Chương 6. Đừng quá lành mạnh


Tâm kinh – Osho
Chương 6. Đừng quá lành mạnh

Câu hỏi thứ nhất:

Osho kính yêu,

Đâu là khác biệt giữa trống rỗng của đứa trẻ trước việc hình thành bản ngã và ngây thơ đã thức tỉnh của vị Phật?

Có tương đồng và cũng có dị biệt. Về bản chất đứa trẻ là vị Phật, nhưng phật tính của nó, hồn nhiên của nó, là tự nhiên, không do kiếm được. Hồn nhiên của nó là một loại dốt nát, không phải là nhận thức rõ. Hồn nhiên của nó là vô ý thức - nó không biết về điều đó, nó không để tâm tới điều đó, nó không để ý gì đến điều đó. Điều đó có đấy mà nó quên lãng. Nó đang làm mất điều đó. Nó phải làm mất điều đó. Cõi trời sẽ mất đi chẳng chóng thì chầy; nó đang trên đường tiến tới điều đó. Mọi đứa trẻ đều phải đi qua tất cả các loại hư hỏng, không thuần khiết - thế giới này.

Hồn nhiên của trẻ con là hồn nhiên của Adam trước khi bị đầy ra khỏi vườn Địa đàng, trước khi nếm trái tri thức, bởi vì Adam đã trở nên có ý thức. Cũng như con vật vậy. Nhìn vào mắt con vật mà xem - con bò, con chó - và có thuần khiết, cùng thuần khiết đó tồn tại trong mắt của vị Phật, nhưng với sự khác biệt.

Và khác biệt là bao la nữa: vị Phật đã về tới nhà; con vật chưa rời khỏi nhà. Đứa trẻ vẫn còn trong vườn Địa đàng, vẫn còn trong cõi trời. Nó sẽ phải làm mất điều đó - bởi vì để được thì người ta phải mất. Phật đã về tới nhà... toàn bộ vòng tròn. Ông ấy đã đi xa, ông ấy đã mất, ông ấy đã đi lạc lối, ông ấy đã dấn thân sâu vào trong bóng tối và tội lỗi và khổ cùng địa ngục. Những kinh nghiệm đó là một phần của chín chắn và trưởng thành.

Không có chúng thì bạn không có xương sống nào, bạn là loài không xương sống. Không có chúng thì hồn nhiên của bạn là rất mong manh; nó không thể đứng lại trước gió, nó không thể chịu đựng nổi bão tố. Nó rất yếu ớt, nó không thể tồn tại nổi. Nó phải trải qua thử lửa cuộc đời - phạm phải cả nghìn lẻ một sai lầm, cả nghìn lẻ một lần bản ngã, rồi bạn lại đứng dậy trên đôi chân mình. Tất cả những kinh nghiệm đó dần dần làm bạn chín chắn lên, làm bạn chín muồi; bạn trở thành người lớn.

Hồn nhiên của Phật là hồn nhiên của người đã chín chắn, hoàn toàn chín muồi. Ngây thơ là vô ý thức bản chất; phật tính là ý thức bản chất. Ngây thơ là ngoại vi không mang ý tưởng nào về trung tâm. Phật cũng là một ngoại vi, nhưng bắt rễ tại trung tâm, định tâm. Ngây thơ là vô danh không ý thức; phật tính là vô danh có ý thức.

Cả hai đều không tên tuổi, cả hai đều vô hình dạng... nhưng trẻ con còn chưa biết đến hình dạng và khổ của nó. Điều đó cũng giống như bạn chưa bao giờ ở tù cả, cho nên bạn không biết tự do là gì. Thế thì bạn đã ở trong tù trong nhiều năm trời, hay nhiều kiếp, và thế rồi một hôm bạn được thả ra... bạn đi ra khỏi cánh cửa nhà tù nhảy múa, cực lạc! Và bạn sẽ ngạc nhiên là mọi người đều đã ở ngoài rồi, vẫn bước đi trên phố, tiến hành công việc của mình, tới văn phòng, tới xưởng máy, thế mà không tận hưởng tự do của mình chút nào - họ quên lãng, họ không biết rằng họ đang tự do. Làm sao họ biết được?

Bởi vì họ chưa bao giờ trong tù cả nên họ không biết điều tương phản; nền tảng bị mất. Cứ dường như là bạn viết phấn trắng lên bức tường trắng - không ai sẽ có thể đọc được nó. Chẳng cần phải nói tới người khác - ngay chính bạn sẽ không thể nào đọc được điều bạn viết ra.

Tôi đã từng nghe một chuyện tiếu lâm nổi tiếng vềMulla Nasruddin. Trong làng, anh ta là người duy nhấtcó thể viết được, cho nên mọi người hay đến anh ta nếu họ muốn viết thư hay tài liệu nào đó, hay bất kì thứ gì.

Anh ta là người duy nhất có thể viết được. Một hôm một người tới. Nasruddin đã viết một lá thư, bất kì cái gì mà người kia đọc ra - và đấy là một bức thư dài - rồi người kia nói, “Xin anh đọc lại bức thư vì tôi muốn chắc rằng mọi điều đã được viết ra và tôi không quên điều gì cả, còn anh thì cũng không làm lộn xộn mọi thứ lên.”

Mulla nói, “Này, điều ấy khó đấy. Tôi biết viết nhưng tôi không biết đọc. Và hơn thế nữa, bức thư lại không gửi cho tôi cho nên đọc nó là điều bất hợp pháp nữa.”

Và người làng được thuyết phục, ý tưởng này hoàn toàn đúng, và người làng này nói, “Anh nói phải đấy - nó không gửi cho anh.”

Nếu bạn viết lên tường trắng thì thậm chí bản thân bạn cũng không thể nào đọc được nó, nhưng nếu bạn viết lên bảng đen thì nó thành lồ lộ và rõ ràng - bạn có thể đọc được nó. Tương phản là cần thiết. Đứa trẻ không có tương phản; nó là lớp tráng bạc không có đám mây đen.

Phật là lớp tráng bạc trong đám mây đen. Ban ngày vẫn có sao trên trời đấy; chúng chẳng đi đâu cả - chúng không thể đi nhanh thế, chúng không thể nào biến mất. Chúng đã có đó, cả ngày chúng vẫn đấy, nhưng trong đêm bạn có thể thấy được chúng vì có bóng tối. Chúng bắt đầu xuất hiện; khi mặt trời lặn thì chúng bắt đầu xuất hiện. Mặt trời càng xuống thấp hơn nữa dưới đường chân trời thì sao lại càng nở rộ hơn. Chúng vẫn ở đó cả ngày, nhưng bởi vì bóng tối mất đi nên khó mà thấy được chúng.

Đứa trẻ có hồn nhiên nhưng không có nền tảng. Bạn không thể thấy nó được, bạn không thể đọc được nó; nó không hiện rõ lắm. Vị Phật đã sống cuộc sống của mình, đã làm tất cả những gì cần thiết - cả tốt lẫn xấu - đã chạm tới cực này và cực kia, đã từng là tội nhân và thánh nhân. Nhớ lấy, vị Phật không chỉ là thánh nhân; ông ấy đã từng là tội nhân và ông ấy đã từng là thánh nhân. Còn phật tính vượt ra ngoài cả hai. Bây giờ ông ấy đã về nhà.

Đó là lí do tại sao Phật nói trong lời kinh hôm qua:

Na jhanam, na praptir na-apraptih - ‘Không có đau khổ, không nguồn gốc, không chấm dứt, không con đường. Không cảm nhận, không tri thức, không thành đạt, và không không thành đạt.” Khi Phật trở nên thức tỉnh người ta đã hỏi ông ấy, “Thầy đã đạt tới cái gì?” Và ông ấy cười to, và ông ấy nói, “Ta chẳng đạt tới cái gì cả - ta chỉ phát hiện ra cái vẫn đã có đấy. Ta chỉ đơn giản đi về nhà. Ta đã tuyên bố rằng cái đó bao giờ cũng là của ta và cùng với ta. Cho nên không có thành đạt nào hết cả, ta chỉ đơn giản nhận ra nó.' Đấy không phải là khám phá, đấy là phát hiện lại. Và khi bạn trở thành vị Phật thì bạn sẽ thấy ra vấn đề - chẳng thu được cái gì hết cả qua việc thành Phật. Bỗng nhiên bạn thấy rằng đây là bản tính của bạn. Nhưng để nhận ra bản tính này thì bạn phải đi lạc lối, bạn phải đi sâu vào trong hỗn loạn của thế giới. Bạn phải đi vào trong tất cả các nơi chốn và không gian lầy bùn để thấy cái trong sạch tột cùng của bạn, thuần khiết tột cùng của bạn.

Hôm nọ tôi đã nói với các bạn về bẩy cánh cửa - về cách thức bản ngã được hình thành, về cách thức ảo tưởng bản ngả được làm mạnh thêm. Sẽ có ích để đi sâu thêm vào vài điều về nó.

Bẩy cánh cửa của bản ngã không phải được rõ ràng lắm và không tách bạch hẳn lẫn nhau; chúng chờm lên nhau. Và rất hiếm khi tìm được một người đã đạt tới bản ngã mình từ tất cả bẩy cánh cửa này. Nếu một người đã đạt tới bản ngã từ tất cả bẩy cánh cửa này, người ấy trở thành một bản ngã hoàn hảo. Và chỉ bản ngã hoàn hảo mới có khả năng tan biến đi, không phải là bản ngã bất toàn. Khi quả chín, nó rụng xuống; khi quả chưa chín nó vẫn còn đeo bám. Nếu bạn vẫn còn bám lấy bản ngã, nhớ lấy, quả còn chưa chín đâu; do đó mới có níu bám. Nếu quả chín, nó rụng xuống đất và biến mất. Đấy cũng là trường hợp với bản ngã.

Bây giờ đây là nghịch lí: rằng chỉ bản ngã đã tiến hoá thực sự mới có thể buông xuôi. Thông thường bạn nghĩ rằng người bản ngã không thể buông xuôi được. Đấy không phải là quan sát của tôi, và không phải là quan sát của chư Phật trong nhiều thời đại. Chỉ người bản ngã hoàn hảo thì mới có thể buông xuôi. Bởi vì chỉ người đó mới biết đến khổ của bản ngã, chỉ người ấy mới có sức mạnh để buông xuôi. Người ấy đã biết tất cả các khả năng của bản ngã và đã đi vào trong thất vọng mênh mông. Người đó đã đau khổ nhiều lắm, người đó đã biết thế là đủ rồi, và người đó muốn có bất kì cái cớ nào để buông xuôi theo nó. Cái cớ có thể là Thượng đế, cái cớ có thể là một thầy, hay bất kì cớ gì, nhưng người đó muốn buông xuôi theo nó. Gánh nặng đã quá lớn và người đó đã phải mang đi quá lâu.

Những người còn chưa phát triển bản ngã của mình cũng có thể buông xuôi, nhưng buông xuôi của họ sẽ không hoàn hảo, nó sẽ không toàn bộ. Cái gì đó sâu bên trong sẽ vẫn cứ níu bám, cái gì đó sâu bên trong sẽ vẫn cứ hi vọng: “Có thể có cái gì đó trong bản thân nó. Tại sao mình buông xuôi?”

Tại phương Đông, bản ngã vẫn còn chưa phát triển lắm. Bởi vì giáo huấn về vô ngã nên việc hiểu sai đã nảy sinh rằng nếu bản ngã cần phải bị buông xuôi, tại sao phải phát triển nó, để làm gì? Một logic đơn giản: nếu một ngày nào nó phải bị từ bỏ, thì bận tâm tới nó làm gì? Thế thì sao phải mất nhiều công sức thế để tạo ra nó?

Đằng nào nó cũng phải bị loại bỏ cơ mà! Cho nên phương Đông không bận tâm nhiều lắm vào việc phát triển bản ngã. Và tâm trí phương Đông thấy rất dễ dàng cúi đầu xuống trước bất kì ai. Nó thấy điều đó rất dễ dàng, nó bao giờ cũng sẵn sàng buông xuôi. Nhưng buông xuôi này về cơ bản là không thể được, bởi vì bạn còn chưa có bản ngã để buông xuôi nó.

Bạn sẽ ngạc nhiên: tất cả chư Phật vĩ đại ở phương Đông đều đã là kshatriya, từ đẳng cấp chiến binh - Phật, Mahavira, Parshwanath, Neminath. Tất cả hai mươi bốn tirthankara của đạo Jaina đều thuộc về đẳng cấp chiến binh, và tất cả avatara của đạo Hindu đều thuộc về đẳng cấp kshatriya - Ram, Krishna - ngoại trừ một người, Parashuram, người này, dường như ngẫu nhiên, được sinh ra trong một gia đình brahmin, bởi vì bạn không thể nào tìm ra một chiến binh lớn hơn ông ấy. Phải có ngẫu nhiên nào đó - toàn bộ cuộc đời ông là một cuộc chiến tranh liên tục.

Điều cũng đáng ngạc nhiên khi bạn nhận ra rằng không một brahmin nào đã từng được công bố là vị Phật, một avatara, một tirthankara. Tại sao? Người brahmin khiêm tốn; ngay từ ban đầu người đó đã được nuôi nấng trong khiêm tốn, vì tính khiêm tốn. Vô ngã đã được dạy cho người ấy ngay từ ban đầu, cho nên bản ngã không chín muồi, và bản ngã chưa chín thì cứ bám mãi.

Tại phương Đông người ta có bản ngã rất, rất manh mún, và họ nghĩ thế thì dễ buông xuôi. Họ bao giờ cũng sẵn sàng buông xuôi với bất kì ai. Đánh rơi chiếc mũ và đã sẵn sàng buông xuôi - nhưng buông xuôi của họ chẳng bao giờ đi rất sâu, nó vẫn còn hời hợt.

Điều đối lập lại là trường hợp của phương Tây: người tới từ phương Tây có bản ngã rất, rất mạnh và đã phát triển. Bởi vì toàn bộ nền giáo dục phương Tây đều nhằm tạo ra bản ngã tiến hoá, rất xác định, rất văn hoá, phức tạp, cho nên họ nghĩ rất khó để buông xuôi. Họ thậm chí chưa từng nghe thấy từ buông xuôi. Chính ý tưởng này xem ra có vẻ xấu xí, đáng mất mặt. Nhưng nghịch lí lại là ở chỗ khi người đàn ông hay đàn bà phương Tây buông xuôi, thì việc buông xuôi đi thực sự sâu sắc. Nó đi tới chính cốt lõi của bản thể người đó, bởi vì bản ngã này rất tiến hoá. Bản ngã đã tiến hoá; đó là lí do tại sao bạn nghĩ rất khó để buông xuôi. Nhưng nếu việc buông xuôi xảy ra thì nó đi tới chính cốt lõi, nó là tuyệt đối. Tại phương Đông mọi người nghĩ việc buông xuôi rất dễ dàng, nhưng bản ngã lại chưa được tiến hoá mấy cho nên nó chẳng bao giờ đi rất sâu.

Vị Phật là người đã đi vào trong kinh nghiệm của cuộc sống, ngọn lửa cuộc sống, địa ngục cuộc sống, và đã làm chín muồi bản ngã của mình tới khả năng tối thượng, tới chính cái tối đa. Và trong khoảnh khắc đó bản ngã rơi xuống và biến mất. Lần nữa bạn lại là đứa trẻ; đấy là tái sinh, đấy là phục sinh. Trước hết bạn phải bị treo lên chiếc thập tự bản ngã, bạn phải đau khổ trên cây thập tự bản ngã, và bạn phải mang cây thập tự này trên vai mình - và tới tận cùng. Bản ngã phải được học; chỉ thế thì bạn mới có thể gạt bỏ nó. Và thế thì có vui vẻ lớn. Khi bạn được tự do khỏi nhà tù, bạn có điệu vũ, có lễ hội trong bản thể mình. Bạn không thể nào tin được tại sao những người ra khỏi tù lại đờ đẫn, như chết và kéo lê mình đến thế. Tại sao họ lại không nhảy múa? Tại sao họ lại không lễ hội? Họ không thể làm thế: họ còn chưa biết tới nỗi khổ của tù đầy.

Bẩy cánh cửa này cần phải được dùng trước khi bạn có thể trở thành vị Phật. Bạn phải đi vào cõi giới tăm tối nhất của cuộc sống, vào đêm tối của linh hồn, vào lại bình minh khi buổi sáng mới lên, khi mặt trời mới lên, và tất cả đều sáng. Nhưng hiếm khi xảy ra việc bạn có bản ngã đã phát triển đầy đủ.

Nếu bạn hiểu tôi, thế thì toàn bộ cấu trúc của giáo dục sẽ là nghịch lí: trước hết họ nên dạy cho bạn về bản ngã - đó nên là phần thứ nhất của giáo dục, một nửa của nó; thế rồi họ nên dạy cho bạn về vô ngã, cách loại bỏ nó - đó sẽ là nửa sau. Mọi người đi vào từ một cửa hay hai cửa hay ba cửa, và bị mắc vào trong bản ngã phân đoạn nào đó.

Điều thứ nhất, tôi nói, là bản thân thân thể. Trẻ con bắt đầu học dần dần: phải mất gần mười lăm tháng để cho đứa trẻ học rằng nó là tách biệt, rằng có cái gì đó bên trong nó và cái gì đó bên ngoài. Nó học rằng nó có một thân thể tách biệt với các thân thể khác. Nhưng vài người vẫn còn níu bám lấy bản ngã rất, rất manh mún đó trong suốt cả đời mình. Đấy là những người được biết tới như người duy vật, người cộng sản, Mác xít. Những người tin rằng thân thể là tất cả - rằng chẳng có gì nhiều hơn thân thể bên trong bạn, rằng thân thể là toàn bộ sự tồn tại của bạn, rằng không có tâm thức tách biệt khỏi thân thể, ở trên thân thể, rằng tâm thức chỉ là hiện tượng hoá học trong thân thể, rằng bạn không tách rời khỏi thân thể và khi thân thể chết đi thì bạn cũng chết đi, và tất cả biến mất... cát bụi trở về với cát bụi... không có điều thiêng liêng nào trong bạn - họ qui con người về vật chất.

Đấy là những người vẫn còn níu bám vào cánh cửa thứ nhất; lứa tuổi tâm trí của họ dường như mới chỉ mười lăm tháng. Bản ngã nguyên thuỷ và rất, rất sơ cấp này vẫn còn là duy vật. Những người này vẫn còn quanh quẩn với hai điều: dục và thức ăn. Nhưng nhớ lấy, khi tôi nói người duy vật, người cộng sản, người mác xít, tôi không ngụ ý rằng điều này đã hoàn chỉnh danh sách. Một ai đó có thể là người duy tâm và có thể vẫn níu bám lấy cánh cửa thứ nhất...

Chẳng hạn, Mahatma Gandhi: nếu bạn đọc tiểu sử ông ấy, ông ấy gọi tiểu sử mình là Kinh nghiệm của tôi với chân lí. Nhưng nếu bạn đọc tiểu sử của ông ấy thì bạn sẽ thấy cái tên này không đúng; ông ấy nên đặt tên cho nó là Kinh nghiệm của tôi với thức ăn và dục. Chẳng tìm thấy chân lí ở đâu cả. Ông ấy cứ liên tục lo nghĩ về thức ăn: cái gì nên ăn, cái gì không nên ăn. Toàn bộ lo nghĩ của ông ấy dường như là chỉ là về thức ăn, và rồi về dục: làm sao trở thành vô dục - điều này diễn ra như một chủ đề, đây là dòng chảy ngầm. Liên tục, ngày và đêm, ông ấy nghĩ về thức ăn và dục - người ta phải được tự do.

Bây giờ ông ấy không phải là người duy vật - ông ấy tin vào linh hồn, ông ấy tin vào Thượng đế. Trong thực tế, bởi vì ông ấy tin vào Thượng đế nên ông ấy đang nghĩ quá nhiều về thức ăn - bởi vì nếu ông ấy ăn cái gì đó sai và phạm tội, thế thì ông ấy sẽ bị xa với Thượng đế. Ông ấy nói về Thượng đế nhưng nghĩ về thức ăn.

Và điều đó không chỉ như thế với ông ấy đâu, nó cũng là như thế với tất cả các tu sĩ Jaina nữa. Ông ấy chịu nhiều ảnh hưởng từ các tu sĩ Jaina. Ông ấy được sinh ra ở Gujarat. Gujarat về cơ bản là của đạo Jaina, Jaina giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở Gujarat. Ngay cả những người Hindu ở Gujarat cũng giống người Jaina hơn là người Hindu. Gandhi mang đến chín mươi phần trăm tính cách của người Jaina - được sinh ra trong một gia đình Hindu, nhưng tâm trí ông ấy được các tu sĩ Jaina giáo dưỡng. Họ liên tục nghĩ về thức ăn.

Và thế rồi ý tưởng thứ hai nảy sinh, về dục - làm sao loại bỏ được dục. Trong cả đời ông ấy, cho tới tận cùng, ông ấy vẫn còn bận tâm về điều đó - làm sao loại bỏ dục. Trong những năm cuối cuộc đời, ông ấy đã thực nghiệm với còn gái ở truồng và ngủ với họ, chỉ để kiểm tra mình, bởi vì ông ấy cảm thấy rằng cái chết đang tới gần, và ông ấy phải kiểm tra bản thân mình để xem liệu có còn chút nào thèm khát trong mình không.

Đất nước bùng cháy, mọi người bị giết: người Mô ha mét giáo giết người Hindu, người Hindu giết người Mô ha mét giáo - toàn bộ đất nước trong lửa cháy. Còn ông ấy thì ở giữa điều đó, ở Novakali - nhưng mối bận tâm của ông ấy là về dục. Ông ấy ngủ với con gái, con gái ở truồng; ông ấy đang kiểm tra bản thân mình, kiểm tra xem liệu brahmacharya, cái vô dục của ông ấy, đã hoàn hảo hay chưa.

Nhưng tại sao phải có hoài nghi này? - bởi vì kìm nén đã lâu. Trong toàn bộ cuộc sống ông ấy đã kìm nén. Bây giờ, đến chính lúc cuối, ông ấy trở nên sợ - bởi vì vào độ tuổi đó ông ấy vẫn còn mơ về dục. Cho nên ông ấy rất hoài nghi: liệu ông ấy có thể đối diện với Thượng đế của mình được không? Bây giờ ông ấy là người duy tâm, nhưng tôi sẽ gọi ông ấy là người duy vật, và một người duy vật rất nguyên thuỷ. Mối quan tâm của ông ấy là thức ăn và dục.

Dù bạn ủng hộ hay chống đối điều đó cũng chẳng thành vấn đề - mối quan tâm của bạn chỉ ra chỗ bản ngã bạn đang bị mắc vào. Và tôi sẽ bao hàm cả người duy tâm vào trong đó nữa: mối quan tâm cả đời của người đó là làm sao thu được tiền bạc, tích trữ tiền bạc - bởi vì tiền bạc có quyền lực trên vật chất. Bạn có thể mua bất kì thứ vật chất nào bằng tiền. Bạn không thể mua được bất kì thứ tâm linh nào, bạn không thể nào mua bất kì thứ gì mà có giá trị thực sự; bạn chỉ có thể mua các đồ vật. Nếu bạn muốn mua tình yêu; bạn không thể mua được; nhưng bạn có thể mua được dục. Dục là phần vật chất của tình yêu. Qua tiền bạc, bạn có thể mua được, sở hữu được vật chất.

Bây giờ bạn sẽ ngạc nhiên: tôi lại bao gồm cả hai loại người cộng sản và người tư sản vào cùng một phân loại, và họ là kẻ thù, giống như tôi bao gồm Charvaka và Mahatma Gandhi vào cùng phạm trù, và họ là kẻ thù. Họ là kẻ thù, nhưng mối quan tâm của họ là như nhau.

Người tư sản cố gắng tích trữ tiền bạc, người cộng sản chống lại điều đó. Người ấy muốn rằng không ai được phép tích trữ tiền bạc ngoại trừ nhà nước. Nhưng mối quan tâm của người ấy cũng là về tiền bạc, người ấy cũng vẫn cứ liên tục nghĩ về tiền bạc. Không phải ngẫu nhiên mà Marx đã đặt tên Das Kapital cho cuốn sách vĩ đại về chủ nghĩa cộng sản, ‘Tư bản luận’. Đó là Kinh thánh của người cộng sản, nhưng cái tên lại là ‘Tư bản luận’. Đó là mối quan tâm của họ: làm sao không cho phép bất kì ai được tích trữ tiền bạc để cho nhà nước có thể tích trữ, và làm sao để sở hữu nhà nước - cho nên, trong thực tế, về cơ bản, tối thượng, bạn vẫn cứ tích trữ tiền bạc.

Có lần tôi đã nghe nói rằng Mulla Nasruddin đã trở thành người cộng sản. Tôi biết anh ta... Tôi có đôi chút khó xử. Đây quả là phép mầu! Tôi biết tính sở hữu của anh ta. Cho nên tôi hỏi anh ta, “Mulla, anh có biết chủ nghĩa cộng sản nghĩa là gì không?”

Anh ta nói, “Tôi có biết.”

Tôi nói, “Anh có biết rằng nếu anh có hai chiếc xe ô tô và ai đó không có xe, thì anh sẽ cho người ấy một cái chứ?”

Anh ta nói, “Tôi hoàn hoàn sẵn lòng nhường chiếc xe cho.”

Tôi nói, “Nếu anh có hai ngôi nhà và ai đó thì không có nhà, anh sẽ cho một ngôi nhà chứ?”

Anh ta nói, “Tôi hoàn toàn sẵn sàng, ngay bây giờ.”

Và tôi nói, “Nếu anh có hai con lừa anh sẽ cho đi một con cho ai đó khác mà không có lừa chứ?”

Anh ta nói, “Điều ấy tôi không đồng ý. Tôi không thể cho được, tôi không thể làm được điều đó!”

Nhưng tôi nói, “Sao vậy? - vì đấy là cùng logic, cùng hệ quả.”

Anh ta nói, “Không nó không cùng đâu - tôi có hai con lừa, tôi không có hai chiếc xe.”

Tâm trí người cộng sản về cơ bản cũng là tâm trí nhà tư bản, tâm trí nhà tư bản về cơ bản cũng là tâm trí người cộng sản. Họ là đối tác trong cùng trò chơi - tên của trò chơi là ‘tư bản luận’, Das Kapital. Nhiều người, hàng triệu người, chỉ mới tiến hoá bản ngã nguyên thuỷ này, rất sơ cấp. Nếu bạn có bản ngã này thì rất khó buông xuôi; nó còn rất chưa chín muồi.

Cánh cửa thứ hai tôi gọi là tự đồng nhất. Trẻ con bắt đầu làm lớn lên cái ý tưởng về nó là ai. Khi nhìn vào trong gương, nó thấy cùng khuôn mặt. Mọi sáng, tỉnh dậy từ giường, nó chạy vào buồng tắm, nhìn gương, và nó nói, “Đây là tôi. Giấc ngủ không làm quấy rối điều gì cả.” Nó bắt đầu có ý tưởng về cái ta liên tục.

Nhưng người ta trở nên quá dính dáng đến cánh cửa này, bị móc vào cánh cửa này, chính là những cái gọi là người duy tâm, người nghĩ rằng họ sắp lên cõi trời, moksha, nhưng nghĩ rằng họ sẽ ở đó. Khi bạn nghĩ về cõi trời, bạn chắc chắn nghĩ về bản thân mình rằng bạn ở đó, bạn sẽ ở đó nữa. Có thể thân thể không có đó, nhưng sự tiếp tục bên trong của bạn sẽ vẫn còn. Điều đó là ngớ ngẩn! Giải thoát đó, giải thoát tối hậu đó chỉ xảy ra khi cái ta đã tan biến và tất cả mọi đồng nhất đã tan biến.

Bạn trở thành trống rỗng...

Do đó, này Sariputra, trong cái không thì không có hình dạng, hay: hình dạng là trống rỗng và trống rỗng là hình dạng.

Không có tri thức bởi vì không có người biết; thậm chí không có vigyan, không ý thức, bởi vì không có gì để mà ý thức tới và không có ai để mà ý thức về nó. Tất cả biến mất.

Ý tưởng rằng trẻ con có cái ta liên tục được những người duy tâm đeo đuổi. Họ cứ đi tìm mãi: từ đâu mà linh hồn đi vào trong thân thể, từ đâu mà linh hồn đi ra khỏi thân thể, linh hồn mang hình dạng gì, mảnh kim loại và môi giới, những thứ đại loại như vậy - tất cả đều là rác rưởi và vô nghĩa. Cái ta không có hình dạng. Nó là cái không thuần khiết, nó là bầu trời bao la không mây trong đó. Nó là im lặng vô ý nghĩ, không bị hàm chứa, không bị chứa bởi bất kì vật gì.

Ý tưởng đó về linh hồn trường cửu, ý tưởng về cái ta, vẫn liên tục chơi trò chơi trong tâm trí. Ngay cả nếu thân thể chết, bạn vẫn muốn chắc chắn rằng, “Tôi vẫn còn.” Nhiều người hay tới Phật... bởi vì đất nước này đã từng bị chi phối bởi cái loại bản ngã thứ hai này: mọi người tin vào linh hồn trường cửu, linh hồn vĩnh viễn, atman - họ cứ tới với Phật mãi và nói, “Khi tôi chết, liệu cái gì đó sẽ còn lại hay không?” Còn Phật sẽ cười to và ông ấy sẽ nói, “Ngay bây giờ đã chẳng có gì, cho nên tại sao phải lo về cái chết? Chưa bao giờ có cái gì từ chính lúc ban đầu.” Và điều này không thể nào quan niệm nổi cho tâm trí Ấn Độ. Tâm trí Ấn Độ hầu hết bị mắc vào với kiểu bản ngã thứ hai. Đó là lí do tại sao Phật giáo không thể nào tồn tại ở Ấn Độ được. Trong năm trăm năm, Phật giáo đã biến mất. Nó bắt rễ tốt hơn ở Trung quốc, bởi vì Lão Tử. Lão Tử đã thực sự tạo ra cánh đồng mầu mỡ cho Phật giáo ở đó. Khí hậu đã sẵn sàng - dường như ai đó đã chuẩn bị mảnh đất; chỉ cần hạt mầm. Và khi hạt mầm đạt tới Trung quốc, nó trưởng thành cây to. Nhưng từ Ấn Độ nó đã biến mất. Lão Tử không có ý tưởng nào về cái ta trường cửu cả, còn tại Trung quốc mọi người cũng chẳng bận tâm nhiều lắm.

Có ba nền văn hoá trên thế giới: một nền văn hoá, được gọi là duy vật - rất thịnh hành ở phương Tây; nền văn hoá khác, được gọi là duy tâm - rất thịnh hành ở Ấn Độ; còn Trung quốc thì có loại văn hoá thứ ba, không duy vật mà cũng chẳng duy tâm. Đó là Đạo giáo: sống theo khoảnh khắc và không bận tâm tới tương lai, bởi vì bận tâm tới cõi trời và địa ngục, tiên cảnh và moksha thì về cơ bản vẫn cứ là tiếp tục bận tâm về chính mình. Nó rất ích kỉ, nó rất định tâm vào cái ta. Theo Lão Tử, theo Phật nữa, và cũng theo tôi nữa, người cố gắng đạt tới thiên đường là người rất, rất định tâm vào cái ta, rất ích kỉ. Và người ấy không biết một điều về bản thể bên trong riêng của mình - không có cái ta.

Cánh cửa thứ ba là lòng tự trọng: trẻ con học làm mọi thứ và tận hưởng việc làm đó. Một vài người bị mắc vào đây - họ trở thành các nhà kĩ thuật, họ trở thành các diễn viên, nghệ sĩ, họ trở thành chính khách, họ trở thành các ông bầu. Chủ đề cơ bản là người làm; họ muốn chứng tỏ cho thế giới rằng họ có thể làm điều gì đó. Nếu thế giới cho phép họ sáng tạo nào đó, thì tốt. Nếu nó không cho phép họ sáng tạo, họ trở thành phá hoại.

Bạn có biết rằng Adolf Hitler đã muốn vào trường nghệ thuật không? Ông ta muốn trở thành hoạ sĩ, đó là ý tưởng của ông ta. Bởi vì ông ta bị từ chối, bởi vì ông ta không phải là hoạ sĩ, bởi vì ông ta không thể nào qua được kì thi vào trường nghệ thuật - việc loại bỏ đó rất khó cho ông ta chấp thuận - tính sáng tạo của ông ta biến thành xấu. Ông ta trở thành huỷ diệt. Nhưng về cơ bản ông ta muốn trở thành hoạ sĩ, ông ta muốn làm điều gì đó. Bởi vì ông ta bị coi là không có khả năng làm việc đó, nên trả thù lại, ông ta bắt đầu thành huỷ diệt.

Kẻ tội phạm và chính khách không phải là rất xa nhau đâu, họ là anh em họ. Nếu kẻ tội phạm được trao cho cơ hội đúng, người đó sẽ trở thành chính khách, và nếu chính khách không gặp được cơ hội đúng để có tiếng nói, thì người đó sẽ thành kẻ tội phạm. Chúng là các trường hợp gần giống nhau. Vào bất kì khoảnh khắc nào, chính khách cũng có thể trở thành tội phạm và tội phạm có thể trở thành chính khách. Và điều này đã xảy ra trong suốt nhiều thời đại, nhưng chúng ta còn chưa có sáng suốt để nhìn vào trong mọi việc.

Cánh cửa thứ tư là tự mở rộng. Từ ‘của tôi’ là mấu chốt ở đó. Người ta phải mở rộng bản thân mình bằng việc tích luỹ tiền bạc, bằng việc tích luỹ quyền lực, bằng việc cứ ngày một trở thành lớn nữa, lớn nữa và lớn nữa: người yêu nước nói, “Đây là đất nước tôi, và đây là đất nước lớn nhất trên thế giới.” Bạn có thể hỏi người yêu nước Ấn Độ: người đó cứ tung hô khắp mọi xó xỉnh rằng đây là punya bhumi - đây là mảnh đất của đức hạnh, mảnh đất thuần khiết nhất trên thế giới.

Có lần cái gọi là thánh nhân tới tôi, một tu sĩ Hindu, và ông ấy nói, “Ông không tin rằng đây là đất nước duy nhất có biết bao nhiêu vị Phật đã được sinh ra, biết bao nhiêu avatara, bao nhiêu tirthankara - Rama, Krishna và những người khác sao. Tại sao? - bởi vì đây là mảnh đất đức hạnh nhất.”

Tôi bảo ông ấy, “Sự kiện là ngược lại: nếu trong nhà hàng xóm ông thấy rằng bác sĩ cứ đến hàng ngày - lúc thì là một vaidya, bác sĩ trị liệu, lúc thì hakim, nhà châm cứu, rồi người dùng thiên nhiên liệu pháp, rồi thế này thế khác - thì ông hiểu điều này là gì?”

Ông ấy nói, “Thật đơn giản! Nhà đấy ốm yếu.”

Đấy là trường hợp cho Ấn Độ: cần tới biết bao nhiêu là vị Phật - đất nước này dường như hoàn toàn ốm yếu và bệnh hoạn. Biết bao nhiều thầy chữa, biết bao nhiêu bác sĩ. Phật đã nói, “Bất kì khi nào có đen tối trên thế giới, bất kì khi nào có tội lỗi trên thế giới, và bất kì khi nào luật vũ trụ bị phá rối, ta sẽ quay trở lại.” Cho nên tại sao ông ấy đã tới vào lúc đó? Nó phải có cùng một lí do. Và tại sao lại bao nhiêu lần ở Ấn Độ?

Nhưng nhà yêu nước cao ngạo, hung hăng, bản ngã. Ông ta cứ tuyên bố, “Đất nước tôi là đặc biệt, tôn giáo tôi là đặc biệt, nhà thờ tôi là đặc biệt, sách của tôi là đặc biệt, thầy tôi là đặc biệt” - và mọi thứ đều là không. Đây chỉ là lời rêu rao của bản ngã. Vài người bị mắc vào với cái ‘của tôi’ này - người giáo điều, nhà yêu nước, người Hindu, người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo.

Cánh cửa thứ năm là tự hình dung. Trẻ con bắt đầu nhìn vào mọi thứ, kinh nghiệm. Khi bố mẹ cảm thấy thoải mái với đứa trẻ, nó nghĩ, “Mình tốt đây.” Khi họ khen ngợi nó, nó cảm thấy, “Mình tốt đây.” Khi họ nhìn nó giận dữ, họ quát tháo nó và họ nói, “Cấm làm thế!” nó cảm thấy, “Cái gì sai trong mình rồi.” Nó chùn lại. Một cháu nhỏ ngày đầu tiên tới trường được thầy hỏi “Tên con là gì?”

Nó nói, “Johnny Đừng.”

Thầy giáo phân vân. Thầy nói, “Johnny Đừng à? Chưa bao giờ nghe thấy cái tên đó!”

Nó nói, “Bất ki khi nào, bất kì cái gì con làm, đây đều là tên con - mẹ con hét lên, ‘Johnny đừng!’ Bố con quát lên, ‘Johnny đừng!’ Cho nên con nghĩ đây là tên con. ‘Đừng’ bao giờ cũng có đó. Điều con làm chẳng liên quan.”

Cửa thứ năm là cánh cửa từ đó đạo đức đi vào: bạn trở thành nhà đạo đức; bạn bắt đầu cảm thấy rất tốt, ‘thánh thiện hơn ngươi.’ Hay, trong thất vọng, trong kháng cự, trong vật lộn, bạn trở thành người vô đạo đức và bạn bắt đầu tranh đấu với toàn bộ thế giới, để chứng minh cho toàn thế giới.

Fritz Perls, người sáng lập phái Trị liệu Động thái, đã viết về một trong những kinh nghiệm của mình mà đã chứng tỏ điều rất nền tảng cho nỗ lực cả đời của ông ấy. Ông ấy là nhà thực hành phân tâm ở châu Phi. Việc thực hành rất có kết quả bởi vì ông ấy là nhà phân tâm duy nhất ở đó. Ông ấy có một chiếc xe to, một nhà gỗ một tầng to cùng với vườn, một bể bơi - và mọi thứ mà một tâm trí tầm thường muốn có, những đồ xa xỉ phẩm hạng trung. Và thế rồi ông ấy tới Vienna để tham dự hội nghị các nhà phân tâm thế giới. Tất nhiên, ông ấy là người thành công ở châu Phi, cho nên ông ấy đã nghĩ rằng Freud sẽ đón ông ấy, sẽ có đón chào lớn. Và Freud là cha già cho các nhà phân tâm, cho nên ông ấy muốn được Freud khen ngợi. Ông ấy đã viết một bài báo và đã làm việc nhiều tháng về nó, bởi vì ông ấy muốn Freud biết ông ấy là ai. Ông ấy đọc bài báo; không có đáp ứng.

Freud rất lạnh nhạt, các nhà phân tâm khác cũng rất lạnh nhạt. Bài báo của ông ấy gần như chẳng được chú ý tới, không được bình luận tới. Ông ấy cảm thấy rất choáng váng, chán nản, nhưng ông ấy vẫn hi vọng rằng ông ấy sẽ tới gặp Freud, và thế rồi điều gì đó có thể xảy ra. Và ông ấy tới gặp Freud. Ông ấy mới tới bậc thềm, vẫn còn chưa đi qua cửa, còn Freud đứng đó. Và ông ấy nói với Freud, chỉ để gây ấn tượng lên ông ta, “Tôi đã tới đây từ hàng nghìn dặm đường.” Và thay vì đón chào ông ấy, Freud lại nói, “Thế khi nào ông về?” Điều này làm tổn thương ông ấy lắm: “Thế này mà là đón chào à? - ‘Thế khi nào ông về?’” Và đó là toàn bộ cuộc phỏng vấn - kết thúc! Ông ấy quay đi, lẩm bẩm liên tục, giống như một câu mật chú trong đầu: “Ta sẽ cho ông biết tay, ta sẽ cho ông biết tay, ta sẽ cho ông biết tay!” Và ông ấy đã cố gắng chứng tỏ cho Freud: ông ấy tạo ra một phong trào lớn chống lại phân tâm học - động thái.

Đây là phản ứng trẻ con. Hoặc là trẻ con được chấp nhận - thế thì nó cảm thấy thoải mái, thế thì nó sẵn sàng làm bất kì cái gì mà bố mẹ muốn; hoặc là nếu nó cứ bị thất vọng mãi, thế thì nó bắt đầu nghĩ dưới dạng, “Không còn khả năng nào cho mình nhận được tình yêu của họ, nhưng mình vẫn cần sự chú ý của họ. Nếu mình không thể nào nhận được sự chú ý qua cách đúng, thì mình sẽ làm cho họ phải chú ý qua cách sai. Bây giờ mình sẽ hút thuốc, mình sẽ thủ dâm, mình sẽ làm hại mình và người khác, và mình sẽ làm đủ mọi thứ mà họ nói ‘Đừng làm,’ nhưng mình sẽ làm cho họ phải bận tâm về mình. Mình sẽ cho họ biết tay.”

Đây là cánh cửa thứ năm, tự hình dung. Tội nhân và thánh nhân đều bị mắc tại đây. Cõi trời và địa ngục đều là những ý tưởng của những người bị mắc tại đây. Hàng triệu người bị mắc lại. Họ liên tục sợ địa ngục và liên tục tham lam về cõi trời. Họ muốn được Thượng đế khen ngợi, và họ muốn Thượng đế nói với họ, “Con tốt đấy, con ta. Ta sung sướng vì con.” Họ cứ hi sinh các kiếp sống chỉ để được khen ngợi bởi hoang tưởng nào đó ở đâu đó bên ngoài sự sống và cái chết. Họ cứ làm cả nghìn lẻ một kiểu hành hạ chính mình chỉ để cho Thượng đế có thể nói, “Được, con đã hi sinh bản thân mình cho ta.”

Cứ dường như là Thượng đế là kẻ tự bạo và bạo ác, hay cái gì đó giống thế. Người ta tự hành hạ mình với ý tưởng rằng họ sẽ làm cho Thượng đế sung sướng. Bạn ngụ ý gì bởi điều này? Bạn nhịn ăn và bạn nghĩ Thượng đế sẽ sung sướng với bạn sao? Bạn bỏ đói mình và bạn nghĩ Thượng đế sẽ rất sung sướng với bạn sao? Ngài có bạo ác không? Ngài có thích hành hạ người khác không?

Và đó là thánh gì, cái gọi là thánh, đã từng làm: tự hành hạ mình và nhìn lên trời. Chẳng chóng thì chầy Thượng đế sẽ nói, “Được đấy, con làm tốt lắm. Bây giờ lại đây và tận hưởng lạc thú cõi trời. Lại đây! Rượu tuôn thành suối ở đây, đường làm bằng vàng, và lâu đài làm bằng kim cương. Và phụ nữ ở đây chẳng bao giờ già, họ cứ còn mười sáu tuổi mãi. Lại đây! Con làm thế đủ rồi, con đã được thưởng, bây giờ con có thể tận hưởng!” Toàn bộ ý tưởng nằm sau hi sinh là thế này. Đây là ý tưởng ngu xuẩn, bởi vì tất cả ý tưởng bản ngã đều là ngu xuẩn.

Cánh cửa thứ sáu là cái ta như lí trí. Nó tới qua giáo dục, kinh nghiệm, đọc, học, nghe: bạn bắt đầu tích luỹ ý tưởng, thế rồi bạn bắt đầu tạo ra hệ thống từ các ý tưởng, các tổng thể nhất quán, các triết lí. Đây là nơi các triết gia, các khoa học gia, các tư tưởng gia, các trí thức gia, những người theo chủ nghĩa duy lí đều bị mắc vào. Nhưng điều này trở thành ngày một phức tạp hơn: so với cánh cửa thứ nhất, cánh cửa thứ sáu là rất tinh vi.

Cánh cửa thứ bẩy là cố gắng thích đáng: nghệ sĩ, nhà huyền môn, người không tưởng, kẻ mộng mơ - họ bị mắc ở đó. Họ bao giờ cũng cố gắng tạo ra một nơi không tưởng trên thế giới này. Từ nơi không tưởng là rất hay: nó có nghĩa là cái chưa bao giờ tới. Nó bao giờ cũng đang tới nhưng chẳng bao giờ tới thật; nó bao giờ cũng có đó nhưng chưa bao giờ ở đây cả. Nhưng có những kẻ ngắm trăng cứ nhìn ra xa xôi, xa xa, và họ bao giờ cũng di chuyển trong tưởng tượng. Các nhà thơ lớn, những người hư cấu - toàn bộ bản ngã họ đều bị thu hút vào trong việc trở thành. Ai đó muốn trở thành Thượng đế; người ấy là nhà huyền học.

Nhớ lấy, ‘trở thành’ là từ mấu chốt cho cánh cửa thứ bẩy, và cánh cửa thứ bẩy là cánh cửa cuối cùng của bản ngã. Bản ngã chín muồi nhất thì tới đây. Đó là lí do tại sao bạn sẽ cảm thấy, bạn sẽ thấy một nhà thơ - người ấy có thể chẳng có gì, người ấy có thể là kẻ ăn xin, nhưng trong đôi mắt người ấy, trên mũi người ấy, bạn sẽ thấy bản ngã lớn. Nhà huyền môn có thể đã từ bỏ toàn bộ thế giới và có thể ngồi trong hang động Himalaya, trong cốc núi Himalaya. Bạn tới đó và nhìn vào ông ấy: ông ấy có thể ngồi đó mình trần - nhưng đấy là bản ngã tinh vi thế, bản ngã tinh tế thế. Ông ấy có thể chạm chân bạn, nhưng ông ấy đang hô lên, “Trông đây tôi khiêm tốn làm sao!”

Có bẩy cánh cửa. Khi bản ngã hoàn hảo, tất cả bẩy cánh cửa này đã được đi qua; thế thì bản ngã chín muồi đó có thể bị loại bỏ theo ý riêng của nó. Đứa trẻ đứng trước bẩy bản ngã này, còn Phật đứng sau bẩy bản ngã này. Đó là vòng tròn đầy đủ.

Bạn hỏi tôi: “Đâu là khác biệt giữa trống rỗng của đứa trẻ trước việc hình thành bản ngã và ngây thơ đãthức tỉnh của vị Phật?”

Đây là khác biệt: Phật đã đi vào trong tất cả bẩy bản ngã này - đã thấy chúng, nhìn vào chúng, đã thấy rằng chúng đều là ảo tưởng, và đã trở về nhà, đã trở lại thành đứa trẻ lần nữa. Đó là điều Jesus ngụ ý khi ông ấy nói, “Chừng nào ông chưa trở thành giống như trẻ nhỏ, ông sẽ không đi vào vương quốc Thượng đế của ta.”
Câu hỏi thứ hai:

Osho kính yêu,

Tôi tò mò. Thầy đã đọc cuốn sách về Zorba người Hi lạp của Kazantzakis chưa? Tôi thích cuốn sách đó lắm. Liệu Zorba không y hệt là cách thức mà Thầy muốn chúng tôi trở thành chứ? Ít nhất đó cũng là cách tôi hiểu được giáo huấn của Thầy.

Tôi đã là Zorba người Hi lạp trong nhiều kiếp. Tôi không cần đọc cuốn sách đó; đó là cuốn tự truyện của tôi. Và đó là điều tôi muốn bạn trở thành. Coi cuộc sống là vui vẻ đi, coi cuộc sống là dễ dàng đi, coi cuộc sống là thảnh thơi đi, đừng tạo ra những vấn đề không cần thiết. Chín mươi chín phần trăm những vấn đề của bạn là do bạn tạo ra bởi vì bạn coi cuộc sống là nghiêm chỉnh. Nghiêm chỉnh là căn nguyên gốc rễ của mọi vấn đề. Vui vẻ, và bạn sẽ không bỏ lỡ điều gì - bởi vì cuộc sống là Thượng đế. Quên về Thượng đế đi; chỉ sống động, sống một cách phong phú. Sống từng khoảnh khắc dường như đây là khoảnh khắc cuối cùng. Sống nó một cách mạnh mẽ; để cho ngọn đuốc của bạn bùng cháy từ cả hai đầu. Cho dù nó chỉ còn một khoảnh khắc, thì thế cũng đủ. Một khoảnh khắc của tính toàn bộ mạnh mẽ là đủ để cho bạn hương vị của Thượng đế. Bạn có thể sống theo cách hờ hững, theo cách tư sản, theo cách hạng trung. Bạn có thể cứ tiếp tục sống, kéo lê mình trong hàng triệu năm - bạn sẽ chỉ thu thập bụi bặm trên đường chứ chẳng được cái gì khác. Một khoảnh khắc sáng tỏ, toàn bộ, tự phát, và bạn sẽ bùng cháy như ngọn lửa. Chỉ một khoảnh khắc là đủ! Một khoảnh khắc sẽ làm cho bạn thành vĩnh hằng; bạn sẽ đi từ khoảnh khắc đó vào vĩnh hằng. Đó là toàn bộ thông điệp của tôi cho các sannyasin: sống theo cách mà bạn không cần phải ăn năn bao giờ.

Một người bạn đã gửi tới cho tôi một đoạn cắt báo. Một bà già, tám mươi nhăm tuổi, được một nhà báo hỏi rằng nếu bà được sống lại lần nữa, thì bà sẽ sống như thế nào?

Bà già nói - có sáng suốt lớn trong đó, nhớ lấy điều đó - “Nếu như tôi được sống lại cuộc đời đã qua, tôi dám phạm nhiều sai lầm hơn trong lần tiếp. Tôi sẽ thảnh thơi, tôi sẽ linh hoạt. Tôi sẽ ngờ nghệch hơn là tôi đã ngờ nghệch trong cuộc đời này. Tôi sẽ coi ít thứ nghiêm chỉnh hơn. Tôi sẽ lấy nhiều cơ may hơn. Tôi sẽ thực hiện nhiều chuyến đi hơn. Tôi sẽ trèo lên nhiều núi hơn và bơi trên nhiều sông hơn. Tôi sẽ ăn nhiều kem hơn và ít đậu hơn. Có lẽ tôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn, nhưng tôi sẽ có ítđiều tưởng tượng hơn.

“Anh xem đấy, tôi là một trong những người đã sống có xét đoán và lành mạnh giờ nọ sang giờ kia, ngày nọ tiếp ngày kia. Ôi, tôi đã có những khoảnh khắc của mình, và nếu như tôi phải làm lại điều đó thì tôi sẽ có chúng nhiều hơn. Trong thực tế, tôi sẽ cố gắng chẳng có gì khác - chỉ các khoảnh khắc, cái nọ tiếp cái kia, thay vì sống bao nhiêu năm phía trước cho từng ngày. Tôi đã là một trong những người chưa bao giờ đi bất kì đâu mà không có cặp nhiệt độ, chai nước nóng, áo mưa và ô. Nếu tôi phải làm lại điều đó lần nữa thì tôi sẽ du hành nhẹ nhàng hơn trước.

“Nếu tôi được sống lại cuộc đời đã qua, tôi sẽ bắt đầu đi chân không sớm hơn trong dòng suối và ở lại muộn hơn trong dòng thác. Tôi sẽ đi nhảy nhiều hơn. Tôi sẽ cưỡi nhiều vòng quay ngựa gỗ hơn. Tôi sẽ hái nhiều hoa cúc hơn.”

Và đó là viễn kiến của tôi về sannyasin nữa. Sống khoảnh khắc này toàn bộ nhất có thể được đi. Đừng quá lành mạnh, bởi vì quá lành mạnh sẽ dẫn tới không lành mạnh. Để cho chút ít điên khùng tồn tại trong bạn. Điều đó sẽ thêm hương vị cho cuộc sống, làm ra nước cam lồ cuộc sống. Để một chút ít phi lí bao giờ cũng có đó. Điều đó làm cho bạn có khả năng chơi đùa, vui vẻ; điều đó giúp cho bạn thảnh thơi. Người lành mạnh hoàn toàn bị treo trên đầu, người ấy không thể xuống được từ đó.

Người ấy sống trên gác. Sống khắp mọi chỗ đi, đây là ngôi nhà của bạn! Trên gác, tốt, dưới đất, hoàn toàn tốt - và tầng hầm cũng đẹp nữa. Sống ở khắp mọi chỗ, đây là ngôi nhà của bạn. Và đừng đợi tới lần sau, tôi sẽ bảo với bà già này như thế, vì lần sau chẳng bao giờ tới cả.

Không phải là bạn sẽ không được sinh ra nữa; bạn sẽ được sinh ra nữa, nhưng thế thì bạn sẽ quên mất. Thế thì bạn sẽ bắt đầu lại từ ABC. Bà già này đã từng ở đây trước kia. Bà ấy phải đã từng ở đây hàng triệu lần trước kia. Và tôi có thể nói với bạn rằng mỗi lần, gần đến độ tuổi tám mươi nhăm, bà ấy lại quyết định theo cùng cách: “Lần sau tôi sẽ làm điều ấy khác đi.” Nhưng lần sau bạn không nhớ - đấy là vấn đề. Bạn mất tất cả kí ức về kiếp sống quá khứ. Thế thì bạn lại bắt đầu từ ABC và cùng điều như thế lại xảy ra.

Cho nên tôi sẽ không nói bạn phải đợi tới lần sau. Nắm ngay lấy khoảnh khắc này đi! Đây là thời gian duy nhất đang có đó, không có thời gian khác. Cho dù là bạn đã tám mươi nhăm thì bạn vẫn có thể bắt đầu sống. Và cái gì có đó để mà mất khi bạn đã tám mươi nhăm? Nếu bạn đi chân trần trên bãi cát trong dòng suối, nếu bạn lượm lặt hoa cúc - ngay cả nếu bạn có chết trong lúc đó, thì cũng chẳng có gì sai cả. Chết khi đi chân trần trên bãi cái là cách chết đúng đắn. Chết khi lượm lặt hoa cúc là cách chết đúng đắn. Dù bạn tám mươi nhăm tuổi hay mười lăm tuổi cũng chẳng thành vấn đề. Giữ lấy khoảnh khắc này. Là một Zorba.

Bạn hỏi: “Tôi tò mò. Thầy đã đọc cuốn sách về Zorba người Hi lạp của Kazantzakis chưa? Tôi thích cuốn sách đó lắm.”

Chỉ yêu nó thì cũng chẳng có ích. Là nó đi! Đôi khi việc xảy ra là bạn yêu cái đối lập với cái bạn đang là. Bạn thích thú cái đối lập của cái bạn đang là - bởi vì nó làm thoát ra phóng túng trong bạn. Nó cho bạn viễn kiến về cách bạn sẽ thích là như vậy: đó là sức quyến rũ của một Zorba.

Nhưng yêu cuốn sách thì sẽ không có ích. Đó là điều mọi người vẫn thường làm suốt nhiều thời đại. Mọi người yêu Kinh thánh, và không trở thành Jesus, và họ yêu Tâm Kinh - họ lặp lại nó, họ tụng nó hàng ngày. Hàng triệu người ở phương Đông tụng Tâm Kinh năm lần một ngày - ở Trung quốc, ở Nhật bản, ở Triều tiên, ở Việt Nam - họ cứ lặp lại nó. Nó là một bài kinh nhỏ; nó có thể được lặp lại trong vài phút. Họ yêu nó, nhưng họ không trở thành nó!

Là một Zorba đi. Nhớ điều đó: yêu sách không ích gì đâu, chỉ sống mới có ích.

“Tôi thích cuốn sách đó lắm. Liệu Zorba không y hệt là cách thức mà Thầy muốn chúng trở thành chứ?”

Không y hệt, bởi vì tôi không thích nhiều Zorba trên thế giới. Không y hệt, bởi vì điều đó sẽ xấu xí và đơn điệu và đáng chán. Bạn hãy là Zorba theo cách riêng của mình - không y hệt.

Đừng bao giờ cố gắng bắt chước bất kì ai, đừng bao giờ là kẻ bắt chước; đó là tự tử. Thế thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể tận hưởng được. Bạn bao giờ cũng sẽ vẫn còn là bản sao, bạn sẽ chẳng bao giờ là nguyên bản. Và tất cả những điều đó xảy ra trong cuộc sống - chân lí, cái đẹp, cái thiện, giải thoát, thiền, tình yêu - xảy ra cho cái nguyên bản, không bao giờ xảy ra cho bản sao. Nhận biết đi - không y hệt; đó là nguy hiểm. Nếu bạn đơn giản theo Zorba và bắt đầu làm những điều như ông ấy làm thì bạn sẽ gặp rắc rối. Đó là cách mà mọi người vẫn làm nó.

Nhìn những người Ki tô giáo mà xem, nhìn những người Hindu mà xem: họ đang cố gắng là y hệt. Không ai có thể là Phật lần nữa! Thượng đế không cho phép bất kì lặp lại nào! Thượng đế không cho phép người bản sao, ông ấy yêu người bản chính. Ông ấy yêu Phật. Ông ấy yêu đến mức điều đó chấm dứt. Bây giờ không cần Phật nữa. Đấy sẽ không còn là chuyện tình chút nào nữa. Điều đó sẽ giống như cùng cuốn phim bạn đã xem trước đây, điều đó sẽ giống như đọc cùng cuốn sách bạn đã đọc nhiều lần trước đây. Thượng đế không trì trệ và ngờ nghệch, ông ấy chưa bao giờ cho phép bất kì ai lặp lại bất kì ai khác: Christ chỉ có một, Phật chỉ có một - và do vậy bạn cũng chỉ có một! Và bạn là đơn lẻ, không có ai khác giống bạn. Chỉ có bạn là bạn thôi. Điều này tôi gọi là sự tôn kính với cuộc sống. Điều này thực sự là tự trọng.

Học từ Zorba đi, học điều bí mật, nhưng đừng bao giờ cố gắng bắt chước. Học theo hoàn cảnh, cách đánh giá, đi vào nó, đồng cảm với nó, tham dự với Zorba, và thế rồi đi theo cách riêng của bạn. Thế thì là chính bạn.
Câu hỏi thứ ba:

Osho kính yêu,

Xin Thầy nói về đâu là điểm chung giữa cầu nguyện và thiền, và cũng nói về khác biệt giữa chúng?

Câu hỏi này là của Mark Nevejan...

Tái bút. Thầy không biết tôi bởi vì tôi chưa từng gặp Thầy chỗ riêng tư. Arup biết tôi chút ít. Arup không biết cô ấy, làm sao cô ấy biết bạn? - dù chỉ một chút ít! Bạn chưa từng gặp tôi, điều đó đúng. Nhưng tôi biết bạn, bởi vì tôi biết bản thân mình. Cái ngày tôi nhận ra chính mình thì tôi cũng biết về mọi người - bởi vì đấy là cùng cái không nở hoa theo nhiều cách khác nhau.

Tôi biết bạn, Mark. Bạn có thể không biết tôi. Làm sao bạn biết tôi được? - bạn không biết tới chính mình. Nhưng tôi biết bạn. Tôi có thể không biết hình dạng bạn, nhưng tôi biết bạn... và bạn không là hình dạng.

Do đó, này Sariputra...

Hình dạng là trống rỗng, trống rỗng là hình dạng.

Tôi biết chân lí trong bạn; tôi có thể không biết cá tính quanh bạn. Đó là lí do tại sao tôi có thể giúp bạn - bởi vì tôi biết bạn. Đó là lí do tại sao tôi có thể đưa bạn vượt ra ngoài - bởi vì tôi biết bạn. Nếu tôi không biết bạn thì tôi không thể nào đưa bạn vượt ra ngoài được. Và bạn hỏi: “Xin Thầy nói về đâu là điểm chung giữa cầu nguyện và thiền, và cũng nói về khác biệt giữa chúng?” Tôi vừa định nói về điều đó hôm qua, nhưng có nhiều câu hỏi quá và tôi chưa thể trả lời bạn được.

Mark đã viết câu hỏi khác ngày hôm nay: Mùa hè của Tâm thức và Tự do kính yêu, Hôm nọ tôi đã hỏi Thầy một câu hỏi về đâu là điểm chung và điểm khác trong cầu nguyện và thiền. Đồng thời, tôi đã đọc trong sách của Thầy, Tôi là lối cổng, và tôi đã tìm ra câu trả lời. Xin cảm ơn Thầy về lời đáp.

Bầu trời mây Hà lan tên là Mark Nevejan. Bạn sẽ không còn mang tên Mark Nevejan lâu nữa! Tôi nghĩ sẽ là hôm nay, bởi vì tôi không đợi cho tới mai. Tôi sẽ tìm cho bạn một cái tên hay. Nó sẽ không là mây; nó sẽ không là bầu trời mây Hà lan. nó sẽ là bầu trời Ấn Độ không mây.

Sẽ còn xảy ra nhiều lần là bạn hỏi một câu hỏi, rồi nếu bạn tìm kiếm nó, bạn sẽ tìm thấy. Kiên nhẫn là cần thiết, bởi vì khi tôi trả lời câu hỏi của người khác, chúng cũng là câu hỏi của bạn nữa. Chỉ cần kiên nhẫn là đủ. Khi tôi trả lời một câu hỏi, tôi trả lời nhiều câu hỏi - những câu hỏi đã hỏi và những câu hỏi chưa hỏi, và những câu hỏi sẽ hỏi trong tương lai, và những câu hỏi sẽ không bao giờ được hỏi.

Tốt, Mark, là bạn đã chờ đợi đến một ngày mà không giận dữ. Vài người rất giận dữ. Họ viết những bức thư giận dữ cho tôi: “Tôi đã hỏi bao nhiêu câu hỏi và thầy chẳng trả lời gì cho tôi cả.” Họ không nghe lời tôi, họ chỉ tìm kiếm cho câu hỏi của họ. Đó là bản ngã của họ, câu hỏi không quan trọng - “Câu hỏi của tôi phải được trả lời.” Và bất kì khi nào tôi thấy rằng ai đó đã hỏi một câu hỏi mà trong đó cái ‘của tôi’ là quan trọng hơn, thì tôi chẳng bao giờ trả lời cả.

Mukta đang ngồi đây. Cô ấy cứ viết đi viết lại những câu hỏi và câu hỏi: “Osho, tại sao thầy chẳng bao giờ trả lời câu hỏi của tôi?” Cái ngày cô ấy vứt bỏ cái ‘của tôi’ của cô ấy, cô ấy sẽ bắt đầu tìm ra câu trả lời. Tôi đang trả lời, liên tục! Nhưng khi bạn quá gắn bó với câu hỏi của bạn, và bạn đơn giản chờ đợi khi nào câu hỏi của bạn được trả lời, thì bạn sẽ lỡ tất cả những câu hỏi vẫn đang tràn xuống bạn. Nhiều lần xảy ra là khi tôi trả lời một câu hỏi thì bản thân người hỏi câu hỏi đó không thể nhận được nó nhưng những người khác lại nhận được nó dễ dàng, bởi vì họ không lo nghĩ, đấy không phải là câu hỏi của họ, cho nên họ ngồi im lặng.

Họ không bị kích động về nó, họ không căng thẳng về nó, nó chẳng có gì cá nhân cả. Họ có thể thảnh thơi và tận hưởng câu trả lời. Khi đấy là câu hỏi của bạn thì bạn căng thẳng và bạn sợ hãi. Và tôi chẳng bao giờ bỏ lỡ cơ hội - nếu tôi có thể đánh bạn, thì tôi đánh!
Câu hỏi thứ tư:

Osho kính yêu,

Tôi đã nghe Thầy nó đi nói lại rằng chúng ta nên vẫn còn trong thế giới này, trong bãi chợ. Vậy mà phần lớn mọi người tôi gặp ở đây đều lập kế hoạch sống với Thầy ở Gujarat, chỉ trở về phương Tây để thu thập cho đủ tiền làm điều đó. Một cộng đồng lớn đang được lập kế hoạch. Xin Thầy bình luận.

Thầy nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc sống với một thầy đang sống, nhưng sau khi mối nối đã được thiết lập Thầy bao giờ cũng cùng với chúng tôi. Tại sao mọi người đều muốn sống trong cộng đồng của Thầy thay vì ở trên thế giới? Điều đó chắc chắn là tuyệt diệu, nhưng thế bãi chợ thì sao?

Nó đang trở thành bãi chợ lớn nhất mà bạn đã từng thấy đấy. Đừng lo nghĩ về điều đó! Nó sắp sửa thành chính thế giới này rồi - mạnh mẽ hơn, tất nhiên, mà bạn có thể tìm thấy nó ở mọi nơi; tất nhiên hỗn loạn hơn. Và không ai lập kế hoạch cho nó cả, nhớ lấy, nó đang tới từ cái không. Do đó, này Sariputra...!
Câu hỏi thứ năm:

Osho kính yêu,

Cơ hội nào có đó cho xã hội lí tưởng của Thầy trong khi đương đầu với các chính khách và tu sĩ và những món lời đầu tư tư bản?

Trước hết, tôi không quan tâm tới bất kì xã hội lí tưởng nào. Với vấn đề đó, tôi thậm chí không quan tâm tới bất kì cá nhân nào. Lí tưởng thế giới là một từ bẩn thỉu đối với tôi. Tôi không có lí tưởng nào. Lí tưởng dẫn bạn tới điên khùng. Chính lí tưởng đã làm cho toàn bộ trái đất này thành nhà thương điên lớn.

Lí tưởng có nghĩa là bạn không phải là cái bạn đáng phải là. Nó tạo ra căng thẳng, lo âu, đau khổ. Nó chia rẽ bạn, nó làm cho bạn thành tinh thần phân liệt, và lí tưởng là tương lai còn bạn thì ở đây. Và làm sao bạn có thể sống được chừng nào bạn chưa là điều lí tưởng? Trước hết phải là lí tưởng, thế rồi bắt đầu sống - và điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả. Điều đó không thể nào xảy ra trong chính bản chất của mọi vật. Lí tưởng là điều không thể; đó là lí do tại sao chúng là lí tưởng. Chúng hướng bạn tới điên khùng và làm bạn mất trí. Và việc kết án nảy sinh, bởi vì bạn bao giờ cũng không đạt tới lí tưởng. Mặc cảm được tạo ra. Trong thực tế, đó là điều các tu sĩ và chính khách vẫn đang làm - họ muốn tạo ra mặc cảm trong bạn. Để tạo ra mặc cảm, họ dùng lí tưởng; đó là cơ chế đơn giản nhất. Trước hết đưa ra lí tưởng, thế rồi mặc cảm tới một cách tự động.

Nếu tôi nói với bạn rằng hai mắt không đủ, bạn cần ba mắt; mở con mắt thứ ba của bạn ra! Đọc Lobsang Rampa - mở con mắt thứ ba ra! Và bây giờ bạn cố gắng vất vả, cách này cách khác, và bạn trồng cây chuối, bạn đọc mật chú - mà con mắt thứ ba vẫn không mở. Bây giờ bạn bắt đầu thấy mặc cảm - cái gì đó đang bị lỡ... bạn không phải là người đúng. Bạn trở nên thất vọng. Bạn cọ sát con mắt thứ ba thật mạnh, mà nó vẫn chẳng chịu mở ra cho.

Nhận biết về tất cả những điều vô nghĩa này. Hai con mắt là đẹp đẽ. Và nếu bạn chỉ có một con mắt, điều đó cũng hoàn hảo... Bởi vì Jesus nói, “Khi hai con mắt trở thành một, thế thì toàn bộ thân thể tràn đầy ánh sáng.”

Nhưng tôi không nói rằng bạn phải cố gắng làm một mắt thành hai. Chấp nhận bản thân mình như bạn đang thế đi. Thượng đế đã làm cho bạn hoàn chỉnh, ngài không bỏ điều gì bất toàn trong bạn đâu. Và nếu bạn cảm thấy bất toàn có đó, thì đó là một phần của hoàn hảo. Bạn là bất toàn hoàn hảo. Thượng đế biết rõ hơn: rằng chỉ trong bất toàn mới có trưởng thành, chỉ trong bất toàn mới có luồng chảy, chỉ trong bất toàn điều gì đó mới có thể. Nếu bạn đã hoàn hảo bạn sẽ chết như một tảng đá. Thế thì sẽ chẳng cái gì xảy ra cả, thế thì chẳng cái gì có thể xảy ra.

Nếu bạn hiểu tôi, tôi muốn nói với bạn: Thượng đế bao giờ cũng bất toàn hoàn hảo; nếu không thì ngài đã chết từ lâu rồi. Ngài sẽ không đợi được cho Friedrich Nietzsche phải tuyên bố rằng Thượng đế chết.

Thượng đế này sẽ làm gì nếu ngài đã hoàn hảo? Thế thì ngài chẳng thể làm được gì nữa, thế thì ngài không thể nào có bất kì tự do nào để làm cả. Ngài không thể trưởng thành được; chẳng có chỗ nào để đi cả. Ngài đơn giản sẽ bị mắc kẹt ở đó. Ngài thậm chí không thể tự tử nổi, bởi vì khi bạn hoàn hảo thì bạn không làm những điều như thế.

Chấp nhận bản thân mình như bạn hiện thế đi. Tôi không quan tâm tới bất kì xã hội lí tưởng nào, không chút nào. Tôi không quan tâm thậm chí tới cá nhân lí tưởng. Tôi không quan tâm đến chủ nghĩa lí tưởng chút nào!

Và với tôi thì xã hội không tồn tại, chỉ có các cá nhân. Xã hội chỉ là cấu trúc chức năng, tiện dụng. Bạn không thể tình cờ bắt gặp xã hội. Bạn đã bao giờ tình cờ bắt gặp xã hội chưa? Bạn đã bao giờ tình cờ bắt gặp nhân loại chưa? Bạn đã bao giờ tình cờ bắt gặp Hindu giáo, Mô ha mét giáo chưa? Không, bạn bao giờ cũng bắt gặp cá nhân, cá nhân cụ thể, vững chắc.

Nhưng mọi người vẫn nghĩ cách cải thiện xã hội, cách tạo ra xã hội lí tưởng. Và những người này đã chứng tỏ là tai hoạ. Họ là mối hoạ lớn nhất. Bởi vì xã hội lí tưởng của họ mà họ đã phá huỷ sự kính trọng của mọi người với chính mình, và họ đã tạo ra mặc cảm trong mọi người. Mọi người đều mặc cảm, chẳng ai dường như hạnh phúc theo cách người ấy đang thế. Và bạn có thể tạo ra mặc cảm cho mọi thứ - và một khi mặc cảm được tạo ra, bạn trở thành có quyền năng. Người tạo ra mặc cảm trong bạn lại trở thành quyền năng trên bạn - nhớ chiến lược này - bởi vì chỉ thế thì người đó mới cứu bạn khỏi mặc cảm. Thế thì bạn phải đi theo người đó. Các tu sĩ trước hết tạo ra mặc cảm, rồi bạn phải tới nhà thờ. Thế thì bạn phải tới thú tội, “Con đã phạm phải tội lỗi này,” và người đó tha thứ cho bạn nhân danh Thượng đế. Trước hết nhân danh Thượng đế người đó tạo ra mặc cảm, rồi người đó tha thứ cho bạn nhân danh Thượng đế.

Nghe câu chuyện sau.

Calvin bị mẹ bắt quả tang phạm phải tội lỗi nghiêm trọng, và lập tức được gửi tới chỗ thú tội.

“Thưa cha,” Calvin nói, “Con đã đánh bạc với chính mình.”

“Tại sao con làm điều đó?” tu sĩ thực sự giận dữ và quát lên.

“Con chẳng có gì hơn để mà chơi,” Calvin nói.

“Phạt, đọc năm lần ‘Thưa Cha’ và năm lần ‘Chào Mary’.”

Một tuần sau mẹ Calvim lại bắt được nó, và lần nữa nó bị đưa tới phòng thú tội.

“Thưa cha, con đã đánh bạc với chình mình.”

“Sao con làm thế?”

“Con chẳng có gì hơn để mà chơi,” Calvin nói.

“Phạt, đọc mười lần ‘Thưa Cha’ và năm lần ‘Chào Mary’.”

Tuần sau, Calvin lại phạm tội, “Quay lại nhà thú tội,” mẹ nó nói. “Và mang cái bánh sô cô la này cho cha xứ.”

Trong khi chờ đợi một hàng dài, Calvin ăn hết cái bánh. Trong phòng thú tội nó nói, “Thưa cha, Mẹ con sai đem cho cha một cái bánh sô cô la, nhưng con đã ăn nó trong khi đợi rồi.”

“Sao con làm thế?” tu sĩ hỏi.

“Con chẳng có gì hơn để mà chơi.”

“Thế sao con không đánh bạc với chính mình?”

Tu sĩ không quan tâm tới điều bạn làm; ông ta có mối quan tâm bất di bất dịch - cái bánh sô cô la của mình. Và thế thì bạn có thể tới địa ngục! Thế thì bạn có thể làm bất kì cái gì bạn muốn, nhưng bánh sô cô la đâu?

Họ tạo ra mặc cảm, rồi họ lại tha thứ bạn nhân danh Thượng đế. Họ làm cho bạn thành tội nhân rồi họ nói, “Bây giờ đến với Christ đi, ông ấy là vị cứu tinh.”

Chẳng có ai ở đó mà cứu bạn cả, bởi vì ngay chỗ đầu tiên bạn có phạm vào tội lỗi gì đâu. Bạn không cần phải được cứu rỗi.

Đây là thông điệp của Phật: Bạn đã có đó rồi! Bạn đã được cứu vớt rồi! vị cứu tinh không cần tới, bạn không phạm tội. Không có đau khổ, Sariputra, không có nguồn gốc của đau khổ, không có chấm dứt về nó, và không có con đường cho nó. Nó là không được đạt tới, nó là không không đạt tới. Nó đã có đấy, nó là chính bản tính của bạn.

Tôi không quan tâm tới bất kì xã hội lí tưởng nào. Vứt ước mơ đó đi; nó đã tạo ra những cơn ác mộng lớn trên thế giới. Nhớ lấy, chẳng cái gì có thể xảy ra bây giờ về chính trị cả. Chính trị là chết. Bạn có bầu cho bất kì cái gì, phe tả hay phe hữu, làm việc đó nhưng đừng ảo tưởng. Cần phải từ bỏ ý tưởng rằng bất kì hệ thống nào cũng có thể là vị cứu tinh. Không hệ thống nào có thể là cứu tinh cả - chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Gandhi. Không xã hội nào có thể cứu bạn được, và không xã hội nào có thể là xã hội lí tưởng. Và không có cứu tinh - Christ, Krishna hay Rama. Bạn chỉ phải vứt bỏ cái vô nghĩa mà bạn vẫn mang trong mình về mặc cảm và về việc bạn là tội nhân.

Để toàn bộ năng lượng vào trong nhảy múa, lễ hội. Và thế thì bạn là lí tưởng, tại đây và bây giờ - không phải là bạn phải trở thành lí tưởng.

Ý thức hệ, như nó vậy, làm mất chân lí của nó. Trong thực tế nó chưa bao giờ có đó ngay chỗ đầu tiên. Và sức mạnh thuyết phục cũng qua đi. Vài tâm trí trịnh trọng không còn tin vào việc người ta có thể đặt ra bản kế hoạch tổng thể, và qua cỗ máy xã hội mà đem lại một nơi không tưởng mới về hài hoà xã hội. Chúng ta đang sống trong thời đại tự do hoàn toàn. Chúng ta đã tới độ tuổi.

Loài người không còn ngây thơ nữa, nó đã chín chắn hơn. Chúng ta đang sống trong thời kì đậm sắc Socrates, bởi vì mọi người đang hỏi tất cả những câu hỏi quan trọng về cuộc sống. Đừng bắt đầu khao khát và thèm muốn lí tưởng, ý tưởng, hoàn hảo tương lai nào đó. Vứt tất cả các lí tưởng và sống ở đây và bây giờ. Công xã của tôi không định là xã hội lí tưởng. Công xã của tôi định là công xã ở đây và bây giờ.

Đủ cho hôm nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho