Chương 7. Cái đầu hay chiếc mũ?

Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại nhất 
Lý luận đà điểu
Osho


Chương 7. Cái đầu hay chiếc mũ?


Osho yêu quý,

Sáng hôm nọ ông nói về một đứa trẻ bị buộc phải vâng lời. Đứa trẻ đó vẫn còn ngồi đây: tôi ghét bị sai bảo phải làm thế này thế kia. Tuy nhiên theo cách nào đó thì đấy chính là vấn đề của người sai bảo; thế nhưng tôi vẫn biến nó thành vấn đề của mình bằng cách phản ứng với sự giận dữ, phẫn nộ, và nhu cầu tự chứng tỏ mình. Rõ ràng là người sai bảo cũng ghét bị sai bảo. Dường như tất cả chúng ta đều mắc kẹt trong một mớ bòng bong, đóng những vai khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Là một người lớn, tôi phải làm gì để biến phản ứng thành sự hưởng ứng và trách nhiệm?

Trước tiên bạn cần phải hiểu rõ ý của tôi khi tôi dùng từ 'không vâng lời'. Nó không mang ý nghĩa như trong từ điển. Ý của tôi về việc không vâng lời không phải là chuyện bị sai bảo, hay trong phản ứng, làm ngược lại những gì người khác muốn mình làm.

Sự vâng lời không cần đến trí thông minh. Tất cả các loại máy móc đều biết vâng lời; chưa bao giờ có một loại máy móc nào bất phục tùng cả. Sự vâng lời cũng rất đơn giản. Nó nhấc cho bạn gánh nặng trách nhiệm. Không cần phải phản ứng, bạn chỉ việc đơn giản làm theo những gì người ta nói. Trách nhiệm là của người đưa ra mệnh lệnh. Theo một cách nhất định bạn rất tự do: bạn không thể bị lên án vì hành động của chính mình.

Sau Thế chiến thứ hai, tại tòa án Nuremberg, rất nhiều thuộc hạ cao cấp của Adolf Hitler cứ khăng khăng là họ không chịu trách nhiệm, và họ không cảm thấy mình có tội. Họ đơn giản chỉ tuân lệnh mà thôi - họ làm những gì người ta sai khiến, và họ làm những việ đó một cách hiệu quả nhất có thể.

Vậy nên nếu bạn muốn trừng phạt, hãy trừng phạt người đưa ra những mệnh lệnh kia. Thế nhưng người ta lại đang trừng phạt những kẻ chỉ đơn giản làm theo những điều được rao giảng và tuyên truyền - những kẻ phục tùng mệnh lệnh.

Phục tùng mệnh lệnh chỉ là sự ngu dốt; việc bất tuân mệnh lệnh mới cần đến một chút thông minh ở mức độ cao hơn. Bất kỳ một thằng ngốc nào cũng có thể tuân lệnh, trên thực tế thì chỉ có kẻ ngu dốt mới phục tùng mệnh lệnh thôi. Người khôn thì sẽ hỏi tại sao? - 'Tại sao tôi lại phải làm việc đó?', và, 'Trừ khi tôi được biết lý do và mục đích của việc đó, còn không thì tôi sẽ chẳng đụng chạm đến nó đâu'. Rồi người đó sẽ chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Trách nhiệm không phải là trò đùa. Đó là một trong những cách sống thật nhất - mà cũng nguy hiểm nữa - nhưng nó không có nghĩa là bất tuân mệnh lệnh vì mục đích của những kẻ bất tuân. Như thế thì cũng chỉ là ngu dốt mà thôi.

Có một câu chuyện về một nhà thần học của giáo phái Sufi, Mulla Nasruddin. Ngay từ khi còn bé ông ấy đã bị coi là một kẻ ngược ngạo. Cha mẹ của ông ấy đã rất khó khăn với ông ấy. Nếu họ nói: 'Rẽ phải đi', thì ông ấy sẽ rẽ trái. Rốt cục người cha già của ông ấy quyết định là không rầy la ông ấy về chuyện đó nữa mà tốt hơn hết là, nếu muốn rẽ trái thì cứ việc bảo ông ấy là rẽ phải - và chắc chắn ông ấy sẽ rẽ trái.

Một ngày nọ họ lội qua một dòng sông. Trên lưng lừa là một bao đường lớn, và cái bao ấy đang bị nghiêng sang bên phải và sắp sửa tuột xuống sông; họ phải xốc cái bao lên cho cân bằng trên lưng lừa. Nhưng nếu bảo Nasruddin rằng, 'Xốc cái bao sang bên trái một chút', cũng có nghĩa là họ sẽ mất bao đường - ông ấy sẽ xốc nó sang bên phải.

Thế là cha ông ấy nói: 'Con trai, cái bao bị tuột kìa; xốc nó sang bên phải đi'. Và Nasruddin xốc nó sang phải thật.

Cha ông thốt lên: 'Lạ quá, lần đầu tiên con làm theo lời cha đấy!'.

Nasruddin đáp: 'Lần đầu tiên con thấy cha khôn khéo như thế. Con biết cha muốn xốc cái bao sang bên trái; con có mắt chứ. Ngay cả với một cách tế nhị đến thế cha cũng không thể bắt con nghe lời đâu'.

Thế nhưng với việc làm trái ngược những gì người ta sai bảo bạn cũng không thể nâng trí thông minh của mình lên một mức cao hơn được. Bạn vẫn ở cái tầm ấy thôi. Việc vâng lời hay không vâng lời chẳng thể thay đổi trí thông minh được. Đối với tôi bất tuân lại là một cuộc cách mạng vĩ đại.

Nhưng nó không có nghĩa là bạn sẽ nói không trong mọi tình huống. Đơn giản nó chỉ có nghĩa là bạn phải quyết định có nên làm việc đó hay không, liệu việc đó có ích hay không. Làm như vậy là bạn đã gánh lấy trách nhiệm rồi. Vấn đề không phải là bạn ghét cái người ra lệnh hay ghét bị sai bảo, vì với sự căm ghét đó bạn không thể hành động theo cách tuân lệnh hay bất tuân; thực ra là bạn đang hành động một cách vô thức đáy. Bạn không thể hành động một cách thông minh được.

Khi bạn bị sai bảo làm một việc gì, bạn có được cơ hội để đáp lại. Có thể những gì người ta sai bảo là đúng; thế thì hãy làm theo, và hãy biết ơn người đã nhắc bạn làm việc đó đúng lúc. Có thể những điều đó là không đúng - vậy hãy nói rõ. Hãy nói ra lý do của bạn, tại sao nó lại không đúng; rồi giúp người kia hiểu rằng anh ta đang suy nghĩ chệch đường rồi. Tuy nhiên, sẽ không có chỗ cho sự thù ghét đâu. Nếu đúng thì hãy làm theo bằng tình yêu.

Nếu nó không đúng, thì sẽ càng cần có nhiều tình yêu hơn nữa, vì bạn sẽ phải nói chuyện với người kia, giải thích cho người đó hiểu rằng như vậy là không đúng.

Bất tuân không phải là trí tuệ, không phải là làm ngược lại mọi mệnh lệnh và cảm thấy tức giận, căm ghét rồi trả thù người ra lệnh. Con đường bất tuân là con đường của trí tuệ tuyệt vời.

Vậy nên vấn đề cuối cùng không phải là tuân theo hay bất tuân. Nhìn sâu vào thực tế, nó đơn giản chỉ là vấn đề về sự thông minh - hãy cư xử một cách thông minh. Có khi bạn phải tuân theo, cũng có khi bạn phải nói: 'Rất tiếc, tôi không làm vậy được'. Tuy nhiên, không có chuyện căm ghét, phẫn nộ hay trả thù ở đây. Nếu lòng căm thù, sự giận dữ hay mong muốn trả thù phát sinh trong bạn, đơn giản nó có nghĩa là bạn hiểu rằng những gì người ta sai bảo là đúng, nhưng nghe theo là đi ngược với cái tôi của bạn; nó làm tổn thưong cái tôi của bạn. Và cảm giác bị tổn thưong đó sẽ bộc lộ dưới dạng thù ghét, căm phẫn.

Thế nhưng vấn đề không phải ở cái tôi của bạn; vấn đề là bạn phải hành động như thế nào - và bạn phải vận động hết trí thông minh của mình để xác định việc đó. Nếu nó đúng thì tuân theo; nếu nó sai thì không làm, thế thôi. Không có mâu thuẫn, không có cảm giác bị tổn thương.

Nếu tuân theo thì dễ hơn; bạn không phải giải thích với ai cả. Nhưng nếu bạn không tuân theo, bạn cần phải giải thích. Và có thể lời giải thích của bạn không đúng. Lúc đó bạn phải quay lại và làm theo. Một người cần phải sống một cách thông minh - thế thôi. Và như vậy tất cả những gì người đó làm đều là trách nhiệm của người đó.

Thực tế là ngay cả những người tài giỏi nhất cũng không biết sống một cách thông minh. Martin Heidegger, một trong những người trí thức vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, lại là một thuộc cấp của Adolf Hitler. Và sau khi Hitler thất bại và những hành động thú tính, dã man, sát nhân, bạo lực của hắn ta phơi bày thì ngay cả Martin Heidgeer cũng phải lùi lại mà nói: 'Tôi chỉ đơn giản đi theo người lãnh đạo đất nước'.

Thế nhưng công việc của một nhà triết học không phải là đi theo người lãnh đạo đất nước. Thực ra nhiệm vụ cơ bản của một vị triết gia là dẫn dắt những người lãnh đạo đất nước chứ không phải để cho họ dẫn dắt mình, bởi nhà triết học không tham gia vào các hoạt động chính trị nên có tầm nhìn rõ ràng hơn. Nhà triết học đứng nhìn từ xa và có thể thấy những thứ mà những người trong cuộc không thể thấy. Thế nhưng việc chối bỏ trách nhiệm dễ dàng hơn nhiều...

Nếu Adolf Hitler chiến thắng, tôi dám chắc là Martin Heidgeer sẽ nói rằng: 'Ông ấy chiến thắng là nhờ đi theo triết lý của tôi'. Và tất nhiên là ông ấy tài giỏi hơn nhiều so với Adolf Hitler. Adolf Hitler chỉ là một kẻ thiểu năng trí tụê. Thế nhưng quyền lực.

Chúng ta được dạy phải nghe theo những người có quyền lực - cha mẹ, thầy cô, mục sư, Thượng Đế. Và chúng ta được dạy là những người nắm giữ quyền lực thì luôn luôn đúng: 'Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh'. Và bạn phải tuân theo nó. Việc này thật đơn giản vì nó không cần đến trí thông minh. Nó đơn giản vì người ta không bao giờ có thể nói rằng đó là trách nhiệm của bạn, rằng những gì xảy ra là trách nhiệm của bạn.

Tất cả các quân đội trên khắp thế giới chỉ dạy một điều duy nhất trong chương trình huấn luyện nhiều năm của họ, đó là chấp hành mệnh lệnh. Ở Đức, trong Thế chiến thứ hai, có những người là người tốt, nhưng họ lại là những người đứng đầu các trại tập trung. Họ là những người cha, người chồng, người bạn tốt. Không ai có thể nghĩ được - khi thấy họ sống trong gia đình, với bạn bè, trong câu lạc bộ - rằng những người này đang thiêu sống hàng ngàn người Do Thái mỗi ngày.

Và họ không cảm thấy có tội chút nào, bởi họ chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên. Và họ đã được huấn luyện để làm như vậy, để phục tùng mệnh lệnh. Nó đã thấm vào máu thịt của họ. Khi mệnh lệnh được phát ra, cách duy nhất là phục tùng.

Đó là cách mà bấy lâu loài người vẫn sống cho đến nay, và chính vì thế mà tôi nói rằng phục tùng mệnh lệnh là một trong những tội ác lớn nhất, bởi tất cả các tội ác đều từ nó mà ra. Nó lấy đi trí khôn của bạn, nó lấy đi sự quyết đoán của bạn, trách nhiệm của bạn. Nó phá huỷ cá nhân của bạn. Nó biến bạn thành một con robot.

Chính vì thế mà tôi ủng hộ sự bất tuân. Thế nhưng bất tuân không đơn thuần là chống lại sự phục tùng.

Bất tuân mang ý nghĩa cao hơn phục tùng và cái gọi là sự bất tuân được định nghĩa trong tự điển. Đơn giản bất tuân là khẳng định trí khôn của bạn: 'Tôi nhận lấy trách nhiệm, và tôi sẽ làm những điều đúng đối với trái tim và sự hiện tồn của tôi. Và tôi sẽ không làm bất cứ việc gì đi ngược lại trí khôn của tôi'.

Cả cuộc đời tôi, từ bé cho đến lớn, tôi cứ bị lên án bởi chuyện tôi không nghe lời. Và tôi vẫn luôn nói rằng: 'Không phải là tôi không biết nghe lời. Đơn giản là tôi đang suy nghĩ bằng trí khôn của mình xem cái gì đúng, cái gì cần làm, và tôi nhận toàn bộ trách nhiệm cho việc làm của mình. Nếu có vấn đề gì thì đó là lỗi của tôi. Tôi không muốn phải đổ lỗi cho ai vì chính họ đã bảo tôi làm việc đó'.

Nhưng điều này thật khó chấp nhận đối với cha mẹ và thầy cô tôi. Ở trường người ta bắt buộc học sinh phải đội mũ, còn tôi thì lúc nào cũng đi học mà không đội mũ. Lập tức thầy tôi gọi tôi lại và nói: 'Trò có ý thức được việc đội mũ là bắt buộc hay không?'.

Tôi đáp: 'Một vật như cái mũ thì không thể nào là một việc bắt buộc được. Làm sao mà bắt buộc được chuyện đội mũ hay không đội mũ chứ? Cái đầu mới là bắt buộc chứ không phải cái mũ. Mà em đi học với cái đầu của em; chẳng lẽ thầy chỉ đến trường với cái mũ?'.

Ông ấy nói: 'Trò thật là loại học trò lạ lùng. Trong nội quy nhà trường, người ta viết là nếu không đội mũ thì học sinh không được vào trường'.

Tôi nói: 'Thế thì đã đến lúc người ta sửa bản nội quy đó rồi thầy ạ. Nó do con người chứ có phải Thượng Đế viết ra đâu; mà đã là con người thì không thể tránh khỏi sai lầm'.

Thầy tôi không tin nổi. Ông nói: 'Trò bị làm sao vậy? Tại sao trò lại không thể đội mũ được cơ chứ?'.

Tôi đáp: 'Vấn đề không phải là cái mũ; em muốn biết tại sao nó lại là bắt buộc, em muốn biết lý do và kết quả của việc ấy. Nếu thầy không giải thích được thì thầy cứ đưa em đến gặp thầy hiệu trưởng và chúng ta sẽ bàn về chuyện này'. Và thế là thầy tôi đưa tôi lên phòng hiệu trưởng.

Ở Ấn Độ người Bengalis là dân tộc thông minh nhất; họ không đội mũ. Và người Punjabis là dân tộc kém thông minh nhất và họ đội khăn xếp. Thế là tôi nói với thầy hiệu trưởng rằng, 'Thầy hãy nhìn xem - người Bengalis không đội mũ mà vẫn là dân tộc thông minh nhất nước ta, và người Punjabis đội khăn xếp quấn rất chặt, và họ là dân tộc kém thông minh nhất. Rõ ràng là cái mũ có liên quan đến trí thông minh, và em không dại gì mạo hiểm'.

Thầy hiệu trưởng lắng nghe tôi, rồi ông nói: 'Trò này thật cứng đầu, nhưng trò ấy có lý. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này - mà điều đó đúng đấy chứ. Và chúng ta có thể bỏ quy định đội mũ đi. Ai muốn đội thì cứ đội; ai không thích đội thì không cần đội - vì nó chẳng dính dáng gì đến việc dạy và học cả'.

Thầy giáo tôi không thể tin nổi. Trên đường về lớp ông hỏi tôi: 'Trò nói gì với thầy hiệu trưởng vậy?'.

Tôi đáp: 'Có gì đâu, em chỉ đơn giản là giải thích tình huống. Em không chống đối, em sẵn sàng đội mũ. Nếu thầy nghĩ nó giúp tăng trí khôn, vậy thì tại sao chỉ đội cái mũ? Em có thể đội hai, ba cái, cái này chồng lên cái khác, nếu nó làm cho mình thông minh hơn...! Em không chống đối, chỉ là em muốn thầy chứng minh điều đó thôi'.

Thầy tôi bảo tôi rằng - và tôi vẫn nhớ từng lời ông ấy nói: 'Trò sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời. Trò sẽ chẳng hợp với ở đâu cả'.

Tôi nói: 'Được vậy thì tốt quá, em không muốn làm một tên ngốc và sống được ở khắp nơi. Tốt hơn là trở thành một kẻ 'không thích hợp' nhưng thông minh. Và em phải đến trường để học khôn, để em có thể trở thành một kẻ không thích hợp có trí khôn! Xin thầy đừng cố biến em từ một cá nhân thành một thứ ăn khớp với xã hội này'.

Thế là hôm sau ở trường tôi học sinh không còn phải đội mũ nữa; chỉ có ông thầy đó là vẫn đội. Bước vào cổng trường, vì đã có quy định mới là học sinh không bắt buộc phải đội mũ, tất cả các giáo viên khác, kể cả thầy hiệu trưởng, đều đến trường mà không đội mũ. Trông ông ấy thật ngố. Tôi nói với ông: 'Vẫn còn thời gian đó thầy. Thầy cất mũ đi'. Và ông ấy làm theo!

Ông ấy nói: 'Em nói đúng. Nếu mọi người không ai đội mũ... tôi chỉ đơn giản làm theo quy định thôi'.

Tôi nói: 'Chúng ta chính là người viết ra quy định. Chúng ta có thể thay đổi nó mà không khó khăn gì. Tại sao ta lại không thể nói chuyện một cách thông minh được?'.

Thế nên hãy nhớ rằng, khi nói 'bất tuân', tôi không có ý là thay thế phục tùng bằng bất tuân. Làm như vậy chẳng giúp bạn khá lên được. Tôi dùng từ 'bất tuân' để bạn hiểu rõ rằng chính bạn là người quyết định, rằng bạn phải là nhân tố quyết định cho mọi hành động trong cuộc đời bạn. Và điều đó sẽ đem lại cho bạn sức mạnh vô song, bởi trong tất cả những việc bạn làm, bạn đều có lý do chính đáng cho nó.

Khi tôi mới bước chân vào cánh cổng đại học, câu hỏi đầu tiên tôi được ông hiệu phó hỏi là 'Sao em để râu ria xồm xoàm vậy?'. Và chuyện này cũng bình thường thôi, vì hồi đó trong trường chẳng ai làm thế cả.

Tôi đáp: 'Em đến gặp thầy để xin học bổng, nhưng đối với e chuyện đó không quan trọng bằng cơ hội được tranh luận'. Ông hiệu phó hỏi lại: 'Em có ý gì?'.

Tôi nói: 'Ý em là em nên hỏi thầy tại sao thầy lại cạo râu của thầy đi? Em thì chẳng làm gì cả, râu của em chúng cứ tự mọc ra thôi. Còn thầy, thầy đã tác động đến chúng; thầy không để chúng mọc tự nhiên - thầy cạo chúng đi hai lần mỗi ngày. Thầy cần giải thích cho em rõ. Tại sao thầy lại làm như vậy?'.

Ông ấy nói: 'Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này... thì mọi người làm vậy và tôi tự nhiên làm theo thôi'.

Tôi nói: 'Đó không phải là một câu trả lời thông minh. Thầy cần suy nghĩ kỹ. Hàng ngày em sẽ đến đây, gõ cửa phòng thầy và khi nào thầy tìm ra câu trả lời, xin hãy nói cho em biết, và em sẽ cạo râu như thầy'.

Ba ngày liên tiếp sau buổi hôm đó, ngày nào tôi cũng đến gõ cửa phòng làm việc của ông. Đến ngày thứ tư, ông ấy đành bảo tôi: 'Em làm tôi mất ngủ mấy hôm nay rồi. Cả ngày tôi cứ nghĩ về bộ râu của mình, cả ngày tôi ngóng ra cửa xem em có đến gõ cửa không. Có khi tôi nghe thấy tiếng gõ cửa nhưng ra mở thì không có ai. Tôi bị ảo giác mất rồi! Em làm tôi ám ảnh quá! Em cứ việc nhận học bổng rồi thích làm gì với bộ râu của em thì làm. Có điều làm ơn quên câu trả lời của tôi đi'.

Tôi nói: 'Không dễ vậy đâu thầy ạ. Thầy không được cạo râu nữa, nếu không em sẽ tiếp tục đến mỗi ngày, gõ cửa phòng thầy và chờ câu trả lời'.

Ông ấy thốt lên: 'Trời ạ! Tôi đã cấp học bổng cho em rồi, mà học bổng đó lẽ ra em không được nhận vì em không phải là sinh viên trường này - em từ trường khác đến cơ mà, và theo quy định của chúng tôi thì ưu tiên số một là dànhc ho sinh viên tốt nghiệp từ trường này ra. Tôi đã bỏ qua quy định rồi; tôi cấp học bổng cho em đơn giản vì tôi muốn em đừng gõ cửa phòng tôi nữa'.

Tôi đáp: 'Thầy cứ giữ lấy suất học bổng đó và trao nó cho người khác, nhưng thầy phải ngưng cạo râu'.

Ông ấy nói: 'Đừng khắc nghiệt với một ông già như tôi - tôi làm thế rồi người ta sẽ nói tôi thế nào? Đừng biến tôi thành trò hề!'.

Tôi nói: 'Thầy sẽ thành trò hề nếu thầy không nghe em, vì em sẽ kể cho tất cả mọi người nghe những gì đã xảy ra trong suốt bốn ngày qua'.

Và bạn không thể tin nổi đâu: ông ấy trao học bổng cho tôi và bắt đầu để râu! Cả trường vô cùng kinh ngạc, vì ông ấy là người hết sức chải chuốt - ông ấy từng dạy ở Oxford, là giáo sư sử học và là trưởng khoa sử của trường này. Người ta bắt đầu thắc mắc với ông: 'Xảy ra chuyện gì vậy?'.

Ông nói: 'Không gì cả. Tôi chỉ nhận ra một điều là tôi đã phạm sai lầm gì đó mà không giải thích được. Chàng thanh niên đó đã giúp tôi hiểu ra rằng mình phải sống có lý. Tôi từng là kẻ chỉ biết bắt chước, tôi chỉ biết tuân theo mọi thứ quanh mình. Không ai nói với tôi điều này cả - rằng tôi chỉ biết phục tùng. Nhưng vì tôi không tìm ra lý do gì để phải cạo râu cả nên tôi để râu. Và dường như người thanh niên này đã nói đúng, rằng nếu phụ nữ để râu thì...'.

Và việc này không khó. Người ta có thể tiêm cho phụ nữ một số hormones nào đó và râu họ sẽ mọc dài ra. Bạn hãy tưởng tượng xem thế giới có đẹp không nếu phụ nữ để râu còn đàn ông thì mày râu nhẵn nhụi? Phụ nữ mà có râu thì đàn ông phải sợ chết khiếp. Và đàn ông mà cạo râu thì cũng giống như phụ nữ để râu thôi; chỉ có phụ nữ mới giỏi chịu đựng. Họ chịu đựng được cả những người không có râu. Tôi dám nói là đàn ông không ai chịu được chuyện vợ mình mọc râu cả; hẳn là vậy rồi. Hoặc là anh chồng đó sẽ ném cô vợ ra ngoài đường, hoặc là anh ta thà treo cổ mà tự vẫn. Ấy thế mà hàng triệu phụ nữ đang phải chịu đựng những người đàn ông không râu.

Tự nhiên không bao giờ làm việc gì mà không có lý do. Tôi đã cố ngắm nhìn những người đàn ông không râu. Dường như những người ấy thiếu mất điều gì. Hãy nhìn Milarepa mà xem! Lần đầu tiên nhìn thấy ông ấy, tôi thực sự sửng sốt. Trông ông ấy thật đẹp với chòm râu của mình, thế mà giờ trông ông ấy cứ như là một kẻ ngố! Ông ấy đã đánh mất vẻ cao quý của mình. Các bạn hãy sống thông minh hơn

Nếu người khác muốn bạn làm điều gì, hãy suy nghĩ xem điều đó đúng hay sai, và bạn sẽ tránh được mọi cảm giác tội lỗi. Bằng không, nếu không làm theo, bạn sẽ cảm thấy mình có tội; nếu làm theo, bạn cũng thấy có tội. Nếu bạn làm theo, bạn cảm thấy rằng mình chỉ biết phục tùng, thấp kém, rằng mình không quyết đoán, rằng mình không phải là mình. Và nếu bạn không làm theo, bạn cũng cảm thấy mình có lỗi - bởi lẽ có thể việc đó đúng như bạn không chịu thực hiện nó.

Không nhất thiết phải lóng ngóng như thế. Hãy sống một cách đơn giản. Nếu người ta bảo bạn làm gì, hãy đáp lại một cách thông minh. Và dù trí thông minh của bạn quyết định như thế nào, hãy cứ làm - nhưng hãy nhớ là bạn chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Và như thế bạn sẽ không còn cảm giác mình có lỗi nữa.

Nếu bạn không làm theo, hãy giải thích cho người kia biết lý do tại sao. Và hãy giải thích một cách bình tĩnh, bởi đơn giản là sự giận dữ chứng tỏ bạn kém cỏi, bạn không thực sự có một câu trả lời thông minh. Sự nóng giận luôn là dấu hiệu của sự yếu kém. Bạn chỉ cần giải thích một cách đơn giản và thẳng thắn; có thế người kia sẽ hiểu ra là bạn đúng và biết ơn bạn. Hoặc cũng có thể người kia có lý do chính đáng hơn bạn; lúc đó bạn sẽ phải biết ơn người đó vì người đó đã giúp bạn nhận thức rõ hơn.

Hãy tận dụng mọi cơ hội để nâng cao trí thông minh và nhận thức của bạn.

Thường thì những gì chúng ta làm là tận dụng cơ hội để tạo ra địa ngục cho chính mình. Chỉ có bạn là người phải chịu đau khổ, và vì bạn đau khổ nên bạn làm người khác đau khổ theo. Và nếu nhiều người cùng sống với nhau, và họ cùng gây đau khổ cho nhau thì đau khổ sẽ tăng theo cấp số nhân. Đó là cách mà cả thế giới này đã biến thành địa ngục. Chúng ta có thể thay đổi nó ngay lúc này.

Chỉ cần hiểu một điều cơ bản là, không có trí khôn thì không có thiên đàng.


Osho yêu quý,

Người ta gọi ông là 'thiên tài lố bịch'. Con đường của ông trên thế giới này ngày càng điên rồ đến nỗi khiến nhiều người - có lẽ là tất cả mọi người - thắc mắc, hoặc bối rối; và thậm chí có khi căm phẫn. Tuy nhiên việc nghị viện châu Âu bỏ phiếu và ra lệnh cấm ông không được đặt chân vào châu Âu vĩnh viễn cũng thật lố bịch và điên rồ. Tôi tự hỏi trong trường hợp này không biết ai lố bịch hơn ai? Chúng tôi tìm thấy sự thật nào trong sự lố bịch của ông?

Họ không lố bịch đâu; họ đang hành động một cách rất logic. Họ có thể thấy được mối nguy hiểm tiềm ẩn mà tôi có thể đem đến cho thế hệ trẻ, và mối nguy đó có thể phá sập những lợi ích thiết thân hàng thế kỷ qua của họ.

Họ không lố bịch đâu. Có vẻ như là họ lố bịch - cả thế giới chống lại một người - nhưng chuyện này lại rất logic. Họ thấy được những gì tôi nói đều là sự thật và họ không biết làm thế nào để bảo vệ nền đạo đức của họ, hôn nhân của họ, gia đình của họ, cấu trúc xã hội của họ. Hẳn nhiên là họ không muốn tôi tiếp xúc với lớp trẻ của họ, bởi lẽ lớp trẻ bây giờ sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; và nếu lớp trẻ bùng lên với ngọn lửa ý tưởng của tôi thì ngày mai thế giới này sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Để bảo vệ cái cũ và chống lại cái mới, họ đã thử hết mọi biện pháp - và như thế cũng logic thôi. Tôi mới chính là kẻ lố bịch.

Bạn phải hiểu ý nghĩa của sự lố bịch. Trong cuộc sống hễ cái gì có ý nghĩa quan trọng thì đều lố bịch. Khi bạn yêu một người, điều đó là lố bịch chứ không logic. Bạn không thể đưa ra câu trả lời logic cho câu hỏi tại sao bạn lại yêu người đó. Đó là điều nằm ngoài tầm hiểu biết của bạn và chính nó đã tìm đến bạn. Bạn không cần làm gì cả. Thậm chí nếu bạn có muốn ngăn chặn nó cũng không được; trên thực tế bạn không thể làm gì để cưỡng lại được nó.

Niềm vui của bạn trong một thế giới đầy đau khổ là sự lố bịch. Nó chẳng có mối liên hệ nào với nhân loại đau khổ hết. Bạn hoàn toàn đơn độc. Mọi thứ có giá trị - bạn yêu âm nhạc, bạn rung động trước cái đẹp, bạn đi tìm thực tại, bạn muốn hiểu chính mình - những thứ này đều hết sức lố bịch.

Hành thiền là lố bịch; đi kiếm tiền tốt hơn và logic hơn nhiều chứ.

Ngay trước khi tôi rời Nepal, một nhóm sannyasin từ Delhi đến và đề nghị tôi ở lại Nepal hoặc Ấn Độ. Họ đã chuẩn bị xong mọi công việc cần thiết để mua một lâu đài lớn và xây dựng một cộng đồng. Nhưng tôi bảo họ rằng: 'Ngay lúc này đây, các bạn đang hành động theo cảm tính. Các bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tòa lâu đài đó giá một triệu đô-la. Có thể các bạn quyên góp được đủ số tiền đó và nghĩ rằng nếu không mua được nó tôi sẽ không ở lại. Nhưng vấn đề không chỉ là tòa lâu đài; rồi đây còn có ít nhất 50 người cùng sống trong đó nữa, và các bạn sẽ không trang trải nổi.

'Đây không phải là chuyện ngày một ngày hai, vậy nên các bạn hãy logic hơn một chút. Các bạn đề nghị tôi ở lại Ấn Độ vì các bạn yêu tôi, nhưng chuyện này thật lố bịch. Các bạn sẽ gây rắc rối cho cả tôi và chính các bạn. Vậy nên các bạn hãy quay về và suy nghĩ cho thật kỹ. Tôi sẽ ở đây chờ thêm 10 ngày nữa. Một tuần sau các bạn hãy quay lại và cho tôi biết các bạn quyết định thế nào'.

Và họ đã không quay lại. Hẳn họ đã hiểu ngụ ý của tôi - họ sẽ không xoay xở nổi. Thế nhưng sự quả quyết của họ xuất phát từ trái tim chứ không phải lý trí.

Tôi lố bịch vì những gì tôi dạy cho các bạn đều đi ngược lại với những gì người ta đã dạy cho các bạn. Mà những điều đó người ta đã dạy các bạn quá lâu rồi và bạn đã hoàn toàn quên rằng chúng có vấn đề.

Chẳng hạn, mọi văn hóa trên thế giới đều dạy cho thế hệ trẻ của họ rằng tình yêu là vĩnh cửu, rằng khi bạn yêu một người, bạn sẽ yêu người ấy mãi mãi. Ý tưởng này đã sống qua biết bao thế kỷ nay ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có vẻ như rất logic nếu bạn yêu một người thì chính hiện tượng tình yêu sẽ biến nó thành vĩnh cửu. Và tại sao mọi người chấp nhận nó - vì bạn cũng ước mong có được một tình yêu mãi mãi. Tất cả mọi người đều muốn như vậy.

Thế là ý tưởng truyền thống và mong ước của bạn cộng hưởng với nhau, và nó trở thành một chân lý. Nếu tình yêu của bạn thay đổi thì chính bạn và những người khác sẽ bắt đầu cho rằng, đó không phải là tình yêu - chính vì thế mà nó thay đổi. Bạn không thay đổi quan niệm về tình yêu vĩnh cửu mà lại cho rằng, 'Mình tưởng đó là tình yêu nhưng không phải, vì nó thay đổi mất rồi - mà tình yêu thì có thay đổi bao giờ'.

Hẳn là tôi lố bịch vì tôi muốn nói với các bạn rằng, trong cuộc sống mọi thứ đều thay đổi - dù bạn muốn hay không, dù bạn có ngồi bên bờ sông mà ước rằng 'sông ơi hãy ngừng chảy, mùa ơi thôi đừng đi, hoa ơi xin đừng tàn, tuổi trẻ đừng giã biệt, tuổi già xin đừng đến, cuộc đời ơi xin chớ đưa ta đến nấm mồ'.

Ước muốn của bạn là một chuyện, hiện hữu không nghe theo ước muốn của bạn, dù cho ước muốn đó có đẹp, có chân thành đến đâu. Hiện hữu đi theo con đường của nó. Mọi sự đều thay đổi - và tình yêu không phải ngoại lệ.

Giờ đây có lẽ tôi là người đầu tiên muốn tất cả mọi người hiểu rõ rằng, tình yêu cũng thay đổi: nó sinh ra, già đi và chết. Và tôi nghĩ như vậy là tốt. Nó cho bạn nhiều cơ hội hơn để yêu những người khác, để bạn có một cuộc sống phong phú hơn - bởi lẽ mỗi người đều có thể đem đến cho bạn một điều đặc biệt. Bạn càng yêu nhiều, bạn càng giàu tình cảm, càng giàu tình yêu.

Và nếu bạn vứt bỏ ý niệm về sự thường hằng thì tự động sự ghen tuông cũng ra đi; lúc đó ghen tuông trở nên vô nghĩa. Cũng giống như khi bạn yêu rồi thì bạn không thể cưỡng lại được, rồi sẽ có một ngày bạn hết yêu và bạn cũng không thể cưỡng lại được. Một cơn gió thổi vào cuộc đời bạn và ra đi. Cơn gió thật tuyệt, thật đẹp, thật thơm mát, và hẳn bạn muốn nó ở lại mãi bên bạn. Bạn đóng hết các cửa lại để giữ cơn gió trong lành, thơm mát ấy. Thế nhưng bằng việc đóng cửa bạn đã giết chết cơn gió, giết chết sự trong lành, sự thơm mát của nó; nó không còn sức sống nữa. Và hôn nhân cũng vậy.

Tôi lố bịch, vì tôi không muốn ép hiện hữu vào trong logic - một thứ do con người tạo ra. Bằng cách áp đặt logic lên hiện hữu, đơn giản là bạn đã đem lại đau khổ cho chính mình, bởi lẽ bạn sẽ thất bại; thất bại của bạn là điều không thể tránh khỏi. Hàng triệu người vẫn đang vờ vĩnh rằng họ vẫn yêu nhau. Họ đã từng yêu, nhưng giờ nó chỉ còn là kỷ niệm, và ngày càng phai nhạt đi. Thế nhưng chỉ vì cái quan niệm về tình yêu vĩnh cửu mà họ không dám nói ra sự thật.

Và đó không phải là sự giận dữ, căm thù; không phải việc chống lại người kia. Đơn giản đó là cuộc sống - tình yêu có thể thay đổi. Nó giống như mùa vậy, và thật tốt khi ta có hạ và có đông, có mưa và có nắng; có thu và có xuân.

Bạn cso thể sống cuộc đời mình theo logic hoặc theo hiện hữu. Hiện hữu thì lố bịch. Lúc này nó thế này, lúc khác nó thế khác, lúc nọ lại thế kia. Và bạn phải tự mình quyết định hoặc là vờ rằng mọi thứ vẫn không thay đổi, hoặc là thành thật mà thừa nhận rằng đó là thời khắc đẹp nhất nhưng đã qua rồi. Thiên đàng đã qua và giờ ta đang đứng giữa sa mạc, ta hiểu rằng mình đang đứng giữa sa mạc; không thể mừng vui.

Dù sao thì chúng ta vẫn gắn kết với nhau từ ý niệm về một tình yêu thường hằng. Tình yêu thường hằng đó chính là một ý niệm logic.

Tình yêu thực thụ là một bông hồng thực thụ: nó sẽ thay đổi. Từ sáng đến tối nó sẽ có những hình dáng, sắc thái khác nhau, và nó sẽ tàn khi đêm đến. Và tôi tin rằng điều đó chẳng có gì là sai trái cả.

Tình yêu chỉ là một ví dụ. Trong cuộc đời bạn sẽ gặp vô số những điều tương tự như vậy. Chẳng hạn, người ta dạy cho trẻ con phải biết kính trọng cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi hơn. Sự kính trọng là một kinh nghiệm đẹp đẽ, nhưng khi bạn bị buộc phải kính trọng người khác theo lễ nghi thì nó trở thành tệ hại.

Lúc bé tôi phải nghe đi nghe lại câu này: 'Con phải lễ phép'.

Tôi thường nói với cha tôi rằng: 'Trước khi cha bảo con kính trọng một người, ít nhất cha cũng phải biết chắc là người đó có đáng được kính trọng không đã chứ; nếu không cha sẽ biến con thành đứa đạo đức giả. Con biết có những người không đáng kính chút nào, thế nhưng họ lớn tuổi hơn con và con phải kính trọng họ. Con sẵn sàng kính trọng người ta nhưng ít nhất họ phải có gì đó xứng đáng. Nếu không thì tại sao con lại phải kính trọng họ?'.

Thế nhưng hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, cũng vẫn ý niệm đó được áp đặt lên những phương diện khác: phải kính trọng cha mẹ mình. Nhưng tại sao? Chỉ vì họ đã sinh ra bạn ư? Chẳng phải đó là niềm vui đối với họ sao? Nếu đối với họ đó là niềm vui thì hẳn họ đã nhận được phần thưởng xứng đáng. Và nếu họ muốn bạn phải kính trọng họ thì họ phải xứng đáng với điều đó.

Và cha tôi nói: 'Con toàn nói ra những điều lố bịch. Chúng ta phải sống trong một xã hội, mà xã hội thì vận hành theo những quy tắc nhất định. Chúng ta phải làm theo những phong tục tập quán, nếu không con sẽ bị xã hội bài trừ. Con đừng lố bịch như thế nữa,' và cha tôi cứ nhắc tôi mãi như thế.

Tôi nói: 'Con không muốn bị xã hội bài trừ, nhưng con không thể cư xử theo logic được trong khi hiện hữu lại đi theo một hướng khác. Những gì cha nói là logic. Cha nói rằng: 'Đó là cách mà bấy lâu người ta vẫn sống; và người ta cần phải sống theo cách đó''.

Trong đó có một logic - rằng nếu bạn kính trọng người khác, họ sẽ kính trọng bạn; nếu bạn giúp đỡ xã hội, xã hội sẽ giúp lại bạn. Nhưng nếu bạn lên án xã hội, nếu bạn nhìn ra sai lầm khắp mọi nơi, bạn sẽ lạc lõng một mình và không thể thắng được số đông. Logic là cách duy nhất để chiến thắng xã hội.

Hãy sống một cách logic, và bạn sẽ leo lên những nấc thang một cách dễ dàng hơn.

Tôi nói: 'Tôi muốn sống theo hiện hữu - mà hiện hữu thì lố bịch. Nó không có logic, không có ý nghĩa. Nó mang trong mình vẻ đẹp bao la, nó mang những triển vọng hạnh phúc, nhưng bạn không thể tạo ra một hệ thống logic từ nó được'.

Vậy nên bạn hãy nhớ rằng: nghị viện châu Âu, chính phủ Mỹ - đều đang hành động rất logic - và các nước khác cũng sẽ sớm làm theo như thế. Nhưng tôi không phải là một người nhà logic học. Tôi là một người theo chủ nghĩa hiện sinh.

Tôi tin vào sự hỗn loạn vô nghĩa và đẹp đẽ này của hiện hữu, và tôi sẵn sàng đi theo nó đến bất kỳ đâu.

Tôi không có đích đến, vì hiện hữu không có đích đến. Đơn giản nó chỉ khai hoa và vui múa - nhưng xin bạn đừng hỏi tại sao. Chỉ căng tràn nhựa sống, và không có lý do gì cả. Tôi ở trong hiện hữu. Một sannyasin có nghĩa là: Ở trong hiện hữu.

Điều duy nhất bạn cần từ bỏ chính là lý trí logic của bạn.

Thế nên bạn hãy đi theo con đường hiện hữu phi logic. Thế giới có gọi bạn là kẻ điên rồ, lố bịch... thì đã sao?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho