Chương 9. Lý luận đà điểu

Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại nhất 
Lý luận đà điểu
Osho


Chương 9. Lý luận đà điểu


Osho yêu quý,

Cách đây không lâu chính phủ Anh đã từ chối không cho ông nhập cảnh, thậm chí chỉ là nghỉ qua đêm, với lý do là 'vì lợi ích công cộng'. Chỉ mấy tuần sau đó người đứng đầu chính phủ này đã cho phép máy bay ném bom của Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của mình để tấn công Libya. Bà thủ tướng biện minh cho quyết định ủng hộ việc Mỹ đánh bom các thành phố ở khu vực Trung Đông rằng, trách nhiệm của bà ta là 'ngăn chặn quân khủng bố'. Quan niệm về tốt xấu của chính phủ Anh xem ra lại là thứ nước đôi. Xin ông hãy nhận xét.

Ta cần hiểu rằng mọi chuyện đều có mối liên hệ với nhau, không tách rời; chính vì thế mà những việc có vẻ là tốt đối với người này nhưng lại là xấu đối với người khác. Và không hề có mâu thuẫn trong chuyện này: cả hai đều có thể đúng.

Tốt xấu là do định kiến của bạn thôi.

Chính phủ Anh cho rằng việc tôi nhập cảnh vào Anh dù chỉ là để nghỉ qua đêm cũng không phù hợp với lợi ích công cộng. Cũng chính phủ đó lại sẵn sàng cho phép không lực Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của mình để phá hủy một đất nước nhỏ bé như Libya, và có lẽ đối với chính phủ Anh thì việc này lại phù hợp với lợi ích công cộng.

Không có gì thiếu nhất quán ở đây cả. Trong mắt họ, xã hội của họ, văn hóa của họ, tôn giáo của họ, đất nước của họ phải được bảo vệ bằng bất kỳ giá nào, vì họ tin rằng họ đại diện cho lẽ phải - dù chính phủ Anh đã gây đau khổ cho nhân loại nhiều hơn bất kỳ chính phủ nào khác trên thế giới. Suốt 300 năm họ đã là những kẻ khủng bố kinh hoàng nhất có thể; họ đã giết hàng triệu người trên khắp thế giới, họ đã dựng nên một đế chế hùng mạnh nhất lịch sử. Chính phủ này hoàn toàn có cùng nhất trí với hệ tư tưởng đế quốc chủ nghĩa của Mỹ.

Họ buộc phải trả tự do cho các thuộc địa của mình, không chút vui mừng hay tự nguyện. Những nước thuộc địa đã phải tranh đấu gần cả thế kỷ mà không hề có một dạng quân đội nào. Người ta tàn sát người dân các nước thuộc địa, không chút bận tâm đến giá trị con người.

Tôi nhớ ở Ấn Độ từng xảy ra một chuyện có thể coi là vô nhân đạo nhất trong lịch sử. Ở Amritsar, thánh địa của người Sikh có một công viên rất đẹp có sức chứa ít nhất một triệu người tụ tập, hội họp hay thảo luận. Và nó được sử dụng với mục đích đó. Nó có một bức tường rất cao để tiếng ồn xe cộ không lọt vào khuôn viên và chỉ có duy nhất một cửa nhỏ đủ cho một người đi lọt; hai người không thể cùng lúc đi qua được.

Trong công viên đang diễn ra một cuộc họp kín với gần một triệu người tham dự - đủ cả trẻ con, phụ nữ, người già. Họ cầu nguyện rằng, 'Chính phủ Anh sẽ thay đổi tấm lòng và sẽ ra khỏi đất nước chúng ta'. Đó không phải là khủng bố; họ chỉ đơn giản cầu nguyện cho người ta thay đổi tấm lòng. Thế nhưng tên đại tá Dyer, kẻ phụ trách khu vực này, đã cùng lính tráng ập đến và nã súng máy vào đám người đang cầu nguyện kia - chúng coi lời cầu nguyện đó là cuộc cách mạng chống lại đế chế của mình!

Chỉ có một cánh cửa và từ cánh cửa đó chúng nã súng tán loạn, không cần phân biệt trẻ con, phụ nữ hay người già. Và không ai trốn thoát được - bức tường bao quanh công viên quá cao. Dyer đã tàn sát toàn bộ số người đó; không một ai sống sót ra khỏi cánh cửa kia. Trên chính đất nước của mình, họ bị người Anh khủng bố, cai trị, bóc lột.

Ấn Độ từng là một đất nước giàu có, hàng ngàn năm qua được biết đến là 'con chim vàng' - Pythagoras, Alenxandre Đại Đế đã nói về Ấn Độ như thế. Nhiều lần bị xâm lăng, nhưng Ấn Độ dường như vẫn giữ được sự trù phú giàu sang của mình. Người ta đến, xâm chiếm đất nước này, cướp bóc của cải, cưỡng hiếp phụ nữ...

Chuyện này diễn ra hàng ngàn năm rồi; và người Anh là những tên xâm lược cuối cùng. Suốt 300 năm họ vắt kiệt sự giàu có của đất nước Ấn Độ cho đến giọt cuối cùng. Và người dân Ấn Độ thậm chí còn không được cầu nguyện cho một sự chuyển biến trong trái tim họ - việc này bị coi như là hành động chống lại đế chế Anh. Và chúng không cần một vị quan tòa nào, một vị thẩm phán nào, hay một cuộc xét xử nào. Chỉ... đơn giản là quyết định của một tên đại tá đã đủ giết chết cả triệu con người tội nghiệp kia!

Chính phủ Anh là một trong những hiện tượng tệ hại nhất mà chúng ta từng thấy. Nó đã tạo dựng nên đế chế rộng lớn nhất - người ta nói rằng mặt trời không bao giờ lặn trên nước Anh. Đúng như vậy, bởi đế chế này có thuộc địa trên khắp thế giới. Chỗ này mặt trời lặn nhưng chỗ khác lại đang là bình minh; không có lúc nào đứt đoạn cả. Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh.

Những kẻ thực dân này có mối đồng cảm, tình bằng hữu sâu sắc với Mỹ. Hẳn nhiên vì lợi ích công cộng nên họ mới cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của mình để phá hủy một đất nước nhỏ bé khác.

Nhưng tại sao lại phá hủy Libya? Vì người lãnh đạo Libya lúc bấy giờ là một trong những chính trị gia thẳng thắn nhất trên thế giới. Mới mấy ngày trước đó thôi Kaddafi đã gọi Ronald Reagan là 'Adolf Hitler thứ hai'. Và tôi, nếu nhận xét về chuyện này, tôi sẽ nói rằng Kaddafi đã sai. Và ông ấy sẽ nhất trí với tôi thôi khi ông ấy hiểu ra lý do tại sao tôi lại bảo ông ấy sai: chính Adolf Hitler mới là người thứ hai. Ronald Reagan là Adolf Hitler thứ nhất. Bản thân Adolf Hitler có quyền lực gì nào? Reagan có quyền lực mạnh gấp hàng triệu lần. Adolf Hitler không thể phá hủy cả thế giới; Reagan thì có thể.

Đối với chính phủ Anh, việc cho phép Reagan sử dụng căn cứ ở Anh là để phục vụ lợi ích công cộng. Cả hai chính phủ này đều là thực dân, đều có cùng tư tưởng bóc lột, đều nhất trí rằng không nên để cho chủ nghĩa cộng sản tồn tại trên thế giới này, đều nhất trí rằng Ki-tô giáo phải là tôn giáo dẫn dắt loài người trên quả đất này: hiển nhiên Ronald Reagan là một người bạn, dẫu cho ông ta có hành động vô nhân đạo mà hậu quả của nó có thể châm ngòi cho thế chiến thứ ba.

Tôi hiểu Kaddafi. Ông ấy không phải loại người chịu đứng nhìn. Và ông ấy đã không đứng nhìn. Ông ấy lãnh đạo một đất nước nhỏ bé nhưng ông không chỉ là một chính trị gia, ông còn là một chiến binh. Đối với ông, thà cả đất nước ông hy sinh chứ không chịu làm nô lệ. Và tôi tán dương ông vì ông là người tiên phong. Ông đáp trả rất tốt. Bây giờ ông ấy đang đánh bom các căn cứ của Mỹ trên khắp châu Âu. Ông ấy đã đánh bom vào Tây Ban Nha; ở những nước mà ông ấy dự định sẽ cho đánh bom - ở Hy Lạp... bất kỳ nơi nào thuộc châu Âu mà có căn cứ của Mĩ, ông ấy sẽ đánh bom vào đó. Và ông ấy cảm thông với tất cả những đất nước bị chà đạp. Ông ấy sẽ nổi dậy thành người lãnh đạo thế giới.

Ronald Reagan có quyền lực nhưng ông ta không có lòng cảm thông.

Chính phủ Anh lo sợ tôi. Chỉ một đêm dừng chân ở phi trường - tôi không hề xin nhập cảnh vào nước này - và họ từ chối tôi dù làm như vậy là không đúng luật của chính họ. Họ biện minh rằng việc này không phù hợp với lợi ích công cộng; rằng một đêm thôi cũng đủ cho tôi phá hủy nền đạo đức của họ, tôn giáo của họ, tất cả những lợi ích thiết thân của họ!

Cũng dễ hiểu thôi: tôi chống lại chủ nghĩa thực dân mà. Tôi chống lại việc bóc lột con người, bóc lột đồng loại mình. Tôi chống lại việc tra tấn người ta chỉ để nắm giữ quyền lực. Có lẽ họ sợ rằng chỉ một đêm thôi cũng đủ cho các sannyasin của tôi trên khắp nước Anh tập hợp lại... chỉ cần một đêm cũng đủ để đem lại cho họ một cái nhìn mới, một cuộc sống mới đi ngược lại với mọi giá trị truyền thống.

Và đây là sự thông đồng. Không chỉ có Anh chịu trách nhiệm cho chuyện này. Tất cả những người đang sống dựa vào những giá trị truyền thống cũng thực sự sợ hãi - rằng con người không chút quyền lực nào ngoại trừ khả năng chỉ cho người ta hiểu rằng đau khổ của họ xuất phát từ những lý tưởng sai lầm của họ, và những lý tưởng sai lầm đó lại được chính phủ và nhà thờ của họ nhấn mạnh. Đó là một sự thông đồng.

Tất cả các chính phủ châu Âu đều nhất trí ở một điểm là tôi không được phép hạ cánh xuống sân bay của họ. Họ không hiểu rằng điều đó cho thấy họ là kẻ chiến bại, rằng họ đã chịu thua rồi. Họ đã tự chứng minh là họ không còn cách nào cứu vãn cho tôn giáo, đạo đức, chính trị của họ, tất cả đều thối nát cả rồi.

Và họ sợ rằng giới trẻ của họ sẽ đi theo tôi mà không ủng hộ họ. Tôi có thể đưa ra một thách thức công khai trước bất kỳ đất nước nào: Hãy để tôi nói chuyện với thanh niên ở đất nước các ông, các ông cũng sẽ nói chuyện với những người trẻ tuổi đó, và hãy để cho những người chủ tương lai này tự quyết định. Các chính phủ này hoàn toàn hiểu rằng họ không thể bảo vệ được những gì họ tin tưởng.

Những nỗ lực ngăn chặn tôi là dấu hiệu tốt; là những tin tốt lành. Nó có nghĩa là họ đã chấp nhận thất bại; nếu không thì họ sợ gì? - lẽ ra họ đã có thể để tôi nói chuyện với người dân của họ. và họ cũng có các vị giám mục, giáo hoàng và mục sư của mình, những người lẽ ra đã có thể đánh bật những lý lẽ của tôi; đó mới là hành động có văn hóa, có tính người.

Vâng, việc này không phù hợp với lợi ích của xã hội thối nát của họ. Nó có thể rung lên hồi chuông tử thần. Nhưng họ không thể ngăn chặn tôi. Tôi không phải là người sẽ phá sập sự thối nát của họ mà chính thời gian sẽ làm việc đó, thời gian không ủng hộ họ. Nếu không phải là tôi thì một người nào đó sẽ phải làm việc này.

Người ta không thể bảo vệ mãi những xã hội, chính phủ và tôn giáo đó. Chúng đã mất hết gốc rễ. Và họ ý thức được điều đó, rằng chỉ cần một cú hích nhẹ là chúng sẽ đổ sập. Họ thậm chí còn không thể kháng cự - họ không còn đủ sức nữa. Bạn có thể dựng đứng một xác chết, nhưng nếu bạn xô nó, nó không thể chống lại mà chắc chắn sẽ ngã xuống. Và tất cả những đất nước kia chỉ là những xác chết mà thôi.

Họ không muốn lớp trẻ của họ tiếp xúc với bất kỳ ai có khả năng chỉ cho chúng thấy cái cũ đã chết rồi và chúng cần phải tìm ra đường đời mới.

Đây không phải là vấn đề của riêng một nước nào; nó là vấn đề của cả quá khứ nhân loại. Một sự quyến luyến ăn sâu, một căn bệnh cố hữu...

Ở Ấn Độ có một câu chuyện rất hay thế này: Shiva là một trong ba vị thần của người Hindu. Người ta không gọi họ là ba vị thần - trinity mà gọi là ba gương mặt của một vị thần - trimurti. Shiva là một trong ba gương mặt đó. Ngài đem lòng yêu nàng Parvati xinh đẹp, ngài yêu nàng đến độ khi nàng chết rồi ngài vẫn không chịu chấp nhận rằng nàng đã chết.

Không ai dám nói với ngài rằng nàng chết rồi và đã đến lúc phải đem nàng đi thiêu. Thế là ngài đem xác nàng Parvati trên vai mình đi khắp Ấn Độ tìm thầy thuốc để chữa trị cho nàng, tìm người có thể đưa nàng quay về với cuộc sống. Bạn không thể mang theo một xác chết... Phải mất 12 năm ngài mới đi hết một vòng đất nước - Ấn Độ là một đất nước rộng lớn. Hễ nghe đâu đó có thầy thuốc giỏi là ngài liền đi đến đó.

Trong suốt 12 năm đó từng phần cơ thể nàng Parvati rơi rụng dần - hết tay rồi đến chân, đến đầu. Thế nhưng ngài không lo ngại về điều đó; ngài thậm chí còn không nhìn ngắm nàng, vì ngài sợ phải nhìn nàng. Bạn hãy nghĩ mà xem.

Ngài sợ nhìn nàng, vì sâu trong tâm ngài vẫn biết là nàng đã chết rồi. Nhưng lý trí của ngài không muốn tin điều đó; ngài muốn tin rằng nàng vẫn còn sống. Lúc này nàng thậm chí không còn nguyên vẹn nữa, cái đầu đã rơi đâu mất rồi, chân đã rơi đâu mất rồi, tay đã rơi đâu mất rồi.

Ấn Độ là đất nước của những câu chuyện kể với nhiều ngụ ý sâu xa. Đến nay vẫn còn mười hai ngôi đền hành hương đánh dấu nơi các bộ phận cơ thể của nàng Parvati rơi xuống, làm cho câu chuyện này có vẻ như là chuyện thật. Mười hai ngôi đền tồn tại trên khắp đất nước, vì các bộ phận cơ thể của nàng Parvati đã rơi xuống những nơi đó nên chúng trở thành đền thiêng.

Thế nhưng Shiva vẫn hoàn toàn mù lòa, cố ý mù lòa. Và đây là tình trạng chung của cả thế giới. Các xã hội đã rữa nát, các tôn giáo đã chết; các chính trị gia chỉ toàn hứa suông và thừa hiểu rằng, mình không thể thực hiện những lời hứa ấy.

Tương lai thì mờ mịt, thế mà chẳng ai muốn hiểu. Quá khứ đã chết, và nếu bạn cứ mãi níu giữ thì tương lai sẽ càng mờ mịt hơn. Khắp nơi, người ta né tránh tôi.

Tất cả các bộ máy quyền lực lên án tôi, chỉ vì một lý do đơn giản là tôi muốn họ nhìn thẳng vào thực tại. Mắt họ cứ nhắm mãi như vậy.

Trong logic người ta gọi đó là 'lý luận đà điểu'. Con đà điểu có khuynh hướng là: mỗi khi gặp kẻ thù và biết mình chết chắc, nó chỉ cần dúi đầu mình xuống cát. Nó sống trong sa mạc, mắt nhắm tịt mà đầu thì trong cát. Nó yên chí vì nó không còn phải nhìn thấy kẻ thù ở đâu nữa.

Nhưng như vậy không có nghĩa là kẻ thù đã biến mất; thực ra việc đó chỉ làm cho kẻ thù mạnh mẽ hơn mà thôi. Lúc này thì con đà điểu cũng chẳng định làm gì để trốn thoát, chiến đấu, thương lượng, hay bất kỳ điều gì. Thế thì chẳng còn gì phải bàn: đơn giản là nó đứng đó sẵn sàng làm một bữa ngon cho kẻ thù. Kẻ thù của đà điểu chỉ việc ăn nó mà không tốn tí sức lực nào, bởi lẽ đà điểu vẫn cứ sống với một ý niệm rằng: 'Tớ chả thấy có kẻ thù nào ở đây cả'.

Ngày nay lý luận của đà điểu có mặt khắp nơi. Không ai muốn nhìn thấy thực tại - rằng mình đang chìm đấy, rằng mọi giá trị của mình đều là giả dối, rằng toàn bộ nền văn minh của mình rặt bọn đạo đức giả, rằng tất thảy những nụ cười chỉ toàn là sự cử động của cơ miệng và chẳng hề có chút tâm tư nào trong đó, rằng mình đã quên là mình phải sống, phải yêu, phải cười, rằng mình chẳng hiểu được ý nghĩa của cuộc đời.

Bạn cứ níu giữ vì không còn gì khác nữa, không có sự lựa chọn khác - và người ta tránh né tôi vì lẽ tôi có thể đem đến cho bạn một sự lựa chọn khác.

Tôi chỉ cho bạn thấy rằng đó không phải là con đường duy nhất mà một xã hội có thể tồn tại, đó không phải là con đường duy nhất mà một cuộc hôn nhân có thể tồn tại, đó không phải là con đường duy nhất mà người ta có thể nuôi dạy con trẻ, đó không phải là con đường duy nhất mà các chính phủ có thể vận hành. Có những con đường khác.

Thế mà chỉ cần nghe tới sự lựa chọn khác thôi cũng đủ làm họ kinh sợ. Họ không thể để thông điệp này đến với giới trẻ - bởi giới trẻ chắc chắn sẽ bị tác động bởi cái tin có một sự lựa chọn khác, rằng bạn không cần sống mãi trong đau khổ này, không nhất thiết phải chiến tranh mãi, giết người mãi.

Bây giờ Libya đang tấn công các căn cứ của Mỹ. Mỹ không thể im lặng mãi được: nó sẽ đánh trả Libya - không chỉ tấn công vào các căn cứ quân sự mà còn vào cả thường dân nữa. Là một đất nước nhỏ bé nhưng Libya hiểu rằng nếu Mỹ tấn công vào dân thường thì cả phương Đông - đặc biệt là Trung Đông - sẽ ủng hộ Libya.

Thế nhưng chính phủ Anh không sợ điều đó xảy ra. Chính phủ Anh lẽ ra nên ngăn chặn Mỹ mới phải: 'Đây không phải là một khởi đầu đúng hướng; không phù hợp với lợi ích công cộng. Nó sẽ đưa đất nước ngày càng dấn sâu vào chiến tranh. Đừng bước đi bước chân đầu tiên; nếu không bước chân cuối cùng sẽ không còn xa nữa'. Tuy nhiên họ thà thấy thế chiến thứ ba nổ ra còn hơn là thay đổi lối tư duy của con người.

Tại sao? - bởi vì việc thay đổi lối tư duy của con người có nghĩa là hàng triệu năm qua các bạn đã cư xử một cách ngu dốt, tiền nhân của chúng ta chỉ đơn giản là những tên ngốc chứ không hơn gì. Họ không hiểu gì về ý thức của con người; họ chỉ là loài vô thức, mù lòa. Và người mù bấy lâu vẫn dẫn dắt người mù đi về phía ánh sáng. Dường như thật khó mà chấp nhận được chuyện quá khứ đã sai lầm. Thà phá hủy tương lai và ngoan cố rằng quá khứ của chúng ta đã đúng: Cứ để người ta chết nhưng cứu vãn được cái tôi của mình.

Đó là lý do tại sao tôi lại là một mối nguy, dù chỉ là một đêm dừng chân ở phi trường, còn tên lửa hạt nhân của Mỹ thì chẳng nguy hại chút nào. Họ suy nghĩ giống nhau; nền toán học của họ giống nhau.

Đối với tôi họ là một kẻ nguy hiểm vì tôi không có niềm tự hào về quá khứ. Tôi là kẻ nguy hiểm vì tôi không nghĩ rằng hàng ngàn năm qua loài người đã sống một cách thông minh; nếu không thì tại sao lại có quá nhiều đau đớn, lo sợ, khổ não đến vậy? Hoa trái thể hiện tình trạng của cây. Và thứ hoa trái mà chúng ta có đã chứng minh một điều là toàn bộ quá khứ nhân loại đã sai lầm và cái tôi cứ đẩy đi mãi vào cái hướng sai lầm đó.

Tôi sẵn sàng thay đổi quan niệm của mình nếu ai đó có thể chỉ cho tôi thấy rằng họ đã sai lầm, rằng họ sẽ không đem đến lợi ích cho người dân. Nhưng không ai sẵn sàng làm việc đó; họ chỉ đơn giản chấp nhận nó. Không cần tranh luận, không cần bàn thảo.

Chính phủ Tây Ban Nha đã phải mất một tháng liền thảo luận việc có nên cho tôi vào nước họ hay không. Họ có các căn cứ hạt nhân cho quân đội Mỹ; họ là thành viên của NATO, và vị thủ tướng có được chức vụ của mình nhờ lời hứa với người dân Tây Ban Nha rằng ông ta sẽ lôi Tây Ban Nha ra khỏi NATO, và rằng sẽ buộc Mỹ rút các căn cứ ra khỏi Tây Ban Nha. Và người Tây Ban Nha thì không muốn... vì họ đã thấy Franco, kẻ đã cai trị họ trong suốt 40 năm với chế độ độc tài; hắn đã phá hủy mọi tự do tư duy và giết hại tất cả những ai nói ra điều gì chống lại hắn. từ bấy đến nay đã 40 năm rồi, người ta không muốn rơi vào cơn ác mộng đó thêm một lần nữa.

Họ bầu người đàn ông này làm thủ tướng vì một lý do duy nhất - đó là ông ta hứa sẽ rút khỏi NATO và buộc Mỹ phải rời khỏi Tây Ban Nha. Hai năm đã đi qua và người dân bắt đầu tự hỏi: 'Chuyện gì đã xảy ra? Ông không chịu rút khỏi NATO, mà cũng không buộc Mỹ rút ra khỏi Tây Ban Nha'.

Trong hai năm này, người đàn ông đó... lúc mới lên nắm quyền lực ông ta chưa phải là chính trị gia, nhưng hai năm này đã biến ông ta thành một chính trị gia. Ông ta nói: 'Kinh nghiệm hai năm cầm quyền đã thay đổi quan điểm của tôi: chúng ta vẫn là thành viên của NATO và căn cứ quân sự của Mỹ vẫn được phép đặt trên lãnh thổ Tây Ban Nha'.

Trước sự trở mặt của ông ta như vậy, người dân đã đòi có một cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng vị thủ tướng, toàn bộ bộ máy quan liêu, toàn bộ chính phủ, đều nhất trí ủng hộ Mỹ và tiếp tục tham gia NATO. Tuy nhiên họ không phải số đông. Giới trẻ của Tây Ban Nha vẫn tiếp tục bỏ phiếu chống lại họ: 45% cử tri bỏ phiếu phản đối việc tham gia NATO. Nhưng chính phủ với quyền lực của mình đã giành được đa số phiếu ủng hộ.

Nếu người đàn ông này có chút nhân phẩm nào thì ông ta hẳn đã từ chức, vì ông ta được lựa chọn để thực hiện một chương trình đơn giản. Ông ta không được chọn mà là chương trình được chọn, và vì ông ta đã bỏ dở chương trình, ông ta nên từ chức càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hình như các chính trị gia không biết xấu hổ là gì, họ không có chút nhân phẩm, lòng tự trọng hay danh dự nào.

Ông ta muốn tôi lưu lại Tây Ban Nha nhưng vấn đề là sức ép của Mỹ. Ông ta trì hoãn suốt một tháng ròng. Ông ta thông báo với tôi rằng tôi không nên để lộ tin Tây Ban Nha mời tôi đến, vì hoàng gia Tây Ban Nha, thủ tướng, tổng thống, nội các - tất cả sẽ ra sân bay đón tôi. Tôi sẽ là khách mời, nên họ sẽ chọn ngày giờ và thông báo cho tôi sau.

Thế nhưng dần dần ông ta nhận thấy trước tình hình 45% cử tri bỏ phiếu chống lại ông ta thì việc đưa một người như tôi vào đất nước sẽ rất nguy hiểm vì những thanh niên này chắc chắn sẽ bị tôi tác động.

Nghị viện quyết định chào đón tôi, nội các quyết định chào đón tôi, nhưng rốt cục ông thủ tướng thông báo với tôi rằng việc này không thể được; nó sẽ gây nhiều rắc rối về mặt chính trị.

Tôi hiểu khó khăn đó; khó khăn đó đến sau khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Và hàng ngày tôi vẫn bảo John rằng, nếu có quyết định thì nên quyết định trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Sau đó thì tôi không còn hy vọng nữa, vì một khi ông thủ tướng biết được có bao nhiêu người bỏ phiếu chống lại ông ta, ông ta sẽ không còn đủ can đảm để mời một người có khả năng gây ảnh hưởng lên người dân của ông ta.

Đây là nỗi sợ có mặt hầu như khắp nơi trên thế giới - một nỗi sợ kỳ quặc. Trong đất nước nhỏ bé tươi đẹp này, người ta bảo tôi rằng không nên đề cập đến chuyện chúng tôi có một triệu sannyasin trên khắp thế giới và ba triệu người ủng hộ, vì điều đó có thể làm cho người ta sợ - đất nước này chỉ có ba triệu dân và họ sẽ không thích một người đầy quyền lực như tôi, một người được bốn triệu người yêu mến, xuất hiện trên đất nước của họ.

Lẽ ra đất nước này nên tự hào mới phải... tôi không phải là một chính trị gia, tôi không định thi thố quyền lực chính trị với ai; ấy thế mà, sợ vẫn hoàn sợ. Tất cả những người nắm giữ quyền lực kia, sâu thẳm trong họ là sợ hãi và thấp kém.

Họ cứ nghĩ... điều duy nhất tồn tại trong tâm trí họ là quyền lực, cái gì có thể đem lại cho họ nhiều quyền lực hơn và cái gì đó có thể phá hủy quyền lực của họ. Và họ đưa ra điều kiện...

Tổng thống Hy Lạp rất sẵn lòng cho phép tôi lập hội ở Hy Lạp, thực ra đó là điều ông ta muốn. Ông ta có những động cơ khác nhau - vì như vậy sẽ thu hút được hàng ngàn khách du lịch đến Hy Lạp và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thực ra chính ông ấy đã quyết định cấp cho tôi tấm visa bốn tuần ở Hy Lạp.

Nhưng rồi điều kiện đặt ra là - nếu tôi muốn ở đó và lập hội, tôi phải ghi nhớ một số điều thế này: 'Hiến pháp chúng tôi tôn vinh nhà thờ Chính thống Hy Lạp; ông không được phê phán nó. Gia đình là nền tảng xã hội của chúng tôi; ông không được phê phán nó. Chuẩn mực đạo đức của chúng tôi, ông không được phê phán nó. Chúng tôi tin vào sự trinh tiết; ông không được phê phán nó'.

Chắc chắn là họ tin vào sự trinh tiết nhưng khó mà tìm được một ai còn trong trắng trên khắp đất nước Hy Lạp này. Cũng không sao - nhưng bạn không được phê phán nó. Bạn có thể hiểu lối tư duy chính trị: người ta có thể chấp nhận thực tế nhưng không được phơi bày nó ra. Tôi không thể chấp nhận điều kiện của bất kỳ ai.

Dù có xảy ra chuyện gì với tôi, dù hậu quả có là gì... nhưng để chấp nhận điều kiện, và để nhận một miếng đất nhỏ...

Một người cần đến bao nhiêu đất là đủ? Có lẽ tôi thà sống mà không thuộc một đất nước nào - một kẻ lang thang đúng nghĩa. Cũng từng đó nhiều người hành khất rồi, nhưng tất cả họ đều có chỗ dựa quê hương. Tôi sẽ là một kẻ lang thang đích thực không có quê hương - bị hết nước này đến nước khác từ chối. Nhưng sự từ chối của họ đối với tôi chỉ đơn giản là sự thừa nhận thất bại và bất lực của họ. Sớm muộn gì họ cũng sẽ phải trả giá, trả giá rất đắt, vì ở đâu cũng có những người thông thái. Những người thông thái này còn chịu đựng như thế được bao lâu nữa? Sớm muộn gì cũng nổ ra cuộc cách mạng. Không cần phải đặt chân lên đất nước họ tôi vẫn có thể tìm được những người bạn nơi đó.

Tôi không thể mất hết hy vọng, vì tôi thấy sự thông thái vẫn còn đó. Nó bị đè nén nhưng nó vẫn tồn tại. Nó đã trở thành một dòng chảy ngầm, nhưng việc người ta cự tuyệt tôi sẽ kích động nó tràn lên bề mặt. Không bao lâu nữa sẽ nổ ra những cuộc phản kháng ở tất cả những nước từ chối tôi.

Ở Ý người ta trì hoãn suốt 3 tháng liền, chỉ với mỗi việc là cấp một tấm visa du lịch ba tuần. Và ông tổng thống, thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao, tất cả đều nói: 'Chúng tôi sẽ cấp visa cho ông ấy - hãy đợi đến mai...'. Và các sannyasin chờ đợi từng ngày, đến trước trụ sở cơ quan của những người kia chờ đợi, 'Chúng tôi luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào các ông muốn. Nhưng bao giờ ngày mai mới đến?'. Và sau ba tháng những người kia bắt đầu mệt mỏi, vì bị giáo hoàng kìm hãm. Họ không thể nói không với các sannyasin vì chẳng có lý do gì để từ chối cả.

Vậy nên chính phủ không thể từ chối vì việc này có thể gây rắc rối. Và giáo hoàng thì vẫn khăng khăng là không nên để tôi vào Ý. Thế là họ cứ trì hoãn mãi. Rốt cục các sannyasin mệt mỏi rồi bắt đầu phản đối, và một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất nước Ý lúc bấy giờ Fellini đã là người đầu tiên ký vào đơn kiện. Ba mươi sáu nhân vật nổi tiếng thế giới khác cũng ký vào lá đơn này, và người ta vẫn đang thu thập thêm nhiều chữ ký nữa - mà tôi thì chưa hề đến đó.

Nhưng có một điều chắc chắn là, dù bạn có ủng hộ tôi hay không: bạn không thể ngăn chặn tôi bày tỏ quan điểm, tầm nhìn của mình. Những gì đang diễn ra ở đó cũng sẽ diễn ra ở Đức, ở Hy Lạp, ở Anh, ở Tây Ban Nha, ở khắp mọi nơi. Các sannyasin phải tạo ra một làn sóng phản đối trên khắp thế giới, với sự tham gia của tất cả những nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà điêu khắc, vũ công, diễn viên, đạo diễn kỳ tài - những chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau có ảnh hưởng trên thế giới.

Trước tiên hãy kêu gọi họ ký vào đơn kiện, trên tất cả các nước và gửi đến Liên Hiệp Quốc - vì đây không còn là vấn đề của riêng một quốc gia nào; nếu nghị viện châu Âu quyết định không để tôi đặt chân vào châu Âu, dù chỉ là quá cảnh trên phi trường của họ, bạn không thể coi chuyện này là của riêng cá nhân tôi.

Tôi đã trở thành người đại diện cho sự thông minh của những người sáng tạo, tài năng trên khắp thế giới. Đó là đất nước của tôi.

Và các sannyasin phải đưa chuyện này ra Liên Hiệp Quốc, đơn giản vì nó quá tệ hại rồi.

Tuy nhiên, như đã nói từ đầu, mọi việc đều có mối liên hệ với nhau.

Đối với tôi thì nó tệ hại. Và đối với tất cả những người có khả năng hiểu biết thì nó rất tệ hại. Nhưng đối với những kẻ tin vào logic đà điểu thì nó tốt đẹp, nó 'phù hợp với lợi ích chung'.

Song chúng ta sẽ chỉ cho cả thế giới biết rằng cái gì là tốt và cái gì là xấu đối với nhân dân!



Osho yêu quý,

Tôi là một trong những người đã tham gia cuộc diễu hành khi danh sách những người giác ngộ được công bố, vì tôi nghĩ, 'Nếu Osho nói mình đã giác ngộ thì sao không thử làm thế?'. Tôi thích thú với điều đó: Tôi mở tiệc mời hàng trăm bạn bè tới ăn mừng và suốt sáu tháng sau đó - cho đến khi tôi tăm tối trở lại - tôi cố tận dụng những gì mình thấy được như một tình huống tiềm tàng. Cái chính là tôi thấy rằng mình thực sự ổn. Có phải tôi đang tự lừa dối mình về kinh nghiệm đó không?

Không, bạn hiểu được như vậy nghĩa là bạn không lừa dối chính mình. Trước tiên hãy để tôi giải thích một số chuyện khác. Sau khi tôi tuyên bố một số người đã đạt giác ngộ - Santosh là một trong số đó. Anh viết cho tôi một lá thư rằng, 'Việc tuyên bố sự giác ngộ của tôi không làm tôi vui sướng chút nào, nhưng việc được chấp nhận là một thành viên trong ủy ban những người giác ngộ khiến tôi mừng vui lắm'.

Tôi đáp thế này: 'Tại sao giác ngộ lại không làm ông vui sướng? Lý do là ông nghĩ ông đã giác ngộ rồi - mà sự thực thì không đúng như vậy. Chính vì thế mà việc trở thành một thành viên trong ủy ban những người giác ngộ làm cho ông cảm thấy vui mừng - cuối cùng thì sự giác ngộ của ông cũng được thừa nhận. Đó không phải là tuyên bố dành cho ông mà là một sự công nhận rằng, ông đã đạt giác ngộ trước đó lâu rồi.

'Nhưng nếu giác ngộ không phải là niềm vui sướng thì làm sao việc là thành viên của một uỷ ban những người giác ngộ lại là điều hạnh phúc? Nếu bản thân sự giác ngộ không có ý nghĩa gì đối với ông thì việc trở thành thành viên của ủy ban kia cũng không thể có ý nghĩa gì, ngoại trừ điều này: nó đáp ứng cái tôi của ông.

'Ông đã đạt giác ngộ, và không ai chú ý đến điều đó. Cuối cùng thì cũng có tôi nhận ra, và giờ đây ông trở thành thành viên của ủy ban những người giác ngộ, như vậy là việc này đã được chứng thực. Nhưng ông đã lầm - vì tất cả đều là trò đùa thôi! Cái ủy ban kia cũng là trò đùa, việc công bố kia cũng là trò đùa. Và đó là một công cụ'.

Somendra lập tức gửi một bức điện cho Teertha nói rằng: 'Tôi thành công rồi - thế còn bạn?'. Anh ta vẫn luôn cạnh tranh như vậy - đó là vấn đề của anh ta, anh ta luôn muốn giỏi hơn Teertha. Và đây là cơ hội tốt.

Anh ta từ bỏ hội đoàn, không liên hệ với chúng ta nữa, nhưng anh ta chấp nhận tuyên bố của tôi rằng anh ta đã giác ngộ. Anh ta từ bỏ hội đoàn - anh ta không còn là người trong gia đình của tôi - nhưng sự giác ngộ... Anh ta lập tức gửi một bức điện: 'Tôi thành công rồi - thế còn bạn?'. Đó là một công cụ để thấy được người ta phản ứng thế nào. Phản ứng của bạn trước chuyện này thật đáng khen.

Phản ứng của bạn là: 'Nếu Osho bảo mình giác ngộ thì hẳn là mình đã giác ngộ rồi'.

Nó đơn giản cho thấy niềm tin, tình yêu củab ạn. Nó chẳng can hệ gì đến cái tôi cả. Và việc bạn tổ chức tiệc tùng và ăn mừng cùng bạn bè cũng hoàn toàn đúng thôi.

Và khi tôi nói đó chỉ là trò đùa, bạn không tức giận. Bạn chỉ đơn giản phản ứng như thế: 'Nếu Osho nói mình chưa giác ngộ, rằng đó chỉ là trò đùa thì có lẽ mình chưa giác ngộ thật và đó thực sự chỉ là trò đùa thôi'. Và trong sáu tháng bạn sống như một người giác ngộ, niềm vui sướng, sự an bình mà bạn cảm nhận được không phải xuất phát từ giác ngộ mà xuất phát từ lòng tin yêu. Đó là một trải nghiệm tốt cho bạn.

Tuy nhiên mỗi người đều có những trải nghiệm khác nhau.

Trong nhóm được tuyên bố giác ngộ chỉ có hai người là người Ấn Độ, và họ hiểu giác ngộ theo cách hiểu truyền thống. Một người trong số đó là Vinod Bharti.

Ông ấy căng thẳng, khóc lóc đến nhờ Vivek chuyển cho tôi lá thư này: 'Osho này, tôi chưa giác ngộ đâu. Ông làm khó cho tôi rồi: tôi không thể nói là ông đã lầm, và tôi biết rõ là mình chưa giác ngộ. Tôi phải làm gì đây? Tôi chỉ là một sinh linh bé nhỏ mong manh. Xin hãy cho tôi biết sự thật!'.

Ông ấy hiểu rằng mình chưa đạt đến giác ngộ. Ông ấy hiểu rằng hàng thế kỷ qua ở Ấn Độ giác ngộ là đỉnh cao tối thượng trong cuộc kiếm tìm tâm linh. Ở phương Tây chưa bao giờ tồn tại ý niệm này. Vì thế mà ông ấy không thể quan niệm được chuyện mình đã đạt đến cảnh giới của đức Phật Cồ Đàm, mà ông ấy lại không thể phủ nhận điều tôi nói vì ông ấy tin yêu tôi. Vậy là tôi đã làm khó cho ông ấy. Thế nên tôi nhắn lại cho ông rằng: 'Đừng bận tâm, chỉ là trò đùa thôi. Ông chưa giác ngộ đâu, cứ thoải mái đi!'.

Hai đêm liền ông ấy mất ngủ, cho đến khi ông nhận được lời nhắn của tôi. Và ông ấy thở phào nhẹ nhõm - mình chưa giác ngộ; vây là không có vấn đề gì.

Người kia là Swami Anand Maitreya, người duy nhất hiểu ngay lập tức rằng đó chỉ là trò đùa, ông ra khỏi phòng và nói: 'Osho thật tinh quái! Bảo rằng tôi giác ngộ rồi thì hãy chứng minh xem!'. Nhưng ông ấy cũng là một người Ấn Độ, lại là người xứ Bihar, nơi xuất phát nhiều bậc giác ngộ nhất ở Ấn Độ - Phật Cồ Đàm, Mahavira, Parsunatha, Naminatha, Adinatha.... một danh sách dài. Tổng cộng là hai mươi bốn vị giác ngộ của Kỳ-na giáo, Đức Phật Cồ Đàm - họ đều xuất phát từ Bihar. Ở Bihar người ta có hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc nhất về giác ngộ. Thế nên ông nói một cách tự nhiên rằng: 'Osho thật tinh quái'. Nhưng đó cũng là xuất phát từ tình yêu của ông.

Ông ấy không giận, vì một khi bạn biết đó chỉ là trò đùa bạn chẳng bận tâm đến nó làm gì nữa.

Một số người chỉ đơn giản giữ im lặng: họ không phản ứng theo cách này hay cách khác. Như thế cũng tốt. Họ không bị nó lay chuyển; đơn giản họ vẫn là họ. 'Nếu Osho gọi đó là giác ngộ, có thể đúng; nếu ông ấy nói không phải, thì có thể là không phải'. Nhưng chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Họ vẫn là người quan sát.

Và đây quả là một kinh nghiệm quý báu, được nhìn thấy người ta phản ứng như thế nào trước một ý niệm bằng lý trí của họ. Những người không được kết nạp vào ủy ban hết sức phẫn nộ. Tôi nhận được mấy lá thư nói rằng: 'Nếu những người này đã đạt giác ngộ thì tại sao tôi chưa được?'. Cứ như nó là thứ mà... 'Ông đem nó đến cho những người này. Tại sao không cho tôi?'.

Có người viết: 'Tôi đã theo ông lâu hơn những người này, ấy vậy mà tôi vẫn chưa được giác ngộ. Ông bỏ sót tôi, hay vì lý do gì khác?'. Dù sao thì biết người ta phản ứng thế nào cũng là một kinh nghiệm tốt.

Phản ứng của bạn là rất đẹp, cả hai chiều. 'Nếu Osho nói đó là giác ngộ thì hẳn là như vậy' - đơn giản nó là niềm tin. 'Và nếu Ngài nói đó không phải là giác ngộ...'. Lúc này bạn không cảm thấy chút mâu thuẫn hay sự thiếu nhất quán nào, bạn chỉ đơn giản chấp nhận nó: 'Nếu ông ấy nói không phải thì hẳn là như vậy'. Bạn đã vượt khỏi thế giới của những thứ nhất quán và không nhất quán. Tình yêu không có mâu thuẫn. Tình yêu không có so sánh. Mỗi phút mỗi giây bạn đều cảm nhận được nó.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho