Chương 2. Buông xuôi là hiểu biết
Chương 2. Buông xuôi là hiểu biết
Câu hỏi thứ nhất
Osho kính yêu,
Đôi khi trong lúc chỉ có ngồi, câu hỏi lại tới trong tâm trí: Chân lí là gì? Nhưng vào lúc tôi tới đây thì tôi hiểu rằng tôi không có khả năng hỏi. Nhưng tôi có thể hỏi điều gì xảy ra trong những khoảnh khắc đó khi câu hỏi này nảy sinh mạnh mẽ đến mức giá mà Thầy ở gần thì tôi sẽ hỏi ngay điều đó. Hay nếu Thầy không đáp lại, thì tôi sẽ túm râu hay cổ áo Thầy mà hỏi, “Chân lí là gì, thưa Osho?”
Đấy là câu hỏi quan trọng nhất có thể nảy sinh trong tâm trí của bất kì ai, nhưng không có câu trả lời cho nó. Câu hỏi quan trọng nhất, câu hỏi tối thượng, không thể có bất kì câu trả lời nào; đó là lí do tại sao nó là tối thượng.
Khi Pontius Pilate hỏi Jesus, “Chân lí là gì?” thì Jesus im lặng. Không chỉ có thế, câu chuyện nói rằng khi Pontius Pilate hỏi câu hỏi, “Chân lí là gì?” ông ấy cũng chẳng đợi nghe câu trả lời nữa. Ông ấy rời khỏi phòng và bỏ đi. Điều này rất kì lạ. Pontius Pilate cũng nghĩ rằng không thể có câu trả lời cho nó, cho nên ông ấy đã không chờ đợi câu trả lời. Jesus vẫn còn im lặng bởi vì ông ấy cũng biết điều ấy không thể nào trả lời nổi.
Nhưng hai hiểu biết này là không giống nhau, bởi vì hai người này là đối diện nhau qua đường kính. Pontius Pilate nghĩ rằng điều đó không thể nào trả lời nổi bởi vì không có chân lí; làm sao bạn có thể trả lời được nó? Đó là tâm trí logic, tâm trí Roman. Jesus im lặng không phải bởi vì không có chân lí, mà bởi vì chân lí quá bao la, nó không thể nào định nghĩa được. Chân lí khổng lồ thế, mênh mông thế, nó không thể nào chứa đựng nổi trong một từ, nó không thể nào thu lại trong ngôn ngữ. Nó có đấy. Người ta có thể là nó, nhưng người ta không thể nào nói về nó.
Bởi hai lí do mà họ hành xử gần như theo cùng cách: Pontius đã không đợi để nghe câu trả lời, ông ta đã biết rằng không có chân lí. Jesus vẫn còn im lặng bởi vì ông ấy biết chân lí, và biết rằng nó không thể nào nói ra được. Chidvilas đã hỏi câu hỏi này. Câu hỏi này hoàn toàn có ý nghĩa. Không có câu hỏi nào cao hơn nó, bởi vì không có tôn giáo nào cao hơn chân lí. Nó phải được hiểu; câu hỏi này phải được phân tích. Với việc phân tích câu hỏi, cố gắng hiểu bản thân câu hỏi, bạn có thể có cái nhìn sáng suốt vào chân lí là gì. Tôi sẽ không trả lời nó, tôi không thể trả lời nó được; không ai có thể trả lời điều đó được. Nhưng chúng ta có thể đi sâu vào bên trong câu hỏi này. Khi đi sâu vào bên trong câu hỏi này, câu hỏi này sẽ bắt đầu biến mất. Khi câu hỏi đã biến mất, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời có đó tại chính cốt lõi trái tim bạn - bạn là chân lí, cho nên làm sao bạn có thể lỡ nó được?
Có thể bạn đã quên mất về nó, có thể bạn đã đánh mất dấu vết của nó, có thể bạn đã quên mất cách đi vào trong bản thể riêng của mình, vào trong chân lí riêng của mình. Chân lí không phải là giả thuyết, chân lí không phải là học thuyết. Chân lí chẳng phải là Hindu giáo, cũng không Ki tô giáo, chẳng Mô ha mét giáo. Chân lí chẳng phải của tôi cũng không của bạn. Chân lí chẳng thuộc vào ai, nhưng mọi người đều thuộc vào chân lí. Chân lí có nghĩa là cái đang đấy: đó là đích xác ý nghĩa của từ này. Nó tới từ gốc latinh, verus. Verus có nghĩa là: cái đang đấy. Trong tiếng Anh có vài từ là biến thể của gốc latinh verus này: was, were - chúng có nguồn gốc từ verus. Trong tiếng Đức, war - cũng đến từ verus. Verus có nghĩa là cái có đấy, không được diễn giải. Một khi việc diễn giải tới, thế thì cái bạn biết là thực tại, không phải là chân lí. Đó là khác biệt giữa chân lí và thực tại. Thực tại là chân lí được diễn giải.
Cho nên khoảnh khắc bạn trả lời câu hỏi, “Chân lí là gì?” thì nó trở thành thực tại; nó không còn là chân lí nữa. Diễn giải đã đi vào trong nó, tâm trí đã tô mầu cho nó. Và thực tại cũng nhiều như tâm trí vậy; có đa thực tại. Chân lí là một bởi vì chân lí chỉ được biết tới khi tâm trí không có đó. Chính tâm trí giữ bạn tách rời khỏi tôi, tách rời khỏi người khác, tách rời khỏi sự tồn tại. Nếu bạn nhìn qua tâm trí, thế thì tâm trí sẽ cho bạn một bức tranh về chân lí. Đấy sẽ chỉ là một bức tranh, một bức ảnh của cái đang đấy. Và tất nhiên, bức ảnh phụ thuộc vào máy ảnh, vào phim được dùng, vào hoá chất, vào cách rửa ảnh, vào cách in ảnh, vào người đã làm việc đó.
Cả ngàn lẻ một thứ đi vào; nó trở thành thực tại. Từ thực tại cũng hay nếu được hiểu. Nó bắt nguồn từ gốc, res; nó có nghĩa là một vật hay nhiều vật. Chân lí không phải là đồ vật. Một khi được diễn giải, một khi tâm trí đã chộp lấy nó, định nghĩa nó, đánh dấu nó, thì nó trở thành đồ vật.
Khi bạn phải lòng một người phụ nữ thì có chân lí nào đó - nếu bạn đã yêu hoàn toàn không nhận biết, nếu bạn không ‘làm’ nó theo bất kì cách nào, nếu bạn không hành động, không điều khiển, nếu bạn thậm chí không nghĩ về nó. Bỗng nhiên bạn thấy một người phụ nữ, bạn nhìn vào mắt cô ấy, cô ấy nhìn vào mắt bạn, và một cái gì đó nhoáng lên. Bạn không phải là người làm ra điều đó, bạn đơn giản bị nó sở hữu, bạn đơn giản rơi vào trong nó. Nó chẳng dính dáng gì tới bạn. Bản ngã bạn không tham dự vào, ít nhất cũng không ngay chính lúc đầu, khi tình yêu còn trinh bạch. Trong khoảnh khắc đó có chân lí, nhưng không có diễn giải. Đó là lí do tại sao tình yêu vẫn còn không định nghĩa nổi.
Chẳng mấy chốc tâm trí tới, bắt đầu quản lí mọi việc, chiếm hữu lấy bạn. Bạn bắt đầu nghĩ về cô gái như bạn gái của mình, bạn bắt đầu nghĩ về cách cưới, bạn bắt đầu nghĩ về người phụ nữ như vợ bạn. Bây giờ những điều này; nào bạn gái, nào vợ - đấy là các sự vật. Chân lí không còn nữa, nó đã thoái lui lại. Bây giờ sự vật thành quan trọng hơn. Cái định nghĩa được thì an toàn hơn, cái không định nghĩa được thì bất an. Bạn đã bắt đầu giết chết, đầu độc chân lí. Chẳng chóng thì chầy sẽ có một người vợ và một người chồng, hai vật. Nhưng cái đẹp mất rồi, niềm vui đã biến mất, tuần trăng mật đã qua.
Tuần trăng mật trôi qua vào đúng khoảnh khắc mà chân lí trở thành thực tại, khi tình yêu trở thành quan hệ. Không may là tuần trăng mật rất ngắn ngủi - tôi không nói về tuần trăng mật bạn vẫn nghĩ. Tuần trăng mật này rất chóng vánh. Có thể trong một khoảnh khắc nó có đó, nhưng cái thuần khiết của nó, cái thuần khiết như pha lê của nó, điều thiêng liêng của nó, tính chất phía bên kia của nó - nó là từ cái vĩnh hằng, nó không phải của thời gian. Nó không phải là một phần của thế giới trần tục này, nó giống như một tia sáng chiếu vào một lỗ đen. Nó tới từ cái siêu việt. Hoàn toàn thích hợp để gọi tình yêu là Thượng đế, bởi vì tình yêu là chân lí. Cái gần chân lí nhất mà bạn thường đi tới trong cuộc sống thường ngày là tình yêu.
Chidvilas hỏi: “Chân lí là gì?”
Việc hỏi phải biến mất; chỉ thế thì bạn mới biết.
Nếu bạn hỏi, “Chân lí là gì?” thì bạn đang hỏi gì vậy? Nếu tôi nói A là chân lí, B là chân lí, C là chân lí, đó có phải là câu trả lời không? Nếu tôi nói A là chân lí, thế thì chắc chắn A không thể là chân lí: nó là cái gì đó khác mà tôi đang dùng như một điều đồng nghĩa với chân lí. Nếu nó là hoàn toàn đồng nghĩa, thế thì nó sẽ là sự lặp lại không cần thiết. Thế thì tôi có thể nói, “Chân lí là chân lí,” nhưng điều đó là xuẩn ngốc, vô nghĩa. Chẳng giải quyết được gì cả. Nếu nó đích xác là một, nếu A là chân lí, thế thì nó sẽ có nghĩa chân lí là chân lí. Nếu A là khác, là không đúng chân lí, thế thì tôi đang bóp méo.
Thế thì việc nói A là chân lí sẽ chỉ là xấp xỉ. Và nhớ lấy, không thể có bất kì xấp xỉ nào được. Hoặc là chân lí hoặc là không. Cho nên tôi không thể nói A là chân lí. Thậm chí tôi không thể nói, “Thượng đế là chân lí,” bởi vì Thượng đế là chân lí thế thì đấy lại là lặp lại không cần thiết - “Chân lí là chân lí.” Thế thì tôi chẳng nói điều gì cả. Nếu Thượng đế là khác chân lí, thế thì tôi đang nói điều gì đó, nhưng thế thì tôi đang nói một điều gì đó sai.
Thế thì Thượng đế là khác, thế thì làm sao ngài có thể là chân lí được? Nếu tôi nói điều đó là xấp xỉ, về mặt ngôn ngữ thì có vẻ được, nhưng điều đó không đúng. ‘Xấp xỉ’ có nghĩa là dối trá nào đó có đấy, điều gì đó sai sót có đấy. Nếu không, tại sao lại không phải là chân lí một trăm phần trăm? Nếu nó là chín mươi chín phần tram chân lí thì một cái gì đó còn đó mà không đúng. Và chân lí và phi chân lí không thể cùng tồn tại với nhau, cũng hệt như bóng tối và ánh sáng không thể cùng tồn tại với nhau - bởi vì bóng tối không là gì khác ngoài sự thiếu vắng. Sự thiếu vắng và sự hiện diện không thể cùng tồn tại với nhau, chân lí và phi chân lí không thể cùng tồn tại. Phi chân lí không là gì khác hơn việc thiếu vắng chân lí.
Cho nên không câu trả lời là điều có thể, do đó Jesus vẫn còn im lặng. Nhưng nếu bạn nhìn vào điều đó với thông cảm sâu sắc, nếu bạn nhìn vào im lặng của Jesus, bạn sẽ có câu trả lời. Im lặng là câu trả lời. Jesus đang nói, “Im lặng đi, như ta đang im lặng, và ông sẽ biết” - không nói điều đó bằng lời. Đấy là một cử chỉ, nó rất, rất giống thiền. Trong khoảnh khắc Jesus vẫn còn im lặng, ông ấy tới rất gần với cách tiếp cận của thiền, cách tiếp cận của Phật giáo. Ông ấy là vị phật trong khoảnh khắc đó. Phật chưa bao giờ trả lời những câu hỏi này. Ông ấy có mười một câu hỏi được liệt kê ra: bất kì chỗ nào ông ấy cũng phái đệ tử đi tới và tuyên bố với mọi người, “Đừng bao giờ hỏi mười một câu hỏi này với Phật.” – câu hỏi nền tảng, câu hỏi thực sự có nghĩa. Bạn có thể hỏi bất kì cái gì khác, và Phật bao giờ cũng sẵn sàng trả lời.
Nhưng đừng hỏi câu hỏi nền tảng, bởi vì cái nền tảng chỉ có thể được kinh nghiệm. Và chân lí là nền tảng cơ bản nhất; chính bản chất của sự tồn tại là chân lí. Đi vào trong câu hỏi này đi. Câu hỏi này là có ý nghĩa, nó đang nảy sinh trong tim bạn: “Chân lí là gì?” - một ham muốn để biết cái đang đấy, đang nảy sinh. Bạn đừng gạt nó sang bên, đi vào trong nó. Chidvilas, bất kì khi nào điều ấy lại xảy ra, nhắm mắt lại, đi vào trong câu hỏi này. Để cho câu hỏi trở thành rất, rất hội tụ lại - “Chân lí... là... gì?” Bạn để cho việc tập trung lớn nảy sinh ra. Quên hết mọi thứ, dường như toàn bộ cuộc sống của bạn phụ thuộc vào câu hỏi đơn giản này, “Chân lí là gì?” Bạn để nó trở thành vấn đề sống và chết. Và bạn đừng cố gắng trả lời nó, bởi vì bạn không biết câu trả lời.
Câu trả lời có thể tới - tâm trí bao giờ cũng cố gắng đưa ra câu trả lời - nhưng thấy sự kiện rằng bạn không biết, rằng tại sao bạn lại hỏi. Cho nên làm sao tâm trí bạn có thể đưa ra cho bạn câu trả lời được? Tâm trí không biết, cho nên bảo tâm trí, “Im đi.” Nếu bạn biết, thế thì không cần có câu hỏi đó. Bạn không biết, do đó mới có câu hỏi.
Cho nên bạn đừng bị lừa phỉnh bởi đồ chơi của tâm trí. Nó cung cấp đồ chơi: nó nói, “Đây, điều này được viết trong Kinh thánh. Đây, điều này được viết trong Upanishads. Đây là câu trả lời. Nhìn đây, điều này được Lão Tử viết, đây là câu trả lời.” Tâm trí có thể ném tất cả các loại kinh sách vào bạn: tâm trí có thể trích dẫn, tâm trí có thể cung cấp từ kí ức. Bạn đã nghe nhiều điều, bạn đã đọc nhiều điều; tâm trí mang tất cả những kí ức này.
Nó có thể lặp lại theo một cách máy móc. Nhưng nhìn vào hiện tượng này: rằng tâm trí không biết, và tất cả những cái tâm trí lặp lại đều là đồ vay mượn cả. Mà đồ vay mượn thì chẳng ích gì.
Sự việc xảy ra tại đường giao xe lửa. Cổng đã bị khoá lại, một con tầu sắp đi qua, và một người đang ngồi trong xe ô tô, đợi cho tầu đi qua, vừa đọc sách. Một kẻ say rượu đang ngồi bên cạnh cổng lại gần, gõ vào cửa sổ của chiếc xe có điều hoà nhiệt độ. Người này mở cửa sổ ra và nói, “Tôi có thể giúp gì được cho ông? Ông cần giúp đỡ gì chăng?”
Và kẻ vô công rồi nghề nói, “Có đấy, trong hai ngày nay tôi chưa được ăn gì hết cả. Ông có thể cho tôi hai đồng ru pi không? Như thế sẽ đủ cho tôi, chỉ cần hai đồng thôi.”
Người này cười to và nói, “Đừng bao giờ vay và đừng bao giờ mượn tiền cả,” và giơ cuốn sách lên cho kẻ vô công rồi nghề và nói, “Shakespeare - Shakespeare nói thế đấy. Nhìn đây này.”
Kẻ vô công rồi nghề lôi trong túi mình ra một cuốn sách bìa giấy rất bẩn thỉu và nói với người này, “Ông là đồ mọt sách - D. H. Lawrence.”
Nhận biết về tâm trí đi. Tâm trí cứ liên tục trích dẫn, tâm trí biết tất cả mà lại không biết tí gì. Tâm trí là kẻ giả vờ. Nhìn vào hiện tượng này: điều này tôi gọi là sáng suốt. Đấy không phải là vấn đề suy nghĩ. Nếu bạn nghĩ về nó, đấy lại là tâm trí. Bạn phải nhìn thấu suốt. Bạn phải nhìn sâu vào trong chính hiện tượng này, vận hành của tâm trí, cách thức tâm trí vận hành. Nó vay mượn từ đâu đó, nó cứ vay mượn và tích luỹ. Nó là kẻ tích trữ, tích trữ tri thức. Tâm trí trở thành rất hiểu biết, và thế thì bất kì khi nào bạn hỏi một câu hỏi thực sự quan trọng, tâm trí sẽ cho một câu trả lời rất không quan trọng về nó - vô ích, giả tạo, rác rưởi.
Một người đem một con vẹt về từ tiệm vẹt. Ông chủ tiệm cam đoan với người này con vẹt sẽ học nói chào trong vòng nửa giờ thôi. Trở về nhà ông ta để cả giờ ‘xin chào’ cho con vẹt, nhưng chẳng thấy lời nào từ vẹt cả. Khi ông ta quay đi trong nỗi thất vọng sâu sắc thì con vẹt nói, “Đám đánh nhau.”
Vẹt thì vẫn là vẹt thôi. Nó phải đã nghe câu này trong tiệm vẹt. Còn người này thì cứ lặp lại mãi, “Xin chào, xin chào, xin chào,” còn con chim thì nghe, và đợi cho anh ta dừng lại. Thế thì nó mới có thể nói, “Đám đánh nhau!”
Bạn cứ hỏi tâm trí, “Chân lí là gì, chân lí là gì, chân lí là gì?” Và khoảnh khắc bạn dừng lại, tâm trí sẽ lập tức nói, “Đám đánh nhau” hay cái gì đó. Tâm trí sẽ cho bạn câu trả lời. Nhận biết về tâm trí đi.
Tâm trí là quỉ, không có quỉ nào khác. Và đó là tâm trí của bạn. Sáng suốt này cần phải được phát triển – hay nhìn thấu suốt. Chặt tâm trí ra làm đôi bằng lưỡi kiếm sắc bén. Lưỡi kiếm đó là nhận biết. Chém tâm trí ra làm đôi và đi vào qua nó, đi ra ngoài nó! Và nếu bạn có thể đi ra ngoài tâm trí, xuyên qua tâm trí, và một khoảnh khắc vô trí nảy sinh trong bạn, thì có câu trả lời - không phải là câu trả lời miệng, không phải là kinh sách được trích dẫn, không phải là lời đánh dấu chú thích, mà đích thực là của bạn, chứng nghiệm. Chân lí là kinh nghiệm về sự tồn tại.
Câu hỏi là có ý nghĩa mênh mông, nhưng bạn sẽ phải rất tôn kính hướng về câu hỏi đó. Đừng vội vã tìm bất kì câu trả lời nào, nếu không thì rác rưởi sẽ giết chết câu trả lời. Đừng cho phép tâm trí giết chết câu hỏi. Và cách để cho tâm trí giết chết câu hỏi là cung cấp câu trả lời, chưa sống qua, chưa kinh nghiệm tới.
Bạn là chân lí! Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra trong im lặng hoàn toàn, khi không một ý nghĩ nào chuyển động, khi tâm trí không có gì để nói, khi không một gợn sóng nổi lên trong tâm thức bạn. Khi không một gợn sóng trong tâm thức bạn, tâm thức bạn vẫn còn không bị quấy rối. Khi có một gợn sóng, có khuấy đảo.
Đi ra hồ. Khi đứng trên bờ, nhìn xuống bóng phản xạ của mình. Nếu có sóng, gợn sóng trên hồ, và gió thổi, bóng của bạn bị xao động. Bạn không thể nào hình dung ra được cái gì là cái gì - đâu là mũi bạn và đâu là mắt bạn - bạn chỉ có thể đoán. Nhưng khi hồ tĩnh lặng và gió không thổi và không có một gợn sóng trên hồ, bỗng nhiên bạn có đấy. Trong hoàn hảo tuyệt đối, sự phản xạ có đấy. Hồ trở thành tấm gương.
Bất kì khi nào có một ý nghĩ chuyển qua tâm thức bạn, nó đều bóp méo. Và có nhiều ý nghĩ lắm, hàng nghìn ý nghĩ, liên tục xô tới, và bao giờ cũng là giờ cao điểm.. Hai mươi bốn giờ một ngày đấy đều là giờ cao điểm, và lưu thông cứ tiếp diễn mãi, và mỗi ý nghĩ lại được gắn với hàng nghìn ý nghĩ khác. Chúng tất cả đều nắm tay nhau và nối với nhau, gắn lẫn nhau và toàn bộ đám đông ấy xô đẩy quanh bạn. Làm sao bạn biết được chân lí là gì? Thoát ra khỏi đám đông này đi đã.
Đó chính là thiền là gì, thiền chính là tất cả những gì: một tâm thức không tâm trí, một tâm thức không ý nghĩ, một tâm thức không có bất kì vẩn vơ nào - tâm thức không vẩn vơ. Thế thì nó có đó trong tất cả vẻ đẹp đẽ và phúc lành của nó. Thế thì chân lí có đó - gọi nó Thượng đế, gọi nó là niết bàn, hay bất kì cái gì bạn thích gọi cho nó. Nó có đó, và nó có đó như một kinh nghiệm. Bạn ở trong nó và nó ở trong bạn.
Dùng câu hỏi này đi. Làm cho nó thấm nhuần hơn. Làm cho nó thấm nhuần thế; đặt mọi thứ vào tình thế nguy hiểm để cho tâm trí không thể đánh lừa bạn bởi những câu trả lời hời hợt của nó. Một khi tâm trí biến mất. Một khi tâm trí không còn chơi trò mẹo của nó nữa, bạn sẽ biết chân lí là gì. Bạn sẽ biết nó trong im lặng. Bạn sẽ biết nó trong nhận biết không suy nghĩ.
Câu hỏi thứ hai:
Osho kính yêu,
Buông xuôi của tôi là có định hướng. Tôi buông xuôi để được tự do, cho nên nó không thực là buông xuôi chút nào. Tôi đang quan sát nó, nhưng vấn đề là: đấy bao giờ cũng là cái ‘tôi’ người đang quan sát. Do đó mọi việc hiểu của quan sát đó chỉ làm mạnh thêm bản ngã. Tôi cảm thấy bị bản ngã mình lừa.
Bạn vẫn chưa hiểu buông xuôi nghĩa là gì. Điều đầu tiên cần phải nhớ về buông xuôi là: bạn không thể làm được điều đó, đấy không phải là việc làm. Bạn có thể ngăn cản nó không cho xảy ra, nhưng bạn không thể điều khiển cho nó xảy ra được. Sức mạnh của bạn về buông xuôi chỉ là phủ định; bạn có thể ngăn cản nó, nhưng bạn không thể đem nó lại.
Buông xuôi không phải là cái gì đó mà bạn có thể làm. Nếu bạn làm điều đó, đấy lại không phải là buông xuôi, bởi vì người làm có đó. Buông xuôi là việc hiểu biết vĩ đại rằng, “Tôi không có.” Buông xuôi là cái nhìn sáng suốt rằng bản ngã không tồn tại, rằng, “Tôi không tách biệt.” Buông xuôi không phải là hành động mà là hiểu biết.
Tại chỗ đầu tiên bạn là sai lầm, tách biệt là sai lầm. Không một khoảnh khắc nào bạn có thể tồn tại mà tách biệt khỏi vũ trụ. Cây không thể tồn tại nếu bị bật rễ khỏi đất. Cây không thể tồn tại nếu mặt trời biến mất ngày mai. Cây không thể tồn tại nếu không có nước tới rễ của nó. Cây không thể tồn tại nếu nó không được thở. Cây bắt rễ vào tất cả năm yếu tố - điều phật tử gọi là skandhas, uẩn, năm nhóm mà chúng ta nói tới hôm nọ.
Avalokita... khi Phật đi tới viễn kiến siêu việt, khi ông ấy trải qua tất cả các giai đoạn này, khi ông ấy trải qua tất cả các bậc thang của chiếc thang và đi tới bậc thứ bẩy - từ đó ông ấy nhìn xuống, nhìn lại - ông ấy đã thấy gì? Ông ấy đã thấy chỉ có năm hợp phần và chẳng có gì bản chất trong chúng cả; chỉ là cái trống rỗng, shunyata.
Cây không thể tồn tại nếu năm yếu tố này không thường xuyên được rót năng lượng vào nó. Cây chỉ là tổ hợp của năm yếu tố này. Nếu cây bắt đầu nghĩ, “Ta đây,” thế thì sẽ có khổ cho cây đó. Cây này sẽ tạo ra địa ngục cho chính mình. Nhưng cây không đần độn đến thế, chúng không mang bất kì tâm trí nào. Chúng có đó, và nếu ngày mai chúng biến mất, thì chúng đơn giản biến đi.
Chúng không níu bám; không có ai để níu bám cả. Cây thường xuyên buông xuôi cho sự tồn tại. Bởi việc buông xuôi điều đó có nghĩa là nó không bao giờ tách rời, nó không đi tới ý tưởng ngu đần về bản ngã. Và chim chóc cũng thế, núi non cũng thế, các vì sao cũng thế. Chỉ duy nhất con người đã chuyển cơ hội vĩ đại là tâm thức của mình thành tự ý thức. Con người có tâm thức. Nếu tâm thức trưởng thành, nó có thể đem bạn tới phúc lạc lớn nhất có thể có. Nhưng nếu điều gì đó đi sai và tâm thức trở thành xấu, trở thành tự ý thức, thế thì nó tạo ra địa ngục, thế thì nó tạo ra khổ. Cả hai khả năng bao giờ cũng để mở; vấn đề dành cho bạn chọn lựa.
Điều thứ nhất cần phải hiểu về bản ngã là ở chỗ nó không tồn tại. Không ai tồn tại trong tách biệt cả. Bạn là một với sự tồn tại cũng như tôi, như Phật, như Jesus. Tôi biết điều đó, bạn không biết điều đó; khác biệt chỉ là ở nhận biết. Khác biệt là không tồn tại, không tồn tại chút nào! Cho nên bạn phải nhìn vào ý tưởng ngu đần này về tách biệt. Bây giờ nếu bạn bắt đầu cố gắng buông xuôi, bạn vẫn còn đeo mang cái ý tưởng về về tách biệt. Bây giờ bạn đang nghĩ, “Ta sẽ buông xuôi, bây giờ ta đang sắp buông xuôi” - nhưng bạn nghĩ bạn có đấy.
Khi nhìn vào trong chính ý tưởng tách biệt này, một ngày nào đó bạn sẽ thấy rằng bạn không tách biệt, vậy làm sao bạn có thể buông xuôi được? Không có ai để buông xuôi cả! Việc buông xuôi không có đó, không có chút nào - chưa bao giờ thấy ở bất kì đâu cả. Nếu bạn đi vào trong bản thân mình, bạn sẽ không tìm thấy người buông xuôi ở đâu cả. Trong khoảnh khắc đó lại là việc buông xuôi. Khi người buông xuôi không tìm thấy đâu, thì trong khoảnh khắc đó là việc buông xuôi. Bạn không thể làm ra điều đó. Nếu bạn làm điều đó, đấy là việc giả.
Từ cái giả chỉ có cái giả sinh ra. Bạn là giả, cho nên bất kì cái gì bạn làm cũng đều sẽ giả, giả hơn. Và cái giả này dẫn tới cái giả khác, và cứ thế mà tiếp diễn. Và cái giả nền tảng là bản ngã, cái ý tưởng, “Ta là tách biệt.”
Bạn hỏi: “Buông xuôi của tôi là hướng đích.” Bản ngã bao giờ cũng hướng đích. Nó bao giờ cũng tham lam, nó bao giờ cũng chộp lấy. Nó bao giờ cũng tìm kiếm thêm nữa, thêm nữa và thêm nữa; nó sống trong cái thêm nữa. Nếu bạn có tiền, nó muốn có nhiều tiền hơn; nếu bạn có nhà, nó muốn ngôi nhà to hơn; nếu bạn có một người phụ nữ, nó muốn có người phụ nữ đẹp, nhưng bao giờ cũng muốn nhiều hơn. Bản ngã thường xuyên đói. Nó sống trong tương lai và trong quá khứ.
Trong quá khứ nó sống như một kẻ tích trữ - “Ta có cái này và cái này và cái này.” Nó thoả mãn lắm khi: “Ta được cái gì đó” - quyền lực, danh vọng, tiền bạc. Nó cho điều đó là một loại thực tại. Nó đưa ra khái niệm rằng, “Khi ta có những thứ này, thì ta phải có đấy.” Và nó sống trong tương lai với cái ý tưởng nhiều nữa. Nó sống như kí ức và như ham muốn.
Mục đích là gì? Một ham muốn: “Ta phải đạt tới đó, ta phải là cái đấy, ta phải đạt tới.” Bản ngã không, không thể sống trong hiện tại, bởi vì hiện tại là thực còn bản ngã là giả - chúng chưa bao giờ gặp nhau. Quá khứ là giả, nó không còn nữa. Có thời nó có đấy, nhưng khi nó là hiện tại thì bản ngã không có đó. Một khi nó đã biến mất, không còn tồn tại nữa, bản ngã bắt đầu chộp lấy nó, tích luỹ nó. Nó vồ lấy và tích luỹ những thứ chết. Bản ngã là nấm mồ; nó thu thập các xác chết, những bộ xương chết.
Hay, nó sống trong tương lai. Lần nữa, tương lai lại chưa có - nó là tưởng tượng, hư cấu, mơ mộng. Bản ngã có thể sống với những cái đó nữa, rất dễ dàng; những cái giả đi với nhau một cách hoàn hảo, trôi chảy lắm. Bạn cứ đem bất kì cái gì tồn tại lại và bản ngã biến mất. Do đó mới có nhấn mạnh ở trong hiện tại, ở đây và bây giờ.
Ngay khoảnh khắc này... Nếu bạn thông minh thì chẳng cần phải nghĩ về điều tôi đang nói; bạn có thể đơn giản thấy vào trong nó ngay chính khoảnh khắc này! Bản ngã ở đâu? Có im lặng, và không có quá khứ, và không có tương lai, chỉ khoảnh khắc này... và con chó này sủa. Khoảnh khắc này, và bạn không có đấy. Bạn để khoảnh khắc này có đấy, còn bạn thì không có đấy. Và có im lặng mênh mông, có im lặng sâu lắng, bên trong và bên ngoài. Và thế thì không cần phải buông xuôi bởi vì bạn biết bạn không có đó. Việc biết rằng bạn không có đó chính là buông xuôi.
Vấn đề không phải là buông xuôi cho tôi, vấn đề không phải là buông xuôi cho Thượng đế. Vấn đề không phải là buông xuôi chút nào. Buông xuôi là sáng suốt, hiểu biết rằng, “Tôi không có đó.” Thấy ra, “Tôi không có đó, tôi là cái không, cái trống rỗng,” thì buông xuôi trưởng thành. Đoá hoa buông xuôi trưởng thành trên cây của trống rỗng. Nó không thể nào là hướng đích được.
Bản ngã là hướng đích. Bản ngã khao khát về tương lai. Nó có thể khao khát thậm chí cả kiếp sống khác, nó khao khát cõi trời, nó khao khát niết bàn. Nó khao khát cái gì cũng chẳng thành vấn đề - việc khao khát chính là cái đang đấy, việc ham muốn chính là cái đang đấy, việc phóng chiếu vào trong tương lai chính là cái đang đấy.
Nhìn nó đi! Nhìn vào trong nó đi! Tôi không nói nghĩ về nó. Nếu bạn nghĩ về nó thì bạn lỡ. Nghĩ lại có nghĩa là quá khứ và tương lai. Có cái nhìn vào nó - avalokita! - nhìn vào trong nó. Từ tiếng Anh cho nhìn có cùng gốc như avalokita. Nhìn vào trong nó, và làm điều ấy ngay bây giờ. Bạn đừng tự nhủ, ‘Được, mình sẽ về nhà và thực hiện điều đó.” Bản ngã đi vào, mục đích đã tới, tương lai đã đi vào. Bất kì khi nào thời gian đi vào, bạn lại rơi vào trong giả tưởng về tách biệt đó.
Ở đây, chính khoảnh khắc này. Và thế thì bạn bỗng nhiên thấy mình có đấy, mà bạn chẳng đi đâu cả, mà bạn chẳng tới bất kì đâu cả. Bạn bao giờ cũng ở đây. Ở đây là thời gian duy nhất, không gian duy nhất. Bây giờ là sự tồn tại duy nhất. Trong cái bây giờ đó, có buông xuôi. “Buông xuôi của tôi là hướng đích,” bạn nói, “Tôi buông xuôi để được tự do.”
Nhưng bạn là tự do! Bạn chưa bao giờ không tự do cả. Bạn là tự do, nhưng lần nữa lại có cùng vấn đề: bạn muốn được tự do, nhưng bạn không hiểu rằng bạn có thể tự do chỉ khi bạn tự do khỏi chính mình - không có tự do nào khác. Khi bạn nghĩ về tự do, bạn nghĩ dường như bạn sẽ có đó và tự do. Bạn không có đó; sẽ có tự do. Tự do có nghĩa là tự do khỏi cái ta, không phải là tự do của cái ta.
Khoảnh khắc nhà tù biến mất thì tù nhân cũng biến mất, bởi vì tù nhân chính là nhà tù! Khoảnh khắc bạn thoát khỏi nhà tù, bạn cũng không có đó. Có bầu trời thuần khiết, không gian thuần khiết. Không gian thuần khiết đó được gọi là niết bàn, moksha, giải thoát. Cố hiểu thay vì cố đạt tới.
“Tôi đang buông xuôi để được tự do.”
Thế thì bạn đang dùng buông xuôi như phương tiện, và buông xuôi là mục đích, là bản thân cái đích. Khi tôi nói buông xuôi là mục đích, tôi không nói rằng buông xuôi phải được đạt tới ở đâu đó trong tương lai. Tôi đang nói rằng buông xuôi không phải là phương tiện, tự nó là mục đích. Không phải là việc buông xuôi đem lại tự do, buông xuôi là tự do! Chúng là đồng nghĩa, chúng có nghĩa một thứ. Bạn đang nhìn vào cùng thứ từ hai góc khác nhau.
“Cho nên nó không phải là việc buông xuôi chút nào.”
Điều ấy không là thực mà cũng chẳng không thực. Điều ấy không phải là buông xuôi chút nào. Nó thậm chí cũng chẳng phải là không thực.
“Tôi đang quan sát nó, nhưng vấn đề là: đấy bao giờ cũng là cái ‘tôi’ người đang quan sát. Do đó mọi việc hiểu của cái quan sát đó chỉ làm mạnh thêm bản ngã. Tôi cảm thấy bị bản ngã mình lừa.”
Ai là cái ‘tôi’ này mà bạn đang nói tới, người cảm thấy bị lừa bởi bản ngã? Nó lại chính là bản thân bản ngã vậy. Bản ngã là cái mà nó có thể phân chia mình thành nhiều đoạn, nhiều phần, và thế rồi trò chơi bắt đầu. Bạn là kẻ đi săn và bạn là con mồi. Cũng giống như con chó cố gắng cắn đuôi mình, và cứ nhảy vòng tròn. Và bạn nhìn và bạn thấy cái ngớ ngẩn của nó - nhưng bạn thấy cái ngớ ngẩn, con chó thì không thể thấy được. Nó càng tìm đuôi thì lại càng khó cắn đuôi, nó lại càng trở nên điên dại, nó lại càng nhảy nhiều hơn. Cái nhảy càng nhanh và mạnh hơn thì đuôi cũng nhảy càng nhanh và mạnh hơn. Và con chó không thể nào nhận ra điều gì đang xảy ra: nó là kẻ vồ bắt vĩ đại thế về mọi thứ, thế mà cái đuôi tầm thường này, mà nó lại không thể nào vồ bắt được sao?
Đây chính là điều đang xảy ra cho bạn. Đấy là cái ‘tôi’ đang cố gắng vồ bắt, và người đó đồng thời là kẻ vồ bắt lẫn cái bị vồ. Thấy cái kì cục của nó đi, và chính trong cái nhìn thấy đó bạn sẽ được tự do với nó.
Chẳng có gì phải làm cả - không việc gì, tôi nói, bởi vì bạn đã là cái bạn muốn trở thành. Các bạn là chư phật, các bạn chưa bao giờ là cái gì khác. Thấy là đủ. Và khi bạn nói rằng, “Tôi đang quan sát,” lần nữa đấy lại là cái ‘tôi’. Quan sát, cái ‘tôi’ sẽ lại được tạo ra, bởi vì quan sát là hành động, có nỗ lực trong đó. Bạn đang quan sát - thế thì ai quan sát? Thảnh thơi đi. Trong thảnh thơi - khi không có gì cần phải quan sát và không có ai là người quan sát, khi bạn không bị phân chia thành nhị nguyên - có nảy sinh một phẩm chất khác của chứng kiến. Đấy không phải là quan sát, đấy chỉ là nhận biết thụ động; thụ động, tôi nói - nhớ lấy. Chẳng có gì năng nổ trong đó. Quan sát là rất năng nổ: nỗ lực cần có, bạn phải căng thẳng. Nhưng đừng căng thẳng, cứ thảnh thơi. Chỉ ở đó. Trong tâm thức đó khi bạn đơn giản ở đó, ngồi không làm gì, xuân tới và cỏ tự nó mọc lên.
Đó là toàn bộ cách tiếp cận phật giáo: rằng bất kì cái gì mà bạn làm cũng sẽ tạo ra và nâng cao người làm - quan sát cũng vậy, suy nghĩ cũng vậy, buông xuôi cũng vậy. Bất kì cái gì bạn làm cũng đều sẽ tạo ra bẫy. Chẳng cần cái gì phải được làm về phần bạn cả. Chỉ cần có đấy... và để mọi thứ xảy ra. Đừng cố gắng điều khiển, đừng cố gắng thao tác. Để cho cơn gió thoảng qua, để cho tia sáng mặt trời tới, để cho cuộc sống nhảy múa, và để cho cái chết tới và để cho nó nhảy múa trong bạn nữa.
Đây là ý nghĩa của tôi cho tính chất sannyas: đấy không phải là cái gì đó mà bạn làm, mà là khi bạn buông bỏ tất cả việc làm và bạn thấy cái ngớ ngẩn của việc làm. Bạn là ai để mà làm? Bạn chỉ là một con sóng trong đại dương này. Hôm nay bạn có đấy, ngày khác bạn sẽ biến mất; đại dương vẫn tiếp tục. Tại sao bạn phải lo nghĩ thế?
Bạn tới, bạn biến mất. Trong khi đó, với cái khoảng nhỏ bé này, bạn trở nên lo nghĩ và căng thẳng đến thế, và bạn mang tất cả những gánh nặng này trên đôi vai mình, rồi bạn mang những tảng đá trên trái tim mình - chẳng bởi lí do gì hết cả.
Bạn tự do ngay chính khoảnh khắc này! Tôi tuyên bố bạn đã chứng ngộ ngay chính khoảnh khắc này. Nhưng bạn không tin cậy vào tôi. Bạn nói, “Phải đấy, Osho, nhưng nói cho chúng tôi cách trở thành chứng ngộ.”
Việc trở thành đó, việc đạt tới đó, ham muốn đó, cứ tiếp tục nhảy trên mọi vật mà bạn có thể thấy. Đôi khi nó là tiền bạc, đôi khi nó là Thượng đế. Đôi khi nó là quyền lực, đôi khi nó là thiền - nhưng bất kì đối tượng nào, và bạn bắt đầu vồ lấy nó. Không vồ bắt là cách sống cuộc sống thực, cuộc sống đúng đắn, không vồ bắt, không sở hữu.
Để cho mọi việc xảy ra, để cho cuộc sống là việc xảy ra, và có niềm vui, có vui vẻ - bởi vì thế thì không có thất vọng bao giờ, bởi vì ngay chỗ đầu tiên bạn chưa bao giờ trông đợi vào bất kì cái gì. Bất kì cái gì tới cũng đều tốt, đều được hoan nghênh. Không có thất bại, không có thành công. Trò chơi thất bại và thành công đã bị loại bỏ. Mặt trời tới vào buổi sáng và đánh thức bạn, còn mặt trăng tới vào buổi tối và ca lên bài hát ru con và bạn đi ngủ. Cơn đói tới và bạn ăn, và cứ thế mãi. Đó là điều các thiền sư vẫn ngụ ý khi họ nói: Khi đói, ăn, khi buồn ngủ, ngủ và chẳng có gì khác phải làm cả.
Mà tôi cũng không dậy bạn bất hoạt. Không nói đừng đi và đừng làm, tôi không nói đừng kiếm cơm, tôi không nói từ bỏ thế giới và phụ thuộc vào người khác và trở thành kẻ bóc lột; không, không phải chút nào. Nhưng đừng là người làm. Thế đấy, khi bạn đói, bạn phải ăn, còn khi bạn phải ăn thì bạn phải ăn cơm - nhưng không có ai làm việc đó. Chính bản thân cơn đói đang làm việc; không có người nào khác làm việc đó. Chính bản thân cơn khát đang đưa bạn hướng tới giếng hay hướng tới sông. Chính bản thân cơn khát di chuyển; không có ai là cơn khát. Bỏ danh từ và đại từ trong cuộc sống của bạn và để động từ sống.
Phật nói: Chân lí là ở chỗ khi ông thấy một vũ công, thì không có vũ công mà chỉ có điệu vũ. Khi ông thấy sông, thì không có sông mà chỉ có việc sông chảy. Khi chúng ta thấy cây, thì không có cây mà chỉ có việc thành cây. Khi bạn thấy nụ cười, thì không có ai đang mỉm cười, chỉ có nụ cười, cái cười. Khi bạn thấy tình yêu, thì không có ai là người yêu mà chỉ có việc yêu. Cuộc sống là quá trình.
Nhưng chúng ta đã quen nghĩ dưới dạng danh từ tĩnh tại. Điều đó tạo ra rắc rối. Và chẳng có gì tĩnh tại cả - tất cả đều là một luồng và tuôn chảy. Tuôn chảy với điều này, tuôn chảy với dòng sông này, và đừng bao giờ là người làm. Thậm chí khi bạn đang làm, cũng đừng là người làm. Có việc làm nhưng không có người làm. Một khi sáng suốt này lắng đọng vào trong bạn, chẳng có gì khác cả.
Chứng ngộ không phải là cái gì giống như mục đích phải đạt tới. Nó chính là cuộc sống bình thường này, cuộc sống đơn giản này đang bao quanh bạn. Nhưng khi bạn không tranh đấu, cuộc sống bình thường này trở thành đẹp đẽ phi thường. Thế thì cây cối còn xanh hơn, thế thì chim chóc cất tiếng hót còn nhiều cung bậc hơn, thế thì mọi thứ đang xảy ra xung quanh đều là quí giá... thế thì đá cuội thông thường cũng là kim cương. Chấp nhận cuộc sống đơn giản này, thông thường này. Chỉ cần bỏ là người làm. Và khi tôi nói bỏ người làm, bạn cũng đừng trở thành người bỏ! Cứ nhìn vào trong thực tại này về nó, nó biến mất.
Câu hỏi thứ ba:
Osho kính yêu,
Liệu có khác biệt gì giữa ‘shunyavada’ của Nagarjuna và ‘avyakritopadesh’, giáo huấn không nói ra và không xác định nổi của Phật không?
Không có khác biệt chút nào. Nếu khác biệt dường như có đó, đấy chỉ là bởi vì cách phát biểu. Nagarjuna* là một triết gia vĩ đại, một trong những người vĩ đại nhất thế giới. Chỉ vài người trên thế giới, rất ít người, mới có phẩm chất xuyên thấu mà Nagarjuna có. Cho nên, cách nói của ông ấy là rất triết học, logic, tuyệt đối logic. Phật là nhà huyền môn, không phải triết gia. Cách nói của ông ấy thì mang nhiều tính thơ ca hơn là triết lí. Cách tiếp cận là khác, nhưng Nagarjuna nói đích xác hệt những điều như Phật nói. Cách phát biểu của họ chắc chắn là khác nhau, nhưng điều họ đang nói phải được hiểu.
Bạn hỏi - câu hỏi này là từ Omanath Bharti - “Liệu có khác biệt gì giữa shunyavada...” Shunyavada có nghĩa là lí thuyết, triết học về cái không. Trong tiếng Anh không có từ nào có thể tương đương, xấp xỉ tương đương, với shunya. Shunya có nghĩa là cái trống rỗng; nhưng không phải là cái trống rỗng tiêu cực, mà rất tích cực. Nó có nghĩa là cái không, nhưng nó không đơn giản nghĩa là cái không; nó có nghĩa là tính chất về cái không.
Shunya có nghĩa là hư vô, hư vô về mọi thứ. Nhưng bản thân cái hư vô có đấy, với sự hiện diện hoàn toàn, cho nên nó không chỉ là hư vô. Nó cũng tựa như bầu trời trống rỗng, chính là không gian thuần khiết, nhưng nó có đấy. Mọi thứ tới trong nó và đi, mà nó thì còn lại.
Shunya cũng tựa như bầu trời - sự hiện diện thuần khiết. Bạn không thể động chạm tới nó mặc dầu bạn sống trong nó. Bạn không thể thấy nó mặc dầu bạn chẳng bao giờ có thể hiện hữu mà không có nó. Bạn tồn tại trong nó; hệt như cá tồn tại trong đại dương, bạn tồn tại trong không gian, trong shunya. Shunyavada có nghĩa là mọi thứ nảy sinh ra từ cái không có gì.
Mới vài phút trước đây tôi đã nói cho các bạn về khác biệt giữa chân lí và thực tại. Thực tại có nghĩa là thế giới của các vật, còn chân lí có nghĩa là thế giới của cái không có gì, cái không - shunya. Tất cả mọi vật đều nảy sinh từ cái không và tan biến trở lại vào trong cái không.
Trong Upanishad có câu chuyện:
Svetaketu trở về nhà từ nhà thầy, trở về với bố mẹ mình. Anh ta đã học tất cả. Bố anh ta, Uddalaka, một triết gia lớn, nhìn vào anh ta và nói, “Svetaketu, con đi ra ngoài và đem quả của cây ở đằng kia lại đây.”
Anh ta đi ra ngoài, đem lại quả cây. Và người bố nói, “Đập nó ra. Con thấy gì trong nó?” Có nhiều hạt mầm trong nó. Rồi người bố lại nói, “Lấy một hạt và đập nó ra. Con thấy gì trong nó?”
Anh chàng ta nói, “Chẳng có gì ạ.” Thế là người bố nói, “Mọi thứ đều nảy sinh ra từ cái không này. Cái cây lớn này, lớn đến mức một nghìn chiếc xe bò kéo có thể ẩn dưới tán lá của nó, đã nảy sinh ra chỉ từ một hạt mầm. Và con đập hạt mầm ra và con chẳng thấy gì ở đó cả. Đây là điều bí ẩn của cuộc sống - mọi thứ đều nảy sinh từ cái không. Và rồi một ngày nào đó cái cây biến mất, và con cũng chẳng biết ở đâu; con không thể tìm thấy nó ở bất kì đâu.”
Con người cũng vậy: chúng ta nảy sinh từ cái không, và chúng ta là cái không, và chúng ta biến mất vào trong cái không. Đây là shunyavada.
Và avyakritopadesh của Phật, giáo huấn không nói ra và không định nghĩa nổi là gì? Nó cũng cùng là điều đó. Ông ấy chưa bao giờ làm cho nó thành rõ ràng về mặt triết học như Nagarjuna đã làm. Đó là lí do tại sao ông ấy chưa bao giờ nói về nó. Đó là lí do tại sao ông ấy lại nói nó là không thể nào xác định nổi; điều đó không thể nào được đem tới mức độ của ngôn ngữ. Ông ấy giữ im lặng về nó.
Bạn có biết Bài thuyết giảng Hoa không? Một hôm ông ấy tới với hoa sen trong tay và ngồi im lặng, chẳng nói điều gì. Và mười nghìn đệ tử có đó, mười nghìn khất sĩ bhikkhus có đó, và họ cứ đợi ông ấy nói điều gì đó, còn ông ấy thì cứ nhìn vào hoa sen. Có im lặng lớn lao, và thế rồi có bất an lớn nữa. Mọi người bắt đầu bồn chồn - “Ông ấy đang làm gì thế nhỉ? Ông ấy chưa bao giờ làm như thế trước đây.”
Thế rồi một đệ tử, Mahakashyapa*, mỉm cười. Phật gọi Mahakashyapa lại, trao cho ông ấy hoa sen, và nói với toàn thể hội chúng, “Điều có thể nói ta đã nói cho các ông, còn điều không thể nói ra được thì ta trao cho Mahakashyapa.”
Đây là avyakritopadesh, đây là thông điệp không xác định nổi. Đây là ngọn nguồn của thiền phật giáo, việc truyền trao. Cái gì đó đã được Phật truyền cho Mahakashyapa, điều gì đó là cái không; trên bình diện thấy được thì là cái không - không lời, không kinh sách, không lí thuyết - nhưng cái gì đó đã được truyền trao. Cái gì vậy?
Các thiền sư đã từng thiền về điều này suốt hai nghìn năm trăm năm: “Cái gì vậy? Cái gì đã được truyền trao? Cái gì đích xác đã được trao?” Trong thực tế, chẳng có gì đã được trao từ Phật sang Mahakashyapa; Mahakashyapa chắc chắn đã hiểu điều gì đó. Ông ấy đã hiểu im lặng, ông ấy đã hiểu im lặng xuyên thấu. Ông ấy đã hiểu khoảnh khắc sáng tỏ đó, khoảnh khắc vô suy nghĩ hoàn toàn đó. Ông ấy trở thành một, trong khoảnh khắc đó, với Phật. Đó là buông xuôi là gì. Không phải là ông ấy làm điều đó: Phật vẫn im lặng và ông ấy cũng im lặng, và những cái im lặng đó gặp nhau, và hai cái im lặng đó tan biến vào lẫn nhau. Và hai cái im lặng đó không thể vẫn còn tách biệt được, nhớ lấy, bởi vì cái im lặng không có biên giới, cái im lặng là vô biên, cái im lặng đơn giản là cởi mở, cởi mở từ mọi phía. Trong hội chúng vĩ đại mười nghìn sư có hai người im lặng vào ngày đó - Phật và Mahakashyapa. Những người khác vẫn còn ở ngoài.
Mahakashyapa và Phật gặp nhau: đó là là lí do tại sao ông ấy mỉm cười - bởi vì đó là buổi thuyết giảng lớn nhất mà Phật đã giảng. Không nói lấy một lời mà ông ấy đã nói tất cả, tất cả những cái có thể nói - và tất cả những cái không thể nói nữa.
Mahakashyapa đã hiểu và cười to. Trong cái cười đó Mahakashyapa biến mất hoàn toàn, trở thành vị phật. Ngọn lửa từ chiếc đèn của Phật đã nhảy sang Mahakashyapa. Điều đó được gọi là ‘việc truyền trao bên ngoài kinh sách’ - Buổi thuyết giảng Hoa. Đó là điều duy nhất trong lịch sử tâm thức con người. Đó là điều được gọi là avyakritopadesh: lời không nói, lời không thốt ra.
Im lặng trở thành bản chất thế, rắn chắc thế; im lặng trở thành thực thế, tồn tại đến thế; im lặng trở thành rõ ràng đến thế trong khoảnh khắc đó. Phật là cái không, Mahakashyapa cũng hiểu cái không nghĩa là gì, hoàn toàn trống rỗng nghĩa là gì.
Không có khác biệt giữa shunyavada của Nagarjuna và thông điệp không nói ra của Phật. Nagarjuna là một trong những đệ tử vĩ đại nhất của Phật, và là một trong những người hiểu biết sắc sảo nhất. Chỉ rất ít người – có thời là Socrates, Shankara - có thể sánh được với Nagarjuna. Ông ấy rất, rất thông minh. Điều tột bực mà người hiểu biết có thể làm là tự tử; điều vĩ đại nhất, đỉnh cao vĩ đại nhất mà có thể tới cho người hiểu biết là vượt ra ngoài chính mình - đó là điều Nagarjuna đã làm. Ông ấy đã vượt qua tất cả các lĩnh vực của hiểu biết, và vượt ra ngoài.
Các nhà thực chứng logic nói rằng cái không đơn thuần là trừu tượng. Trong những thể nghiệm khác nhau của những câu phủ định - chẳng hạn: cái này không ngọt, tôi không khoẻ, tôi không ở đó, anh ấy không thích tôi vân vân và vân vân - thì phủ định không có bản chất của riêng nó. Đây là điều các nhà thực chứng logic nói. Phật không đồng ý, Nagarjuna không đồng ý. Martin Heidegger, một trong những người hiểu biết sâu sắc nhất của thời hiện đại, cũng không đồng ý.
Heidegger nói có một kinh nghiệm thực tại về cái không. Đấy không phải chỉ là cái gì đó do ngôn ngữ tạo ra; có một kinh nghiệm thực tại về cái không. Nó nhất định không tách rời với sự hiện hữu. Kinh nghiệm xác nhận cho điều này là kinh nghiệm về khiếp hãi.
Kierkegaard, triết gia Đan mạch, cũng hỏi, “Cái không tạo ra hiệu quả gì?” và trả lời, “Nó gây ra khiếp hãi.” Cái không là một kinh nghiệm thực tại. Hoặc bạn có thể kinh nghiệm nó trong thiền sâu, hoặc khi cái chết tới. Chết và thiền là hai khả năng kinh nghiệm nó. Thế đấy, đôi khi bạn có thể kinh nghiệm nó cả trong tình yêu nữa. Nếu bạn tan biến trong ai đó trong tình yêu sâu sắc thì bạn có thể kinh nghiệm một loại cái không. Đó là lí do tại sao người ta sợ tình yêu - họ chỉ đi sâu thế, rồi hoảng sợ nổi lên, thế là họ sợ. Đó là lí do tại sao rất ít người vẫn còn cực thích - bởi vì cực thích cho bạn kinh nghiệm về cái không. Bạn biến mất, bạn tan ra trong cái gì đó và bạn không biết nó là gì. Bạn đi vào trong cái không xác định nổi, avyakrit. Bạn vượt ra ngoài xã hội. Bạn đi vào trong một đơn vị nào đó nơi tách biệt là không hợp lệ, nơi bản ngã không tồn tại. Và điều đó gây ra sợ, bởi vì nó giống như chết.
Cho nên nó là kinh nghiệm, hoặc trong tình yêu, cái mà mọi người đã học để tránh né - cho nên biết bao nhiêu người cứ khao khát mãi tình yêu, và cứ phá huỷ tất cả các khả năng cho nó bởi vì sợ cái không - hay, trong thiền sâu khi ý nghĩ dừng lại. Bạn đơn giản thấy chẳng có gì bên trong cả, nhưng cái không đó có sự hiện diện; nó không đơn giản là việc thiếu vắng ý nghĩ, nó là sự hiện diện của cái gì đó chưa biết, bí ẩn, một cái gì đó rất lớn lao. Hay, bạn có thể kinh nghiệm nó trong cái chết, nếu bạn tỉnh táo. Mọi người thường chết trong vô ý thức. Nếu bạn chết có ý thức... Và bạn có thể chết có ý thức chỉ khi bạn chấp nhận hiện tượng chết, và bởi điều đó mà người ta phải học trong toàn bộ cuộc sống, để chuẩn bị. Người ta phải yêu để sẵn sàng chết, và người ta phải thiền để sẵn sàng chết. Chỉ người đã yêu và thiền mới có thể chết có ý thức. Và một khi bạn chết có ý thức thế thì chẳng cần cho bạn phải quay lại nữa, bởi vì bạn đã học bài học cuộc sống. Thế thì bạn tan biến trong cái toàn thể; đó là niết bàn.
Những nhà thực chứng logic nhìn rất logic, nhưng họ bỏ lỡ điều gì đó - bởi vì thực tại thì còn nhiều hơn là logic. Trong kinh nghiệm thông thường chúng ta chỉ đi tới điều họ nói: cái ghế này ở đây, nó sẽ bị bỏ đi, thế thì bạn sẽ nói không có ghế ở đó. Điều đó đơn giản chỉ ra việc thiếu vắng - cái ghế đã bị bỏ đi. Đây là những thí dụ thông thường về cái không: có thời đã có một ngôi nhà và thế rồi nó đã bị triệt phá, nó không còn ở đấy nữa. Nó chỉ là sự thiếu vắng.
Nhưng có cái không nằm sâu ở bên trong bản thể bạn, tại chính cốt lõi. Tại chính cốt lõi cuộc sống, cái chết tồn tại. Cái chết là trung tâm của cơn xoáy lốc. Trong tình yêu bạn tới gần điều đó, trong thiền bạn tới gần điều đó, trong cái chết vật lí bạn cũng tới gần điều đó. Nó chính là việc đem lại cuộc sống, nó chính là việc nâng cao cuộc sống. Người không thể ngủ sâu sẽ trở nên ốm yếu, bởi vì chỉ trong giấc ngủ sâu, khi người đó chết đi trong độ sâu nhất của mình, người đó mới thu lại cuộc sống, năng lượng, sức sống. Buổi sáng người đó lại tươi tắn và đầy say mê, thích thú - sống động, lại sôi nổi.
Học chết đi! Đó là nghệ thuật lớn lao nhất cần phải học, kĩ năng lớn lao nhất có đó.
Quan điểm của Heidegger tới rất gần với quan điểm của Phật, và ngôn ngữ của ông ấy rất hiện đại, đó là lí do tại sao tôi trích dẫn ông ấy. Ông ấy nói: “Mọi sinh linh, chừng nào đấy vẫn còn là một sinh linh, đều được tạo nên từ cái không.” Có cả song hành với học thuyết Ki tô giáo nữa - rất lôi thôi, bởi vì các nhà thượng đế học Ki tô giáo không thể đảm đương được điều đó, nó là quá nhiều. Học thuyết đó là creatio ex nihilo: sự sáng tạo là từ cái không.
Nếu bạn hỏi nhà vật lí hiện đại, ông ta sẽ đồng ý với Phật: bạn càng đi sâu hơn vào vật chất, mọi vật bắt đầu biến mất. Một khoảnh khắc tới, khi nguyên tử bị phân chia - vật hoàn toàn biến mất. Thế thì có các điện tử, nhưng chúng không còn là vật nữa, chúng là cái không vật. Rất khó để hiểu. Nhưng vật lí, vật lí hiện đại, đã tới rất gần với siêu hình - bởi vì nó tới ngày một gần hơn với thực tại hàng ngày. Nó đang tiến qua vật chất, nhưng đi tới cái không. Bạn biết vật chất không tồn tại nữa trong vật lí hiện đại. Vật chất chỉ là ảo tưởng: nó chỉ xuất hiện, nó không có đó. Tính rắn chắc của nó, cái chất liệu của nó, là ảo tưởng; chẳng có gì là bản chất cả, tất cả đều là luồng và năng lượng. Vật chất không là gì ngoài năng lượng. Và khi bạn đi sâu hơn vào trong năng lượng, thì năng lượng cũng không phải là vật, nó là cái không-vật.
Cái chết là điểm mà tại đó tri thức thành giả tạm, và chúng ta trở thành cởi mở với bản thể - cái đã từng là kinh nghiệm của phật tử qua nhiều thời đại. Phật hay phái các đệ tử của mình, khi có một ai đó chết, đến xem thân thể đang cháy trên dàn hoả thiêu: “Thiền ở đó đi, thiền về cái không của cuộc sống.” Cái chết là điểm mà tại đó tri thức thành giả tạm, và khi tri thức thành giả tạm thì tâm trí cũng giả nốt. Và khi tâm trí là giả thì có khả năng chân lí thấm vào bạn.
Nhưng mọi người không biết. Khi ai đó chết đi bạn không biết phải làm gì, bạn rất bối rối. Khi ai đó chết đi, đấy là khoảnh khắc lớn lao để thiền.
Tôi bao giờ cũng nghĩ rằng mỗi thành phố đều cần một Trung tâm chết. Khi ai đó hấp hối và cái chết của người đó là sắp xảy ra đến nơi, người đó nên được chuyển vào Trung tâm chết. Nó nên là một ngôi đền nhỏ nơi những người có thể đi sâu vào thiền nên ngồi quanh người đó, giúp người đó chết, và nên thực hành trong bản thể người đó khi người đó tan biến trong cái không. Khi ai đó biến mất trong cái không, năng lượng lớn được thoát ra. Năng lượng đã có đó, bao quanh người ấy, đang thoát ra. Nếu bạn ở trong không gian im lặng quanh người đó, bạn sẽ tiếp tục cuộc hành trình lớn. Không trạng thái phiêu diêu nào có thể đưa bạn tới được chỗ đó.
Người này tự nhiên để thoát ra năng lượng lớn; nếu bạn có thể hấp thu năng lượng đó, bạn cũng sẽ có một loại chết cùng với người đó. Và bạn sẽ thấy điều tối thượng - ngọn nguồn và cái đích, cái bắt đầu và cái kết thúc.
“Con người là sinh linh mà qua đó cái không đi vào trong thế giới,” Jean-Paul Sartre nói. Tâm thức không phải là vật này hay vật kia, nó không phải là bất kì vật nào cả; nhưng có chắc nó là bản thân nó không? “Không,” Sartre nói, “chính xác vấn đề là không. Tâm thức chưa bao giờ đồng nhất với chính mình. Do vậy, khi tôi phản xạ bản thân mình, thì cái ta được phản xạ là khác cái ta phản xạ. Khi tôi cố gắng phát biểu tôi là gì, tôi thất bại, bởi vì trong khi tôi đang nói, cái tôi đang nói trượt vào trong quá khứ và trở thành cái tôi đã là. Tôi là quá khứ của mình và tương lai của mình, vậy mà tôi lại không có. Tôi đã từng là người này, và tôi sẽ là người khác. Nhưng trong hiện tại, có cái không.”
Nếu ai đó hỏi bạn, “Bạn là ai?” thì bạn sẽ định nói gì nào? Hoặc bạn có thể trả lời từ quá khứ, mà không còn nữa, hoặc bạn có thể trả lời từ tương lai, cái mà bạn còn chưa có. Nhưng ngay khoảnh khắc này bạn là ai? Không ai cả, cái không. Cái không này là chính cốt lõi, tâm điểm - tâm điểm của bản thể bạn.
Cái chết không phải là chiếc rìu đốn ngã cây cuộc sống, nó là quả trưởng thành trên cây đó. Cái chết chính là chất liệu tạo nên bạn. Cái không là chính bản thể của bạn. Việc đạt tới cái không này hoặc là qua tình yêu hoặc là qua thiền, và người ta cứ có thoáng nhìn về nó. Đây là điều Nagarjuna ngụ ý bởi shunya. Đây là điều Phật truyền trao cái ngày hôm ấy khi ông ấy tiến hành Buổi thuyết giảng Hoa. Đây là điều Mahakashyapa đã hiểu khi ông ấy cười to. Ông ấy thấy cái không, và thuần khiết của nó, hồn nhiên của nó, hồn nhiên nguyên thuỷ của nó, toả sáng của nó, bất tử của nó - bởi vì cái không không thể chết được. Mọi thứ đều chết; cái không là bất tử, vĩnh hằng.
Nếu bạn bị đồng nhất với bất kì cái gì, bạn sẽ phải chịu đựng cái chết. Nhưng nếu bạn biết rằng bạn là cái chết, làm sao bạn có thể phải chịu đựng cái chết? Thế thì chẳng cái gì có thể phá huỷ được bạn; cái không là không thể huỷ diệt nổi.
Một chuyện ngụ ngôn của phật giáo kể rằng Diêm vương hỏi một linh hồn mới tới liệu trong khi sống người đó có gặp ba người đưa tin của cõi trời không. Và khi người đó trả lời, “Không, tâu Diêm vương, tôi không gặp,” thì ông ấy lại hỏi liệu người đó có gặp một ông già còng lưng vì tuổi tác, hay một người nghèo khó ốm yếu không bè bạn, hay một người chết không?
Phật tử gọi ba loại người này là ‘ba người đưa tin của Thượng đế’: tuổi già, bệnh tật, cái chết - ba người đưa tin của Thượng đế. Tại sao? - bởi vì chỉ qua những kinh nghiệm này trong cuộc sống mà bạn mới trở nên nhận biết về cái chết. Và nếu bạn trở nên nhận biết về cái chết và bạn bắt đầu học cách đi vào trong nó, cách thức đón chào nó, cách thức tiếp nhận nó, bạn được thoát khỏi cảnh nô lệ, thoát khỏi bánh xe sống và chết.
Heidegger nói, và Soren Kierkegaard cũng nói thế, rằng cái không tạo ra khiếp sợ. Đấy mới chỉ là một nửa câu chuyện. Bởi vì hai người này chỉ là các triết gia, đó là lí do tại sao điều ấy lại tạo ra khiếp sợ. Nếu bạn hỏi Phật, Mahakashyapa, Nagarjuna, nếu bạn hỏi tôi, thì cái chết được nhìn với chỉ một phần sẽ tạo ra khiếp sợ; được nhìn một cách tuyệt đối, toàn bộ, thì nó giải phóng bạn khỏi mọi khiếp sợ, khỏi mọi đau khổ, khỏi mọi lo âu, nó giải phóng bạn khỏi luân hồi samsara... bởi vì nếu bạn nhìn một phần thôi, nó tạo ra sợ hãi rằng bạn đang sắp chết, rằng bạn sẽ trở thành cái không, rằng chẳng mấy chốc bạn sẽ biến mất. Và tự nhiên bạn cảm thấy bồn chồn, run rẩy, mất gốc. Nếu bạn nhìn vào cái chết một cách toàn bộ, thế thì bạn biết bạn là cái chết, bạn được tạo nên từ nó. Cho nên chẳng có gì sắp biến mất cả, chẳng có gì sắp còn lại cả. Chỉ cái không là có đấy.
Phật giáo không phải là tôn giáo yếm thế như nhiều người đã từng coi là vậy. Phật giáo là cách thức gạt bỏ cả lạc quan và bi quan, gạt bỏ nhị nguyên.
Bắt đầu thiền về chết đi. Và bất kì khi nào bạn cảm thấy cái chết tới gần, đi vào trong nó qua cánh cửa tình yêu, qua cánh cửa thiền, qua cánh cửa của người đang chết. Và nếu một ngày nào đó bạn sắp chết - và ngày ấy đang tới qua từng ngày một - đón nhận nó trong vui vẻ, phúc lành. Và nếu bạn có thể đón nhận cái chết trong vui vẻ và phúc lành, bạn sẽ đạt tới đỉnh lớn lao nhất, bởi vì cái chết là đỉnh cao của cuộc sống. Ẩn giấu trong nó là cực thích lớn nhất, bởi vì ẩn giấu trong nó là tự do lớn nhất.
Cái chết đang làm tình với Thượng đế, hay Thượng đế đang làm tình với bạn. Cái chết là cực thích toàn bộ, vũ trụ. Cho nên vứt tất cả những ý tưởng rằng bạn đang mang cái chết đi - chúng là nguy hiểm. Chúng làm cho bạn đối kháng với kinh nghiệm lớn lao nhất mà bạn cần phải có. Nếu bạn để lỡ cái chết, bạn sẽ được sinh ra nữa.
Chừng nào mà bạn còn chưa học được cách chết, bạn sẽ còn tiếp tục được sinh ra nữa và nữa và nữa. Đây là bánh xe, luân hồi samsara, thế gian. Một khi bạn đã biết đến cực thích lớn nhất, thế thì không cần nữa; bạn biến mất, và bạn vẫn còn trong cực thích đó mãi mãi. Bạn không còn giống bạn, bạn không còn như một thực thể, bạn không còn được xác định, được đồng nhất với bất kì cái gì. Bạn vẫn còn như một tổng thể, không phải như bộ phận.
Đây là shunyavada của Nagarjuna, và đây cũng là thông điệp không nói ra, lời không nói ra của Phật. Chúng cả hai là một.
Câu hỏi cuối cùng:
Osho kính yêu, tôi sợ làm sannyasin, mặc dầu tôi bị hấp dẫn ghê lắm. Tôi sợ bởi vì chồng. Tôi nghĩ anh ấy sẽ có thể không hiểu điều đó.
Bạn không kính trọng mấy với chồng mình. Bạn có cho là anh ấy ngu đần hay cái gì đó như thế không? Tại sao anh ấy không thể nào hiểu được điều đó? Nếu anh ấy yêu bạn, anh ấy sẽ hiểu điều đó. Tình yêu là hiểu biết.
Nếu anh ấy không yêu bạn, thế thì dù bạn có làm sannyasin hay không, anh ấy cũng chẳng định hiểu bạn. Điều thứ hai: nếu anh ấy không hiểu tính chất sannyas của bạn, đấy là vấn đề của anh ấy. Bạn có cuộc sống của bạn. Chớ bao giờ thoả hiệp, nếu không bạn sẽ bị lỡ nhiều lắm đấy. Đừng bao giờ thoả hiệp! Nếu bạn cảm thấy thích trở thành sannyasin, trở thành sannyasin đi. Nhận lấy mạo hiểm đi. Nếu anh ấy yêu bạn thì không có vấn đề gì, anh ấy sẽ hiểu - bởi vì tình yêu đem lại tự do. Nếu anh ấy không yêu bạn thế thì sẽ có khó khăn cho anh ấy, bởi vì anh ấy sẽ cảm thấy bạn đang thoát ra khỏi sở hữu của anh ấy. Nhưng cúi mình trước khả năng như thế là tự tử. Đó là vấn đề của anh ấy. Bạn phải sống cuộc sống của bạn, anh ấy phải sống cuộc sống của anh ấy.
Không ai nên cố gắng áp đặt điều gì lên người khác. Nhưng cảm giác của tôi là ở chỗ bạn chắc phải cũng đang áp đặt mọi thứ lên anh ấy, đó là lí do tại sao bạn sợ. Nếu bạn không áp đặt điều gì lên anh ấy, bạn có thể độc lập. Nhưng đây là thu xếp đôi bên: mọi người là nô lệ lẫn cho nhau, và bất kì khi nào bạn làm nô lệ của ai đó, thì nhớ lấy, bạn đang làm cho ai đó thành thầy của bạn nữa.
Đấy là thu xếp lẫn nhau. Bạn phải cố gắng thao túng chồng mình, bạn phải cố gắng áp đặt mọi thứ lên anh ấy, bạn phải làm cho anh ấy thành què quặt. Bây giờ bạn muốn được độc lập, anh ấy sẽ khẳng định sự độc lập của mình nữa. Thế thì anh ấy sẽ thích đi theo đường riêng của mình, và điều đó bạn không thể chịu được. Đó là sợ hãi thật.
Nhưng nếu bạn không làm điều gì đó mà bạn thích, cái điều bạn muốn làm, cái điều bạn muốn có, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ cho anh ấy. Và bạn sẽ trả thù, và bạn sẽ giận dữ, và bạn sẽ cuồng nộ - bởi vì bạn sẽ thường xuyên nghĩ bạn muốn trở thành sannyasin, và chỉ tại mỗi con người này... Và bạn sẽ cảm thấy bị nhốt vào cũi, bị cầm tù. Không ai thích bị cầm tù cả. Thế thì người ta ghét người là nguyên nhân cho cầm tù của mình, thế thì người ta cố gắng trả thù theo nhiều cách tinh vi. Điều đó sẽ phá huỷ hôn nhân của bạn.
Đừng bao giờ tạo ra tình huống như thế mà trong đó bạn không thể nào tha thứ được cho người khác. Chỉ hai người độc lập mới có thể tha thứ được cho nhau. Các nô lệ không thể tha thứ được. Và ai mà biết được, điều đó có thể giúp đỡ cho anh ấy nữa, theo cách nào đó.
Tôi đã đọc một chuyện tiếu lâm hôm nọ:
Hai nhà thám hiểm gặp nhau trong vùng hoang dã Amazon. Việc trao đổi sau đây xảy ra.
Nhà thám hiểm thứ nhất: “Tôi đã đến đây bởi vì thôi thúc đi lang thang trong máu mình. Nền văn minh làm tôi ốm yếu. Tôi thích thấy tự nhiên dưới dạng nguyên sơ của nó. Tôi thích đặt dấu chân mình lên những nơi mà con người còn chưa từng tới trước đây. Anh thì sao? Tại sao anh tới đây?”
Nhà thám hiểm thứ hai: “Vợ tôi đã trở thành sannyasin của Osho, và cô ấy đang luyện Thiền Động vào buổi sáng và Kundalini vào buổi tối - đó là lí do tại sao!”
Nhưng tốt! Nếu chồng bạn đi tới Amazon và trở thành nhà thám hiểm, điều này đang cho anh ta cơ hội tốt để làm điều gì đó.
Đủ cho hôm nay.
* Trong các kinh sách cổ của Việt Nam vẫn dịch là Long Thọ bồ tát
* Trong các kinh sách cổ của Việt Nam vẫn dịch là Mahacadiếp
Nhận xét
Đăng nhận xét