Chương 03: Sâu trong hang của tâm

Chuyến bay của một mình tới một mình
Flight of the Alone to the Alone
Osho

 
 Chương 03: Sâu trong hang của tâm


Thực tại tối thượng không thể được biết tới qua của cải của người ta, qua dòng dõi của người ta hay qua hành động của người ta.

Từ bỏ là con đường duy nhất qua đó những người đã biết tới thực tại tối thượng đã đi vào trong bất tử.

Bên ngoài cõi trời sáng lên thực tại tối thượng, cái ở sâu bên trong hang của tâm. Điều này có thể được kinh nghiệm chỉ bởi người tìm kiếm trung thực.

Cái chết bao quanh con người tứ phía. Dù người đó có thể đi tới bất kì đâu, chung cuộc người đó sẽ tìm thấy cái chết. Dù cho chúng ta nghĩ về nó hay lảng tránh nghĩ về nó...


Ai là anh bạn đang nói ở chỗ kia thế? Xin dừng nói lại!... Dù chúng ta có ý thức về nó hay không, sợ chết vẫn có đó, hiện diện mọi khoảnh khắc. Thực tế, tất cả những sợ khác đều là cái bóng của sợ chết. Dù là người ta sợ nghèo khó, dù là người ta sợ ốm yếu, dù là người ta sợ mất đi sự kính trọng hay sợ thất bại, sâu bên dưới, đằng sau tất cả mọi sợ đều là sợ chết. Tâm trí sợ nghèo bởi vì nó nghĩ rằng nếu có đủ tiền đó sẽ là bảo vệ chống lại chết. Tâm trí sợ thất bại bởi vì nó nghĩ rằng nếu có thành công, thế thì nó sẽ đủ mạnh để tranh đấu chống lại chết.

Sợ chết là một mặt của đồng tiền cuộc sống; mặt kia của đồng tiền này là thèm khát cuộc sống. Sự mãnh liệt của sợ hãi rằng cuộc sống đang tuột khỏi tay bạn là cùng tỉ lệ với sự mãnh liệt của nỗi thèm khát cuộc sống của bạn. Níu bám càng nhiều, sợ hãi càng lớn.

Sợ chết này đem con người vào vô số hoạt động. Trong toàn thể cuộc sống của mình bạn sống ít và dành nhiều thời gian và năng lượng hơn để làm ra cái bảo vệ chống lại chết. Có lẽ chẳng còn lại thời gian cho sống. Sợ chết bắt rễ sâu vào trong tâm bạn thế - làm sao hoa của sống có thể nở trong nó được? Bạn chạy, bạn tranh giành, bạn kiếm tiền, bạn đoạt lấy danh vọng, bạn xây nhà có tường cao và vững chãi, với an toàn lớn lao. Bạn làm đủ mọi loại thu xếp cho an ninh của bạn bởi một lí do duy nhất: bạn không muốn chết.

Nhưng chung cuộc bạn sẽ chết. Tất cả mọi biện pháp an ninh của bạn đều thất bại, tất cả mọi thận trọng của bạn đều tỏ ra vô tích sự. Tất cả mọi cố sức của bạn, tất cả mọi nỗ lực của bạn, tất cả mọi cố gắng của bạn đều tỏ ra là vô ích bởi vì một ngày nào đó chết gõ cửa nhà bạn.

Hàng tỉ và hàng tỉ tỉ người đã làm phí hoài các kiếp sống của họ theo cách này, tranh đấu chống lại chết. Và vậy mà bạn liên tục làm cùng một điều mà không chú ý gì tới sự kiện là không ai đã bao giờ thành công trong việc chinh phục chết, dù với bất kì chiến lược nào họ thử cũng chẳng thành vấn đề. Ai đó nghĩ, “Mình sẽ chết, nhưng ít nhất con trai mình sẽ còn lại” - thế là người đó đầu tư tất cả mọi hi vọng vào con mình. Những người không có con trở nên bối rối nhiều tới mức bây giờ dòng dõi của họ sẽ chấm dứt với họ. Nếu có con trai, thế thì người đó ít lo nghĩ về việc chết bởi vì ít nhất người đó sẽ tiếp tục sống qua ai đó khác. Một phần nào đó của người đó sẽ sống qua con của người đó. Con người đang đi tìm cách để sống sót với cái chết – ngay cả là qua con của mình: “Mình sẽ chết nhưng con mình, một phần của mình, sẽ sống. Theo một nghĩa nào đó mình đã trở thành bất tử.”

Một số người tìm bất tử qua con mình còn số khác tìm qua những sáng tạo bất tử của mình. Hoạ sĩ nghĩ “Mình sẽ qua đời, nhưng ít nhất tranh vẽ của mình sẽ vẫn còn ở đây,” nhà điêu khắc nghĩ “Mình sẽ chết, nhưng ít nhất những bức điêu khắc của mình sẽ đây,” nhạc sĩ nghĩ “Mình sẽ biến mất, nhưng ít nhất âm nhạc của mình sẽ ở đây.” Đây là những cách tìm kiếm bất tử. Nhưng nếu ai đó chết đi toàn bộ, thế thì con cháu người đó, cái gọi là một phần của người đó có thể sống sót được bao lâu? Khi bản thân người đó chết đi rồi, tranh vẽ, bức điêu khắc, sách vở và thơ ca mà người đó đã tạo ra có thể sống còn được bao lâu? Không, chúng cũng sẽ chết đi thôi.

Thực tế, bất kì cái gì được sinh ra trong thế giới này, trong luồng thời gian này, đều chắc chắn sẽ chết. Trong cõi thời gian, chết là hiện tượng rõ ràng, chắc chắn. Trong cõi thời gian, chết là không thể nào tránh khỏi. Bất kì cái gì được sinh ra trong cõi thời gian đều nhất định chết đi.

Chân lí là ở chỗ sáng tạo và huỷ diệt là hai cực của cùng một hiện tượng. Khoảnh khắc cái gì đó được tạo ra, nó đã bắt đầu chết đi rồi. Khoảnh khắc ai đó được sinh ra, cuộc hành trình của người đó tới cái chết đã bắt đầu rồi. Một khi cái bắt đầu có đó, cái kết thúc sẽ đi theo không tránh khỏi. Mất bao nhiêu thời gian để đi tới kết thúc là điều phụ, và điều đó cũng có nghĩa. Dù nó có thể bị để chậm trễ lại bằng cách nào, cái kết thúc vẫn phải tới.

Phật đã nói, “Dù ta chết trong bẩy năm hay bẩy mươi năm hay bẩy trăm năm, điều đó cũng chẳng khác biệt gì mấy. Nếu cái chết của ta là chắc chắn, thế thì với chính việc sinh của ta hạt mầm của cái chết đã đi vào trong ta rồi. Bao nhiêu thời gian cần cho nó nở hoa là điều phụ. Và dẫu sao ta sẽ làm gì trong khoảng thời gian này?

“Nếu chết dứt khoát đứng đằng sau lưng người ta, thế thì ai đó sẽ sống trong sợ chết trong bẩy năm, ai đó trong bẩy mươi năm và ai đó trong bẩy trăm năm, nhưng họ có thể làm gì hơn được? Cái gì sẽ được hoàn thành bởi việc sống như thế này? Nếu cái chết chắc chắn đang đứng ở ngưỡng cửa của mọi người, nếu nó là cái gì đó có thể xảy ra vào bất kì lúc nào, thế thì cuộc sống này nhất định chẳng là gì ngoài sự run rẩy.”

Và Mahavira đã nói, “Giọt sương sớm, run rẩy trong làn gió thoảng trên nhành cỏ, có thể tự bảo vệ mình được bao lâu? Nó có thể tự gìn giữ mình được bao lâu khỏi cơn gió thoảng thổi qua? Nó có thể đọng lại trên đầu lá được bao lâu? Nó sẽ rơi đi. Bây giờ hay một thời gian ngắn sau đó, nhưng nó sẽ rơi rụng đi.” Ông ấy nói thêm, “Cuộc sống của con người cũng giống như giọt sương này chênh vênh trên đầu ngọn cỏ. Nó rơi đi bây giờ hay trong khoảng thời gian ngắn nữa, nhưng nó nhất định rơi rụng đi. Nó phải rơi rụng đi.”

Mọi cách thức con người đã phát minh ra để đạt tới bất tử đều vô ích. Cách duy nhất không vô ích, và điều đó được nói trong lời kinh này:

Thực tại tối thượng không thể được biết tới qua của cải của người ta, qua dòng dõi của người ta hay qua hành động của người ta.

Từ bỏ là con đường duy nhất qua đó những người đã biết tới thực tại tối thượng đã đi vào trong bất tử.

Bên ngoài cõi trời sáng lên thực tại tối thượng, cái ở sâu bên trong hang của tâm. Điều này có thể được kinh nghiệm chỉ bởi người tìm kiếm trung thực.

Bây giờ cũng tốt là hiểu vài điểm trong lời kinhnày.

Cái bất tử... Niều khao khát sâu sắc nhất trong cuộc sống là kinh nghiệm cái bất tử, cái không chết, cái mà không bao giờ có thể bị phá huỷ. Người ta có thể thu được cái gì bằng việc đạt tới cái gì đó sẽ đi tới kết thúc? Người đó sẽ thực sự thu được cái gì? Cái gì đó tới trong tay bạn chỉ để lại tuột đi mất thì có giá trị gì? Cái bạn thu được sẽ bắt đầu biến mất vào cùng khoảnh khắc nó được thu lấy, làm cho mọi nỗ lực của bạn thành vô dụng.

Đây là lí do tại sao chúng ta chỉ gọi ai đó là brahmajnani, người biết về thực tại tối thượng, người có việc tìm kiếm đã dành cho cái mà, một khi được tìm thấy, không bao giờ bị mất đi nữa. Brahmajnani là người đã tìm thấy cái mà từ đó không bao giờ có thể là sự tách biệt; cái có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Điều này có chút ít phức tạp, bởi vì bạn hiểu rằng mọi thứ có cái bắt đầu thì phải có cái kết thúc. Không có gì trong thế giới này được thấy có bắt đầu mà không có kết thúc. Mọi thứ đều được thấy có tới có đi. Có kinh nghiệm nào, việc nhận ra nào, mà có thể là vĩnh hằng không - mà từ đó có thể không còn khả năng nào cho việc tách rời không? Đây là việc tìm kiếm về brahmajnan, việc tìm kiếm để biết thực tại tối thượng.

Tìm kiếm thực tại tối thượng là việc tìm kiếm cái vĩnh hằng, cái vô thuỷ, cái vô chung, cái bao giờ cũng đấy, cái không bao giờ bị phá huỷ và cái sẽ không bao giờ chết, cái sẽ không bao giờ đi tới kết thúc. Và chỉ nếu bạn đã đạt tới điều này bạn mới biết cuộc sống. Chỉ nếu bạn đã trở thành một với điều này bạn sẽ biết cái bất tử, cái bất diệt. Chừng nào bạn còn chưa trở thành một với điều này, sống của bạn sẽ là run rẩy trong sợ hãi, giống như chiếc lá trong gió, bởi vì chết sẽ làm rung chuyển bạn ở mọi nơi; bạn sẽ thường xuyên cảm thấy gió của chết. Sợ hãi sẽ chấm dứt chỉ khi bạn biết chân lí tối thượng, chỉ khi bạn trở thành một với nó. Và chỗ sợ hãi chấm dứt và bạo dạn bắt đầu, có mặt trời của cuộc sống mọc lên, có bình minh của cuộc sống.

Nhưng điều này có thể được đạt tới qua tiền bạc không? - bởi vì con người đặt nỗ lực toàn thể cuộc sống của mình vào việc tích luỹ tiền bạc. Theo cách này người đó hi vọng có khả năng biết cái gì đó không chết. Nhưng khi cùng bàn tay đã kiếm tiền đó chết đi, làm sao tiền được kiếm qua bàn tay đó có thể sống sót được? Khi bản thân người sáng tạo là phù du thế, việc sáng tạo của người đó nhất định phải phù du hơn thế.

Của cải, tiền bạc; những thứ này chỉ là lừa dối. Chúng tạo ra ảo tưởng về thường hằng. Khi bạn có tiền bạn cảm thấy dường như bạn có cái gì đó an toàn và thường hằng mà qua đó bạn có thể tranh đấu chống lại tính nhất thời của mọi thứ. Bạn cho rằng với hỗ trợ của tiền bạc bạn thậm chí có thể tạo ra thu xếp nào đó chống lại chết. Đây là lí do tại sao mọi người điên khùng thế để tích luỹ tiền bạc. Điên khùng này đạt tới điểm bạn thậm chí quên mất tại sao, ngay chỗ đầu tiên, bạn đã bắt đầu tích luỹ tiền bạc. Thế rồi bạn liên tục đi tích luỹ tiền bạc và bạn tự đánh mất mình trong quá trình này. Bạn đã bắt đầu trong hi vọng rằng nó có thể cứu bạn - bạn đã không để ý tới điểm mà phương tiện trở thành mục đích.

Đây là một trong những bệnh căn bản nhất của con người: để cho phương tiện trở thành mục đích. Điều bạn nghĩ để dùng như phương tiện với cái gì đó trở thành người chủ của bạn. Điều bạn muốn đạt tới bằng phương tiện nào đó chung cuộc bị mất hút trong tất cả các nỗ lực của bạn, trong bản thân phương tiện này.

Con người kiếm tiền cho việc sống của mình, nhưng nếu bạn nhìn vào người giầu bạn sẽ thấy rằng họ đang sống để làm tiền. Điều này có thể dường như có chút ít đáng ngạc nhiên, bởi vì nếu bạn hỏi người giầu, họ nữa cũng sẽ nói rằng họ đang làm tiền để sống.

Khi Andrew Carnegie chết, ông ấy để lại hàng tỉ đô la đằng sau. Và mãi cho tới lúc kết thúc của mình, mãi cho tới chính khoảnh khắc cuối cùng, ông ấy vẫn còn thảo luận chuyện kinh doanh qua điện thoại. Vào khoảnh khắc cuối cùng, khi ông ấy thở hơi cuối cùng, ống nghe điện thoại vẫn trong tay ông ấy và ông ấy đang dàn xếp chuyện kinh doanh nào đó. Tác giả của cuốn tiểu sử của Andrew Carnegie đã viết, “Tôi chưa từng thấy cho dù một khoảnh khắc trong đời của Carnegie mà người ta có thể nói rằng ông ấy thực sự sống. Mọi khoảnh khắc ông ấy chỉ kiếm sống.” Có lẽ ông ấy là người giầu có nhất trên Trái đất, nhưng theo một nghĩa nào đó, không ai là người nghèo hơn ông ấy, bởi vì ông ấy đã không biết tới xúc động của cuộc sống, ông ấy đã không thể được bất kì con sóng cuộc sống nào chạm tới. Thường bạn bè ông ấy sẽ nói với ông ấy, “Ông định làm gì với tất cả tiền bạc ông liên tục tích luỹ lại thế?” Và ông ấy sẽ nói, “Đợi đấy - một khi tôi được chấm dứt với việc làm tiền, tôi sẽ bắt đầu sống.” Nhưng kiếm tiền chẳng bao giờ bị chấm dứt cả, và việc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Ai đã bao giờ kiếm đủ tiền? Bạn đã bao giờ nghe nói về người giầu nói rằng người đó đã kiếm đủ tiền chưa? Không, việc tích luỹ dường như có logic riêng của nó. Nó không phải là cái gì đó bạn có thể vẽ ra được đường biên, và một khi bạn đã chạm tới đường đó thì việc tích luỹ được kết thúc. Mục tiêu liên tục đi thêm lên trước: giống như đường chân trời bạn càng đi tới nó đường chân trời càng đi ra xa hơn. Dường như là nơi và đất và trời gặp nhau chỉ gần ngay cạnh, không xa xăm gì mấy; dường như chỉ là việc đi vài dặm và bạn sẽ đạt tới nơi trời và đất chạm nhau - nhưng trời không gặp đất ở đâu cả, chỉ dường như gặp nhau thôi. Chúng ta càng đi tới nó, điểm đó càng đi ra hơn. Bạn có thể đi vòng quanh Trái đất và bạn sẽ không tìm thấy trời và đất gặp nhau ở đâu cả. Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy rằng đấy chỉ là vấn đề của thêm vài dặm nữa và ở đó chúng sẽ gặp nhau, nhưng ngay cả sau khi bạn đã đi vòng quanh cả Trái đất, nó vẫn sẽ có vẻ như chỉ thêm vài dặm nữa thôi.

Theo cùng cách đó, dù bản ngã của bạn chạy đua tới bất kì đâu trong cuộc sống, nó liên tục tạo ra chân trời của riêng nó. Của cải cũng giống như đường chân trời: bạn đi xa tới đâu cũng chẳng thành vấn đề, bạn chẳng đạt tới đâu cả; mục tiêu đi thêm về phía trước và cuộc đua tiếp tục. Hiện tượng này không bao giờ chấm dứt, nhưng cuộc sống đi tới chấm dứt.

Người giầu thường sống cuộc sống nghèo. Người nghèo sống theo cách đó bởi vì người đó phải sống vậy, nhưng nếu người giầu sống theo cách đó, điều đó không thể nào tha thứ được. Và những người nghĩ họ có thể đạt tới bản chất của cuộc sống qua tiền đơn giản chỉ là điên. Không, bất tử thực không thể nào được biết tới qua của cải hay qua con cháu bạn.

Một số người mất cả đời mình chỉ để thu xếp cho con cái khôn lớn và được giáo dục, để chúng xây dựng gia đình và ổn định cuộc sống. Bạn có thể hỏi họ, “Đây là điều cha mẹ bạn đã làm cho bạn, đây là điều con bạn sẽ làm cho con chúng, vậy tất cả những điều này là về cái gì? Bố bạn đã sống để cho bạn có thể trưởng thành, được giáo dục, ổn định cuộc sống và bạn đang sống để cho con bạn cũng trưởng thành, được giáo dục và được ổn định cuộc sống và con bạn sẽ sống theo cùng lề thói đó. Phỏng có ích gì mà sống theo cách này?”

Điều đó có thể là đơn giản bởi vì bạn không biết cách thức đúng để sống, bạn kết thúc chỉ giữ cho bản thân mình và tâm trí mình bận rộn, tham gia vào mọi thứ ngu xuẩn hay sao? Những người có con đều trong rối loạn - bản thân họ không biết cách sống, và họ cho rằng con họ không cho phép họ sống! Và những người không có con lại trong rắc rối về cách sống bởi vì họ cảm thấy “Phỏng có ích gì mà sống không có con?”

Dường như người đó không có ý tưởng nào về suối cam lồ cuộc sống ở đâu cả. Và không phải là ai đó đã tìm ra suối cam lồ cuộc sống sẽ không kiếm tiền đâu, không. Không phải là ai đó đã tìm thấy suối cam lồ cuộc sống thì sẽ không chăm nom và chăm sóc con cái mình, nhưng phẩm chất của việc chăm sóc của người đó sẽ khác. Toàn thể động cơ để người đó kiếm tiền sẽ khác. Người đã biết tới suối cam lồ cuộc sống sẽ chăm sóc con mình, nhưng bây giờ việc chăm sóc của người đó sẽ không chỉ là bận rộn và trì hoãn cuộc sống. Bây giờ người đó không trì hoãn cuộc sống riêng của mình, người đó không nói “Bố mẹ sẽ sống vì con.”

Người ta có thể sống vì người khác chứ - nhưng người đã tìm thấy suối cam lồ cuộc sống trong cuộc sống riêng của mình thì sẽ sống cho bản thân mình. Thế thì đó là vấn đề hoàn toàn khác. Bằng việc sống cho bản thân bạn, con bạn cũng sẽ được giúp bởi cuộc sống của bạn. Nhưng bạn sẽ không sống cuộc sống của bạn qua cuộc sống của con cái bạn, bởi vì theo cách này mọi người chỉ liên tục trì hoãn vì người khác và chẳng ai sống cuộc sống của mình cả.

Có nhiều người nghĩ rằng qua hành động, hành động mênh mông, hoạt động thường xuyên, họ sẽ đạt tới bất tử, cho nên họ giữ mình thường xuyên bận rộn. Từ sáng tới tối, từ sinh tới tử, họ liên tục làm điều này điều khác. Niềm tin của họ là ở chỗ chính qua việc làm riêng của họ mà họ sẽ kinh nghiệm việc bất tử. Nhưng hành động chỉ có thể cho bạn những thứ là kết quả của của hành động thôi. Bất tử không phải là kết quả của bất kì hành động nào. Nó chưa bao giờ là kết quả của hành động. Bất tử đơn giản bị ẩn kín, nhưng nó đã có đó rồi; nó không phải là cái gì đó bạn có thể tạo ra qua hành động của mình. Bất tử đã hiện diện rồi; nó không phải được tạo ra, nó chỉ cần được phát hiện ra, khám phá ra. Nó không được tạo ra. Không hệ thống, không kỉ luật hành động nào sẽ có khả năng tạo ra nó bởi vì nó đã có đó rồi.

Và nhớ, chúng ta đơn thuần hữu tử, cho nên làm sao bất tử có thể được sinh ra từ hành động của chúng ta? Chúng ta không biết, vậy làm sao cái biết có thể được sinh ra từ hành động của chúng ta? Chúng ta bị bao quanh bởi chết và hành động của chúng ta cũng bị bao quanh bởi chết. Chết ở mọi nơi. Nếu chúng ta là tối, làm sao sáng có thể nảy sinh từ chúng ta được?

Nhưng thực tại tối thượng không nảy sinh từ chúng ta. Thực ra, chúng ta nảy sinh ra từ thực tại tối thượng. Không có nhu cầu để chúng ta cho sinh thành ra thực tại tối thượng: chúng ta đã tới từ nó và nó chỉ phải được phát hiện ra. Nó không phải là cái sắp xảy ra trong tương lai, nó có đó từ ngay ban đầu, ngay trước chúng ta. Nó là chính cơ sở sự tồn tại của chúng ta.

Qua hành động bạn có thể tìm thấy người khác, nhưng không tìm thấy bản thân bạn. Sự hiện diện của bạn bị ẩn kín đằng sau tất cả mọi hành động của bạn. Cho dù không có hành động, bạn vẫn có đó. Bạn còn sâu hơn hành động. Cho nên nếu bạn muốn tìm thấy cái ta thực chất của bạn, điều đó sẽ không thể có được qua hành động.

Thế thì làm sao nó được biết tới?

Từ bỏ là con đường duy nhất qua đó những người đã biết tới thực tại tối thượng đã đi vào trong bất tử.

Từ từ bỏ này là rất phức tạp. Điều thoáng tới trong tâm trí bạn khi bạn nghe nó không phải là nghĩa đúng đâu. Nghĩa chung của từ bỏ là ở chỗ bạn từ bỏ của cải của mình. Bây giờ hiểu được điều này sẽ là tốt.

Khi chúng ta nói rằng một người là người từ bỏ... Khi chúng ta nói rằng Mahavira là người từ bỏ, ông ấy đã từ bỏ những khối lượng của cải lớn thế; khi chúng ta nói rằng Phật là người từ bỏ, ông ấy đã từ bỏ cung điện của mình, vương quốc của mình, mọi tiện nghi, ông ấy đã từ bỏ mọi thứ - với tâm trí của chúng ta nghĩa của từ bỏ là bỏ lại cái gì đó, buông bỏ cái gì đó. Nhưng nghĩa thực của từ bỏ là ở chỗ bạn không giữ lại cái gì đó ngay chỗ đầu tiên. Chúng ta cho rằng Mahavira đã vứt bỏ của cải, nhưng thực tế, ông ấy chỉ vứt bỏ việc nắm giữ của ông ấy mà thôi.

Cố hiểu điều này sâu nhất có thể được đi: chúng ta cho rằng Mahavira đã bỏ lại của cải của ông ấy, nhưng ông ấy chỉ bỏ lại việc nắm giữ của ông ấy, việc níu bám của ông ấy. Của cải chưa bao giờ là của Mahavira cả, cho nên làm sao nó có thể bị từ bỏ được? Chỉ việc nắm giữ, việc níu bám mới là của ông ấy. Của cải không phải là của Mahavira bởi vì nó có đó thậm chí trước khi có ông ấy, và nó còn lại ngay cả sau ông ấy.

Vương quốc không thuộc về Phật, nó thậm chí đã có đó trước khi có Phật, nó có đó ngay cả trước khi Phật hiện hữu - nó có đó cùng với bố của Phật, nó có đó cùng với bố của bố của Phật. Khi Phật từ bỏ nó, thế nữa nó vẫn còn với ai đó. Phật đã không từ bỏ vương quốc, ông ấy đã từ bỏ việc níu bám vào vương quốc. Việc níu bám đó là của riêng Phật.

Nếu tôi cầm tiền trong tay, mọi người sẽ nói rằng tôi đang cầm tiền. Thực tại là ở chỗ tôi chỉ giữ cho nắm tay tôi đóng lại - tiền không nhận biết rằng nó nằm trong nắm tay tôi. Và khi tôi buông bỏ nó, khi tôi thả nó ra, nó sẽ không biết rằng nó đã bị thả ra. Cùng đồng tiền đó đã từng được giữ trong biết bao nhiêu nắm tay và nó chưa bao giờ lưu ý về điều đó. Chỉ có mỗi việc nắm tay chúng ta mở ra hay đóng lại.

Từ bỏ nghĩa là vứt bỏ việc nắm giữ, buông bỏ việc nắm giữ - và nghĩa khác là không giữ ngay chỗ đầu tiên, biết rằng cái không phải của bạn thì không là của bạn. Nhưng bạn mang nghĩa khác của từ bỏ trong tâm trí bạn. Người có tiền nói, “Cái này là của tôi.” Thế rồi người đó từ bỏ nó, theo nghĩa của bạn, và người đó nói, “Tôi đã từ bỏ tiền của tôi.” Nhưng ngay cả trong hành động từ bỏ đó, người đó vẫn không buông bỏ quyền sở hữu của mình; người đó vẫn tin rằng mình đã từ bỏ của cải của mình.

Tôi biết những người từ bỏ, người mà thậm chí nhiều năm đã trôi qua - ba mươi năm trong trường hợp này, bốn mươi năm trong trường hợp kia - đã không buông bỏ tài khoản. Họ vẫn tuyên bố, “Tôi đã đá tung tiền tài đi rồi,” và họ đã làm cú đá này bốn mươi năm trước! Và nếu tiền không phải là của họ, thế thì họ sẽ xin lỗi tiền bởi vì họ đã đá nó! Nhưng không, tiền là của họ, và bây giờ thay vào chỗ của tiền, việc từ bỏ là của họ.

Cố hiểu điều này cho đúng: bây giờ họ đã biến bản thân từ bỏ thành một loại của cải. Bây giờ việc từ bỏ hàng triệu ru pi đã trở thành uy tín của họ, vốn của họ trong bốn mươi năm qua. Bây giờ việc từ bỏ hàng triệu ru pi này là của cải của họ. Bây giờ nếu bạn nói với họ rằng đấy không phải là hàng triệu đâu, số đấy ít hơn, họ sẽ rất đau đấy.

Một người bạn tới gặp tôi. Anh ấy tới cùng vợ bởi vì anh ấy đã nghĩ rằng tự giới thiệu mình sẽ có vẻ kì quái. Thế là vợ anh ta giới thiệu anh ta và anh ta giới thiệu vợ. Người vợ nói, “Anh ấy là con người của từ thiện lớn lao. Anh ấy đã cúng cho việc từ thiện hàng trăm nghìn ru pi.” Người chồng nhìn vợ và nói, “Mỗi trăm nghìn thôi sao? Đến bây giờ nó là một trăm mười nghìn rồi!”

Bây giờ cái loại từ bỏ này chẳng là gì ngoài việc giành lấy cái khác. Nó là một loại tiền mới. Nó cũng thuận tiện và an toàn hơn; kẻ trộm không thể đánh cắp được nó. Việc thay đổi chính phủ sẽ không ảnh hưởng tới nó theo bất kì cách nào do bản chất của của cải mới này.

Tôi bảo người bạn đó, “Bạn đã làm trò láu cá đấy! Bạn thận trọng. Một trăm mười nghìn ru pi của bạn có thể bị kẻ trộm lấy mất, bị thổ phỉ cưỡng bách lấy đi; chính phủ có thể đánh thuế nặng, chủ nghĩa xã hội có thể tới nước này - bất kì cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng bây giờ không kẻ trộm nào có thể lấy được nó khỏi bạn, không chủ nghĩa xã hội nào có thể giật được nó khỏi bạn.”

Anh ta nghiêng người trên ghế, nhưng xương sống anh ta bỗng nhiên dựng đứng. Anh ta nói, “Thầy phải đấy. Đó là lí do tại sao tôi đã cho tiền, bởi vì đức hạnh không thể bị cái chết lấy đi. Bây giờ đây là đức hạnh - bây giờ không quyền lực nào trên thế giới có thể lấy điều này khỏi tôi được.” Anh ta đã chuyển tiền của mình thành đức hạnh!

Đức hạnh là tiền tệ sẽ hợp thức ngay cả trong thế giới bên ngoài cái chết. Nó còn có thể có nghĩa gì khác? Đức hạnh là đồng tiền được thừa nhận không chỉ ở đây, mà sẽ có giá trị ở thế giới khác nữa. Bây giờ người này sẽ đi vào thế giới khác với số dư ngân hàng này. Và cái gọi là kinh sách dạy cho mọi người, “Nếu bạn từ bỏ ở đây, bạn sẽ được thưởng ở kia. Điều bạn từ bỏ ở đây bạn sẽ thu được nghìn lần hơn ở kia.” Chính trong hi vọng thu được này mà mọi người từ bỏ. Chính bởi vì tham lam mà mọi người từ bỏ. Và nếu mọi người từ bỏ để thu được cái gì đó, nó không phải là từ bỏ chút nào. Không thể nào từ bỏ với thu xếp như vậy. Từ bỏ không có nghĩa là bạn biến từ bỏ thành một loại tiền tệ mới.

Từ bỏ nghĩa là hiểu rằng không của cải nào thực sự là của cải. Nghĩa của từ bỏ là hiểu biết rằng không có của cải nào thực sự là của cải, dù ở đây hay ở thế giới khác. Của cải đơn giản không tồn tại. Nó nghĩa là được bắt rễ vào trong hiểu biết rằng, “Mình không có của cải chút nào, không của cải nào là của mình chút nào. Mình hoàn toàn nghèo.” Từ mà Jesus đã dùng cho điều này là “nghèo trong tâm linh.”

Những người kinh nghiệm cái nghèo của mình trong linh hồn là những người từ bỏ. Họ biết rằng linh hồn đơn giản không có của cải, rằng không có của cải trong linh hồn. Và điều thú vị là ở chỗ khoảnh khắc một linh hồn đi tới nhận ra rằng nó chẳng liên quan gì tới của cải, trong chính khoảnh khắc đó cái bất tử được kinh nghiệm... chính khoảnh khắc đó. Bởi vì nếu nắm tay giữ tiền bạc, của cải, mà mở ra hoàn toàn trong tính bạo dạn toàn bộ - thế thì trên cùng nắm tay mở ra đó nước cam lồ của bất tử sẽ mưa rào xuống. Nhưng nhớ một điều: nếu bạn muốn giữ tiền của bạn, bạn phải nắm nắm tay lại; nếu bạn muốn giữ cái bất tử, bạn phải mở nắm tay ra. Nước cam lồ của bất tử mưa rào lên bàn tay mở. Trong bàn tay đóng, chỉ chất độc tụ lại.

Đây là lí do tại sao điều chúng ta gọi là sampatti, giầu có, có nhiều vipatti, bất hạnh, hơn cho người sampatti. Đây là lí do tại sao, với cái gọi là giầu của bạn, khổ của bạn liên tục sâu sắc thêm và lớn lên thêm.

Bàn tay mở nghĩa là cho dù nước cam lồ có mưa rào xuống, nó cũng không cố giữ lại cho nó. Vào ngày đó không có ao ước nắm giữ ngay cả nước cam lồ đang mưa xuống, hay khi có của cải lớn lao nhất nhưng không có ham muốn nắm tay lại giữ nó, thì người này đã đạt tới trạng thái từ bỏ. Chỉ khi không còn ham muốn để nắm giữ thì từ bỏ thực sự đã xảy ra.

Từ bỏ là việc biến mất của thái độ nắm giữ, trong mọi chiều. Người ta không nắm giữ vào con người, vào tiền bạc, vào kinh sách, vào bất kì đức hạnh nào. Và thậm chí cũng không còn vấn đề bạn nắm giữ vào cái gì nữa, bởi vì chúng ta tinh ranh tới mức chúng ta có thể vứt bỏ thứ này và nắm giữ thứ khác - nhưng việc nắm giữ vẫn tiếp tục.

Vấn đề là ở níu bám của bạn, không phải vào mọi thứ. Người này từ bỏ tiền và thế rồi người đó níu bám vào việc từ bỏ của mình. Người khác từ bỏ gia đình mình nhưng thế rồi người đó níu bám lấy đạo tràng, người khác từ bỏ cuộc sống trần tục nhưng thế rồi người đó níu bám lấy tính chất sannyas. Vấn đề là thái độ níu bám.nghĩa của sannyasin là người đã vứt bỏ việc níu bám. Đây là toàn thể ý nghĩa - rằng người đó đã từ bỏ việc níu bám, người đó đã quyết định không giữ lại cái gì thêm nữa. “Bây giờ mình sẽ sống mà không níu bám” - quyết tâm này được gọi là tính chất sannyas. Nhưng đó là câu chuyện tinh tế... nếu chúng ta muốn chúng ta có thể nắm giữ ngay cả tính chất sannyas, cái đó nữa cũng có thể trở thành nắm tay của bạn. Nắm tay của bạn khéo léo nắm giữ tới mức nó có thể nắm lại bất kì cái gì. Chẳng thành vấn đề ít nhất vật đó là cái gì. Nó phải trở nên khéo léo tới mức cho dù không có gì cả, nó vẫn có thể khép lại với cái không có gì. Khi thói quen khép lại của nắm tay bị vứt bỏ, thế thì đó là từ bỏ. Nó là việc không níu bám, khi thậm chí không có cảm giác níu bám nảy sinh.

Cho nên từ bỏ không có nghĩa là từ bỏ của cải, từ bỏ không có nghĩa là từ bỏ gia đình, từ bỏ không có nghĩa là bạn từ bỏ vật nào đó. Từ bỏ nghĩa là buông bỏ thái độ níu bám, thái độ nắm giữ. Việc biến mất của thái độ nắm giữ là từ bỏ.

Chính là qua loại từ bỏ này mà những người biết tới thực tại tối thượng đã đi vào cái bất tử, cái bất diệt. Việc từ bỏ này sẽ là khả năng chỉ nếu bạn bắt đầu sống với nhận biết lớn lao. Thế thì từ bỏ không còn là hành động bên ngoài nữa, mà trở thành trạng thái bên trong của hiện hữu. Người thức tỉnh vẫn còn tỉnh táo và tỉnh thức rằng nắm tay phải không khép lại trên bất kì cái gì, rằng việc nắm giữ bất kì cái gì không trở thành tù túng. Không cái gì giới hạn được người đó. Khi người ta sống với nhiều nhận biết thế, thế thì người ta đang sống trong trạng thái từ bỏ.

Hàng nghìn người đã được khai tâm mang tính chất sannyas với Phật. Phật thường nói với họ, “Lưu tâm tới điều các ông đang làm. Các ông đang vứt bỏ tất cả những cái các ông có, còn ta không cho các ông cái gì thế vào chỗ của nó.” Nhiều lần, nhiều người đã lánh xa khỏi Phật bởi vì phát biểu như vậy đi ra ngoài mọi logic. Người ta sẵn sàng từ bỏ chỉ nếu cái gì đó hơn sẽ được đạt tới.

Mọi người hay hỏi Phật, “Thôi được, chúng tôi sẽ từ bỏ gia đình mình, nhưng chúng tôi sẽ đạt được cái gì? Chúng tôi sẽ từ bỏ tiền bạc và của cải, nhưng chúng tôi sẽ đạt tới cái gì? Chúng tôi sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ, nhưng cái gì sẽ là phần thưởng? Chúng tôi sẽ đưa toàn thể các kiếp sống của mình vào thiền, vào yoga, vào khổ hạnh, nhưng kết quả, cái thu được sẽ là cái gì?”

Phật sẽ nói, “Chừng nào các ông còn hỏi để thu được, thì tốt hơn cả các ông ở lại nơi các ông đang ở. Bởi vì chính tâm trí đang hỏi cái thu lại, đang tìm cái thu lại, đó là thế giới. Các ông thậm chí đã tới đây với ta để tìm kiếm thu được gì đó.”

Nhưng nếu những người này là cái gọi là thánh nhân của bạn, họ sẽ nói, “Điều này là đúng. Cái gì có đó trong những người đàn bà trần tục ở đây? Ở đây, mọi thứ đều nhất thời. Nếu các ông muốn có đàn bà thực, họ đang ở trên trời kia - nhưng để có được họ các ông sẽ phải từ bỏ đàn bà ở đây. Thức ăn mà các ông đang tận hưởng ở đây chẳng là cái gì cả; nó chỉ là thú vui ngon miệng bình thường. Ngày mai các ông sẽ lại đói. Nếu các ông muốn tận hưởng món ngon thực, có cây kalpavrikshas, cây thoả ước, trên trời ấy; các ông có thể ngồi dưới chúng. Và sao các ông níu bám lấy của cải bình thường, chẳng là gì ngoài đống rác rưởi? Nếu các ông muốn đạt tới của cải thực, thế thì kiếm đức hạnh đi. Và sao các ông xây nhà không cần thiết ở đây thế? Đây toàn là lâu đài cát thôi. Nếu các ông muốn có nhà bê tông xi măng vĩnh cửu, chúng ở trên trời kia. Một khi một cái gì đó được xây dựng ở đó thì nó không bao giờ bị phá huỷ đi.”

Tất cả những điều mà cái gọi là các sư và thánh nhân thông thường đang nói tới đó đều không phải là ngôn ngữ của giải thoát tâm linh, nó là ngôn ngữ của tham lam. Nó là cùng ngôn ngữ của trần thế. Việc tính toán và toán học này là hoàn toàn trần tục - và đây là lí do tại sao nó hấp dẫn thế.

Nhưng khi ai đó tới Phật để hỏi điều gì đó cùng với cùng những dòng này, ông ấy sẽ hỏi - và bạn cũng sẽ nghĩ ông ấy đang hỏi điều đúng - “Nếu người ta hành thiền, kỉ luật tâm linh và tôn trọng tất cả mọi loại khổ hạnh trong cuộc sống của mình, cái gì sẽ tới từ điều đó? Người ta sẽ đạt tới cái gì với moksha, giải thoát?”

Phật sẽ nói, “Thậm chí đừng nêu ra câu hỏi về việc đạt tới cái gì trong moksha, bởi vì khoảnh khắc ông hỏi về đạt tới, ông đã trượt lùi vào tâm trí, vào tù túng của thế gian này. Khoảnh khắc ông hỏi về thu được gì đó, chính sự tập trung của ông đã đi vào thế gian rồi. Nó không còn có quan hệ nào với moksha. Tới ta để hỏi về moksha chỉ vào ngày ông sẵn sàng vứt bỏ tất cả và chẳng thu lại cái gì. Cái ngày ông sẵn sàng buông bỏ và ông không quan tâm tới việc thu lại cái gì, ông sẽ đạt tới moksha. Và đừng hỏi ta moksha sẽ giống cái gì - ông kinh nghiệm nó và tìm ra cho chính mình.”

Nhiều người lảng đi. Họ sẽ tới, nhưng thế rồi họ sẽ lại bỏ đi. Con người này dường như ở bên ngoài tất cả mọi hiểu biết. Mọi người sẽ nói, “Cũng tốt nếu không có gì hết cả, nhưng ít nhất phải có phúc lạc ở đó chứ.” Phật sẽ nói, “Ngay cả phúc lạc cũng không có ở đó. Mọi điều ta có thể nói là sẽ không có khổ.” Toàn thể ngôn ngữ của Phật là ngôn ngữ bên ngoài thế giới này. Có lẽ không người nào khác trên Trái Đất đã từng dùng ngôn ngữ phi thế gian như vậy. Đây là lí do tại sao ngay cả trong đất nước tôn giáo, vĩ đại này của chúng ta, Phật không thể bắt rễ được. Đất nước này là bao la và mang tính tôn giáo và nó đã như vậy trong hàng nghìn năm - nhưng ngôn ngữ của cái gọi là tính tôn giáo là hoàn toàn trần tục. Một người như Phật không thể bắt rễ được; ngài không thể tìm thấy mảnh đất tốt ở đây bởi vì ông ấy không thể nói ngôn ngữ của tham lam.

Phật đã có khả năng bắt rễ ở Trung Quốc và Nhật Bản không phải bởi vì người ở đó đã có khả năng hiểu được ngôn ngữ của ông ấy, mà bởi vì sau đó các đệ tử của ông ấy đã hiểu, qua kinh nghiệm, không dùng ngôn ngữ của Phật chút nào. Họ bắt đầu nói cùng ngôn ngữ của tham.

Phật đã giành được mảnh đất ở Trung Quốc và ở Nhật Bản bởi vì các đệ tử đó đã thôi nói ngôn ngữ của Phật. Họ lại bắt đầu nói ngôn ngữ của thế gian. Họ sẽ nói, “Các ông sẽ biết hạnh phúc, phúc lạc, hạnh phúc lớn lao” - và các ông sẽ đạt tới cái này và các ông sẽ đạt tới cái nọ. Họ dùng ngôn ngữ của thành đạt, và chỉ thế thì giáo huấn của Phật mới có được chỗ đứng chân ở Trung Quốc, Nhật Bản, Miến điện và Sri Lanka; thực tế, trong toàn thể châu Á bên ngoài Ấn Độ. Nhưng đấy không phải là chân của Phật - cái thu được chỗ đứng chân không phải là chân của phật.

Phật thường nói, “Phúc lạc sao? Không, không phúc lạc đâu, nhưng mà hết khổ thì có đấy.” Mọi người sẽ hỏi ông ấy, “Gạt phúc lạc sang bên, nhưng ít nhất linh hồn sẽ có đó chứ? Sự tồn tại của tôi ít nhất cũng có đó chứ? Ít nhất đảm bảo cho chúng tôi về điều đó.” Phật sẽ nói, “Các ông bệnh rồi - làm sao các ông có thể sống sót ở đó được? Các ông sẽ biến mất, các ông sẽ thôi hiện hữu. Và cái sẽ còn lại không phải là các ông.” Điều này ở bên ngoài hiểu biết của mọi người.

Nhưng Phật đang nói chân lí đấy. Ông ấy đang nói rằng tham của con người là khổng lồ tới mức con người thậm chí đồng ý và nói, “Được rồi, chẳng cái gì sẽ được đạt tới, chẳng sao cả - nhưng ít nhất tôi phải vẫn còn chứ. Nếu tôi có đó, cái gì đó này khác có thể được xoay xở. Nhưng nếu bản thân tôi không thể có đó... thế thì toàn thể cuộc truy tìm tâm linh này chỉ là việc phí thời gian.”

Cuộc truy tìm tâm linh có vẻ có nghĩa với bạn chỉ nếu nó phục vụ cho mục đích nào đó, nếu nó đem lại cái gì đó trong tay bạn, kết quả nào đó, cái thu được nào đó. Ngôn ngữ của thu được là ngôn ngữ của tham. Khi ngôn ngữ của thu được còn ngự trị, tham cũng ngự trị. Và chừng nào tham còn là động cơ của bạn, khổ của bạn sẽ còn tiếp tục. Tại sao? - bởi vì bạn đã đi theo hướng tuyệt đối sai, nơi không có cội nguồn của cuộc sống thực. Cội nguồn của cuộc sống thực không ở đâu đó khác mà bạn phải nắm giữ nó và chộp bắt nó; nó đã ở bên trong bạn rồi, ở đây và bây giờ.

Nếu bạn có thể không bận bịu, nếu bạn có thể buông bỏ mọi thứ, thả ra mọi nắm giữ của bạn, cánh cửa sẽ mở ra ngay bây giờ. Điều bạn liên tục bỏ lỡ qua tất cả mọi cố gắng của bạn sẽ được biết tới ngay bây giờ. Nó đã ở đó rồi, hiện diện bên trong bạn, ở đây và bây giờ - nhưng bạn bận rộn thế để cố tìm ra nó ở bên ngoài.

Tôi đã nghe nói rằng vào một đêm tối trời, một người bị ngã khỏi mỏm đá. Lúc đó trời tối như mực và có vực thẳm hun hút phía dưới. Anh ta tóm được một chiếc rễ cây và treo lơ lửng theo nó. Anh ta gào lên, anh ta khóc lóc, anh ta kêu la xin giúp đỡ, nhưng đó là mảnh đất hoang vắng không người. Lúc đó là đêm rất lạnh lẽo và người này không thể nào hình dung được rằng mình có thể sống sót. Anh ta cảm thấy dường như anh ta đang mất dần sức bám vào chiếc rễ, nó đang tuột ra khỏi tay anh ta bởi vì chúng đang bị lạnh đóng băng lại. Người này liên tục kêu gào và la hét xin giúp đỡ bằng tất cả sức mạnh của mình. Anh ta ở đích xác trong cùng tình huống như tất cả chúng ta đang ở - cố nắm giữ trong khi mọi thứ đang tuột khỏi tay chúng ta. Nhưng với anh ta nguy hiểm chắc chắn là sắp chết đến nơi, định mệnh đã điểm. Chúng ta có thể không nghĩ tới cái chết của riêng mình, nhưng với anh ta cái chết của anh ta ở ngay đó rồi, phía dưới anh ta. Khoảnh khắc cái rễ bị tuột khỏi việc nắm giữ của anh ta thì anh ta sẽ được kết thúc.

Nhưng anh ta có thể xoay xở nắm giữ được bao lâu nữa? Sau rốt, ngay cả việc nắm giữ của anh ta rồi cũng sẽ bị mệt mỏi. Và điều đáng quan tâm là ở chỗ bạn càng nắm giữ mạnh bao nhiêu, bạn sẽ càng mệt sớm hơn bấy nhiêu. Bởi vì anh ta đang nắm giữ chặt thế, ngón tay anh ta bắt đầu bị lỏng ra mặc cho tất cả mọi mong ước của anh ta là ngược lại. Chung cuộc, chiếc rễ tuột khỏi tay anh ta.

Nhưng thế rồi một tiếng cười ầm vang vọng tới trong thung lũng... không có vực thẳm dưới người đó, anh ta ngã trên đất bằng. Bởi vì bóng tối nên anh ta không thể thấy được gì, anh ta đang trong kinh hãi. Nhưng đất ở ngay dưới anh ta, nó không phải là vực thẳm. Và đau khổ mà anh đã trải qua toàn thể thời gian chỉ bởi vì việc nắm giữ của anh ta. Chẳng có vực thẳm nào cả. Thung lũng đã tràn đầy tiếng gào thét và la hét do kinh hãi bây giờ vọng lại bằng tiếng cười.

Người đó cười chính mình.

Bất kì ai đã cố vứt bỏ điên khùng của việc nắm giữ đều cười, bởi vì họ thấy rằng cái họ kinh sợ nhiều thế đơn giản không tồn tại. Cái chết mà bạn kinh sợ thế chỉ dường như có đó thôi bởi vì việc nắm giữ riêng của bạn. Khoảnh khắc bạn buông bỏ, cái chết không tồn tại thêm nữa. Đau khổ bạn đang trải nghiệm tồn tại chỉ trong việc nắm giữ của bạn, và nó được sinh ra từ việc nắm giữ của bạn. Nó biến mất vào cùng khoảnh khắc mà việc nắm giữ biến mất. Và bạn sợ bởi vì những suy đoán lung tung của bạn về nơi bạn sẽ chất dứt trong bóng tối, nhưng đó đích xác là nơi bản thể bên trong của bạn hiện hữu. Mọi nắm giữ đều qua đi, bạn rơi vào trong bản thân bạn.

Upanishad này nói:

Bên ngoài cõi trời sáng lên thực tại tối thượng, cái ở sâu bên trong hang của tâm. Điều này có thể được kinh nghiệm chỉ bởi người tìm kiếm trung thực.

Bên ngoài cõi trời sao? Điều đó có vẻ kì lạ... “bên ngoài cõi trời, sâu bên trong hang của tâm.” Mối nối giữa trời và tâm là gì? Trời ở đâu đó, tâm bên trong nhất ở đâu đó khác. Nhưng điều đó được nói đúng, bởi vì bên ngoài cõi trời nghĩa là bên ngoài tham. Ở đây, trời nghĩa là tham. Trời là biểu tượng sâu sắc nhất cho tham, trời là hiện thân của tham. Trời là ham muốn tối thượng của người tham. Người đã nói về trời không phải là người tôn giáo. Người tôn giáo thực chỉ nói về tự do tối thượng, niết bàn, moksha. Nói về trời chẳng là gì ngoài việc mở rộng của bản thân tâm trí trần tục này: bạn bận rộn cố đem tham của bạn thậm chí ra ngoài cái chết. Nếu thân thể chết, liên tục để nó chết, nhưng ít nhất tham nên sống còn, ít nhất ham muốn của bạn nên sống còn, không gian nào đó cho sự hoàn thành ham muốn của bạn nên sống còn. Trời là ham muốn được tích luỹ của bạn, tổng của những ao ước của bạn.

Cho nên hiền nhân này là đúng khi ông ấy nói “bên ngoài cõi trời.” Người mà chưa vươn lên trên và ra ngoài mạng lưới của tham, của ham muốn và đam mê, sẽ không có khả năng đi vào hang của tâm. Thực tế, trời và địa ngục chỉ là những chướng ngại cho việc đi vào tâm.

Có một người đàn bà Sufi, nhà huyền môn có tên Rabiya. Một hôm Rabiya chạy qua một làng vừa xách bình nước trong tay này và cầm bó đuốc đang cháy ở tay kia. Mọi người nghĩ, “Chắc Rabiya phát điên mất?”

Họ bao giờ cũng nghi ngờ về bà ấy bởi vì bất kì ai đang trong yêu với điều thiêng liêng, bao giờ cũng bị người khác coi là điên. Đây là việc tự bảo vệ của họ, bởi vì nếu Rabiya không điên thế thì họ sẽ phải hoài nghi về sự lành mạnh riêng của họ. Cho nên đám đông tự bảo vệ họ bằng cách nói rằng Rabiya bị điên: “Điều thiêng liêng này là cái gì mà bà ấy đang nói tới vậy?” Vâng, điều thiêng liêng là ở trong đền thờ, cho nên mỗi tuần một lần người ta phải đi tới và cầu nguyện trong đó. Vâng, điều thiêng liêng là ở trong đền thờ, và có thủ tục chính thức mà người ta phải hoàn thành. Vâng, nó là ở trong nhà thờ, nhưng nó là Thượng đế - Chủ nhật thôi. Vào ngày đó bạn tới nhà thờ cũng như bạn làm nhiều điều khác đã phải đợi cho tới ngày bạn nghỉ. Nhưng người nói về Thượng đế trong phần còn lại của tuần thì là điên. “Bà Rabiya này lảm nhảm về Thượng đế suốt cả ngày - bà ấy phải điên rồi!”

Nhưng vào ngày đó mọi người đã trở nên bị thuyết phục rằng bà ấy đã điên. Bãi chợ đầy người, và Rabiya này liên tục chạy quanh cầm bình nước một tay và bó đuốc cháy ở tay kia. Mọi người nói với bà ấy, “Bà Rabiya ơi, mãi cho tới giờ chúng tôi chỉ nghi ngờ rằng bà điên, nhưng bây giờ chúng tôi phải nói điều đó một cách công khai - bà đã điên mất rồi! Bà đang làm gì thế?”

Rabiya nói, “Tôi đang mang nước này để cho tôi có thể làm chìm ngập địa ngục của các ông bà. Và tôi mang bó đuốc cháy này để cho tôi có thể đưa lửa vào thiên đường của các ông bà. Chính bởi vì thiên đường của các ông bà mà các ông bà đã bỏ lỡ bản thân mình.”

Ắt hẳn chẳng có ai ở đám đông bãi chợ đó hiểu được ý nghĩa của Rabiya.

Có một sự vụ tương tự trong cuộc đời của Jesus. Ông ấy đi qua một làng và thấy vài sư đang ngồi quanh. Họ tất cả đều xanh xao và run rẩy với sợ hãi. Jesus hỏi họ, “Chuyện gì đã xảy ra cho các ông vậy? Thảm hoạ nào đã rơi lên đầu các ông thế? Cái gì sai, cái gì ác đã xuất hiện mà các ông đã thành tái xanh và run rẩy như chiếc lá khô vậy? Chuyện gì xảy ra nào?”

Họ trả lời, “Chúng tôi sợ địa ngục. Chúng tôi là tội nhân, chúng tôi đã phạm phải nhiều tội lỗi và bây giờ chúng tôi sẽ phải xuống địa ngục.” Người trong làng nói, “Đây là những người rất tôn giáo.”

Những người đã tái nhợt này, những người đã run rẩy trong sợ hãi, đây là những người rất tôn giáo đấy...

Khi Jesus đi thêm qua làng tới cuối làng, ông ấy bắt gặp một số người nữa đang ngồi đó. Họ cũng khô héo, gần như tro tàn bởi vì sự từ bỏ của họ và đủ mọi loại khổ hạnh. Họ đã trở thành những bộ xương khô, bộ xương trần trụi. Jesus cũng hỏi họ, “Thảm hoạ nào đã rơi xuống các ông thế? Cái gì đã đi sai với các ông?”

Họ trả lời, “Chúng tôi khao khát thiên đường. Chúng tôi chịu khổ bởi vì chúng tôi muốn có thiên đường. Chúng tôi sẵn sàng làm bất kì cái gì để đi lên thiên đường.”

Jesus phân vân dữ lắm. Ông ấy nói với các đệ tử của mình, “Điều đó thực là kì quá! Dường như có mối quan hệ nào đó giữa thiên đường và địa ngục. Người tham thiên đường đã thành khô héo và xanh xao và đang run rẩy, còn người sợ địa ngục cũng thành xanh xao và run lẩy bẩy. Trên bề mặt họ trông như nhau, chừng nào họ còn chưa để lộ các lí do của mình. Nhưng dường như có mối quan hệ nào đó giữa hai loại người này.”

Có mối quan hệ đấy: thiên đường và địa ngục là hai mặt của cùng một đồng tiền. Tham và sợ là hai mặt của cùng một đồng tiền. Người tham không bao giờ có thể bạo dạn được, người sợ không bao giờ có thể vô ham muốn được. Sợ chính là dạng tiêu cực của tham và tham là dạng tích cực của sợ. Sợ và tham là hai đầu của cùng một hiện tượng.

Hiền nhân này nói đúng “bên ngoài cõi trời.” Ông ấy không nhắc tới địa ngục. Cái mà ở bên ngoài cõi trời nhất định cũng ở bên ngoài địa ngục, cho nên ông ấy cố ý không nhắc tới nó. Người ta sẽ không bị bận tâm nếu người ta được bảo cho là ở bên ngoài địa ngục, nhưng nếu người ta được bảo cho là ở bên ngoài thiên đường người đó sẽ rất lo lắng. Khi có liên quan tới địa ngục, mọi người đều muốn đi ra ngoài nó, không có rắc rối gì về điều đó cả.

Tất cả các bạn đều muốn thực tại tối thượng là ở bên ngoài đau đớn và khổ sở, nhưng bạn không muốn nó ở bên ngoài vui thú và hạnh phúc. Bạn sẽ sẵn sàng đồng ý vứt bỏ mọi đau khổ của mình nếu ai đó đảm bảo rằng bạn sẽ đạt tới điều thiêng liêng bằng việc vứt bỏ đó. Bạn sẽ nói rằng bạn bao giờ cũng muốn làm điều đó: “Chính là đau khổ không muốn rời bỏ tôi!” Nhưng nếu ai đó yêu cầu bạn vứt bỏ tất cả mọi vui thú, bạn sẽ nói, “Điều đó hơi khó. Làm sao có thể vứt bỏ chúng ngay chỗ đầu tiên? Vui thú lẩn tránh tôi đấy chứ! Tôi cố bắt lấy chúng còn chúng liên tục trượt đi. Không, tôi không thể nào vứt bỏ vui thú được, nhưng khổ sở và đau đớn tôi sẵn sàng vứt bỏ.”

Nhưng hiền nhân này nói “bên ngoài cõi trời” - bên ngoài ham muốn về vui thú. Người đã không vứt bỏ ham muốn vui thú sẽ liên tục rơi vào đau khổ. Đau khổ là kết quả của ham muốn vui thú. Người đã không vứt bỏ ham muốn vui thú sẽ không có khả năng vứt bỏ đau khổ. Nhưng tất cả các bạn đều muốn vứt bỏ đau khổ - mặc dầu nó chẳng bao giờ được vứt bỏ cả bởi vì bạn không muốn buông bỏ vui thú. Và nếu bạn không sẵn sàng vứt bỏ vui thú, đau khổ của bạn sẽ tiếp tục. Lí do là ở chỗ bạn đang ôm giữ vui thú, cho nên cùng với vui thú cái bóng của đau khổ sẽ tiếp tục theo bạn. Chỉ người có khả năng buông bỏ vui thú mới có thể buông bỏ đau khổ được, bởi vì thế thì cơ sở cho đau khổ sẽ không còn, không có mảnh đất cho khổ. Khi vui thú bị vứt bỏ, đau khổ cũng bị vứt bỏ.

Đây là lí do tại sao hiền nhân này nói, “Bên ngoài cõi trời, sâu bên trong hang của tâm, chói sáng lên thực tại tối thượng.” Ông ấy gọi tâm là “cõi của thực tại tối thượng.”

... cái ở sâu bên trong hang của tâm. Điều này có thể được kinh nghiệm chỉ bởi người tìm kiếm trung thực.

Cố hiểu điều được ngụ ý bởi “hang của tâm.” Nói chung, bạn không nhận biết về tâm. Đó là lí do tại sao nó lại được gọi là hang - bởi vì nó bị giấu kín. Bạn không biết tâm bạn. Vâng, bạn biết rằng tâm là nơi có nhịp đập, nơi có hệ thống tim mạch của bạn, nhưng đó là trái tim vật lí, không phải là hang của tâm đâu. Nếu bạn hỏi nhà khoa học ông ấy có thể mổ lồng ngực bạn ra và chỉ cho bạn rằng nó là hệ thống bơm, cách bố trí để giữ cho máu bạn chảy. Nhà khoa học sẽ nói, “Chẳng có gì giống như hang của tâm trong thân thể bạn, đó tất cả đều là tưởng tượng của nhà thơ. Làm gì có nó đâu.” Như bạn bây giờ, nếu bạn chỉ ra trái tim mình ở đâu, nó chẳng là gì ngoài hệ thống tim mạch. Tâm bị giấu kín rất nhiều đằng sau điều này, trong chiều sâu của bạn.

Tâm là cái hang: bởi cái hang được ngụ ý rằng nó là bí mật, nó bị giấu kín. Chính nghĩa của từ hang là ở chỗ bạn chỉ trở nên quen thuộc với cái bên ngoài, phần bên ngoài; bạn không đi tới biết về cái bên trong. Bạn tới thăm cái bên ngoài, bạn đi tới biết về những bức tường bên ngoài của nó, nhưng phần bên trong, tâm, vẫn còn không được biết tới. Hệ thống tim mạch là bức tường bên ngoài mà nhà khoa học có thể mở ra và phân tích.

Nhưng cố hiểu nó theo cách này: nếu bạn giật đổ mọi bức tường của ngôi nhà, liệu bạn sẽ có khả năng tìm thấy ngôi nhà không? Nếu các bức tường bị sụp đổ, ngôi nhà sẽ biến mất dưới bầu trời xanh. Nếu bạn thực sự muốn tìm kiếm ngôi nhà bạn sẽ phải làm điều đó với các bức tường nguyên si. Đây là chỗ nhà khoa học đi sai. Ông ấy nói, “Đem nó lại tôi và tôi sẽ mổ xẻ, thực hiện giải phẫu, rồi nói cho anh rằng không có hang động tâm nào ở đó cả.” Ông ấy nói, “Tôi sẽ mổ tâm ra và chỉ cho anh rằng không có tâm trí trong nó. Có não, nhưng không có tâm trí.” Tâm trí cũng bị giấu kín trong hang bên trong: não là bức tường còn tâm trí là không gian bên trong.

Hệ tim mạch, với cái bơm của nó và mọi thứ, cũng là bức tường bên ngoài, và tâm là không gian bên trong. Bằng việc mổ xẻ, người ta chỉ tìm thấy những bức tường. Không gian bên trong, cái trống rỗng bên trong, biến mất vào trong cái trống rỗng bao la. Nếu bạn đi vào đó bên ngoài vật lí, bạn sẽ tìm thấy tâm. Do đó nhà khoa học không bao giờ có thể tìm thấy tâm, chỉ thiền nhân mới có thể làm được điều đó. Thiền nhân không mổ xẻ tâm, thiền nhân đi vào trong nó mà không mổ xẻ nó. Ông ấy không giật đổ các bức tường, ông ấy cho phép các bức tường có đó và đi vào không gian trống rỗng mà những bức tường đó chứa đựng.

Có những con đường đi vào trong không gian trống rỗng đó. Có lẽ dùng từ con đường là không hay, bởi vì điều đó sẽ cho cảm giác rằng cũng có cửa ra vào. Nhưng nếu có cửa ra vào, thế thì nó không còn là hang nữa, chỗ được giấu kín. Nhưng có những kênh đi vào mà không cần tới cửa. Chẳng hạn, để tia X đi vào thân thể bạn chẳng cần cửa gì cả. Nó đi vào thân thể bạn mà không tạo ra lỗ hổng nào, không tạo ra cánh cửa nào trên bạn. Khi mà tia X còn chưa được phát hiện ra, chúng ta chẳng thể nào đồng ý được rằng cái gì đó có thể đi vào thân thể mà không tạo ra lỗ hổng trong nó. Con dao có thể đi vào chúng ta, nhưng thế thì nó sẽ cắt ra một lỗ. Bây giờ chúng ta biết rằng tia X có thể đi vào thân thể mà không cắt ra lỗ hổng. Không cần tạo lỗ hổng nào cả, bạn thậm chí không cảm thấy nó khi tia X đi vào thân thể bạn. Chỉ khi chúng ta thấy tấm phim chúng ta mới đi tới biết rằng tia này đã đi vào. Nó tạo ra tấm ảnh của phần bên trong và bạn chẳng cảm thấy gì hết cả. Nếu ai đó hỏi bạn về nó bạn sẽ nói rằng bạn chẳng cảm thấy gì cả.

Tia X là thứ rất vật chất. Thiền là tên cho tia sáng có thể đi vào bản thể bạn mà không gây tác động vật lí ở đâu cả - không cần phải phá cửa mở ra, không cần phá khoá, không cần chìa khoá. Những bức tường của trái tim vật lí thậm chí chẳng bao giờ để ý tới khi tia sáng của thiền đã đi vào nó.

Thiền là tên cho tia sáng đi vào cái hang bên trong. Cái hang bên trong này cũng được gọi là brahmalok, cõi của thực tại tối thượng, bởi vì việc đi vào cái hang bên trong này, điều bạn chạm trán ở đó, kinh nghiệm mà bạn gặp gỡ ở đó, là cùng kinh nghiệm được giấu kín trong tâm của tâm của toàn thể sự tồn tại. Dường như là cái được giấu kín bên trong tâm tí hon của một cá nhân là một với cái được giấu kín bên trong tâm của sự tồn tại bao la này. Cái được giấu kín bên trong từng bộ não cũng chính là cái được giấu kín bên trong bộ não vũ trụ bao la.

Con người giống như nguyên tử nhỏ, tí hon, bản sao sống của cái mênh mông bao la này. Đây là lí do tại sao lời kinh này lại gọi nó là cả hai “hang của tâm” và “cõi của thực tại tối thượng.” Ở mức độ nguyên tử chúng ta sẽ đi tới biết nó bên trong bản thân mình, và theo nghĩa vũ trụ chúng ta cũng kinh nghiệm nó trong vũ trụ. Đi vào trong tâm riêng của người ta là bước đầu tiên đi tới việc đi vào tâm của cái toàn thể.

Điều đó gần giống như là khi bạn dạy đứa trẻ tập bơi ở chỗ nước nông của dòng sông nơi không sợ chết đuối. Nếu nó định học bơi ngang qua sông, chúng ta dạy nó trước hết bơi ở chỗ nước nông. Nói cách khác, chúng ta dạy nó bơi ở chỗ không có nhu cầu bơi, bởi vì nếu như có nhu cầu bơi thế thì sẽ có nguy cơ. Cho nên chúng ta dạy việc bơi ở chỗ mà việc bơi là không cần thiết, ở chỗ nước nông. Một khi nó đã học bơi rồi thế thì nó có thể bơi ở chỗ nước sâu bất kì, bởi vì việc bơi không có quan hệ gì tới độ sâu. Nó là nghệ thuật: một khi bạn đã học rồi, bạn có thể bơi được ở bất kì chỗ nào. Một khi bạn đã học bơi rồi, thế thì chẳng thành vấn đề liệu bạn bơi trong dòng sông hay con lạch hay ở đâu đó khác - bạn có thể bơi

bất kì đâu. Thế thì chiều sâu không phải là vấn đề, rằng “tôi có thể bơi chỉ ở chỗ nước sâu hàng trăm mét và không bơi được ở chỗ nước sâu hàng nghìn mét.” Chiều sâu không phải là chướng ngại.

Bơi là nghệ thuật. Thiền nữa cũng là nghệ thuật. Với cái hang này của tâm, nó cũng giống như học bơi gần bờ sông vậy. Sau đó sẽ không khó khăn gì để bơi trong đại dương của cái toàn thể. Tâm là bờ tí hon của cái toàn thể; nó là bãi cát nơi việc bơi có thể được học mà không có nguy hiểm gì. Một khi người ta đã biết tới nó, thế thì điều đó cũng giống như việc bơi: một khi ai đó đã học cách bơi người đó sẽ không bao giờ quên việc đó. Bạn đã bao giờ gặp người nào quên cách bơi chưa? Những điều khác có thể bị quên, nhưng không ai có thể quên được cách bơi. Bây giờ điều này rất thú vị. Mọi sự có khác biệt không khi có liên quan tới kí ức về cách bơi? Khi mọi thứ khác đã bị quên đi rồi, mọi thứ khác mà bạn đã được dạy ở độ năm tuổi có thể đã mất khỏi kí ức của bạn, nhưng kí ức về việc bơi vẫn còn lại. Cho dù ai đó đã không bơi trong ba mươi năm qua, người đó có thể thậm chí đã không ở gần nước - nhưng nếu bạn ném người đó vào nước người đó sẽ bắt đầu bơi. Và không phải là vào khoảnh khắc đó người đó sẽ phải nhớ tới cách bơi đâu, không - người đó sẽ đơn giản bắt đầu bơi.

Điều gì đang xảy ra ở đây? Nếu việc bơi mà cũng là vấn đề của kí ức như tất cả các kí ức khác, thì nó cũng phải phai mờ đi chứ. Khi tất cả các điều khác đã phai mờ đi khỏi kí ức nếu chúng không được dùng tới, việc bơi cũng phải phai mờ đi chứ - nhưng kí ức về việc bơi không biến mất. Nó ngụ ý một điều duy nhất: rằng việc bơi thực tế không phải là điều được học. Bất kì cái gì được học cũng đều sẽ bị quên đi, có thể bị quên đi. Nhưng điều này sẽ có vẻ có chút ít kì lạ bởi vì, sau rốt, chúng ta quả có học bơi. Có lẽ bạn có thể hiểu điều đó theo cách này: khi chúng ta học bơi, có thể chúng ta không thực học bơi đâu, điều chúng ta học là lòng dũng cảm để bơi thôi.

Khi bạn ném một người vào nước trong ngay chính lần đầu tiên, người đó sẽ vung tay chân loạn xạ xung quanh một cách ngẫu nhiên chút ít, nhưng điều ngẫu nhiên đó là vì sợ bơi. Sau vài chuyển động ngẫu nhiên người đó sẽ nhận ra rằng mình không chìm và rằng chẳng có lí do gì để sợ cả. Sợ của người đó sẽ biến mất và người đó sẽ bắt đầu dùng tay và chân mình theo cách có phối hợp hơn, và đây là việc bơi. Dường như là người đó đã biết cách bơi, nhưng chỉ bởi vì sợ chìm mà người đó không thể thấy thoải mái về nó. Dường như người đó đã biết cách bơi và điều đó chỉ cần được đưa vào thực hành. Cho nên có lẽ chúng ta không học bơi, chúng ta chỉ nhớ lại nó.

Tôi đang nói với bạn về điều này như một ví dụ bởi vì đích xác cùng điều đó xảy ra với thiền. Nó đích xác là cùng một điều như điều xảy ra trong hang của tâm. Một khi bạn nắm được mẹo về thiền, không có cách nào quên được nó. Nếu bạn đã biết cho dù chỉ một tia sáng của thiền, cho dù một thoáng nhìn nhỏ bé thôi, bạn sẽ không bao giờ có thể quên được nó, không có cách nào cả. Bạn sẽ không còn là cùng con người mà bạn đã là vậy trước khi kinh nghiệm thiền. Kinh nghiệm này bây giờ sẽ trở thành chính bản thể bạn. Và điều này nữa cũng là vậy bởi vì có lẽ thiền giống như việc nhớ lại hơn là học.

mức độ sâu sắc nào đó, có lẽ chúng ta đã biết thiền rồi. Chỉ cần chút ít thực hành để cho điều chúng ta đã biết có thể trở thành được biết theo cách có ý thức. Điều đã bị giấu kín ở đó, có lẽ với chút ít việc gạt bụi đi là làm lộ nó ra, trở thành mới.

Có lẽ nó cũng giống như gương đã đọng bụi: chỉ chùi nó đi thôi và gương sẽ bắt đầu phản xạ. Khi gương bị phủ đầy bụi, thế nữa nó cũng vẫn là gương - bụi không phá huỷ được gương - nhưng bởi vì bụi mà sự phản chiếu cho người không thể thấy được trong gương. Khi bụi bị gạt bỏ đi, mặc dầu gương vẫn là gương trước đây cũng như nó là sau đó, bây giờ có thể thấy được sự phản chiếu trong nó.

Thiền cũng là quá trình qua đó chúng ta loại bỏ đi bụi bặm đã đọng lại bên trong và gương trở nên trong sạch... và việc bơi được hiển lộ ra. Một khi nó được hiển lộ ra rồi, nó trở nên trong trẻo; nghệ thuật này đã được thu lại, được học lại. Thế thì người ta có thể đi vào ngay cả đại dương vĩ đại nhất. Một khi chúng ta đã phục hồi gương, chúng ta có thể thấy trong nó không chỉ sự phản chiếu riêng của mình, mà còn cả sự phản chiếu của cái toàn thể. Do đó hiền nhân này cũng có thể gọi nó là brahmalok, cõi của thực tại tối thượng. Và ông ấy nói rằng thực tại tối thượng này chói sáng bên trong hang của tâm. Dường như là ngọn đèn cháy sáng ở đó, dường như là hang bị đóng kín khắp xung quanh: bên ngoài nó có bóng tối khắp xung quanh và chúng ta đang sống trong bóng tối đó, nhưng bên trong hang ngọn đèn đang cháy sáng. Nếu chúng ta đi vào bên trong hang chúng ta sẽ ngạc nhiên rằng ngọn đèn này bao giờ cũng cháy sáng ở đó; ngọn lửa này, ánh sáng này, chưa bao giờ bị tắt.

Chính bởi vì ánh sáng này đang cháy trong hang bên trong mà những người Zoroastrians đã chọn giữ ngọn lửa thường xuyên cháy trong đền của họ như biểu tượng. Họ đã quên mất tại sao họ đốt lửa suốt cả ngày. Điều ngọn lửa đó không được tắt và phải được giữ cho cháy suốt mọi thời đại chỉ là biểu tượng thôi. Zarathustra đã kinh nghiệm ánh sáng cháy trong hang bên trong đó. Ông ấy đã thấy rằng trong cái hang bên trong, ánh sáng tồn tại - không có dầu, không có nhiên liệu nào; ánh sáng vĩnh hằng, không bao giờ tắt. Nó là bản tính cố hữu của cuộc sống, nó là bản thân cuộc sống. Các tín đồ của Zarathustra đã đặt lửa vào trong đền thờ như biểu tượng về điều Zarathustra đã kinh nghiệm. Hành động đặt ánh sáng vào đó là hay, mang tính biểu tượng. Nó là cách diễn đạt nghệ thuật.

Nhưng tất cả những kinh nghiệm của bạn về chân lí đều bị thất lạc trong chủ nghĩa tượng trưng. Bây giờ họ liên tục giữ ngọn lửa cháy, chiếc đèn thắp sáng, và đền thờ của họ đã trở thành agiyari, lò sưởi lửa. Họ nói, “Giữ cho ngọn lửa cháy cả ngày, đảm bảo nó không bị tắt.” Họ rất cố gắng để làm mọi điều này, nhưng ngọn lửa bên trong mà ngọn lửa này chỉ là lời nhắc nhở thì đã hoàn toàn bị quên lãng rồi. Ngọn lửa đền thờ của họ cần được nhóm lên, cần được đốt lên, và ngọn lửa cần việc nhóm lên thì không phải là ngọn lửa vĩnh hằng. Ngọn lửa của họ cần được chăm sóc suốt cả ngày, và cái mà cần được chăm sóc thì không phải là ngọn lửa của cuộc sống.

Có ngọn lửa, ngọn lửa bên trong, liên tục cháy mãi không cần nỗ lực nào, không cần nhiên liệu nào, không cần dầu nào, không cần chất liệu nào; cháy sáng vĩnh viễn. Nó là ngọn lửa mà lời kinh này nói tới khi nó nói rằng thực tại tối thượng sáng lên từ bên trong và rằng người tìm kiếm trung kiên sẽ tìm thấy nó.

Bây giờ là đúng lúc để hiểu đôi điều về người tìm kiếm trung kiên. Nghĩa của 'người tìm kiếm trung kiên là gì”? Đâu là khác biệt giữa tin cậy và trung kiên? Vào buổi sáng chúng ta đã nói về tin cậy, và trung kiên là điều thứ hai, một điều rất khác lạ. Chúng ta thường dùng từ tin cậy và trung kiên theo cùng một nghĩa. Nhưng nghĩa của trung kiên là ở chỗ việc tìm kiếm tâm linh là việc gay go gian khó, nó sẽ không được hoàn thành trong một ngày đâu. Nhiều, nhiều thất bại là không tránh khỏi theo việc tìm kiếm này.

Nhiều lần bạn sẽ phải kinh nghiệm thất bại, nhiều lần bạn sẽ phải rời ra, nhiều lần bạn sẽ cảm thấy rằng chẳng cái gì xảy ra hay thay đổi: “Để tôi dừng lại thôi, để tôi vứt bỏ toàn thể cái điều vô nghĩa này.” Cho nên ý nghĩa của trung kiên là để giữ cho nỗ lực của bạn tiếp diễn khi đối diện với mọi thất bại. Không lơ là một li trong nỗ lực của bạn khi đối diện với mọi thất bại là điều được ngụ ý bởi trung kiên.

Khi bạn thành công, thế thì không có nhu cầu quyết tâm nào, trung kiên nào; bản thân thành công sẽ giữ cho bạn đi tiếp. Khi một người thành công trong bất kì lĩnh vực nào, chẳng cần gì tới trung kiên từ người đó bởi vì bản thân thành công thúc đẩy người đó và làm cho người đó lấy bước tiếp. Nhưng khi có thất bại, chân sẽ không chuyển động, thất bại trở thành nặng nề. Người ta cảm thấy dường như đá bị buộc vào chân và người ta từ chối đi thêm nữa. Trong tình huống như vậy chỉ quyết tâm và trung kiên mới làm cho chân bạn vẫn giữ chuyển động. Ý nghĩa của trung kiên là ở chỗ bạn không chấp nhận sai lầm là sai lầm, thất bại là thất bại; bạn liên tục bước tới. Dù bao nhiêu thất bại có tới cũng chẳng thành vấn đề, bạn không chấp nhận chúng là thất bại.

Tôi đã nghe nói rằng Thomas Edison đã làm một thực nghiệm trong phòng thí nghiệm của mình và ông ấy có một thanh niên làm trợ lí cho dự án này. Anh thanh niên rất thận trọng, rất hợp lí - một thiên tài khoa học. Họ tiến hành thực nghiệm này, họ làm việc mọi ngày, họ làm việc vì nó tới mười tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, và ban đêm ông già Edison và anh thanh niên đó sẽ về nhà, không thành công. Điều này kéo dài liên tục trong ba tháng, mọi ngày. Sau ba tháng anh thanh niên bỏ cuộc. Anh ta đã từng muốn bỏ cuộc trong nhiều ngày, nhưng bởi vì ngọn lửa của trung kiên bùng cháy trong đôi mắt của ông già Edison, nên anh ta không dám nói gì.

Mọi sáng Edison đều tới sớm, như đứa trẻ, gần như chạy tới phòng thí nghiệm. Anh thanh niên này tới với quyết định, “Hôm nay mình sẽ nói, ‘Bây giờ cháu xin lỗi bác, việc này ngoài tầm của cháu. Nhiệm vụ này sẽ chẳng bao giờ được hoàn thành cả. Dường như là chúng ta đã chọn cái gì đó sai toàn bộ, thực nghiệm này chẳng bao giờ đi tới thành công đâu. Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu thất bại rồi, biết bao nhiêu lần. Chúng ta đã thử nhiều hướng khác nhau và chẳng cái gì tới từ nó cả. Vậy mà bác liên tục tiếp tục như người điên! Ta vứt nó đi! Ta làm cái gì đó khác mà thành công có thể tới được trên đường.” Nhưng thấy ngọn lửa trong mắt của Edison, anh ta mất hết can đảm để nói điều gì. Anh ta cảm thấy, “Ông già này sao trẻ thế, mà mình, một thanh niên, lại nói như ông già. Không hợp.’”

Nhưng ba tháng là thời gian đủ rồi. Họ đã không ngủ trong đêm mà cũng chẳng nghỉ ban ngày. Thực nghiệm này không đi tới kết luận thành công nào và Edison cũng không bỏ nó. Mọi ngày họ đều thất bại và ngày tiếp họ sẽ bắt đầu lại bằng cách tiếp cận mới.

Sau ba tháng giữ cho mắt nhìn xuống và không nhìn vào mắt của Edison, anh thanh niên nói, “Cháu xin lỗi...”

Edison đáp, “Nhìn ta đây!”

Anh thanh niên nói, “Dạ không ạ, bởi vì nhìn thẳng vào mắt bác liên tục giữ cháu trong đống lộn xộn này. Không thể thêm được nữa! Hôm nay cháu sẽ không nhìn vào mắt bác đâu. Thực nghiệm này sẽ không thành công đâu.”

Edison nói, “Cháu có điên hay cái gì đó không? Bây giờ, khi chúng ta đang đi tới gần thành công thế?” Người này nói, “Gần thành công sao?! Chúng ta thậm chí không gần nó bằng ngày đầu tiên khi chúng ta bắt đầu. Trong ba tháng chúng ta đã thám hiểm tất cả các con đường. Từ mọi phía, và mọi thứ đều đã thất bại.”

Edison nói, “Dường như cháu không biết toán học của nó rồi. Chúng ta đã thử biết bao nhiêu cách thức và chúng ta đã không thành công - điều đó nghĩa là gì? Nó nghĩa là số những con đường tắc bây giờ ít hơn. Nếu chúng ta đã thử hai trăm con đường và có tất cả ba trăm con đường, thế thì chỉ còn lại một trăm con đường thôi. Chúng ta đang tới gần thành công đấy! Nếu không phải là hôm nay, thì ngày mai, qua hết thất bại nọ tới thất bại kia, chúng ta sẽ chiến thắng bởi vì chung cuộc phải có một con đường là đường đúng chứ. Chúng ta đang đi lên trước và loại bỏ dần những đường sai là sai; thắng lợi đang tới gần. Cháu phải là cái loại người điên nào rồi! Cháu đang nghĩ tới việc từ bỏ chỉ sau ba tháng làm việc vất vả. Và bây giờ chúng ta đang ở rất gần thế...”

Đây là trung kiên. Trung kiên nghĩa là bạn tin cậy vào thắng lợi cho dù đang đối diện với thất bại và sai lầm. Giả sử có một tảng đá ở trước tôi trên con đường. Nếu tôi muốn, tôi có thể coi nó như một chướng ngại, cho nên với tôi con đường này sẽ đi tới chỗ kết ở đó. Đây là dấu hiệu của người không trung kiên. Hay, nếu tôi muốn, tôi có thể xem xét rằng tôi đã đi tới một bậc thang, một chiếc thang: bây giờ tôi sẽ trèo lên tảng đá này và con đường của tôi sẽ bắt đầu tại điểm nào đó cao hơn. Cho nên tảng đá trên con đường có thể trở thành hoặc là cái thang hoặc là chướng ngại. Bản thân nó thì không phải là thang hay chướng ngại gì. Nó trở thành chướng ngại nếu tôi không có trung kiên, nó trở thành cái thang nếu tôi có trung kiên.

Thực tại tối thượng, nước cam lồ này ẩn kín sâu trong hang bên trong, trong chiều sâu của tâm, cõi này của thực tại tối thượng nằm ở bên ngoài cõi trời, xảy ra qua thành công tới từ vô hạn lần thất bại. Người ta sẽ biết tới thắng lợi chỉ sau nhiều thất bại. Người ta sẽ đạt tới hoà nhập, kết tinh chỉ sau khi bị rời ra nhiều lần. Gặp gỡ này sẽ xảy ra chỉ sau khi bỏ lỡ nó nhiều lần. Nhiều lần bạn sẽ đi qua gần nó, gần tới mức bạn bắt đầu cảm thấy, “Bây giờ mình bỏ thôi, mình sẽ không bao giờ có khả năng làm được nó.” Và bất kì khi nào cảm giác này tới, đó là khi cần tới trung kiên.

Không có tin cậy không ai có thể bắt đầu được, không có trung kiên không ai có thể đạt tới được. Tin cậy làm cho việc bắt đầu thành có thể, trung kiên cho phép việc hoàn thành. Đây là lí do tại sao lời kinh này nói rằng chỉ người tìm kiếm trung kiên mới có khả năng kinh nghiệm thực tại tối thượng.

Đủ cho hôm nay.
---

Bây giờ chúng ta sẵn sàng cho việc thiền đêm.

Lưu ý tới vài điều. Không ai cởi quần áo ra trong thiền đêm đâu nhé. Chỉ trong thiền sáng bạn mới có thể cởi quần áo ra, nếu bạn cảm thấy cần cởi. Không ai làm điều đó trong thiền đêm đâu nhé, nhớ điều này.

Những người sẵn sàng cho việc thiền đêm thật mãnh liệt tụ tập lại gần tôi. Những người không muốn làm nó thật mãnh liệt nên đứng ở vòng tròn phía sau. Mặc dầu mọi người phải hết sức nỗ lực, bạn càng làm nó thật mãnh liệt, kết quả sẽ càng hiệu quả hơn.

Bạn nhìn tôi mà không chớp mắt; tròng mắt của bạn phải không được chớp. Và bạn nên đánh thức năng lượng này bằng việc nhảy và múa. Khi năng lượng này đã bắt đầu chuyển động thế thì bạn nên gõ búa vào nó với âm thanh hu! hu!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho