Chương 58: Trong tay bạn

Sách của những bí mật - Tập 4
Book of secrets - Volume 4
Osho



Chương 58: Trong tay bạn



29 tháng 6 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ

Câu hỏi 1

Các kỹ thuật là những lối đi tắt, là những cuộc cách mạng, nhưng chúng có chống lại đạo, chống lại tạo hóa (swabhav) hay không?

Chúng là như vậy. Chúng chống lại đạo, chúng chống lại swabhav (tạo hóa - ND). Bất cứ nỗ lực nào cũng chống lại swabhav, đạo; nỗ lực như thế là chống lại đạo. Nếu bạn có thể để mặc mọi thứ cho swabhav, cho đạo, cho tạo hóa thì không cần đến kỹ thuật nào, bởi vì đó là kỹ thuật tối thượng. Nếu bạn có thể để mọi thứ lại cho đạo, thì đó là sự buông bỏ sâu sắc nhất có thể. Bạn đang buông bỏ chính bạn, tương lai của bạn, những khả năng của bạn. Bạn đang buông bỏ chính thời gian, mọi nỗ lực. Điều này có nghĩa là sự kiên nhẫn vô biên, sự chờ đợi vô hạn.

Nếu bạn có thể buông bỏ mọi thứ cho tự nhiên thì không cần nỗ lực, khi đó bạn không làm bất cứ điều gì. Bạn chỉ bồng bềnh. Bạn đang trong một trạng thái buông bỏ sâu sắc. Nhiều điều sẽ xảy ra với bạn, nhưng bạn đang không tạo  
ra bất cứ nỗ lực nào vì chúng - thậm chí bạn đang không tìm kiếm chúng. Nếu chúng xảy ra, điều đó tốt; nếu chúng không xảy ra, điều đó cũng tốt - bạn không có sự lựa chọn nào. Dẫu có điều gì xảy ra, thì xảy ra; bạn không hy vọng, và tất nhiên, cũng không thất vọng.

Cuộc sống cứ dần trôi, bạn trôi trong nó. Bạn không có mục tiêu nào để đạt tới, bởi vì có mục tiêu thì lại có nỗ lực. Bạn không có nơi nào để đi, bởi vì nếu bạn có nơi nào để đi thì nỗ lực sẽ xuất hiện; nó được bao hàm. Bạn không có nơi nào để đi, không có nơi nào để tới, không mục tiêu, không lý tưởng; không có gì để đạt được - bạn buông bỏ tất cả.

Trong chính khoảnh khắc buông bỏ này, trong chính thời điểm này, tất cả sẽ xảy ra với bạn. Sự nỗ lực sẽ cần thời gian; sự buông bỏ sẽ không cần thời gian. Chính vì vậy mà tôi gọi nó là kỹ thuật tối thượng. Nó là phi-kỹ-thuật. Bạn không thể thực hành nó - bạn không thể thực hành buông bỏ. Nếu bạn thực hành thì đó không phải là buông bỏ. Thế thì bạn đang trông cậy vào mình; bạn không hoàn toàn bất lực; bạn đang cố làm một cái gì đó - thậm chí nếu đó là buông bỏ thì bạn cũng đang cố nó. Thế thì kỹ thuật sẽ xuất hiện, và cùng với kỹ thuật thời gian xuất hiện, tương lai xuất hiện.

Sự buông bỏ không thuộc về thời gian; nó vượt lên thời gian. Nếu bạn buông bỏ, chính thời điểm này bạn bên ngoài thời gian, và mọi thứ có thể xảy ra, sẽ xảy ra. Nhưng bạn đang không tìm kiếm nó, không truy tìm nó; bạn không tham lam về nó. Bạn không hề vướng bận tâm trí vào nó: cho dù nó xảy ra hay không, với bạn tất cả đều như nhau.

Đạo có nghĩa là buông bỏ - buông bỏ với swabhav, với tạo hóa. Khi đó bạn không còn. Tantra và Yoga là những kỹ thuật. Thông qua chúng bạn sẽ đạt tới swabhav, nhưng đó sẽ là một quá trình dài. Cuối cùng, sau mỗi kỹ thuật bạn sẽ phải buông bỏ, nhưng với các kỹ thuật thì nó sẽ xuất hiện sau cùng; với đạo, trong đạo, nó xuất hiện ngay lúc ban đầu. Nếu bạn có thể buông bỏ ngay bây giờ, thì không cần kỹ thuật nào, nhưng nếu bạn không thể, và nếu bạn hỏi tôi làm sao buông bỏ, thì một kỹ thuật là cần đến. Cho nên, rất hiếm, trong hàng triệu và hàng triệu người mới có một người có thể buông bỏ mà không hỏi làm cách nào. Nếu bạn hỏi “làm cách nào” thì bạn không phải là dạng người phù hợp để có thể buông bỏ, bởi vì “làm cách nào” có nghĩa là bạn đang yêu cầu một kỹ thuật.

Những kỹ thuật này là cho những ai không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của về “làm cách nào” này. Những kỹ thuật này chỉ để rũ bỏ mối lo âu về “làm cách nào” - làm cách nào để thực hiện điều đó. Nếu bạn có thể buông bỏ mà không yêu cầu, thì bạn không cần kỹ thuật nào. Rồi bạn sẽ không phải đến với tôi, bạn có thể buông bỏ bất cứ lúc nào, bởi vì buông bỏ không cần thầy. Người thầy chỉ có thể dạy về kỹ thuật.

Khi bạn tìm kiếm, bạn đang tìm kiếm kỹ thuật; mọi sự tìm kiếm đều là tìm kiếm kỹ thuật. Khi bạn đi đến ai đó và yêu cầu, bạn đang yêu cầu một kỹ thuật, một phương pháp. Ngược lại không cần thiết đi tới bất cứ đâu. Chính sự tìm kiếm cho thấy rằng bạn có một nhu cầu cấp thiết về kỹ thuật. Các kỹ thuật này là dành cho bạn. Không phải là không có kỹ thuật thì nó không thể xảy ra. Nó có thể xảy ra, nhưng nó đã xảy ra với rất ít người. Và một số ít người đó cũng không thực sự hiếm: trong những cuộc đời quá khứ của mình, họ đã vật lộn với các kỹ thuật, và họ đã vật lộn quá nhiều với các kỹ thuật đến mức bây giờ họ chán ngấy, họ nản lòng. Một điểm bão hòa xuất hiện khi bạn đã hỏi đi hỏi lại, “Làm cách nào? Làm cách nào? Làm cách nào? - và cuối cùng thì cái “làm cách nào” rơi xuống. Khi đó bạn có thể buông bỏ.

Với mọi con đường đều cần đến kỹ thuật. Krishnamurti có thể nói rằng không cần đến kỹ thuật nào - nhưng đây không phải là cuộc đời đầu tiên của ông ấy. Và ông cũng đã không nói điều này trong cuộc đời quá khứ của mình. Thậm chí trong chính cuộc đời này nhiều kỹ thuật cũng đã được trao cho ông, và ông đã làm việc về chúng. Thông qua các kỹ thuật bạn có thể đến một điểm, nơi bạn có thể buông bỏ - bạn có thể bỏ mọi kỹ thuật đi và đơn giản là tồn tại - nhưng điều đó nữa cũng thông qua các kỹ thuật.

Kỹ thuật là chống lại đạo, bởi vì bạn chống lại đạo. Bạn phải được giải trừ sự huấn luyện đi. Nếu bạn trong đạo thì không cần đến kỹ thuật nào. Nếu bạn khỏe mạnh thì không cần thứ thuốc nào. Mọi loại thuốc đều chống lại sự khỏe mạnh. Nhưng khi bạn ốm thì thuốc là cần thiết. Thuốc này sẽ tiêu diệt bệnh tật của bạn. Nó không thể mang đến cho bạn sự khỏe mạnh, nhưng nếu bệnh tật đã bị tiêu diệt thì sự khỏe mạnh sẽ đến với bạn. Không thuốc nào có thể trao cho bạn sự khỏe mạnh, về cơ bản thì mọi thứ thuốc bệnh đều là một loại chất độc - nhưng bạn đã tích tụ sự độc hại nào đó; bạn cần một loại thuốc giải độc. Nó sẽ làm cân bằng, và sẽ có thể khỏe mạnh.

Kỹ thuật sẽ không mang đến cho bạn tính thần thánh của bạn, nó sẽ không trao cho bạn bản chất bạn. Nó sẽ phá bỏ mọi thứ mà bạn đã thu thập quanh bản chất mình. Nó sẽ chỉ giải trừ sự huấn luyện của bạn. Bạn được huấn luyện, và ngay bây giờ bạn không thể thực hiện cú nhảy vào buông bỏ. Nếu bạn có thể thực hiện thì điều đó là tốt - nhưng bạn không thể thực hiện. Sự huấn luyện của bạn sẽ hỏi, “Làm cách nào?” Thế thì các kỹ thuật sẽ có ích.

Khi con người sống trong đạo thì không cần đến Yoga, Tantra, tôn giáo. Người nào mà hoàn toàn khỏe mạnh thì không cần thuốc. Mọi tôn giáo đều là thuốc. Khi thế giới sống trong đạo hoàn toàn thì các tôn giáo sẽ biến mất. Không cần thầy, không cần Phật, không cần Jesus, bởi vì mọi người sẽ là một vị Phật hay vị Jesus. Nhưng ngay bây giờ, như bạn đang tồn tại, thì bạn cần các kỹ thuật. Các kỹ thuật đó là thuốc giải độc.

Bạn đã thu thập quanh mình một tâm trí phức tạp đến mức bất cứ điều gì được nói và được trao cho bạn, thì bạn sẽ làm cho nó phức tạp. Bạn sẽ làm cho nó phức tạp hơn, bạn sẽ làm cho nó khó khăn hơn. Nếu tôi nói với bạn, “Hãy buông bỏ”, bạn sẽ hỏi, “Làm cách nào?” Nếu tôi nói, “Hãy sử dụng các kỹ thuật”, thì bạn sẽ hỏi, “Các kỹ thuật ư? Các kỹ thuật đó có chống lại đạo không?” Nếu tôi nói, “Không cần đến kỹ thuật nào, đơn giản buông bỏ và Thượng đế sẽ xuất hiện với bạn’’, thì bạn sẽ ngay lập tứ hỏi, “Làm cách nào?” - đấy là tâm trí bạn.

Nếu tôi nói, “Đạo chính là ngay ở đây và ngay bây giờ: bạn không cần thực hành bất cứ điều gì, bạn chỉ thực hiện một cú nhảy và buông bỏ”, bạn sẽ nói,! “Làm cách nào? Làm sao tôi có thể buông bỏ?” Nếu tôi đưa ra cho bạn một kỹ thuật để trả lời “làm cách nào” của bạn, tâm trí bạn sẽ nói, "Nhưng nó không phải là một kỹ thuật, phương pháp, cách thức chống lại swabhav, chống lại đạo chứ? Nếu tính thần thánh là bản chất của tôi, thì làm sao có thể đạt được nó thông qua một kỹ thuật? Nếu nó đã có đó rồi, thì kỹ thuật này là phù phiếm, vô dụng. Tạo sao lại lãng phí thời gian với kỹ thuật này?” Hãy nhìn xem tâm trí này.

Tôi nhớ lại, có lần một người đàn ông là cha của một cô gái trẻ đã yêu cầu nhà soạn nhạc Leopold Godowsky đến nhà mình và nghe để kiểm tra giúp cho con gái ông. Cô bé đang học piano. Godowsky đã đến nhà họ, ông kiên nhẫn ngồi nghe cô bé chơi đàn. Khi cô bé kết thúc, người cha rơi nước mắt vì hạnh phúc và ông hỏi Godowsky, “Cháu chơi có tuyệt không?”

Godowsky được cho là đã nói, “Cô bé chơi thật tuyệt. Cô có một kỹ thuật đáng ngạc nhiên. Tôi chưa bao giờ nghe ai chơi những khúc nhạc đơn giản như thế với khó khăn đến thế. Cô bé có kỹ thuật đáng ngạc nhiên. Chơi những khúc nhạc đơn giản thế với khó khăn đến thế, tôi chưa bao giờ thấy ai chơi như thế trước đây!”.

Đây là những gì vẫn diễn ra trong tâm trí bạn. Ngay cả một vấn đề đơn giản bạn cũng sẽ làm cho nó phức tạp, bạn sẽ gây khó khăn cho chính mình. Và đây là cách thức phòng vệ, đây là biện pháp phòng vệ, bởi vì khi bạn gây ra khó khăn, bạn không cần thực hiện nó - bởi vì trước tiên vấn đề phải được giải quyết rồi sau đó bạn có thể thực hiện nó.

Nếu tôi nói hãy buông bỏ, bạn hỏi làm cách nào. Nếu tôi không trả lời câu hỏi “làm cách nào” của bạn, làm sao bạn có thể buông bỏ? Nếu tôi trao cho bạn một kỹ thuật thì tâm trí bạn ngay lập tức tạo ra một vấn đề mới. “Tại sao lại là kỹ thuật này? Có swabhav, có đạo, có Thượng đế ở trong bạn, vậy tại sao lại có sự cố gắng này, nỗ lực này?” Trừ khi điều này được trả lời, thì không cần phải làm bất cứ điều gì.

Nên nhớ, bạn có thể cứ ở mãi trong cái vòng tròn luẩn

quẩn này. Bạn sẽ phải phá vỡ nó ở đâu đó và ra khỏi nó.

Hãy kiên quyết, bởi vì chỉ với sự quyết tâm thì nhân tính của bạn mới ra đời. Chỉ với sự quyết tâm mà bạn mới trở thành người. Hãy quyết tâm. Nếu bạn có thể buông bỏ thì cứ  buông bỏ. Nếu bạn không thể buông bỏ, thế thì đừng tạo ra những vấn đề triết lý; hãy sử dụng kỹ thuật nào đó.

Trong cả hai cách, sự buông bỏ sẽ xảy ra với bạn. Nếu bạn cỏ thể buông bỏ ngay bây giờ thì điều đó là tốt. Nếu bạn không thể buông bỏ, thì trải qua các kỹ thuật - sự tập luyện đó là cần thiết. Nó cần thiết là bởi vì bạn, không phải vì swabhav, không phải vì đạo. Đạo không cần huấn luyện. Nó cần thiết là bởi vì bạn. Và các kỹ thuật này sẽ hủy hoại bạn. Bạn sẽ chết thông qua các kỹ thuật này, và bản chất cốt lõi nhất sẽ tiến triển. Bạn phải bị phá vỡ hoàn toàn. Nếu bạn có thể phá vỡ nó bởi một cú nhảy - đấy là buông bỏ. Nếu bạn không thể, thì cứ từ từ - làm việc với nó thông qua các kỹ thuật.

Nhưng nên nhớ một điều: tâm trí bạn có thể tạo ra những vấn đề, chính là những mánh khóe - những mánh khóe để trì hoãn, để trì hoãn sự quyết tâm. Nếu tâm trí không ổn định, bạn không cảm thấy tội lỗi. Bạn cảm thấy, “Tôi có thể làm gì? Nếu không có cái gì tuyệt đối, rõ ràng, minh bạch, tôi có thể làm gì?” Tâm trí bạn có thể tạo ra những đám mây quanh bạn, và tâm trí bạn sẽ không bao giờ cho phép bạn trở nên rõ ràng - trừ khi bạn quyết tâm. Vì có sự quyết tâm mà những đám mây biến đi. Tâm trí rất biết cách giao thiệp của một nhà chính trị, và nó liên tục chơi trò chính trị với bạn. Nó rất thủ đoạn, tinh ranh.

Tôi đã nghe, có một lần Mulla Nasrudin đã đến thăm con trai và con dâu mình. Ông đã đến đó được ba ngày, nhưng sau đó ông ở lại một tuân. Rồi một tuần trôi qua, và ông ở thêm một tháng. Cặp vợ chồng trẻ bắt đầu lo lắng - làm sao thoát khỏi ông già này? Cho nên họ đã bàn cách thoát khỏi ông, và họ đã lên một kế hoạch. 
Anh chồng nói, “Tối nay em hãy nấu món súp, và anh sẽ nói rằng nó quá mặn, không thể ăn. Và em phải nói rằng không hề mặn. Chúng ta sẽ tranh luận, chúng ta sẽ bắt đầu cãi vã, và anh sẽ hỏi cha xem ý kiến ông thế nào, ông nói gì. Nếu cha đồng ý với anh, thì em sẽ nổi điên và nói cha đi đi. Nếu cha đồng ý với em thì anh sẽ trở nên đau đớn và sẽ nói cha đi khỏi ngay lập tức”.

Món súp đã được chuẩn bị, và theo kế hoạch đã định, họ bắt đầu cãi vã và tranh luận. Và sau đó cuộc cãi vã lên tới cực đỉnh. Họ sắp choảng nhau, còn Nasrudin vẫn ngồi im quan sát. Cậu con trai quay lại ông và nói, “Cha, cha nói gì đi chứ? Có mặn hay không?”

Nghe vậy, Nasrudin liền thọc chiếc thìa vào bát súp, nếm thử, ngẫm nghĩ chốc lát rồi nói, “Rất rất vừa với cha”. Ông không bênh bên nào. Toàn bộ kế hoạch đã trở nên vô ích.

Tâm trí bạn vẫn cứ làm việc theo cách này. Nó sẽ không bao giờ đứng về bên nào, bởi vì lúc bạn đứng về một bên, thì phải có hành động. Nó sẽ không bênh bên nào; nó sẽ không ngừng lý lẽ. Nó sẽ không bao giờ quyết định điều gì; nó sẽ luôn đứng ở giữa. Bất cứ điều gì được nói thì cũng sẽ được tranh luận, nhưng sẽ không bao giờ đi đến quyết định. Và bạn có thể lý lẽ tới vô cùng; với nó không có điểm kết. Chỉ có quyết tâm mới mang đến cho bạn hành động, và chỉ có hành động mới trở thành sự chuyển hóa.

Nếu bạn thực sự quan tâm đến một cuộc cách mạng sâu sắc bên trong mình thì hãy đưa ra quyết định - và đừng cứ mãi trì hoãn. Đừng trở nên quá nhiều triết lý, điều đó là nguy hiểm. Đối với một người tìm kiếm thì điều đó là nguy hiểm. Đối với người đang không thực sự tìm kiếm mà chỉ tiêu khiển thời gian thì điều đó là tốt, đó là một trò chơi hay. Triết học là một trò chơi hay nếu bạn có khả năng về nó. Nhưng tôi không nhìn thấy ai có khả năng bởi vì đó là sự lãng phí thời gian.

Vậy hãy quyết tâm. Nếu bạn có thể buông bỏ, thì buông bỏ. Khi đó đối với nó không có “làm thế nào”. Nếu bạn không thể, thì hãy thực hành kỹ thuật nào đó, bởi vì chỉ khi thông qua kỹ thuật, bạn sẽ tới thời điểm sự buông bỏ sẽ xảy ra.



Câu hỏi 2

Theo dòng chảy tự nhiên, sau hàng triệu năm và hàng triệu kiếp sống, con người sẽ chứng ngộ. Nhưng chúng ta đã trải qua hàng triệu năm và hàng triệu kiếp sống và vẫn còn chưa chứng ngộ. Tại sao?

Bạn không thể hỏi tại sao. Bạn chỉ có thể hỏi tại sao nếu bạn đang làm một cái gì đó. Nếu tạo hóa đang làm một cái gì đó thì bạn không thể hỏi tại sao, điều đó tùy thuộc vào tạo hóa. Và tạo hóa không có trách nhiệm, nó sẽ không trả lời bạn. Nó tuyệt đối im lặng. Và đối với tạo hóa, hàng triệu kiếp không là gì; đối với tạo hóa thì đó chỉ là vài giây. Đối với bạn, hàng triệu kiếp và hàng triệu năm là một lịch sử lâu dài; đối với tạo hóa nó không là gì. Tạo hóa không lo lắng, và tạo hóa sẽ không quan tâm đến bạn một cách cụ thể. Tạo hóa không ngừng làm việc - vào một ngày điều đó sẽ xảy ra, nhưng bạn không thể hỏi tại sao, bởi vì tạo hóa im lặng.

Nếu bạn lo lắng rằng tại sao nó còn chưa xảy ra, thì bạn phải làm một cái gì đó. Nếu sự lo lắng đã đi vào bạn thì bạn phải làm một cái gì đó. Chỉ có làm sẽ giúp bạn đi tới nơi mà sự chứng ngộ có thể xảy ra. Những cách thức của tạo hóa là rất kiên nhẫn, chậm rãi. Không vội vàng, bởi vì với tạo hóa không có giới hạn về thời gian. Nó là vĩnh hằng. Không có khởi đầu và không có kết thúc. Nhưng con người đã tới một điểm: người đó đã trở nên ý thức, người đó đã bắt đầu hỏi.

Cây không bao giờ hỏi - ngay cả cây Bồ đề mà Đức Phật đã trở nên chứng ngộ khi ngồi dưới nó. Cây sẽ không bao giờ hỏi, “Gautam, tại sao tôi không trở nên chứng ngộ? - bởi vì, tôi cũng đã tồn tại hàng triệu năm như ông đã tồn tại?” Cây sẽ không bao giờ hỏi. Cây tuyệt đối tự nhiên. Việc hỏi làm cho con người thành phi tự nhiên. Cái phi tự nhiên đã vào bạn: bạn đã bắt đầu hỏi tại sao - tại sao nó còn chưa xảy ra.

Việc hỏi này là tốt, bởi vì nó có thể dẫn bạn tới một thời điểm quyết định để bạn có thể bắt đầu làm việc về chính mình. Và con người không thể để điều đó lại cho tạo hóa, bởi vì con người đã trở nên ý thức. Bây giờ bạn không thể để lại cho tạo hóa. Chính vì vậy mà con người đã tạo ra các tôn giáo. Không con thú nào có bất cứ tôn giáo nào. Không có nhu cầu: chúng đang không hỏi, chúng không vội vã. Trong tạo hóa mọi thứ đều không vội - vận động rất chậm rãi như thể không chuyển động chút nào; liên tục lặp lại cùng một khuôn mẫu, không ngừng lặp lại cùng một quỹ đạo.

Con người đã trở nên ý thức. Con người đã trở nên ý thức về thời gian, và thời điểm bạn trở nên ý thức về thời gian bạn bị ném ra khỏi vĩnh hằng. Thế rồi bạn vội vã. Cho nên khi ý thức càng phát triển thì con người càng vội vã, con người trở nên ý thức nhiều hơn về thời gian. Hãy đi đến một xã hội nguyên thủy xem: họ không ý thức về thời gian. Xã hội càng văn minh thì càng ý thức về thời gian. Xã hội nguyên thủy gần với tự nhiên hơn: không vội vã, hoạt động chậm rãi. Giống như tạo hóa vận động, nó cũng vận động. Bạn càng trở nên văn minh thì bạn càng trở nên ý thức về thời gian. Thực ra, thời gian có thể là tiêu chuẩn: biết được một xã hội văn minh như thế nào là bởi biết nó ý thức về thời gian như thế nào. Bạn vội vã, bạn không thể chờ đợi, bạn không thể để lại điều đó cho tạo hóa. Bạn phải nắm giữ nó trong tay mình.

Con người có thể nắm giữ nó trong tay mình: con người có thể làm một cái gì đó và quá trình đó có thể kết thúc sớm hơn. Thậm chí nó có thể kết thúc trong một khoảnh khắc. Trong hàng triệu năm liền, điều đó đã không được thực hiện, đã không thể được thực hiện, thì bạn lại có thể thực hiện nó trong một khoảnh khắc. Trong một khoảnh khắc đó bạn trở nên mãnh liệt đến mức có thể du hành qua hàng triệu năm và hàng triệu kiếp sống cùng một lúc.

Điều đó là có thể - vì nó là có thể mà bạn lo lắng. Triệu chứng về nỗi lo lắng của bạn là có điều gì đó là có thể nhưng bạn lại đang không biến nó thành thực tế - đó là nỗi lo lắng, đó là tình trạng tiến thoái lưỡng nan của con người. Bạn có thể thực hiện nó nhưng bạn lại đang không thực hiện - điều đó tạo ra nỗi lo lắng, sự đau khổ bên trong. Khi bạn không thể thực hiện nó thì câu hỏi này không bao giờ nảy sinh, không có lo lắng. Nỗi lo lắng cho thấy có khả năng rằng lúc này bạn có thể nhảy - bạn có thể vượt qua nhiều kiếp không cần thiết - nhưng bạn đang không vượt qua. Bạn đã trở nên ý thức, và bạn đã vượt lên trên tạo hóa.

Ý thức là một hiện tượng mới. Bạn đã vượt lên tạo hóa và bây giờ bạn có thể tiến hóa một cách ý thức. Sự tiến hóa có ý thức là cách mạng. Bạn có thể làm điều gì đó về nó. Bạn không còn là nạn nhân, không còn là một con búp bê. Bạn có thể nắm vận mệnh của mình trong tay. Đó là điều có thể, và vì nó là có thể nhưng bạn lại đang không làm gì  
nên điều đó gây ra sự lo lắng ở bên trong. Và bạn càng trở nên nhận ra rằng điều này là có thể thì sẽ càng cảm thấy lo lắng hơn.

Vị Phật rất lo lắng; bạn không quá lo lắng. Vị Phật rất lo lắng, rất đau đớn, khổ tâm. Nếu vị đó không đạt được, vị đó sẽ sống trong địa ngục, bởi vì vị đó biết rõ rằng có điều gì đó là tuyệt đối có thể, ngay tầm tay, ngay bên góc, và vị đó cảm thấy, “Mình vẫn đang lỡ nó. Nếu mình duỗi thẳng tay thì điều đó sẽ xảy ra - và tay mình lại bị tê cứng. Chỉ một bước và mình sẽ ra khỏi nó - nhưng mình lại không thể thực hiện bước đó. Mình sợ phải thực hiện một cú nhảy”.

Khi bạn gần với mục tiêu, bạn có thể cảm thấy nó, bạn có thể nhìn thấy nó và bạn vẫn liên tục bỏ lỡ, khi đó bạn cảm thấy rất đau khổ. Khi bạn rất xa và bạn không cảm thấy nó, bạn không thể nhìn thấy nó, bạn thậm chí không nhận ra rằng có một mục tiêu, bạn tuyệt đối không nhận biết về bất cứ định mệnh nào, thế thì không có nỗi phiền muộn.

Những con thú không đau khổ. Chúng có vẻ hạnh phúc - hạnh phúc hơn con người. Lý do là gì? Cây cối thậm chí còn hạnh phúc hơn con thú. Chúng tuyệt đối vô nhận biết về những gì có thể xảy ra, về những gì là khả năng, về những gì gần tàm tay. Chúng vô nhận biết một cách vui sướng. Không có nỗi phiền muộn. Chúng cứ buông xuôi. Con người trở nên lo lắng, và con người càng tầm cỡ thì sẽ càng lo lắng.

Nếu bạn chỉ đơn giản sống, bạn đang sống một cuộc sống dã thú. Lúc bạn trở nên nhận ra rằng một điều gì đó là có thể thì nỗi đau khổ tôn giáo xuất hiện - “Hạt giống có đó và mình phải làm điều gì đó. Mình phải làm điều gì đó và hạt giống sẽ nảy mầm. Những bông hoa không quá xa, và  
mình có thể thu hoạch vụ mùa này” - nhưng vẫn không có gì xuất hiện. Bạn cảm thấy rất bất lực.

Đó là tình trạng của Đức Phật trước khi người trở thành một vị Phật. Người sắp tự tử. Bạn sẽ phải trải qua hoàn cảnh đó. Và bạn không thể để điều đó lại cho tạo hóa; bạn phải làm một cái gì đó về nó - và bạn có thể làm. Mục tiêu không quá xa.

Cho nên đừng nản lòng nếu bạn cảm thấy phiền muộn. Nếu bạn cảm thấy một sự lo âu căng thẳng, sự chịu đựng, nỗi đau đớn bên trong mình thì đừng cảm thấy nản lòng về điều đó - đó là tín hiệu tốt. Điều đó cho thấy bạn đang trở nên nhận biết nhiều hơn về những gì là có thể, và giờ đây bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái trừ khi điều đó trở thành hiện thực.

Con người không thể để nó lại cho tạo hóa bởi vì con người đã trở nên ý thức. Chỉ một phần rất nhỏ của con người là ý thức, nhưng điều đó thay đổi mọi thứ. Và nếu toàn bộ con người bạn chưa trở nên ý thức, bạn không thể biết hạnh phúc đơn giản của con thú hay của cây cối. Bây giờ chỉ có một cách để biết nó: trở nên tỉnh táo hơn, nhận biết hơn, và ý thức hơn. Bạn không thể thoái lui. Không có quá trình đi ngược lại; không ai có thể đi ngược lại. Bạn hoặc là vẫn giữ nguyên ở nơi bạn đang tồn tại và đau khổ, hoặc bạn phải tiến về phía trước và vượt lên đau khổ. Bạn không thể quay trở lại.

Hoàn toàn vô thức là phúc lạc, tuyệt đối ý thức là phúc lạc - và bạn đang ở giữa. Một phần của bạn đã trở nên ý thức, và phần chính của bạn vẫn còn vô thức. Bạn bị chia. Bạn đã trở thành hai, bạn không phải là một. Sự hợp nhất không còn. Con thú là hợp nhất và vị thánh là hợp nhất. Con người không hợp nhất: một phần vẫn giữ nguyên là thú và một phần trở nên thánh thiện. Có một cuộc vật lộn, xung đột, và bất cứ điều gì bạn làm, bạn không bao giờ làm với tất cả tâm hồn.

Cho nên có hai cách. Một là đánh lừa chính mình - điều đó là để lại trở nên hoàn toàn vô thức. Bạn có thể dùng ma túy, bạn có thể uống rượu, bạn có thể dùng chất gây say - bạn rơi trở lại thế giới thú vật. Bạn làm mê mờ phần đã trở nên ý thức; bạn trở nên hoàn toàn vô thức. Nhưng đây chỉ là sự đánh lừa tạm thời; bạn sẽ xuất hiện trở lại. Hiệu ứng của hóa chất sẽ không còn và ý thức bạn sẽ lại trở nên tỉnh táo. Phần mà bạn đã cố tình kìm nén bởi rượu hay ma túy hay cái gì đó khác sẽ lại trỗi dậy, và bạn sẽ cảm thấy đau khổ hơn, bởi vì khi đó bạn có thể so sánh. Bạn sẽ cảm thấy đau khổ hơn.

Bạn liên tục gây mê chính mình. Có nhiều phương pháp - không chỉ là hóa chất. Có những phương pháp tôn giáo. Bạn có thể sử dụng một japa, một câu mật chú: bạn có thể tụng nó và tạo ra một hiệu ứng say. Bạn có thể thực hiện nhiều điều để chúng lại có thể làm cho bạn vô thức, nhưng đó sẽ chỉ là tạm thời, bạn sẽ phải ra khỏi - và bạn sẽ ra khỏi cùng nỗi đau khổ sâu sắc hơn, bởi vì khi đó bạn sẽ có thể so sánh. Nếu trong vô thức điều này là có thể, vậy khi hoàn toàn ý thức thì điều gì sẽ là có thể? Bạn sẽ trở nên thèm thuồng nó hơn, bạn sẽ cảm thấy đói khát nó hơn.

Nên nhớ một điều: sự toàn bộ là hạnh phúc. Nếu bạn hoàn toàn vô thức thì đó cũng là hạnh phúc, nhưng bạn không nhận ra điều đó. Những con thú hạnh phúc nhưng chúng không biết hạnh phúc của mình. Cho nên điều đó là vô nghĩa. Điều đó giống như khi bạn đang ngủ và bạn hạnh phúc, và bất cứ khi nào bạn thức dậy, bạn bất hạnh. Sự toàn bộ là hạnh phúc.

Bạn cũng có thể hoàn toàn ý thức. Thế thì sẽ có hạnh phúc và bạn sẽ hoàn toàn nhận ra nó. Điều này là có thể khi thông qua sadhana, thông qua các phương pháp, thông qua thực hành các kỹ thuật làm gia tăng ý thức bạn. Bạn chưa chứng ngộ bởi vì bạn đã chưa làm bất cứ điều gì cho nó, nhưng bạn đã trở nên nhận ra rằng bạn chưa chứng ngộ. Điều này đã được thực hiện bởi tạo hóa; trong hàng triệu năm tạo hóa đã làm cho bạn nhận ra điều này.

Có thể bạn không biết thực tế rằng, liên quan đến cơ thể thì con người đã dừng phát triển. Chúng ta có những bộ xương hàng triệu năm tuổi, nhưng không có sự thay đổi rõ rệt nào; chúng tương tự như bộ xương của chúng ta. Cho nên trong hàng triệu năm đã không có sự phát triển nào về cơ thể, nó vẫn giữ nguyên như cũ. Ngay cả bộ não cũng không phát triển; nó vẫn như cũ. Liên quan đến cơ thể thì sự tiến hóa đã thực hiện bất cứ điều gì có thể thực hiện. Nghĩa là, bây giờ con người phải chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính mình. Và sự phát triển này không thuộc về thể chất mà thuộc về tinh thần.

Bộ xương của một vị Phật và bộ xương của bạn về cơ bản là không khác nhau, nhưng bạn và vị Phật là tuyệt đối khác nhau. Sự tiến hóa đang vận hành theo phương ngang; các phương pháp, các kỹ thuật, các tôn giáo làm việc theo phương đứng. Cơ thể bạn đã dừng lại: nó đã đến một điểm, điểm omega. Giờ đây, đối với nó không còn sự phát triển xa hơn. Sự tiến hóa theo phương ngang đã dừng; bây giờ một sự tiến hóa theo phương đứng bắt đầu. Giờ đây, cho dù bạn ở đâu, bạn phải thực hiện cú nhảy theo phương đứng. Sự tiến hóa theo phương đứng đó sẽ là về ý thức, không phải về cơ thể. Và bạn phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Bạn không thể hỏi tạo hóa tại sao, nhưng tạo hóa có thể hỏi bạn tại sao bạn còn chưa chứng ngộ, bởi vì bây giờ mọi thứ đã được cung cấp. Cơ thể bạn có mọi thứ cần thiết; bạn có một cơ thể như cơ thể của Phật. Bất cứ thứ gì cần cho vị Phật thì cũng đã xảy đến với bạn y như thế, bạn đã có rồi. Chỉ một sự sắp xếp mới, một sự tổng hợp mới của mọi yếu tố đã được trao thì vị Phật sẽ xuất hiện trong bạn. Tạo hóa có thể hỏi bạn tại sao bạn còn chưa chứng ngộ, bởi vì tạo hóa đã cung cấp cho bạn mọi thứ.

Và việc tạo hóa hỏi bạn không phải là không thích hợp, nhưng việc bạn hỏi tạo hóa là phi lý. Bạn không thể được phép hỏi. Bây giờ bạn nhận biết và bạn có thể thực hiện điều gì đó. Mọi yếu tố đã được trao cho bạn. Có hydro, có oxy, có điện; bạn chỉ phải nỗ lực và thử nghiệm thật nhiều, rồi nước sẽ xuất hiện.

Tất cả những gì cần thiết để bạn trở nên chứng ngộ bạn đều có, nhưng chúng đã bị phân tán. Bạn phải tổng hợp lại, kết hợp lại, bạn phải tạo ra một sự hòa hợp, rồi bỗng nhiên ngọn lửa chứng ngộ đó sẽ bùng lên. Mọi kỹ thuật là để đạt được điều đó. Bạn đã có mọi thứ; chỉ cần một bí quyết, phải làm gì để sự chứng ngộ xảy ra với bạn.



Câu hỏi 3

Thầy nói rằng thông qua việc đạt tới nhận biết hoàn toàn và tự do tuyệt đối, chúng ta có thể tránh được hàng triệu kiếp và hàng triệu năm tiến hóa tự nhiên. Phải chăng nghiệp báo, với những sức mạnh nhân quả tự nhiên của nó, không nên bị can thiệp bởi bất cứ lối đi tắt nào, hay đó cũng là cách thức linh thiêng để mang lại một khả năng bên trong để vươn tới thế giới tiến hóa, tới linh hồn tiến hóa?

Mọi thứ có thể được tranh luận, nhưng tranh luận không dẫn tới đâu. Bạn có thể lý luận, nhưng làm sao lý luận đó sẽ giúp bạn được? Bạn có thể lý luận rằng quá trình nhân quả tự nhiên không nên bị can thiệp - không can thiệp vào nó. Nhưng thể thì hãy hạnh phúc với sự khổ đau của bạn - nhưng bạn lại không như thế. Bạn muốn can thiệp. Nếu bạn có thể tùy thuộc vào quá trình tự nhiên, điều đó quá tuyệt - nhưng thế thì đừng than phiền. Đừng hỏi, “Tại sao lại thế này?” Nó là thế do quá trình nhân quả tự nhiên. Bạn đang đau khổ chăng? - bạn đang đau khổ bởi quá trình nhân quả tự nhiên, không thể khác được; nên đừng can thiệp.

Đây là những gì về thuyết số phận, về kismat (theo ngôn ngữ Urdu có nghĩa là vận mệnh - ND) - thuyết tin vào số phận. Thế thì bạn không phải làm bất cứ điều gì: dù điều gì đang diễn ra thì cứ diễn ra, và bạn phải chấp nhận. Thế thì điều đó cũng trở thành một sự buông bỏ, và bạn không cần làm bất cứ điều gì. Nhưng bạn phải tuyệt đối chấp nhận. Thực ra không cần can thiệp, nhưng bạn có thể ở trong trạng thái mà bạn không can thiệp không? Bạn đang thường xuyên can thiệp vào mọi thứ. Bạn không thể để mặc nó cho tạo hóa. Nếu bạn có thể để mặc nó, thì không cần thêm bất cứ điều gì và mọi thứ sẽ xảy ra với bạn. Nhưng nếu bạn không thể để mặc nó, thế thì hãy can thiệp. Và bạn có thể can thiệp, nhưng phải hiểu được quá trình.

Thực ra, thiền đang không can thiệp vào quá trình nhân quả; đúng hơn là, nó đang thực hiện một cú nhảy ra khỏi quá trình đó. Chính xác là, nó đang không can thiệp mà chỉ đang thực hiện một cú nhảy khỏi bánh xe nghiệp lực đó, khỏi vòng luân hồi đó. Vòng luân hồi sẽ vẫn tiếp diễn, và quá trình sẽ tự đến hồi kết. Bạn không thể kết thúc nó, nhưng bạn có thể ra khỏi nó, và khi bạn ra khỏi nó, nó trở thành ảo tưởng.

Ví dụ, Raman đã chết vì ung thư. Các đệ tử của ông đã cố thuyết phục ông đi điều trị. Ông nói, “Được thôi. Nếu các bạn thích và nếu điều đó sẽ làm cho các bạn hạnh phúc thì tôi đi. Nhưng về phần tôi thì không sao cả”. Các bác sĩ đã ngạc nhiên, bởi vì cơ thể ông đang chịu đựng, nó đang rất đau đớn, nhưng đôi mắt ông không hề biểu hiện đau. Cơ thể ông đang hết sức đau đớn, nhưng ông đang không đau đớn.

Cơ thể là một phần của nghiệp, nó là một phần của cơ chế nhân quả, nhưng tâm thức có thể vượt lên nó, có thể siêu việt lên nó. Raman chỉ là một người chứng kiến. Ông thấy rằng cơ thể đang đau đớn, cơ thể sẽ chết, nhưng ông chỉ chứng kiến. Ông đang không can thiệp vào nó, không can thiệp chút nào. Ông đang quan sát những gì đang diễn ra, nhưng ông không dính líu vào vòng tròn luẩn quẩn này, ông không bị đồng nhất, khi đó ông không ở trong nó.

Thiền không phải là một sự can thiệp. Thực ra, vì không có thiền nên bạn đang can thiệp mọi lúc. Cùng với thiền bạn vượt lên; bạn trở thành một người quan sát trên đỉnh đồi. Bên dưới thung lũng sâu mọi thứ vẫn diễn ra, chúng vẫn tiếp tục, nhưng chúng không thuộc về bạn. Bạn chỉ là một người quan sát. Điều đó như thể chúng đang diễn ra với ai đó khác, hay chúng đang diễn ra trong giấc mơ, hay trong phim trên màn hình. Bạn đang không can thiệp. Bạn không còn trong vở kịch - bạn đã ra khỏi. Bây giờ bạn không còn là một diễn viên, bạn đã trở thành một khán giả. Đây là sự thay đổi duy nhất.

Khi bạn chỉ là một người chứng kiến, cơ thể sẽ ngay lập tức hoàn thiện bất cứ điều gì cần được hoàn thiện. Nếu bạn có nhiều nghiệp đau khổ, và bây giờ bạn đã trở thành một người chứng kiến thì bạn sẽ không tái sinh nữa, nên trong  
kiếp này cơ thể sẽ phải trải qua mọi đau khổ mà nó sẽ phải chịu trong nhiều kiếp. Cho nên xảy ra nhiều lần rằng người chứng ngộ phải chịu đựng nhiều bệnh cơ thể, bởi vì giờ đây không còn sự ra đời nào mới, không còn kiếp sống tương lai nào nữa. Đây sẽ là cuộc đời cuối cùng, thế nên tất cả các nghiệp và toàn bộ quá trình nhân quả đó phải được hoàn thành, phải được kết thúc.

Thế nên, nếu chúng ta nhìn cuộc đời Jesus theo quan điểm của phương Đông thì việc bị đóng đinh trên cây thập giá là một hiện tượng khác. Đối với tâm trí phương Tây thì không có sự kế tục của nhiều kiếp sống, không có tái sinh, không có đầu thai, nên họ thực sự không có sự phân tích thật sâu về cây thập giá. Họ có câu chuyện thần thoại rằng Jesus chịu đau khổ cho chúng ta, nỗi đau khổ của ông ấy là sự cứu rỗi cho chúng ta. Nhưng điều này là ngớ ngẩn; và điều này cũng không đúng với những thực tế nữa, bởi vì nếu sự chịu đựng của Jesus đã trở thành một sự cứu rỗi cho bạn, thì tại sao nhân loại vẫn đau khổ? Nó hiện đang còn đau khổ hơn trước đó.

Sau khi Jesus bị đóng đinh trên cây thập giá, nhân loại có được bước vào vương quốc của Thượng đế đâu. Nếu ông ấy chịu đau khổ vì chúng ta, nếu việc chịu đựng sự đóng đinh của ông là sự ăn năn về tội lỗi và tội ác của chúng ta, thì ông đã thất bại, bởi vì tội lỗi vẫn tiếp diễn, tội ác vẫn tiếp diễn, đau khổ vẫn tiếp diễn. Thế thì sự chịu đựng đau khổ của ông ấy là vô ích, thế thì việc chịu đựng sự đóng đinh đó đã không thành công.

Cơ đốc giáo chỉ có một huyền thoại. Nhưng phương Đông có một thái độ khác khi phân tích về cuộc sống con người. Việc bị đóng đinh của Jesus là mọi đau khổ của ông  
đã được tích lũy từ nghiệp của chính ông. Và đây là cuộc đời cuối cùng của ông, ông sẽ không nhập vào cơ thể nữa, nên toàn bộ đau khổ phải được kết tinh, tập trung tại duy nhất một điểm. Điểm duy nhất đó đã trở thành sự đóng đinh trên cây thập giá.

Ông ấy đã không chịu khổ cho bất cứ ai khác - không ai có thể chịu khổ thay cho ai. Ông ấy đã chịu khổ cho chính mình, do các nghiệp quá khứ của mình. Không ai có thể làm cho bạn tự do, bởi vì bạn đang bị ràng buộc bởi các nghiệp của mình, nên Jesus làm sao có thể làm cho bạn tự do? Ông ấy có thể biến chính mình thành một nô lệ, ông ấy có thể làm cho chính mình thành một người tự do, ông ấy có thể giải thoát chính mình. Thông qua việc bị đóng đinh mà tài khoản về các nghiệp chướng của ông đã đóng lại. Ông đã kết thúc, dây chuyền đã tới điểm cuối. Chuỗi nhân quả đã tới điểm kết thúc. Cơ thể đó sẽ không tái sinh nữa; ông ấy sẽ không nhập vào dạ con khác. Nếu ông ấy không phải là một người chứng ngộ thì ông sẽ phải chịu đựng hết mọi điều này trong nhiều kiếp. Nó đã trở nên tập trung vào một điểm, vào một kiếp.

Bạn không thể can thiệp, và nếu bạn can thiệp thì bạn sẽ tạo ra nhiều đau khổ hơn cho mình. Đừng can thiệp vào các nghiệp, mà hãy vượt lên, hãy là một người chứng kiến đối với chúng. Hãy coi chúng như là một giấc mơ, chứ không phải là thực; cứ nhìn chúng và hãy thờ ơ. Đừng dính líu. Cơ thể bạn đau đớn - hãy quan sát sự đau đớn. Cơ thể bạn hạnh phúc - hãy quan sát niềm hạnh phúc. Đừng trở nên bị đồng nhất - đó là tất cả ý nghĩa của thiền.

Và đừng tìm những chứng cứ ngoại phạm, đừng tìm những nguyên cớ. Đừng nói rằng điều này có thể được lý luận. Bạn có thể lý luận bất cứ điều gì, bạn có tự do để làm việc đó, nhưng nên nhớ rằng lý luận của bạn có thể là tự sát. Bạn có thể lý luận chống lại chính mình, và bạn có thể tạo ra lý lẽ mà nó sẽ không có ích cho bạn, nó sẽ không chuyển hóa bạn, đúng hơn là, nó sẽ trở thành rào cản. Chúng ta cứ hay lý luận.

Mới hôm nay có một cô gái đến gặp tôi. Cô hỏi tôi, “Hãy nói cho tôi, thực sự có Thượng đế không?” Cô sẵn sàng tranh luận rằng không có Thượng đế. Tôi nhìn vào mặt cô, mắt cô. Cô căng thẳng, đầy lý lẽ; cô muốn chiến đấu về điểm này. Thực ra, trong thâm tâm cô muốn rằng không có Thượng đế, bởi vì có Thượng đế thì bạn gặp rắc rối. Nếu có Thượng đế thì bạn không thể giữ nguyên bất cứ điều gì bạn đang là; thế rồi sẽ có thách thức. Thượng đế là một thách thức. Điều đó có nghĩa là bạn không thể thỏa mãn với bản thân mình; có thể có một cái gì đó cao hơn bạn. Có thể có một trạng thái cao hơn, một trạng thái tâm thức tối thượng. Điều đó chính là ý nghĩa của Thượng đế.

Vậy là cô sẵn sàng tranh luận, và cô ấy nói, “Tôi là người vô thần và không tin vào Thượng đế”.

Tôi nói với cô ấy, “Nếu không có Thượng đế thì làm sao bạn có thể không tin vào ngài? Và Thượng đế không liên quan. Niềm tin của bạn và sự bất tin của bạn, lập luận ủng hộ của bạn và lập luận bác bỏ của bạn liên quan tới bạn; nó không liên quan tới Thượng đế. Tại sao bạn lại quan tâm? Nếu không có Thượng đế thì tại sao bạn phải đi qua một hành trình rất dài, và tại sao bạn lại đến với tôi để tranh luận về một cái gì đó không có? Hãy quên và tha thứ cho ngài. Bạn hãy quay về đi, đừng lãng phí thời gian. Nếu không có ngài thì tại sao bạn lo lắng? Tại sao lại nỗ lực chứng minh rằng ngài không tồn tại? Nỗ lực này cho thấy một điều gì đó về chính bạn. Bạn sợ. Nếu có Thượng đế thì đó là một thách thức. Nếu không có Thượng đế thì bạn có thể vẫn giữ nguyên bất cứ điều gì bạn đang là; không có thách thức nào đối với cuộc sống”.

Người nào mà sợ thách thức, rủi ro, nguy hiểm, sợ thay đổi chính mình, sợ biến đổi, thì sẽ luôn phủ nhận sự có mặt của Thượng đế. Sự phủ nhận này là tâm trí của người đó; sự phủ nhận cho thấy điều gì đó về chính người đó, chứ không phải về Thượng đế.

Tôi đã nói với cô ấy rằng Thượng đế không phải là điều có thể chứng minh hay bác bỏ. Thượng đế không phải là đối tượng để bạn có thể có ý kiến ủng hộ hay phản đối. Thượng đế chính là một khả năng trong bạn. Đó không phải là điều gì đó bên ngoài; đó là một khả năng trong bạn. Nếu bạn vươn tới khả năng đó, ngài trở nên có thực. Nếu bạn không vươn tới điểm đó thì ngài không có thực. Và nếu bạn lý luận chống lại ngài thì bạn không vươn tới; bạn vẫn giữ nguyên như cũ. Và điều này trở thành một vòng luẩn quẩn.

Bạn lập luận rằng không có Thượng đế, và vì điều đó mà bạn không bao giờ vươn tới ngài - bởi vì đó là một hành trình nội tại, một cuộc du hành bên trong. Bạn không bao giờ du hành, bởi vì làm sao bạn có thể du hành tới một điểm không tồn tại? Cho nên bạn giữ nguyên như thế. Và khi bạn vẫn như thế thì bạn không bao giờ gặp, bạn không bao giờ trực diện với Thượng đế. Bạn không bao giờ bắt gặp bất cứ cảm nhận nào, bất cứ rung động nào từ ngài. Thế thì với bạn điều đó càng chứng tỏ rằng không có ngài. Và điều đó càng được chứng minh thì bạn càng rời xa, bạn càng đang rơi xuống, khoảng cách càng xa hơn. 
Thế nên tôi đã nói với cô ấy, không phải là vấn đề có Thượng đế hay không. Đó là vấn đề bạn có muốn phát triển hay không. Nếu bạn phát triển, thì toàn bộ sự phát triển của bạn sẽ là cuộc gặp mặt, toàn bộ sự phát triển của bạn sẽ là mối giao cảm, toàn bộ sự phát triển của bạn sẽ là cuộc chạm trán. Tôi đã kể cho cô ấy một giai thoại.

Một buổi sáng nhiều gió, khi mùa xuân vừa trôi qua, một con ốc sên bắt đầu bò lên cành anh đào. Mấy con chim sẻ đậu trên cây sồi bên cạnh bắt đầu cười, bởi vì không đúng mùa nên không có quà anh đào nào trên cây, và con ốc sên tội nghiệp này đang rất cố để lên tới ngọn. Chúng cười vì sự hoài công của nó.

Thế rồi một con chim sẻ liệng xuống gần con ốc sên và nói, “Bạn mến, bạn đang đi đâu? Chưa có quả anh đào nào trên cây”.

Nhưng con sên thậm chí không dừng lại; nó tiếp tục bò lên trên. Vừa bò lên, con ốc sên vừa nói, “Nhưng chúng sẽ có đó khi tôi tới. Chúng sẽ có đó khi tôi tới đó. Phải mất thời gian khá lâu tôi mới tới được ngọn cây, và lúc đó sẽ có nhiều quả anh đào”.

Không có Thượng đế, nhưng ngài sẽ có đó khi bạn vươn tới. Đó không phải là cái gì đó đã có rồi - nó chưa bao giờ có đó. Nó là một sự phát triển. Nó là sự phát triển của bạn. Khi bạn tới lúc hoàn toàn tỉnh thức, khi đó có Thượng đế. Nhưng đừng lý luận. Thay vì lãng phí thời gian của mình vào việc lý luận thì hãy sử dụng năng lượng của bạn để chuyển hóa chính bạn.

Và năng lượng không có nhiều. Nếu bạn biến năng lượng của mình thành lý luận thì bạn có thể trở thành thiên tài về lý luận. Nhưng thế thì bạn đang lãng phí thời gian, một cái giá  
quá đắt, bởi vì cũng năng lượng đó có thể trở thành thiền. Bạn có thể trở thành một nhà logic: bạn có thể tạo ra những lý lẽ rất logic, bạn có thể tìm ra những chứng cứ hay những phản chứng cứ rất thuyết phục, nhưng bạn sẽ vẫn như cũ. Những lý lẽ của bạn sẽ không thay đổi bạn.

Nên nhớ một điều: bất cứ điều gì thay đổi bạn đều tốt. Bất cứ điều gì mang đến cho bạn sự phát triển, sự trải rộng, sự gia tăng về ý thức thì đều tốt. Bất cứ điều gì làm cho bạn thụ động và bất cứ điều gì bảo vệ hiện trạng của bạn thì không tốt; nó là tai họa, là tự sát.



Câu hỏi 4

Thỉnh thoảng tôi cảm thấy mình đang trong một trạng thái không-làm, rất thụ động, và dường như ít nhận biết về những gì đang xảy ra quanh tôi. Thực tế là, tôi cảm thấy tách biệt khỏi những thứ xung quanh mình. Theo cách nào đó, điều này có nghĩa là sự thụ động giả, như tôi hình dung thì không-làm nên đồng nghĩa với gia tăng nhận biết. Xin thầy hãy giải thích trạng thái này?

Thông thường chúng ta ở trong một trạng thái háo hức - chủ động, nhưng theo cách háo hức. Nếu bạn trở nên thụ động thì sự háo hức không còn. Nếu bạn trở nên thụ động, không-làm, nếu bạn buông lỏng từ bên trong thì sự tích cực sẽ không còn, sự háo hức sẽ không còn, và sự mãnh liệt xuất hiện thông qua sự háo hức cũng sẽ không còn. Bạn sẽ cảm thấy một chút ngớ ngẩn, bạn sẽ cảm thấy như thể sự nhận biết của bạn đang giảm. Nó đang không giảm; chỉ có sự háo hức là đang giảm.

Và điều đó là tốt, nên đừng sợ hãi nó, đừng nghĩ rằng sự thụ động này là không thực. Tâm trí bạn đã nói điều này, tâm trí bạn cần và muốn hoạt động háo hức đó và vẻ lấp lánh xuất hiện thông qua sự háo hức đó. Sự háo hức không phải là nhận biết, và khi háo hức bạn có thể có một sự nhận biết, một sự tỉnh táo rất không lành mạnh. Đó là bệnh tật; đừng khao khát nó. Hãy cứ để nó ra đi và rơi vào thụ động.

Lúc đầu, sự nhận biết của bạn có vẻ giống như đang giảm hơn là đang tăng. Cứ để nó giảm, bởi vì bất cứ điều gì giảm cùng với sự thụ động cũng là sự háo hức, chính vì vậy mà nó giảm. Cứ cho phép nó giảm. Sẽ tới một thời điểm, khi đó bạn sẽ lại có được một sự cân bằng. Trong điểm cân bằng đó sẽ không có tăng và không có giảm. Đó là một điểm lành mạnh; lúc này sự háo hức đã qua đi.

Ở điểm cân bằng đó, dù nhận biết của bạn là gì, thì cũng là thực, đó không phải là sự háo hức. Và nếu bạn có thể chờ thời điểm đó xuất hiện... Điều này khó, bởi vì ban đầu bạn cảm thấy rằng mình đang mất đi sự chủ động, bạn đang trở nên thực sự chết; hành động của bạn, sự tỉnh táo của bạn, mọi thứ đã biến mất - bạn đang thả mình vào cái chết. Nó biểu hiện như vậy bởi vì bất cứ điều gì bạn biết về cuộc sống thì cũng là sự háo hức. Điều đó thực ra không phải là cuộc sống mà chỉ là một sự háo hức, chỉ là một trạng thái căng thẳng, chỉ là một trạng thái hoạt động thái quá. Cho nên lúc ban đầu... Và bạn chỉ biết một trạng thái - trạng thái háo hức này. Bạn không biết điều gì khác hơn nên làm sao bạn có thể so sánh?

Khi bạn trở nên thụ động, buông xuôi, bạn sẽ cảm thấy một cái gì đó bị mất đi. Cứ để nó biến đi. Hãy giữ nguyên thụ động. Điểm cân bằng sẽ đến khi bạn không còn háo hức. Bạn sẽ đơn thuần là tự mình - không bị ai đẩy vào hành động, không bị ai kéo vào hành động. Lúc này hành động sẽ bắt đầu xảy ra với bạn, nhưng nó sẽ là tự phát, nó sẽ là tự nhiên. Bạn sẽ làm một cái gì đó, nhưng bạn sẽ không bị thúc ép.

Và đâu là tiêu chuẩn để biết hành động này không bị áp đặt lên bạn, không phải là sự háo hức? Đây là điểm cốt lõi: nếu hành động là tự phát thì bạn sẽ không cảm thấy sự căng thẳng nào thông qua nỏ, bạn sẽ không cảm thấy gánh nặng nào. Bạn sẽ thích thú nó. Và hành động này sẽ trở thành một sự kểt thúc cho chính nó; sẽ không có mục tiêu nào. Đây sẽ không phải là phương tiện để đạt tới đâu đó khác; nó sẽ chỉ là sự tuôn ưào năng lượng của bạn. Và sự tuôn trào này sẽ là ở đây và bây giờ; nó sẽ không vỉ cái gì đó trong tương lai. Bạn sẽ thích thú nó.

Bất kể hành động là gì - đào một cái hố trong vườn, tỉa cây, chỉ ngồi, đi bộ, hoặc ăn - bất cứ điều gì bạn đang làm cũng sẽ ữở thành một hành động toàn bộ, trọn vẹn. Và sau đó bạn sẽ không mệt; đúng hơn là bạn sẽ cảm thấy tươi tỉnh. Hành động háo hức làm bạn mệt mỏi; nó không lành mạnh. Hành động tự nhiên thì nuôi dưỡng bạn; sau đó bạn cảm thấy nhiều năng lượng hơn, sinh động hơn. Sau đó bạn cảm thấy sống động hơn. Nó mang đến cho bạn nhiều sức sống hơn.

Nhưng ban đầu, khi bạn bắt đầu trở nên thụ động và bạn rơi vào trạng thái không-làm, bạn buộc phải cảm thấy mình đang mất đi sự nhận biết. Không, bạn đang không mất đi sự nhận biết. Bạn đơn giản đang mất đi một sự háo hức tâm lý, một sự tỉnh táo căng thẳng. Bạn sẽ ổn định dần trong sự thụ động và sự nhận biết tự nhiên sẽ xảy ra.

Đây là sự khác biệt giữa sự tỉnh táo căng thẳng và sự nhận biết tự nhiên; đây là sự khác biệt: trong sự tỉnh táo căng thẳng có một sự tập trung; nó loại trừ mọi thứ. Bạn có  
thể tập trung vào một thứ. Bạn đang lắng nghe tôi. Nêu đó là sự tỉnh táo căng thẳng thì bạn lắng nghe tôi và bạn không nhận biết bất cứ điều gì khác. Nhưng nếu đó là nhận biết thụ động, không căng thẳng, nhưng cân bằng, tự nhiên, thì nếu có một chiếc xe hơi chạy qua, bạn cũng nghe thấy chiếc xe hơi đó. Bạn chỉ nhận biết. Bạn nhận biết mọi thứ; bất cứ điều gì đang xảy ra quanh bạn. Và đây là vẻ đẹp của nó - rằng chiếc xe hơi chạy qua và bạn nghe thấy tiếng ồn nhưng đó không phải là một sự quấy nhiễu.

Nếu bạn chú ý một cách căng thẳng và bạn nghe thấy chiếc xe hơi, thì bạn sẽ bỏ lỡ việc lắng nghe tôi; đó sẽ là một sự quấy nhiễu, bởi vì bạn không biết làm sao để là toàn bộ, chỉ nhận biết về mọi thứ đang diễn ra. Bạn chỉ biết một cách: làm sao chăm chú vào một thứ và quên hết mọi thứ khác. Nếu bạn hướng đến cái khác thì bạn mất mối liên hệ với cái đầu tiên. Nếu bạn đang lắng nghe tôi với một tâm trí căng thẳng, thì bất cứ điều gì cũng có thể quấy nhiễu bạn. Bởi vì sự tỉnh táo của bạn đi tới đó, và bạn bị cắt đứt khỏi tôi. Nó là một-điểm; nó không phải là toàn bộ. Nhận biết tự nhiên, thụ động thì toàn bộ; không có gì quấy nhiễu nó. Nó không phải là sự tập trung, nó là thiền.

Sự tập trung luôn gây căng thẳng, bởi vì bạn đang ép năng lượng của mình vào một điểm. Năng lượng tự chảy theo mọi hướng. Nếu không có hướng nào để di chuyển; nó đơn giản thích thú chảy mọi hướng. Chúng ta tạo ra xung đột bởi vì chúng ta nói, “Nghe điều này là tốt, nghe điều kia là xấu”. Nếu bạn đang cầu nguyện và có đứa trẻ bắt đầu cười thì đó là một sự quấy nhiễu - bởi vì bạn không thể hình dung rằng giữa việc bạn đang cầu nguyện và đứa trẻ đang cười lại không có sự xung đột nào; cả hai đều là một phần của cái toàn bộ lớn hơn.

Hãy thử điều này: hãy hoàn toàn tỉnh táo, hoàn toàn nhận biết. Đừng tập trung. Mọi sự tập trung đều gây ra mệt mỏi, bạn cảm thấy bị mệt bởi vì bạn đang ép buộc năng lượng theo cách phi tự nhiên. Nhận biết đơn thuần bao gồm tất cả. Khi bạn thụ động và trong trạng thái không-làm thì mọi thứ xảy ra xung quanh bạn. Không có gì quấy nhiễu bạn và không có gì né tránh bạn. Mọi thứ xảy ra và bạn biết điều đó, bạn chứng kiến nó.

Một tiếng ồn xuất hiện: nó xảy ra với bạn, nó di chuyển trong bạn, rồi nó trôi qua, và bạn vẫn giữ nguyên như bạn đã là. Giống như trong một căn phòng trống: nếu không có ai ở đây thì giao thông vẫn diễn ra, tiếng ồn sẽ vào căn phòng này, rồi trôi đi và căn phòng vẫn không bị ảnh hưởng, như thể không có gì xảy ra. Trong nhận biết thụ động, bạn giữ nguyên không bị ảnh hưởng. Mọi thứ không ngừng diễn ra; chỉ đi ngang qua bạn, nhưng không bao giờ chạm vào bạn. Bạn vẫn nguyên vẹn không bị chạm đến. Khi tập trung căng thẳng, mọi thứ chạm đến bạn, gây ấn tượng lên bạn.

Một điểm nữa về vấn đề này. Trong tâm lý phương Đông chúng ta có một từ, sanskar - điều kiện. Nếu bạn đang tập trung vào điều gì đó bạn sẽ bị đặt điều kiện, bạn sẽ có một sanskar, bạn sẽ bị ấn tượng bởi một cái gì đó. Nếu bạn đơn thuần nhận biết - nhận biết một cách thụ động, không tập trung, không tập trung chính mình, chỉ có đó - không có gì đặt điều kiện với bạn. Thế thì bạn không tích lũy bất cứ sanskar nào, bạn không tích lũy bất cứ ấn tượng nào. Bạn vẫn giữ nguyên trong trắng, thuần khiết, không bị chạm đến; không có gì chạm được bạn. Nếu người nào có thể nhận biết thụ động, người đó trải qua thế gian này nhưng thế gian này không bao giờ trải qua người đó. 
Bokuju, một bậc thầy Zen đã từng nói, “Hãy đi và băng qua dòng suối, nhưng không cho phép nước chạm vào bạn”. Và gần tu viện của ông không có cây cầu nào bắc qua dòng suối đó.

Nhiều người chắc đã thử, nhưng khi họ băng qua, tất nhiên nước sẽ chạm vào họ. Thế nên vào một ngày một vị tu sĩ đến và nói, “Thầy trao chúng tôi một bài toán khó. Chúng tôi cố băng qua dòng suối đó mà không có cây cầu nào. Nếu có một cây cầu, tất nhiên chúng tôi có thể băng qua mà không chạm vào nước. Nhưng chúng tôi phải băng qua dòng suối và bị nước chạm vào”.

Thay vậy, Bokuju nói, “Tôi sẽ đến và tôi sẽ băng qua và bạn quan sát xem”. Và Bokuju đã băng qua. Tất nhiên, nước chạm vào chân ông, và họ nói, “Nhìn xem, nước đã chạm vào thầy!”

Bokuju nói, “Theo những gì tôi biết, nó đã không chạm vào tôi. Tôi chỉ là một người chứng kiến. Nước đã chạm vào chân tôi chứ không phải tôi. Tôi chỉ đang chứng kiến”,

Với sự tỉnh táo thụ động, với sự chứng kiến, bạn trải qua thế gian. Bạn ở trong thế gian nhưng thế gian không ở trong bạn.


Mục lục chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho