Chương 57: Tìm kiếm tự do.
Sách của những bí mật - Tập 4
Book of secrets - Volume 4
Osho
Chương 57: Tìm kiếm tự do.
28 tháng 6 năm 1973, buổi tối tại Bombay, Ấn Độ
84. Hãy từ bỏ sự gắn bó với cơ thể, nhận ra mình ở khắp mọi nơi. Người nào ở khắp mọi nơi thì vui sống.
85. Không nghĩ đến điều gì thì sẽ không bị giới hạn bởi cái giới hạn.
Tôi đã nghe câu chuyện về một vị bác sĩ già. Vào một ngày viên trợ lý của ông đã gọi điện cho ông vì đang gặp tình huống rất khó - bệnh nhân của ông ta đang bị nghẹt thở sắp chết. Một quả bóng bida bị tắc trong cổ họng ông ta, và viên trợ lý lúng túng không biết phải làm gì. Cho nên anh ta hỏi vị bác sĩ già, “Bây giờ tôi nên làm gì?” Vị bác sĩ già nói, “Lấy cái lông chim ngoáy cho bệnh nhân”.
Sau ít phút người trợ lý gọi điện lại, rất vui và phấn chấn, anh ta nói, “Phép chữa của ông đã tỏ ra tuyệt vời - bệnh nhân bắt đầu cười và khạc ra quả bóng. Nhưng hãy nói cho tôi ông học ở đâu ra kỹ thuật khác thường này”.
Vị bác sĩ già nói, “Tôi vừa phát minh ra. Đây luôn luôn là phương châm của tôi: khi bạn không biết làm gì thì cứ làm một cái gì đó”.
Nhưng liên quan đến thiền thì điều này sẽ không tác dụng gì. Nếu bạn không biết làm gì thì đừng làm bất cứ điều gì, bởi vì tâm trí rất rắc rối, phức tạp, nhạy cảm. Nếu bạn không biết làm gì thì tốt hơn là đừng làm gì, bởi vì bất cứ điều gì bạn làm mà không biết thì sẽ gây ra nhiều phức tạp hơn là có thể giải quyết. Thậm chí điều đó còn chứng tỏ là tai họa, có thể dẫn đến tự sát.
Nếu bạn không biết gì về tâm trí... Và thực ra bạn không biết bất cứ điều gì về nó. Tâm trí chỉ là một từ. Bạn không biết sự phức tạp của nó. Tâm trí là thứ phức tạp nhất trên đời; không gì có thể so sánh với nó. Và nó là thứ nhạy cảm nhất - bạn có thể hủy hoại nó, bạn có thể làm một cái gì đó mà sau đó không thể khắc phục lại. Những kỹ thuật này cơ bản dựa trên một sự hiểu biết rất sâu sắc, một sự đối mặt rất trực tiếp với tâm trí con người. Mỗi kỹ thuật đều dựa trên sự thử nghiệm lâu dài.
Nên nhớ điều này, đừng tự làm bất cứ điều gì, và đừng trộn lẫn hai kỹ thuật, bởi vì chức năng của chúng là khác nhau, các cách thức của chúng là khác nhau, những nền tảng của chúng là khác nhau. Chúng dẫn tới cùng một mục tiêu, nhưng như là phương tiện thì chúng hoàn toàn khác. Đôi khi chúng thậm chí còn tuyệt đối đối nghịch. Cho nên đừng trộn lẫn hai kỹ thuật. Thực ra là đừng trộn lẫn bất cứ thứ gì - hãy sử dụng kỹ thuật như nó được đưa ra.
Đừng thay đổi nó, đừng cải tiến nó, bởi vì bạn không thể cải tiến nó và bất cứ sự thay đổi nào bạn mang tới nó cũng sẽ là tai họa. Và trước khi bạn bắt đầu thực hành một kỹ thuật, hãy hoàn toàn chắc chắn là bạn đã hiểu nó. Nếu bạn cảm thấy bối rối và không biết kỹ thuật này thực sự là gì thì tốt hơn là đừng thực hành nó, bởi vì mỗi một kỹ thuật là để mang đến một cuộc cách mạng trong bạn.
Những kỹ thuật này không mang tính tiến hóa. Khi dùng từ ‘tiến hóa’ ý tôi nói rằng nếu bạn không thực hành bất kỳ điều gì và chỉ cứ sống, thì thiền sẽ tự động xảy ra với bạn trong hàng triệu năm, trong hàng triệu kiếp bạn sẽ tiến hóa. Trong dòng chảy thời gian tự nhiên, bạn sẽ tới điểm mà vị Phật tới thông qua một cuộc cách mạng. Những kỹ thuật này mang tính cách mạng. Thực ra chúng là những dạng đường tắt; chúng không tự nhiên. Tự nhiên sẽ dẫn bạn tới tính Phật, tới sự chứng ngộ - bạn sẽ tới đó vào một ngày - nhưng điều đó tùy thuộc vào tự nhiên; bạn không thể làm gì về điều đó ngoại trừ tiếp tục sống trong đau khổ. Sẽ mất một thời gian rất dài; thực ra là hàng triệu năm và hàng triệu kiếp.
Tôn giáo là cách mạng. Nó trao cho bạn một kỹ thuật để có thể rút ngắn quá trình dài vô tận đó, và với nó bạn có thể thực hiện một cú nhảy - một cú nhảy sẽ tránh được hàng triệu kiếp. Chỉ vẻn vẹn một khoảnh khắc bạn có thể du hành hàng triệu năm. Cho nên điều đó là nguy hiểm, và nếu bạn không hiểu đúng nó thì đừng thực hành nó. Đừng tự ý trộn lẫn bất cứ thứ gì. Đừng thay đổi.
Đầu tiên cố gắng hiểu kỹ thuật một cách tuyệt đối đúng đắn. Khi bạn đã hiểu nó thì hãy thử nó. Và đừng sử dụng phương châm của vị bác sĩ già kia rằng khi bạn không biết làm như thế nào, thì cứ làm một cái gì đó. Không, đừng làm bất cứ điều gì. Với bạn không làm sẽ lợi ích hơn là làm bất cứ điều gì. Điều này là thế, bởi vì tâm trí quá nhạy bén đến mức nếu bạn làm một cái gì đó sai thì rất khó khắc phục lại - rất khó làm lại. Làm điều gì đó sai là rất dễ, nhưng rất khó khắc phục lại. Nên nhớ điều này.
Kỹ thuật đầu tiên:
Hãy từ bỏ sự gắn bó với cơ thể, nhận ra mình ở khắp mọi nơi. Người nào ở khắp mọi nơi thì vui sống.
Hãy từ bỏ sự gắn bó với cơ thể, nhận ra mình ở khắp mọi nơi. Người nào ở khắp mọi nơi thì vui sống. Có nhiều điểm phải được hiểu. Đầu tiên: Hãy từ bỗ sự gắn bó với cơ thể. Luôn có một sự gắn bó sâu sắc với cơ thể - buộc phải như thế, đó là điều tự nhiên. Bạn đã sống trong cơ thể nhiều, nhiều kiếp, ngay từ lúc ban đầu. Các cơ thể đã thay đổi, nhưng bạn đã luôn có một cơ thể, bạn đã luôn được hóa thân.
Đã có những thời điểm và thời gian nào đó bạn không được hóa thân, nhưng khi đó bạn không ý thức. Khi bạn chết từ một cơ thể, bạn chết trong vô thức và sau đó bạn vẫn giữ nguyên vô thức. Thế rồi bạn lại ra đời trong một cơ thể mới, nhưng khi đó bạn cũng là vô thức. Khoảng trống giữa một cái chết và một sự ra đời là vô thức, nên bạn không biết bạn sẽ cảm nhận thế nào khi bạn không được hóa thân. Bạn không biết mình là ai khi bạn không trong một cơ thể. Bạn chỉ biết một hiện tượng, và đó là sự hóa thân; bạn đã luôn luôn biết bản thân mình trong cơ thể.
Điều này đã diễn ra quá lâu dài và liên tục đến mức bạn đã quên rằng bạn khác với cơ thể. Đây là một sự lãng quên, nhưng đó là điều tự nhiên, buộc phải xảy ra trong nhiều hoàn cảnh và do vậy mà có sự gắn bó. Bạn cảm thấy mình là cơ thể - đây là sự gắn bó. Bạn cảm thấy rằng mình không là gì khác ngoài cơ thể, không là gì khác hơn cơ thể. Bạn có thể không đồng ý với tôi điểm này, bởi vì nhiều lần bạn nghĩ rằng mình không là cơ thể, mình là linh hồn, cái ta. Nhưng đây không phải là cái biết của bạn; đây đơn giản là những gì bạn đã nghe, những gì bạn đã đọc, và những gì bạn đã tin mà không biết.
Thế nên đầu tiên bạn phải nhận ra thực tế rằng bạn là cơ thể, đây là cái biết thực sự của bạn. Đừng tự đánh lừa mình, bởi vì sự đánh lừa sẽ không ích gì. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã biết mình không phải là cơ thể, thì bạn không thể bỏ sự gắn bó sang bên, bởi vì thực ra với bạn không có sự gắn bó, bạn đã biết. Thế rồi nảy sinh nhiều khó khăn, mà chúng không thể được giải quyết. Khó khăn phải được giải quyết ngay lúc ban đầu. Một khi bạn bỏ lỡ sự khởi đầu, bạn không bao giờ giải quyết được nó; bạn phải quay trở lại sự khởi đầu. Vậy hãy nhớ rõ và nhận rõ rằng bạn không biết mình như là thứ gì đó khác với cơ thể. Đây là sự nhận ra cơ bản đầu tiên.
Không có sự nhận ra này. Tâm trí bạn bị lừa bịp bởi bất cứ điều gì bạn đã nghe; tâm trí bạn được huấn luyện bởi kiến thức của những người khác - nó là vay mượn, nó không thực. Không phải nó là giả - những người đã nói nó, họ đã biết nó - nhưng với bạn thì nó là giả trừ khi nó trở thành trải nghiệm của riêng bạn. Cho nên bất cứ khi nào tôi nói một cái gì đó là giả, ý tôi nói nó không phải là kinh nghiệm của bạn. Với ai đó khác nó có thể là thật, nhưng với bạn nó không thật. Và theo nghĩa này thì sự thật có tính cá nhân - rằng sự thật là sự thật chỉ khi được trải nghiệm; chưa trải nghiệm thì không phải là thật, Không có những sự thật phổ quát. Mọi sự thật phải có tính cá nhân trước khi nó trở nên đúng.
Bạn biết, bạn đã nghe. Bạn không phải là cơ thể, đây là một phần kiến thức của bạn, một phần di sản, nhưng với bạn điều đó không thực. Đầu tiên hãy để sang bên kiến thức không thực này. Hãy đối mặt với thực tế rằng bạn biết mình chỉ như là cơ thể. Điều đó sẽ gây ra sự căng thẳng ghê gớm trong bạn - chỉ để giấu sự căng thẳng đó mà bạn đã thu thập kiến thức này. Bạn vẫn cứ tin rằng bạn không phải là cơ thể
và bạn vẫn cứ sống như là cơ thể, thế nên bạn bị chia, và toàn bộ con người bạn trở nên không thực, trở nên giả.
Thực ra đây là một chứng bệnh hoang tưởng. Bạn sống như cơ thể và bạn nghĩ và nói như linh hồn - rồi có một sự vật lộn và xung đột, và bạn thường xuyên bị rối loạn bên trong, bị bất ổn ghê gớm mà không thể khỏa lấp. Cho nên đầu tiên phải đối mặt với thực tại rằng bạn không biết gì về linh hồn, về cái ta - mọi thứ bạn biết là về cơ thể.
Điều này sẽ giải tỏa một tình cảnh rất không thoải mái trong bạn. Mọi thứ ẩn giấu sẽ nổi lên bề mặt. Với sự nhận ra thực tế rằng bạn là cơ thể, bạn sẽ bắt đầu toát mồ hôi theo đúng nghĩa đen. Khi nhận ra thực tế rằng bạn là cơ thể, bạn sẽ cảm thấy rất không thoải mái, lạ lẫm, nhưng bạn phải trải qua cảm giác đó; chỉ khi đó bạn mới có thể biết sự gắn bó với cơ thể có nghĩa là gì.
Nhiều người thầy vẫn cứ nói rằng bạn không nên gắn bó với cơ thể mình, nhưng vấn đề cơ bản - sự gắn bó với cơ thể là gì - bạn còn chưa biết. Sự gắn bó với cơ thể là một sự đồng nhất sâu với cơ thể, nhưng đầu tiên bạn phải biết sự đồng nhất này là gì. Vậy hãy đặt sang bên mọi kiến thức mà nó đã trao cho bạn một cảm giác ảo tưởng rằng bạn là linh hồn. Hãy nhận ra rằng bạn chỉ biết một thứ, đó là cơ thể. Làm sao điều này có thể tạo ra và làm sao điều này giải tỏa sự bấn loạn và địa ngục tàng ẩn bên trong bạn?
Khi nhận ra mình là cơ thể, bạn nhận ra sự gắn bó đó lần đầu tiên. Lần đầu tiên bạn nắm bắt được thực tế trong ý thức của mình rằng cơ thể này được sinh ra, rồi cơ thể này sẽ chết, nó chính là bạn. Lần đầu tiên bạn nhận ra thực tế rằng những xương này, những xương kia - là bạn. Lần đầu tiên bạn nhận ra thực tế rằng dục tính này, sự giận dữ này - là bạn. Cho nên mọi hình ảnh giả rơi xuống. Bạn trở nên thật.
Thực tại này thật đau đớn, rất đau đớn - chính vì vậy mà chúng ta cứ giấu nó. Đó là một mánh khóe. Bạn vẫn cứ nghĩ về mình như là cái ta, và mọi thứ bạn không thích, bạn quăng hết lên cơ thể. Cho nên bạn nói dục tính thuộc về cơ thể, tình yêu thuộc về bạn. Rồi bạn nói lòng tham và giận dữ thuộc về cơ thể, lòng từ bi thuộc về bạn. Lòng từ bi thuộc về cái ta, sự tàn bạo thuộc về cơ thể. Lòng vị tha thuộc về cái ta, sự giận dữ thuộc về cơ thể. Bất cứ điều gì bạn cảm thấy sai trái, xấu xa, bạn quăng lên cơ thể, và bất cứ điều gì bạn cảm thấy đẹp, bạn cứ tiếp tục đồng nhất với nó. Bạn tạo ra sự phân chia.
Sự phân chia này sẽ không cho phép bạn biết sự gắn bó là gì, và nếu bạn không biết sự gắn bó là gì, và nếu bạn không chịu đựng nỗi khổ đau lẫn địa ngục của nó, thì bạn không thể để nó sang bên. Làm sao bạn có thể để nó sang bên? Bạn có thể để một cái gì đó sang bên chỉ khi nó chứng tỏ là một căn bệnh, khi nó chứng tỏ là một gánh nặng, một địa ngục, chỉ khi đó bạn mới có thể đặt nó sang bên.
Sự gắn bó của bạn còn chưa chứng tỏ là một địa ngục. Bất cứ điều gì Đức Phật và Mahavira nói đều không liên quan. Họ có thể liên tục nói rằng sự gắn bó đó là địa ngục, nhưng đây không phải là cảm nhận của bạn. Chính vì vậy mà bạn cứ hỏi đi hỏi lại làm sao được tách ra, làm sao không không bị gắn bó, làm sao vượt lên sự gắn bó. Bạn liên tục hỏi cái ‘làm sao’ này chỉ bởi vì bạn không biết gắn bó là gì. Nếu bạn biết gắn bó là gì, bạn sẽ đơn giản nhảy ra khỏi nó. Bạn sẽ không hỏi ‘làm sao’ nữa.
Nếu ngôi nhà của bạn đang cháy bạn sẽ không hỏi bất cứ ai, bạn sẽ không đi tìm bậc thầy để hỏi làm sao thoát ra khỏi nó. Nếu ngồi nhà đang cháy thì bạn sẽ đơn giản là chạy ra khỏi nó. Bạn sẽ không bỏ lỡ một khoảnh khắc nào. Bạn sẽ không tìm kiếm người thầy, bạn sẽ không tham khảo kinh sách. Bạn sẽ không cố chọn cách nào, chọn phương tiện nào, và ô cửa nào là đúng để mình ra khỏi đó. Những thứ này chẳng ích gì khi mà ngôi nhà đang bốc lửa. Khi ngôi nhà đang cháy bạn mới biết sự gắn bó là gì. Bạn có thể vứt bỏ nó.
Để đi vào kỹ thuật này, đầu tiên bạn phải vứt kiến thức giả về cái ta đi, để sự gắn bó với cơ thể được tiết lộ hoàn toàn. Điều đó sẽ rất khó khăn; đối mặt với nó sẽ là một nỗi đau đớn và lo âu ghê gớm. Điều đó sẽ không dễ dàng, điều đó gian khổ, nhưng khi bạn đối mặt với nó, bạn có thể để nó sang bên. Và không cần thiết phải hỏi làm sao. Nó tuyệt đối là một ngọn lửa, một địa ngục. Bạn có thể nhảy ra khỏi nó.
Câu kinh này nói:
Hãy từ bỏ sự gắn bó với cơ thể, nhận ra mình ở khắp mọi nơi.
Và thời điểm bạn từ bỏ sự gắn bó, bạn sẽ nhận ra mình ở khắp mọi nơi. Vì sự gắn bó này mà bạn cảm thấy mình bị giới hạn bởi cơ thể. Không phải là cơ thể đang giới hạn bạn; đó là sự gắn bó của bạn với nó. Không phải là cơ thể đang tạo ra rào cản giữa bạn và thực tại; đó là sự gắn bó của bạn với nó. Một khi bạn biết sự gắn bó là gì thì nó không còn nữa, đối với bạn không có cơ thể nào. Đúng hơn là toàn bộ tồn tại trở thành cơ thể bạn; cơ thể bạn trở thành một phần của toàn bộ tồn tại. Khi đó nó không còn tách biệt.
Thực ra, cơ thể bạn không là gì mà là tồn tại đến với bạn, tồn tại đã chạm tới bạn. Đó là tồn tại gần bạn nhất, vậy thôi - và nó không ngừng trải rộng. Cơ thể bạn chỉ là góc gần nhất của nó, và toàn bộ tồn tại có đó - nó không ngừng trải rộng. Một khi sự gắn bó của bạn không còn, thì không còn cơ thể nào đối với bạn; hay, toàn bộ tồn tại đã trở thành cơ thể bạn. Bạn ở mọi nơi.
Trong cơ thể, bạn ở đâu đó; ngoài cơ thể, bạn ở mọi nơi. Trong cơ thể, bạn bị giới hạn trong một không gian cụ thể; ngoài cơ thể bạn không còn sự giới hạn nào. Chính vì vậy mà những người đã biết, họ nói cơ thể là ngục tù. Không phải cơ thể là ngục tù; thực ra, sự gắn bó với nó là ngục tù. Khi mắt bạn không tập trung vào cơ thể, bạn ở mọi nơi.
Điều này có vẻ ngớ ngẩn. Đối với tâm trí thì ai ở trong cơ thể, điều này có vẻ ngớ ngẩn, điên khùng - làm sao con người có thể ở mọi nơi? Đối với một vị Phật, khi chúng ta nói rằng “tôi ở đây” lại có vẻ điên khùng. Làm sao bạn có thể ở nơi nào đó? Ý thức không phải là một khái niệm về không gian. Vì thế, nếu bạn nhắm mắt và cố tìm ra bạn ở đâu trong cơ thể mình, bạn sẽ bối rối. Bạn không thể tìm ra mình ở đâu.
Từng có nhiều tôn giáo và nhiều giáo phái đã thuyết giảng rằng bạn ở rốn. Có tôn giáo nói rằng bạn ở trái tim, lại có tôn giáo khác nói rằng bạn ở trong đầu, tôn giáo khác nữa nói rằng bạn ở trung tâm này và trung tâm kia, nhưng Shiva nói bạn không ở đâu cả. Chính vì vậy, nếu bạn nhắm mắt lại và cố tìm cho ra mình ở đâu, bạn không thể nói được. Bạn tồn tại, nhưng với bạn không có “ở đâu”. Bạn chỉ đơn giản tồn tại.
Trong giấc ngủ sâu bạn không nhận biết về cơ thể. Bạn là như vậy. Buổi sáng bạn sẽ nói rằng giấc ngủ rất sâu, rất tuyệt. Bạn nhận biết về niềm vui sướng đang lan tỏa, nhưng bạn không nhận biết về cơ thể. Bạn ở đâu trong giấc ngủ sâu? Khi bạn chết, bạn đi đâu? Mọi người cứ liên tục hỏi, “Khi ai đó chết, người đó đi đâu?” Nhưng câu hỏi là ngớ
ngẩn, nực cười. Nó liên quan tới ý thức hóa thân của chúng ta, bởi vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta ở nơi nào đó, nên khi chúng ta chết, chúng ta đi đâu? - không đi đâu cả.
Khi bạn chết bạn không ở đâu, thế thôi. Bạn không bị giới hạn trong một không gian, thế thôi. Nhưng nếu bạn có một ham muốn được giới hạn, bạn sẽ lại bị giới hạn. Ham muốn của bạn dẫn bạn tới những giới hạn mới. Nhưng khi bạn không trong cơ thể, bạn không ở đâu cả, hoặc là, ở mọi nơi - điều này tùy thuộc vào ngôn từ nào bạn thích dùng.
Nếu bạn hỏi Đức Phật, người sẽ nói bạn không ở đâu. Chính vì vậy mà người chọn từ ‘niết bàn’. Niết bàn có nghĩa là bạn không ở đâu. Chỉ như ngọn lửa đã biến đi - làm sao bạn có thể nói ngọn lửa đã biến đi đâu? Người sẽ nói nó không ở đâu. Ngọn lửa đơn giản đã ngừng hiện hữu. Đức Phật sử dụng thuật ngữ phủ định - không nơi nào. Điều đó có nghĩa là niết bàn. Khi bạn không gắn bó với cơ thể, bạn ở trong niết bàn, bạn không ở đâu cả.
Shiva chọn thuật ngữ khẳng định - ngài nói ở mọi nơi - nhưng cả hai thuật ngữ đều có nghĩa như nhau. Nếu bạn ở mọi nơi, bạn không thể ở nơi nào. Nếu bạn ở mọi nơi, câu nói đó gần tương tự như câu nói bạn không ở nơi nào.
Nhưng khi trong cơ thể, chúng ta bị lệ thuộc, và chúng ta cảm thấy rằng chúng ta bị giới hạn. Sự giới hạn này thuộc về tinh thần; Điều đó là tùy vào bạn. Bạn có thể giới hạn mình với bất cứ thứ gì. Bạn có một viên kim cương giá trị. Con người bạn có thể bị giới hạn với nó, và nếu viên kim cương này bị đánh cắp thì có thể bạn tự tử hoặc bạn có thể hỏa điên. Điều gì đã xảy ra? Có rất nhiều người không có viên kim cương nào: không có ai đang tự sát, không có ai đang cảm thấy bất cứ khó khăn nào khi không có kim cương,
nhưng điều gì đã xảy ra với bạn?
Trước đây bạn cũng không có kim cương nhưng không có vấn đề gì. Bây giờ bạn lại không có kim cương, nhưng có vấn đề. Vì sao lại có vấn đề này? Đó là việc riêng của bạn. Bây giờ bạn bị lệ thuộc, bị giới hạn. Viên kim cương đã trở thành cơ thể bạn. Giờ đây bạn không thể sống mà không có nó; sổng thiếu nó là điều không thể.
Bất cử ở đâu bạn gắn bó, nơi đó trở thành một ngục tù mới. Và bất cứ điều gì chúng ta đang làm trong cuộc sống đều là thế này: chúng ta không ngừng tạo ra nhiều ngục tù hơn, sống trong những nhà tù ngày càng lớn hơn. Rồi chúng ta liên tục trang hoàng những nhà tù đó để chúng nhìn giống như ngôi nhà, và chúng ta hoàn toàn quên rằng chúng là những nhà tù.
Câu kinh này nói rằng nếu bạn từ bỏ sự gắn bó với cơ thể thì bạn sẽ nhận ra mình ở mọi nơi. Bạn có một cảm giác bao la như đại dương, tâm thức bạn tồn tại mà không định vị ở bất cứ nơi đâu. Tâm thức bạn tồn tại mà không bị ràng buộc vào bất cứ đâu. Bạn trở nên giống như bầu trời bao phủ tất cả; mọi thứ đều ở trong bạn. Tâm thức bạn đã trải rộng tới khả năng vô hạn. Và câu kinh này nói:
Người nào ở khắp mọi nơi thì vui sống.
Bạn sẽ đau khổ khi bị giới hạn trong một không gian, bởi vì bạn luôn luôn lớn hơn nơi bạn bị giam hãm. Đây là đau khổ - như thể bạn đang tự ép mình thành cái bát nhỏ; đại dương đang bị ép thành cái ao nhỏ. Buộc phải có đau khổ. Đây là đau khổ, và bất cứ khi nào đau khổ này được cảm nhận, thì sự tìm kiếm chứng ngộ, sự tìm kiếm Brahma nảy sinh. Brahma có nghĩa là cái nhất thể vô hạn. Sự tìm kiếm moksha có nghĩa là sự tìm kiếm tự do. Trong một cơ thể giới hạn bạn không thể tự do; khi ở đâu đó thì bạn sẽ là một nô lệ. Khi không ở nơi nào hay ở khắp mọi nơi thì bạn mới có thể tự do.
Hãy nhìn vào tâm trí con người xem: dù chiều hướng nào đi nữa thì cũng luôn luôn vì tự do, tìm kiếm tự do. Có thể là chính trị, có thể là kinh tế, có thể là tâm lý, có thể là tôn giáo - dù là chiều hướng nào thì tâm trí con người cũng luôn dò dẫm tự do. Tự do dường như là nhu cầu sâu sắc nhất. Bất cứ ở đâu tâm trí con người thấy rào cản, thấy sự nô lệ, sự giới hạn, thì nó cũng chống lại. Toàn bộ lịch sử loài người là một cuộc đấu tranh vì tự do.
Những chiều hướng có thể khác nhau. Một vị Marx, một vị Lenin, họ đang chiến đấu vì tự do kinh tế. Một vị Gandhi, một vị Lincoln, họ đang chiến đấu vì tự do chính trị. Và có hàng ngàn và hàng ngàn sự nô lệ, và cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Nhưng một điều là chắc chắn - ở nơi nào đó sâu bên trong, con người đang không ngừng tìm kiếm tự do nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
Shiva nói, và mọi tôn giáo cũng nói rằng bạn có thể trở nên tự do về chính trị, nhưng cuộc đấu tranh sẽ không chấm dứt. Duy nhất một dạng nô lệ sẽ không còn, nhưng lại có những dạng nô lệ khác, và khi bạn tự do về chính trị thì bạn sẽ trở nên nhận ra những dạng nô lệ khác. Sự nô lệ về kinh tế có thể chấm dứt, nhưng khi đó bạn sẽ trở nên nhận ra những dạng nô lệ khác - tình dục, tâm lý. Cuộc chiến này không thể chất dứt trừ khi bạn bắt đầu cảm nhận và biết rằng mình ở mọi nơi. Thời điểm bạn cảm nhận mình ở mọi nơi, bạn đạt được tự do.
Tự do này không phải về mặt chính trị, kinh tế hay xã hội. Tự do này thuộc về sự sống. Tự do này là toàn bộ. Chính vì vậy mà chúng ta đã gọi nó là moksha, tự do tuyệt đối. Và chỉ khi đó bạn mới có thể vui sướng. Chỉ khi bạn hoàn toàn tự do thì mới có thể có niềm vui hay niềm phúc lạc.
Thực ra, trở nên hoàn toàn tự do có nghĩa là niềm vui. Niềm vui này không phải là một hệ quả, nó là chính sự kiện. Khi bạn tự do hoàn toàn thì bạn vui sướng, bạn hạnh phúc. Niềm hạnh phúc này đang không xảy ra như một hệ quả. Tự do là hạnh phúc, lệ thuộc là đau khổ. Thời điểm bạn cảm thấy bị giới hạn, bạn đau khổ; bất cứ khi nào bạn cảm thấy bị giới hạn, bạn cảm thấy đau khổ. Khi bạn cảm thấy không còn bị giới hạn, đau khổ biến mất. Cho nên đau khổ tồn tại là do những rào cản, và niềm vui sướng tồn tại trong mảnh đất không có rào chắn, trong sự sống không giới hạn.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy tự do, niềm vui này xảy đến với bạn. Ngay cả bây giờ, bất cứ khi nào bạn cảm thấy có tự do nào đó, thậm chí nếu nó không trọn vẹn, thì niềm vui cũng đến với bạn. Tại sao điều này xảy ra? Thực ra, bất cứ khi nào bạn yêu ai đó, bạn đã dẹp sự gắn bó với cơ thể của mình sang bên. Theo một nghĩa sâu xa, lúc này cơ thể người kia cũng trở thành cơ thể bạn. Bây giờ bạn không còn bị giới hạn bởi chính cơ thể mình; cơ thể người kia cũng đã trở thành cơ thể bạn, nó cũng đã trở thành nhà bạn, nó cũng đã trở thành nơi cư ngụ của bạn. Bạn cảm thấy tự do. Bây giờ bạn có thể đi vào người kia và người kia có thể đi vào bạn. Trong một chừng mức nhất định, rào cản đã rơi xuống. Bạn rộng lớn hơn trước.
Khi bạn yêu ai đó bạn rộng lớn hơn bao giờ hết; con người bạn đã lớn thêm, đã trải rộng. Tâm thức bạn không bị hạn chế như trước đó; nó đã chạm tới một địa hạt mới. Bạn cảm nhận một sự tự do nào đó trong tình yêu. Nó không trọn vẹn, và sớm hay muộn bạn sẽ cảm thấy lại bị giới hạn.
Bạn cảm thấy được trải rộng, nhưng vẫn giới hạn. Cho nên những người thực sự yêu, sớm hay muộn cũng buộc phải đi vào cầu nguyện.
Cầu nguyện có nghĩa là một tình yêu lớn hơn. Cầu nguyện có nghĩa là tình yêu với toàn bộ tồn tại. Bây giờ bạn biết bí mật. Bạn biết chìa khóa, chìa khóa bí mật - rằng bạn đã yêu một người, và thời điểm bạn yêu, những ô cửa mở ra và các rào cản biến mất, ít nhất với một người, con người bạn được trải rộng, được lớn lên. Bây giờ bạn biết chìa khóa bí mật này. Nếu bạn có thể yêu toàn bộ tồn tại, bạn sẽ không còn là cơ thể.
Trong tình yêu sâu sắc bạn trở nên phi cơ thể. Khi bạn yêu ai đó bạn không cảm thấy mình như là một cơ thể. Khi bạn không còn yêu, khi bạn đang không yêu, bạn cảm thấy mình như là một cơ thể, bạn trở nên nhận biết cơ thể nhiều hơn. Cơ thể trở thành một gánh nặng; bạn phải mang nó. Khi bạn yêu, cơ thể không còn trọng lượng. Khi bạn yêu và đang trong tình yêu, bạn không cảm thấy lực hấp dẫn tác động lên mình. Bạn có thể nhảy múa, bạn có thể thực sự bay lên. Theo một nghĩa sâu sắc hơn, cơ thể không còn nữa - nhưng đây vẫn còn là sự hạn chế. Điều tương tự cũng có thể xảy ra khi bạn đang yêu toàn bộ tồn tại.
Trong tình yêu, niềm vui đến với bạn. Nó không phải là niềm khoái cảm. Nên nhớ, niềm vui không phải là niềm khoái cảm. Niềm khoái cảm đến với bạn thông qua các giác quan; niềm vui đến với bạn không thông qua giác quan. Những khoái cảm đến với bạn thông qua cơ thể; niềm vui đến với bạn khi bạn không là cơ thể. Trong khoảnh khắc, khi mà cơ thể đã biến mất và bạn đơn giản là tâm thức, thì niềm vui đến với bạn. Khi bạn là cơ thể, niềm khoái cảm có
thể xảy ra với bạn. Nó luôn luôn thông qua cơ thể. Nỗi đau, niềm khoái cảm có thể thông qua cơ thể. Chỉ có thể có niềm vui khi bạn không là cơ thể.
Điều đó xảy ra theo cách bình thường, và ngẫu nhiên nữa. Bạn đang nghe nhạc và bỗng nhiên lực hấp dẫn không còn. Bạn quá thu hút vào nó, bạn đã quên cơ thể mình. Bạn ngập chìm trong âm nhạc và bạn đã trở thành một với âm nhạc. Không có người nghe nữa: người nghe và việc nghe đã trở thành một. Chỉ có âm nhạc tồn tại; bạn không còn nữa. Bạn đã trải rộng khắp. Lúc này bạn đang tuôn chảy cùng những nốt nhạc, lúc này không có giới hạn nào đối với bạn. Những nốt nhạc đang tan biến vào tĩnh lặng, và bạn cũng đang tan biến vào tĩnh lặng cùng với chúng. Cơ thể bị lãng quên.
Bất cứ khi nào cơ thể bị lãng quên, được để sang bên một cách tình cờ, không chủ ý thì niềm vui xảy đến với bạn. Thông qua Tantra và Yoga bạn có thể thực hành điều đó theo phương pháp. Thế thì đó không phải là tình cờ; khi đó bạn là người làm chủ nó. Không phải nó xảy đến với bạn mà bạn có chìa khóa trong tay và bạn có thể mở ô cửa bất cứ lúc nào bạn muốn. Hoặc là, bạn có thể mở ô cửa mãi mãi và vứt chìa khóa đi; không cần khép ô cửa lại nữa.
Niềm vui cũng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nhưng bạn không biết nó xảy ra như thế nào. Hiện tượng này luôn xảy ra khi bạn không là cơ thể - nên nhớ điều này. Cho nên bất cứ khi nào bạn cảm thấy niềm vui ập đến, hãy trở nên nhận biết xem bạn có là cơ thể trong giây phút đó hay không. Bạn sẽ không như thế. Bất cứ lúc nào có niềm vui thì không có cơ thể. Không phải là cơ thể biến mất - cơ thể còn nguyên, nhưng bạn không gắn bó với nó. Bạn không bị thu hút tới nó, bạn không bị ràng buộc với nó. Bạn đã nhảy ra khỏi nó.
Cơ thể bạn đã nhảy ra ngoài bởi âm nhạc, có thể bạn đã nhảy ra ngoài bởi bình minh đẹp, có thể bạn đã nhảy ra ngoài bởi đứa trẻ đang vui cười, có thể bạn đã nhảy ra ngoài bởi bạn đang yêu. Dù nguyên nhân là gì, bạn cũng đã nhảy ra trong một khoảnh khắc - ra khỏi cơ thể. Cơ thể có đó, nhưng được để sang bên; bạn không bị thu hút tới nó. Bạn đã thực hiện một chuyến bay.
Thông qua kỹ thuật này bạn biết rằng người nào mà ở mọi nơi thì không thể đau khổ; người đó vui sướng, người đó là niềm vui. Cho nên bạn càng trở nên bị giới hạn thì bạn càng đau khổ. Hãy trải rộng, đẩy những đường biên của bạn ra xa, và bất cứ lúc nào bạn có thể, hãy để cơ thể sang một bên. Bạn nhìn vào bầu trời và những đám mây đang trôi: di chuyển cùng những đám mây này, để cơ thể lại đây, trên mặt đất. Và trăng ở đó: hãy di chuyển cùng với trăng. Bất cứ lúc nào bạn có thể quên cơ thể, đừng bỏ lỡ cơ hội - hãy tiếp tục trên hành trình. Và rồi bạn sẽ trở nên quen với những gì là ý nghĩa khi ra khỏi cơ thể.
Và đây chỉ là vấn đề về sự chú ý. Sự thu hút là một vấn đề về chú ý. Nếu bạn chú ý tới cơ thể thì bạn bị thu hút. Nếu sự chú ý đã rời khỏi, bạn không còn bị thu hút.
Ví dụ, hãy nhìn xem: bạn đang chơi trên sân thể thao; bạn đang chơi khúc côn cầu hay chơi bóng chuyền hay trò gì đó. Khi bạn đang chơi quá say mê, sự chú ý của bạn không còn vào cơ thể. Ai đó đã đánh vào chân bạn và máu đang chảy - bạn không nhận ra. Có cái đau, nhưng bạn không có đó. Máu đang chảy nhưng bạn đang bên ngoài cơ thể. Ý thức bạn, sự chú ý của bạn, có thể đang bay cùng với quả bóng, có thể đang lăn cùng với quả bóng. Sự chú ý của bạn đang ở đâu đó khác. Cuộc chơi kết thúc: bỗng nhiên bạn quay trở lại cơ thể, và thấy máu chảy, thấy đau. Và bạn tự hỏi làm sao điều đó có thể xảy ra - nó đã xảy ra khi nào và nó đã xảy ra như thế nào và tại sao bạn không biết.
Để ở trong cơ thể thì sự chú ý của bạn cần phải ở đó. Vậy hãy nhớ - bất cứ ở đâu có sự chú ý của bạn thì bạn ở đó. Nếu sự chú ý của bạn ở trên những đám mây thì bạn ở đó. Nếu sự chú ý của bạn là ở bông hoa thì bạn ở đó. Nếu sự chú ý của bạn là vào tiền bạc thì bạn có đó. Sự chú ý của bạn là con người bạn. Và nếu sự chú ý của bạn không ở đâu cả thì bạn ở mọi nơi.
Thế nên toàn bộ quá trình thiền là ở trong trạng thái ý thức như thế, khi sự chú ý của bạn không vào đâu cả, không có đối tượng nào cho nó. Khi không có đối tượng cho nó thì không có cơ thể đối với bạn. Sự chú ý của bạn tạo ra cơ thể. Sự chú ý của bạn là cơ thể bạn. Và khi sự chú ý không ở đâu cả thì bạn ở mọi nơi - niềm vui xảy ra với bạn. Nói rằng nó xảy ra với bạn là không hay lắm - bạn là nó. Bây giờ nó không thể rời bạn; nó là chính bản thể bạn. Tự do là niềm vui, chính vì vậy mà tự do được khao khát nhiều đến thế.
Kỹ thuật thứ hai:
Không nghĩ đến điều gì thì sẽ không bị giới hạn bởi cái giới hạn.
Đó là điều tôi đã vừa nói. Nếu không có đối tượng để bạn chú ý thì bạn không ở đâu cả; hoặc là, bạn ở mọi nơi, bạn tự do. Bạn đã trở nên tự do. Câu kinh thứ hai này nói: Không nghĩ gì - hay không có gì để nghĩ thì sẽ không bị giới hạn bởi cái giới hạn.
Nếu bạn đang không nghĩ, bạn không bị giới hạn. Suy nghĩ trao cho bạn một giới hạn, và có nhiều dạng giới hạn. Bạn là một người Hindu - điều đó mang đến một giới hạn. Là người Hindu, trở thành một người Hindu, là bị gắn với một tư tưởng, một hệ thống, một khuôn mẫu. Bạn là một người Cơ đốc - bạn cũng lại bị giới hạn. Một người tâm linh không thể là một người Hindu hay một người Cơ đốc. Và nếu ai đó là người Hindu hay người Cơ đốc thì người đó không phải là tâm linh - không thể - bởi vì đây là những tư tưởng. Người tâm linh có nghĩa là không nghĩ theo tư tưởng; không bị hạn chế bởi bất cứ tư tưởng nào, bởi bất cứ hệ thống nào, bởi bất cứ khuôn mẫu nào; là không bị giới hạn bởi tâm trí, là sống trong không giới hạn.
Khi bạn có một tư tưởng nào đó, tư tưởng đó trở thành rào cản của bạn. Có thể đó là một tư tưởng đẹp - nó vẫn là một rào cản. Một nhà tù đẹp vẫn là một nhà tù. Có thể đó là một tư tưởng vàng nhưng không có gì khác biệt, nó bỏ tù bạn, tất cả đều như vậy. Và bất cứ khi nào bạn có một tư tưởng và bạn bị thu hút vào nó, bạn luôn luôn chống lại ai đó, bởi vì các rào cản không thể tồn tại nếu bạn không chống lại ai đó. Tư tưởng luôn luôn là định kiến; nó luôn luôn là ủng hộ hay chống đối.
Tôi đã nghe về một người đàn ông Cơ đốc, một nông dân nghèo, rất mộ đạo. Ông thuộc về Xã hội của những Người bạn, ông là một tín đồ Quaker. Những tín đồ Quaker là phi bạo lực; họ tin vào tình yêu, tình bạn bè. Ông từ thành phố trở về ngôi làng của mình trên chiếc xe la kéo, rồi bỗng nhiên con la dừng lại mà không có nguyên nhân rõ ràng nào, ông không thể làm cho nó nhúc nhích. Ông đã cố, đã thuyết phục con la theo những cách thức Cơ đốc, ông đã thuyết phục nó theo cách thức rất bạn bè, phi bạo lực. Ông là một tín đồ Quaker: ông không thể đánh con la đó, ông không thể sử dụng những từ thô bạo, không thể si nhục mắng chửi, nhưng ông vô cùng giận dữ. Nhưng làm sao có thể đánh nó? Ông muốn đánh nó, nên ông nói với nó, “Hãy hành xử cho đúng mực, bởi vì ta là một tín đồ Quaker - ta không thế đánh mi, ta không thể mắng chửi mi, ta không thể bạo lực - nhưng nên nhớ, con la kia, ta có thể bán mi cho ai đó không phải là tín đồ Cơ đốc!”
Người Cơ đốc có thế giới riêng của mình, và người không là Cơ đốc thì ngược lại. Người Cơ đốc không thể hình dung rằng người không là Cơ đốc lại có thể đạt tới vương quốc của Thượng đế. Người Hindu không thể hình dung, người Jain không thể hình dung rằng những người khác lại có thể vào địa hạt phúc lạc đó - không thể. Tư tưởng tạo ra một sự giới hạn, một rào cản, một đường biên, và tất cả những người không ủng hộ thì mặc nhiên bị coi là chống đối. Người nào không đồng ý với tôi là chống lại tôi.
Làm sao bạn có thể ở mọi nơi? Bạn có thể cùng với người Cơ đốc; bạn không thể cùng với người không là Cơ đốc. Bạn có thể cùng với người Hindu, nhưng bạn không thể cùng với người không là Hindu, với người Hồi giáo. Tư tưởng chống đối buộc phải ở đâu đó - chống lại ai đó hay cái gì đó. Nó không thể là toàn bộ. Nên nhớ: tư tưởng không thể là toàn bộ; chỉ có phi-tư-tưởng mới là toàn bộ.
Thứ hai: tư tưởng luôn luôn là từ tâm trí, nó luôn luôn là sản phẩm phụ của tâm trí. Nó là thái độ của bạn, sự suy đoán của bạn, định kiến của bạn; nó là phản ứng của bạn, phát biểu của bạn, khái niệm của bạn, triết lý của bạn, nhưng nó không phải là chính cuộc sống. Nó là cái gì đó về sự sống chứ không phải là chính sự sống.
Có một bông hoa. Bạn có thể nói điều gì đó về nó; đó là một ý nghĩ. Bạn có thể nói nó đẹp, bạn có thể nói nó xấu, bạn có thể nói nó linh thiêng, nhưng dù bạn nói gì về bông hoa thì cũng không phải là bông hoa. Bông hoa tồn tại mà không có những ý nghĩ của bạn, và bất cứ khi nào bạn đang nghĩ về bông hoa đó thì bạn cũng đang tạo ra một rào cản giữa bạn và nó.
Bông hoa đó không cần những ý nghĩ của bạn. Nó vẫn tồn tại. Hãy bỏ rơi những ý nghĩ của bạn và chính bạn có thể rơi vào bông hoa. Dẫu bạn nói gì về một bông hồng cũng đều vô nghĩa, dẫu câu nói đó có vẻ quan trọng thế nào thì cũng là vô nghĩa. Những gì bạn nói là không cần thiết. Nó đang không mang đến sức sống nào cho bông hoa. Nó đang tạo ra một màn che giữa bạn và bông hoa; nó đang tạo ra một sự giới hạn. Cho nên bất cứ khi nào có ý nghĩ thì bạn bị ngăn cản; bạn bị khép lại trước tồn tại.
Câu kinh này nói:
Không nghĩ đến điều gì thì sẽ không bị giới hạn bởi cái giới hạn.
Nếu bạn không nghĩ, nếu bạn chỉ đơn giản hiện hữu, đầy tỉnh táo, nhận biết, không có đám mây ý nghĩa nào thì bạn không bị giới hạn. Cơ thể không chỉ là cơ thể duy nhất - còn một cơ thể sâu sắc hơn, đấy là tâm trí. Cơ thể bao gồm vật chất; tâm trí cũng bao gồm vật chất - tinh tế, tinh lọc hơn. Cơ thể là lớp bên ngoài, tâm trí là lớp bên trong. Và tách khỏi cơ thể thì dễ. Tách khỏi tâm trí khó khăn hơn, bởi vì với tâm trí bạn cảm thấy bạn là chính mình hơn.
Nếu ai đó nói rằng cơ thể bạn có vẻ ốm yếu, bạn không cảm thấy bị tổn thương. Bạn không quá gắn bó; nó có một chút tách khỏi bạn. Nhưng nếu ai đó nói tâm trí bạn có vẻ bệnh hoạn, yếu ớt thì bạn cảm thấy tổn thương. Người đó đã xúc phạm bạn. Bạn gần hơn với tâm trí. Nếu ai đó nói điều gì đó về cơ thể bạn thì bạn có thể chịu đựng được. Nếu ai đó nói điều gì đó về tâm trí bạn thì điều đó là không thể tha thứ, bởi vì người đó đã đánh vào sâu hơn.
Tâm trí là lớp bên trong của cơ thể. Tâm trí và cơ thể không phải là hai thứ: lớp bên ngoài của cơ thể bạn là cơ thể và lớp bên trong là tâm trí. Giống như bạn có một ngôi nhà: bạn có thể nhìn thấy ngôi nhà từ bên ngoài, và bạn có thể nhìn thấy ngôi nhà từ bên trong. Từ bên ngoài sẽ nhìn thấy lớp bên ngoài của những bức tường; từ bên trong sẽ nhìn thấy lớp bên trong của chúng. Tâm trí là lớp bên trong của bạn. Nó gần với bạn hơn, nhưng nó vẫn là một cơ thể.
Khi chết, cơ thể ngoài của bạn rơi xuống, nhưng bạn mang lớp tinh tế bên trong cùng với mình. Bạn quá gắn bó với nó đến mức thậm chí cái chết cũng không thể tách bạn khỏi tâm trí mình. Tâm trí vẫn tiếp tục. Chính vì vậy mà những lần ra đời trước của bạn có thể được biết, bởi vì bạn vẫn mang hết các tâm trí mà bạn đã từng có. Chúng có đó. Nếu bạn từng là một con chó, thì tâm trí con chó vẫn cùng với bạn. Nếu bạn có lần đã là cây thì tâm trí cây vẫn cùng với bạn. Nếu bạn đã có lần là một người đàn ông hay một người đàn bà thì bạn mang những tâm trí đó. Bạn mang hết mọi tâm trí đó. Bạn quá gắn bó với chúng đến mức bạn chưa bao giờ mất đi sự níu bám này.
Với cái chết, cơ thể bên ngoài tan rã, nhưng cơ thể bên trong vẫn được mang theo. Nó là một thứ vật chất rất tinh tế. Thực ra, chỉ là những rung động của năng lượng, những rung động của ý nghĩ. Bạn mang chúng và bạn nhập vào một cơ thể mới theo khuôn mẫu suy nghĩ mà bạn mang theo. Theo khuôn mẫu suy nghĩ, khuôn mẫu ước mong, theo tâm trí, bạn lại tạo ra một cơ thể mới cho mình. Bản thiết kế ở trong tâm trí, và lớp bên ngoài lại được tích lũy.
Câu kinh đầu tiên nói hãy đặt cơ thể sang một bên. Câu kinh thứ hai nói hãy đặt tâm trí, cơ thể bên trong sang một bên. Ngay cả cái chết cũng không thể tách bạn - chỉ có thiền mới có thể tách được. Chính vì vậy mà thiền là một cái chết tầm cỡ hơn, nó là một cuộc phẫu thuật sâu hơn - sâu hơn chính cái chết. Đó là lý do tại sao lại quá sợ hãi. Người ta cứ mãi nói về thiền nhưng họ sẽ không bao giờ thực hành. Họ sẽ nói, họ có thể viết về nó, họ có thể thuyết giảng về nó, nhưng họ sẽ không bao giờ thực hành. Tồn tại một nỗi sợ sâu sắc về thiền, và nỗi sợ đó là về cái chết.
Những người thực hành thiền, vào ngày này hay ngày khác, họ sẽ trở nên hoảng sợ bị ném ngược trở lại. Họ đến với tôi và họ nói, “Bây giờ chúng tôi không thể đi vào thêm nữa. Điều đó là không thể”. Sẽ tới lúc người ta cảm thấy mình đang hấp hối. Và chính đó là cái chết sâu hơn bất cứ cái chết nào, bởi vì lúc này cốt lõi sâu nhất đang bị tách ra; sự đồng nhất sâu bên trong đang bị đập tan. Con người cảm thấy mình đang hấp hối; lúc này con người cảm thấy mình đang đi vào phi-tồn-tại. Một vực thẳm mở ra, một sự trống rỗng vô hạn mở ra. Con người hoảng sợ, chạy ngược lại để bám vào cơ thể, để không bị ném đi, bởi vì đất bên dưới đang rung lên, đang bị lấy đi. Một thung lũng như là hư không đang mở ra.
Thế nên nhiều người, nếu họ cố thì họ luôn cố trên bề mặt; họ chơi với thiền. Họ nhận ra một cách vô thức rằng nếu họ đi sâu hơn họ sẽ không còn nữa. Và điều đó đúng, nỗi sợ là có thật - bạn sẽ không là chính mình nữa. Một khi bạn đã biết vực thẳm đó, shoonya đó, sự trống rỗng đó, bạn sẽ không còn như cũ nữa.
Bạn quay trở lại nhưng bạn được hồi sinh thành một con người mới. Con người cũ đã biến mất. Bạn không thể tìm ra ngay cả một dấu vết của nó, nơi nó đã ra đi. Người cũ là sự đồng nhất với tâm trí. Bây giờ bạn không thể đồng nhất với tâm trí. Bây giờ bạn có thể sử dụng tâm trí, bạn có thể sử dụng cơ thể, chúng đã trở thành những công cụ; nhưng bạn ở trên chúng. Bất cứ điều gì bạn làm, bạn có thể làm, nhưng bạn không là một với chúng. Điều này mang đến tự do. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi không nghĩ đến điều gì.
Chà - điều này rất mâu thuẫn - không nghĩ đến điều gì. Bạn có thể nghĩ về nhiều thứ. Làm sao bạn có thể nghĩ về không điều gì? Cái ‘không điều gì’ này có nghĩa là gì? Và làm sao bạn có thể nghĩ về nó? Bất cứ lúc nào bạn nghĩ về một cái gì đó thì nó cũng trở thành một điều, nó trở thành một đối tượng, nó trở thành một ý nghĩ, và những ý nghĩ là những điều. Làm sao bạn có thể nghĩ về không điều gì? Bạn không thể, nhưng với chính nỗ lực - nỗ lực để nghĩ về không điều gì - việc nghĩ sẽ biến mất, việc nghĩ sẽ tan biến.
Bạn có thể đã nghe về những công án Zen. Các bậc thầy Zen trao một câu đố vô lý để người tìm kiếm nghĩ về - và nó là điều gì đó không thể nghĩ được. Nó được trao một cách chủ ý chỉ để dừng việc nghĩ. Ví dụ, họ nói với người tìm kiếm: “Đi và tìm cho ra bộ mặt nguyên thủy của bạn là gì: bộ mặt bạn có khi mà bạn còn chưa ra đời. Đừng nghĩ về bộ mặt mà bạn đã có này; hãy nghĩ về bộ mặt mà bạn đã có trước khi ra đời”.
Làm sao bạn có thể nghĩ về điều đó? Không có bộ mặt nào trước khi ra đời; bộ mặt xuất hiện cùng với sự ra đời. Bộ mặt là một phần của cơ thể. Bạn không có bộ mặt; chỉ cơ thể mới có một bộ mặt. Nhắm mắt lại và bạn không có bộ mặt nào. Bạn biết về mặt mình thông qua chiếc gương. Bạn đã không tự nhìn thấy nó, và bạn không thể nhìn được nó, nên làm sao bạn có thể nghĩ về bộ mặt nguyên thủy? Nhưng người ta có thể thử; chính nỗ lực sẽ hỗ trợ.
Người tìm kiếm sẽ cố và cố - và đó là điều không thể. Người đó sẽ đến với bậc thầy nhiều lần để hỏi, “Đây có phải là bộ mặt nguyên thủy?” Và trước khi người đó nói điều đó với bậc thầy thì ông lại nói, “Sai rồi, bất kỳ điều gì bạn mang tới thì cũng sẽ sai”.
Trong nhiều tháng liền người tìm kiếm liên tục đến. Người đó tìm ra điều gì đó, tưởng tưởng ra điều gì đó và nhìn thấy bộ mặt này - “Bộ mặt nguyên thủy có giống thế này không?” Và bậc thầy nói, “Không”. Và mỗi lần đều là “không, không phải”, và dần dần người đó trở nên ngày càng bối rối hơn. Người đó không thể nghĩ. Người đó rất cố gắng và thất bại - thất bại đó là một vấn đề cơ bản. Vào một ngày người đó gặp thất bại hoàn toàn. Mọi suy nghĩ dừng lại bởi sự thất bại hoàn toàn đó và người đó trở nên nhận ra rằng không thể nghĩ về bộ mặt nguyên thủy. Việc nghĩ dừng lại.
Và bất cứ khi nào một người tìm kiếm đến với bậc thầy của mình lần cuối cùng, bậc thầy đều nói, “Bây giờ không cần tìm nữa. Ta đã nhìn thấy bộ mặt nguyên thủy”. Đôi mắt đã trở nên trống rỗng. Người tìm kiếm đã đến không phải để nói điều gì đó, mà chỉ để được gần hơn với bậc thầy. Người đó đã không tìm ra câu trả lời nào. Không có câu trả lời nào. Lần đầu tiên người đó đến mà không có câu trả lời. Không có câu trả lời nào cho vấn đề đó. Người đó đến trong im lặng.
Mỗi lần người đó đến đều có câu trả lời nào đó. Tâm trí có đó, ý nghĩ có đó - người đó bị giới hạn bởi ý nghĩ đó. Người đó đã thấy hay đã tưởng tượng bộ mặt nào đó - người đó đã bị hạn chế bởi bộ mặt đó. Bây giờ người đó đã trở thành nguyên bản; lúc này không còn giới hạn. Lúc này người đó không có bộ mặt, không có ý tưởng, không có ý nghĩ. Người đó đã đến mà không có tâm trí. Đây là trạng thái không tâm trí.
Trong trạng thái không tâm trí này, không bị giới hạn bởi cái giới hạn. Những giới hạn tan biến. Bỗng nhiên bạn ở mọi nơi, bỗng nhiên bạn là mọi người. Bỗng nhiên bạn trong cây, trong tảng đá, trong bầu trời, trong bạn bè và trong kẻ thù - bỗng nhiên bạn ở mọi nơi. Toàn bộ tồn tại đã trở nên như một chiếc gương - bạn ở mọi nơi, được gương phản chiếu. Trạng thái này là trạng thái của phúc lạc. Bây giờ không gì có thể quấy nhiễu bạn, bởi vì không có gì tồn tại ngoài bạn. Bây giờ không gì có thể hủy hoại bạn; không có gì tồn tại ngoài bạn. Bây giờ không có cái chết, bởi vì ngay cả trong cái chết bạn cũng tồn tại. Bây giờ không có gì đối nghịch với bạn. Bạn tồn tại một mình.
Sự một mình này Mahavira đã gọi là kaivalya, tuyệt đối một mình. Tại sao lại một mình? - bởi vì mọi thứ đều tham gia vào, đều được thẩm thấu, đều đã trở thành bạn. Bạn có thể biểu đạt trạng thái này theo hai cách. Bạn có thể nói, “Chỉ ta tồn tại. Aham Brahmasni - ta là Thượng đế, đấng linh thiêng, cái toàn bộ. Mọi thứ đã trở thành ta; mọi dòng sông đã hòa vào đại dương của ta. Một mình ta tồn tại. Không có gì khác tồn tại”. Nhiều nhà huyền môn Sufi nói điều này, và người Hồi giáo không bao giờ có thể hiểu tại sao các vị Sufi lại nói những điều như thế. Một vị Sufi nói, “Không có Thượng đế. Một mình ta tồn tại”. Hay, “Ta là Thượng đế”. Đây là cách khẳng định khi nói rằng bây giờ không có sự tách biệt. Đức Phật thì sử dụng cách phủ định. Người nói, “Ta không còn nữa. Không có gì tồn tại”.
Cả hai đều đúng, bởi vì khi mọi thứ được bao gồm trong ta thì việc gọi là ta không còn ý nghĩa nữa. Cái ta luôn đối cực với ngươi; ta luôn đối nghịch với ngươi. Khi liên quan đến ngươi thì nó có ý nghĩa. Khi không có ngươi, ta trở nên vô nghĩa. Cho nên Đức Phật nói không có ta, không có gì tồn tại. Hoặc là mọi thứ đã trở thành bạn, hoặc là bạn đã trở thành phi hiện hữu và bạn tan biến vào mọi thứ.
Cả hai sự biểu đạt đó đều đúng. Tất nhiên, không sự biểu đạt nào có thể hoàn toàn đúng, chính vì vậy mà biểu đạt đối lập cũng luôn luôn đúng. Mọi sự biểu đạt đều là cục bộ, từng phần; vì thế mà sự biểu đạt đối lập cũng đúng - nó cũng là một phần của biểu đạt đó. Nên nhớ điều này. Bất cứ điều gì bạn biểu đạt thì có thể là đúng và biểu đạt đối lập cũng có thể là đúng - chính sự đối lập. Thực ra, nó buộc phải đúng, bởi vì mọi sự biểu đạt chỉ là một phần.
Và có hai dạng biểu đạt: bạn có thể chọn dạng khẳng định hoặc dạng phủ định. Nếu bạn chọn dạng khẳng định, thì dạng phủ định có vẻ là không đúng. Không phải thế; nó là sự bổ sung. Thực ra đó không phải là đối lập với nó. Cho nên dù bạn nói Brahman - cái toàn bộ - hay bạn có thể nói Niết bàn - cái hư không - thì cũng như nhau. Cả hai đều bao hàm cùng một trải nghiệm, và trải nghiệm là thế này - không nghĩ đến điều gì, bạn tới lúc biết điều đó.
Một số điều cơ bản phải được hiểu về kỹ thuật này. Một là: khi suy nghĩ, bạn bị tách khỏi tồn tại. Ý nghĩ không phải là mối liên hệ, nó không phải là cầu nối, nó không phải là sự giao tiếp - nó là rào cản. Khi không nghĩ thì bạn liên quan, được bắc cầu; bạn ở trong mối giao cảm. Khi bạn đang nói với ai đó, bạn không liên quan. Chính việc nói lại trở thành rào cản. Bạn càng nói nhiều, thì bạn càng đi xa khỏi. Nếu bạn cùng với ai đó trong im lặng, bạn liên quan. Nếu sự im lặng thực sự sâu và không có những ý nghĩ trong tâm trí bạn và hai tâm trí đều hoàn toàn im lặng thì hai người là một.
Hai số không không thể là hai số không. Hai số không trở thành một số không. Nếu bạn cộng hai số không, chúng không trở thành hai, chúng trở thành số không to hơn - là một. Và thực ra, số không không thể lớn hơn - nhiều hơn hay ít hơn. Số không đơn giản là một số không. Bạn không thể cộng thêm một cái gì đó vào nó, bạn không thể trừ đi một cái gì đó từ nó. Một số không là toàn bộ. Khi bạn im lặng cùng với ai đó, hai bạn là một. Khi bạn im lặng cùng với tồn tại, bạn là một với nó.
Kỹ thuật này nói hãy trở nên im lặng cùng với tồn tại và rồi bạn sẽ biết Thượng đế là gì. Có duy nhất một cuộc đối thoại với tồn tại và đó là trong im lặng. Nếu bạn nói với tồn tại, bạn bị lỡ. Thế rồi bạn bị bao phủ bởi những ý nghĩ của chính mình.
Hãy thực hành điều này như là một thử nghiệm. Hãy thử nó với bất cứ thứ gì như là một thực nghiệm - thậm chí với một viên đá. Hãy im lặng cùng nó - cầm nó trong tay mình và im lặng - và sẽ có một mối giao cảm. Bạn sẽ đi sâu hơn vào viên đá này và viên đá sẽ đi sâu hơn vào bạn. Những bí mật của bạn sẽ được tiết lộ với viên đá và viên đá sẽ tiết lộ những bí mật của nó cho bạn. Nhưng bạn không thể sử dụng ngôn ngữ với nó. Viên đá không biết bất cứ ngôn ngữ nào. Vì bạn sử dụng ngôn ngữ mà bạn không thể liên hệ với nó.
Và con người đã hoàn toàn đánh mất sự im lặng. Khi bạn đang không làm gì, thì bạn cũng đang không im lặng; tâm trí liên tục làm cái này hay cái khác. Vì cái sự nói không ngừng bên trong này, sự huyên thuyên liên tục bên trong này mà bạn đang không liên hệ với bất cứ thứ gì. Ngay cả với những người thân yêu cũng không có mối liên hệ, bởi sự huyên thuyên này vẫn cứ diễn ra.
Có thể bạn đang ngồi cùng với vợ mình: bạn đang huyên thuyên trong tâm trí mình; cô ấy cũng đang huyên thuyên trong tâm trí cô ấy. Cả hai đều đang huyên thuyên. Họ rất xa nhau, những cực tách biệt. Như thể người này ở ngôi sao này, và người kia ở ngôi sao khác, và giữa họ là không gian vô hạn. Thế rồi họ không cảm thấy sự thân mật, và họ đổ lỗi cho nhau - “Anh không yêu em”.
Đây không phải là vấn đề thực sự. Không thể có tình yêu. Tình yêu là một bông hoa tĩnh lặng. Nó chỉ nở hoa trong sự tĩnh lặng, bởi vì nó chỉ nở ra trong mối giao cảm. Nếu bạn không thể dừng suy nghĩ, bạn không thể trong tình yêu. Và thế thì cũng không thể trong cầu nguyện - thậm chí khi chúng ta cầu nguyện chúng ta cũng huyên thuyên. Với chúng ta, cầu nguyện chỉ là đang tán gẫu cùng Thượng đế.
Chúng ta đã trở nên quá thành thạo về huyên thuyên đến mức nếu chúng ta đi đến nhà thờ hay đến ngôi đền, chúng ta vẫn tiếp tục huyên thuyên ở đó. Chúng ta huyên thuyên với Thượng đế, chúng ta nói với Thượng đế. Điều này tuyệt đối vô nghĩa. Thượng đế, tồn tại, không thể hiểu ngôn ngữ của bạn. Tồn tại chỉ hiểu một ngồn ngữ - đó là ngôn ngữ của im lặng. Và sự im lặng không phải là tiếng Sanskrit, tiếng Arabic, tiếng Anh hoặc tiếng Hindi. Sự im lặng là vũ trụ; nó không thuộc về bất cứ ai.
Có ít nhất bốn ngàn ngôn ngữ trên trái đất, và mọi người bị bao bọc bởi ngôn ngữ riêng của mình. Nếu bạn không biết ngôn ngữ của người đó thì bạn không thể liên hệ với người đó. Bạn không thể được liên hệ. Nếu tôi không hiểu ngôn ngữ của bạn và bạn không hiểu ngôn ngữ của tôi thì chúng ta không thể liên hệ với nhau. Chúng ta là những người lạ. Chúng ta không thể thâm nhập vào nhau, chúng ta không thể hiểu, chúng ta không thể yêu. Điều này đang diễn ra bởi vì chúng ta không biết ngôn ngữ vũ trụ cơ bản - đó là im lặng.
Thực ra chỉ thông qua im lặng mà con người được liên hệ. Và nếu bạn không biết ngôn ngữ của im lặng thì bạn không thể liên hệ với bất cứ thứ gì, bởi vì những tảng đá im lặng, cây cối im lặng, bầu trời im lặng - nó thuộc về tồn tại. Nó không phải là con người, nó là tồn tại. Mọi thứ biết sự im lặng là gì; mọi thứ tồn tại trong im lặng.
Nếu có một viên đá trong tay bạn, viên đá đó đang không tự huyên thuyên bên trong nó, còn bạn thì đang huyên thuyên - chính vì vậy mà bạn không thể kết nối với viên đá. Và viên đá cởi mở, nhạy cảm, mời gọi. Viên đá sẽ chào đón bạn, nhưng bạn lại đang huyên thuyên và viên đá không thể hiểu sự huyên thuyên - điều đó trở thành rào cản. Cho nên với nhiều người, bạn không thể có mối liên kết sâu; không thể có sự thân mật. Ngôn ngữ, ngôn từ hủy hoại mọi thứ.
Thiền có nghĩa là tĩnh lặng: không nghĩ về bất cứ điều gì. Không nghĩ gì mà chỉ tồn tại - cởi mở, sẵn sàng, háo hức gặp gỡ, chào mừng, đón nhận, yêu thương, nhưng không hề nghĩ. Thế rồi tình yêu vô hạn sẽ đến với bạn, và bạn sẽ không bao giờ nói rằng không có ai yêu bạn. Bạn sẽ không bao giờ nói điều đó, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy điều đó. Bây giờ, dù bạn có làm gì, bạn sẽ nói điều này và bạn sẽ cảm nhận điều này. Thậm chí, có thể bạn không nói. Bạn có thể giả vờ rằng ai đó yêu bạn, nhưng trong thâm tâm bạn biết.
Ngay cả những người đang yêu nhau cũng cứ hay hỏi nhau, “Anh có yêu em không?” Họ thắc mắc thông qua rất nhiều cách. Mọi người sợ, không chắc chắn, không yên tâm. Thông qua rất nhiều cách, họ cố tìm hiểu xem người yêu họ có thực sự yêu họ không. Và họ không bao giờ có thể chắc chắn, bởi vì người yêu có thể nói, “Có, anh yêu em”, nhưng điều đó sẽ không mang đến sự đảm bảo nào. Làm sao bạn có thể thoải mái? Làm sao bạn có thể biết anh ta có đang lừa mình hay không? Anh ta có thể lý lẽ, anh ta có thể thuyết phục bạn. Anh ta có thể thuyết phục bạn rất trí tuệ, nhưng trái tim sẽ không bị thuyết phục. Cho nên những người yêu nhau luôn đau khổ. Họ không thể được thuyết phục về thực tế rằng người kia yêu mình. Làm sao bạn có thể được thuyết phục?
Thực ra không có cách thuyết phục nào thông qua ngôn ngữ. Và bạn đang hỏi thông qua ngôn ngữ, và trong lúc người yêu ở đó thì bạn lại đang tán gẫu, vặn hỏi, lý lẽ trong đầu. Bạn sẽ không bao giờ được thuyết phục, và bạn sẽ luôn luôn cảm thấy rằng bạn không được yêu, và điều này lại trở thành nỗi đau khổ sâu kín nhất. Và điều nấy đang diễn ra không phải vì ai đó đang không yêu bạn. Điều này đang diễn ra bởi vì bạn khép kín trong một bức tường. Bạn khép kín bên trong những ý nghĩ của mình; không gì có thể thâm nhập. Những ý nghĩ không thể bị thâm nhập trừ khi bạn bỏ rơi chúng. Nếu bạn bỏ rơi chúng thì toàn bộ tồn tại thâm nhập vào bạn.
Câu kinh này nói:
Không nghĩ đến điều gì thì sẽ không bị giới hạn bởi cải giới hạn.
Bạn sẽ trở nên không bị giới hạn. Bạn sẽ trở thành toàn bộ. Bạn sẽ trở thành vũ trụ. Bạn sẽ ở mọi nơi. Và thế thì bạn cỏ niềm vui. Hiện giờ bạn không là gì ngoài sự đau khổ. Những người tinh ranh, họ liên tục đánh lừa chính mình rằng họ không đau khổ, hoặc họ cử hy vọng rằng cái gì đó sẽ thay đổi, điều gì đó sẽ xảy ra, và họ sẽ đạt được lúc cuối đời - nhưng bạn đang đau khổ.
Bạn có thể tạo ra những bộ mặt, những sự lừa dối, những bộ mặt giả; bạn có thể cứ liên tục mỉm cười, nhưng sâu bên trong bạn biết mình đang đau khổ. Đó là điều tự nhiên. Bị giới hạn bởi những ý nghĩ bạn sẽ đau khổ. Không bị giới hạn, vượt lên mọi ý nghĩ - tỉnh táo, ý thức, nhận biết, không bị những ý nghĩ che phủ - bạn sẽ vui vẻ, bạn sẽ hạnh phúc.
Mục lục chính.
Mục lục chính.
Nhận xét
Đăng nhận xét