Chương 5. Trong thế gian và vẫn linh thiêng

Dhammapada: Con đường của Phật
The Dhammapada: The way of the buddha
Osho
Tập 08

  
Chương 5. Trong thế gian và vẫn linh thiêng


Có hoan lạc

và có phúc lạc.

Quên cái thứ nhất để có cái thứ hai.

Nếu ông hạnh phúc

với cái giá hạnh phúc của người khác,

Ông bị trói buộc mãi mãi.

Ông làm không phải điều ông đáng làm.

Ông làm điều ông đáng không nên làm.

Ông coi thường, và ham muốn phát triển.

Nhưng người chủ thức tỉnh.

Người đó quan sát thân thể mình.

trong mọi hành động người đó phân biệt,

và người đó trở thành thuần khiết.

Người đó không có trách móc

dù có khi người đó có thể giết

bố mình và mẹ mình,

Hai vua, một vương quốc, và tất cả thần dân của nó.

Mặc dầu vua là linh thiêng

và thần dân của họ là những người đức hạnh,

Vậy mà người đó không đáng trách.


Lời kinh thứ nhất:

Có hoan lạc

và có phúc lạc.

Quên điều thứ nhất để có điều thứ hai.

Thiền về nó sâu nhất có thể đi, bởi vì nó chứa một trong những chân lí nền tảng nhất. Bốn từ này sẽ phải được hiểu, được cân nhắc kĩ. Từ thứ nhất là hoan lạc. Từ thứ hai, hạnh phúc; từ thứ ba là vui vẻ, và từ thứ tư là phúc lạc.

Hoan lạc có tính vật lí, sinh lí. Hoan lạc là thứ nông cạn nhất trong cuộc sống; nó là kích thích. Nó có thể có tính dục, nó có thể là của giác quan khác, nó có thể trở thành ám ảnh với thức ăn, nhưng nó bắt rễ trong thân thể. Thân thể là ngoại vi của bạn, chu vi của bạn; nó không phải là trung tâm của bạn. Và sống ở chu vi là sống phó mặc cho đủ mọi loại điều cứ xảy ra xung quanh bạn. Người tìm kiếm hoan lạc vẫn còn phó mặc cho điều ngẫu nhiên.

Điều đó cũng giống như sóng trong đại dương; chúng phó mặc cho gió. Khi gió mạnh tới, chúng có đó; khi gió biến mất, chúng biến mất. Chúng không có sự tồn tại độc lập, chúng bị phụ thuộc - và bất kì cái gì phụ thuộc vào cái gì đó khác đều đem tới tù túng. Hoan lạc phụ thuộc vào người khác. Nếu bạn yêu người đàn bà, nếu đó là hoan lạc của bạn, thế thì người đàn bà đó trở thành chủ của bạn. Nếu bạn yêu người đàn ông, nếu điều đó là hoan lạc của bạn và bạn cảm thấy bất hạnh, trong thất vọng, buồn, khi không có anh ấy, thế thì bạn đã tạo ra tù túng cho bản thân mình mình rồi. Bạn đã tạo ra nhà tù, bạn không còn trong tự do nữa.

Nếu bạn là người tìm kiếm tiền và quyền, thế thì bạn sẽ bị phụ thuộc vào tiền và quyền. Người cứ tích luỹ tiền, nếu đấy là hoan lạc của người đó để có ngày một nhiều tiền hơn, sẽ ngày càng trở nên khổ hơn - bởi vì người đó càng có nhiều, người đó càng muốn nhiều, và người càng có nhiều, người đó càng sợ mất nó hơn. Lưỡi kiếm hai cạnh: người đó càng muốn nhiều... cạnh thứ nhất của lưỡi kiếm. Do đó người đó trở nên ngày một khổ hơn.

Bạn càng đòi hỏi, ham muốn, bạn càng cảm thấy bản thân mình thiếu cái gì đó, bạn dường như là hổng hoác, trống rỗng với bản thân mình. Mặt khác - cạnh kia của lưỡi kiếm - là ở chỗ bạn càng có nhiều, bạn càng sợ nó có thể bị lấy đi; nó có thể bị đánh cắp. Ngân hàng có thể phá sản, tình huống chính trị trong nước có thể thay đổi, đất nước có thể đi theo cộng sản.

Có cả nghìn lẻ một điều mà tiền của bạn lệ thuộc vào. Tiền của bạn không làm cho bạn thành người chủ, nó làm cho bạn thành nô lệ. Hoan lạc là ở ngoại vi; do đó nó nhất định phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Và nó chỉ là kích thích. Nếu thức ăn là hoan lạc, cái gì thực tế được hưởng thú? - chỉ là vị giác! Trong một khoảnh khắc, khi thức ăn đi qua gai vị giác trên lưỡi bạn, bạn cảm thấy một cảm giác mà bạn diễn giải như hoan lạc. Đấy là diễn giải của bạn. Hôm nay nó có thể giống như hoan lạc và ngày mai nó có thể không giống như hoan lạc. Nếu bạn cứ ăn cùng một thức ăn mọi ngày, gai vị giác của bạn sẽ trở thành không đáp ứng với nó. Chẳng mấy chốc bạn sẽ phát ngán với nó. Đó là cách mọi người trở nên chán ngán.

Ngày này bạn đuổi theo người đàn ông hay người đàn bà và ngày tiếp bạn đang cố gắng để tìm cớ để gạt bỏ người đó. Cùng con người này, chẳng cái gì đã thay đổi! Trong khi đó điều gì đã xảy ra? Bạn chán với người khác, bởi vì toàn thể hoan lạc là việc biết cái mới. Bây giờ người kia không còn mới nữa; bạn đã quen với lãnh thổ của người kia. Bạn đã quen với thân thể của người kia, những đường cong thân thể, cảm giác về thân thể. Bây giờ tâm trí đang khao khát cái gì đó mới.

Tâm trí bao giờ cũng khao khát cái gì đó mới. Đó là cách tâm trí giữ bạn bao giờ cũng bị buộc vào đâu đó ở tương lai. Nó giữ cho bạn hi vọng, nhưng nó không bao giờ chuyển giao hàng hoá - nó không thể làm thế được. Nó chỉ có thể tạo ra hi vọng mới, ham muốn mới.

Cũng như lá mọc ra trên cây, ham muốn và hi vọng mọc ra trong tâm trí. Bạn muốn ngôi nhà mới và bây giờ bạn có nó - và hoan lạc đâu rồi? Mới một khoảnh khắc nó có đó, khi bạn đạt tới mục đích của mình. Một khi bạn đã đạt được mục đích của bạn, tâm trí bạn không còn quan tâm tới nó; nó đã bắt đầu chăng nên mạng ham muốn mới. Nó đã bắt đầu nghĩ về ngôi nhà khác, lớn hơn. Và điều này là vậy với mọi thứ.

Hoan lạc giữ bạn trong trạng thái thần kinh, bất ổn, bao giờ cũng trong rối loạn. Biết bao nhiêu ham muốn, và mọi ham muốn đều không thể nén được, cứ la hét đòi chú ý. Bạn vẫn còn là nạn nhân của đám đông những ham muốn không lành mạnh - không lành mạnh bởi vì chúng là không thể nào đáp ứng được – và chúng cứ lôi bạn đi theo những hướng khác nhau. Bạn trở nên mâu thuẫn.

Ham muốn này lôi bạn sang bên trái, ham muốn khác lôi bạn sang phải, và đồng thời bạn cứ nuôi dưỡng cả hai ham muốn này. Và thế rồi bạn cảm thấy chia chẻ, thế rồi bạn cảm thấy bị phân chia, bạn cảm thấy bị xé ra, thế rồi bạn cảm thấy dường như bạn đang rã thành từng mảnh. Không ai chịu trách nhiệm. Chính toàn thể ngu si của ham muốn hoan lạc tạo ra điều này.

Và nó là hiện tượng phức tạp. Bạn không chỉ là người đang tìm kiếm hoan lạc; hàng triệu người giống bạn đang tìm kiếm cùng hoan lạc đó. Do đó có tranh đấu lớn lao, cạnh tranh, bạo hành, chiến tranh. Tất cả đều trở thành kẻ thù của nhau bởi vì họ tất cả đang tìm kiếm cùng một cái đích - và không phải tất cả họ đều có thể có được nó; do đó cuộc đấu tranh phải là toàn bộ. Bạn phải mạo hiểm tất cả - vì cái không, bởi vì khi bạn được, bạn được cái không, toàn thể cuộc sống của bạn bị phí hoài trong cuộc đấu tranh này. Cuộc sống đáng có thể là lễ hội trở thành cuộc đấu tranh lâu dài, mòn mỏi, không cần thiết.

Khi bạn theo đuổi hoan lạc quá nhiều bạn không thể yêu được, bởi vì người tìm kiếm hoan lạc dùng người khác như phương tiện. Và dùng người khác như phương tiện là một trong nhưng hành động vô đạo đức nhất có thể được, bởi vì từng con người đều là mục đích cho chính mình, bạn không thể dùng người khác như phương tiện được. Nhưng trong tìm kiếm hoan lạc bạn phải dùng người khác như phương tiện. Bạn trở thành tinh ranh bởi vì nó là cuộc đấu tranh thế. Nếu bạn không tinh ranh bạn sẽ bị lừa, và trước khi người khác lừa bạn, bạn phải lừa họ.

Machiavelli đã khuyên người tìm kiếm hoan lạc rằng cách tốt nhất để phòng ngự là tấn công. Đừng bao giờ đợi người khác tấn công bạn; điều đó có thể quá muộn. Trước khi người khác tấn công bạn, bạn tấn công người đó! Đó là cách phòng ngự tốt nhất. Và điều này được tuân theo, dù bạn có biết Machiavelli hay không.

Đây là điều gì đó rất kì lạ: mọi người biết về Christ, về Phật, về Mô ha mét, về Krishna, không ai theo họ cả. Mọi người không biết mấy về Chanakya và Machiavelli, nhưng mọi người theo họ - cứ dường như Machiavelli và Chanakya rất gần với trái tim họ! Bạn không cần đọc họ, bạn đã theo họ rồi. Toàn thể xã hội của bạn đều dựa trên các nguyên tắc của Machiavelli; đó là điều toàn thể trò chơi chính trị tất cả là gì. Trước khi ai đó giật cái gì từ bạn, giật nó từ người khác. Bao giờ cũng cảnh giác. Một cách tự nhiên, nếu bạn bao giờ cũng cảnh giác bạn sẽ căng thẳng, lo âu, lo nghĩ. Và giành giật là như vậy và nó là thường xuyên. Bạn có một, còn kẻ thù có cả triệu.

Chẳng hạn, nếu ở Ấn Độ bạn muốn trở thành thủ tướng, thế thì cả triệu người, những người cũng muốn thành thủ tướng, đều là kẻ thù của bạn. Và ai không muốn thành thủ tướng? Người ta có thể nói, người ta có thể không nói. Cho nên mọi người đều chống lại bạn và bạn chống lại mọi người khác. Cuộc sống nhỏ bé này của bẩy mươi năm, tám mươi năm, sẽ bị phí hoài trong nỗ lực vô tích sự hoàn toàn. Hoan lạc không và không thể là mục đích của cuộc sống được.

Từ thứ hai cần được hiểu là hạnh phúc. Hạnh phúc có tính tâm lí, hoan lạc có tính sinh lí. Hạnh phúc có tốt hơn chút ít, tinh tế hơn chút ít, cao hơn chút ít, nhưng không khác mấy so với hoan lạc. Bạn có thể nói rằng hoan lạc là loại hạnh phúc bậc thấp còn hạnh phúc là loại hoan lạc bậc cao - hai mặt của cùng một đồng tiền. Hoan lạc có chút ít nguyên thuỷ, con vật; hạnh phúc có chút ít văn hoá hơn, chút ít con người hơn - nhưng nó là cùng một trò chơi được chơi trong thế giới của tâm trí. Bạn không quan tâm mấy tới cảm giác sinh lí, bạn quan tâm nhiều tới cảm giác tâm lí.Nhưng về căn bản chúng không khác nhau, do đó Phật đã không nói về bốn từ, ông ấy đã nói chỉ về hai từ.

Từ thứ ba là vui vẻ; vui vẻ có tính tâm linh. Nó là khác, khác toàn bộ với hoan lạc, hạnh phúc. Nó chẳng liên quan gì tới người khác; nó là bên trong. Nó không phụ thuộc vào chu vi; nó là của riêng bạn. Nó không phải là kích thích được tạo ra bởi sự vật; nó là trạng thái của an bình, của im lặng, trạng thái thiền. Nó có tính tâm linh.

Nhưng Phật đã không nói về vui vẻ, bởi vì vẫn còn một điều đi ra ngoài vui vẻ. Ông ấy gọi nó là phúc lạc. Phúc lạc có tính toàn bộ. Nó không phải là sinh lí, không tâm lí không tâm linh. Nó không biết tới phân chia, nó là không phân chia được. Nó là toàn bộ theo một nghĩa nào đó và siêu việt theo nghĩa khác. Phật chỉ nói hai từ. Từ thứ nhất là hoan lạc; nó bao gồm cả hạnh phúc. Từ thứ hai là phúc lạc; nó bao hàm cả vui vẻ.

Phúc lạc nghĩa là bạn đã đạt tới chính cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn. Nó thuộc vào chiều sâu tối thượng của bản thể bạn, nơi ngay cả bản ngã cũng không còn, nơi chỉ im lặng ngự trị; bạn đã biến mất. Trong vui vẻ bạn có một chút ít, nhưng trong phúc lạc bạn không có. Bản ngã đã tan biến; nó là trạng thái của không hiện hữu.

Phật gọi nó là niết bàn. Niết bàn nghĩa là bạn đã dừng hiện hữu; bạn chỉ là cái trống rỗng vô hạn như bầu trời. Và khoảnh khắc bạn là cái vô hạn đó, bạn trở thành đầy các vì sao, và một cuộc sống hoàn toàn mới bắt đầu. Bạn được sinh ra.

Hoan lạc là tạm thời, của thời gian, dành cho thời đang diễn ra; phúc lạc là không có tính thời gian, vô thời gian. Hoan lạc bắt đầu và kết thúc; phúc lạc còn lại mãi mãi. Hoan lạc tới rồi đi; phúc lạc không hề tới, không hề đi - nó đã có đó trong cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn. Hoan lạc phải được vồ lấy từ người khác; bạn hoặc trở thành kẻ ăn xin hoặc kẻ ăn cắp.

Phúc lạc làm bạn thành người chủ. Phúc lạc không phải là cái gì đó bạn phát minh ra mà là cái gì đó bạn khám phá ra. Phúc lạc là bản tính bên trong nhất của bạn. Nó đã có đó từ chính lúc bắt đầu, bạn chỉ không nhìn vào nó thôi, bạn đã coi nó như đương nhiên có.

Bạn không nhìn vào trong.

Đây là khổ duy nhất của con người: rằng con người cứ nhìn ra ngoài, tìm và kiếm. Và bạn không thể tìm thấy nó ở bên ngoài được bởi vì nó không có đó. Một buổi tối, Rabiya đang tìm cái gì đó trên phố ngay trước chiếc lều nhỏ của bà ấy. Mặt trời đang lặn; dần dần bóng tối choàng xuống. Vài người tụ tập lại. Họ hỏi bà già - bà ấy là nhà huyền môn Sufi nổi tiếng - 'Bà làm gì vậy? Bà mất cái gì thế? Bà tìm cái gì?'

Bà ấy nói, 'Ta đánh mất chiếc kim.'

Mọi người nói, 'Bây giờ mặt trời đang lặn và rất khó tìm chiếc kim, nhưng chúng tôi sẽ giúp bà. Nó rơi đích xác ở chỗ nào? - bởi vì con đường thì lớn mà chiếc kim nhỏ thế. Nếu chúng tôi biết đích xác chỗ của nó thì sẽ dễ tìm thấy nó hơn.'

Rabiya nói, 'Nếu các ông bà không hỏi ta câu hỏi đó thì còn tốt hơn - bởi vì thực ra nó không rơi trên đường chút nào! Nó đã rơi bên trong nhà ta.'

Mọi người bắt đầu cười và họ nói, 'Chúng tôi bao giờ cũng nghĩ rằng bà có chút ít không lành mạnh! Nếu kim đã rơi bên trong nhà, thế sao bà tìm trên đường?'

Rabiya nói, 'Bởi lí do logic, đơn giản: trong nhà không có ánh sáng nhưng bên ngoài vẫn còn chút ít ánh sáng đó.'

Mọi người cười và bắt đầu giải tán.

Rabiya gọi họ lại và nói, 'Nghe đây! Đó đích xác là điều các ông bà đang làm đấy; ta chỉ theo gương các ông bà thôi. Các ông bà cứ tìm kiếm phúc lạc ở thế giới bên ngoài mà không hỏi câu hỏi đầu tiên và chính yếu: Các ông bà đã đánh mất nó ở đâu? Và ta bảo các ông bà, các ông bà đã đánh mất nó ở bên trong. Các ông bà đang tìm nó ở bên ngoài bởi một lí do đơn giản, logic là giác quan của các ông bà hướng ra ngoài – có chút ít ánh sáng. Mắt các ông bà nhìn ra ngoài, tai các ông bà nghe ra bên ngoài, tay các ông bà chìa ra bên ngoài; đó là lí do đơn giản tại sao các ông bà đang tìm ở đó. Bằng không, ta bảo các ông bà, các ông bà không đánh mất nó ở bên ngoài đâu - và ta bảo các ông bà theo thẩm quyền riêng của ta. Ta cũng đã tìm kiếm ở bên ngoài trong nhiều, nhiều kiếp rồi, và cái ngày ta nhìn vào trong ta ngạc nhiên. Chẳng cần phải tìm và kiếm; nó bao giờ cũng ở đó rồi.'

Phúc lạc là cốt lõi bên trong nhất của bạn. Hoan lạc bạn phải cầu xin từ người khác; một cách tự nhiên bạn trở nên phụ thuộc. Phúc lạc làm bạn thành người chủ. Phúc lạc không phải là cái gì đó xảy ra; nó đã có trong hoàn cảnh rồi.

Phật nói: Có hoan lạc và có phúc lạc. Quên cái thứ nhất để có được cái thứ hai. Dừng việc nhìn ra ngoài. Nhìn vào trong, quay vào trong đi. Bắt đầu tìm và kiếm trong lãnh thổ riêng của bạn, tính chủ thể riêng của bạn. Phúc lạc không phải là đối thể được tìm thấy ở đâu khác; nó là tâm thức của bạn.

Ở phương Đông chúng ta bao giờ cũng định nghĩa chân lí tối thượng là Sat-Chit-Anand. Sat nghĩa là chân lí, chit nghĩa là tâm thức, anand nghĩa là phúc lạc. Chúng là ba khuôn mặt của cùng một thực tại. Đây là ba ngôi thực - không phải là Thượng đế Cha, Con, Jesus Christ, và Thánh thần linh thiêng; đó không phải là ba ngôi thực. Ba ngôi thực là chân lí, tâm thức, phúc lạc. Và chúng không phải là hiện tượng tách rời, mà là một năng lượng được diễn đạt theo ba cách, một năng lượng có ba khuôn mặt. Do đó ở phương Đông chúng ta nói Thượng đế là trimurti - Thượng đế có ba khuôn mặt. Đây là những khuôn mặt thực - không phải Brahma, Vishnu và Mahesh đâu. Những điều đó dành cho trẻ con - về mặt tâm linh, về mặt siêu hình, cho những người chưa trưởng thành. Brahma, Vishnu và Mahesh: những cái tên đó là cho người mới bắt đầu.

Chân lí, tâm thức, phúc lạc - đây là chân lí tối thượng. Trước hết đi tới chân lí đi; khi bạn đi vào, bạn trở nên nhận biết về thực tại vĩnh hằng của mình - sat, chân lí. Khi bạn đi sâu hơn vào trong thực tại của mình, vào trong chân lí của mình, bạn trở nên nhận biết về tâm thức, tâm thức vô cùng. Tất cả đều là ánh sáng, không cái gì tối cả. Tất cả đều là nhận biết, không cái gì là vô nhận biết. Bạn là ngọn lửa của tâm thức, thậm chí không có cái bóng nào của vô ý thức ở đâu cả. Và khi bạn đi vào sâu hơn nữa, thế thì cái lõi tối thượng là phúc lạc - anand.

Phật nói: Quên mọi thứ mà ông đã từng cho là có nghĩa, có ý nghĩa mãi cho tới nay. Hi sinh mọi thứ vì điều tối thượng này đi bởi vì đây là điều duy nhất sẽ làm cho ông mãn nguyện, điều sẽ làm cho ông được hoàn thành, điều sẽ đem mùa xuân tới cho bản thể ông... và ông sẽ nở hoa trong nghìn lẻ một đoá hoa.

Hoan lạc sẽ giữ bạn như mẩu gỗ trôi dạt. Hoan lạc sẽ làm cho bạn ngày một tinh ranh hơn; nó sẽ không cho bạn trí huệ. Nó sẽ làm cho bạn ngày một nô lệ hơn; nó sẽ không cho bạn vương quốc của Thượng đế. Nó sẽ làm cho bạn ngày một tính toán hơn, nó sẽ làm cho bạn ngày một khai thác hơn. Nó sẽ làm cho bạn ngày một chính trị hơn, ngoại giao hơn. Bạn sẽ bắt đầu bòn rút người khác; đó là điều mọi người đang làm.

Chồng nói với vợ, 'Anh yêu em,' nhưng thực ra anh ta đơn giản dùng cô ấy. Vợ nói cô ấy yêu chồng, nhưng cô ấy đơn giản dùng anh ấy. Chồng có thể dùng cô ấy như một đối tượng dục và vợ có thể dùng anh ấy như an ninh tài chính.

Hoan lạc làm cho mọi người tinh ranh, có tính lừa dối. Và là tinh ranh tức là bỏ lỡ phúc lạc của việc là hồn nhiên, là bỏ lỡ phúc lạc của việc là đứa trẻ. Tại công ti Lockheed, một bộ phận được cần tới cho chiếc máy bay mới và một thông báo được gửi đi khắp thế giới để gọi thầu rẻ nhất. Từ Ba Lan gửi tới chào giá ba nghìn đô la. Nước Anh chào giá xây dựng bộ phận này là sáu nghìn đô la. Chào giá từ Israel là chín nghìn đô la. Richardson, kĩ sư chịu trách nhiệm xây dựng máy bay mới, quyết định phải đi thăm từng nước để tìm hiểu lí do đằng sau sự chênh lệch giá thầu.

Ở Ba Lan, nhà chế tạo giải thích, 'Cần một nghìn đô cho vật tư, một nghìn đô cho lao động và một nghìn đô cho phí quản lí và tí ti lợi nhuận.'

Ở Anh, Richardson giám định bộ phận này và thấy nó cũng tốt ngang ngửa như cái được chế tạo tại Ba Lan. 'Sao các ông đòi sáu nghìn đô?' viên kĩ sư hỏi.

'Hai nghìn đô cho vật tư,' người Anh giải thích, 'hai nghìn đô cho lao động, và hai nghìn đô cho chi phí và lợi nhuận nhỏ.'

Ở Israel, viên đại diện Lockheed vẩn vơ giữa lối đi đằng sau để vào một cửa hiệu nhỏ và gặp một ông già người đã đệ trình chào thầu chín nghìn đô la. 'Sao ông đòi nhiều thế?' ông ta hỏi.

'Thế này,' ông già Do Thái nói, 'ba nghìn đô cho ông, ba nghìn đô cho tôi, và ba nghìn đô cho kẻ khờ ở Ba Lan!'

Tiền, quyền, danh - chúng tất cả đều làm cho bạn thành tinh ranh.

Tìm hoan lạc và bạn sẽ đánh mất hồn nhiên của bạn, và đánh mất hồn nhiên của bạn là đánh mất tất cả. Jesus nói: như trẻ nhỏ, chỉ thế thì ông mới có thể đi vào vương quốc Thượng đế của ta. Và ông ấy là đúng. Nhưng người tìm kiếm hoan lạc không thể là người hồn nhiên như đứa trẻ được. Người đó phải rất láu lỉnh, rất tinh ranh, rất chính trị; chỉ thế thì người đó mới có thể thành công trong cạnh tranh cắt cổ vẫn tồn tại khắp nơi. Mọi người đều chẹn họng ai đó khác, bạn không sống giữa bạn bè. Thế giới không thể thân hữu được chừng nào chúng ta chưa vứt bỏ ý niệm này về tính cạnh tranh.

Nhưng chúng ta đem mọi đứa trẻ... Từ ngay ban đầu chúng ta bắt đầu đầu độc mọi đứa trẻ bằng chất độc ganh đua này. Vào lúc nó ra khỏi đại học nó sẽ hoàn toàn bị đầu độc. Chúng ta đã thôi miên nó bằng ý niệm rằng nó phải tranh đấu với người khác, rằng cuộc sống là sự sống còn của kẻ mạnh nhất. Thế thì cuộc sống không bao giờ có thể là lễ hội được. Thế thì cuộc sống không bao giờ có thể có bất kì kiểu tính tôn giáo nào trong nó. Thế thì nó không thể ngoan đạo, linh thiêng được. Thế thì nó không thể có bất kì phẩm chất nào của điều linh thiêng. Thế thì nó tất cả đều thấp kém, xấu xí.

Phật nói: Quên cái thứ nhất để có cái thứ hai.

Nếu ông hạnh phúc với cái giá hạnh phúc của người khác,

Ông bị trói buộc mãi mãi.

Tự nhiên thôi. Nếu bạn hạnh phúc với việc trả giá bằng hạnh phúc của người khác - và đó là cách bạn có thể hạnh phúc được, không có cách khác. Nếu bạn tìm thấy người đàn bà đẹp và bằng cách nào đó xoay xở để sở hữu cô ấy, bạn đã giằng cô ấy khỏi tay của người khác. Chúng ta cố gắng làm mọi thứ có vẻ đẹp nhất có thể được, nhưng nó chỉ là trên bề mặt. Bây giờ người khác, người đã thua trong trò chơi này, họ giận dữ, họ trong cơn rồ dại. Họ sẽ đợi cơ hội của họ để trả thù, và sớm hay muộn cơ hội sẽ có đó.

Bất kì điều gì bạn sở hữu trong thế giới này bạn đều sở hữu bằng việc trả giá của ai đó khác, với cái giá hoan lạc của ai đó khác. Không có cách khác. Nếu bạn thực sự muốn không thù địch với bất kì ai trên thế giới này, bạn phải vứt bỏ toàn thể ý niệm về sở hữu. Dùng bất kì cái gì xảy ra cùng với bạn trong khoảnh khắc, nhưng đừng có tính sở hữu. Đừng cố gắng tuyên bố rằng nó là của bạn. Không cái gì là của bạn, tất cả đều là của Thượng đế.

Chúng ta tới với đôi bàn tay trống rỗng và chúng ta sẽ đi với đôi bàn tay trống rỗng, cho nên phỏng có ích gì mà đòi hỏi nhiều thế trong khi chờ đợi? Nhưng đây là điều chúng ta biết, điều thế giới đang là: sở hữu, chi phối, có nhiều hơn người khác có. Và nó có thể là tiền hay nó có thể là đức hạnh; không thành vấn đề bạn buôn bán theo loại đồng tiền nào - chúng có thể là thế giới này, chúng có thể là thế giới khác. Nhưng rất láu lỉnh, bằng không bạn sẽ bị khai thác. Khai thác và đừng bị khai thác - đó là thông điệp tinh vi được trao cho bạn qua sữa mẹ bạn. Và mọi trường phổ thông, cao đẳng, đại học, đều được bắt rễ vào ý niệm này: cạnh tranh.

Nền giáo dục thực sự sẽ không dạy bạn cạnh tranh; nó sẽ dạy bạn hợp tác. Nó sẽ không dạy bạn tranh đấu và đi tới thứ nhất. Nó sẽ dạy bạn sáng tạo, đáng yêu, phúc lạc, không có bất kì so sánh nào với người khác. Nó sẽ không dạy bạn rằng bạn chỉ có thể hạnh phúc khi bạn là người thứ nhất. Điều đó cực kì vô nghĩa. Bạn không thể hạnh phúc chỉ bởi là người thứ nhất. Và trong cố gắng là người thứ nhất bạn trải qua khổ tới mức đến lúc bạn trở thành quen với khổ trước khi bạn là người thứ nhất.

Đến lúc bạn trở thành tổng thống hay thủ tướng của đất nước, bạn đã trải qua khổ nhiều tới mức bây giờ khổ là bản tính thứ hai của bạn. Bây giờ bạn không biết cách nào khác để tồn tại; bạn vẫn còn khổ. Căng thẳng đã trở thành thâm căn cố đế; lo âu đã trở thành cách sống của bạn. Bạn không biết cách nào khác; đây chính là phong cách sống của bạn. Cho nên cho dù bạn đã trở thành người thứ nhất, bạn vẫn còn thận trọng, lo âu, sợ sệt. Nó không thay đổi phẩm chất bên trong của bạn chút nào.

Nền giáo dục thực sự sẽ không dạy bạn là người thứ nhất. Nó sẽ bảo bạn tận hưởng bất kì cái gì bạn đang làm, không vì kết quả, mà vì bản thân hành động. Cũng giống như hoạ sĩ hay vũ công hay nhạc sĩ...

Bạn có thể vẽ theo hai cách. Bạn có thể vẽ để ganh đua với hoạ sĩ khác; bạn muốn là hoạ sĩ vĩ đại nhất trên thế giới, bạn muốn là một Picasso hay một Van Gogh. Thế thì tranh của bạn sẽ là loại hai, bởi vì tâm trí bạn không quan tâm tới bản thân việc vẽ; nó quan tâm tới việc là người thứ nhất, hoạ sĩ vĩ đại nhất trên thế giới. Bạn sẽ không đi sâu vào nghệ thuật vẽ. Bạn không tận hưởng nó, bạn chỉ dùng nó như bậc đá để bước lên.

Bạn đang trong trò bản ngã. Và vấn đề là: Để thực sự là hoạ sĩ, bản ngã phải bị vứt bỏ hoàn toàn. Để thực sự là hoạ sĩ, bản ngã phải bị gạt sang bên. Chỉ thế thì Thượng đế mới có thể tuôn chảy qua bạn. Chỉ thế thì ngài mới có thể dùng bàn tay của bạn và ngón tay của bạn và chổi vẽ của bạn. Chỉ thế thì cái gì đó của cái đẹp siêu phàm mới có thể được sinh ra.

Nó không bao giờ được tạo ra bởi bạn mà chỉ thông qua bạn. Sự tồn tại tuôn chảy; bạn trở thành mỗi lối chuyển. Bạn cho phép nó xảy ra, có vậy thôi; bạn không cản trở nó, có vậy thôi. Nhưng nếu bạn quá bận tâm tới kết quả, kết quả tối thượng - rằng bạn phải trở nên nổi tiếng, rằng bạn phải đoạt giải thưởng Nobel, rằng bạn phải là hoạ sĩ thứ nhất trên thế giới, rằng bạn phải đánh bại mọi hoạ sĩ khác cho tới giờ - thế thì mối quan tâm của bạn không ở trong việc vẽ; việc vẽ là phụ. Và tất nhiên, với mối quan tâm phụ vào việc vẽ bạn không thể vẽ được cái gì độc đáo; nó sẽ tầm thường.

Bản ngã không thể đem được cái gì phi thường vào thế giới này; cái phi thường tới chỉ qua vô ngã. Và đấy cũng là trường hợp với nhạc sĩ và nhà thơ và vũ công. Cho nên đây là trường hợp xảy ra cho mọi người.

Trong Bhagavad Gita, Krishna nói: Đừng mảy may nghĩ tới kết quả. Đó là thông điệp của cái đẹp và ý nghĩa và chân lí vô cùng. Đừng mảy may nghĩ tới kết quả. Làm điều bạn đang làm với tính toàn bộ của bạn. Mất hút vào trong nó đi. Làm mất đi người làm trong việc làm. Đừng có đấy - để năng lượng sáng tạo của bạn tuôn chảy không bị cản trở.

Đó là lí do tại sao ông ấy nói với Arjuna: 'Đừng trốn khỏi chiến tranh... bởi vì ta có thể thấy việc này chỉ là trò bản ngã, việc trốn chạy này. Cách anh đang nói đơn giản chỉ ra rằng anh đang tính toán: rằng anh đang suy nghĩ là bằng cách trốn chạy khỏi chiến tranh anh sẽ trở thành mahatma lớn. Thay vì buông xuôi theo Thượng đế, theo cái toàn thể, anh đang coi bản thân mình là quá nghiêm chỉnh: cứ dường như sẽ không có chiến tranh nếu anh không có đó.'

Krishna nói với Arjuna, 'Nghe ta đi. Ở trong trạng thái buông bỏ. Nói với Thượng đế, 'Cứ dùng con theo bất kì cách nào ngài muốn dùng con. Dùng con đi. Con sẵn có, sẵn có vô điều kiện.' Thế thì bất kì điều gì xảy ra qua anh sẽ có sự đích thực lớn lao về nó. Nó sẽ có sự mãnh liệt, nó sẽ có chiều sâu. Nó sẽ có tác động của cái vĩnh hằng lên nó. Nó sẽ được Thượng đế kí, không phải bởi anh. Và anh sẽ hân hoan bởi vì Thượng đế đã chọn anh làm phương tiện.'

Phật nói: Nếu ông hạnh phúc với cái giá hạnh phúc của người khác, ông bị trói buộc mãi mãi. Và hạnh phúc, hoan lạc tuỳ thuộc vào khai thác. Bạn bao giờ cũng trả giá bằng chi phí của ai đó khác. Bạn đứng đầu trong đại học - thế cả nghìn sinh viên khác cũng đang vật lộn để đứng đầu thì sao? Chính với sự trả giá của họ mà bạn đã đứng đầu.

Jesus nói: Nhớ lấy, những người là người đầu tiên trong thế giới này sẽ là người cuối cùng trong vương quốc Thượng đế của ta, và những người cuối cùng sẽ là người đầu tiên. Ông ấy đã cho bạn luật nền tảng - aes dhammo sanantano - ông ấy đã cho bạn luật vĩnh hằng, không cạn: Dừng việc cố gắng là người đầu tiên.

Nhưng nhớ một điều, điều rất có thể, bởi vì tâm trí tinh ranh thế nó có thể bóp méo mọi chân lí. Bạn có thể bắt đầu cố gắng là người cuối cùng - nhưng thế thì bạn bỏ lỡ toàn thể vấn đề. Thế thì cạnh tranh khác bắt đầu: rằng ta là người cuối cùng, và nếu ai đó khác nói, 'Tôi là người cuối cùng,' thế thì lại có vật lộn, thế thì lại có xung đột.

Tôi đã nghe một chuyện ngụ ngôn Sufi:

Một hoàng đế vĩ đại, Nadirshah, đang cầu nguyện. Lúc đó là sáng sớm; mặt trời chưa lên, trời vẫn còn tối. Nadirshah vừa mới bắt đầu ngày hôm đó cuộc chinh phục mới với một nước mới. Tất nhiên ông ấy cầu nguyện Thượng đế ban phước lành cho ông ấy, để được thắng lợi. Ông ấy nói với Thượng đế, 'Con là không ai cả, con chỉ là người hầu - người hầu của người hầu của ngài. Xin ban ân huệ cho con. Con đang làm việc cho ngài, đây là thắng lợi của ngài. Và con là không ai cả, xin ngài nhớ cho. Con chỉ là người hầu của người hầu của ngài.'

Một tu sĩ cũng ở bên cạnh ông ấy, giúp ông ấy trong lời cầu nguyện, hoạt động như một trung gian giữa ông ấy và Thượng đế. Và thế rồi bỗng nhiên họ nghe thấy một giọng nói khác trong bóng tối. Một người ăn xin của thành phố cũng đang cầu nguyện, và ông ta đang nói với Thượng đế, 'Con cũng là không ai cả, người hầu của người hầu của ngài.'

Nhà vua nói với tu sĩ, 'Trông kẻ ăn xin này! Ông ta là kẻ ăn xin và nói với Thượng đế rằng 'Con là không ai cả!' Chấm dứt điều vô nghĩa này đi! Ông là ai mà nói ông là không ai cả trước ta? Ta mới là không ai cả, và không ai khác có thể tranh giành được điều này. Ta là người hầu của người hầu của ngài - ông là ai mà nói rằng ông là người hầu của người hầu của ngài?'

Bây giờ bạn thấy đấy, cạnh tranh vẫn có đó, cùng việc cạnh tranh ấy, cùng cái ngu xuẩn ấy. Chẳng cái gì đã thay đổi. Cùng tính toán ấy: 'Ta phải là người cuối cùng. Không ai khác có thể được phép là người cuối cùng.'

Tâm trí có thể cứ chơi trò chơi như thế lên bạn nếu bạn không rất hiểu biết, nếu bạn không rất thông minh. Một điều Phật muốn bạn ghi nhớ là: Đừng bao giờ cố gắng hạnh phúc với việc trả giá bằng hạnh phúc của người khác. Điều đó là xấu, vô nhân. Đó là bạo hành theo đúng nghĩa. Nếu bạn là thánh nhân bằng việc kết án người khác là tội nhân, tính thánh thiện của bạn chẳng là gì ngoài trò bản ngã mới. Nếu bạn linh thiêng bởi vì bạn đang cố gắng chứng tỏ người khác là không linh thiêng… và đó là điều những người linh thiêng của bạn đang làm. Họ cứ ba hoa về tính linh thiêng của mình, tính thánh tihện của họ.

Tới các cái gọi là thánh nhân của bạn và nhìn vào mắt họ mà xem. Họ có kết án bạn thế! Họ đang nói rằng bạn nhất định xuống địa ngục; họ cứ kết án mọi người. Nghe buổi giảng đạo của họ; mọi buổi giảng đạo của họ đều có tính kết án. Và tất nhiên bạn nghe một cách im lặng những lời kết án bạn bởi vì bạn biết rằng bạn đã phạm phải nhiều sai lầm trong cuộc sống của mình, những lỗi lầm trong cuộc sống của mình. Và họ đã kết án mọi thứ cho nên bạn không thể nào cảm thấy rằng bạn có thể là người tốt - không thể nào. Bạn thích thức ăn, bạn là tội nhân rồi. Bạn yêu con bạn, bạn là tội nhân. Bạn yêu vợ bạn, bạn là tội nhân. Bạn không dậy sớm buổi sáng, bạn là tội nhân rồi; bạn không đi ngủ sớm buổi tối, bạn là tội nhân rồi. Họ đã thu xếp mọi thứ theo cách rất khó để không là tội nhân.

Vâng, họ không là tội nhân đâu - họ đi ngủ sớm và họ dậy sớm buổi sáng. Thực ra, họ chẳng có gì khác để làm cả! Họ chưa bao giờ phạm phải sai lầm nào bởi vì họ chưa bao giờ làm cái gì cả. Họ chỉ ngồi đó gần như chết. Họ là những xác ướp, cái xác, đầy rác rưởi!

Nhưng bởi vì họ không làm gì, họ linh thiêng. Và nếu bạn làm điều gì đó, tất nhiên, làm sao bạn có thể linh thiêng được? Do đó trong hàng thế kỉ người linh thiêng đã từng từ bỏ thế giới và trốn khỏi thế giới này, bởi vì ở trong thế giới và linh thiêng dường như không thể được.

Toàn thể cách tiếp cận của tôi là: chừng nào bạn chưa ở trong thế giới này, tính linh thiêng của bạn chẳng có giá trị chút nào. Ở trong thế giới và linh thiêng! Thế thì chúng ta phải định nghĩa tính linh thiêng theo cách khác toàn bộ. Không sống với cái giá hạnh phúc của người khác - đó là tính linh thiêng. Không phá hoại hạnh phúc của người khác - việc phá huỷ đó không là tính linh thiêng. Giúp người khác hạnh phúc. Tạo ra bầu không khí trong đó mọi người có thể có chút ít vui vẻ.

Và thánh nhân của bạn đã làm gì? Họ đã làm chính điều đối lập. Họ đã tạo ra bầu khí hậu trong đó mọi người sống trong địa ngục - và họ linh thiêng. Họ đã kết án thế giới của Thượng đế và họ đã dạy bạn từ bỏ nó. Nếu Thượng đế chống lại thế giới, ông ấy đáng phải từ bỏ bản thân mình chứ! Nhưng ông ấ vẫn chưa từ bỏ. Dầu vậy xuân vẫn tới và hoa vẫn nở, ong vẫn vo ve và chim vẫn hót... và mặt trời vẫn mọc, và đêm đầy sao. Dầu vậy trẻ con mới sinh vẫn cứ tới. Thượng đế đã không dừng sáng tạo.

Điều toàn vô nghĩa là trong sáu ngày ông ấy đã tạo ra thế giới và kể từ đó ông ấy đã về hưu - điều đó toàn là vô nghĩa! Ông ấy không thể có ngày nghỉ được, bởi vì nếu Thượng đế đi nghỉ một ngày thôi, tất cả chúng ta sẽ chết. Thế thì ai sẽ thở cuộc sống trong chúng ta? Thế thì ai sẽ là mầu sắc trong hoa và là đôi cánh chim? Và ai sẽ là ánh sáng mặt trời và mầu xanh của cỏ? Nếu trong hai mươi bốn giờ ông ấy cứ đi nghỉ, nếu ông ấy có chủ nhật, kết thúc rồi - mọi thứ đều kết thúc! Ông ấy không thể có ngày nghỉ được - và ông ấy không cần có.

Ông ấy yêu thế giới này; nó là sáng tạo của ông ấy.  Nó không phải là công việc, nó là tính sáng tạo. Nó là vui vẻ của ông ấy, nó là trò chơi của ông ấy. Bạn có nghĩ vào sáng chủ nhật chim chóc không hót bởi vì đó là chủ nhật không và chúng sẽ không đi làm việc nào không? Chủ nhật hay thứ hai, chả tạo ra khác biệt gì. Chim chóc vẫn hót và cây vẫn mọc và bạn thở và sự tồn tại tiếp tục trong lễ hội của nó mà không có lỗ hổng nào, không có gián đoạn nào.

Thượng đế đã không từ bỏ thế giới này - còn thánh nhân của bạn là lớn hơn cả Thượng đế, cao hơn Thượng đế, linh thiêng hơn bản thân Thượng đế đấy! Cảm giác riêng của tôi là: Thượng đế phải sợ các thánh nhân của bạn. Đó là lí do tại sao ông ấy chưa bao giờ xuất hiện trước họ - bởi vì họ sẽ kết án ông ấy. Họ sẽ bảo ông ấy về bao nhiêu sai lầm và bao nhiêu tội lỗi ông ấy đã phạm phải, và họ sẽ hỏi ông ấy đã nhịn ăn bao nhiêu lần và ông ấy đã làm bao nhiêu lời cầu nguyện mọi ngày. Và tất nhiên ông ấy sẽ lúng túng - ông ấy không cầu nguyện và ông ấy không nhịn ăn và ông ấy không đọc kinh sách linh thiêng! Ông ấy sẽ có vẻ rất phi tôn giáo.

Nhưng các thánh nhân này phải đã tạo ra ý niệm này: rằng cuộc đời bạn là tội lỗi. Bạn được thụ thai trong tội lỗi và bạn sống trong tội lỗi, và trong cái chết bạn sẽ chết như một tội nhân. Bạn mang định mệnh vậy rồi! Điều đó cho họ vui vẻ lớn. Họ cảm thấy linh thiêng hơn bạn, họ cảm thấy họ được cứu - vài người được chọn.

Tôi bảo bạn, không có khác biệt giữa tội nhân và thánh nhân đâu. Tất cả đều sẽ được chọn và tất cả đều sẽ được cứu - tất cả đều được cứu. Thượng đế bao giờ cũng bao quanh bạn. Bạn còn cần gì hơn nữa? Mọi người đều được cứu.

Nhưng nếu điều này là chân lí, thế thì thánh nhân của bạn sẽ bắt đầu biến mất - với những bản ngã to đùng của họ. Sẽ rất khó cho họ tồn tại. Họ đang sống với trả giá của bạn. Họ càng chứng minh bạn là tội nhân nặng, họ càng có vẻ thánh hơn; do đó họ đã bịa ra nhiều điều. Cơ đốc giáo có thú tội. Đó là vui vẻ lớn cho linh mục để nghe tội lỗi của mọi người. Bạn càng nói nhiều về tội lỗi của mình, ông ấy càng cảm thấy linh thiêng hơn.

Nếu ông hạnh phúc

với cái giá hạnh phúc của người khác,

Ông bị trói buộc mãi mãi.

Cậu học sinh ít nói nhất trong lớp xuất hiện tại cuộc hội họp khoác tay cùng cô bé tóc vàng tuyệt đẹp và chiếc Cadillac đỗ tại đường. Anh ta trút đồ uống cho mọi người. Sững sờ, một người bạn cũ hỏi, 'Anh đã làm điều đó thế nào, Abe? Anh bao giờ cũng chậm trong toán học.'

'Này,' Abe nói, 'anh mua cái gì đó một đô la và anh bán nó lấy hai đô la và một phần trăm bần tiện đó thực sự được thêm vào!'

Đó là điều mọi người đang làm, dù bạn biết toán học hay bạn không biết. Mọi người đều khai thác mọi người khác. Tay của mọi người đều ở trong ví của ai đó khác; và người đó có thể không có khả năng phát hiện ra điều đó bởi vì tay riêng của người đó đang trong túi của ai đó khác. Nhưng thế thì bạn sẽ phụ thuộc vào người khác, Ông bị trói buộc mãi mãi. Bạn khai thác bất kì ai, trên bề mặt bạn dường như là người chủ của tình huống, nhưng thực sự bạn là nô lệ.

Người hàng xóm mới tham gia vào nhóm bạn lần đầu tiên, và mọi quí bà đều nhìn chằm chằm vào viên kim cương khổng lồ bà ấy đang đeo. 'Nó là viên kim cương nổi tiếng thứ ba trên thế giới đấy,' bà ấy nói với các bà khác. 'Viên thứ nhất là viên kim cương Kohinoor, rồi đến viên kim cương Hi vọng, và rồi đến viên này - viên kim cương Horowitz.'

'Đẹp thật!' bà Fisch nói, 'Chị may mắn thế!'

'Cũng không được may lắm đâu,' người mới tới thở dài. 'Không may, với viên kim cương Horowitz nổi tiếng này, tôi bị phiền toái bởi tai hoạ Horowitz nổi tiếng.'

'Cái đó là gì vậy?' bà Fisch hỏi.

'Ông Horowitz,' người đàn bà này nói.

Đó là cách nó vậy: nếu bạn phụ thuộc vào ai đó về hạnh phúc của bạn, bạn trở thành nô lệ, bạn trở nên phụ thuộc, bạn tạo ra tù túng. Và bạn phụ thuộc vào nhiều người thế; họ tất cả đều trở thành những người chủ tinh vi và họ tất cả đều khai thác bạn trở lại. Đó là việc thu xếp lẫn nhau, nhớ lấy. Khai thác không bao giờ là giao thông một chiều. Chồng nghĩ mình là chủ, và vợ mỉm cười vì cô ấy biết rõ hơn ai là chủ.

Một hôm vợ của Mulla Nasruddin đuổi theo anh ta với một chiếc gậy. Để tự cứu mình anh ta chui tụt xuống gầm giường. Cô vợ là bà béo và cô ta không thể chui vào được.

Mulla nói, 'Bây giờ em biết ai là chủ nhà rồi đấy!'

Và thế rồi đích xác vào khoảnh khắc đó, ai đó gõ cửa; vài người hàng xóm sang. Cô vợ bắt đầu bảo Mulla chui ra. 'Chúng ta có thể chấm dứt chuyện cãi cọ này sau. Bây giờ có hàng xóm sang rồi.'

Mulla nói, 'Cứ để họ tới! Để mọi người biết một lần cho rõ ràng ai là chủ nhà này! Tôi là chủ, và bất kì chỗ nào tôi muốn ngồi tôi sẽ ngồi đó!'

Đây là cái loại làm chủ gì vậy - ngồi dưới gầm giường sao?

Nhưng mọi ông chồng đều nghĩ rằng anh ta là chủ và mọi bà vợ đều nghĩ rằng cô ta là chủ. Ngay cả trẻ nhỏ... bố mẹ cứ tưởng họ là chủ; họ sai. Trẻ con biết cách thao túng bạn, chúng biết cách tạo ra rắc rối cho bạn - vào đúng khoảnh khắc. Khi hàng xóm tới nhà chúng bắt đầu khai thác bạn, chúng bắt đầu đòi hỏi cái này cái nọ. Khi bạn ở bãi chợ, trong trung tâm mua bán, chúng tạo ra cơn cáu kỉnh, và bạn phải mua đồ chơi chúng muốn. Nếu người khác không có đó bạn đã đánh cho chúng một trận nên thân rồi - nhưng khi người khác có đó bạn phải rất lịch sự, rất văn hoá. Cứ để hàng xóm tới, thế thì chúng sẽ thấy! Chúng có thời gian, cơ hội riêng của chúng, lúc thao túng được bạn.

Mọi đứa trẻ đều biết - ngay cả đứa trẻ nhỏ cũng biết - cách khai thác mẹ, bố và khi nào. Khi bố bắt đầu đọc báo, nó bắt đầu hỏi các câu hỏi. Nó sẽ không cho phép bố đọc báo chừng nào đòi hỏi của nó chưa được đáp ứng.

Mọi người theo cách riêng của mình đều cố gắng là người chủ của người khác. Và thực ta, đó là tình huống kì lạ: mọi người theo một nghĩa nào đó đều trở thành người chủ của người khác, và cũng là nô lệ của người khác. Đó là tình huống kép. Chúng ta tất cả đều liên thuộc nhau; chúng ta vừa là cai tù vừa là tù nhân.

Ông không làm điều ông nên làm.

Ông làm điều ông không nên làm.

Ông coi thường, và ham muốn phát triển.

Phật nói: Ông cứ làm điều ông không nên làm – và ông biết điều đó; và ông cứ làm những điều hại cho ông, hại cho người khác. Dẫu sao ông vẫn bền bỉ làm chúng bởi vì ông dường như không có khả năng vẫn còn tỉnh táo. Dẫu sao ông vẫn bền bỉ làm chúng bởi vì ông dường như không có khả năng vẫn còn có ý thức. Ông vô ý thức thế; đó là lí do tại sao ông không làm điều ông nên làm và ông làm điều ông không nên làm.

Ông ấy không cho bạn lời răn: rằng bạn phải làm cái này và bạn phải không làm cái kia. Ông ấy đơn giản làm rõ ràng cho bạn rằng bạn vô ý thức tới mức bạn cứ làm hại bản thân mình và người khác. Bạn phải trở nên có ý thức. Với ý thức, cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi.

Giải phóng phụ nữ đã trở thành một phần tích hợp của xã hội Ai Cập mặc cho việc phản đối truyền thống của những cô gái có hẹn hò với nhiều đàn ông khác nhau.

Một đêm, Sabra đang ngồi trong xe cùng bạn trai, anh ta bắt đầu hôn cô ta một cách đam mê trong khi cởi quần áo cô ấy. Cô ta bắt đầu nức nở.

'Sao em khóc?' anh ta hỏi.

'Em sợ anh sẽ coi em là đồ con gái hư hỏng. Em không phải là loại đó.'

'Thôi khóc đi - anh tin em.'

'Anh là người đàn ông đầu tiên,' Sabra nức nở.

'Em muốn nói anh là người đàn ông đầu tiên làm việc này với em sao?'

'Không. Anh là người đầu tiên tin vào em.'

Mọi người không biết họ đang làm gì, không biết họ đang nói gì. Mọi người chỉ biết khi họ đã làm xong nó, chỉ khi họ đã nói ra nó. Mọi người chỉ biết khi đã quá trễ không thay đổi được gì, khi điều hại đã được làm rồi.

Ông coi thường, và ham muốn phát triển. Và trong mảnh đất vô thức này chẳng cái gì ngoài ham muốn mọc ra. Ham muốn giống như cỏ dại. Nếu bạn không chăm sóc vườn của mình, hoa hồng sẽ sớm biến mất và sẽ có toàn cỏ dại và cỏ dại.

Mulla Nasruddin đã mua một ngôi nhà mới và anh ta làm ra một khu vườn đẹp, bãi cỏ đẹp. Thế rồi một hàng xóm mới dọn tới ngôi nhà trống bên cạnh nhà của Mulla. Anh ta say mê khu vườn của Mulla cùng bãi cỏ. Anh ta nói, 'Tôi cũng muốn làm bãi cỏ đẹp, nhưng làm sao bác biết cỏ là gì và cỏ dại là gì?'

Mulla nói, 'Rất đơn giản. Bác nhổ cả hai lên và vứt chúng đi. Bất kì cái gì mọc ra theo cách riêng của nó đều là cỏ dại.'

Cỏ dại mọc theo cách riêng của chúng; bạn không cần chăm sóc chúng. Đó là cách nó xảy ra với ham muốn vô ý thức: chúng phát triển theo cách riêng của chúng. Chúng được bắt rễ trong sinh học của bạn, trong quá khứ của bạn, trong sinh lí của bạn, trong hooc môn của bạn, trong hệ thống hoá chất của bạn.

Ý thức phải có chủ định. Người ta phải làm nỗ lực gian nan để có ý thức. Và khi bạn có ý thức bạn làm điều nên làm và bạn không làm điều không nên làm. Phật không cho bạn thông tin chi tiết về cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Đó là khác biệt giữa Phật và các bậc thầy khác. Ông ấy đơn giản cho bạn chìa khoá chính mở được mọi ổ khoá; không có nhu cầu phải mang cả nghìn khoá cho mọi ổ.

Phật nói: Ý thức và thế là đủ. Thế thì mọi thứ sẽ bắt đầu thay đổi trong cuộc sống của bạn.

... Người chủ thức tỉnh.

Đó là chìa khoá nền tảng.

Nhưng người đó thức tỉnh.

Người đó quan sát thân thể mình.

trong mọi hành động người đó phân biệt,

và người đó trở thành thuần khiết.

Bây giờ từ 'phân biệt' không phải là cách dịch đúng. Lời của Phật là vivek. Vivek có thể được dịch theo hai cách: hoặc như 'phân biệt' hoặc như 'nhận biết.' Bất kì khi nào Phật và Mahavira dùng từ 'vivek' họ đều dùng nó theo nghĩa nhận biết, chưa bao giờ theo nghĩa phân biệt - bởi vì phân biệt nghĩa là suy nghĩ. Bạn đang suy nghĩ, 'Cái này tốt và cái này không tốt. Cái này mình nên làm và cái này mình không nên làm.'

Nhận biết là không suy nghĩ; nó là sáng suốt rõ ràng. Nó không phải là vấn đề chọn lựa - nhận biết là vô chọn lựa. Bạn đơn giản biết rằng đây là điều duy nhất có thể được làm; không có phương án khác. Bạn không chọn, bạn không cân nhắc cái nào tốt hơn. Bạn đơn giản biết - toàn thể trái tim bạn biết - rằng điều này là vậy, và bạn không thể đi ngược lại nó. Trong mọi hành động người đó đều nhận biết, và người đó trở thành thuần khiết. Nhận biết đem tới thuần khiết, hồn nhiên.

Người đó không có trách móc

dù có khi người đó có thể giết

bố mình và mẹ mình,

Hai vua, một vương quốc, và tất cả thần dân của nó.

Mặc dầu vua là linh thiêng

và thần dân của họ là những người đức hạnh,

Vậy mà người đó không đáng trách.

Vào thời Phật, những điều này bị coi là tội ác lớn nhất: giết bố và mẹ của mình, và giết vua.

Phật nói: Người trở nên nhận biết, với người đó toàn thể quá khứ như mơ; nó biến mất không để lại cho dù một dấu vết đằng sau nó. Cứ dường như trong mơ bạn giết bố và mẹ mình và tới sáng bạn thức dậy, bạn có đi tới tu sĩ để thú tội rằng bạn đã phạm phải tội lớn không? - bạn đã giết bố và mẹ bạn trong mơ. Hay bạn đi xin lỗi bố mẹ bạn, rằng 'Con xin lỗi - con đã giết bố mẹ đêm qua'? Bạn đơn giản quên tất cả về nó. Nó là giấc mơ, chả thành vấn đề gì. Bố và mẹ không bị giết.

Phật nói: Khi ông trở nên nhận biết, mọi điều ông đã làm trong vô nhận biết của ông, trong vô ý thức của ông, trong giấc ngủ của ông, trong giấc ngủ siêu hình của ông, đều không là gì ngoài mơ. Và nhớ: hành vi xấu là mơ, hành vi tốt là mơ. Việc là tội nhân của bạn trong mơ cũng tựa như việc là thánh nhân của bạn. Khi bạn thức dậy bạn không là tội nhân không là thánh nhân. Bạn đơn giản là nhận biết.

Một lần Phật được hỏi, 'Ông là ai? Ông có là thượng đế không?'

Ông ấy nói, 'Không.'

'Ông có là thiên thần không?'

Ông ấy nói, 'Không.'

'Ông có là chakravartin - hoàng đế vĩ đại của mọi thế giới không?'

Ông ấy nói, 'Không.'

Người hỏi rất phân vân. Ông ta nói, 'Ông cứ nói không với mọi thứ. Ít nhất ông cũng phải là con người chứ! Bây giờ ông không thể nói không được.'

Phật cười và nói, 'Vâng, ta sẽ vẫn nói không!'

'Thế thì ông là ai?' người này hỏi, bực mình.

Phật nói, 'Ta chỉ là nhận biết. Mọi người và thiên thần và thượng đế, họ đều là một phần của giấc ngủ siêu hình của ta. Giấc ngủ đó không còn đó nữa; ta đã trở nên thức tỉnh.'

Đó đích xác là nghĩa của từ 'phật': người đã trở nên thức tỉnh, người đã chứng ngộ, người không còn mơ nữa. Và khi bạn không mơ, bạn có sáng tỏ, bạn có thể thấy. Và chính việc thấy đó trở thành yếu tố xác định cuộc sống của bạn. Chỉ thế thì bạn mới làm điều đáng được làm và bạn không làm điều không đáng được làm.

Vấn đề không phải là phân biệt giữa đúng và sai.

Vấn đề là ra khỏi giấc ngủ của bạn.

Dậy đi!

Đủ cho hôm nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho