Chương 60: Giải thoát khỏi chính mình

Sách của những bí mật - Tập 4
Book of secrets - Volume 4
Osho


Chương 60: Giải thoát khỏi chính mình


01 tháng 07 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ

Câu hỏi 1

Thầy nói rằng tôn giáo là hoàn toàn tự do hay moksha, và thầy cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của buông bỏ trong tôn giáo. Nhưng tự do và buông bỏ không phải là những thuật ngữ mâu thuẫn sao?

Chúng biểu hiện mâu thuẫn nhưng chúng không phải như thế. Và chúng biểu hiện như thế là bởi ngôn ngữ; về mặt tồn tại thì chúng không phải thế. Cố gắng hiểu hai vấn đề. Đầu tiên: bạn không thể tự do mà vẫn giữ nguyên như bạn đang là, bởi vì như bạn đang hiện hữu chỉ là sự trói buộc của bạn. Bản ngã bạn là sự trói buộc. Bạn chỉ có thể tự do khi bản ngã này biến mất - bản ngã này là sự trói buộc.

Khi không còn bản ngã, bạn trở thành một với tồn tại, và chỉ sự nhất thể đó mới có thể là tự do. Khi bạn tồn tại tách biệt, sự tách biệt này là giả. Thực ra, bạn không tách biệt; bạn không thể. Bạn là một phần của tồn tại - và không phải là một phần máy móc, mà là một phần hữu cơ. Bạn không thể tồn tại tách biệt với tồn tại dù chỉ một khoảnh khắc. Bạn thở nó mọi thời điểm; nó thở bạn mọi thời điểm. Bạn sống trong cái toàn bộ của vũ trụ.

Bản ngã bạn mang đến cho bạn một cảm nhận sai về sự tồn tại tách biệt. Vì cảm nhận sai đó mà bạn bắt đầu đấu tranh với tồn tại. Khi bạn đấu tranh, bạn bị trói buộc. Khi bạn đấu tranh bạn buộc phải bị đánh bại, bởi vì một phần không thể chiến thắng toàn bộ. Và vì cuộc chiến với toàn bộ này mà bạn cảm thấy bị trói buộc; mọi thứ đều bị giới hạn. Dù bạn di chuyển đi đâu thì cũng xuất hiện một bức tường. Bức tường đó không ở đâu trong tồn tại - nó di chuyển cùng với bản ngã bạn, nó là một phần của cảm giác tách biệt của bạn. Thế rồi bạn vật lộn chống lại tồn tại. Trong cuộc chiến đó bạn sẽ luôn bị đánh bại; trong thất bại đó bạn cảm nhận sự trói buộc, sự giới hạn.

Buông bỏ có nghĩa là bạn buông bỏ bản ngã, bạn buông bỏ bức tường tách biệt, bạn trở thành một. Đó là thực tại, nên bất cứ điều gì bạn đang buông bỏ cũng chỉ là một giấc mơ, một khái niệm, một ý niệm sai. Bạn đang không buông bỏ thực tại; bạn chỉ đang buông bỏ một quan niệm sai. Thời điểm bạn buông bỏ quan niệm sai này bạn trở thành một với tồn tại. Khi đó không còn xung đột.

Và nếu không có xung đột thì bạn không có sự giới hạn nào; không còn sự trói buộc, ranh giới ở đâu cả. Bạn không tách biệt. Bạn không thể bị đánh bại, bởi vì không có ai để bị đánh bại. Bạn không thể chết, bởi vì không có ai để chết. Bạn không thể đau khổ, bởi vì không có ai để đau khổ. Thời điểm bạn buông bỏ bản ngã, toàn bộ sự vô nghĩa bị buông rơi - đau khổ, trói buộc, dukkha, địa ngục - mọi thứ đều bị buông rơi. Bạn trở thành một với tồn tại. Sự nhất thể này chính là tự do.

Tách biệt là trói buộc. Nhất thể là tự do. Không phải là bạn trở nên tự do, nên nhớ điều này - bạn không còn nữa. Cho nên không phải là bạn trở nên tự do - bạn không còn nữa. Thực ra, khi bạn không còn, thì có tự do. Thật khó để diễn đạt được điều này. Khi bạn không còn, thì có tự do. Đức Phật được cho là đã nói, “Bạn sẽ không có trong niềm phúc lạc. Khi bạn không còn, thì có phúc lạc. Bạn sẽ không được ai giải thoát mà bạn sẽ được giải thoát khỏi chính mình”.

Cho nên tự do đó không phải là tự do của bản ngã. Tự do đó là tự do khỏi bản ngã. Và nếu bạn có thể hiểu được điều này - rằng tự do là tự do khỏi bản ngã - thì buông bỏ và tự do trở thành một, thể thì chúng có nghĩa là một. Nhưng nếu bạn suy nghĩ từ quan điểm của bản ngã thì bản ngã sẽ nói, “Tại sao lại buông bỏ? - bởi vì nếu bạn buông bỏ thì bạn không thể tự do. Thế thì bạn trở thành nô lệ. Khi bạn buông bỏ, bạn trở thành nô lệ”.

Sự thực là, bạn đang không buông bỏ với một người nào đó. Đây là điểm thứ hai cần phải hiểu: bạn đang không buông bỏ với ai đó; bạn chỉ đơn giản đang buông bỏ. Không có ai sẽ nhận sự buông bỏ của bạn. Nếu có ai đó và bạn buông bỏ với người đó thì đó là một dạng nô lệ. Thực sự, thậm chí không có vị thần nào để bạn buông bỏ với ngài. Và khi chúng ta nói về một vị thần, đó chỉ là để tìm ra một cái gì đó để giúp bạn buông bỏ.

Trong kinh Yoga của Patanjali, Thượng đế được nói đến chỉ để giúp bạn buông bỏ. Không có Thượng đế. Patanjali nói không có Thượng đế, nhưng sẽ là khó cho bạn để buông bỏ với một người; sẽ là khó cho bạn để chỉ buông bỏ. Thượng đế được nói đến để giúp buông bỏ. Cho nên Thượng đế chỉ là một phương pháp. Điều này là hiếm hoi, rất khoa học - Thượng đế chỉ là một phương pháp để giúp bạn buông bỏ. Không có ai sẽ nhận sự buông bỏ của bạn. Nếu có ai đó và bạn buông bỏ thì đó là một sự nô lệ, một sự trói buộc. Đây là một điểm rất tinh tế và sâu sắc: không có Thượng đế như là một con người; Thượng đế chỉ là một cách thức, một phương pháp, một kỹ thuật.

Patanjali kể ra nhiều kỹ thuật. Một trong số đó là ishwara pranidhan - ý tưởng về Thượng đế. Có nhiều phương pháp để đạt tới sự buông bỏ; một phương pháp là ý tưởng về Thượng đế. Điều đó sẽ giúp cho tâm trí bạn buông bỏ, bởi vì nếu tôi nói, “Hãy buông bỏ”, bạn sẽ hỏi, “Với ai?” Nếu tôi nói, “Chỉ đơn giản buông bỏ”, thì bạn sẽ khó hình dung điều đó. Cố gắng hiểu theo cách khác. Nếu tôi nói với bạn, “Chỉ đơn giản yêu”, bạn sẽ hỏi, “Yêu ai? Thầy ngụ ý gì bởi ‘chỉ đơn giản yêu’? Nếu không có ai để yêu thì làm sao yêu?” Nếu tôi nói, “Hãy cầu nguyện”, thì bạn sẽ hỏi, “Cầu nguyện ai? Thờ phụng ai?” Tâm trí bạn không thể hình dung cái phi-nhị-nguyên. Nó sẽ hỏi, nó sẽ đưa ra câu hỏi, “Với ai?”

Chỉ để giúp tâm trí bạn, để câu hỏi của tâm trí bạn được thỏa mãn, Patanjali nói rằng Thượng đế chỉ là một cách thức, một kỹ thuật. Thờ cúng, yêu thương, buông bỏ - với ai? Patanjali nói, “Với Thượng đế”. Bởi vì nếu bạn buông bỏ thì bạn sẽ tới lúc biết rằng không có Thượng đế - hoặc đó chính là bạn đã buông bỏ với chính mình. Nhưng điều này sẽ xảy ra khi bạn đã buông bỏ. Thượng đế chỉ là một cái mẹo để giúp bạn buông bỏ.

Người ta nói ràng ngay cả buông bỏ với một vị thần, là người không được nhìn thấy ở đâu, là người vô hình, cũng là điều khó khăn, thế nên kinh nói, “Hãy buông bỏ với vị đạo sư, với bậc thầy”. Bậc thầy là hữu hình và là một con người, vì thế câu hỏi trên trở nên thích hợp - nếu bạn buông bỏ với một bậc thầy thì đó là một sự nô lệ, bởi vì có một người và bạn đang buông bỏ với ông ta. Nhưng thế thì bạn cũng sẽ phải hiểu một điểm rất tinh tế nữa - thậm chí còn tinh tế hơn khái niệm về Thượng đế. Một bậc thầy là bậc thầy chỉ khi vị đó không tồn tại. Nếu vị đó tồn tại thì ông không phải là bậc thầy. Một bậc thầy trở thành bậc thầy chỉ khi vị đó không tồn tại. Vị đó đã đạt được tính phi-bản-thể; không có ai.

Nếu ai đó đang ngồi đây trong ghế này thì đó không phải là bậc thầy, khi đó sự buông bỏ sẽ trở thành một sự nô lệ. Nhưng nếu không có ai ngồi đây trong ghế này, một phi bản thể, là người không định tâm ở bất cứ đâu, là người đã buông bỏ - không với bất cứ ai, chỉ đơn giản đã buông bỏ và đã đạt được phi bản thể, đã trở thành phi cá nhân - là người đơn giản có đó, không tập trung vào bản ngã, mà khuếch tán, không tập trung vào bất cứ đâu, thế thì vị đó trở thành một bậc thầy. Cho nên khi bạn đang buông bỏ với một bậc thầy, bạn lại đang buông bỏ với không ai cả.

Đối với bạn, đây là một câu hỏi sâu sắc. Khi bạn đang buông bỏ, nếu bạn có thể hiểu rằng đây đơn giản là buông bỏ, không phải là một sự buông bỏ - mà chỉ là buông bỏ, không phải là một sự buông bỏ... một sự buông bỏ là hướng tới một người nào đó. Chỉ buông bỏ là một cái gì đó về phía mình. Cho nên vấn đề cơ bản là chỉ buông bỏ - là hành động, chứ không phải đối tượng. Đối tượng không nên là quan trọng, mà người đang buông bỏ mới là quan trọng. Đối tượng chỉ là một cái cớ - chỉ là một cái cớ.

Nếu bạn có thể hiểu thì không cần buông bỏ với bất cứ ai - bạn có thể chỉ đơn giản buông bỏ. Thế thì không cần phải yêu ai - bạn đơn giản chỉ yêu. Bạn là quan trọng, chứ không phải đối tượng. Nếu đối tượng là quan trọng thì bạn sẽ tạo ra một sự trói buộc từ nó. Cho nên ngay cả một vị thần, là người không tồn tại, cũng sẽ trở thành một sự trói buộc; thậm chí một bậc thầy không tồn tại cũng sẽ trở thành một sự trói buộc. Nhưng sự trói buộc đó được tạo ra bởi bạn; nó là một sự hiểu sai. Ngược lại, buông bỏ chính là tự do. Hai thuật ngữ này không mâu thuẫn.



Câu hỏi 2

Trong khi “đây là cái này” cũng bao gồm “đây là cái kia', và “đó là brahma', vậy tại sao câu kinh chi nhấn mạnh đến “đây là cái này”?

Vì một lý do rất đặc biệt - bởi vì sâu bên trong, tantra chỉ quan tâm đến cái ở đây và bây giờ. Đây là cái này, cái này có nghĩa là ở đây và bây giờ. Cái kia là đi một chút xa hơn.

Thứ hai, với tantra không có sự phân chia giữa cái này và cái kia. Tantra là phi nhị nguyên. Đây là thế gian và kia là Brahman. Đây là trần tục, vật chất, và kia là ý thức, tâm linh. Với tantra không có sự phân biệt như thế. Cái này chính là tất cả - cái kia được bao gồm trong nó. Chính thế gian này là linh thiêng.

Tantra không tạo ra bất cứ sự phân biệt nào và bất cứ tiêu chuẩn nào về cao hơn và thấp hơn: cái này có nghĩa là thấp hơn, và cái kia có nghĩa là cao hơn; cái này có nghĩa là cái bạn có thể nhìn thấy, sờ thấy và biết, và cái kia có nghĩa là cái vô hình mà bạn không thể nhìn thấy, không thể sờ thấy, bạn chỉ có thể suy đoán. Đối với tantra không có sự phân biệt cao hơn và thấp hơn, hữu hình và vô hình, vật chất và tinh thần, sống và chết, thế gian và Brahma - không có sự phân biệt nào.

Tantra nói đây là cái này, và cái kia được bao gồm trong nó. Nhưng sự nhấn mạnh về cái này là đẹp. Nó nói ở đây và bây giờ, dù là gì, đây là tất cả. Và mọi thứ đều trong nó; không có gì là ngoại lệ. Cái gần gũi, cái thân mật, cái bình thường, là tất cả.

Có một câu nói huyền môn Zen nổi tiếng rằng, nếu bạn có thể trở nên bình thường, bạn đã trở nên phi thường. Chỉ có người thoải mái với cái bình thường của mình thì mới là phi thường. Bởi vì mọi người đều khát khao trở nên khác thường, nên ham muốn trở nên khác thường là rất bình thường. Mọi người - bạn không thể tìm ra một người đang không cố trở nên khác thường theo cách nào đó, nên sự ham muốn, sự thèm khát được là khác thường, là một phần, phần cơ bản của tâm trí bình thường. Các bậc thầy Zen nói, “Cho nên trở nên bình thường là điều phi thường nhất trên thế giới. Hãy trở nên bình thường. Điều đó là hiếm. Rất hiếm khi xảy ra rằng một người nào đó chỉ đơn giản là bình thường”.

Một vị hoàng đế Nhật Bản đã đi tìm bậc thầy, ngài đã đi từ người thầy này đến người thầy khác, nhưng không ai có thể thỏa mãn ngài, bởi vì một ông lão đã nói rằng bậc thầy thực sự là người bình thường nhất. Ngài tìm kiếm mãi, nhưng không thể tìm ra một người bình thường. Ngài quay trở lại với ông lão đang nằm hấp hối trên giường, và nói, “Ông đã đặt ta vào tình thế rắc rối. Cách ông định nghĩa bậc thầy - rằng người đó sẽ là người đơn giản, bình thường - đã trở thành một khó khăn đối với ta. Ta đã tìm kiếm khắp cả nước, và không có ai thỏa mãn ta. Vậy hãy trao cho ta manh mối nào đó để tìm được bậc thầy”.

Người đang hấp hối nói, “Ngài đã tìm ở những nơi chốn sai. Ngài đã tìm ở những nơi chốn sai! Ngài đã đến với những người, theo cách nào đó, là những người khác thường, và rồi ngài lại cố tìm người bình thường. Hãy hoạt động trong thế giới bình thường. Nhưng thực ra ngài vẫn đang cố tìm người khác thường. Bây giờ ngài định nghĩa người đó như là bình thường, nhưng ngài lại đang tìm kiếm người khác thường. Lúc này sự xác định đã thay đổi. Bây giờ ngài xác định người đó như là người bình thường nhất, nhưng là người hiếm hoi, ngoại lệ. Ngài vẫn theo đuổi cuộc tìm kiếm này. Đừng làm điều đó nữa, khi ngài sẵn sàng và không tìm kiếm theo cách này nữa, thì bậc thầy sẽ đến với ngài”.

Buổi sáng hôm sau, lúc đang ngồi, vị hoàng đế cố hiểu những gì ông lão đã nói, và ngài cảm thấy rằng ông lão đúng. Ham muốn đã rời bỏ ngài. Một người khất thực xuất hiện - và người đó là bậc thầy. Và cả cuộc đời mình ngài đã biết người khất thực đó. Ông ấy luôn đến, người khất thực đó đến lâu đài mỗi ngày, nên vị hoàng đế đã hỏi người khất thực, “Làm sao mà tôi đã không thể nhận ra thầy trước đây?”

Người khất thực nói, “Bởi vì ngài đã tìm kiếm người khác thường. Tôi ở đây, nhưng ngài lại tìm kiếm ở đó. Ngài đã liên tục lỡ tôi”.

Tantra nói cái này không phải cái kia, đặc biệt là ở kỹ thuật này. Có những kỹ thuật mà với chúng cái kia được tranh luận, nhưng cái này là có tính chất tantra nhất - cái này, ở đây và bây giờ, những thuật ngữ quen thuộc nhất. Vợ bạn, chồng bạn, cái này, bạn của bạn, người khất thực đều có thể là bậc thầy. Nhưng bạn đang không nhìn vào cái này', bạn đang nhìn vào cái kia, ở đó, đâu đó trên những đám mây. Bạn không thể hình dung một con người có phẩm chất đó lại ở ngay cạnh bạn. Bạn không thể hình dung; bởi vì bạn nghĩ bạn đã biết người ở gần, nên bạn lại tìm kiếm ở rất xa. Bạn đã cảm thấy rằng bạn biết cái này, nên bây giờ điều duy nhất phải tìm cho ra chính là cái kia.

Điều này không đúng. Bạn không biết cái này, bạn không biết người ở gần đó. Giống như người ở xa, người gần đó cũng không được biết. Hãy nhìn quanh bạn xem. Bạn đã không quen biết với bất cứ ai. Bạn không có sự hiểu biết nào về bất cứ ai. Bạn có biết cây mà bạn đi qua hàng ngày không? Bạn có biết người bạn mà mình đã sống cùng cả cuộc đời không? Hay bạn có biết chính mình, là người gần nhất, không? Bạn có biết cơ thể mình, hơi thở liên tục ra vào không? Bạn có biết nó không? Không có gì được biết. Ngay cả cái này bạn còn không biết, nên tại sao lại khao khát chạy theo cái kia?

Kỹ thuật này nói, nếu cái này được biết đến thì cái kia sẽ tự động được biết, bởi vì cái kia được bao hàm trong cái này. Cái xa ẩn chứa trong cái gần, trong cái thân quen. Nhưng tâm trí con người lại khao khát cái xa xăm. Đây là một sự trốn tránh. Nghĩ về cái xa là một sự trốn tránh, bởi vì khi đó bạn có thể cứ nghĩ mãi, và bạn có thể liên tục trì hoãn sống, bởi vì cuộc sống chính là cái này. Nếu bạn nghĩ về nó và nếu bạn suy ngẫm về nó, bạn sẽ phải thay đổi chính mình.

Tôi nhớ lại một giai thoại. Có một lần, một bậc thầy Zen được chỉ định là người thuyết giáo trong một ngôi đền. Không có ai biết rằng ông là một bậc thầy Zen. Giáo đoàn đã tập trung và bài thuyết pháp đầu tiên đã được thuyết giảng. Mọi người đều thấy ly kỳ; nó quá tuyệt. Không có ai đã nghe một vấn đề như thế trước đó. Ngày hôm sau một đám đông thậm chí đồng hơn đã đến ngôi đền, nhưng bậc thầy vẫn lặp lại bài thuyết pháp cũ. Thế nên họ chán, “Ông ấy là kiểu người gì vậy?”

Sau đó, ngày thứ ba họ lại đến, nhưng không quá đông, nhưng bậc thầy vẫn lặp lại bài thuyết pháp đó. Giữa chừng rất nhiều người bỏ về; chỉ còn lại vài người, và số ít đó ở lại chỉ để hỏi, “Thầy chỉ có một bài thuyết pháp thôi sao? Và thầy sẽ thuyết giảng nó hàng ngày sao?” Một người phát ngôn đã thốt lên với vị giáo sĩ, “Đây là kiểu thuyết giảng gì vậy? Chúng tôi đã nghe ông ba lần, và ông vẫn cứ lặp lại chính xác một vấn đề, chính xác những câu đó. Ông còn bài giảng nào khác nữa không, có bài thuyết pháp nào khác không?”

Vị tu sĩ nói, “Tôi có khá nhiều, nhưng bạn đã không làm gì về bài thuyết pháp đầu tiên. Trừ khi bạn làm một cái gì đó về bài đầu tiên, tôi sẽ không giảng về bài thứ hai. Điều đó không cần thiết”.

Đám đông thôi không đến nữa. Không có ai đến gần ngôi đền, bởi vì bất cứ ai đến, thì vị tu sĩ Zen lại bắt đầu bài thuyết pháp đầu tiên. Người ta nói rằng mọi người không còn đi qua con đường đó, ngôi đền đó nữa - “Vị tu sĩ đó ở đó, và nếu bạn xuất hiện ở đó thì ông ấy sẽ lại trao cho bạn bài thuyết pháp đó”.

Chắc ông là một người đã biết rất sâu sắc về tâm trí con người. Tâm trí con người muốn nghĩ nhưng lại không bao giờ muốn làm bất cứ điều gì - hành động là nguy hiểm. Nghĩ thì tốt, bởi vì bạn vẫn cứ như thế. Nếu bạn nghĩ về cái xa vời, cái rất xa, thì không cần thay đổi chính mình. Brahman, cái tuyệt đối, không thể thay đổi bạn, nhưng hàng xóm, người bạn, người vợ, người chồng - nếu bạn nhìn vào họ, bạn sẽ phải thay đổi chính mình. Và đó là một mánh khóe để không nhìn vào họ.

Bạn nhìn vào cái kia để quên cái này. Và cái này là cuộc sống, cái kia chỉ đơn giản là một giấc mơ. Bạn có thể nghĩ về Thượng đế, bởi vì việc nghĩ đó là bất lực, nó sẽ không làm được gì. Bạn sẽ liên tục nghĩ về Thượng đế và bạn sẽ giữ nguyên như cũ. Đây là mánh khóe để giữ nguyên như cũ. Nếu bạn nghĩ về vợ bạn, nếu bạn nghĩ về con bạn, nếu bạn đi sâu hơn vào người thân ở gần, bạn không thể giữ nguyên như cũ - hành động sẽ nảy sinh từ đó.

Tantra nói, “Đừng đi xa. Vị đó ở đây, chính lúc này, ngay gần bạn. Hãy cởi mở, nhìn vào cái này, và cái kia sẽ tự quan tâm đến nó”.



Câu hỏi 3

Thầy đã nói rang tantra dạy con người vượt lên cả hai, sự khao khát quá khứ thú tính của mình và cả niềm khát khao điều linh thiêng nữa. Điều đó có nghĩa rằng tính linh thiêng là một phần của thế gian, và điều đó cũng phải được vượt lên? Và cái vượt lên cả hai là gì?

Bạn sẽ phải hiểu nhiều điều. Đầu tiên: bản chất của ham muốn. Tính linh thiêng không phải là điều mà bạn gọi nó. Vị thần mà bạn nói đến không phải là vị thần của thực tại, đó là vị thần của ham muốn của bạn. Cho nên đấng linh thiêng có là một phần của thế gian cũng không phải là vấn đề. Đó không phải là vấn đề. vấn đề thực sự là liệu bạn có thể ham muốn đấng linh thiêng mà không biến ngài thành một phần của thế gian không?

Hãy suy ngẫm điều đó theo cách này. Một điều đã được nói đi nói lại rằng nếu bạn không rời bỏ ham muốn, bạn không thể có được ngài, đấng tối cao. Bạn không thể đạt được đấng linh thiêng nếu bạn không từ bỏ ham muốn. Từ bỏ ham muốn và bạn có thể có được ngài. Bạn đã nghe điều đó nhiều lần, nhưng tôi băn khoăn liệu bạn có hiểu điều đó hay không. Ít nhiều gì thì bạn cũng sẽ hiểu sai. Nghe điều này bạn sẽ bắt đầu ham muốn đấng linh thiêng - và điều đó lại làm lỡ toàn bộ giá trị.Nếu bạn rời bỏ ham muốn, điều linh thiêng sẽ đến với bạn. Thế rồi bạn bắt đầu ham muốn điều linh thiêng, cho nên điều linh thiêng của bạn sẽ là một phần của thế gian. Cái có thể được ham muốn là thế gian. Đây là định nghĩa của tôi: cái có thể được ham muốn là thế gian. Cho nên điều linh thiêng không thể được ham muốn, và nếu bạn ham muốn nó, nó đã trở thành một phần của thế gian.

Khi ham muốn dừng lại, điều linh thiêng xuất hiện. Khi bạn đang không ham muốn điều gì, điều linh thiêng có đó - khi đó toàn bộ thế gian là linh thiêng. Bạn sẽ không tìm ra điều linh thiêng ở đâu đó trong truyền thống, trong sự đối lập với thế gian - ngược lại với thế giới trần tục. Khi bạn đang không ham muốn, mọi thứ đều linh thiêng; khi bạn đang ham muốn, mọi thứ đều trần tục. Ham muốn của bạn tạo ra thế giới trần tục: dù bạn ham muốn điều gì thì cũng trở thành thế giới trần tục. Đây không phải là thế gian mà bạn nhìn thấy - cây cối, bầu trời, biển cả, những dòng sông, trái đất, và những vì sao. Đây không phải là thế gian - cái mà bạn ham muốn mới là thế gian trần tục.

Có một bông hoa trong vườn. Bạn đi ngang qua cây đó, bạn nhìn vào bông hoa, và hương thơm của bông hoa đến với bạn, khi đó hãy nhìn vào trong. Nếu bạn đang không ham muốn bông hoa đó, nếu không có mảy may thôi thúc chiếm hữu nó, không một gợn ham muốn có được nó, bông hoa đó trở nên linh thiêng. Bạn sẽ có gương mặt linh thiêng thông qua nó. Nhưng nếu có ham muốn chiếm hữu nó, hay nảy sinh sự ghen tỵ với chủ nhân của cây đó, thì bạn đã tạo ra một thế giới trần tục; sự linh thiêng đã biến mất. Ham muốn của bạn thay đổi phẩm chất của tồn tại, ham muốn của bạn biến nó thành trần tục. Khi bạn không ham muốn, toàn bộ thế gian trở nên linh thiêng.

Bây giờ tôi sẽ đọc lại câu hỏi này. Thầy đã nói rằng tantra dạy con người người vượt lên cả hai, sự khao khát quá khứ thú tính của mình và cả niềm niềm khát khao điều linh thiêng nữa.

Tantra chỉ dạy vượt lên sự khao khát. Bạn khao khát điều gì không liên quan - việc bạn khao khát mới là vấn đề. Bạn có thể liên tục thay đổi những đối tượng. Bạn có thể khao khát tiền, bạn có thể khao khát quyền lực, bạn có thể khao khát danh tiếng - bạn có thể khao khát thế gian. Thế rồi bạn thay đổi. Bạn chán với điều đó, bạn cảm thấy chán nản. Hay, bạn đã có được điều bạn khao khát, và bây giờ bạn không thỏa mãn; bạn cảm thấy thất vọng. Bạn bắt đầu một sự khao khát mới.

Bây giờ bạn khao khát điều linh thiêng. Bạn khao khát moksha, niết bàn, giải thoát - bây giờ bạn khao khát vị thần. Đối tượng đã thay đổi; bạn đã không thay đổi - sự khao khát của bạn vẫn giữ nguyên. Nó đã chạy theo danh tiếng, quyền lực và tiền bạc. Bây giờ nó chạy theo quyền năng linh thiêng. Nó chạy theo cái tối thượng, moksha, tự do tuyệt đối, nhưng nỗi khát khao đó thì vẫn còn.

Thông thường, những người tôn giáo liên tục thay đổi những đối tượng ham muốn của họ. Ham muốn vẫn giữ nguyên, không thay đổi. Và không phải là những đối tượng gây ra vẩn đề, mà lòng ham muốn, sự khao khát mới gây ra vấn đề. Tantra nói liên tục thay đổi những đối tượng là vô ích. Điều đó làm lãng phí thời gian, cuộc sống và năng lượng. Thay đổi những đối tượng sẽ không ích gì, mà hãy bỏ rơi niềm khao khát. Đừng khao khát. Đừng khao khát tự do, bởi vì khao khát là lệ thuộc. Đừng khao khát đấng linh thiêng, bởi vì khao khát là trần tục. Đừng khao khát cái bên trong, bởi vì khao khát là cái bên ngoài. Thế nên, vấn đề không phải là vượt lên niềm khao khát cái này hay cái nọ, vấn đề chỉ là từ bỏ khao khát. Đừng khao khát, đừng ham muốn. Chỉ là chính mình.

Khi bạn không ham muốn, điều gì xảy ra? Khi bạn không khao khát, điều gì xảy ra? Bạn đang không hoạt động, mọi sự vận động chấm dứt. Bạn không vội vã đi tới bất cứ đâu. Bạn không nghiêm trọng. Không hy vọng và không thất vọng. Bạn không mong đợi bất cứ điều gì, không gì có thể làm bạn thất vọng. Không có ham muốn, bạn không thể là người thất bại. Tất nhiên, cũng sẽ không có bất cứ thành công nào.

Khi bạn đang không khao khát, không ham muốn, điều gì xày ra? Bạn đơn giản còn lại một mình, không đi tới đâu. Không có mục tiêu, bởi vì khao khát tạo ra mục tiêu. Không có tương lai, bởi vì khao khát tạo ra tương lai. Không có thời gian, bởi vì khao khát cần thời gian để hoạt động. Thời gian dừng lại. Tương lai dừng lại. Và khi không còn khao khát thì tâm trí dừng lại, bởi vì tâm trí không là gì ngoài sự khao khát, và vì sự khao khát đỏ mà bạn phải lên kế hoạch, suy nghĩ, ước mơ và phóng chiếu.

Khi không còn khao khát, mọi thứ rơi xuống. Bạn chỉ đơn giản trong sự thuần khiết của mình. Bạn tồn tại mà không di chuyển tới bất cứ đâu; bên trong bạn, mọi gợn sóng biến mất. Chỉ còn lại đại dương, mà không còn những con sóng. Đổi với tantra thì đây chính là sự linh thiêng.

Hãy nhìn điều đó theo cách này: sự khao khát là rào cản. Đừng nghĩ về đối tượng, nếu không bạn sẽ bị đánh lừa bởi chính mình. Bạn sẽ thay đổi đối tượng này tượng thành đối tượng khác, và thế thì sẽ lãng phí thời gian. Bạn sẽ lại thất vọng, và bạn sẽ lại thay đổi đối tượng. Bạn có thể liên tục thay đổi đối tượng tới vô hạn, nếu bạn không nhận ra rằng không phải đối tượng mà chính là sự khao khát của bạn gây ra vấn đề. Nhưng sự khao khát lại tinh tế còn đối tượng thì thô ráp. Đối tượng có thể được nhìn thấy, còn sự khao khát chỉ có thể được nhìn thấy khi bạn đi sâu vào và thiền về nó; nếu không, sự khao khát không được nhìn thấy.

Bạn có thể cưới một người phụ nữ hay một người đàn ông với ước mơ và hy vọng tràn đầy, nhưng ước mơ và hy vọng càng tràn đầy thì nỗi thất vọng sẽ càng tràn trề. Hôn nhân do sắp đặt thông thường không thể thất bại như hôn nhân có tình yêu buộc phải thất bại, bởi vì hôn nhân được sắp đặt thông thường không có quá nhiều hy vọng, không có quá nhiều ước mơ. Nó giống như công việc, không lãng mạn, không nên thơ. Đối với nó không có đỉnh, bạn đang du hành trên một bình địa. Cho nên những cuộc hôn nhân được sắp đặt không bao giờ thất bại. Chúng không thể thất bại bởi vì không có điểm quan trọng nào. Làm sao bạn có thể thất bại với một cuộc hôn nhân do sắp đặt? Bạn chưa bao giờ ở trên đỉnh cao, nên bạn không thể rơi xuống. Những cuộc hôn nhân có tình yêu thường thất bại. Chỉ có hôn nhân vì tình yêu mới có thể thất bại, bởi vì nó thi vị đến thế, mơ mộng đến thế. Nó chạm những đỉnh cao, bạn dâng lên cùng những con sóng, và sau đó bạn sẽ phải rơi xuống.

Thế nên, ở những quốc gia cổ, những người có kiến thức, có kinh nghiệm đã tiến hành tổ chức cho những cuộc hôn nhân do sắp đặt. Họ không nói về hôn nhân có tình yêu. Ở Ấn Độ họ không bao giờ nói về hôn nhân có tình yêu. Họ cũng đã thử trong quá khứ, và họ đã cảm thấy rằng một cuộc hôn nhân có tình yêu sẽ là một sự thất bại. Bởi vì bạn mong đợi quá nhiều, bạn sẽ thất vọng, và thất vọng sẽ tỷ lệ với hy vọng. Bất cứ điều gì bạn mong muốn và ước mơ đều mang đến cho bạn những kỳ vọng - chúng không thể được thỏa mãn.

Bạn cưới một người phụ nữ, nếu đó là cuộc hôn nhân vì tình yêu thì bạn mong đợi rất nhiều. Thế rồi bạn thất vọng. Lúc bạn thất vọng, ngay lập tức bạn nghĩ đến người phụ nữ khác. Cho nên nếu bạn nói với vợ bạn, “Anh không quan tâm đến bất cứ người phụ nữ nào khác”, và cô ấy cảm thấy bạn đã trở nên thờ ơ với cô, bạn không thể thuyết phục cô - đó là điều không thể, là điều phi tự nhiên. Lúc bạn trở nên thờ ơ với vợ mình, một cách bản năng người vợ biết rằng bạn đã trở nên quan tâm đến ai đó khác.

Đây là cách tâm trí hoạt động. Bạn trở nên hiểu được người phụ nữ mà bạn đã kết hôn, và bạn cảm thấy nỗi thất vọng xuất hiện là tại cô ấy - “Đây không phải là sự lựa chọn đúng”. Đây là logic thông thường. “Đây không phải là sự lựa chọn đúng. Người phụ nữ này không dành cho mình. Mình đã chọn sai đối tác, nên đã nảy sinh xung khắc”. Bây giờ bận sẽ cố tìm một đối tác khác.

Bạn có thể cứ theo cách đó tới vô hạn. Bạn có thể cưới tất cả phụ nữ trên thế gian, và bạn sẽ vẫn nghĩ theo lối như thế - rằng “Người phụ nữ này không hợp với mình”. Và sự khao khát tinh tế đang tạo ra mọi rắc rối lại không được nhìn thấy. Nó tinh tế. Người phụ nữ được nhìn thấy, sự khao khát không được nhìn thấy. Không phải là người đó đang làm bạn thất vọng, mà chính nỗi khao khát của bạn, ham muốn của bạn, đang làm bạn thất vọng.

Nếu bạn có thể tới lúc hiểu được điều này, bạn đã trở nên sáng suốt. Nếu bạn cứ liên tục thay đổi đối tượng thì bạn là kẻ ngốc. Nếu bạn có thể đi tới cảm nhận được bản thân mình và nỗi khát khao đang gây ra toàn bộ sự việc này, thì bạn đã trở nên sáng suốt. Thế thì bạn không còn thay đổi đối tượng này bằng đối tượng khác nữa; bạn đơn giản bỏ rơi chính nỗ lực để sở hữu, ham muốn, khao khát.

Khi nỗi khát khao này không còn nữa, toàn bộ thế gian trở nên linh thiêng. Nó đã luôn như thế, chỉ có mắt bạn không mở ra để nhìn. Mắt bạn bị che khuất bởi nỗi khát khao này. Khi mắt bạn chìm trong nỗi khát khao, thì điều linh thiêng biểu hiện như là trần tục. Hãy mở mắt ra, không để cho nỗi khát khao che khuất nữa, khi đó thế gian biểu hiện như điều linh thiêng.

Thế gian và điều linh thiêng không phải là hai thứ, không phải là hai dạng tồn tại, mà là hai cách nhìn vào cùng một vấn đề, hai cách tiếp cận cùng một vấn đề, hai quan điểm, hai kiểu nhận thức. Dạng nhận thức này bị che phủ bởi nỗi khát khao, dạng nhận thức kia không bị che phủ bởi nỗi khát khao. Nếu bạn có thể nhìn mà không bị che phủ, và mắt bạn không chứa chan nước mắt thất vọng và giấc mơ hy vọng, thì không có gì giống như thế gian; chỉ có điều linh thiêng tồn tại - tồn tại là linh thiêng. Đây là điều mà tantra ngụ ý. Và khi tantra nói vượt lên cả hai, tantra không quan tâm đến cái này hay cái kia - tantra chỉ quan tâm đến sự siêu việt, nên không có nỗi khát khao.

Và cái vượt lên cả hai là gì? Điều đó không thể nói ra được, bởi vì thời điểm bất cứ điều gì được nói ra thì nó xuất hiện giữa hai. Bất cứ điều gì có thể được nói về Thượng đế thì sẽ là giả, chỉ bởi vì nó được nói ra.

Ngôn ngữ là nhị nguyên. Không có ngôn ngữ phi-nhị nguyên; không thể có. Ngôn ngữ có ý nghĩa chỉ bởi tính nhị nguyên. Tôi nói ‘ánh sáng’, ngay lập tức trong tâm trí bạn nổi lên từ ‘bóng tối’ hay ‘đen’. Tôi nói ‘ngày’ và ngay lập tức trong tâm trí bạn xuất hiện ‘đêm’. Tôi nói ‘yêu’ thì ‘ghét’ tàng ẩn ngay sau nó. Nếu tôi nói từ ‘ánh sáng’ và nếu không có từ ‘bống tối’, bạn sẽ xác định nó bằng cách nào?

Chúng ta chỉ có thể định nghĩa các từ bởi những thuật ngữ đối lập của nó. Tôi nói ánh sáng, và nếu bạn hỏi tôi ánh sáng là gì thì tôi nói nó không phải là bóng tối. Nếu ai đó hỏi bạn tâm trí là gì thì bạn nói nó không phải là cơ thể. Nếu ai đó hỏi cơ thể là gì thì bạn phải nói nó không phải là tâm trí. Mọi thuật ngữ đều là vòng quanh, nên về cơ bản là vô nghĩa, bởi vì bạn không biết gì về tâm trí, cũng như không biết gì về cơ thể. Khi tôi hỏi về tâm trí, bạn định nghĩa nó bởi cơ thể, và cơ thể thì không được định nghĩa. Khi tôi hỏi bạn về cơ thể, bạn định nghĩa nó bởi tâm trí, mà chính nó không được định nghĩa.

Như là một trò chơi thì điều này là tốt. Như là một trò chơi thì ngôn ngữ là tốt - ngôn ngữ là một trò chơi. Nhưng chúng ta chưa bao giờ cảm thấy rằng toàn bộ vấn đề là ngớ ngẩn, vòng quanh; và không có gì được định nghĩa, cho nên làm sao bạn có thể định nghĩa bất cứ điều gì? Khi tôi hỏi về tâm trí, bạn mang cơ thể đến - và cơ thể đã không được định nghĩa. Bạn định nghĩa tâm trí bởi một thuật ngữ không được xác định. Và khi tôi hỏi, “Bạn ngụ ý gì bởi cơ thể?” bạn phải định nghĩa nó bởi tâm trí. Điều này là ngớ ngẩn - nhưng không còn cách nào khác.

Ngôn ngữ tồn tại thông qua cái đối lập, nên ngôn ngữ là nhị nguyên. Không thể khác được. Cho nên không thể nói được gì về trải nghiệm phi-nhị nguyên. Bất cứ điều gì được nói cũng sẽ là sai. Nó có thể được chỉ ra, nhiều biểu tượng có thể được sử dụng cho nó, nhưng im lặng là tốt nhất. Cái có thể được nói về nó chính là sự im lặng. Mọi thứ khác đều có thể được định nghĩa, được nói về - nhưng điều tối thượng thì không. Bạn có thể biết nó, nếm nó, bạn có thể là nó,nhưng không gì có thể được nói về nó. Chúng ta chỉ có the nói một cái gì đó một cách phủ định, chỉ là phủ định. Chúng ta không thể nói cái đó là gì; chúng ta chỉ có thể nói những gì không phải là cái đó.

Toàn bộ truyền thống huyền môn đang đơn giản chỉ sử dụng những thuật ngữ phủ định cho điều đó. Nếu bạn hỏi cái tối thượng đó là gì, họ sẽ nói, “Cái tối thượng đó không phải là cái này, không phải là cái kia. Nó không là sự sống cũng không là cái chết. Nó không là ánh sáng cũng không là bóng tối. Nó không gần cũng không xa. Nó không là tôi cũng không là bạn”. Họ sẽ nói theo cách này, nhưng điều này không có ý nghĩa gì.

Hãy bỏ rơi nỗi khát khao và bạn sẽ đến lúc biết nó trực tiếp. Trải nghiệm đó rất sâu sắc và cá nhân, không-lời, không-từ ngữ đến mức khi bạn biết nó, bạn không thể nói bất cứ điều gì về nó. Bạn sẽ trở nên im lặng. Hay, nhiều nhất bạn có thể nói điều mà tôi đang nói. Bạn có thể nói, “Không gì có thể được nói về nó”.;

Thế thì việc nói quá nhiều có ý nghĩa gì? Tại sao tôi cứ nói điều gì đó cho bạn nếu không gì có thể được nói? Chì để mang bạn tới điểm đó, nơi không gì có thể được nói. Chi để đẩy bạn tới vực sâu đó, nơi bạn có thể thực hiện cú nhảy ra khỏi ngôn ngữ. Cho tới điểm đó, ngôn ngữ có thể có ích. Cho tới khi bạn thực hiện cú nhảy, ngôn ngữ có thể có ích, nhưng thời điểm bạn đã thực hiện cú nhảy, nó là sự im lặng, nó vượt ra ngoài ngôn ngữ.

Cho nên, thông qua ngôn ngữ tôi có thể đẩy bạn tới chính sự kết thúc của thế gian - tới chính sự kết thúc của thế gian - nhưng thông qua ngôn ngữ thì bạn không thể nhập vào điêu linh thiêng một tấc nào. Nhưng cú đẩy bạn tới chính sự kêtthúc sẽ là hữu ích, bởi vì khi đó chính đôi mắt bạn có thể nhìn thấy có phúc lạc bên kia vực thẳm. Và cái bên kia đó sẽ tự gọi bạn; cái bên kia sẽ thu hút bạn; cái bên sẽ trở thành nam châm, một lực hút. Thế rồi bạn không thể rút lui trở lại. Vực thăm đó - vực thẳm của im lặng - quá quyến rũ đến nỗi trước khi bạn biết, bạn sẽ phải thực hiện cú nhảy.

Đó là lý do mà tôi vẫn liên tục nói, khi biết rõ rằng mọi điều tôi đang nói sẽ không giúp bạn biết nó. Nhưng nó sẽ giúp bạn thực hiện một cú nhảy. Nó là phương pháp luận. Nêu tôi nói rằng mọi ngôn ngữ mà tôi đang sử dụng, hay các nhà huyền môn đã từng sử dụng, là để mang bạn đến ngôi đền cùa sự im lặng; đẩy bạn vào im lặng, kêu gọi bạn tới im lặng, thì điêu đó sẽ có vẻ mâu thuẫn, trái ngược. Điều đó có vẻ mâu thuẫn. Vậy tại sao lại sử dụng ngôn ngữ? Tôi cũng có thể sử dụng sự im lặng, nhưng khi đó bạn sẽ không hiểu.

Khi tôi phải nói với những người điên. Tôi phải sử dụng một thứ ngôn ngữ điên. Tôi đang sử dụng ngôn ngữ là vì bạn. Không phải là bất cứ điều gì cũng có thể được biểu đạt bởi ngôn ngữ; chỉ có sự huyên thuyên bên trong bạn mới có thể bị nó hủy diệt. Điều đó giống như bạn bị một cọng gai đâm vào bàn chân - cọng gai khác có thể lấy nó ra. Cái khác đó cũng là một cộng gai. Tâm trí bạn tràn ngập những ngôn từ, những cọng gai. Điều tôi đang cố thực hiện là lôi những ngôn từ đó ra khỏi bạn. Những gì tôi đang sử dụng cũng là những ngôn từ. Bạn đầy chất độc. Những gì tôi đang đem đến cho bạn là một liều thuốc độc, nhưng để giải độc. Đổ cũng là một loại thuốc độc. Nhưng một cọng gai có the lấy cọng gai khác ra - rồi cả hai đều có thể bị bỏ đi.

Tôi đã nói với bạn tới lúc mà bạn sẵn sàng trở nên im lặng, hãy vứt hết những gì mà tôi đã nói cho bạn; điều đó là vô dụng, thậm chí mang nó là nguy hiểm. Khi bạn tới lúc nhận ra rằng ngôn ngữ là vô dụng, nguy hiểm, thì việc ngôn ngữ hóa bên trong là rào cản duy nhất, và khi bạn sẵn sàng để im lặng thì nhớ rõ rằng - đừng mang theo bất cứ thứ gì tôi đã nói cho bạn. Vì sự thật không thể được nói, và tất cả những gì có thể được nói thì không thể là thật. Hãy bỏ gánh nặng đó đi.

Điều cuối cùng mà Zarathustra đã nói với các đệ tử của mình là rất đẹp. Ông ấy đã giảng cho họ. Ông đã trao cho họ những thoáng qua. Ông đã khuấy động tâm hồn họ. Ông đã thử thách họ với thách thức cuối cùng. Điều cuối cùng ông ấy đã nói với họ là, “Bây giờ tôi sẽ rời xa các bạn. Bây giờ hãy cẩn thận với Zarathustra”.

Cho nên họ hỏi, “Thầy đang nói gì? Hãy cẩn thận với Zarathustra sao? Ông là thầy dạy của chúng tôi, bậc thầy của chúng tôi, niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi”.

Và Zarathustra nói, “Tất cả những điều tôi đã nói với các bạn, bây giờ hãy cẩn thận với chúng. Đừng bám vào tôi, nếu không tôi sẽ trở thành một sự trói buộc đối với các bạn”.

Khi một cọng gai đã lấy cọng gai của bạn ra, thì vứt cả nó nữa. Khi tôi đã chuẩn bị cho bạn đi vào im lặng thì hãy cẩn thận với tôi. Thế rồi bất cứ điều gì tôi đã nói đều phải bỏ đi; nó là rác, vô dụng. Nó có công dụng chỉ tới khi bạn sẵn sàng thực hiện cú nhảy vào im lặng. Không gì có thể được nói về cái vượt lên cả hai. Chỉ điều này mới có thể được nói nhiều - và điều này là thực sự quá nhiều. Nếu bạn hiểu, điều này là đủ để chỉ dẫn tới nó.

Tôi đang nói điều này - rằng nếu tâm trí bạn trở nên hoàn toàn trống vắng ngôn từ, bạn sẽ biết nó. Khi bạn không còn mang gánh nặng những ý nghĩ, bạn sẽ thực chứng nó, bởi vì nó đã có đó. Nó không phải là điều gì đó sẽ xảy ra; nó đã xảy ra trong bạn rồi. Bạn chỉ là sự biểu lộ của nó. Nhưng bạn lại quá mải mê, quá dính líu với những ý nghĩ, với những đám mây đến mức bạn bỏ lỡ chìa khóa. Bạn quá tập trung vào những đám mây; bạn đã quên bầu trời. Hãy cho phép những đám mây tan biến, và bầu trời đã luôn có đó, đang chờ đợi bạn. Cái bên kia đang chờ bạn. Chỉ cần bỏ tính nhị nguyên đi và nó có đó.



Câu hỏi 4

Thầy đã nói rằng người nào mà sợ hãi thì không thể yêu, người đó cũng không thể đạt tới tính linh thiêng. Nhưng theo tantra thì làm cách nào để con người thoát được nỗi sợ của mình?

Tại sao bạn muốn thoát khỏi nỗi sợ? Hay bạn đã trở nên sợ nỗi sợ? Nếu bạn đã trở nên sợ nỗi sợ thì đây là nỗi sợ mới. Đây là cách mà tâm trí vẫn cứ liên tục tạo ra cùng một khuôn mẫu. Tôi nói, “Đừng ham muốn và rồi bạn sẽ đạt tới đấng linh thiêng”. Nên bạn hỏi, “Nếu chúng ta không ham muốn thì chúng ta có thực sự đạt được điều linh thiêng không?” Bạn đã bắt đầu ham muốn điều linh thiêng.

Tôi nói với bạn, “Nếu có nỗi sợ thì không thể có tình yêu”, nên bạn trở nên sợ nỗi sợ. Bạn hỏi, “Làm sao người ta rũ bỏ được nỗi sợ?” Đây lại là một nỗi sợ, và nó nguy hiểm hơn nỗi sợ đầu tiên, bởi vì nỗi sợ đầu tiên là tự nhiên, nỗi sợ thứ hai là phi tự nhiên. Và nó quá tinh tế đến mức bạn không biết bạn đang hỏi điều gì - làm sao rũ bỏ được nỗi sợ?

Vấn đề không phải là rũ bỏ điều gì đó; vấn đề duy nhất là hiểu biết. Hiểu được nỗi sợ, nó là gì, và đừng cố rũ bỏ nỏ, bởi vì lúc bạn bắt đầu cố rũ bỏ bất cứ điều gì, bạn không sẵn sàng để hiểu nó - bởi vì tâm trí mà nghĩ tới chuyện rũ bỏ thì đã khép lại rồi. Nó không cởi mở để hiểu, nó không đồng cảm. Nó không thể suy ngẫm một cách im lặng, nó đã quyết định rồi. Bây giờ nỗi sợ đã trở thành ác quỷ, kẻ tội đồ, cho nên mới rũ bỏ nó. Đừng cố rũ bỏ bất cứ điều gì.

Cố gắng hiểu xem nỗi sợ là gì. Và nếu bạn có nỗi sợ thì hãy chấp nhận nó. Nó có đó. Đừng cố giấu nó. Đừng cố tạo ra điều đối lập. Nếu bạn có nỗi sợ, thì bạn có nỗi sợ. Hãy chấp nhận nó như là một phần của con người bạn. Nếu bạn có thể chấp nhận nó, nó đã biến đi rồi. Thông qua sự chấp nhận mà nỗi sợ biến đi; thông qua sự phủ nhận mà nỗi sợ tăng lên.

Tới lúc bạn biết rằng bạn sợ, và bạn tới lúc hiểu được, “Vì nỗi sợ này mà tình yêu không thể đến với mình. Cho nên, không sao, mình có thể làm gì? Nỗi sợ có đó, nên chỉ có một điều sẽ xảy ra - mình sẽ không giả vờ yêu. Hoặc mình sẽ nói với người yêu dấu rằng vì nỗi sợ mà anh đang bám vào em. Trong thâm tâm mình sợ. Mình sẽ trở nên can đảm với nó; mình sẽ không đánh lừa bất cứ ai, cả với chính mình Mình sẽ không giả vờ rằng đây là tình yêu. Mình sẽ nói đây đơn giản là nỗi sợ. Vì nỗi sợ mà anh bám vào em. Vì nỗi sợ mà mình đi đến ngôi đền, hay đến nhà thờ để cầu nguyện. Vì nỗi sợ mà mình nhớ đến Thượng đế. Nhưng khi đó mình biết rằng đấy không phải là cầu nguyện, đấy không phải là tình yêu, đấy chỉ là nỗi sợ. Mình sợ, nên dù mình làm gì thì nó cũng có đó. Mình sẽ chấp nhận sự thật này”.

Phép màu xảy ra khi bạn chấp nhận sự thật. Chính sự chấp nhận này thay đổi bạn. Khi bạn biết rằng có nỗi sợ trong con người mình và bạn không thể làm gì được nó, bạn có thể làm gì? Tất cả những gì bạn có thể làm là giả vờ, và sự giả vờ có thể đi tới cực đoan, tới thái cực khác.

Người rất sợ hãi có thể trở thành một người rất dũng cảm. Người đó có thể tạo ra áo giáp quanh mình. Người đó có thể trở thành một kẻ táo bạo, chỉ để cho thiên hạ thấy rằng mình không sợ. Nhưng ngay cả người dũng cảm nhất cũng sợ. Toàn bộ sự dũng cảm của anh ta chỉ ở quanh anh ta; sâu bên trong anh ta run sợ. Không nhận ra điều đó mà anh ta lại thực hiện cú nhảy vào nguy hiểm. Anh ta trở nên liên quan đến sự nguy hiểm này để không còn biết gì về nỗi sợ, nhưng nỗi sợ vẫn còn đó.

Bạn có thể tạo ra sự đối lập, nhưng điều này sẽ không thay đổi được gì. Bạn có thể giả vờ rằng bạn không sợ, điều đó không tạo ra sự thay đổi nào. Sự chuyển hóa duy nhất có thể xảy ra là bạn trở nên đơn giản nhận ra rằng “Tôi sợ. Toàn bộ con người tôi đang run rẩy, và dù tôi có làm gì thì cũng do nỗi sợ”. Bạn đã trở nên thật với chính mình.

Thế rồi bạn không còn sợ nỗi sợ. Nó có đó, một phần của bạn, không thể làm gì được nó. Bạn đã chấp nhận nó. Bây giờ bạn không giả vờ, bây giờ bạn không đánh lừa bất cứ ai, cả với chính mình. Sự thật có đó, và bạn không sợ nó. Nỗi sợ bắt đầu biến mất, bởi vì người nào không sợ chấp nhận nỗi sợ của mình thì đã trở nên không còn sợ - đó là sự dũng cảm nhất có thể. Người đó đã không tạo ra điều đối lập, nên trong người đó không còn sự phân cực. Người đó đã chấp nhận thực tế. Người đó đã trở nên khiêm nhường trước nó. Người đó không biết phải làm gì - không ai biết - và không gì có thể được làm, nhưng người đó đã không còn giả vờ; người đó đã thôi sử dụng mặt nạ, bộ mặt giả. Người đó đã trở nên đích thực với nỗi sợ của mình.

Sự đích thực này và sự không sợ chấp nhận sự thật này sẽ làm bạn thay đổi. Và khi bạn không giả vờ, không tạo ra tình yêu giả, không tạo ra sự giả dối quanh mình, không trở thành một người không thành thật, bạn đã trở nên đích thực. Với sự đích thực này, tình yêu nảy sinh; nỗi sợ biến đi, tình yêu nảy sinh. Đây là thuật giả kim bên trong để tình yêu nảy sinh.

Bây giờ bạn có thể yêu. Bây giờ bạn có thể có lòng từ bi, sự đồng cảm. Bây giờ bạn không phụ thuộc vào bất cứ ai, bởi vì không có nhu cầu. Bạn đã chấp nhận sự thật. Không có nhu cầu phụ thuộc vào bất cứ ai, không có nhu cầu chiếm hữu và bị chiếm hữu. Không còn khao khát tìm kiếm người khác. Bạn chấp nhận chính mình - thông qua sự chấp nhận này, tình yêu nảy sinh. Nó làm tràn đầy con người bạn. Bạn không còn sợ nỗi sợ, bạn đang không cố rũ bỏ nó. Khi được chấp nhận, nó đơn giản biến đi.

Hãy chấp nhận con người đích thực của bạn và bạn sẽ được chuyển hóa. Nên nhớ: sự chấp nhận, sự chấp nhận hoàn toàn là chìa khóa bí mật nhất của tantra. Đừng từ chối bất cứ điều gì. Thông qua việc từ chối mà bạn sẽ bị què quặt. Hãy chấp nhận mọi thứ - bất kể là gì. Đừng lên án nó, và cũng đừng cố rũ bỏ nó.

Có nhiều điều được ngụ ý trong nó. Nếu bạn cố rũ bỏ nó, bạn sẽ phải cắt con người mình thành từng phần, từng mảnh. Bạn sẽ bị què quặt. Khi bạn bỏ đi một thứ thì một thứ khác - phần khác của nó - cũng bị bỏ đi cùng với nó và bạn trở nên bị què quặt. Thế thì bạn không còn toàn vẹn. Và bạn không thể hạnh phúc nếu bạn không toàn vẹn. Trở nên toàn vẹn là trở nên linh thiêng. Trở thành từng phân mảnh là trở nên đau yếu và bệnh tật.

Thế nên tôi sẽ nói, hãy cổ gắng hiểu nỗi sợ. Tồn tại đã trao nó cho bạn. Chắc nó phải có ý nghĩa sâu xa nào đó, và chắc nó phải có kho báu ẩn giấu nào đó, nên đừng bỏ nó đi. Không có gì được trao mà lại không có ý nghĩa nào đó. Không có gì tồn tại trong bạn mà lại không thể được sử dụng trong một bản giao hưởng tuyệt diệu hơn, trong một sự tổng hợp cao hơn.

Tất cả những gì tồn tại trong bạn, dù bạn có hiểu hay không thì cũng có thể trở thành một bước đi. Đừng nghĩ về nó như là một rào cản, hãy cho phép nó trở thành một bước đi. Có thể bạn nghĩ nó đang cản bước trên con đường - nó đang không cản. Nếu bạn có thể cưỡi lên nó, nếu bạn có thể sử dụng nó, cùng với nó, thì một tầm nhìn mới về con đường sẽ được tiết lộ với bạn trên một tầm mức cao hơn. Bạn sẽ có thể nhìn sâu vào khả năng, vào tương lai, vào tiềm năng.

Nỗi sợ có đó vì những mục đích nào đó. Hãy cố hiểu điều này. Một: nếu không có nỗi sợ, bạn sẽ trở nên rất bản ngã, và sẽ không có sự hồi tâm. Nếu không có nỗi sợ, như bạn đang hiện hữu, thì bạn sẽ không bao giờ cố hòa mình vào tồn tại, vào vũ trụ. Thực ra nếu không có nỗi sợ thì bạn sẽ không có khả năng sống sót chút nào. Cho nên nó đang làm điều gì đó cho bạn. Dù bạn là như thế nào, nó cũng đang đóng một vai trò trong đó.

Nhưng nếu bạn cố giấu nó, hủy hoại nó, tạo ra sự đối lập với nó, bạn sẽ bị phân chia và bạn sẽ trở nên phân mảnh, tan rã. Hãy chấp nhận nó và sử dụng nó. Và lúc bạn biết rằng bạn đã chấp nhận nó, nó biến mất. Hãy thử nghĩ xem: nếu bạn chấp nhận nỗi sợ của bạn, thì nó ở đâu?

Một người đàn ông đã đến với tôi và nói, “Tôi rất sợ chết”. Ông ta bị ung thư, và cái chết đang cận kề, bất cứ ngày nào nó cũng có thể xuất hiện. Và ông ta không thể trì hoãn điều đó. Ông ta biết nó sẽ xảy ra. Nó sẽ xuất hiện trong vòng vài tháng, hay thậm chí trong vài tuần.

Ông ta thực sự run rẩy theo đúng nghĩa đen, ông ta nói, “Xin hãy cho tôi biết: làm sao tôi có thể rũ bỏ nỗi sợ chết này? Hãy trao cho tôi câu thần chú nào đó, hay điều gì đó có thể bảo vệ tôi và cho tôi lòng can đảm để đối mặt với cái chết. Tôi không muốn chết trong run sợ”. Người đàn ông nói, “Tôi đã đến với nhiều vị thánh. Họ đã đưa ra nhiều điều. Họ rất tử tế. Người này đã trao cho tôi một câu thần chú, người kia đã trao cho tôi tro hỏa táng linh thiêng, ai đó đã trao ảnh của mình, ai đó khác đã trao cái gì đó khác, nhưng không có gì tác dụng. Mọi thứ đều hão huyền. Bây giờ tôi đến với thầy như là phương sách cuối cùng. Bây giờ tôi sẽ không đi tới bất cử ai nữa. Hãy trao cho tôi điều gì đó”.

Tôi nói với ông ta, “Ông vẫn không nhận ra. Tại sao ông lại đang yêu cầu điều gì đó? - chỉ để rũ bỏ nỗi sợ? Sẽ không ích gì. Tôi không thể trao cho ông bất cứ thứ gì, nếu không, như những người khác đã chứng tỏ là thất bại, tôi cũng sẽ chứng tỏ là một người thất bại. Và họ đã trao cho ông điều gì đó bởi vì họ không biết mình đang làm gì. Tôi có thể nói duy nhất một điều với ông. Hãy chấp nhận nó. Hãy run sợ nếu có sự run sợ - biết làm gì đây? Cái chết có đó, và ông cảm thấy một sự run sợ, rất run sợ. Đừng kháng cự nó, đừng kìm nén nó. Đừng cố là dũng cảm. Không cần thiết. Cái chết có đó. Nó là tự nhiên. Hãy cứ hoàn toàn sợ hãi”.

Ông ta nói, “Thầy đang nói gì? Thầy đã không trao cho tôi bất cứ thứ gì. Thay vì thế, thầy bảo tôi chấp nhận”.

Tôi nói, “Đúng thế, ông hãy chấp nhận. Ông hãy về và hãy hoàn toàn chấp nhận cái chết một cách bình thản”.

Sau ba hay bốn ngày ông lại đến và nói, “Điều đó có tác dụng. Tôi đã không thể ngủ trong rất nhiều ngày, nhưng trong bốn ngày qua tôi đã ngủ tốt, bởi vì điều đó có lý, thây có lý”. Ông ta nói với tôi, “Thầy có lý. Nỗi sợ có đó, cái chết có đó, không thể làm gì được. Mọi câu thần chú chỉ là trò bịp, thật không thể làm được gì”.

Không bác sĩ nào có thể giúp được gì, không vị thánh nào có thể giúp được gì. Cái chết có đó như một thực tế, và bạn đang run sợ. Đó là điều rất tự nhiên. Một cơn bão xuất hiện và toàn cây rung lên. Cây đó không bao giờ đi tới vị thánh nào đó để hỏi xem làm sao không bị run rẩy khi cơn bão thổi qua. Nó không bao giờ đi tìm câu thần chú để thay đổi hoàn cành, để bảo vệ mình. Nó run rẩy. Đó là điều tự nhiên; nó là như thế.

Và người đàn ông nói, “Nhưng một phép màu đã xảy ra. Bây giờ tôi không còn quá sợ nữa”. Nếu bạn chấp nhận, nỗi sợ bắt đầu biến đi. Nếu bạn chối bỏ, kháng cự, đấu tranh, bạn trao năng lượng cho nỗi sợ. Người đàn ông đó đã ra đi một cách thanh thản, không sợ hãi, bởi vì ông có thể chấp nhận nỗi sợ. Chấp nhận nỗi sợ thì nỗi sợ biến đi”.



Câu hỏi 5

Khi sử dụng các kỹ thuật tương tự như kỹ thuật thứ hai mà thầy đã thảo luận hôm qua, tôi nghe thấy một âm thanh giống như dòng sông hay con suối đang chảy. Xin thầy hãy cho tôi biết âm thanh đó là gì? Nếu tôi đã hiểu đúng thì không nên có bất cứ ý nghĩ hay âm thanh nào, mà nên có sự tĩnh lặng tuyệt đối. Vậy âm thanh này là gì?

Ban đầu, trước khi sự tĩnh lặng đến với bạn, âm thanh sẽ xuất hiện. Cho nên đây là một tín hiệu tốt. Ngôn từ, ngôn ngữ, sự ngôn ngữ hóa sẽ biến mất; lớp thứ hai là âm thanh. Nhưng đừng đấu tranh với nó; hãy tận hưởng nó. Nó sẽ trở nên du dương, tuyệt đẹp. Bạn sẽ chìm trong âm điệu của nó, và bạn sẽ trở nên sống động hơn thông qua nó.

Khí tâm trí biến mất, một âm thanh tự nhiên bên trong xuất hiện. Cho phép nó xuất hiện. Hãy thiền về nó. Đừng căng thẳng với nó; chỉ là người chứng kiến nó - nó sẽ đi sâu hơn. Và nếu bạn không căng thẳng với nó, bạn không vật lộn với nó, nó sẽ tự biến đi, và khi nó biến đi, bạn sẽ rơi vào tĩnh lặng. Ngôn từ - ầm thanh - tĩnh lặng. Ngôn từ là con người, âm thanh là tự nhiên, tĩnh lặng là vũ trụ.

Đây là một tín hiệu tốt. Đây là điều được gọi là nada, âm thanh nội tại. Nghe nó, tận hưởng nó, là nhân chứng đối với nó. Nó sẽ biến đi. Đừng bị khuấy động và đừng cảm thấy rằng nó không nên có đó. Nếu bạn nói nó không nên có đó, hay nếu bạn vội vã rũ bỏ nó bằng bất cứ cách nào, bạn sẽ lại đến với lớp đầu tiên - đến với ngôn từ. Nên nhớ điều này. Nếu bạn đấu tranh với lớp thứ hai về âm thanh, bạn đã bắt đầu nghĩ về nó và ngôn từ đã vào. Nếu bạn nói điều gì đổ về âm thanh này, bạn đã mất lớp thứ hai sâu hơn, và bạn bị quăng lại lớp thứ nhất. Bạn đã đến với tâm trí.

Đừng nói bất cứ điều gì, đừng nghĩ về nó. Thậm chí đừng nói rằng đây là âm thanh. Chỉ nghe nó. Đừng tạo ra ngôn từ nào quanh nó. Đừng trao cho nó tên hay hình dạng nào. Hãy để nó như là nó vậy. Hãy cho phép nó tuôn chảy, và bạn là nhân chứng. Dòng suối tuôn chảy, và bạn đang ngồi bên bờ, chỉ là nhân chứng - thậm chí không biết tên dòng suối này, không biết nó sẽ đi đâu, không biết nó đang đến từ đâu.

Chỉ ngồi bên âm thanh đó, và sớm hay muộn nó sẽ biến đi, và khi nó biến đi thì sẽ có sự tĩnh lặng. Đây là tín hiệu tốt - bạn đã chạm tới lớp thứ hai - nhưng nếu bạn cố nghĩ về nó, bạn sẽ lỡ nó; bạn sẽ bị quẳng lại lớp thứ nhất. Nếu bạn không nghĩ về nó và có thể tận hưởng nó khi chứng kiến, bạn sẽ đi sâu hơn vào lớp thứ ba.

Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho