm trong khi còn sống, nếu người đó đã phát triển khả năng để truyền đạt ý nghĩ không bằng lời, nếu người đó có khả năng thấy những vật ở rất xa bằng mắt nhắm, thế thì người như vậy sẽ biết nhiều điều về thế giới tâm linh.

Việc biết không chỉ phụ thuộc vào sự tồn tại vật lí của chúng ta. Chẳng hạn, một nhà thực vật học, một nhà thơ, một chủ tiệm và một đứa trẻ có thể đi vào vườn. Tất cả họ đều vào cùng một khu vườn, nhưng họ không đi theo cùng một thứ. Đứa trẻ sẽ đuổi theo ong mầu sắc, chủ tiệm sẽ nghĩ về vấn đề cửa tiệm của mình, nhà thơ sẽ dừng lại với hoa và trở nên mất tăm trong việc soạn thơ, còn nhà thực vật học sẽ cố gắng để kiểm chứng nhiều điều về cây cối.

Chủ tiệm không thể thấy hoa cũng không thể thấy thơ trong chúng. Nhà thực vật thấy mọi rễ, mọi lá, mọi hoa, với con mắt phân tích như vậy mà ông ta xác nhận tri thức mình đã thu thập trong suốt hai mươi hay năm mươi năm qua. Không một người nào khác có thể thấy điều ông ấy có thể thấy. Tương tự, những người chết mà không biết gì ngoại trừ thân thể, không thể có bất kì nhận biết nào về thế giới khác, mà họ cũng không thể thiết lập được bất kì mối quan hệ nào với nó. Họ chết trong cơn mê, trong trạng thái vô ý thức sâu sắc, chờ đợi lần sinh mới. Nhưng những người đã làm việc chuẩn bị trước sẽ có khả năng làm điều gì đó. Có các kinh sách cho việc chuẩn bị như vậy.

Nếu trước khi chết, người ta chết theo cách khoa học với chuẩn bị đầy đủ cho nó, với kế hoạch và phương pháp luận cho điều người đó làm sau cái chết, thế thì người đó có thể làm được cái gì đó. Có những cơ hội cho những kinh nghiệm lớn. Nhưng khi một người chết đi một cách bình thường, thì người đó có thể lấy việc sinh ngay lập tức hay sau vài năm. Thế thì người đó sẽ không biết gì về tình huống của thời kì chen giữa những lần sinh. Đó là lí do tại sao không có khả năng nào cho việc truyền trao trực tiếp.

Có lúc nào đó tôi đã cảm giác rằng Thầy đang vội vã. Vội vã đó là gì và tại sao? Tôi không có khả năng hiểu được. Nhưng sự kiện là Thầy đang vội vã là hiển nhiên từ những bức thư Thầy đã viết cho những người sùng kính Thầy.

Câu hỏi cũng nảy sinh liệu mục đích mà theo đó Thầy đã lấy lần sinh này đã được hoàn thành chưa. Nếu Thầy đã hoàn thành nhiệm vụ, thế thì xin Thầy giải thích một phát biểu mà có lần Thầy đã nêu ra rằng Thầy sẽ đi lang thang hết làng nọ tới làng kia để tạo ra những thách thức cho mọi người, và nếu ngẫu nhiên Thầy gặp những đôi mắt có thể trở thành ngọn đèn, Thầy sẽ làm việc với những người đó bằng tất cả mọi nỗ lực. Thầy cũng đã nói rằng Thầy sẽ làm điều này để cho vào lúc chết của mình, Thầy sẽ không phải nói rằng Thầy đã tìm hàng trăm người mà Thầy không thấy được họ.

Tôi vội vã bởi ba lí do: thứ nhất, dù người ta có bao nhiêu thời gian đi chăng nữa, người ta bao giờ cũng thấy nó không đủ. Bao giờ cũng vậy, bất kì khoảng thời gian và năng lượng nào cũng không đủ - bởi vì công việc lớn như biển cả, mà năng lượng và thời gian người ta có giống như lỗ hổng trên lòng bàn tay. Cho dù người ta có là một Phật, hay một Mahavira, một Krishna hay một Christ, nỗ lực cũng không thể lớn hơn lỗ hổng trên lòng bàn tay, và sự dàn trải của công việc bao la như biển cả.

Đây là vội vàng bình thường duy nhất, là điều thông thường. Nhưng còn có vội vàng cho các lí do khác nữa. Một số thời kì thời gian chuyển chậm tới mức thời gian dường như không di chuyển chút nào. Khi chúng ta nhìn vào quá khứ lịch sử của mình, chúng ta sẽ thấy rằng thời gian quen di chuyển rất chậm. Thế rồi có một số kỉ nguyên nó lại chuyển nhanh, trong đó mọi thứ dường như di chuyển với tốc độ cao. Ngày nay chúng ta đang trong kỉ nguyên chuyển nhanh như vậy. Mọi thứ đang chuyển với tốc độ cao, và không cái gì dường như còn tĩnh tại hay ổn định cả. Nếu tôn giáo tiếp tục chuyển như tốc độ chậm cổ đại của nó, thì nó sẽ bị tụt lại sau và chết.

Trong những ngày xưa, thậm chí khoa học cũng chuyển động chậm chạp. Trong mười nghìn năm chiếc xe bò kéo vẫn còn như cũ. Xe bò kéo vẫn còn là xe bò kéo và thợ rèn quen dùng cùng dụng cụ cổ. Mọi thứ chuyển chậm chạp như dòng sông di chuyển trên những đồng bằng không nghiêng. Bạn sẽ không biết chút nào rằng cái gì đang di chuyển. Bờ của những dòng sông đó vẫn còn lại đây đó.

Trong những thời như vậy, tôn giáo cũng chuyển chậm chạp. Có một loại hài hoà trong chuyển động đó, và khoa học và tôn giáo cả hai đều sóng bước với nhau. Nhưng bây giờ tôn giáo đi chậm trong khi khoa học và những thứ khác lại chuyển với nhịp nhanh hơn. Với những điều kiện này, nếu tôn giáo tụt lại sau và bước đi ngần ngại, thế thì chẳng ngạc nhiên gì mọi người sẽ không có khả năng bước cùng với nó. Với lí do này nên cũng có vội vã.

Nhìn vào tốc độ mà tri thức của thế giới về vật chất đang tăng lên và tốc độ mà khoa học đang tiến bộ nhanh, tôn giáo thực tế đáng phải còn lại đâu đó phía trước khoa học và đạt tới một tốc độ cao hơn - bởi vì bất kì khi nào tôn giáo tụt lại đằng sau khoa học, nó đều gây ra tai hại lớn. Tôn giáo nên vẫn còn ở phía trước chút ít để hướng dẫn, bởi vì một ý tưởng bao giờ cũng phải vẫn còn ở phía trước một chút; nếu không thì ý tưởng trở thành vô nghĩa. Ý tưởng bao giờ cũng nên đi trước thành tựu và nên vượt ra ngoài nó. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa tôn giáo và khoa học.

Nếu chúng ta nhìn lại thời đại của Ram, tôn giáo bao giờ cũng ở phía trước ông ấy. Nếu chúng ta nhìn vào kỉ nguyên hiện đại, con người bao giờ cũng ở phía trước tôn giáo. Ngày nay duy nhất người có thể trở thành tôn giáo là người rất lạc hậu. Có lí do cho điều này: chỉ là vì người như vậy một mình mới có khả năng giữ cùng bước với tôn giáo. Ngày nay, con người càng tiến bộ, người đó càng xa với tôn giáo, hay ngược lại mối quan hệ của người đó với tôn giáo sẽ chỉ còn là hình thức - sẽ chỉ để trưng bầy. Cho nên tôn giáo phải vẫn còn ở hàng đầu.

Nếu chúng ta nhìn lại vào thời Phật hay Mahavira, sẽ rất ngạc nhiên mà biết rằng những người có tâm trí giỏi nhất trong thời của họ là người tôn giáo. Nhưng trong nền văn minh của chúng ta, nếu chúng ta nhìn vào người tôn giáo hiện đại, người đó có trí thông minh kém hơn. Trong những ngày ấy, những người đã là lãnh tụ, những người đã đạt tới đỉnh, đều là những người tôn giáo. Còn bây giờ, những người quê mùa, thô sơ và lạc hậu là người tôn giáo. Những tâm trí thông minh hơn của thời đại chúng ta lại không mang tính tôn giáo. Điều này có nghĩa là tôn giáo là không có khả năng đi lên trước con người. Bởi lí do đó nữa mà tôi đang vội vã.

Một lí do khác cho vội vã là ở chỗ đây là thời kì khẩn cấp, thời khủng hoảng. Chẳng hạn, khi bạn đi tới bệnh viện, chân bạn có nhịp đi nhanh hơn khi bạn đi tới cửa hàng. Tốc độ bạn dùng để đi tới bệnh viện là tốc độ của sự khẩn cấp hay khủng hoảng. Ngày nay, trạng thái của mọi vật đều gần như tới mức nếu tôn giáo nào đó không thể tạo ra và thúc đẩy một phong trào mạnh mẽ, có thể là toàn bộ nhân loại sẽ bị triệt tiêu.

Đây là thời kì khẩn cấp, giống như khẩn cấp được chấp nhận ở bệnh viện. Có thể là bệnh nhân sẽ chết trước khi tới bệnh viện hay trước khi bất kì thuốc men nào có thể được cấp hay vào lúc bệnh được chẩn đoán, nhưng những tác động xấu của hoàn cảnh thịnh hành này không ảnh hưởng tới bất kì nhà tư tưởng tôn giáo nào. Thay vì vậy, chúng ảnh hưởng tới các thế hệ trẻ hơn của toàn thế giới, và chúng đã đánh mạnh nhất vào các thế hệ trẻ hơn của các quốc gia đã phát triển.

Nếu các bậc cha mẹ người Mĩ bảo con trai học hành mười năm trong đại học để cho anh ta có thể kiếm được việc tốt, người con cãi lại bằng việc hỏi liệu có bảo đảm rằng anh ta sẽ sống được mười năm hay không. Bố mẹ không thể có câu trả lời. Tại Mĩ, ít có tin cậy vào ngày mai. Ngày mai không thể được tin cậy; không thể chắc chắn liệu thậm chí người đó mai sẽ có hay không. Do đó, có ham muốn để tận hưởng hôm nay nhiều hết sức có thể được.

Điều này không phải là ngẫu nhiên. Nó cũng giống như bệnh nhân nằm trên giường chết và có thể chết vào bất kì khoảnh khắc nào. Toàn bộ nhân loại đang trở thành giống như thế. Có vội vã, bởi vì nếu chẩn đoán chậm chạp, có thể không còn phương cách chữa nhanh chóng. Do đó, tôi đang vội vã là bất kì cái gì cần được làm thì phải làm cho nhanh.

Về phát biểu của tôi rằng tôi sẽ chuyển từ thành phố nọ sang thành phố kia: cho tới giờ, theo một nghĩa nào đó, tôi đã làm xong việc đó. Tôi có trong tâm trí một số người; bây giờ vấn đề là làm việc với họ. Nhưng khó khăn là ở chỗ đáng ra tốt hơn thì thay vì tôi nhớ họ trong tâm trí, họ lại nhớ tôi trong tâm trí. Chừng nào mà tôi còn chưa tới trong tâm trí họ, chẳng cái gì khác có thể được làm.

Nhưng tôi cũng đã bắt đầu công việc này rồi. Việc đi và tới của tôi hay việc ở lại của tôi tất cả đều theo mục đích làm điều gì đó. Sau khi chuẩn bị vài người, tôi muốn phái họ trong hai năm tới các thành phố khác nhau. Họ sẽ đi. Không phải một trăm mà là mười nghìn người sẽ được chuẩn bị. Những thời khủng hoảng này đầy những tiềm năng như chúng đầy những nguy hiểm. Nếu thời gian được sử dụng đúng đắn, những tiềm năng lớn hơn được phát triển ra; bằng không kết quả là thảm hoạ.

Nhiều người có thể được chuẩn bị. Đây là thời gian cho việc làm táo bạo, và nhiều người có thể được chuẩn bị cho việc nhảy vào cái chưa biết. Điều đó sẽ xảy ra. Tôi đã nói với các bạn về trạng thái bên ngoài của mọi vật. Nhưng bất kì khi nào một thời đại huỷ diệt xuất hiện gần, sẽ có nhiều linh hồn sẽ đạt tới những giai đoạn cuối của việc phát triển trên bình diện bên trong. Những linh hồn như vậy chỉ cần một cái đẩy, và chỉ với cái đó họ sẽ lấy cái nhảy.

Thông thường, khi cái chết được cảm thấy đang tới gần, có thể thấy rằng người ta bắt đầu nghĩ về điều ở bên kia cái chết. Mọi cá nhân bắt đầu trở thành tôn giáo trong tình huống như vậy nơi mà cái chết đang tiến lại gần người đó. Việc hỏi về cái gì ở bên kia bắt đầu tại việc tiếp cận tới cái chết. Bằng không cuộc sống của người ta vẫn còn bị dính líu nhiều đến mức việc hỏi như vậy không nảy sinh. Khi toàn thể một thời đại tiếp cận tới một hoàn cảnh gần chết, thế thì hàng triệu người bắt đầu nghĩ ở bên trong về cái gì ở cõi bên kia. Tình huống này cũng có thể được sử dụng; nó có những tiềm năng lớn.

Do đó, tôi sẽ dần dần nhốt mình vào một căn phòng: tôi sẽ chấm dứt việc đi và tới. Bây giờ tôi sẽ làm việc với những người đang trong tâm trí tôi. Tôi sẽ chuẩn bị cho họ và phái họ đi. Việc di chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia, điều tự bản thân tôi không thể làm được, tôi sẽ có khả năng làm được bằng việc phái mười nghìn người đi.

Với tôi, tôn giáo cũng là một tiến trình khoa học nữa, cho nên tôi có trong tâm trí mình một kĩ thuật khoa học đầy đủ cho nó. Khi mọi người sẵn sàng, kĩ thuật khoa học này sẽ được truyền cho họ. Với sự giúp đỡ của kĩ thuật đó, họ sẽ làm việc với hàng nghìn người. Sự hiện diện của tôi là không cần thiết cho điều đó. Tôi đã được yêu cầu chỉ tìm ra những người như vậy, người có thể tiến hành mục tiêu đó. Bây giờ tôi sẽ có khả năng trao công việc cho họ.

Cần phải tạo ra những nguyên tắc nào đó; điều đó đã được tôi làm. Công việc của các nhà khoa học qua rồi. Bây giờ công việc là dành cho các nhà kĩ thuật. Nhà khoa học hoàn thành công việc, như Edition khai thác điện và phát minh ra đèn điện. Từ đó về sau, đấy là công việc của thợ điện để gắn bóng đèn. Không có khó khăn trong việc đó.

Bây giờ tôi có một bức tranh gần đầy đủ về công việc phải làm. Bây giờ, sau khi trao cho mọi người khái niệm và để cho họ làm kĩ thuật này, tôi sẽ phái họ đi ngay khi họ trở nên sẵn sàng. Tất cả những điều này đều trong tâm trí tôi, nhưng những tiềm năng thì chưa được tất cả mọi người thấy. Phần lớn mọi người chỉ thấy cái thực tại. Thấy các tiềm năng là một nhiệm vụ khác, nhưng tôi có thể thấy chúng.

Các hoàn cảnh đã tồn tại trong một vùng nhỏ của Bihar trong thời của Mahavira và Phật có thể tới rất êm ả trong vài năm tới trên qui mô toàn cầu. Nhưng một kiểu người tôn giáo hoàn toàn mới sẽ phải được chuẩn bị, một kiểu sannyasin mới sẽ phải được sinh ra, một kiểu yoga mới và hệ thống thiền sẽ phải được phát minh ra. Tất cả những điều này đã có trong tâm trí tôi.

Khi tôi bắt gặp mọi người, họ sẽ được trao cho những điều này, và họ sẽ truyền thên nữa cùng điều đó cho những người khác. Tuy nhiên, có nguy cơ nghiêm trọng, bởi vì nếu cơ hội này bị bỏ lỡ, điều đó sẽ gây tác hại lớn. Cơ hội này phải được sử dụng bởi vì thời gian quí giá như hôm nay có thể khó quay lại nữa. Từ mọi góc độ, kỉ nguyên này đang ở cực đỉnh hay ngọn của nó. Từ nay về sau, sẽ chỉ có giảm xuống. Bây giờ Mĩ sẽ không thể nào tiến thêm được nữa; nó sẽ chỉ trải qua tan rã. Nền văn minh đã chạm tới đỉnh của nó, và bây giờ nó sẽ tan rã. Đây là những năm cuối cùng.

Chúng ta đã chú ý rằng Ấn Độ đã tan rã sau Mahavira và Phật. Sau họ, cái chóp vàng đó không thể được chạm tới lần nữa. Mọi người thông thường nghĩ rằng điều này xảy ra là do Mahavira và Phật, nhưng trong thực tế cảnh ngộ đối lập lại. Thực tại, chỉ trước khi việc tan rã bắt đầu, mọi người ở tầm cỡ của Mahavira và Phật mới có khả năng làm việc, không trước đó - bởi vì chỉ trước khi tan rã, mọi thứ là trong mất trật tự và ở ngay giai đoạn bể vụn.

Giống như cái chết đối diện với một cá nhân, vậy bây giờ cái chết ló khuôn mặt đen tối của nó ra trước tâm thức tập thể của toàn bộ nền văn minh. Và tâm trí tập thể của nền văn minh đó trở nên sẵn sàng đi sâu vào trong địa hạt của tôn giáo và cái chưa biết. Đó là lí do tại sao có thể có việc trong một chỗ nhỏ bé như Bihar năm mươi nghìn sannyasin có thể đi cùng với Mahavira.

Điều này bản thân nó có thể lặp lại nữa; có một khả năng đầy đủ cho nó. Tôi có một kế hoạch hoàn chỉnh và một bản thiết kế tổng thể trong tâm trí mình cho điều này. Theo một nghĩa nào đó, công việc của tôi về việc tìm người tôi cần đã gần hoàn tất. Hơn nữa, họ không biết rằng tôi đã tìm thấy họ. Bây giờ tôi phải trao công việc cho họ bằng việc chuẩn bị cho họ và phái họ đi truyền bá thông điệp này.

Lúc mà nó đã là công việc của tôi, thì tôi biết điều tôi phải làm và tôi đã làm nó tương đối dễ dàng. Nhưng bây giờ tôi phải trao công việc cho người khác; bây giờ tôi không thể vẫn còn trong sự dễ dàng đó. Tôi phải vội vã. Đây là một lí do nữa cho việc vội vã của tôi. Do đó tôi muốn làm rõ ràng cho mọi bạn bè rằng tôi đang vội đây, để cho họ cũng phải vội theo. Nếu họ cứ giữ tốc độ họ đang bước đi, họ sẽ chẳng đạt tới đâu cả. Nếu họ thấy tôi vội vã, thế thì có lẽ họ cũng sẽ tăng tốc lên; bằng không chẳng có sự tăng tốc đó.

Jesus đã phải làm điều này. Jesus nói với mọi người rằng thế giới này sắp sửa đi tới chấm dứt rồi. Nhưng mọi người ngu xuẩn tới mức rất khó cho họ hiểu. Jesus đã nói rằng ngay trước mắt họ mọi thứ sẽ bị huỷ diệt, rằng đấy là thời gian cho họ để chọn lựa, và rằng những người đã không thay đổi sẽ chẳng bao giờ có được cơ hội để làm như vậy về sau nữa. Những người đã nghe và hiểu ông ấy đều trở nên được biến đổi, nhưng phần lớn mọi người cứ hỏi mãi khi nào giờ ấy sẽ điểm.

Bây giờ, sau hai nghìn năm, một số học giả Ki tô giáo, các linh mục và nhà thượng đế học ngồi lại với nhau và nghĩ rằng dường như là Jesus đã phạm phải sai lầm nào đó - bởi vì mãi cho tới giờ ngày phán xử ấy vẫn chưa tới: Jesus đã nói rằng biến cố huỷ diệt thế giới sẽ xảy ra trước chính mắt họ - trong khi ông ấy còn ở đó - rằng ngày thanh toán sẽ tới và rằng những người bỏ lỡ sẽ bỏ lỡ mãi mãi. Nhưng thời điểm đó vẫn chưa tới.

Đây là sai lầm của Jesus hay chúng ta đã hiểu lầm ông ấy? Một số người nói rằng ông ấy đã phạm phải sai lầm lớn thế bởi vì ông ấy đã không biết gì về vật chất cả, và do đó có thể có nhiều điều khác mà Jesus cũng không biết nốt. Vậy mà những người khác lại nói rằng có cái gì đó sai trong việc diễn giải của chúng ta về kinh sách. Nhưng không người nào trong số người này biết rằng có những lí do sâu sắc và mục đích có tính toán đằng sau điều những người như Jesus nói. Bằng việc nói những điều này, Jesus đã tạo ra một bầu không khí khẩn cấp trong đó nhiều người trở nên được biến đổi.

Mọi người trở nên được biến đổi chỉ trong lúc khẩn cấp. Nếu người ta biết rằng người ta có thể biến đổi ngày mai hay thậm chí ngày kia, người đó sẽ không làm gì cả vào hôm nay; người đó sẽ trì hoãn nó cho ngày mai hay ngày kia. Nhưng nếu người đó biết rằng không có ngày mai, thế thì khả năng đó cho việc biến đổi tới trong bản thể.

Theo một cách, khi nền văn minh đang trên bờ của sự tan rã, ngày mai trở thành không chắc chắn. Người ta không chắc về ngày hôm sau. Thế thì hôm nay phải được cô đọng tới mức nó có thể hoàn tất mọi điều phải được làm. Nếu người ta phải tận hưởng, người ta phải làm điều đó hôm nay. Nếu người đó phải buông xuôi và từ bỏ, thì thế nữa người đó cũng phải làm hôm nay. Thậm chí người ta phải phá huỷ bản ngã hay biến đổi, điều đó cũng phải được làm vào hôm nay.

Cho nên ở châu Âu và Mĩ, một tâm tính quả quyết, tích cực đã tới trong con người rằng bất kì cái gì người ta muốn làm đều phải được làm hôm nay: 'Quên lo nghĩ về ngày mai đi. Nếu bạn muốn uống rượu, uống đi; nếu bạn muốn hưởng thú, hưởng thú đi; nếu bạn muốn đánh cắp, đánh cắp đi. Bất kì điều gì bạn muốn làm, làm nó hôm nay đi.' Trên bình diện vật chất, điều này đã xảy ra.

Tôi muốn điều này cũng xảy ra trên bình diện tâm linh nữa. Điều này có thể chạy song song với điều đang xảy ra trên bình diện vật chất. Tôi đang trong vội vã lớn cho ý tưởng này bừng lên. Dứt khoát là ý tưởng này sẽ tới từ phương Đông. Chỉ gió Đông mới có thể mang nó sang phương Tây, và phương Tây sẽ nhảy vào trong nó với sự hăng hái hoàn toàn.

Có những nơi đặc biệt thích hợp cho việc dâng lên và trưởng thành của những điều nào đó. Mọi kiểu cây đều không thể phát triển được trong mọi nước. Có những gốc rễ đặc thù, loại đất đặc thù, loại khí hậu đặc thù và nước đặc thù cần cho sự phát triển của những điều gì đó. Tương tự, mọi kiểu ý tưởng cũng không thể nảy sinh ở mọi nơi, bởi vì gốc rễ, đất đai, khí hậu và nước khác nhau là cần cho chúng nữa.

Khoa học đã không thể phát triển được ở phương Đông. Vì cây đó không có gốc rễ ở phương Đông. Tôn giáo đã có thể phát triển ở phương Đông bởi vì với điều đó phương Đông có gốc rễ sâu sắc. Khí hậu, đất đai và nước - mọi thứ cần cho sự phát triển của nó - đều có sẵn ở phương Đông. Nếu khoa học đã tới phương Đông, nó chỉ tới từ phương Tây. Nếu tôn giáo tới phương Tây, nó sẽ chỉ từ phương Đông.

Đôi khi cũng có ngoại lệ cho điều này. Chẳng hạn, Nhật Bản, một nước phương Đông, có thể thách thức bất kì nước phương Tây nào về khoa học. Nhưng điều thú vị là để ý rằng Nhật Bản chỉ bắt chước; nó không thể là bản gốc được. Nhưng nó bắt chước theo cách mà ngay cả bản gốc trông cũng có vẻ mờ nhạt trước nó. Nhưng dẫu vậy, nó vẫn là bắt chước. Nhật Bản không phát minh ra cái gì. Nếu Nhật Bản làm ra radio, nó có thể mưu mẹo hơn Mĩ trong việc làm như vậy, nhưng nó phải sao chép cái cơ sở. Nhật Bản sẽ rất tài năng trong việc sao chép, nhưng hạt mầm sẽ tới từ các nước phương Tây. Nó sẽ gieo hạt mầm này và chăm nom cây cẩn thận, nhưng nó sẽ chẳng bao giờ có hạt mầm nguyên gốc của riêng mình.

Với tôn giáo cũng thế, Mĩ có thể lộng lẫy và vượt qua phương Đông. Một khi hạt mầm của tôn giáo đạt tới đó, thì Mĩ sẽ vượt trội hơn phương Đông trong sự phát triển của nó. Nhưng đồng thời, điều này sẽ là bắt chước. Sáng kiến, bước đi đầu tiên trong vấn đề này, nằm trong tay của phương Đông.

Đó là lí do tại sao tôi đang vội vã lớn trong việc lập kế hoạch để chuẩn bị cho mọi người ở phương Đông, những người có thể được phái sang phương Tây. Tia lửa sẽ bắt cháy như chất cháy ở phương Tây, nhưng nó phải tới từ phương Đông.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho