Chương 11. Nhặt đá trên bãi biển cuộc sống
Chương 11. Nhặt đá trên bãi biển cuộc sống
Lời kinh chương 42:
Phật nói: Ta coi chức vị của vua và chúa chỉ như hạt bụi lơ lửng trong tia sáng mặt trời. Ta coi kho báu kim loại và đá quý chỉ như gạch và đá. Ta coi trang phục cầu kì lụa là chỉ như giẻ rách. Ta coi vũ trụ này nhỏ như quả cây holila. Ta coi cái hồ anavatapta như giọt dầu người ta bôi vào chân. Ta coi các phương pháp cứu rỗi đa dạng do chư phật dạy như kho báu do trí tưởng tượng của họ tạo ra. Ta coi học thuyết siêu việt của phật giáo như kim loại quý hay vải vô giá được thấy trong giấc mơ. Ta coi giáo huấn của chư phật như hoa trời trước mắt ta. Ta coi niết bàn như việc thức tỉnh khỏi giấc mơ ngày hay cơn ác mộng. Ta coi cuộc tranh đấu giữa không chính thống và chính thống như trò hề của sáu con rồng [huyền thoại]. Ta coi học thuyết về tính hệt nhau như nền tảng tuyệt đối của thực tại.
Phật là người vô chính phủ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ông ấy không tin vào bất kì qui tắc nào từ bên ngoài. Để giúp bạn trở nên tự do với bên ngoài, ông ấy dạy bạn qui tắc bên trong, kỉ luật bên trong. Một khi bạn đã học cách thức của kỉ luật bên trong, ông ấy có đó, sẵn sàng để phá huỷ nữa - bởi vì hoặc bạn bị cai quản từ bên ngoài hoặc từ bên trong. Bạn là nô lệ; tự do chỉ có khi không có qui tắc.
Cho nên kỉ luật bên trong chỉ là một bước để thoát ra khỏi chi phối bên ngoài của xã hội, của quốc gia, của quần chúng, văn minh, văn hoá vân vân. Một khi bạn được tự do với chi phối bên ngoài, thế thì Phật bắt đầu phá huỷ kỉ luật bên trong của bạn nữa. Đó là lí do tôi gọi ông ấy là kẻ vô chính phủ vĩ đại nhất đã từng có. Đã từng có những người dạy rằng không qui tắc bên ngoài nào nên tồn tại, nhưng Phật một mình nêu giáo huấn rằng ngay cả qui tắc bên trong cũng là một dạng của nô lệ, nô lệ tinh tế. Vô kỉ luật là kỉ luật của ông ấy. Và khi một người tuyệt đối không có kỉ luật nào, thế thì có cái đẹp - bởi vì thế thì có tự do. Thế thì người ta hành động một cách tự phát; không theo bất kì qui tắc nào do người khác áp đặt hay do bản thân mình áp đặt. Thế thì người ta đơn giản hành động từ cái không. Thế thì đáp ứng là toàn bộ; không cái gì bị giữ lại, và không có ép buộc thuộc bất kì loại nào, không có bạo hành. Có duyên dáng vô cùng, có phúc lành - bởi vì bây giờ người hành động đã hoàn toàn biến mất, người làm không còn đó nữa. Nếu bạn cố gắng thiết lập kỉ luật cho mình, người làm vẫn còn đó, theo một cách tinh tế. Nếu bạn đang cố gắng lập kỉ luật cho mình, bạn vẫn còn tinh thần phân liệt, bạn vẫn còn bị phân chia. Một phần của bạn tạo kỉ luật cho bạn, phần khác bị bạn áp kỉ luật vào. Cho nên phần này trở thành chủ và phần kia trở thành nô lệ. Lại có phân chia, lại có nhị nguyên, bạn lại không là một.
Và nhất định có xung đột trong nhị nguyên này, bởi vì trong thực tại bạn là một, còn đây là hư cấu. Ai đang cố cai trị ai? Ai có đó để bị ai chi phối? Chỉ có một sự tồn tại bên trong, một bản thể. Việc đem vào bất kì loại kỉ luật nào nghĩa là phân chia sự thống nhất đó, và phân chia đó là khổ, phân chia đó là địa ngục.
Cho nên trước hết Phật nói: Không có Thượng đế - bởi vì nếu có Thượng đế và bất kì đức tin nào vào Thượng đế, thế thì con người không bao giờ có thể được tự do; bởi vì thế thì có kẻ chi phối, kẻ độc tài. Với Thượng đế trong thế giới này, không thể có dân chủ được - không thể được. Nếu Thượng đế mà tạo ra con người, thế thì tất nhiên ngài là quyền năng tối thượng. Nếu có toàn năng, toàn diện, hiện diện khắp nơi của ngài, thì làm sao tự do có thể tồn tại được? Bạn chẳng bao giờ bị bỏ lại một mình, ngài ở mọi nơi mà: đó là điều cái gọi là người tôn giáo vẫn thường thuyết giảng đấy. Họ nói, 'Ngài đang nhìn bạn ở bất kì chỗ nào bạn ở. Cả trong những tình huống riêng tư nhất, ngài có đó, theo dõi bạn thường xuyên. Con mắt ngài dõi theo bạn.'
Điều này dường như là một giáo lí rất nguy hiểm: nó nghĩa là bạn không có tự do nào cả, nó nghĩa là bạn không có riêng tư nào cả. Và Thượng đế giống như kẻ nhìn trộm cấp vũ trụ; ngài bao giờ cũng có đó ở lỗ khoá, bạn không thể thoát khỏi ngài. Chính hiện diện của ngài mang tính huỷ diệt; sự hiện diện của ngài ngụ ý rằng con người không có tự do.
Tuyên bố của Neitzsche rằng Thượng đế chết và bây giờ con người được tự do, mang âm hưởng Phật giáo cho nó. Đó là điều Phật đã nói: Thượng đế không có và có tự do. Tự do nghĩa là: bạn không do bất kì ai tạo ra và bạn không bị chi phối bởi bất kì ai và bạn không bị thao túng bởi bất kì ai. Với Phật, tự do là Thượng đế. Cố hiểu điều đó đi. Điều đó là khó, bởi vì Phật dùng các thuật ngữ như vậy mà nó trở thành rất khó cho tâm trí trẻ con hiểu được. Tâm trí trẻ con bao giờ cũng hiểu rằng có Thượng đế chi phối bạn, chăm sóc bạn: từ bi, tốt bụng, lớn lao - người bố, người mẹ. Đây là cách thức trẻ con để hiểu chân lí.
Phật nói: Không có Thượng đế, và tự do là tuyệt đối. Tự do tuyệt đối đó là Thượng đế của Phật. Tự do là Thượng đế. Tự do là thiêng liêng. Cho nên trước hết ông ấy lấy đi tất cả mọi đức tin bên ngoài. Không có nhu cầu tin vào Thượng đế. Bản thân đức tin sẽ trở thành rào chắn.
Mới đêm hôm nọ một sannyasin từ Anh tới, và cô ấy rất bồn chồn, run rẩy, run bắn lên. Và cô ấy nói, 'Tôi rất sợ, bởi vì tôi chưa thể tin vào thầy được.' Tôi nói, 'Ai trông đợi bạn tin vào tôi?' Cô ấy sợ bởi vì cô ấy nghĩ rằng cô ấy hoài nghi. Tôn giáo thông thường đã dạy mọi người rằng bạn trở nên mang tính tôn giáo khi bạn tin. Nếu bạn không tin, bạn là phi tôn giáo. Phương Tây hoàn toàn không nhận biết về tôn giáo vĩ đại đã tồn tại ở phương Đông mà lại không yêu cầu bất kì đức tin nào. Thực tế nó nói đức tin là rào chắn. Tôn giáo mà không có đức tin là rất khó quan niệm đối với người Ki tô giáo hay người Mô ha mét giáo và người Do Thái. Thậm chí nó cũng khó quan niệm cho người Hindu và người Jaina.
Phật là cuộc cách mạng vĩ đại, cái nhìn rất triệt để. Ông ấy nói: Mọi đức tin đều nguy hiểm. Bạn không nên tin, bạn nên thấy.
Tôi bảo sannyasin ấy, 'Đừng lo nghĩ; hoài nghi là hoàn toàn được đấy. Hoài nghi còn tốt hơn đức tin. Hoài nghi không bao giờ có thể cản trở được bạn; hoài nghi vẫn còn để mở. Đức tin là việc đóng tâm trí lại - thế thì ống kính bị đóng lại rồi, thế thì bạn không nhìn.' Thực tế, người mang đức tin trở nên sợ việc nhìn. Có thể chân lí đi ngược lại đức tin của người đó. Thế thì phải làm gì? - người đó nhắm mắt lại. Điều dễ hơn cả để bảo vệ đức tin của người ta là nhắm mắt lại chứ không mở mắt ra. Ai biết được? - chân lí có thể không trùng với đức tin của bạn, chân lí có thể làm tan tành đức tin của bạn, chân lí có thể đi ngược lại đức tin của bạn. Nó có thể không mang tính Ki tô giáo, nó có thể không mang tính Hindu giáo, nó có thể không mang tính Mô ha mét giáo. Thế thì bạn sẽ làm gì? Cho nên tốt hơn cả là vẫn còn nhắm mắt lại.
Con người với đức tin trở nên sợ sệt: người đó không tìm kiếm và người đó không truy tìm và người đó không dò tìm. Người đó không bao giờ thám hiểm cả. Người đó vẫn còn bị mắc kẹt với đức tin của mình. Người đó ôm đức tin của mình vào tim mình; đây là từ nỗi sợ.
Tôn giáo không xuất phát từ sợ hãi - ít nhất tôn giáo thực không xuất phát từ sợ hãi. Ít nhất, nó không nên xuất phát từ sợ hãi. Tôn giáo thực là bạo dạn. Phật nói: Với Thượng đế, làm sao ông có thể bạo dạn được?
Thượng đế của người Do Thái nói: Ta rất ghen tị. Đừng tôn thờ Thượng đế nào khác hơn ta; ta rất ghen tị đấy. Và nếu con tôn thờ bất kì Thượng đế nào khác, ta sẽ tiêu diệt con.
Bây giờ, những lời này có vẻ rất chính trị và rất ngu xuẩn. Và đặt những lời này vào mồm của bản thân Thượng đế là cực kì vô nghĩa. Thượng đế nói 'Ta rất ghen tị' sao? - thế thì Thượng đế dường như rất con người, thậm chí còn thấp hơn con người - bởi vì đã có những con người mà không ghen tị. Vị phật đã tồn tại, người không ghen tị. Phật dường như ở trạng thái tâm thức tốt hơn Thượng đế của người Do Thái! Ghen tị sao? Cấm tín đồ của mình không được tôn thờ bất kì ai khác sao? - 'Bởi vì ta ghen tị, và ta sẽ tiêu diệt con sao'? Điều Thượng đế người Do Thái nói đơn giản là không thể nào tin được. Ông ấy nói, 'Nếu con phạm phải cái gì đó chống lại ta, trong mười đời ta sẽ hành hạ con. Không chỉ con thôi: mười thế hệ con cháu con cũng sẽ bị hành hạ. Và nếu con tôn thờ ta, trong một trăm đời phần thưởng vẫn sẽ tới với con.'
Bây giờ, cái kiểu Thượng đế gì thế này? Và con bạn đã chẳng làm cái gì cả. Bạn phạm phải tội, bạn không vâng lời Thượng đế, và trong nhiều đời sau con cháu bạn sẽ chịu khổ, và trong hàng trăm đời con cháu bạn sẽ được thưởng nếu bạn đã làm điều gì đó tốt. Và 'cái gì đó tốt' nghĩa là, theo thuật ngữ của người Do Thái: nếu bạn đã vâng lời Thượng đế toàn năng. Nếu bạn không vâng lời đó là tội lỗi; nếu bạn vâng lời đó là đức hạnh.
Dường như chẳng có giá trị thực nào cả. Thượng đế có thể nói điều gì đó ngớ ngẩn nhưng nếu bạn vâng theo thì đó là đức hạnh, nếu bạn không vâng theo thì đó là tội lỗi. Và lời đe doạ này, rằng 'Trong mười đời ta sẽ trả thù đấy', và hối lộ này, rằng 'Trong một trăm đời ta sẽ thưởng' - nhìn vào cái kiểu tâm trí gì đã tạo ra khái niệm này về Thượng đế. Nó không thể rất thiêng liêng được. Nó không thể thiêng liêng được chút nào. Thực tế, nó còn chưa được là người.
Phật nói: Không có Thượng đế. Đừng sợ. Để tạo ra con người bạo dạn, Phật nói không có Thượng đế. Và để làm cho con người thành người thám hiểm chân lí, ông ấy nói không có nhu cầu về bất kì đức tin nào. Đức tin không phải là yêu cầu: nó là chướng ngại. Cởi mở. Thám hiểm. Hoài nghi, suy nghĩ, suy tư, kinh nghiệm; và khi bản thân tâm trí đi tới kinh nghiệm chân lí mà không có đức tin nào, thì bản thân tâm trí trở thành đúng - bởi vì thế thì có giao cảm giữa chân lí và tâm trí.
Bạo dạn đi. Không có nhu cầu về bất kì ai chi phối bạn cả; tự do là điều rất cơ sở.
Trước hết ông ấy vứt đi mọi đức tin bên ngoài: vào Thượng đế, vào địa ngục, vào cõi trời - bởi vì địa ngục và cõi trời của bạn chỉ là phóng chiếu của bạn thôi. Nếu bạn biết về các địa ngục và cõi trời khác nhau bạn sẽ hiểu. Địa ngục của người Tây Tạng không có lửa trong nó, bởi vì địa ngục của người Tây Tạng phải có nhiều lạnh lẽo hơn, nhiều băng đá hơn. Họ biết - họ chịu đựng giá lạnh, cho nên địa ngục của họ không có lửa chút nào. Tất nhiên, địa ngục của người Hindu thì có lửa; họ chịu đựng nóng bức. Khái niệm của người Hindu về cõi trời gần như là cõi trời có điều hoà nhiệt độ. Mặt trời không bao giờ nóng, làn gió mát bao giờ cũng thổi, và cây râm mát, và hoa giống như kim cương... và mọi thứ đều mát mẻ. Tất nhiên, một nước nóng - chịu cái nóng từ hàng thế kỉ nay - các giấc mơ đó.
Nhưng những điều này vẫn tiếp tục - chúng là phóng chiếu của bạn. Có nhiều địa ngục trên thế giới này - và cũng nhiều cõi trời - như có các khí hậu, bởi vì điều đó sẽ tuỳ thuộc vào kinh nghiệm về khí hậu riêng của bạn. Với người Tây Tạng, lửa trong địa ngục sẽ gần giống như món quà cõi trời. Không, lửa không tồn tại trong địa ngục đâu, nó tuyệt đối lạnh lẽo; bạn sẽ bị đông cứng đến chết bởi cái lạnh. Lửa tồn tại trên cõi trời. Tại đó, mọi thứ đều ấm.
Bây giờ, những khái niệm này biểu lộ điều gì? Chúng biểu lộ tâm trí bạn, chúng không biểu lộ điều gì về cõi trời hay địa ngục cả. Con người tiếp tục trong giấc mơ của mình, trong phóng chiếu của mình.
Nếu bạn chết, bạn có thể chết khi có liên quan tới thân thể, nhưng tâm trí bạn vẫn tiếp tục. Thực tế, cách tiếp cận của Phật giáo là ở chỗ ý tưởng về cõi trời và địa ngục đã nảy sinh bởi vì trong toàn thể cuộc đời mình con người phóng chiếu, suy nghĩ, về cuộc sống tiếp sau. Và nếu người đó đã phạm phải nhiều tội ác và tội lỗi, người đó trở nên mặc cảm; người đó cảm thấy rằng mình sắp xuống địa ngục. Người đó trở nên rất sợ hãi. Vào lúc người đó chết thì nỗi sợ nổi lên: 'Bây giờ không còn thời gian để xếp mọi thứ cho đúng nữa.' Bây giờ người đó sắp đi xuống địa ngục, và người đó có ý tưởng về địa ngục, về địa ngục là gì. Cho nên khi một người chết đi, khi người đó tự do với thân thể, phóng chiếu trở thành rất thực. Người đó bắt đầu mơ. Cho nên khi người Hindu chết, chắc chắn người đó mơ về sau cái chết. Lập tức người đó mơ hoặc về cõi trời hoặc địa ngục; điều đó thì tuỳ. Nếu người đó là người tốt, đức hạnh, người tôn thờ, thế thì tất nhiên người đó rất tự tin: khi người đó chết, người đó biết rằng mình sẽ lên cõi trời. Lập tức sau cái chết, tâm trí bắt đầu mơ. Thời gian giữa cái chết này và lần sinh khác được dùng trong mơ.
Bạn sống trong thế giới mơ - đích xác như bạn sống trong đêm vậy. Điều gì xảy ra khi thân thể bạn thảnh thơi và bạn đi ngủ? - bạn bắt đầu mơ. Bạn quên mất thân thể mình trong giấc ngủ. Giấc ngủ là cái chết tí hon, cái chết rất bé. Bạn quên mất thân thể mình, bạn không nhớ tới thân thể mình chút nào, bạn trở thành chỉ là tâm trí mình; cứ dường như tâm trí không còn bị nặng gánh bởi thân thể và thực tại của thân thể. Tâm trí được tự do. Không có sức ép của tâm trí lên thực tại thân thể, lên thực tại khách quan. Tâm trí được tự do. Bỗng nhiên, bạn bắt đầu mơ. Tất nhiên, giấc mơ của bạn là giấc mơ của bạn thôi; nó chẳng liên quan gì tới thực tại nào dù là bất kì cái gì.
Khi bạn chết đây đích xác là điều xảy ra, và nó xảy ra theo tỉ lệ lớn hơn. Một khi bạn chết thì tất cả mọi sức ép của thực tại thân thể và thực tại khách quan đều biến mất. Tâm trí được tự do để mơ. Thậm chí trong giấc ngủ cũng có gánh nặng, thậm chí trong giấc ngủ bạn vẫn được nối với thân thể, nhưng trong cái chết bạn bị ngắt ra hoàn toàn. Bây giờ tâm trí hoàn toàn tự do. Giống như quả bóng, nó bắt đầu bay vào trong phóng chiếu của nó. Cho nên nếu bạn đã sống cuộc sống tồi tệ... Khi tôi nói 'Nếu bạn đã sống cuộc sống tồi tệ', tôi ngụ ý: nếu bạn coi cuộc sống của mình đã là tồi tệ, nếu bạn đã được dạy rằng cuộc sống này là tồi tệ.
Chẳng hạn, nếu người Jaina đã ăn thịt, người đó sẽ chịu đựng địa ngục sau cái chết của mình - nhưng không phải là người Mô ha mét giáo, không phải là người Ki tô giáo, không phải là người ăn mặn, người chưa bao giờ nghĩ về điều đó cả. Người đó sẽ không chịu đựng địa ngục. Nhưng người Jaina thì nhất định phải chịu đựng địa ngục. Nếu người đó đã ăn thịt, ý tưởng của người đó sẽ làm cho người đó mặc cảm; mặc cảm này sẽ có đó, mặc cảm này sẽ phóng chiếu. Và người đó biết địa ngục là gì; địa ngục sẽ được phóng chiếu.
Giữa chết và sinh có thời gian mơ lớn, và bạn có thể sống lâu trong thời gian mơ đó - bởi vì thời gian mơ là tuyệt đối khác với thời gian thức của bạn. Đôi khi bạn có quan sát rằng bạn đang ngồi trong chiếc ghế của mình và trong một phút bạn rơi vào giấc ngủ và bạn mơ không? Và giấc mơ đó dài thế mất nhiều năm - trong thời gian mơ. Thế rồi đột nhiên bạn tỉnh dậy và bạn nhìn vào đồng hồ và chỉ mới một phút trôi qua. Bây giờ bạn đâm ra phân vân. Làm sao, trong giấc mơ một phút, mà bạn lại có thể thấy phóng chiếu của nhiều năm thế? Bạn đã là đứa trẻ, thế rồi bạn trở thành thanh niên, và thế rồi bạn vào cao đẳng và đại học, và bạn rơi vào tình yêu và cưới nhau, và bạn chỉ vừa mới ra khỏi nhà thờ - và giấc mơ bị tan vỡ. Và có khoảng thời gian nhiều năm thế. Làm sao điều đó đã xảy ra chỉ trong một phút thôi?
Thời gian mơ là khác với thời gian thực tại: nó có thể xảy ra trong một phút thôi. Cho nên có thể giữa cái chết và việc sinh chỉ là vài phút, hay vài ngày là nhiều nhất, hay vài giờ. Nhưng chúng sẽ có vẻ rất lâu; bạn có thể mơ những giấc mơ vô hạn - bạn có thể mơ về địa ngục, bạn có thể mơ về cõi trời - nhưng bạn tiếp tục mơ.
Tôi đã bắt gặp một giai thoại hay được vài sannyasin của tôi gửi tới cho tôi.
Ngày xưa, có một kẻ ăn chơi trác táng tên là Shiva. Một hôm, anh ta đột nhiên bị chết. Các bạn anh ta nghĩ tới việc hỏi xem liệu anh ta đã xuống địa ngục chưa. Tất nhiên, một cách tự nhiên, họ coi anh ta phải đã tới địa ngục rồi. Thế là họ gọi điện thoại xuống địa ngục.
Điện thoại được tiếp bằng một giọng ầm ầm, 'Xin chào, quỉ nghe đây.'
'Xin chào, ông Quỉ, Shiva đã tới địa ngục chưa?'
'Không, thử hỏi chỗ khác xem. Chúng tôi đã có đủ kẻ ăn chơi ở đây rồi, và chúng tôi không cần thêm rắc rối nữa đâu,' quỉ nói.
Thế là họi gọi điện lên cõi trời và một giọng rất linh thiêng nói, 'Xin chào, Đức mẹ Đồng trinh nghe đây.'
'Shiva có lên cõi trời không?'
'Không, chưa thấy,' Đức Mẹ Đồng trinh nói. 'Mai thử lại xem sao.'
Thế là ngày hôm sau họ lại gọi lên cõi trời, và lại cùng cái giọng thuần khiết linh thiêng và thánh thiện đó nói, 'Xin chào, Đức mẹ Đồng trinh nghe đây.' Họ lại hỏi về Shiva và bà ấy nói, 'Không, vẫn chưa thấy. Mai thử lại nhé.' Và giọng của bà ấy ngọt như mật; ngọt lúc ban đầu, ngọt lúc cuối, ngọt suốt!
Thế là ngày hôm sau, họ lại thử và một giọng kì lạ đầy dục tình vang tới, 'Xin chào, Mary nghe đây.'
Các bạn bè nhìn nhau và nói, 'Vậy là anh ta đã lên tới rồi.'
Địa ngục của bạn là địa ngục của bạn; cõi trời của bạn là cõi trời của bạn. Nó là phóng chiếu của bạn, nó là cá tính của bạn được phóng chiếu trong giấc mơ. Đây không phải là thực tại.
Phật cực kì mang tính tồn tại. Ông ấy là người tôn giáo đầu tiên đã nói rằng không có cõi trời và không có địa ngục; chính là chỉ trong giấc mơ của nhân loại mà cõi trời và địa ngục mới tồn tại. Nếu bạn dừng việc mơ lại trong khi đang sống, thế thì không có cõi trời và không có địa ngục. Thực tế, không có tội lỗi và không có đức hạnh. Ông ấy là người đả phá tín ngưỡng vĩ đại nhất, người phá huỷ thần tượng. Ông ấy lấy đi mọi thứ khỏi bạn - bởi vì ông ấy biết rằng chừng nào mọi thứ còn chưa bị lấy đi, tâm trí vẫn tiếp tục. Tâm trí cần sự ủng hộ. Nếu tất cả những ủng hộ đều bị lấy đi, tâm trí sụp đổ. Và trong sụp đổ đó, thực tại nảy sinh trong mầu sắc thực của nó, trong âm điệu thực của nó.
Thực tại là duy nhất khi tâm trí không có. Tâm trí là khả năng bóp méo.
Bây giờ đây là những lời kinh cuối cùng; cực kì quan trọng. Từng câu đều giống như lưỡi kiếm, và nó chặt tận gốc của tâm trí. Và khi nó tới để chặt gốc rễ của tâm trí, Phật không loại trừ ai cả, thậm chí không cả bản thân ông ấy. Đó là tính đích thực của ông ấy. Không phải là ông ấy chống lại các triết lí khác, ông ấy chống lại triết lí - chống lại triết lí riêng của ông ấy nữa. Đó là tính đích thực của bậc thầy. Rất dễ chống lại triết lí của người khác, nhưng chống lại triết lí riêng của mình nghĩa là người này không có triết lí của riêng mình. Ông ấy đơn giản khẳng định chân lí: rằng triết lí không phải là cánh cửa mở tới thực tại. Ông ấy chống lại mọi phương pháp, kể cả phương pháp của riêng mình.
Bạn sẽ ngạc nhiên: 'Thế thì tại sao ông ấy lại dùng các phương pháp?' Phương pháp được dùng chỉ bởi vì bạn thôi: bởi vì bạn không sẵn sàng lấy cú nhảy. Cú nhảy quá lớn, và bạn lại lấy nó theo những liều nhỏ. Do đó, ông ấy phải phát minh ra phương pháp. Cùng điều đó cũng đúng về tôi: tôi muốn bạn lấy bước nhảy lượng tử mà không có phương pháp nào, nhưng bạn lại không thể lấy bước nhảy đó được. Thế thì vực thẳm thành quá lớn và nỗi sợ ám ảnh bạn. Cho nên tôi phải làm các bước nhỏ cho bạn. Dần dần, dần dần tôi thuyết phục bạn. Bạn càng trở nên sẵn sàng, tôi càng đẩy bạn vào vô phương pháp, vào vô trí, vào vô tôn giáo.
Tôn giáo bản chất là vô tôn giáo, và phương pháp vĩ đại nhất là vô phương pháp. Và đi tới trạng thái của vô trí là đi tới nhận biết. Phật phải nói cho nhiều loại người, nhưng những lời kinh này là dành cho các đệ tử đã tới tuổi, người đã trở nên chín chắn.
Có lần chuyện xảy ra:
Tôi đang tán gẫu với Mulla Nasruddin, anh ta là một một ngư phủ cuồng dại. Tôi bảo anh ta, 'Tôi để ý, Nasruddin này, rằng hễ khi anh nói về cá anh bắt được, anh lại thay đổi kích thước của nó cho các thính giả khác nhau.'
'Đúng rồi,' anh ta nói, 'Tôi không bao giờ nói với một người nhiều hơn điều tôi cho là anh ta sẽ tin.'
Và đó là điều Phật đang làm nữa. Nếu bạn mà tới ông ấy bằng tâm trí ngây thơ, ông ấy sẽ cho bạn đồ chơi nào đó để chơi. Nếu bạn tới với tâm trí tốt hơn chút ít, tâm trí trưởng thành hơn chút ít, tâm trí chín chắn hơn chút ít, ông ấy sẽ không cho bạn những đồ chơi đó đâu. Và nếu bạn thực sự đủ chín chắn để nghe chân lí, không sợ hãi, thế thì... thế thì những lời kinh này đấy.
Lời kinh hôm nay là lời cuối cùng. Chúng được ngụ ý chỉ dành cho những người rất trưởng thành, cho nên nghe chúng thật chăm chú vào.
Tương truyền rằng: Có lần các đệ tử của Jesus hỏi ông ấy, 'Thầy có mang thông điệp hoà bình cho thế giới không?' Ông ấy nói, 'Không. Ta không đem tới hoà bình, ta đem tới chiếc kiếm.' Chiếc kiếm sao? Và người Ki tô giáo đã phân vân về điều đó trong suốt nhiều thế kỉ, bởi vì điều đó có vẻ không phải. Jesus là sứ giả của hoà bình và ông ấy nói, 'Không. Ta không đem tới hoà bình, mà đem tới chiếc kiếm.' Và ông ấy nói, 'Ta sẽ dạy các ông cách ghét mẹ các ông và cách ghét bố các ông và cách ghét con các ông. Và chừng nào các ông còn chưa sẵn sàng ghét bố các ông và mẹ các ông, thì các ông không thể theo ta được.'
Bây giờ, những lời này bắt nguồn từ Jesus, người nói, 'Thượng đế là tình yêu,' dường như rất mâu thuẫn, rất không nhất quán. Thật khó mà hiểu được ông ấy ngụ ý gì. Và điều đó đã là khó khăn cho người Ki tô giáo; họ né tránh những câu này. Nhưng nếu bạn hiểu lời kinh này của Phật, bạn sẽ có khả năng hiểu được Jesus nữa. Với 'chiếc kiếm' ông ấy ngụ ý: mỗi thầy đều đem chiếc kiếm vào thế giới để chặt đứt gốc rễ của tâm trí. Và khi ông ấy nói, 'Chừng nào các ông còn chưa ghét bố các ông và mẹ các ông và gia đình các ông, thì các ông không thể theo ta được,' ông ấy đang nói gì? Ông ấy đang nói: Chừng nào các ông còn chưa vứt bỏ tâm trí đã từng được mẹ các ông, bố các ông, gia đình các ông trao cho; chừng nào các ông còn chưa vứt bỏ quá khứ của mình; chừng nào các ông còn chưa quên hoàn toàn điều xã hội đã trao cho các ông - ý tưởng về thiện và ý tưởng về ác; chừng nào các ông còn chưa vứt bỏ toàn thể ước định mà xã hội đã trao cho các ông, thì các ông không thể theo ta được.
Những lời kinh này giống như chiếc kiếm: chúng chặt đứt, và chúng chặt đứt toàn bộ. Phật rất nghiêm khắc bởi vì ông ấy có từ bi lớn lao. Ông ấy sẽ không cho phép bất kì kẽ hở nào để từ đó bạn có thể tìm lại được sự nô lệ của mình. Cho nên trước hết, vứt bỏ mọi kỉ luật bên ngoài; và thế rồi, vứt bỏ kỉ luật bên trong nữa. Trong trạng thái vô kỉ luật đó là tự do, là niết bàn, là moksha. Và từ tự do đó, bất kì cái gì xảy ra đều đức hạnh. Từ nô lệ, bất kì cái gì xảy ra cũng đều là tội lỗi.
Phật nói:
Ta coi chức vị của vua và chúa chỉ như hạt bụi lơ lửng trong tia sáng mặt trời.
Ông ấy nói: Tất cả mọi quyền lực chính trị, tất cả mọi quyền lực đều ngu xuẩn. Đừng chạy xô theo nó, đừng tham vọng, bởi vì mọi tham vọng đều thu hút bụi và chỉ có bụi. Nếu bạn không bị vỡ mộng bởi bụi, bạn sẽ không có khả năng biết chân lí là gì. Người bị ám ảnh bởi tham vọng không có khả năng biết chân lí chút nào. Đôi mắt đầy tham vọng không bao giờ thấy cái đang đó; chúng chỉ thấy cái chúng muốn thấy. Tâm trí tham vọng là tâm trí sai; tâm trí vô tham vọng mới là tâm trí đúng.
Mang tính vô tham vọng - điều đó ngụ ý gì? Nó ngụ ý rằng bạn không khao khát về tương lai, rằng bạn không khao khát về khoảnh khắc tiếp; rằng bạn không hi vọng vào khoảnh khắc tiếp, rằng bạn đã bỏ hi vọng rồi; rằng bạn sống trong khoảnh khắc này, rằng bạn không có tương lai nào, rằng hiện tại là tất cả mọi cái đang đó. Tâm trí vô tham vọng trở nên tĩnh lặng, và tĩnh lặng đó tới theo cách riêng của nó - không phải là bạn làm tĩnh lặng bản thân mình. Tâm trí vô tham vọng là tĩnh lặng; không có đâu mà đi, không có gì mà khao khát. Thế thì thực tại là sẵn có.
Với tâm trí tham vọng thực tại không sẵn có, bởi vì thực tại là sẵn có chỉ trong hiện tại và tâm trí tham vọng bao giờ cũng ở đâu đó khác, bao giờ cũng ở đâu đó khác. Tâm trí tham vọng không bao giờ bằng lòng. Không bằng lòng là chính cơ sở của nó. Phật nói: Các ông ham muốn về cái gì? Ham muốn về vương quốc sao? Các ông muốn trở thành vua vĩ đại và người quyền cao chức trọng sao?
Ta coi chức vị của vua và chúa chỉ như hạt bụi lơ lửng trong tia sáng mặt trời.
Tại sao ông ấy lại nói 'lơ lửng trong tia sáng mặt trời'? Đôi khi bạn có thấy... một tia sáng mặt trời lọt qua kẽ mái, toàn thể căn phòng mờ ảo và tối và chỉ một tia sáng của mặt trời lọt vào trong phòng; thế thì bạn có thể thấy bụi bay lơ lửng, hạt bụi lơ lửng trong nó. Chúng sáng lên, chúng trông như kim cương. Chúng là hạt bụi bình thường thôi. Nếu tia nắng mặt trời không có đó, bạn thậm chí còn không nhìn thấy chúng, nhưng trong tia sáng mặt trời chúng trông như kim cương. Chúng chói sáng lên, chúng trở nên toả sáng.
Phật đang nói: Khi ông phóng chiếu tham vọng, khi tia sáng mặt trời của tham vọng có đó, hạt bụi có vẻ rất quí giá. Chúng trong bản thân chúng thì không quí giá gì. Và ông ấy phải biết: ông ấy được sinh ra là vua. Thế rồi ông ấy bỏ cung điện. Cái ngày tham vọng của ông ấy bị vứt bỏ, bỗng nhiên tia sáng mặt trời biến mất và ông ấy chỉ thấy toàn bụi là bụi.
Cái đêm ông ấy bỏ cung điện ra đi, bỏ vương quốc và đứa con vừa mới sinh của mình, người đánh xe đưa ông ấy ra khỏi vương quốc mà không biết ông ấy đi đâu. Và người đánh xe cũng không có nhiệm vụ phải hỏi. Nhưng khi Phật bước ra khỏi xe và ông ấy nói với người đánh xe, 'Bây giờ ông mặc bộ quần áo của ta, và xin đưa bộ quần áo bẩn của ông cho ta,' thì ông ta không thể nào hiểu được ông ấy ngụ ý gì. Ông ta nói, 'Hoàng tử làm gì vậy? Hoàng tử có điên không đấy?' Ông ta là một ông già, độ tuổi bố của Phật, và ông ta nói, 'Tôi đã nhìn hoàng tử và tôi đã yêu mến hoàng tử từ thời còn rất bé. Hoàng tử làm gì thế? Tôi cũng giống như bố hoàng tử; nói cho tôi, nỗi khổ cực của hoàng tử là gì? Sao hoàng tử lại bỏ những cung điện đẹp đẽ này, vương quốc này? Hoàng tử là người hạnh phúc nhất trong vương quốc. Hoàng tử định đi đâu?'
Và Phật nói, 'Ta đã nhìn những cung điện đó; chúng đang bốc cháy. Mọi thứ đều đang cháy, toàn thế giới đều đang cháy và ta muốn đi vào chỗ râm mát.' Người đánh xe, tất nhiên, không thể nào hiểu nổi điều ông ấy đang nói.
Ông ta nói, 'Hoàng tử nói về cái gì vậy? Tôi chẳng thấy lửa ở chỗ nào cả. Hoàng tử đang nói về cái gì thế?'
Và Phật nói, 'Ông có thể không hiểu, nhưng ta đã thấy lửa. Mọi thứ đều đang bốc cháy, mọi thứ đều đang cháy, bởi vì mọi thứ đang đi tới cái chết.'
Mới ngày hôm trước, ông ấy đã đi ra thị trấn, thị trấn thủ đô, để khai mạc cho lễ hội tuổi trẻ, và trên đường ông ấy bất chợt bắt gặp một xác người chết. Ông ấy đã không nhìn vào xác người chết lúc đó. Ông ấy đã hỏi, 'Điều gì xảy ra cho người này?'
Câu chuyện này thực hay. Câu chuyện này được kể theo cách phương đông, cách thức huyền thoại. Câu chuyện nói rằng người đánh xe bị bố Phật cấm không cho nói về cái chết, và ngay cả trả lời câu hỏi như vậy - bởi vì người bố đã được cảnh báo trước khi Phật được sinh ra rằng nếu như ông ấy biết về cái chết, ông ấy sẽ từ bỏ thế giới. Cho nên người đánh xe không định nói gì cả. Nhưng câu chuyện lại nói rằng một thần, nhìn vào việc này, đã đi vào trong thân thể của người đánh xe. Thấy rằng khoảnh khắc đã tới khi Phật đã sẵn sàng từ bỏ, và chỉ qua việc từ bỏ đó mà ông ấy sẽ nhận ra, một khoảnh khắc hiếm hoi của sự tồn tại đã tới, các thần bèn giúp đỡ. Họ buộc người đánh xe phải nói ra chân lí.
Người đánh xe nói, 'Người này chết, thưa Hoàng tử.'
Và Phật hỏi, 'Điều này sẽ xảy ra cho ta nữa chứ?' Và người đánh xe phải nói, bởi vì các thần đã ép buộc ông ta - cho nên ông ta nói, 'Vâng, điều này sẽ xảy ra cho hoàng tử nữa.'
Và Phật nói, 'Thế thì quay về nhà đi. Thế thì phỏng có ích gì mà đi khai mạc lễ hội tuổi trẻ. Ta không còn trẻ nữa. Thấy cái chết, ta đã trở nên già. Thấy cái chết, ta đã chết.' Một thoáng nhìn vĩ đại, một sáng suốt vĩ đại đã xảy ra. Và hôm sau Phật nói, 'Toàn thế giới đang bốc lửa. Ta đã thấy cái chết và khi cái chết tới, thế thì phỏng có ích gì? Ta muốn tìm ra cái gì đó bên ngoài cái chết.'
Ta coi chức vị của vua và chúa chỉ như hạt bụi lơ lửng trong tia sáng mặt trời.
Nhưng chúng ta không thấy cái chết; tham vọng của chúng ta ngăn cản chúng ta thấy nó. Cho dù cái chết tới ngay trước bạn, bạn sẽ không có khả năng nào để thấy nó bởi vì tham vọng của bạn sẽ vận hành như rào chắn. Nó sẽ không cho phép bạn thấy, nó giống như việc bịt mắt.
Tôi đã nghe...
Một nhà chế tạo giầu có ở New York bị suy nhược thần kinh.
'Ông phải nghỉ thôi,' bác sĩ của ông ta khuyên. 'Đi Florida, nằm dưới mặt trời, đi bơi. Ông sẽ khá hơn trong một tháng.'
Nhà chế tạo theo lời khuyên của bác sĩ và đi tới Miami, mặc quần bơi ngắn và đi tản bộ trên bờ cát ấm. Thế rồi thấy nước quá nhiều ông ta không cưỡng được việc đi xuống nước ngâm mình. Nhưng ông đã ước lượng nhầm vì nhiều năm ông ta đã đi mà không luyện tập và trước khi ông ta kịp nhận ra điều đó thì ông ấy đã chìm sâu quá, và không thể bơi vào được.
'Cứu tôi với! Cứu tôi với!' nhà kinh doanh hét lên. 'Cứu tôi với! Tôi bị chìm!' Một người cứu hộ tỉnh táo nghe thấy tiếng kêu, lao vào trong nước và kéo ông ấy lên an toàn.
Vợ nhà chế tạo chạy tới thấy cảnh đó trên bờ biển. “Irving, cưng ơi, anh không sao chứ? Anh nói với em đi!'
'Anh không sao,' Irving khò khè, xùi nước ra, 'nhưng anh phải hỏi em điều này ở chỗ riêng tư. Cúi người xuống chút đi.'
Người vợ lo lắng cúi mình xuống. “Vâng, Irving, anh muốn hỏi em cái gì?'
'Nói cho anh, anh phải trả tiền thù lao cho việc như thế này bao nhiêu?'
Ông ta đã đối diện với cái chết... nhưng ông ta lại hỏi vợ, 'Nói cho anh, anh phải trả tiền thù lao cho việc như thế này bao nhiêu?' Cuộc sống không phải là vấn đề; tiền mới là vấn đề: 'anh phải trả tiền thù lao bao nhiêu?' Ngay cả đối diện với cái chết người này cũng chẳng bao giờ nhận ra rằng chính sự tồn tại của cái chết làm cho toàn thể cuộc sống của ông ta thành vô nghĩa. Tiền chẳng có nghĩa gì khi cái chết có đó. Nhưng tâm trí tham vọng sống trong một thế giới rất khác: tia sáng mặt trời của tham vọng của người đó loé lên như kim cương. Một khi tia sáng này biến đi, một khi tham vọng không có đó, mọi sự rơi xuống đất bằng và bạn có thể thấy nơi bạn đã đi, điều bạn đã khao khát. Nếu cuộc sống sẽ biến mất - và nó đang biến đi đấy, nó sẽ đi vào trong sa mạc của cái chết chẳng chóng thì chầy; đấy chỉ là vấn đề thời gian thôi - thế thì... thế thì bất kì cái gì bạn đang khao khát cũng đều vô nghĩa. Cái chết sẽ lấy đi mọi thứ khỏi bạn.
Phật nói: Tìm cái gì đó mà cái chết không thể phá huỷ nổi.
Ta coi kho báu kim loại và đá quí chỉ như gạch và đá cuội.
Tất cả tiền bạc của bạn, tất cả đá quí của bạn, tất cả số dư ngân hàng của bạn, Phật nói, 'ta coi như đá cuội.' Bạn là đứa trẻ chạy chơi trên bãi biển cuộc sống, nhặt đá cuội - nhiều mầu sắc dĩ nhiên rồi, chúng trông đẹp dĩ nhiên rồi, nhưng chúng là đá cuội trên bãi biển thôi - chẳng ý nghĩa gì cả. Và trong khi bạn đang thu nhặt chúng thì cuộc sống xô qua tay bạn, trượt đi. Bạn đang nhận rủi ro lớn. Cơ hội này không phải để bị phá huỷ đi chỉ trong việc nhặt đá.
Một người đưa hai đứa con gái của mình tới công viên giải trí để ý thấy rằng Mulla Nasruddin đã cưỡi trên vòng quay ngựa gỗ suốt cả chiều. Một lần, khi vòng quay ngựa gỗ dừng lại, Mulla xô ra, uống nước, rồi quay lại luôn. Khi anh ta đi gần qua các cô bé, bố chúng nói với anh ta, 'Mulla, chắc chắn là anh thích cưỡi ngựa gỗ chạy vòng lắm, phải không?'
'Không, tôi đâu có thích. Thay vì thế, tôi tuyệt đối ghét nó và cảm thấy bị say bởi nó,' Nasruddin nói. 'Nhưng thằng cha chủ thứ này nợ tôi một trăm ru pi, và lấy món nợ đó ra thế chấp bằng cách duy nhất là để tôi đứng thu tiền cho nó.'
Tiền dường như là nỗi ám ảnh lớn nhất trên thế giới. Tiền dường như là điên khùng lớn nhất trên thế giới. Chúng ta cứ bán đi cuộc sống của mình và thu về đá cuội; chúng ta gọi nó là tiền. Một ngày nào đó chúng ta đơn giản biến mất và tiền còn lại đây. Và cuộc sống mà bạn đã phí hoài vào việc thu nhặp tiền đó có thể đã được dùng theo cách nhiều sáng tạo hơn. Nó có thể đã trở thành bài ca, điệu vũ; nó có thể đã trở thành lời cầu nguyện, việc thiền; nó có thể đã trở thành việc nhận ra chân lí, tự do... nhưng bạn đã bỏ lỡ.
Phật nói:
Ta coi trang phục cầu kì lụa là chỉ như giẻ rách.
Tất cả mọi thứ bạn cứ ham muốn dường như ngu xuẩn. Có những người sống chỉ để ăn; có những người sống chỉ để mặc; có những người cứ chơi với mọi thứ - tốt khi bạn còn là đứa trẻ, nhưng dường như là rất ít người đã trở nên trưởng thành. Họ chắc chắn già đi, nhưng rất ít người trở nên trưởng thành. Già đi là một chuyện, trở nên trưởng thành là điều hoàn toàn khác. Người trưởng thành là người có thể thấy qua mọi thứ: cái gì là đồ chơi và cái gì không là đồ chơi. Trẻ nhỏ chơi - bạn cười chúng; nhưng bạn có nhìn vào cuộc sống của riêng mình không? Bạn có trưởng thành lên chút nào không? Có thể bạn đã đổi đồ chơi của mình thôi - chúng đang chơi với ô tô đồ chơi còn bạn đang chơi với ô tô thật - nhưng việc chơi vẫn là như nhau. Có những người...
Một thời tôi là giáo sư ở đại học, và một giáo sư sống ngay trước nhà tôi. Ông ấy có chiếc xe nhưng nó bao giờ cũng đỗ đó, và ông ấy lau chùi nó rửa nó hàng ngày, một cách rất tôn giáo. Tôi trở nên băn khoăn, dần dần, bởi vì nó chưa bao giờ đi ra hiên cả.
Tôi hỏi. Ông ấy nói, 'Anh thấy đấy, giao thông như thế, mà chiếc xe thì đẹp thế, và rất rủi ro mà đem nó tới đại học. Anh biết sinh viên đấy; đứa nào đó có thể làm xước nó.'
'Thế thì sao anh lại mua chiếc xe này?'
Ông ta nói, 'Tôi yêu nó.'
Bây giờ, nghĩ về việc yêu xe! Nhưng có những người có thể yêu xe, người yêu nhà. Không khó khăn để thấy điều gì đã xảy ra cho họ. Đây là những người không thể yêu con người được; họ chỉ có thể yêu đồ vật - bởi vì bạn có thể thao túng đồ vật, kiểm soát đồ vật, tốt hơn là con người. Con người bao giờ cũng nguy hiểm. Nếu bạn yêu người đàn bà điều đó bao giờ cũng nguy hiểm; nếu bạn yêu người đàn ông điều đó bao giờ cũng nguy hiểm - bởi vì đàn ông hay đàn bà là tự do, tự do cố hữu. Bạn không thể kiểm soát toàn bộ được. Con người đã cố gắng đủ mọi cách - tạo ra hôn nhân, và luật pháp, và thế này thế nọ, và tạo ra trách nhiệm quanh nó, rồi trừng phạt và khen thưởng, và mọi thứ chỉ để làm cho một điều được chắc chắn: rằng đàn bà không là tự do nữa, rằng đàn ông không là tự do nữa. Khi người đàn ông là chồng thì anh ta không còn là người nữa, và khi người đàn bà là vợ thì cô ấy không còn là người nữa. Tự do đã bị giết chết. Bây giờ, chồng là một thứ đồ vật, và vợ là một thứ đồ vật: họ có thể bị kiểm soát dễ dàng hơn. Nếu vợ làm điều gì đó, bạn có thể ra toà. Quan toà sẽ giúp bạn, cảnh sát sẽ giúp bạn buộc người vợ trở lại trang thái 'đồ vật' của cô ấy.
Mọi người yêu đồ vật... và mọi người sợ con người.
Thế rồi mọi người có thể đi tới những giới hạn ngớ ngẩn. Bây giờ, chiếc xe có sự tiện dụng; chắc chắn nó có tiện ích - nhưng ở trong tình yêu lãng mạn với chiếc xe thì là ngớ ngẩn. Và điều này lại lãng mạn! Tôi thường thấy ông ấy cọ rửa nó hàng ngày, cả nửa giờ, bị cuốn hút hoàn toàn, và chiếc xe lại chẳng bao giờ được sử dụng. Ông ấy tới đại học trên chiếc xe đạp, còn chiếc xe ô tô thì cứ ngồi đấy. Nhưng ông ấy cảm thấy rất hạnh phúc rằng chiếc xe có đó. Ông ấy nhìn chiếc xe cứ dường như ông ấy đang nhìn vào người đàn bà của mình, và ông ấy chạm vào chiếc xe cứ dường như ông ấy đang chạm vào thân thể con người. Tôi đã quan sát ông ấy: mắt ông ấy bỗng nhiên trở nên ngời sáng khi ông ấy nhìn vào chiếc xe của mình; cái gì đó lớn lao đang xảy ra quanh chiếc xe. Điều đó là ngớ ngẩn - mà không chỉ ngớ ngẩn, nó còn điên khùng nữa.
Ta coi vũ trụ này nhỏ như quả cây holila. Ta coi cái hồ anavatapta như giọt dầu người ta bôi vào chân.
Và Phật nói: Nếu ông trở nên nhận biết, toàn thể vũ trụ này có vẻ rất tí hon - bởi vì nhận biết còn lớn hơn toàn thể vũ trụ.
Con người là rất nhỏ nhoi nếu bạn nhìn vào thân thể của người đó, con người là rất ngu xuẩn nếu bạn nhìn vào tâm trí người đó, và con người là cực kì bao la nếu bạn nhìn vào tâm thức của người đó. Ba điều hội ngộ trong con người. Cái bao la, cái vô hạn, gặp gỡ trong tâm thức của người đó, trong nhận biết của người đó. Đó là điều bạn trở nên nhận biết tới khi bạn thiền: biên giới lui dần và biến mất. Thân thể không hàm chứa bạn; thực tế, bạn hàm chứa thân thể. Thông thường bạn nghĩ, 'Mình tồn tại trong thân thể.' Điều đó tuyệt đối sai. Thân thể tồn tại trong bạn; bạn còn bao la hơn, bạn còn lớn hơn - không chỉ lớn hơn thân thể, bạn còn lớn hơn toàn thể vũ trụ này. Chính nhận biết ôm choàng lấy tất cả. Nhưng nếu bạn nhìn vào thân thể thì bạn rất nhỏ nhoi. Và thế rồi, nếu bạn cứ bị đồng nhất với thân thể mình, một ham muốn lớn nảy sinh để được thành lớn. Đó chính là chính trị đấy, đó chính là ham muốn và tham vọng về tiền đấy, đó chính là điều bạn cố gắng khi bạn dùng quần áo đẹp để trưng bầy mình: bạn cố gắng che giấu thân thể, sự nhỏ nhoi của bạn, cái nhỏ bé của bạn. Bạn cố gắng làm cho nó có vẻ đẹp, bạn cố gắng làm cho nó thành quí giá.
Tương truyền rằng có lần Mulla Nasruddin đang ở trong phòng tắm Thổ Nhĩ Kì, và Tamerlane tới, kẻ giết người lớn lao và hoàng đế lớn lao và người chinh phục lớn lao. Và chỉ có hai người ở đó, Mulla Nasruddin và Tamerlane. Và Tamerlane, theo thói quen của ông ta, hỏi Mulla Nasruddin, 'Ta nghe nói rằng ông là người rất trí huệ. Ông nghĩ ta đáng giá bao nhiêu, trị giá của ta?' Tất nhiên, ông ta phải đang hi vọng rằng ông này sẽ nói, 'Ông ấy là vô giá, thưa ngài. Toàn thể vũ trụ này không là gì trước ngài.'
Nhưng Mulla nhìn ông ta, nghiền ngẫm rồi nói, 'Sáu mươi ru pi.'
Tamerlane giận lắm và ông ta nói, 'Ông ngụ ý gì? Sáu mươi ru pi thôi sao? Ngay chiếc khăn tắm ta đang khoác này cũng đáng giá hơn sáu mươi ru pi rồi!'
Nasruddin nói, 'Đó là lí do tại sao tôi lại nói sáu mươi ru pi. Tôi không tính ông đâu - ông chẳng là gì cả - chỉ mỗi chiếc khăn tắm này thôi. Tôi không tính rủi ro nào cả; đó là lí do tại sao tôi nói sáu mươi ru pi.'
Nếu bạn bị đồng nhất với thân thể, tất nhiên, giá trị của bạn là không mấy - không thể nhiều được. Bạn cho rằng bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền từ thân thể mình nếu bạn đi và bán nó? Nếu bạn hỏi nhà khoa học họ nói, 'Đâu đó quãng độ năm ru pi thôi.' Chẳng được tới sáu mươi ru pi... đâu đó quãng năm ru pi thôi. Chắc chắn có một khối lượng nhôm và sắt và phốt pho và những thứ đại loại như vậy; nếu chúng được cô lại và đem bán ở chợ, chúng sẽ có giá quãng năm ru pi - và điều đó là đúng bởi vì giá của mọi thứ đã lên rất cao.
Và ngay chỗ đầu tiên, không ai sẵn sàng mua thân thể bạn. Ngay lập tức, khoảnh khắc bạn chết, mọi người đều sẵn sàng phế bỏ bạn, bằng cách này cách khác: 'Kết thúc nó bây giờ đi.'
Chuyện xảy ra:
Người ta kể về Hoàng đế vĩ đại Akbar rằng ông ấy hay đi tới gặp nhà huyền môn Sufi, Farid, và ông ấy hay chạm chân ông này. Bây giờ, mọi người trong triều đình của Akbar trở nên hơi chút ghen tị: 'Akbar, hoàng đế vĩ đại, mà lại đi chạm chân kẻ ăn xin nghèo sao?' Rồi một hôm họ nói với Akbar, 'Điều này có vẻ không tốt, nó là sự sỉ nhục. Bệ hạ không cần phải chạm chân kẻ ăn xin đó. Đầu của bệ hạn là đầu của hoàng đế và bệ hạ lại để đầu mình lên chân ông ta sao?'
Akbar nói, 'Các ông làm một điều: các ông đem cái đầu của người chết lại và thử đem bán nó xem sao.'
Khi hoàng đế đã nói, họ phải thử. Bất kì chỗ nào họ tới mọi người đều đuổi họ đi. Họ nói, 'Các ông phát điên rồi! Cút ngay khỏi đây! Cái đầu các ông mang đang bốc mùi, và ai cần cái đầu này? Cút ngay!' Họ đã thử khắp mọi cửa hiệu, trong mọi chợ ở Delhi, và ở mọi nơi họ đều bị tống ra. Họ quay về và họ nói, 'Chẳng ai sẵn sàng mua cả - không chỉ có thế, mọi người thậm chí không thèm nghe. Họ đơn giản nói, 'Cút ngay khỏi đây! Các ông có điên không đấy? Chúng tôi sẽ làm gì với cái đầu người đây?''
Akbar nói, 'Thế thì các ông nghĩ gì? Đầu ta cũng chỉ là đầu con người; một ngày nào đó các ông sẽ chẳng kiếm được giá nào cho nó cả. Cho nên nếu ta đặt cái đầu vô dụng này lên chân của Farid, sao các ông lại cho rằng điều đó là sỉ nhục?'
Tương truyền rằng có lần một nhà huyền môn Sufi lớn đã bị vài người bắt, những người muốn bán ông ấy ở chợ nô lệ. Ông ấy là một người rất trẻ trung, mạnh khỏe, rạng ngời. Thế là họ rất sung sướng; họ sắp được giá hời. Họ nhìn ông ấy. Ông ấy nói với họ, 'Ta biết rằng các ông định bán ta, nhưng để ta nói cho các ông một điều: nếu các ông nghe ta, các ông có thể kiếm được giá cao nhất có thể được. Ta biết giá của ta, các ông không biết, cho nên bất kì khi nào các ông sẵn sàng bán, hãy hỏi ta, 'Đã đúng giá chưa?''
Sau vài giờ họ bắt gặp một nhà vua, và nhà vua nói, 'Người này trông tốt đấy; ta sẽ mua anh ta. Ta sẽ trả năm nghìn ru pi.' Vào thời đó thế là quá nhiều, và họ đã sẵn sàng bán. Nhưng nhà huyền môn nói, 'Đợi đã, thế này chưa là gì cả, để cho người mua đúng tới và ta sẽ nói cho các ông. Đừng có là kẻ ngốc' - thế là họ từ chối. Một người giầu tới và ông ta chào giá mười nghìn ru pi. Bây giờ họ đã sẵn sàng; họ thậm chí không định hỏi. Nhưng nhà huyền môn nói, 'Đợi đã! Các ông là kẻ ngu à? Vẫn còn chưa thấy được sao? Bây giờ giá gấp đôi. Đợi đấy.' Và thế rồi một người giầu khác tới và ông ta trả giá mười lăm nghìn ru pi. Đến giờ, những người đó đã trở nên nhận biết rằng ông ấy đúng: 'Chúng ta có một người rất quí báu.' Và điều này tiếp tục cả ngày. Nhiều người chào giá, nhưng nhà huyền môn vẫn nói, 'Đợi đã.' Chào giá cuối cùng là năm mươi nghìn ru pi nhưng nhà huyền môn nói, 'Đợi đã!' Sau đó, mọi người bắt đầu về nhà, chợ trở nên thưa thớt dần. Người cuối cùng tới và người đó mang một bó rơm. Và đó là người cuối cùng. Những người này nói, 'Bây giờ dường như không còn người mua nữa, và chúng ta sẽ lại phải đợi tám ngày. Tuần sau, lại sẽ có phiên chợ.'
Nhà huyền môn nói, 'Đợi đã, hỏi người này đi.' Họ hỏi người này và người đó nói, 'Tôi có thể đưa cho các ông bó rơm này. Tôi không có gì khác cả.' Và nhà huyền môn nói, 'Đó là đúng giá rồi; bán nó đi! Đây đích xác là đúng giá. Bây giờ đừng bỏ lỡ cơ hội này.' Những người kia bắt đầu vò đầu mình. Họ nói, 'Chúng ta đã kiếm được một người điên rồi! Chúng ta đã mất năm mươi nghìn ru pi và bây giờ ông ta nói, 'Đây là đúng giá!''
Nhưng ông ấy đang chứng tỏ, ông ấy đang chỉ ra điều gì đó: không có giá; thân thể là rất tí hon và rất nhỏ nhoi. Nếu bạn bị đồng nhất với nó bạn bị đồng nhất với rơm, với bó rơm - hay như Phật nói, 'Túi da, đầy thức ăn.' Nếu bạn bị đồng nhất với tâm trí; bạn có chút ít tự do hơn. Nhưng tâm trí là ngu xuẩn, tâm trí là ngu si, tâm trí là xoàng xĩnh: nó không biết gì về chân lí cả. Nó đơn giản cứ suy diễn về chân lí, phỏng đoán. Tâm trí là sự phỏng đoán.
Phật nói: Nếu các ông thực sự biết bản thân mình, thế thì các ông là bao la, vô hạn. Thế thì các ông là Thượng đế.
Ta coi vũ trụ này nhỏ như quả cây holila. Ta coi cái hồ anavatapta như giọt dầu người ta bôi vào chân.
Phật đang nói: Nếu các ông biết con người trong thực tại đúng của người đó, người đó là bao la tới mức cái hồ lớn nhất cũng chỉ là một giọt dầu trên chân người đó. Người đó bao la tới mức toàn thể vũ trụ còn nhỏ hơn người đó.
Ta coi các phương pháp cứu rỗi đa dạng do chư phật dạy như kho báu do trí tưởng tượng của họ tạo ra.
Đây là chiếc kiếm: nó chặt phăng mọi thứ từ gốc. Bây giờ ông ấy nói: ta coi các phương pháp cứu rỗi đa dạng mà chư phật dạy cũng như kho báu do trí tưởng tượng tạo ra thôi. Tất cả các phương pháp đều do tâm trí tạo ra, cho nên chúng không thể dẫn bạn đi ra ngoài tâm trí được. Cái do tâm trí tạo ra không thể dẫn bạn đi ra ngoài nó được. Để đi ra ngoài nó bạn sẽ phải bỏ đi tất cả những cái mà tâm trí đã tạo ra. Các phương pháp cũng do tâm trí tạo ra: Yoga, Mật tông, Mật hình, Mật chú - tất cả các phương pháp đều do tâm trí, tưởng tượng tạo ra... việc tưởng tượng hay, những giấc mơ dịu ngọt, giấc mơ vàng, và tất nhiên, chúng do chư phật tạo ra.
Để đem bạn ra khỏi thân thể mình, cần dùng tới tâm trí. Cho nên có vài kĩ thuật để đem bạn ra khỏi sự đồng nhất với thân thể. Thế rồi, để đem bạn tới chính biên giới của tâm trí, có các phương pháp khác, những cái đem bạn tới chính bờ nơi tâm trí chấm dứt. Thế rồi bạn phải nhảy ra khỏi tâm trí - tất nhiên, bằng việc nhảy ra khỏi mọi phương pháp.
Ta coi các phương pháp cứu rỗi đa dạng do chư phật dạy như kho báu do trí tưởng tượng của họ tạo ra. Ta coi học thuyết siêu việt của phật giáo như kim loại quí hay vải vô giá được thấy trong giấc mơ.
Phật nói: Ngay cả điều ta đang nói với các ông... có thể nó rất quí giá, nhưng nó là kim loại quí hay đá quí được thấy trong mơ.
Đó là điều tôi bao giờ cũng nói với các bạn: rằng chân lí không thể nào được thốt ra. Khoảnh khắc bạn thốt ra nó, nó trở thành dối trá. Chân lí không thể nào được nói ra. Khoảnh khắc bạn nói ra nó, nó gần như là một phần của giấc mơ bây giờ; không còn là chân lí nữa.
Thiền nhân phật giáo nói: Phật chưa bao giờ sinh, chưa từng bước đi trên đất, chưa bao giờ dạy một giáo huấn nào, chưa bao giờ điểm đạo cho bất kì ai thành sannyasin của ông ấy. Và dầu vậy họ cứ đi và tôn thờ Phật! Rinzai hay nói rằng điều đó có vẻ ngớ ngẩn.
Một triết gia đa nghi tới và ông ta nghe Rinzai nói rằng Phật chưa hề sinh. Và ngay đằng sau Rinzai là bức tượng lớn của Phật. Nhà tư tưởng chờ đợi, và Rinzai nói rằng Phật chưa bao giờ dạy điều gì cả; thực tế, ông ấy chưa bao giờ tồn tại, vậy làm sao ông ấy có thể dạy được? Và thế rồi, khi buổi thuyết giảng chấm dứt, Rinzai đi tới bức tượng, chạm chân và cúng dường vài đoá hoa. Nhà tư tưởng đa nghi nói, 'Đợi đã! Bây giờ, có giới hạn cho mọi điều chứ. Thế này thì quá lắm! Ông nói con người này chưa bao giờ bước đi trên đất; ông nói ông ta chưa bao giờ dạy; ông nói thực tế là ông ta chưa bao giờ có đó cả. Và bây giờ, ông đang chạm chân ai vậy? Ông đang chạm chân ai và những hoa này đang được cúng dường cho ai?'
Và Rinzai cười và ông ấy nói, 'Ta đang cúng dường những hoa này cho con người này bởi vì ông ấy đã dạy và dầu vậy ông ấy vẫn nói, 'Ta chưa dạy gì cho ông cả.' Ông ấy đã được sinh ra và vậy mà ông ấy nói, 'Cái được sinh ra là ở bên ngoài việc sinh và tử.' Ông ấy đã bước đi trên trái đất nhưng dầu vậy sâu bên trong ông ấy vẫn còn bất động; ông ấy chưa bao giờ bước đi. Bánh xe chuyển động; trục xe vẫn còn ở tại chỗ của nó, được định tâm.'
Giáo huấn của Phật cực kì mâu thuẫn. Trước hết ông ấy dạy bạn, 'Làm cái này, làm cái nọ,' và thế rồi ông ấy bỗng nhiên nói, 'Vứt tất cả đi. Bây giờ biên giới của tâm trí đã tới. Bây giờ vứt giấc mơ cuối cùng này đi nữa.'
Ta coi giáo huấn của chư phật như hoa trời trước mắt ta.
Bạn có đôi khi quan sát, ngồi bên bãi biển, trên bờ biển không? - nhìn lên trời và bạn sẽ thấy hoa di chuyển trên trời. Bây giờ các nhà khoa học nói chúng là ion. Hay nếu bạn hỏi Wilhelm Reich, ông ấy nói rằng chúng là các hạt năng lượng orgone. Nếu bạn hỏi chuyên gia mắt, họ nói rằng chẳng có gì cả; chỉ chuyển động bên trong thần kinh mắt bạn tạo ra ảo tưởng về cái gì đó trên bầu trời. Bạn có thể ép mắt mình bằng ngón tay và thế rồi bạn có thể thấy những hoa đó nhiều hơn. Những điều này được gọi là hoa trời - chúng không tồn tại, nhưng bạn có thể thấy được chúng. Và nếu bạn di chuyển mắt chúng sẽ đi xuống và chúng sẽ đi lên; bạn có thể chơi với chúng như trò chơi yoyo. Nhưng chúng không có, chúng không tồn tại.
Phật nói:
Ta coi giáo huấn của chư phật như hoa trời trước mắt ta.
Tất cả các giáo huấn đều vô nghĩa. Chân lí không thể được dạy, nó chỉ có thể được nhận ra. Không có cách nào để dạy nó. Bằng việc dạy bạn có thể truyền từ ngữ, học thuyết, đức tin; chân lí không bao giờ được truyền trao theo cách đó. Nhưng ở cùng với vị phật, bạn có thể nhận ra nó... nó mang tính tiêm nhiễm. Do đó mới có giá trị của satsang: ở cùng vị phật, ở cùng với thầy, ở cùng với người đã trở nên chứng ngộ.
'Trở nên được chứng ngộ', điều đó nghĩa là gì? Phật nói nó đơn giản ngụ ý,
Ta coi niết bàn như việc thức tỉnh khỏi giấc mơ ngày hay cơn ác mộng.
Ông ấy nói bạn đang sống trong giấc mơ: mơ của tham vọng, ham muốn, cả nghìn lẻ một kiểu tham lam, giận dữ, thèm khát, đam mê. Bạn sống trong mơ, niết bàn, chứng ngộ đều không là gì ngoài việc bước ra khỏi giấc mơ này, trở nên thức tỉnh. Không có gì huyền bí trong nó cả, không có gì bí truyền trong nó. Phật không có bí truyền trong giáo huấn của mình; ông ấy rất đơn giản. Ông ấy nói: Đây là tất cả - người đang sống trong thế giới, phàm nhân, người 'luân hồi', là trong mơ - có vậy thôi; và Phật là người đã bước ra khỏi mơ này. Khác biệt không phải trong tâm thức của họ, khác biệt chỉ là ở chỗ phàm nhân có cái gì đó nhiều hơn Phật. Phật chỉ có nhận biết; phàm nhân có cái gì đó nhiều hơn Phật. Phật chỉ có nhận biết; phàm nhân có nhận biết cộng với mơ. Và bởi vì những mơ đó, nhận biết trở nên bị che mù - cứ dường như mặt trời bị mây che và bạn không thể thấy được. Mây biến mất và mặt trời có đó. Nhưng khi có liên quan tới ánh sáng bên trong, thì không có khác biệt giữa vị phật và người dốt nát. Họ được làm từ cùng chất liệu.
Ta coi cuộc tranh đấu giữa không chính thống và chính thống như trò hề của sáu con rồng [huyền thoại].
Và Phật nói điều đó tất cả là vô nghĩa - truyền thống và phi truyền thống, chính thống và không chính thống, hữu thần và vô thần, và cả nghìn lẻ một kiểu triết lí và hệ thống đánh nhau, tranh biện, chứng minh, bác bỏ. Ông ấy nói đấy chỉ là trò chơi, trò chơi tâm trí, hoang đường. Nó không có nghĩa gì cả. Đừng quá bị dính líu với các lí thuyết và học thuyết; chúng là một phần của giấc mơ. Thoát ra khỏi trạng thái mơ đi, trở nên nhận biết hơn.
Ta coi học thuyết về tính hệt nhau như nền tảng tuyệt đối của thực tại.
Đây là khẳng định tối thượng của ông ấy; suy ngẫm về nó đi.
Ta coi học thuyết về tính hệt nhau như nền tảng tuyệt đối của thực tại.
Phật nói: Mọi sự đều không khác nhau, chúng là một; chúng chỉ trông có vẻ khác thôi, chúng chỉ dường như khác thôi. Cây đó, và tảng đá, và bạn, và con vật và các vì sao, đều không khác nhau. Tại cốt lõi bên trong nhất, thực tại là một và như nhau. Chất liệu là một và như nhau, không có phân biệt. Phân biệt là mơ.
Các nhà vật lí gọi thực tại một đó là 'điện' hay 'năng lượng'. Người duy vật, mác xít, cộng sản, gọi thực tại đó là 'vật chất'. Người duy tâm gọi thực tại đó là 'tâm'. Người yoga gọi thực tại đó là 'tâm thức'. Phật gọi thực tại đó là 'tính không'.
Bây giờ, từ này 'tính không' là rất quan trọng. 'Tính không' nghĩa là: tính không có vật gì. Không vật nào hiện hữu. Mọi vật đều chỉ là hình dạng, mơ. Chúng ta khác nhau chỉ ở hình dạng, và hình dạng chỉ là mơ. Cứ dường như là từ vàng bạn có thể làm ra nhiều loại đồ trang sức. Những hình dạng đó, những đồ trang sức khác nhau, chỉ là mơ, bởi vì vàng là thực tại. Đằng sau tất cả những hình dạng đó là vàng; đằng sau tất cả những hình dạng là thực tại một. Phật nói: Cái hệt nhau đó là nền tảng tuyệt đối của thực tại.
Nếu bạn đi vào trong, bạn bỏ lại hình dạng. Đầu tiên bạn bỏ lại hình dạng của thân thể. Bạn có quan sát điều đó không? - những người ở gần tôi và thiền, cứ tới mãi với sáng suốt đó - và những lời này chỉ có thể được hiểu nếu bạn có sáng suốt đó của riêng mình. Bằng không, không thể nào hiểu nổi chúng. Khi bạn đang thiền, nhiều lần điều xảy ra là bạn quên mất hình dạng của mình, thân thể mình; bạn không biết mình là ai và bạn trông thế nào. Bạn quên mất khuôn mặt của mình. Thực tế, trong thiền sâu, bạn hoàn toàn trở nên quên lãng thân thể mình. Khi bạn nhắm mắt, bạn vô hình dạng. Tâm trí bạn cũng có hình dạng đấy. Bạn là người Hindu giáo, Ki tô giáo, Mô ha mét giáo, Jaina giáo, Phật giáo; thế thì bạn có hình dạng của tâm trí: bạn nghĩ dưới dạng của người Ki tô giáo, bạn có sự đồng nhất nào đó, giáo điều xác định bạn. Nhưng nếu bạn đi sâu hơn, tâm trí cũng biến mất. Thế thì bạn không còn là người Ki tô giáo nữa.
Tại cốt lõi sâu nhất bạn không là thân thể lẫn tâm trí. Thế thì bạn là gì?
Phật nói: Tính không, cái không có gì: bây giờ bạn không là một vật, bây giờ bạn mang tính vũ trụ. Bây giờ bạn không bị giới hạn trong bất kì ý tưởng nào, bạn là vô hạn. Bạn là cái mà bao giờ cũng có đó và bao giờ cũng sẽ còn lại. Bạn là vĩnh hằng. Thế thì không có sinh cho bạn và không có chết cho bạn. Bạn giống như bầu trời: mây tới và đi, bầu trời vẫn còn không bị chúng động tới. Hàng triệu lần mây đã tới và đã đi, và bầu trời vẫn còn thuần khiết và trinh nguyên. Nó đã không bị biến chất hay ô nhiễm bởi chúng. Bạn là bầu trời bên trong. Và khi tất cả hình dạng biến mất, cái bên trong và cái bên ngoài cũng biến mất - bởi vì chúng cũng là hình dạng. Thế thì không có gì bên trong và không có gì bên ngoài cả... tính một, tính hệt nhau.
Phật không gọi nó là 'Thượng đế' - bởi vì gọi nó là 'Thượng đế' bạn có thể bắt đầu lại nghĩ về hình dạng. Nhưng điều đó đích xác là điều mà từ 'Thượng đế' hàm ý, hay đáng phải hàm ý - Thượng đế là tính hệt như, cái tồn tại trong tất cả. 'Thượng đế' nghĩa là sự tồn tại, sự hiện hữu. Cây cối hiện hữu, tảng đá hiện hữu, mây hiện hữu, con người hiện hữu - hình dạng là khác nhau nhưng tính hiện hữu là như nhau. Khi có liên quan tới tính hiện hữu, cây cối và bạn là như nhau. Hình dạng là khác: cây cối mầu lục còn bạn không mầu lục, và cây cối có hoa còn bạn không có hoa nào, và chim chóc có thể bay trong bầu trời còn bạn không thể bay được; nhưng đây là những khác biệt về hình dạng. Nhưng tính hiện hữu là như nhau. Việc nhìn vào tính hiện hữu đó chính là điều thiền tất cả là gì. Và đi tới nhận ra tính hiện hữu đó là niết bàn.
Đây là thông điệp cuối cùng, lời kinh cuối cùng của Kinh Bốn mươi hai chương này. Đây là lời kinh thứ bốn mươi hai, thông điệp tối thượng của Phật. Tôi không nghĩ bạn sẽ có khả năng hiểu được nó ngay bây giờ. Về mặt trí tuệ thì tất nhiên bạn có thể hiểu được nó, nhưng việc hiểu thực thì phải mang tính tồn tại. Điều đó sẽ tới chỉ khi bạn tuân theo con đường của kỉ luật bên trong tới điểm mà bạn có thể vứt bỏ nó. Nếu bạn đi theo con đường của thiền tới điểm mà ngay cả việc thiền cũng trở thành cản trở, và bạn vứt nó đi... Cũng dường như là bạn đi trên chiếc cầu thang từ tầng này sang tầng khác, nhưng khi bạn đã lên tới tầng tiếp rồi thì bạn rời khỏi cầu thang đó. Bạn không bám lấy nó. Mọi phương pháp đều là cầu thang thôi - hay theo thuật ngữ của Phật: Mọi phương pháp đều giống như con thuyền; bạn qua sông, thế rồi bạn bỏ lại con thuyền, và bạn quên hết về nó.
Phương pháp phải được dùng và thế rồi bị vứt bỏ. Điều đó phải được ghi nhớ từ chính lúc ban đầu - bởi vì có mọi khả năng là bạn có thể trở nên quá bị gắn bó với phương pháp. Bạn trở nên gắn bó tới mức phương pháp trở thành sự níu bám: bạn bắt đầu sở hữu nó và nó bắt đầu sở hữu bạn. Thế thì thuốc đã trở thành bệnh.
Chuyện xảy ra: bạn ốm, bạn uống thuốc. Thế rồi ốm hết đi nhưng bạn không thể bỏ thuốc bây giờ được. Bạn đã trở nên quen với thuốc, quen với dược phẩm. Khi bệnh tật đã hết, vứt thuốc đi ngay.
Thiền là thuốc - bởi vì bạn ốm nên bạn phải dùng nó. Khi mạnh khỏe đã tới, thế thì vứt nó đi ngay lập tức.
Mọi phương cách đều phải bị vứt bỏ một ngày nào đó, và tất cả các kinh sách phải bị vứt bỏ một ngày nào đó. Đây là vĩ đại của Phật: rằng ông ấy nói rằng ngay cả giáo huấn của ông ấy, phương pháp của ông ấy, cũng phải bị vứt bỏ.
Khi Zarathustra nói lời tạm biệt với đệ tử của mình, điều cuối cùng mà ông ấy nói với các đệ tử phải được ghi nhớ. Giữ điều đó trong tim bạn. Đây là điều Phật đang nói trong lời kinh cuối cùng. Zarathustra đã nói với các đệ tử của mình, 'Bây giờ ta sắp đi và đây là thông điệp cuối cùng của ta: cẩn thận với Zarathustra!' Và ông ấy đi.
Cẩn thận với Zarathustra? Cẩn thận với thầy... bởi vì bạn có thể rơi vào tình yêu quá nhiều. Bạn có thể trở nên bị gắn bó quá nhiều. Thầy thực là người giúp bạn rơi vào tình yêu, và thế rồi giúp bạn đứng theo cách riêng của mình để cho bạn có thể rời bỏ thầy. Thầy thực không bao giờ trở thành cái nạng cho bạn. Không bao giờ! Trước khi thầy thấy rằng bạn đang níu bám quá nhiều, thầy bắt đầu thoát ra khỏi cuộc sống của bạn - bởi vì mục đích tối thượng là tự do - tự do khỏi mọi cái nạng, tự do khỏi mọi sự ủng hộ, tự do khỏi mọi kỉ luật, học thuyết, phương pháp. Tự do khỏi tất cả: đó là mục đích.
Bao giờ cũng nhớ mục đích đó. Việc nhớ tới mục đích đó sẽ giúp bạn không đi lạc lối.
Một câu chuyện nhỏ và tôi sẽ chấm dứt bài nói này. Nó là câu chuyện của Hasid giáo: Ba tù nhân.
Sau cái chết của Giáo sĩ Uri ở Istalisk, người được gọi là 'Thiên thần tối cao', một trong những người của Hasid giáo tới Giáo sĩ Birnham và muốn trở thành đệ tử của ông ta. Giáo sĩ Birnham hỏi, 'cách thầy giáo ông dạy cho ông phục vụ là gì?'
'Cách của thầy,' người Hasid nói, 'là gieo trồng nhân tính trong trái tim chúng ta. Đó là lí do tại sao mọi người tới thầy, dù người đó là quí tộc hay học giả, trước hết cũng đều phải rót nước giếng đầy hai túi lớn ở bãi chợ, hay làm lao động tạp dịch vất vả trên phố.'
Giáo sĩ Birnham nói, 'Ta sẽ kể cho ông một câu chuyện...
'Ba người, hai trong số họ là người khôn ngoan và một người ngu xuẩn, có lần bị nhốt vào một nhà ngục tối như đêm, và mọi ngày thức ăn và đồ đựng thức ăn được thả xuống cho họ. Bóng tối và khổ sở của tù đầy đã cướp đi chút ít tri giác cuối cùng của người ngu, cho nên anh ta không biết cách dùng đồ đựng thức ăn; anh ta không thể thấy được. Một trong các bạn đồng cảnh chỉ cho anh ta, nhưng ngày hôm sau anh lại quên mất. Và do vậy người bạn đồng cảnh khôn ngoan phải dạy anh ta liên tục. Nhưng người tù thứ ba ngồi im lặng và chẳng bận tâm tới người ngu.
'Một lần người tù thứ hai hỏi người đó tại sao không bao giờ ra giúp đỡ. 'Trông đấy,' người kia nói, 'ông nhận rắc rối vô hạn và vậy mà ông chẳng bao giờ đạt tới mục đích bởi vì mọi ngày đều phá huỷ công việc của ông. Nhưng ta, ngồi đây, cũng không chỉ ngồi đâu. Ta đang cố gắng khoan soi một lỗ trên tường để cho ánh sáng và mặt trời có thể lọt vào, và cả ba chúng ta có thể thấy mọi thứ.' '
Bây giờ, có hai kiểu thầy trên thế giới. Kiểu thứ nhất tôi gọi là thầy giáo. Ông ta dạy bạn mọi thứ: kỉ luật, đức hạnh, tính cách, nhưng ngày hôm sau bạn quên tiệt. Ông ta lại dạy bạn cùng điều đó, và ngày hôm sau bạn lại quên. Loại thứ hai tôi gọi là thầy. Ông ấy không dạy bạn đức hạnh, ông ấy không dạy bạn tính cách, ông ấy không dạy bạn khiêm tốn thông thường, khiêm nhường, nghèo nàn - không. Ông ấy khoan một lỗ vào trong bản thể bạn để cho ánh sáng có thể xuyên thấu vào, và bạn có thể thấy bản thân mình. Ông ấy cố gắng làm cho bạn nhận biết, đầy ánh sáng. Đó mới là thầy thực. Ở phương Đông chúng ta gọi ông ấy là satguru, thầy đúng. Thầy giáo thì có nhiều; satgurus ít lắm và xa xăm ở giữa. Nhớ lấy phân biệt này.
Nếu bạn ở cùng thầy giáo bạn có thể trở thành người tốt, nhưng bạn không thể trở nên chứng ngộ được. Và cái tốt của bạn bao giờ cũng sẽ vẫn còn trên núi lửa; nó có thể bùng phát vào bất kì lúc nào. Nếu bạn ở cùng thầy giáo, ông ấy sẽ dạy bạn những thứ bên ngoài - cách tạo kỉ luật cho bản thân bạn, cách để là người tốt, cách là người phục vụ, cách phục vụ mọi người, cách không bạo hành, cách để đáng yêu, tốt bụng, từ bi. Ông ấy sẽ dạy bạn cả nghìn lẻ một thứ.
Nếu bạn đi tới thầy, thầy dạy bạn chỉ một điều thôi - đó là: cách trở nên nhận biết, cách khoan một lỗ vào trong bản thể bạn để cho ánh sáng có thể đi vào trong tù đày của bạn. Và trong ánh sáng đó, mọi thứ bắt đầu xảy ra theo cách riêng của nó.
Và khi mọi sự xảy ra theo cách riêng của nó, chúng có cái đẹp của chúng. Thế thì có phúc lành lớn lao.
Nhận xét
Đăng nhận xét