Chương 2. Lý trí là tên phản bội
Chương 2. Lý trí là tên phản bội
Osho yêu quý,
Tôi nghe ông nói rằng chúng ta đều là những chiếc lá trên cùng một cây, và sự khai sáng chỉ có thể bắt đầu khi chúng ta thực sự hợp nhất với nhau. Mặt khác, tôi cũng nghe ông nói rằng bản thân mỗi người chỉ có thể sống trọn vẹn cuộc sống của mình trong sự tách biệt thực sự. Tôi cảm thấy cả hai điều này đều đúng, nhưng tôi vẫn chưa thực sự hiểu. Xin ông giải thích cho.
Cả hai đều đúng, nhưng nó có vẻ mâu thuẫn nên khiến người ta bối rối. Một mặt tôi nói rằng khi các bạn là một với mọi hiện hữu, bạn sẽ đi đến chứng ngộ - và hợp nhất với mọi hiện hữu có nghĩa là bạn biến mất, bạn không còn nữa. Mặt khác, tôi cũng nói rằng các bạn hãy chính mình, hãy là gương mặt của chính mình; chỉ lúc đó bạn mới có thể trải nghiệm sự chứng ngộ.
Tôi hiểu sự bối rối của bạn. Bạn cảm thấy cả hai đều đúng - điều quan trọng là lý trí củabạn không chịu, suy nghĩ của bạn không chấp nhận. Suy nghĩ của bạn đặt ra câu hỏi. Làm sao mà cả hai cùng đúng được?
Lý trí hoạt động theo cách 'chỉ thế này hoặc chỉ thế kia': hoặc là điều này đúng, hoặc là cái đối lập của nó đúng. Theo lý trí, logic và lý luận của lý trí thì không có chuyện cả hai cùng đúng.
Nếu lý trí chỉ chấp nhận 'hoặc thế này hoặc thế kia' thì trái tim lại đi con đường 'cả hai'. Trái tim không có logic mà chỉ có sự nhạy cảm và cảm thụ. Nó có thể hiểu được rằng không những cả hai có thể tồn tại cùng nhau; mà còn chấp nhận thực tế là chúng không phải là hai. Nó chỉ là một hiện tượng được nhìn từ hai góc độ khác nhau. Và không chỉ có hai góc độ như thế - vì thế mà tôi nói 'cả hai'.
Và trái tim luôn luôn đúng, nếu phải lựa chọn giữa lý trí và trái tim, vì lý trí chính là một sản phẩm của xã hội. Nó đã được giáo dục. Xã hội đem nó đến cho bạn chứ không phải sự hiện hữu. Trái tim không bị hoen ố. Nó là sự hiện hữu thanh khiết: Vì thế mà nó có sự nhạy cảm.
Hãy nhìn bằng trái tim và bạn sẽ thấy sự mâu thuẫn tan chảy như nước đá.
Tôi nói với các bạn, hãy là một với vũ trụ; bạn phải biến mất và để mặc sự hiện hữu. Bạn phải biến mất để sự hiện hữu có thể hiện diện trong sự toàn diện của nó. Tuy nhiên, người phải biến mất đó không phải là sự hiện hữu của bạn, nó chỉ là tính cách của bạn. Nó chỉ là một ý tưởng trong bạn. Thực tế bạn vốn dĩ vẫn là một với mọi hiện hữu; bạn không thể tồn tại theo một cách nào khác hơn.
Bạn là hiện hữu.
Thế nhưng tính cách lại bắt đầu đánh lừa bạn, khiến bạn thấy mình là riêng biệt. Bạn có thể cho mình là tách biệt - sự hiện hữu đem lại cho bạn tự do hoàn toàn, thậm chí là tự do trước chính nó. Bạn có thể cho rằng mình là một thực tể tách rời, một bản ngã. Và đó chính là rào cản không cho bạn tan vào sự bao la vây quanh bạn trong mọi khoảnh khắc.
Nó không có những cánh cửa đóng, tất cả các cánh cửa đều mở. Có lúc bạn thực sự cảm thấy có một cánh cửa mở - nhưng chỉ trong tích tắc; tính cách của bạn không để bạn cảm nhận điều đó lâu hơn. Những tích tắc đó được bạn gọi là những khoảnh khắc của cái đẹp, những khoảnh khắc đê mê.
Ngắm nhìn hoàng hôn, trong giây lát bạn quên mất mình là tách rời. Bạn là hoàng hôn. Đó chính là khoảnh khắc bạn cảm nhận cái đẹp trong nó. Nhưng ngay khi bạn thốt lên rằng hoàng hôn thật đẹp chính là lúc bạn không còn cảm nhận được nó nữa; bạn lại trở về với sự riêng biệt của mình, trong tường thành của cái tôi của mình. Đó là tiếng nói của lý trí.
Và một trong những điều bí ẩn là lý trí có tiếng nói - nhưng nó chẳng biết gì cả; và trái tim thì biết tất cả - mà lại không biết nói.
Có lẽ vì biết nhiều quá nên thật khó mà lên tiếng được.
Lý trí biết ít lắm, vậy nên nó có thể nói. Nó chỉ cần ngôn ngữ là đủ, nhưng như vậy thì chưa đủ cho trái tim.
Tuy nhiên có những lúc, dưới tác động của một thời khắc nào đó - một đêm đầy sao, một cảnh bình minh, một bông hoa đẹp - và chỉ trong bình minh, một bông hoa đẹp - và chỉ trong khoảnh khắc bạn quên mất mình là riêng biệt. Và sự quên đó mở ra cái đẹp và niềm say mê bao la.
Khi tôi nói bạn phải biến mất để có được chứng ngộ cao nhất, tôi không hàm ý là bạn; tôi muốn nói đến 'con người' không phải là bạn. Tôi muốn nói đến 'con người' mà bạn nghĩ rằng đó là bạn.
Còn vế sau, chỉ có hòa nhập làm một với mọi hiện hữu, hoàn toàn tan chảy vào nó thì bạn mới chứng ngộ được chính mình, bạn mới nhìn ra sự thật. Trái tim không có sự mâu thuẫn, bởi 'con người' mà bạn chứng ngộ khi bạn hòa tan làm một với mọi tồn tại không còn là con người trước đây của bạn nữa. Con người kia là tính cách của bạn, là cá nhân của bạn, nó được xã hội đem đến cho bạn, còn con người này là bản chất, là thực tại, là món quà của sự hiện hữu. Bạn có thể quênnó, nhưng bạn không thể phá hủy nó.
Con người kia của bạn, con người giả mạo của bạn - bạn có thể tạo ra nó, nhưng bạn không thể làm cho nó có thật. Nó sẽ mãi là một cái bóng, một gương mặt được sơn vẽ. Nó sẽ không bao giờ trở thành gương mặt nguyên thủy của bạn.
Hồi còn dạy ở trường đại học, tôi nhớ trong khu hiệu bộ có một con đường nhỏ. Có mấy căn nhà gỗ rất đẹp dùng làm phòng làm việc cho mấy vị trưởng phó khoa. Rất yên tĩnh, vắng lặng, không xe cộ.. và con đường không dài lắm, chỉ khoảng nửa dặm và cuối đường là một thung lũng sâu.
Cứ mỗi khi trời mưa, tôi thích đi trong mưa. Căn nhà phia cuối đường chỉ còn là một dấu chấm. Người ta cứ thấy chuyện này lặp đi lặp lại, cứ mỗi khi trời mưa họ lại thấy tôi xuất hiện trên con đường nhỏ đó, và căn nhà cuối đường; rồi thung lũng phía xa.
Người ta nghĩ hẳn tôi điên mất rồi - không ô, người ướt như chuột lột, râu tóc rũ rượi và bước đi chậm rãi, thoải mái... cứ như là không có mưa vậy. Tôi cứ đi như thế đến gốc cây bồ đề lớn gần cuối đường.
Cây bồ đề có nhiều vẻ đẹp lắm. Vẻ đẹp của nó nằm trong những tán lá mà bạn có thể nấp mưa: những chiếc lá không để cho nước mưa chạm đến người bạn. Và nó có tán lá rất dày hứng đầy nước mưa trên đó. Những chiếc lá giống như cái tách đựng thật nhiều nước.
Nếu bạn bất ngờ mắc mưa và không muốn bị ướt, cây bồ đề sẽ bảo vệ bạn được lâu hơn bất kỳ loài cây nào khác. Nhưng một vẻ đẹp khác của cây bồ đề là - mà điều này quan trọng hơn đối với tôi - khi trời tạnh mưa thì dưới tán cây bắt đầu đổ mưa! - những tán lá còn giữ được nước thêm bao lâu nữa? Khi quá nhiều nước rồi thì những chiếc lá bắt đầu ngả ra... Vậy là, khi cả thế giới lặng im thì mưa bắt đầu đổ dưới tán cây bồ đề.
Thế nên tôi thường đi về cuối đường và dừng chân dưới gốc cây bồ đề. Và đối với những người sống trong căn nhà phía cuối đường thì chuyện này cũng thật là điều điên rồ. Cây bồ đề chỉ có thể bảo vệ bạn được mấy phút đầu khi trời mưa còn sau đó thì nó trở nên nguy hiểm, nguy hiểm nhất. Mưa tạnh rồi nhưng dưới tán bồ đề vẫn mưa thêm ít nhất một tiếng đồng hồ nữa.
Trẻ con trong căn nhà nọ, người vợ, đứa con gái, con trai - họ kéo nhau ra hiên nhà xem tôi. Và hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi trở thành điều đương nhiên là, hễ trời mưa là tôi xuất hiện.
Căn nhà đó là của một giáo sư vật lý xuất sắc, trưởng khoa lý của trường. Ông rất quý tôi vì có lần tôi đã đưa vật lý và tâm linh đến gần nhau hơn bao giờ hết. Có lẽ những nhận định đó của tôi có thể được đưa ra bởi một nhà vật lý học, cũng có thể bởi một thầy tâm linh.
Ông là một người khiêm tốn. Ông đã đi giảng ở nhiều trường đại học trên khắp thế giới. Cứ mỗi khi tôi giảng trong hội sinh viên, mỗi tuần một hoặc hai buổi... ông đều đến nghe - lúc nào ông cũng đến. Nhiều giáo sư khác cũng đến, nhưng ông là người đến thường xuyên nhất. Và chúng tôi thành bạn.
Ông già rồi. Ông từng làm việc với Albert Einstein, ông đến Mỹ để thế chỗ cho Einstein - vì ông là đồng nghiệp gần gũi nhất của ông ấy, ngoài ông ra không ai có thể nhận vị trí đó.
Chúng tôi trở thành bạn thân và ông mời tôi đến nhà ông, giới thiệu tôi với vợ con ông. Lúc đó tôi không hề biết rằng, vợ con ông đều đã biết tôi rồi và tôi cũng biết họ.
Thấy tôi bước vào, vợ con ông cứ rúc rích cười khiến ông rất giận. Ông nói, 'Tôi mời một người bạn về nhà. Dù là anh ấy trẻ còn tôi thì già, và tình bạn này có vẻ lạ lùng, nhưng quan niệm của chúng tôi về thực tại rất gần nhau, em và các con không được cư xử như vậy - chưa bao giờ mọi người cư xử như thế cả'.
Nhưng vợ ông nói: 'Anh không biết người này đâu'.
Rồi tôi bảo ông: 'Vợ anh nói đúng đấy: chúng tôi biết nhau hai năm nay rồi'.
Ông ngạc nhiên: 'Gì cơ? Cậu biết vợ con tôi à?'.
Tôi đáp: 'Cũng không hẳn, nhưng đại loại là có biết. Tôi thường đi trên con đường này mỗi khi trời mưa; tôi yêu mưa, và những người này thích nhìn tôi - một người điên - đi trong mưa. Anh giới thiệu tôi mà họ cứ cười rúc rích, thậm thí vợ anh không nhịn được cười, vậy không phải là họ vô lễ đâu'.
Nhà vật lý học này có gặp một số sannyasin ở Mỹ và gửi cho tôi một lá thư: 'Người cuối cùng tôi muốn gặp chính là anh. Tôi sẽ trở lại Ấn Độ sớm nhất có thể để được gặp lại anh. Và đó là vì tôi cảm thấy anh hoàn toàn đúng khi nói trái tim nhìn sự việc gắn với thực tại nhiều hơn so với lý trí'.
Thế nhưng ông đã mất trước khi đến được Ấn Độ. Tôi cảm thấy lúc ra đi ông đã nghĩ về tôi. Trong thực tại chúng tôi là một.
Chúng tôi tách rời trong cái tôi giả tạo.
Thế nên, khi tôi nói bạn hãy hòa tan cái tôi của bạn, tôi muốn nói đến những cái mà bạn tự tạo ra, hoặc những cái mà xã hội tạo ra cho bạn. Hãy cảm nhận sự tĩnh lặng của cái phút giây bạn không phải là cái tôi đó; lúc ấy bạn sẽ cảm nhận được nhịp điệu của những đám mây, của đại dương và của những ngọn núi.
Ngày bạn vứt bỏ cái tôi giả dối là ngày đẹp nhất trong cuộc đời bạn, bởi lúc đó bạn sẽ chỉ chứng ngộ cả vũ trụ. Bạn không mất gì cả - bạn chỉ mất một ý tưởng giả tạo - và bạn có tất cả; vũ trụ vô hạn với tất cả vẻ đẹp báu vật của nó.
Tuy nhiên, trước khi bạn có thể vứt bỏ cái tôi giả tạo, bạn phải tìm cho được cái tôi thực sự; nếu không bạn sẽ trở nên trống rỗng khi vứt bỏ cái tôi kia đó. Đó chính là lý do tại sao tôi nói bạn hãy là chính mình. Điều đó đơn giản là, cảm nhận thực tại của bạn sẽ giúp bạn vứt bỏ những vỏ bọc giả tạo. Mà thực ra thì những thứ giả tạo sẽ tự nó mất đi. Khi sự thật xuất hiện, sự giả dối sẽ ra đi. Và sự thật xuất phát từ một chỗ đứng, mỗi cá nhân - cá nhân chứ không phải cá tính. Cá tính chẳng qua là một mớ bòng bong; một chút từ mẹ bạn, một chút từ bố bạn, một chút từ hàng xóm, bạn bè, vợ con, thầy cô, giáo sĩ, lãnh đạo... Nó là sự chắp vá và không phải là không thể tách rời được.
Nó gần như là đã tách rời xa rồi - vào bất kỳ lúc nào, một tai nạn nhỏ và nó sẽ vỡ vụn - nó không có linh hồn để kết nối những mảnh rời của mình. Nó không có sự nguyên vẹn, nó chỉ là những mảnh tách rời.
Tôi dùng từ 'cá nhân' với hàm ý là 'không thể tách rời' để chỉ cái đối lập với 'cá tính'. Cá nhân nghĩa là không thể tách rời: bạn không thể phân chia nó, nó không có những phần nhỏ - nó không thể vỡ vụn. Nó là tảng đá đặc, nó hoàn toàn đơn nhất. Nó được nhìn từ góc độ so sánh với cá tính, nhưng đây mới chỉ là một góc độ.
Nhìn từ vũ trụ, bạn không còn là cá nhân nữa. Thậm chí sự phân chia ranh giới cũng mất đi. Bạn là nhất thể. Gió, cây, trăng không bị tách rời, bạn cũng vậy. Bạn đang hít thở từng khoảnh khắc. Mọi hiện hữu không tách biệt khỏi bạn, ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn tách biệt.
Và khi bạn biết rằng bạn không tách rời, đó là sự chứng ngộ vĩ đại. Lúc đó mọi lo sợ đánh mất cái tôi của mình, mọi nỗi sợ đánh mất cá tính của mình đều biến mất. Bạn trở về với nguyên thủy của mình. Bạn đến với sự bất diệt, với vũ trụ. Tôi gọi điều này là sự giác ngộ. Bạn đã đến nơi ánh sáng tràn đầy. Bạn sống trong sự diệu kỳ của cuộc sống.
Ngắm nhìn một bông hoa, bạn trở thành bông hoa. Bạn không ngắm nó từ bên ngoài; bạn cảm nhận nó từ trong sâu thẳm nó. Những cánh hoa là của chính bạn, hương hoa là của chính bạn. Bạn không phải là người ngắm hoa - bạn là chính bông hoa.
Krishnamurti cứ nhắc mãi điều này - cả cuộc đời ông vẫn nói thế; tôi không nghĩ là những người từng nghe ông thuyết giảng đã thực sự lắng nghe ông. Đây chính là sự quan sát mà ông nhắc đi nhắc lại: cái được quan sát trở thành người quan sát hoặc người quan sát trở thành cái được quan sát.
Bạn không ngắm nhìn mặt trời lặn từ đằng xa; bạn ở trong nó, bạn là một phần của tất cả những màu sắc đẹp tuyệt vời đó. Và sống cuộc sống trong sự thấu cảm sâu thẳm như vậy là trải nghiệm đẹp đẽ nhất mà con người có được. Hãy tin vào cảm nhận của bạn. Đừng bao giờ tin vào lý trí - lý trí của bạn chính là kẻ phản bội Judas.
Osho yêu quý,
Càng thiền sâu tôi càng cảm thấy mình phải trách nhiệm với bản thân và với thế giới.
Làm sao như thế được?
Cũng vậy thôi, vẫn là câu hỏi đó.
Càng là chính mình, bạn sẽ càng cảm thấy có trách nhiệm với thế giới bởi vì càng hòa nhập vào thế giới thì bạn không còn tách rời khỏi nó nữa. Việc thực sự là chính mình có nghĩa là trách nhiệm to lớn - nhưng không phải gánh nặng. Nó là niềm vui khi bạn được làm điều gì đó cho hiện hữu.
Hiện hữu đã làm rất nhiều cho bạn và bạn sẽ không cách nào đền đáp hết. Nhưng ta có thể làm được chút gì đó, dù là rất nhỏ so với những gì hiện hữu đã đem đến cho ta, nhưng ít nhất đó cũng là lòng tri ân của ta. Vấn đề không phải là nhiều hay ít; vấn đề là ở lời cầu nguyện của ta, lòng biết ơn của ta, và nhất thể của ta cũng nằm trong đó.
Đúng vậy, điều đó sẽ xảy ra: càng là chính mình, bạn càng cảm thấy mình phải có những trách nhiệm mà trước đây bạn chưa bao giờ cảm nhận được.
Điều này nhắc tôi nhớ, trong cuộc đời của Mahavira, vị triết gia có ảnh hưởng nhất trong Kỳ na giáo... Ngài du hành khắp nơi cùng môn đồ thân tín nhất của mình là Goshalak. Và đây là câu chuyện họ đang bàn luận với nhau: Mahavira nói: 'Trách nhiệm của ta đối với cuộc sống cho thấy ta đã đi đến đâu trên con đường tới thực tại đích thực. Ta không nhìn thấy thực tại đích thực nhưng ta có thể thấy trách nhiệm của mình.'
Trên đường họ nhìn thấy một cây con. Và Gosholak là một nhà logic học - anh nhổ cây này lên và vứt đi. Đó là một cây con với những chiếc rễ bé xíu.
Mahavira nói: 'Vậy là vô trách nhiệm. Nhưng con không thể làm điều gì chống lại cuộc sống được. Con có thể cố, nhưng nó sẽ không cho kết quả ngược lại.'
Goshalak đáp: 'Vậy, cuộc sống đã làm gì cho con nào? Con nhổ cái cây đó đi; và cuộc sống cũng chẳng thể nào làm cho nó sống lại được.'
Mahavira cười lớn. Rồi họ tiếp tục đi vào thị trấn để khất thực. Ăn xong họ quay lại, và thật kỳ lạ: cây con kia đã đứng dậy sống tiếp. Trong lúc họ vào thị trấn thì ở đây trời đổ mưa, và rễ cây nhờ cơn mưa mà đâm xuống đất. Rễ cây rất bé, mà trời thì gió, và gió đã giúp cho cây đứng dậy.
Khi họ trở lại, cây con kia đã vươn lên vững chãi. Mahavira nói: 'Hãy nhĩn em. Ta đã nói rồi, con không thể chống lại sự sống được. Con có thể cố, nhưng nó sẽ trở lại chống lại con, vì nó sẽ tách con ra càng xa khỏi cuộc sống. Nó sẽ không đưa con đến gần thêm đâu.
Hãy xem cái cây này. Ai mà nghĩ được là chuyện này sẽ xảy ra, rằng cơn mưa và gió trời sẽ đem nó trở lại, đâm rễ thật sâu xuống đát. Nó sẽ sống cuộc đời của nó.
Đối với chúng ta nó chỉ là một cây con, nhưng nó là một phần của vũ trụ bao la, của sự sống bao la, của quyền năng vĩ đại'. Và Mahavira bảo Goshalak: 'Từ đây con đường của chúng ta chia cắt. Ta không thể cho phép một người chống lại sự sống và không cảm nhận được trách nhiệm của mình sống với ta được.'
Toàn bộ triết lý phi bạo lực của Mahavira có thể gọi là triết lý tôn thờ sự sống. Phi bạo lực đơn giản là một phần của nó.
Điều này sẽ vẫn diễn ra như vậy: càng hiểu chính mình, bạn càng cảm thấy mình có trách nhiệm với nhiều thứ mà bạn chưa bao giờ để tâm đến. Hãy coi đó là một tiêu chí: càng thấy mình có trách nhiệm với mọi người, mọi vật, sự sống, bạn càng yên tâm là mình đang đi đúng đường.
Thầy giáo của tôi, Giáo sư Ras Biharidas lúc ấy đã già và sống một mình. Ông hài lòng với cuộc sống và vui thú với chính mình rằng không bao giờ ông cần đến một ai. Ông là trưởng khoa và được cấp một căn nhà gỗ lớn - ông sống một mình ở đó. Tôi và ông ngày càng thân thiết hơn và ông yêu quý tôi như một người cha đối với con trai mình.
Ông nói: 'Cậu không cần ở trong ký túc xá đâu - hãy về đây với tôi. Cả đời tôi đã sống ở đây rồi...'. Ông thường chơi đàn sitar - có lẽ ông là người chơi xita hay nhất mà tôi từng biết, mà tôi thì đã được nghe tất cả những nghệ sĩ sitar xuất sắc nhất biểu diễn rồi. Thế nhưng ông không chơi đàn để tiêu khiển người ta; đó chỉ là một thú vui của ông.
Chẳng ai có thể tưởng tượng được thời gian biểu của ông: cứ đến 3 giờ sáng là ông lại thức dậy và chơi sitar. 70 năm qua ông vẫn chơi sitar vào lúc 3 giờ sáng. Vấn đề bắt đầu nảy sinh ngay ngày đầu tiên tôi đến sống với ông. Tôi thường đọc sách đến 3 giờ sáng mới đi ngủ - mà giờ đó là giờ ông dậy chơi đàn.
Đối với cả tôi và ông, điều này thật khó chịu, vì tôi thích đọc những gì tôi thích, không phải đọc thầm mà là đọc to lên. Nếu chỉ đọc bằng mắt bạn chỉ phần nào liên hệ được với tác phẩm. Còn khi bạn đọc lớn một bài thơ, bạn trở thành một phần của nó; lúc đó bạn trở thành thi sĩ. Bạn quên đó là bài thơ của ai đó; nó trở thành một phần xương máu của bạn.
Tất nhiên là tôi làm cho ông khó ngủ. Và lúc tôi đi ngủ thì tôi cũng bị khó ngủ. Ngay bên tai, ở phòng bên cạnh, ông bắt đầu chơi nhạc cụ điện tử - ghi ta, sitar và nhiều nhạc cụ khác. Sau hai ngày chúng tôi cùng mệt rã rời.
Ông bảo tôi: 'Cậu cứ ở đây - tôi sẽ đi!'
Tôi đáp: 'Thầy không cần đi đâu - mà thầy sẽ đi đâu cơ chứ? Ít nhất con còn có ký túc xá để ở. Con sẽ đi'.
Nhưng ông lại nói: 'Tôi không thể để cậu đi được. Tôi quý cậu, tôi quý sự hiện diện của cậu ở đây. Nhưng thói quen của chúng ta thật nguy hiểm cho cả hai. Tôi chưa bao giờ đụng chạm đến một ai. Và tôi cũng hiểu cậu - cậu sẽ không đụng chạm đến tôi. Nhưng thế này thì cả hai ta đều chết! Cậu sẽ không bảo tôi thay đổi thời gian biểu. Tôi cũng không thể nói cậu đi khỏi đây; vì thế mà tôi đi - cậu hãy ở lại ngôi nhà này'.
Tôi cố thuyết phục ông: 'Con không ở đây được đâu. Thầy đi rồi thì trường cũng không cho phép con ở trong căn nhà này - nó là dành cho thầy. Con phải về ký túc xá thôi'. Ông đưa tôi trở lại ký túc xá mà nước mắt rưng rưng.
Tôi nhớ đến ông lúc này vì chưa bao giờ trong cuộc đời tôi từng gặp một người nào nhiệt tình và nhạy cảm đến vậy. Thậm chí nếu có vô tình va phải chiếc ghế ông cũng dừng lại xin lỗi nó - xin lỗi chiếc ghế. Tôi nói với ông: 'Thế này thì quá xa rồi!'.
Ông đáp: 'Tôi cảm thấy như thế. Tôi va phải chiếc ghế tội nghiệp. Nó không nói được; hẳn nó phải giận tôi lắm. Mà nó là một phần của vũ trụ, nó đã phục vụ tôi, tôi đối với nó lại không trân trọng, tôi va phải nó. Tôi cần phải xin lỗi'.
Ở trường người ta cho rằng ông điên - trên thế giới này một người đi xin lỗi cái ghế thì không thể là người tỉnh táo được. Tôi quan sát ông rất kỹ; ông là một trong những người tỉnh táo nhất. Trách nhiệm của ông thật lớn lao.
Ông không thể bảo tôi, đó là nhà của ông. Ông có thể nói tôi đọc nhỏ lại, đọc vào lúc khác, hoặc đọc vào lúc ông chơi nhạc, nhưng ông không làm vậy. Mọi chuyện có thể dễ dàng hơn rất nhiều - đó là điều mà tất cả mọi người trên thế giới này hẳn sẽ làm. Thế nhưng, sự nhạy cảm và trân trọng sâu sắc đối với người khác của ông, thậm chí cả sự tôn kính của ông đối với đồ vật là không thể lay chuyển.
Người ta nhìn cách ông cư xử và cho rằng: 'Ông này có vấn đề về thần kinh'. Nhưng không ai chịu hiểu rằng, trạng thái tâm lý bình thường giúp người ta hiểu được trách nhiệm của họ đến mức biến họ thành những người điên trong mắt kẻ khác.
Chẳng hạn như Mahavira chỉ nằm nghiêng một bên khi ngủ. Suốt đêm ông không trở mình một lần nào. Người ta hỏi thì ông đáp răng - vì ông sống trơ trọi, không có gì là của mình, nằm ngủ trên nền đất trống trải... Nếu trở mình, có thể ông sẽ đè bẹp một chú kiến hay những loài côn trùng khác, mà ông thì không muốn chuyện đó xảy ra. Trách nhiệm của ông trước cả những sinh vật nhỏ bé nhất chứng tỏ sự hợp nhất của ông với cuộc sống.
Cách ông khất thực cũng sẽ giải thích cho bạn hiểu ý tôi muốn nói. Không nơi nào trên thế giới lại có người làm việc này - quá nhiều niềm tin vào cuộc sống! Buổi sáng, sau giờ thiền định, ông hình dung ra mình sẽ nhận thức ăn trong điều kiện nào. Và nhiều khi suốt 30 ngày trời ông chẳng thể nhận một miếng thức ăn nào chỉ vì cái ông đã hình dung ra, một điều kiện đặc biệt không được đáp ứng. Những điều thật kỳ lạ...
Chẳng hạn, ông mường tượng rằng ông sẽ chỉ nhận thức ăn nếu người phụ nữ ở ngôi nhà đó vừa bế con và cho con bú, vừa đem thức ăn ra cho ông. Và ông sẽ chỉ nhận thức ăn nếu sự việc diễn ra đúng y như vậy; nếu không ngày hôm đó coi như xong. Và hôm sau ông sẽ thử lại.
Môn đồ của ông liên tục bảo ông: 'Chuyện này kỳ cục quá! Trước giờ đã có rất nhiều các thầy tu khổ hạnh vĩ đại rồi. Thầy có thể chịu đựng sự khổ hạnh chừng nào thầy muốn, còn đây lại là một chuyện hoàn toàn khác'.
Ông nói: 'Chuyện này chẳng liên quan gì đến việc tu khổ hạnh cả. Ta để mặc nó cho cuộc sống, còn ta, ta đang tạo ra điều kiện trong đó ta có thể biết được cuộc sống có muốn ngày hôm nay ta được ăn hay không. Đây là chuyện giữa ta và cuộc sống. Nếu điều kiện không được thỏa mãn thì đơn giản nó có nghĩa là cuộc sống muốn ta phải chịu sự khổ hạnh. Đó không phải là sự khổ hạnh của ta, nó chỉ đơn giản là hôm nay cuộc sống không muốn ta ăn, và Đấng toàn năng luôn sáng suốt hơn tất thảy'.
Và đôi khi những điều kiện lạ lùng như vậy được thỏa mãn một cách khó tin. Không ai có thể tưởng tượng được chuyện đó lại xảy ra. Sau 13 ngày nhịn đói, ông vẫn cứ tiếp tục như vậy: trừ phi điều kiện đó được thỏa mãn chứ ông không chịu thay đổi điều kiện. Ông sẽ chỉ thay đổi khi nó đã được đáp ứng, lúc đó ông sẽ đưa ra điều kiện thứ hai.
Điều kiện ông đưa ra là ông sẽ nhận thức ăn nếu người cho thức ăn đó là một công chúa - không phải một thiếu nữ bình thường mà là một công chúa cao quý - chân bị xiềng và tay bị trói. Đến đây thì điều kiện của ông có vẻ thật ngớ ngẩn. Thứ nhất, nếu đó là một công chúa thì sao nàng lại bị trói và bị xiềng? Và nếu nàng bị trói tay và xiềng chân thì nàng chỉ có ở trong ngục mà thôi! Có thể sẽ có một công chúa như thế, nhưng nàng công chúa đó sẽ không thể cho thức ăn được.
Nhưng chuyện xảy ra thế này, có một vị vua nọ giận cô con gái Chandana của mình đến mức ra lệnh còng tay và cùm chân công chúa 24 tiếng đồng hồ. Nàng không bị giam trong ngục mà được tự do đi lại trong cung điện.
Và khi Mahavira đến, bấy giờ cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra: nàng muốn đem thức ăn ra cho Mahavira. Nàng cảm động trước con người này, nàng ngưỡng mộ cách nghĩ của ông, còn cha nàng thì hoàn toàn phản đối. Thế là nàng bị còng tay và cùm chân - nàng không thể ra khỏi cung điện trong tình trạng đáng xấu hổ như thế. Khi Mahavira đến, có hàng ngàn môn đồ theo chân ông.
Công chúa đem thức ăn ra và hàng ngàn môn đồ kia không thể tin vào mắt mình. Vì đúng ngày hôm đó, sau 13 ngày, các môn đồ bắt đầu cầu xin ông: 'Mahavira, chúng con sẽ không nói cho ai khác biết; chúng con chỉ muốn biết liệu có ý nghĩa gì trong những điều kiện của ngài hay không. Liệu cuộc sống có đủ lòng trắc ẩn không? Nó có bận gì đến ngài không? Chỉ lần này thôi, chúng con muốn biết, điều kiện của ngài là gì?'.
Ông nói cho họ nghe về điều kiện đó.
'Trời ơi, không thể nào có chuyện đó xảy ra được đâu...', họ thốt lên.
Mahavira nói: 'Điều đó đơn giản nghĩa là cuộc sống không cần ta. Ta không phiền trách gì; có lẽ sứ mệnh của ta đã hoàn tất, và ta không nhất thiết là một gánh nặng nữa'. Thế mà điều kiện đó đã được thỏa mãn.
Niềm tin như thế trước cuộc sống, niềm tin không lay chuyển đó sẽ đến khi bạn bắt đầu nhận lấy trách nhiệm. Khi bạn cảm thấy mình có trách nhiệm với những vật nhỏ bé nhất quanh mình, cuộc sống sẽ đáp lại bạn bằng hàng ngàn cách. Bạn không mất gì cả.
Osho yêu quý,
Liệu một người nghiện thuốc lá có thể thiền định được không? Tôi hút thuốc 25 năm nay rồi, và tôi cảm thấy thuốc lá khiến tôi không đạt được trạng thái thiền sâu... Nhưng tôi không thể bỏ thuốc lá. Xin ông cho tôi lời khuyên về chuyện này.
Người hành thiền không được hút thuốc lá, đơn giản vì lúc thiền, hành giả không được căng thẳng, lo lắng.
Hút thuốc nhất thời giúp bạn quên những lo âu căng thẳng của mình. Nhiều thứ khác cũng có tác dụng tương tự - kẹo chewing-gum cũng có thể làm được điều đó, nhưng thuốc lá là hiệu quả nhất.
Sâu trong vô thức của bạn, hành động hút thuốc có liên hệ với việc bú sữa mẹ. Và cùng với sự phát triển của xã hội, các bà mẹ không còn muốn cho con bú sữa của mình vì như vậy sẽ làm ngực họ sệ xuống và không còn đẹp nữa.
Trẻ con có nhu cầu khác. Trẻ con không cần một bầu vú căng tròn, vì nó sẽ giết chết đứa trẻ. Nếu bầu vú tròn, lúc bú đứa trẻ sẽ không thở được. Mũi nó bị bầu vú chèn và nó sẽ bị ngạt thở.
Nhu cầu của một đứa trẻ khác với nhu cầu của một họa sĩ, của nhà thơ, của một người đàn ông với cái đầu mỹ học. Đứa trẻ cần một bầu vú dài để mũi nó không bị chèn và nó có thể vừa thở vừa bú. Chính vì thế mà trẻ con thường cố làm cho bầu vú của mẹ nó phù hợp với nhu cầu của nó. Mà không bà mẹ nào lại muốn bầu vú của mình bị phá hủy. Nó là một phần vẻ đẹp của họ, một phần cơ thể, dáng vóc họ.
Thế là cùng với sự phát triển của xã hội, trẻ con bị tách khỏi bầu vú mẹ ngày càng sớm. Và khao khát được bú từ bầu sữa mẹ vẫn khắc khoải trong tâm trí chúng. Bất cứ khi nào người ta căng thẳng, lo âu thì thuốc lá sẽ giúp họ. Nó giúp họ một lần nữa được làm đứa bé, thư thái trong vòng tay mẹ.
Thuốc lá mang tính hình tượng. Nó giống như đầu vú mẹ, và khói thuốc đi qua có hơi ấm như hơi ấm dòng sữa mẹ. Như vậy nó có tính đối xứng nhất định, và bạn bị lệ thuộc vào nó, lúc hút thuốc bạn lại trở thành đứa trẻ, không lo toan, không sợ hãi, không phải gánh vác trách nhiệm.
Bạn nói rằng bạn hút thuốc suốt 25 năm nay, bạn là người nghiện thuốc lá; bạn muốn bỏ thuốc nhưng bạn không bỏ được. Bạn chỉ có thể bỏ thuốc nếu bạn thay đổi được nguồn căn của việc đó.
Tôi đã giúp được rất nhiều đệ tử bỏ thuốc. Mới đầu họ cười tôi khi tôi chỉ họ làm theo cách của tôi. Họ không thể tin nổi một giải pháp đơn giản như vậy có thể giúp được họ. Tôi bảo họ: 'Đừng cố bỏ thuốc, tốt hơn là sử dụng một chiếc bình bú sữa của em bé. Và đêm đến, khi mọi người đã ngủ hết không ai nhìn thấy bạn, bạn hãy nằm trong chăn mà bú những giọt sữa ấm áp từ chiếc bình đó. Ít nhất là nó chẳng gây hại gì cho bạn cả'. Họ nói: 'Nhưng như vậy thì nó có tác dụng gì?'.
Tôi đáp, 'Đừng nghĩ đến nó - như thế nào và tại sao - cứ làm vậy đi. Bạn được uống thức uống bổ dưỡng trước khi ngủ và việc này chẳng hại gì cả. Và tôi tin rằng ngày hôm sau bạn sẽ không còn thấy cần đến thuốc lá nữa. Bạn hãy thử mà xem'.
Và việc này đã khiến họ phải kinh ngạc - dần dần, dần dần họ không còn thèm thuốc lá nữa, bởi nhu cầu cơ bản của họ đã được đáp ứng: họ không còn là trẻ con nữa, họ đang trưởng thành, và thuốc lá đi ra khỏi cuộc sống của họ.
Bạn không thể bỏ thuốc ư? Trước mắt, bạn nên áp dụng một cách nào đó không có hại, lành mạnh hơn để thay thế, nhờ đó mà bạn trưởng thành và thuốc lá tự động mất hấp lực của nó.
Trẻ nhỏ hiểu được điều này - tôi học được bí quyết này từ chúng. Nếu một đứa trẻ khóc đòi ăn mà mẹ nó không có ở đó, nó sẽ đưa ngón tay cái lên bú. Và nó quên đi cơn đói, nín khóc và ngủ lịm đi. Nó tìm được một sự thay thế - dù cái đó không cho nó thức ăn nhưng ít nhất nó cũng đem lại cảm giác tương tự. Nó giúp đứa bé thư giãn.
Tôi đã giúp một số đệ tử của tôi, thậm chí là bảo họ làm thử cách bú ngón tay. Nếu bạn ngại đem bình sữa nóng ấm vào giường ngủ và ngại vợ con nhìn thấy thì tốt hơn hết là: bú ngón tay cái khi ngủ. Cứ bú ngón tay và tận hưởng cảm giác mà nó đem lại.
Người ta cứ cười tôi khi tôi bày cho họ làm như vậy, nhưng rồi tất cả đều phải thừa nhận là: 'Cách đó có tác dụng, và càng ngày tôi càng hút ít thuốc lá hơn'. Có lẽ phải mất vài tuần trước khi bạn có thể bỏ thuốc hoàn toàn. Thực ra khi đó tự nhiên thuốc lá ra đi chứ bạn cũng không cần phải cố gắng bỏ nữa. Việc bạn cố bỏ thuốc là sự đè nén, mà cứ cái gì bị đè nén thì đều cố ngoi lên với sức mạnh lớn hơn, dữ dội hơn. Vậy nên, bạn đừng cố bỏ thói quen nào.
Hãy đi tìm căn nguyên của nó và tìm một cách thay thế lành mạnh hơn. Thế là căn nguyên không còn nữa - thuốc lá chỉ còn là một dấu hiệu. Việc cần làm trước tiên là, từ bỏ nỗ lực từ bỏ thuốc lá. Tiếp đến, tìm một cái bình sữa tốt, và đừng ngượng ngùng. Nếu bạn thực sự ngượng thì hãy dùng ngón tay vậy. Ngón tay sẽ không hiệu quả bằng, nhưng dù sao thì vẫnc ó tác dụng.
Tôi chưa thấy ai làm theo cách của tôi mà thất bại cả. Một ngày nào đó bạn sẽ không thêểtin nổi là bạn đã từng hủy hoại sức khỏe của chính mình, không chịu hít thở không khí trong lành mà lại đi hít thở cái thứ khói đen, bẩn mà lại hại phổi kia.
Vấn nạn nghiện thuốc lá sẽ ngày càng trầm trọng hơn vì phong trào giải phóng phụ nữ càng phát triển thì trẻ con càng ít được bú mẹ. Tôi không nói là người ta cần cho con bú; nhưng họ nên sử dụng các cách thay thế vú mẹ để vô thức của đứa trẻ không bị tổn thương, để đứa trẻ lớn lên không gặp phải những vấn đề về kẹo chewinggum, thuốc lá, xì gà... Tất cả những thứ đó đều là dấu hiệu. Ở mỗi nước mỗi khác.
Ở Ấn Độ người ta nhai trầu, cũng có nhiều người dùng thuốc lá bột. Dù là trầu hay thuốc lá bột thì cũng vậy. Thuốc lá bột có vẻ không giống các loại kia, nhưng không khác nhiều lắm đâu. Khi người ta căng thẳng, lo lắng, họ hít một liều thuốc lá bột. Nó làm cho họ hắt xì, giúp họ tỉnh táo, xốc cả thân người họ lên, và nó đem lại cảm giác dễ chịu.
Nhưng lo lắng sẽ trở lại. Thuốc lá bột không thể phá tan nỗi lo. Bạn phải phá hủy nguyên nhân khiến bạn lo lắng. Tại sao bạn lại lo lắng.
Nhiều nhà báo nói với tôi thế này: 'Khi gặp ông, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là chúng tôi bị căng thẳng. Điều này thật lạ, vì khi phỏng vấn các chính khách, chính chúng tôi mới là người làm cho họ căng thẳng. Còn ông, ông khiến chúng tôi căng thẳng, và ngay lập tức chúng tôi thấy cần một điếu thuốc. Rồi ông lại không cho chúng tôi hút, vì ông dị ứng với khói thuốc.
Cách của ông hay thật đấy! - chúng tôi không được hút thuốc, ông làm chúng tôi căng thẳng và cái loại dị ứng của ông ngăn cản chúng tôi hút thuốc... thế là ông thoát được đám nhà báo chúng tôi'.
Nhưng tại sao họ căng thẳng khi gặp tôi? Những chính khách kia là những con người đầy quyền uy - nhà báo căng thẳng khi tiếp xúc với họ là điều dễ hiểu. Thế nhưng, sự thực là bên trong những kẻ cầm quyền đó chỉ là sự trống rỗng, và quyền lực của họ chỉ là thứ vay mượn, họ lo giữ tư cách đáng trọng của họ. Mỗi lời họ nói ra, họ phải suy nghĩ thật chín. Họ sợ rằng các phóng viên đó có thể tạo ra những tình huống phá sụp ảnh hưởng của họ đối với người dân. Hình ảnh mà họ đã dày công gây dựng nên cần phải ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là nỗi lo của họ. Và do nỗi lo đó, một tay nhà báo - bất kể là nhà báo loại nào, không chút quyền hành - cũng có thể khiến họ căng thẳng.
Còn tôi thì không như vậy. Tôi không có ham muốn được người ta nể trọng. Tôi khét tiếng như vậy là đủ rồi. Tôi đã làm tất cả những việc có thể làm tôi căng thẳng; và tôi đã vượt qua. Rồi họ làm gì được tôi nào? - Tôi chẳng có quyền hành để mà mất, và tôi có thể nói bất kỳ điều gì tôi muốn vì tôi không sợ lời nói của tôi mâu thuẫn hay không nhất quán. Trái lại, tôi thích sự mâu thuẫn, sự không nhất quán đó.
Họ thấy lo sợ, và nỗi lo sợ đó lập tức đem lại cho họ ý nghĩa phải làm một điều gì đó, phải nghĩ đến việc khác để không ai nhận ra sự căng thẳng của họ. Cứ nhìn xem: khi bạn thấy mình cần một điếu thuốc, tại sao bạn lại cần nó? Có điều gì khiến bạn căng thẳng và bạn không muốn người khác nhìn thấy tình trạng của bạn.
Chuyện này nhắc tôi nhớ đến... Ngày nọ, tại một nhà thờ ở New York, khi vị giám mục bước vào thánh đường, ông trông thấy một người lạ với bộ dạng hippie. Thế nhưng chính chàng thanh niên hippie[1] này lại làm ông giám mục lo sợ, vì anh ta nhìn thẳng vào mắt ông giám mục mà nói: 'Ông biết ta là ai không? Ta là Chúa Jesus đây'.
Ông giám mục gọi điện đến Rome: 'Tôi phải làm gì?' - ông này hỏi đức Giáo hoàng - 'Có một thanh niên hippie nhưng trông rất giống đức Jesus. Con chỉ có một mình ở đây. Anh ta đến từ hồi sáng sớm. Con không biết phải làm gì khi đức Jesus đến, con cần được chỉ dẫn thật rõ ràng để không phạm sai lầm'.
Chính Giáo hoàng cũng bắt đầu lo lắng. Ngài nói: 'Chỉ cần làm một việc duy nhất thôi: tỏ ra bận rộn! Đồng thời gọi điện tới sở cảnh sát. Và cứ tỏ ra bận rộn để hắn không thấy sự lo sợ của con'.
Thuốc lá làm cho bạn trông có vẻ bận rộn; nó che đậy sự căng thẳng của bạn. Vì thế nên đừng cố từ bỏ nó, nếu không bạn sẽ cảm thấy lo lắng và rồi bạn sẽ lại quay về với thói quen cũ. Bạn thèm vì trong bạn còn thiếu điều gì đó.
Hãy bù đắp cái thiếu đó - có nhiều cách để làm việc này. Chỉ một bình sữa trẻ con cũng có thể giúp được. Nó sẽ cho bạn thức uống bổ dưỡng, giúp bạn khỏe mạnh hơn và mang đi tất cả những mong muốn được tỏ ra bận rộn của bạn!
Osho yêu quý,
Ông nói rằng cái mới sẽ chiến thắng. Có thực sự phải là mới, hay chỉ là những cái cũ được đánh bóng? Ở Đức có những ấn phẩm lợi dụng tên tuổi của ông. Có những sách báo ghi tên ông trong danh mục tham khảo, cũng có những loại sử dụng ý tưởng của ông mà lại không ghi tên ông - hoặc có khi còn lên án ông. Tôi thực sự thấy sợ những con người đó. Họ có ý gì? Ông có thể giúp tôi thoát khỏi nỗi sợ ấy chăng?
Không cần phải sợ những loại người đó. Đó là điều vẫn xảy ra trên khắp thế giới. Người ta sử dụng lời của tôi mà không ghi tên tôi. Chuyện đó chẳng hại gì, vì tên tôi đâu có quan trọng; điều quan trọng là lời của tôi. Dù cho những người đó có ăn cắp cũng chẳng hại gì. Những ý tưởng của tôi có thể khơi nguồn tốt đẹp trong một người nào đó, mà những người này chưa chắc tự họ đã làm được như vậy. Ý tưởng của tôi có thể sẽ bắt đầu một sự chuyển biến trong ai đó và khiến người đó phải tìm đến nguồn gốc của ý tưởng kia.
Người ta không ghi tên tôi vì hai lý do. Một là, họ muốn thể hiện mình sáng tạo. Hai là, họ sợ rằng họ sẽ bị lên án nếu nhắc đến tên tôi - và như vậy thì sách của họ sẽ không được hưởng ứng và coi trọng.
Nhưng bạn đừng sợ những người này, dù cho lý do của họ có là gì. Tất cả những gì họ lấy từ tôi đều là lửa, và có hề gì đâu chuyện ngọn lửa đến được trái tim con người ta theo cách nào đó. Những người làm việc này không thể là một nhà văn, thi sĩ vĩ đại, nhà tư duy sáng tạo; nếu không họ đã không làm cái hành động ăn cắp như thế. Những người này là kẻ hạng ba.
Vậy nên nếu họ ăn cắp ý tưởng nào đó của tôi thì ý tưởng đó sẽ nổi bật trong cả cuốn sách một cách riêng biệt, không liên quan và không hợp ngữ cảnh. Bất kỳ ai có chút thông minh đều sẽ thấy rằng phần này không xuất phát từ cùng một người đã viết cuốn sách đó, vì cuốn sách có mùi vị hạng ba; không chút sáng tạo, không chút thấu hiểu về những khía cạnh sâu sắc của cuộc sống, và không đủ can đảm để nói lên sự thật. Vậy nên dù là họ ăn cắp cái gì để tô điểm cho tác phẩm của họ, để làm cho cuốn sách của họ có thêm giá trị thì nó cũng sẽ phá hủy toàn bộ tác phẩm đó, dù họ có biết hay không. Họ đã ăn cắp lửa và bỏ vào sách của mình.
Ở Ấn Độ, có một đài phát thanh sáng nào cũng dành 10 phút phát các câu nói của tôi mà không hề nhắc đến tên tôi. Và tôi nhận được hàng trăm lá thư từ khắp nơi, rằng: 'Những người đó ăn cắp ý tưởng trong sách của ông'.
Tôi nói: 'Đừng lo. Tên tôi thì quan trọng gì đâu, cái quan trọng là thông điệp. Có lẽ họ cũng yêu mến tôi nhưng họ là những kẻ hèn nhát'.
Ở Ấn Độ đài phát thanh, truyền hình thuộc sở hữu nhà nước. Nếu họ nhắc tên tôi, họ có thể sẽ bị mất việc. Và tất nhiên từ sau những buổi phát thanh liên tục trong suốt 6 tháng đó, các ông bộ trưởng, nội các chính phủ và cả ngài thủ tướng, đều phát biểu với những trích dẫn kia, những trích dẫn mà họ tin là chẳng dính dáng gì đến tôi cả. Thế nhưng thính giả đều biết rằng những phát biểu đó không phải là của thủ tướng - không thể nào, chẳng liên quan gì tới thủ tướng cả - đó là những lời phát biểu bị ăn cắp. Và người ta lại bắt đầu đi tìm nguồn gốc của những lời phát biểu đó.
Cuối cùng tôi cũng gặp được vị giám đốc đài phát thanh kia. Ông ấy là người ngưỡng mộ tôi, và ông nói, 'Tôi bị lên án dữ dội lắm. Hàng trăm lá thư gửi đến mắng tôi là, 'Ông là thằng ăn cắp. Sao ông không nhắc tên Osho...'. Nhưng nếu tôi nhắc đến tên ông thì chương trình này sẽ bị cắt ngay lập tức. Tôi sẽ tiếp tục như thế chừng nào người ta còn chưa phát hiện ra...'.
Và khi chuyện bị lộ, chương trình bị ngưng hẳn và người kia bị cách chức. Ông bảo tôi: 'Cũng tại chương trình đó. Người ta viết thư cho thủ tướng và tố giác tôi 'Ông ta ăn cắp những phát biểu của Osho'.
Một vị nguyên thủ cũng làm việc đó. Người ta gửi cho tôi những bài phát biểu của vị ấy, và từng từ một, cả một đoạn văn dài vốn là từ sách hoặc băng ghi âm của tôi. Nhưng tôi vẫn luôn đứng trên lập trường: hãy để sự thật đến với mọi người bằng bất kỳ cách nào, bởi bất kỳ người nào.
Tôi cứ nghĩ, nếu tất cả chính phủ các cường quốc trên thế giới đều sợ đến nỗi không dám cho tôi nhập cảnh vào nước họ - dù chỉ với tư cách là một khách du lịch trong 3 hay 4 tuần - nếu họ bất lực với quyền lực của họ đến nỗi họ thậm chí còn không cho phép tôi quá cảnh một đêm ở sân bay, mà đó là quyền hợp pháp của tôi...
Một lần nọ ở Anh, máy bay phản lực của tôi đậu ngoài đường băng và các phi công cần được nghỉ ngơi. Theo luật thì các phi công chỉ được bay liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, và sau đó họ cần được nghỉ ngơi trước khi bay tiếp. Tôi có quyền ở lại phòng chờ ở sân bay, nhưng người ta không cho phép tôi ở đó - cứ như đối với tôi người ta áp dụng thứ luật khác vậy.
Một người đồng hành của tôi lúc đó tình cờ nhìn thấy tập hồ sơ của người chịu trách nhiệm giữ chân tôi. Ông này đi vệ sinh và để tập hồ sơ trên bàn. Bạn tôi liếc qua tập hồ sơ đó và hết sức sửng sốt, trong đó có cả chỉ dẫn của chính phủ... Tôi vừa đến nơi đã có hẳn một bộ hồ sơ như thế, ghi rõ rằng nếu tôi cố tình ở lại qua đêm thì cũng không được để tôi ở trong phòng chờ hạng nhất mà phải giam tôi lại; tôi là một tên nguy hiểm.
Trong phòng chờ sân bay, từ đây tôi không thể vào được đất nước từ cái phòng chờ ấy. Thế mà người ta đã chuẩn bị sẵn sàng mọi chỉ dẫn để đối phó với tôi. Ở Anh, tôi phải trải qua một đêm trong tù mà chẳng có tội tình gì - chỉ vì các phi công không được bay quá thời gian quy định. Và chính phủ ở đây đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Đó không phải là một quyết định bộc phát mà là một sự chuẩn bị hết sức chu đáo.
Giờ đây nhiều quốc gia trên thế giới đã ra nghị quyết cấm tôi bén mảng đến đất nước của họ. Và một ngày nọ, tôi nhận được tinh rằng Nghị viện châu Âu - cơ quan liên kết tất cả các nghị viện của châu Âu - đã ra quyết định cấm cả việc tôi đáp máy bay xuống bất kỳ một sân bay nào thuộc châu Âu.
Hôm nay là ở châu Âu, Hoa Kỳ cũng vừa mới ra lệnh cấm tương tự. Ngày mai sẽ là châu Á, châu Úc, châu Phi. Có thể, rất có thể, nếu họ sợ tôi đến thế, họ sẽ bắt đầu cấm lưu hành sách của tôi. Và có thể việc sách của tôi không mang tên tôi, hay mang tên một người khác sẽ là điều cần thiết - giống như Chúa thánh thần vậy! Tên tuổi thì quan trọng gì đâu. Nhưng thông điệp thì cần phải được đem đến cho mọi người.
Chuyện này chưa từng xảy ra. Cả thế giới chống lại một người - một người không có quyền lực, không có bom hạt nhân, một người không thể hãm hại ai. Cả thế giới đang tuyên chiến với một người. Điều này đơn giản cho thấy là tôi đã đánh đúng gốc rễ sâu kín nhất của họ.
Osho yêu quý,
Những từ này làm tôi bối rối 'nhận lấy trách nhiệm cho bản thân mình'. Tôi là người theo chủ nghĩa cá nhân và thích sống một mình. Nếu tôi làm những việc tôi cảm thấy là tốt để phục vụ cho chính mình, chẳng phải tôi đang nuôi dưỡng cái tôi của mình đó sao? Đâu là giới hạn giữa việc nhận lấy trách nhiệm cho chính mình và nuôi dưỡng cái tôi bằng cách đáp ứng những khuynh hướng của nó?
Không có giới hạn cho việc nhận lấy trách nhiệm cho chính mình. Và câu hỏi đã được nêu ra - không chỉ là câu hỏi này, còn nhiều câu hỏi khác nữa vì bạn chỉ nghĩ về chúng; chúng không phải là trải nghiệm sống của bạn. Nếu bạn nhận lấy trách nhiệm cho chính mình, bạn không thể là một người theo chủ nghĩa cá nhân, bởi lẽ là một người cá nhân chủ nghĩa đơn giản có nghĩa là bạn đang chìm trong cơn mê ngủ và chẳng thể nhận lấy trách nhiệm nào cả. Trách nhiệm chỉ đến trong sự tỉnh táo, sáng suốt.
Bạn đang hỏi một dạng câu hỏi lý thuyết, kiểu như: 'Khi ta đem ánh sáng vào phòng, vậy bóng tối sẽ ra sao? Ta sẽ ném bóng tối đi đâu?'. Lý thuyết thì hoàn toàn đúng. Đúng là có bóng tối trong phòng và bạn nói: 'Đem ánh sáng vào phòng, và câu hỏi đặt ra là: 'Vậy thì bóng tối sẽ bị đẩy đi đâu? Phải ném nó đi đâu? Bằng cách nào?' Nhưng câu hỏi đó không liên quan đến sự hiện hữu của chúng ta. Cứ đem ánh sáng vào đi và sẽ không còn câu hỏi về bóng tối nữa. Sẽ không còn bóng tối nữa!'.
Trách nhiệm là sự tỉnh táo, sáng suốt, có ý thức. Cái tôi chỉ là vô thức. Chúng không thể tồn tại cùng nhau được.
Càng ý thức cao hơn, bạn càng gần ánh sáng, và mọi thứ thuộc về bóng tối sẽ dần biến mất. Cái tôi không là gì hơn bóng tối ấy.
Vậy nên hãy nhớ lấy điều này, chỉ hỏi những câu hỏi liên quan đến sự hiện hữu của chúng ta. Những câu hỏi lý thuyết như thế có vẻ logic nhưng thực sự rất lố bịch. Bạn hãy thử nhận lấy trách nhiệm, và với việc có trách nhiệm, bạn sẽ phải luôn tỉnh táo và sáng suốt. Có trách nhiệm, bạn sẽ tạo ra ánh sáng tự động quét sạch mọi bóng tối của cái tôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét